Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 TN –Tuần 24/2024 – Tết Trung Thu (15-08 âl), cầu cho Thiếu Nhi

Thứ hai - 16/09/2024 10:36
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 TN –Tuần 24/2024 – Tết Trung Thu (15-08 âl), cầu cho Thiếu Nhi
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 TN –Tuần 24/2024 – Tết Trung Thu (15-08 âl), cầu cho Thiếu Nhi
Suy Niệm Lời Chúa Hằng
Thứ 3 TN –Tuần 24/2024 – Tết Trung Thu (15-08 âl), cầu cho Thiếu Nhi
Nguồn: https://giaophanlongxuyen. org/

----------------------------------
Mục Lục:
Lời Chúa: Lc 7, 11-17. 1
Suy niệm 1: Thiên Chúa viếng thăm dân Người 2
Suy niệm 2: Trong một thân thể. 4
Suy niệm 3: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống. 5
Suy niệm 4: Người cho kẻ chết sống lại 6
Suy niệm 5: Hãy sống liên đới và thương xót 7
Suy niệm 6: Bà góa thành Na-im... 7
Suy niệm 7: Đức Giêsu phục sinh cả hai mẹ con bà góa. 8
Suy niệm 8: Con trai bà góa Naim sống lại 10
Suy niệm 9: Con trai bà góa thành Naim... 12
Suy niệm 10: Chúa chạnh lòng thương người mẹ góa mất con. 13
Suy niệm 11: Ta truyền cho anh chỗi dậy. 15

---------------------------------
Người chết thành Naim.
17/09 – Thứ Ba tuần 24 thường niên.
- TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI

“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.

 

Lời Chúa: Lc 7, 11-17


Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người.
Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

---------------------------------

 

Suy niệm 1: Thiên Chúa viếng thăm dân Người


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thánh Luca đã viết câu chuyện này như một người quay phim.
Ngài bắt đầu từ cảnh Đức Giêsu và các môn đệ cùng đi với một đám đông.
Thầy trò và mọi người đang trên đường tiến vào thành Nain.
Khi gần đến cửa thành thì lại gặp một đám đông khác đi ra.
Đây là một đám tang lớn có đông người theo ra mộ.
Sau đó là cận cảnh Đức Giêsu gặp bà mẹ của người chết.
Cuối cùng trở lại với cảnh của hai đám đông kinh sợ ngỡ ngàng,
và câu chuyện kỳ diệu lan ra khắp Giuđê và các vùng lân cận.
Chuyện Đức Giêsu gặp đám tang là chuyện tình cờ trên đường.
Nhưng điều đánh động trái tim Ngài lại không phải là chuyện người chết,
dù anh thanh niên này chết khi còn cả một tương lai.
Điều thu hút cái nhìn và mối quan tâm của Đức Giêsu chính là bà mẹ.
Đó là một bà góa không còn chỗ nương tựa.
Bà đã dự đám tang của người chồng.
Và bây giờ bà lại dự đám tang của đứa con trai duy nhất.
Chỗ dựa còn lại và cuối cùng cũng bị lấy đi.
Đức Giêsu hiểu rất nhanh về nỗi đau của người phụ nữ.
Bà biết mình bị trắng tay cả về tình cảm lẫn vật chất.
Có lẽ bà đã nhiều lần tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu?
Đức Giêsu trông thấy bà, thấy nỗi đau và nước mắt.
Ngài bảo: Bà đừng khóc nữa (c. 13).
Dường như Ngài không có khả năng chịu được nước mắt của người khác.
Khi thấy cô chị Maria khóc em là Ladarô đã chết (Ga 11, 33),
Đức Giêsu đã thổn thức và xao xuyến, rồi Ngài bật khóc (Ga 11, 34).
Sau này Ngài hỏi chị Maria Mađalêna khóc bên mộ vì mất xác Thầy:
Này bà, tại sao bà khóc? (Ga 20, 15).
Đức Giêsu hiểu rõ nỗi đau của sự chia ly bởi cái chết.
Ngài cũng hiểu rõ về nước mắt của phận người, dù vì bất cứ lý do gì.
Nhiệm vụ của Ngài là lau khô nước mắt và làm cho con tim vui trở lại.
Đức Giêsu đã chạm đến quan tài, hay đúng hơn,
chạm vào cái cáng khiêng xác được chôn theo kiểu người Do Thái.
Ngài nói với anh như ra lệnh: Tôi bảo anh, hãy trỗi dậy (c.14).
Anh thanh niên ngồi dậy và bắt đầu nói: anh đã được hoàn sinh.
Như Êlia ngày xưa, Ngài trao anh cho bà mẹ (1 V 17,23).
Ai là người vui nhất? Bà mẹ, người con, đám đông, hay Đức Giêsu?
Có lẽ là Đức Giêsu, người đã đem lại hạnh phúc cho người khác.
Khi đứa con lao vào vòng tay mẹ,
khó lòng Ngài giấu được giọt nước mắt vì vui.
Đám đông kêu lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (c.16).
Thiên Chúa không chỉ thăm dân Do Thái qua Đức Giêsu (Lc 1, 68.78; 19, 44),
Chương trình làm việc mỗi ngày của Ngài là thăm cả thế giới.
Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn đến thăm tôi qua bao người khác,
và Ngài muốn tôi đi thăm để lau khô nước mắt cho người bạn gần bên.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Khi làm người, Chúa đã nhận trái đất này làm quê hương.
Chúa đã ban nó cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời.
Nếu rừng không còn xanh, dòng suối không còn sạch,
và bầu trời vắng tiếng chim.
thì đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người,
vậy mà thế giới vẫn có một tỷ người đói,
bao trẻ sơ sinh bị giết mỗi ngày khi chưa chào đời,
bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp.
Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương,
vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình.
Chiến tranh, khủng bố, xung đột, có mặt khắp nơi.
Người ta cứ tìm cách giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi.
Đó là lỗi của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu ở Belem,
Chúa đã cứu độ và chữa lành thế giới bằng tình yêu khiêm hạ,
nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn thống trị địa cầu.
Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan.
Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc.
Đó là lỗi của chúng con.
Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại,
và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.
Mỗi lần đến gần máng cỏ Belem,
xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa
để yêu trái đất lạnh giá này hơn,
và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người.
 
---------------------------------

 

Suy niệm 2: Trong một thân thể


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

“Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Quyền năng Chúa biểu lộ rõ ràng qua việc làm cho anh thanh niên người Na-in đã chết được sống lại. Thiên Chúa là sự sống. Chẳng ai có thể ban sự sống. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa. Thiên Chúa là sự sống lại. Ban sự sống đã khó. Ban sự sống lại còn khó hơn. Để ban sự sống, Thiên Chúa chỉ cần ngự trên chín tầng trời phán một lời. Liền có sự sống. Nhưng để chuộc lại sự sống đã mất, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống trần gian. Đây lại biểu lộ quyền năng vô biên của Thiên Chúa.

Để phục hồi sự sống, Thiên Chúa phải xuống thế làm người. Chúa Giê-su mặc lấy thân xác loài người. Trở nên một với loài người. Tình yêu khiến Chúa kết hợp với loài người. Nên một thân thể. Vì thế Chúa vui với người vui. Chúa khóc với người khóc. Chúa chạnh lòng thương người thanh niên vắn số. Chúa chạnh lòng thương người phụ nữ goá bụa. Nay lại mất đứa con là điểm tựa duy nhất.

Đây chính là nguyên lý xây dựng thế giới. Con người cùng với tha nhân và thiên nhiên làm thành một thân thể. Giết người là giết mình. Huỷ hoại thiên nhiên là huỷ hoại chính mình. Thương người là thương mình. Vun trồng thiên nhiên là vun trồng sự sống của chính mình. Ta là một trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Thiên Chúa hợp nhất chúng ta. Thiên Chúa điều khiển chúng ta.

Thư Cô-rin-tô dạy: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy…Tất cả chúng ta… đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Vì thế mỗi người phải cố gắng tối đa. Đạt đến tầm vóc hoàn hảo. Để phục vụ thân thể. Đó là “trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (năm chẵn).

Vì thế, thánh Phao-lô cho biết “ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp”. Vì trong một tổ chức, cần có người lo toan việc chung. Nhưng để lo toan việc chung, người ấy phải lo việc riêng hoàn hảo. Có tu thân được mới có thể tề gia. Có tề gia mới có thể trị quốc. Vậy “giám quản phải là người không ai chê trách được” và “phải được người ngoài chứng nhận là tốt”. Có như thế các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô mới hài hoà với nhau. Và mới phát triển lớn mạnh được (năm lẻ).

---------------------------------

 

Suy niệm 3: Ý Nghĩa Của Cuộc Sống


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.


Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.

Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".

Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta niềm tin, can đảm và vui tươi để biết đón nhận và sống từng giây phút hiện tại một cách sung mãn, để tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

 ---------------------------------

 

Suy niệm 4: Người cho kẻ chết sống lại


Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”Rồi Người lại gần sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” (Lc. 7, 12-14)

Trong bốn Tin Mừng, chỉ một mình Thánh Lu-ca kể lại câu chuyện cho thanh niên con bà góa thành Naim sống lại.

Hôm đó, hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng Naim: một đoàn có vị dẫn đầu là Đấng ban sự sống và một đoàn tiễn đưa người chết. Người chết là một con trai duy nhất của một bà góa. Tình trạng càng đau khổ hơn nữa cho bà mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự mình trong xã hội trọng nam khinh nữ đó. Đó là lý do đau khổ cùng cực của bà khiến cho đoàn người đông đảo đã cảm thương đến tiễn đưa con bà, như bản văn lưu ý tới.

Đức Giêsu đã xúc động và cảm thương nỗi đau buồn lớn lao này. Người là con Thiên Chúa thấy rõ những khốn cực của loài người, người là con người nên càng vô cùng nhạy bén trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của loài người. Nhiều trang Tin Mừng đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Người dừng lại trước bà mẹ tuyệt vọng và thì thầm an ủi bà, với tấm lòng chân thành cảm thương nồng nàn qua giọng nói nghẹn ngào: “Bà đừng khóc nữa!”.

Rồi Người tiến về phía quan tài, sờ vào nó, Người kêu gọi với giọng nói lạ lùng: Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy chỗi dậy! Người chết liền chỗi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ! một sự thật vô cùng kinh ngạc! không phải chỉ xảy ra lúc này mà còn cho đến tận cùng lịch sử loài người, mãi mãi Đức Kitô còn cho người ta sống lại, mãi mãi sứ điệp sự thật về phục sinh vẫn còn tiếp tục cho loài người. Đức Kitô, nhờ sự sống lại của Người đã mặc khải một sự sống phục sinh muôn đời: Một sự sống không bao giờ phải chết nữa, một sự sống hoàn toàn mới, vượt trên mọi xác phàm trần gian.

“Đức Giêsu đã trao anh ta cho bà mẹ”, Thánh Lu-ca đã đặc biệt chú thích thêm, để nhấn mạnh đến vai trò các phụ nữ trong thế giới đã liệng bỏ phụ nữ vào bóng tối không còn đếm xỉa gì đến công lao của họ. Người ta có thể đoán rằng chính lúc đó, Đức Giêsu đã tha thiết nghĩ đến Mẹ Người biết chừng nào! quyền năng và tâm tình tế nhị cảm thương đi đôi với nhau khi các Ngài bởi Thiên Chúa đến với nhân loại.

 ---------------------------------

 

Suy niệm 5: Hãy sống liên đới và thương xót


Xem lại CN 10 TN C

Đức Giêsu “chạnh lòng thương” và làm cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại. Qua phép lạ này, Đức Giêsu tiên báo về sự phục sinh mai ngày của chính Ngài, đồng thời, Ngài cũng nói lên quyền năng của mình trong vai trò là Con Thiên Chúa, và thể hiện bản chất của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Hãy vững tin vào Thiên Chúa, vì không có việc gì mà Chúa không làm được. Hãy học nơi Đức Giêsu bài học về lòng thương xót, để sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác. Không bao giờ được phép vô cảm và vô tình trước nỗi khốn cùng của anh chị em.

Sự nhạy bén với nhu cầu của người khác phải là tinh thần sống động nơi tâm hồn chúng ta.

Bên cạnh đó, hình ảnh chỗi dạy của con trai bà góa cho chúng ta một bài học về sự sám hối là: trở về với Chúa thì được sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ. Một tấm lòng biết “chạnh lòng thương” như Chúa khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 ---------------------------------

 

Suy niệm 6: Bà góa thành Na-im


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trước cái chết của một thanh niên, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót và làm cho anh sống lại. Những người trẻ chết trong tội lỗi cũng đang cần đến lòng thương xót của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Chúa nhìn thấy những nỗi đau khổ của chúng con, và Chúa cứu giúp chúng con ngay cả khi chúng con chưa kịp cầu xin với Chúa. Chúa hiểu được nỗi lòng của bà mẹ goá mất người con trai duy nhất. Bà đặt tất cả niềm hy vọng của đời mình nơi người con ấy. Đó là tất cả tương lai của bà, là niềm an ủi và hạnh phúc duy nhất của bà. Người con chết đi là người mẹ cũng mất tất cả. Khi Chúa cho thân xác người con sống lại cũng là lúc Chúa cho tâm hồn người mẹ phục sinh.

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn đến bao linh hồn người trẻ đang nằm trong bóng tối sự chết, chết trong tội lỗi. Xin nhìn đến biết bao người mẹ đang than khóc và cũng đang chết đi vì con cái đã chết. Có những người con dù thân xác còn sống đó, nhưng linh hồn đã chết vì xa Chúa. Có những người con chết trong linh hồn, và cả thân xác cũng đang đi dần tới cái chết vì nghiện ngập chơi bời phóng túng.

Xin Chúa tỏ lòng thương xót chúng con. Xin Chúa biểu lộ quyền năng và ban ơn để các thanh niên thiếu nữ được sống lại, được trỗi dậy sống cuộc đời mới. Giới trẻ chúng con sống lại chính là tương lai của cha mẹ, của Hội Thánh và của đất nước được tươi sáng. Xin Chúa thương nhận lời các bà mẹ chúng con đang cầu nguyện trong nước mắt. Có những lúc dường như hết hy vọng, nhưng chúng con tin vào quyền năng và lòng thương xót Chúa. Chúa không bao giờ để chúng con thất vọng bẽ bàng khi tin vào Chúa Phục Sinh. Amen.

Ghi nhớ: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.

---------------------------------

 

Suy niệm 7: Đức Giêsu phục sinh cả hai mẹ con bà góa


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin tha thiết với hoàng đế Napoléon cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý.

Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.

Bà mẹ nói:

- Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.

Và ông sai thả người thanh niên đó ra (Theo Flor Mc Carthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr. 192).

Suy niệm

Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót người quả phụ có đứa con duy nhất qua đời…  mọi người cảm thương và đưa ra nghĩa địa… Bà góa phụ cũng như đang chết. Như đang có hai con người rời bỏ cuộc sống: Người con trai chết được đem ra nghĩa địa chôn cất, người mẹ góa không nơi nương tựa và không người chăm sóc, bảo vệ mình trong đời sống, cho nên bà góa phụ cũng như đang đi vào cõi chết.

Chúa Giêsu nhìn rõ nỗi buồn của người mẹ mất con, Ngài hiểu thấu nỗi cô đơn của bà góa không nơi nương tựa: bà cũng như đang chết, Ngài liền an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Không chờ đợi người ta cầu xin, nài nỉ, Ngài sờ vào quan tài và nói: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14). Chúa Giêsu đã can thiệp mau lẹ: Ngài giật lại khỏi tay thần chết con trai duy nhất của bà góa thành Naim. Chúa làm sống lại con trai bà góa, như thế Ngài cũng mang lại sự sống tinh thần, niềm hy vọng cho người mẹ.

Đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim được sống lại và chính bà cũng được sống lại. Đức Giêsu đã phục sinh cho cả hai mẹ con bà. Sự việc thật kỳ diệu làm cho mọi người tham dự đám tang đang sầu khổ thành niềm hân hoan, mừng vui cho hai mẹ con bà góa.

Sự kiện con trai bà goá thành Naim được Chúa Giêsu cho sống lại, cũng chính là hình ảnh loan báo trung tâm điểm của Kitô giáo: Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Thật thế, sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta như Ngài quả quyết: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

Ý lực sống
“Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14).

---------------------------------

 

Suy niệm 8: Con trai bà góa Naim sống lại


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Vì tình yêu thương mà Đức Giêsu đem lại niềm an ủi cho bà góa thành Naim. Ngài không đành lòng nhìn bà đau khổ nên đã cho con trai bà sống lại. Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp, Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương. Ngài chạnh lòng thương trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non. Phép lạ cho thấy Đức Giêsu luôn quan tâm đến nỗi khổ của chúng ta. Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi an và cứu giúp chúng ta.

2. Bà góa trong Tin Mừng hôm nay đau khổ biết bao: một đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo. Xã hội thời đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà. Không có chồng, không có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.

Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn con của bà, thì Đức Giêsu cũng xuất hiện đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, khẽ an ủi bà: “Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy chỗi dậy”! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.

3. “Bà góa” là một trong những thành phần được Đức Giêsu ưu đãi và đặc biệt  dành nhiều tình cảm nhất, vì họ thuộc nhóm những người nghèo hèn, cùng khốn của xã hội. Họ là đối tượng được Đức Giêsu quan tâm. Ở đây, trước nỗi đớn đau khốn cùng của bà góa thành Naim về cái chết của đứa con duy nhất. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương. Ngài không trì hoãn. Ngài đã đến an ủi bà  và làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. Không chỉ con của bà được sống lại, tâm hồn của bà  và của mọi người chứng kiến sự sống lại này cũng được sống lại, niềm tin của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh. “Bà đừng khóc nữa”. Phải, rất cần một thái độ cậy trông hơn là thái độ than vãn trong khi chờ lòng thương xót của Chúa (5 phút Lời Chúa).

4. Trong Tông thư gửi những người sống đời tận hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mời họ  ra khỏi chính mình và đi về những vùng biên của cuộc đời, về phía những người đang mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, các bạn trẻ đang gặp ngõ cụt trước tương lai và những người già bệnh tật đang bị loại trừ.

Đứng trước sự đau khổ của bà góa thành Naim, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và ra tay làm phép lạ cho anh con trai duy nhất của bà sống lại. Người đã đi bước trước để xoa dịu và cất đi sự đau khổ của bà.

Ngày hôm nay, xã hội tuy phát triển về kinh tế, thông tin... nhưng con người càng ngày càng dửng dưng, vô cảm với nhau. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống cảm thương trước nỗi đau của người khác. Khởi đi từ việc thương cảm, chúng ta thực thi những hành động bác ái cụ thể để nâng đỡ, ủi an những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ (Học viện Đa Minh).

5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm với người khác. Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương (theo Thomas Merton), một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phaolô đã khuyên bảo: “Hãy vui cùng kẻ vui, hãy khóc cùng kẻ khóc”(Rm 12,15).

Con người không thể sống trơ trơ như đá. Con vật còn biết thương nhau, chia sẻ với nhau, huống chi là con người. Người Việt nam chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này nên đã nói:

Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ (Tục ngữ)

Theo gương Đức Giêsu, chúng ta hãy tập cho mình biết đi ra khỏi mình, đừng bao giờ co cụm lại nơi mình. Hãy biết đi đến với người khác. Mang lấy cái tâm tình của người khác, nghĩa là hãy học biết thông cảm.

6. Truyện: Biết cảm thông và chia sẻ.

Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một việc kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giảng viên bộ môn trả lời:

- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị phải luôn gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc  đời mình. Tôi cũng đã biết được tên chị tạp vụ trong trường: Chị tên là Dorothy.

Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

---------------------------------

 

Suy niệm 9: Con trai bà góa thành Naim


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu cứu sống con trai bà góa thành Naim:

- Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp. Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương.

- Chúa chạnh lòng trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non.

- Cứu sống đưa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao nó lại cho mẹ nó.

B.... nẩy mầm.

1. Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị chai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác.

- Thấy người nghèo thường quá, tôi không còn cảm được cái khổ của người nghèo.

- Thấy người bệnh thường quá, tôi không còn cảm được nỗi đau của họ.

- Thấy người tội lỗi quen quá, tôi dửng dưng nhìn người ta ngày càng chìm sâu trong tội…

Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt.

2. Xin Chúa cũng dạy con biết tế nhị: thấy được nhu cầu người khác trước khi họ xin con giúp, và giúp họ cách tế nhị nhẹ nhàng như hôm đó Chúa đã trao đứa con lại cho người mẹ.

3. “Tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài”: việc này bị luật coi là ô uế. Nhưng để an ủi gia đình người chết, và để “tiến lại gần” (ý muốn được gần gũi với người đau khổ), Chúa không ngại gì cả. Yêu thương giúp đỡ đòi phải can đảm và hy sinh.

4. Chuyện người mẹ Naim đau khổ được Chúa cứu giúp khiến tôi nghĩ đến cảnh khổ của bản thân mình. Bà không biết người đàn ông đứng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giêsu, Đấng có quyền năng cứu sống. Bà không ngỏ lời xin Chúa. Nhưng Chúa chạnh lòng thương, tự động Chúa lại gần và Chúa kéo bà ra khỏi cơn đau khổ.

Chúa lúc nào cũng ở gần tôi. Khi tôi phải khổ, Chúa cũng chạnh lòng và Ngài sẵn sàng cứu giúp. Tôi không bao giờ cô đơn.

5. “Chúa Giêsu lại gần sờ vào quan tài và nói: ‘Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy’. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói” (Lc 7,14-15)

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ… Chúa nhựt nào Giang cũng đi câu cá. Mai nằm lì trên giường. Tin và Sơn phóng xe đi chơi. Bích thì gọi điện thoại cho bạn. Này có ai gọi mình thì phải?

Bữa nay mình không muốn đến nhà thờ. Bài giảng dài lê thê và khó hiểu quá. Xem phim hoạt hình trên Tivi, hay mở máy hát nghe nhạc, hoặc gọi điện thoại đấu láo với bạn bè còn thích hơn. Này rõ ràng có ai gọi mình mà!

Lạy Chúa, con chỉ nghe toàn những tiếng gọi của nhu cầu bản thân. Còn tiếng gọi của Chúa sao mơ màng quá, khó nghe quá. Chúa đã gọi người thanh niên chỗi dậy từ cõi chết, xin Ngài cũng hãy gọi con quay lại từ những đam mê bất chính của con. (Hosanna).

---------------------------------

 

Suy niệm 10: Chúa chạnh lòng thương người mẹ góa mất con


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Khác hẳn với phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ viên bách quản trong bài Tin Mừng hôm qua, hôm nay chúng ta thấy Chúa làm phép lạ không phải do người ta xin và người được thụ hưởng phép lạ cũng chẳng hề biết gì về việc này vì anh đã chết.

Hoàn cảnh hôm đó rất đặc biệt. Có hai đoàn người gặp nhau ở gần cổng thành: một đoàn người có Đấng ban sự sống dẫn đầu và một đoàn người khác cùng với một người mẹ goá tiễn đưa đứa con trai duy nhất của bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. Tình trạng còn đau khổ hơn nữa khi người mẹ góa này không còn người đàn ông nào đứng ra bảo lãnh tài sản mình trước pháp luật và bảo vệ danh dự cho mình trong một xã hội trọng nam khinh nữ nhiều bất công này.

Đức Giêsu đã xúc động và cảm thông với nỗi đau buồn lớn lao ấy. Người là Con Thiên Chúa cho nên Người thấy rõ những khốn cực của loài người và Người là con người nên lại càng nhạy bén hơn trước những nỗi bất hạnh và đau khổ của họ. Người dừng lại trước bà mẹ đang tuyệt vọng và an ủi bà. "Bà đừng khóc nữa!" (Lc 7,13). Việc đó nói lên sự quan tâm của Chúa.

Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị tạp vụ ở trường tên là gì ?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả  những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị ta tên là Dorothy.

Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự dửng dưng và vô cảm của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình trở thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.

Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buổn được chia sẻ là nổi buồn sẽ vơi đi một nửa.

2. Tin Mừng còn ghi tiếp: "Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ" (Lc 7,15).

Rất tế nhị và cũng rất gần gũi. Chúa Giêsu trao...trao người đã chết được Ngài cho hồi sinh vào tận tay người mẹ, Bằng cử chỉ như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng, lúc nào Chúa cũng ở thật gần con người nhất là những ai cần đến Chúa.

Cảm nhận được sự gần gũi của Chúa trong cuộc đời là một cảm nhận rất cần thiết. Nó sẽ đem lại cho con người nhiều nghị lực và niềm vui.

Có một người đàn bà đạo đức nọ, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống bà, đó là giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận giải phẫu vì hy vọng còn sống cho người con trai của bà. Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến giờ đau khổ của bà. Vào thời mà thuốc tê chưa có, bệnh nhân thường qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà vẫn can đảm chịu đựng. Thế nhưng, vào cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình và kêu: "Lạy Chúa".

Chứng kiến cảnh đau đớn của mẹ, đứa con trai không làm chủ được cảm xúc, đã thốt lên những lời xúc phạm đến Chúa. Lúc đó, người đàn bà nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, im đi, con đã làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ nhiều. Con đã làm sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ". Nói xong, bà mở tay cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Sau mấy tháng quằn quại đau đớn, người đán bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà trao ảnh chuộc tội đó cho con trai và căn dặn: "Con hãy giữ lấy ảnh này, vì đó sẽ là niềm an ủi cho con".

 ---------------------------------

 

Suy niệm 11: Ta truyền cho anh chỗi dậy


(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Cái chết, đối với Chúa, nó chỉ là một giấc ngủ, vì thế mà Chúa mới nói với ông trưởng hội đường Giairô, khi người nhà của ông đến báo với ông là làm phiền Chúa chi nữa, con gái ông đã chết rồi.., và khi đến nhà ông, Chúa nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy” (Mc 5, 29).

Giấc ngủ ở đây là một giấc ngủ ngàn thu (Ngàn thu vĩnh biệt), nó bị tội lỗi vây bủa tư bề, đè bẹp con người chúng ta. Chúng ta không tự dậy được và cũng không ai có thể đánh thức con người chúng ta tỉnh dậy. Duy chỉ một mình Chúa, là Đấng đánh thức, kêu chúng ta chỗi dậy.

Chúa đánh thức chúng ta chỗi dậy trong ngày phán xét. Khi đó, thiên thần vâng lệnh Chúa, thổi loa, và khi chúng ta nghe hiệu lệnh từ tiếng loa của các thiên thần, chúng ta thức dậy để Chúa phán xét tất cả con người chúng ta từ tạo thiên lập địa cho đến lúc đó. Những người nào sạch tội nặng, tội nhẹ, Chúa cho lên thiêng đàng cả hồn lẫn xác. Những người nào mắc tội nặng, Chúa phạt xuống hỏa ngục cả hồn và xác. Khi ấy, chúng ta hạnh phúc là hạnh phúc đời đời, còn bị phạt là bị phạt đời đời, bị đau khổ là khổ đời đời, bị trầm luân là trầm luân đời đời: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần  và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1Thes 4, 16 – 18).

Hôm nay, Chúa không để đến ngày tận thế, Chúa mới bảo anh thanh niên là người con duy nhất của bà góa thành Naim đã chết và đang được người ta khiêng đi chôn cùng với mẹ của anh đi theo được chỗi dậy, mà Chúa lại dành cho anh một ơn ban đặc biệt là kêu anh chỗi dậy luôn ngay bây giờ. Sở dĩ Chúa làm như vậy là vì Chúa thương anh, và mẹ của anh vì bà quá đau khổ, thất vọng không biết nương vào một ai lúc này cách riêng, và cách chung là Chúa thương tất cả mọi người chúng ta. Bởi vì chúng ta không hiểu về sự chết. Chúng ta tuyệt vọng, bế tắc, không lối thoát khi đứng trước cái chết. Chúng ta chỉ biết là khiêng người chết đi chôn mà thôi. Do đó, Chúa nói mẹ anh thôi đừng khóc nữa, Chúa bảo người khiêng anh dừng lại, Chúa chạm đến quan tài như là một dấu chỉ Chúa thương anh vô bờ bến và Chúa truyền lệnh kêu anh chỗi dạy: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy chỗi dậy. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Chúa trao lại cho mẹ nó” (Lc 7, 14 – 15). Để rồi qua phép lạ này, dân Chúa mới hiểu phần nào về sự chết, và Chúa có quyền trên cả sự chết, dân chúng sẽ tin tưởng vào Chúa hơn. Một khi tin tưởng rồi, họ sẽ cao rao quyền năng Chúa khắp nơi: “Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa, và khắp vùng lân cận” (Lc 7, 16 – 17).

Lạy Chúa, tất cả mọi sự trên trần gian này thuộc quyền của Chúa, sự sống, sự chết thuộc quyền của Chúa. Chúng con là con cái của Chúa thuộc sở hữu của Chúa, xin Chúa thương xót chúng con và ban ơn cho chúng con khi chúng con kêu xin Chúa, tìm về Chúa để chúng con nương tựa trong cuộc sống tro bụi này: “Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống, hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rm 14, 8). Amen.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây