--------------------------------- Tiếp tục rao giảng Tin Mừng. 04/09 – Thứ Tư tuần 22 thường niên. "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô. Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.
Sáng ngày sabát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum. Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực. Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37). Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn. Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ. Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này. Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà. Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39). Lập tức cơn sốt phải rút lui. Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài. Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh. Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người, làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do. Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc. Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sabát là ngày lễ nghỉ, người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh. Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40). Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác. Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ. Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ. Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, để xa đám đông, để gặp gỡ Cha, Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến. Đức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông, Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng. Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh. Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42). Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi, là những điều có thể giữ chân người tông đồ. Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài, Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai. Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới. Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở. Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày. Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43). Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ. Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành… Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới. Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến. Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt. Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta) ---------------------------------
Như mặt trời trên bầu trời tỏa sáng trên muôn loài, đem sức sống cho con người và úc vật, cho hoa nở, cho trái chín, cho giòng nước trong xanh. Như mưa từ trời rơi xuống cho khí hậu mát mẻ, cho lúa mọc, cho sa mạc có sức sống. Tình Chúa bao la ấp ủ muôn loài.
Hãy xem một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Người làm việc không biết mỏi mệt. Có giảng dậy trong Hội đường. Có chiến đấu với ma quỉ. Có đám đông mênh mông đến với Người. Nhưng cũng có thời giờ gặp gỡ riêng tư với người thân. Và nhất là có thì giờ tâm sự với Chúa Cha ngay từ sáng sớm. Người đi đến đâu là mở rộng Nước Thiên Chúa đến đấy. Phá tan vương quốc sự dữ. Diệt tan đau khổ, bệnh tật, bất hạnh. Đem đến an ủi, niềm hi vọng. Đem đến sự sống và sự sống dồi dào.
Nhiều người nhìn thấy trong đó mối lợi riêng tư, nên muốn giữ chân Người. Nhưng tấm lòng bao la, Người phải lên đường đi đến với hết mọi người ở khắp mọi nơi. Bao lâu còn khổ đau bước chân Người còn dong duổi. Ở đâu còn bất hạnh trái tim Người còn thổn thức. Tin Mừng chưa đến tận cùng trái đất tâm hồn Người chưa biết đến nghỉ ngơi. Người phải đi khắp nơi vì Nước Trời không biên giới. “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”.
Nhưng có những môn đệ chưa hiểu điều đó, nên vẫn còn cục bộ phân chia. Kẻ theo A-pô-lô. Người theo Phao-lô. Đó là vì họ còn theo tính xác thịt chưa theo Thần Khí. Đó là vì họ còn muốn thiết lập nước trần gian chưa đi vào Nước Trời. Đó là vì họ còn ấu trĩ chưa đủ trưởng thành. “Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao? Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô” …thì anh em chẳng là người phàm tục sao” (năm chẵn).
Người môn đệ phải có tấm lòng bao la như Chúa. Bao la để đón tiếp và cộng tác với mọi sứ giả của Chúa, dù đó là Phao-lô, Ti-mô-thê hay Ê-páp-ra. Bao la để không chỉ yêu mến người thân, cộng đoàn mà còn yêu mến cả thế giới. Bao la để cho Tin Mừng lớn lên không chỉ ở một địa phương nhưng là toàn cầu. Bao la để cho niềm tin và niềm trông cậy vươn tới Nước Trời: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy” (năm lẻ).
Năm 1990, trong chuyến viếng thăm Phi Châu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Gia Mô Su Cô, thủ đô nước Qua Tê Ðô Bu A để kính viếng Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình do tổng thống nước này cho xây cất và dâng tặng cho Tòa Thánh.
Ðược mô phỏng từ Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa đến tám ngàn chỗ ngồi và mười ngàn chỗ đứng. Người ta không biết rõ kinh phí xây cất ngôi thánh đường này là bao nhiêu, nhưng tổng thống Kufues cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Vào giữa lúc dân chúng Qua Tê Ðô Bu A vẫn còn sống trong nghèo nàn lạc hậu, nhiều người đã có lý để chất vấn ông Kufues tại sao không dùng số tiền kếch sù ấy để xây cất trường học và đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo. Ðây cũng chính là điều kiện để Tòa Thánh đón nhận món quà của tổng thống nước này.
Ðức Thánh Cha đã đến thánh hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình nhưng đồng thời cũng kêu gọi tổng thống Kufues quan tâm tới công tác giáo dục và xã hội cho dân nghèo. Do đó, tổng thống Kufues đã tặng cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo.
Ðức Thánh Cha đã thánh hiến ngôi giáo đường nguy nga nhưng đồng thời cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ, nó nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
Rao giảng Tin Mừng không chỉ có nghĩa là công bố những chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn, sống đạo không chỉ có nghĩa là xây cất nhà thờ và chu toàn những việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ. Góp phần phát triển xã hội, tranh đấu cho công bình, nỗ lực mang lại no cơm ấm áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người, đó cũng là thành phần thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Giáo Hội trong thế giới ngày nay như hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại, và những vấn đề sống còn của con người. Giáo Hội hành động như thế là vì tính cách toàn diện của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà cả con người với hồn lẫn xác. Giáo Hội loan báo ơn cứu rỗi toàn diện như thế là bởi vì chính Chúa Giêsu đã loan báo và thực hiện một ơn cứu rỗi như thế. Ngài không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Ngài rao giảng đến ngay trong những thực tại trần thế và trong cuộc sống cụ thể của con người. Ngài không chỉ tha tội trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn dâng bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ tật bệnh của con người.
Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của thánh Phêrô và việc Ngài đặt tay chữa những người bệnh tật ốm đau được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của một tình yêu được trải rộng đến mọi người, từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Cần có nhà thờ để qui tụ lại, tôn vinh Thiên Chúa và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con người, nhưng càng cần có nhà thương và trường học để phục vụ con người hơn. Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và cuộc sống hàng ngày mới thiết thực hơn. Có những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để được tỉnh thức hơn hầu gặp gỡ, yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại cuộc sống hàng ngày hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em của mình nhiều hơn.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thống nhất hai giới răn mến Chúa và yêu người và ý thức rằng cốt lõi của Ðạo là Tình Yêu.
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng cho thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm, việc đó.” (Lc. 4, 42-43)
Đức Kitô đã nói: “ Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các nơi khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Người không chỉ đến một thành, là Ca-pha-na-um, hay những vùng lân cận đó, nhưng đến tận cùng thế giới.Chữa những bà mẹ vợ và còn bao nhiêu bà khác nữa!Chữa những người bị quỷ ám và còn phải đuổi bao nhiêu thần ôuế khác nữa!
Đừng nên bóp nghẹt Người vào một chỗ: đừng nên độc quyền nắm giữ sứ điệp nước trời cho riêng mình. Cần phải loan truyền Tin Mừng cho khắp mọi nơi như Người đã muốn, như chính Người đã làm. Chúng ta không thể là những người sở hữu độc nhất và đặc quyền khai thác Tin Mừng. Hiến chế về Giáo Hội của công đồng Va-ti-can II nói với chúng ta: “ Mỗi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình, đều phải làm tròn trách nhiệm gieo hạt giống đức tin”. (số 17). Phép rửa tội làm cho chúng ta trở nên những nhà truyền giáo. Chúng ta không chỉ là Kitô hữu cho nơi của mình. Về phần chúng ta phải mang Tin Mừng đi khắp mọi nơi chúng ta đến.
Giáo Hội phát triển nhờ những cuộc bách hại thời sơ khai thúc đẩy các môn đệ Chúa Kitô đi lập cơ sở mới ra khỏi thế giới Do-thái. Những bất mãn hiện thời của nhiều nhóm công giáo lâu đời buộc chúng ta phải cởi mở ra thế giới khác chúng ta, họ khao khát Thiên Chúa, có sức thấm nhuần và thăng tiến lời Chúa mạnh mẽ. Xưa, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: “ Nếu họ từ chối các con, thì các con hãy đi sang làng khác”. Thiên Chúa không còn áp đặt. Con Chúa cũng vậy. Suốt dòng lich sử Giáo Hội, chúng ta đã quên điều đó. Công đồng Va-ti-can II đã nhắc nhở chúng ta trong một tuyên ngôn cách mạng về tự do tôn giáo.
Thật chính đáng khi nhận biết rằng: tất cả là ơn Chúa, tất cả là sự quan phòng của Chúa, tất cả qui hướng về vinh quang cao cả của Chúa. Những người bị bỏ rơi đã được Chúa chọn, khiến chúng ta phải hiểu ơn gọi của người Kitô chúng ta là: Hãy đi đến với mọi người không trừ ai, vì không có một người nào mà Chúa không ghé mắt đoái nhìn. Còn chúng ta, phải nói gì với họ.
“Ông là Con Thiên Chúa”. Đây là lời tuyên xưng của ma quỷ khi bị Đức Giêsu trục xuất khỏi những người mà chúng làm hại. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà truyền cho chúng phải câm miệng.
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Đức Giêsu biết rất rõ trong tâm thức thực dụng của các môn đệ và những người Dothái thời bấy giờ là mong muốn và hy vọng về một Đấng Messia theo kiểu trần tục. Họ khát mong Đấng đó phải là người: giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của đế quốc Lamã, đem lại tự do, cơm no áo ấm và vinh quang cho đất nước...
Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu không phải đến để giải phóng theo ý hướng của họ, mà là đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, chữa lành bệnh tật và đem lại cho họ niềm hạnh phúc thật sự là được ở với Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu đã cấm ma quỷ nói về Ngài, vì bây giờ không phải là lúc thuận tiện để mọi người hiểu được cốt lõi sứ mạng nơi Đức Giêsu.
Thật vậy, con đường cứu độ của Đức Giêsu là con đường của vâng lời, hy sinh, phục vụ, tự hủy và chịu chết, chứ không phải là con đường nhung lụa, vũ trang, quyền lực, thống lãnh... theo kiểu nhà binh.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống và chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó trong vai trò và bổn phận của mình cách trung thành. Luôn đứng về phía người nghèo, thấp cổ bé họng, để bênh đỡ họ, vì chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người như thế. Đây phải là đối tượng số một của Tin Mừng và sứ mạng của người Kitô hữu. Mặt khác, đây cũng là thước đo lòng yêu mến Chúa của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần yêu thương như Chúa khi xưa, hầu nhiều người sẽ nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa khi chúng con biết yêu thương nhau. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã tỏ cho mọi người biết chính mình là ai khi chữa lành các bệnh tật và khử trừ ma quỷ. Ngài không cần ma quỷ tuyên xưng Ngài. Chính việc làm sẽ làm chứng cho Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi đọc Tin Mừng, con thấy các phép lạ Chúa làm được kể lại một cách rất bình thường, lời văn bình dị, đơn sơ, vắn gọn, khác xa với cách tường thuật về một sự kiện lạ lùng, ly kỳ như con thường đọc thấy.
Qua cách diễn tả đó, con nhận ra cách Chúa đang can thiệp vào cuộc sống của chúng con. Phép lạ Chúa làm không chú trọng vào kẻ kỳ dị bên ngoài, mà phép lạ chính là lúc Chúa đến tiếp xúc với con người và để cho con người tiếp xúc, gặp gỡ Chúa. Chúa đã cầm tay bà nhạc mẫu của thánh Phêrô để nâng đỡ bà dậy và bà đã khỏi sốt. Chúa đã gặp gỡ con người để đưa con người đến tình trạng tốt hơn. Phép lạ chính là việc Chúa làm để tác động lên đời sống thường nhật của chúng con.
Lạy Chúa, nhìn vào phương cách Chúa làm phép lạ, con nhận ra Chúa đã thực hiện bao nhiêu phép lạ trong cuộc sống con: những điều may lành con nhận được hằng ngày, các khó khăn nguy hiểm con đã vượt qua, những bất hoà trong gia đình được hàn gắn…, tất cả đều là sự can thiệp lạ lùng của Chúa: lạ lùng nhưng quá bình dị đơn sơ nên nhiều lúc con không nhận ra.
Chúa làm phép lạ không phải vì muốn được nổi danh nhưng chỉ vì thương xót chúng con. Điều Chúa muốn chính là cầm tay bà nhạc thánh Phêrô để bà được khỏi bệnh. Và bà đã chỗi dậy để tiếp đón, mời Chúa và các môn đệ dùng bữa ở nhà mình.
Trong cuộc sống của con, xin Chúa giúp con nhận ra những lần Chúa đến gặp gỡ con, nâng đỡ con, để con biết mau mắn chỗi dậy đón tiếp Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.
Soeur Marie Simon Phêrô, dòng Tiểu Muội bảo sanh viện (Công giáo Congrégation des Petites Soeurs des Maternités) tại nước Pháp mang bệnh Parkinson, cùng một loại bệnh mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mắc phải. Soeur đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bị run đến nỗi không cầm bút viết được nữa. Mẹ bề trên đề nghị chị hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Gioan Phaolô II lên một mảnh giấy, theo bà “vì ngài cũng mắc chứng bệnh Parkinson này, nên soeur cảm thấy có một mối liên hệ mật thiết với ngài”. Soeur đã cố gắng nhưng chữ viết chỉ nguệch ngoạc không đọc được. Các chị em trong dòng đã cầu nguyện không ngừng cho Soeur qua lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II.
Hai tháng sau khi Đức Gioan Phaolô trở về nhà Cha, một buổi sáng chị thức dậy lúc 4h30 sáng, đi ra khỏi giường thì không còn đau đớn. Chị rất ngạc nhiên khi thấy những chữ mình viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, Soeur nhảy ra khỏi giường: Bệnh Parkinson đã biến mất, một việc kỳ lạ được kiểm chứng và xác nhận bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại địa phương. Soeur Marie Simon Phêrô, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris…
Suy niệm
Chúa Giêsu cầm lấy tay nhạc mẫu của Phêrô đang nằm trên giường vì sốt, nâng bà “trỗi dậy”. “Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”.
Sau khi chữa lành cho nhạc mẫu của Phêrô, khi mặt trời lặn, đối với người Do Thái là lúc kết thúc ngày cũ và bắt đầu một ngày mới, họ dẫn mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Đức Giêsu để Ngài chữa lành những ai đau bệnh và trục xuất thần ô uế trong những ai bị chúng ám. Hình ảnh đó như mang một hy vọng mới trong ngày mới: Được chữa lành, mạnh khỏe đời sống tinh thần và thể xác, nhưng không chỉ mạnh khỏe để sống cho mình mà mạnh khỏe để tiến bước trong tinh thần phục vụ.
Thật thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta đang phải chiến đấu, vật lộn với những thứ bệnh, ngay trong bản thân mình, những căn bệnh của thể xác, những căn bệnh về tinh thần như lo âu, đau khổ như Gióp đã đại diện con người nói lên tâm trạng đó (x. G 7,1-4.6-7). Hơn nữa, do mang thân phận mỏng giòn yếu đuối của kiếp người, chúng ta mang đủ thứ tội lỗi, những tính hư nết xấu, những khuynh hướng xấu, những đam mê, dục vọng mệt mỏi làm chúng ta sống vô vọng như muốn buông xuôi tất cả. Chúng ta lại đang bị hành hạ bởi bệnh sốt của những kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và thiếu hay không chăm chú thực hành những điều răn của Người (x. Tl 28,15.22), đó là căn bệnh tâm linh của mọi thời đại… Con người chỉ có thể được chữa lành và được mạnh khỏe khi nhìn nhận bệnh tình của mình và mang thái độ tin vào Đức Kitô, Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng cứu chữa chúng ta như Ngài đã chữa lành cho nhạc mẫu của Phêrô và các người bệnh nhân chạy đến xin Người cứu chữa…
Khi chúng ta được chữa lành, chúng ta mau mắn trỗi dậy ra đi phục vụ anh em, đặc biệt những người bé nhỏ, cô thân cô thế, những người neo đơn, ốm đau tật nguyền… những người trong chính gia đình mình.
Ý lực sống:
Xin chữa lành, đỡ con dậy và con tiến bước phục vụ…
Thánh Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng và chữa một người bị quỉ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của ông Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân. Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài, nhưng Ngài đành phải ra đi, vì “còn phải rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.
Chúa Giêsu đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Ngài xua trừ quỷ dữ ra khỏi nhiều người, và trong rất nhiều trường hợp khác, đối với nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ chứng bệnh, Ngài cũng chữa lành. Tất cả đều chứng tỏ lòng nhân từ yêu thương của Chúa. Nói rõ hơn, với tư cách là Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đến trần gian để giải cứu con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn, nhưng Ngài cũng cứu giúp con người về phần xác nữa: Ngài cảm thông với những đau yếu bệnh tật của con người và chữa lành họ.
Chúa Giêsu không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin mừng. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Tôi còn phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa. Sau khi Chúa về trời, các Tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách rất tốt đẹp.
Rao giảng Tin mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm người nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Kitô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ.
Dân chúng mộ mến Đức Giêsu vì Ngài làm cho họ biết bao điều tốt đẹp: chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng. Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Ngài ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn luôn kết hợp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin mừng, hai thực hành này hoà quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giêsu (5 phút Lời Chúa).
Nhiều lần các Tin mừng kể việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23), hoặc: “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giêsu đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giêsu đi cầu nguyện.
Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày: ban sáng dâng Thánh lễ và buổi tối đọc kinh chung, nhất là kinh Mân Côi.
Theo như đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết trong cuốn sách Đường Hy Vọng như sau: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa”.
Dù là Con Thiên Chúa, với thân phận làm người, Chúa Giêsu vẫn không bỏ qua việc cầu nguyện. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng, để cầu nguyện và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.
Truyện: Phải cộng tác với Chúa
Đức cha Tihamer Toth kể: Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn, nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi được hỏi lý do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã, người học trò hỏi:
- Tại sao thầy buồn thế?
- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.
- Bộ ông ta khùng ư?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là khác. Ông nói: Thiên Chúa yêu thương vô cùng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu dư đầy.
Luca tiếp tục tường thuật một ngày hoạt động bận rộn của Chúa Giêsu: sau khi giảng và chữa một người bị quỷ ám trong hội đường, Ngài đến nhà nhạc mẫu của Simon Phêrô và chữa bệnh sốt cho bà. Chiều đến, người ta vẫn còn mang tới rất nhiều bệnh nhân, Chúa Giêsu “đặt tay trên từng bệnh nhân” và cứu chữa họ. Sáng hôm sau dân chúng lại tìm Ngài. Nhưng Ngài đành phải ra đi vì “còn phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác”.
B.... nẩy mầm.
1. Khi có người nào đó giống Chúa Giêsu biết quan tâm cứu giúp những người đau khổ, thì những người đau khổ vây quanh bám lấy người ấy như một đám đông gần chết đuối bám lấy chiếc phao duy nhất.
Tội nghiệp cho nhân loại khốn khổ. Xin cho có nhiều người mang tâm hồn bao la như Chúa, trong số đó cũng có con.
2. Phần cuối của bài Tin Mừng này khiến tôi hơi thất vọng: những người khốn khổ vẫn bám theo Chúa Giêsu, “họ cố cầm giữ Ngài lại”, nhưng Ngài bỏ họ mà đi, vì “còn phải rao giảng Tin Mừng cho những thành khác”.
Nhưng tôi đã hiểu: Chúa không nhắm cứu hết tất cả những đau khổ phần xác (bởi vì đã mang thân xác tất phải chịu khổ đau. Trần gian là thế!), nhưng Ngài nhằm đem cho nhân loại Tin Mừng, một thứ thuốc tiên giải thoát những đau khổ tinh thần.
3. “Đến sáng ngày, Ngài ra đi vào hoang địa”: đó là lúc Chúa Giêsu múc lấy nguồn lực cho tất cả những hoạt động rộn rịp suốt cả ngày. Ngài múc lấy nguồn lực từ việc cầu nguyện. Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện và hoạt động được phối hợp rất quân bình. Không phải vì bận việc mà Ngài bỏ cầu nguyện. Trái lại, càng làm việc nhiều thì Ngài càng cầu nguyện nhiều hơn.
4. “Chúa Giêsu nói với dân chúng: Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43)
Tại một xứ nhỏ ở miền quê nước Pháp, có một người đàn ông ngoài 50 tuổi bị chứng bất toại. Chân không đi đứng gì được và hai tay cũng không làm gì được hơn. Suốt ngày ông chỉ biết than thân trách phận. Mặc dù ông không phải là người công giáo nhưng cha sở thỉnh thoảng đến thăm ông và mời gọi nhiều người đến thăm, chia sẻ và giúp đỡ ông. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện đến chăm sóc ông. Mỗi chúa nhựt có một thiếu nhi đến đọc truyện cho ông nghe, kể chuyện vui cho ông bớt cô đơn. Sau một thời gian, ông xin lãnh bí tích Thánh Tẩy. Ông nói: “Thưa cha, trước đây con không tin có Chúa, nhưng từ ngày con được cha đến thăm, được bác sĩ giúp đỡ, các em giúp vui, con cảm thấy như mình đã gặp được Thiên Chúa, và chính Chúa đã gởi cha, bác sĩ và các em đến với con và bày tỏ tình thương đối với con. Con tin như thế”.
Lạy Chúa, xin cho con biết đem niềm vui của Tin Mừng đến với mọi người, luôn cảm thấy được thôi thúc, được sai đi. Xin cho con biết sẵn sàng lên đường khi được Chúa mời gọi. (Hosanna).
Suy niệm 11: Chúa quan tâm toàn bộ cuộc sống con người
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Chúa Giêsu không phải chỉ quan tâm đến vấn đề tinh thần mà Người còn quan tâm đến cả những vấn đề rất cụ thể của con người như bệnh tật, đói nghèo, đau khổ v.v…
Việc Chúa quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến toàn bộ cuộc sống của con người, nhắc cho Giáo Hội hôm nay phải biết luôn nhớ đến bổn phận trần thế của mình.
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế về Giáo Hội có nói: “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa.”
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm thủ đô San José của Costa Rica để thánh hiến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình do Tổng thống nước này xây cất và dâng tặng Toà thánh. Vương cung Thánh Đường này được mô phỏng theo mô hình Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma. Ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa được 8000 chỗ ngồi và 10.000 chỗ đứng. Người ta không biết để xây cất ngôi thánh đường này kinh phí phải tốn bao nhiêu? Nhưng Tổng thống cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ.
Nhiều người ca tụng gia đình ông là hào hiệp đạo đức nhưng cũng không ít người đặt vấn đề: giữa lúc dân chúng Costa Rica sống trong cảnh nghèo nàn lạc hậu như thế mà gia đình ông giàu có đến như vậy thì việc làm của gia đình ông có đúng hay không? Thậm chí còn có người chất vấn ông:
- Tại sao không dùng số tiền ấy để xây trường học, đẩy mạnh công cuộc phát trển có lợi cho dân nghèo?
Rao giảng Tin Mừng không chỉ là chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn và sống đạo không chỉ là xây cất nhà thờ, chu toàn các việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải là góp phần nỗ lực vào công tác xã hội, mang lại cơm no manh áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người. Giáo Hội luôn ý thức điều đó. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến để thánh hiến Thánh Đường Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình, nhưng đồng thời Ngài cũng kêu gọi Tổng thống quan tâm đến công tác xã hội và giáo dục cho dân nghèo. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã lập tức được hưởng ứng. Tổng thống đã tặng ngay cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã thánh hiến ngôi thánh đường, nhưng đồng thời ngài cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
2. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ quên việc chính yếu là phải loan báo một Tin Mừng. “Chúa Giêsu nói với dân chúng: tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt là để làm việc đó”. (Lc 4,43).
Phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Đó là công việc hàng đầu, ưu tiên và số một của Chúa.
Sau khi Chúa về trời, các tông đồ đã tiếp tục thi hành công việc này. Các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa trao phó một cách hết sức tốt đẹp.
Ngày nay, Chúa cũng muốn cho chúng ta cộng tác với Người.
Một buổi họp mặt sống động được tổ chức trong một ngôi nhà thờ làng. Qua những buổi họp mặt, nhiều người đã được ơn giải thoát.
Một lần kia, sau khi giảng, vị linh mục nói:
- Ở đây có người nào gây ảnh hưởng nhất cho anh chị em trong việc giúp người khác thành một người Kitô hữu không? Có thể đó là bà mẹ, là người rao giảng, là giáo viên, là người hàng xóm của anh chị em. Tôi mong rằng, bây giờ anh chị em sẽ đứng lên và tiến đến bắt tay người nào có ảnh hưởng nhất đối với anh chị em trong việc nhận ra Đức Kitô như là Đấng cứu Độ của mình.
Ngồi bên phải vị linh mục là một bà cụ đã ngoài 75 tuổi. Bà cụ chưa bao giờ nói trước công chúng. Bà cũng không phải là một nhà giảng thuyết, hoặc một người làm việc trong nhà thờ, bà cụ chỉ là một người mẹ, một người vợ Công giáo đầy lòng tin, hết lòng tận tụy với bổn phận hằng ngày mà thôi.
Thế mà cả một chuỗi dài người cứ nối tiếp nhau tiến đến bắt tay cụ, họ nói:
- Cuộc sống âm thầm, tận tụy, đầy lòng tin của cụ, những hành động và chứng từ của cụ đối với Đức Kitô đã đưa dẫn chúng tôi đến với Đức Kitô Đấng cứu Dộ.
Thật là một đời sống tươi đẹp, thánh thiện, mà nhờ đó qua bao năm tháng, người phụ nữ Công giáo này đã đưa nhiều người đến với Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất
Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, qua đời sống yêu thương của chúng con. Amen.
Chúa rao giảng Tin Mừng, Chúa làm các phép lạ để xua trừ ma quỷ và cứu chữa bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng, Chúa đi đến đâu, dân chúng ta theo Chúa đến đó. Chúa rời hội đường, Chúa vào nhà mẹ vợ ông Simon Phêrô, dân chúng cũng đi theo Chúa và lúc này họ gắn bó với Chúa như cá với nước, như hình với bóng. Sở dĩ như thế là do Chúa thương yêu dân Chúa và dân Chúa cũng đã nhận ra tình yêu này.
Khi chấm dứt ngày sabát và bước sang đầu ngày mới, dân Chúa hết kiêng việc xác, cho nên lại kéo đến với Chúa càng đông đảo hơn. Chẳng những vậy mà họ còn đem đến với Chúa nhiều người bệnh với đủ các chứng bệnh khác nhau. Họ tin Chúa đến nổi dù người bệnh đó đau nặng, nằm liệt lào, hoặc có những bệnh nhân không đi được, họ cùng tìm cách như khiêng, như cõng những người bệnh đó đến với Chúa. Chúa đặt tay trên từng người bệnh, nghĩa là Chúa quan tâm đến từng người một, Chúa thương xót từng người một cụ thể chứ không có chung chung, ai cũng giống nhau, và tất cả được chữa lành, đều nhận được các ơn lành của Chúa ban. Trong đó có bà nhạc gia của thánh Phêrô, bà được Chúa cầm tay chữa cho hết cơn sốt và bà biết ơn Chúa, bà đã chỗi dậy để phục vụ Chúa. Chúng ta cũng trộm nghĩ rằng, tất cả dân chúng đến với Chúa hôm nay, cách riêng là những người đau bệnh được Chúa chữa lành, họ cũng biết ơn Chúa và họ tỏ lòng biết ơn đó bằng cách ở lại bên Chúa nghe Chúa rao giảng Tin Mừng, phục vụ, giúp đỡ Chúa khi Chúa cần đến họ.
Tuy Chúa rất bận bịu với công việc rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu chữa dân chúng, nhưng Chúa vẫn luôn luôn sống gắn bó với Chúa Cha mọi nơi mọi lúc. Trước khi rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ, Chúa cầu xin Chúa Cha ban ơn cho Chúa để Chúa thi hành. Sau khi rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ, Chúa dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì đã thương ban cho Chúa những điều tốt đẹp như vậy. Nhất là sáng sớm, khi trời còn tối, vạn vật vẫn còn chìm trong giấc ngủ đêm, hoặc có thức dậy thì cũng chưa tỉnh hẳn, Chúa đã thức dậy rồi, Chúa ra đi đến nơi thanh vắng để Chúa cầu nguyện với Chúa Cha trong không gian tĩnh mịch khởi đầu cho một ngày mới, để Chúa hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha, để Chúa Cha chúc lành cho Chúa, thêm ơn giúp sức cho Chúa mà Chúa có tinh thần, có nghị lực chu toàn các công việc Chúa Cha trao phó cho Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại. Vì thế mà Chúa đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.
Nhất nữa, Chúa quá thương dân Chúa như thế, cho nên mọi người đều muốn giữ chân Chúa lại với họ, không muốn Chúa đi nơi khác, không muốn chia sẻ Chúa cho người khác. Nhưng Chúa thì muốn dân chúng ngày xưa và chúng ta ngày hôm nay sống tinh thần anh chị em, đại đồng, yêu thương chia sẻ, giúp nhau. Chúng ta cần có Chúa như thế nào, thì người anh chị em của chúng ta cũng cần có Chúa như thế. Vì như Chúa đã nói: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa” (Lc 4, 44).
Lạy Chúa, chúng con rất hạnh phúc vì được làm con của Chúa và có Chúa là Chúa của chúng con. Chúa biết tất cả mọi người chúng con. Chúa quan tâm đến mọi công việc chúng con làm để Chúa trợ giúp và bảo vệ chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn tin tưởng nơi Chúa và hân hoan ca khen, chúc tụng Chúa trong suốt cuộc đời của chúng con. Amen.