Phục Sinh 6 – Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ ba - 16/05/2023 06:17
Phục Sinh 6 – Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Phục Sinh 6 – Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Phục Sinh 6 – Thứ Tư
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng - PS 6 – Thứ 4: Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh. 1
Suy niệm 1: Toàn bộ sự thật 2
Suy niệm 2: Sự thật toàn vẹn. 5
Suy niệm 3: Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh. 6
Suy niệm 4: Đấng Mặc Khải 8
Suy niệm 5: Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. 9
Suy niệm 6: Sự thật sẽ giải thoát chúng ta. 10
Suy niệm 7: Thần Chân lý dạy sự thật 11
Suy niệm 8: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 12
Suy niệm 9: Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con tất cả sự thật 15
Suy niệm 10: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu. 17
Suy niệm 11: Dẫn ta đến là sự thật toàn vẹn. 20

----------------------------------------
 

TinMừng - PS 6 – Thứ 4: Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh.


“Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.

Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.

Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

--------------------------------
 

Suy niệm 1: Toàn bộ sự thật


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”
Ðức Giêsu khi sắp về với Cha,
đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ.
Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói,
nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.
Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần...
Ðức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở.
Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất:
Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).
Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất
vì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).
Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật,
sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người.
Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt
các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.
Vì lợi ích của họ, Ðức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7),
để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ðức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.
Thánh Thần chỉ có sứ mạng
là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu.
Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình,
nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu.
Cha cũng chẳng tim mình.
Cha chẳng giữ gì làm của riêng.
“Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15)
Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.
Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.
Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,
Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi,
chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.
Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.
Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ
Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình,
và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương,
nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.
Thế giới ấy vươn ra ngoài mình,
để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người.
Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ.
Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ.
Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại
đi vào thế giới thần linh của mình,
để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ.
Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra
để Chúa đi vào thế giới của mình
và để mình đi vào thế giới của Chúa không?
 
Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.
 
--------------------------------
 

Suy niệm 2: Sự thật toàn vẹn


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giê-su không thể nói hết. Vì quá sức chịu đựng của các tông đồ. Các ngài không thể nhớ hết. Và càng không thể hiểu nổi. Nhưng Thần Chân Lý sẽ đến và sẽ dẫn các ngài đến chân lý vẹn toàn.

Tiếng nói của Chúa Thánh Thần là tiếng nói thiêng liêng trong tâm hồn. Ai lắng nghe sẽ thấu hiểu những chân lý cao siêu. Và sự thật toàn vẹn sẽ vô cùng phong phú.

Chúa Giê-su là Ngôi Lời. Nên từ cử chỉ, lời nói, hành động, và toàn bộ cuộc sống, cái chết, phục sinh của Người đều là lời, là chân lý vô cùng phong phú, sâu xa. Thánh Gio-an chỉ sống sau các tông đồ khác khoảng gần 30 năm, nhưng Tin mừng Gio-an đã vô cùng sâu sắc và phong phú. Thánh nhân cho biết ngài chỉ viết ra những điều giúp người ta tin thôi. Nếu phải viết hết mọi điều thì thế gian không đủ chỗ chứa.

Thánh Thần sẽ dẫn ta đến chân lý vẹn toàn. Thánh Phao-lô có thể hiểu điều đó xuyên qua thất bại hôm nay. Đến A-the-na là thủ đô của sự khôn ngoan, Phao-lô đã vận dụng trí thông minh, sự khôn ngoan của người Hi lạp và kiến thức quảng bác của ngài về văn chương triết học Hi lạp để thuyết phục Hội đồng A-re-o-pa-go. Nhưng ngài đã thất bại. Bẽ bàng, ngài bỏ A-the-na đi Co-rin-tô.

Tại Co-rin-tô, ngài đã nhận ra không thể dùng sự khôn ngoan của người đời, nhưng phải dùng sự điên rồ của thánh giá: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.… nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm….Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí (1Cr 2, 1-13).

Lạy Chúa xin ban Thánh Thần cho chúng con, để chúng con biết sự thật toàn vẹn của Chúa.

--------------------------------
 

Suy niệm 3: Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong một tập truyện ngắn, nhà văn Hy lạp Nikos Kazanzakis có kể lại cuộc gặp gỡ giữa một linh mục Chính thống tên là Manassê và một ẩn sĩ. Hai vị đàm đạo với nhau suốt ngày mà câu chuyện vẫn không chấm dứt. Vị ẩn sĩ có thói quen nhắm nghiền đôi mắt trong khi nói chuyện. Thấy thế linh mục Manassê liền đề nghị ông hãy mở mắt ra, có mở mắt, ông mới thấy những kỳ công của Chúa. Nghe thế, vị ẩn sĩ trả lời: “Nhưng tôi nhắm mắt lại là để thấy Đấng đã thực hiện những kỳ công ấy”.

Chỉ với đôi mắt đức tin, con người mới cảm nhận và nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ trong Tin mừng hôm nay, được trích từ những lời giã biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ trong Bữa Tiệc ly trước khi Ngài đi vào cuộc tử nạn. Chúa Giêsu xem cuộc tử nạn của Ngài như một cuộc ra đi trở về cùng Chúa Cha, vì sứ mệnh của Ngài đã hoàn tất. Nhưng sự ra đi của Ngài không phải là một vĩnh viễn từ giã cõi đời, mà là một hiện diện mới, và Thánh Thần chính là Đấng sẽ làm chứng về sự hiện diện mới ấy của Chúa Giêsu.

Chỉ trong Thánh Thần, nghĩa là trong đức tin, con người mới cảm nhận được sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu, chỉ trong Thánh Thần, con người mới hiểu biết về Chúa Giêsu. Đó là cảm nghiệm mà các môn đệ Chúa Giêsu có thể có được từ sau lễ Ngũ tuần. Trước đó, Chúa Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra cho các ông, nhưng sự hiểu biết của các ông về mầu nhiệm của Ngài vẫn còn bị giới hạn. Chỉ sau khi Thánh Thần hiện xuống, các môn đệ mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh và chân lý của Ngài mới sáng tỏ trong tâm hồn các ông. Chúa Giêsu đã khẳng định vai trò giáo dục của Thánh Thần khi Ngài nói với các môn đệ: “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật”.

Chúa Giêsu là Lời trọn vẹn của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa đã nói với nhân loại qua người Con Một của Ngài, nhưng lời ấy con người chỉ có thể đón nhận và lãnh hội trong và nhờ Thánh Thần mà thôi. 2.000 năm qua, Thánh Thần đã không ngừng hướng dẫn và soi sáng để Giáo Hội đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu. Cũng chính Thánh Thần ấy qua phép rửa ban cho mỗi kitô hữu ơn hiểu biết về chân lý cứu rỗi và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh.

Thánh Phaolô, tuy chưa từng được sống với Chúa Giêsu, nhưng nhờ Thánh Thần đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Phục sinh, đến nỗi đã thốt lên: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chính do Thánh Thần tác động, con người mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh, cho nên thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng dập tắt Thánh Thần. Đừng dập tắt Thánh Thần có nghĩa là luôn biết lắng nghe tiếng nói của Ngài trong đáy thẳm tâm hồn chúng ta. Là đền thờ của Thánh Thần, cho nên từ trong tâm hồn, chúng ta luôn nghe đuợc tiếng nói của Ngài. Đừng dập tắt Thánh Thần có nghĩa là luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự hiện diện và tác động của Ngài trong mọi biến cố cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa là luôn nhìn vào cuộc sống bằng cái nhìn của lạc quan, tin yêu và hy vọng.

Nguyện xin Thánh Thần ban cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương và hy vọng, để cuộc sống chúng ta trở thành dấu chứng cho sự hiện diện của Đấng Phục sinh.

--------------------------------
 

Suy niệm 4: Đấng Mặc Khải


Đức Giêsu Kitô, khi tiếp xúc với các tông đồ đã biết rõ sự yếu đuối của con người và sự khó hiểu của loài người về mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, ngày hôm nay, Đức Giêsu loan báo cho chúng ta về Tin mừng này là “Thánh Thần sẽ đến dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn … Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

Đức Giêsu đã hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được dẫn tới sự thật toàn vẹn có phải để chúng ta biết được mọi bí mật trong vũ trụ? Có phải cho chúng ta một kiến thức bách khoa không? Có phải không có chi vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta không? Tôi không tưởng như vậy. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chiều kích khác, đó là sự thật toàn vẹn về một người. Chân lý của giáo lý Công giáo chỉ cho chúng ta biết, người đó chính là Đức Giêsu, Đấng làm chứng về Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đức Giêsu còn làm chứng rằng đời sống của chúng ta được mời gọi đến sự sống đời đời sau cái chết. Người lấy chính bản thân mình làm chứng rằng hiến mạng sống mình cho người khác là phương thế biến đổi đời sống diệt vong này ra đời sống trường sinh bất diệt. Theo giáo lý, tin là tin vào một người chân thật, lời chứng của họ mới chân thật. Người ta không tin những nguyên lý, những mầu nhiệm, những chân lý suông. Tin là tin vào một người. Mặc khải của Thiên Chúa chính là mặc khải về một người đã hành động đầy nhân ái đối với con người.

Điều quan trọng là chúng ta gắn bó liên kết nhiều với Đấng của công thức đức tin, chứ không phải công thức tín lý làm cho có đức tin như chúng ta tưởng. Chúng ta không bao giờ tới được Đấng mà các nhà thần học chôn vùi trong hàng ngàn từ ngữ.

Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa đã cho chúng ta được tới với Ngài trong đức tin, và hãy cảm tạ Ngài vì đã ban tặng Thần khí của Ngài mặc khải cho chúng ta Đấng lạ lùng này là Đức Giêsu Kitô. Người là chân lý, là sự thật. Trong người chúng ta có thể hãnh diện biết bao.

C.G

--------------------------------
 

Suy niệm 5: Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn những môn đệ của Chúa Giêsu đến sự thật trọn vẹn. Chúa Giêsu dùng từ ngữ “hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn” để nói lên một trong những trách vụ của Chúa Thánh Thần. Ðây không có nghĩa là Chúa Thánh Thần mạc khải thêm cho các môn đệ Chúa Giêsu biết những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần không mạc khải thêm những điều mới. Mạc khải của Chúa Giêsu đã trọn vẹn nhưng các môn đệ chưa lãnh hội trọn vẹn hết mọi sự được, cần nhờ đến Chúa Thánh Thần để được dẫn sâu vào trong các sự thật của Chúa, để hiểu mỗi ngày một hơn mạc khải của Chúa. Ðây không phải là vấn đề về số lượng nhiều hay ít những sự thật của Chúa, nhưng là vấn đề về phẩm chất, về mức độ lãnh hội sự thật nơi các môn đệ. Các ngài cần đào sâu hơn giáo huấn của Chúa Giêsu, cần được hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn, cần hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu biết các môn đệ còn là những người có những giới hạn và cả những tật xấu nữa, và do đó đang cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần biết là chừng nào để có thể làm chứng cho Chúa cách đáng tin.

Chúa hứa sẽ trao ban Chúa Thánh Thần xuống khi đã về cùng Thiên Chúa Cha vừa đồng thời mời gọi các ông hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi từng cá nhân của các tín hữu cũng như trong cộng đoàn Giáo Hội không đi ngược lại việc làm của Chúa Giêsu, nhưng làm cho công việc đó được đón nhận cách sâu xa hơn và như thế, có thể nói là Chúa Thánh Thần làm Chúa Giêsu Kitô được vinh hiển, được nhiều người biết đến mỗi ngày một hơn.

Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta mỗi ngày một hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày một trở nên người Kitô trung thực hơn, mỗi ngày một chiến thắng nhiều hơn trên tội lỗi.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương ngự xuống trên chúng con và hướng dẫn chúng con trên con đường hiểu biết và yêu mến Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn.

--------------------------------
 

Suy niệm 6: Sự thật sẽ giải thoát chúng ta


Ngày nay, con người khao khát sự thật biết là chừng nào! Tuy nhiên, con người cũng rất sợ sự thật và ngại khi nghĩ hay nói về nó??

Khao khát, bởi vì chỉ có sự thật chân tình, người ta mới có thể ngồi lại với nhau, mới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cho tốt.

Người ta sợ sự thật, bởi vì sự thật sẽ làm cho những người ưa sống hình thức, hào nhoáng, giả tạo bị phanh phui, bóc trần.

Người ta ngại sự thật, bởi vì khi đối diện với sự thật, họ phải thay đổ lối sống và cách nghĩ.

Tuy nhiên, cái khó là: nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả, nên có những sự kiện tưởng chừng như là thật thì lại là giả; đôi khi cái tưởng là giả thì hóa ra lại là thật.

Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần chính là Đấng sẽ giúp cho các ông biết đâu là sự thật trong mầu nhiệm cứu độ, để các ông cứ theo sự hướng dẫn của Người mà tiến bước thì sẽ được cứu độ.

Cuộc đời của Đức Giêsu đã hoàn toàn đứng về phía sự thật, và Ngài không ngần ngại tuyên bố: “Tôi đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật. Chính vì điều này mà tôi đã đến”. Ngài cũng kêu gọi: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chính vì thế, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ, các ông mới hiểu đúng sứ mạng của Đức Giêsu là: đến để cứu chuộc chứ không phải vì chính trị!

Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, nhiều khi cũng chẳng khác gì các môn đệ khi xưa. Có những lúc chúng ta uốn nắn Lời Chúa và phỏng chiếu dưới cái nhìn thiển cận của mình. Lấy Lời Chúa làm bình phong để hỗ trợ cho sự gian dối hay những mục đích phần xác hơn là phần hồn. Những lúc như thế, ấy là lúc chúng ta không đứng về phía sự thật và không sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Mong sao, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần thật dồi dào, phong phú. Đây là một hồng ân, và cũng là trách nhiệm đòi chúng ta phải đứng về phía sự thật, làm chứng cho sự thật, dầu có phải chết.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con can đảm lựa chọn sự thật và trung thành đi theo sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

--------------------------------
 

Suy niệm 7: Thần Chân lý dạy sự thật


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu sẽ ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để Chúa Thánh Thần soi sáng Giáo Hội thấu hiểu giáo huấn và sứ mạng của Chúa Giêsu. Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chương trình cứu độ của Chúa Ba Ngôi được trọn vẹn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, để con có thể lãnh nhận trọn vẹn công cuộc cứu độ, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho con. Chúa mặc khải cho con biết Thánh Thần là Thầy dạy con, giúp con hiểu tất cả giáo huấn của Chúa và đưa con vào sự thật toàn vẹn. Nhờ Chúa Thánh Thần, con nhận ra Chúa là Thiên Chúa, và Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất với nhau.

Vì yêu thương chúng con, Chúa Cha đã trao ban Con Một là chính Chúa, và cũng vì yêu thương chúng con nên Chúa ban Thánh Thần cho chúng con. Chúng con xin cảm tạ tình thương của Chúa. Chúng con được Thiên Chúa trân trọng yêu thương, trong khi chúng con chỉ là những thụ tạo của Chúa, những thụ tạo đã hơn một lần chối từ tình yêu của Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần giúp con ngày càng khám phá ra Chúa, thấu hiểu Chúa nhiều hơn, cảm nghiệm được tình yêu bao la thầm lặng của Chúa. Với ơn Phục Sinh giao hòa, con được Chúa ban Thánh Thần. Người luôn hiện diện trong tâm hồn và cuộc sống con. Con muốn trở nên người học trò của Chúa Thánh Thần, luôn ham thích lắng nghe và thực thi những lời Người dạy bảo, những lời của chân lý. Lời của Người âm thầm trong con, xin cho con biết lắng nghe. Và đừng để con cố tình gạt bỏ tiếng nói của Người trong linh hồn con. Amen.

Ghi nhớ: “Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”.

--------------------------------
 

Suy niệm 8: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần


(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tại Mamrê, dưới cây sồi, tổ phụ Abraham khi nghỉ ngơi giữa cơn nóng ngặt của mùa hè thiêu đốt đã được gặp Thiên Chúa: “Ðức Chúa hiện ra với ông Abraham tại cụm sồi Mamrê... Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất thờ lạy” (St 18,1-2). Ba người mà Abraham thờ lạy là Thiên Chúa Ba Ngôi, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, và thái độ thờ lạy chỉ dành duy nhất cho Thiên Chúa, ông đã mời Ngài vào viếng thăm: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,3). Ba Ngôi đã viếng thăm “túp lều bé nhỏ của đôi vợ chồng già” và chúc lành cho Sara - người vợ son sẻ không con giữa lúc tuổi già đã xế bóng về chiều với lời hứa sang năm bà sẽ sinh con.

Lời chúc lành đó đã thành hiện thực, Sara sinh con trai là Isaac và bà đã hân hoan tuyên tín: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười” (St 21,6). Sara cười vui sướng sau bao năm sầu não vì sự son sẻ tủi nhục của mình, niềm vui này là kết quả từ sự viếng thăm của Thiên Chúa…

Suy niệm

Chúa Ba Ngôi đã viếng thăm tổ phụ Abraham mà Sara vợ ông đã ca tụng là trung tâm điểm của niềm tin Kitô giáo: Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng - Đấng tạo thành trời đất…; là Con - Đấng cứu chuộc… và Thánh Thần - Đấng Thánh hóa. Chúng ta còn xác tín tuy Ba Ngôi nhưng cùng một bản tính Thiên Chúa và chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.

Tertullianô - một văn sĩ Công giáo nổi tiếng thời các giáo phụ đã suy gẫm về Chúa Ba Ngôi: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần gắn bó với nhau như là nguồn suối, dòng sông và hồ” (hồ được dẫn nước từ nguồn qua sông). Lời suy gẫm về Ba Ngôi Thiên Chúa đưa tôi chìm đắm trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16,15). Cách diễn tả của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tất cả từ nơi Cha như là nguồn, đều thuộc về Con như biểu tượng của dòng sông và Người lãnh nhận để ban phát là Thánh Thần ẩn dụ dưới hình ảnh hồ ân sủng ban phát nước hằng sống.

Thiên Chúa Ba Ngôi luôn hiện hữu giữa chúng ta vì: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) như thánh Gioan đã khẳng định. Ba Ngôi đã hợp nhất trong tình yêu cho nên Ba Ngôi cũng gợi cho chúng ta đi vào tình yêu vĩnh cửu này. Thiên Chúa không ở xa chúng ta, Ngài không chỉ ở trong tín điều hay ở bầu trời xa xăm mà Ngài ở bên và trong mỗi chúng ta qua Ngôi Hai nhập thể, chính Ngôi Con biểu lộ tình yêu của Chúa Cha và cùng Cha ban phát Thánh Thần, nguồn tình yêu cho nhân loại. Ngôi Hai mời gọi chúng ta đi vào sự hiệp nhất và gắn bó với tình yêu Cha - Con “để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi, con người được mời gọi đến với tình yêu, đổi mới chính mình trong tình yêu hiệp nhất và tương trợ lẫn nhau. Tình yêu đã liên kết Ba Ngôi thành một Thiên Chúa duy nhất và tình yêu này cũng làm cho chúng ta thông hiệp với đời sống Thiên Chúa và với anh em, hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27). Chính vì thế, các tín hữu của cộng đoàn tiên khởi đã sống trong sự hiệp nhất tuyệt vời mà thánh Luca đã ghi nhận: “hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.... các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến”... (Cv 2,42.44-47). Đó là hình ảnh sống động phác họa từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, mỗi lần ca tụng kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính... chúng ta ý thức không chỉ tuyên xưng trên môi trên miệng mà là từ sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta mời Ngài vào viếng thăm để nơi đó diễn ra sự hội ngộ đặc biệt như trong túp lều của Abraham: Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ làm cho chúng ta cười như Sara đã cười...

Ý lực sống:

“Lòng tin kính trước sau chẳng đổi
Chúa là Cha tuyệt đối quang vinh
Ngôi Hai Con Một hiển linh
Thánh Thần do bởi mối tình Cha Con…”
(Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Chúa Ba Ngôi).

--------------------------------
 

Suy niệm 9: Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con tất cả sự thật


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đã nói trước với các Tông đồ và đồng thời cũng là lời hứa với các ông, là Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần, là Thần Chân lý đến để tiếp tục giảng dạy cho các ông và cho cả thế giới biết tất cả sự thật về Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy về sư phạm của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta hiểu biết, huấn luyện ta lớn lên. Điều này giúp chúng ta tin tưởng vào ơn phù trợ và ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhờ đó chúng ta ý thức và sốt sắng hơn trong việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

2. Đức Giêsu là mạc khải trọn vẹn về Chúa Cha. Nhưng các môn đệ Người có khả năng tiếp nhận trọn vẹn mạc khải ấy hay không là một chuyện khác. Người xác nhận rằng các ông chưa “có thể chịu nổi” sự thật toàn vẹn. Người hứa rằng Thần Khí sự thật, tức Chúa Thánh Thần, sẽ đến – nhưng không phải để trao “cú một” nguyên gói sự thật, mà là để “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Như thế, việc khám phá sự thật là một quá trình cần phải được tiếp tục không ngừng trong sự dẫn dắt của Thánh Thần; và thái độ đứng đắn của người môn đệ Chúa Giêsu là khiêm tốn, ngoan ngoãn lắng nghe sự dẫn dắt – thường một cách rất tế nhị và từ những phía rất bất ngờ - của Chúa Thánh Thần. Thái độ hãnh thắng, tự mãn, coi mình hoàn toàn đúng và kẻ khác hoàn toàn sai... chắc chắn không phải là thái độ của một người ở trong Thần Khí sự thật (5 phút Lời Chúa).

3. Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn những môn đệ của Đức Giêsu đến sự thật toàn vẹn. Đức Giêsu dùng từ ngữ “hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn” để nói lên một trong những trách vụ của Chúa Thánh Thần. Đây không có nghĩa là  Chúa Thánh Thần mạc khải thêm cho các môn đệ Chúa Giêsu biết  những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần không mạc khải thêm những điều mới. Mạc khải của Đức Giêsu đã trọn vẹn nhưng các môn đệ chưa lãnh hội trọn vẹn hết mọi sự được, cần nhờ đến Chúa Thánh Thần để được dẫn sâu vào trong các sự thật của Chúa, để hiểu mỗi ngày một hơn mạc khải của Chúa. Các ngài cần đào sâu hơn giáo huấn của Đức Giêsu, cần hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn, cần hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua Thánh Thần. Đức Giêsu biết các môn đệ còn là những người có những giới hạn và cả những tật xấu nữa, và do đó đang cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần biết là chừng nào để có thể làm chứng cho Chúa cách đáng tin.

4. Chỉ trong Chúa Thành Thần, nghĩa là trong đức tin, con người mới cảm nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu, chỉ trong Thánh Thần, con người mới có thể hiểu biết về Đức Giêsu. Đó là cảm nghiệm mà các môn đệ Đức Giêsu có thể có được từ sau lễ Ngũ tuần. Trước đó, Đức Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra cho các ông, nhưng sự hiểu biết của các ông về mầu nhiệm của Ngài vẫn còn bị giới hạn. Chỉ sau khi Thánh Thần hiện xuống, các môn đệ mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh và chân lý của Ngài mới sáng tỏ  trong tâm hồn các ông. Đức Giêsu đã khẳng định vai trò giáo dục của Chúa Thánh Thần khi Ngài nói với các môn đệ: “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật (Mỗi ngày một tin vui).

5. Ngày nay đối với chúng ta, đời sống chúng ta luôn luôn cần đến sự giúp đỡ, hướng dẫn và giữ gìn. Ai sẽ giúp chúng ta điều đó? Thưa là Chúa Thánh Thần. Ngài không hiện diện giữa chúng ta  theo kiểu Đức Giêsu đã hiện diện giữa các Tông đồ, nhưng Ngài ở trong lòng chúng ta, để thực hiện nơi chúng ta những gì Đức Giêsu đã thực hiện nơi các Tông đồ lúc Ngài còn tại thế. Ngài soi sáng trí khôn chúng ta, Ngài sưởi ấm cõi lòng chúng ta, Ngài thúc giục chúng ta làm điều lành và tránh điều xấu.

6. Truyện: Giêsu ông là ai?

 “Giêsu, ông là ai”? Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giêsu, ông là ai” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Messia của dân Israel. Khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người; lúc đó, Đức Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giêsu lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot là thủ lãnh.

Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài xử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.

“Giêsu, Ngài là ai”? là câu hỏi của các môn đệ và của người đương thời. “Giêsu, Ngài là ai”? cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu và tin vào lời Chúa, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông  đón nhận mầu niệm Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn. Nguyện xin Thánh Thần Chúa tỏa trên chúng con (Epphata).

--------------------------------
 

Suy niệm 10: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu. Ngài sẽ dạy Kitô hữu biết sự thật, sự thật vẹn toàn.

Suy gẫm

1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt chúng con đến sự thật vẹn toàn.” Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật vẹn toàn:

Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình: mình xấu mà nghĩ mình tốt, mình sai mà nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, nhưng lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con.” Bởi thế, mỗi người chúng ta cần phải biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ hơn con người của mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn.

Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi.” Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh cách môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút là các môn đệ không chịu nổi nên Chúa Giêsu không nói nữa.

Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu của Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói tới chính là chén đắng.

Một lần khác Chúa Giêsu mở miệng nói mình sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết, thì Thánh Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là màu nhiệm đau khổ của Thập Giá.

Trong đêm Thứ Năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con.” Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ.

Tóm lại sự tật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm hạ, phải chịu đau khổ, phải chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng tất cả các lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy; và khi đó, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu:

Một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công Vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân hiểm nguy vì loan báo Tin Mừng, Ngài nói: “Tôi sung sướng vì được thông phần khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi.” Ngài còn nói: “Vinh dự của ta là Thập Giá Đức Kitô,” cái Thập Giá mà những người trí thức Hy Lạp nói là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

3. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đên sự thật toàn vẹn.”

“Giêsu, ông là ai?” Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Itcariốt trong tác phẩm “Giêsu, ông là ai?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Messia của dân Ítraen. Khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người, lúc đó Đức Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy Đức Giêsu lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Itcariốt làm thủ lĩnh. Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và giáo lý Ngài tuyền dạy.

“Giêsu, Ngài là ai?” là câu hỏi của các môn đệ và những người đương thời. “Giêsu, Ngài là ai?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần các môn đệ mới hiểu và tin vào Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có Thần Khí của Ngài hướng dẫn. Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con.

--------------------------------
 

Suy niệm 11: Dẫn ta đến là sự thật toàn vẹn


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy. Ngài sẽ dạy Kitô hữu biết sự thật, sự thật vẹn toàn.

“Thầy còn nhiều điều muốn nói với anh em nhưng bây giờ anh em không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,12-13). Sự thật mà Chúa Thánh Thần dẫn ta đến là sự thật toàn vẹn.

Chúng ta thấy trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu chỉ mới hé mở ra một chút vậy mà các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu không nói nữa.

Thí dụ như trong đêm thứ năm trước khi đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô không chịu nổi nên cự nự: “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con” (Ga 13,8). Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn mà các môn đệ phải chấp nhận là chính số phận của Thầy mình, phải tự khiêm hạ, phải chịu đau khổ, phải chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng tất cả các lần kể trên Chúa Giêsu đã không nói hết ý mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi.

Nhưng rồi khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy; và khi đó, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu nữa.

Một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt và bị giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra thượng hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân hiểm nguy vì loan báo Tin Mừng, Ngài nói: “Tôi sung sướng vì được thông phân khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói: “Vinh dự của ta là Thập Giá Đức Kitô”. Thập Giá mà những người trí thức Hylạp nói là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm thì thánh Phaolô lại coi là vinh dự.

2. Chúa còn quả quyết: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,12). Người sống trong sự thật sẽ luôn được Chúa soi sáng.

Một bác nông dân nọ, sau một đêm ngủ say, sáng ra mới hay đã bị kẻ trộm dắt mất con ngựa duy nhất trong chuồng. Đây lại là con ngựa nổi tiếng là khôn, vừa chạy nhanh, vừa cày giỏi, lại vừa dai sức. Bác nháo nhác vội vã đi truy tìm thì cuối cùng, gặp được con vật yêu quý ở một xóm chợ chuyên buôn bán ngựa. Bác khăng khăng đòi bắt ngựa về, nhưng tên bán ngựa quát tháo bảo đó là ngựa hắn đã nuôi từ lâu, hôm nay mới đem ra chợ bán. Hắn cho rằng, bác nông dân đã cố tình nhìn lầm để vơ vào cho mình những gì không phải là của mình.

Hai bên giằng co cãi đi cãi lại mãi cũng chẳng đi đến đâu cho nên họ bèn kéo nhau đến quan trên nhờ minh xét. Quan trên hình như đã bị hối lộ mua chuộc nên mới hạch hỏi:

- Lão bảo con ngựa này là của lão thế thì lão có thể cho biết một chi tiết nào làm chứng rằng, con ngựa này thật sự là của lão không? Lão mà khai man thì bị nghiêm phạt đấy nhé!

Thấy tình thế bất lợi cho mình, bác nông dân khôn ngoan ngẫm nghĩ một hồi rồi nẩy ra một diệu kế. Bác bất ngờ lấy hai tay bịt luôn hai mắt con ngựa rồi bảo tên trộm:

- Con ngựa này có một mắt bị tật. Nếu anh khai với quan là đã từng nuôi nó từ bé thì ắt hẳn anh phải biết rõ nó bị tật ở mắt nào! Bây giờ thì anh nói đi: con ngựa này bị tật bên mắt nào?

Tên trộm đâm ra ngẩn ngơ, đành nói liều:

- Nó bị tật ở mắt bên trái!

Bác nông dân liền cười thật to:

- Sai rồi, mắt trái của nó làm gì có tật!

Vừa nói bác vừa buông bàn tay đang bịt mắt trái con ngựa để quan trên có thể thấy rõ con mắt bên trái không hề có tật gì cả.

Tên trộm biết đã bị hố, cố vớt vát gân cổ lên cãi:

- Ấy tôi quên, con mắt bên phải nó mới bị tật cơ!

Bác nông dân lại càng cười to hơn nữa, vừa nói vừa buông nốt bên tay còn lại:

- Anh lại nói sai nữa rồi, mắt phải con ngựa cũng có thương có tật gì đâu. Thật ra, bẩm quan trên, con ngựa này tôi nuôi từ bé, hai mắt nó đều lành lặn. Đích thị tên này là kẻ đã trộm ngựa của tôi đêm qua. Xin quan trên minh xét!

Đám đông những người hiếu kỳ cùng kéo lên cửa quan, đã theo dõi đầu đuôi câu chuyện, giờ đây hiểu ra, bèn vỗ tay hoan hô bác nông dân tài trí. Thế là quan đành phải xử thắng cho bác nông dân, còn tên trộm thì bị bắt giam để trừng trị tức khắc.

Quả đúng là điều gì đã gian dối thì dù có quanh co lấp liếm thế nào đi nữa rồi cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng của chân lý vẹn toàn!

Chúa Giêsu đã nói: “Sự Thật sẽ giải phóng anh em” – Hãy can đảm sống theo sự thật, chúng ta sẽ luôn có sự bình an trong tâm hồn.

-----------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây