THÁNH GIUSE GÌN GIỮ CÁC KẺ ĐỒNG TRINH - Trái Tim Hiền Phụ, bài 7 + Tgm Ngô Quang Kiệt

Thứ tư - 11/08/2021 03:37
THÁNH GIUSE GÌN GIỮ CÁC KẺ ĐỒNG TRINH - Trái Tim Hiền Phụ, bài 7 + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE GÌN GIỮ CÁC KẺ ĐỒNG TRINH - Trái Tim Hiền Phụ, bài 7 + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE GÌN GIỮ
CÁC KẺ ĐỒNG TRINH


trích TRÁI TIM HIẾN PHỤ - Bài 7 - trg 52-67 + Tgm Ngô Quang Kiệt)

--------------------------------
I. THÁNH GIUSE ĐỒNG TRINH.. 1
A. BẢN VĂN KINH THÁNH.. 1
1. Truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1, 26-38) 1
2. Truyền tin cho thánh Giuse (Mt 1, 18-24) 2
3. Trối Đức Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19, 25-27) 3
B. HÔN NHÂN TRỌN VẸN VÀ TRINH KHIẾT. 4

II. THÁNH GIUSE GÌN GIỮ CÁC KẺ ĐỒNG TRINH.. 6
A. GÌN GIỮ ĐỨC MẸ VÀ CHÚA GIÊSU BÉ THƠ.. 7
1. Cảm thức về linh thánh. 7
2. Cảm thức công chính. 8
3. Cảm thức trách nhiệm. 9
B. GÌN GIỮ CÁC LINH MỤC.. 9
1. Gìn giữ bằng nêu gương. 9
2. Gìn giữ bằng sức mạnh. 10
3. Gìn giữ bằng khích lệ. 11

----------------------------

 

I. THÁNH GIUSE ĐỒNG TRINH


Không có chỗ nào minh nhiên nói thánh Giuse đồng trinh. Nhưng niềm tin của Giáo hội là cả một truyền thống lâu dài không phải không có cơ sở vững chắc trong Kinh Thánh. Ta có thể căn cứ vào 3 đoạn Kinh Thánh sau đây.

 

A. BẢN VĂN KINH THÁNH

 

1. Truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1, 26-38)


Lời Đức Mẹ : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” là một chứng minh gián tiếp thánh Giuse đồng trinh. Đức Mẹ đã đính hôn với thánh Giuse. Đã thành vợ chồng, có thể ăn ở với nhau để sinh con đẻ cái. Được làm Mẹ Đấng Cứu Thế là diễm phúc độc nhất trên đời. Các thiếu nữ Sion đều mơ ước được vinh phúc này. Nhưng Đức Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh nên không hiểu việc sinh con sẽ xẩy ra cách nào. Chỉ khi thiên thần nói việc này là do ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ mới an tâm vâng lời Thiên Chúa. Điều này không những khẳng định Đức Mẹ khấn giữ mình đồng trinh mà cả thánh Giuse cũng khấn giữ mình đồng trinh. Điều này ta thấy được qua 3 phương diện lịch sử, thực tế và thiêng liêng.

Về phương diện lịch sử, thời kỳ ấy đã có những người coi trọng việc đồng trinh. Đó là nhóm Esseniens sống khổ hạnh trong sa mạc. Người ta nghĩ rằng thánh Gioan Tẩy giả là một trong nhóm sống theo tinh thần này. Nếu đã có những người đề cao lý tưởng khiết trinh thì thánh Giuse là một trong số những người thuộc tinh thần lý tưởng cao đẹp ấy là một điều hoàn toàn có thể hiểu được. Và cũng thật tự nhiên vì người được Thiên Chúa tuyển chọn chắc chắn phải có một đời sống lý tưởng cao đẹp.

Trong thực tế, lời Đức Mẹ quả quyết rằng “không biết đến việc vợ chồng” phải có nền tảng ở một thỏa thuận với thánh Giuse. Vì Đức Mẹ đã đính hôn với thánh Giuse rồi. Nếu thánh Giuse không thỏa thuận, một mình Đức Mẹ sao có thể quả quyết được điều đó. Vì khi đã đính hôn, ngài không còn quyền một mình quyết định nữa. Chắc chắn thánh Giuse cũng đã khấn giữ mình đồng trinh, nên đã thỏa thuận với Đức Mẹ cùng nhau giữ mình đồng trinh. Đôi bạn tâm đầu ý hợp đã được Thiên Chúa tuyển chọn, tiền định để làm bạn thanh sạch với nhau trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Về phương diện thiêng liêng, Thiên Chúa không thể gửi gấm Đức Mẹ và Chúa Giêsu cho một người không xứng đáng, không tôn trọng Đức Mẹ. Thiên Chúa phải gửi gấm Đức Mẹ và Chúa Giêsu cho thánh Giuse, vì thánh nhân giữ mình đồng trinh, mới xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ cao quí này.

Ta còn có thể thấy thánh Giuse giữ mình đồng trinh qua trình thuật cuộc truyền tin cho thánh nhân.

 

2. Truyền tin cho thánh Giuse (Mt 1, 18-24)


Lời thiên sứ nói: “Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” đã bộc lộ nhân đức đồng trinh của thánh Giuse. Tiếng Latinh là: “Josehp, fili David, noli timere, accipere Mariam..”. “Timere” dịch là “ngại” là thoát ý nói lên ý ngại ngùng vì mình không xứng đáng. Nhưng timere dịch là “sợ” mới sát ý. Và không phải không có lý do. Thánh Giuse sợ hãi.vì đã biết bạn mình được ơn cao cả của Thiên Chúa, thụ thai bởi quyền phép Thánh Linh. Ông sợ hãi không dám làm bạn với Đức Mẹ vì Đức Mẹ đã nên bậc cao trọng như thế. Thánh Bênađô cắt nghĩa: Thánh Giuse sợ hãi cũng giống như thánh Phêrô sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng đã sợ hãi thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin xa khỏi tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Cũng giống như thái độ của viên đại đội trưởng không dám để Chúa đến nhà mình: “Lạy Thầy, tôi không xứng đáng để Thầy vào trong nhà tôi” (Lc 7, 6). Thánh Giuse đồng trinh biết rõ bào thai kia không phải của mình. Thánh Giuse khiêm nhường biết rõ mình không xứng đáng với chức danh làm cha Đấng Cứu Thế, làm bạn của Mẹ Thiên Chúa. Đứng trước mầu nhiệm cao cả và trước sự linh thánh của Thiên Chúa cũng như của Đức Mẹ, ngài sợ hãi trốn đi.

Lời thiên sứ nói: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” càng chứng tỏ thánh Giuse đồng trinh và khiến thánh Giuse an tâm. Thánh Giuse đồng trinh vì được thiên sứ cho biết ngài phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Chỉ có người cha mới có quyền đặt tên cho con. Thánh Giuse biết rõ mình không sinh ra Đấng Cứu Thế. Nhưng đây quả thực là ơn Chúa ban cho Người được làm cha và có quyền đặt tên cho Chúa. Điều này không có gì khó hiểu. Vì một người nữ đồng trinh đã có thể làm Mẹ Đấng Cứu Thế, thì một người nam đồng trinh cũng có thể làm Cha của Người. Thánh Giuse an tâm hơn nữa vì thiên sứ cho biết đây chỉ là ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã loan báo từ xa xưa qua miệng các vị tiên tri.

 

3. Trối Đức Mẹ cho thánh Gioan (Ga 19, 25-27)


Đây là suy niệm loại suy. Tại sao Chúa Giêsu không trối Đức Mẹ cho thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng, mà lại trối cho thánh Gioan. Thưa vì thánh Gioan đồng trinh. Chúa Giêsu gửi gấm Đức Mẹ đồng trinh cho thánh Gioan đồng trinh như một nơi xứng đáng và tương xứng. Nếu thế ta càng có cơ sở kết luận thánh Giuse đồng trinh theo lôgich Thiên Chúa gửi gấm Đức Mẹ đồng trinh cho người đồng trinh. Như Chúa Giêsu không thể trối Đức Mẹ cho một tông đồ nào khác ngoài thánh Gioan thì Thiên Chúa cũng không thể trao phó Đức Mẹ cho ai khác ngoài thánh Giuse là Đấng đồng trinh.

ĐỨc cha Bossuet quả quyết: “Người con diễm phúc này được sinh ra do cuộc hôn nhân trinh khiết của đôi phối ngẫ... Ta đã chẳng nói rằng chính tâm hồn khiết trinh của Đức Trinh Nữ đã kéo Chúa Giêsu Kitô từ trời xuống sao?... Nếu vậy ta không thể nói chính sự tấm lòng trinh bạch đã khiến Đức Trinh Nữ thành Mẹ sao? Và nếu tấm lòng trinh bạch đã làm Mẹ sinh con, tôi không sợ gì mà khẳng định rằng thánh Giuse góp phần vào phép lạ cả thể ấy. Vì nếu tấm lòng trinh bạch như thiên thần là tài sản của Mẹ Maria thiêng thánh, nó cũng là kho chứa an toàn của thánh Giuse người công chính." (Article du Dictionnaire catholique sur Saint Joseph. Source: www.icrsp.org).

Còn thánh Tôma tiến sĩ thiên thần cho biết, Chúa gửi gắm Đức Mẹ Đồng Trinh cho thánh Giuse, vì thánh Giuse cũng đồng trinh. Chắc chắn Đức Mẹ và thánh Giuse cùng hiểu, cùng hứa và cùng tôn trọng lời hứa đồng trinh. (Saint Thomas D’aquin, Somme Theologique, III, q.28, a.4).

 

B. HÔN NHÂN TRỌN VẸN VÀ TRINH KHIẾT


Nhưng nếu hai Đấng cùng giữ đức đồng trinh như thế thì hôn nhân giữa hai Đấng có là hôn nhân thực sự không? Thánh Augustinô cho rằng đó là hôn nhân đích thực. Việc giữ mình đồng trinh trong bậc hôn nhân không làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu hay bất thành. Theo thánh Augustinô: “Trên hết mọi sự, trong hôn nhân có ba mối dây liên kết: trước hết là khế ước thiêng liêng mà hai người phối ngẫu trao thân gởi phận cho nhau; thứ đến tình yêu phu phụ khiến họ hiến tăng cho nhau một trái tim không còn có thể phân chia được và cũng không còn có thể cháy lên bằng những ngọn lửa khác nữa; sau cùng, con cái là mối dây liên kết thứ ba, vì lẽ tình yêu của cha mẹ lại gặp nhau trong những hoa trái chung ấy của hôn nhân, thì tình yêu được liên kết bằng một nút thắt chặt hơn.

Đức cha Bossuet, nhà hùng biện lừng danh đã tiếp nối suy tư của Thánh Augustinô nhận thấy cả ba mối liên kết ấy trong cuộc hôn nhân của Thánh Giuse, và chỉ rõ rằng mọi sự đều giúp vào việc giữ đức trinh khiết. Đấng trao thân gởi phận cho nhau, và đó là chỗ ta phải chiêm ngắm sự chiến thắng của đức trinh khiết trong thực tế của cuộc hôn nhân này. Bởi vì Đức Maria thuộc về thánh Giuse và thánh Giuse thuộc về Đức Maria linh thánh; thật rõ ràng là hôn nhân của hai Đấng là hôn nhân đích thực, bởi vì hai Đấng đã trao thân gởi phận cho nhau. Nhưng trao thân gởi phận như thế nào? Ôi khiết tịnh, đây là vòng hoa chiến thắng của ngươi: Hai Đấng đã trao gởi cho nhau đức khiết trinh của mình, và trên căn bản đức trinh khiết đó, hai Đấng nhượng cho nhau một quyền hỗ tương. Quyền nào? Quyền bảo vệ đức trinh khiết ấy của người nọ cho người kia. Phải, Đức Maria có quyền bảo vệ đức trinh khiết của thánh Giuse và thánh Giuse có quyền bảo vệ đứ trinh khiết của Đức Maria. Không bên nào được quyền tự ý định đoạt, vì tất cả sự trung tín trong cuộc hôn nhân này là ở tại sự bảo vệ đức trinh khiết. Đó là những lời hứa đã liên kết hai Đấng, đó là khế ước đã kết hợp hai Đấng. Đó là đức trinh khiết  kết hợp với nhau, để bảo vệ cho nhau muôn thưở, khiết trinh của vị này cũng như khiết trinh của vị kia, bằng sự tương ứng thanh khiết của những ước muốn khiết tịnh: và dường như tôi nhìn thấy hai ngôi định tinh giao hội vì hai nguồn hào quang của hai định tinh cấu kết. Đó là mối liên kết thứ hai của cuộc hôn nhân này, mà mối liên kết ấy, theo lời thánh Augustinô, càng chặt chẽ hơn bởi lẽ lời hứa mà hai bên trao cho nhau là bất khả vi phạm, mà bất khả vi phạm vì là những lời hứa rất thánh thiện”.

Thánh Augustinô còn phân tích mối liên kết thứ ba trong hôn nhân của thánh Giuse với Đức Trinh Nữ Maria, đó là người Con Chí Thánh do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra trong khuôn khổ cuộc hôn nhân hoàn toàn trinh khiết ấy như sau: “Thánh Giuse là phu quân Đức Maria không phải do một quan hệ nào về xác thịt, mà chỉ do liên hệ hôn nhân. Và vì thế, Người cũng là Cha Chúa Kitô cách mật thiết hơn nhiều so với trường hợp giả như Người nhận một con nuôi sinh ra ngoài cuộc hôn nhân của Người, bởi vì Chúa Giêsu sinh ra do hôn thê của Người”.

Đức cha Théodore nêu ra một nguyên tắc cơ bản: “Phàm con cái sinh ra bởi một phụ nữ mà không do gian dâm ô uế, tất nhiên thuộc về cả vợ lẫn chồng, bất luận do phương thế nào mà Thiên Chúa đã dùng để ban con cái cho người chồng, dẫu là do sự kết hợp vợ chồng hay không”. Điều đó hàm ngụ trong thành ngữ Latinh: “Quod nascitur agro meo, meum est: Thửa đất của tôi sản xuất được gì, thì vật đó là sở hữu của tôi”.

Thánh Augustinô nói tiếp: “Con trẻ mà người vợ sinh hạ trong sự đồng trinh, tại sao người chồng lại không nhận lấy trong đức trinh khiết? Bởi vì người vợ trinh khiết, người chồng cũng trinh khiết. Và vì người vợ là  mẹ đồng trinh, thì người chồng cũng là cha đồng trinh… Điều mà Chúa Thánh Thần thực hiện, Người đã thực hiện cho cả hai.. Chúa Thánh Thần đã ban con cho cả hai. Chính vì thế, Thiên Sứ đã truyền cho cả hai đặt tên cho con trẻ, và như vậy Thiên sứ đã công bố quyền hành của cả cha và mẹ đối với người con”. (St Augustinus, Sermo, 51, 16, 20. P.L., 38, 348, 351, trích Phạm Đình Khiêm, Thánh Giuse trong Dân Chúa, NXB Tôn Giáo 2004, tr. 91).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, trong Tông huấn Custos Redemptoris (15-08-1989) số 7, khẳng định:

“Và khi Giáo Hội thấy thật là quan trọng phải tuyên xưng sự hoài thai Chúa Giêsu đồng trinh, thì một điều khác cũng không kém trọng yếu là Giáo Hội phải bênh vực hôn nhân của Mẹ Maria với thánh Giuse, vì theo pháp lý cương vị làm Cha của thánh Giuse tuỳ thuộc vào đó. Vì thế người ta mới hiểu tại sao phả hệ lại được liệt kê theo phả hệ của thánh Giuse. Thánh Augustinô hỏi: “Tại sao phả hệ lại không được kể theo thánh Giuse cơ chứ? Người không phải là chồng của Mẹ Maria sao? Kinh Thánh ghi nhận, qua uy quyền của sứ thần, rằng Người là chồng của bà. Sứ thần nói: ‘Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần’. Giuse được bảo phải đặt tên cho con trẻ, dù không phải là con do mình. Sứ thần nói: ‘Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu’. Kinh Thánh nhìn nhận Chúa Giêsu không sinh ra từ dòng giống của Giuse, vì khi thắc mắc về nguồn gốc bào thai trong lòng Mẹ Maria, Giuse được cho biết đó là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, Ngài không bị tước mất quyền làm cha vào lúc Ngài được bảo phải đặt tên cho con trẻ. Cuối cùng, cả Trinh Nữ Maria, dù ý thức rằng mình không thụ thai Đức Kitô qua việc vợ chồng với Giuse, bà vẫn gọi ông là Cha Đức Kitô”.

Người Con của Mẹ Maria cũng là người Con của thánh Giuse qua mối liên kết hôn nhân đã nối kết hai người: “Nhờ hôn nhân thuỷ chung của họ, cả hai xứng đáng được gọi là cha mẹ của Đức Kitô. Không chỉ mẹ Người, nhưng cả cha Người, cũng là cha là mẹ cùng một cách thức như nhau, vì Giuse là chồng của Mẹ Người: theo tinh thần, chứ không theo thể xác”. (13) Trong cuộc hôn nhân này, không thiếu vắng điều kiện cần thiết nào: “Nơi cha mẹ của Đức Kitô mọi điều tốt đẹp của hôn nhân đều được thực hiện – con cái nối dòng, sự chung thuỷ, sự bền vững: Con cái là chính Chúa Giêsu; chung thuỷ, vì không có ngoại tình; bền vững, vì không có ly dị”.

Phân tích bản chất cuộc hôn nhân này, cả Thánh Augustinô lẫn Thánh Tôma luôn luôn đồng hoá nó với một “hiệp nhất tâm hồn bất khả phân”, một “hợp nhất đôi tim”, với “đồng thuận”. Người ta tìm thấy những yếu tố này được thể hiện cách tuyệt hảo trong cuộc hôn nhân của Mẹ Maria và Giuse. Vào cao điểm của lịch sử Cứu chuộc, khi Thiên Chúa biểu lộ tình yêu dành cho nhân loại qua quà tặng là Ngôi Lời, thì Mẹ Maria và thánh Giuse qua chính việc nhận lãnh và biểu lộ tình yêu hôn nhân của mình, đã thực hiện trong trọn vẹn “tự do” sự trao hiến mình cho nhau. “Trong công cuộc vĩ đại đổi mới mọi sự trong Đức Kitô, thì hôn nhân – vốn cũng được thanh luyện và canh tân – trở thành một thực thể mới, một bí tích của Tân Ước. Chúng ta thấy rằng, vào lúc khởi đầu của Tân Ước, cũng giống như lúc ban đầu của Cựu ước, đã có một cặp vợ chồng. Nhưng trong khi Ađam và Evà là nguồn gieo vãi sự dữ vào thế gian, thì thánh Giuse và Mẹ Maria là cao điểm hội tụ từ đó sự thánh thiện lan toả khắp thế giới. Chính nơi cuộc hôn nhân trinh khiết và thánh thiện này mà Đấng Cứu Thế đã bộc lộ ý toàn năng của Ngài, khi khởi đầu việc cứu chuộc, là muốn thanh luyện và thánh hoá gia đình – là cung thánh tình yêu và nôi bảo dưỡng sự sống”.

**********************

 

II. THÁNH GIUSE GÌN GIỮ CÁC KẺ ĐỒNG TRINH


Bây giờ thì chúng ta đã hiểu Thánh Giuse đã kết hợp với Đức Mẹ trong một dây hôn phối hoàn hảo và trinh khiết vẹn toàn. Thiên Chúa đã an bài cho hai Đấng đồng trinh gặp gỡ nhau, trao tặng sự đồng trinh cho nhau để cùng nhau chăm sóc con Thiên Chúa. Đặc biệt thánh Cả Giuse là người canh giữ Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Đó là canh giữ mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Giuse canh giữ Đức Mẹ Đồng Trinh thế nào? Thưa ngài canh giữ bằng những cảm thức về linh thánh, về sự công chính và về trách nhiệm.

 

A. GÌN GIỮ ĐỨC MẸ VÀ CHÚA GIÊSU BÉ THƠ

 

1. Cảm thức về linh thánh


Thánh Giuse có một cảm thức linh thánh vô cùng tinh tế. Với cảm thức đó ngài kính trọng Thiên Chúa và các công trình của Thiên Chúa. Trước hết ngài kính trọng Thiên Chúa ngay trong bản thân mình.

Cảm thức linh thánh tinh tế khiến thánh Giuse cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa khắp nơi, trong vũ trụ, trong tha nhân và ngay trong chính bản thân mình. Cảm nhận tinh tế về sự hiện diện của Thiên Chúa nên thánh nhân luôn luôn sống trước mặt Chúa. Và cũng vì thế rất nhậy cảm trước những tín hiệu của Thiên Chúa. Có lẽ vì thế mà Chúa thường phán dậy thánh nhân trong giấc ngủ. Người làm sao chiêm bao làm vậy. Ngày nghĩ gì đêm mơ đến điều ấy. Thánh Giuse luôn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, luôn gần gũi Thiên Chúa nên đêm ngủ rất thường nghĩ đến Thiên Chúa. Nếu tiềm thức và vô thức là tấm gương bộc lộ tâm hồn con người thì tiềm thức và vô thức của thánh nhân tràn đầy Thiên Chúa. Ban đêm khi ý thức nghỉ ngơi, tiềm thức và vô thức trào lên cho thấy con người thật của mình. Ban đêm thánh Giuse còn nghe được tiếng Chúa chứng tỏ tiềm thức và vô thức của ngài tràn đầy Thiên Chúa.

Ngài kính trọng Thiên Chúa trong bản thân mình. Biết rằng mạng sống mình là quà tặng của Thiên Chúa nên ngài dâng hiến cho Chúa tất cả bằng đời sống trinh khiết dành riêng cho Chúa. Một khi đã dâng hiến, ngài hiểu rằng thân xác và tâm hồn của ngài không còn thuộc về ngài, nhưng đã thuộc về Thiên Chúa vì thế ngài gìn giữ chúng như kho báu của Chúa, chẳng chút xao lãng, không dám xúc phạm. Ngài kính trọng thân xác và tâm hồn mình vì chúng là của Chúa.

Ngài cũng kính trọng Đức Mẹ vì biết rằng Đức Mẹ đã dâng mình cho Chúa, đã khấn giữ mình đồng trinh. Ngài kính trọng Đức Mẹ không chỉ vì bản thân Đức Mẹ nhưng còn vì Đức Mẹ đã được dâng hiến cho Thiên Chúa, là của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Chính vì thế mà ngài đã phải bỏ trốn vì biết mình không xứng đáng với Đức Mẹ, nhất là không xứng đáng với kho tàng quí báu là Ngôi Hai nhập thể mà Đức Mẹ đang mang trong lòng. Không những ngài không bao giờ dám xúc phạm đến Đức Mẹ mà một ý nghĩ mảy may xem thường Đức Mẹ cũng không bao giờ thoáng qua trong ý nghĩ của thánh nhân. Ngài kính trọng Đức Mẹ vì Thiên Chúa ở trong Đức Mẹ. Chẳng phải là Thiên Chúa hiện diện theo bí tích mà Thiên Chúa bằng xương bằng thịt tượng thai trong lòng Đức Mẹ. Ngài tôn kính Đức Mẹ như dân Do Thái tôn kính Hòm Bia. Chính Đức Mẹ là Hòm Bia sống động. Vì trong Hòm Bia Cựu Ước, Thiên Chúa hiện diện theo qui ước, theo bản tính Thiên Chúa. Còn trong Đức Mẹ, Thiên Chúa hiện diện thực sự, trong cả bản tính Thiên Chúa lẫn bản tính loài người. Đức Mẹ chính là đền vàng nơi Thiên Chúa ngự trị thực sự. Nên thánh Giuse tôn kính Đức Mẹ như tôn kính đền thờ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà thiên sứ phải trấn an thánh nhân: “Hỡi Giuse, con vua Đa vít, đừng sợ nhận Maria làm bạn”. Cảm thức linh thánh dẫn đến cảm thức công chính.

 

2. Cảm thức công chính.


Thánh Giuse được Kinh Thánh gọi là người công chính. Công bình và chính trực. Người chính trực luôn sống thẳng ngay, trong lòng không có gì quanh co, gian dối. Công bình là trả cho người khác những gì thuộc về họ. Nghĩa là không dám giữ những gì không phải của mình.

Thánh Giuse công chính nên biết rằng thân xác mình không thuộc về mình nhưng thuộc về Thiên Chúa. Vì thế ngài không dám sử dụng thân xác mình theo ý riêng. Nhưng luôn theo ý Thiên Chúa. Chính vì thế ngài luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, không mảy may nghi ngại hay chần chờ, dù những việc rất khó khăn.

Thánh Giuse công chính nên không dám nhận quyền làm cha Ngôi Hai nhập thể. Vì biết đó là quyền của Thiên Chúa. Nên ngài phải lập tức trốn đi. Nhưng khi nghe thiên sứ nói Thiên Chúa muốn ngài làm cha Ngôi Hai nhập thể, ban cho ngài quyền đặt tên cho trẻ Giêsu sơ sinh, ngài đã thực hiện ngay không chối từ.

Thánh Giuse công chính nên không dám làm bạn với Đức Mẹ sau khi Đức Mẹ được ơn Chúa Thánh Thần hoài thai Ngôi Lời nhập thể. Trước đó ngài đã nhận Đức Mẹ làm bạn thanh sạch vì đồng hàng, đồng tâm, đồng ước nguyện. Nhưng sau khi Đức Mẹ được ơn đầy phúc lạ, thánh Giuse tự biết Đức Mẹ đã được ơn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên thánh nhân tự biết mình bất xứng, đã rút lui. Chỉ khi nghe lời thiên sứ nói: đừng sợ nhận Maria làm bạn, ngài mới trở về nhận lấy ân huệ Chúa ban.

Thánh Giuse công chính nên suốt đời kính trọng Đức Mẹ, vì biết rằng Đức Mẹ thuộc về Thiên Chúa, mình chỉ là người gìn giữ mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Cảm thức công chính của thánh nhân thật tinh tế và sâu xa, nên đã đẹp lòng Thiên Chúa và chu toàn nhiệm vụ gìn giữ Đức Mẹ đồng trinh trọn đời. Và vì thế đã được Kinh Thánh tôn vinh là người công chính. Cảm thức công chính dẫn đến cảm thức trách nhiệm.

 

3. Cảm thức trách nhiệm.


Thánh Giuse là con người của trách nhiệm. Được trao trách nhiệm gì ngài luôn chuyên chú hoàn thành. Không nề hà khó khăn. Không nghĩ đến bản thân. Chỉ cốt sao cho hoàn thành trách nhiệm. Nơi ngài cảm thức trách nhiệm cũng tinh tế và đạt đến tuyệt đỉnh như cảm thức linh thánh và cảm thức công chính.

Thánh nhân có một ý thức trách nhiệm sâu xa. Trước hết là trách nhiệm đối với chính bản thân mình. Ngài ý thức bản thân mình là của Chúa, nên ngài gìn giữ bản thân mình không phải cho riêng mình nhưng cho Chúa. Vì thế ngài canh giữ bản thân còn nghiêm ngặt hơn canh giữ cho mình. Đã dâng hiến cho Chúa nên ngài kiểm soát chính mình để không vi phạm đến quyền lợi của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Bề ngoài vâng phục mau mắn, không tranh cãi làm chứng rằng bề trong ngài coi trọng quyền lợi của Thiên Chúa hơn quyền lợi của bản thân biết bao.

Vì thế được trao trách nhiệm tỏ tường để bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thánh nhân đã làm hết sức để chu toàn nhiệm vụ. Thánh nhân bảo vệ sự trinh khiết của Đức Mẹ, vì Đức Mẹ đã tín nhiệm trao cho thánh nhân gìn giữ. Ngài chu toàn nhiệm vụ này vừa với tình yêu thương thanh khiết vừa với niềm tri ân. Với tình yêu thanh khiết, ngài quí trọng sự trinh khiết của Đức Mẹ, nên ngài tận tâm bảo vệ sự trinh khiết của Đức Mẹ dành cho chương trình của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Với niềm tri ân vì Chúa đã tín nhiệm ngài, trao cho ngài gìn giữ kho tàng ơn cứu độ. Và vì Đức Mẹ đã yêu thương trao gởi sự trinh khiết cho ngài gìn giữ. Đó là một nhiệm vụ vừa quan trọng vừa cao quí nên thánh nhân sẵn sàng quên mình để chu toàn.

Đặc biệt với việc bảo vệ Chúa Giêsu trong thời gian thơ ấu. Thánh nhân coi đây là một nhiệm vụ cao cả và vinh dự nên thánh nhân đem toàn tâm toàn lực để chu toàn. Không ngần ngại phải thức dậy giữa đêm khuya đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn bàn tay hung bạo của Hêrôđê. Không nề hà lao động vất vả để nuôi dưỡng Hài Nhi và Mẹ Người bằng công việc thợ mộc vất vả. Tuy làm việc và hi sinh rất nhiều, nhưng ngài lại luôn im lặng. Im lặng để kính cẩn trước mầu nhiệm cao cả mà ngài đang được đụng chạm đến. Im lặng để tìm cách chu toàn nhiệm vụ ở mức hoàn hảo nhất. Im lặng để tạ ơn Chúa đã tín nhiệm ngài, trao phó cho ngài nhiệm vụ cao quí như thế.

 

B. GÌN GIỮ CÁC LINH MỤC

 

1. Gìn giữ bằng nêu gương


Các LM cần rèn luyện cho mình cảm thức linh thánh, cảm thức công chính và cảm thức trách nhiệm trong đời sống trinh khiết và khiết tịnh của mình noi gương thánh Giuse.

Cảm thức về linh thánh. Đây là điều rất cần thiết trong xã hội tục hóa hôm nay. Riêng các linh mục hãy nhớ thân xác ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Và ngày chịu chức linh mục, chúng ta đã được thánh hiến để dâng cho Thiên Chúa. Hãy ý thức ấn tín ghi trong linh hồn chúng ta qua việc xức dầu. Cả thân xác linh mục, cả con người linh mục không còn thuộc về bản thân nữa, nhưng thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa ở trong ta, ta phải kính trọng Thiên Chúa. Thiên chức linh mục cao trọng vì tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô. Chúa Giêsu linh mục nhờ môi miệng chúng ta mà rao giảng, mà truyền phép cho bánh trở nên Mình Thánh, cho rượu trở nên Máu Thánh Chúa, nhờ bàn tay của chúng ta mà dâng lễ vật, mà ban phúc lành cho dân chúng. Chúa dùng thân xác ta mà tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Hãy kính trọng chính mình vì trọn con người của chúng ta là của Chúa, là đại diện của Chúa, là một Kitô khác.

Cảm thức về công chính. Thế giới hôm nay tràn ngập gian ác bất công. Người ta đề cao cá nhân chủ nghĩa. Người ta chạy theo lợi nhuận đến nỗi cứ điều gì có lợi cho bản thân thì làm, bất chấp quyền lợi của người khác. Đặc biệt quyền lợi của Thiên Chúa thường bị lãng quên. Các linh mục hãy noi gương thánh Giuse, ý thức về công bình để trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa. Con người linh mục đã được dâng hiến cho Chúa nên không được sử dụng cho riêng mình. Đặc biệt là thân xác linh mục đã được xức dầu thánh hiến cho Chúa, không còn được dùng vào việc gì khác ngoài việc thánh thiện. Ta phải kính trọng chính mình vì đó là của Chúa.

Cảm thức về trách nhiệm. Hãy chu toàn trách nhiệm một cách hoàn hảo như thánh Giuse. Trách nhiệm đó là ta phải gìn giữ con người và thân xác ta cho Chúa. Ta bảo vệ sự khiết tịnh của bản thân vì đó là kho tàng Chúa trao cho ta gìn giữ. Đó là kết tinh tình yêu của ta với Chúa. Đó là giao ước của ta với Chúa. Đã giao ước phải có trách nhiệm gìn giữ. Tình yêu phải được trân trọng. Kho tàng quí báu phải được bảo vệ. Ta bảo vệ sự trinh khiết trước là cho Chúa vì ta đã nguyện dâng hiến cho Chúa. Thân xác và cả con người ta không còn là của ta nhưng thuộc về Chúa. Vì thế ta phải cẩn thận giữ gìn còn hơn của mình nữa. Ta cũng giữ gìn sự trinh khiết vì chính bản thân ta. Đó là sự thánh thiện của ta. Đó là phần rỗi của ta. Ta cũng phải giữ gìn trinh khiết vì Giáo hội, vì cộng đoàn dân Chúa nữa. Có trách nhiệm phục vụ họ, ta không có quyền để họ bị thiệt hại, bị thất vọng.

 

2. Gìn giữ bằng sức mạnh


Thánh Giuse không chỉ gìn giữ Đức Mẹ, nhưng là gìn giữ mầu nhiệm của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ. Linh mục nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nên chắc chắn được thánh Giuse quan tâm. Có thể nói Chúa vẫn kêu mời thánh Giuse tiếp tục công việc bảo vệ mầu nhiệm cứu độ của Người.

Thánh Giuse đã dốc toàn tâm toàn lực bảo vệ Chúa Giêsu bé thơ để Chúa lớn lên, hoàn thành công cuộc cứu độ. Các linh mục là môn đệ của Chúa Giêsu, là những người tiếp nối công trình cứu độ của Chúa, là những Kitô khác, chắc chắn sẽ được thánh Giuse bảo vệ.

Xuyên qua cuộc đời thánh Giuse, ta thấy rằng đức trinh khiết là cao quí và có thể thực hiện. Đồng thời cũng tin tưởng thánh nhân sẽ bảo vệ chúng ta là những người con bé nhỏ đang mang trong mình những trách nhiệm lớn lao. Chúng ta mang kho tàng cao quí trong những chiếc bình sành, xin thánh Giuse gìn giữ để cho bình được lành lặn và kho tàng được nguyên vẹn.

 

3. Gìn giữ bằng khích lệ.


Thánh Giuse chắc chắn muốn các linh mục sống khiết tịnh. Vì biết rằng sự khiết tịnh là một ân huệ cao quí làm triển nở con người linh mục và khiết tịnh cũng là một yếu tố quan trọng trong chương trình cứu độ.

Như xưa thánh nhân đã tập đi cho Chúa Giêsu bé thơ, nay ngài cũng dìu các linh mục, đặc biệt các linh mục trẻ bước đi trên con đường khiết tịnh.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là các linh mục phải tự ý thức và tự mình khao khát giữ lòng khiết tịnh. Tục ngữ Pháp có câu: Hãy giúp mình, Chúa sẽ giúp bạn. Phải biết mình muốn điều gì. Phải phấn đấu làm. Rồi Chúa mới có thể giúp ta được. Thánh Giuse không thể giúp ta nếu ta không muốn. Muốn mục đích phải muốn phương tiện. Phải thực hành những gì thánh nhân đã làm, rồi thánh nhân sẽ giúp ta hoàn thành.

---------------------------

Tác giả: + Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây