Dẫn nhập: Tình cờ thấy bài viết này, được viết vào khoảng cuối tháng 6/1999, trước khi Đức Cha Kiệt về Lạng Sơn, được đăng trên nguyệt san Dân Chúa, và trang mạng Vietcatholic, USA. Thấy hay hay, xin được phép ghi lại nguyên văn như sau:
*****
Khi được tin người bạn cùng lớp năm xưa, LM Giuse Ngô Quang Kiệt, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi làm Giám Mục, nhưng lại phải đi giáo phận “tiền đồn” Lạng Sơn, tôi đã không biết phải vui hay buồn cho ngài!
Tôi đã mường tượng đến cảnh một viên quan nhỏ ngày xưa, một mình, một ngựa, với vài anh lính hầu, trên đường ra biên ải “trấn thủ lưu đồn.”
Dường như cũng đoán được cảm nghĩ của mọi người, vị tân GM đã nhanh chóng biên thư cho anh em để giải thích:
“Lạng Sơn là vùng dân cư pha tạp, đủ mọi chủng tộc: người Tày, người Nùng, người Thái, người Hoa, người Kinh… sống chung với nhau. Người Kinh chỉ là thiểu số (15%). Người Công Giáo càng ít hơn (0.2%)”
Và ngài dứt khoát xác định tác vụ của mình:
“Ðối với tôi, Lạng Sơn là một Ga-li-lê mới, nơi Ðức Giêsu hẹn gặp, nơi Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng của Người.
Vì thế tôi sẽ không đi Lạng Sơn như một người đến để cai trị, vì chẳng có ai để mà cai trị. Chỉ có núi rừng. Có ai cai trị núi rừng cơ chứ!
Tôi sẽ đi Lạng Sơn như một vị thừa sai.
Hãy nhìn một vị thừa sai quá giang tàu buôn, tới rao giảng cho Việt Nam:
Hành lý của ngài gọn nhẹ lắm. Bởi chẳng biết sẽ ở đâu, ăn đâu! Bởi chẳng biết đường sẽ gần hay xa, và nhất là chẳng biết phải chạy trốn (quân bắt đạo) lúc nào.
Vị thừa sai chẳng oai nghi bệ vệ, chẳng thở ra khói ra lửa, nhưng hiền hòa đến với dân, để dân chấp nhận.
Học tiếng (địa phương) để chuyện trò, thông cảm với người dân.
Học hỏi để sống theo phong tục người dân, khám phá ra những điều tốt đẹp ở nơi dân bản xứ.
Như vậy đó, (Chúa) Thánh Thần đang đợi tôi ở Lạng Sơn. Tôi phải đến tìm gặp Người. Tôi phải khám phá ra Người trong dân cư, trong phong tục, trong hoàn cảnh sinh sống của họ.” (Trích thư cho anh em lớp Khai Phá, 18/6/1999).
*****
Cách đây ít ngày, Ðức Cha Bùi Tuần, vị ân sư và Giám Mục của chúng tôi, đã đưa hai Ðức Cha “mới” (vị thứ hai là ĐC Giuse Trần Xuân Tiếu, nguyên cha sở nhà thờ chính tòa Long Xuyên và sau này đã trở thành GM Long Xuyên) ra Bắc thăm Ðức Hồng Y Tụng, và nhân tiện để ÐC Kiệt lên thăm giáo phận của ngài. Hãy nghe vị tân GM kể tiếp:
“Lạng Sơn nghèo về mọi mặt. Rừng nhiều hơn nhà. Núi nhiều hơn đường. Cây rừng đông hơn dân cư. Ðá sỏi nhiều hơn lúa gạo. Từ Hà Nội đi ra khỏi Bắc Giang đã thấy vắng vẻ. Qua ải Chi Lăng là vào vùng rừng núi mênh mông. Xa xa mới có một bóng nhà nhỏ bé, e ấp bên sườn núi đá. Ven đường ít quán xá. Chỉ có vài chợ huyện tiêu điều.
“Dân cư Lạng Sơn nghèo. Giáo phận Lạng Sơn càng nghèo hơn. Nhà thờ chính tòa đã bị bom Mỹ phá sập. Qua ba cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các nhà thờ bị tàn phá. Nhà thờ nào còn lại cũng đã xiêu vẹo, mối mọt.
“Về mặt nhân sự, Lạng Sơn là giáo phận tội nghiệp nhất. Cả giáo phận gồm hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần (của) tỉnh Hà Giang. Chỉ còn một linh mục 96 tuổi và một nữ tu 100 tuổi.
“Tôi về Lạng Sơn như hành hương về miền quê nghèo. Tôi đi hành hương trong thân phận của người nghèo: Không tài sản, không nhân sự. Tôi không có gì để nương tựa, bám víu. Chỉ ra đi với niềm tin cậy phó thác.
“Tôi học được ở nơi người Lạng Sơn niềm đơn sơ phó thác. Với niềm cậy trông phó thác (đó), ông cụ 96 tuổi và bà lão 100 tuổi vẫn còn cặp mắt tinh anh. Khuôn mặt tuy nhăn nheo nhưng vẫn ánh lên niềm vui. Thái độ đơn sơ chân thành thoát ra một niềm tin tưởng mãnh liệt. Các ngài đã sống như những người nghèo nhất: không tài sản, không phương tiện… Bí quyết của các ngài là khi mất mọi điểm tựa ở đời, thì đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa. Các ngài (đã) sống như những đứa con nhỏ tin tưởng vào Cha nhân lành. Từng hạt cơm, manh áo; từng đường đi, nước bước; từng lời ăn, tiếng nói; và cả kiếp sống mong manh phù du, đều do Cha chăm sóc gìn dữ. Cứ đơn sơ phó thác như thế, các ngài đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất.”
*****
Lớp chúng tôi là lớp đầu tiên của Tiểu Chủng Viện Têrêsa ở Long Xuyên.
Chúng tôi bắt đầu năm học, khi chủng viện còn chưa xây xong. Những giờ “công tác” là những giờ khiêng gạch, cát, xi-măng. Chính vì vậy, chúng tôi tự đặt một tên riêng cho lớp là Khai Phá.
Anh em các lớp khác (thường hay đặt theo tên các thánh) đã trêu chúng tôi là “bọn vừa ‘khai’, vừa ‘phá’.”
Mặc, chúng tôi vần giữ cái tên “cúng cơm” ấy.
Qủa thật, tinh thần Khai Phá đã tiêm nhiễm đến tận xương tủy của mỗi người, kẻ còn tiếp tục tu, cũng như người đã hoàn tục, luôn luôn mang niềm hãnh diện riêng của lớp.
Lúc lên đại chủng viện, chúng tôi còn khoảng trên 40 người, kể cả 5 thày từ Cần Thơ qua và 2 thày Tận Hiến ICM từ Ðalạt về.
Cũng lại là lớp đầu tiên của ÐCV Thánh Tôma (LX). Cùng với vận nước nổi trôi và qua bao nhiêu thăng trầm, cho đến nay lớp chúng tôi đã có 20 người được thụ phong linh mục. Mười người ở quê nhà, mười người ở hải ngoại: Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Ðức, Thụy Sĩ, Ðài Loan. Năm vị đã thành cha sở, đang chăm sóc những giáo xứ Âu, Mỹ. Một vài vị đã khá thành danh trên đường tông đồ, như cha Khảm ở Sàigon (nay đang là GM phụ tá của TGP.SG), LM nhà văn ‘Nguyễn Tầm Thường’ thuộc dòng Tên ở Mỹ, (sau lại có thêm ĐC Thống của Phan Thiết.) Ðức Giám Mục mới (ĐC Kiệt), dĩ nhiên là không thể quên được tinh thần của lớp, ngài đã viết thêm:
“Tâm tình một người Khai Phá: Từ mấy chục năm nay, giáo phận Lạng Sơn chìm trong giấc ngủ. Thành quách hoang vu. Tường xiêu, cột đổ. Ông cụ 96 tuổi và bà lão 100 tuổi chỉ sống như những chứng nhân của những tàn phai hư ảo, không còn sức ngăn chặn cỏ dại, rêu phong. Nên Lạng Sơn không khác gì một vùng rừng núi hoang vu, chưa hề in vết chân người. Vì thế, lên Lạng Sơn cần có tinh thần Khai Phá.”
“Có tinh thần Khai Phá, để dám lên đường. Có tinh thần Khai Phá, để dám đối diện với những khó khăn. Không mơ mộng, nhưng biết nhìn thẳng vào thực tế, để cố gắng tìm ra lối thoát.”
“Có tinh Thần Khai Phá, để nhìn xa, trông rộng, biết mở những con đường mới, đi về phía chân trời.”
“Có tinh thần Khai Phá, cũng là có cái nhìn tiên tri. Biết nhìn thấy những viên ngọc (còn) đang ẩn khuất trong đá sỏi. Biết nhìn thấy những cánh đồng lúa chín vàng, đằng sau những bãi cỏ lau um tùm bên sườn núi. Biết nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, đằng sau những giọt mồ hôi thánh thót. Biết nhìn thấy cả một rừng mầm non nhú lên, bên xác những thân cây gìa rũ mục.”
Và ngài đã nhắn nhủ:
“Hãy tới thăm Lạng Sơn và người bạn của anh chị em. Rừng núi biên cương sẽ hân hoan đón tiếp những người bạn Khai Phá (và tất cả).
“Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh Ai lên xứ Lạng cùng anh?”
*****
Ðức Cha Bùi Tuần, trong thư gửi toàn giáo phận của ngài đã nhắc đến Lạng Sơn, “nơi vị tân GM trẻ nhất trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, được sai đến phục vụ... Số giáo dân dưới 5,000 người. Hầu hết là những người từ đồng bằng lên đó lập nghiệp đã nhiều năm nay. Họ sống rải rác. Nhiều tập tục, nhiều khuynh hướng. Số giáo xứ là 16. Nhiều giáo xứ không còn nhà thờ, nhà xứ. Nhiều giáo xứ tuy còn nhà thờ, nhưng đã đổ nát. Có những giáo xứ chỉ còn vài chục giáo dân.” (Thư ngày 19/6/1999).
Rồi hình như ngài muốn nhắn nhủ riêng với vị GM trẻ:
“Vấn đề hôm nay phải sớm giải quyết, là tạo nên một bầu khí hiệp nhất, trên cơ sở Phúc Âm và Công Ðồng Vatican II. Rất cần một làn gió tu đức truyền giáo mới và một phong cách mới của chứng nhân Tin Mừng.”
“… Ðừng cố tìm những giải nghĩa hợp lý trong lý thuyết. Nhưng hãy bước vào thực tế lịch sử. Tại đây lúc này, với tất cả thực tại hiện có, tôi có thể làm gì, để tận hiến cho Thiên Chúa của tôi. Tại đây lúc này, tôi sẽ dấn thân thế nào, để phục vụ đồng bào của tôi, bằng một tình yêu tối đa chân thành nhất.
Rồi hãy nhảy vào dòng lịch sử một cách can đảm và hãy hoạt động, bắt đầu từ bao nhiêu điều tốt lành sẵn có ở địa phương đáng trân trọng này. Luôn luôn với tình yêu thương chan hòa dành cho con người (Mc 8:2) và niềm tin tưởng phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa tình yêu. Trong tinh thần cầu nguyện và tỉnh thức (Lc 21:36).”
Ðã vài lần được tiếp xúc riêng với Ðức Cha Bùi Tuần, nghe những ưu tư của ngài, kẻ viết bài này biết chắc những điều sau đây, ngài đã từng mong có dịp để nói với cả Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam:
“Tất nhiên, mỗi GM đều được chỉ định phục vụ một giáo phận nhất định. Nhưng mỗi GM đều là người kế vị các thánh tông đồ. Mọi GM tại chức, đều là thành viên của Hội Ðồng Giám Mục Giáo Tỉnh (Việt Nam có ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Saigon) và Toàn Quốc. Sự đóng góp của mỗi thành viên trong HÐGM giáo tỉnh và toàn quốc là rất quan trọng.”
“Trong nhiều trường hợp, các GM trẻ, các GM phụ trách các giáo phận nhỏ, khi có năng lực, sẽ có nhiều cơ hội giúp ích chung cho HÐGM giáo tỉnh và toàn quốc. Tôi không loại trừ hai người môn đệ Ðức Kitô, tân GM của chúng ta (hai ĐC Tiếu và Kiệt) ra khỏi hy vọng chính đáng ấy.” (Ngài đã đúng, vì sau này ĐC Kiệt đã trở thành TGM của giáo tỉnh Hà Nội và Tổng Thư Ký của HĐGM.VN).
“Tôi coi sự bổ nhiệm hai tân GM từ Long Xuyên này, là một dấu chỉ đáng suy nghĩ về thời đại mới. Thời đại này đòi giáo hội địa phương phải chú trọng nhiều đến việc đào tạo nhân sự lãnh đạo. Ðể bất cứ tình huống nào xảy tới, giáo hội địa phương đã có sẵn những nhân sự mới thích hợp.”
“... Hy vọng từ nay, các ranh giới cục bộ địa phương sẽ nhẹ đi, mở đường tiến tới một chân trời ích chung không ranh giới. Các ranh giới hẹp hòi vẫn còn tồn tại đó đây trong lòng dân tộc và cả trong nội bộ Hội Thánh Việt Nam. Nhiều người Công Giáo vẫn để ý đến tư lợi, hơn để ý đến lợi chung (của) Hội Thánh. Hoặc chỉ để ý đến lợi ích trước mắt của Hội Thánh, mà không để ý đến lợi ích sâu xa của Nước Trời. Chúng ta phải cố vượt qua.”
“... Nhìn vào HÐGMVN, với các thành viên cũ mới, tôi thấy rất cần kết hợp chặt chẽ với Ðức Kitô, mà cầu nguyện cho sự hiệp nhất trưởng thành, nhiệt thành và chân thành trong Hội Thánh Việt Nam, thao thức với ơn đổi mới, hướng về Nước Trời. “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17:21).
*****
Vài cảm nghĩ:
Tôi đã cảm thấy thật vui, sau khi đọc thư ÐC Kiệt. Bạn tôi đã không đi Lạng Sơn, như một ông quan đi nhậm chức, dù đó chỉ là một thị trấn nhỏ ở miền biên ải xa xôi; bạn tôi đã không đi Lạng Sơn như một người đến để cai trị, để thở ra khói ra lửa. Nhưng bạn tôi đến Lạng Sơn, chỉ như một nhà truyền giáo; đã là nhà truyền giáo, thì cần chuẩn bị những gì? Hãy nghe lời dặn bảo của Thày Chí Thánh năm xưa:
“Hãy đi và loan báo rằng ‘Nước Trời đã gần bên.’ . . . không bị đi đàng, đừng có hai áo, giầy dép, gậy gộc…” (Mat. 10:7-10).
Tôi có lý do để tin rằng: ÐC Kiệt đã viết những gì ngài nghĩ, ngài cảm; càng xác tín hơn rằng: ngài sẽ thực hiện những gì ngài đã viết.
Hơn 20 năm trước, ÐC Kiệt cũng như nhiều anh em bạn học chúng tôi đã học xong chương trình thần học, nhưng “nhà nước” đã không cho phép họ được thụ phong linh mục.
Thế rồi, họ đợi chờ, một năm, rồi hai năm, rồi 5 năm, rồi 10 năm, rồi 14 năm. . . càng chờ càng chỉ thấy biệt tăm hơi. Ðã có một vài người nản chí và bỏ cuộc, nhưng thày Kiệt và nhiều thày khác vẫn kiên nhẫn đợi chờ trong phục vụ, trong tin yêu và phó thác.
Rồi, bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời nào đó, người ta thấy Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall, phân đôi thành phố này và cả nước Đức) sụp đổ, người ta thấy Liên Bang Soviet sụp đổ, người ta thấy cả khối cộng sản quốc tế không còn nữa, và chính đất nước Việt Nam cũng đã phải chuyển mình, thay đổi, để phù hợp với một “trật tự mới của thế giới”, để hội nhập với cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu (nếu không, có lẽ cho đến nay, VN vẫn là một nước như Bắc Triều Tiên hay Cuba).
Thế là các bạn tôi, lần lượt được thụ phong! Cha Kiệt và hai “chàng” Khai Phá nữa (cha Tân và cha Thống, - lúc ấy - đang là giáo sư ở các ÐCV Cần Thơ và Sàigon, đã được bề trên gửi đi học ở Pháp (Institut Catholique de Paris) vào năm 1993 (cha Thống sau này đã trở thành GM của giáo phận Phan Thiết).
Hè năm sau, “bọn vừa Khai vừa Phá” chúng tôi đã gặp lại nhau bên trời Mỹ Quốc. Nhìn lại nhau, thì ra mái tóc chúng tôi đều đã điểm hoa râm.
Trong những giờ hàn huyên, tâm sự, có khi suốt canh dài (làm sao chúng tôi có thể lấp đầy được khoảng trống cách biệt gần 20 năm?), tôi đã thấy ở cha Kiệt một con người chín chắn, nhu mì, nhưng rất vững vàng trong lý tưởng. Qủa nhiên, bề trên đã không nhìn lầm!
Ðức Cha Bùi Tuần là vị ân sư của lớp Khai Phá, ngài còn là Giám Mục của địa phận “nhà nông” (Long Xuyên) chúng tôi. Những gì ngài dạy theo phong cách “tông truyền”, anh em chúng tôi cố gắng nhập tâm, nhưng những gì ngài viết theo quan điểm của riêng ngài, chúng tôi không buộc phải đồng ý với tất cả; vả lại, chúng tôi đều đã trưởng thành cả rồi!
Tuy nhiên, qua vài lần tiếp xúc riêng với ngài, được nghe những ưu tư của ngài, (cũng như ưu tư của một số vị ‘phẩm trật’ khác), nhất là sau khi đọc thư luân lưu Ðức Cha viết cho cả giáo phận (nhưng trên thực tế là cho “toàn quốc”) nhân dịp có thêm hai ÐGM mới, tôi đã hiểu thêm khá nhiều.
Thực sự, khi đất nước chuyển mình, theo những biến thiên của thời đại, thì hầu như tất cả đã phải chuyển biến theo.
Vấn đề là liệu con người, hay tổ chức có thay đổi kịp thời không. Ngay cả trong lớp người “trẻ” chúng tôi đã thấy có những điểm “hơi” khác nhau, sau gần hai thập niên xa cách.
Thiết tưởng, nếu có những khác biệt trong tư tưởng và hành động giữa những “anh em hai Miền” sau bao năm cách biệt, cũng không lấy gì làm lạ. Ðã có nhiều lối giải thích, từ tâm lý, đến hoàn cảnh xã hội, chính trị; nhưng tựu trung vẫn là “phản ứng tự nhiên của con người.” Nên cho nhau sự thông cảm hài hòa, đặc điểm trong dân tộc tính của nòi giống Việt.
Tuy nhiên, sau gần một phần tư thế kỷ, đã đến lúc giáo hội Công Giáo Việt Nam cần có những thay đổi nghiêm chỉnh, không chỉ là “việc đào tạo nhân sự lãnh đạo” (1), nhưng cần phải dẹp hẳn những “ranh giới cục bộ địa phương” (2), để rồi “xin cho tất cả nên một” (3).
Ðã có những dấu hiệu đáng phấn khởi cho điểm đầu tiên, nhiều ÐGM trong Nam cũng như ngoài Bắc đã và đang gửi linh mục, chủng sinh ra nước ngoài tu tập. Những vị này sẽ là các “nhân sự lãnh đạo” của giáo hội Công Giáo Việt Nam trong tương lai.
Hy vọng, trong tầm kiến thức “cập nhật hóa” với hướng đi của Giáo Hội Hoàn Vũ trước thềm Thiên Kỷ mới, họ sẽ là những nhà lãnh đạo có thể giải quyết được điểm thứ hai. (Nhưng tại sao phải chờ đến phiên họ mới giải quyết được?) Và nếu điểm thứ hai đã được giải quyết thì việc đạt tới điểm cuối cùng, thiết tưởng, không phải là điều quá xa vời.
Sự kiện “một LM trẻ của Long Xuyên, miền cực Nam, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Lạng Sơn, miền cực Bắc . . . (đã) là một biến cố lớn.” (thư ÐC Bùi Tuần).
Tuy nhiên, sự kiện ấy rất có thể đã không xảy ra, nếu trên hết không có lời “chúc lành” của Ðức Hồng Y Tụng, cũng như sự “hợp thỉnh” của cả HÐGM Giáo Tỉnh Hà Nội.
Nếu việc chọn các nhà lãnh đạo mới cho giáo hội được đặt căn bản trên đạo đức, khả năng, và lý tưởng tông đồ của các LM trẻ, không phân biệt “ranh giới địa phương” thì đó là một “hồng ân” lớn cho giáo hội nước nhà. Mong lắm thay! (Điều này đã và đang được thực hiện. Tạ ơn Chúa).
Ðức Cha Kiệt chắc chắn sẽ không “ngần ngại” đón nhận những anh em linh mục từ trong Nam, từ miền Trung, hay ngay cả từ nước ngoài muốn về giúp ngài. Biết đâu đây chẳng là khởi đầu cho một thời điểm mới, khi các mục tử Việt Nam có thể du hành đến bất cứ nơi nào cần, trên khắp dải quê hương, để phục vụ anh em. Có như thế mới minh chứng được rằng: cái “ranh giới cục bộ địa phương” từ ngoại tại, đến nội tại, đã thực sự được dẹp bỏ.
Ngoại trừ trường hợp “nhà nước” cấm cản, mọi giải thích khác đi để che dấu những ẩn ý, đều không thuộc tinh thần người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.
Ngoài ra, làm sao người ta có thể biện minh trước đòi hỏi phải thú nhận. vì đã “không thực hành những gì mình có thể làm được” cho anh em, cho giáo hội, cho Nước Trời? (Kinh Cáo Mình).
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhất định sẽ cùng sánh vai với toàn thể Giáo Hội Hoàn Vũ đi vào Thiên Niên Kỷ mới, với tinh thần Hiệp Nhất (Unity), Liên Kết (Solidarity) và Bác Ái (Charity) trong Thiên Chúa Tình Yêu.
Phaolô Nguyễn Văn Tùng, KP-64
------------------------- Ghi chú: Sau Đức Tổng Giám Mục Kiệt, Tòa Thánh đã cử một loạt các LM có khả năng, từ trong Nam, ra làm GM của các giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội. Ngược lại và gần đây nhất, cũng có một GM sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội sẽ được Đức Giáo Hoàng phong làm TGM cho Giáo Tỉnh Huế. Đó là ĐC Giuse Đặng Đức Ngân, nguyên GM chính tòa của các giáo phận Lạng Sơn và Đà Nẵng. Mới đây 2023, ĐC. Ngân được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng-giám-mục-phó Tổng Giáo Phận Huế.