Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.
“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật, trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt, và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ. Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này. Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai. Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha, Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian. Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15). “Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12). Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ, và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa. Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên. Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình, và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11). Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b), là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc. Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b), nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh. Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha, nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69), và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26). Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới, dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về. Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới. “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44). Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17), nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ. Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian, với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16). Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15), và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm. Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18). Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu. “Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13). Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó. Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào, ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng. Cầu nguyện:
Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong... Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con. -------------------------------
Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha. Tình yêu luôn khát khao kết hợp. Kết hợp tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc đem đến niềm vui. Nay Chúa hết thời hạn ở trần gian để trở về cùng Chúa Cha. Nên Chúa tràn đầy niềm vui, Đó là niềm vui trọn vẹn.
Vì yêu thương, Chúa muốn các môn đệ được tham dự vào tình yêu đó. Được hòa nhập trong tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi. Được hưởng niềm vui trọn vẹn.
Tuy nhiên còn có khó khăn vì các môn đệ còn ở trần gian. Vì thế phải sống tất cả những mâu thuẫn của ơn gọi. Phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Phải thuộc về Thiên Chúa nhưng còn phải chịu xa cách Người. Phải làm chứng về Nước Trời cho trần gian. Phải sống đời siêu nhiên trong tự nhiên. Phải yêu mến nhưng lại phải dứt bỏ trần gian. Đó là những nghịch lý. Hóa giải và vượt qua những nghịch lý đó là nhiệm vụ của người môn đệ.
Chính Chúa Giêsu đã trải qua những khó khăn đó với tất cả những cám dỗ, những thử thách, những đau khổ. Chúa đã phải chiến đấu với chính mình đến toát mồ hôi máu ra. Nên Chúa cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ môn đệ để tuy sống giữa thế gian nhưng họ không bị nô lệ cho ác thần.
Và Chúa xin Chúa Cha thánh hóa môn đệ bằng Lời Chân Lý. Lời Chân Lý vạch ra những giả trá của thế gian. Lời Chân Lý dẫn đưa đến sự thật và sự sống. Chính Chúa Giêsu đã dùng Lời Chân Lý mà chống lại lời giả trá của ma quỉ trong ba cuộc cám dỗ. Và Chúa làm gương cho các môn đệ khi tự hiến thân mình khi hoàn toàn dứt khoát từ chối trần gian. Chỉ sống theo thánh ý Chúa Cha.
Thánh Phao-lô là một môn đệ gương mẫu đã thực hành lời Chúa dạy. Ngài cảnh báo các kỳ mục Ê-phê-sô về sự giả trá và chia rẽ xuất phát từ chính nội bộ. Đó chính là thế gian với những lời lẽ giả trá. Phao-lô thuộc về Chúa nên từ chối thế gian. Không ham mê của cải danh vọng chức quyền thế gian. Trái lại ngài làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát và cho đi. Và ngài hiến dâng đoàn chiên cho Thiên Chúa, cho lời ân sủng của Thiên Chúa. Phao-lô làm gương tự hiến mình để mọi người thấy chỉ có Chúa là sự sống, là sự thật và là hạnh phúc. Chỉ nơi Chúa niềm vui mới trọn vẹn.
Khi Chúa Giêsu về Trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa Giêsu đáp:
- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu tin tưởng vào sự trung tín của các môn đệ, dù gặp gian truân thử thách? Chúng ta có thể tìm được câu giải đáp trong bài Tin mừng hôm nay.
Thật thế, dù chỉ là một nhóm nhỏ, các môn đệ đã là đối tượng được Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm. Suốt thời gian chung sống, Chúa Giêsu đã gìn giữ họ để không một ai trong bọn họ hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm Lời Kinh thánh. Giờ đây, sắp lìa bỏ họ để về cùng Cha, Ngài không che dấu nỗi lo sợ của Ngài. Ngài đã xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, nghĩa là được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó các môn đệ có đủ sức mạnh để thắng vượt mọi khó khăn trở ngại.
Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở lại thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hoá trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thể chu toàn sứ mệnh đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ.
Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và quan tâm săn sóc của Chúa, để ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.
Chúng ta cùng tên: Kitô hữu và Kitô, chúng ta đã được xức dầu bởi Thiên Chúa, nghĩa là được chọn trao cho một sứ mệnh. Hôm nay, lời Đức Giêsu soi sáng cho ta hiểu rõ hơn về sự đồng căn tính và đồng sứ mệnh giữa Người và chúng ta.
Đây: Đức Giêsu đã liên kết chúng ta với Người, với công trình của Người: “Để họ nên một như chúng ta là một”, “Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian”, “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian”, “Con thánh hiến chính mình Con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”. Chỗ khác chúng ta cũng thấy những câu tương đồng như thế: Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em”, “Người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”, “Họ đã giữ lời Thầy, họ cũng giữ lời anh em”.
Những điều quả quyết này của Đức Giêsu ném chúng ta vào trung tâm sức sống và sứ mệnh của Người. Chúng ta cần nghiêm chỉnh đón nhận lời của thánh Phao-lô: “Anh em là thân thể của Đức Kitô”. Đức Kitô là đầu, anh em là chi thể của thân thể Người.
Như thế, chúng ta cùng một đường đi như đầu tiếp với thân thể, cùng một hướng đích và một chỉ huy. Chúng ta còn phải cùng sống vâng phục và sẵn sàng như Chúa Con đối với Chúa Cha. Hơn nữa chúng ta còn chia sẻ mọi gần gũi của Đức Kitô với Thiên Chúa. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô, nói cách khác, thân thể của Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Chúng ta cùng tên, cùng gốc, chúng ta cần chia sẻ cùng đà tiến triển.
Khi ý thức được đồng căn tính, đồng sứ mệnh rồi, lúc đó một đòi hỏi khẩn thiết xuất hiện thúc đẩy chúng ta phải hiến con người mình, thể diện mình cho Đức Kitô. Chúng ta phải có trách nhiệm đáp lại cho những ai hát câu: “Tôi đi tìm dung nhan Chúa …”. Một câu hỏi đang đè nặng trên chúng ta: “Anh em là thân thể của Đức Kitô, anh em là máu huyết của Đức Kitô, anh em là sự vui mừng, tình yêu và hòa bình của Đức Kitô: vậy anh em đã làm gì để nên giống Người?
Mục đích sứ mạng của Chúa Giêsu là mạc khải chương trình cứu độ của Chúa Cha và nhất là để làm vinh danh Cha, vì thế, tất cả những gì Ngài làm đều nhằm vào mục đích làm sáng danh Chúa Cha. Trước giờ phút chịu khổ nạn trên thập giá và trước sự hiện diện của các môn đệ, Chúa Giêsu đã hướng về Chúa Cha cầu nguyện: “Lạy Cha chí thánh, xin giữ gìn các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con để họ nên một như chúng ta”. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lời cầu nguyện của Ngài cho nhân loại luôn được hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa Con và cùng với Chúa Thánh Linh và kết hợp với tất cả những ai là thành phần chi thể của mình Chúa. Chúa Giêsu đã tuân phục thánh ý Chúa Cha mặc dù đứng trước cám dỗ từ chối vác lấy thập giá. Ngài múc lấy sức mạnh từ Chúa Cha và lấy sự vâng phục Chúa Cha làm sự vinh hiển của mình.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng vác lấy thập giá mà theo Ngài bất cứ lúc nào Ngài mời gọi chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Linh để sống như các môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu cũng cầu xin Chúa Cha thánh hóa và thánh hiến các môn đệ trong sự thật và trong sự thánh thiện của Chúa Cha. Chân lý của Thiên Chúa giải thoát chúng ta ra khỏi sự tối tăm của trí óc và sự thống trị của tội lỗi, nó mang đến cho chúng ta sự tốt lành, tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh là cội nguồn và là Ðấng ban tất cả sự thánh thiện, nếu chúng ta mở rộng cánh cửa tâm hồn để Chúa Thánh Linh bước vào cuộc đời ta và để Ngài tác động, soi sáng và lèo lái chúng ta, thì Ngài sẽ biến đổi chúng ta bằng ngọn lửa thanh tẩy để chúng ta trở nên giống như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến”. Chúa Giêsu đã tự thánh hiến Ngài như của hy lễ hoàn tất sứ mạng đã được Chúa Cha giao phó và Ngài cũng giao phó sứ mạng đó cho các môn đệ.
Sự thánh hiến của Chúa Giêsu chính là sự khổ nạn của Ngài trên thập giá để qua đó đem tất cả nhân tính của Ngài vào trong sự thánh thiện của Chúa Cha. Sự thánh hiến là sự đổi mới trong Chúa Thánh Linh, bởi vì khi chúng ta mở rộng trái tim để đón nhận sự thánh thiện của Ngài, có nghĩa là chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Linh tác động lên trên cuộc đời của chúng ta. Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện đã hướng về Chúa Thánh Linh để qua Ngài mà Chúa tự dâng hiến mình như của hy lễ toàn thiêu. Qua sự thánh hiến của Chúa Giêsu, Chúa Cha cũng thánh hiến toàn thể nhân loại cũng cùng một thể thức, để chúng ta cũng biết đặt mình dưới sức tác động của Chúa Thánh Linh, để Ngài giúp chúng ta bảo tồn đức tin và trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống hiệp nhất và biết yêu thương lẫn nhau. Xin hãy thánh hóa chúng con trong chân lý và hướng dẫn chúng con qua Chúa Thánh Linh để chúng con luôn trung thành theo chân Chúa đến bất cứ nơi nào mà Chúa muốn.
Câu chuyện ảo tưởng, tham vọng của Ađam và Evà khi nghe theo lời dụ dỗ và lừa phỉnh của Ma Quỷ trong Vườn Địa Đàng khi xưa vẫn được lập lại nơi nhiều người trong xã hội hôm nay, nhất là giới trẻ.
Thật vậy, ngày nay, nhiều người không thể, không biết hoặc đôi khi không nhận ra, nhưng vẫn vui vẻ lựa chọn những chân lý nửa vời, để rồi tin, sống và đi theo. Họ luôn có khái niệm “tạm” cho nhiều tình huống.
Hôm nay, Đức Giêsu cầu xin cho các môn đệ của mình được thánh hiến, tức là được “tách ra” để thuộc trọn về Chúa Cha như Đức Giêsu đã thuộc về Người. Thuộc về Chúa Cha, tức là thuộc về Chân Lý. Thuộc về Chúa Cha cũng là phó thác, tin tưởng vào tình thương của Người. Thuộc về Chúa Cha cũng là vâng nghe lời Đức Giêsu dạy dỗ.
Như vậy người môn đệ được hiện hữu giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Giữa sự ác, lọc lừa, nhưng không thuộc về chúng, mà ngược lại, các ông phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng.
Quả thật, các môn đệ đã sẵn sàng làm chứng cho chân lý Tin Mừng như lời Đức Giêsu đã phán: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 26).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nhắc cho mỗi chúng ta hãy nhớ đến Bí tích Thánh Tẩy ta đã lãnh nhận. Khi thuộc về Chúa qua Bí tích này, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên môn đệ của Người. Trở nên môn đệ cũng có nghĩa là trở nên chứng nhân. Vì thế, chúng ta không thể không làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Làm chứng cho Chúa, tức là từ bỏ Ma Quỷ và mọi việc, mọi sự sang trọng của chúng. Làm chứng cho Chúa cũng có nghĩa là đi ngược với những điều bất chính mà con người ngày nay bày ra.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ bằng sự thật, bằng Lời của Người, thì xin cũng thánh hóa chúng con để chúng con được thuộc trọn về Cha để chúng con trở nên giống Cha dù vẫn sống giữa thế gian tội lỗi. Amen.
Sứ điệp: Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ còn ở lại trong thế gian. Chỉ cần ta trung thành với Chúa Giêsu, còn ngoài ra, ta cứ an tâm phó thác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay qủa thực có một sức khích lệ an ủi con rất nhiều. Khó có một trang phúc âm nào cho con dễ cảm nếm được mối tình nồng thắm của Chúa bằng Lời Chúa hôm nay. Chúa về với Chúa Cha, nhưng Chúa không bỏ mặc chúng con. Chúa không quên chúng con, trái lại, Chúa còn lo cho tương lai của các tông đồ và lo cho số phận của chúng con còn ở lại trần gian.
Thân phận của người môn đệ Chúa ở giữa thế gian quả là một nghịch lý. Con ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống ở giữa đời nhưng không được sống hoàn toàn như người đời. Không giống thế gian nên con bị thế gian ghét bỏ. Không về hùa với thế gian nên con bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian nên con phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian. Nhưng lạy Chúa, dù gian nan đau khổ, con vẫn tin tưởng phó thác nơi Chúa và trung thành bước theo Chúa. Trái tim con đã thuộc về Chúa, con tin rằng tình yêu và ơn thánh của Chúa sẽ gìn giữ con và giúp con chiến thắng.
Chính vì thế mà con không chạy trốn thế gian. Chúa đã muốn để con ở lại thế gian và sai con vào thế gian. Ơn gọi của con là sống giữa đời, thấm nhập vào thế gian, để phục vụ nhân loại và làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp con đưa tinh thần Phúc âm vào mọi sinh hoạt của cuộc sống. Xin Chúa gìn giữ con trong chân lý của Chúa. Amen.
Tháng Giêng năm 2003, tôi đến Rôma kinh thành muôn thuở để họp tại trụ sở Trung ương Dòng, dành những thời gian rảnh, chúng tôi viếng các Đền thờ Mẹ… Tại đền thánh Phêrô, chúng tôi kính viếng lăng mộ của ngài cùng với các Đấng kế vị. Bất ngờ dịp đó chúng tôi được chiêm ngưỡng xác Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị mục tử được gọi là Giáo hoàng nhân lành. Đức Gioan XXIII, được phong Chân phước ngày 3/09/2000. Xác được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, Công đồng chung do Ngài loan báo triệu tập. Thi hài ngài được đặt trong hòm kính, với khuôn mặt nguyên vẹn hồng hào như đang ngủ. Công đồng Vaticanô II được gọi là Công đồng Đại Kết vì hướng hiệp nhất của Giáo hội. Tôi nhớ về lời phát biểu của ngài về Đại kết: “Các anh em tín hữu Kitô khác đều là anh em với chúng ta họ chỉ hết là anh em khi họ hết học kinh Lạy Cha…”. Đức Gioan XXIII, vị Giáo hoàng có những nỗ lực phi thường để đối thoại với các tín hữu Kitô để tìm con đường hiệp nhất. Tôi còn nhớ đọc một câu chuyện về Ngài khi trên giường bệnh và giờ hấp hối miệng ngài luôn khẩn nguyện: “Xin cho họ hiệp nhất”.
Suy niệm
Trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài: Những thử thách, có cả những người môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin vào Ngài… có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu nguyện khẩn thiết đến Chúa Cha, cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11b). Lời cầu nguyện chung cho thế gian mà Chúa Kitô trong tư cách là linh mục, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng lời cầu nguyện này dành đặc biệt riêng cho các môn đệ mà thánh Clément d’Alexandrie Suy niệm: “Tất cả chúng ta tham dự vào chung một tấm bánh thánh và tất cả chúng ta nhận cùng một dấu thánh được Thánh Thần thánh hiến. Chính vì thế những môn đệ phải trở nên một thân thể và tham dự vào chỉ một và cùng Thần Khí cho một tinh thần hiệp nhất được thực hiện viên mãn, hoàn thành... Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ Ngài thực hiện cùng một sự đồng tâm không thể bị phá hủy, trong một hòa hợp tuyệt vời” (Commentaire de l'évangile selon saint Gioan, XI 9). Hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô luôn là dấu chỉ và là sứ giả xây dựng sự hiệp nhất và bình an cho thế giới mà Chúa Giêsu ước muốn khi khẩn cầu Chúa Cha.
Không chỉ sự chia rẽ nơi thế giới, người tin vào Chúa Kitô sẽ gặp và đứng trước những khó khăn sống niềm tin. Những người đón nhận Tin Mừng sống theo Tin Mừng gột rửa trong tình yêu của Chúa Kitô, họ sống trong Thần Khí và thực thi yêu thương bác ái, công lý (x. 1Ga 3,13-19). Chính vì thế người tin coi cuộc sống của họ khác với sự chọn lựa của thế gian: Quyền lực, tiền tài, danh vọng. Quyền lực của bóng tối, của thế gian muốn thổi tắt những ngọn đèn đang đốt sáng xua bóng tối. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và các người tin vào Ngài luôn kiên cường đứng vững với niềm tin. Luôn là chứng nhân công lý của tình yêu giữa thử thách trăm bề. Sự kiên vững sống niềm tin của người môn đệ Chúa Kitô như những ngọn hải đăng giữa đêm đen của thế gian đầy hận thù, của chia rẽ.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ cho những người tin vào Ngài luôn được Chúa Cha đoái thương: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga17,17). Sự thật là trong cung lòng của Thiên Chúa, tình yêu luôn tuôn trào cho con người và cho thế giới luôn được thực hiện: Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn thúc đẩy nhân loại được hòa giải với nội tâm chia rẽ do tội lỗi. Lời hứa bình an và hiệp nhất được chính Con Một Ngài thực hiện qua mầu nhiệm của sự chết: Chết cho tội và phục sinh sống với sức sống mới.
Lời cầu nguyện được xuất phát từ trái tim Đức Kitô, một trái tim dâng hiến yêu thương nhân loại khi cho họ chính sự sống khi trên thập giá, đổ ra giọt máu cuối cùng (x. Ga 19,34) mà Bossuet đã suy ngẫm: “Tư thế của trái tim Ngài và những lời kêu cầu mà Ngài đã cầu xin với Chúa Cha, theo Ngài trong cuộc khổ nạn cho đến khi Ngài chết, đó là linh hồn, của lễ dâng hiến toàn thiêu” (La Cène; II° partie, 33° jour).
Lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu luôn dành cho chúng ta với những thực tế mà chúng ta đang sống. Với Chúa Kitô, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của thế giới, của Giáo hội, của chính chúng ta.
1. Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm cán bộ nồng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ Chúa Giêsu hôm nay là các Giám mục, Linh mục và tu sĩ. Chúa cầu nguyện với ba ý chính:
- Gìn giữ các môn đệ trong đức tin. - Che chở các ông khỏi thế gian hư đốn. - Tác thánh các ông theo sự thật.
Thánh hiến các ông qua bí tích Truyền Chức.
2. “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ...”
Trong lời mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cất lời cầu xin cùng Cha Ngài hãy gìn giữ các môn đệ mà Cha đã trao cho Ngài. Vì thế trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài: những thử thách, có cả những môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin Ngài... có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu xin khẩn thiết đến Chúa Cha, cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. Chúa Giêsu luôn tin tưởng các môn đệ sẽ trung thành thi hành sứ mạng của các ông.
Có một câu truyện tưởng tượng như sau: Khi Chúa Giêsu về trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên thần Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa Giêsu đáp:
- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
3. Trong lời cầu nguyện cho các môn đệ, chúng ta thấy, Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha miễn cho các môn đệ khỏi những đau khổ gian truân khi họ thi hành sứ mạng tông đồ. Bởi vì Ngài biết thế nào họ cũng sẽ gặp căm thù, ghen ghét, hành hạ, thử thách, cực khổ. Nhưng Ngài chỉ xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi bị nhiễm lây tội lỗi và sống trong sự thật của lời Ngài. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ của Ngài, để trong lúc sống giữa đời, họ vẫn giữ được sự thánh thiện nguyên tuyền.
4. Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hóa trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thề chu toàn sứ mạng đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ. Ngài đặt nhiều tin tưởng vào họ trong mọi gian nan thử thách.
5. Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và sự quan tâm săn sóc của Chúa, để giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.
Về phía chúng ta, chúng ta hãy sống thánh giữa đời, nghĩa là chúng ta phải sống như sen giữa bùn lầy, ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải sống như men trong bột, như muối ướp cá, như những chiếc đèn trên cao soi sáng cho mọi người.
6. Truyện: Ảnh hưởng của gương sáng.
Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề: “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.
Cách đây ít lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần cha xứ hỏi bà: “Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì”? Bà đáp: “Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn, khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn; khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng được chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn”.
Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.
Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của mình.
Đây là phần thứ hai của kinh nguyện Tư tế. Trong phần thứ nhất mà chúng ta đọc ngày hôm qua (Ga 17,1-11a) Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính bản thân Ngài, xin Chúa Cha tôn vinh Ngài. Sang phần hai, phần của hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “Môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm các cán bộ nòng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay là Giám mục, Linh mục, Tu sĩ.
Lời cầu nguyện cho những người này:
- “Xin hãy gìn giữ trong Danh Cha những kẻ Cha ban cho con, để chúng được nên một.” - “Để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.” - “Xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ.” - “Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật.”
Suy gẫm
1. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh hết sứ đặc biệt và tế nhị:
Họ phải sống giữa thế gian. Mà thế gian là một thế gian thù nghịch đối với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu. Thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Ngài, thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ đi lệch khỏi đường của Chúa Giêsu mà ngả sang phía thế gian.
Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ luôn phải đứng trước hai cám dỗ: Một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao cho chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian, còn thoả hiệp với thế gian thì đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.
Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ mình hai điều: một là sự hiệp nhất, hai là sự thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để chúng ta tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Điều thứ nhất là hiệp nhất: Kinh nghiệm cho thấy Linh mục hay Tu sĩ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng của mình, không gắn bó với Giáo Hội và với cộng đoàn của mình, thì Linh mục, Tu sĩ ấy dễ sa ngã hơn.
Điều thứ hai là thánh hiến: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống trong bao nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen trong bùn, như ánh sáng chiếu trong đêm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.
3. “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.”
Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi đến một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn, và mỗi người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né, vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. Sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi: “Tại sao cô phải là nghề này?” Cô gái thinh lặng một lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ: “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống bằng nghề này được.”
Lắm khi tôi xa lánh người xấu, những cái phàm tục, trong khi Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú.” Và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như lời Chúa Giêsu đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống thanh thản. Để nhờ được tự do trong Chúa, xin giúp chúng con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian theo như Chúa muốn.
Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của mình. Chúa không quên nói lên phương pháp giúp các môn đệ chu toàn được sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa trao phó.
1. Phương pháp đó là gì thì ta hãy nghe lời của Chúa: “Vì họ con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19).
Chúa Giêsu không dạy chúng ta làm điều gì mà chính Ngài đã không làm trước. Mỗi người chúng ta trong cương vị của một người lãnh đạo, lãnh đạo một giáo xứ, lãnh đạo một gia đình, lãnh đạo một đoàn thể, lãnh đạo một tập thể nào đó cũng phải nói như Chúa: “Tôi phải tự thánh hóa chính mình để những người tôi lãnh đạo được thánh hóa”
Người Rôma có một câu châm ngôn rất hay: “Không ai có thể cho cái mình không có”
Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.
Chúng ta có thể sửa đổi lại lời của ông để áp dụng cho các bậc cha mẹ: “Càng lớn lên, tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta gặt hái được do được sống với các bậc cha mẹ vĩ đại của mình”.
Nếu chúng ta muốn tìm một phương cách để giúp con cái mình quí chuộng sự cầu nguyện, thì không gì hay hơn là chính chúng ta hãy biết sốt sắng cầu nguyện trước.
Nếu chúng ta muốn tìm một phương cách để hướng dẫn con cái mình biết tham dự Thánh Lễ cách tích cực và sốt sắng thì không gì hay hơn là chính chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ một cách tích cực và sốt sắng trước.
Và nếu chúng ta đang tìm phương cách để thúc giục con cái chúng ta biết yêu thương tha nhân hơn thì không gì tốt hơn là chúng ta hãy làm gương về lòng yêu thương trước.
Vì theo các nhà giáo dục thì:
Thầy giáo đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái chính là cha mẹ chúng. Không điều gì có thể thay thế ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái.
- Dù là chương trình giáo dục có nổi tiếng nhất trên thế giới - Dù là giáo xứ có tốt nhất trên thế giới. - Dù là trường học có tốt nhất trên thế giới - Dù là bạn bè có tốt nhất trên thế giới, tất cả những cái đó tuy có góp phần vào việc giáo dục con trẻ, nhưng chúng cũng chỉ đóng vai trò ảnh hưởng thứ yếu.
Thầy giáo đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái chính là cha mẹ chúng. Không điều gì có thể thay thế ảnh hưởng của họ.
2. Còn cầu nguyện thì Chúa cầu nguyện điều gì? Dĩ nhiên đó phải là những điều làm Chúa bận tâm hơn cả. Đây là những bận tâm của Chúa đối với các tông đồ lúc đó và chúng ta sau này:
Cầu xin cho họ ơn hiệp nhất trong yêu thương.
Cầu cho họ khỏi bị bách hại.
Cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật.
Thứ nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các Tông đồ được luôn hiệp nhất trong yêu thương. Chính sự hiệp nhất trong yêu thương như một dấu chỉ cụ thể làm cho người ta nhận ra các tông đồ là những môn đệ đích thực của Chúa. (Ga 13,35)
Thứ đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để các Tông đồ lúc đó và sau này được gìn giữ cho khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Lý do vì “thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em” (Ga 15,18).
Sau cùng, Người cầu cho họ luôn được ơn thánh hiến trong sự thật:
Thánh hiến nhờ Sự thật và trong Sự thật là gì?
Về phía Thiên Chúa thì sự thật đó là: Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy yêu thương, Người muốn cho con hết thảy con cái mình được cứu rỗi.
Về phía loài người chúng ta thì sự thật là: Loài người chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện. Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần con được gặp Chúa. Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng. Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.