"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".
Lời Chúa: Ga 15, 12-17
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.
Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con.
Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau. Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo. Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền. Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12). Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như. Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau, khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ: “Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13). Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu. Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng. Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó. Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó. “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9). Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu, và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ. Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy, qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau. Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp. Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò, mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14). Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư. Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm, và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15). Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở. Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ. Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau. Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau. Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực, các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14). Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau. Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu. Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau. Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác, như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng… Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói. Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35). Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn, có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác, có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội. Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen. --------------------------------
Đơn sơ, rõ ràng và cụ thể. Đó là Lời Chúa. Là Luật Chúa. Là Luật Mới: Yêu Thương. Đơn sơ vì vắn gọn và tập trung vào một điểm. Rõ ràng vì ai cũng hiểu được và làm được. Cụ thể vì chính Chúa đã thực hành trước khi truyền dạy cho ta. Yêu thương nhưng phải yêu thương như Chúa yêu thương. Có 3 điểm.
Chúa nâng ta lên. “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Tôi tớ được nâng lên ngang hàng với chủ nhân. Môn sinh được nâng lên thành bạn hữu của Thầy. Ở mức cao nhất. Vì được cùng Thầy chia sẻ tâm tư tình cảm. Kể cả chương trình hành động.
Chúa chết vì ta. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã làm như vậy.
Chúa tuyển chọn và sai ta đi. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái”. Đó là tình bạn ở mức độ cao. Tin tưởng. Đồng hoá. Coi người bạn là đại diện cho mình. Cũng như Chúa Cha và Chúa Con là một.
Thật đáng mừng. Vì các môn đệ và các tín hữu đầu tiên đã thực hành Giới Luật Yêu Thương của Chúa. Đã coi nhau là bạn hữu. Kể cả người dân ngoại. “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết”. Đã hi sinh tính mạng cho nhau. “Ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”. Vì anh em mà chấp nhận hiểm nguy, kể cả hi sinh tính mạng. Đã tin tưởng, cắt đặt và sai đi. Cộng đoàn đặt tay sai Ba-na-ba và Phao-lô đi. “Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhát trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em”.
Các ngài đã thực hành Giới Răn Mới của Chúa. Vì thế cộng đoàn tràn đầy niềm vui: “họ vui mừng vì lời khích lệ đó”. Ta hãy Yêu Thương Như Chúa. Sẽ được niềm vui. Và đem niềm vui cho mọi người.
Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.
Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.
Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.
Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.
Cách đây không lâu, Soko Asara, thủ lãnh giáo phái “Chân lý tối thượng” đã bị bắt giữ vì can tội chủ mưu phóng hơi ngạt giết hại 11 người và làm bị thương trên 5.000 người trong một hệ thống đường ngầm tại Tokyo, Nhật Bản. Vị thủ lãnh giáo phái này thường xuất hiện trong một chiếc xe mầu trắng sang trọng. Mười ngàn tín hữu tại Nhật Bản và một số nước khác đã sụp lạy khi ông đi qua, họ uống cả nước tắm gội của ông. Tại một trung tâm của giáo phái nằm dưới chân núi Phú Sĩ vốn là biểu trưng của thanh bình, cảnh sát đã khám phá cả một kho vũ khí hóa học có khả năng sát hại hàng chục triệu người. Đó là sự thật mà cảnh sát Nhật đã nắm bắt được từ giáo phái vốn tự xưng là “Chân lý tối thượng”. Tựu trung, sát hại là khẩu hiệu hàng đầu do vị thủ lãnh giáo phái này truyền đi và được các tín đồ của ông răm rắp tuân theo.
Con người vốn khao khát đi tìm chân lý: nơi nào có người dấy lên tự xưng được giác ngộ và tìm thấy chân lý, nơi đó có những tín đồ chạy theo. Trong lịch sử nhân loại đã có biết bao người tự xưng là bậc thày như thế. Đã có những bậc thày xoa dịu được nỗi khổ đau của nhân loại, nhưng cũng không thiếu những bậc thầy mà sự xuất hiện chỉ là cơn ác mộng cho nhiều người.
Chúa Giêsu cũng xuất hiện như một bậc thày. Ngài cũng quy tụ một số môn đệ. Thế nhưng trong lịch sử nhân loại chưa từng có một bậc thày nào đã có cuộc sống và cung cách hành xử như Ngài, cũng như chưa từng có một bậc thày nào đã tự xưng mình là chân lý như Ngài; chân lý ấy được mạc khải qua cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài chính là tình yêu.
Tin mừng hôm nay cũng như bao trang Tin mừng khác bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc thày này. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật đã yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả nhất của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.
Cái chết của Chua Giêsu trên Thập giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng”. Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên CHúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.
Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.
Yêu và muốn được yêu chính là nhu cầu của con người. Nếu vắng bóng tình yêu, con người chỉ còn có cách đối xử với nhau như loài vật. Họ sẽ cắn xé nhau chỉ để đảm bảo việc sinh tồn mà thôi.
Thấy được tầm quan trọng của tình yêu giữa người với người, và cũng thấy được sự cao quý của tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Hơn thế nữa, cần phải làm cho bản chất của Thiên Chúa được thể hiện trong cuộc sống của người môn đệ, nên Đức Giêsu đã truyền và dạy cho các ông bài học yêu thương khi nói: “Anh em hãy thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”.
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn cho những ai tin và tiếp bước thì cũng được hòa vào và đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để được hạnh phúc. Đồng thời cũng cần sống và diễn tả tình yêu ấy cho người khác.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như một người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con hiểu cả! Nhưng sống điều mình hiểu thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Amen.
Sứ điệp: Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh là đỉnh cao chói sáng của tình yêu Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại. Nay Chúa mời gọi ta suy ngắm. Hãy cảm nghiệm tình yêu cao cả đó để hợp nhất yêu thương nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thuộc lòng mười điều răn, con hiểu rằng mến Chúa yêu người là điều cốt lõi. Nhưng trong thực tế đời thường, con lại đối xử với nhau không theo tiêu chuẩn tình yêu. Lòng con đầy ích kỷ, tham vọng, và được che đậy cách khéo léo. Gia đình con chưa thực sự hiệp nhất trong tình yêu Chúa. Bầu khí gia đình chưa thật sự trên thuận dưới hoà, con cái chưa thảo hiếu, vợ chồng chưa thương yêu nhau.
Xin ánh sáng của Chúa Phục Sinh chiếu dọi vào tâm hồn con. Xin Chúa sưởi ấm và biến đổi tâm hồn con, xin làm cho tình yêu đích thực ngự trị và tỏa sáng trong con. Xin cho con biết cảm thông, biết chia sẻ, biết đón nhận nhau, biết cho đi... Nhất là xin cho con biết hy sinh đến độ quên mình như Chúa. Nhờ đó, ánh sáng vinh quang của mầu nhiệm Phục Sinh sẽ tỏa chiếu rạng ngời trong con.
Xin Chúa cho con biết sống mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh trong từng suy nghĩ, trong từng lời nói, trong cách sống, để con chết đi cho hận thù, ích kỷ, vụ lợi. Và xin cho ánh sáng vinh quang Phục Sinh chiếu tỏa qua nụ cười cảm thông, qua ánh mắt đón nhận nhau, qua sự phục vụ quên mình. Xin cho con ý thức rằng yêu thương anh em bằng tình yêu Chúa là con đang hòa điệu với nhịp đập của trái tim Chúa và là dấu chứng cho mọi người nhận ra Chúa là tình yêu. Amen
Ghi nhớ: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau”.
Khi người ta hỏi cha Phêrô (Abbé Pierre), người được người Pháp yêu mến nhất trong thế kỷ XX (cha giúp đỡ anh em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh): Nếu mai đây ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu này: Nơi yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”.
Mục sư Martin Luther King người đã xả thân tranh đấu cho dân da đen được bình đẳng như người da trắng tại Hoa Kỳ, được giải thưởng Nobel Hòa bình. Cũng vì tinh thần dấn thân, vì quyền lợi của người da đen mà ông đã bị ám sát. Trong quyển nhật ký của Luther King đã viết những dòng sau đây: “Tôi rất hãnh diện, nếu ngày tôi qua đời ai đó sẽ kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống và yêu thương”.
Suy niệm
Lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy Lạp là: “Hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy” (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I) nghĩa là “trong tình yêu Thầy dành cho anh em”. Yêu Ngài, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là “tình yêu” (tiếng Hy Lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khóa của chuyển động tuần hoàn vòng tròn. Tác giả A. Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gioan, Centurion, trang 202).
Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
- Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8-11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16), yêu như thầy: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.
- Yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6.8; Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gioan diễn giải: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.
- Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giêsu truyền là: “Nếu như các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).
Theo lệnh truyền của Thầy, chúng ta cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình: “Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).
Ý lực sống: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
1. Trước khi từ biệt các môn đệ thân yêu để đi vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu đã nói với các ông mệnh lệnh cuối cùng của Ngài, và cũng là lời trăn trối, lời di chúc của Ngài: “Đây là điều răn của Thầy, các con hãy yêu thương nhau”. Đó là câu mở đầu của bài Tin Mừng, và cũng là câu cuối cùng của bài Tin Mừng, Chúa nhắc lại: “Điều Thầy truyền cho các con là hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng Đức Giêsu muôn dạy các môn đệ và chúng ta hãy yêu thương nhau.
2. Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy yêu thương nhau bằng một tình yêu không phân biệt hay loại trừ. Yêu mà không mong đền đáp, nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn chia sẻ, cảm thông và tha thứ với mọi hoàn cảnh. Sẵn sàng phục vụ như người tôi tớ... và cuối cùng, coi sự sống của mình là sự sống của người khác, nên nếu cần, chấp nhận hy sinh cho người khác như Đức Giêsu đã hiến mạng vì bạn hữu của mình.
3. Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:
- Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Ga 15,12) hoặc “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1G 4,8-11).
- Yêu đến tận cùng như Đức Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Thánh Gioan diễn tả: “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
- Tình yêu phải thể hiện trong việc làm: “Nếu các con giữ điều răn của Thầy”. Thánh Gioan diễn tả: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-18).
4. Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của tình yêu. Hy sinh cho người xa lạ là điều đáng khâm phục, và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác được sống quả là một diễn tả tuyệt vời của tinh yêu.
Ai đã có dịp đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của Khái Hưng mới thấy thấm thía lời Đức Giêsu đã day. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào một khúc cây. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
5. Tin Mừng hôm nay cũng hướng chúng ta về hình ảnh yêu thương tuyệt vời này: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu”. Chúa Giêsu đã cứu thoát nhân loại bằng cách hiến mạng sống mình qua cái chết trên Thập giá như một biểu lộ tột cùng của tình yêu. Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu nhân loại mà không cần phải nhập thể làm người và chết trên Thập giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì Ngài muốn cho con người có được cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thế loài người, đó là hy sinh mạng sống vì người mình yêu.
6. Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thật, là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thiệt, mà là “yêu như Chúa đã yêu” khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu.
7. Truyện: Sẵn sàng chết cho người khác.
Một vị đạo sĩ kia kể rằng: Ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với ngưới Tây Tạng đồng hành:
- Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!
Nhưng người Tây tạng trả lời:
- Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ nói:
- Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp ngưới khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
Nói rồi, vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành Tây tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta quá mệt ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông thoát chết vì lạnh.
Lòng “yêu mến nhau” mà Chúa muốn các môn đệ mình phải vươn tới là những mức độ sau đây:
- “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.”
- “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”
Suy gẫm
1. “Yêu thương,” “Tình gia đình,” “Huynh đệ,” “Chia sẻ,” “hiệp thông…” là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm tin, cùng lý tưởng với con.
2. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật phải cho được, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.”
3. “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề: “Anh phải sống.” Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi đi. Chỉ có một khúc cây đủ cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con.” Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống.” Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và cho con.
4. “Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau.” Từ 23 tháng chạp đến tết, đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lỗ Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ… Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng nói thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn… Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.
Lỗ Tấn thấy thím tóc trắng tóa, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu toe tóe, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên con mình…
Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vào lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên: “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?”
Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con, xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài.
5. Tin Mừng hôm nay bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc Thầy. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con.” Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật là yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy, Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng.” Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, ai nuôi dưỡng hận thù, xúc phạm đến tha nhân, người đó cũng chối bỏ chân lý về con người và về Thiên Chúa, đồng thời cũng giam hãm mình trong tăm tối của cô đơn.
Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng ta ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng ta luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho các Kitô hữu xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho chân lý.
Hôm nay, chúng ta suy niệm về việc Kitô hữu phải yêu mến nhau.
1. Những tiếng “Yêu thương”, “Tình gia đình”, “Huynh đệ”, “Chia sẻ”, “hiệp thông”…là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính chúng ta cũng rất nhiều lần nói như thế. Ước gì từ nay chúng ta nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm tin, cùng lý tưởng với chúng ta.
2. “Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17).
Chúa muốn thế, nhưng hình như còn rất nhiều người chưa sống được như thế.
Đây là một câu chuyện đã xảy ra ở bên Trung quốc, một quốc gia có truyền thống của Đạo Khổng, đạo luôn khuyên dạy mọi người hãy sống với nhau như anh em một nhà (tứ hải giai huynh đệ).
Mỗi năm, cứ vào khoảng từ 23 tháng chạp đến tết, là đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì đó là thời gian chuẩn bị cầu Phúc. Năm đó, trong khoảng thời gian này, Lỗ Tấn gặp thím Tường Lâm cứ lang thang ở ngoài đường giữa lúc trời lạnh giá. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ… Dân chúng đã không thương thì chớ lại còn bày chuyện nói rằng, mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Bị dân làng nghĩ như thế cho nên thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng nói thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn… Sống trong hoàn cảnh như thế, thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn. Rồi một hôm kia thím bỏ nhà ra đi.
Lỗ Tấn nhìn thấy tóc thím trắng xóa, tay thím xách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, còn tay kia thì cầm cây gậy trúc đầu toe tóe, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên con mình. Không chịu nổi tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vào lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy, không những đã không thương còn quát lên: “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?”.
Vâng! nếu chúng ta không cẩn trọng có thể cũng có lúc chúng ta cũng chẳng kém ác tâm vô cảm như thế với những anh chị em của chúng ta.
+ Trái lại, nếu người ta biết yêu thương nhau thực sự như Chúa mong muốn, thì hạnh phúc chẳng cần đi tìm, tự nhiên nó sẽ đến.
Một vị đạo sĩ kia kể rằng, ngày nọ, ông từ trên núi cao đầy băng tuyết đi xuống với một người Tây Tạng. Dọc đường, ông gặp một người ngã quỵ trên băng tuyết, ông nói với người Tây Tạng đồng hành:
- Chúng ta mau lại giúp đỡ người gặp nạn đó!
Nhưng người Tây Tạng trả lời:
- Không ai bắt buộc chúng ta phải giúp đỡ kẻ khác, khi mà chính mạng sống của chúng ta đang bị giá lạnh đe dọa.
Nhưng vị đạo sĩ nói:
- Dù chúng ta có phải chết vì lạnh đi nữa thì chúng ta cũng nên chết vì đã giúp người khác, đó là điều tốt đẹp hơn.
Nói rồi vị đạo sĩ chạy lại vác người bị nạn lên vai và khệ nệ đem người đó xuống núi, trong khi người Tây Tạng đã bỏ xuống trước. Đi được một quãng, vị đạo sĩ thấy người bạn đồng hành người Tây Tạng đang nằm dài trên tuyết bất động. Thì ra, anh ta mệt quá, ngồi nghỉ và bị lạnh cóng chết lúc nào không biết, còn vị đạo sĩ vì phải hết sức vác người bị nạn nên cơ thể nóng lên thêm, nhờ đó mà ông đã thoát chết vì lạnh.
3. Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Yêu thì phải hy sinh. Một vị Giám mục kia nói: “Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả. Và hy sinh không vì tình yêu là hy sinh thừa”.
Hồi còn học ở Tiểu chủng viện, tôi có được xem một cuốn phim mà nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ nội dung của nó. Cuốn phim có tựa đề là “Anh phải sống”. Nội dung cuốn phim nói về việc hai vợ chồng nọ quá nghèo, nên phải đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trên đường về, họ gặp trời giông bão. Họ bị nước cuốn trôi đi. Họ bám được vào một khúc cây nhưng khúc cây quá nhỏ chỉ đủ cho một người bám. Họ không thể kéo dài mãi tình trạng hai người cùng bám vào khúc cây này. Kéo dài thêm thì sẽ chết cả hai. Trước tình trạng đó, đòi hỏi họ phải có một sự lựa chọn. Người chồng bảo người vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo người chồng “anh phải sống”. Cuối cùng, người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và cho con.
Vâng, yêu thương là hy sinh, yêu thương chính là quên mình.
Hãy biết yêu như Chúa để chúng ta được xứng đáng là môn đệ của Ngài: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau”. (Ga 13,35).