Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn - Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 241

Chủ nhật - 26/11/2023 02:11
Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn - Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 241
Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn - Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 241
Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn
Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 241

----------------------------------

Bạn thân mến,

Truyền thống cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước:

Sách Macabêô, quyển thứ hai ghi lại như sau:

“Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này, vì cho rằng người chết sẽ sống lại.

Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).

*****

Giáo Hội từ những thế kỷ đầu, cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.”

Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này.

- Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

- Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Vì thế, Giáo Hội dùng cả tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11.

Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng: lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.

- Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài, thì Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ, vì công trạng và sự mong ước của họ khi còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, với các Thiên Thần, và với các Thánh.

- Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu, nhưng vẫn cố tình phạm tội, chống lại Thiên Chúa và tha nhân, để chọn điều xấu, thì Hỏa Ngục là nơi dành cho họ.

- Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa: Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết, hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

*****

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn.

Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”

Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau đây, cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

“Một buổi tối, lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện, thỉ bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi, đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

- Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói không phải của thầy Leone trả lời:

- Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

- Vậy thầy là ai?

Tiếng nói trả lời:

- Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này, mà cho đến nay, con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình.

Nhưng giờ đây, Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội, khi nhanh nhẹn hứa rằng:

“Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”.

Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”.

Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai.

Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời. Trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa, cho tới sáng mai!

Nguồn: Vietcatholic
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây