Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 81 - Mùa Vọng 2-A: Chuyện tẩy xóa những vết xăm -------------------------------------
Bạn thân mến,
Cách đây không lâu có một bài báo viết về một chương trình rất đặc biệt. Chương trình nói về việc tẩy xóa những vết xăm, không còn muốn giữ lại trên thân mình nửa, đặc biệt là những dấu xăm có liên hệ đến băng đảng của các bạn trẻ.
Một điều rất ngạc nhiên đã xảy ra, là sau khi bài báo xuất hiện, thì đã có trên 1.000 lá thư từ các bạn trẻ khắp nơi gửi về tòa soạn, hỏi thêm chi tiết về chương trình.
Nhờ sự đáp ứng đáng kể đó, mà một cơ quan giáo dục tại Los Angeles, đã phối hợp với một hãng truyền hình địa phương, sản xuất một cuốn phim gọi là “Untatoo You” – “Tẩy vết xăm cho bạn”.
Cuốn phim nói về những nguy hiểm của việc xăm mình và trình bày sự khó khăn của việc tẩy đi những dấu xăm nhỏ trên những cánh tay, khuôn mặt, và những vết xăm lớn hơn trên ngực và sau lưng.
Các tài tử đóng phim này, chính là những bạn trẻ đã xăm mình. Họ nói một cách thành thật, về lý do tại sao lúc ban đầu họ đã xăm, và bây giờ, tại sao họ lại muốn tẩy xóa đi.
Sau cùng, cuốn phim đã chiếm được giải thưởng quốc gia, và bây giờ đã được phát hành trên khắp nơi trên thế giới.
*****
Câu chuyện đằng sau cuốn phim nói với chúng ta một điều quan trọng: Trong cuộc đời, chúng ta đã làm những điều, mà bây giờ cảm thấy ăn năn, sám hối và muốn tẩy xóa đi.
“Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng”.
Giống như những người trẻ vui mừng khi khám phá ra cách tẩy xóa những dấu xăm, không còn muốn giữ nữa, chúng ta, những người Kitô hữu, cũng vui mừng vì Chúa Giêsu Kitô đã cho chúng ta một cách để tẩy xóa tội lỗi của mình. Chính Ngài đã đến để xóa tội trần gian. Chính Ngài đã lập ra Bích tích Hòa giải, để tẩy xóa tội lỗi ta.
*****
Chủ đề chính của Chúa nhật thứ II mùa vọng hôm nay là sự sám hối chân thành và lòng ăn năn trở về với Thiên Chúa (Mt 3, 1-12).
Sự sám hối chân thành được thể hiện bằng những thái độ, sự lựa chọn và cách sống phù hợp với những giảng huấn của Chúa Giêsu và Giáo Hội. Điều này được thực hiện trong Bí tích Giải tội, với những tên gọi khác nhau, như Bí tích của sự trở lại, Bí tích sám hối, Bí tích của ơn tha thứ, Bí tích hòa giải.
Trong tiếng Hy Lạp, chữ sám hối, metanoia, vừa có nghĩa một cảm xúc hối tiếc về những tội lỗi quá khứ làm xúc phạm đến Thiên Chúa, vừa là việc xét mình tỉ mỉ những tội đã phạm, từng tội một, để xin Chúa tha thứ, vừa là một sự đòi hỏi hoán cải sâu xa trong tâm trí và cuộc sống.
Sự biến đổi cuộc sống là dấu chỉ của lòng sám hối đích thật. Phải thay đổi cách suy nghĩ, cách cư xử, và cách hành động. Giáo Hội vừa thánh thiện, vừa gồm những tội nhân. Như một thành phần trong Giáo Hội, chúng ta chưa là thánh, nhưng đang được kêu gọi để trở nên thánh, và luôn được mời gọi để thay đổi.
Nhưng trong quá trình hoán cải, giống như thánh Augustinô, đôi khi chúng ta cũng có khuynh hướng cầu xin với Chúa:
“Lạy Chúa, xin hãy thay đổi con, nhưng xin thay đổi con từ từ thôi”.
Chúng ta cũng còn muốn giữ lại một điều gì đó dính bén với tật xấu, thói quen tội lỗi và trần gian. Sự do dự chần chừ trong việc thay đổi cuộc sống như thế, thường xảy ra trong đời sống thiêng liêng của con người. Hay tệ hơn nữa chúng ta lại còn có những cảm xúc hối tiếc giả tạo, đánh lừa chính mình nữa.
Lạy Chúa, xin cho con thực lòng ăn năn, sám hối, một cách chân thành, đặc biệt là trong Mùa Vọng này, để con xứng đáng đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh sắp tới, mùa Hồng Ân, mùa Chúa mang ơn cứu độ cho nhân loại, cho chúng con. Amen.