Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 091 – MC 2ABC: Hai cuộc biến hình của Chúa Giêsu -------------------------------------
Bạn thân mến,
Có một cuốn phim, tựa đề là “Mask” (Mặt nạ), đã diễn lại một câu chuyện có thực của một chú bé 16 tuổi, tên là Rocky Dennis.
Chú mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ, khiến cho sọ và xương mặt của chú to hơn bình thường.
Do đó, gương mặt của chú đã bị biến thành dị dạng, trông thật rất khủng khiếp.
- Có người trông thấy chú thì quay mặt đi, vì ngượng ngùng, vì khiếp sợ.
- Có người thì chọc ghẹo, chế nhạo chú.
Dù vậy, Rocky đã chẳng bao giờ cảm thấy tủi thân và cũng chẳng hề tức tối hay nổi giận với bất cứ ai. Chú cảm thấy ngoại hình của mình xấu xí, nhưng vẫn chấp nhận nó, như là một phần của cuộc sống mình.
Rồi một ngày nọ, Rocky cùng với gia đình đi thăm khu công viên vui chơi. Họ đi vào nhà kính (nhà này có gắn kính đủ thứ, tứ tung) và bắt đầu cười đùa, chế diễu thân mình và khuôn mặt bị biến dạng của họ.
Bỗng nhiên, Rocky khi nhìn lại mình trong kính, thì lại giật mình, bởi đã trông thấy một chiếc gương đã biến khuôn mặt méo mó của chú, thành một khuôn mặt bình thường, nếu không muốn nói là rất đẹp trai nữa.
Lần đầu tiên trong đời, mọi người, nhất là lũ bạn của chú, đã nhìn thấy chú ở trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Họ đã nhìn thấy con người thực sự xinh đẹp bên trong của chú, hôm nay được bộc lộ ra bên ngoài.
*****
Cũng một điều tương tự như thế đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay MC2 (Mt 17, 1-9).
Trong lúc Chúa Giêsu biến hình, thì các môn đệ đã nhìn thấy Ngài trong trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Lần đầu tiên, họ được trông thấy sự vinh quang tươi đẹp bên trong của Con Thiên Chúa, được bộc lộ ra bên ngoài.
Điều này khiến ta tự hỏi: “Tại sao cuộc biến hình của Chúa Giêsu lại được xếp vào hàng số những bài đọc của mùa chay, là mùa thường mang màu sắc ảm đạm, thay vì được xếp vào những bài đọc mùa Phục sinh, thường dính dấp với sự vinh quang của Chúa Giêsu?”
Để trả lời, chúng ta cần phải đọc toàn bộ bài Phúc Âm, nhất là đoạn nói đến cuộc biến hình của Chúa Giêsu:
- Việc này xảy ra, ngay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ rằng: Ngài sẽ phải đi Giêrusalem, để chịu nạn và chịu chết ở đó.
Khi nghe Chúa Giêsu báo như thế, thì Thánh Phêrô liền hốt hoảng la lớn tiếng:
“Lạy Thầy, xin đừng! Xin điều đó đừng xảy đến cho Thầy”.
Lập tức, Chúa Giêsu đã trả lời cho Phêrô:
“Này Satan, hãy xéo đi xa khỏi mặt ta! Đừng có cản trở ta. Ngươi không suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa, mà lại chỉ biết suy nghĩ theo đường lối của con người thôi” (Mt 16,22-23).
Có lẽ Phêrô, Giacôbê và Gioan cần phải được chích cho một liều thuốc bổ thiêng liêng, sau khi bị một “cú sốc” quá chướng tai, vì lời loan báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Và cũng có lẽ, đó cũng là lý do mà Giáo hội đã đặt đoạn Kinh thánh nói về cuộc biến hình của Chúa, vào số các bài đọc mùa chay, vì muốn trợ lực cho chúng ta, trước khi hướng dẫn chúng ta bước vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vào ngày thứ sáu tuần thánh.
Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa, khiến cho Giáo Hội đặt đoạn Kinh thánh nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu, vào trong số các bài đọc Mùa Chay, là vì cuộc biến hình của Chúa có những điểm nổi bật, tương tự với cơn hấp hối trong vườn Giêsêmani, đã xảy ra trên một ngọn núi, tên là Cây Dầu.
Còn cuộc biến hình cũng xảy ra trên một ngọn núi, Núi Tabor.
Cơn hấp hối, cũng như cuộc biến hình, đều chỉ có 3 môn đệ này chứng kiến, là Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Cơn hấp hối xảy ra vào ban đêm, cuộc biến hình cũng xảy ra vào ban đêm.
Trong cả hai trường hợp, các môn đệ đều say ngủ, đang khi Chúa Giêsu vẫn tỉnh thức cầu nguyện.
Và cuối cùng lý do đặc biệt hơn cả, là hai biến cố trên: hấp hối và biến hình, đều có những chi tiết bổ túc lẫn cho nhau:
- Trên núi Tabor, ba môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu lúc Ngài xuất thần. Đây là lần đầu tiên thiên tính Ngài được biểu lộ trước mắt họ.
Còn trên núi cây dầu thì ngược lại, họ chứng kiến Chúa Giêsu trong giờ Ngài hấp hối, đây cũng là lần đầu tiên nhân tính Ngài bộc lộ rõ nét nhất.
- Núi Tabor và núi Cây Dầu, mặc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính Chúa Giêsu. Hai biến có trên hai ngọn núi, không thể tách lìa nhau, như hai mặt của cùng một đồng xu bạc cắc. Chúng cho thấy trọn vẹn hai chiều kích nơi Chúa Giêsu: Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa
*****
Sau đây, là sứ điệp thực tiễn, rút ra từ biến cố xảy ra trên hai ngọn núi đó:
- Giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng có hai chiều kích: một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính.
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Adam và một nét giống Thiên Chúa.
Giống như Chúa Giêsu trên núi Tabor, chúng ta cũng có lúc đã từng cảm nghiệm những phút giây xuất thần, khi mà nét giống Chúa toả sáng rực rỡ, hầu như chói loà cả mắt chúng ta, chúng ta cảm thấy sao hạnh phúc qúa, Tuyệt với quá, sao mà dễ gần gũi Chúa quá, đến nỗi dường như chúng ta có thể đụng chạm được Ngài.
Trong những phút giây này, chúng ta ngạc nhiên thấy cuộc sống sao mà đẹp quá, chúng ta cảm thấy yêu mến hết mọi người, muốn bá vai, bá cổ bạn bè và sẵn sàng tha thứ cho mọi kẻ thù của chúng ta.
Nhưng rồi xét về mặt kia, cũng có lúc, chúng ta giống như Chúa Giêsu trên núi Cây Dầu, chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm được những phút giây “hấp hối”, khi mà nét giống Adam cháy rực trong ta, đến nỗi khiến cho hình ảnh của Chúa trong ta bỗng nhạt nhoà, gần như mất hẳn. Những giây phút này cuộc sống sao mà tồi tệ, sao mà thê thảm quá.
Chúng ta cảm thấy hình như không ai yêu mến mình. Chúng ta thường hay gây gỗ với kẻ này người nọ, kể cả bạn bè, và tất nhiên nguyền rủa những kẻ thù nghịch với ta.
Những giờ hấp hối hay những giầy phút xuất thần đang xảy đến, thì chúng ta cũng hãy nên nhớ đến hình ảnh hai ngọn núi Tabor, và Cây Dầu.
Chúng ta hãy nhớ lại những giây phút mà Chúa Giêsu đã từng cảm nghiệm được, trong cả hai khoảnh khắc: quang vinh và ảm đạm nhất trong cuộc đời dương thế của Ngài.
Và quan trọng hơn nữa, là chúng ta cần phải nhớ rằng: trong cả hai khoảnh khắc ấy, Chúa Giêsu đều ở trong trạng thái cầu nguyện.
Nếu sự cầu nguyện là cách thức Chúa Giêsu dùng, để đáp lại những khoảnh khắc ấy, thì chúng ta cũng hãy cố gắng làm giống như Ngài. Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ nghe được Thiên Chúa Cha nói với chúng ta, như Ngài đã từng nói với Chúa Giêsu trong cuộc biến hình trên núi Tabor “Đây là Con Ta yêu dấu…” và cũng như Chúa Giêsu từng chịu hấp hối trên núi Cây Dầu, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được: Thiên Chúa cũng đang chạm đôi tay của Ngài vào cuộc đời ta, để chữa lành cho ta.
Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin cho con cảm nghiệm được những giây phút xuất thần giống như Chúa Giêsu đã xuất thần trên núi Tabor.
Khi cảm nghiệm như thế, xin Chúa cũng hãy giúp con làm những gì Chúa Giêsu đã làm, là biết hướng về Cha, trong tâm tình cầu nguyện, và cho chúng con nghe được tiếng Cha nói với chúng con: “Con là Con yêu dấu của Cha”.
Và lạy Chúa Giêsu, cũng tương tự như vậy, khi con phải sống trong những giây phút khắc khoải, như lúc Chúa hấp hối trên núi Cây Dầu, thì xin cũng giúp con được bắt chước Chúa, mà làm những gì Chúa đã làm, đó là biết hướng về Thiên Chúa Cha, trong tâm tình cầu nguyện.
Xin cho con cảm nghiệm được bàn tay chữa lành của Chúa Cha đang đụng chạm đến con. Amen.