*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp, tên là Charles de Foucauld, say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc.
Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi.
Khi anh vừa chấm dứt, thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau:
"Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại...
Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một luồng điện giật, khiến anh trở thành bất động.
Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế.
"Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?".
Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình, để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm...
Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục.
Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Na-gia-reth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu. *****
Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu:
Anh có thể giam mình cầu nguyện một mình, giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?
Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh:
Ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện...
Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu, tiếp tục lý tưởng sống của anh:
Họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội...
Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ, là một cố gắng làm một cái gì đó cho Chúa.
*****
Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương, để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê.
Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình, như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu.
Có những nhà truyền giáo hùng hồn rao giảng như các tông đồ.
Nhưng cũng có những nhà truyền giáo, âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ, như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng:
Đó là mẫu người truyền giáo, mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết.
Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm.
Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia.
Anh đến Italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp, để xin cấp cho anh giấy phép, được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...
*****
Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino...
Và những gì phải xảy ra đã xảy ra...
300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa.
Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng rên la của các thương binh từ hai phía...
Giờ phút này, Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa.
Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...
Một người lính Pháp vừa lê lết, vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đã bị cắt đi khỏi thân thể.
Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng, để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.
Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ để viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến. Và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh, để chấm dứt thảm cảnh ấy.
Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới.
Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant.
Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu, để thuyết phục các nhà cầm quyền, ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...
Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đã gặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh, được chính thức chào đời ngày hôm đó.
Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng...
Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này...
Ðó là món quà lớn nhất, mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.
*****
Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau:
Có nhiều binh sĩ Áo, dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế François Joseph bị bắt làm tù binh.
Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình.
Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối, vì cho rằng người Áo là kẻ thù.
Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau:
"Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa..
Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".
Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế, hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...
*****
Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy, chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ.
Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đã qua đời trong một bệnh viện, dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ.
Gia tài của ông để lại, là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau:
"Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô, giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu. Hoặc tôi không là gì hết".
Ðiểm đặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant, chính là lòng mến.
Lòng mến, đã biến họ nhận ra mọi người đều là anh em, con cùng một Cha trên Trời...
Mỗi người Kitô chúng ta, cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ:
"Hoặc là tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân.
Hoặc tôi không là gì hết".
Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí.
Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có.
Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.
Ðến một lúc không còn chịu nổi được nữa những lời van xin của người hành khất, thì thay vì bố thí, người giàu có đó đã lấy một hòn đá, ném vào con người khốn khổ, để đuổi đi.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào trong bị, rồi thì thầm trong miệng:
"Ta quyết mang hòn đá này mãi trong mình, cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế, ta sẽ dùng nó, để ném trả lại ngươi".
Ði đâu, người hành khất cũng mang theo mình hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang một sự báo thù.
*****
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật.
Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục.
Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục.
Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá, mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm.
Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù, để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông bấy lâu nay.
Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất, rồi tự nhủ:
"Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua?
Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta thôi".
*****
Tha thứ là điều khó khăn nhất, nhưng cũng là điều cao cả nhất, mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.
Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình, là điều xem ra dễ làm, hơn là trao ban lòng tha thứ.
Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương.
Bởi vì, tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình.
Của lễ hy sinh trên thập giá của Chúa Giêsu đã nên trọn, khi Ngài thưa với Chúa Cha:
"Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng,
vì chúng lầm không biết việc chúng làm" (Luca 23,34).
Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng...
Tha thứ còn là nét cao đẹp nhất của lòng người.
Bởi vì, càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.
Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa...
Tại một nhà thờ ở bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt:
Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá,
nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa vền phía trước, trong tư thế ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau:
Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này.
Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng, cũng như răn đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng.
Nhưng rồi, tính nào tật ấy, không bao lâu sau, người đó sa ngã lại.
Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau:
"Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".
*****
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục, cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa.
Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời:
"Ông đừng có đùa giỡn với Thiên Chúa.
Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa".
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên trên thánh giá vọng xuống. Với bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá, và ban phép lành cho hối nhân.
Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau:
"Chính Ta, là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi".
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ...
*****
Kinh Thánh thuật lại rằng:
Trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môisen đã sai đúc một con rắn đồng, và treo lên một ngọn cây, để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy, thì đều được chữa lành...
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta:
Hãy nhìn lên thập giá của Ngài.
Nhìn lên thập giá của Ngài, là để thấy được án phạt của tội lỗi.
Nhìn lên thập giá, là để thấy được tình yêu bao la của Chúa.
Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa:
Một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn ta được phấn khởi, và tin yêu nhiều hơn...
Nhìn lên thập giá Chúa, để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài.
Chúng ta cũng được mời gọi: Để cảm thông, để tha thứ hơn, đối với những người anh em sống bên cạnh chúng ta.
Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn.
Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa nhiều hơn nữa ...
Trong tác phẩm có tựa đề: "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio, đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:
Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên các Ngài mới họp công nghị, để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...
Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng, các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng:
Việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá, vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh, may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.
Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất.
Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới.
Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người.
Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn.
Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại, để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi.
Các ngài tin chắc rằng: Sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất, sẽ chỉ còn lại toàn là những người công chính thôi...
*****
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá.
Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp đỡ hắn...
Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa.
Tại sao một người tội lỗi, lại bị xử theo hình phạt, chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi?
Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình.
Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng:
Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi.
Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài:
"Con Người không đến, để cứu thoát những người công chính, mà chính là để cứu thoát những người tội lỗi" (Matthêu 8,13b).
Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng:
Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội, khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
*****
Chúng ta dễ rơi vào hai thái cực trái nghịch nhau:
Thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuđa, kẻ bán nộp Chúa.
Thái độ của những người biệt phái, được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đại khi vào Ðền Thờ cầu nguyện.
Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình. Và có một cái nhìn khinh bỉ người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ.
Cái nhìn ấy cũng chính cái nhìn, mà đôi khi chúng ta cũng đã từng có đối với người khác.
Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta, và kết án những kẻ yếu hèn, thiếu sót,… của những người xung quanh...
Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái, là thái độ thất vọng của Giuđa.
Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuđa mới nhận ra lỗi lầm của mình.
Ông không còn tin tưởng vào lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông, và có thể mang lại cơ may, để giúp ông sống tốt đẹp hơn.
Cả hai thái độ đều có chung một mẫu số:
Đó là đóng khung trong chính bản thân, để khước từ mọi ân sủng của Thiên Chúa.
*****
Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa.
Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có dư sức mạnh để xóa sạch tất cả.
Tình yêu của Ngài mạnh hơn sức mạnh của cả hỏa ngục và sự chết...
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời:
Đó là luôn biết tha thứ và cảm thông, đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...
Văn sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne, giữa thủ đô Paris.
Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá, tựa vào một bức tường.
Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào.
Cũng có một vài người bái cả gối nữa.
Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình, mà khách qua lại dành cho ông.
Ông không ngờ rằng:
Ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao, một số bạn bè trong văn giới, chứng kiến được cảnh tượng này, để thấy được vinh quang, mà ông đã đạt được...
Nhà văn đang say với bã vinh hoa, thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một thái độ khác thường.
Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng, mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao.
Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng: Trên đầu ông có một tượng thánh giá...
Thì ra, những người đi dạo trong khu rừng Boulogne này, dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
*****
Sở dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa.
Họ cũng giống như văn sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây:
Người ta đến bái chào Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy.
Những người biệt phái giả hình, cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành Giêrusalem.
Giữa những tiếng reo hò của dân chúng dành cho Chúa Giêsu, thì con lừa cứ nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...
*****
Khao khát danh vọng, quyền bính, là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục vụ. Một cách nào đó, người có tham vọng, không những dùng người khác như bàn đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Thiên Chúa...
Chúa Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân. Và do đó, cũng quy mọi vinh dự về cho Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng:
Là Thiên Chúa, Ngài đã không đòi cho mình được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi, để mặc lấy thân phận con người, và vâng phục cho đến chết.
Chúa Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người:
Đó là sống cho Thiên Chúa.
Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình.
Sống cho Thiên Chúa, là luôn tìm thấy Thánh ý của Chúa, là hoạt động cho vinh quang của Chúa, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Chúa...
Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...
Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm, làm ngày của mẹ, được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ, tên là Anna M. Jarvis qua đời khoảng năm 1948.
Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905.
Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể, như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình.
Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ, để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ.
Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913.
Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị: Nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5, như một ngày để ghi ơn các bà mẹ.
Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914.
Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới...
Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng, nếu mẹ đã quá cố, và màu hồng, dành cho những ai còn mẹ.
*****
Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả, vẫn là tước hiệu Mẹ.
Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ, với tất cả tâm tình trìu mến, như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta.
Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu, con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội.
Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức Tin.
Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào, vẫn là thấy con mình được nên người.
Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta.
Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu, con Mẹ...
Chúng ta mang đến cho Mẹ Maria những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời kinh dâng lên Mẹ.
Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta.
Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: Đó là những bó hoa tốt đẹp nhất, mà chúng ta dâng lên Mẹ...
Ðể đả phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:
Tai một khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên từ các cửa hàng này, thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo.
Những người giàu đến đây, là để thưởng thức những của ngon vật lạ.
Còn những người nghèo, thì chỉ mong ăn được chút cơm thừa canh cặn, hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm ngon bốc lên từ các nhà bếp...
*****
Một hôm, có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì.
Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo:
Thay vì chầu chực để hưởng phần ăn thừa của thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp.
Anh vừa nhai bánh mì, vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp.
Anh nhai ngấu nghiến ổ bánh mì, mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên bàn thượng khách.
Nhưng không may cho anh, vì hôm đó, người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm ăn, cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy.
Thế là ông sai những người hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà. Và yêu cầu trả tiền.
Ông lý luận với người ăn xin như sau:
"Khói bốc ra từ nhà bếp của ta, không phải là khói chùa. Nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, nên yêu cầu nhà ngươi trả tiền cho ta".
Người ăn xin không chịu trả tiền.
Nội vụ đã được đem ra trước tòa án.
Quan đầu tỉnh phải nhức đầu vì vụ án này. Ông cho mời tất cả những ai đã quan tâm đến vụ án trong toàn tỉnh, đến để giúp ông giải quyết vụ án.
Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý cả:
Một bên nói rằng: Khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là sở hữu của ông chủ cửa hàng.
Những người khác thì cho rằng: Khói cũng như không khí, thì là của mọi người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng, mà không cần phải trả một đồng xu nào.
Sau khi đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau:
"Người nghèo đã hưởng khói, mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm thanh ấy".
*****
Người kể câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ muốn nói với chúng ta rằng:
Sự ích kỷ không mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.
Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất trung lập.
Nghĩa là, khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình, không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một phần trong tôi.
Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm, được thêm vào tương quan giữa người với người, cũng không phải là một thứ trang trí cho nhân cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi.
Tôi càng nên người hơn, khi tôi sống cho tha nhân.
Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao ban...
*****
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi đích thực của con người:
Đó là sống trọn vẹn cho tha nhân.
"Này là Người, này là con người với đầy đủ tính người".
Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên bố của Philatô, khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu, với tấm thân không còn hình tượng của con người nữa . Và ông đã nói: "Này là người...".
Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người, khi con người tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người khác...
Ðó là định luật của Tình Yêu, mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta:
“Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất.
Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại được” (Matthêu 10,39).
Tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg trong miền Baviere, Tây Ðức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng, được chạm trổ vào khoảng thế kỷ 14.
Trên những tượng thánh giá, thông thường đôi tay Chúa Giêsu giăng ra và bị đóng vào gỗ giá.
Riêng đôi tay của Chúa Giêsu trên tượng thánh giá tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg thì khác hẳn:
Thay vào bị giăng ra và bị đóng vào gỗ giá, hai cánh tay của Chúa lại khoanh lại trước trái tim, như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.
*****
Người dân địa phương truyền tụng rằng:
Trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Tin Lành và Công Giáo vào giữa thế kỷ 17, một người lính chống Công Giáo đã vào nhà thờ này. Nhìn thấy trên đầu Chúa có một triều thiên bằng vàng, anh sinh lòng tham, bắc thang leo lên để đánh cắp.
Khi anh vừa đưa tay tháo gỡ triều thiên, thì đôi cánh tay của Chúa Giêsu, bỗng được tháo gỡ ra một cách tự động.
Chúa Giêsu đã giăng tay ra, ôm trọn lấy anh ta vào lòng, với tất cả sự trìu mến thân thương. Người lính chết lịm trong vòng tay âu yếm của Chúa Giêsu.
Người ta tìm thấy xác của anh dưới chân thánh giá!
Kể từ ngày đó, hai cánh tay của Chúa Giêsu không còn giăng ra và bị đóng vào lỗ đinh như trước nữa, nhưng được khoanh tròn trước trái tim, trong tư thế đang ôm chầm lấy một người nào đó.
Du khách nhìn lên thập giá, đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe có tiếng thì thầm:
"Ta không hề kết án con".
*****
"Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài".
Đó là chân lý cơ bản nhất trong Kitô giáo.
Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá: Đó là ngôn ngữ, qua đó, muốn nói với chúng ta rằng:
Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Người Con Một của Ngài chết, thay cho chúng ta.
Thiên Chúa yêu thương con người:
Điều đó không có nghĩa là Ngài yêu thương con người một cách trừu tượng. Yêu thương con người, như một đám đông, hay như một con số.
Thiên Chúa yêu thương con người, bằng một tình yêu cá biệt. Nghĩa là mỗi người chúng ta đối với Ngài, như thể là một người duy nhất, hiện hữu trên trần gian này.
Mỗi người là một lịch sử, mỗi người chiếm trọn tình yêu của Chúa.
Thiên Chúa yêu thương tôi, nghĩa là Ngài chỉ muốn điều thiện cho tôi.
Ðiều thiện ấy có thể vượt khỏi mọi suy tính, đo lường của tôi.
Do đó, cho dẫu có gặp trăm nghìn đớn đau, vất vả, chúng ta cũng hãy tin rằng: Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta.
Ngài yêu thương tôi đến độ làm mọi cách để cho mọi sự đều quy về điều thiện hảo cho tôi.
Một cơn bệnh, một sự thất bại, một cái chết, một sự mất mát và ngay cả tội lỗi:
Tất cả đều là những cơ may, để Ngài ban cho tôi một ơn phúc cao cả hơn.
Hãng thông tấn AFP của Pháp, trong bản tin ngày 23/01/1991 đã ghi một mẩu chuyện lạ như sau:
Một phụ nữ Brazil, tên là Lucia, đã lợi dụng cái hôn để cắn và nuốt mất khúc lưỡi của người yêu.
Bà cho biết: Làm như thế, là để trả thù người đàn ông, vì đã đánh đập, hành hạ bà.
Cảnh sát tại thành phố Salvador de Bahia, mạn đông bắc Brazil cho biết như sau:
Lucia bị người yêu, là ông Djalm dos Santos, 47 tuổi, đã đánh đập, hành hạ thậm tệ.
Nàng kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Hôm 22/01/1991, ông Djalm đến thăm Lucia để xin lỗi.
Cô ta liền nhảy xổ vào người yêu, ôm hôn ông một cách rất tình tứ, không cho ông có thì giờ để giải thích.
Hai người đang hôn nhau, thì đột nhiên, Lucia cắn đứt một phần lưỡi của Djalim và nuốt luôn vào bụng, để người ta không thể vá lại khúc lưỡi đã bị mất.
Người đàn ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ông ta sẽ không bao giờ có thể nói lại một cách bình thường được, vì đã mất một khúc lưỡi.
Ông Djalm than thở như sau:
"Ðây là nụ hôn thê thảm nhất trong đời tôi. Ðó thật là nụ hôn của Giuda".
*****
Cái hôn có nhiều hình thức và ý nghĩa khác nhau.
- Có cái hôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị để nói lên tình hữu nghị, sự hòa giải.
- Có cái hôn bình an của các tín đồ của một tôn giáo.
- Có cái hôn dạt dào thương mến giữa cha mẹ và con cái.
- Có cái hôn nồng cháy dục tình, giữa đôi tình nhân hay vợ chồng.
Chung qui lại: Cái hôn nào cũng có hai yếu tố:
- Yếu tố hữu hình, là sự tiếp giáp giữa hai thân xác qua môi miệng.
- Yếu tố vô hình, mà cái hôn muốn diễn tả: như tình liên đới, hữu nghị, sự hòa giải, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi.
Cái hôn sẽ trở thành đồng nghĩa với sự phản bội, khi nó tước đoạt khỏi yếu tố vô hình trên đây.
Ðó là trường hợp cái hôn của người đàn bà Brazil trên đây.
Nhưng điển hình nhất của cái hôn phản bội, vẫn là cái hôn Giuđa dành cho Chúa Giêsu.
Ðiều bỉ ổi nhất trong cái hôn của Giuđa chính là dùng một cử chỉ của tình thân, như một dấu hiệu của sự bán nộp.
Cái hôn của Giuđa được lặp lại, khi người ta dùng những chiêu bài cao đẹp, để che đậy những ý đồ đen tối bỉ ổi.
Cái hôn của Giuđa được lặp lại khi người ta nhân danh tình nghĩa, nhân danh phục vụ, nhân danh người nghèo, để kiếm quyền bính và tư lợi cho mình.
*****
Ðối với người tín hữu Kitô, thì cái hôn của Giuđa chính là thái độ sống giả hình, mà Chúa Giêsu không ngừng kết án trong Phúc Âm.
Ðó là điều mà tiên tri Isaia đã cảnh cáo khi ông nói:
"Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, mà lòng trí chúng thì xa Ta".
Nếu cái hôn của Giuđa là một cử chỉ thân tình ngoài môi miệng, nhưng lòng trí thì lại chất chứa âm mưu thâm độc, thì thái độ sống giả hình của người tín hữu, cũng là một cái hôn như thế.
Khi môi miệng sốt sắng cầu kinh, nhưng cuộc sống lại đầy những hành động gian ác ích kỷ, phải chăng đó không là cái hôn của Giuđa, mà chúng ta dành cho Chúa đó sao ???
Người Ấn Ðộ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người thanh niên nọ, khao khát được nhìn thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ, chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật.
Quả thực, không bao lâu sau, Thiên Chúa đã đến với anh, dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh:
"Con có thể đi với Ta một quãng đường không?".
Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh:
"Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa...
Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước...
Anh đi mãi, để rồi cuối cùng, dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa nữa.
Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng.
Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác.
Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo.
Người đàn ông, bám vào được một gốc cây lớn, nên chỉ mình anh sống sót.
Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con, cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh hiện tại, anh mới nhớ đến Chúa, và tha thiết van xin kêu cầu Chúa cứu giúp.
Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh.
Ngài mỉm cười hỏi anh:
"Này con, con có mang nước về cho Ta không?
Con đã làm gì để Ta phải chờ đợi con từ bao lâu nay, con có nhớ không ?
*****
Một người cha nhân từ, mòn mỏi trông chờ đứa con hoang trở về.
Đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng".
Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi con.
Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giăng rộng đôi cánh tay, để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một lời hạch hỏi, không một cử chỉ bất bình...
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế.
Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta.
Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, đang chờ đợi chúng ta. Chờ đợi chúng ta để tha thứ, để ban ơn, để yêu thương, để cứu độ.
Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:
Tại một làng kia, có một người nghèo, mà ai cũng gọi là Cob.
Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani.
Người ta gọi ông bằng tên ấy, vì cái miệng sún răng, cũng như đôi chân khập khiễng của ông.
Con người có dáng vẻ xấu xí ấy, lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi.
Không vợ, không con, ông Cob lầm than, như tất cả những người nghèo khác.
Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người.
Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận, hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.
Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: Là chưa hề làm một việc thiện cho người khác.
Ông yêu người. Ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người.
Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo, để có thể thực hiện được giấc mơ ấy.
Ông thường tự nhủ:
"Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ, thì cũng khóc thầm trong lòng.
Nước mắt là cơm bữa của loài người.
Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi.
Nghĩ thế, nên ông trình bày lên Chúa ước nguyện như sau:
"Xin Chúa cho con một quà tặng, để con có thể giúp ích cho những người nghèo khổ ".
Một quà tặng cho những người nghèo khổ, nhưng ông Cob cũng vẫn không biết món quà đó phải như thế nào.
Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng:
"Ít ra mình cũng làm cho người vui".
Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng, mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: Đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.
Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết, để làm một cánh diều.
Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ, để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.
Khi cánh diều gặp gió bay cao. Cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob.
Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống.
Ðó là quà tặng, mà người khốn khổ nhất của ngôi làng, đã mang lại cho người đồng loại của mình.
*****
Một tác giả nào đó đã nói:
"Trái tim không phải là một món hàng để mua bán,
mà là một món quà để trao tặng".
Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.
Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc.
Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi.
Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó, lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim.
Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá.
Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói ghém trong món quà.
*****
Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bà góa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ.
Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây, đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều, để đem lại niềm vui cho mọi người.
Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim, mà con người có thể trao tặng cho nhau.
Và có thể là những món quà cao quý nhất, mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.
Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau:
Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn:
"Tôi chết thay cho thầy tôi".
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ.
Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng.
Hai thầy trò lên đường, mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố, do một bạo chúa cai trị.
Không bao lâu thì họ vào thành phố. Ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau:
"Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này".
Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa.
Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn:
"Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi, để sống kiếp sống lang thang như tôi".
Nói xong ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên:
"Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi".
Ông bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau:
"Họ là ai, mà sẵn sàng chết thay cho nhau?".
?????
Ông bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau:
"Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng: Bất cứ ai được giết trong thành phố này, đều được phúc trường sinh bất tử.
Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế".
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng: Ai hy sinh mạng sống mình, thì sẽ tìm lại được nó.
*****
Cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó không phải là cái chết cho mọi người.
Thập giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục, nếu thập giá đó không là biểu trưng của tình yêu, sự hy sinh.
Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài, không là một việc làm nhiệm ý và tùy hứng, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô.
Con đường của Ðức Kitô, chính là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến thân cho người khác.
Người ta thường kể một giai thoại, về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York, thủ đô Hoa Kỳ như sau:
Một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa.
Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi.
Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một ổ bánh mì.
Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là:
"Gia đình tôi đang chết đói".
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau:
"Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la".
Vừa công bố xong bản án, ông thị trưởng liền rút trong túi áo của mình ra 10 đô la, và trao cho người đàn ông khốn khổ, để nộp phạt.
Xong, quay xuống cử tọa, ông nói tiếp:
"Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông.
Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt, vì sống dửng dưng, đến độ để cho trong thành phố của chúng ta, còn có một người nghèo, phải đi ăn cắp".
Nói xong, ông đã ra lệnh cho viên biện lý cầm một hộp giấy trước mặt, đi thu gom tiền nơi những người có mặt đang tham dự buổi xét xử.
Cuối cùng, ông đã đã ra lệnh trao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền tay một vòng quanh tòa án, đã trở về tay mình, ông lão đã đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
*****
Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô (Luca 16,19-31).
Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân.
Chúa Giêsu đã không nói: Ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.
Vậy thì, đâu là tội của người phú hộ?
Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác.
Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông, để cho chúng ta thấy sự vô tâm của người giàu có...
Máu chảy, ruột mềm.
Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động nào, hoặc làm như không nhìn thấy, khống biết… thì quả thật, không gì đáng trách bằng.
Bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình ra chai đá, ra khô cứng.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác, không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác.
Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây, quả thực đã cho thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông, đối với lão ông ăn cắp bánh mì.
Hai người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ.
Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy nghị lực, có cái nhìn cương quyết, đã thốt lên như sau:
"Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu như thế này, quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ dùng con tuấn mã của tôi, rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này, để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây".
Người bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười, nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói:
"Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi rồi".
Hai người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của mình.
*****
Sau một năm, họ lại gặp nhau...
Người thứ nhất kể chuyện:
"Trong một năm qua, hầu như nơi nào tôi cũng đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối.
Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền...
Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch...
Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?".
Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời:
"Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời".
Nghe thế, người kia thắc mắc:
"Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?".
Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời:
"Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn.
- Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ.
- Tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên...
Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc.
Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi.
Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên, mà anh không thể nghe được".
Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có.
Họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều, mà người khác không cảm nhận được.
*****
Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin có thể nhìn thấy các giá trị, mà người khác không nhìn thấy.
Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người.
Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày.
Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối.
Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
Người Ấn Ðộ thường kể cho nhau nghe câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau:
Một hôm, Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người. Nghĩa là làm ra một tạo vật đẹp nhất giữa các tạo vật.
Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên thần đã tỏ ra không mấy hồ hởi phấn khở.
Một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy.
Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh ?
Làm sao có được một hữu thể, vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu?
Làm sao chấp nhận được giữa vật chất và tinh thần?
Các Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng:
Thiên Chúa có thể tạo dựng được một tạo vật như thế.
Các vị e ngại rằng:
Ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy ban.
Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ trình lên Chúa gồm những điểm như sau:
- Tinh thần, không thể kết hợp với vật chất.
- Bản tính thiên thần, không thể kết hợp với bản tính thú vật.
- Cái có cùng, không thể hòa hợp với cái không cùng.
- Cái chóng qua đi không thể đi đôi với điều vĩnh hằng,.
Do đó, yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.
Sau khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau:
"Tất cả những góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn đề triết học".
Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi:
"Vậy thì vấn đề đó là gì?".
Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp:
"Con người, là vấn đề của Niềm Tin".
Ngài thinh lặng, rồi phán quyết:
"Con người là vấn đề của Niềm Tin".
*****
Trong một xã hội được xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội, mà nền tảng đã bị đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù, con người dễ mất đi niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con người cũng không còn tin ở chính mình.
Một cuộc sống như thế, chẳng khác nào một cuộc tự hủy, một cuộc tự sát tập thể.
Thiên Chúa yêu thương mọi người.
Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người.
Ngài cũng mời gọi chúng ta tin tưởng nơi con người...
Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong đố kỵ, chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với người...
Ðến với người bằng sự thông cảm, tha thứ, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo, phản bội.
Ðến với người bằng những san sẻ, sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn là những bội bạc, vong ân.
Ðến với người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn là những đắng cay, sầu muộn.
Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị mục sư Hungari và xin được được nói chuyện riêng với ông.
Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách đã được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng:
"Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những kẻ giàu dễ dàng kiềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt.
Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: Ông không hề bao giờ tin rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa".
Vị mục sư cười và trả lời rằng:
- "Này. ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là một sự thật".
- "Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng giễu cợt tôi", vị sĩ quan hét lên.
Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa thẳng vào vị mục sư và hăm dọa:
"Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng".
Vị mục sư điềm tĩnh trả lời:
"Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Ðức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa".
Viên sĩ quan ném khẩu súng xuống sàn và chạy đến ôm vị mục sư.
Anh ta vừa khóc vừa nói:
"Ðúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy. Nhưng tôi không thể tin rằng: Có những người dám chết vì Ðức tin, cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này.
Tôi xin cám ơn Ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho Ðức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Ðiều này có thể làm được".
*****
"Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: Chết vì niềm tin, là hồng ân được trao ban cho thiểu số. Nhưng trong niềm tin, là ơn gọi của mọi tín hữu".
Công đồng Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho Hội Thánh và mỗi tín hữu một mùa xuân mới, đã nêu bật và tạo cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để biểu lộ niềm tin qua hành động:
Sống đạo và Hành đạo.
Nhờ quan niệm này, Ðạo đã không bị giới hạn trong nhà thờ và trong những giờ kinh. Nhưng Ðạo và Niềm tin đã được đem ra Sống và Thực hành, trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh sống.
Nhưng câu vấn nạn thường gây ra nhiều thắc mắc vẫn là:
Sống niềm tin và thực hành trong niềm tin nào?
Quan trọng nhất: Có lẽ là tin vào Thiên Chúa tình yêu.
Ðối với mỗi người trong chúng ta, Thiên Chúa tình yêu này có một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin yêu và đạt được tình yêu hoàn hảo.
Rồi bước thứ hai, là thực hành tình yêu với câu hỏi đơn sơ:
Nếu Chúa là tôi, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí và hành động như thế nào?
Hôm ấy, trời vừa rạng đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ:
"Xem chừng anh mơ ước giàu lắm. Vậy từ giờ này, cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh hết".
Sướng quá! Cha chết sống lại cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy.
Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng ta đã làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt.
Chàng vừa dừng chân, thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng.
Không kịp thở, chàng lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại một hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều.
Lại một vòng nữa...
Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi. Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú, với "Ruộng vườn mặc sức chim bay, biển hồ lai láng, mặc sức các bầy cá tung tăng".
Nhưng vừa bước chân qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh.
Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc...
Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn, sau một ngày dài lao lực quá sức.
Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
*****
Ðiểm qua những câu chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?...
Chắc có người tự hỏi:
Sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này, làm gì có nhiều của mà tham với lam.
Như những anh ăn mày, cũng gắn bó với manh chiếu rách, với chiếc áo tơi, đến độ có thể "ăn thua đủ" với những ai đánh cắp.
Lòng tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi tính tham.
*****
Vì thế, đức tính đầu tiên chúng ta cần phải tập, là tinh thần từ bỏ:
Dùng của cải, như những phương tiện, chứ không phải như mục đích.
Bước thứ hai, là tập cho có quan niệm:
Chúng ta chỉ là những người quản lý, chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất.
Và có như thế, chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba:
Sẵn sàng chia sẻ với những người cần thiết hơn.
Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ.
Hạt muối cắn hai, mới thật sự sưởi ấm lòng người và có công đức trước mặt Thiên Chúa.
Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.
Trong bữa tiệc, ông đem khoe một cái bật lửa rất đẹp, mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông.
Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ, để được trầm trồ khen ngợi.
Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà.
Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa.
Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không ?
Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi, mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa.
Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách, nên lật túi áo của mình ra, may ra mới có thể tìm thấy nó chăng.
Lần lượt, tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra.
Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này.
Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc: Đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới.
Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khoát không mở túi áo ra cho mọi người xem.
Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông.
Cảm thấy xấu hổ, vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình.
Ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.
Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn.
Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: "Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?".
Anh ta mới giải thích như sau:
"Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở, tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp, mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng: Hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi, tất cả những đồ ăn thừa trên bàn, để mang về cho vợ con tôi".
Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người, đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.
*****
Câu chuyện thương tâm trên đây, có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta, dưới nhiều cấp độ và hình thức khác nhau.
Nhưng chung quy lại, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường giống nhau:
Đó là chúng ta dễ nhìn và đoán xét người theo vẻ bề ngoài.
Lại nữa, một xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên, cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè, nghi kỵ đối với những người thân thuộc.
*****
Là tín hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu.
Ngài không nhìn người bằng nhãn hiệu có sẵn.
Ngài không đến với con người bằng những định kiến.
Bên kia bộ quần áo sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa.
Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn gái điếm, những kẻ tội lỗi, những người con bị xã hội đẩy ra bên lề.
Ngài muốn cho mọi người thấy rằng: Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người:
Đó là cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương.
Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất, bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.
Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em.
Với bàn tay khát máu: Hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.
Nhưng cuối cùng, hắn cũng đã bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ, cũng không làm cho hắn mảy may động tâm.
Trái lại, hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh, là hắn ta sẽ đọc. Và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người, mà họ đã thất vọng, bó tay, trở nên hoàn toàn bất lực.
Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật.
Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân Ước.
Hình như có một sự thu hút mãnh liệt, khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện, diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá:
"Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng,
vì chúng không biết việc chúng làm" (Luca 23,34).
đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn.
Sau đó, anh thuật lại:
"Ðọc đến câu này, tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu, bằng một con dao dài.
Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu.
Hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài?
Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết, là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi, đã tan biến và tôi đã tin".
*****
Ông Chergwin, tác giả đã viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo" đã kết thúc câu chuyện, bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam, có phận sự đến dẫn Ishi-I đi hành quyết.
Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo, như họ chờ đợi, nhưng mà là một con người hòa nhã, lễ độ.
Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.
*****
Lời Chúa có sức mạnh vạn năng.
Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác.
Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.
Một cuốn phim mang tựa đề: "Thế giới trong tăm tối" kể lại câu chuyện một nhà khảo cổ danh tiếng, tổ chức cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem.
Ngọn đồi Calvariô được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và hang động của một nghĩa trang bên cạnh, cũng được thăm dò, khám phá kỹ lưỡng. Vì theo Phúc Âm thánh Gioan, xác của Chúa Giêsu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị xử án tử hình thập tự.
Sau bao công khó đào xới, kháo sát, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố:
"Tôi đã tìm được xác ông Giêsu" và ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, với nhiều phóng viên và nhiếp ảnh viên, để trình bày thành quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào xới, khảo cứu vất vả.
Ông đã trưng dẫn trước mắt mọi người một xác đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra tay chân của xác này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu, có cả những dấu chứng tỏ thân xác này bị nhuộm máu qua những tấm khăn quấn liệm xác.
Cuốn phim quay cảnh mọi người im lặng theo dõi lời thuyết trình của nhà khảo cổ.
Tình cờ, có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng:
"Ðây là một sự thật hiển nhiên: Ông ta đã bị đóng đinh, chết và được táng xác ".
Và nhà khảo cổ tiếp lời:
"Vâng, đúng thế, chết và được an táng, nhưng... làm gì có chuyện phục sinh.
Xác ông ta vẫn còn nằm đây".
Tiếp đến cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu của nhà khảo cổ này:
Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa, một vị linh mục tắt ngọn đèn chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nguyện đường. Chuông các nhà thờ im tiếng. Các nữ tu cởi khăn trùm đầu. Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống. Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt. Bóng tối chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc, bằng cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận:
"Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm xác giả của ông Giêsu. Và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước, khi tôi khởi sự đào bới tìm xác Ngài".
*****
Sau lời tuyên bố đó, là cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở Giêrusalem, như chúng ta chứng kiến hằng năm trong tuần thánh.
Những ngọn nến được thắp lên và những tín hữu đã mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng, đi khắp nơi, để soi sáng những con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin: Chúa Giêsu đã Phục Sinh. Tình yêu mạnh hơn hận thù. Sự sống mạnh hơn cái chết.
Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu, không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài.
Nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn thể nhân loại, cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống, đến lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta hãy chung lời cầu nguyện cho nhau và với nhau, để mỗi người trong chúng ta được cùng chết, cùng an táng với Chúa Giêsu, cho con người cũ ích kỷ và tội lỗi của chúng ta.
Có chết thật sự, chúng ta mới có thể cùng sống lại với Chúa Giêsu trong một con người hoàn toàn mới, con người Phục Sinh.
Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện cho mọi người, mà ông mới đự định viết. Nhưng cuối cùng đã không thành.
Ðây là một chuyện giả tưởng, sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất.
Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ, vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật.
Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng.
Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng.
Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
- Anh có biết ai đấy không?
- Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.
- Ðức Giáo Hoàng đấy!
Người quản gia quả quyết, để anh thư ký tròn xoe đôi mắt, hỏi vặn lại:
- Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là ai vậy?
- Ðạo Công Giáo lúc ấy, đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn mỗi Ðức Giáo Hoàng, là người duy nhất được sống sót.
Mạng của Ngài còn được dung tha, vì hai lý do:
- Thứ nhất, để chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người, là Giáo Hội đã chết.
- Thứ hai, để theo dõi xem, có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài nữa không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài, là người độc nhất còn mang đức tin Công Giáo, thì nhà độc tài sẽ cho độ Ngài đến và tự tay lảy cò súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng.
Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lại lóe ra trong đầu óc của nhà độc tài:
Có thể, điều ông ta tin lại có thật, thì sao?
*****
Xuyên qua đời sống đức tin của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ, họ sẽ tự hỏi:
Tại sao họ lại sống như thế?
Tại sao họ lại không chạy theo trào lưu, sống như những kẻ khác.
Thời bây giờ, ai mà lại không mánh mung, thủ đoạn, lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v...?
Lý tưởng nào, hay có ai đó đã ghi những hình ảnh nào, những dấu ấn nào trên họ, để họ xác tín, để họ sống thường, để họ sống khác đời đến như thế ?
Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta?
*****
Như thế, đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của các tín hữu. Thầm lặng, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu.
Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài, mang tựa đề
"Truyền giáo trong xã hội tân tiến".
Chúa Giêsu đã khẳng định:
- "Các con là muối đất". - "Các con là ánh sáng thế gian" (Matthêu 5,14).
Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín, là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.
Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn, như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ.
Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi, xem đó như là một giấc mơ: Nếu ngày nào đó, họ được đặt chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này.
Nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy thôi. Và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây:
- Bia thứ nhất đề:
"Họ thấy được đỉnh núi lần cuối cùng, trong lúc gắng sức leo lên".
- Bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên, chỉ viết vỏn vẹn một câu:
"Ông ta đã chết trong lúc đang leo".
*****
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng, thì để sống đạo và hành đạo cũng thế.
Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước.
Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là:
"Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua,
nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ hai, là trên con đường nên thánh, không bao giờ chúng ta lại đi một mình.
Hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân, và hãy cùng nhau tiến bước.
Và nhất là, hãy đi theo những vết chân của Chúa Giêsu đã để lại.
Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng khiếp" như sau:
Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói:
Chị biết mai là ngày gì không?
Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp:
"Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự hỏi:
"Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng?
Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và đã khô cằn.
Còn niềm hy vọng?...".
Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề:
"Ðức Kitô đã sống lại thật".
Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ.
Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây.
Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi.
Rồi cửa phòng được mở tung.
Hai nhân viên giận dữ hỏi: Ai đã xướng câu mê tín dị đoan ? Và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ.
Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín.
Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào:
"Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam.
Những cái khác không quan trọng gì cho lắm".
Nói xong cô cố gắng mỉm cười. Và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
*****
Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên, thật hiếm hoi.
Nhưng mẫu gương can đảm của cô, đã nhắc nhở chúng ta phải cố gắng thực thi lời nguyện, mà chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau lời truyền phép trong thánh lễ:
"Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết
và tuyên xưng việc Chúa sống lại,
cho đến khi Chúa lại đến".
Tuyên xưng việc Chúa sống, lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn.
Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm hết tại đó.
Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh, phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh, nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng, và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau:
"Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy, để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau:
"Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ, dạy con phải tiếp tục sống".
*****
Hôm đó, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa (31/5).
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ mang thai trong lúc tuổi già, là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ:
Đó là sứ mệnh của một người Mẹ, luôn có mặt để phù trợ con người.
Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ysave.
Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm, nhưng vô cùng gần gũi.
Ngày nay, lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
*****
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ysave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết, sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ, có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc sống lữ hành ở trần gian này.
Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với Đức Mẹ.
Một vài Kinh Kính Mừng, mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ.
Ðó không là những phút giây vô ích.
Mà trái lại, sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ, sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (14 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3 ----------------------------------------------