Chuyện minh họa Tin Mừng Bài 39 - Lễ Chúa Gêsu chịu Phép Rửa ABC: Chuyện người vô thần
mang con đi Rửa Tội -------------------------------
“Đông Ca-mê-lô” là tên của một cuốn phim khá nổi tiếng. Nội dung của cuốn phim này cho thấy những cuộc đối đầu liên tục giữa vị linh mục và ông thị trưởng.
Tuy, họ cùng hoạt động sát cánh bên nhau, để phục vụ cho công ích xã hội, nhưng lúc nào hai bên cũng bảo vệ quan điểm riêng của mình:
- một bên là niềm tin Công giáo,
- một bên là ý thức hệ vô thần.
Một trong những cảnh trong phim, cũng đáng chúng ta suy nghĩ, đó là ông thị trưởng có lúc cũng muốn thỏa hiệp với tôn giáo, nên ông đã lén lút, đưa đứa con mới sinh tới một nhà thờ, để xin linh mục rửa tội.
Nhưng, khi vị linh mục này hỏi, ông chọn tên thánh cho trẻ là gì, thì ông đã đưa ra một cái tên thật bất ngờ đối với người công giáo, đó là Sta-lin.
*****
Cũng như ông thị trưởng trên đây, có nhiều người Công giáo, đưa con mới sinh đến nhà thờ, để xin linh mục cử hành bí tích rửa tội, mà không hề hiểu hết ý nghĩa tôn giáo, cũng như không hiểu hết những đòi hỏi của bí tích này.
Họ hiểu việc rửa tội cho con, cũng giống như ông thị trưởng trên đây, hay cũng như nhiều người ngoài Ki-tô giáo. Đây chỉ là một nghi thức, một thứ ma thuật, bùa chú, có hiệu năng bảo vệ con người khỏi những nghịch cảnh và những bất hạnh trong cuộc sống.
Để hiểu được ý nghĩa đích thực của bí tích rửa tội, chúng ta cần phải quay trở lại dòng sông Gio-đan, nơi mà Chúa Giêsu đã đến dìm mình trong nước.
Tại đây, Gio-an Tẩy Giả đã lôi cuốn đông đảo dân chúng đến với mình, nghe giảng và cuối cùng là bày tỏ sự sám hối ăn năn, bằng việc dìm mình xuống nước
Chúa Giêsu, tuy không hề vướng mắc một chút vết nhơ tội lỗi nào, Ngài cũng đã hòa mình, xen lẫn trong đám đông dân chúng ấy, để xin Gioan làm phép rửa.
Ngài dìm mình trong nước, không phải là để thể hiện sự ăn năn, sám hối, mà là để loan báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài:
Ngài dìm mình xuống nước, là biểu hiệu cái chết.
Ngài được đưa lên khỏi nước, là loan báo sự sống lại.
Trong nghi thức Rửa Tội, chúng ta cũng lãnh nhận một chút nước đổ trên đầu chúng ta (tượng trưng cho sự dìm mình xuống nước và được đưa lên như Chúa Gêsu), để mời gọi chúng ta tham gia vào mầu nhiệm cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa.
Nhờ mầu nhiệm cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa, chúng ta được tẩy xóa tội tổ tông và tội riêng, để được sinh lại làm con cái Thiên Chúa như thuở ban đầu, và được gia nhập vào Hội Thánh Chúa.
Có thể nói, đây là một ơn tái sinh, ơn mà ta được Thiên Chúa nhận làm con, và ơn mà ta được gọi Thiên Chúa là Cha. Từ ơn huệ cha con này, ta sẽ được thông phần gia nghiệp vĩnh củu trên Thiên Đàng, sau những ngày sống ở trần gian này. Đây là ơn đổi đời, một ơn quí trọng vô chừng, không có gì có thể sánh ví bằng.
Có một số người trong chúng ta không mừng sinh nhật, vào ngày họ được sinh ra đời, nhưng lại mừng sinh nhật, vào ngày họ được chịu phép rửa tội, ngày họ được sinh làm con Chúa. Đây là điều rất hay, rất đúng, rất đáng bắt chước.
Chính Đức Giáo hoàng Pi-ô XI, đã nói trước Đại Hội gới trẻ, có hàng ngàn thanh niên tham dự, và nhân dịp này, họ đã mừng kỷ niệm ngày rửa tội của ngài. Ngài rất vui mừng phát biều:
“Ngày cha chịu phép rửa tội, là ngày cao quý nhất của đời cha.
Cũng vậy, ngày các con được chịu phép rửa tội, là ngày cao quý nhất của đời các con”.
Phải, nhờ phép rửa tội, chúng ta được trở thành Ki-tô hữu. Ki-tô hữu, có nghĩa là người có Chúa Ki-tô ở trong mình.
Hay cũng có thể nói: Người Ki-tô hữu là “một Đức Ki-tô thứ hai” (có nghĩa là một phiên bàn, một một bản sao của Chúa Kitô).
Do đó, người Ki-tô hữu có thể hãnh diện mà nói như thánh Phalô:
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Galata 2,20a)
Chính nhờ động lực của Chúa Kitô thúc dẩy, mà:
- Thánh Gioan Bosco (1815-1888), ngay từ khi còn nhỏ, đã ước mơ được giúp đỡ, chăm sóc và hướng dẫn các trẻ em lang thang nơi đầu đường xó chợ. Và cả cuộc đời ngài, ngài đã cống hiến toàn tâm, toàn lực theo lý tưởng này. Và Ngài đã rất thành công, trong việc giáo dục giới trẻ.
- Rồi, Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta (1910-1997) cũng vậy. Chính vì động lực của Chúa Kitô thúc dẩy, mà mẹ đã dành cả cuộc đời, hy sinh, tận tụy, phục vụ hết mình cho những người bần cùng, khốn khổ, tại Ấn độ.
- Và còn biết bao nhiêu vị thánh trong Giáo Hội, đã sống chết vì lý tưởng phục vụ Đức Kitô, nơi những người anh em sống bên cạnh mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu và sống đúng với bài học mà Chúa muốn dạy chúng con hôm nay, qua việc Chúa hòa với dân chúng, bước xuống dòng sông Giô-đan, để nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả, để loan báo sự chết và sự phục sinh của Chúa.
Xin cho con biết cố gắng sống hết mình với lý tưởng là con Chúa, để mỗi ngày trong cuộc sống con sẽ nên giống Chúa hơn, và để con cũng được Chúa Cha chúc phúc: Này là con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”. Amen.