THÁNH GIUSE, TRÁI TIM HIỀN PHỤ - Bài 1: Phần II. THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA ÂM THẦM + Tgm Ngô Quang Kiệt

Thứ sáu - 18/06/2021 09:47
THÁNH GIUSE, TRÁI TIM HIỀN PHỤ -  Bài 1: Phần II. THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA ÂM THẦM + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE, TRÁI TIM HIỀN PHỤ - Bài 1: Phần II. THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA ÂM THẦM + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE, TRÁI TIM HIỀN PHỤ
Bài 1: Phần II. THÁNH GIUSE NGƯỜI CHA ÂM THẦM

(trích TRÁI TIM HIỀN PHỤ trg 10-19 + Tgm Ngô Quang Kiệt)

----------------------------
1. Âm thầm yêu thương. 1
2. Âm thầm dịu dàng. 2
3. Âm thầm vâng phục. 3
4. Âm thầm đón nhận. 4
5. Âm thầm can đảm và sáng tạo. 4
6. Âm thầm làm việc. 5
7. Âm thầm trong bóng tối 6

------------------------------

Tông huấn Patris Corde trình bày thánh Giuse như một người cha âm thầm với những đức tính như sau.
 

1. Âm thầm yêu thương


Trong Tin Mừng không thấy thánh Giuse lên tiếng bao giờ. Nhưng ngài luôn làm việc. Hai hình ảnh rất quen thuộc diễn tả thánh Giuse âm thầm làm việc.

Hình ảnh thứ nhất:
Thánh Giuse đưa Chúa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập. Tôi rất thích bức tranh của Albretch Durer (Họa sĩ người Đức 1471-1528). Đức Mẹ bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Thánh Giuse một tay dắt lừa. Một tay cầm đèn. Mắt vẫn hướng về Chúa Giêsu và Đức Mẹ ngồi trên lưng lừa. Vì mẹ yếu con thơ. Phải canh chừng cẩn thận xem các ngài ngồi có vững không. Có vấn đề gì không. Hay giản đơn là chỉ quan tâm thôi. Còn bản thân ngài tay dắt lừa, đi chân không. Trời đêm tối. Đã soi đèn cho lừa và hai người ngồi trên lưng lừa. Thế mà ngài vẫn không nhìn đường đi, dù trời đêm tối. Chỉ quan tâm lo lắng cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Thật là một tình yêu chan chứa. Miệng không nói gì. Nhưng cử chỉ và đặc biệt ánh mắt nói lên ngài yêu thương Chúa và Mẹ biết bao.

Hình ảnh thứ hai:
Thánh Giuse làm thợ mộc. Có nhiều tranh ảnh vẽ cảnh tượng này.Thông thường là thánh Giuse đang cưa gỗ. Gần đó, Đức Mẹ ngồi đan áo. Còn Hài Nhi Giêsu thì đang chơi đùa bên cha mẹ. Tranh của Georges De La Tour (Họa sĩ người Pháp 1593-1652) thì vẽ thánh Giuse đang làm thợ mộc. Ngài làm việc cho đến tối mịt. Cậu bé Giêsu cầm nến soi cho cha làm việc. Ánh nến chiếu lên khiến mặt thánh Giuse rạng rỡ. Ngài vui vì được làm việc phục vụ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Ngài vui vì được Chúa Giêsu soi đèn. Ánh đèn không chỉ soi cho thánh Giuse làm việc. Nhưng còn soi cho việc làm của Ngài đi vào ơn cứu độ.

Tất cả nói lên tình yêu thương. Yêu thương Âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Làm việc và phục vụ Chúa là niềm vui của thánh Giuse. Niềm vui và mệt nhọc rất âm thầm. Vì công việc tầm thường. Chẳng ai biết đến. Nhưng chính nhờ công việc âm thầm mệt mỏi ấy mà Chúa Giêsu lớn khôn. Trở nên trưởng thành. Hoàn thành công trình cứu độ thế giới.

Người yêu thương chân thực luôn âm thầm. Gánh chịu mọi khó khăn thử thách. Miễn sao chương trình của Chúa được thực hiện. Và người thân yêu chung quanh được hạnh phúc.

Để diễn tả điều này, Đức Thánh Cha nhắc lại tấm gương của tổ phụ Giuse. Tổ phụ Giuse bị anh em ghen ghét muốn giết chết. Sau cùng họ bán ngài sang Ai cập. Ngài làm nô lệ trong nhà quan Putipha. Bị vu oan giá hoạ và bị tống vào nhà tù. Bị quên lãng trong nhà tù. Nhưng sau cùng ngài trở thành tể tướng nước Ai cập. Khi nhận ra ngài, các anh em rất sợ ngài trả thù. Nhưng tổ phụ cho biết đó là thánh ý Thiên Chúa. Nên ngài chấp nhận tất cả. Ôm lấy những đau đớn, khổ cực, nhục nhã cho riêng mình. Để kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Và mọi người thân yêu được hạnh phúc. Thật là một tình yêu âm thầm. Thật là tấm lòng của người cha. Mạnh mẽ nhưng không kém dịu dàng.

 

2. Âm thầm dịu dàng


Tâm lý học nhận định: Gay gắt phê bình chỉ trích lỗi lầm của người khác tố cáo ta không chịu nổi lỗi lầm của chính mình. Đó là dấu hiệu của một tâm hồn yếu đuối. Dịu dàng là dấu hiệu của một tâm hồn mạnh mẽ. Thô bạo tiếp cận chỉ làm vết thương thêm đau đớn. Giống như lý hình hành hạ tội nhân. Dịu dàng tiếp cận mới có thể chữa lành vết thương. Như lương y lành nghề.

Dịu dàng là hình ảnh của người cha nhân hậu đón đứa con hoang đàng trở về. Hãy chiêm ngắm bức tranh của hoạ sĩ bậc thầy Rembrandt. Vòng tay ôm của người cha mới dịu dàng làm sao. Chữa lành tâm hồn tràn đầy thương tích. Phục hồi phẩm giá đã đánh mất. Vực dậy cuộc đời đổ vỡ. Phục sinh cuộc đời chết trong tội lỗi.

Cảm nhận được sự dịu dàng của Thiên Chúa, Thánh Cả cũng rất dịu dàng với Chúa Giêsu. Đặc biệt khi Chúa còn thơ bé. Chắc chắn Thánh Cả cảm nhận sâu xa lời Hôsê: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó…Ta đã tập đi cho Epraim, đã đỡ cánh tay nó…Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs 11,1-4) Chắc chắn Thánh Cả đã từng âu yếm Hài Nhi Giêsu như thế.

Thật lạ lùng. Chúa hoàn thành lịch sử cứu độ qua những yếu đuối của con người. Thánh Phaolô cảm nhận được sự yếu đuối của mình. Ngài tâm sự: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi điều này, nhưng Người bào tôi: ‘Ơn Ta đủ cho con, vì quyền năng của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12,7-9).

Thánh Giuse cũng đã có những lúc sợ hãi hoang mang. Nhưng Chúa bảo Thánh Cả: “Đừng sợ” (Mt 2,20). Nên ngài cảm nhận được Thiên Chúa có thể hành động cả khi ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Vì thế Thánh Cả dạy ta hãy để Chúa dẫn lối cho ta. Đừng muốn kiểm soát tất cả. Hãy đơn sơ phó thác cả trong những lúc nguy nan nhất. Đó là vâng phục.

 

3. Âm thầm vâng phục


Thánh Giuse vâng phục. Mau mắn. Triệt để. Không ngần ngại. Và không cần nói. Chỉ thi hành.

Vâng phục trong những việc thật khó khăn. Như nhận Đức Mẹ làm bạn. Thánh Cả đã định trốn đi. Nhưng chỉ một lời Chúa nói, ngài đã quay về nhận Đức Mẹ.

Vâng phục trong những việc vất vả. Đang đêm phải thức dậy. Trốn sang đất Ai cập xa xôi.  Không chuẩn bị gì. Chỉ vâng lời. Và tức khắc lên đường.

Vâng phục trong những đổi thay biến chuyển. Từ Ai cập, không về quê hương Bêlem. Nhưng về Nazareth.

Cuộc đời Thánh Cả là cuộc đời hoàn toàn vâng phục. Luôn di chuyển chỗ ở. Luôn thay đổi chọn lựa. Kể cả chọn lựa quan trọng như chọn lựa bậc sống. Tất cả thuận theo thánh ý Chúa.

Có lẽ vì thế mà ảnh hưởng lên Chúa Giêsu. Ngay từ nhỏ, Chúa đã vâng phục song thân. Lớn lên trong nhà Nazareth, Chúa Giêsu đã học được lòng vâng phục từ người cha nuôi. Vì thế khi ra đời hoạt động, Chúa luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha. “Lương thực của Thầy là là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đặc biệt trong giờ phút hấp hối tại vườn Giêtsimani, Chúa hoàn toàn từ bỏ ý riêng để vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thánh Phaolô chứng thực: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào. Là vâng phục” (Dt 5,8). Bài học ấy Chúa đã học với Thánh Cả Giuse là người thầy đầu tiên và xuất sắc. Thánh nhân đã vâng phục để đón nhận thánh ý Chúa.

 

4. Âm thầm đón nhận


Đón nhận thánh ý Chúa. Vì Chúa mà đón nhận mọi người và mọi hoàn cảnh Chúa gửi đến. Không phải là một đón nhận miễn cưỡng. Nhưng đón nhận với tất cả tấm lòng, tình yêu và trân trọng.

Thoạt tiên là đón nhận Đức Mẹ. Thánh Giuse chẳng hiểu gì về Đức Mẹ. Nhưng Thánh Cả đón nhận Đức Mẹ như đón nhận chính Chúa. Yêu thương. Bảo vệ danh thơm tiếng tốt. Kính trọng. Sự trân trọng và tế nhị đối với phụ nữ là điều hiếm thấy ở thế kỷ thứ nhất. Thậm chí ngay cả trong thời đại hiện tại.

Kế đó là đón nhận những bất trắc xảy đến trong đời. Đón nhận không phàn nàn kêu ca. Đón nhận mà đồng hoá với bổn phận. Vì Thánh Cả kết hợp nên một với Thiên Chúa. Ý Chúa là ý ngài. Đón nhận mà không đòi lý do. Không giải thích. Chỉ đón nhận. Không tìm hợp lý. Chỉ tìm hợp nhất. Hợp nhất với Chúa. Chúa muốn gì Thánh Cả muốn điều ấy. Mọi sự Chúa muốn đều tốt. Kể cả hạnh phúc. Kể cả bất hạnh.

Ở đây, ta không thể không nhắc đến các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đặc biệt Đấng Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận. Các ngài đã đón nhận hoàn cảnh khó khăn. Hợp nhất nên một với Chúa. Nên Đức Cố Hồng Y Phanxicô đã nói: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con”. (Đường Hy Vọng, 37).

Hợp nhất với Chúa là hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử. Đón nhận để hoà mình vào dòng chảy lịch sử. Để mình đi vào lịch sử. Để hoàn cảnh trở thành lịch sử đời mình. Và lịch sử đời mình ở trong lịch sử ơn cứu độ. Vượt lên trên phạm vi nhỏ hẹp của lịch sử cá nhân. Đi vào lịch sử rộng lớn trong bàn tay Chúa. Để đón nhận như thế phải rất can đảm và sáng tạo.

 

5. Âm thầm can đảm và sáng tạo


Đón nhận những bất trắc đòi hỏi can đảm và sáng tạo. Can đảm không đầu hàng hay chạy trốn. Nhưng thẳng thắn và bình tĩnh đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Sáng tạo để vượt qua những khó khăn. Biến những khó khăn thành thuận lợi. Đón nhận nhưng không thụ động chịu vậy. Sáng tạo để có thể chung sống với hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình là cảnh Thánh Gia trong chuồng bò ở Bêlem. Hoàn cảnh không thể thay đổi. Quán trọ hết chỗ. Thánh Gia không đủ tiền. Chỉ còn chỗ trong chuồng súc vật. Thánh Cả Giuse can đảm đón nhận hoàn cảnh ấy. Không buồn rầu than trách. Không nản lòng thối chí. Không buông xuôi chịu vậy. Ngài bắt tay vào dọn dẹp. Biến chuồng bò thành một nơi tạm ở được. Không sang trọng nhưng sạch sẽ. Không tiện nghi nhưng ấm cúng. Máng bò lừa được rửa ráy lau chùi sạch sẽ bỗng trở nên chiếc nôi. Cỏ rơm được giũ sạch bụi đất và chải chuốt thẳng thắn bỗng trở nên tấm đệm. Bò lừa được xếp đặt trật tự bỗng trở nên lò sưởi. Tình yêu chan chứa khiến nghịch cảnh bỗng trở nên hạnh phúc.

Cũng tương tự như thế, khi Thánh Gia phải trốn sang Ai cập, bỏ Bêlem về Nazareth. Đến đâu cũng phải có nhà. Có công ăn việc làm. Sinh sống. Khi chạy loạn đâu mang được gì. Tin Mừng thuật lại, cứ mỗi lần Thánh Giuse nghe lệnh Thiên Chúa, ngài liền chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người ra đi. Không mang theo đồ đạc của cải. Chỉ mang theo Chúa và Mẹ. Đến đâu ngài cũng phải can đảm và sáng tạo. Làm nhà bằng những vật liệu sẵn có hoặc rẻ tiền. Tìm công ăn việc làm để tồn tại và nuôi sống Hài Nhi và Mẹ Người. Đi đâu cũng chỉ mang theo Hài Nhi và Mẹ Người. Đó là mang theo đức tin. Nhờ có đức tin mà can đảm và sáng tạo. Giống như những người bạn khiêng người liệt giường đến với Chúa Giêsu.

Không có lối vào thì họ trèo lên mái nhà. Mái nhà không có lối xuống thì họ rỡ ngói tạo lối xuống. Không có thang thì họ thòng giây thả người bạn bại liệt. Xuống ngay trước mặt Chúa. Can đảm không lùi bước trước nghịch cảnh. Sáng tạo để đạt tới Chúa. Tới ơn cứu độ. Nên Chúa đã khen ngợi đức tin của họ (Lc 5,17-26)

Đức tin không làm cho cuộc sống dễ dàng. Nhưng đức tin giúp ta can đảm sáng tạo. Can đảm đón nhận thực tế và nhận trách nhiệm với hoàn cảnh. Để được như thế phải làm việc cật lực.

 

6. Âm thầm làm việc


Thánh Giuse là con người làm việc. Ta không thể tưởng tượng Thánh Gia sẽ ra sao nếu không có thánh Giuse, hoặc ngài không làm việc. Không kể Chúa Hài Nhi sơ sinh và Mẹ Người cần biết bao chăm sóc. Các ngài còn gặp biết bao gian nan thử thách. Nào khai hộ khẩu. Nào trốn chạy Hêrôđê. Liên tục thay đổi chỗ ở. Từ Bêlem sang Ai cập. Từ Ai cập về Nazareth. Đến đâu cũng phải dựng lại nhà. Đến đâu cũng phải làm ăn sinh sống. Vì thế Thánh Cả phải lao động cật lực mới có thể giúp gia đình ổn định và tồn tại.

Thánh Cả có một nghề vất vả nhưng lương thiện. Kiếm sống bằng sức lao động của mình. Phải vất vả đổ mồ hôi, mỏi cơ bắp. Việc làm là phẩm giá con người. Không lệ thuộc vào người khác. Không trở nên gánh nặng cho người khác.

Không chỉ nuôi sống chính mình, việc làm còn góp phần nâng đỡ người yếu ớt. Đó là cộng tác với Thiên Chúa trong việc duy trì và phát triển sự sống. Thánh Cả khẳng định vai trò làm cha khi bao bọc chở che Chúa Giêsu và Mẹ Người. Bao bọc chở che để Hài Nhi lớn lên thành người trưởng thành. Nazareth trở thành một trường học toàn vẹn. Nên Chúa Giêsu phát triển toàn diện: “Càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Trên hết, khi làm việc, Thánh Cả tham dự vào kế hoạch của Thiên Chúa. Nuôi dưỡng Chúa Giêsu. Để hoàn thành công trình cứu độ nhân loại. Vì thế công việc của Thánh Cả, dù trước mắt người đời thật tầm thường bé nhỏ. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa thật lớn lao. Chính khi âm thầm làm việc Thánh Cả hợp nhất với Chúa Giêsu, trở thành hạt lúa mì mục nát, cùng Chúa Giêsu hiến trọn thân mình, cho ơn cứu độ của thế giới. Thánh Cả thật là một người âm thầm sống trong bóng tối.

 

7. Âm thầm trong bóng tối


Âm thầm yêu thương. Đó là tóm tắt cuộc đời của Thánh Cả Giuse. Jan Dobraczynski, nhà văn Ba Lan đã viết quyền “Hình bóng của Chúa Cha”, để nói về Thánh Cả Giuse. Tựa đề này thật sâu sắc.

Trước hết Thánh Cả Giuse là hình bóng của Chúa Cha. Chúa Cha là Cha trên trời của Chúa Giêsu. Thánh Giuse là người cha dưới đất. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Tại sao? Thưa vì cha là tình yêu và sự sống. Tình yêu của Chúa Cha là sự sống. Chúa Cha tạo dựng cho muôn loài có sự sống. Và Người hằng làm việc để bảo vệ, duy trì, phát triển sự sống. Người có gì thì thông ban cho Ngôi Con trọn vẹn. Cũng thế, Thánh Cả tuy không ban cho Chúa Giêsu sự sống, nhưng được thông phần với Chúa Cha, giúp duy trì và phát triển sự sống nơi dương thế của Chúa Giêsu. Và cũng với một tâm tình hiền phụ, vô cùng yêu thương Chúa Giêsu. Đến nỗi có thể hi sinh trọn vẹn cuộc đời, kể cả mạng sống cho Chúa Giêsu.

Tuy Chúa Cha là Thiên Chúa toàn năng, quyền phép vô biên, ngự trị trên muôn loài, nhưng Người lại âm thầm ẩn mặt. Người nhường không gian cho con người. Đến độ nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra sự hiện diện của Người. Tuy Người phải quan phòng tất cả. Mọi sự sống ở trong Người. Nhưng Người lại ban cho con người quyền làm chủ. Quyền ăn nói. Quyền thể hiện. Kể cả quyền chống lại Người. Cũng thế Thánh Cả Giuse luôn là người cha, người chủ gia đình. Nhưng Thánh Cả luôn âm thầm khiêm nhường. Cuộc sống của Người âm thầm chìm trong bóng tối. Chúa truyền lệnh cho Người thường lúc đêm tối, khi thánh nhân đã say giấc ngủ. Người thường phải làm việc giữa đêm khuya. Như khi phải trốn chạy Hêrôđê. Người chỉ xuất hiện trong thời ẩn dật của Chúa Giêsu. Thời Chúa hoạt động công khai, Đức Mẹ còn xuất hiện, nhưng thánh Giuse đã biến mất. Thánh nhân như người đã hoàn thành nhiệm vụ lui về nghỉ ngơi. Như người đã nuôi dạy con cái trưởng thành để con cái được tự do. Không nắm giữ gì lại cho bản thân. Phải có trái tim hiền phụ vô cùng yêu thương vô cùng bao la mới có thể làm được điều đó. Đó là điều ta phải noi gương bắt chước.

 

Tác giả: + Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây