Suy tư của Đức Cha GB Bùi-Tuần Bài 2051-2081
Bùi-Tuần 2051: NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT NÓI VỚI TÔI 1
Bùi-Tuần 2052: TĨNH TÂM VỚI ĐỨC MẸ
Bùi-Tuần 2053: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI NHÌN THỜI SỰ BẰNG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Bùi-Tuần 2054: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỐNG ƠN PHÓ THÁC
Bùi-Tuần 2055: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỬA SAI CHÍNH MÌNH
Bùi-Tuần 2056: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỐNG KỈ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
Bùi-Tuần 2057: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI NHÌN ĐỨC MẸ LÀ MẸ YÊU DẤU CỦA TÔI
Bùi-Tuần 2058: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI ĐÓN NHẬN BÌNH AN CỦA CHÚA
Bùi-Tuần 2059: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI THẤY TRƯỚC
Bùi-Tuần 2060: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Bùi-Tuần 2061: MỘT THOÁNG NHÌN VỀ THÁNH GIUSE TRONG ĐỜI TÔI
Bùi-Tuần 2062: ĐỨC MẸ KHUYÊN TÔI HÃY ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH BẰNG NHỮNG VIỆC THIỆN TÂM
Bùi-Tuần 2063: MỪNG TẾT VỚI TÂM TÌNH VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚA
Bùi-Tuần 2064: NĂM MỚI, CON NGƯỜI MỚI
Bùi-Tuần 2065: TIN MỪNG TRONG TÔI
Bùi-Tuần 2066: TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN ĐẦU NĂM MỚI
Bùi-Tuần 2067: CHÚA LÀM TẠI ĐÂY NHỮNG SỰ LẠ LÙNG
Bùi-Tuần 2068: HY VỌNG LÓE SÁNG GIỮA THỜI SỰ ĐẦY CHUYỂN BIẾN PHỨC TẠP
Bùi-Tuần 2069: LÃNH NHẬN PHÉP LÀNH CỦA CHÚA DỊP ĐẦU NĂM
Bùi-Tuần 2070: CHÚA BỒI DƯỠNG TÔI GIỮA THỜI KỲ ĐẠI DỊCH
Bùi-Tuần 2071: BAO DUNG TRONG SÁM HỐI
Bùi-Tuần 2072: YÊU THƯƠNG VÀ HY SINH
Bùi-Tuần 2073: ĐƠN SƠ THA THIẾT VỚI ĐỨC MẸ
Bùi-Tuần 2074: CHÚA GIÊSU NHÌN TÔI
Bùi-Tuần 2075: THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG THỬ THÁCH
Bùi-Tuần 2076: GẶP GỠ CHÚA PHỤC SINH
Bùi-Tuần 2077: NIỀM VUI ĐƯỢC CHÚA GIÊSU CHIA SẺ CHO TÔI
Bùi-Tuần 2078: ĐÓN NHẬN THA THỨ, VÀ CHO ĐI THA THỨ
Bùi-Tuần 2079: HẠNH PHÚC CỦA TÔI LÀ ĐƯỢC GẶP CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Bùi-Tuần 2080:ĐỨC MẸ ĐANG GIÚP TÔI CẢM NHẬN VINH QUANG CỦA TÔI LÀ THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ
Bùi-Tuần 2081: ĐỔI MỚI CỦA TÔI LÀ ĐƯỢC TRỞ THÀNH CON NGƯỜI SÁM HỐI
Bùi-Tuần 2082: HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
.. 4
+ GB. Bùi Tuần
Càng về cuối đời, tôi càng nghe được rõ những người đã chết nói với tôi. Trong số những người đó Bùi-Tuần 2051
1.
Càng về cuối đời, tôi càng nghe được rõ những người đã chết nói với tôi. Trong số những người đó có Đức Mẹ Maria.
Đức Mẹ và nhiều người đã chết từ xa xưa đến bây giờ, thường nói với tôi một cách nhỏ nhẹ, lúc thì trong ý thức của tôi, lúc thì trong tiềm thức của tôi, và có lúc trong cõi vô thức của tôi.
Tôi nghe được tiếng các Ngài, khi tôi thinh lặng, hồi tâm, cầu nguyện.
3.
Nội dung những gì các Ngài nói cho tôi có thể tóm tắt thế này:
Hãy cảm tạ Chúa,
Hãy đền tạ Chúa.
Khiêm tốn cảm tạ Chúa, vì được Chúa thương nhận làm nghĩa tử, được Chúa nhận làm con Chúa, đó là một ơn trọng đại, vô cùng cao quý, hạnh phúc không gì bằng.
4.
Thế nhưng, bao lần tôi đã không khiêm tốn cảm tạ Chúa như vậy, nên các Ngài khuyên tôi:
Hãy đền tạ Chúa.
Khiêm tốn đền tạ Chúa bằng cuộc sống hằng ngày. Mỗi giây phút hãy yêu mến Chúa. Mỗi giây phút hãy dâng những khổ đau cho Chúa. Mỗi giây phút hãy thuộc về Chúa. Mỗi giây phút hãy lo cứu những người khổ đau. Mỗi giây phút hãy là của lễ dâng tiến Chúa, của lễ sám hối, của lễ đền tội, của lễ vâng phục Thánh Ý Chúa.
5.
Khi đề cập đến việc đền tạ Chúa, Đức Mẹ và nhiều người đã chết, thường nhắc cho tôi nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu sấp mặt xuống đất cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, trước giờ tự nộp mình cho cuộc thương khó.
Sấp mặt xuống đất cầu nguyện, đó là việc Chúa Giêsu đã làm, Đức Mẹ đã làm, nhiều người đã làm.
Sấp mặt xuống đất cầu nguyện, đó là khiêm nhường đền tội. Đức Mẹ khuyên tôi hãy đền tạ với tâm tình khiêm tốn, cho dù thực tế không luôn cho phép sấp mình sấp mặt xuống đất cầu nguyện.
6.
Đền tạ thì phải rất khiêm nhường. Người ta không nhìn thấy tôi có khiêm nhường hay không có. Còn Chúa thì Chúa thấy rõ.
7.
Chuyện thánh Gioan, cha sở xứ Ars, có thuật lại rằng: Một người đến với Cha, tâm sự trong nước mắt, vì ông có một người thân mới nhảy xuống sông tự tử. Thánh Gioan, cha sở xứ Ars, vừa nghe xong liền nói: Từ cầu nhảy xuống sông chỉ khoảng thời gian rất vắn, người đó đã chết. Nhưng chính trong quãng thời gian vắn vỏi đó, anh đã được ơn trở lại với Chúa. Anh ấy đã đón nhận được ơn tha thứ của Chúa. Chỉ lòng thương xót Chúa mới thấy được chút khiêm nhường của người đó, để mà cứu anh ta.
8.
Với mẫu chuyện trên đây, Đức Mẹ khuyên tôi hãy luôn coi khiêm nhường là điều kiện rất cần để đón nhận ơn cứu độ.
9.
Sống khiêm nhường, chết khiêm nhường. Đức Mẹ xưa là thế. Đức Mẹ khuyên tôi hãy theo gương Mẹ.
10.
Ngoài ra, Đức Mẹ còn khuyên tôi: Trong tâm tình cảm tạ Chúa và đền tạ Chúa, hãy tha thiết xin Chúa ban cho ơn được ở bên hữu Chúa trong ngày phán xét chung.
11.
Theo Phúc Âm Thánh Mátthêu (Mt 25, 31). Sẽ có ngày phán xét chung. Kẻ lành được đứng bên hữu Chúa, còn kẻ dữ phải đứng bên tả Chúa. Kẻ lành là những ai đã cứu giúp những kẻ cùng khổ. Kẻ dữ là những ai đã từ chối cứu giúp những kẻ khổ đau.
12.
Chúa thấy rõ cuộc sống từng người. Cuộc sống từng người dù dài dù vắn, sau cùng sẽ được xét xử công minh. Làm lành thì được thưởng, làm dữ thì bị phạt.
13.
Được thưởng đời đời. Bị phạt cũng đời đời. Đó là điều Đức Mẹ và những người đã chết nói với tôi.
14.
Điều sau cùng Đức Mẹ và những người đã chết đang nói với tôi là: Hãy sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào.
Tôi sẽ chết vào lúc nào, ở đâu, cách nào, thì chỉ Chúa biết mà thôi. Vì thế, tôi vâng lời Đức Mẹ mà luôn phó thác mình tôi cho Chúa.
15.
Phó thác của tôi là
a) Luôn nhìn mình như vực sâu tội lỗi, yếu đuối, rất dễ sa ngã, rất dễ bất trung.
b) Nhưng Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã thương cứu tôi. Tôi đã được gặp Chúa Giêsu. Tôi đã được gặp Đức Mẹ. Tôi đã được gặp nhiều người tốt.
c) Tôi tin: Nhiều người đã chết vẫn còn thương tôi, nói cho đúng, họ nay lại thương tôi hơn trước.
d) Tôi cũng tin: Hội Thánh của tôi là một cộng đoàn tình thương bao la, vẫn luôn nâng đỡ tôi.
Do vậy, phó thác của tôi có hương thơm của Nước Trời. Các người đã chết đang gửi về tôi hương thơm êm dịu đó. Xin cảm ơn Đức Mẹ về hết thảy. Mẹ hẹn sẽ gặp tôi trên Nước Trời.
Long Xuyên, ngày 02.11.2020
+ GB. Bùi Tuần
Càng về cuối đời, tôi càng cảm nhận rõ điều này: Tĩnh tâm là một nhu cầu và là một niềm vui Bùi-Tuần 2052
1.
Càng về cuối đời, tôi càng cảm nhận rõ điều này: Tĩnh tâm là một nhu cầu và là một niềm vui.
Tôi cảm nhận sâu sắc tĩnh tâm là một niềm vui, vì lý do đặc biệt này, đó là được tĩnh tâm với Đức Mẹ Maria.
Đức Mẹ cho tôi thấy cuộc đời của tôi là một chuyến đi đầy gian nan trắc trở. Gian nan trắc trở nhất là tôi bị các thế lực vô hình và hữu hình lôi kéo tôi vào vòng nô lệ tội lỗi. Nộ lệ các thói xấu trong bản thân tôi. Nộ lệ các thói xấu trong Đạo ngoài Đời. Bị các thói xấu bắt làm nô lệ chúng, mà cứ tưởng mình tự do, thế mới thê thảm. Nhận ra sự thực thê thảm đó là bước đầu của đạo đức.
3.
Bước thứ hai là nhận ra Đấng có thể cứu tôi khỏi sự thực thê thảm đó. Chính là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu vốn đi tìm tôi, để cứu tôi. Nhưng rất nhiều khi tôi đã không đón nhận Ngài. Đức Mẹ cho tôi thấy như vậy.
4.
Các thế lực thù địch chống Chúa Giêsu luôn dùng mọi cách để trói buộc tôi vào vòng nô lệ của chúng.
Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ tự dối mình là có tự do nội tâm.
Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ ngụy biện để lừa người khác, cho mình là đạo đức.
Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cả đám cho mình trước Chúa là tiến dâng lên Chúa xác hồn trắng tinh như ánh trăng vẹn tuyền.
Làm nô lệ cho tội lỗi, mà cứ tự hào về cảnh nô lệ đó, thì hậu quả sẽ khủng khiếp.
5.
Đức Mẹ cho tôi thấy: không cần tôi chết rồi mới phải trói buộc mình vào hậu quả khủng khiếp đó, mà ngay ở đời này, cũng sẽ phải nếm sự khủng khiếp đó dưới nhiều hình thức.
6.
Đức Mẹ cho tôi thấy cuộc đời của tôi là một cuộc chiến đấu cam go giữa đạo đức và tội lỗi. Để chiến thắng, tôi cần một điều, đó là gặp được Chúa Giêsu.
7.
Phát triển các công trình về Chúa, như tổ chức ban bệ, xây dựng cơ sở, qui tụ đám đông, lễ nghi trang trọng, mà không gặp được chính Chúa Giêsu, thì vẫn thiếu quá nhiều, đúng hơn là thiếu tất cả.
8.
Gặp được chính Chúa Giêsu, nữ tu Têrêsa thành Lisieux, cho dù ít tuổi, chỉ ở một chỗ, chỉ làm ít việc, thế mà đã ảnh hưởng rất lớn trên khắp hoàn cầu.
9.
Gặp được chính Chúa Giêsu, Đức Bênêđictô XVI, cho dù về hưu, cho dù đau bệnh, chỉ ở một chỗ, chỉ làm ít việc, thế mà đang ảnh hưởng rất lớn trên khắp hoàn cầu.
10.
Gặp được chính Chúa Giêsu, như Đức Mẹ.
Khi Đức Mẹ dẫn tôi tới Chúa Giêsu, tôi thấy Chúa Giêsu đã cứu tôi bằng nhiều cách. Cách nhẹ nhàng nhất và cũng thân thương nhất, là Chúa cho tôi nhận thức tôi là kẻ tội lỗi, là kẻ yếu đuối, là vực sâu đầy dơ bẩn. Thế mà tôi được Chúa yêu thương. Chúa đến không phải để phạt tôi, mà để cứu tôi. Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót.
11.
Khi được Đức Mẹ giúp tôi tĩnh tâm, tôi thấy cảnh Chúa Giêsu xưa nhìn thành Giêrusalem mà khóc, vì Ngài biết trước thành sẽ bị phá. “Sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Chúa viếng thăm.” (Lc 19, 43- 44)
12.
Cảnh Chúa khóc xưa có thể nay lại tái diễn ở một Hội Thánh địa phương nào đó, biết đâu ở chính địa phương mà tôi đang ở. Vì thế, mà tôi lo.
Tôi lo để sám hối, đê cầu nguyện và tỉnh thức.
13.
Lúc này hơn bao giờ hết, Đức Mẹ khuyên tôi hãy cầu nguyện và tỉnh thức bởi vì sẽ có những bất ngờ khủng khiếp xảy ra. Lời Chúa phán xưa vẫn còn đó: “Anh em hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện, để có sức thoát khỏi những gì sẽ xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36)
14.
“Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh, đoàn con chung tiếng hát chung tấm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư, là Mẹ con
Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn, cả dĩ vãng cả hiên tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới, trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con.
Yêu thanh bình yêu vâng lời, yêu khiết trinh, và yêu sống trên con đường Chúa đi xưa, Xứng con Mẹ con vui bước tới Thiên Chúa, hy sinh nhiều vì bác ái quên lợi danh.
Con nguyện cầu, con trung thành, con quyết tâm, Mẹ nhận lấy cả tâm hồn kính dâng lên. Sống bên Mẹ muôn ơn thánh giúp con tiến. Xin che chở giờ sau sau hết qua trần gian.” ( Dâng Mẹ).
Long Xuyên, ngày 06.11.2020
Bùi-Tuần 2053: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI NHÌN THỜI SỰ BẰNG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
+ GB. Bùi Tuần
Càng về cuối đời, tôi càng khao khát sự bình an, mà Chúa hứa. Tôi dâng sự khao khát đó cho Bùi-Tuần 2053
1.
Càng về cuối đời, tôi càng khao khát sự bình an, mà Chúa hứa. Tôi dâng sự khao khát đó cho Đức Mẹ.
Đức Mẹ dạy tôi: Muốn được sự bình an của Chúa, thì hãy nhìn những người khác bằng Trái tim Chúa Giêsu giàu lòng thương xót.
Để dễ hiểu, Đức Mẹ khuyên tôi hãy nhìn vào chính bản thân tôi, xem Trái tim Chúa Giêsu thương xót tôi thế nào.
Tôi nhìn vào bản thân tôi, thì thấy Chúa Giêsu thương tôi là để cứu tôi. Thương là giải cứu, thương là cứu độ.
3.
Chúa cứu bằng yêu thương và khiêm nhường của Chúa.
Chúa cứu bằng tấm lòng nhân hậu băng bó những vết thương riêng tư sâu thẳm của tôi.
4.
Khi tôi thấy Chúa cúi mình xuống lau rửa những vết thương riêng tư của tôi, tôi rất cảm động. Tôi thấy sự bình an Chúa ban tặng cho tôi được gửi gắm trong những việc yêu thương và khiêm nhường của Chúa.
5.
Yêu thương và khiêm nhường của Chúa dành cho tôi không là một lý thuyết, nhưng là một thực tại, mà tôi như chạm vào được, mà tôi như nếm được hương vị ngọt ngào.
6.
Yêu thương và khiêm nhường của Chúa dành cho tôi chủ yếu là cứu tôi, không ồn ào mà rất lặng lẽ.
7.
Có những ngày dài, một mình chống chọi với đủ mọi thứ đau, thì Chúa âm thầm ở bên tôi, để an ủi tôi, để cho tôi thấy, cho dù mọi người xem như xa tránh tôi, thì Chúa vẫn một mực là Đấng cứu độ tôi, là Tin Mừng của tôi.
8.
Có những đêm dài, mệt mỏi trước những sợ hãi, mà Satan cố tình gây nên để khống chế tôi, thì Chúa vẫn lặng lẽ ở bên tôi, để ban cho tôi niềm tin: Chúa chính là sự sống và là sự sống lại của tôi.
9.
Thế rồi Mẹ dạy tôi: “Những gì Chúa đã ban cho con, thì con hãy làm cho người khác”. Tức là tôi hãy nhìn họ bằng đôi mắt của Trái tim Chúa giàu lòng thương xót.
10.
Điều Đức Mẹ khuyên tôi là rất hợp lý, là một chân lý cứu độ, nhưng lại rất khó thực hiện. Cái khó không phải ở phía người ta, mà ở phía tôi. Tôi vẫn mang trong mình đủ mọi tính hư nết xấu. Đặc biệt là trái tim của tôi có thể đã trở nên chai đá, đã trở thành ximăng hóa, đã trở nên dửng dưng trước những khổ đau của người khác.
11.
Hiện tượng đó đang là nguy cơ khủng khiếp trong Hội Thánh.
Rất may là nhờ Đức Mẹ, nhiều tấm lòng đang được ơn đổi mới. Đổi mới ở chỗ biết cầu nguyện và tỉnh thức.
12.
Thực tình mà nói: Hầu hết chúng ta chưa biết cầu nguyện, chưa biết tỉnh thức.
Lúc này hơn bao giờ hết, chúng ta cần xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết cầu nguyện và biết tỉnh thức. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta vẫn cầu nguyện theo cung cách người Pharisêu đã cầu nguyện trước bàn thờ, mà bị Chúa kết án.
13.
Cầu nguyện mà kể công, mà coi mình đạo đức hơn kẻ khác, thì không là cầu nguyện, mà là tự nộp mình cho quỷ dữ Satan.
14.
Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa Giêsu, yêu thương và khiêm nhường.
Cầu nguyện là ở lại với Chúa Giêsu, xin vâng phục ý Chúa Cha.
Cầu nguyện là sống mật thiết với Chúa Giêsu, như cành nho với thân nho.
15.
Tỉnh thức là biết đau cái đau của Chúa lúc này, tại đây.
Tỉnh thức là biết khổ cái khổ của đồng bào tại đây, lúc này.
Tỉnh thức là nếu không làm được cho người khác khỏi khổ, thì ít là đừng làm cho ai phải khổ thêm do mình gây nên.
Tỉnh thức là sống thực thân phận tội lỗi, yếu đuối của mình, chỉ tin cây nơi Chúa giàu lòng thương xót, chứ không để mình trở thành công cụ của Satan, chỉ lo biểu diễn và vơ vét danh vọng hão huyền.
Tỉnh thức là khiêm tốn tuyên xưng chúng ta cần Chúa, chứ không phải là Chúa cần chúng ta.
16.
Lúc này hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần tỉnh thức dưới sự hướng dẫn của Đức Mẹ. Đức Mẹ là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để biết sống đẹp lòng Chúa trong tình hình rất phức tạp hiện nay.
17.
Trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện, tôi hay nhìn lên Chúa, mà thầm nói với Chúa bằng bài ca quen thuộc sau đây:
“Giữ gìn con Chúa ơi,
Vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm.
Trong cánh tay Người hồn con vui sống,
Tình yêu Chúa khoan dung bền vững muôn đời.”
Long Xuyên, ngày 11.11.2020
Bùi-Tuần 2054: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỐNG ƠN PHÓ THÁC
+ GB. Bùi Tuần
Mấy ngày gần đây, Đức Mẹ hối thúc tôi với mấy lời vắn tắt như sau: “Tình hình đang diễn biến Bùi-Tuần 2054
1.
Mấy ngày gần đây, Đức Mẹ hối thúc tôi với mấy lời vắn tắt như sau: “Tình hình đang diễn biến rất phức tạp. Sẽ có những bất ngờ đau đớn. Để cứu mình và cứu người khác, con hãy xin Chúa ban cho con biết sống ơn phó thác.”
Tôi đón nhận nội dung nhắn nhủ của Đức Mẹ với tâm tình cảm tạ. Đức Mẹ giúp tôi hiểu: “Sống phó thác là một ơn Chúa ban. Ơn đó rất cần cho chúng ta lúc này.”
3.
Nhận thức trên đây là một sứ điệp. Sứ điệp này giúp tôi hồi tâm. Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi lui mình vào thinh lặng, để tĩnh tâm với đề tài: “Sống ơn phó thác”.
4.
Đức Mẹ cho tôi thấy: Nhiều người đạo đức đã có những phó thác sai lầm. Họ cầu nguyện nhiều. Họ nhân danh Chúa mà làm phép lạ, mà nói tiên tri, mà trừ được quỉ. Nhưng họ làm theo ý riêng, không theo ý Chúa, rồi phó thác cho Chúa. Nên họ bị Chúa xua đuổi. Chúa Giêsu quả quyết như vậy trong Phúc âm Thánh Mátthêu (Mt 7, 21- 23).
5.
Rất có thể, tôi cũng đã nhân danh Chúa mà làm nhiều việc coi như đạo đức, rồi cũng với nhận thức sai lầm, tôi cũng đã phó thác vào Chúa.
6.
Tôi xin Chúa thương tha tội cho tôi. Điều quan trọng Mẹ dạy tôi là: Nếu thấy sai thì ráng sửa. Đừng cố chấp.
Đem cái cố chấp của mình phó thác cho Chúa, thì sẽ là một thách thức ghê tởm đối với Chúa.
7.
Phó thác là một ơn Chúa ban. Chúa chỉ ban ơn đó cho những ai khiêm nhường.
Đức Mẹ đã được ơn sống phó thác, vì Đức Mẹ rất khiêm nhường.
Thánh Giuse đã được ơn sống phó thác, vì Ngài rất khiêm nhường.
Khiêm nhường của Đức Mẹ và của thánh Giuse là luôn đặt mình dưới cái nhìn của Chúa, từng giờ, từng phút, để xin vâng ý Chúa.
8.
Đức Mẹ xin vâng ý Chúa, chứ không hề bao giờ vận động hoặc xin được làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Thánh Giuse xin vâng ý Chúa, chứ không hề bao giờ vận động hoặc xin được làm Cha nuôi Chúa Giêsu.
9.
Nếu tôi không bắt chước gương Đức Mẹ và thánh Giuse, mà cứ vận động hoặc tự hào vì chức nọ quyền kia, vì danh hiệu này danh tiếng nọ, rồi phó thác những thứ đó cho Chúa, thì sẽ không là phó thác, mà là xúc phạm.
10.
Đức Mẹ dạy tôi: Phó thác là một ơn Chúa ban, tôi phải biết đón nhận, phải biết cộng tác với ơn Chúa ban.
11.
Tôi hay đọc Kinh Phó thác mình của chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Và tôi thấy bình an.
12.
Tôi hay đọc Kinh Phó thác mình của anh Charles de Foucauld. Và tôi thấy tâm hồn nhẹ nhàng.
13.
Đức Mẹ dạy tôi hãy cùng với Đức Mẹ phó thác mình cho Chúa theo gương Chúa Giêsu ở vườn cây Dầu và trên cây Thánh Giá.
“Cha ơi, nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, chỉ xin theo ý Cha mà thôi”. (Mc 14, 36)
“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. (Lc 23, 46)
14.
Chúa Giêsu đã phó thác như vậy trong cơn đau đớn. Tôi cũng nhờ Đức Mẹ mà phó thác tôi cho Chúa trong những cơn đau khổ.
Phó thác mình trong những hoàn cảnh khổ đau, đó là việc làm tôi đang thực hiện, đó là việc làm nhiều người đang cố gắng.
15.
Phó thác đâu phải việc dễ. Vì thế, tôi vâng ý Đức Mẹ, mà cầu xin hằng ngày cho tôi và những người thân của tôi được sống ơn phó thác, nhất là trong những tình hình đầy bất ngờ hãi hùng khủng khiếp.
16.
Khi tôi tĩnh tâm với Đức Mẹ tập trung vào đề tài sống ơn phó thác, tôi cảm nhận được thêm điều này, đó là rất nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam đang sống ơn phó thác một cách sốt sắng.
17.
Họ sống ơn phó thác dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôi học được rất nhiều điều nơi họ. Cách riêng, họ nêu gương sáng cho tôi về sự sống phó thác trong âm thầm lặng lẽ.
18.
Sống ơn phó thác trong âm thầm lặng lẽ, ở các tu viện, ở các bệnh viện, ở mọi ngả đường của cuộc sống hôm nay.
Sống ơn phó thác trong âm thầm lặng lẽ, mà vẫn tỏa ra hương thơm của Nước Trời.
19.
Nước Trời đang âm thầm phát triển tại Quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi, qua những nhóm người đang sống ơn phó thác.
20.
Giờ đây, tôi cảm thấy thấm thía: Sống ơn phó thác là một món quà quý giá Chúa ban.
Người già rất cần đến ơn đó. Người trẻ cũng rất cần đến ơn đó do thiếu kinh nghiệm. Bởi vì, cuộc sống là một chuyến đi về cõi đời sau. Chuyến đi rất vất vả, đầy gian nan trắc trở. Chỉ bám chặt vào Chúa là Cha bằng tinh thần phó thác, thì chúng ta, dù trẻ, dù già, dù ở bậc nào, mới được bình an hạnh phúc.
21.
Nếu cần để lại một lời trối trăng cuối cùng, thì tôi xin nói: Hãy cùng với Đức Mẹ cầu xin Chúa ban cho ơn sống phó thác như Chúa Giêsu đã nêu gương.
Long Xuyên, ngày 13.11.2020
Bùi-Tuần 2055: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỬA SAI CHÍNH MÌNH
+ GB. Bùi Tuần
Tôi có rất nhiều sai lầm. Đức Mẹ đã giúp tôi sửa sai chính mình tôi. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ Bùi-Tuần 2055
1.
Tôi có rất nhiều sai lầm. Đức Mẹ đã giúp tôi sửa sai chính mình tôi. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ về mấy sai lầm lớn, mà Đức Mẹ đã giúp tôi sửa.
2.
Sai lầm lớn thứ nhất là cái nhìn của tôi về Chúa đối với tôi.
Rất nhiều lần, tôi tưởng tôi là kẻ quá tội lỗi, nên bị Chúa ruồng bỏ.
Chính những lúc đó, Đức Mẹ ôm lấy tôi mà nói: “Con tưởng như thế là sai. Chúa vẫn thương xót con.”
Thế rồi, Đức Mẹ cho tôi nhận ra Chúa đã xót thương tôi thế nào. Chúa đã đi tìm tôi, để cứu tôi, để tha thứ cho tôi, để chữa lành tôi, để an ủi tôi, để nâng đỡ tôi.
3.
Chúa đã xót thương tôi như thế. Thế mà tôi cứ tưởng Chúa ruồng bỏ tôi. Đó là sai lầm lớn.
Nhờ Đức Mẹ, tôi nhận ra sai lầm lớn đó. Tôi sửa sai bằng sám hối, bằng yêu mến Chúa hết lòng, bằng tín thác tuyệt đối vào Chúa.
4.
Tôi biết mình rất yếu đuối, điều tôi sai lầm lúc trước và đang sám hối sửa lại lúc này, có thể lại tái phạm trong tương lai. Nên tôi tha thiết xin Đức Mẹ giúp.
5.
Đức Mẹ đã thương giúp tôi luôn biết bắt đầu lại. Đối với tôi, mỗi ngày là một khởi đầu mới. Tôi xin Mẹ giúp tôi vững tin vào Chúa. Và đúng là Đức Mẹ đã giúp tôi. Bởi vì rất nhiều lúc, tôi nghe rất rõ tiếng quỉ Satan nói vào tai tôi rằng: “Mày bị Chúa ruồng bỏ rồi”. Hoặc: “Không có Chúa”.
Những gì tôi vừa nói trên đây là đúng sự thực. Sự thực đó khiến tôi khiêm nhường coi sự sửa sai cái nhìn của mình về Chúa đâu phải là việc dễ.
6.
Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót, vô cùng vô tận. Tại sao tôi là kẻ tội lỗi lại dám đặt ranh giới cho Tình yêu đó. Nhất là lại coi ranh giới đó là chính tôi.
7.
Do vậy, sửa sai cái sai lầm về Tình yêu Chúa đối với tôi là điều tôi phải xin Đức Mẹ giúp mỗi ngày. Nếu không, cái nhìn sai lầm về cái nhìn của Chúa đối với tôi sẽ gây hại vô cùng cho tôi.
8.
Một sai lầm nữa, tôi cần nhờ Đức Mẹ sửa sai giúp tôi. Đó là cái nhìn sai lầm của tôi về những người khác.
Thực vậy, tôi đã có nhiều sai lầm về những người khác.
Có thể tôi đã có cái nhìn loại trừ dành cho người này người nọ. Loại trừ không do ác cảm, mà đôi khi dựa vào đạo đức.
9.
Rất nhiều lần, tôi cứ tưởng người này người nọ là những kẻ quá xấu, nên đáng phải loại trừ.
Chính những lúc đó, Đức Mẹ ôm lấy tôi và nói: “Con tưởng như thế là sai. Con không thương họ. Nhưng Chúa vẫn thương họ.”
Thế rồi, Đức Mẹ giúp tôi nhận ra sự Chúa xót thương họ thế nào: Chúa xót thương họ, Chúa đi tìm họ, để cứu họ, để tha thứ cho họ, để chữa lành cho họ.
10.
Nhờ ơn Đức Mẹ, tôi dần dần nhận ra: Chính tôi rất cần được sửa sai về cái nhìn đối với những người khác.
11.
Sai lần về cái nhìn đối với những người khác sẽ kéo tôi vào hình phạt Chúa dành cho những ai đoán xét sai lầm. Do vậy, Đức Mẹ khuyên tôi phải hết sức tỉnh thức.
Nếu đoán xét xấu cho những người khác đã trở thành thói quen, thì phải hết sức sửa sai chính mình.
12.
Còn một thứ sai lầm nữa Đức Mẹ cũng dạy tôi phải hết sức tránh, đó là chớ bao giờ sửa đúng thành sai, rồi cứ cho là đúng.
Đây là một hiện tượng có thực xảy ra một cách thê thảm. Người ta đang làm đúng, thì ai đó đến bảo phải làm khác đi, để rồi kết quả là đang đúng lại thành sai.
13.
Đang đúng lại thành sai, nếu việc đó lại do những người có quyền chức chủ xướng, thì thiệt hại sẽ khôn lường.
14.
Tới đây, tôi cảm thấy bản thân tôi đang trở thành một căn nhà nhỏ tồi tàn cần phải sửa.
Điều kiện rất cần để sửa là tôi phải có tinh thần nghèo khó: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3). Đức Mẹ dạy tôi như vậy.
15.
Nếu lúc này, tôi tự hào vì Giáo Phận mình đang sở hữu nhiều của cải, nào là cơ sở vật chất, vừa nhiều, vừa rộng, nào là các tổ chức vừa hoành tráng, vừa màu sắc, nào là nhân sự vừa đông, vừa tài giỏi, vừa đạo đức, thì tôi sẽ không còn khó nghèo như Chúa muốn. Thấy mình quá đẹp quá đủ rồi, thì còn gì đâu phải sửa.
Do vậy, mà trong vấn đề sửa sai chính mình, tôi rất cần vâng ý Đức Mẹ, mà sống tinh thần nghèo khó.
16.
Để giúp tôi sống tinh thần nghèo khó, Đức Mẹ khuyên tôi hãy cầu nguyện và tỉnh thức, để biết đón nhận những gương sáng về sửa sai chính mình đáng xuất hiện xung quanh tôi. Những gương sáng đó đang sáng lên trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong họ.
Long Xuyên, ngày 17.11.2020
Bùi-Tuần 2056: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI SỐNG KỈ NIỆM 60 NĂM
THÀNH LẬP GIÁO PHẬN
+ GB. Bùi Tuần
Những ngày này, giáo phận Long Xuyên khắp nơi đang nô nức chung vui với kỷ niệm 60 năm Bùi-Tuần 2056
1.
Những ngày này, giáo phận Long Xuyên khắp nơi đang nô nức chung vui với kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận, dưới sự hướng dẫn tinh vi của Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Chánh Tòa.
2.
Trong bầu khí thiêng liêng đó, tôi cảm thấy mình rất bé nhỏ. Tôi nhìn lên Đức Mẹ. Đức Mẹ hiểu tôi. Đức Mẹ an ủi tôi bằng gợi ý thầm lặng sau đây: “Mẹ sẽ giúp con sống tâm tình cảm tạ.”
3.
Đức Mẹ nhẹ nhàng đưa tâm hồn tôi tập trung vào “ơn tôi được gặp Đức Kitô”.
Thực vậy, trên đất giáo phận Long Xuyên này, tôi đã được gặp Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đến với tôi dưới hình ảnh Đấng Cứu thế đầy yêu thương và khiêm nhường.
4.
Ngài đến với tôi thường xuyên, nhất là qua thánh lễ, qua các giờ suy gẫm, qua các giờ cầu nguyện.
5.
Ngài cũng đến với tôi khắp nơi qua những con người tỏa sáng yêu thương và khiêm nhường.
Hoặc trực tiếp gặp Ngài, hoặc gián tiếp được gặp Ngài qua các dấu chỉ, tôi đều thấy yêu thương của Ngài là cứu tôi, khiêm nhường của Ngài là cúi xuống lau rửa cho tôi.
6.
Thực sự, trong giáo phận Long Xuyên này, Chúa đã cứu tôi khỏi biết bao nguy hiểm phần hồn, phần xác. Trong giáo phận Long xuyên này, Ngài đã lau rửa cho tôi khỏi bao thất vọng, khỏi bao nỗi buồn.
7.
Với những ơn đã được, tôi có cảm tưởng là tôi được sai đến với những người tại địa phương này, là để được họ ấp ủ và chở che.
Tôi cảm tạ Chúa và tất nhiên cũng cảm ơn địa phương dễ thương này.
8.
Với cái nhìn như thế, tôi coi tôi là kẻ được Chúa sai đi, không phải như kẻ đi ban ơn, mà như kẻ đi nhận ơn của Chúa, qua dòng lịch sử cứu độ Chúa thực hiện ở nơi đó.
9.
Thực tế cho tôi thấy điều này: Trước khi tôi đến đây, Chúa đã hoạt động ở đây lâu rồi. Nhiều ngươi đã sống đạo đức, mà đâu cần phải đợi chờ nơi tôi.
Tôi khám phá thấy Tin Mừng Chúa ban cho biết bao người tại đây, một cách lạ lùng, quá sức tôi tưởng tượng.
Khám phá đó khiến tôi trở nên khiêm nhường, biết cảm tạ ngợi khen Chúa, về muôn ơn Chúa đã làm nơi biết bao người xung quanh tôi.
10.
Tôi mừng 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên với tâm tình cảm tạ Chúa.
Cũng cảm ơn các tôn giáo và chính quyền tại địa phương này đã bao dung đón nhận tôi.
Tôi cũng cảm ơn dân chúng mọi tầng lớp đã mở rộng tấm lòng, để chia sẻ vui buồn với tôi.
11.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi được nhận từ địa phương này là cuộc sống nặng về tình nghĩa.
Nếu thực sự sống có tình có nghĩa, thì đâu có xa Tin Mừng của Chúa Giêsu.
12.
Mà tình nghĩa thì đâu phải một thứ cần phải biểu diễn. Tình nghĩa càng thầm lặng càng quý giá. Tình nghĩa càng tự nguyện càng thiêng liêng. Tình nghĩa thì hồn nhiên.
13.
Cùng với tâm tình cảm ơn, tôi cũng gửi lên Chúa, gửi tới giáo phận Long Xuyên, cũng như tới địa phương yêu dấu này lời tôi xin lỗi.
Tôi đã có những lỗi lầm về nhiều lĩnh vực. Tôi thực tình xin lỗi. Tôi chắc chắn được đón nhận ơn tha thứ.
14.
Có thể nói: Tôi thuộc về giáo phận Long Xuyên ngay từ những ngày đầu thành lập giáo phận. Vì thế, sự gắn bó của tôi với giáo phận được kể là vừa có bề dài, vừa có bề sâu.
15.
Nếu cần nói về thành tích, thì thành tích của tôi chỉ là gắn bó chân thành.
16.
Đức Mẹ giúp tôi gắn bó chân thành, coi sự gắn bó chân thành đó là một bài ca cảm tạ nhờ Mẹ với Mẹ.
17.
Nếu tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta sẽ được Đức Mẹ cho thấy hiện nay đang có những sống ngầm âm mưu tách rời các môn đệ Chúa:
- Ra khỏi Chúa Kitô,
- Ra khỏi Hội thánh của Người,
- Ra khỏi trách nhiệm cốt yếu của mình,
- Ra khỏi khối đại đoàn kết dân tộc.
Tách rời, chứ không gắn bó, là nguy cơ rất lớn hiện nay.
18.
Vì thế mà, trong tâm tình cảm tạ Chúa, chúng ta đừng quên cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn mà Chúa Giêsu đã nêu lên trong bữa tiệc ly: “Thầy là cây nho, các con là cành nho. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong kẻ ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. (Ga 15,5)
19.
Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, đó là gắn bó nền tảng, để từ đó chúng ta biết gắn bó với các đối tượng cần gắn bó. Đó cũng là tâm tình cảm tạ, mà Đức Mẹ nhắc nhở cho tôi.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Long Xuyên, ngày 24.11.2020
Bùi-Tuần 2057: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI NHÌN ĐỨC MẸ LÀ MẸ YÊU DẤU
CỦA TÔI
+ GB. Bùi Tuần
Tôi sắp ra đi. Hồn trở về với Chúa. Xác trở về với tro bụi. Trước khi giờ phút đó tới, tôi xin Bùi-Tuần 2057
1.
Tôi sắp ra đi. Hồn trở về với Chúa. Xác trở về với tro bụi.
Trước khi giờ phút đó tới, tôi xin tuyên xưng một điều tôi cho là rất quan trọng và rất tha thiết đối với tôi, đó là: Suốt đời tôi, Đức Mẹ Maria luôn là người Mẹ yêu dấu của tôi. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi được vui, được hy vọng và được bình an, hạnh phúc.
2.
Thực vậy, cuộc sống của tôi là một chuyến đi. Chuyến đi này đầy gian nan trắc trở, có nhiều bất ngờ khủng khiếp.
Rất may là trong suốt chuyến đi đó, tôi có Đức Mẹ ở bên.
Đức Mẹ ở bên tôi, như người Mẹ yêu dấu.
3.
Sự hiện diện của Đức Mẹ được tôi đón nhận không chỉ bằng đức tin, mà còn bằng sự cảm nhận thiêng liêng tràn qua thân xác.
4.
Khi gặp những quãng thời gian trắc trở, đường thì nhỏ hẹp, dưới chân là vực thẳm, thì Đức Mẹ xuất hiện, như một bàn tay ôm lấy tôi, để cứu tôi. Mẹ vừa cứu, vừa an ủi.
5.
Chuyến đi đã khá dài. Trắc trở gian nan thì vừa nhiều, vừa đe dọa. Nhưng nhờ có Mẹ ở bên, tôi nay được vững tin vào Chúa.
6.
Cuộc sống của tôi cũng là một chiến trường. Chiến trường này đầy những chiến đấu cam go giữa thiện và ác trong tôi. Phía thiện có nhiều thiên thần giúp đỡ. Phía ác có nhiều thần dữ tấn công.
Cuộc chiến không ngơi nghỉ. Cuộc chiến dưới nhiều hình thức.
7.
Dù cuộc chiến xảy ra dưới hình thức nào, tôi vẫn cảm thấy có Đức Mẹ ở bên tôi.
Mẹ giúp tôi cầu nguyện và tỉnh thức. Mẹ luôn nhắc bảo tôi: trên chiến trường mà ngây thơ, thì sẽ thảm bại. Hãy tìm sức mạnh và sự khôn ngoan nơi Chúa.
8.
Cầu nguyện và tỉnh thức trên chiến trường cuộc sống. Điều quan trọng đó đã không được tôi thực hiện theo ý Đức Mẹ. Vì thế, tôi đã có nhiều lần nếm mùi thảm bại.
9.
Đức Mẹ ở bên tôi, đã giúp tôi sám hối.
Thất bại trên chiến trường cuộc sống nhiều khi đã trở thành bài học cho tôi. Cũng nhờ Đức Mẹ.
10.
Cuộc sống của tôi là một trường học.
Khi tôi nhìn cuộc sống của tôi là một trường học, thì điều quan trọng nhất mà Chúa soi sáng cho tôi là hãy tìm cho mình một nhà giáo tốt. Nhà giáo tốt mà Chúa chỉ cho tôi là Đức Mẹ Maria.
11.
Đức Mẹ, khi ở bên tôi như một nhà giáo trong cuộc sống là một trường học, thì Mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại cho tôi: “Hãy vâng phục thánh ý Chúa.”
12.
Mà để biết đâu là thánh ý Chúa, thì phải có ơn biết phân định, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
13.
Biết phân định đâu là thánh ý Chúa, đó là điều rất cần cho tôi, nhất là lúc này. Bởi vì hiện giờ đang bùng nổ phong trào đạo đức, phong trào nên thánh, phong trào làm sáng danh Chúa, một cách tưng bừng đến chóng mặt.
14.
Riêng đối với tôi, nhiều phong trào đó đã và đang làm cho tôi sợ hãi. Tôi sợ, nếu không tỉnh thức, thì không chừng có những phong trào tự xưng là đạo đức, lại phá đạo đức.
Đức Mẹ cho tôi biết: Sợ hãi đó nơi tôi cũng chính là điều lo ngại của Đức Mẹ.
Với cái nhìn trên đây, tôi thấy cuộc sống như một trường học rất cần đến Đức Mẹ.
15.
Riêng đối với tôi, Đức Mẹ là nhà giáo tuyệt vời.
Đức Mẹ dạy tôi từ thẳm sâu tâm hồn tôi, từng tư tưởng, từng tình cảm, từng ước muốn, từng thao thức.
Đức Mẹ dạy tôi trong chính lương tâm tôi, từ ý thức, đến tiềm thức, đến vô thức.
16.
Nhiều lúc Đức Mẹ nâng niu những niềm vui nhỏ trong tôi một cách nhẹ nhàng kín đáo, khiến tôi trở thành đứa con bé nhỏ tự nhiên bám chặt lấy Mẹ. Đức Mẹ còn lo cho tôi những gì là rất riêng tư, khiến tôi hết sức cảm động.
17.
Đức Mẹ là Mẹ yêu dấu của tôi:
Trong cuộc sống là một chuyến đi,
Trong cuộc sống là một chiến trường,
Trong cuộc sống là một trường học.
Đức Mẹ là Mẹ của tôi, là Mẹ yêu dấu của tôi.
18.
Nhờ vậy, mà tôi nhìn mọi người đều là anh chị em.
Nhờ vậy, mà tôi nhìn Hội Thánh là một gia đình bác ái.
Nhờ vậy, mà tôi nhìn Tổ quốc là một cộng đồng tình thương.
19.
Xin hết lòng cảm tạ Chúa đã thương cho tôi được ơn làm con của Đức Mẹ, được gọi Đức Mẹ là “ Mẹ yêu dấu của con.”
Long Xuyên, ngày 23.11.2020
Bùi-Tuần 2058: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI ĐÓN NHẬN BÌNH AN CỦA CHÚA
+ GB. Bùi Tuần
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi khao khát sự bình an một cách mãnh liệt. Tôi tha thiết gửi gắm điều Bùi-Tuần 2058
1.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi khao khát sự bình an một cách mãnh liệt. Tôi tha thiết gửi gắm điều khao khát đó cho Đức Mẹ. Tôi hỏi Mẹ phải làm gì để được bình an.
2.
Đức Mẹ dẫn tôi tới Chúa Giêsu. Với thái độ âu yếm, Chúa Giêsu nhắc lại cho tôi nhớ lời Ngài đã phán xưa: “Tất cả những ai đang vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
3.
Tôi cảm tạ Chúa. Tôi xin trao cho Chúa gánh nặng của tôi. Gánh nặng của tôi lúc này là những cơn đau, là những lo buồn, là những mặc cảm, là những tội lỗi, là những thất vọng.
Gánh nặng của tôi là đủ thứ bất an, đè trên lương tâm tôi.
4.
Chúa bình tĩnh nhận hết tất cả gánh nặng của tôi, mà không một lời trách mắng, trái lại Chúa còn an ủi.
5.
Thế là tôi được nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy một sự bình an lạ lùng từ trái tim Chúa chảy vào hồn tôi, như một dòng nước mát, để rửa hồn tôi.
6.
Tự nhiên, tôi hiểu: Bình an là một ơn quí giá Chúa trao ban. Muốn được ơn đó, người ta phải khao khát, phải đến với Chúa, phải tin vào Chúa.
7.
Nhận thức như vậy, nên khi cần đến bình an, tôi ít còn lo tính này nọ, hoạch định chương trình thế này thế kia, nhưng cần tĩnh tâm nhờ Mẹ chạy lại với Chúa Giêsu.
Khi cái tâm của tôi tĩnh lặng, tập trung vào Chúa Giêsu, khiêm tốn trao cho Ngài gánh nặng của tôi, thì tôi cảm nhận được rằng: Bình an là chính Chúa Giêsu.
8.
Muốn có bình an, tôi cần gặp Chúa Giêsu, cần ở lại bên Chúa Giêsu, cần đón nhận Chúa Giêsu vào lòng tôi.
Lúc đó, tôi sống, mà không phải tôi sống, nhưng là Chúa Giêsu sống trong tôi.
9.
Lúc đó, tôi cần tĩnh lặng. Ồn ào sẽ không gặp được Chúa. Mà, nếu không gặp được Chúa, thì tất nhiên sẽ không nhận được ơn bình an.
10.
Satan biết rõ điều đó. Nên Satan và đoàn lũ ác quỉ đang tìm mọi cách ngăn cản chúng ta gặp Chúa Giêsu, mà chỉ lo gặp nhau và lo có những lễ ồn ào hoành tráng bề ngoài, rồi tự lừa dối mình và lừa dối nhau là đã gặp gỡ Chúa Giêsu. Thế là càng xa bình an, càng để mình rơi xuống vực sâu.
11.
Khi được gặp Chúa Giêsu, Chúa Giêsu còn nhắc lại cho tôi nhớ lời Ngài đã nói với chị Mácta: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42).
Chúa Giêsu nhắc lại cho tôi lời đó. Tôi hiểu là muốn có bình an của Chúa, thì đừng để lòng mình bận rộn quá nhiều. Chỉ có một sự cần, để được bình an, đó là gặp Đức Kitô.
12.
Bận rộn quá nhiều, đó là một thứ hình thức đạo đức giả rất phổ biến hiện nay.
Tự ôm vào mình những việc không thuộc bổn phận của mình, rồi tự cho là dấn thân vì Chúa, nhưng thực chất chỉ là tính hiếu động.
Tự vẽ ra nhiều chương trình nói là để đổi mới, nhực thực chất chỉ là vì nội tâm mình trống rỗng, nên cần che sự trống rỗng đó bằng đủ thứ phô trương hão huyền.
13.
“Chỉ có một sự cần.” Chúa Giêsu nhấn mạnh cho tôi lời khuyên đó. Nhưng nhiều khi tôi đã không thực hiện đúng và đủ lời khuyên đó. Vì thế, mà tôi không có sự bình an.
14.
Bình an, bình an, đây là quà Noel, đây là sinh hoạt Mùa Vọng, đây là lời chúc năm mới.
Vì thế, lúc này hơn bao giờ hết, tôi xin Đức Mẹ giúp tôi được bình an.
15.
Tới đây, Đức Mẹ khuyên tôi thêm điều này: “Muốn có bình an, hãy noi gương Mẹ, mà luôn vâng phục thánh ý Chúa.” (Lc 1,38)
Chúa Giêsu cũng khuyên tôi thêm điều đó. Chính Ngài đã thưa với Đức Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, chỉ xin theo ý Cha mà thôi.” (Mc 14, 36)
Vâng phục thánh ý Chúa trong tín thác vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đó là tâm thức của tôi lúc này đang rất thao thức về bình an.
16.
Thao thức, nên tỉnh thức và cầu nguyện, đó là cuộc sống hiện giờ của tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau nhiều, vì tương lai đầy những bất an, bất ổn, bất bình. Chỉ Chúa mới cứu được chúng ta.
Long Xuyên, ngày 28.11.2020
Bùi-Tuần 2059: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI THẤY TRƯỚC
+ GB. Bùi Tuần
Mấy ngày nay, Đức Mẹ tha thiết dạy tôi điều này: “Thấy trước là đạo đức, Thấy trước là Bùi-Tuần 2059
1.
Mấy ngày nay, Đức Mẹ tha thiết dạy tôi điều này:
“Thấy trước là đạo đức,
Thấy trước là khôn ngoan,
Thấy trước là cứu mình và cứu người khác.”
2.
Hãy thấy trước những cái được và cái mất.
Chúa phán:
“Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất linh hồn mình, thì còn được lợi gì.” (Mt 16,26).
Lời Chúa phán trên đây cảnh báo tôi rất nhiều.
3.
Tình hình lúc này là rất phức tạp.
Nếu tôi bỏ cầu nguyện, lao mình vào hoạt động, thì rất có thể tôi được tiếng là nhiệt thành, nhưng lại xa Chúa, không chừng mất Chúa. Thế là cái mất sẽ quá nhiều, mà cái được sẽ quá ít. Tôi cần thấy trước điều đó.
Tình hình lúc này là rất ồn ào.
Nếu tôi tĩnh tâm, mà tâm không tĩnh, để hồn mình thành một thứ chợ trời, thì được thì ít, mà hại thì nhiều. Tôi cần thấy trước điều đó.
4.
Tình hình lúc này là rất đa dạng.
Nếu tôi ôm vào mình những việc mà giáo dân làm được, rồi bỏ suy nghĩ, cầu nguyện, thì cái tôi được sẽ quá ít, mà cái tôi mất sẽ quá nhiều. Tôi cần thấy trước điều đó.
5.
Tình hình lúc này có những bất ngờ khủng khiếp.
Nếu tôi cứ nhởn nhơ với những chương trình cố định, rồi tự hào cho mình là nhìn xa thấy rộng, thì cái tôi được có thể chỉ là số không, mà cái tôi mất sẽ không bao giờ lấy lại được. Tôi cần phải thấy trước điều đó.
6.
Tình hình lúc này có nhiều thách đố.
Nếu tôi cứ tưởng mở Đạo là mở rộng đất đai, xây nhiều cơ sở, tổ chức nhiều ban bệ, phô trương những con số, thì chắc chắn cái tôi được sẽ rất ít, mà cái tôi phải mất ắt sẽ khôn lường. Tôi cần phải thấy trước điều đó.
7.
Tình hình lúc này có nhiều cạnh tranh.
Nếu tôi tưởng rao giảng Tin Mừng là khoe Đạo mình có nhiều ngôi sao sáng hơn bất cứ tôn giáo nào khác, thì chắc chắn tôi sẽ tự tạo ra cho bản thân tôi và Đạo của tôi rất nhiều bất lợi. Lợi thì không rõ, mà hại thì rải khắp. Tôi cần phải thấy trước điều đó.
8.
Tình hình lúc này đòi đối thoại.
Nếu tôi tưởng giới thiệu Đạo Chúa là giới thiệu một cộng đoàn chuyên vâng lời giáo quyền, thì người ta sẽ dễ nhìn hàng giáo sĩ với nhiều bất lợi. Nếu chẳng may giáo sĩ nào lại tự quả quyết ý mình là ý Chúa, buộc mọi người phải vâng, chứ không chấp nhận đối thoại, thì lợi sẽ không thấy, còn hại thì rất nặng nề. Tôi cần phải thấy trước điều đó.
9.
Tình hình hiện nay có nhiều bí ẩn.
Bề mặt thì phẳng lặng. Nhưng dưới sâu có những sóng ngầm đầy chất chống đối. Nếu chỉ khoe bề mặt đó, mà không để ý đến bề sâu, thì sẽ rất dại dột. Cái lợi thì ít cái hại thì nhiều. Tôi cần phải thấy trước điều đó.
10.
Thấy trước mấy điều trên đây là việc quan trọng, nhưng không luôn dễ.
Riêng tôi, nhờ Đức Mẹ, thấy trước là như nhìn thấy, là như ngửi thấy, là như chạm tới.
11.
Đức Mẹ giúp tôi gặp Chúa Giêsu, ở lại với Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Giêsu.
Tôi thấy:
“Được cả thế gian, mà mất linh hồn, thì lợi sẽ không có, mà hại thì vô cùng khủng khiếp.”
12.
Thấy trước như vậy, và tôi coi đó mới là đạo đức, mới là khôn ngoan, mới là cứu mình và cứu người khác.
13.
Nếu thấy trước như vậy là một cái nhìn tiên tri, thì tôi hết lòng cảm tạ Chúa, vì cái nhìn tiên tri đó đang được Chúa ban cho nhiều người tại Việt Nam hôm nay.
Tôi học được nơi họ rất nhiều.
14.
Họ cho tôi thấy: Nếu không tỉnh thức, tương lai Hội Thánh tại Việt Nam sẽ mất rất nhiều.
Không tỉnh thức là không thấy trước. Không thấy trước vì không muốn thấy trước, không chịu thấy trước.
15.
Thực sự, thấy trước sẽ rất buồn. Vì thế, mà trốn tránh thấy trước. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần thấy trước, để cứu mình và cứu người khác.
16.
Lúc này, tôi đang thấy trước tình trạng sa sút của tôi. Nên tôi bám chặt lấy Đức Mẹ.
Đức Mẹ luôn cúi xuống, để nhìn tôi, để cứu tôi, để an ủi tôi.
Đức Mẹ cho tôi cái nhìn của Mẹ, hơi thở của Mẹ, mùi thơm của Mẹ.
Từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, Đức Mẹ là Mẹ yêu dấu của tôi.
Long Xuyên, ngày 30.11.2020
Bùi-Tuần 2060: ĐỨC MẸ GIÚP TÔI MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH
+ GB. Bùi Tuần
Năm nào cũng vậy. Lễ Giáng Sinh là dịp tôi xin Chúa ban cho tôi ơn đổi mới. Đổi mới nói đây Bùi-Tuần 2060
1.
Năm nào cũng vậy. Lễ Giáng Sinh là dịp tôi xin Chúa ban cho tôi ơn đổi mới. Đổi mới nói đây là đổi mới tâm hồn mình.
2.
Năm nay, dịp Lễ Giáng Sinh, Đức Mẹ khuyên tôi hãy để ý đến việc đổi mới tâm hồn một cách đặc biệt, đó là tâm hồn hãy trở nên khó nghèo hơn. Lý do là vì Chúa Giêsu đã phán:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,2)
3.
Ngoài lý do Lời Chúa, Đức Mẹ còn cho tôi lý do kinh nghiệm.
Từ ngày được về hưu, cộng thêm những ngày đau bệnh, tôi có kinh nghiệm là mình nghèo đi về nhiều lãnh vực. Nghèo nhưng mà hạnh phúc.
4.
Về kinh nghiệm đó, Đức Hồng Y Martini đã viết:
“Những người nghèo chẳng có gì. Họ không mang trách nhiệm nào. Họ không phải trả lời ai về nhiệm vụ nào. Họ chẳng có gì để mất, và vì thế họ được tự do vui hưởng tình yêu của Chúa, và vui đợi chờ cuộc sống Chúa hứa sẽ cho họ.
“Tâm hồn những kẻ mang nhiều trách nhiệm về đủ thứ, sẽ dễ bị áp lực nặng nề và bị lệ thuộc vào mọi thứ.”
(Cardinal Martini, A l’écoule du coeur)
5.
Tâm hồn nghèo khó là tâm hồn có hạnh phúc. Nói thế không có nghĩa là hạnh phúc đến với tâm hồn nghèo khó một cách dễ dàng. Lý do là vì khó mà có được tâm hồn nghèo khó.
6.
Giữ được tâm hồn mình luôn trở nên nghèo khó là chuyện nội tâm rất vất vả vì.
Phải nhiều cầu nguyện,
Phải nhiều hồi tâm,
Phải nhiều suy niệm,
Phải nhiều từ bỏ.
Riêng tôi, để có tâm hồn nghèo khó, tôi tập trung vào Chúa Giêsu:
Gặp Chúa Giêsu,
Ở lại bên Chúa Giêsu,
Lắng nghe lời Ngài,
Xem gương Ngài,
Bước theo Ngài,
Để Ngài giải cứu, để Ngài chữa lành, để Ngài an ủi.
Thêm vào đó, tôi phải cậy nhờ Đức Kitô, để chống lại mọi âm mưu quấy phá của các thế lực xấu.
7.
Như thế, đổi mới tâm hồn theo hướng đưa tâm hồn trở nên nghèo khó theo Phúc âm là chuyện không dễ chút nào.
8.
Các thế lực phản Kitô hiện đang đánh phá Hội Thánh Chúa ở mặt trận tâm hồn nghèo khó.
Có những tâm hồn nghèo khó thật.
Có những tâm hồn nghèo khó giả.
9.
Tệ hơn thế, có những tâm hồn trắng trơn phô trương sự giàu có đủ thứ của Đạo mình và của mình, rồi cho thế là loan báo Tin Mừng.
Nếu không sửa lại, thì hậu quả khủng khiếp sẽ không tránh được.
10.
Hơn bao giờ hết, Đức Mẹ dạy tôi hãy lo đời sống nội tâm, phải giữ sự tự do nội tâm, phải biết tỉnh thức, đừng để nội tâm mình suy nhược vì đủ thứ lo âu xâm chiếm.
11.
Hãy bắt chước Đức Mẹ và Thánh Giuse ở Belem xưa.
Các Ngài rất khó nghèo về vật chất, các Ngài rất khó nghèo về tinh thần.
Các Ngài rất thầm lặng. Đang khi đó, Hội Thánh hôm nay tại nhiều nơi lại quá ồn ào với những phô trương, với những múa máy, với những tự mãn, với những bùng nổ, với những đổi mới hãi hùng.
12.
Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta nên khiêm tốn trở về với tâm hồn khó nghèo thực sự.
13.
Sẽ là ảo mộng và sẽ là ác mộng, nếu chúng ta mắc mưu Satan, biến tâm hồn khó nghèo, thành tâm hồn giàu có với nhiều chương trình nặng về hình thức, mà thiếu phẩm chất thực sự.
14.
Tình hình lúc này hết sức phức tạp. Hãy theo Đức Mẹ, mà đổi mới nội tâm, theo lời Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, Vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,2)
15.
Xưa, Đức Mẹ chỉ xưng mình là nữ tì hèn mọn của Chúa. Vẻ dễ thương của Mẹ là khó nghèo và khiêm nhường.
Nhìn Mẹ, tôi thực sự sám hối, vì nhiều khi đã không khiêm nhường và khó nghèo như Mẹ. Đánh mất tâm hồn khó nghèo và khiêm nhường là mất quá nhiều, dễ biến mình thành con mồi cho Satan. Xin Chúa thương cứu chúng con.
Long Xuyên, ngày 05.12.2020
Bùi-Tuần 2061: MỘT THOÁNG NHÌN VỀ THÁNH GIUSE TRONG ĐỜI TÔI
+ GB. Bùi Tuần
Ngay khi còn rất nhỏ, tôi thường được nghe Bố kể lại chuyện gia đình, trong đó có lời trối của Bùi-Tuần 2061
1.
Ngay khi còn rất nhỏ, tôi thường được nghe Bố kể lại chuyện gia đình, trong đó có lời trối của ông Nội. Bố kể: “Khi ông Nội sắp chết, ông Nội gọi con cháu lại bên giường và trối rằng:
“Gia đình chúng ta nghèo, hãy đến với Thánh Giuse. Thánh Giuse rất thương những kẻ nghèo khó. Ngài sẽ thương giúp chúng ta.”
2.
Bố tôi nói thêm: “Gia đình mình nghèo túng đủ thứ. Nhưng cái nghèo túng cần phải giải quyết trước hết là nghèo túng về đạo đức. Cho dù phải nghèo về của cải, nhưng hãy cứ lo sống đạo đức.”
3.
Mẹ tôi cũng luôn dạy con cái về đạo đức.
4.
Hồi còn nhỏ, tôi hiểu: Sống đạo đức là năng cầu nguyện, đọc kinh, dự Thánh lễ và biết thương giúp những người ăn xin, ăn mày.
5.
Dần dần, tôi cảm nhận cái nghèo đáng sợ nhất là nghèo về đạo đức.
6.
Mà nghèo về đạo đức, mà tôi sợ hãi nhất lúc này là nghèo lửa mến Chúa yêu người.
7.
Thiếu lửa mến Chúa yêu người, đó là một khủng hoảng khủng khiếp có thật hiện nay tại nhiều nơi trong Hội Thánh và trong xã hội.
8.
Khi thiếu lửa mến Chúa yêu người, tôi sẽ dễ bị ác quỉ đốt lên trong tôi nhiều thứ lửa độc hại của chúng.
9.
Đức Mẹ khuyên tôi hãy xin Thánh Giuse đốt lên trong tôi lửa mến Chúa yêu người, mà thuở xưa đã đốt lên trong lòng Ngài.
10.
Tôi thấy lời khuyên của Đức Mẹ đang được thực hiện.
Thực vậy, Thánh Giuse đang đốt lên trong lòng nhiều người, trong đó có tôi, thứ lửa thiêng bừng bừng chất mến Chúa yêu người.
11.
Lửa này đang cháy mạnh nơi nhiều người sống thầm lặng, những người tỉnh thức, những người luôn lên đường phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường.
12.
Lửa này đang cháy mạnh trong nhiều cộng đoàn luôn thao thức được thuộc về Chúa.
13.
Lửa này đang cháy mạnh trong nhiều phong tào đạo đức lo đổi mới nội tâm mình theo hướng nghèo khó Phúc Âm.
14.
Lửa này đang cháy mạnh trong nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân.
15.
Lửa này sẽ là nguồn an ủi cho Hội Thánh trong thời kì gặp nhiều khó khăn.
Đúng như vậy, trong tương lai, Hội Thánh nhiều nơi sẽ rơi vào nhiều cảnh ảm đạm đầy đau đớn.
Nơi nào có lòng kính Thánh Giuse sẽ được giải cứu và được an ủi.
16.
Riêng tôi, cho tới giờ này, tôi đã đươc Thánh Giuse dẫn đưa về với Chúa, nhất là Ngài cùng với Đức Mẹ đốt lên trong lòng tôi lửa thiêng mến Chúa yêu người.
17.
Lửa mà Đức Mẹ và Thánh Giuse đang đốt lên trong tôi, là chính Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là lửa. Trong lửa đó có tình yêu, có hy sinh và đau khổ, có cứu độ.
18.
Khi lửa đó là chính Chúa Giêsu, thì đời tôi sẽ tập trung vào Chúa Giêsu. Tôi sẽ lo gặp Ngài, ở lại với Ngài, để Ngài dẫn dắt, để Ngài đổi mới.
19.
Chúa Giêsu đổi mới tâm hồn tôi, biến nó thành lửa yêu thương và khiêm nhường, theo gương Thánh Giuse và Đức Mẹ.
20.
Lúc này, tôi cũng như ông Nội của tôi, trước khi chết, xin trối lại cho mọi người thân thuộc:
“Hãy đến với Thánh Giuse”
21.
Thánh Giuse, con người thầm lặng, nhưng lại đầy lửa. Ngài sẽ giúp chúng ta, dù sống thầm lặng, nhưng không ngừng đem lửa Giêsu đốt nóng các tâm hồn đến với chúng ta.
22.
Thánh Giuse, con người vất vả, nhưng sống phó thác. Phó thác nơi Thánh Giuse là một thứ lửa của đức tin.
23.
Thánh Giuse, con người đơn sơ, mộc mạc, nhưng sống khôn ngoan. Khôn ngoan nơi Thánh Giuse là một thứ lửa của Chúa Thánh Thần.
Long Xuyên, ngày 12.12.2020
Bùi-Tuần 2062: ĐỨC MẸ KHUYÊN TÔI HÃY ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH BẰNG NHỮNG VIỆC THIỆN TÂM
+ GB. Bùi Tuần
Cả tháng nay, tôi lo mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nào là lo in thiệp gửi đi lời mừng chúc. Nào là Bùi-Tuần 2062
1.
Cả tháng nay, tôi lo mừng lễ Chúa Giáng Sinh.
Nào là lo in thiệp gửi đi lời mừng chúc.
Nào là lo làm hang đá, với cây thông, giây điện, bảng in Lời Chúa.
Nào là lo theo dõi thời sự khắp nơi về những cách mừng lễ Giáng Sinh trong tình hình rất bất ổn hiện nay.
2.
Đang khi đó, tôi luôn nghe trong lòng tôi có tiếng nhắc bảo: “Hãy đấm ngực”. Bây giờ thì tôi mới hiểu đó là tiếng Đức Mẹ nhắc bảo tôi “Hãy sám hối”.
3.
Mừng lễ Chúa Giáng Sinh bằng đấm ngực, ăn năn sám hối, đó là cách, mà thánh Gioan Tiền hô xưa cũng đã hô hào.
4.
Lúc này, hơn bao giờ hết, tôi xác tín: Mừng lễ Chúa Giáng Sinh bằng sám hối, là điều Chúa mong muốn hơn hết.
5.
Hãy sám hối, nhất là về mọi lỗi lầm và thiếu sót trong lãnh vực Khiêm nhường.
Tại Belem, Chúa Giêsu đã rất khiêm nhường. Gương khiêm nhường đó có được tôi bắt chước không?
Tôi phải sám hối, vì đã không lo bắt chước, hoặc có bắt chước, thì cũng không đúng, không đủ.
6.
Hãy sám hối, đặc biệt là về mọi lỗi lầm và thiếu sót trong lĩnh vực Bác ái.
Tại Belem, Chúa Giêsu giáng sinh đã rất bác ái, ở chỗ hòa mình vào cuộc sống của những kẻ nghèo túng nhất. Gương bác ái đó có được tôi bắt chước không?
Tôi phải sám hối, vì đã không lo bắt chước, hoặc có bắt chước, thì cũng không đúng, không đủ.
7.
Sám hối đòi một sự hồi tâm sâu sắc. Tôi chưa hồi tâm đủ.
8.
Sám hối đòi một sự đổi mới tâm hồn thật sự. Tôi chưa để ý đủ đến việc đổi mới tâm hồn tôi.
9.
Sám hối đòi một sự đền tội thực lòng. Tôi chưa đền tội chút nào cả, hoặc chỉ đền tội qua hình thức dễ dàng.
10.
Nếu lúc này Chúa Giêsu đến với tôi, mà hỏi về sám hối. Thì không chừng tôi sẽ rất bỡ ngỡ và thất vọng vô vàn, vì tôi đã không chuẩn bị đúng để đón Chúa.
11.
Nếu bỡ ngỡ và thất vọng đó làm tôi thức tỉnh, thì đó là ơn phúc cho tôi. Nếu tôi không thức tỉnh, thì sẽ là vô phúc cho tôi.
12.
Tình hình lúc này là hết sức nghiêm trọng, báo trước nhiều bất ngờ khủng khiếp. Những ai sám hối sẽ tránh được phần nào những hãi hùng sắp tới.
Biết thế, mà vẫn không sám hối, thì đó sẽ là một tự chọn đầy đau đớn.
13.
Tôi sẽ không tự mình sám hối được. Tôi phải nhờ ơn Chúa. Chúa sẽ ban ơn cho những ai khiêm nhường.
Khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường, đó là điều Đức Mẹ dạy tôi.
Khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường, đó là điều vẫn đi kèm với yêu thương chân thực.
14.
Tại hang đá Belem, Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse đã nêu gương yêu thương và khiêm nhường, không bằng lời nói, mà bằng việc làm, bằng chính cuộc sống.
Gương sáng đó có sức cứu độ. Nhưng gương sáng cứu độ đó xưa vẫn chỉ là một thiểu số rất ít. Tuy nhiên, thiểu số rất ít đó vẫn là một ngôi sao dẫn đường cho những tâm hồn thiện chí.
15.
Hiện giờ cũng thế. Tôi vẫn thấy trong thời sự hằng ngày vẫn có ngôi sao thiêng liêng xuất hiện, để đưa những tâm hồn sám hối tìm về với Chúa.
16.
Họ sám hối, trong tinh thần cầu nguyện và tỉnh thức.
Tôi đang bắt chước họ.
17.
Bây giờ thì tôi hiểu rõ hơn, thế nào là thiện tâm, mà các thiên thần đã hát xưa trên bầu trời Belem.
Tôi hiểu thiện tâm là những ai cầu nguyện, tỉnh thức và sám hối, mến chuộng yêu thương và khiêm nhường.
18.
Nhận thức trên đây giúp tôi hiểu người thiện tâm sẽ phải phấn đấu nhiều lắm, nhất là phấn đấu với chính mình.
19.
Thiện tâm sẽ không nặng về hình thức, nhưng về chất lượng. Chúa thấu suốt tâm hồn mọi người, sẽ dánh giá đúng ai là thiện tâm. Còn coi Chúa như một phương tiện để lợi dụng, đó là xúc phạm, chứ không phải là thiện tâm.
20.
Với những gì chia sẻ trên đây, tôi xin mọi người cầu nguyện cho tôi được là kẻ thiện tâm, đúng theo ý Chúa.
Và tôi cũng cầu chúc cho mọi người được là kẻ thiện tâm, đúng theo ý Chúa.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”
Long Xuyên, ngày 23.12.2020
Bùi-Tuần 2063: MỪNG TẾT VỚI TÂM TÌNH VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚA
+ GB. Bùi Tuần
Tôi sắp vào tuổi 95. Cuộc đời 95 tuổi là một thời gian tương đối dài. Thời gian dài đó đã dạy tôi Bùi-Tuần 2063
1.
Tôi sắp vào tuổi 95. Cuộc đời 95 tuổi là một thời gian tương đối dài. Thời gian dài đó đã dạy tôi một điều quan trọng, đó là: Tôi không làm chủ thời gian. Không ai làm chủ thời gian. Chỉ Chúa mới làm chủ thời gian.
2.
Tôi xin vắn tắt.
Tôi thụ phong linh mục ở nơi và trong ngày giờ, xóa bỏ mọi trang trọng, mà tôi cũng như các Bề trên của tôi đã không ngờ trước. Coi như bi đát.
3.
Tôi thụ phong Giám mục ở nơi và trong ngày giờ bất ổn, mà chính các Bề trên của tôi cũng như tôi, đã phải thay đổi vào giờ chót. Coi như buồn thảm.
4.
Cả hai lễ thụ phong đó đã rất đơn giản. Đức Mẹ gỡ bỏ khỏi tâm trí tôi bất cứ lo toan nào không phải thánh ý Chúa, Đức Mẹ dạy:
Hãy vâng phục thánh ý Chúa.
Thánh ý Chúa sẽ được báo cho tôi vào lúc Chúa muốn.
Phải sắn sàng từ bỏ ý riêng, để vâng phục thánh ý Chúa. Thực sự vâng phục thánh ý Chúa đã đem lại cho tôi sự bình an.
5.
Những điều trên đây Đức Mẹ dạy tôi trong hai lễ thụ phong, vẫn tiếp tục được nhắc lại trong tôi cho tới bây giờ.
6.
Bây giờ hơn lúc nào hết. Đức Mẹ khuyên tôi hãy vâng phục thánh ý Chúa, và cũng nhắc cho mọi con cái Mẹ hãy vâng phục thánh ý Chúa.
7.
Có một chi tiết mới, mà Đức Mẹ khuyên tôi lúc này, đó là hãy vâng phục thánh ý Chúa, như thánh Giuse xưa.
Xưa, thánh Giuse được thiên thần báo mộng là hãy mang Hài nhi Giêsu và Mẹ của Ngài trốn sang Ai Cập. Thánh Gisuse đã nhận ra đó là thánh ý Chúa. Ngài đã thực hiện đúng, cho dù việc làm đó dưới con mắt người phàm thì coi như kẻ thua kém.
8.
Sau một thời gian ở Ai Cập, thánh Giuse lại được thiên thần báo mộng là hãy đưa Hài nhi Giêsu và Mẹ của Ngài về quê cũ. Nhưng hãy trở về, không theo đường thẳng, mà theo đường vòng, vẫn như kẻ trốn tránh.
Thánh Giuse đã thực hiện đúng. Ngài cho đó là thánh ý Chúa.
9.
Suốt thời gian dài tại Nagiaret, thánh Giuse luôn sống thầm lặng, lao động vất vả, hòa mình vào cuộc sống những kẻ nghèo. Ngài coi đó là thánh ý Chúa.
10.
Thánh ý Chúa là cứu người ta theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, như chính Chúa Giêsu đã nói rõ tại vườn cây Dầu xưa:
“Lạy Cha, nếu có thể, thì xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đường theo ý con. Mà chỉ theo ý Cha thôi.”
11.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi nhìn thấy rất rõ tương lai chúng ta sẽ có nhiều chén đắng. Đó là một thử thách lớn.
Nhưng hãy vững tin: “Những ai vâng phục thánh ý Chúa Cha sẽ được cứu rỗi.”
12.
Riêng tôi, tôi xác tín: Vâng phục thánh ý Chúa là việc không dễ dàng.
Nên, từng giờ, từng phút, từng giây, tôi xin Chúa thương tha thứ cho tôi vì biết bao lần đã không vâng phục thánh ý Chúa.
Đồng thời xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho tôi biết ngoan ngoãn vâng phục thánh ý Chúa Cha, ngay chỉ trong giây phút hiện tại mà thôi.
13.
Với tâm tình trên đây, tôi xin thân ái cầu chưc cho mọi người một mùa Tết, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa, như thánh Giuse.
14.
Thánh Giuse là con người bén nhạy, có ơn phân định trong từng tình hình cụ thể. Xin Chúa thương cho chúng ta được phần nào như Ngài. Hội thánh tại Việt Nam đang rất cần những người như thế.
15.
Thánh Giuse đang âm thầm đào tạo nên những người bén nhạy, biết phân định trong hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam hôm nay. Hãy cộng tác với Ngài. Hãy cảm tạ Ngài.
16.
Tình hình là rất nghiêm trọng. Xin thánh Giuse thương che chở con cái Chúa. Nhất là xin Ngài thương giúp chúng ta nên những người biết vâng phục thánh ý Chúa.
“Thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con, là tình yêu cho con ủ ấp, là ước mơ con thơ đi tìm, là niềm tin cho con luôn vững lòng chờ mong.
Xin dạy con đường nẻo Ngài, xin dìu con từng bước đi, qua ngàn gian khổ có Chúa bên con sợ chi. Vì tình thương Chúa luôn đổ tràn, dẫu muôn ngàn điều gian nan thì đời con vui bước trong bình an giữa những bao lầm than.” (Gia Nghiệp Đời Con, Lm. Thái Nguyên)
Long Xuyên, ngày 29.12.2020
Bùi-Tuần 2064: NĂM MỚI, CON NGƯỜI MỚI
+ GB. Bùi Tuần
Năm mới 2021 đã tới rồi. Tôi rất mong tôi được là con người mới. Để thể hiện ước mong đó, sáng Bùi-Tuần 2064
1.
Năm mới 2021 đã tới rồi. Tôi rất mong tôi được là con người mới.
Để thể hiện ước mong đó, sáng sớm hôm nay, tôi cố gắng đến cầu nguyện trước tượng thánh Giuse trong sân Tòa Giám mục. Tượng chỉ cách phòng tôi vài chục thước.
2.
Tay phải chống gây. Tay trái bám vào một chú dự tu. Vừa bước được hai bước, tôi cảm thấy đau nhói ở bàn chân. Đau quá, tôi phải trở lại ghế nằm đặt sẵn ở hè.
3.
Trong cơn đau khủng khiếp, tôi được nghe thấy một tiếng nói trong lòng: “Con người mới, mà Chúa muốn nơi con là con người vâng phục thánh ý Chúa mà trở nên của lễ như thánh Giuse xưa.”
4.
Đột nhiên tôi hiểu, tự mình, tôi không thể sống như của lễ. Đức Mẹ sẽ giúp tôi. Tôi bám chặt lấy Mẹ. Mẹ chỉ vào thánh Giuse, mà nói: “Đó là gương sáng, suốt cuộc đời là của lễ thầm lặng.”
5.
Suốt cuộc đời thánh Giuse là của lễ thầm lặng: “Và chỉ như vậy, Ngài đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Và chỉ như vậy, Ngài đã loan báo Tin Mừng khắp mọi nẻo đường Ngài đi qua.”
6.
Tôi chợt thấy thánh Giuse đang là của lễ thầm lặng như thế tại Việt Nam yêu dấu của tôi hiện giờ.
Hiện giờ, tại Việt Nam, số người sống như của lễ thầm lặng không phải là ít.
7.
Chúa lặng lẽ làm nơi họ những điều kì diệu. Kỳ diệu nhất là họ không ngừng gieo rắc yêu thương và khiêm nhường của Chúa Giêsu một cách âm thầm trong mọi lãnh vực.
8.
Mỗi ngày, họ phải lắng nghe Chúa, để điều chỉnh lại chính mình.
Điều chỉnh lại chính mình từng ngày, từng giờ, từng phút thì mới thực sự trở thành con người mới trong mọi giây phút.
9.
Điều chỉnh lại chính mình như thế bao giờ cũng đòi sám hối.
Thiếu sám hối, sẽ chẳng bao giờ điều chỉnh lại được chính mình.
10.
Vì thế, khi tôi muốn được là của lễ, tôi phải để ý nhiều đến sám hối.
11.
Với những điều dạy dỗ trên đây, Đức Mẹ dạy tôi. Bất cứ lúc nào Chúa đến tìm tôi, Người sẽ rất vui, nếu thấy tôi là con người mới, ít ra ở một trong những nét cần thiết này:
* Đang sám hối,
* Đang điều chỉnh lại chính mình,
* Đang là của lễ,
* Đang tìm vâng phục thánh ý Chúa,
* Đang gieo rắc yêu thương và khiêm nhường,
* Đang đón Chúa,
* Đang đặt hy vọng vào Chúa.
12.
Sẽ rất đáng buồn, nếu tôi tự phụ, tự mãn, với con người cũ của tôi.
Càng sẽ rất đáng buồn, nếu tôi tưởng mình là con người mới, mà thực ra lại quá cũ.
13.
Tôi xác tín : Chỉ Chúa biết rõ sự thực về từng người. Vì thế, tôi lúc nào cũng trong tư thế:
Giơ hai tay lên trời, xin Chúa xót thương tôi.
14.
Lúc nay, tuy dù đau đớn, tôi cảm thấy vui, thấy hạnh phúc, vì đang được trở nên con người mới, nhờ Đức Mẹ và thánh Giuse.
15.
Lúc này, tôi đang trở nên con người mới, ở sự tôi sống mật thiết với Chúa nhiều hơn: “Thầy là cây nho, con là cành.” (Ga 15,5)
16.
Lúc này, tôi đang trở nên con người mới, ở sự tôi sống yêu thương mọi người như Chúa đã trối lại xưa: “Thầy cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.” (Ga 13, 34)
17.
Lúc này là ngày đầu năm mới 2021, tôi xin thân ái cầu chúc mọi người được trở nên con người mới, như Chúa muốn.
Long Xuyên, ngày 01.01.2021
+ GB. Bùi Tuần
Mấy ngày vừa qua, tôi sống trong tình hình đầy biến động. Do dịch Covid 19 lây lan, Do kinh Bùi-Tuần 2065
1.
Mấy ngày vừa qua, tôi sống trong tình hình đầy biến động.
Do dịch Covid 19 lây lan,
Do kinh tế gặp khó khăn,
Do chính trị căng thẳng ở nhiều nước.
Tôi nhìn lên Chúa, để tìm bình an. Một lúc bất ngờ, tôi nghe nhắc lại trong tôi lời ông Dacaria xưa đã nói về hài nhi Gioan con ông:
“Này đây, con ơi, con sẽ là tiên trị của Đấng Tối cao. Con sẽ ra đi trước mặt Người.” (Lc 1, 75)
2.
Tôi cảm thấy mình đi trước mặt Chúa.
Chúa gần gũi tôi,
Chúa nhìn tôi,
Chúa gọi tôi,
Chúa chăm sóc tôi,
Chúa cứu tôi,
Chúa chữa lành tôi,
Chúa an ủi tôi.
3.
Sự gần gũi Chúa dành cho tôi làm cho tôi cảm nhận: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4, 8)
4.
“Tình yêu ấy giàu lòng thương xót” ( Ephêsô 2,4).
5.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã cho tôi được làm con của Ngài. Tôi là con Chúa trong Đức Kitô.
6.
Đức Kitô sống mật thiết với tôi như thân cây nho với cành nho. (Ga 15,6).
7.
Đức Kitô đã trối tôi cho Đức Mẹ. (Ga 18, 26- 27).
8.
Tôi sung sướng cảm thấy mình là anh em trong gia đình Hội thánh Chúa.
9.
Từ những cảm nhận trên đây, tôi thấy mình được đón nhận vào một bầu khí thiêng tôi được mời gọi tin tưởng phó thác.
10.
Thực sự, tôi coi sự tôi tín thác vào Chúa giàu lòng thương xót là như hơi thở của tôi.
11.
Thực sự, tôi coi sự tôi tín thác vào Đức Mẹ là như điểm tựa từng giờ, từng phút, từng giây của tôi.
Tôi rất yếu đuối, dễ sa ngã. Nhưng nhờ tín thác vào Chúa và Đức Mẹ, tôi lại bắt đầu lại.
12.
Nói về sự yếu đuối của tôi, tôi xin thú thực là sự yếu đuối đó là một sức mạnh khủng khiếp, như thánh Phaolô đã nói: “Sự thiện tôi muốn làm, thì tôi lại không làm. Sự ác tôi không muốn, thì tôi lại làm.” (Rm 7, 19).
13.
Thêm vào sức mạnh của sự yếu đuối, còn có quỉ Satan. Theo cách nói của thánh Phêrô, thì quỉ Satan giống như sư tử đói gầm thét đi tìm mồi. Chúng rất đông, rất thông minh, rất mạnh. (1Pr 5,8).
Nếu không có ơn Chúa giúp, tôi tự mình khó có thể chống lại được lũ quỉ đó.
14.
Tin Mừng là nhờ Chúa mà thôi.
Do vậy, có thể nói. Chỉ khi tôi có Chúa trong tôi, tôi mới thực sự có Tin Mừng.
15.
“Chúa ở cùng anh chị em.” Đó là lời chúc đầu năm, mà Hội Thánh trên trời và dưới đất, gửi tơi mỗi người chúng ta.
Hãy đón Chúa vào lòng mình:
Chúa là Tin Mừng,
Chúa là bình an,
Chúa là hạnh phúc,
Chúa là Tình yêu,
Chúa là người xót thương cứu độ.
16.
Đón nhận Chúa bằng cầu nguyện,
Đón nhận Chúa bằng tỉnh thức.
17.
Năm mới sẽ có những bất ngờ lớn lao, có thể gây hãi hùng.
Hãy đón Chúa vào lòng,
Hãy ở lại trong Chúa,
Hãy tỉnh thức nơi Chúa.
Chúa mới là Tin mừng thực sự.
18.
Hãy đón nhận Chúa không phải chỉ bằng thái độ đối với Chúa, mà còn phải bằng thái độ giữa con người với con người.
19.
Giữa con người với con người, đừng coi mình là quyền lực, nhưng hãy là tình thương.
Giữa con người với con người, đừng chỉ biết tìm phần thắng cho mình, nhưng hãy biết nhường nhịn, lo phục vụ hơn là cai trị.
Giữa con người với con người, đừng chỉ biết tìm cho mình cuộc sống thảnh thơi, mặc kệ ai muốn làm gì thì làm, nhưng hãy biết góp phần vào việc chung với tinh thần liên đới khiêm nhường yêu thương.
20.
Trên đây là Tin Mừng hôm nay của tôi. Xin dâng lên Chúa. Xin gửi anh chị em. Amen.
Long Xuyên, ngày 10.01.2021
+ GB. Bùi Tuần
Năm mới này được Chúa báo trước sẽ là thời gian có nhiều gian nan khốn khó. Nhưng chính trong Bùi-Tuần 2066
1.
Năm mới này được Chúa báo trước sẽ là thời gian có nhiều gian nan khốn khó.
Nhưng chính trong cảnh gian nan khốn khó ấy, Chúa sẽ cứu những ai đón nhận tình yêu thương xót Chúa.
2.
Thế nào là đón nhận tình yêu thương xót Chúa?
Thưa là theo gương thánh Giuse, góp phần của mình vào việc kiến tạo nơi mình ở thành một gia đình yêu thương.
Gia đình yêu thương có Chúa ở cùng. Gia đình yêu thương có Đức Mẹ chăm sóc. Tình yêu của Đức Mẹ và của Chúa là rất thiêng liêng, luôn kêu gọi được đón nhận.
3.
Những ai được kể là đón nhận tình yêu Đức Mẹ và tình yêu Chúa?
Thưa là những ai yêu thương kẻ khác với sự tha thứ, với những chia sẻ, với những phục vụ, với những hy sinh, quên mình.
4.
Họ là những kẻ góp phần xây dựng nơi mình ở thành tổ ấm được tình yêu Chúa ấp ủ, được tình thương của Đức Mẹ nâng niu.
5.
Họ cũng là những kẻ tha thiết muốn mọi người được về thiên đàng, bên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, hưởng hạnh phúc vô cùng trong cõi sống vô biên.
6.
Như vậy, thái độ của chúng ta đối với những người khác sẽ là một điều kiện để đón Chúa.
Mà để có thái độ tốt đối với người khác, chúng ta rất cần có ơn Chúa. Nghĩa là chúng ta cần cầu nguyện.
7.
Gia đình tốt là gia đình cầu nguyện. Gia đình tốt là gia đình biết lo cho những người khác.
Mọi người trong gia đình đều có trách nhiệm như thế.
Nhưng, người có trách nhiệm quan trong hơn thiết tưởng chính là người đứng đầu gia đình.
8.
Người giữ vai gia trưởng trong đạo, ngoài đời hiện nay có ảnh hưởng rất lớn cho thế giới hôm nay.
9.
Gia trưởng khôn ngoan sẽ cứu được cả gia đình, dù gia đình là một nước, một giáo phận, một đơn vị nhỏ.
10.
Gia trưởng thiếu đạo đức, thiếu khôn ngoan có thể lái cả gia đình xuống vực thẳm, cho dù gia đình là cả một châu lục, một Hội thánh địa phương.
11.
Gia trưởng đang có vai trò rất quan trọng, nếu lại thiếu khiêm nhường, trao mình cho ác quỉ Satan chăm sóc, thì không những gia trưởng sẽ bị hại, mà cả gia đình cũng sẽ bị vạ lây.
12.
Chính vì thế mà vấn đề gia trưởng đang là vấn đề gây nhức nhối cho bao người hiện nay.
13.
Nếu người gia trưởng được gia đình tín nhiệm, thì đó là bình an và hạnh phúc.
14.
Nếu gia trưởng bị gia đình mình chống đối hoặc nghi ngờ, thì đó là những sóng ngầm nguy hiểm cho cả gia đình, nhất là khi tình hình bùng nổ những bất ngờ gây biến động.
15.
Lúc này, chẳng ai dám chắc chắn sự gì sẽ xảy ra cho năm mới. Nhưng năm mới vẫn đem lại hy vọng cho những ai tin cậy ở Chúa.
16.
Hy vọng trong tình hình có nhiều thất vọng, đó là điều Chúa sẽ làm trong tâm hồn khiêm nhường sám hối.
17.
Với tinh thần khiêm nhường thống hối, chúng ta đấm ngực mình, chứ không đấm ngực kẻ khác.
18.
Với tinh thần khiêm nhường thống hối, chúng ta phó thác sự yếu đuối của chúng ta cho Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
19.
Với tinh thần khiêm nhường thống hối, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho những ai yếu đuối dưới mọi hình thức.
20.
Với tinh thần khiêm nhường thống hối, chúng ta cảm tạ Chúa đã xót thương chúng ta, và xin Chúa tiếp tục thương xót chúng ta.
21.
Và như vậy, những ngày đầu năm nay, chúng ta nhìn lên Chúa hơn là nhìn vào bất cứ đâu để tìm điểm tựa bền vững.
22.
Riêng tôi, hay âm thầm cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse, dâng lên Chúa những tâm tình phó thác, như bài ca gợi ý sau đây:
“Giữ gìn con Chúa ơi, vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm. Trong cánh tay Người hồn con vui sống, tình yêu Chúa khoan dung bền vững muôn đời.
1. Hồn con thao thức bên lòng Chúa, Chúa là gia nghiệp duy nhất đời con. Là chén phần phúc con trông mong, con tiến dâng Người tấm lòng cậy trông.” (Ca tình tri âm, Lm. Kim Long)
Long Xuyên, ngày 15.01.2021
------------------------
Bùi-Tuần 2067: CHÚA LÀM TẠI ĐÂY NHỮNG SỰ LẠ LÙNG
+ GB. Bùi Tuần
Tôi đang sống trên Quê Hương Việt Nam có nhiều biến cố trọng đại.Với cái nhìn của đức tin Bùi-Tuần 2067
1.
Tôi đang sống trên Quê Hương Việt Nam có nhiều biến cố trọng đại.Với cái nhìn của đức tin, tôi rất mừng, khi thấy Chúa đã và đang làm nơi đây những sự lạ lùng.
2.
Một trong những sự lạ lùng rất nên nói lên ở đây là Chúa làm cho Lời Chúa được thực hiện nơi rất nhiều người ngoài Công giáo.
3.
Thí dụ Chúa Giêsu dạy: “Khi chúng con làm việc từ thiện giúp đỡ kẻ khác, thì hãy làm cách kín đáo, đừng phô trương. Cha trên trời thấy, sẽ thưởng công cho các con.” (Mt 6, 1-2).
Tôi rất vui mừng khi thấy Lời Chúa dạy trên đây đã và đang được nhiều người ngoài Công giáo tại đây thực hiện một cách chân thành.
4.
Họ là những người Phật giáo truyền thống, những người Phật giáo Hòa Hảo, những người Cao Đài, những người đạo Hiếu Nghĩa, những người Cộng Sản.
5.
Họ đã và đang làm từ thiện bằng những việc:
Cụ thể,
Quảng đại,
Với cách tự nguyện, kín đáo.
6.
Họ đã và đang tạo nhiều thuận lợi, để các vị chức sắc Công giáo tại đây có thể phục vụ các người nghèo, như trao nhà tình nghĩa, phát học bổng, mở bệnh xá, phục vụ những bệnh nhân, những người nghèo.
7.
Họ cũng đã và đang tạo thuận lợi, để những người Công giáo vùng sâu vùng xa được có nhà thờ, có Thánh lễ.
8.
Tôi có cảm nhận là họ đang cộng tác với Chúa trong việc cứu độ con người.
9.
Họ được Chúa dùng như những người cộng tác với Chúa, vì họ khiêm nhường và yêu thương. Sự khiêm nhường và yêu thương nơi họ cũng do ơn Chúa ban, và đã được họ đón nhận với thiện tâm chân thành. Họ biết đau cái đau của người khác. Biết chịu khổ thay người khác.
10.
Chính tôi đã thấy nhiều người trong họ đã âm thầm giúp đỡ Hội Thánh Chúa được phát triển, nước tình yêu Chúa được lan rộng.
11.
Từ kinh nghiệm trên đây, tôi tự bảo mình rằng: Chúa làm những sự lạ lùng, mình không nên đặt giới hạn cho lòng thương xót Chúa.
Xưa, Phaolô là kẻ hăng say bắt đạo, nhưng rồi đã trở nên kẻ nhiệt thành mở đạo. Đúng là Chúa làm những sự lạ lùng. Xưa đã thế, nay cũng vậy.
12.
Thú thực, là chính tôi cũng đã được nhiều người trong họ khích lệ, để tin vào Chúa.
Có lúc, tôi như chán sống, vì quá khổ đau xác hồn, thì xuất hiện một người nào đó ngoài Công giáo, đã âm thầm an ủi tôi hãy tin vào Chúa.
13.
Đúng là Chúa đã làm những sự lạ lùng. Lúc này, hơn bao giờ hết, Chúa hay nhắc cho tôi điều này: Thánh Giuse đang làm những phép lạ một cách thầm lặng tại Việt Nam hôm nay.
14.
Thánh Giuse cũng đang làm nhiều phép lạ một cách thầm lặng nơi tôi lúc này.
15.
Tôi không thể diễn tả được bằng lời nói. Tôi chỉ xin hết lòng phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót mà thôi.
16.
Tình hình càng diễn biến phức tạp, chúng ta càng cần tìm đến Thánh Giuse. Hãy theo gương Ngài, bước theo Chúa một cách thầm lặng.
Thầm lặng, nhưng cầu nguyện và phó thác, hy sinh quên mình.
17.
Một điều lạ lùng mà Thánh Giuse đã làm cho tôi, khiến tôi ngỡ ngàng, đó là cách Ngài giúp đỡ tôi.
Ngài giúp đỡ tôi một cách rất tế nhị, Ngài lo chăm sóc tôi qua nhiều người đơn sơ, kín đáo quên mình.
18.
Rất nhiều khi, tôi vừa tỏ ý cảm ơn Ngài, thì lập tức Ngài chỉ vào Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Ngài tỏ ý khuyên tôi hãy nhớ cảm ơn Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Còn Ngài, thì xin rút vào bóng tối.
Ngài luôn tỏ ý khuyên tôi hãy khiêm tốn để Chúa đổi mới tôi mỗi ngày , mỗi giờ, mỗi phút, theo hướng vâng phục thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa là Tổ Quốc Việt Nam được bình an, hạnh phúc của Chúa nhờ khiêm tốn đổi mới trong ơn Chúa.
Long Xuyên, ngày 27.01.2021
---------------------------
Bùi-Tuần 2068: HY VỌNG LÓE SÁNG GIỮA THỜI SỰ ĐẦY CHUYỂN BIẾN PHỨC TẠP
+ GB. Bùi Tuần
Mấy ngày nay, lúc nào tôi cũng được nghe cảnh báo về một tình hình diễn biến phức tạp:Từng Bùi-Tuần 2068
1.
giờ số người lây nhiễm đại dịch tăng,
Từng giờ số người tử vong do đại dịch tăng,
Từng giờ số người mất niềm tin tăng.
2.
Thấy vậy, tôi lo buồn, nhìn lên Chúa. Chúa an ủi tôi, bằng cách cho tôi nhớ lại cảnh Chúa xưa đã khóc thương thành Giêrusalem: “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu”.
(Lc 13,34)
3.
Nhưng lúc này, một số con cái Chúa đang chịu để cho tình xót thương Chúa ấp ủ. Và đó là niềm hy vọng.
4.
Chính tôi đang được nếm sự ngọt ngào của niềm hy vọng đó.
5.
Thực vậy, tôi đang được tình xót thương Chúa ấp ủ, bằng nhiều cách như:
Qua tình Mẹ Maria,
Qua tình thương của thánh Giuse,
Qua tình hiệp thông của Hội Thánh,
Qua tình liên đới của các phong trào đạo đức,
Qua tình đồng bào của các tấm lòng chân thành gần xa,
Qua tình người của cả nhân loại.
6.
Khi tôi để mình được tình xót thương Chúa ấp ủ qua rất nhiều nguồn tình thương như thế, tôi mới thấy sự ấm áp của tình xót thương Chúa dành cho tôi quả là huyền diệu, quả là lạ lùng.
7.
Từ đó tôi nhìn đâu cũng có Chúa, đâu cũng lóe sáng nguồn hy vọng. Và trong ánh sáng niềm hy vọng đó, tôi mới hiểu rõ hơn những lời khuyên sau đây của thánh Phaolô.
8.
“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.
Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 1- 2)
9.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến ơn biết phân định. Đó là điều rất cần cho chúng ta lúc này.
10.
Thực vậy, lúc này hơn bao giờ hết, tôi thấy đang bùng nổ nhiều sáng kiến đạo đức, do cá nhân và do phong trào. Nếu không có ơn phân định, thì những nhiệt tình đạo đức đó có thể sẽ chỉ gây rối cho Hội Thánh Chúa mà thôi.
11.
Riêng tôi, với ơn phân định, tôi sống hiện nay thế này:
Tất cả đời của tôi đều được coi là một của lễ dâng lên Chúa. Của lễ đó cốt yếu là niềm tin. Tôi tin ở Chúa. Nên tôi phó thác mình cho Chúa. tôi sống như của lễ. Tôi sẽ chết như của lễ.
12.
Thực sự, Chúa đã nhận tôi là của lễ. Nên Chúa cứu tôi, Chúa che chở tôi, Chúa ấp ủ tôi, Chúa chữa lành tôi.
13.
Tôi được là của lễ hèn mọn. Nhiều người cũng đang được như thế. Đó là điểm lóe sáng niềm hy vọng, giữa thời sự đầy chuyển biến phức tạp.
14.
Đức Mẹ và thánh Giuse cũng đang vui mừng dâng tôi lên Chúa như của lễ hèn mọn.
15.
Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux hay kể cho tôi chuyện Ngài đã sống như của lễ một cách đơn sơ bằng những việc lành âm thầm hằng ngày.
16.
Ai sống như của lễ, thì Chúa thấy rõ. Họ sẽ được Chúa cứu. Họ sẽ được Chúa dùng để cứu nhiều người khác.
17.
Vì thế, lời cầu chúc năm mới tôi xin gửi tới mọi người là: Hãy sống như của lễ.
Long Xuyên, ngày 30.01.2021
------------------------------------------------------------------
Bùi-Tuần 2069: LÃNH NHẬN PHÉP LÀNH CỦA CHÚA DỊP ĐẦU NĂM
+ GB. Bùi Tuần
1.
Tết đang tới.
Đối với tôi, một việc tôi cho là hết sức quan trọng, cần thực hiện đầu năm mới, đó là lãnh nhận Phép Lành của Chúa, để Phép Lành của Chúa sẽ đem lại cho tôi sự bình an, và giúp tôi biết góp phần xây dựng bình an cho những người khác.
2.
Chính Đức Mẹ soi sáng cho tôi như thế. Tôi vâng ý Đức Mẹ mà cầu nguyện.
3.
Cầu nguyện theo ý Đức Mẹ là hãy cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy xưa, theo gương người thu thuế khiêm nhường, chứ đừng theo gương người Pharisiêu kiêu ngạo.
4.
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”
5.
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
6.
Rồi, Chúa Giêsu kết luân: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18, 11- 14)
7.
Thế là đã rõ ràng.
Nếu tôi muốn lãnh nhận Phép Lành của Chúa thì điều đầu tiên tôi phải làm là rất khiêm nhường.
Tôi cần sám hối.
8.
Khi tôi thực tình sám hối, thì Chúa thương ban cho tôi được bình an, và thực tình muốn chia sẻ sự bình an đó cho nhiều người khác.
9.
Tự nhiên tôi hiểu sám hối chân thành là điều kiện cần, để đón nhận Phép Lành của Chúa.
Chứ không phải là kể công và cảm tạ về những công đó.
10.
Tới đây tự nhiên tôi nhớ tới Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ.
Lần nào vào phòng Ngài để thăm Ngài, thì cũng thấy tay ngài cầm tràng hạt Mân côi.
Ngài có lần nói với tôi: “Khi lần chuối Mân côi, tôi thích đọc đi đọc lại Kinh: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội.”
“Nhận mình là kẻ có tội” sẽ cảm thấy được an ủi, được an toàn. Ngài tha thiết nhắc đến việc sám hối và đền tạ.
11.
Theo gương Đức Cha Cố, tôi vẫn tập làm quen như vậy, và chính lúc đó, tôi nhận được Phép Lành của Chúa.
12.
Rất may là hiện giờ nhiều người cũng đang để ý đến sám hối và đền tạ. Như điều kiện để đón nhận Phép Lành của Chúa.
13.
Sám hối, đền tạ dưới nhiều hình thức đang đổi mới Hội Thánh chúng ta.
14.
Người nào, nơi nào thực tình sám hối, đền tạ, sẽ nhận được Phép Lành của Chúa, như những trận mưa hoa hồng mầu nhiệm có sức cứu độ.
15.
Riêng tôi, tôi hết lòng cảm tạ Đức Mẹ đã và đang giúp tôi nhận mình là kẻ có tội, để xin Mẹ thương cầu thay nguyện giúp cho tôi.
Tôi thấy mình được Phép Lành của Chúa ủi an, cứu chữa trong tình thương Chúa giàu lòng thương xót vô biên vô bờ.
16.
Rất có thể tôi đang nhận được Phép Lành của Chúa qua những người hiện giờ sống sám hối và đền tạ rải rác trong Hội Thánh Việt Nam nói chung và trong giáo phận của tôi nói riêng. Họ âm thầm mà mạnh mẽ.
17.
Rất có thể tôi cũng đang nhận được Phép Lành của Chúa qua những tâm hồn lúc này sống sám hối và đền tạ ẩn khuất ngoài Hội Thánh Công giáo. Họ chân thành và can đảm.
18.
Rất có thể nhiều người xa gần đang nhận được Phép Lành của Chúa qua nếp sống sám hối và đền tạ của tôi, cho dù nếp sống đó vẫn còn yếu ớt.
19.
Sống sám hối và đền tạ, đó là những việc đạo đức cần nhấn mạnh lúc này, vì tình hình đang diễn biết rất phức tạp và nguy hiểm. Chúa Thánh thần sẽ giúp chúng ta thực hiện những việc khó khăn đó.
Long Xuyên, ngày 06.02.2021
Bùi-Tuần 2070: CHÚA BỒI DƯỠNG TÔI GIỮA THỜI KỲ ĐẠI DỊCH
+ GB. Bùi Tuần
Thời kỳ này đang như bầu trời u ám. Đâu đâu cũng lo chống đại dịch. Ngay mấy ngày Tết cũng Bùi-Tuần 2070
1.
Thời kỳ này đang như bầu trời u ám. Đâu đâu cũng lo chống đại dịch. Ngay mấy ngày Tết cũng như chìm trong dòng thời sự lo buồn.
2.
Riêng tôi càng thấy thấm sâu nỗi buồn, do già yếu bệnh nạn.
3.
Trong thực tế đó, tôi được Đức Mẹ nhắc cho tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã phán xưa.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.
(Mt 11,28- 30)
4.
Tôi tin vào lời Chúa. Với niềm tin đơn sơ, mạnh mẽ và trong tay Đức Mẹ tôi đến với Chúa Giêsu.
5.
Tôi trút mọi gánh nặng của tôi vào trái tim Chúa Giêsu.
Tôi tin tưởng phó thác, cầu nguyện, sám hối.
6.
Dần dần tôi cảm thấy lòng tôi nhẹ nhàng.
Cảm nhận đầu tiên rõ nhất là tôi thấy mình được ơn tha thứ. Chúa cho tôi thấy rõ tôi là kẻ tội lỗi, nay được Chúa tha thứ, ơn tha thứ đó được tôi cảm nhận là rất huyền diệu.
7.
Càng được tha thứ, tôi càng thích trở nên khiêm nhường và hiền từ.
Sự khiêm nhường và hiền từ lôi cuốn tôi lúc đó là từ trái tim Chúa Giêsu.
8.
Chính sự khiêm nhường và hiền từ đó của Chúa mới là dấu ấn của những ai được Chúa thứ tha.
9.
Chính sự khiêm nhường và hiền từ đó do Chúa ban cho mới là sức mạnh thiêng liêng có thể cứu tôi và mọi người trong thời kỳ khốn khó hiện nay.
10.
Chính sự khiêm nhường và hiền từ đó từ Chúa chia sẻ cho, đã giúp cho tôi cảm thấy những khổ đau tôi gặp phải lúc này có thể trở thành nhẹ nhàng, êm ái.
11.
Từ những cảm nhận trên đây, tôi coi sự khiêm nhường và hiền từ do Chúa ban cho, đúng là những ơn rất quí, rất cần cho thời kỳ nguy hiểm hiện nay.
12.
Được Chúa bồi dưỡng cho sự khiêm nhường và hiền từ, đó là việc Chúa đang làm cho nhiều tâm hồn hiện nay.
13.
Tôi thấy Chúa đang làm việc đó, không phải chỉ trong Hội thánh Công giáo, mà còn làm một cách lạ lùng việc đó trong nhiều tín ngưỡng tại Việt Nam hôm nay.
14.
Tại Việt Nam hôm nay, tôi thấy nhiều người vô tôn giáo, nhưng mọi người đều có tín ngưỡng.
15.
Với tín ngưỡng của riêng mình, mọi người đều mang nặng tâm thức cầu nguyện.
16.
Và trong tâm thức cầu nguyện, rất nhiều người coi trọng sự khiêm nhường và hiền lành, xem đó như những giá trị nhân bản có sức cứu độ.
17.
Thú thực là nhiều người trong họ đã khích lệ tôi sống khiêm nhường và hiền lành. Chúa đang dùng họ, để bồi dưỡng tôi về mặt đạo đức, thế mới lạ. Việc Chúa làm, ta sao hiểu nổi.
18.
Tóm lại, hãy khiêm nhường và hiền lành, như Chúa Giêsu đã nói và đã nêu gương.
Đó là cách diệt các thứ virút về kiêu căng và độc ác là những virút cực kì nguy hiểm.
19.
Khi tôi vừa viết tới đây, thì bỗng dưng tôi nhìn lên. Tôi ngạc nhiên như thấy thánh Giuse đứng cạnh tôi. Ngài khiêm nhường và hiền lành, thầm lặng.
20.
Ngài gửi tặng tôi Lộc Xuân Tân Sửu. Lộc đó là khiêm nhường và hiền lành. Xin hết lòng cảm tạ thánh Giuse.
Long Xuyên, ngày 15.02.2021
------------------------------------------------------------
+ GB. Bùi Tuần
Một việc Đức Mẹ đã luôn dạy tôi, đó là sám hối. Hãy sám hối không chỉ trong Mùa Chay, mà hãy Bùi-Tuần 2071
1.
Một việc Đức Mẹ đã luôn dạy tôi, đó là sám hối.
Hãy sám hối không chỉ trong Mùa Chay, mà hãy sám hối suốt đời.
2.
Sám hối, mà Đức Mẹ luôn nhắc bảo tôi là hãy điều chỉnh lại tâm hồn mình cách riêng ở nét bao dung.
3.
Như Chúa đã luôn bao dung đối với tôi là kẻ có tội, thì tôi cũng hãy bao dung đối với mọi người như vậy.
4.
Hôm nay, nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy tôi được như bây giờ, là nhờ Chúa đã bao dung vô bờ bến dành cho tôi.
5.
Tôi được như bây giờ cũng nhờ một lịch sử dài đầy bao dung đã chấp nhận tôi, đã đỡ nâng tôi.
6.
Đức Mẹ dạy tôi bao dung là không loại trừ. Cho dù có ai loại trừ tôi, tôi cũng không vì thế mà tôi loại trừ họ. Bởi vì tôi tin vào Lời Chúa.
7.
Chúa phán: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.
Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”(Mt 18, 12-14).
8.
Tôi xác tín tôi là con chiên lạc được Chúa tìm về trong tình yêu đầy bao dung của Chúa. Để cảm tạ Chúa, tôi phải bao dung đối với mọi kẻ lầm lạc, như Chúa đã làm cho tôi. Nhưng trên thực tế, tôi đã nhiều lần thiếu bao dung đối với họ.
9.
Vì thế, trong sám hối, tôi thường được Đức Mẹ nhắc bảo về bổn phận phải bao dung.
10.
Vâng ý Đức Mẹ, tôi xét mình, và thấy đúng là tôi đã lỗi lầm về bao dung.
Để sửa mình về thiếu sót đó, tôi thấy tôi rất cần ơn Chúa giúp. Ơn Chúa sẽ giúp tôi biết khiêm nhường, hiền từ là những đức tính dọn đường cho bao dung.
11.
Ơn Chúa giúp tôi bao dung, cũng qua nhiều gương sáng gần gũi với tôi.
12.
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc đến vài gương sáng thân thương nhất, đó là Đức Cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.
Hai Phanxicô đó đã là những tấm gương lôi cuốn tôi về bao dung. Không những các ngài đã lôi cuốn tôi, mà còn đã và đang lôi cuốn nhiều người khác, để biết sống bao dung.
13.
Đức Mẹ đang cho tôi thấy hiện tình đời đạo là rất nguy hiểm. Thiếu bao dung, đó là thứ vi-rút cực kỳ nguy hại, mà quỷ Satan đang tung ra, để phá nhân loại, nhất là để phá Nước Thiên Chúa.
14.
Trong Phúc âm Thánh Marcô, Chúa Giêsu nói đơn sơ thế này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).
15.
Chúa kêu gọi sám hối, và tin vào Tin Mừng. Tôi hiểu ý Chúa là sám hối hiện giờ cần phải nhấn mạnh đến việc mở lòng mình ra, mà sống bao dung. Và tin vào Tin Mừng là nhấn mạnh đến Chúa Giêsu, Người là Tin Mừng, đầy tình yêu thương xót, bao dung.
16.
Sám hối về bao dung, đó là sứ điệp Đức Mẹ gửi tới tôi và mọi người. Tôi tận tình thực thi sứ điệp đó.
17.
Ngày nào cũng vậy, lúc nào cũng vậy, để thực thi sứ điệp sám hối về bao dung, mà Đức Mẹ gửi cho tôi, tôi luôn cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ tôi.
18.
Đức Mẹ dạy tôi là hãy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ngài đang đốt lên khắp nơi trong Hội Thánh ngọn lửa sám hối về bao dung. Tuy âm thầm, ngọn lửa sám hối đó đang đổi mới rất nhiều linh hồn, đặc biệt là những linh hồn có lòng mộ mến Thánh Giuse.
19.
Tôi hãy khiêm tốn đi theo họ.
Thực sự, khi khiêm tốn đi theo họ, mà sám hối dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tôi cảm nhận được niềm vui sám hối là rất lạ lùng.
20.
Sám hối đem lại niềm vui. Bởi vì sám hối mang lại sự sống, hy vọng và sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương.
21.
Đức Mẹ dạy tôi: bao dung thực chất luôn đi liền với khôn ngoan, sáng suốt, đặc biệt là với ơn phân định của Chúa Thánh Thần.
22.
Nghĩa là sẽ có những thứ bao dung giả. Vì thế, mà chúng ta rất cần tỉnh thức và cầu nguyện theo gương Thánh Giuse.
Long Xuyên, ngày 01.03.2021
----------------------
Bùi-Tuần 2072: YÊU THƯƠNG VÀ HY SINH
+ GB. Bùi Tuần
Đã lâu rồi, Chúa hay hỏi tôi: “Gioan, con đang ở đâu?” Tôi thưa: “Lạy Chúa, con đây. Con đang Bùi-Tuần 2072
1.
Đã lâu rồi, Chúa hay hỏi tôi: “Gioan, con đang ở đâu?” Tôi thưa: “Lạy Chúa, con đây. Con đang cùng với Đức Mẹ, đứng dưới chân thánh giá treo Chúa bị đóng đinh.”
2.
Rồi từ trên thánh giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho tôi những lời xưa Chúa đã nói về chính Ngài:
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 11)
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10, 18)
3.
“Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, đó là danh hiệu Chúa Giêsu nói về chính mình. Và Chúa muốn tôi và các môn đệ của Chúa cũng hãy là như thế.
4.
Lúc này, hơn bao giờ hết, danh hiệu hy sinh mạng sống mình để cứu người khác đang vang dội khắp nơi trong đạo ngoài đời.
5.
Hy sinh mạng sống mình để cứu người khác cũng đang là sứ điệp khẩn thiết Chúa gửi tới tôi các môn đệ Chúa, ngay tại Việt Nam này.
6.
Nhiều người đang trả lời Chúa: “Lạy Chúa, con đây.”
Tôi cũng cùng với họ mà trả lời như thế: “Lạy Chúa, con đây.”
7.
Một cách đặc biệt, Đức Mẹ dưới chân thánh giá, đang khích lệ tôi cũng hãy tin tưởng mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đây.”
Thú thực là, tính tự nhiên của tôi vốn sợ hy sinh mạng sống mình. Vì thế, tôi hết lòng van xin Đức Mẹ giúp tôi.
Trong tay Mẹ, tôi đang trả lời: “Lạy Chúa, con đây.”
8.
Dần dần, tôi cảm nhận được ơn muốn hy sinh mạng sống mình trong chỗ đứng lúc này của tôi là rất lạ lùng.
9.
Xin dựa trên thực tế đơn giản của tôi. Tôi được sống gần gũi với Đức Cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Ngài là người luôn hy sinh mình để cứu đoàn chiên. Hy sinh của ngài là lối sống khó nghèo, lối sống khiêm nhường, lối sống tha thứ.
Ngài luôn chết đi cho chính mình để cứu đoàn chiên. Ngài luôn đứng dưới cây thánh giá treo Chúa Giêsu, để thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, con đây.”
10.
Tôi may mắn được đến Ars, viếng thánh Gioan Vianney, Cha sở Ars. Cha thánh Gioan Vianney là người luôn hy sinh mình để cứu đoàn chiên. Hy sinh của Ngài là nếp sống khó nghèo, khiêm tốn, khắc khổ.
Ngài luôn chết đi cho chính mình, để cứu đoàn chiên. Ngài luôn sống bên thánh giá Chúa, để luôn nói với Chúa: “Lạy Chúa, con đây.”
11.
Tôi cũng đã và đang gặp được nhiều Giám mục, Linh mục có cuộc sống mang đậm nét hy sinh, để cứu đoàn chiên của mình.
12.
Tôi xác tín khi các vị đó thực sự thao thức sống đời hy sinh như thế, sẽ là công cụ Chúa dùng để cứu Hội Thánh hiện giờ đang lâm cảnh nguy khốn.
13.
Riêng tôi, tôi sợ hãi mình sẽ lừa dối mình và lừa dối kẻ khác, nếu tôi tưởng tôi đang hy sinh mạng sống mình để cứu đoàn chiên. Không, tôi rất yếu đuối. Tôi cậy trông vào Chúa. Người là Cha giàu lòng thương xót. Chính Chúa đã, đang và sẽ cứu tôi.
14.
Hơn nữa, tôi xác tín: Rất nhiều người đang hy sinh cho tôi, để nâng đỡ tôi, để cứu tôi.
Tôi không hy sinh cho họ, nhưng họ hy sinh cho tôi, một cách âm thầm, một cách quảng đại, một cách thường xuyên.
15.
Với những tâm tình trên đây, tôi dâng mình cho Chúa Giêsu trên thánh giá. Người ban phép lành cho tôi. Tôi được bình an một cách lạ lùng.
16.
Bình an lạ lùng nhất mà tôi cảm nhận là thấy Đức Mẹ luôn ở bên tôi. Ngày nào Mẹ cũng dạy tôi về yêu thương và hy sinh. Yêu thương mà không hy sinh là yêu thương giả. Hy sinh mà không yêu thương là hy sinh thừa.
17.
Đức Mẹ dạy tôi: yêu thương và hy sinh là những giá trị thiêng liêng cao quý, cần phải học mỗi ngày. Mẹ tha thiết kêu gọi các con cái Mẹ hãy thành thực sám hối về lối sống thiếu yêu thương và hy sinh đang lây lan trầm trọng tại nhiều nơi hiện giờ.
Long Xuyên, ngày 06.3.2021
-------------------------------
Bùi-Tuần 2073: ĐƠN SƠ THA THIẾT VỚI ĐỨC MẸ
+ GB. Bùi Tuần
Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá, khi thấy thân mẫu và người môn đệ Ngài Bùi-Tuần 2073
1.
Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá, khi thấy thân mẫu và người môn đệ Ngài thương yêu đang đứng bên cạnh, Người đã nói với thân mẫu: “Thưa Bà, đây là con Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của con.” Kể từ đó, người môn đệ rước Đức Mẹ về nhà mình. (Ga 19, 26-27)
2.
Một cách riêng tư, Chúa Giêsu cũng đã trối Đức Mẹ cho tôi, và trao tôi cho Đức Mẹ.
Từ đó, tôi sống với Đức Mẹ một cách tha thiết đơn sơ. Đơn sơ tha thiết là thái độ của tôi đối với Đức Mẹ, và cũng là thái độ của Đức Mẹ đối với tôi.
3.
Đơn sơ tha thiết của tôi là tôi luôn nhận mình là kẻ yếu đuối, tội lỗi, rất cần đến Đức Mẹ để đón nhận ơn Chúa cứu độ.
4.
Thực sự là như vậy. Giữa đám đông những người tội lỗi, tôi thấy mình được Chúa xót thương, nhờ Đức Mẹ cầu bầu chở che, nâng đỡ.
Từ đó, tôi hiểu, sống đơn sơ tha thiết với Đức Mẹ chủ yếu là hãy biết đón nhận tình thương của Mẹ.
5.
Nghĩa là đừng quá lo lắng mình phải làm gì cho Mẹ, mà hãy quan tâm đón nhận những gì Mẹ dành cho tôi.
6.
Riêng tôi, biết đón nhận nơi Mẹ được thực hiện bằng nhiều cách.
Có lúc là giơ tay ra về phía Mẹ.
Có lúc là nắm lấy tay Mẹ.
Có lúc là ôm chặt lấy Mẹ.
7.
Vì rất yếu đuối, nên tôi thường ôm chặt lấy Mẹ.
Khi tôi ôm chặt lấy Mẹ, tôi đã đón nhận được rất nhiều điều có sức giúp tôi thoát khỏi những gian nan phần hồn phần xác.
8.
Trong tâm tình đơn sơ tha thiết, Đức Mẹ hay dạy tôi về sám hối. Để dạy tôi về sám hối, có lúc chính Đức Mẹ cùng sám hối với tôi.
9.
Trong sám hối, Mẹ hay dạy tôi hãy nhìn vào máu Chúa Giêsu và nước mắt của Mẹ. Lúc đó, tôi cảm nhận thấy rất rõ sám hối là việc hết sức cần thiết, để cứu tình hình hiện nay.
10.
Sẽ là một lựa chọn sai đầy nguy hiểm, nếu lúc này chúng ta tránh né sám hối, và thay vào đó là những việc đạo đức khác, không hợp với thánh ý Chúa.
11.
Tôi có cảm tưởng là nhiều đồng bào Việt Nam thuộc nhiều tín ngưỡng cũng đang ý thức điều đó. Sám hối đang trở thành dấu ấn của ơn cứu độ.
12.
Hiện giờ, thời sự cho thấy những gian nan phần xác phần hồn đang càng ngày càng thêm phức tạp, càng thêm nguy hiểm, càng thêm bất ngờ.
13.
Trong một tình hình bất ổn như vậy, Chúa giàu lòng thương xót đang kêu gọi các con cái Chúa hãy chạy lại với Đức Mẹ.
14.
Sống đơn sơ tha thiết với Đức Mẹ đối với tôi, chủ yếu là nhờ Mẹ mà sửa mình, mà trở về với Chúa, mọi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.
15.
Thực vậy, Mẹ luôn dạy tôi sống vâng phục thánh ý Chúa, tuân giữ những gì mình đã tuyên hứa với Chúa trước mặt Hội Thánh.
16.
Có Đức Mẹ ở bên mình trong bầu khí đơn sơ tha thiết, đó là hạnh phúc cao quý, tôi phải bảo vệ bằng cầu nguyện và tỉnh thức.
17.
Nếu chẳng may có lúc hạnh phúc đó bị yếu đi hay bị mất, thì tôi rất cần sám hối xin ơn trở về. Đức Mẹ chẳng bao giờ từ chối ơn đó với đứa con yêu của Mẹ.
18.
Có Đức Mẹ ở bên mình, tôi xác tín tôi có thể sinh lợi ích cho nhiều người khác, cho Hội Thánh, cho quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi.
19.
Đến muôn đời, tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi được là con của Đức Mẹ.
Tôi thành thực cầu chúc ơn cao quý đó cho mọi người mà Chúa xót thương.
Long Xuyên, ngày 16.3.2021
----------------------------------------------
Bùi-Tuần 2074: CHÚA GIÊSU NHÌN TÔI
+ GB. Bùi Tuần
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mệt mỏi khác thường. Thân xác thì như tan nát rã rời Bùi-Tuần 2074
1.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mệt mỏi khác thường. Thân xác thì như tan nát rã rời. Chỗ nào cũng đau. Tâm hồn thì sợ hãi, lo âu.
Tôi xin Đức Mẹ cứu tôi. Đức Mẹ dạy tôi hãy nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.
2.
Tôi nhìn lên, thì gặp Chúa Giêsu đang nhìn tôi. Ngài không nói gì. Ngài chỉ nhìn tôi với cái nhìn tha thiết.
3.
Tôi cảm nhận được, cái nhìn âu yếm đó gởi tới tôi rất nhiều tình thương cứu độ.
4.
Tình thương cứu độ là cứu tôi khỏi những nguy nan ngặt nghèo hồn xác.
5.
Tôi cảm thấy mình được an ủi, được cam đảm, được tin tưởng phó thác.
6.
Cái nhìn của Chúa Giêsu có một sức thiêng rất lạ lùng. Vì thế, cầu nguyện đối với tôi lúc này là tập trung nhìn lên Chúa Giêsu.
7.
Tôi nhìn lên Chúa, và gửi vào Chúa tất cả sự thực về cuộc sống tôi, một cuộc sống đầy yếu đuối, tội lỗi.
8.
Khi nhìn vào cái nhìn của Chúa nhìn tôi, tôi cảm nhận được phần nào sức thiêng chữa lành Chúa dành cho tôi.
9.
Từ kinh nghiệm đó, tôi cũng đã nhận ra được phần nào sức thiêng của cái nhìn nơi nhiều môn đệ Chúa.
Ở đây, tôi chỉ xin được nhắc đến vài nhân vật. Trước là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Tôi được may mắn gặp gỡ Ngài nhiều lần. Lần nào cũng vậy, Ngài chỉ nhìn tôi và nói: “Cha biết con rồi. Con đừng quá lo. Hãy tin cậy vào Chúa.”
Cái nhìn của Ngài chuyển gửi sang tôi sự bình an của Chúa.
10.
Nhân vật thứ hai, mà tôi xin được đề cập đến, đó là Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.
Ngài và tôi rất thân nhau. Mỗi lần gặp nhau, Ngài hay nhìn tôi một cách tha thiết và nói: “Hãy nhìn vào Chúa và đặt hy vọng vào Ngài. Đừng sợ.” Cái nhìn của Ngài trấn an tôi.
11.
Thú thực là hiện giờ, tôi cũng đang được hạnh phúc gặp được nhiều người có một cái nhìn chuyển gửi sức thiêng cứu độ.
12.
Từ những kinh nghiệm trên đây, tôi khao khát một sự đổi mới sâu xa hơn trong lĩnh vực mục vụ, phụng vụ, và truyền giáo.
13.
Khi tôi nhìn được cái nhìn của Chúa đang nhìn tôi, thì tôi khám phá thấy một bầu trời huyền diệu về tình yêu thương xót Chúa.
14.
Xưa trên đồi Calve, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá. Cùng bị đóng đinh với Người, quan Philatô cho đóng đinh hai kẻ trộm cướp. Một người bên hữu. Một người bên tả.
15.
Một lúc bất ngờ, người bị đóng đinh bên hữu Chúa liếc nhìn sang Chúa Giêsu, thì thấy Chúa đang nhìn anh.
16.
Lập tức, anh sám hối. Anh nói với anh bị đóng đinh bên trái rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Chúa nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 41-43)
17.
Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu đã nhìn Chúa Giêsu. Cái nhìn của anh gặp cái nhìn của Chúa dành cho anh. Anh cảm động, đã sám hối, và đã được Chúa cho lên Thiên Đàng.
18.
Tôi mong tôi cũng được như anh. Có một lúc, tôi nghe Đức Mẹ nói với tôi: “Mẹ đã cầu cho anh ta thế nào, thì cũng cầu cho con như vậy.”
19.
Thế là một kẻ tội lỗi như tôi đã đón nhận ơn cứu độ qua Đức Mẹ. Thú thực là có lúc tôi đã than thở: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ rơi con?” (Mc 15, 34). Tôi cảm thấy cô đơn, sợ hãi. Nhưng rồi, tôi đã được ủi an nhờ Đức Mẹ. Đức Mẹ đang cứu tôi như đã cứu anh tội phạm bị đóng đinh bên hữu Chúa.
Đến muôn đời, tôi hết lòng cảm tạ Chúa vì ơn được Đức Mẹ cứu tôi.
Long Xuyên, ngày 21.3.2021
---------------------------------
Bùi-Tuần 2075: THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG THỬ THÁCH
+ GB. Bùi Tuần
Vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra cho tôi lúc này là thái độ trước những thử thách. Bởi vì thực tế Bùi-Tuần 2075
1.
Vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra cho tôi lúc này là thái độ trước những thử thách.
Bởi vì thực tế lúc này của tôi là đang chơi vơi giữa muôn vàn khốn khổ, mà tôi gọi là thử thách.
2.
Những khốn khổ đó ập tới, chứ tôi đâu có chọn.
Tôi xin Chúa xót thương tôi, thì Chúa chỉ trả lời: “Hãy vượt qua thử thách nhờ Đức Mẹ.”
3.
Vâng ý Chúa, tôi van xin Đức Mẹ giúp tôi, thì tôi được Đức Mẹ an ủi một cách dịu dàng tha thiết:
“Con ơi, bị thử thách là con đường Chúa Giêsu đã đi, để cứu loài người. Chịu thử thách cũng là con đường Mẹ phải vượt qua, để cứu nhân loại, trong đó có con.”
4.
Con đường thử thách là con đường tất yếu phải đi, để về Thiên Đàng.
5.
Con hãy cùng với Chúa Giêsu và Mẹ vượt qua con đường đó. Con không vượt qua một mình, nhưng hãy vượt qua cùng với Mẹ và Chúa Giêsu.
6.
Trên con đường thử thách, tôi đã nếm nhiều vị đắng của thân phận con người, nhưng nhờ Đức Mẹ, tôi cảm nhận những vị đắng đó lại có chất an thần do tình yêu xót thương của Chúa.
7.
Chúa cho tôi hiểu những lợi ích của con đường thử thách:
Nào là để thanh luyện,
Nào là để đào tạo,
Nào là để cứu giúp người khác.
8.
Đề cập đến việc vượt qua con đường thử thách, để cứu người khác, tôi sực nhớ tới Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
Ngài vượt qua con đường thử thách bằng sự Ngài tự nguyện chết thay cho đoàn chiên.
9.
Gương sáng đó của Ngài soi sáng cho tôi hãy biết chết thay cho những kẻ thuộc về mình.
10.
Có nhiều cách chết thay cho kẻ khác. Chúa Thánh Thần sẽ dạy cụ thể. Quan trọng là chết thay một cách thực sự. Chứ nếu chỉ là biểu diễn, thì sẽ mất hết mọi công phúc.
11.
Hiện giờ, trong đạo ngoài đời, không thiếu những người tự nguyện chết thay cho kẻ khác. Họ làm việc đó một cách âm thầm, coi đó như một ơn gọi Chúa tặng ban, chỉ cần Chúa thấy mà thôi.
12.
Và họ coi đó như là một thái độ cầu nguyện.
13.
Xin hết lòng cảm ơn những ai đang cầu nguyện cho tôi như vậy.
14.
Riêng tôi, tôi tận tình cầu chúc ơn đó cho mọi người dịp lễ Phục Sinh này.
Phục Sinh như vậy là vượt qua con đường thử thách.
15.
Nhưng tôi rất yếu đuối, nên tôi thường thầm cầu nguyện theo bài hát quen thuộc này.
“Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời, vì ngoài Chúa con đâu có ai nương nhờ.
Chúa biết con đây bao yếu đuối. Đường đời muôn gian nguy giăng lối. Chúa là đường dẫn soi trên trần. Xin dắt dìu về ánh Thiên Nhan.
Chúa biết tâm tư con héo úa. Ngày và đêm con kêu van Chúa. Chúa là nguồn sáng tươi hy vọng. Xin cứu hồn khỏi chốn hư vong.
Hãy giúp con kiên trung đoan hứa. Trọn đời con xin dâng hiến Chúa. Dưỡng nuôi con sống trong thánh tịnh. Kính tiến Người bài hát tôn vinh.”
16.
Như vậy, đời tôi đang được trở thành lời cầu nguyện dâng lên Chúa. Một lời cầu không hệ tại số lượng, mà hệ tại ở phẩm chất, nhờ vâng phục thánh ý Chúa mà vượt qua con đường thử thách.
17.
Một điều quan trọng tôi không bao giờ quên, đó là khi vượt qua con đường thử thách, bao giờ tôi cũng ôm chặt lấy Đức Mẹ, để cùng với Mẹ, tôi đón nhận ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
18.
Đúng là phải có ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, tôi mới biết ứng xử với những thử thách.
19.
Đối với tôi, hầu như ngày nào cũng có thử thách mới, do xác thịt, do thế gian, nhất là do ác quỷ. Nhờ Chúa Thánh Thần, tôi sẽ tỉnh táo nhận ra, để biết tránh được những lựa chọn tự gây ra hậu quả khủng khiếp cho mình và cho bao người khác.
Với tâm tình trên đây, tôi cúi mình đón nhận phép lành Phục Sinh của Chúa.
Long Xuyên, ngày 27.3.2021
-----------------------------------
Bùi-Tuần 2076: GẶP GỠ CHÚA PHỤC SINH
+ GB. Bùi Tuần
Xưa, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Ngài. Lần nào hiện Bùi-Tuần 2076
1.
Xưa, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Ngài. Lần nào hiện ra, Chúa Phục Sinh cũng đều chào các môn đệ của Ngài bằng lời: “Bình an cho các con.”
2.
Nay, Chúa Phục Sinh cũng đã nhiều lần đến với tôi. Lần nào gặp tôi, Chúa Phục Sinh cũng đều nói: “Bình an cho con.”
3.
Qua lời chúc đó, Chúa Giêsu cho tôi hiểu: Bình an mà Ngài chúc cho tôi là sự tôi được tha thứ. Nếu tôi biết đón nhận ơn Chúa thứ tha, thì tôi sẽ được bình an.
4.
Ơn tha thứ giúp tôi nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, cần được Chúa thứ tha.
5.
Nhìn nhận mình tội lỗi là yếu tố cần, để tôi đón nhận ơn bình an của Chúa.
6.
Lúc đó, tôi càng nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, thì tôi càng cảm nhận Chúa gần tôi. Bởi vì tôi tin Lời Chúa phán xưa: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt 9, 12)
7.
Hiểu như vậy, nên khi Chúa Phục Sinh cho tôi nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi cần được tha thứ, thì tôi không còn ray rứt nữa, mà thấy có đường để giải cứu, để được an tâm, con đường đó là tin cậy nơi tình yêu thương xót Chúa.
8.
Tình yêu thương xót của Chúa không những tha thứ cho tôi, mà còn ôm ấp, che chở tôi và tín nhiệm ở tôi.
9.
Xưa, Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ của Ngài: “Bình an cho các con, như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.” (Ga 20, 21)
Nay, Chúa Phục Sinh cũng nói với tôi như vậy. Ngài sai tôi đi.
10.
Không những Chúa Phục Sinh đã nói như thế với tôi, mà Ngài cũng nói như thế với nhiều môn đệ khác của Ngài.
11.
Hiểu như vậy, nên tôi biết nương tựa vào các anh em khác trên con đường được Chúa sai đi.
12.
Tôi thấy số người đang được Chúa sai đi, và đang nương tựa vào nhau, hiện giờ không phải là quá ít.
13.
Họ vẫn lên đường. Đường họ đi là tin cậy vào Chúa.
Riêng tôi, trên đường làm chứng cho Chúa, tôi đã gặp được Chúa trên khắp mọi nẻo đường. Như:
14.
Lời Chúa
Các Bí tích
Phụng vụ
Mục vụ
Tu đức
15.
Ngoài ra, tôi đã gặp được Chúa trong nhiều môi trường, như:
Môi trường Văn học, Nghệ thuật
Môi trường Thiên nhiên
Môi trường Chính trị, Kinh tế.
16.
Nhất là tôi đã gặp được Chúa trong các con người gần xa, mà Chúa gửi đến với tôi.
17.
Tôi được gặp Chúa như thế hằng ngày hằng đêm.
18.
Tôi gặp Chúa trong ý thức,
trong tiềm thức,
trong vô thức.
19.
Tôi gặp Chúa, hay Chúa đến gặp tôi, tôi không biết. Nhưng tôi phân định rất rõ Satan làm mọi cách để không có gặp gỡ giữa Chúa Phục Sinh và tôi.
20.
Nhưng nó càng tìm cách phá, thì Đức Mẹ càng ra tay che chở chúng tôi.
21.
Chúng tôi vẫn là dụng cụ bình an của Chúa, như lời Kinh Hòa Bình khẳng định.
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
22.
Thế là dù sống dù chết, chúng ta đều được gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Ngài ban cho chúng ta ơn bình an. Ngài sai chúng ta đi xây dựng an bình.
Long Xuyên, ngày 03.4.2021
--------------------------------------
Bùi-Tuần 2077: NIỀM VUI ĐƯỢC CHÚA GIÊSU CHIA SẺ CHO TÔI
+ GB. Bùi Tuần (Long Xuyên 8-4-2021)
Mừng Kỷ Niệm 30/4/1975
Tôi được thụ phong Giám mục đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày đó bầu khí miền Nam rất Bùi-Tuần 2077
1.
Tôi được thụ phong Giám mục đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày đó bầu khí miền Nam rất hoang mang. Ngày đó tôi lại đang đau yếu.
Nhưng, trong thầm lặng, tôi đã nhận được từ Chúa Giêsu một niềm vui thiêng liêng, mà chính Ngài đã nói ra trước cuộc tử nạn của Ngài.
2.
Niềm vui đó gồm hai yếu tố.
Một là vâng phục thánh ý Chúa Cha. “Lương thực của tôi là làm theo ý Cha tôi đã sai tôi.” (Ga 4,34)
Hai là “những người Cha đã trao cho con, con không để mất một ai.” (Ga 18,9)
3.
Niềm vui gồm hai yếu tố trên đây của Chúa Giêsu đã được Chúa Giêsu chia sẻ cho tôi một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Niềm vui thiêng liêng đó vẫn còn rất mạnh trong tôi.
4.
Niềm vui thiêng liêng đó trở thành lời cầu nguyện hằng ngày của tôi.
5.
Thực vậy, hằng ngày lúc nào tôi cũng cầu xin Chúa cho tôi được vâng theo ý Chúa.
6.
Hằng ngày lúc nào tôi cũng cầu xin Chúa đừng để một ai trong những người Chúa trao cho tôi phải hư mất.
7.
Cầu xin như vậy là một cách sống thân mật với Chúa.
Chính Chúa dẫn tôi vào cuộc sống thân mật đó, mà Chúa gọi là ở lại trong Chúa.
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5)
8.
Thân mật là ở lại.
Đã từ lâu rồi, tôi coi sự ở lại trong Chúa là hạnh phúc của tôi.
Ngài ở lại trong tôi. Nhất là trong khát vọng, trong thao thức, để tôi được cùng với Ngài đi về Thiên Đàng, mãi mãi ở lại đó trong tình yêu của Chúa.
9.
Tôi xác tín: Sống như vậy không những chỉ có lợi cho tôi mà thôi, nhưng cũng có lợi rất nhiều cho đồng bào của tôi, cho Đất nước của tôi.
10.
Bởi vì, nhờ sống như vậy, mà tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của tôi một cách sâu sắc và bền vững, giữa dòng lịch sử luôn đổi thay do nhiều yếu tố.
11.
Lịch sử càng đổi thay, thì chúng ta càng cần có một hướng sống vững vàng đứng trong hàng ngũ những người môn đệ Chúa.
12.
“Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau.” (Ga 13,35)
13.
“Hãy thương yêu nhau, như thầy đã yêu thương các con.” (Ga 15,12)
14.
Những tâm tình trên đây đang là sức mạnh đẩy tôi tới Đức Mẹ. Gặp Mẹ, tôi được Mẹ ôm chặt lấy tôi, Mẹ cho tôi nhớ lại việc Chúa Giêsu đã gửi gắm tôi cho Mẹ, và ban cho tôi được là con của Mẹ.
15.
Từ đó, Mẹ luôn đồng hành với tôi, luôn chia sẻ cuộc sống với tôi. Đặc biệt, Mẹ trở thành niềm vui và hy vọng cho tôi. Nhiều lúc, tôi cảm thấy Mẹ là nơi tôi ẩn náu.
Tình Mẹ dành cho tôi thực là dạt dào, tế nhị.
16.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi rất cần đến Mẹ. Có Mẹ, tôi cảm thấy an tâm giữa dòng đời đầy sóng gió.
17.
Cho dù thân phận mong manh, yếu đuối, nhưng có Mẹ, tôi vẫn cảm thấy vui và vững tâm đi về cõi sau.
18.
Tôi không giữ Mẹ cho một mình tôi, mà luôn đưa Mẹ tới rất nhiều người, để họ cũng được hạnh phúc là con của Mẹ, như tôi đang được hạnh phúc tuyệt vời đó.
19.
Thế là tôi và chúng ta cùng được Mẹ che chở, nâng đỡ, ủi an trong tình thương cứu độ.
20.
Tới đây, tôi nhận thức sâu xa ơn gọi của tôi không đơn giản chút nào.
Tôi tha thiết xin Đức Mẹ trả ơn bội hậu cho những người đã nâng đỡ tôi, để tôi sống ơn gọi đó. Tôi cúi mình đón nhận phép lành của Chúa do Hội Thánh trao ban.
Long Xuyên, ngày 08.4.2021
------------------------------------------------
Bùi-Tuần 2078: ĐÓN NHẬN THA THỨ, VÀ CHO ĐI THA THỨ
+ GB. Bùi Tuần (Long Xuyên 18.4.2021)
Chia sẻ trong thánh lễ 30/4/2021
Ngày 30/4/1975, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục này, tôi đã được thụ phong Giám mục. Giờ phút Bùi-Tuần 2078
1.
Ngày 30/4/1975, tại Nhà nguyện Tòa Giám mục này, tôi đã được thụ phong Giám mục.
Giờ phút đó, tôi cảm nhận sâu sắc mình rất yếu đuối cả phần xác lẫn phần hồn.
Cảm nhận đó càng ngày càng rõ, bởi vì sự thực đời tôi đúng là yếu đuối, rất yếu đuối. Có những yếu đuối gây nên đau khổ cho chính mình và cho người khác.
2.
Vì thế, những ngày này, nhìn về hành trình 46 năm Giám mục, tôi tha thiết xin Chúa cho tôi biết đón nhận ơn tha thứ.
Cùng với sự tha thứ của Chúa, tôi cũng đón nhận sự tha thứ của mọi người tôi có trách nhiệm.
3.
Khi tôi tha thiết xin Chúa ơn tha thứ, thì tôi tin nhận Chúa là tình yêu, giàu lòng thương xót. Người sẽ giúp tôi đổi sự yếu đuối của tôi thành lòng tin cậy ở Chúa.
4.
Và đúng thực là như vậy. Những ngày này, càng thấy mình tội lỗi, yếu đuối, tôi càng tín thác mình cho Chúa.
Tôi tin:
Chúa chờ đợi tôi.
Chúa đi tìm tôi.
Chúa đón nhận tôi, không phải để kết án tôi, nhưng là để giải cứu tôi.
5.
Tuy nhiên, lạm dụng lòng thương xót Chúa sẽ là một xúc phạm.
6.
Ở đây, tôi xin phép nói lên điều này: Khi đón nhận tha thứ và cho đi tha thứ, Đức Mẹ dạy tôi hãy luôn tìm vâng ý Chúa, cho dù ý Chúa là khổ đau, là gian nan khốn khó.
7.
Khi ban cho tôi ơn tha thứ, Chúa cho tôi biết là tôi cũng hãy theo gương Chúa mà tha thứ cho những kẻ khác.
8.
Thế là tôi hiểu tâm tình mà Chúa muốn tôi nên có trong dịp mừng Kỷ niệm 46 năm Giám mục, đó là:
Đón nhận tha thứ
Và cho đi thứ tha.
Chính Chúa ban cho tôi tâm tình đó. Tâm tình đó đang giúp tôi được an tâm trên đường phấn đấu cho sự thiện.
9.
Với tâm tình đó, tôi xin dừng lại chia sẻ về tôi, để được cùng với cộng đoàn, cầu nguyện cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta trong ngày hàn gắn những vết thương lịch sử, để tới thống nhất, bình an, hạnh phúc, và để có khả năng vượt qua những thử thách mới. Xin hết lòng cảm tạ Chúa. Xin thân ái cảm ơn anh chị em. Amen.
Long Xuyên, những ngày trước 30.4.2021
----------------------------------------
Bùi-Tuần 2079: HẠNH PHÚC CỦA TÔI LÀ ĐƯỢC GẶP CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
+ GB. Bùi Tuần (Long Xuyên 26-4-2021)
Mừng ngày 30.4.2021
Được sự khích lệ của Đức Giám mục Giáo phận, tôi xin chia sẻ vắn tắt tâm tình của tôi trong Thánh Bùi-Tuần 2079
1.
Anh chị em thân mến,
Được sự khích lệ của Đức Giám mục Giáo phận, tôi xin chia sẻ vắn tắt tâm tình của tôi trong Thánh lễ hôm nay, kỷ niệm 46 năm Giám mục.
2.
Tâm tình của tôi là cảm tạ Chúa.
Suốt 46 năm qua, Chúa đã ban cho tôi muôn vàn ơn trọng đại.
3.
Ở đây, tôi chỉ xin nhắc tới một ơn, mà tôi coi là cao quí nhất. Ơn đó là Chúa đã cho tôi được gặp Chúa giàu lòng thương xót.
4.
Thực vậy, suốt đời Giám mục của tôi, tôi luôn được gặp Chúa giàu lòng thương xót, nhất là trong nội tâm sâu thẳm.
5.
Hầu như mọi ngày, mọi giờ, mọi phút, tôi đều được gặp Chúa. Chúa đến với tôi với dung mạo tình yêu thương xót.
Chúa đến, để nói với tôi 04 điều sau đây.
6.
Một là Chúa đã nhận tôi
+ là con của Chúa.
+ là môn đệ của Chúa
+ là người được Chúa sai đi.
7.
Hai là Chúa đã thấy tôi yếu đuối,
+ điều tốt muốn làm thì lại không làm,
+ điều xấu không muốn làm thì lại làm.
(Rm 7,18)
8.
Ba là
+ Chúa đã giúp tôi sám hối và tha thứ cho tôi
+ Chúa đã giải cứu tôi
+ Chúa không ngừng đổi mới tôi.
9.
Bốn là
Những người đã và đang cộng tác với Chúa, để nâng đỡ tôi là một số không nhỏ. Họ thuộc mọi thành phần. Tấm lòng của họ là những quán trọ tình thương, mà tôi không bao giờ sẽ quên.
10.
Do vậy, mà tôi sống trong bầu khí thao thức về Chúa. Tôi không đặt chương trình cho Chúa, nhưng chính Chúa chủ động đặt chương trình cho tôi.
11.
Thực vậy, tôi luôn xác tín.
+ Tôi thuộc về Chúa.
+ Tôi đi về với Chúa.
+ Tôi luôn được cùng với Đức Mẹ đứng dưới cây Thánh giá.
12.
Và như vậy, tôi an tâm phục vụ Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam của tôi. Tôi an tâm, khi phục vụ là sẵn sàng hy sinh chính mình và ngoan ngoãn để Chúa thanh luyện tôi.
13.
An tâm nhất là vận mệnh của tôi ở đời này và ở đời sau chắc chắn ở trong tay Chúa là Đấng quyền năng, là Đấng xót thương, là Cha yêu dấu của tôi.
14.
Trên đây là vắn tắt bản tuyên xưng đức tin riêng tư của tôi.
Xin anh chị em tiếp tục nâng đỡ tôi. Chúng ta sẽ lại cùng nhau lên đường, để loan báo Chúa là tình yêu thương xót. Hãy tuyệt đối tín thác ở Chúa. Tín thác ở Chúa là gặp được Chúa, là ở lại trong Chúa. Đó là hạnh phúc. Đó là bình an vững bền. Amen.
+ GB, Bùi-Tuần
Long Xuyên, những ngnày trước 30.4.2021
--------------------------------------
Bùi-Tuần 2080:ĐỨC MẸ ĐANG GIÚP TÔI CẢM NHẬN VINH QUANG CỦA TÔI LÀ THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ
+ GB. Bùi Tuần
Hôm nay là ngày thứ bảy trong tuần phụng vụ, ngày dành cho Đức Mẹ. 2. Hôm nay cũng là ngày Bùi-Tuần 2080
1.
Hôm nay là ngày thứ bảy trong tuần phụng vụ, ngày dành cho Đức Mẹ.
2.
Hôm nay cũng là ngày đầu tháng 5 dương lịch, tháng quen gọi là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ.
3.
Là người con của Mẹ, tôi coi hôm nay là dịp để tôi gần lại Mẹ hơn.
4.
Được ở bên Mẹ, tôi được Mẹ dạy dỗ một điều quí giá đó là vinh quang Chúa dành cho tôi lúc này.
5.
Vinh quang đó là được thông phần vào thánh giá Chúa Giêsu.
6.
Xưa, trên núi Sọ, Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chính tại nơi đó, trong giờ phút đó, Đức Mẹ đã thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Mẹ coi đó là một vinh quang lớn lao Chúa dành cho Mẹ.
7.
Nay, trong giờ phút tôi trong tình trạng đau đớn cả phần xác phần hồn, Đức Mẹ dạy tôi hãy thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Hãy coi đó là vinh quang.
8.
Vinh quang của tôi là thập giá Đức Kitô.
Nhờ sự dạy dỗ trên đây của Đức Mẹ, tôi đã nhận ra ánh sáng giữa thời sự đầy bóng tối.
9.
Không phải chỉ tôi mới nhận ra điều đó, mà rất nhiều con cái Mẹ khắp nơi cũng đang cảm nhận được sâu sắc sự thực đó.
10.
Đức Mẹ cho tôi một thoáng nhìn về họ.
Tôi và họ, chúng tôi đang khám phá ra một nguồn ơn thánh cứu độ, từ thánh giá Chúa Giêsu.
11.
Càng cầu nguyện, càng suy niệm, thì càng được đi sâu vào mầu nhiệm thánh giá Chúa.
Ở đó, có tình yêu, có xót thương, có cứu độ.
12.
Ở đó có ủi an, có đỡ nâng, có hy vọng, có thứ tha.
13.
Nhìn sâu vào cuộc sống hiện nay, tôi thấy cuộc sống hiện nay đang trôi nổi giữa muôn vàn sóng gió. Có nhiều thử thách lớn, có nhiều bất ngờ đau đớn.
14.
Những người có đức tin nhìn cuộc sống này như một tiếng gọi đánh thức lương tâm.
Họ đang nhận ra ơn cứu độ đến từ thánh giá Chúa Kitô.
15.
Riêng tôi, tôi nghe rất rõ tiếng Mẹ nói trong tôi: “Con hãy thay đổi trái tim con. Hãy đón nhận thánh giá Chúa Giêsu. Đó mới là sáng kiến Chúa dành cho con.”
16.
Để được như thế, Mẹ khuyên tôi hãy gắn bó với Hội Thánh, khiêm tốn và trung thành với những người đại diện cho Hội Thánh, và quảng đại hiệp thông với đại gia đình Hội Thánh.
17.
Tất cả chúng tôi đang cùng tuyên xưng:
“Vinh quang của chúng ta là thập giá Đức Kitô.”
18.
Về việc dâng hoa kính Đức Mẹ, thì theo sự gợi ý của Đức Mẹ, tôi sẽ để ý dâng cho Mẹ những bông hoa thiêng liêng có mùi thơm hy sinh.
19.
Những bông hoa đó sẽ bé nhỏ, lặng lẽ, như thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã quen dâng suốt đời mình. Thánh nữ luôn ôm vào mình Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá. Đó là vinh quang của thánh nữ. Thánh nữ đã làm theo gương Đức Mẹ.
20.
Thật là đã rõ vinh quang Chúa dành cho tôi, cho chúng ta. Đừng ảo tưởng những vinh quang khác, kẻo sẽ khốn khổ cho mình và cho kẻ khác. Thời điểm này có nhiều cạm bẫy. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Xin Mẹ thương giúp chúng ta trở thành những bông hoa đẹp, mang vinh quang thập giá Chúa Kitô.
Long Xuyên, ngày 01.5.2021
--------------------------------------------------
Bùi-Tuần 2081: ĐỔI MỚI CỦA TÔI LÀ ĐƯỢC TRỞ THÀNH CON NGƯỜI SÁM HỐI
+ GB. Bùi Tuần
Thời điểm này, đạo cũng như đời, đâu đâu cũng nói đến đổi mới. Mỗi người hiểu đổi mới theo Bùi-Tuần 2081
1.
Thời điểm này, đạo cũng như đời, đâu đâu cũng nói đến đổi mới.
Mỗi người hiểu đổi mới theo khao khát của mình.
2.
Riêng tôi, đổi mới mà tôi khao khát, là được đổi mới chính mình theo thánh ý Chúa.
Tôi cầu nguyện. Tôi xin Đức Mẹ cầu nguyện với tôi.
3.
Bằng nhiều cách, Chúa đã thương soi sáng cho tôi về sự Chúa muốn tôi đổi mới chính mình. Đó là hãy trở thành con người sám hối, trở về với Chúa.
4.
Để dễ hiểu, Chúa cho tôi nhớ lại nhiều gương sáng về sám hối, đặc biệt là:
+ Thánh vương Đavid
+ Thánh Phêrô Tông đồ
+ Thánh Phaolô Tông đồ
+ Thánh Maria Madalena
+ Thánh Âu Tinh.
5.
Nhìn rộng thêm, tôi thấy Hội Thánh của tôi trong mọi thời và khắp mọi nơi, đều coi sám hối là dấu ấn đích thực của người tin theo Chúa.
6.
Đã hẳn, người ta có thể nói về nhiều dấu chỉ để nhận ra ai là người tin theo Chúa.
Nhưng khi những dấu chỉ đó bị phai mờ, bị mất phẩm chất, thì dấu chỉ cần có để cứu mình, chính là sám hối.
7.
Sám hối, sám hối và sám hối, đó là điều Đức Mẹ luôn nhắc nhở, mỗi lần hiện ra, ở bất cứ đâu.
8.
Sám hối, sám hối và sám hối, đó là điều Phụng vụ Thánh lễ kêu gọi ngay đầu Thánh lễ.
9.
Sám hối, sám hối và sám hối, đó là việc tôi thực hiện mỗi ngày và từng giờ.
10.
Đó là cách tôi được Chúa cho tôi được kết hợp với Chúa Giêsu, như cành cây nho với thân cây nho.
11.
Sám hối, mà tôi nói đây, đã đem lại cho tôi sự sống mới đầy bình an, hy vọng và hương vị ngọt ngào của lòng thương xót Chúa.
12.
Sám hối, sám hối đang là con đường dẫn tới sự cứu độ cho nhân loại hôm nay.
13.
Tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã để lại nơi tôi ấn tượng sâu sắc về sám hối.
Ngài đã khiêm tốn nói lên lời này: “Hôm này, tôi, Giáo Hoàng của Hội Thánh Rôma, nhân danh tất cả mọi người Công giáo, tôi xin lỗi vì những sai lầm chúng tôi đã làm cho những người không Công giáo qua dòng lịch sử bị khuấy động của những dân tộc này thời chiến tranh giữa các tôn giáo.” (Tháng 5, 1995; tại Cộng Hòa Tiệp Khắc)
14.
“Chúng tôi không ngừng xin lỗi những người da đen Nam Mỹ, về tội những người da trắng Công giáo đã đẩy họ xuống thân phận nô lệ.” (21/10/1992)
15.
Hơn nữa, sám hối còn là biết tha thứ. Như Đức Gioan Phaolô II đã tha thứ cho kẻ mưu sát Ngài.
16.
Như vậy, sám hối là tha lỗi, là nhận lỗi, và xin tha lỗi, về những lỗi lầm trong dòng lịch sử Hội Thánh, lỗi riêng mình, lỗi chung tập thể. Đó là điều Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy tôi.
17.
Sám hối như thế đã và đang trở thành sức thiêng hàng đầu, mà nhân loại cần đến lúc này, để được giải cứu.
18.
Sám hối, biết sám hối, đó là điều tôi tha thiết xin mọi người cầu xin Chúa cho tôi, cho mọi người, nhất là cho các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Long Xuyên, ngày 08.5.2021
--------------------------
Bùi-Tuần 2082: HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
+ GB. Bùi Tuần
Bao giờ cũng vậy, khi tình hình trở nên phức tạp, tôi lại nghe Hội Thánh nhắn nhủ các người tin Bùi-Tuần 2082
1.
Bao giờ cũng vậy, khi tình hình trở nên phức tạp, tôi lại nghe Hội Thánh nhắn nhủ các người tin theo Chúa: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.”
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” đó là Lời Chúa.
2.
Thời điểm này, Lời Chúa “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” đang vang dội tha thiết trong các lương tâm. Lý do là vì: “Ngày kinh hoàng đang như một chiếc lưới bất thần chụp xuống mọi người.” (Lc 21,34b)
3.
Lưới Trời, đó là hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng.
Lưới trời đã chụp xuống, thì không ai thoát được.
Nhưng Chúa cho biết, những ai tỉnh thức và cầu nguyện, sẽ được Chúa cứu.
4.
Những lời cảnh báo trên đây đang làm cho tôi vừa sợ, vừa hy vọng.
5.
Tôi sợ, khi nhìn thời sự lúc này đang như tạo nên một chiếc lưới trời chụp xuống khắp nơi, gây tang tóc.
6.
Nhưng tôi hy vọng, khi thấy lưới trời đó cũng có thể trở thành lưới tình thương.
7.
Xưa, Chúa cho tiên tri Giêrêmia thấy số phận của một người, của một địa phương, của một dân tộc, đều ở trong tay Chúa, như nắm đất trong tay thợ gốm.
8.
Nay, bằng nhiều cách, Chúa cũng đã và đang nhắc bảo tôi là số phận của tôi nằm trong tay Chúa. Cho dù tôi có tội lỗi tới đâu, Chúa vẫn có thể làm cho tôi trở thành con người sám hối, trở về với Chúa.
9.
Nhưng, Chúa đòi tôi một điều để được Chúa cứu, đó là hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Đúng là như vậy.
10.
Tỉnh thức và cầu nguyện, đó là cách tôi đón nhận và cho đi.
Tôi thường đơn giản hóa đời sống đạo của tôi trong từ phục vụ.
Một là biết cảm ơn những người phục vụ tôi.
Hai là biết khiêm tốn phục vụ những người khác.
Nghĩa là biết đón nhận và biết cho đi.
11.
Tới đây, tôi nhớ tới người cha mến thương của tôi, tức là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi được hạnh phúc gặp gỡ Ngài rất nhiều lần.
12.
Lần nào cũng vậy, Ngài rất chăm chú lắng nghe những gì tôi chia sẻ với Ngài, trong các lãnh vực đời đạo, như Triết học, Giáo phụ học, Tu đức, Mục vụ, Truyền giáo.
13.
Và lần nào cũng vậy, Ngài vẫn chia sẻ cho tôi những vui buồn và hy vọng của Ngài trong cương vị Giáo Hoàng.
14.
Đón nhận và cho đi, đó là hai điều Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành cho tôi một cách hồn nhiên và thắm thiết.
15.
Từ những cảm nghiệm trên đây, tôi có một kết luận, đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đúng là con người tỉnh thức và cầu nguyện.
16.
Tôi xin cầu chúc mọi người hãy trở thành con người tỉnh thức và cầu nguyện.
Xin mọi người cũng thương cầu nguyện cho tôi được luôn là con người tỉnh thức và cầu nguyện.
17.
Qua kinh nghiệm cuộc sống, tôi thấy nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, tôi mới biết phân định tốt xấu, và mới biết có những chọn lựa ứng xử thường ngày.
18.
Nhưng tỉnh thức và cầu nguyện đâu có là chuyện dễ. Đối với tôi, đó là những việc phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ và Thánh Giuse.
19.
Thú thực là: tự sức mình, tôi không tỉnh thức và cầu nguyện được như Chúa dạy. Chính Chúa đã đánh thức tôi và cầu nguyện trong tôi.
20.
Chúa đánh thức tôi bằng nhiều cách, qua nhiều người.
Chúa cầu nguyện trong tôi nhờ Thánh Thần Chúa trong Hội Thánh của Người.
21.
Một câu Chúa phán xưa với ông Nicôđêmô sẽ tóm tắt việc Chúa đang làm nơi tôi:
“Gió thổi, mà con không biết đến từ đâu và đi về đâu. Cũng vậy, Thánh Thần Chúa can thiệp vào đời con một cách nhiệm mầu nhờ ơn thánh.” (Ga 3,8)
Tôi hết lòng cảm tạ Chúa. Tôi được an tâm sống những ngày còn lại. Alleluia.
Long Xuyên, ngày 12.5.2021
-------------------------------