Khổ hạnh trong đời tu Công Giáo Chuyện Đời Đạo - Sách 16- Bài 345
---------------------------------
Bạn thân mến,
Trước hiện tượng nổi như cồn của thầy Minh Tuệ, nhiều người Công Giáo cũng bị cuốn theo.
Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi trước một xã hội chạy theo sự xa hoa, quyền lực, ăn chơi và hưởng thụ,.. thì nổi lên một người dám sống buông bỏ, khổ hạnh, thật đáng mọi người nể phục.
Tuy nhiên, mình thấy có những bạn Công Giáo thở dài:
“Bao giờ trong đạo của mình có người như thế nhỉ”.
Bạn ơi,
nói như thế chứng tỏ là bạn chưa hiểu mấy về đạo Công Giáo của mình rồi. Bạn đừng chỉ nhìn vào hàng giáo sĩ, tu sĩ đang hoạt động ở giữa xã hội. Bởi trong đạo Công Giáo có nhiều cách tu khác nhau. Mỗi dòng, hay mỗi tu hội…, đều chọn cho mình một câu lời Chúa nào đó trong Kinh Thánh, làm linh đạo, hướng dẫn cho đời tu của mình, cho dòng tu hay tu hội của mình.
Bạn muốn tìm những vị tu hành khổ hạnh, bạn hãy tìm đến các dòng khổ tu.
Đạo của chúng ta không thiếu những vị sống nhiệm nhặt, khổ hạnh.
Có điều là họ không đi lang thang trên đường, như thời trung cổ nữa, mà họ chọn lối sống cho mình âm thầm phục vụ, hay ẩn tu trong nơi cô tịch, trong tu viện với 4 bức tường đóng kín, để chuyên lo việc ăn chay, cầu nguyện, hoặc họ đi phục vụ ở những nơi, những miền đất rất khắc khổ, cuộc sống rất khắc nghiệt, như những vùng sâu, vùng xa ở Châu Phi hẻo lánh, xa cách với nền văn minh nhân loại hôm nay, hoặc họ đang phục vụ nơi những trại cùi, nơi các bệnh viện, nơi những mái ấm dành cho bệnh nhân HIV/AIDS, nơi các mái ấm dành cho người già neo đơn, nơi các mái ấm cho các trẻ em mồ côi, khuyết tật…
Và nếu không có sự điều chỉnh của Giáo Hội, thì ngày nay vẫn sẽ có nhiều tu sĩ áp dụng lối tu khổ hạnh ghê gớm lắm:
Chẳng hạn, thời Trung Cổ: Đã từng có những vị đứng phơi mưa, phơi nắng, giữa trời, bất kể thời tiết ra sao, bất kể ngày đêm ra sao, rồi dùng roi đánh tội (đánh cho thân thề mình rướm máu nhiều nơi)… có những vị hành khổ thân xác, bằng cách đeo xích sắt, xích gai quanh mình, bất kể ngày và đêm, nằm ngủ trên đá sỏi, trộn tro vào thức ăn…
Sau này, các vị bề trên đã không để cho các cá nhân tự biên, tự diễn, như trước nữa.
Mọi việc thực hành khổ hạnh của tu sĩ, đều phải được hướng dẫn, phải được xác định theo các quy luật chung của cộng đoàn: Từ giờ giấc, cách ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, cho đến các giờ kinh và cách thức cầu nguyện chung, kể cả việc giữ chay, đều được quy định theo luật.
Do đó, việc khổ hạnh của các tu sĩ không còn duy là hành xác nữa, mà quan tâm nhiều đến việc từ bỏ ý riêng của mình, khi tuân giữ kỷ luật, khi phục vụ, cùng với việc chịu đựng những xung khắc tính tình, trong cuộc sống cộng đoàn… chứ không phải tự do muốn làm gì thì làm, muốn làm thế nào thì làm, muốn lang thang đi đâu thì đi như xưa kia…
Nhưng cũng cần xác định cho rõ ràng rằng: Đối với chúng ta, những người Công Giáo, sự khổ hạnh không phải là điều cốt yếu.
Nhưng điều cốt yếu là gì? (Mình hỏi câu này, nhiều bạn đã không trả lời được đấy).
Xin thưa đó là Đức Bác Ái, là kính mến Chúa và thương yêu phục vụ mọi người. Không có hai điều này, thì mọi thứ khác vô nghĩa hết.
*** Hãy nhẫn nha đọc lại Kinh Thánh, thí dụ Bộ Tân Ước, hay chỉ riêng trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi giáo dân Cô-rin-tô (1Cr 13, 1-3) thì chúng ta cũng sẽ hiểu được phần nào những điều Chúa muốn dạy chúng ta, theo đề tài mà chúng ta đang cùng nhau suy nghĩ. (Viết theo Văn Nghĩa)