Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 117
Thường Niên 23-A Đố bạn biết: Trên đời này, sợi dây gì dài nhất ------------------------------------------
Bạn thân mến,
Có lần, có người đã ra câu đố như thế này:
Đố bạn biết: Trên đời này, sợi dây gì dài nhất?
Thấy ai cũng tỏ ra lúng túng cho câu trả lời, thì người ra câu hỏi bèn ra đáp án ngay: Đó là sợi dây kinh nghiệm.
Mà đúng thật như vậy.
Bởi câu chúng ta thường nghe thấy trên môi miệng của kẻ này người nọ, mỗi khi có những sai lầm, hoặc mỗi khi sai phạm một lầm lỗi nào đó, thì liền luôn miệng phân bua: “Xin rút kinh nghiệm lần sau”.
Mà người ta cứ phải rút kinh nghiệm hoài, hết lần này, đến lần khác, và cứ thế cho đến cuối đời, mà người ta vẫn còn phải rút kinh nghiệm.
*****
Vâng, sống trong trần gian này, đã là con người, chắc chắn có những lúc chúng ta mắc lầm lỗi, sai sót, cho nên mới có câu danh ngôn này:
“Ai nên khôn, mà chẳng dại một lần”.
Và thực tế mà nói, không chỉ dại một lần, mà rất rất nhiều lần trong cuộc đời:
- Với những trẻ nhỏ mà phạm lỗi, thì cho nó còn là non dại. - Lớn lên một chút mà mắc mắc lỗi, thì cho nó là thiếu trưởng thành. - Đến tuổi trung niên mà mắc lỗi, thì cho kẻ đó là chưa chín chắn. - Người già mắc lỗi, thì gọi “bảy mươi, vẫn chưa gọi là lành”.
Vậy mới nói: Người mắc sai lỗi, cũng không dừng lại ở bất cứ lứa tuổi nào, và ở bất cứ lứa tuổi nào, cũng đều có thể phạm lỗi.
Chính vì thế mà cuộc sống chúng ta, cũng như sỏi đá cũng cần có nhau, để giúp sửa lỗi cho nhau.
*****
Qua bài đọc thứ I (Ed 33, 7-9), Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Êdêkiel răn dạy chúng ta:
“Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”.
Đối diện với những hành vi xấu xa tội lỗi của anh em, chúng ta không được phép làm ngơ theo chủ nghĩa “mackeno”, nghĩa là mặc kệ nó, hoặc “Ui, khôn thì nhờ, dại thì ráng mà chịu”.
Đời sống con người mang tính xã hội, cho nên có tính liên đới với nhau và có nghĩa vụ giúp nhau hoàn thiện.
Tôi có bổn phận giúp người anh em quay trở lại đường ngay nẻo chính, theo đạo lý làm người, và làm con Chúa, không được dửng dưng, để họ mãi sa lầy trong vũng bùn tội lỗi.
Hành vi bác ái Kitô giáo không phải chỉ là giúp đỡ vật chất hay tiền của mà thôi, nhưng còn là giúp nhau hoàn thiện.
Chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái.
Đúng như thế, sửa lỗi không phải là chỉ trích, là công kích, là rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường là thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau.
Sửa lỗi đòi sự tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Đây là một bổn phận và bác ái, mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.
*****
Chúa Giêsu đã đưa ra những bước sửa lỗi anh em mình, đầy tình bác ái Kitô giáo:
– Bước thứ nhất là đối thoại để giúp người anh em nhận ra điều sai trái, từ hành động hay lời nói của họ.
Việc này cần phải hết sức tế nhị, để tránh gây tổn thương cho người anh em.
Vâng, “khen thưởng thì công khai, mà sửa sai thì thầm kín”.
Cho nên bước đầu tiên chỉ riêng mình với người mình muốn góp ý, để giữ thanh danh, thể diện cho họ.
– Sau khi đã thực hiện bước thứ nhất, mà không thành công, thì mới tiến tới Bước thứ hai cần thêm người khác tác động.
Có thể là người thân, hoặc bạn hữu của người mình cần góp ý, hoặc người uy tín, được mọi người nể trọng, nhằm giúp họ nhận ra lời góp ý đó mang tính chất khách quan, không phải vì sự ghét bỏ loại trừ nhau.
– Nếu vẫn không thể lay chuyển được sự ươn ngạnh của người phạm lỗi, Chúa Giêsu dạy chúng ta mới đi đến
Bước thứ ba là đưa ra cộng đồng, vì “quốc có quốc pháp, gia có gia qui. Con người ta sống bên cạnh luật, còn có lệ, để giúp người trong cộng đoàn giữ kỷ cương.
Chính môi trường cộng đồng cũng có ảnh hưởng hình thành và uốn nắn đời sống tâm tính một người.
– Nếu người phạm lỗi vẫn cứng lòng, Chúa chỉ cho chúng ta
Bước thứ tư: kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
Và chúng ta biết: đây là những hạng người cần đến lòng xót thương hơn là sự loại trừ.
Chẳng phải chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói với chúng ta trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 5,31-32) đó sao:
“Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Điều này cho thấy: Khả năng thuyết phục của con người không phải lúc nào cũng thành công, vì thế, hãy chạy đến với Chúa và nhờ Người giúp sức.
Trên hết mọi sự, là hãy cầu nguyện cho người anh em chúng ta được ơn hoán cải.
Chúa Giêsu không bao giờ cho phép chúng ta bỏ cuộc, ngay cả khi với sức lực con người không thể nào lay chuyển nổi.
Đã có nhiều trường hợp, như mẹ Têrêsa Calcutta giúp cho người vô gia cư được tìm lại niềm vui cuộc sống.
Thánh Monica đã nhờ lời cầu nguyện hoán cải được chồng con….
*****
Chuyện kể về nhà tù Challapalca, trại giam có độ cao 4.800 mét so với mực nước biển.
Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào.
Nơi đây bị xem như “hỏa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng.
Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý.
Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã tìm nhiều cách và đã đến được nơi đây, để thăm hỏi và giúp đỡ nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống.
Đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng: Có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình.
Đức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4.600 mét như thế?
Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách “Angel”, được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc.
Cuốn sách “Angel” kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng, nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.
Tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, nơi dãy hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Đó là một kỷ lục.
Đức cha Quispe Lopez cho biết: Giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ.
Đức cha nói: “Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ.
Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân, mà không có một chút lo lắng, hay bất an, hay sợ hãi nào.
Tôi tự hỏi: Điều gì đã khiến cho vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi?
Tôi không thể tin vào mắt mình”.
Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha:
“Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau, mà hãy nhìn về phía trước”.
Angel cũng ở trong số tù nhân này, một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù.
Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh.
Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng, anh ta có thể làm hại vị linh mục.
Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống.
Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân.
Cha nói với anh ta:
“Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và đã hành hạ họ.
Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria”.
Lạy Chúa, bác ái Kytô giáo đòi hỏi chúng con không dung dưỡng sự xấu trong cộng đoàn, nhưng phải biết cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.
Cần loại trừ tội lỗi, nhưng không được tẩy chay anh chị em, mà phải vực họ dậy, từ vũng bùn đen tối, để giúp họ làm lại cuộc đời.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống tình bác ái, khi sửa lỗi và giúp nhau trên con đường hoàn thiện làm con cái Chúa. Amen.