Đời tôi gặp nhiều thất bại. Một trong những thất bại lớn nhất của tôi là tôi làm linh mục đã nhiều năm Bài 1
Đời tôi gặp nhiều thất bại. Một trong những thất bại lớn nhất của tôi là tôi làm linh mục đã nhiều năm rồi mà đến hôm nay vẫn chưa chết. Chúa biết đấy, tôi vốn sợ làm linh mục. Tôi đâu có vận động để được chịu chức. Khi được gọi, tôi đã muốn chối từ. Khi Bề trên chọn, tôi đã xin Ngài xét lại. Khi thấy rõ ý Chúa muốn, tôi đã cúi đầu xin vâng. Ngày chịu chức, tôi lo sợ vô vàn. Tôi lãnh chức linh mục như vác trên vai một thế giới vô hình. Thế giới ấy là từng ngàn, từng vạn con người cần được cứu độ. Họ là địa chỉ Chúa sai tôi đến. Họ là căn nhà tôi phải gắn bó. Hôm dâng lễ mở tay, tôi cùng với họ bước vào nhà thờ. Mặc ai hát “Con hân hoan bước lên bàn thánh”, riêng tôi chỉ cảm thấy lòng mình e thẹn, sợ hãi. Trong bài giảng hôm đó, một linh mục hùng biện đã lớn tiếng đề cao chức linh mục. Càng nghe, tôi càng cảm thấy mình như bị hành hạ tra tấn. Bởi vì tôi biết mình quá bất xứng. Trong những giờ phút ấy, tôi đã nhìn lên Chúa với tất cả tâm tình phó thác. Tôi cảm thấy tôi lên đường tay không. Chỉ có lòng cậy trông là hành trang duy nhất. Tôi cậy trông Chúa một cách tuyệt đối. Tôi nép mình vào đức tin Hội Thánh. Tôi nương tựa vào lòng tốt mọi người. Qua bao năm dài, hôm nay nhìn lại, tôi thấy nhờ ơn Chúa, và đức tin Hội Thánh, tôi đã lãnh nhận nhiều hơn là đã cho đi. Tôi đã không cứu người khác nhiều cho bằng nhiều người khác đã cứu tôi. Tôi khám phá ra rằng: Chính tôi cần được cứu độ, và chính tôi đã được Chúa cứu độ, qua Hội Thánh và nhờ bao tấm lòng. Sự thật ấy rất ngọt ngào. Tôi hết tình tạ ơn Chúa. Tôi cảm tạ Hội Thánh. Tôi biết ơn mọi người. Trong tâm tình tạ ơn và biết ơn, tôi tự hỏi: Khi cứu người, và khi được người cứu, tôi có phạm tội nào mất lòng Chúa không? Chỉ thoáng nhìn vào mình, lương tâm tôi cũng thấy tôi đã phạm nhiều tội và đã phạm tội nhiều. Cả về số lượng, cả về tính cách tội. Tôi cảm tạ Chúa đã không chấp tội lỗi tôi. Tôi cảm tạ Chúa vẫn mãi thương tôi. Trong thống hối, tôi thường ao ước thà được chết sớm còn hơn sống lâu. Bởi vì tôi rất sợ một đời linh mục chỉ còn là cây vả không trái, hoặc đã trở thành mảnh đất cứng khô. Ao ước của tôi là rất chân thành. Bởi vì tôi biết mình rất yếu đuối. Nhưng ao ước của tôi vẫn không thành. Chúa vẫn để tôi sống cho đến hôm nay. “Chúa ơi, Chúa có lầm không? Rồi đây Chúa có ân hận không. Riêng phần con, con sẽ lầm lớn, nếu con tự hào vì chức linh mục của con và đời linh mục của con”. Thực là xấu hổ, nếu tôi cho rằng tôi sống lâu trong chức linh mục, để lập công đền tội. Thực ra, tôi có làm gì đáng gọi được là lập công đền tội đâu. Tôi chỉ đón nhận ơn cứu độ, mà Chúa vẫn dành cho kẻ yếu đuối hèn mọn. Ơn Chúa ban nhưng không. Sự thú nhận này giải thoát lòng tôi. Tôi cảm tạ Chúa hết lòng. Tôi muốn chôn vùi tôi trong thinh lặng, để dễ dàng lắng nghe tiếng tình yêu Chúa xót thương. Lạy Chúa, đến muôn đời con sẽ cảm tạ lòng thương xót Chúa.
Mỗi khi dâng thánh lễ hoặc tham dự thánh lễ, tôi đưa Mình Thánh vào miệng và nuốt đi. Việc Bài 2
Mỗi khi dâng thánh lễ hoặc tham dự thánh lễ, tôi đưa Mình Thánh vào miệng và nuốt đi. Việc làm ấy cho phép tôi nghĩ rằng sống đạo chủ yếu là đón nhận Đức Kitô. Tôi thiết nghĩ đời sống tu đức không hệ tại ở sự tôi đã làm những gì cho Chúa cho bằng hệ tại ở sự tôi biết lãnh nhận những gì Chúa muốn làm cho tôi. Vì thế, sẽ rất là lạc lõng, nếu tôi cứ thống kê những gì tôi đã làm trong đời tôi, cho dù những việc đó là các bí tích, các việc truyền giáo, các bài giảng, các việc từ thiện. Điều căn bản của đời tôi là gặp gỡ Đức Kitô, là đón nhận Ngài vào con người của tôi, là để tinh thần Đức Kitô hướng dẫn đời tôi. Tinh thần Đức Kitô đã đến với tôi từ Kinh Thánh, từ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, từ đời sống cộng đoàn, từ những thánh giá, từ các biến cố và tiếp xúc, nhất là từ những kẻ đơn sơ bé mọn. Khi tôi đón nhận tinh thần Đức Kitô, thì tôi dần dần nhận ra dung mạo Ngài, và sau cùng tôi gặp được chính Ngài. Ngài vô hình, nhưng sự hiện diện vô hình của Ngài lại sống động hơn sự hiện diện hữu hình của các người xung quanh tôi. Khi gặp Ngài, tôi tự nhiên cảm thấy vừa muốn ở mãi gần Ngài, lại vừa muốn xa Ngài. Lúc đó, tôi nhớ lại lời Ngài đã phán xưa: “Thầy là thân cây nho, các con là ngành nho” (Ga 15,5). Lời ấy là một hình ảnh của sự hiệp thông mật thiết do Ngài nói ra. Chứ nếu Ngài không truyền bảo sự hiệp thông ấy, thì tôi cũng như thánh Phêrô xưa, sẽ xin Ngài lùi xa khỏi tôi, vì tôi tội lỗi, và vì tôi sợ phải nên giống Ngài ở những nét hy sinh quên mình, mà tự nhiên tôi rất ngại. Nhưng tôi tin rằng tình yêu của Ngài có sức cứu độ. Với tình yêu ấy, Ngài sẽ làm cho những gì là mầm móng sự chết trong tôi trở thành những mầm móng sự sống. Tôi phấn đấu để sống thân mật với Ngài. Và chính Ngài tích cực nuôi dưỡng mối tình thân mật giữa Ngài và tôi. Sống thân mật với Ngài phải là việc thường xuyên. Nhưng thường xuyên không có nghĩa là lúc nào cũng như lúc nào. Bởi vì mỗi ngày có những thời điểm mạnh, đó là giờ nguyện gẫm, giờ chầu Mình Thánh, giờ dâng thánh lễ. Trong những giờ phút trọng đại ấy, tôi cần cầu nguyện thực nhiều. Đối với tôi, cầu nguyện là nghe Chúa nói với tôi nhiều hơn là tôi nói với Chúa. Tôi có cảm tưởng là Chúa nói với tôi về tâm tình của Ngài đối với những người tội lỗi, túng nghèo, khổ đau, lầm lạc, nhiều hơn là về các mầu nhiệm cao sâu của riêng Ngài. Dần dần, qua những gặp gỡ Đức Kitô, tôi hiểu rằng: Nguồn cứu độ chính là Trái Tim Ngài đầy tình yêu thương xót. Ngài rất vui mừng thấy những ai tin vào tình yêu cứu độ của Ngài, và khiêm tốn đón nhận lòng thương xót của Ngài. Ngài mong muốn tôi mở rộng trái tim tôi, quét sạch nó khỏi mọi ý riêng, mọi vương vấn, để có thể đón nhận tối đa tình yêu cứu độ của Ngài. Ngài cho thấy, kẻ góp phần vào việc cứu độ cần một trái tim nhạy bén quảng đại hơn là một trí khôn sâu sắc. Nếu nơi họ đức tin chỉ là chấp nhận toàn bộ hệ thống chân lý do Hội Thánh dạy, thì một đức tin như vậy sẽ mau trở thành một kho tàng, chứ không phải là một sự sống. Đức tin ấy là đức tin tủ lạnh. Trái lại nếu nơi họ đức tin là sự gặp gỡ Đức Kitô sống động, chia sẻ tình yêu cứu độ của Ngài, thì một đức tin như vậy sẽ là đức tin lò lửa. Gặp gỡ Đức Kitô, tôi thấy sự khôn ngoan của Ngài luôn qui hướng về sự tuân phục thánh ý Chúa Cha. Trái Tim Ngài có những lựa chọn táo bạo đớn đau, chỉ vì Ngài muốn làm chứng lòng Ngài mến Chúa Cha và thương xót loài người. Từ đó tôi hằng xin Ngài đổi mới trái tim tôi, xin cho trái tim tôi trở nên giống Trái Tim Ngài. Và cũng từ những gặp gỡ với Đức Kitô, tôi thấy trong việc huấn luyện bản thân tôi và các môn đệ Chúa, cần nhấn mạnh nhiều đến việc giáo dục trái tim. Thời nay, người ta cần đối thoại với nhau bằng trái tim hơn là bằng lý lẽ. Trái tim nào có tình yêu cứu độ không biên giới sẽ là kẻ thắng. Bởi vì Chúa ở với họ. Chúa sẵn sàng chia sẻ cho chúng ta tình yêu ấy, miễn là chúng ta biết đón nhận tình yêu của Ngài.
Con người không là loài chim, nhưng vẫn bay đi. Trí khôn bay đi bằng các tư tưởng. Ý chí Bài 3
Con người không là loài chim, nhưng vẫn bay đi. Trí khôn bay đi bằng các tư tưởng. Ý chí bay đi bằng những ước muốn. Trí vẽ bay đi bằng các hình ảnh. Tình cảm bay đi bằng các rung động. Mọi người đều thế. Nhưng khác nhau ở chỗ bay về đâu. Riêng tôi, tôi bay theo Chúa Thánh Linh. Ngài đã tỏ hiện dưới hình chim Bồ Câu. Như nói lên đặc điểm của Ngài là bay. Sức bay mà Ngài cho tôi không phải là một hệ thống thần học, mà là sức sống phát ra từ chính Ngài. Sức sống ấy chắp cánh cho tôi. Đôi cánh Ngài cho tôi là sự biết mình và lòng phó thác. Với đôi cánh này, tôi bay theo Ngài. Bầu trời mà Ngài dẫn tôi vào là vũ trụ của những linh hồn đơn sơ bé mọn. Họ yếu đuối, nhưng bay không mệt mỏi, để loan truyền Thiên Chúa là Tình Yêu. Họ nói về Chúa không phải chỉ bằng các ngôn từ, trích từ các sách, các kinh, mà nhất là bằng sự ứng nghiệm của Lời Chúa trong đời họ qua các kinh nghiệm sống của họ. Thiên Chúa của họ là Đấng họ đã gặp rồi, chứ không phải là Đấng mà họ đã được học qua các trường lớp. Họ kể lại cách Chúa đi vào đời họ. Họ tả lại dung mạo của Chúa. Họ làm chứng về Ngài. Họ làm chứng về sự cứu độ của Đức Kitô. Chỉ có Đức Kitô là Đấng cứu chuộc loài người. Ngài là trung tâm điểm lòng họ. Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời. Họ làm chứng về sự đổi mới đích thực, đó là sự các tâm hồn được Kitô hoá nhờ Thánh Linh. Họ cho thấy lễ Chúa Thánh Linh hiện xuống là chính hôm nay tại nơi họ đang sống. Như các tông đồ xưa sau khi được Chúa Thánh Linh đổi mới, đã ra đi, như bay qua mọi biên giới, thì nay họ cũng ra đi. Họ là các tông đồ không biên giới. Họ là những người cầu nguyện, luôn luôn qui hướng vào Lời Chúa và thánh ý Chúa. Lời cầu của họ là lời nguyện tiên tri. Họ nói với Chúa và nghe Chúa nói về các công trình tương lai của Chúa. Các công trình ấy là sự Hội Thánh nơi này nơi nọ đang chuyển mình đổi mới, là sự nhân loại đó đây đang bước vào con đường trở về, là sự Nước Trời đang đến với các tâm hồn thiện chí không phân biệt ranh giới. Họ là những người tự do, làm chứng về một Hội Thánh có tự do, tôn trọng tự do, và thăng tiến con người trong bầu khí tự do tâm hồn đầy công bình bác ái của con cái Chúa. Thánh Linh ví như lửa. Lửa luôn bốc lên. Thánh Linh ví như gió. Gió luôn thổi đi. Thánh Linh ví như nước. Nước luôn tìm đủ cách để ngấm vào, để rỉ ra, để chảy tới. Lửa, gió, nước là những dạng hoạt động, di động, chuyển động. Bầu trời Chúa Thánh Linh là một bầu trời náo nhiệt do những việc làm đa dạng gieo vãi Tình Yêu Thiên Chúa cứu độ. Linh mục là con chim đầu đàn trong một địa phương. Tôi nhận thức điều đó. Tôi phải bay đi, và phải bay đúng hướng, theo đường bay Chúa Thánh Linh. Chúa không muốn tôi đứng một chỗ, khệnh khạng và nặng nề với tính trì trệ, và nguội lạnh. Chúa không chấp nhận tôi bay vào bầu trời Babylon đầy những mời mọc hưởng thụ. Chúa không chấp nhận việc tôi cấm cản các tâm hồn bay vào bầu trời Tình Yêu và Chân Lý, nguyên do cuối cùng chỉ là cái nhìn hẹp hòi của tôi. Lạy Chúa Giêsu, xin thương gìn giữ con, để đừng bao giờ con tách rời khỏi Chúa Thánh Linh, Đấng chắp cánh cho con và hướng dẫn tâm hồn con bay lên Chúa và các công trình cứu độ của Chúa.
Nhiều lần mỗi ngày, tôi nói với cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em”. Tôi gởi lời chào chúc ấy Bài 4
Nhiều lần mỗi ngày, tôi nói với cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em”. Tôi gởi lời chào chúc ấy đến mọi người, không phân biệt kẻ ngoan đạo, hay kẻ khô đạo, kẻ có đạo hay kẻ ngoại đạo, kẻ ở trước mặt tôi hay kẻ ở xa tôi. Tôi đặt vào lời chào chúc ấy tất cả niềm tin và lòng thương mến. Tôi tin mến Chúa. Tôi thương yêu và kính trọng mọi người. Niềm tin mến ấy trở thành cái nhìn của tâm hồn tôi. Gặp ai, tôi cũng nhìn họ dưới góc độ “Chúa ở cùng họ”. Họ thường là từng trăm, từng ngàn người tôi gặp và tiếp xúc, trong nhà ngoài ngõ, trên đường dưới ruộng. Rất nhiều người tôi không quen biết. Và tôi cũng không để ý xem họ có đạo hay không có đạo, đạo Công Giáo hay một đạo khác. Nhưng khi tôi thấy ai có đức tính nào tốt, làm được một việc nào lành, thì tôi nghĩ rằng Chúa ở cùng họ. Có những người không làm gì, không nói gì, nhưng nét mặt của họ toả ra sự hiền lành khiêm tốn, thái độ của họ lịch sự nhân ái, tế nhị, tự nhiên tôi nghĩ là Chúa ở cùng họ. Nhất là khi thấy ai thao thức công lý và hoà bình, nỗ lực làm hết sức mình để những người xung quanh mình được nên tốt hơn, có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì tôi tin rằng họ có Chúa ở với họ. Tôi có cảm nghĩ là những người có Chúa ở cùng, giống như những cây nở hoa đẹp thơm, toả mùi hương thơm Đức Kitô. Không ai tả nổi mùi thơm sắc đẹp của hoa. Chỉ biết rằng mùi thơm của hoa là tự nhiên. Để đâu cũng thơm. Không cần giới thiệu, nó vẫn thơm. Cũng thế, sắc đẹp của hoa là tự nhiên. Để đâu cũng đẹp. Nó không cần chuẩn bị để đẹp như nhiều vẻ đẹp phải chuẩn bị để đẹp trước khi chụp hình. Người có Chúa ở cùng là những bông hoa đẹp từ thực chất, thơm do thực chất. Cái thơm đẹp của họ không vay mượn ở chức vị, tiền bạc, dư luận. Càng không do vận động, phô trương, quảng cáo. Cái thơm ấy của họ phản ánh cái thơm đẹp của Đức Mẹ và thánh Giuse xưa. Toả ra Tám Mối Phúc thật. Âm thầm lặng lẽ. Có lúc rạng rỡ như một bầu trời rạng đông. Có lúc ẩn giấu mình sau những nếp sống bình dị, thậm chí bị khinh chê, chống báng. Cũng có nhiều loại hoa khác nhau với nhiều vẻ đẹp khác nhau, với nhiều mùi thơm khác nhau, thì những người có Chúa ở cùng cũng thuộc nhiều loại khác nhau, với những hương thơm khác nhau. Với nhận thức trên đây, tôi nhìn giáo đoàn của tôi. Tôi có cảm tưởng giáo đoàn của tôi giống như một cánh đồng hoa, muôn màu sắc, ngàn hương thơm. Tôi cảm tạ Chúa về tất cả những gì Chúa đã làm cho giáo đoàn của tôi. Đúng là Chúa ở cùng chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể không nhìn thấy trong cánh đồng này còn có nhiều cỏ dại, nhiều bụi gai, với biết bao côn trùng và có cả rắn độc. Tôi cũng không thể không để ý đến những cây hoa còn quá non yếu, héo tàn, gầy guộc. Nhiều câu hỏi đặt ra cho lương tâm tôi: Có phải lỗi tại tôi không? Và chính tôi có là một bông hoa thơm đẹp do thực chất, do sự Chúa ở cùng tôi không? Cái đẹp nhất của một giáo đoàn chính là có những con người tốt, vì Chúa ở cùng họ. Đó mới là cái đáng mừng nhất. Điều vui nhất cho linh mục phụ trách một giáo đoàn chính là sự có nhiều người trở về với Chúa, biến giáo đoàn trở thành cánh đồng hoa thơm đẹp ngào ngạt hương thơm Đức Kitô. Nếu giáo xứ có nhà thờ đẹp, tháp chuông đẹp, nhà xứ đẹp, đài đẹp, nhiều cơ sở đẹp, và các tổ chức đẹp, nhưng bao người trong giáo xứ vẫn chưa toả hương thơm Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường, bác ái quên mình, sống trọn vẹn tuân phục thánh ý Chúa, thì thiết tưởng nên thống hối hơn là nên vui mừng hân hoan. Lạy Chúa, xin đừng chấp tội lỗi chúng con. Nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, mà ban cho chúng con ơn tha thứ và bình an.
Khi nhìn tôi thống hối, Chúa sẽ không hài lòng nếu tôi chỉ lo đếm tội như đếm các lá rụng bỏ Bài 5
Khi nhìn tôi thống hối, Chúa sẽ không hài lòng nếu tôi chỉ lo đếm tội như đếm các lá rụng bỏ vào lò đốt ăn năn. Nhưng Ngài muốn tôi nhìn sâu tận gốc rễ, xem ở đó những gì là xấu cần phải loại trừ, và những gì là tốt nên được chăm sóc. Cái gốc rễ sinh ra tội lỗi chính là các khuynh hướng xấu nằm trong bản tính nhân loại mất trật tự do tội Tổ tông truyền lại. Bản tính ấy nơi mỗi người thường gọi là cái tôi. Cái tôi trong bản thân tôi là một ý thức khẳng định rằng tôi không là người khác, rằng tôi khác mọi sự vật xung quanh, rằng mọi sự trong tôi đều là của riêng tôi, do tôi làm chủ. Cái tôi là căn nhà hết sức riêng tư của tôi. Cái tôi là tổ ấm hết sức tư sản của tôi. Không nhượng cho ai. Thực tế, cái tôi kể như một thứ trung tâm cuộc đời. Hạ tầng cấu trúc cái tôi là tính tình bẩm sinh. Thượng tầng cấu trúc cái tôi là các ảnh hưởng khác nhau của ngoại vật, từ gia đình, bạn bè, học đường, tôn giáo đến các thói tục và cách suy nghĩ của giai cấp, của chế độ chính trị và nền văn minh xã hội. Khi cọ sát với những ảnh hưởng đó, cái tôi với cơ cấu tính tình bẩm sinh sẽ có những phản ứng, hoặc tiếp nhận, hoặc đẩy lùi. Dần dần nó trở thành một cá nhân có tư cách riêng, để rồi sau cùng với những lựa chọn tự quyết nó sẽ trở nên một bản lãnh tự mình viết lấy lịch sử đời mình. Tính tình nào cũng pha trộn cái tốt cái xấu, tuy với liều lượng khác nhau. Ảnh hưởng nào cũng có khả năng đa dạng. Những thứ ở trong cái tôi và các thứ ở ngoài cọ sát vào cái tôi đều như thế cả. Chúng tác động cái tôi. Chúng thấm vào cái tôi. Chúng gây nên những phản ứng nơi cái tôi. Cứ thế, cái tôi dần dà trở thành một gốc rễ mang nhiều mầm mống tốt, đồng thời với vô vàn mầm mống xấu. Điều cần thiết là xem những cái tốt xấu ấy đang sản sinh ra những thứ khuynh hướng nào. Khi nhìn lại các giới đạo đức thời Chúa Giêsu, tôi thấy nơi họ có một khuynh hướng khá nổi, đó là sự tự mãn. Tự mãn là hả hê với những cái mình có, là có vẻ bất chấp bất cần đối với kẻ khác, và nhiều khi cả đối với Chúa. Nhìn người rồi nghĩ đến mình. Tôi thực sự lo sợ cho tôi. Bởi vì tính tình của tôi, tuy được tôi luyện lâu năm trong chủng viện, nhưng đâu có sạch hết được tính tự đắc. Tôi càng dễ rơi vào ảo tưởng, khi tính tự đắc trong tôi rời các đối tượng gọi là thế tục, như sức khoẻ, lực học, để bám vào các đối tượng gọi là đạo đức như bậc độc thân, chức thánh. Nhất là nhiều trang sách tu đức, nhiều lời giảng dạy đã đề cao những ai có những giá trị đạo đức ấy, thế là tôi dễ cho rằng tôi có lý do chính đáng để tự mãn. Từ ngày thụ phong linh mục trở đi, tôi nhận lãnh nhiều đặc quyền, tôi được vô số tự do, kể cả tự do bỏ cầu nguyện suy gẫm, tôi được nghe vô số lời khen, tôi được đặt vào nhiều địa vị khá hơn bao kẻ khác đạo đời, tôi được một cuộc sống tương đối cao hơn và ổn định hơn ngàn vạn người khác. Đang khi đó, các thế lực chế ngự và kiểm tra cái tôi hầu như không còn, ngoài chính lương tâm tôi. Những yếu tố ngoài đời trong đạo như thế đã ảnh hưởng đến cái tôi nơi tôi. Cái tôi linh mục của tôi có thể nhờ thế mà nên tốt hơn. Và ngược lại cái tôi linh mục của tôi rất có thể do đó mà nên xấu đi. Đáng ngại nhất là trở nên tự mãn mãn tính. Để xét mình về điểm này, tôi thử coi xem, tôi có còn nhận mình là dốt trong nhiều lãnh vực, kể cả trong lãnh vực tôn giáo, nên cần phải thường xuyên học hành thêm, hay là tôi tự mãn coi thường việc nghiên cứu học hỏi thêm mỗi ngày? Tôi thử coi xem, tôi có còn nhận mình là rất xa lý tưởng đạo đức, nên cần phải năng cầu nguyện, suy gẫm, tĩnh tâm hay là tôi tự mãn cho mình là đạo đức đủ? Tôi thử coi xem, tôi có còn nhận mình là còn thiếu sót trong các nhiệm vụ thuộc chức linh mục, nhất là nhiệm vụ truyền giáo, nên cần phải cố gắng thêm mỗi ngày, hay là tôi tự mãn cho mình là đã chu toàn nhiệm vụ? Tôi thử coi xem, tôi có nhận mình là thua kém vô số người khác nên cần khiêm tốn hay là tôi tự mãn khinh khi kẻ khác? Nhất là tôi nên xem lại phản ứng của tôi khi nghe hay đọc những tin tức và phê phán về những vết nhơ và bóng tối của tôi nói riêng và của cộng đoàn tôi nói chung. Phản ứng bực tức hay là bình tĩnh. Sự tự mãn giống như một thứ màng kéo che con mắt, khiến cho người ta khó nhận ra tính xấu của mình. Người thường mà tự mãn vốn đã là xấu. Người linh mục mà tự mãn càng xấu xa hơn bội phần. Tôi nhớ lại lời thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Và tôi tự hỏi mình: Tôi có nói được lời đó về mình không? Hay là trong tôi đã quá đầy cái tôi tự mãn, không còn chỗ cho Đức Kitô. Lạy Chúa Kitô, xin cứu con khỏi chính cái tôi tội lỗi của con.
Mười mấy năm dài tôi cặm cụi học các môn đạo, như Kinh Thánh, tín lý, luân lý, giáo luật, giáo Bài 6
Mười mấy năm dài tôi cặm cụi học các môn đạo, như Kinh Thánh, tín lý, luân lý, giáo luật, giáo phụ, giáo sử. Những kiến thức ấy rất cần cho tôi. Tôi có cảm tưởng chúng là những viên gạch, giúp tôi xây toà nhà đức tin trong tôi. Toà nhà thực nguy nga lộng lẫy. Nhưng nếu chỉ có thế, tôi thấy vẫn thiếu một cái gì. Tôi cảm thấy vắng lạnh. Chỉ khi tôi gặp được Thiên Chúa, tôi mới thấy toà nhà sáng lên và ấm áp. Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ hiện như một Chân Lý Tình Yêu toả ra ánh sáng và sự sống. Ánh sáng không thể dồn vào một chỗ. Trong vườn có thể dành chỗ này cho cây này, chỗ kia cho cây kia, nhưng không thể dành một chỗ riêng cho ánh sáng. Ánh sáng bao phủ tất cả. Sự sống cũng thế. Trong tôi không có một chỗ nào riêng cho sự sống. Sự sống chan hoà khắp con người tôi. Tôi cảm thấy Thiên Chúa Ba Ngôi tương tự như thế trong tôi. Khi tôi tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất”, thì tôi tin có Thiên Chúa, nhưng nhất là tôi tin vào Thiên Chúa. Niềm tin của tôi là một cuộc xuất hành. Tôi ra khỏi tôi. Tôi đi vào Thiên Chúa. Tôi mở hồn tôi ra. Tôi đón Ngài vào. Tôi hiệp thông với Ngài. Tôi sống với Ngài một cách đơn sơ như thể trẻ thơ với mẹ mình. Trẻ thơ không biết tên mẹ, lý lịch của mẹ, thậm chí có những tháng nó chưa biết gọi tên mẹ. Nó chỉ nhìn mặt mẹ. Nó chỉ nghe tiếng mẹ. Nó chỉ tìm tay mẹ. Nó chỉ bú sữa mẹ. Tất cả vũ trụ của nó là mẹ của nó. Nó sung sướng trong vũ trụ ấy. Nó lớn lên được nhờ sự sống mẹ, trong sự sống mẹ. Và chỉ thế thôi, nó làm cho mẹ nó vui mừng hạnh phúc. Tôi nghĩ sự sống đức tin cũng phải như thế. Chủ yếu là hiệp thông với Thiên Chúa, là sống trong sự sống Thiên Chúa. Vì thế, tôi rất để ý đến tu đức, đến việc tĩnh tâm, đến việc cầu nguyện, đến sự gần gũi với những người bị xã hội và cuộc sống loại trừ. Đó là những môi trường tôi dễ đón nhận được sự sống Thiên Chúa một cách dồi dào. Đôi khi tôi tưởng rằng nếu tôi lỡ phạm tội, thì Thiên Chúa sẽ xa tránh tôi, sẽ hắt hủi tôi. Thực tế không xảy ra như thế. Khi tôi vừa lỡ lầm thì Thiên Chúa xuất hiện. Ngài nhìn tôi. Cái nhìn của Ngài lúc ấy rất khác cái nhìn nhân loại. Cái nhìn nhân loại dễ bắt bẻ, bới móc, xoáy kẻ phạm tội vào mặc cảm, đóng đinh nó vào bản án. Còn cái nhìn của Thiên Chúa hết sức nhân từ, có sức giải thoát. Thánh Phêrô xưa đã có kinh nghiệm về cái nhìn đầy lôi cuốn ấy trên sân thầy cả thượng tế. Tôi không thể không mãi mãi nghĩ Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Tôi nghĩ như thế. Tôi tin như thế. Và tôi đã cảm nghiệm đúng là như thế. Ngài là trái tim đầy tình xót thương. Ngài đi tìm con chiên lạc. Khi tìm gặp nó, Ngài quá thương nó, đến nỗi vác nó trên vai, mở tiệc ăn mừng. Bao lần, tôi có cảm tưởng mình đã là con chiên “hạnh phúc” ấy. Thế thì làm sao tôi dám nói khác về Ngài. Tin mừng lớn nhất tôi đã nhận được, đó là tôi được Thiên Chúa yêu thương. Ngài thương tôi trước khi tôi thương Ngài. Ngài đi tìm tôi, khi tôi xa Ngài. Tôi sẽ mãi mãi ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa. Tôi sẽ không ngừng rao giảng Tình Yêu Thiên Chúa. Tôi sẽ luôn luôn gắn bó với Tình Yêu Thiên Chúa. Đó là sống đức tin của tôi. Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, con là của Chúa.
Trong thánh lễ bàn thờ, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng lời tung hô. Còn trong thánh lễ Bài 7
Trong thánh lễ bàn thờ, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng lời tung hô. Còn trong thánh lễ cuộc đời, tôi tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng các việc làm. Việc làm trước hết của tôi để loan truyền việc Chúa sống lại là chính tôi được sống lại mỗi ngày nhờ Đức Kitô. Tôi sống lại là tôi phải chỗi dậy mỗi khi sa ngã, là tôi phải thức tỉnh mỗi khi biết mình nguội lạnh, là tôi đổi mới não trạng khép kín thành não trạng cởi mở. Còn nhiều điểm khác nhau trong tôi cần được sống lại. Thực vậy, tôi đâu dám chắc rằng lòng sốt sắng ban đầu của tôi nay đã tăng lên, bởi vì xem ra nó đang nguội dần. Tôi đâu dám nghĩ rằng những điều tôi long trọng thề hứa trong lễ thụ phong nay vẫn còn cảm động, bởi vì tôi thấy chỉ còn là kỷ niệm. Tôi đâu dám tin rằng sắc đẹp của đức khiêm nhường và đức khiết tịnh của tôi thuở mới chịu chức nay càng đậm đà. Bởi vì tôi có cảm tưởng sắc đẹp ấy nay đã có vết nhăn. Tôi thấy trong tôi có nhiều ơn Chúa xem ra bị chôn vùi, cần được hồi sinh. Còn lương tâm tôi thì sao? Tôi không thấy rõ lương tâm tôi còn sống hay đã chết, khoẻ mạnh hay bệnh hoạn. Nhưng tôi đoán được phần nào, qua những phản ứng, khi tôi cọ sát với thực tại cuộc sống. Nếu trước cảnh bao người bỏ Chúa, xa Chúa, tôi cảm thấy xót xa, muốn dấn thân đi tìm chiên lạc, thì đó là một phản ứng tốt, báo hiệu tình trạng lương tâm tốt. Nếu trước cảnh bao đồng bào đang bị đói khổ bất công, vô vọng, tôi cảm thấy thương tâm, biết mình có trách nhiệm liên đới, muốn góp phần cứu độ, thì đó là phản ứng nhạy bén, báo hiệu tình trạng lương tâm lành mạnh. Điều làm tôi kinh hoàng và ghê tởm, đó là thấy một trái tim được Chúa chọn, không còn thao thức đến phần rỗi các linh hồn, nhưng lại rất rung động trước bất cứ những gì mang tín hiệu tiền bạc, khoái lạc và quyền lợi tư riêng. Nhìn sâu vào đời mình, tôi thấy có nhiều điểm cần được sống lại. Đời mình là luôn nỗ lực bắt đầu làm lại. Hiệp thông với sự sống lại của Đức Kitô, các sự sống lại trong đời thường sẽ là những chứng từ về sự sống lại của Đức Kitô, và cũng là những chứng từ về niềm tin con người ta sẽ sống lại đời sau. Qua sự tôi sống lại trong đời thường, tôi mời gọi mọi người hãy hy vọng vào lời Chúa Giêsu hứa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, sẽ không chết muôn đời”. Qua những sự kiện sống lại xảy ra mỗi ngày, người ta có thể thấy được sự sống lại không luôn là chuyện phải chờ đợi sau cái chết đời này, nhưng cũng là chuyện thấy được hôm nay, ngay trên chính con người của họ. Một việc khác tôi làm để loan truyền việc Chúa sống lại, là tôi giúp những người khác sống lại. Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện xây dựng một địa phương lý tưởng hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ rằng để mặc địa phương mình trôi dạt theo sức đẩy của các lực lượng thô bạo dẫn tới sự chết là một tội ác. Các lực lượng vô lý ấy là lối sống an phận trong khuôn khổ dốt nát túng nghèo, là bầu khí xã hội ô nhiễm chất độc kiêu căng, nghi kỵ hận thù, là thứ tinh thần đạo đức cuồng tín vong thân, là những hệ thống sản xuất ra nhiều cảnh nghèo khổ cơ cực. Là linh mục, tôi phải cải thiện những gì phải cải thiện và có thể cải thiện. Tôi không đụng tới những việc lớn lao vượt quá khả năng của tôi. Tôi cố thực hiện những việc nhỏ. Việc nhỏ ưu tiên tôi có thể làm là đổi mới cách nhìn, cách suy nghĩ, cách lựa chọn của những người trong địa phương mà tôi thấy cần phải sống lại. Đổi mới theo tinh thần công bình bác ái. Đổi mới trong sự hiệp thông với Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, Đấng đã hy sinh chịu chết cho nhân loại và đã sống lại. Không phải tôi coi nhẹ việc xây cất các cơ sở, nhưng tôi chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng con người, xây dựng những con người để họ tự phát triển và có khả năng phát triển người khác. Tôi vẫn đinh ninh rằng, đến toà Chúa phán xét, Chúa sẽ định đoạt số phận đời đời cho tôi, tuỳ theo sự tôi có chu toàn thánh ý Ngài về bổn phận đối với con người hay không. Bài Phúc Âm về ngày phán xét đã báo trước rất rõ những gì Chúa đã tập trung tra vấn tôi. Đó là bác ái đối với những kẻ bị loại trừ dưới nhiều hình thức. Giúp họ sống lại là chính tôi sống lại. Và bằng cách ấy, tôi tuyên xưng sự Phục Sinh của Đức Kitô. Lạy Chúa, xin thương nâng đỡ con suốt cuộc đời.
Đã bao lần tôi giới thiệu Đức Kitô với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội Bài 8
Đã bao lần tôi giới thiệu Đức Kitô với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”. Khi nói lời ấy, tôi có cảm tưởng mọi tội trần gian được Đức Kitô trong tôi xoá đi. Tôi cũng xin Chúa đổ hết mọi lỗi lầm của đoàn chiên tôi vào một mình tôi, để Chúa xoá đi tất cả, cho dù việc xoá đi như vậy sẽ bắt tôi phải khổ. Khổ đau đời linh mục là những cơ cực câm nín. Đôi khi tôi muốn nói ra. Nhưng khi tôi muốn diễn tả những khổ đau ấy, thì chúng bỗng biến thành tình yêu. Và khi tôi muốn kể lại tình yêu ấy, thì đột nhiên nó trở thành những đau khổ. Tôi không phân tách làm gì. Cũng không tìm hiểu tại sao. Tôi chỉ biết rằng Chúa muốn tôi là thế. Và tôi là thế. Tôi thấy Đức Kitô, từ Bêlem đến Canvariô, đã luôn luôn gánh tội trần gian và xoá tội trần gian. Tôi bước theo Ngài. Và Ngài chia sẻ cho tôi một chút đời Ngài. Chút đời Đức Kitô mà tôi lãnh nhận vẫn mang trọn vẹn ý chí vâng phục thánh ý Chúa Cha, và vẫn mang trọn vẹn thân phận người đầy tớ Đức Giavê mà tiên tri Isaia đã báo trước. Khi mang mảnh đời của Đức Kitô trong mình, tôi cảm được tình liên đới cứu độ giữa Đức Kitô và những kẻ bị loại trừ do bất cứ nguyên nhân nào. Đau khổ nhất là cảm tưởng bị chính Chúa Cha loại trừ: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ Con”, Đức Kitô là kẻ như bị mọi phía loại trừ. Tôi biết sự linh mục gánh tội và xoá tội cho đoàn chiên là việc không đơn giản. Bổn phận ấy sẽ thực hiện không phải chỉ bằng các phép bí tích và lời cầu nguyện, nhưng còn bằng những nỗ lực thường xuyên suốt cuộc đời. Mọi nơi, mọi lúc, mình phải gánh tội cho đoàn chiên. Mình phải đền tội cho đoàn chiên. Mình phải xoá tội cho đoàn chiên. Mình phải tha tội cho đoàn chiên. Những tâm tình như thế cứ thấm mãi vào tôi, từ lớp nhận thức, đến lớp tiềm thức, tận sâu vào lớp vô thức, để toàn thân tôi trở thành thánh lễ suốt cuộc đời. Thánh lễ cuộc đời không chỉ thu gọn vào các tâm tình và các chịu đựng, nhưng còn đòi những việc cho đi, nhất là tha thứ và sự hoà giải. Sẽ là gương xấu, nếu tôi không ngại tha các tôị người ta phạm đến Chúa, nhưng lại rất khó bỏ qua những lỗi người ta phạm đến tôi. Sẽ là phản chứng, nếu tôi rao giảng sự hoà giải Phúc Âm, nhưng tôi lại không thực hiện sự hoà giải ấy. Sẽ là nhục nhã cho tôi, nếu tôi “bị” khen là một bản lãnh cứng, bất khuất, không dễ chấp nhận hoà giải. Là linh mục, tôi phải biết thua để Chúa thắng. Có những cái thua mang ý nghĩa cứu độ. Kinh nghiệm cho tôi thấy trong việc xoá tội tôi cần phải để ý đến việc xoá những mặc cảm do tội gây nên, và những mặc cảm dẫn tới tội lỗi. Nhiều sự nhục mạ, kết án và thái độ khinh khi đã chém chết mọi hy vọng vươn lên, đẩy người ta vào nỗi khổ tinh thần không thể nào quên. Tôi vẫn thích nói với mọi tội nhân lời Đức Kitô xưa đã nói với người phụ nữ ngoại tình: “Tôi không kết án chị. Chị hãy về bình an”. Tôi cảm thấy sung sướng, mỗi lần được lặp lại lời Đức Kitô: “Tôi đến không phải để kết tội, nhưng là để cứu độ”. Đang khi tôi tự nguyện theo chân Đức Kitô, chia sẻ với Ngài việc gánh tội, đền tội, xoá tội, và tha tội cho trần gian, thì tôi không quên sự Hội Thánh nói chung và đoàn chiên tôi nói riêng cũng đã tích cực gánh tội của tôi, đền tội vì tôi, xoá tội cho tôi và tha tội cho tôi. Tôi nhận thức rất rõ về sự thực ấy, với tất cả tấm lòng cảm tạ, hiệp thông với tâm tình Đức Mẹ, tôi dâng lên Chúa lời kinh Magnificat.
Đức Mẹ là người nữ đợi chờ. Từ nhỏ, Mẹ đợi chờ Đấng Cứu thế đến. Sau biến cố truyền tin, Mẹ Bài 9
Đức Mẹ là người nữ đợi chờ. Từ nhỏ, Mẹ đợi chờ Đấng Cứu thế đến. Sau biến cố truyền tin, Mẹ đợi chờ ngày sinh con. Ở Ai Cập, Mẹ đợi chờ ngày được trở về quê hương. Tại Nagiarét, Mẹ đợi chờ con mình lớn lên. Trong thời gian Chúa Giêsu đi đây đó rao giảng Tin Mừng, Mẹ đợi chờ những gì tốt nhất sẽ xảy đến cho con mình. Khi Đức Giêsu chịu chết, Mẹ đợi chờ con sống lại. Khi Chúa Giêsu đã lên trời, Mẹ đợi chờ Chúa Thánh Linh hiện xuống. Trong suốt những năm tháng sống bên thánh Gioan, Mẹ đợi chờ sự phát triển của Hội Thánh, và đợi chờ ngày được tái ngộ với con đã lên trời. Suốt đời, Mẹ là một trái tim chờ đợi, vì tin vào lời Chúa. Nhìn cuộc đời Đức Mẹ, rồi nhìn vào cuộc đời linh mục, tôi thấy linh mục cũng là kẻ đợi chờ. Cái mà linh mục đợi chờ nhiều nhất, chính là sự Nước Chúa đến. Nước Chúa không có ranh giới. Nước Chúa ở trong các tâm hồn. Khi linh hồn nào yêu mến những gì là chân lý, là nhân đức, thao thức đi tìm, và khiêm tốn đón nhận, thì đó là dấu Nước Trời bắt đầu đi vào họ. Sau cùng, linh hồn ấy sẽ gặp được Đức Kitô, là chính Nước Trời. Hiện nay, có nhiều dấu chỉ báo hiệu sự Nước Trời đang đến. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều dấu chỉ báo hiệu sự Nước Trời đang bị cản ngăn, đang bị phá hoại. Điều quan trọng cho linh mục lúc này là biết phân biệt các dấu chỉ ấy. Sẽ là tai hoạ cho các linh hồn, nếu linh mục nhận định sai về các dấu chỉ. Dấu chỉ báo hiệu nguy cơ cho phần rỗi, thì lại coi là dấu chỉ tốt, để rồi đợi chờ. Đức Mẹ đợi chờ với thái độ tỉnh thức và cầu nguyện, theo lời Chúa dạy. Người linh mục đợi chờ cũng phải như thế. Phải tỉnh thức với thái độ tâm hồn vừa đơn sơ vừa khôn ngoan. Phải cầu nguyện với thái độ tâm hồn hiệp thông với Hội Thánh. Phúc Âm nói nhiều đến thái độ đợi chờ. Như người trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị sẵn đèn và dầu, để đón chàng rể đến. Như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, lắng nghe tiếng chủ gõ cửa, để chạy ra mở, và đón chủ vào. Điều đáng sợ cho tôi, đó là tôi rao giảng về Nước Trời, mà nếu chính tôi lại không thao thức đợi chờ Nước Trời, nhất là không biết đón nhận Nước Trời, thậm chí còn cản ngăn Nước Trời đi vào lòng các người thiện chí. Sớm muộn rồi sẽ đến ngày tôi ra đi vĩnh viễn. Tôi chờ đợi ngày giờ ấy, với thái độ chờ đợi Nước Trời. Hiệp cùng Đức Mẹ, tôi nhận biết mình luôn luôn chưa tới đích, còn phải bước thêm, còn phải đợi chờ. Thân phận là mỏng manh, công trình thì dang dở. Như thế mới đợi chờ. Tôi đợi chờ Nước Chúa với lòng cậy trông phó thác, như Đức Mẹ, và trong trái tim đợi chờ của Đức Mẹ. Long Xuyên, ngày 9/3/1993