“Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy”.
Lời Chúa: Ga 16, 23b-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con.
Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con.
Đã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra.
Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.
Allah là tên của Thiên Chúa trong Hồi giáo. Ngài được tôn kính bằng 99 danh hiệu khác nhau: Đấng Tối cao, Đấng Nhân hậu, Đấng Toàn năng, Đấng Vĩnh cửu… Danh hiệu thứ 100 sẽ được mặc khải ở đời sau. Nhưng Allah không bao giờ được gọi là Cha, vì Ngài không sinh con. Kitô giáo yêu mến Đức Giêsu và tin Ngài là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là Cha của Đức Giêsu. Đức Giêsu vẫn gọi Thiên Chúa bằng tiếng Abba thân thương. Cuộc đời Đức Giêsu nơi trần gian giống như một cuộc ra đi và trở về. Ngài từ Thiên Chúa Cha mà đến thế gian (cc. 27-28), rồi Ngài lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha, sau khi hoàn thành sứ vụ. Sứ vụ của Ngài là vén mở cho môn đệ về Chúa Cha (c. 25), và đưa họ đi vào chỗ thân tình gần gũi với Người Cha ấy. Chúa Cha ở trong thế giới thần linh, nhưng thế giới ấy lại có những cửa sổ mở ra với thế giới con người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu kêu mời các môn đệ hãy mạnh dạn đến với Cha và nài xin. Đây là điều trước đây họ chưa từng làm (c. 24a). Đã đến lúc mạnh dạn đưa ra những thỉnh nguyện nhân danh Thầy Giêsu. Nhân danh Thầy Giêsu mà xin cùng Chúa Cha là điều vẫn nằm ở phần cuối của mỗi lời nguyện trong Giáo Hội. Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Thầy, nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận. Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu (c. 23). Hơn thế nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến chúng ta (c. 27), và muốn cho chúng ta ơn lớn nhất là đi vào tương quan với Ba Ngôi ngay từ khi còn sống ở trần gian. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 24). Khi sắp được về hưởng niềm vui bên Chúa Cha (Ga 14, 28), thấy các môn đệ buồn phiền, Thầy Giêsu đã nói nhiều về niềm vui. Thầy muốn chia sẻ cho họ niềm vui của mình, Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24; 17,13). Ngài còn hứa cho họ niềm vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22). Chuẩn bị mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta xin được niềm vui đó, niềm vui của những người đã chạm đến trời cao. Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái, đây là niềm tin của con. Con tin Cha là Tình yêu, và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân, con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha. Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất cũng có một đốm lửa của sự thiện, được vùi sâu dưới những lớp tro. Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ. Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích, thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người. Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu. Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ đang chuyển mình tiến về với Cha, qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần. Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn. Lạy Cha, đó là niềm tin của con. Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen. --------------------------------
“Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lai bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”. Vai trò con thoi đi lại nối kết giữa hai nơi xa xôi diệu vợi như trời với đất, giữa hai đối tượng nghìn trùng cách biệt như Thiên Chúa với con người đã khiến Chúa Kito trở thành Đấng Trung Gian.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì đưa ta đến gặp gỡ trực tiếp với Đức Chúa Cha: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu dẫn ta đến với Chúa Cha rồi để ta trực tiếp gặp gỡ với Chúa Cha.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến tình yêu: “Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy”. Tình yêu Chúa Ki-tô dẫn ta đến tình yêu của Chúa Cha.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến sự sống. Ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong vòng tròn tình yêu ngày càng lan rộng. Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha. Ta yêu mến Chúa Giê-su. Chúa Cha yêu mến ta. Tình yêu trao ban và nhận lãnh tạo nên một chuyển động không ngừng nghỉ làm phát sinh sự sống ngày càng sung mãn.
Các tín hữu thời sơ khai đã sống tinh thần trung gian tốt đẹp.
Thánh Phao-lô đi rao giảng, đi đến đâu cũng bị chống đối, nhưng thánh nhân vẫn yêu thương các giáo đoàn, đi lại thăm viếng khích lệ và làm cho tất cả các giáo đoàn được vững mạnh. A-pô-lô là người đạo mới, nhờ am tường Kinh Thánh và có tài hùng biện, đã thuyết phục được nhiều người, nhưng vẫn còn yếu kém về đạo, lập tức được vợ chồng Prít-ki-la và A-qui-la mời về nhà để bổ sung. Khi A-pô-lô muốn đi A-kai-a, anh em đã khuyến khích và viết thư giới thiệu cho các môn đệ để ông được đón nhận. Nhờ vòng tròn yêu thương ngày càng lan rộng đã làm cho sức sống của Giáo hội sơ khai mạnh mẽ và phát triển mau chóng.
Mỗi ngày ta có nhiều gặp gỡ, tiếp xúc, xin cho ta trở nên trung gian tốt lành để mọi cuộc gặp gỡ tiếp xúc của ta đều hướng dẫn mọi người đến với Thiên Chúa, xin cho những người tiếp xúc gặp gỡ ta đều hướng đến tình yêu, như thế cộng đoàn chúng ta sẽ có sức sống mạnh mẽ trong tình yêu nồng nàn.
Khi cuộc Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa kỳ vào khoảng măm 1860, một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp Tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu: “Thưa Tổng thống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này”. Nghe thế, Tổng thống Abraham Lincoln vặn lại tức khắc: “Tôi không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính, nhưng tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ đứng về phía Chúa.
Lời phát biểu của Tổng thống Abraham Lincoln nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và thái độ đích thực trong lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện thiết yếu là xin cho được đứng về phía Chúa, chứ không lôi kéo Thiên Chúa đứng về phía mình.
Tin mừng Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và Suy niệm hôm nay là đoạn kết trong diễn từ Tiệc ly. Một trong những đặc ân nơi cách sống của người môn đệ Chúa Giêsu chính là cầu nguyện nhân danh Ngài. Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, cho nên từ nay chỉ trong Ngài, con người mới có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách đúng đắn. Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa trong sự cầu nguyện, bởi vì Ngài vừa là vừa là con người vừa là Thiên Chúa: Ngài là người luôn đọc trong từng biến cố đời mình như một thể hiện chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa nắm giữ chìa khoá của chương trình cứu rỗi ấy và biết rằng Thiên Chúa luôn nhận lời Ngài.
Sinh hoạt nền tảng nhất của người kitô hữu chính là cầu nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt lên như các môn đệ Chúa Giêsu: “Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện” vì chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là đi vào tri giao mật thiết với Thiên Chúa, hay nói như Abraham Lincoln là đứng về phía Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là ra khỏi chính mình và đi vào tương quan với người khác. Người không thể ra khỏi chính mình và sống tương quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần của Chúa Giêsu. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương quan đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Phục sinh.
Cầu nguyện là đứng về phía Chúa. Ước gì trong Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời là mẫu mực của cầu nguyện, cuộc sống của chúng ta luôn là một thực thi thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân. Nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh đồng hành với chúng ta để hiến cả đời sống chúng ta thành một lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa.
Hôm nay, tôi thấy lời của Đức Giêsu có vài điều nói thẳng, nói rõ ràng: “Bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha”, “Thầy không dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa”.
“Bây giờ Thầy bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”. Một lời nói như của người bạn từ giã chúng ta, như của đứa con từ giã cha mẹ. Như cô dâu từ giã tổ ấm: Bây giờ con xin từ giã tất cả mọi người thân yêu trong nhà mà đi lập gia đình riêng. Hay như đứa con lớn từ bỏ nhà mà đi ở chỗ khác cũng nói: Con đi mua căn hộ khác để ở. Những người ở lại sẽ ngậm ngùi xúc động trước sự ra đi đó. Họ cảm thấy đời sống chua xót làm sao: “Ra đi là chết đi một tý”. Lúc này chúng ta cảm thấy rõ rệt nhu cầu con người cần sống hiệp thông với nhau và cần có mặt của người khác. Chia ly, chia rẽ khổ cực chừng nào!
Ngay cả lúc Đức Giêsu tỏ bày cho chúng ta biết Người ra đi có lợi cho chúng ta, chúng ta cần cảm thấy một sức nặng vắng mặt đè nặng trên chúng ta. Đức Giêsu sẽ không bao giờ có mặt như khi Người sống bằng xương bằng thịt nữa.
Câu nói thẳng thừng thứ hai là: “Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa”. Thầy nói dụ ngôn đã trọn vẹn rồi. Dụ ngôn của Đức Kitô bây giờ là đi thẳng vào sự thực, trực tiếp chỉ biến cố.
Ngôn từ này rất rõ nét, rất chính xác, rất đích đáng và dễ hiểu. Trong một xã hội độc tài, những bất công, những bóc lột, nếu được phơi bày thực sự, được đưa ra ánh sáng, thì chúng ta thấy trong xã hội văn minh họ xử đối với con chó, con hải cẩu còn hơn con người trong xã hội tàn ác. Đó là điều thật dễ hiểu.
Khi Đức Kitô nói với chúng ta sự thật về biến cố: Người trở về đời sống hiệp thông với Chúa Cha, và cho chúng ta cảm thấy rõ ràng rằng nếu giữa chúng ta còn xảy ra những bất công, kiện cáo, tố cáo, cãi cọ và lãnh đạm, thì không thể nào tha thứ, không thể nào khoan dung được. Người tha thiết mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Chúa Cha, hiệp thông với mọi anh em mình là con Chúa. Như vậy, chúng ta mới hiểu rõ được sự thực việc Đức Giêsu về cùng Cha.
Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã từ Thiên Chúa Cha mà đến mới có đủ thẩm quyền để nói cho chúng ta biết sự thật quan trọng là Thiên Chúa Cha yêu thương anh em. Ngay nơi đầu Phúc Âm của mình, thánh Gioan đã thốt lên: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có, không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
Chỉ một mình Con Một Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng từ Thiên Chúa Cha mà đến mới có đủ thẩm quyền để nói cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha yêu thương anh em, và chỉ những ai đã đạt tới mức chiêm niệm cao sâu mới có thể cảm nghiệm, xác tín và tuyên xưng như vậy. Cùng với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha yêu thương anh em, Thiên Chúa Cha yêu thương con người tội lỗi, yếu hèn của chúng ta. Trong thinh lặng, nhìn lại cuộc đời tội lỗi của mình, chúng ta đã cảm nghiệm được sự thật vừa nói như thế nào rồi. Cuộc đời chúng ta cần được xây dựng trong sự thật căn bản này: Thiên Chúa Cha yêu thương anh em. Nếu không phải do chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng từ Thiên Chúa Cha mà đến để mạc khải cho chúng ta sự thật này thì quả thật chúng ta không dám liều mọi sự, liều cả cuộc đời để tin và sống theo một vị Thiên Chúa vô hình và thường im lặng trước biết bao cảnh đời cùng khổ của con người cũng như của anh chị em trong xã hội.
“Thiên Chúa Cha yêu thương anh em”, đây là căn bản cho niềm vui của chúng ta cảm nghiệm trong linh hồn. Chọn sống cho một vị Thiên Chúa không ngừng tác động trong lịch sử, để chứng tỏ tình thương yêu đối với con người, mặc dù nhiều khi không đáp trả tình yêu của Ngài cách xứng đáng. Sự lựa chọn đó không làm chúng ta run sợ nhưng trái lại làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy nóng lên ngọn lửa sốt mến muốn hiến dâng mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
Trong tuần lễ qua, Suy niệm Phúc Âm chương 16 theo thánh Gioan, chúng ta đã chiêm ngắm về khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô, và một trong những khía cạnh quan trọng đó là cuộc đời của người đồ đệ cần được liên kết sâu xa với mầu nhiệm vượt qua của Chúa, để nếm hưởng niềm vui và làm ích cho anh chị em. Không có con đường nào khác để biến cuộc đời chúng ta trở nên nguồn phúc lợi cho anh chị em ngoại trừ con đường ra đi như Chúa. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng và Ngài loan báo trước cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi không phải để đi mất mà là để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”.
Từ nay công việc quản lý trần gian này để gây phúc lộc cho anh chị em trở thành công việc của chúng ta, cùng với sức mạnh của Chúa, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thay thế cho Chúa Giêsu để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Và một trong những phương thế để giữ liên lạc, để có sức mạnh của Chúa đủ để trung thành cho đến cùng trong sự dấn thân hàng ngày của chúng ta cho Chúa và cho anh chị em, là cầu nguyện. Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu. Cầu nguyện trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu cùng cầu nguyện với chúng ta thì chúng ta còn phải lo sợ điều gì nữa. Phải, điều đáng sợ không phải từ phía Thiên Chúa mà là từ phía chúng ta. Liệu chúng ta có để cho Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn mình để cùng thưa chuyện với Thiên Chúa hay không mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được ghi nhớ mãi lời căn dặn của Chúa, đó là “Thiên Chúa Cha yêu thương các con”. Xin Chúa giúp chúng con sống mãi trong tình thương Chúa và múc lấy sức mạnh để từ đó mà phục vụ anh chị em trong mọi hoàn cảnh.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn mà không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm nay Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”; hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung Gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhân danh Đức Giêsu để dâng lên Thiên Chúa Cha những nhu cầu và ước nguyện của mình. Khi chúng ta nhân danh Ngài mà cầu xin, ấy là chúng ta tôn nhận vai trò Trung Gian và công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu.
Mặt khác, khi nhân danh Đức Giêsu để cầu xin, ấy là lúc chính Ngài hiện diện và hành động trong ta, làm cho lời cầu nguyện trở thành hiện thực.
Mong sao mỗi khi chúng ta nhân danh Đức Giêsu để xin điều gì với Chúa Cha, chúng ta hãy biểu lộ thái độ khiêm tốn, kết hiệp và sẵn sàng thuần phục ý Chúa hơn là ý ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện, để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài, những lời cầu nguyện của chúng con được Chúa Cha thương nhận lời và chúc phúc. Amen.
Sứ điệp: Nhờ Danh Chúa Giêsu mà mỗi người chúng ta được Chúa Cha yêu mến và nhận lời khi ta cầu xin. Hãy tin mến Chúa Giêsu, Ngài là nguồn cậy trông của người Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã gánh tội cho con. Không có Chúa, con chẳng thể nào xứng đáng ca tụng Thiên Chúa, chẳng đủ sức đi về nhà Cha. Nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa mà con được trở lại làm con Thiên Chúa, được hưởng mọi phúc lộc của kẻ làm con. Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Phẩm giá của con tùy thuộc vào Danh Chúa. Con biết khi cậy trông Danh Chúa, con trở nên lớn lao trước mặt Cha trên trời.
Xin cho con được thực tâm mến Chúa, xin cho con biết tin nhận Chúa để con đáng được Cha trên trời yêu mến và nhận lời con cầu xin.
Con tin mến Chúa bằng cả cuộc sống biết thực thi Ý Chúa. Chúa đã nói “Ai yêu Ta thì sẽ giữ Lời Ta”. Chúa không muốn con chỉ tin Chúa trên môi miệng hoặc chỉ mến Chúa bằng cảm xúc mau qua. Vì mến tin Chúa, con quyết sống đạo và con sẽ được Chúa Cha thương đón nhận như một của lễ nhờ Danh Chúa.
Tuy thế, sống theo niềm tin vào Danh Chúa vẫn là một thách đố cho con. Đôi khi vì sống theo Thánh Ý Chúa, con trở nên nghèo hơn, mệt hơn, vất vả hơn. Ngược lại, khi sống theo kiểu thế gian, con thấy thoải mái hơn, an nhàn hơn. Nhưng dù vậy xin Chúa cho con lòng tin mạnh mẽ để con dám can đảm khước từ những thiện hảo trần thế không đẹp lòng Chúa, để con đáng được Chúa Cha yêu mến và được hưởng phần gia nghiệp trên trời. Amen.
Ghi nhớ: “Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy”.
Một người cha tận tuỵ vào bệnh viện thăm con trai bảy tuổi đang nằm hấp hối vì chứng bệnh nan y. Cậu bé dường như cảm thấy mình sẽ không khỏi được. Cậu hỏi: “Bố, có phải con sẽ chết không?”.
- Sao con hỏi thế? Con sợ chết phải không?.
Cậu ngước nhìn với ánh mắt tin tưởng và trả lời: “Không, bố ạ, nếu Chúa giống bố”.
Suy niệm
Trong suốt tuần lễ qua, chúng ta Suy niệm chương 16 Phúc Âm Gioan, chúng ta được mạc khải các chân lý trung tâm của đời sống Kitô: Đường thập giá, Chúa Cha và Đấng Bảo Trợ - Thánh Thần, sức mạnh của Thánh Thần, Ðấng thay thế cho Chúa Giêsu để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn chúng ta.
Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hàng ngày là cầu nguyện. Cầu nguyện với Cha nhân danh Chúa Giêsu.
Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Cha là: Chúng ta tin và lấy danh Ðức Giêsu kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Với tâm tình con thảo, như giáo lý Công giáo dạy: “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm như tin tưởng” (Giáo lý Công giáo, số 2800). Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).
Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan Cha, con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác: Tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình.
Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn hằng ngày: Cha luôn yêu thương quan phòng, và làm những tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Ý lực sống
“Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy”... (Ga 16,27).
1. Đức Giêsu dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Cha là phải tin và lấy danh Đức Giêsu mà kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời. Như thế, lời cầu xin của chúng ta phải ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện lòng tin tưởng phó thác; tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình. Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn, ngay cả những điều ta xin không được, những điều không hợp ý ta, những điều xem ra không lợi cho chúng ta. Tất cả đều được Cha an bài trong yêu thương và tốt đẹp nhất cho chúng ta.
2, Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm nay Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý (Ngọc Biển).
3. Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hằng ngày là cầu nguyện. Cầu nguyện với Cha nhân danh Đức Giêsu.
Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Chúa Cha là: Chúng ta tin và lấy danh Đức Giêsu kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Với tâm tình con thảo, như Giáo lý Công giáo dạy: “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (GLCG số 2800).
Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Đức Giêsu đã khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10). Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan Cha – con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác: Tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình.
4. Sinh hoạt nền tảng nhất của người Kitô hữu chính là cầu nguyện. Nhưng mãi mãi, có lẽ chúng ta phải thốt lên như các môn đệ Đức Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” vì chúng con chưa biết cầu nguyện. Thay cho một lời giải thích về cầu nguyện, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, đó là tất cả cuộc sống của Ngài, một cuộc sống luôn diễn ra phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, cầu nguyện là đi vào tri giao mật thiết với Thiên Chúa, hay nói như Abraham Lincoln là đứng về phía Chúa. Thật ra, thái độ nền tảng của cầu nguyện là ra khỏi chính mình và đi vào tương quan với người khác. Người không thể đi ra khỏi chính mình và sống tương quan với người khác, không thể cầu nguyện một cách đúng đắn theo tinh thần của Đức Giêsu. Ai biết tôn trọng người khác và thiết lập với người khác tương quan đối thoại và lắng nghe, người đó mới có thể có đủ những điều kiện cần thiết để sống tương quan mật thiết với Đức Giêsu Phục sinh.
5. Truyện: Hiệu lực của lời cầu nguyện.
Một ngày kia, thánh Etienne, vị thánh thành lập hội dòng Grammont, khi ngài đang giảng thuyết trước một cử tọa rất đông đảo người lắng nghe. Bỗng có một người đứng dạy, dám nói thẳng với ngài: “Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự kinh tởm của tội lỗi, con cũng chả thèm muốn hoán cải tí nào cả và con sẽ bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con”.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc nức nở. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông, tập họp các tu sĩ lại, và ngài nói với họ rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho con người đáng thương này”.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu đó hoàn toàn thay đổi, anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của linh hồn anh ta và quyết định sống một cuộc đời mới.
Anh tìm đến gặp vị thánh, anh đã phủ phục dưới chân ngài và xin ngài tha thứ, anh ta cũng hứa sẽ từ bỏ hết các tật xấu và không bao giờ tái phạm chúng nữa.
Thánh Etienne, nhân cơ hội cuộc trở lại này, ngài đã tỏ cho các môn đệ của ngài thấy sự hữu hiệu của lời cầu nguyện.
Tiếp bài giáo lý về việc Chúa Giêsu trở lại: “Hãy xin thì sẽ được… Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin.”
Suy gẫm
1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy.” Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?
Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (Ga 16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ kết gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và chính Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như thế mới có hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết.” Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.
Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất tôi sẽ nhận được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì mà Chúa Giêsu muốn và xin những gì mà Chúa Giêsu xin.
2. Cầu nguyện là đứng về phía Chúa: Khi Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1860, Một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu: “Thưa tổng thống, chúng ta hãy luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này.” Nghe thế, tổng thống Abraham Lincoln vặn lại: “Tôi không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính. Tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ luôn đứng về phía Chúa.”
3. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”
“Cha ơi! làm sao con có thể sống được khi đó là người thân duy nhất của con, chồng con đã phản bội con và giờ đây đứa con duy nhất sắp rời bỏ con rồi!” Lẫn trong những giọt nước mắt, người thiếu phụ thổn thức tâm sự cùng cha xứ như thế, khi đứa con của bà đang cận kề cái chết.
Với lòng tin tưỏng, cha quay sang hỏi người thiếu phụ: “Con có thể làm gì nếu như con muốn nó lành bệnh.” Bà vội trả lời: “Thưa Cha, con có thể hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống của con, miễn sao con trai của con khỏi bệnh.”
“Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa chính là phương thuốc thần diệu nhất. Hãy về và cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời cầu xin tha thiết của con.”
Người thiếu phụ trở về và thành khẩn van xin Chúa. Như một phép lạ, cậu con trai dần dần bình phục trước sự vui mừng khôn tả của bà.
Tôi tin rằng Chúa luôn đáp lời tôi cầu nguyện dù Ngài đáp lại “Yes” hay “No”, tôi vẫn tin rằng tất cả chỉ vì Ngài thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cầu nguyện là phương châm sống của đời con.
1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, rồi sau đó tiếp tục bằng cách vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy” (Ga 15,16). Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?
Trước đoạn Tin Mừng hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và chính việc Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như thế đã đem lại những hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết” (Ga 15,16).
Thật đúng như Lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác, chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận Lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.
2. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24).
Gioan Hogan, mười sáu tuổi, không bao giờ nghĩ rằng, Chúa có thể can thiệp vào đời sống của cậu. Cậu phải bỏ học và kiếm sống bằng nghề đi giao bánh. Mọi người trong trường đều tiếc cho cậu, vì cậu là một học sinh chăm chỉ, lịch sự.
Một hôm, trên đường đi giao hàng, Gioan thấy một chiếc xe đang từ từ trượt xuống một hồ nước, bên trong xe có một người đàn ông đang vùng vẫy để thoát thân. Không chút ngần ngại, cậu nhảy xuống nước và nhận ra người trong xe là một mục sư. Nhờ một cánh cửa sau hé mở, cậu đã kéo được nạn nhân ra khỏi xe.
Mệt lả sau hành động cứu người, cảnh sát đề nghị cậu lên xe để được đưa về nhà, nhưng cậu từ chối, viện lẽ cậu còn phải đi giao bánh. Cậu nhờ cảnh sát điện thoại đến cho những tiệm bánh, để báo cho khách hàng biết rằng, bánh sẽ chậm đôi chút vì cậu đến trễ.
Tháng 12/1995, cậu được trao giải thưởng cùng với hai ngàn năm trăm đồng tiền mặt và một học bổng. Gioan cho biết rằng, biến cố đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của cậu. Vì như cậu tâm sự hai tuần trước khi tai nạn xảy ra, cậu đã có lần kề súng vào đầu định tự tử, nhưng không biết tại sao súng lại không nổ, bằng không cậu sẽ không bao giờ có cơ hội cứu sống được một người. Người mẹ nghèo của cậu cho biết bà đã cầu nguyện rất nhiều cho cậu. Bà tin rằng, việc cậu thoát chết và cứu sống được một người khác chính là kết quả lời cầu nguyện của bà.
Gioan Hogan đã trở lại trường và theo các lớp phụ đạo để bắt kịp các bạn khác. Cậu đã tìm được ý nghĩa và cơ may mới cho cuộc sống mới.
* Những ai cầu nguyện và tin tưởng ở lời cầu nguyện đều cảm nhận được sự hiệu nghiệm của lời cầu nguyện. Quả thật, Chúa Giêsu đã không bao giờ lừa dối chúng ta khi Ngài khẳng quyết rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).
Hoàng hậu Bianche xứ Castille nước Pháp đã phải đau buồn cùng cực, vì bà thành hôn mười hai năm rồi mà vẫn không có con.
Khi đến thăm thánh Đaminh, ngài khuyên hoàng hậu đọc kinh Mân Côi hằng ngày để xin Thiên Chúa ban diễm phúc cho bà được làm mẹ. Hoàng hậu trung thành theo lời khuyên của thánh nhân. Năm 1231, hoàng hậu hạ sinh hoàng nam đầu lòng. Đó là hoàng tử Phillip. Nhưng con trẻ chết yểu ngay khi mới lọt lòng mẹ.
Trước nỗi bất hạnh này, hoàng hậu vẫn không ngã lòng, không chút nao núng niềm tin. Trái lại, bà tha thiết van xin Đức Mẹ cứu giúp. Hoàng hậu cũng phân phát nhiều tràng hạt Mân Côi cho các triều thần cùng dân chúng trong cả nước, và xin tiếp lời cầu nguyện cho bà.
Năm 1235, qua sự bầu cử của Đức Mẹ, Chúa đã nhận lời cầu xin của bà, một vị hoàng tử chào đời. Hoàng tử này đã trở thành vinh quang cho nước Pháp, và là gương mẫu cho tất cả các hoàng đế Công giáo sau này. Vì vị hoàng đế này đã trở thành một vị thánh. Đó là vua thánh Louis.
Lạy Chúa! Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của Thập Giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn. Amen.