--------------------------------- Bắt chước Thiên Chúa Cha. 12/09 – Thứ Năm tuần 23 thường niên. "Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu, chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi, hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ. Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác, hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân. Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.” Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược. Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc, vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu. Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới. Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống. Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo. “Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần. Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai? Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống. Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi. Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp. Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi, là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi. Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi. Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân: về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện. Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay. Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28). Khi làm điều tốt cho kẻ thù, tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng, và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ của họ. Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế, tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa. Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi. Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay một người làm tôi vô cùng đau khổ. Ðó chẳng phải là một hành động giả hình, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng. Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên. Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên... Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình, mới vào được thế giới siêu nhiên, thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha. Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện. Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học, nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ. Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương. Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Yêu người thân cận như chính mình đã là khó lắm rồi. Nay Chúa lại đòi hỏi phải yêu cả kẻ thù. Ai có thể làm được? Nhưng Chúa đưa cho ta một phương thế: Hãy nhân từ như Chúa Cha.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa luôn yêu thương. Không có mảy may thù ghét nào nơi Người. Người là tình yêu. Chỉ là tình yêu mà thôi. Tình yêu luôn phát ra tình yêu. Bất kể đối tượng thế nào. Có đón nhận hay không. Có yêu thương hay không. Có tốt hay xấu. Người không bị đối tượng qui định. Chính Người qui định đối tượng. Tình yêu Người mạnh hơn tất cả. Người yêu thương tất cả. Tha thứ tất cả. Nhân từ với tất cả.
Tôi thường bị đối tượng qui định. Gặp người tốt thì tôi yêu. Gặp người xấu thì tôi ghét. Tôi làm ơn cho người làm ơn cho tôi. Tôi trả oán cho kẻ làm hại tôi. Tôi yêu vì đối tượng dễ yêu. Hôm nay Chúa muốn tôi phải là tình yêu nguyên tuyền. Không bị đối tượng qui định. Nhưng tình yêu phát xuất từ đáy tâm hồn. Luôn yêu thương tất cả. Kể cả người làm hại, vu cáo, hành hạ mình. Điều này có thể được khi tôi kín múc được nguồn tình yêu nơi Chúa Cha. Để có thể yêu dù đối tượng có thế nào.
Khi qui chiếu về Chúa, ta đạt đến yêu thương như Chúa. Tha thứ như Chúa: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. Để Chúa điều khiển tâm hồn. Nên nói gì, làm gì cũng theo ý Chúa: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su”. (năm lẻ).
Yêu thương khiến ta luôn nghĩ đến người khác. Không làm gì cho tha nhân sai lỗi. Không gây cớ vấp phạm. Kể cả những việc vô tội, được phép làm, nhưng vẫn không làm. Vì yêu thương, sợ người khác sa ngã. Như vấn đề ăn thịt cúng: “Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã” (năm chẵn).
Nhân từ như Chúa Cha, chúng ta xứng đáng là con của Người. Ta sẽ kiến tạo một thế giới mới. Thế giới của những người con của Cha Nhân Từ. Thế giới của lòng nhân từ. Một thế giới tràn đầy tình yêu thương. Một thế giới đáng sống.
Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:
"Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng".
Những lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi chương 6.
Mức độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
"Hãy ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ". Ðó là những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.
Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: "Chiều nay về nhà, mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình".
Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau: "Thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa".
Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.
Tiếc thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc. Thật là, suy bụng ta ra bụng người.
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù va làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc. 6, 27-28)
Qua đoạn Tin Mừng này, Đức Kitô dẫn chúng ta tới đỉnh cao của bác ái, càng đi theo Người càng dốc hết hơi, leo lên cao mãi, cao mãi liên tục.
“Hãy yêu thương kẻ thù”, Chúa dạy thế, không lý thuyết xuông nhưng rất cụ thể. Người cho thấy những công việc rõ ràng trước mắt, không để chúng ta phải tưởng tượng. “Hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em...”. Tất cả những kẻ đó không phải là ảo ảnh ma quái, nhưng là con người bằng xương bằng thịt mà lý tự nhiên mình phải xa lánh, ghét bỏ. Chính những kẻ đó phải được nâng đỡ, phải sẵn lòng mỉm cười với họ.
Đức Kitô nói thêm: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ má bên kia. Ai đoạt áo ngoài đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin hãy cho, ai lấy gì của anh thì đừng đòi lại...”.
Có lẽ chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời: “Lạy Chúa, Chúa đã đi quá mạnh, không thể tới được”. Nhưng, Đức Kitô vẫn tiếp tục không khoan nhượng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những kẻ tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì còn gì là ân nghĩa? ngay cả những người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân nghĩa? cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay để được trả lại sòng phẳng.
Không thể tới được bác ái Kitô giáo, chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ. Làm sao sống vượt mức như thế! sống yêu thương tột độ! nhiều môn đệ của Chúa đã sống vượt mức như thế và còn sống vượt mọi mức tới tột độ nữa. Họ đã theo Đức Kitô Đấng giầu lòng thương xót và tha thứ. Đức Kitô sẽ hài lòng và âu yếm nhìn Phê-rô và tất cả mọi người đã nên giống Người.
Xem lại CN 7 TN A và C - thứ bảy tuần 1 và thứ Hai tuần 2 C, thứ Ba tuần 11 TN.
“Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình”. Đây là lệnh truyền của Đức Giêsu và là nội dung của Luật Thiên Chúa. Khi sống theo tinh thần này của Đức Giêsu, chúng ta đã đi vào cốt lõi của tình yêu, bởi vì nếu yêu thì đâu còn ranh giới giữa bạn và thù!
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của mình yêu thương kẻ thù. Lấy cái thiện mà thắng cái ác.
Đức Giêsu không chấp nhận sự dữ, lòng gian ác, cũng như tội lỗi. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngài loại bỏ họ, vì sứ mạng của Ngài đến để cứu người tội lỗi ra khỏi sự gian ác, biến người tội lỗi thành người công chính. Điều này đã được chứng minh qua hình ảnh nhân từ của Đức Giêsu với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, hay như Giakêu, người thu thuế, như Phêrô kẻ chối Chúa, như người trộm lành bị đóng đinh cùng... Đỉnh cao của sự tha thứ chính là lời cầu xin Chúa Cha tha tội cho kẻ giết mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta một định luật căn bản rằng: muốn được yêu thế nào thì hãy yêu người khác như vậy. Ai lại không muốn được kẻ khác yêu thương? Ai lại muốn kẻ khác ghét mình bao giờ?
Nếu yêu được cả kẻ thù thì hẳn sẽ không còn chuyện mắt đền mắt, răng đền răng... Không còn ranh giới giữa bạn và thù, không còn chuyện phe tả phe hữu. Đồng thời, khi có tình yêu với ngay cả kẻ thù, chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng mong muốn ơn huệ theo kiểu có qua có lại như: “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”. Mặt khác, chúng ta sẽ dễ vượt qua chuyện xét đoán, vì ý thức rằng mình cũng đâu hơn gì người khác, thế mà mình đã được Chúa yêu thương bỏ qua, đến lượt mình, hãy tha thứ để được thứ tha, đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con sẵn sàng đi vào và sống tận căn của Lề Luật, đó là yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét chúng con. Xin cũng cho chúng con hiểu rằng, đây là điều kiện cần để được Thiên Chúa thứ tha. Amen.
Sứ điệp: Lòng nhân từ, nhất là yêu kẻ thù, là điểm đặc biệt của đạo Chúa Kitô. Ta hãy có lòng quảng đại như Cha trên trời để biết yêu thương chân thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hằng ngày chung quanh con, và trên báo chí, truyền hình, con vẫn nhìn thấy và đọc thấy nhiều cuộc đánh nhau, chửi nhau, thậm chí cả chém giết nhau. Nhiều lúc không xô xát to tiếng thì cũng là giận hờn, lườm nguýt, không nhìn mặt nhau, ghét nhau và ghét cay ghét đắng.
Như thế, chúng con đã không sống đúng với phẩm giá con người. Tất cả chỉ bởi con sống thiếu tình yêu. Con chỉ yêu những người yêu con và ghét những ai ghét con, làm hại con. Vì thế, cuộc sống vẫn đầy đau khổ, hận thù chồng chất hận thù.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con phải yêu thương tất cả mọi người. Tình yêu của con phải vượt ra ngoài biên giới thân thuộc, giáo xứ, cộng đoàn thân quen. Nhưng quả tim con quá nhỏ hẹp, chưa thực hiện được điều Chúa dạy. Xin Chúa ban cho con quả tim của Chúa, một quả tim quảng đại, biết vươn mình lên cao, vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường: không xét đoán, không lên án, nhưng biết mặc lấy tâm tình bao dung, tha thứ. Xin cho con biết vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho quả tim con đủ lớn để có thể yêu người con không ưa, biết cầu nguyện và làm ơn cho họ. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để con có thể ôm cả những người thù ghét con. Xin cho con biết noi gương Chúa Cha là Đấng trọn lành và giàu lòng thương xót, để tình yêu lan toả trong cuộc sống con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.
Sau thế chiến II chấm dứt, Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, bà đã đi khắp Âu châu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.
Thế nhưng, vào một Chúa nhật nọ, sau khi bà kêu gọi mọi người hãy tha thứ cho nhau trong một nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài bà bất ngờ đối diện với một khuôn mặt quen thuộc: dung mạo của người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác ở trại tập trung. Tiếng than khóc, cảnh tra tấn, rồi những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà.
Người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ. Xin bà tha thứ cho tôi”. Coritanbun như chết điếng người, trước đây bà cầu nguyện và quyết tha thứ, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không thể bắt tay người đến xin bà tha thứ. Sau này vào năm 1971 khi kể lại: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó bà đã hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa (Trích “Món quà Giáng sinh”).
Suy niệm
Để đạt tới đức ái tuyệt hảo thì Đức Kitô lại mong muốn sự thứ tha trong mọi tương quan, với những người mình không thích và với những kẻ mình ít ưa, thậm chí với cả kẻ thù: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình… ” (Lc 6,27-28). Với kẻ thù trước khi yêu thì phải có sự tha thứ.
Đức Kitô đã gợi mở cho chúng ta tinh thần vị tha tuyệt hảo và mời gọi chúng ta bước vào, “Tha thứ tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22), tha thứ không ngừng. Chúa Giêsu dạy con người là tha thứ mãi, vì tha thứ cũng là trao ban cho chính kẻ mình ghét cay ghét đắng bằng đức ái như chúng ta đã trao cho người thân, bạn bè… Chúa Giêsu còn nhấn mạnh tha thứ là điều kiện để được thứ tha như Ngài đã dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).
Tuy nhiên, sẽ không có được sự tha thứ vĩ đại như Chúa Giêsu tha thiết: “Tha thứ cho kẻ thù của mình” nếu chúng ta không có một quá trình học biết tha thứ. Sự tha thứ mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta sẽ chỉ hiện hữu nếu chúng ta biết đào luyện cho mình một tiến trình tiệm tiến: Từ bản thân, đến những người thân lầm lỗi, những người ta không thích - không ưa… và tất cả sự tha thứ đều bắt nguồn từ đỉnh cao của đức ái.
Tha thứ cho anh em trong gia đình, bạn bè để nơi tâm hồn chúng ta luôn chan chứa tình huynh đệ bao dung, gia đình đầy ắp tiếng cười. Nhưng tha thứ cho người hãm hại mình quả là điều rất khó khăn. Đó là một bài học có lẽ khó nhất và là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời. Đó cũng là đỉnh cao của lòng vị tha Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã đề nghị: Yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho người hại mình. Chính Ngài trên thập giá đã sống đỉnh cao yêu thương này và làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha và cũng là di chúc cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Lời di chúc này gợi trong lòng tôi và bạn: yêu thương tha thứ như Chúa Giêsu, đến độ triệt để khai trừ mọi hành động trả thù và luôn luôn sẵn sàng đối thoại, lập lại sự giao hảo với người ghét mình, với kẻ hại mình. Sẵn sàng chia sẻ và quảng đại làm ơn cho họ: “Thi ân xóa bỏ thù hận”, cách hành xử yêu thương này là luật vàng của lòng bác ái.
Ý lực sống:
“Cuộc sống là học biết tha thứ, tha thứ tất cả” (Paul Toupin).
Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương địch thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chúng ta. Yêu người xa lạ đã là rất khó, nhưng yêu địch thù còn khó gấp bội. Chúng ta yêu người yêu chúng ta, yêu người đem lại niềm vui cho chúng ta... tình yêu ấy vẫn còn vị kỷ. Tình yêu trọn nghĩa phải là tình yêu vô vị lợi. Yêu như Chúa yêu ta khi ta còn là tội nhân. Chúa đã chịu chết để ta được cứu độ. Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi, một tình yêu chân chính.
Trong Cựu ước, chúng ta chỉ thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù, bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán: mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x.Xh 21,23-25; Lv 24,17-21).
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức bác ái: hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chí cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.
Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giêsu đơn cử ra hai việc phải thực hành:
a) “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con”: Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa, nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành như giao tiếp, giúp đỡ, cầu nguyện...
b) “Và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đây là thái độ biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành đền đáp lại điều dữ.
Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu nhiên. Vì thế:
- Làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ. - Làm sự lành để trả ơn lành là nhân loại. - Làm sự lành để trả sự dữ là Thiên Chúa.
Vậy người Kitô hữu không được đứng ở chỗ nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.
Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy:
a) Học thuyết của Khổng Tử: Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Tử giống luật báo oán của Cựu ước. Ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu: “Dĩ đức báo oán”.
b) Đức Phật Thích Ca: Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.
c) Ông Mahatma Gandhi nói: “Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.
d) Mục sư Luther King: Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói: “Trong Tân ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.
Truyện: Tha thứ cho kẻ thù
Một ông bố giàu có, cảm thấy già yếu gần đất xa trời, bèn gọi ba đứa con trai lại chia gia tài đồng đều cho chúng, duy còn lại một viên kim cương gia bảo quý giá không thể chia cắt được.
Ông ta giải quyết bằng cách nói với các con rằng: “Ta sẽ trao viên kim cương cho đứa nào thực hiện một việc lành tốt đẹp nhất. Vậy các con hãy ra đi và thực hiện cho được điều kiện đó”.
Ba đứa con lên đường và ba tháng sau trở về. Người con cả nói với bố:
- Một người ngoại quốc đã giao toàn bộ tài sản cho con và con đã thủ tín trả lại đầy đủ.
Người cha tuyên bố:
- Con đã làm phận sự của con rất tốt đẹp.
Đến lượt đứa con thứ trình:
- Thưa cha, con đã xả thân cứu được một em bé chết đuối.
Người cha khen anh ta. Rồi quay sang nhìn đứa con út. Cậu ấp úng bẩm:
- Thưa cha, trong một cuộc hành trình con thấy địch thù con đang ngủ say bên một bờ vực sâu. Con nghĩ con có thể xô nó xuống vực dễ dàng, nhưng con không làm. Trái lại con đánh thức nó dậy và cứu nó.
Nghe xong, người cha ôm hôn cậu út và tuyên bố:
- Viên kim cương gia bảo thuộc về con, vì con đã làm một việc lành vĩ đại biểu lộ một tấm lòng nhân ái chân thực là yêu thương tha thứ cho kẻ thù mình.
Suy niệm 10: Chúa Giêsu dạy cách đối xử với tha nhân
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình:
- Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.
- Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.
2. Những lời dạy về cách đối xử va tha nhân cách chung:
- Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.
- Cư xử nhân hậu
- Đừng xét đoán và kết án.
- Hãy tha thứ.
3. Lý do của tất cả những cách cư xử trên là vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”; “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con…”
B.... nẩy mầm.
1. Những chữ “vì” trong tương giao:
- Nếu “vì tôi”, thì tương giao sẽ ích kỷ.
- “Vì người ấy” thì tương giao sẽ vụ lợi hoặc thất thường (người ấy tốt thì tôi sẽ tốt, ngược lại…)
- Khi biết “vì Chúa”, các tương giao sẽ vô cùng cao thượng và tốt đẹp.
2. “Các con muốn người ta làm gì cho các con thì các con hãy làm cho người ta như vậy”: Tôi thường đòi hoặc mong người ta làm cho tôi thế này thế nọ. Đó là cách tương giao lấy mình làm trung tâm qui chiếu. Cách tương giao này khiến người khác nặng nề và cũng thường làm tôi thất vọng. Hôm nay tôi thử cách tương giao quên mình để nghĩ đến người khác xem: chắc là mọi người đều sẽ vui, phần tôi cũng sẽ cảm thấy một niềm vui sâu xa khó tả.
3. “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán… Hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ; Hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con”: những thứ mà người khác dùng để đáp lại tôi chắc chắn không tốt bằng chính Thiên Chúa đáp lại, vì Ngài rất quảng đại, Ngài “sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ vào vạt áo các con”.
4. “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27)
Lần nọ trong một ngôi thánh đường, hàng ngàn người say sưa ngồi lắng nghe vị mục sư giảng về lòng yêu thương. Khi bài giảng đã kết thúc, vị mục sư bước ra khỏi ngôi thánh đường. Bỗng một người tiến lại và chìa tay về phía ông. Đó chính là người đã hại ông khi xưa. Ngập ngừng hồi lâu, vị mục sư ngượng ngùng đưa tay bắt.
Sự ngập ngừng của vị mục sư cũng chính là thái độ của tôi trong cuộc sống hôm nay. Tôi không dễ dàng tha thứ để đón nhận và yêu thương kẻ thù. Tôi đã quay lưng lại khi phải đối diện với họ.
Lạy Chúa, xin cho con con tim của Chúa, để con bao dung, yêu thương và tha thứ cho hết mọi người như chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng con. (Hosanna).
Luật yêu thương không phải thời Chúa Giêsu mới có. Luật này đã được nói tới từ lâu nhưng nó mới chỉ có tính cách tiêu cực.
Hillel một trong những Rabbit nổi tiếng của Do Thái, đã trả lời cho người đến xin ông ta dạy cho mình biết tất cả luật pháp chỉ trong thời gian anh ta có thể đứng cò cò trên một chân, ông bảo:
“Điều gì đáng ghét cho ngươi thì ngươi đừng làm cho kẻ khác, đó là tất cả luật pháp, các sự khác chỉ là giải thích”.
Philô, một vĩ nhân Do Thái sống tại Alexandria đã nói: “Điều gì anh ghét thì đừng làm cho bất cứ ai”.
Socrates, một nhà hùng biện Hi lạp nói: “Những gì khiến anh bực bội do kẻ khác gây ra cho mình, thì anh cũng đừng làm những sự ấy cho kẻ khác”.
Các triết gia của phái khắc kỷ có một nguyên tắc căn bản hơn: “Điều gì anh không muốn kẻ khác làm cho anh thì anh đừng làm cho ai khác”.
Khi người ta hỏi đức Khổng Tử rằng: “Có lời nào có thể làm luật thực tiễn cho cả đời sống con người không?”. Cụ trả lời: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.
Tóm lại, tất cả các hình thức trên đều là tiêu cực. Dù không phải dễ để giữ mình đừng làm các điều đó, và cũng vô cùng khó khi chúng ta phải ép mình làm cho kẻ khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình.
Nhưng tới thời Chúa Giêsu thì luật yêu thương đã có một khuôn mặt mới. Nó có tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho kẻ khác những điều như chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta.”(Lc 6,31)
Tại Newban (Châu Úc), mẹ Têrêsa có mở một nhà nội trú dành cho các thanh thiếu niên nghèo. Một lần kia, mẹ gặp thấy một thanh niên đang bị đánh đập tàn nhẫn, toàn thể mình mẩy anh ta bầm tím. Mẹ thấy cần phải gọi cảnh sát đến để điều tra và khi cảnh sát đến hỏi anh: “Ai đã đánh anh?” thì người thanh niên này nhất định không chịu trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, cảnh sát phải chịu thua anh và bỏ ra về. Lúc đó, mẹ Têrêsa mới ôn tồn hỏi anh:
- Sao con không khai người đánh đập con với cảnh sát?
- Thưa mẹ, - cậu ta trả lời - nếu con khai ra thì người đó sẽ bị trừng phạt và rồi những đau khổ của người đó cũng sẽ không thể làm giảm đi nỗi đau khổ của chính con!
Có lẽ phải can đảm lắm mới có được cách ứng xử như vậy. Nào có ai muốn khổ cho mình đâu. Vậy thì đừng làm cho người khác. Ai mà lại không muốn cho mình được yên hàn bình an, hãy cố mà làm cho người khác như vậy. Đó là điều Chúa muốn.
2. “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. (Lc 6,31)
Lời Chúa chẳng có gì khó hiểu.
Ông chủ cửa hàng bán thú nuôi mang tấm biển “Tại đây bán chó con” đóng lên cửa ra vào.
Một cậu bé xuất hiện bên dưới tấm biển hỏi:
- Ông định bán những chú chó con này bao nhiêu ạ? - Cũng tùy, từ 30 - 50 đô-la, cháu ạ.
Cậu bé thò tay vào túi móc ra một ít tiền lẻ:
- Cháu chỉ có 2 đô-la và 37 xu. Ông cho phép cháu ngắm chúng nhé.
Người chủ mỉm cười, huýt sáo ra hiệu. Năm chú chó lơn tơn chạy ra, có một con chậm chạp theo sau. Ngay lập tức cậu bé chỉ vào chú chó khập khiễng:
- Con chó nhỏ ấy làm sao thế ạ? - Bác sĩ bảo rằng xương chậu nó bị khiếm khuyết nên phải khập khiễng, què quặt suốt đời. - Đây chính là con chó cháu muốn mua – cậu bé tỏ vẻ rất thích thú. - Không, ta nghĩ cháu không nên mua nó. Còn nếu cháu thật sự thích nó thì ta tặng cho cháu đó.
Cậu bé hơi bối rối, nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng, rồi chìa tay đáp:
- Cháu không muốn được ông tặng. Nó cũng đáng giá như những con chó khác và cháu sẽ trả đủ tiền cho ông. Đây là 2 đô-la 37 xu và cháu sẽ đưa ông thêm 50 xu mỗi tháng đến khi nào đủ tiền.
- Cháu sẽ không nên mua con chó này. Nó không thể chạy nhảy vui đùa với cháu như những con chó khác – người chủ tỏ vẻ phản đối.
Cậu bé lặng lẽ đưa tay kéo ống quần lên, để lộ chiếc chân trái bị teo cơ đang được nâng giữ bằng một khung kim loại. Nhìn lên người chủ, nó dịu dàng nói:
- Cháu cũng đâu thể chạy nhảy vui đùa, và con chó này cần một ai đó thông cảm với nó ông ạ!
Nhìn lại cuộc đời của Chúa ta thấy Chúa đã không chỉ nói suông nhưng những điều Ngài dạy thì Ngài đã làm trước.
Lạy Chúa, Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, là Lời Chúa, Lời linh thiêng, Lời uy quyền, Lời hằng sống, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.
Tình yêu là bản chất của con người chúng ta. Hễ là người, ai trong chúng ta cũng biết yêu, nếu chúng ta không biết yêu, thì chúng ta không phải là con người nữa. Chúng ta được Chúa tạo dựng giống hình ảnh Chúa là chúng ta giống về tình yêu. Nhưng tình yêu của chúng ta đầy mùi ô uế, tội lỗi, vì thế, để tình yêu này tinh ròng, trong sáng, không còn hoang dã, rừng rú nữa, Chúa đã đến trần gian ở với chúng ta, dạy dỗ chúng ta để chúng ta biết yêu và đặt tình yêu đúng chỗ, đúng mục đích mà Chúa muốn.
Nếu Chúa không dạy dỗ chúng ta về cách yêu thương thế nào cho đúng ý của Chúa thì chúng ta sẽ yêu thương theo kiểu “Bánh ít cho đi, bánh quy trao lại”. Nghĩa là người nào yêu tôi thì tôi yêu lại, nếu ai ghét tôi, tôi sẽ ghét lại. Người nào chào hỏi tôi thì tôi chào hỏi lại. Người nào nguyền rủa, vu khống, chiếm hữu tài sản của tôi, tôi sẽ loại trừ họ ra khỏi cuộc sống của tôi. Nếu ai đánh tôi, tôi sẽ đánh lại, nếu họ có xin tôi, có mượn gì của tôi, tôi sẽ khước từ, không cho, như là tôi trả thù lại những gì họ đã gây ra cho tôi.
Đó là những cách thức chúng ta yêu thương theo bản chất tự nhiên của chúng ta. Nhưng chúng ta là con cái của Chúa, Chúa dạy chúng ta về cách thức chúng ta yêu thương cho đúng điều răn mới của Chúa. Trước khi chúng ta theo Chúa, trái tim của chúng ta là những trái tim bằng đá, bây giờ theo Chúa rồi, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim bằng thịt như lời của tiên tri Giêrêmia đã nói để chúng ta yêu như Chúa yêu. Chúa đã từng yêu và bây giờ Chúa dạy chúng ta về kinh nghiệm tình yêu Chúa đã trải qua trong cuộc sống của Chúa. Đó là chúng ta yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, cho người khác vay mượn mà không mong đòi lại, người nào muốn chiếm đoạt của cải chúng ta thì chúng ta cứ để họ làm, không kháng cự, không xét đoán người khác, nhất là biết tha thứ cho người anh chị em của chúng ta.
Chúng ta thực hiện như lời Chúa dạy trên đây, tình yêu của chúng ta sẽ được Chúa thanh lọc để cho nó tinh ròng hơn, và rồi chúng ta tiến đến một bước quan trọng vô cùng, đó là: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Nghĩa là chúng ta phải luôn luôn đi bước trước trong tình yêu đối với anh chị em của chúng ta. Chúa sẽ không quên chúng ta làm điều này cho anhn chị em của chúng ta. Chúa sẽ trả công bội hâu cho chúng ta: “Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6, 37 – 38). Nhất là Chúa ban nước Trời cho chúng ta, đây là cách thức Chúa thưởng công chúng ta khi chúng ta yêu theo ý Chúa muốn.
Lạy Chúa, Chúa yêu chúng con, cho nên Chúa tạo dựng chúng con một cách lạ lùng và cho chúng con sống trên trần gian này, Chúa biết rõ chúng con hơn ai hết, Chúa biết rõ chúng con khi chúng con ngồi hay đứng, khi chúng con đi hay nằm nghỉ, khi chúng con thức hay ngủ…Chúa biết rõ chúng con từ xa. Vì thế, khi chúng con đi trệch đường lạc lối của Chúa, xin Chúa hãy dẫn chúng con đi đúng đường lối của Chúa để chúng con đạt đến đời sống đời đời. Amen.