Người ta không biết được thánh LEO sinh ra ngày nào và cả nơi sinh của Ngài cũng không được biết chắc. Có lẽ Ngài là người Roma. Chúng ta chỉ biết được rằng: Ngài là một phó tế góp phần cai quản dưới hai triều Giáo hoàng Cêlestinô I và Sixtô III và được bầu làm giáo hoàng năm 440. Được chọn làm giám mục Roma, phải đợi 40 ngày sau Ngài mới được trở về. Trước trách nhiệm chất đầy, Ngài đã sợ:
- Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con ?
Và Ngài tiếp:
- Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.
Công cuộc Ngài làm thật lớn lao và đa diện khó có thể tóm kết lại được mà không bất công. Dầu vậy, có thể nói công cuộc này qui về 4 hình thái chính: kiểm soát lạc giáo bên Tây phương, can thiệp về giáo thuyết quan trọng bên Đông phương, bảo vệ Roma khỏi cuộc tấn công của dân rợ và những nỗ lực của một mục tử và một nhà giáo dục.
Thánh Lêô đã phải có biện pháp đối với không dưới ba lạc giáo. Không còn dễ dãi cho những người theo Pêlagiô được hiệp thông nữa và đòi phải công khai tuyên xưng đức tin trước khi được nhận là phần tử đầy đủ của Giáo hội. Những người trốn thoát cuộc tấn công của Valda Phi Châu đã mang thuyết Manichêô đến Roma. Thánh Lêô thấy rằng: cộng đoàn bí mật này phải được công khai đưa ra ánh sáng. Ngài cũng nhiệt liệt ủng hộ các giám mục Tây Ban Nha và Phi Châu chống lại thuyết Priscillanô, những cuộc tranh luận về giáo thuyết tại Giáo hội bên Đông phương liên quan tới chính bản tính của Chúa. Hai nhà tiền phong của cuộc tranh luận là Eutiches, một tu viện trưởng ở Constantinople và thánh Plavianê, thượng phụ giáo chủ Constantinople là người trong cuộc chiến đã bị những người theo Eutiches hành hạ cho đến chết. Năm 451, một cộng đồng qui tụ trên 600 giám mục về Chalcedonia. Thánh Lêô đã viết lá thư danh tiếng gởi Plavianô, trình bày giáo thuyết về ngôi vị và bản tính của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã đặt bức thư này trên mộ thánh Phêrô, vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo hội và ăn chay cầu nguyện suốt 40 ngày. Bức thư được đọc tại công đồng và đã được nhận như một bản tuyên xưng đức tin. Quyền tối thượng của Đức giáo hoàng tỏ hiện khi giám mục đồng thanh kêu lớn:
- Chính thánh Phêrô đã nói qua Lêô .
Như thế đứng đầu các giám mục không mấy quan tâm tới quyền tối thượng của Roma. Ngài đã cất giữ được sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã viết:
“Đức tin của Phêrô đã được chính Thiên Chúa mặc cho sự kiện vững không thể lay chuyển nổi. Dù cho sự cúng lòng của các lạc giáo hay sư man rợ của lương dân cũng sẽ không bao giờ đảo lộn được đức tin này”.
Trong số các quyết định, Ngài đã tạo được sự đồng ý giữa Đông Tây cử hành lễ phục sinh vào cùng một ngày ở khắp nơi.
Một cuộc chiến khác chờ đón Đức Giáo hoàng Attila và rợ Hung Nô võ trang hùng hậu, gieo rắc những khủng khiếp chiến tranh và tàn phá. Người ta nói rằng: những người man di này khi sinh ra là mẹ họ nghiền mặt đi cho hợp với nón sắt, và chính họ xẻ má cho râu hết mọc nổi. Họ thờ thanh gươm khắc sâu vào bàn thờ, tưới máu các tù nhân trên đó và làm một thiết đồ bằng đầu các địch thủ. Năm 452, họ đổ vào miền Bắc Italia gieo rắc tàn phá trên đường tiến quân. Không một đoàn quân nào có sức bảo vệ Roma. Các tướng lãnh và hoàng đế Valentinô III run sợ chỉ biết đặt niềm tin tưởng vào Đức giáo hoàng, Thánh Lêô sau 3 ngày cầu nguyện chay tịnh đã ra đón người gieo vãi kinh sợ trên thế gian. Và điều gì đã xảy ra ? Người ta có thể tưởng tượng được một Attila hùng hổ với đoàn quân đông đảo đối diện với người cha chung của các Kitô hữu mặc phẩm phục giáo hoàng và chỉ có tình yêu trong lòng làm khí giới. Attila tiến đến Roma với những dự tính đẫm máu, nhưng Đức Lêô đã đổi lòng hắn. Vương quốc được bình an với lễ vật triều cống hàng năm. dân Hung Nô trở lại Pannonnia. Đức Giáo hoàng nói với nhà vua:
- Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tai họa khủng khiếp.
Đối với dân chúng vui mừng sung sướng, Ngài truyền cho họ phải cảm tạ Chúa.
Nhưng lòng nhiệt thành và biết ơn ban đầu đã không tồn tại được lâu. Dân chúng vô ơn và sa đọa, khi nỗi sợ qua rồi họ quên rằng lòng thương xót họ đã cứu vương quốc và họ lao mình vào các cuộc chơi bời phóng đãng. Cả đến nhà vua Valentinô cũng làm gương xấu cho dân chúng. Những lời trách cứ của đức giáo hoàng không được đến xiả tới. Và ba năm sau, những rợ Vandales dưới quyền vua Ghenséric kéo quân tới. Các nhân vật lớn chạy trốn, cửa thành bỏ ngõ và Đức giáo hoàng một mình ở lại với dân Roma. Ngài một lần nữa ra đón quân xâm lăng. Lần này họ ít bị khắc phục hơn lần trước. Dầu vậy, ảnh hưởng của thánh Lêô cũng đáng đủ để kiềm chế bớt cuộc chém giết và sự tàn phá, các nhà thờ được tôn trọng. Trái với lời hứa hẹn, nhiều dân thành vẫn bị bắt. Đức giáo hoàng đã chuyển đồ cứu tế cho họ, sai các linh mục tới nâng đỡ họ và còn mua chuộc lại một số lớn các tù nhân.
Những năm cuối đời Ngài dành sửa sang lại các tai họa do các cuộc xâm lăng gây nên, xây dựng lại các tu viện mà với cảm quan về nghệ thuật, Ngài đã làm giàu thêm bao nhiêu là họa phẩm. Ngài để lai nhiều bài giảng, nhiều thư từ rất quan trọng, ngày nay chúng ta còn đọc được.
Thánh Lêô từ trần năm 461. Ngài xứng đáng được mệnh danh là người đầu tiên được chôn cất trong đại vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đức giáo hoàng Sergiô I ghi trên bia mộ của Ngài: “Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên”.
Đây là lời thánh Lêô để lại:
- “Các con được thấm nhập vào Chúa”. - “ Trong tâm hồn mỗi tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục”. - “Nước Trời không đến với những người ngủ mê. Năm 1754, Ngài được tôn phong lên bậc thánh tiến sĩ trong Giáo hội.
Thánh Lêô Cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phó tế của giáo đoàn Rôma. Chức vụ phó tế lúc đó là chức vụ rất quan trọng vì người giữ chức vụ đó giữ vai trò đại diện cho Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính...
Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.
Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các tệ nạn đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài luôn để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khỏi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại con đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.
Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.
2. BÀI HỌC
Có lẽ bài học rõ ràng nhất về cuộc đời vị Giáo Hoàng đặc biệt này là uy quyền và lòng can đảm trong công việc bảo vệ và canh tân Hội Thánh cũng như khi phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống của mọi người.
Một trong những việc đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của Đức Lêô Cả Giáo Hoàng là hoàn cảnh lúc ngài mới nhận nhiệm vụ coi sóc và hướng dẫn Hội Thánh. Hồi đó Giáo Hội và đế quốc Rôma phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng là nguy cơ dân man di xâm lăng Rôma và sự đe dọa phá hoại niềm tin của lạc giáo Nestoriô và Eutyches. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, vị tân Giáo Hoàng đã can đảm đương đầu với những thế lực đen tối kia.
Công việc đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ngài là điều chỉnh lại những sai lầm về đức tin và phong hoá trong Giáo Hội, nhất là bảo vệ niềm tin tinh tuyền của Hội Thánh khỏi bị lầm lạc. Bởi lẽ lạc giáo Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính khỏi thần tính Chúa Kitô và chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị. Ngài đã rút phép thông công những người cố chấp theo lạc giáo đồng truyền đốt hết các sách vở lạc giáo.
Để chấm dứt những sai lạc do các bè rối gây ra, đức Lêô Cả đã triệu tập một công đồng chung tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các Hoàng đế, công đồng đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy ngài không đích thân đến chủ tọa, nhưng đã cử đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài viết gởi Phavianô được tất cả các Đức Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngữ và tư tưởng thần học trong bức thông điệp đều được dùng làm nền tảng cho những nghị quyết về tín lý của Công đồng.
Điểm tiếp theo là ngài để tâm chăm sóc đặc biệt đến hàng giáo phẩm, cấm các giáo sĩ không được tham gia các chức vụ phần đời. Chính ngài đã ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ hãy cố gắng sống đời sống thánh thiện gương mẫu xứng với chức vụ của mình. Ngài lưu ý các linh mục và các Giám mục phải thận trọng trong việc tuyển chọn những người có tư cách xứng đáng để lãnh nhận các chức vụ thánh vì nếu không sẽ gây thiệt hại cho Giáo Hội và quốc gia.
Cuối cùng một sự kiện lịch sử mà người ta không thể không nói tới. Tháng 8 năm 452 Áttila một lãnh chúa oai hùng của người Hung mà vó ngựa của ông đã dày xéo khắp Á Châu, nay lại muốn dày xéo cả Âu Châu. Áttila đem đoàn quân kỵ mã tiến về Rôma. Cả kinh thành run sợ khiếp vía. Nhưng chính lúc đó, Thiên Chúa, qua vị đại diện của Ngài là đức Lêô I đã làm một việc khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc.
Trước đó, đức Lêô I đã hiệu triệu Rôma và toàn thế giới Công giáo cầu nguyện và hy sinh một tuần. Hàng vạn kỵ binh quân Hung do Áttila cầm đầu rầm rộ tiến về hướng Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô để quan sát tình hình. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Lêô I với trang phục đại trào dẫn đầu một đoàn rước đông đảo tiến về phía bờ sông. Theo sau ngài có một đoàn các Giám mục, Linh mục, tu sĩ mặc lễ phục hay tu phục vừa đi vừa hát thánh ca, thánh vịnh. Khi hai biển người giáp mặt đối diện với nhau ở hai bên bờ sông Minsiô thì người ta nhận thấy có một sự tương phản hết sức rõ rệt: Một bên là bừng bừng sát khí, bên kia là hiền hoà khả ái; một bên là hận thù ghen ghét, bên kia là tha thứ yêu thương. Tiếng ngựa hí xen lẫn tiếng lẻng kẻng của võ khí không lấn át tiếng hát lời Kinh.
Lãnh Chúa Áttila ngồi bất động trên lưng ngựa, ra chiều suy nghĩ. Tiếng hát huyền diệu và lời Kinh đã nâng lòng ông lên chăng? Hay một sức linh thiêng nào đó đã cuốn hút ông đưa ông trở về cái cốt lõi của con người là lòng nhân ái. Thế rồi ông giơ cao thanh kiếm ra lệnh rút quân trong thinh lặng. Đoàn con Chúa trở về trong tiếng hát mà không phải đổ một giọt máu nào. Tạ ơn Chúa vô cùng.
Sau cuộc chiến thắng vẻ vang không đổ một giọt máu, đức Lêô khải hoàn vào thành giữa tiếng hoan hô của muôn người.
Sau gần 21 năm cai trị Giáo Hội trên toà thánh Phêrô, công lao của đức Lêô đối với Giáo Hội thật đáng kể. Ngày 11 tháng tư năm 461 ngài êm ái từ trần trong tay Chúa để lại bao mến thương cho toàn thể Giáo Hội nói chung và dân tộc Italia nói riêng. Xác ngài được an táng tại đại giáo đường thánh Phêrô. Lịch sử đã gọi ngài là Lêô Cả vì quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng vĩ đại của lịch sử Hội Thánh.
Hôm nay phụng vụ Giáo hội kính nhớ thánh Lêô Cả, một trong những vị giáo hoàng vĩ đại trong lịch sử của Giáo hội.
Sử liệu ghi lại rằng, vào tháng 8 năm 452, vó ngựa lãnh chúa Attila cùng đoàn quân Hung Nô dày xéo khắp châu Âu, cả kinh thành Rôma run sợ khiếp vía. Sau ba năm chiếm đóng và cai trị thành phố Aquila, lãnh chúa Attila dẫn quân Hung Nô rầm rộ xâm lấn Rôma và dừng lại bên bờ sông Minsiô. Trong tình cảnh đó, đức giáo hoàng Lêô kêu gọi cả thế giới hy sinh cầu nguyện cho Giáo hội. Ngài cùng với các tín hữu xếp thành một đoàn tiến ra phía bờ sông. Theo sau ngài còn có các giám mục, linh mục và tu sĩ, họ vừa đi vừa hát thánh ca và thánh vịnh. Khi hai bên tiến sát gần nhau, lãnh chúa Attila vẫn ngồi bất động trên ngựa. Những lời thánh ca thánh vịnh vang lên tác động đến tâm hồn, ông cảm thấy như có một sức mạnh dập tắt lửa hận thù khiến ông buông kiếm dừng tay. Đức giáo hoàng Lêô thân hành đến gặp lãnh chúa thương lượng đề nghị ông rút quân khỏi Rôma. Lãnh chúa đã ra lệnh rút quân một cách nhẹ nhàng, trả lại sự bình an cho giáo hoàng và đoàn dân Chúa.
Thánh g iáo hoàng Lêô Cả lãnh đạo Giáo hội trong khoảng 21 năm, từ năm 440 đến năm 461. Ngài là vị giáo hoàng có cách ứng xử khôn ngoan và kiên định, nhất là với nhóm lạc giáo của Eutyches. Phái này phủ nhận nhân tính của Con Thiên Chúa. Họ cho rằng trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu chỉ là một con người hoặc Con Thiên Chúa chỉ mang lấy hình dáng bên ngoài chứ không phải là con người thật. Trong khi đó, Giáo hội luôn xác tín rằng: Con Thiên Chúa có hai bản tính, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Trước sự sai lạc đó, ngài đã rút phép thông công những ai cố chấp đi theo lạc giáo, đồng thời truyền đốt hết các sách vở có liên quan đến lạc giáo. Để chấm dứt tình trạng rối ren này, vào năm 451 ngài đã cho triệu tập công đồng chung tại Calxeđônia với sự tham dự của 350 giám mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn của ngài với các hoàng đế, công đồng đã đạt được kết quả tốt đẹp. Cùng với các nghị phụ, đức giáo hoàng đã khẳng định cách chắc chắn về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Có thể nói, đức giáo hoàng Lêô đã lặp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô năm xưa rằng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Khi lãnh đạo Giáo hội, giáo hoàng Lêô là người sống hết mình cho đoàn chiên, ngài không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hàng ngày, luôn phải ý thức mình “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1Pr 2,9). Đức Lêô biết cách sống gần gũi với dân chúng. Ngài đã khơi dậy lòng bác ái giữa cộng đoàn Rôma đang phải chịu cảnh đói kém và bất công xã hội. Ngài cũng loại bỏ những hành vi mê tín dị đoan của dân ngoại và chống lại hành động của nhóm Manikê.
Ngài còn đặc biệt chăm lo đến hàng giáo phẩm, ngài khuyên các giáo sĩ sống thánh thiện gương mẫu và không được tham gia vào các chức vụ trong xã hội. Trước những thế lực trần gian, ngài luôn lo lắng cho vận mệnh của Giáo hội. Ngài đã để lại hàng trăm bài giảng khúc triết bằng tiếng La Tinh để bênh vực Giáo hội, khoảng 150 lá thư khuyên nhủ các tín hữu giữ vững đức tin, biết kết hợp giữa đời sống cầu nguyện và thực hành bác ái. Qua đó, thể hiện ngài là vị giáo hoàng vĩ đại, yêu mến chuyên chăm thực hành Lời Chúa và hết lòng bảo vệ chân lý. Ngài vừa là mục tử vừa là nhà thần học đã củng cố địa vị trổi vượt của tòa Rôma.
Đức Giáo hoàng Lêô qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 461 và được an nghỉ gần mộ thánh Phêrô. Hiện nay, thánh tích của ngài được lưu giữ trong một bàn thờ ở Vương cung Thánh đường Vatican. Đức Bênêđíctô XIV đã tuyên phong ngài là “Tiến sĩ Hội Thánh”.
Lạy Chúa, Chúa đã cho Giáo hội vị giáo hoàng khôn ngoan và khiêm tốn, để ngài lãnh đạo đoàn tín hữu thoát khỏi những lạc giáo sai lầm. Noi gương thánh giáo hoàng Lêô Cả, xin cho mỗi người chúng con ý thức sứ vụ rao truyền chân lý đức tin cho những người chưa biết Chúa, biết làm triển nở hoa trái đức tin trong đời sống, để ngày càng có thêm nhiều người tin nhận và yêu mến danh thánh Chúa. Amen.