GIƠI LUẬT YÊU THƯƠNG + Giám mục GB Bùi-Tuần

Thứ năm - 11/06/2020 00:11
GIƠI LUẬT YÊU THƯƠNG  + Giám mục GB Bùi-Tuần
GIƠI LUẬT YÊU THƯƠNG + Giám mục GB Bùi-Tuần
GIƠI LUẬT YÊU THƯƠNG
+ Giám mục GB Bùi-Tuần

Lời ngỏ. 1
01. BIẾT MÌNH.. 2
02. CẦU NGUYỆN.. 8
03. KHIÊM NHƯỜNG.. 13
04. GIÁO DỤC CON CÁI 18
05. THƯƠNG NGƯỜI SẼ GẶP ĐƯỢC CHÚA.. 23
06. YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI 28
07. YÊU THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI YẾU ĐUỐI 33
08. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ.. 39
09. TÌNH THƯƠNG ĐỐI VỚI NỮ GIỚI 44
10. ĐỪNG XÉT ĐOÁN BẬY.. 50
11. ĐỪNG NÓI HÀNH.. 54
12. HÃY QUÊN ĐI VÀ THA THỨ.. 60
13. TÌNH THƯƠNG GIỮA ANH EM... 65
14. SÁM HỐI PHÚC ÂM... 70

-----------------------------
 

Lời ngỏ

Nhiều học trò cũ đã xin tôi cho xuất bản những bài tôi giảng.
Tôi rất ngại. Một đàng vì thấy các bài đó cũng chẳng ra gì. Một đàng vì không có giờ soát lại.
Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng, tôi xin trao đây một số nhỏ tượng trưng, để anh em tuỳ nghi sử dụng.
Hy vọng anh em có thể tìm được ở đây một kỷ niệm tinh thần của những năm thầy trò chung sống.
Long Xuyên, 30 tháng 4 năm 1975
+ Bùi Tuần
---------------------------------

 

01. BIẾT MÌNH


Muốn đi từ Rạch Giá đến Sài Gòn, ta có thể dùng đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không. Nhưng dù di chuyển bằng đường nào, ta cũng phải có phương tiện mới tới nơi được.

Đời sống ta cũng là một chuyến đi, một chuyến đi dài, một chuyến đi trắc trở, chuyến đi của con người tìm về nhà Chúa. Hiện giờ ta đang trên con đường đó. Mặc dù lúc này ngồi gần nhau đây, nhưng có thể rất xa nhau trên con đường này. Kẻ đã tới gần đích, kẻ vẫn còn xa, kẻ đang bị lầy lội, kẻ đang đi thênh thang... Nhưng chưa ai tới đích. Mà chưa tới đích thì chẳng ai dám chắc sẽ không gặp bất ngờ.

Mà đây là chuyện tối quan trọng, vì không tới được Chúa thì sẽ là mất hết. “Ô! Được mọi sự thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?”.

Vì thế, trong mấy ngày này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét lại những phương tiện giúp ta đi lên Chúa. Những phương tiện ấy có nhiều. Nói hết sẽ dài lắm. Dịp này, chúng ta sẽ chỉ suy nghĩ về một số vấn đề tương đối cần thiết hơn mà thôi. Vấn đề thứ nhất tôi muốn bắt đầu là Biết Mình. Biết Mình, đó là đề tài chiều nay.

Anh em thân mến,

Người đau mà tưởng mình mạnh, người mạnh lại tưởng mình đau, cả hai người cùng nguy khốn cả, vì không biết mình. Người đi lạc mà tưởng mình đi đúng. Người đi đúng lại tưởng mình đi lạc: cả hai người cùng nguy khốn cả, vì không biết mình.

Trong mọi phạm vi, nhất là trong phạm vi đạo đức, sự không biết mình là một điều rất tệ hại. Không biết mình xấu, thì làm sao sửa mình nên tốt được. Không biết mình lâm nguy thì làm sao tránh được tai biến. Vì thế, biết mình là điều kiện trước tiên của mọi cải tiến. Muốn nên người, muốn nên thánh, thì trước tiên phải biết mình. Do đó, người ta cho sự biết mình là đầu mối khôn ngoan.
Tuy nhiên, ít người biết rõ mình. Vì biết mình là một điều không dễ. Đã hẳn rằng, không ai gần ta cho bằng ta, nhưng rất nhiều khi chính ta lại xa lạ với ta hơn hết. Nhưng tuy khó, ta vẫn có thể biết được mình.

Để biết mình, ta phải xét mình. Nhưng có nhiều cách xét mình ta phải coi chừng, vì nó không làm cho ta biết rõ mình đâu.

Cách xét mình thứ nhất phải coi chừng: là so sánh mình với người khác.
Phúc Âm kể chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người biệt phái và một người thu thuế. Giới biệt phái có tiếng đạo đức. Giới thu thuế có tiếng tham nhũng. Người biệt phái phải đứng gần bàn thờ, ngước mắt lên trời mà nói: Lạy Chúa, xin thương đến tôi. Vì tôi ăn ở đàng hoàng, không thối nát đàng điếm như người thu thuế đứng dưới kia. Hơn thế nữa, mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi làm phúc bố thí cho kẻ nghèo... Còn người thu thuế thì đứng mãi cuối nhà thờ, cúi mặt xuống đất, đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương đến con vì con tội lỗi đầy tràn...”. Rồi Chúa phán: Hai người cùng đi ra nhưng người thu thuế thì được khỏi tội, còn người biệt phái thì không.

Chuyện trên đây cho ta thấy: so sánh mình với kẻ khác, thường không phải là cách tốt để biết mình. Người biệt phái so sánh mình với người thu thuế thì thấy mình hơn  người đó đủ mọi phương diện. Nhưng ông ta đâu có ngờ rằng, những cái ông ta so sánh đó chưa phải là tất cả. Còn nhiều điều quan trọng hơn. Người khác không thấy, và chính ông cũng không để ý. Mà đó mới là cái ăn thua.

Nhiều khi ta cũng lầm như người biệt phái đó. Ta thấy người khác khô khan, ít đi nhà thờ, đọc kinh dự lễ thua ta, thì ta tự cho mình là hạng người đạo đức. Hoặc khi ta thấy nhiều người khác cũng phạm tội, sống tầm thường như ta thì ta tự an ủi mình rằng: Có trăm ngàn người khác cũng thế. Họ có hơn gì mình đâu. Nên ít ra mình cũng chẳng xấu, chẳng tệ gì cho lắm.

So sánh kiểu đó là lầm. Muốn so sánh để biết mình tốt xấu, thì phải so sánh mình với Chúa, với các thánh, với những người gương mẫu. Cũng như muốn biết tấm vải dài vắn, thì có ai dại lại đo bằng thước hụt bao giờ?

Đàng khác, khi so sánh ta với người khác, ít khi đúng lắm. Vì ta thường ngặt với người, mà dễ với ta. Mình thiên tư mình là chuyện thường. Vì thế, xét mình bằng cách so sánh mình với người khác thường làm ta sai lạc trong việc Biết Mình.

Cách xét mình thứ hai phải coi chừng: là quá dựa vào dư luận.

Nhiều khi xét mình, ta tự tạo ra cho mình một cái hình ảnh tinh thần về ta được thêu dệt bằng những dư luận ta nghe người ta nói về ta. Rồi ta cho đó là tất cả sự thực về mình ta. Nhưng ta lại không nhớ rằng, dư luận thường chỉ là luận dư.

Trong lịch sử đạo Công giáo, lần đầu tiên dư luận, ý kiến đại chúng được phát biểu là về vấn đề có nên tha Giêsu hay Barabba. Và kết quả là đại đa số, nếu không nói được là tất cả đều đã xin tha Barabba. Tất cả đã chấp thuận sự dữ. Tất cả đã kết án người lành. Thực là mỉa mai. Và không vinh dự gì cho những ai chủ trương lấy dư luận và ý kiến đại chúng làm tiêu chuẩn để phân biệt lành dữ.

Dư luận đám đông xô bồ có thể có giá trị khi phán đoán về những cái đẹp xấu bề ngoài. Nhưng về những phán đoán các giá trị luân lý hay tinh thần thì ta nên dè dặt. Vì đám đông thường nói vô trách nhiệm, và không cân nhắc. Nói vì những lý do thầm kín, nguỵ tạo, hơn là vì mục đích hoàn toàn bác ái, mến Chúa yêu người. Nói với những thêm bớt vô tình hay tự ý hơn là với thực sự toàn vẹn.

Nói thế không có nghĩa là ta được phép coi rẻ những nhận xét của những người khôn ngoan đạo đức và có trách nhiệm đối với ta. Không, ở đây chỉ nói tới dư luận đám đông, tức là nói tới những thứ người vụ lợi, thiếu suy xét và dễ bị lôi cuốn.

Nếu ta đừng dựa vào dư luận đó, có lẽ ta sẽ thấy ta khác. Có lẽ xấu hơn, tệ hơn sự người ta nghĩ về ta. Ta sẽ nhìn thấy ta tật nguyền, tội lỗi, yếu hèn quá, tự ta có thể tưởng tượng. Lúc đó chính ta sẽ kinh tởm ta, chứ không cần phải ai chê ta nữa.

Cách xét mình thứ ba phải coi chừng: là chỉ để ý xem mình có phạm điều tội gì nặng không.

Suy gẫm Phúc Âm, ta thấy rõ điều đó. Thời Chúa Giêsu những người thu thuế và đĩ điếm đều bị xã hội xếp vào loại tội lỗi công khai. Vì thế mà có lần Chúa Giêsu đã nói về họ rằng: Ta nói thực với các ngươi: Những người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào nước thiên đàng trước các ngươi (Mt 21,31). Đang khi ấy, những người trưởng tế và biệt phái lại bị Chúa mắng là “loài rắn độc”. Họ rất bực tức khi nghe mắng như thế. Vì họ thấy mình có làm gì nặng nề như bọn thu thuế và đĩ điếm đâu. Hơn thế, họ còn là những người lãnh đạo tôn giáo đồng nghĩa với đạo đức. Sao lại bị Chúa coi là xấu và tệ hơn hạng người tham nhũng và đĩ điếm!

Họ không hiểu. Người ta khó thấy. Nhưng Chúa hiểu biết vô cùng, thấu suốt mọi lòng người. Chúa thấy hạng người đạo đức đó còn nguy hiểm hơn hạng người sa đoạ kia. Kẻ sa đoạ biết mình hèn, biết mình thiếu thốn nên dễ quay về tìm Chúa. Còn hạng được kia, chỉ căn cứ vào sự thấy mình không làm điều gì nặng, để rồi an lòng, thì dễ tự mãn, tự phụ. Mà tự mãn tự phụ là điều Chúa rất ghét.

Có khi chúng ta cũng xét mình theo kiểu mấy người lãnh đạo tôn giáo đó. Chỉ để ý tới những tội nặng thôi. Không thấy mình phạm gì nặng, thì đã cho là khá lắm.

Nhưng không thấy mình phạm gì nặng, còn tự mãn tự kiêu thì sao? Chính thái độ đó không phải là xấu sao? - Không thấy mình phạm gì nặng, còn sự nguội lạnh thì sao? Chúa bảo “Không nóng không lạnh, nên sẽ mửa mày ra khỏi Ta”. Lời đó, Chúa nói cho ai đó? - Mình không làm điều gì nặng, nhưng bỏ không làm việc lành thì sao? Chúa bảo “Khi Ta đói, bay không cho ăn, rách không cho mặc, bệnh không cho thuốc, tù không đến thăm. Vì thế bay hãy xuống hoả ngục dành cho bay và ma quỷ...”. Những lời đó Chúa nói cho ai đó? Họ đâu có giết người, dâm dục, nói láo, bất công, bất hiếu, có làm gì có vẻ nặng đâu. Họ chỉ xét có bấy nhiêu, nên họ không thấy. Nhưng Chúa xét tới cả những việc lành họ không chịu làm, và họ đã bị kết án về những việc không làm đó.

Vì thế ta phải coi chừng lối xét mình chỉ để ý xem mình có làm việc gì tội nặng nề hay không.

Cách xét mình thứ bốn phải coi chừng: là căn cứ vào nếp sống bề ngoài của mình.

Nhiều khi chúng ta muốn biết mình thì hay nhìn qua một lượt các việc ta thường làm từ sáng đến tối. Ta thấy sáng ta có đi lễ, trưa có đọc kinh sai thiên thần, tối có đi chầu phép lành lần chuỗi. Đi ngoài đường thì nghiêm trang, ở nhà thì không đụng chạm ai... Nhìn qua nếp sống đó, rồi ta tự cho mình là ta cũng dễ thương lắm.

Nhưng ta đừng quên, có lần Chúa đã nói: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng trí thì xa Ta”. Người ta thấy bề ngoài. Còn Chúa thấu suốt bên trong. Và vì thế, có lần Chúa đã gọi những người có nếp sống đạo đức bề ngoài đó là “những chiếc mồ mả, trông ngoài thì trắng, mà trong thì hôi thối”. Chắc là vì họ chỉ câu nệ vào những hình thức bề ngoài, còn trong tâm hồn thì đầy những ý tưởng ước mơ xấu: kiêu căng, ghen ghét, tham lam, ác ý..

Với nếp sống bề ngoài, ta chỉ là cái vỏ, chỉ là mặt nạ, chứ chưa phải là ta. Muốn biết rõ mình ta, ta đừng căn cứ vào cái vỏ bề ngoài đó.

Cách xét mình thứ năm phải coi chừng: là căn cứ vào sự thinh lặng của lương tâm.

Đã hẳn, lương tâm an ổn là một dấu tốt. Nhưng cũng có khi sự an ổn đó lại là một thứ yên tĩnh giả tạo.

Vua Herôđê, phạm tội cướp vợ của anh, phạm tội giết thánh Gioan Baotixita. Khi ông gặp Chúa Giêsu, ông vui mừng hỏi Chúa bao nhiêu điều. Nhưng Chúa làm thinh, không nói một tiếng. Tại sao Chúa không nói một tiếng để cảnh tỉnh ông. Ngài đã nói với đàn bà ngoại tình, với Philatô mà không nói với Hêrôđê? Thưa vì lương tâm của vua Hêrôđê đã chết rồi. Chúa không cảnh cáo ông nữa, vì lòng ông đã chai đá, trơ trơ, yên lặng. Và ông đã vui cười lại càng vui cười thêm.

Lương tâm chai đá là một thứ hình phạt nặng nhất Chúa dành cho người tội lỗi. Ấy thế mà có người lại lầm cho lương tâm không cắn rứt đó là một dấu tốt báo hiệu hồn mình chẳng có tội gì.

Anh chị em thân mến,

Nếu để đi lên với Chúa, chúng ta phải coi chừng:
- Đừng so sánh mình với người khác,
- Đừng quá dựa vào dư luận,
- Đừng chỉ xét có làm tội năng hay không
- Đừng căn cứ vào nếp sống bề ngoài,
- Đừng chỉ nghe lòng có cắn rứt hay không?
Vậy, phải làm thế nào để biết mình? Thưa, hãy bắt chước thánh Phaolô. Từ Đamas, ngài đi Giêrusalem để bắt bớ các tín hữu Chúa. Bỗng ngài bị một ánh sáng từ trời đánh ngã. Ngài hỏi Chúa muốn con làm gì? Rồi ngài mờ mắt. Ba ngày đêm không ăn uống. Chỉ suy nghĩ cầu nguyện. Trong cảnh cô tịch nội tâm đó, Ngài đã được Chúa cho biết rõ mình. Và từ đó ngài đã trở thành thánh, đã trở lại hoàn toàn.

Chúng ta cũng hãy làm như ngài. Hãy hỏi Chúa và hãy suy nghĩ trong cõi lòng thinh lặng. Trong những ngày tĩnh tâm này đã hẳn rằng dù muốn ta cũng không thể bỏ hết mọi việc để cầu nguyện và suy nghĩ. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn có thể cầu nguyện hơn ngày thường, suy nghĩ hơn ngày thường, thanh vắng hơn ngày thường. Chỉ cần ta có thiện chí và cố gắng.

Trong những lúc đó, ta hãy tạm quên đi tất cả, đặt mình trước mặt Chúa, sống một mình với Người, đem những chi tiết đời mình ra hỏi Chúa, xem Chúa có bằng lòng từng điều với ta không. Những chi tiết đó là: những sự ta yêu ta ghét, ta ước mơ, ta xét đoán. Những việc ta làm, những lời ta nói, những thái độ của ta. Những liên lạc của ta với bạn bè, người dưng kẻ thương kẻ ghét ta, các việc ta đã bỏ chẳng làm, việc bổn phận của ta, vv...
Nếu muốn biết đại cương xem ta tốt hay xấu, thì có thể xét theo ba điều này sẽ biết liền: Ba điều này do Đức Cha F. Scheen dựa theo luật tâm lý:

1/ Có hay xét đoán, bàn tán, chỉ trích người khác không?
2/ Có hay chỉ trích việc đạo không?
3/ Có hay ích kỷ không?

Điều thứ 1 sẽ cho thấy là: hễ ta hay xét đoán, bàn tán, chỉ trích người khác về sự xấu nào, thì đó là dấu chính ta có khuynh hướng mạnh nghiêng chiều thầm kín về sự xấu đó.

Điều thứ  2 sẽ cho thấy là: hễ ta hay chỉ trích luật đạo là dấu ta không mấy giữ đạo.

Điều thứ 3 sẽ cho thấy là: hễ ta hay ích kỷ thì là dấu ta thường lỗi bác ái với tha nhân.

Lạy Chúa, con xin Chúa thương ban ơn cho con được biết mình, để đáng Chúa dắt con về với Chúa.

 

02. CẦU NGUYỆN


Từ đây sang bên kia sông, ta phải qua một chiếc cầu. Cầu là cái gì nối hai bờ sông lại. Sông càng lớn, cầu càng phải khoẻ và dài. Nếu bắc một chiếc cầu qua Vàm Cống, chắc sẽ phải phí tổn kinh khủng. Vì hai bờ quá xa nhau. Cũng vậy, giữa con người với Thiên Chúa cũng có một khoảng xa phân cách. Khoảng phân cách đó rộng hơn hai bờ bể xa hút ngàn trùng. Để đến với Chúa, con người cũng phải đi trên một chiếc cầu. Chiếc cầu đó, mỗi người có thể tự bắc lấy. Không tốn kém gì. Không phải là cầu sắt, cầu bê-tông. Nhưng là cầu nguyện: chiếc cầu làm bằng kinh nguyện.
Cầu nguyện, công việc đó không xa lạ gì đối với anh chị em. Nhưng vì quá quen thuộc, mà đôi khi cần xem xét lại, kẻo nó trở thành việc máy móc, hoặc khi làm khi bỏ. Vì thế, hôm nay tôi xin anh chị em chăm chú cùng tôi tìm hiểu 3 điểm này:
1/ Cầu nguyện là gì?
2/ Cần cầu nguyện không?
3/ Có thể cầu nguyện không?
Cầu nguyện là gì?
Dựa theo định nghĩa của thánh Damasceno và Augustinh, ta có thể nói: “Cầu nguyện là gặp gỡ thân mật với Chúa”. Gặp ai là đầu tiên phải thấy người đó. Gặp Chúa là nhìn thấy Chúa, không phải nhìn bằng mắt xác thịt, nhưng bằng mắt linh hồn, mắt đức tin. Nhìn thấy Chúa ở đâu? Ở khắp nơi, nhưng, cách riêng ở ba nơi này: Ở trên trời, ở phép Mình Thánh và ở trong ta. Nhìn lên trời để cầu nguyện, đó là cử chỉ rất quen thuộc của Chúa Giêsu. Như lần Ngài cầu nguyện trước khi làm phép lạ cho 5 cái bánh và 2 con cá nuôi 5000 người (Mc 6,41), lần chữa người vừa câm vừa điếc (Mc 7,34), và khi sắp lập phép Thánh Thể. Nhìn lên trời, đó là thái độ trút bỏ sự thế hướng lòng lên Thiên Chúa, đúng như nghĩa chữa Thiên là trời, Chúa là chủ: chủ bầu trời, vũ trụ.
Nhìn vào phép Thánh Thể để cầu nguyện, đó là cử chỉ của ta khi vào nhà thờ. Vì dưới hình bánh trên nhà tạm, có thực chính Chúa Giêsu.
Thu lòng trí trở về chính hồn ta, ta cũng sẽ tìm thấy Chúa, vì Chúa thích ngự đó hơn ở trong bình vàng để trong nhà tạm. Ngài phán: “Ai mến Ta và giữ lời Ta, thì Cha Ta sẽ yêu nó và Chúng Ta sẽ đến ở trong nó” (Ga 14,23).
Chúa ở trên trời, Chúa ở nhà tạm, Chúa ở lòng ta, đâu đâu Chúa cũng nhìn ta, cũng đợi ta. Nhưng nếu ta không nhìn lại (không tiến lại gặp Chúa) thì không bao giờ có sự gặp gỡ giữa đôi bên. Nhưng nhìn mà thôi, chưa hẳn là gặp gỡ. Cần phải đi lại, tiến lại. Ta tiến lại Chúa bằng gì? Bằng sự nâng lòng lên Chúa, hướng lòng về Chúa với sự khao khát mong chờ. Và khi đã nhìn, đã hướng lòng về Chúa, thì đó là gặp gỡ.
Nhưng có nhiều thứ gặp gỡ. Trên đường từ nhà tới nhà thờ anh chị em đã gặp nhiều người. Người lính gác cầu, người đạp xe, người bán hàng, người quen, người không quen. Mỗi người ta gặp với một tâm hồn khác nhau. Hoặc dửng dưng, xã giao, hoặc thân mật. Cầu nguyện là sự gặp gỡ Chúa, một cuộc gặp gỡ không phải chỉ bề ngoài, nhưng là cuộc gặp gỡ thực sự và thân mật.
Tính cách thân mật đó không hệ ở lời nói, cử chỉ và bộ diện bề ngoài, nhưng chính cốt ở tại lòng trí ta: trí ta phải chăm chú, lòng ta phải đổ dồn hết tin yêu vào Chúa. Và đó là sự gặp gỡ thân mật.
Nhưng gặp gỡ thân mật đó để làm gì? Để nói chuyện với Chúa. Nói chuyện thì phải dùng lời; lời nói trên môi hay lời nói âm thầm trong lòng trí. Đối với Chúa, ta có thể dùng cả hai. Vì Chúa thấu suốt tận đáy tâm hồn. Nhưng ta sẽ nói gì với Chúa. Ta có gì, ta muốn gì, ta là ai, tâm hồn ta thế nào, thì ta hãy cứ nói với Chúa như vậy. Nói về dĩ vãng, nói về hiện tại, nói về tương lai. Nói về ta, nói về người khác, nói về Chúa. Bộc lộ cả những nỗi lo âu, những niềm vui, những cơn sầu muộn. Giãi bày lòng ta đối với Ngài. Tất cả hãy tâm sự với Chúa, tâm sự tất cả với tấm lòng trên môi. Nói như con nói với Cha, như kẻ thiếu thốn nói với kẻ giàu. Tâm sự như thế là một việc tin yêu: Tin ở sự (có mặt của) Chúa đang nhìn ta, nghe ta và sẵn lòng đón nhận ta; tin nhận sự yếu hèn tội lỗi của ta; tin ở quyền năng và tình thương bao la Chúa; tin ở sự khôn ngoan vô cùng Chúa luôn biết sự gì tốt cho ta.
Nhưng có cần phải cầu nguyện không?
Thưa anh chị em, nếu ta đầy đủ mọi sự, nếu ta chắc chắn rỗi linh hồn, nếu ta tự mình mà có, thì ta chẳng cần gì cầu nguyện, hay ít ra cũng chẳng cần cầu nguyện nhiều làm gì. Nhưng ta sống trên đời như trên biển lệ, cuộc sống bập bềnh giữa muôn ngàn nguy biến đau thương, ta sẽ xin ai giúp đỡ, ta cầu cứu nơi đâu? Thưa nơi Chúa. Chúa không cần ta. Nhưng ta cần Chúa. Vì thế mà ta phải năng cầu nguyện.
Trong một cuộc thi thăng cấp sĩ quan, ban Giám khảo hỏi một thí sinh thế này: “Toán quân của anh chẳng may lọt vào vòng vây địch mà quân số vừa đông vừa trang bị hùng  hậu hơn. Trong tình trạng đó, anh sẽ làm gì?”. Không ngần ngại, thí sinh đó thưa: “Tôi cầu nguyện, và bảo binh sĩ cầu nguyện trước khi giao chiến”. Cả ban Giám khảo đều ngẩn người, vì câu trả lời không ngờ đó. Một viên Giám khảo đứng lên, vỗ vai anh và nói: “Tốt, mong anh giữ mãi được một thái độ, tâm hồn như thế. Có lẽ viên sĩ quan này cũng như thí sinh kia đã nghĩ tới cuộc giao tranh ác liệt giữa Israel và Amalec. Khi đó, ông Maisen trên núi cầu nguyện. Bao  lâu ông còn giơ tay cầu nguyện, thì Israel còn thắng. Nhưng hễ ông Maisen hạ tay xuống, thì lập tức Israel chuyển thắng thành bại. Đời ta cũng là một cuộc giao tranh liên tiếp. Chống với những đòi hỏi mù quáng của xác thịt, chống với những phù hoa lôi cuốn của thế gian, chống với những cơn cám dỗ mãnh liệt của ma quỷ. Trong một cuộc chiến tranh gay go và trường kỳ như vậy, định một mình xoay xở lấy tức là đi vào thất bại và tự sát. Nếu cần trợ giúp thì không ai có thể giúp ta bằng Chúa. Xin Ngài trợ giúp ta đó là cầu nguyện. Cầu nguyện nhiều, cầu nguyện mãi vì cuộc chiến đấu cũng dài như cuộc sống.
Đã hẳn, Chúa muốn cho mọi người được rỗi, và Chúa cũng ban cho mỗi người trong ta vừa đủ ơn để có thể được rỗi. Nhưng với ơn vừa đủ đó, ta rất khó có thể được rỗi, mặc dầu gọi là có thể. Để chắc được rỗi, phải có ơn riêng. Ơn riêng này Chúa thường chỉ ban cho kẻ nào xin. Hoặc chính họ xin, hoặc người khác xin dùm. Không xin sẽ không được. Trong nhiều việc cũng vậy. Tôi thí dụ: Chúa định rằng, để tuần tĩnh tâm này được kết quả hoàn toàn, thì cần phải có 100 ơn Chúa. Đầu tuần (tức hôm qua), Chúa cho mỗi người 30 ơn đồng đều. Còn 70 ơn, Chúa giữ lại, định rằng: ai dùng nên 30 ơn đã cho và cầu nguyện, thì sẽ ban thêm dần. Ai không dùng nên, coi thường thì sẽ rút lại. Thành ra biết đâu chiều này có người trong anh chị em đã được 50 ơn, có người mới được 40 ơn, và khi kết thúc tuần đại phúc, có người sẽ được 100 ơn Chúa, đang khi có người sẽ chỉ được 50 hay là trở lại số không. Sự khác biệt đó tại sao? Tại có người đã dùng ơn nên và đã cầu nguyện, có người không.
Thưa anh chị em, cầu nguyện không những sinh ơn phần hồn, mà cũng làm ích cho phần xác nữa.
Cách đây ít năm, trên một nhật báo ở thủ đô có đăng một loại bài tranh luận giữa hai bác sĩ về cách chữa bệnh “buồn”. Tôi miễn phê bình giá trị những ý kiến hai ông đưa ra. Nhưng tôi xin mách một phương pháp khác, không mất tiền, ai ai cũng có thể làm được, để chữa bệnh buồn. Phương pháp này đã được bác sĩ Alexis Carrel bàn dài trong một tập sách của ông. Phương pháp đó là cầu nguyện. Cầu nguyện, ta sẽ thấy lòng lắng xuống, thần kinh bớt căng thẳng, tâm hồn trở nên thư thái nhẹ nhàng. Mà đúng thế, gặp Chúa là gặp nguồn an ủi, là gặp suối bình an, là gặp suối sức mạnh. Kết quả đó chỉ là 1 trong 100, 1000, mà những người cầu nguyện thấy rõ ràng hơn hết.
Gạt lý do thiếu thốn ra, ta vẫn còn thấy: cầu nguyện nhiều là một vấn đề cần thiết vì lẽ Chúa là Cha và ta là con. Con năng nói với Cha: đó là nghĩa vụ hiếu nghĩa, và một việc tất nhiên của tình con đối với tình Cha bao la...
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho ta về việc đó. Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng như cả đời Chúa Giêsu là một kinh nguyện không ngừng. Ngài cầu nguyện trong đền thánh, trong gia đình, trong sa mạc, trên đường đi, trên thánh giá. Cầu nguyện ban ngày, cầu nguyện ban đêm, cầu nguyện trước và sau bữa ăn, trước và sau giảng và làm phép lạ. Chúa Giêsu là thế, còn chúng ta thì sao?
Có lẽ chắc, chúng ta cũng nhận rằng: Năng cầu nguyện là việc hay, việc cần thiết. Nhưng có người sẽ bảo: cầu nguyện là một chuyện, mà có thể cầu nguyện là một chuyện khác. Tôi không cầu nguyện được thì làm sao? Tôi xin giải đáp thắc mắc đó.
Ta có thể cầu nguyện không?
Bảo không thể cầu nguyện được, thì vì sao? Phải chăng vì không có thời giờ? Được. Mỗi ngày 24 giờ, tức 1440 phút. Trong đó ta có giờ ngủ, giờ ăn, giờ làm việc, giờ giải trí, có giờ để nói với người trong nhà, trong sở, ngoài đường. Nhỏ vặt như việc xỉa răng cũng có thời giờ: sáng 2, trưa 2, tối 2 cộng là 6 phút. Chỉ có việc cầu nguyện, thì không có thời giờ. Như thế Chúa là một kẻ ăn xin sao? Như thế cầu nguyện là một việc bố thí cho Chúa. Dư giờ và tiện thì làm. Không thì làm ngơ. Thái độ đó có xứng đáng cho một người chịu ơn Chúa, gọi Chúa là Cha, là Chúa, do Chúa sinh ra và một ngày kia trở về với Chúa không? Không cần trả lời, anh chị em đã hiểu rõ hơn tôi.
Có người lại chữa mình rằng: không thể cầu nguyện vì không thể đi nhà thờ được, hay vì không thuộc kinh.
Những lý do đó không đứng vững, nếu người ta hiểu cầu nguyện là gì, như đã cắt nghĩa trên kia. Chúa ở trong nhà tạm, nhưng cũng ở trên trời và ở trong lòng ta, ở bên ta. Như thế, ở đâu cũng có thể cầu nguyện được.
Đàng khác, cầu nguyện không lệ thuộc vào kinh. Kinh in trong sách, kinh đọc nơi chung rất ích lợi để gợi ý gợi tình, giúp trí lòng ta dễ cầu nguyện. Tôi nói: chỉ giúp cầu nguyện mà thôi, chứ không làm nên sự cầu nguyện. Sự làm nên việc cầu nguyện phát xuất tự lòng ta. Gặp và nói chuyện với Chúa, đó là cầu nguyện. Nói như con với Cha, như kẻ khó nói với người giàu, như bạn thân nói với kẻ mình yêu thương tin tưởng. Dễ như thế thì ai không làm được?
Có người lại vịn lẽ: khô khan, lo ra quá nên không thể cầu nguyện được. Xin những người đó hãy an lòng, và đừng bỏ cầu nguyện. Tình ái con người có hai dòng chảy: một dòng gọi là tình cảm, một dòng gọi là lòng muốn. Tình cảm là dòng dưới. Lòng muốn là dòng trên. Hai dòng có lúc chảy song song và hoà trộn sang nhau, có lúc chảy ngược. Tình cảm tốt thường là một trợ lực hữu ích cho lòng muốn. Nhưng tình cảm tự nói không phải là yếu tố căn bản làm nên tội phúc. Tội phúc ở tại lòng muốn. Sự lòng muốn chọn và ưng theo mới là sự đáng kể. Vì thế, nếu tình cảm khô lạt, và trí ta vô tình lo ra, nhưng lòng muốn ta vốn một mực cương quyết tin yêu, trung thành với Chúa và ra sức cầm trí lại thì sự cầu nguyện lúc đó sẽ có công phúc hơn lúc cầu nguyện có tình cảm sốt sắng.
Anh chị em thân mến,
Cầu nguyện là việc rất cần, nhưng cũng là việc rất dễ. Chớ chi đời ta sẽ biến thành một lời cầu nguyện liên lỉ, một cuộc sống thân mật với Chúa mỗi ngày mỗi thêm thắm đậm, để rồi nhờ đó, như chiếc cầu linh thiêng, ta sẽ vượt dương thế để về với Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần. Amen.

 

03. KHIÊM NHƯỜNG


Khi chữa bệnh, người ta phải tìm đến căn bệnh mà chữa mới trông kết quả lâu bền. Trong chiến tranh, người ta phải tìm chỗ xuất phát và kho tiếp liệu mà đánh mới trông thắng trận.
Cũng vậy, muốn cải thiện mình, ta cần phải tìm tới nguồn gốc phát sinh các nết xấu để tự liệu, mới dễ thành công. Nguồn gốc đó là gì? - Trên đường đi về với Chúa, ta phải tìm cái ngăn trở chính cản bước tiến của ta, mới trông tới đích được. Cản trở đó là gì?
Thưa, là cái đã làm cho Lucifer sa ngã, cái đã làm cho Adong  Evà phạm tội, thưa là sự kiêu ngạo.
Anh chị em thân mến,
Nói tới kiêu ngạo, có lẽ chúng ta tự nói trong lòng rằng “Cái này thì có lẽ mình không có. Hay nếu có thì cũng chỉ sơ sơ chút ít vậy”. Tôi cũng mong đúng được như thế. Nhưng biết đâu, chính sự không nhận thấy mình kiêu ngạo lại là dấu mình kiêu ngạo.
Kiêu ngạo là yêu mình quá độ, thích coi mình hơn kẻ khác. Kiêu ngạo là phóng đại sự quan trọng của mình, và coi mình như một thứ trung tâm muốn được kính nể và chú ý tới. Nguyên chất thì kiêu ngạo nó là như thế. Nhưng nó hay biến đổi dưới nhiều hình dạng khác nhau. Chẳng hạn: Xét đoán xấu cho người khác. Việc đó ta cho là lỗi công bình bác ái. Nhưng thực ra, đầu ngọn là kiêu ngạo. Vì xét đoán ai là đặt mình trên kẻ bị xét đoán, là tự coi mình hơn họ. Rồi chẳng hạn khinh dể, nói hành, bàn tán, rỉ tai, nói xấu kẻ khác. Việc đó ta cũng là cho lỗi công bình bác ái. Nhưng tựu trung cũng do kiêu ngạo. Vì khinh dể nói xấu ai là coi mình hơn họ, là muốn cho họ phải sút kém, là một cách gián tiếp khoe mình không xấu như họ. Rồi chẳng hạn khoe khoang. Tại sao? Thưa cũng vì kiêu ngạo, muốn cho mình là quan trọng. Rồi chẳng hạn không vâng lời, tại sao? Thưa cũng vì ta tự coi mình là có lý hơn người. Có thể nói là, hầu hết các tội và các nết xấu đều phát sinh do kiêu ngạo, hay là liên hiệp với kiêu ngạo.
Kiêu ngạo không những có một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trong các tội, mà nó còn có một đặc điểm riêng mà chỉ nó mới có. Đó là nó dám lẻn vào được cả những việc lành ta làm. Đi nhà thờ, rước lễ, bố thí, vv... là những việc lành. Nhưng không coi chừng thì có thể là khi làm những việc đó, ta sẽ có một chút tư tưởng kiêu ngạo lẻn vào. Biết bao nhiêu việc ta làm có vẻ là lành thánh, là bác ái, là truyền giáo... đã bị hư đi, vì con sâu kiêu ngạo đó đã lẻn vào.
Do đó, muốn chừa một tội, và xây dựng nhân đức, thì bao giờ cũng phải để ý đến đầu ngọn là kiêu ngạo, đến nền móng là khiêm nhường.
Điều không hay thứ nhất là: Kiêu ngạo chỉ là một thứ lừa dối.
Tôi kiêu ngạo, thì bao giờ tôi cũng phải dựa vào cái gì để mà kiêu ngạo. Hoặc là dựa vào những giá trị vật chất, hoặc là dựa vào những giá trị tinh thần. Nhưng xét kỹ mà coi, con người có cái gì để đáng tự kiêu đâu.
Xét về phương diện vật chất, thì cái thân xác con người, chẳng đáng là bao. Chất sắt thì chỉ đủ làm được một cái đinh. Chất đường thì chỉ đủ làm được hai cục kẹo. Chất dầu thì chỉ đủ làm được bảy cục xà bông. Chất diêm sinh thì chỉ đủ làm được 10 hộp diêm. Tóm lại tất cả các chất khoa học trong con người chỉ đáng giá chừng hơn 1000 đồng.
Về phương diện tinh thần, thì xét ra cũng chẳng có gì lắm. Nếu nói về trí thức, thì dù có học tới đâu, vẫn chẳng thấm gì với những điều mình không biết. Ngay đến cả những sự thật thông thường ta gọi là biết rõ, thực ra ta cũng chẳng hiểu được đến tận cùng. Thí dụ: con mắt ta có bao nhiêu mạch máu, con ta ăn có bao nhiêu chất, điện ta xài bởi đâu phát mình? Trăm ngàn các khác rất thường mà ta đâu có hiểu. Đấy là chưa nói tới những sự ta quen nói như:  vật chất, tinh thần, bổn phận, quyền lợi, những cái đó là gì, ta khó có hiểu. Và thế nào là hiểu, là biết, ta đâu co dễ cắt nghĩa. Vì thế, nếu ta tự kiêu cho mình là giỏi, là biết nhiều, thì chính sự tự kiêu đó lại tố cáo ngược lại: cái sự hiểu biết của ta còn kém quá. Vì không biết mình không biết mới thực là một sự dốt nát ngu dại đáng thương.
Nói về nhân đức cũng thế. Nếu tôi tự kiêu, cho tôi là có nhân đức, thì đó là dấu chắc tôi không có nhân đức. Vì người nhân đức không bao giờ kiêu, không bao giờ coi mình đã tới lý tưởng nhân đức, không bao giờ coi mình hơn kẻ khác. Trái lại, bao giờ họ cũng nghĩ rằng: người khác, dù bề ngoài có tệ mấy đi nữa, cũng rất có thể ẩn giấu bên trong những nhân đức và giá trị vượt trổi hơn mình nhiều.
Còn nếu tự kiêu vì gia đình, tiền bạc, chức quyền, vv... thì tất cả những cái đó đều hoặc ở ngoài tôi hay lệ thuộc vào người khác. Nếu nhờ những cái đó mà tôi được giá trị, thì giá trị đó là một thứ giá trị vay mượn, phù du.
Chỉ có một sự làm cho ta có giá trị, đó là hồn ta. Nó làm cho ta có giá trị hơn cả vũ trụ, như lời Chúa phán: “Được mọi sự mà mất linh hồn...”. Nhưng, hồn ta, nhân vị ta, sự sống ta, đâu có phải tại ta mà có. Tất cả đều do Chúa ban. Nếu không phải tại ta mà có, thì có lý do gì để mà tự kiêu? Vì thế, kiêu ngạo là một thứ lừa dối, gán cho mình những cái tốt mình không có, và đó là điều không hay.
Điều không hay thứ hai là: Kiêu ngạo làm cho người ta ghét.
Tôi thấy rằng: người ta có thể dễ thương người cờ bạc, dâm ô, rượu chè. Nhưng rất khó có thiện cảm với người kiêu ngạo. Không những không có thiện cảm mà thường lại dễ ác cảm với họ. Điều đó dễ hiểu.
- Kẻ kiêu ngạo thì bất cần ai. Nhưng sống trong xã hội mà bất cần ai, tức là bất cần cả những người mình phải cần đến, và đó là điều chẳng mấy ai ưa.
- Kẻ kiêu ngạo thích cho mình là hơn người, nên dễ khinh chê kẻ khác, dễ xét đoán xằng bậy, hay kèn cựa, dễ chỉ trích, nói xấu người khác để hạ người xuống và đề cao mình. Chửi người khác là tham nhũng, tức là gián tiếp tuyên bố mình trong sạch. Những việc làm như thế của kẻ kiêu ngạo làm sao không gây ác cảm được.
- Kẻ kiêu ngạo lại thường vô ơn, dễ quên người khác, mà chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình. Nhưng vô ơn là một thói xấu chính kẻ kiêu ngạo cũng ghét, khi thấy nó nơi người khác.
- Kẻ kiêu ngạo lại có một cái tật này là: kiêu mà rất ít khi biết mình kiêu. Vì cho mình là hơn người, cho mình là khá đầy đủ, là hay là giỏi, nên không chịu truy vấn lòng mình. Nhưng trái lại, họ thường ưa truy vấn kẻ khác lắm. Chúa mắng bọn Pharisêu kiêu ngạo rằng: Cái xà ở mắt mình thì chẳng thấy, còn cái rác ở mắt người khác, thì soi bói kỹ lắm.
Thái độ như thế, thì làm sao mà người ta không ghét. Và đó là một điều không hay cho kẻ kiêu ngạo.
Điều không hay thứ ba là: Kiêu ngạo dễ làm Chúa bỏ.
Chúa là Chúa, là chủ mọi sự. Ngài không chịu cho ai tự coi mình là độc lập, là trung tâm, là đích điểm vinh quang hay cắt xén vinh quang của Chúa về cho riêng mình. Vì thế, Chúa phán trong Kinh Thánh “Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo”, “Kẻ đưa mình lên sẽ bị hạ xuống”. Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn cũng có nói: “Chúa đánh phá kẻ kiêu căng”. Mà nếu Chúa đánh phá họ ở đời này thì cũng là một ơn lớn, để họ tỉnh ngộ. Chứ nếu Chúa cứ để họ kiêu ngạo một cách bình an, thì không còn hình phạt nào nặng bằng.
Thánh Gregorio nói: “Kiêu ngạo là một dấu rõ ràng nhất của kẻ Chúa đã loại bỏ”. Ngay cả đời này, kẻ kiêu ngạo cũng đã bị loại bỏ, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Con tạ ơn Cha, vì đã giấu những bí mật cho những người khôn ngoan thông thái mà chỉ tỏ ra cho những kẻ nhỏ bé”. Chúa loại ra những người cho mình là khôn ngoan thông thái, bởi vì họ kiêu ngạo.
Chúng ta thấy: muốn bỏ một cái gì vào túi, thì túi phải rỗng, phải có chỗ. Nếu đầy chặt rồi, thì còn bỏ cái gì vào được nữa. Cũng vậy, linh hồn muốn được ơn Chúa thì phải rỗng nghĩa là phải nhận mình nghèo nàn thiếu thốn. Còn như kiêu ngạo, tức là dồn vào mình đầy ứ những tự ái, tự mãn, thì còn chỗ nào ơn Chúa chảy vào được.
Vì thế, ai có một chút kinh nghiệm với những kẻ kiêu ngạo thì chắc đã đồng ý trong nhận xét này là: một người khô khan mà kiêu ngạo, tự mãn thì khó trở lại hơn 100 người sa đoạ xác thịt (nếu Chúa bắt tôi phải chọn  một trong hai điều kiện này để được cứu rỗi: một là phải cải thiện một người khô khan nhưng kiêu ngạo, hai là phải cải thiện 100 người sa ngã nặng vì yếu đuối, chắc tôi sẽ chọn điều kiện thứ hai). Là bởi vì người sa ngã nặng vì yếu đuối dễ nhận mình tồi tàn, trống vắng và do đó rất dễ khiêm nhường để chạy tìm Chúa và được Chúa yêu thương.
Chúa rất thương những người khiêm tốn, và chỉ chọn kẻ khiêm tốn. Nếu họ không khiêm tốn đủ, có khi Chúa sẽ để họ có dịp trở thành khiêm tốn, trước khi dùng họ làm công cụ của Chúa. Thánh Phêrô, sau một đêm chài lưới chẳng được con cá nào, Chúa mới cho một mẻ cá đầy thuyền. Đó là thất bại một đêm để khiêm tốn chuẩn bị cho thành công một giờ. Và cũng thánh Phêrô lần khác lại đã thất bại một giờ để khiêm tốn chuẩn bị cho thành công một đời. Đó là sự ngài đã phạm tội chối Chúa. Tội đó làm ngài khiêm tốn thực sâu xa. Nhờ đó Chúa đã chọn ngài làm nền móng Giáo Hội. Thực là mầu nhiệm! Kẻ nào coi mình là con số không, thì sẽ có đủ chỗ cho Đấng vô cùng. Còn kẻ nào cho mình là đầy đủ thì lại bị Chúa loại bỏ vào con số không. Chúa thương người khiêm tốn, vì người khiêm tốn nhận biết sự thực. Mà Chúa là sự thực, không thể chấp nhận sự lừa dối.
Anh em thân mến,
Vì kiêu ngạo là một thứ lừa dối,
Vì kiêu ngạo làm người ta ghét,
Vì kiêu ngạo dễ làm Chúa loại bỏ,
Nên chúng ta hãy quyết định sống khiêm nhường. Nhưng hãy ý tứ! Sự quyết định sống khiêm nhường cũng rất có thể bị tính kiêu ngạo lẻn vào. Nghĩa là nếu ta quyết định sống khiêm nhường để được người ta khen, hay là ta tự nghĩ mình sẽ có thể thực hiện được quyết định sống khiêm nhường, thì rõ ràng ta đã lại kiêu ngạo mất rồi. Mà dùng kiêu ngạo để xây khiêm nhường thì hỏng từ đầu rồi.
Vì thế, việc đầu tiên tôi sẽ làm là quyết định sống khiêm nhường đúng như sự thực về tôi, nghĩa là hợp với thân phận của một thụ tạo bất toàn   nói chung và của một cá nhân yếu hèn nói riêng.
Tôi sẽ năng suy nghĩ về sự vô biên của Thiên Chúa, và giới hạn quá nhỏ hẹp của tôi.
Tôi sẽ năng nhìn ngắm đời sống Chúa Giêsu từ khi sinh ra tới lúc chết, chỉ toàn là gương khiêm nhường.
Nhất là tôi sẽ năng cầu nguyện, để xin Chúa ban cho tôi ơn khiêm nhường.
Ôi! Lạy Chúa, đời con là một lễ Misa dài hiến tế mình con hợp cùng Mình Máu Chúa. Và sự hiến tế này sẽ luôn luôn được bắt đầu lại mỗi ngày bằng sự thú nhận chân thành con là người yếu hèn tội lỗi.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền từ và khiêm nhường trong lòng, xin thương làm cho con nên giống Chúa. Amen.

 

04. GIÁO DỤC CON CÁI


Năm mươi năm nữa, những người sẽ làm nên họ - có lẽ chắc không còn phải là chúng ta - nhưng là những trẻ em hiện sống và sắp sinh ra. Năm mươi năm nữa, vận mệnh xứ sở quê hương sẽ chuyển sang tay lớp người mà bây giờ chúng ta còn đang kêu là trẻ nhỏ. Chính ở bọn trẻ nhỏ này mà dòng tộc, Giáo Hội, Quê Hương ta sẽ được vinh quang hay bị nhục nhã. Chúng là người làm nên tương lai. Nhưng ai là người làm nên chúng? Thưa là các cha mẹ.
Làm cha, làm mẹ: chức vị đó có phải chỉ hệ ở sự sinh con ra không? Có phải chỉ ở việc nuôi dưỡng con không? Có phải chỉ ở việc lo cho con học hành, tập nghề sinh sống không? Tất cả những công việc đó đều cần đều trọng. Nhưng nhiệm vụ cao trọng nhất và quan hệ nhất của cha mẹ là giáo huấn con cái.
Nhận thấy việc đó là một mối bận tâm không nhỏ của hầu hết anh chị em, những người đã hay sẽ có con có cháu, đồng thời cũng là một vấn đề có liên hệ lớn lao đến hạnh phúc không những của riêng con cái và anh chị em, mà cũng của cả xứ sở, quê hương nữa, nên chiều nay, tôi thử đem nó ra bàn, hy vọng sẽ giúp anh chị em xét lại bổn phận tối quan trọng của mình, đồng thời cũng giúp những người đang đi vào con đường hôn nhân được thấy trước cái trách nhiệm đang chờ đợi họ.
Có ba điểm sẽ được đặt ra:
1/ Mục đích mà việc giáo dục con cái phải nhằm tới là gì?
2/ Giáo dục con cái có phải một bổn phận cần không?
3/ Phải giáo dục bằng cách nào?
Anh em thân mến,
Mục đích mà việc giáo dục con cái phải nhằm đi tới là gì?
Các bậc cha mẹ, muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem: ta thường muốn gì, đợi chờ gì ở con cái? Có phải muốn cho chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc gì vật chất không? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?
Thưa, mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà thế nào là nên người? Thưa, trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu quen thuộc: “Con người đầu đội trời, chân đạp đất”.
Chân đạp đất, có nghĩa là: người ta một phần lệ thuộc vào vật chất, thuộc về đất mà đạp trên đất. Đạp trên đất: là một thái độ cai trị, một thái độ chinh phục. Như lời thứ nhất Chúa đã nói với nguyên tổ loài người: “Hãy sinh sản và cai trị trái đất”. Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa nhục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Đầu đội trời chỉ thái độ vươn mình lên những gì cao thượng. Đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời. Đầu đội trời chỉ sự hướng tâm của con người về mục đích ở tận bên kia thế giới. Đầu đội trời chỉ nỗ lực bằng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Đầu đội trời, chân đạp đất: con người sống trên đất, nhưng để đi về trời. Đời người là phải như thế. Nếu mục đích con người là thế, thì giáo dục con người cũng phải theo mục đích đó. Mục đích đó được diễn tả rõ ràng hơn trong Kinh Thánh. Tôi nhớ lời thứ nhất Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: tôi phải làm sự Cha tôi dạy. Và lời sau hết của Chúa là: Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha. Thế nghĩa là: đời sống con người là một vòng tròn: sinh bởi Chúa rồi lại trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, phải làm sự Chúa dạy: Chu toàn thánh ý Chúa ở đời này, để được vinh quang với Chúa đời sau, đó là chính mục đích đời sống cầu nguyện. Và như thế chính là nên người. Mục đích đó không gì có thể thay đổi được. Những cha mẹ nào hướng việc giáo dục con cái về mục đích khác là phản bội, là làm hại, là giết chính con cái mình.
Nhận định rõ mục đích giáo dục như thế rồi, các bậc làm cha làm mẹ sẽ dễ biết con đường ưu tiên phải dẫn dắt con cái đi vào tất nhiên sẽ phải là con đường nhân đức. Nhiệm vụ của họ lúc đó là dạy cho con cái hiểu biết và thực hành lề luật Chúa, huấn luyện lương tâm chúng để chúng biết làm lành lánh dữ.
Đã hẳn mục đích con cái phải đi tới là: chu toàn thánh ý Chúa ở đời này để được vinh quang với Chúa đời sau. Nhưng có thể có người sẽ nghĩ: mục đích đó, con cái có thể tự đi tới, nếu không thì gởi chúng vào nhà trường, nhà thờ, nhờ các thầy các cha, các bà dạy dỗ. Nhân đức đạo nghĩa đó là việc của nhà thờ. Những quan niệm buồn thảm trên đây cũng may chỉ có một số người chủ trương, nhưng trong thực tế, thì số người hành động theo đó không phải là ít. Tình trạng đó khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việc giáo dục con cái có phải là một bổn phận cần thiết của cha mẹ không?
Giáo dục con cái có phải là bổn phận cần không?
Trong Sấm Truyền cũ có kể chuyện một thầy tư tế, tên là Hêli. Ông có hai đứa con trai nổi tiếng về tính hạnh hư hốt. Chúng cậy quyền bắt nạt dân lành, nhiều lần gian tham cả những đồ người ta đem dâng tiến Chúa. Điều tiếng cũng đã đến tai ông Hêli, nhưng ông không sửa dạy gì, cứ để mặc hai đứa con muốn làm gì thì làm. Chúa liền phạt tội đó. Người để cho dân Israel thua trận nhục nhã, hai đứa con ông bị giặc giết, và liền đó, chính ông Hêli bị té gẫy cổ chết tươi. Chuyện đó nói lên rằng: dạy con là một nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ. Không chu toàn là có tội trước mặt Chúa.
Thực thế, hôn nhân nối kết hai người trong dây tình ái, để rồi tình ái ấy sẽ chính thức nâng hai người lên chức vụ cao sang làm cha mẹ cho những sự sống mà mình sẽ chia sẻ ra bởi chính máu thịt của mình. Đó là một vinh dự, vì được tham dự vào việc sáng tạo sự sống, một công cuộc thuộc quyền riêng của mình Thiên Chúa. Vinh dự ấy không thu hẹp ở duy một sự sinh dưỡng con cái, nhưng còn ở tại sự giáo dục cho nên người giống hình ảnh Thiên Chúa. Việc giáo dục đó là một nhiệm vụ hiểu ngầm trong giới răn thứ IV lề luật Thiên Chúa. Tôi nói: hiểu ngầm. Vì giới răn thứ IV chỉ thấy nói về bổn phận con cái đối với cha mẹ, không nói gì tới bổn phận cha mẹ đối với con cái. Mà, nói đến làm gì, khi mà việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái đã là một nhiệm vụ quá tự nhiên, quá rõ ràng của cha mẹ. Con chim, con gà, con sư tử, con rắn còn âu yếm nuôi con và dạy con, huống chi con người?
Nhiệm vụ giáo dục đó không ai có thể thay thế cha mẹ được. Trước hết, vì giáo dục con cái phải bắt đầu từ rất sớm. Có thể nói việc giáo dục phải bắt đầu từ nhiều năm trước khi sinh con. Rồi đang khi cưu mang, khi ẵm bế, khi tập nói, vv... Thế có nghĩa gì? Nghĩa là: vì nhân đức tuỳ thuộc một phần ở tính tình, mà tính tình lại tuỳ thuộc ở máu thịt, mà máu thịt con cái là máu thịt cha mẹ trồng cho, nên cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đạo đức của con cái. Và vì đời sống tốt xấu của cha mẹ bắt đầu ảnh hưởng đến con cái từ rất sớm như thế, và còn sẽ ảnh hưởng hơn nữa trong những ngày thơ ấy, nên không ai có thể thay thế cha mẹ để giáo dục con cái được. Không một ai cả.
Đàng khác, vì có nhiệm vụ giáo dục, nên Thiên Chúa dành cho cha mẹ những tư cách, những tài năng riêng, mà người khác không có. Thí dụ: sự chịu thương chịu khó của tình mẹ, sự hy sinh của tình cha, sự quyến luyến thiết tha của con cái đối với cha mẹ. Những yếu tố đó tối hệ cho việc giáo dục không thể tìm được ở những người ngoài, dù rất thiện chí.
Đã hẳn, gia đình có thể trao phó việc huấn luyện con cái cho người khác. Nhưng phải nhớ rằng: chỉ nên trao phó việc đó cho người khác.
- Khi con đã tới ít là chừng 5, 6 tuổi.
- Người được trao phó phải là người đáng tín nhiệm. Việc trao phó đó ngày nay đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Vì tại nhiều trường học mà các cha mẹ thường gởi con vào, khó tìm được những người có đầy đủ khả năng huấn luyện. Có nhiều nhà trí thức, nhưng không phải cứ trí thức là đạo đức. Có nhiều giáo sư, nhưng không phải mọi giáo sự đều là nhà giáo dục.
Mà cho rằng cha mẹ tìm được những nhà giáo dục lành nghề, thì cũng đừng quên rằng những nhà giáo dục đó chỉ làm một công việc bổ túc (còn chính nền móng chì cha mẹ phải dựng xây rồi), công việc chính vẫn còn là của cha mẹ. Các ngài phải xây nền móng, các ngài phải tiếp tục theo dõi, tiếp tục dạy bảo, đề phòng.
Thưa anh chị em, dạy con sống đạo đức, đó là nhiệm vụ rất quan trọng của những người làm cha làm mẹ. Nhưng phải dạy bằng cách nào?
Giáo dục con cái bằng cách nào?
Bằng nhiều cách: từ mền đến cứng, từ êm dịu đến hình phạt, từ lời nói đến việc làm. Đây, tôi chỉ xin phép nhấn mạnh đến một cách vừa quan trọng, vừa gồm tóm, vừa hiện hữu hơn cả. Cách đó là Gương Sáng. Gương sáng là tất cả bí quyết thành công trong nghề giáo dục. Trẻ em như một cây non. Cây lớn lên nhờ không khí, nước tưới, đất và chất bón thế nào thì tâm hồn trẻ cũng được lớn lên do những sự chúng xem, nghe và cảm thấy như vậy. Nếu hằng ngày con cái xem thấy cha mẹ cầu nguyện chiều hôm ban mai, nếu chúng không nghe thấy cha mẹ, nói lời tục tĩu, ghen ghét, hành tỏi, chê bai người khác. Nếu chúng thấy cha mẹ gớm ghét những chuyện đưa điều, xét đoán chê bai kẻ vắng mặt, nếu chúng thấy một bầu khí gia đình luôn thuận hoà, trong sạch, đầm ấm, thì tâm hồn chúng sẽ thấm nhập một tinh thần lành mạnh và đạo đức.
Con trẻ không biết lý luận. Chỉ họ bằng bắt chước. Ngay đến: tiếng nói, cách cầm đũa, điệu bộ đi đứng, tất cả chúng phải xem người khác làm trước rồi bắt chước làm sau. Huống chi nhân đức, chúng phải nhờ gương sáng mới có thể làm được. Lời nói hương bay, gương bày lôi kéo. Lời khuyên không gương sáng không khác gì tiếng kèn trên rừng hoang. Cha mẹ học cao, giỏi khoa tâm lý, nhưng không có đời sống gương mẫu, thì không thể giáo dục con cái nên chân chính được. Trái lại, một bà mẹ nhà quê, ít học, nhưng hiền đức, bà rất có thể luyện con nên người đức hạnh.
Nếu gương sáng cha mẹ là bí quyết thành công trong việc giáo dục, thì trái lại gương mù là lưỡi gươm nhiều cha mẹ đã giết con mình. Phải, cha mẹ giết con, không phải giết xác nhưng giết linh hồn. Giết xác đã là tội nặng, giết linh hồn còn nặng nề và gớm ghiếc hơn gấp bội. Có ba cách cha mẹ có thể làm gương mù:
- Là khinh suất
- Là nhu nhược
- Là bất hảo.
Khinh suất là để mặc con cái xem, nghe, đi lại, làm những sự không nên hay chưa nên. Nhu nhược là nuông chiều, không răn đe sửa trị con cái những khi chúng lỗi. Bất hảo là cha mẹ có đời sống lọ lem bê bối.
Ta nên nhớ rằng: Không gì làm giảm giá trị và uy tín cha mẹ trước mặt con cho bằng gương xấu của cha mẹ. Người ta đòi con cái phải giữ điều răn thứ IV, nhưng chính cha mẹ lại không giữ điều răn thứ III đối với Cha trên trời. Người ta bảo con cái rằng: Công bình, bác ái là tất cả đạo làm người, nhưng chính cha mẹ thì không ngày nào mà không nói chê kẻ nọ nói xấu người kia. Như thế thì làm sao mà dạy con công bình, bác ái được!
Thưa anh chị em, muốn thành công trong việc dạy con, phải bắt đầu bằng gương sáng. Gương sáng có thể thay thế được tất cả, nhưng không gì có thể thay thế được gương sáng.
Xin các ông các bà, các bậc làm cha làm mẹ, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với con cái, xem xưa rày có ăn hợp với ba điểm vừa nghe không. Ấy là:
- Có hướng việc giáo dục con cái mình về mục đích: giúp chúng nên người, để được vinh quang với Chúa đời sau không?
- Có coi việc đó là một việc rất cần thiết sẽ phải trả lời trước mặt Chúa không?
- Có chu toàn nhiệm vụ đó, nhất là bằng gương sáng không?
Hãy xét mình kỹ, và hãy dốc lòng. Hạnh phúc con cái lệ thuộc vào đó. Danh dự và phần rỗi các ông bà một phần cũng tuỳ ở đó. Tương lai họ đạo nói riêng, và tương lai Giáo Hội nói chung cũng chờ ở đó.
Lạy Chúa, con đang đi tìm Chúa, nhưng con sẽ không gặp được Chúa một mình con. Chúa sẽ chỉ cho con gặp được Chúa, nếu con kéo theo con những người Chúa đã trao phó cho con. Nên, lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan và can đảm để chu toàn bổn phận đó cho nên. Amen.

 

05. THƯƠNG NGƯỜI SẼ GẶP ĐƯỢC CHÚA


Mới rồi, một người tôi quen theo Phật giáo đã viết thư hỏi tôi: “Thưa Cha, vì lý do nào Cha đi tu?”. Trong thư trả lời tôi đã viết: “Tôi đi tu vì một lý do đơn giản là để tìm gặp Chúa một cách trọn vẹn. Có thế thôi”.
Tôi nghĩ tôi đã trả lời rất thành thực. Vì đã từ lâu lắm và cho tới phút này, tôi vẫn khát mong tìm gặp được Chúa một cách trọn vẹn. Tìm gặp Chúa một cách trọn vẹn đó là băn khoăn lớn nhất của đời tôi. Và tôi tưởng đó cũng là mối băn khoăn của mọi anh em đang ngồi đây. Tôi nói là “băn khoăn” vì ta tìm hoài, mà hình như không bao giờ được thoả mãn.
Chúng ta đi tu, hơn kém cũng trên 10 năm rồi, nhưng chúng ta đã thực sự tìm được Chúa chưa? Tìm được Chúa, không phải là một Chúa trừu tượng, nhưng là một Chúa sống động, một nhân vật hiền từ tốt lành làm ta vui, làm ta cậy, làm ta phấn khởi. Tìm được Chúa, không phải như một khái niệm, nhưng là một sự hiện diện hấp dẫn, với đôi tay quyền năng và khoan hậu, với các nhìn âu yếm xót thương. Tìm được Chúa, không phải là một Chúa xa vời, nhưng là một Chúa gần gũi, như một người cha, một người bạn, như một người tình, mà ta cảm thấy luôn ở bên ta, khi ta ở nhà nguyện, ở nhà học, ở nhà cơm, ở sân chơi, ở nhà ngủ.
Tóm lại, ta có gặp được Chúa như tình yêu, như một lẽ sống mà ta mê say, mà ta hy vọng không?
Tôi không biết anh em sẽ trả lời ra sao. Nhưng tôi có lý do để nghĩ rằng: một phần khá đông chúng ta chưa tìm được Chúa một cách trọn vẹn. Mà nói đúng ra, thì tất cả chúng ta đều là những người đang đi tìm Chúa. Nhưng tìm là một chuyện, mà gặp được lại là chuyện khác.
Vậy phải tìm cách nào để gặp được Chúa?
Để trả lời câu hỏi đó, tôi đã nghĩ tới những người đã đi tìm Chúa Giêsu ở Calvariô. Phân tách và suy nghĩ, tôi thấy rằng:
Hạng người thứ nhất trên núi Calvariô đã không gặp được Chúa, đó là những kẻ qua đường.
Kinh Thánh ghi rằng: Có những kẻ qua đường thấy Chúa bị đóng đinh thì cười chê và nói: Ông này có tiếng hay làm phép lạ. Ông bảo, ông dám phá đền thờ rồi nội 3 ngày ông sẽ làm lại y nguyên. Sao lúc này không cứu mình đi! (x. Mt 27,39-40).
Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh, không trả lời gì. Và những kẻ qua đường đó đã không nhận ra kẻ đang bị đóng đinh đó lá chính Thiên Chúa.
Tại sao vậy? Thưa, vì họ nhẫn tâm. Gặp một người đang đau khổ, bị đóng đinh, bị xỉ nhục, họ không an ủi  được một lời thì chớ, họ còn vào hùa với bọn người quyền thế, với quần chúng cuồng tín và không suy nghĩ để chế nhạo, riếc róc. Cho rằng: họ không rõ người chịu đóng đinh đó là ai, có tội hay vô tội. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì cũng phải có tối thiểu nhân đạo chứ! Chẳng bênh, thì ít là làm thinh đi! Chứ người ta đã khổ nhục, mình đi qua lại đổ thêm khổ nhục, thì thực là nhẫn tâm.
Thái độ nhẫn tâm đó của họ đã cản trở họ nhận ra Chúa. Họ chỉ gặp được một người có vẻ đáng khinh, chứ không gặp được Chúa.
Hạng người thứ hai trên núi Calvariô đã không gặp được Chúa, đó là những trưởng tế và luật sĩ.
Theo Phúc Âm thì các thầy tư tế và luật sĩ đã thách thức Chúa Giêsu rằng: Nếu ông là vua Israel, là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thánh giá đi. Rồi chúng tôi sẽ tin (x. Mt 27,42-43).
Nghe vậy, Chúa Giêsu làm thinh, không trả lời gì. Và các ông đó đã không nhận ra kẻ mình đang xỉ vả chính là Thiên Chúa.
Tại sao vậy? Thưa, vì họ ác tâm. Vì ghen ghét, chính bọn họ đã theo đuổi làm khổ Chúa. Họ đã gièm pha, đã nói xấu, đã bôi nhọ thanh danh Chúa. Chính họ đã bày mưu bắt Chúa, đã bỏ vạ cáo gian, đã xúi dân xin giết Chúa. Bây giờ Chúa đã như kẻ ra hàng, đã thua, đã nộp mình, đã kiệt lực, đã bị hành hạ đến cực độ. Thế mà họ vẫn chưa thoả lòng, vẫn còn cứ muốn làm nhục thêm. Quả thực, họ quá ác tâm. Thái độ ác tâm đó đã cản trở họ nhận ra Chúa. Họ chỉ gặp một người có vẻ đáng khinh chứ không gặp được Chúa.
Hạng người thứ ba trên núi Calvariô đã không gặp được Chúa, đó là những người lính thi hành án lệnh giết Chúa.
Bài thương khó kể rằng: Mấy người lính đóng đinh Chúa đứng dưới thánh giá, ngẩng mặt lên nói với Chúa rằng: Ông xưng mình là vua Do Thái, có giỏi thì nhảy xuống thánh giá đi. Rồi bọn tôi sẽ tin (x. Lc 23,36-37; Mt 27,44).
Nghe vậy, Chúa Giêsu làm thinh, không trả lời gì. Và những người lính đó đã không nhận ra kẻ tử tội chính là Thiên Chúa.
Tại sao vậy? Thưa, vì họ dã tâm. Đành rằng, họ là những người phải vâng lệnh cấp trên. Họ là lính, thượng cấp bảo sao thì họ làm vậy. Nhiệm vụ này chẳng ăn nhằm gì tới họ. Tuy nhiên họ đã đi quá giới hạn nhiệm vụ của họ. Họ thấy các ông lớn và dân chúng có vẻ ghét Chúa, thì họ đánh đập Chúa nhiều hơn. Họ mị dân. Có ai buộc họ phải chế giễu Chúa đâu! Nhưng họ đã làm vì dã tâm. Thái độ dã tâm đó đã cản trở họ, không nhận ra Chúa. Họ chỉ gặp một tử tội, chứ không gặp được Chúa.
Hạng người thứ bốn trên núi Calvariô đã không gặp được Chúa, đó là kẻ trộm dữ.
Phúc Âm thuật lại: Một kẻ trộm bên tả quay sang nói khích Chúa rằng: Nếu ông là Đấng Cứu thế, thì hãy cứu mình và cứu tôi đi! (x. Lc 23,39).
Nghe vậy, Chúa Giêsu làm thinh, không trả lời gì. Và kẻ trộm đó đã không nhận ra kẻ đóng đinh với mình là chính Chúa Cứu thế.
Tại sao vậy? Thưa, vì hắn tiểu tâm. Hắn đã biết đau đớn khổ cực là thế nào, thì đáng lý ra hắn ta phải biết thông cảm với người cùng chung hoàn cảnh. Đàng này, hắn lại có vẻ chế giễu khích.
Mà dù hắn không có ý khích bác đi nữa, thì hắn cũng là con người ích kỷ. Hắn xin: Hãy cứu ông và cứu tôi với! Lạ chưa! Có 3 người cùng chịu đóng đinh như nhau, thế mà hắn chỉ xin: cứu ông và cứu tôi! Còn người thứ 3 thì hắn không nhớ tới. Hay có nhớ, nhưng vì thù ghét sao đó, nên không thèm lo cho hắn. Thực là ích kỷ.
Thái độ tiểu tâm đó đã cản trở hắn nhận ra Chúa. Hắn chỉ gặp một người đồng cảnh, chứ không gặp được Chúa.
Hạng người thứ năm trên núi Calvariô đã gặp được Chúa, đó là kẻ trộm lành.
Tại sao vậy? Thưa, vì ông có lòng thương người.
Ông không nhẫn tâm vào hùa với đám đông như những kẻ qua đường. Nhưng một mình ông dám lên tiếng nói Chúa là người vô tội.
Ông không ác tâm như các thầy cả và biệt phái, chủ tâm hạ Chúa xuống đất đen. Nhưng ông nói: “Khi nào lên nước thiên đàng, xin...”. Có nghĩa là ông là người lành, người thánh, ông sẽ lên trời.
Kẻ trộm lành cũng không dã tâm như bọn lính. Nhưng ông phân biệt ai đáng tội, ai không đáng tội. Ông nói: Hai đứa bọn tôi chịu tội thì đáng lắm. Còn ông này có làm gì nên tội.
Ông cũng không tiểu tâm như người trộm dữ. Nhưng thái độ bênh đỡ Chúa một cách mạnh mẽ và công khai của ông đã an ủi  Đức Mẹ rất nhiều.
Tóm lại, cái bí quyết đã giúp kẻ trộm lành gặp được Chúa, chính là sự ông biết thương người. Ông thấy bên cạnh ông có một người chịu đóng đinh như ông và còn khổ hơn ông. Ông động tình thương. Ông để ý coi sự việc trước sau thì thấy người bị đóng đinh đó bị oan hoàn toàn. Nên ông lên tiếng bênh. Ông lên tiếng bênh, đang khi tất cả từng ngàn người đều đồng thanh kết án. Ông lên tiếng bênh, đang khi không có một ai, dù là môn đệ Chúa, dám hé môi nói nửa lời an ủi  Chúa.
Thấy ông có lòng thương người thực sự, Chúa liền ban ơn cho ông nhận biết Chúa. Chúa quay sang nói với ông: Hôm nay, ông sẽ về nơi vui vẻ với tôi. Ông đã gặp Chúa.
Anh em thân yêu,
Kẻ tìm được Chúa là kẻ đã biết thương người. Ta là những người đang đi tìm Chúa. Muốn gặp được Ngài, ta hãy thương người. Tìm gặp Chúa bằng cách thương người: đó là đề tài chính của tuần tĩnh tâm này.
Sở dĩ tôi chọn đề tài này là vì những lý do sau đây:
1/ Thương người là đặc điểm trung thực của môn đệ Chúa. Dấu hiệu đích thực của người Công giáo không phải là theo thánh giá, dấu hiệu đích thực của người chủng sinh không phải là phù hiệu. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).
2/ Thương người là một nhân đức đang bị suy sụp trầm trọng ngoài đời cũng như trong đạo, nơi giáo sĩ cũng như nơi người tu.
3/ Thương người là điều dễ làm tăng uy tín môn đệ Chúa hơn mọi giá trị khác. Nó có thể thay thế được rất nhiều đức tính, nhưng không đức tính nào có thể thay thế được nó.
4/ Thương người là phương tiện hiện hữu bậc nhất để truyền giáo. Nhờ thương người, người ta sẽ dễ có cảm tình với ta, và nhờ đó có cảm tình với đạo.
5/ Thương người là khí cụ sắc bén nhất để đối phó với những chủ thuyết chính trị và văn hoá muốn đả kích, bôi nhọ và loại trừ đạo Công giáo.
Như thế, tóm lại, thương người là cách giúp ta và người ta gặp được Chúa.
Anh em thân yêu,
Đề tài “Thương người” rộng mênh mông. Nhưng tôi sẽ chỉ đề cập tới một số điểm xét ra cần thiết trong đời sống thực hành. Sẽ không có gì cao siêu mới lạ. Vì tình yêu đã cũ như trái đất và quen thuộc như con người. Mà thực ra, điều quan trọng nên  tìm không phải là tư tưởng mới, vấn đề mới, nhưng là tâm hồn mới. Làm mới lại tâm hồn ta, đó là điều khát mong chính đáng nhất đặt ở tuần phòng. Mà làm mới lại tâm hồn nói đây, là việc của ơn thánh. Chính vì thế mà chúng ta phải tĩnh tâm với Chúa.
Sự tĩnh tâm với Chúa như vậy được thực hiện bằng bốn việc này:
Cầu nguyện: Trong ba ngày phòng, anh em hãy tâm sự với Chúa nhiều hơn.
Suy gẫm: Nhặt lấy những tư tưởng ưng ý để suy đi nghĩ lại. Coi những tư tưởng đó như do Chúa gởi cho riêng mình. Suy lâu, suy kỹ để tư tưởng trở thành xác tín, và để ơn Chúa biến cải linh hồn.
Xét mình: Xét mình là nhìn vào Chúa, để ánh sáng Chúa dọi vào hồn ta. Nhờ đó ta sẽ thấy rõ những gì không ổn. Và cũng nhờ đó ta sẽ thấy hối hận mà không ngã lòng, chán ngán tội lỗi mà không kiêu căng.
Dốc lòng: Dốc lòng là một trắc nghiệm để biết có cấm phòng nên hay không. Cấm phòng không có dốc lòng là cấm phòng hư. Cấm phòng với dốc lòng trống không là cấm phòng xoàng. Cấm phòng với dốc lòng rõ rệt là cấm phòng tốt.
Để kết, tôi nguyện xin điện dẫn đưa anh em qua 3 ngày phòng thư thái để tới những dốc lòng rõ rệt.

 

06. YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI


Trong Phúc Âm, Chúa có kể một ví dụ rất ý nghĩa về đức thương yêu. Một người bộ hành từ Giêrusalem đến Giêricô chẳng may bị cướp chặn đánh, lấy hết đồ vật và bỏ nằm ngấp ngoái bên đường. Chợt có người biệt phái đi qua. Thấy nạn nhân, ông liếc nhìn, rồi đi thẳng. Lát sau, lại có một thầy cả đi qua. Thấy người bị nạn nằm vật vã trên vũng máu ông cũng chỉ im lặng nhìn, rồi đi. Cách mấy giờ, có một người Samaria đi qua. Thấy người bị nạn, ông liền xuống ngựa, ông vào quán trọ, băng bó săn sóc rất chu đáo. Rồi ông còn đưa tiền cho chủ quán, dặn dò họ lo cho người bị nạn thay ông. Mấy bữa ông trở lại và trả thêm tiền... Và Chúa kết luận: Trong ba kẻ qua đường, ai thương người thật? Thưa, chính là người Samaria.
Lúc nãy tôi nói: Ví dụ này rất ý nghĩa. Ý nghĩa được đượm mùi chua xót đắng cay. Vì với ví dụ này, Chúa đã vạch trần một sự thực phũ phàng: Vị thầy cả hay giảng đức thương người nhưng biết giảng mà không biết thực hành. Ông biệt phái là hạng quý chức trong đạo, cũng chỉ thương người bằng mồm, chứ đến việc thì lại trốn tránh. Còn người Samaria là kẻ ngoại đạo, thì lại làm việc thương người thực sự.
Khi đưa ra gương mẫu bác ái, Chúa Giêsu đã không bảo: Hãy theo gương các thầy cả, hãy bắt chước ông quý chức nọ, bà đạo đức kia. Nhưng Chúa bảo: Hãy theo gương người ngoại đạo Samaria! Thực là nhục. Càng suy càng thấy đau và càng thấy đúng.
Nếu bây giờ Chúa xuống thế lại và đi giảng ở Việt Nam biết đâu Chúa cũng nói y nguyên dụ ngôn đó. Nhưng thôi, ở đây không phải là chỗ đem vấn đề đó ra bàn luận đúng hay sai. Điều chủ yếu ta phải tìm là xem Chúa muốn dạy ta sự gì trong dụ ngôn này.
Có thể nói: điều cốt yếu Chúa khuyến cáo trong dụ ngôn này gồm trong một câu vắn tắt: Yêu thương là cho đi.
Anh em thân yêu,
Thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng thương nhiều. Cho tất cả là dấu tình thương không bờ bến.
Nhưng cho gì?
Thưa là cho sự tốt, sự lành.
Sự tốt, sự lành là những gì giúp họ được hạnh phúc chân thực. Sự tốt sự lành là những gì tôi cho là quý, là trọng, là có giá trị.
Anh tôi có một đứa con 5 tuổi. Hôm bà ngoại nó chết, nó nghe người ta nói với nó là: Ngoại chết để về trời gặp Chúa. Nó tin lắm. Hôm nọ tôi về nhà, gặp nó, tôi hỏi: Nếu cháu chết thì cháu đi đâu? Nó thưa: Cháu chết thì cháu lên trời gặp Chúa. Tôi hỏi: Cháu gặp Chúa thì cháu cho Chúa cái gì? Nó nghĩ một chút rồi thưa: Cháu cho Chúa con dế! Câu thưa của nó thực là bất ngờ làm cho mọi người bật cười. “Cháu cho Chúa con dế”, tức là dấu nó thương Chúa lắm rồi đó. Vì đối với nó, con dế mà anh nó mới cho, là tất cả gia tài quý trọng nhất, là tất cả bảo vật nó yêu thích nhất.
Đúng thực, yêu thương là cho đi!
Nhưng sự cho đi được thực hiện thế nào?
Cách thứ nhất là bằng ý muốn.
Thí dụ: Tôi thương anh A, lòng tôi ước muốn cho anh được khoẻ mạnh, học giỏi và đạo đức. Khoẻ mạnh, học giỏi và đạo đức: đó là những sự tốt lành. Những cái đó, tôi cầu chúc cho anh. Mà cầu chúc sự lành cho anh, tức là lưu tâm hảo ý tới anh. Mà lưu tâm hảo ý tới anh tức là một cách cộng tác xây dựng hạnh phúc cho anh, và cộng tác xây dựng hạnh phúc cho anh, đó là một cách tôi đã cho anh phần nào chính bản thân tôi.
Tôi có thể không lưu tâm tới anh, nhưng tôi đã lưu tâm tới anh. Tôi có thể ước muốn điều xấu cho anh, nhưng tôi đã cầu mong cho anh sự lành. Những điều tôi cầu mong đó bây giờ chưa thành, và có thể sẽ chẳng bao giờ thành. Nhưng ít ra tôi cũng đã cho anh tấm lòng của tôi, tấm thịnh tình của tôi. Chính vì thế mà ước muốn sự lành cho ai là một cách thương yêu. Và mọi thương yêu đều phải có nó như một yếu tố tối thiểu để đáng gọi là thương yêu.
Cách thứ hai là bằng thái độ.
Thái độ là cách ăn ở bề ngoài, như cách đối xử, nét mặt, cách nhìn, cách đi đúng nói năng, nếp sống. Tắt là tất cả những gì hiện ra bề ngoài nơi ta, mà người ta có thể quan sát được.
Thái độ cũng là món quà có thể cho đi. Mới rồi, đọc một tờ báo tây, thấy có bài ký tên Mgr Gantin là bạn học cũ người Dahomey, tôi tò mò đọc, thì thấy bài đó là thư luân lưu của Ngài viết gởi giáo dân địa phận Ngài. Trong thư đó, có đoạn Ngài viết đại khái thế này:
Dân nước mình nghèo. Nhưng không vì nghèo mà cứ mãi mãi cam phận ăn xin và luôn luôn chỉ biết lãnh nhận. Thực là nhục khi ngoài đường phố, hễ thấy người ngoại quốc đi qua, là trẻ con người lớn bu lại xoè tay xin tiền. Mình nghèo không có tiền cho người khác, nhưng mình có thể cho họ thái độ tự trọng và nếp sống trong sạch đứng đắn mà nhiều người giàu không có.
Thiết tưởng những lời khuyên trên đây của Đức Tổng Giám mục Gantin rất là thực tế và đàng khác cũng rất cần đối với chúng ta. Với cách cho bằng thái độ này, ta có thể cho đi rất nhiều và cho rất nhiều người. Dù sống ở chủng viện, dù ở nhà quê, dù ngoài đường, dù trên xe, ở đâu lúc nào ta cũng có thể đem lại cho những người thấy ta những lợi ích an lành.
Hồi làm tuyên uý ở một bệnh viện bên Pháp, tôi có nghe các bệnh nhân khen một chị nữ tu y tá làm việc tại đó. Thường thường các bệnh nhân rất thích được nằm điều trị ở khu vực thuộc quyền chị nữ tu đó. Tôi tìm hiểu tại sao, thì được biết lý do. Là vì chị dòng đó có thái độ rất dịu dàng vui vẻ. Nét mặt dịu hiền, y phục sạch sẽ gọn gàng, nói năng có duyên. Chị đó chỉ cho bệnh nhân có từng ấy thôi. Thế mà họ thấy dễ chịu. Một bác sĩ của bệnh viện đó cũng có lần nói với tôi: Chúng tôi nhờ Cha và các nữ tu đó. Nhiều khi thái độ ân cần của đạo đức và dễ thương của Cha và các nữ tu trong bệnh viện còn công hiệu hơn là thuốc của chúng tôi.
Nhiều kinh nghiệm có thể làm chứng bí quyết thi ân của thái độ. Nói thêm sẽ quá dài. Xin sang một cách cho khác.
Cách cho thứ ba là bằng việc làm.
Việc làm nói đây là sự giúp đỡ, bằng lời nói can thiệp, bằng tay chân hành động, bằng sức khoẻ, bằng thời giờ, bằng đời sống phục vụ.
Điều này đáng ta để tâm cách riêng vì nó rất cần và thường rất thiếu. Nó là một cách cho được coi là nổi bật nhất của tình thương. Ý muốn tốt mà ta cho đi thì vô hình, không kiểm chứng được. Cho đi bằng thái độ thì có thể bảo là giả tạo, bôi bác. Nhưng cho đi bằng sự tận tâm giúp đỡ, bằng sự chấp nhận những hy sinh và phiền toái của phục vụ, thì thường dễ gây được kết quả tốt. (...)
Cách cho thứ bốn là bằng của cải.
Hôm nọ, nghe đọc sách ở nhà cơm, tôi nhớ có một đấng tu hành đã nói: “tiền bạc của cải là giả trá”. Câu đó, ngài đã nói với một em bé nhà nghèo đang lo kiếm tiền về mua thuốc cho mẹ. Thú thực, thoạt nghe câu đó, tôi đã thầm nghĩ dại: Tiền bạc của cải là giả trá, thế mà đời cũng như đạo cứ hùng hục lo tìm kiếm nó. Kẻ khó đói van xin, mà có mấy người đạo đức chịu rộng tay bố thí cho những thứ giả trá đó đâu. Của cải giả trá hay con người giả trá? Phải chăng cũng giống như ông già ưa nhắm rượu với chân gà thì nói dối trẻ là trẻ ăn chân gà sẽ bị run tay!...
Nghĩ lại, thì tôi thấy phản ứng của tôi có phần nào vội vã, vì lời khuyên của vị tu hành đó chắc có một ý nghĩa thiêng liêng kèm theo nhiều điều kiện, và vì thế không phải là sai. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận rằng: tiền bạc, của cải là những giá trị trần thế rất thực tế không thể chối cãi được. Nó là sự tốt lành tương đối cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho con người thời đại. Vì thế, khi có thể và không vì lý do chính đáng mà chối từ cách cho thứ bốn này, thì tình thương vẫn còn là thiếu sót.
Thánh Gioan nói: “Kẻ nào có của đời này, khi thấy anh em mình túng thiếu, mà khoá lòng lại, thì làm sao có đức mến được” (1 Ga 3,17).
Anh em thân mến,
Yêu thương là cho đi. Nhưng chính vì cho đi mà nhiều khi yêu thương có thể gây nên nhiều mất mát. Mất tiền của, mất thời giờ, mất sức khoẻ. Những cái mất đó là tất nhiên, khỏi phải nói. Điều đáng nói là vì yêu thương mà nhiều khi mất quân bình tâm lý, có lúc mất ơn thánh, mất ơn kêu gọi, và có thể mất cả linh hồn mình.
Thí dụ, dấn thân bênh vực người nghèo mà có thể trở thành quá khích. Yêu thương kẻ yếu mà có thể thành nô lệ xác thịt. Yêu thương đoàn hội mà có thể trở thành bê bối. Lo tổ chức nọ kia mà có thể khô khan, bỏ thường xuyên suy gẫm xét mình.
Vậy phải làm sao để biết cho đi mà không mất mát? Nghĩa là làm sao để sự cho đi bao giờ cũng gây được lợi ích thực sự cho tha nhân, và không làm cho ta bị thiệt hại về phần hồn?
Thưa: một trong những cách hiện hữu nhất để giúp ta biết cho đi hoài mà không mất mát, đó là sống thân mật thường xuyên với Chúa.
Sống thân mật thường xuyên với Chúa thì ánh sáng Chúa sẽ giúp ta sáng suốt, biết nhìn đúng và phán đoán đúng qua những mây mù của tình cảm, của đam mê, của ảo tưởng.
Sống thân mật thường xuyên với Chúa thì sự ngọt ngào của tình Chúa sẽ không để ta đói khát những ngọt ngào của tình thương nhân loại.
Sống thân mật thường xuyên với Chúa, thì sự sống siêu vượt của Chúa sẽ cao thượng hoá mọi tình thương trong ta.
Và để giúp ta sống thân mật thường xuyên với Chúa, hầu có thể cho đi mà không mất mát, thì tôi xin phép đề nghị một việc cụ thể này là mỗi ngày ở chủng viện, cũng như ngoài chủng viện, hãy ráng sống một mình thực sự bên Chúa trước nhà tạm ít là nửa giờ. Giữ mỗi ngày và đừng bỏ bao giờ. Rồi anh em sẽ thấy đó là một bảo đảm khó có thể thay thế được.
Anh em thân mến,
Yêu thương là cho đi. Chúng ta không thể và không được phép chối từ và trốn tránh yêu thương. Giữa một mảnh đất đầy tang thương này, bên cạnh những cuộc sống nghèo khổ đầy lo âu khắc khoải của đám đông dân mình, chúng ta đừng lẩn trốn, và cũng đừng chui mình vào những lối bác ái và đạo đức giả tạo. Nhưng mỗi người chúng ta hãy là một bông hoa tình thương.
Hãy cho đi thực nhiều. Và cho đi thực sự. Do đó, đến nhà nào, gặp ai, ở đâu, ta nên tự hỏi mình: Tôi sẽ cho họ những gì? Tôi đã cho họ được những gì? Chứ đừng đòi hỏi.
Chớ gì cho đi sẽ trở thành lẽ sống của đời tu chúng ta. Và đừng bao giờ phản bội lẽ sống đó.

 

07. YÊU THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI YẾU ĐUỐI


Qua những suy nghĩ buổi sáng nay, chúng ta đã thấy yêu thương không phải là cảm thấy bồi hồi xao xuyến, rạo rực, mê ly, đắm đuối rộn ràng. Tất cả những cảm tình rung động đó là dư vang của một tình thương mãnh liệt.
Nhưng không phải tình thương nào cũng có những tình cảm đó. Và cũng không phải hễ tình thương nào có những tình cảm đó sẽ là tình thương tốt.
Như vậy, đủ thấy rằng: những tình cảm đó chỉ là yếu tố phụ. Yếu tố chính của tình yêu là cho đi. Yêu thương ai là cho họ sự lành sự tốt. Cho bằng ý muốn, cho bằng thái độ, cho bằng việc làm, cho bằng của cải.
Nhưng phải cho ai? Nói cách khác, là phải yêu thương ai?
Phải yêu thương cha mẹ, gia đình bà con họ hàng và các người thân. Điều đó đã quá rõ và tự nhiên quá. Khỏi cần phải nói.
Phải yêu thương những người làm ơn cho mình, điều đó cũng quá rõ, khỏi cần phải nói.
Ở đây tôi muốn nói tới một thứ người tự nhiên khó thương nhưng rất cần được thương, một thứ người thường bị khinh nhưng rất cần được nâng đỡ, thứ người đó là ai? Thưa, là những người tội lỗi yếu đuối.
Tại sao cần yêu thương họ?
Và phải yêu thương họ bằng cách nào? Đó là hai chủ điểm bài giảng chiều nay.
Anh em thân mến,
Tại sao cần yêu thương người tội lỗi yếu đuối?
Lý do thứ nhất là vì Chúa đã yêu thương họ.
Chúa phán: “Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng là để gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Như thế, Chúa dành cho người tội lỗi một thứ tình yêu đặc biệt. Mà thực là thế. Vì yêu thương người tội lỗi mà Ngôi Hai đã giáng trần mặc xác con người giòn mỏng, đã sinh ra khó nghèo, đã sống lầm than, đã bị hất hủi tủi nhục, đã bị giết một cách dã man.
Vì yêu thương người tội lỗi yếu hèn, Chúa đã lập các bí tích, để nâng đỡ, nuôi dưỡng và chăm sóc họ.
Tóm lại, suốt đời Chúa là cho kẻ tội lỗi. Chính cái tên Giêsu, nghĩa là Cứu Thế đã gắn liền với kẻ có tội. Cứu ai? Người lành đâu có cần cứu. Mà cứu là phải cứu người có tội.
Nhiều lần suy nghĩ về tình thương bao la của Chúa đối với kẻ có tội, tôi thấy mình không biết có còn gì để đáng gọi là môn đệ của Chúa không. Môn đệ thì phải theo Thầy. Thầy đã sống, đã chết cho người tội lỗi. Nếu tôi sống cho tôi, chết cho tôi chứ không thực sự sống chết cho người tội lỗi thì tôi mang tên môn đệ Chúa làm gì cho thẹn với lương tâm và hổ với đời.
Lý do thứ hai giục ta yêu thương kẻ tội lỗi, là vì Chúa đã yêu ta.
Ta là ai? Thưa, ta là kẻ tội lỗi. Nếu ta là kẻ tội lỗi mà cũng được Chúa yêu thương thì tại sao ta lại không biết yêu thương kẻ tội lỗi khác, như Chúa đã thương ta? Nếu ta cho rằng họ xấu, thì tại sao ta không nhận thấy rằng chính ta cũng xấu. Nếu ta bảo rằng họ không đáng thương thì tại sao ta không nhận ra rằng chính ta cũng chẳng đáng thương.
Ở đây tôi liên tưởng tới một dụ ngôn. Chúa nói đại khái. Có một người mắc nợ với vua một triệu đồng. Hắn không có gì trả. Vua thương thì tha cho hắn, khỏi ngồi tù mà cũng khỏi trả nợ. Hắn mừng lắm, cám ơn vua và ra về. Nửa đàng, hắn gặp một người vay hắn 10.000đ. Hắn liền chạy lại túm cổ hỏi nợ. Người kia nghèo, năn nỉ cho khất một thời gian, để kịp lo chạy tiền. Chứ nhà túng quá, không làm sao kiểm đủ số trong một ngày. Nghe thế, hắn liền bạt tai, đấm đá người mắc nợ, và lôi vào bót xin nhà chức trách bỏ tù. Thấy vậy, có người đến trình với vua đầu đuôi sự việc. Vua giận lắm, liền truyền bắt anh kia lại mà mắng: Anh mắc nợ nhiều với vua mà đã được vua thương yêu, đối xử nhân hậu. Còn người ta mắc nợ với anh có là bao nhiêu đâu, sao anh lại nỡ xử tàn tệ với họ như thế! Đã thế, thì vua cũng sẽ xử với anh đúng như anh đã đối xử với người khác. Và lập tức, vua truyền tống giam anh đó.
Với dụ ngôn này, Chúa có ý bảo ta: Ta tội lỗi mà đã được Chúa yêu thương, thì ta cũng phải yêu thương kẻ tội lỗi như Chúa đã yêu thương ta. Bằng nếu ta chặc chẽ, ghét bỏ, khinh dể xử tệ với người tội lỗi, thì Chúa cũng sẽ theo cách đó mà xử lại với ta.
Chắc chúng ta không ai dại gì mà lại chủ trương phải khinh ghét người tội lỗi, để rồi chính mình lại bị Chúa ghét bỏ.
Nhưng, phải yêu thương họ cách nào?
Thưa, cách thứ nhất là bênh đỡ họ.
Suy gẫm đời Chúa Giêsu, tôi thấy luôn luôn Chúa đứng về phía kẻ yếu đuối để bênh đỡ họ. Có bao giờ thấy Chúa đứng về phía Pharisêu để kết án kẻ có tội bao giờ đâu. Bọn Pharisêu là cấp lớn trong cả đạo lẫn đời. Họ thường chặc chẽ, nghiêm khắc giữ luật theo hình thức, không chút gì xót thương đối với những người yếu đuối.
Một hôm họ dong một chị phụ nữ ngoại tình đến trước mặt Chúa và tố cáo rằng: Chị này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Cứ theo luật, thì chị này phải ném đá chết. Còn Thầy thì nghĩ sao?
Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Ai trong các ngài vô tội thì xin ném hòn đá thứ nhất”. Rồi Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết vu vơ trên nền nhà, không nhìn không nói với ai. Lúc ngẩng đầu lên, thì chỉ còn một mình chị phụ nữ đứng đó. Chúa bảo: “Không ai kết án chị sao? - Vậy, tôi cũng chẳng kết án chị. Chị về bình an và đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,1-11).
Thái độ của Chúa đã cảm hoá được chị ta. Chị ta ra về và tin ở Chúa. Thái độ của Chúa trong trường hợp này là một thái độ có tính cách bênh đỡ người có tội. Vì Chúa hiểu hoàn cảnh của chị ta. (Biết đâu vì chị ta quá nghèo? Biết đâu vì chồng chị ghét bỏ? Biết đâu vì chị ta quá yếu đuối?). Chúa hiểu biết tất cả, nên Chúa không nghiêm khắc lên án như người đạo đức giả.
Rồi trên núi Sọ, ta thì  ta thấy tội dân Do Thái rõ rành rành. Phải ta, thì ta xin trời trị nó một trận cho nó mở mắt ra. Nhưng Chúa Giêsu thì không. Trái lại, Ngài còn bênh đỡ, còn cắt nghĩa lành cho họ. “Họ lầm không biết”. Đó, ta thấy chưa? Cách Chúa bênh đỡ kẻ có tội là như thế đó. Thông cảm hoàn cảnh của họ, cắt nghĩa lành cho họ.
Theo gương Chúa, Giáo Hội cũng dạy ta hai nguyên tắc này:
- Không được coi ai là có tội, nếu không có bằng chứng xác thực.
- Chứng hồ nghi không có giá trị buộc tội.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thường bên đỡ kẻ có tội không? Tôi thấy thời nay cũng như thời Chúa Giêsu, người ta có cái thói xấu này là hay a dua với kẻ tố cáo. Hễ báo chí dư luận, tiếng đồn, rỉ rai, nói xấu hay tố cáo ai, là người ta dễ đứng ngay về phía tố cáo. Hoặc là tin ngay, hoặc là bán nghi bán tin, hoặc là mặc kệ, ít có ai đứng về phía kẻ bị cáo để mà bênh họ. Thái độ đó nơi người đời đã là xấu lắm. Phương chi nơi người tu!
Cách thứ hai để thực hiện lòng yêu thương đối với kẻ có tội là hãy đến và tiếp xúc với họ.
Chính Chúa Giêsu, đã dạy chúng ta cách đó. Ông Giakêu là nhân viên thuế vụ, có tiếng tham nhũng. Dân chúng thường xa tránh loại người đó. Nhưng Chúa đã tới thăm nhà ông. Mà ông có mời đâu! Chúa thấy ông ta đứng trên cây, nghển cổ ngó nhìn Chúa khi Chúa đi qua, thì Chúa ngoắt ông ta và bảo là: “Nè, tối nay tôi tới thăm ông đó”. Rồi Chúa đến. Chúa chuyện trò vui vẻ. Chúa còn dùng bữa với gia đình ông nữa. Sự xuề xoà hiền lành của Chúa đã cảm hoá ông. Ông đã trở lại, và xin đền hết những ai ông đã làm thiệt hại (x. Lc 19,1-10).
Chúng ta cũng còn nhớ cảnh thơ mộng gần giếng Giacóp. Một người đàn bà đang kéo nước từ dưới giếng sâu, Chúa Giêsu bước đến. Chính Chúa Giêsu bắt chuyện trước: “Bà làm ơn cho tôi xin chút nước uống”. Bà đó có vẻ không được dễ tính lắm, nên thưa lại là: “Ông là người Do Thái, sao lại xin tôi nước uống”. Chúa Giêsu đáp lại bằng một câu rất tâm lý: “Nếu bà biết người đang nói đây là ai”. Đàn bà vốn tính tò mò, nghe câu đó liền dịu giọng lại, và bắt đầu quan tâm tới Chúa... Và kết thúc câu chuyện đó thế nào, chúng ta đã biết. Bà Samaria đã trở lại, tin Chúa và trở nên người tông đồ giáo dân đầu tiên ở Samaria.
Hai chuyện trên đây là gương Chúa dạy ta: Hãy đến với kẻ có tội. Dụ ngôn người chủ chăn bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc cũng nêu lên ý nghĩa đó (x. Lc 15,1-7). Đã hẳn, nhiều khi chúng ta không nên gần gũi những kẻ làm gương xấu, làm dịp và lôi kéo chúng ta vào đàng tội. Nhưng ngoài trường hợp đó và những trường hợp có tính cách sửa phạt cảnh cáo khôn ngoan, chúng ta không nên xa tránh kẻ có tội. Xa tránh kẻ có tội không phải là cách gây thiện cảm với họ. Xa tránh họ không phải là cách khuyên dụ họ trở về đàng chính. Xa tránh họ không phải là cách truyền giáo hợp Phúc Âm, hợp Công đồng và hợp tâm lý. Chúa Giêsu đến với kẻ có tội, Công đồng dạy phải có thái độ cởi mở, tại sao chúng ta lại muốn làm khác.
Cách thứ ba để thực hiện lòng yêu thương đối với kẻ có tội là tìm cách mở lối cho họ tìm lại đời sống ân tình với Chúa.
Đã hẳn, sức mạnh cốt yếu mở lối chính là ơn thánh. Mà ơn thánh thì chỉ có thể xin nhờ cầu nguyện, hy sinh. Tuy nhiên ơn thánh không hành động đơn độc, nhưng đòi có sự cộng tác của tự nhiên. Vì thế, chúng ta không nên quên tìm những cách tự nhiên để mở lối.
Cách trước nhất, là tạo môi trường thuận lợi. Con người nên tốt do hoàn cảnh, và nên xấu cũng do hoàn cảnh. Điều đó không đúng trăm phần trăm, nhưng cũng không sai trăm phần trăm. Hoàn cảnh không quyết định, nhưng có giá trị ảnh hưởng. Điều đó đúng. Có những người ăn trộm ăn cắp vì gia đình quá nghèo. Có những người hành nghề bất lương vì gia đình quá túng. Nhiều người đâm ra khô khan, oán thù xã hội, tàn nhẫn với cuộc đời, cũng vì đã quá khổ. Nếu thương họ, muốn cải thiện họ, thì tất nhiên cũng phải nghĩ đến chuyện cải thiện môi trường vật chất và tâm lý của họ. Ngoài ra, tìm cách mở lối cho họ còn là khéo dùng tâm lý để lôi cuốn họ, để họ xác tín rằng: sống đạo đức là điều có thể, là điều ích lợi, là điều vui. Tôi vừa nói là: “Hãy khéo dùng tâm lý”, hãy dùng cách thích hợp với từng tính tình, và hoàn cảnh, để giúp họ biết lựa chọn. Đời tôi đã gặp không biết bao  trường hợp: có những người lỡ lầm, gia đình, xã hội, bề trên, bạn bè khinh khi mắng nhiếc. Do đó họ càng đi xa hơn. Trái lại, có những người tội lỗi không kém đã làm lại cuộc đời một cách êm thắm, vì đã được cộng đồng thông cảm, che chở, ủi an và thương yêu giúp đỡ tận tình.
Cách sau cùng để thực hiện lòng yêu thương đối với kẻ có tội là cầu nguyện, hy sinh cho họ và cố gắng sống đời đạo đức.
“Không có Cha chúng con không làm gì được”. Đó là chân lý nền tảng ta không được quên. Muốn cho đi thì phải có đã. Đã hẳn người cho đi không phải là ta, mà là Chúa, nhưng Chúa thường muốn dùng những dụng cụ tương đối xứng đáng để mà cho đi. Ta không cầu nguyện, hy sinh, không cố gắng sống đạo đức thì không thể là dụng cụ tương đối xứng đáng để cho đi được. Hơn nữa, người ta cũng sẽ cho ta là đạo đức giả, để chối từ tình thương của ta. Hoặc họ sẽ nhận, nhưng tình thương đó sẽ chẳng xây dựng được gì cho Nước Chúa.
Cách đây ít hôm, tôi nghe ca sĩ Khánh Ly hát một bài làm tôi suy nghĩ nhiều. Bài đó mang từ đề “Vì tôi là linh mục” của soạn giả Nguyễn Đức Quang. Mặc dầu lời ca có mấy chỗ đáng phê bình, và hình như kẻ viết lời ca không phải là Công giáo nhưng nó cũng nói lên một chủ đề xây dựng là: Linh mục không được thì sẽ gây khổ cho mình, và hại cho kẻ khác. Với điệu nhạc suy tư kiểu Trịnh Công Sơn, với lời ca trách phận ai oán của một linh mục chết trong tội lỗi, với giọng ca tất tưởi của Khánh Ly, bài “Vì tôi là linh mục” đã là một cái gì chua xót cho người có sứ mệnh phải thánh hoá mình và thánh hoá kẻ khác.
Anh em thân mến,
Kẻ có tội không phải là kẻ đáng khinh, đáng ghét nhưng là kẻ đáng thương. Kinh nghiệm bản thân của con người tội lỗi trong ta cũng đã nói với ta điều đó.
Kẻ có tội là người đã đánh mất tình thương. Ta hãy đem lại cho họ tình thương, một tình thương chân thành, vừa hợp tâm lý tự nhiên và cũng vừa siêu nhiên. Tình thương đó, ta hãy hun đúc ngay tự bây giờ.

 

08. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ


Chắc anh em có nghe tên Từ Chung (Vũ Nhất Huy). Anh là Tổng thư ký sáng lập nhật báo Chính Luận, đã bị ám sát năm nao. Hồi còn học với nhau ở Thuỵ sĩ, tôi thấy trên bàn học của anh bao giờ cũng để tấm hình thẳng nhỏ Việt Nam gầy còm, áo rách vai; khoác chiếc nón lá, chân không, đứng bên con trâu. Có lần tôi hỏi anh: Để ảnh đó làm gì hoài vậy? Thì anh trả lời: “Đó là hình ảnh dân tộc Việt Nam mình. Tôi để đó để nuôi lý tưởng của tôi”. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ. Và thiết tưởng, anh đã chọn khéo và đúng. Trẻ mà nghèo: đó là hai nét nổi bật của chân dung dân tộc Việt. Tuyên ngôn của Hội đồng Giám mục Á châu cũng như như thế khi tả bộ mặt Á châu là “bộ mặt đầy vết nghèo đó, thiếu ăn, thiếu sức khoẻ, bị chiến tranh và đau khổ dày xéo”.
Riêng về nét nghèo, thì quá đúng. Theo tiêu chuẩn quốc tế, lợi   tức quốc gia một năm chia đều cho tổng số dân, nếu dưới 25, thì nước đó kể vào loại kém mở mang. Thế mà nước mình năm ngoái chia ra, thì mỗi người dân được 24!
Dân mình nghèo, không phải tất cả nhưng đại đa số. Mà nghèo và khổ thường là hai bạn chung tình. Và nghèo khổ lại sinh ra bao nhiêu khốn khó cùng cực.
Nghèo khổ là một sự kiện xã hội quá rõ rệt. Và sự kiện quá rõ rệt đó đã trở thành một vấn đề cấp bách.
Vấn đề này có đặt ra cho chúng ta không? Và chúng ta giải quyết thế nào? Đó là hai chủ điểm của bài “Tình thương đối với người nghèo khổ” hôm nay.
Vấn đề “người nghèo khổ” có đặt ra cho chúng ta không?
Xin thưa ngay là Có. Ta mắc vào vấn đề đó theo nhiều tư cách: tư cách đồng loại, tư cách đồng bào, tư cách người Công giáo, tư cách người tông đồ Chúa. Nghĩa là vấn đề được đặt trên vai  ta với một đòi hỏi nặng nề, với nhiều lý do thúc bách.
Thúc bách đầu tiên là về phía Chúa Giêsu. Nếu Ngài là gương mẫu đời ta, thì hãy xem cách Ngài chia sẻ sự nghèo khổ của đám đông dân chúng. Chia sẻ bằng cách chọn cuộc sống nghèo. Từ mới sinh cho tới lúc tắt thở, không quãng đời nào của Ngài dù vắn vỏi, có thể gọi được là giàu, là sang.
Rồi, hãy xem những phép lạ Ngài làm. Phúc Âm kể 30 phép lạ   thì có 3 phép lạ hồi sinh kẻ chết, 3 phép lạ trừ quỷ, 20 phép lạ chữa tật, 2 phép lạ tạo dựng: cho bánh nên nhiều, nước thành rượu, 3 phép lạ trên vật vô tri: đi trên nước, mẻ lưới đầy cá và sóng gió lặng im, còn bao nhiêu là chữa bệnh cả. Có thể nói là hầu tất cả, hay tất cả từng ấy phép lạ đều liên hệ trực tiếp đến phần xác con người, đều có tính cách cứu giúp người nghèo khổ.
Chúng ta cũng hãy để ý cách Ngài bênh đỡ kính trọng kẻ túng cực nghèo hèn. Không bao giờ thấy Ngài đứng về phía kẻ giàu sang quyền thế để khinh kẻ nghèo. Trái lại, bao giờ cũng thấy Ngài đứng về phía người bần cùng, người bị khinh chê. Quả đúng như vậy trong dụ ngôn người triệu phú và người hành khất tên Lazarô (x. Lc 16,19-31), trong bài giảng tám mối phúc mở đầu bằng câu: “Phúc cho kẻ nghèo...”, trong việc Chúa bênh đỡ mấy người đàn bà trong Phúc Âm bị mang tiếng xấu, trong lời Chúa khen bà goá nghèo dâng chỉ có 2 đồng bạc vào đền thờ (x. Lc 21,1-6).
Chúa Giêsu không lý thuyết suông, không cắt nghĩa vòng vo, nhưng Ngài thực sự đã dấn thân, đã lo cho phần xác con người, vì hơn ai hết, Chúa quá biết điều kiện thể xác cần thế nào cho linh hồn.
Theo gương Chúa, Giáo Hội cũng thúc bách chúng ta lưu tâm đến người nghèo khổ. Từ nhỏ, Giáo Hội đã dạy ta kinh “Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thứ nhất cho kẻ đói ăn...”. Công đồng Vatican II cũng đã kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Hiến chế Gaudium et Spes và sắc lệnh Proesbyterorum Ordinis có những đoạn về vấn đề này thực là dứt khoát. Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thông cáo ngày 10/01/1971 cũng nhấn mạnh: “Giáo Hội chú tâm đến người nghèo và cho người nghèo”.
Nếu bây giờ quay về phía giáo dân, chúng ta cũng thấy một thúc bách rất là thảm thiết. Một họ đạo có thể chia giáo dân thành 3 lớp, lớp giàu dư tiền của, lớp phải đi vay mượn và lớp không phải vay mượn nhưng ăn không đủ sức, nhà không đủ ở, đồ không đủ dùng, bệnh không đủ thuốc, học không đủ tiền. Lớp người thứ nhất không được là bao nhiêu, có nhiều họ đạo vắng hẳn lớp người đó. Lớp thứ hai thì họ nào cũng có. Lớp thứ ba thì chiếm đa số, có nơi tới 9/10. Sống giữa họ, mới thấy cái kiếp nghèo khổ nó hành hạ thân xác và tinh thần họ thế nào.
Thế rồi, đồng bào đông đảo của ta, ngoài Công giáo, cũng nghèo khổ không kém. Chúng ta không có quyền an tâm nhìn họ kéo lê mãi cuộc đời lầm than (...) Và tôi tưởng, theo hướng đi của lịch sử, dân chúng Việt Nam cũng sẽ buộc chúng ta giải quyết vấn đề đối với người nghèo khổ. Mà lúc đó, sự ta cho đi sẽ không còn được kể là ân nghĩa nữa, mà chỉ được coi như một sự trả đền bắt buộc.
Như thế, nhìn trên, nhìn dưới, nhìn trước nhìn sau, đâu cũng đặt vấn đề với ta, đâu cũng thúc bách ta giải quyết.
Vậy chúng ta giải quyết thế nào?
Trong bản tuyên ngôn của Hội đồng Giám mục Á châu, các Giám mục đã khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót trong quá khứ. Các ngài nói: “Đáng lẽ chúng tôi phải tỏ ra cảm thương và lo lắng hơn cho người nghèo, và phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn cho công bình và cho công cuộc bảo vệ nhân quyền. Nhưng chúng tôi đã chỉ bảo vệ quyền lợi hẹp hòi và riêng tư”.
Sau đó, các Đức Giám Mục đã đưa ra một số các điều quyết nghị cụ thể để thực hiện khẩu hiệu “Giáo Hội của người nghèo, và cho người nghèo”. Phân tách thì có thể lấy ra 5 việc này:
1/ Chia sẻ phần nào sự nghèo khổ của dân nghèo bằng chính đời sống cụ thể của chúng ta.
2/ Đời tư của ta phải làm chứng tinh thần khó nghèo Phúc Âm.
3/ Phải làm sao để người nghèo nhất cũng có thể dễ dàng lui tới với ta mà không ngại, và nhận thấy ta là người anh em của họ.
4/ Can đảm lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi.
5/ Cương quyết không chịu bó tay bằng cách thoả hiệp và cấu kết với những người giàu có và thế lực.
Với 5 điểm trên đây, vấn đề “Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo” xem ra đã được giải quyết một cách đẹp đẽ.
Nhưng, đó mới chỉ là lý thuyết, còn trong thực tế thì sao?
Ở đây, chúng ta không phê bình một ai, dù là cá nhân, dù là tập thể, dù là giám mục, dù là linh mục. Chúng ta chỉ tự xét chúng ta, và những hoàn cảnh mà chúng ta có liên đới trách nhiệm trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai. Trước hết,  Tuyên ngôn hứa: “Sẽ chia sẻ phần nào sự nghèo khổ của dân nghèo bằng chính đời sống cụ thể của chúng ta”. Nhưng cho tới bây giờ, sự chia sẻ đó đã được thực hiện thế nào? Điểm phải căn cứ mà xét là: “Chia sẻ bằng đời sống cụ thể của chúng ta”, đúng nguyên văn quyết nghị, chứ không phải chia sẻ bằng lời suông, bằng thông cảm trong lòng, dù rất thành thực.
Chia sẻ nói đây phải là biết lo cái lo của người nghèo, buồn cái buồn của họ, tủi cái tủi của họ. Nghĩa là phải sống phần nào với người nghèo và phần nào như người nghèo. Có thực sự sống phần nào với người nghèo và như người nghèo, ta mới thực sự hiểu được một cách sống động thân phận người nghèo: những lo âu dằn vặt, những mặc cảm bị khinh, những phiền muộn chán nản, những khó khăn để cậy trông vào Chúa, những uất ức trước cảnh bất công xã hội, những đau xót tủi nhục trước đời sống xa hoa của kẻ có tiền. Kẻ luôn sống trong tháp ngà đâu có hiểu được những tâm trạng đó.
Một hôm, đám sinh viên Á Phi của chúng tôi ghé thăm một nhà dòng danh tiếng Âu châu. Các cha dòng vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm khắp nơi trong nhà. Nhà dòng rộng mênh mông và giàu sang không tưởng tượng được. Hè, cầu thang, các phòng đều trải thảm nhung, bàn ghế lộng lẫy như những gia đình quý tộc, bàn ăn đầy của ngon... Chúng tôi thấy chỗ nào cũng sang, cũng vượt bực cả. Xem xong, mấy anh em Á Phi - hầu hết là ngoài Công giáo - đã nói nhỏ với nhau: “Đi tu mà không ngờ giàu sang quá”. Câu đó chắc không phải là một lời khen. Dân mình thời nay hình như cũng có phần nào một nhận định như thế về ta. Cách đây ít năm, có một câu phong dao thời đại nói lên điều đó: “Nhất điếm, nhì sư, tam cha, tứ tướng”. Đó là 4 loại người được coi là giàu nhất trong xã hội. Mà họ xếp cha cùng một dọc với điếm, với tướng, là những người bị coi là làm giàu bằng lối tắt thì thực là mỉa mai.
Đã hẳn, lời nói đó chỉ ám chỉ một ý nghĩa nào đó thôi. Nhưng dù sao, chúng ta cũng thấy rằng: Dư luận vốn kể chúng ta là những người giàu, căn cứ vào nhà ở, đồ dùng, tiền tiêu, thức ăn uống và phương tiện học hành. Trong nếp sống này, ta sẽ chia sẻ cảnh nghèo khổ của dân nghèo thế nào? Tôi dành phần trả lời cho mỗi người tự tìm lấy, và xin sang việc thứ 2 của quyết nghị Hội đồng Giám mục Á châu:
“Đời sống tư của ta phải làm chứng tinh thần nghèo khó Phúc Âm”.
Tinh thần nghèo khó là không ham thích của cải, không đòi hỏi sang trọng, không tôn thờ tiền bạc, không dính bén nếp sống tiện nghi. Tinh thần khó nghèo hệ tại ở thái độ dứt lìa. Nếu hiểu như thế thì dễ gì đời tu chúng ta đã làm được tinh thần khó nghèo. Làm chứng cái gì, khi chúng ta vẫn đòi hỏi tiện nghi? Khi chúng ta vẫn hãnh diện khoe khoang những sự sang trọng giàu có của ta? Khi những câu chuyện về tiền bạc của cải vẫn hấp dẫn đối với ta hơn những chuyện đạo đức? Chúng ta đừng lừa dối lòng mình, bằng những lối cắt nghĩa, biện minh giả tạo. Chúng ta nên thẳng thắn với mình thì hơn.
Đề cập tới điều ba: “Phải làm sao để người nghèo khó nhất cũng có thể dễ dàng lui tới với ta mà không ngại, và nhận thấy ta là người anh em của họ”.
Quyết nghị Hội đồng Giám mục Á châu không đưa ra chi tiết. Nhưng tôi nghĩ, để được thế, thì cần sống đơn giản, dễ dàng và thân thiện.
Các thầy còn trẻ, chắc dễ có những đức tính đó. Nhưng nếu không để ý giữ gìn, thì biết đâu anh em cũng sẽ đi dần vào một nếp sống trưởng giả, quan liêu. Nếp sống đó sẽ là bánh xe tập quán cuốn anh em vào một giai cấp trên dân và xa dân.
Về điểm bốn: “Can đảm lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi”.
Chúng ta nên lưu ý tới hai tiếng can đảm. Quyết nghị đã vừa dạy, và vừa nói lên một kinh nghiệm. Phải can đảm mới dám lên tiếng. Vì đã gọi là bênh vực, thì thế nào cũng phải bênh cái gì và chống lại cái gì. Và tất nhiên là khó tránh đụng chạm. Thói thường thì người ta ưa đứng về phía chắc ăn và có lợi cho mình. Còn bên yếu, bên nghèo, ai muốn bênh thì phải can đảm lắm. Một đàng, thành công thì không chắc, bởi chưng phía nghèo làm gì đủ phương tiện tranh đấu. Một đàng sự can thiệp của mình tất nhiên sẽ đụng bên giàu sang, thế lực. Họ sẽ có dư cách phá lại mình. Đàng khác, dù có thành công, thì mình cũng chẳng được gì về vật chất. Khác hẳn trường hợp đứng về phía người giàu. Chính vì thế mà phải can đảm.
Sự can đảm đó có nhiều trong tuổi trẻ. Nhưng nó có thể tan dần, nếu bây giờ không biết nuôi dưỡng nó bằng những suy tư, bằng những khắc khoải cho thân phận kẻ nghèo.
Về điểm năm: “Cương quyết không chịu bó tay bằng cách thoả hiệp và cấu kết với những người giàu và có thế lực”.
Ta thấy đây cũng là điều có thể đem ra truy vấn lòng mình. Cấu kết và thoả hiệp với người giàu sang, thế lực, thì không biết chúng ta có không. Mà nếu không có, thì có phải vì mình không muốn, hay là vì chưa có dịp.
Chứ còn cái tính hay vồn vã vớ kẻ giàu sang, ham lui tới với họ hơn kẻ nghèo, thì xem ra không hiếm hoi nơi ta. Dân chúng có quan niệm chúng ta là người giàu, hay đứng về phía giàu. Trên nhật báo Xây dựng cách đây hơn 2 tuần, ký giả Thiên Hổ có cho đăng một lá thư của một độc giả đạo Phật nói về việc Đức Tổng Giám mục Sài Gòn bênh vực hãng Pin Con Ó. Trong thư có một câu làm tôi suy nghĩ: “Tôi không ngờ được rằng hàng Giáo phẩm Việt Nam lại có được một thái độ can đảm như thế”. Thực là khen mà cũng là chê. Chê ở chỗ họ coi việc mình bênh vực kẻ nghèo như là một việc hoạ hiếm! Họ cho việc mình không đứng về phía người giàu và thế lực là chuyện khác thường xưa nay ít có.
Anh em thân mến,
Trước mắt chúng ta, có vô số hình thức biệt đãi thiểu số người giàu, và bạc đãi đại đa số người nghèo. Những hình thức đó có thể là chính trị, kinh tế, viện trợ, giáo dục, và cũng có thể là văn hoá nữa. Anh em là những Linh mục tương lai, những nhà lãnh đạo sau này, anh em nên nhìn rõ những bất công đó, để biết hun đúc cho mình một lòng thương nhiệt thành đối với những người nghèo, và một lòng can đảm biến dấn thân cho người nghèo. Lớp trẻ các anh em không làm, thì ai sẽ làm? Công việc có thể sẽ bạc bèo, nhưng nếu làm theo tinh thần Phúc Âm, đúng đường lối Công đồng, hợp ý hàng Giáo phẩm, thì sự bạc bẽo đó chính lại là chứng tích đích thực của những người mang Chúa Cứu thế, một Chúa nghèo sống giữa người nghèo và cho người nghèo.

 

09. TÌNH THƯƠNG ĐỐI VỚI NỮ GIỚI


Có một tình thương, không cần khơi lên, cũng thường đủ mạnh, không hay nói ra, nhưng hãy nghĩ tới, một tình thương rất tự nhiên nhưng cũng nhiều rắc rối. Đó là tình thương đối với người nữ.
Đối với tình thương này thì người ta, nhất là người tu, thường có hai thái độ. Một là thái độ quá dè dặt. Nói đến đàn bà con gái thì sợ sệt, gặp họ thì rụt rè, thấy họ thì trốn tránh như một dịp tội, nghe nói tình nam nữ thì cho ngay là thứ tình tội lỗi xấu xa.
Thái độ thứ hai là quá trơ trẽn đói khát. Quen được một cô là coi đó như một vinh hạnh. Gặp dịp là nhòm ngó, bàn tán nhỏ to, nghe đọc tới truyện trai gái chàng nàng là vui cười hí hởn.
Thiết tưởng cả hai thái độ trên đây đều mang mặc cảm. Thái độ đứng đắn là thái độ của người quân bình. Quân bình ở chỗ không khinh miệt, không sợ hãi, mà cũng không quá chú trọng thèm khát.
Người con trai lớn lên hướng về người con gái, đó là một xu hướng tự nhiên, quân bình. Mọi vẻ đẹp, dù là của bông hoa dù là của con người, đều mang một giá trị thiêng liêng phản ảnh sự đẹp Thiên Chúa. Mọi vẻ dịu dàng, dù thuộc vật lý, dù thuộc tâm lý, đều có thể trở thành phương tiện giúp con người thăng tiến.
Đàng khác, luật thương yêu đâu có loại trừ phụ nữ!
Nghĩa là họ cũng phải được yêu thương.
Đó là những thực tế tâm lý và pháp lý ta phải nhìn nhận. Đừng vì một thứ đạo đức giả tạo hay những quan niệm quá khắt khe mà gây thành mặc cảm.
Nhưng, chúng ta đừng quên những thực tế khác không kém quan trọng, là chúng ta mang trong mình một bản tính đã bị hư bởi tội Tổ Tông, đang khi chúng ta lại tình nguyện buộc mình giữ độc thân.
Vì thế, tình thương yêu đối với người nữ đã trở thành một vấn đề phức tạp và tế nhị. Không nhiều thì ít, ai cũng đã có phần nào kinh nghiệm.
Vì tính cách phức tạp và tế nhị của vấn đề, nên hôm nay đem nó ra suy nghĩ, tôi chỉ nêu lên một câu hỏi duy nhất này là: “Trong tương quan giữa ta và phụ nữ, ta nên chú ý những điểm nào?”.
Anh em thân mến,
Điểm thứ nhất là kính trọng họ.
Trong Phúc Âm, ta thấy tỉnh thoảng Chúa có mắng người ta. Lần thì mắng Pharisêu, gọi họ là bọn giả hình, là mồ chôn xác thối. Lần thì mắng các Tông đồ. Có lúc gọi ông Simon là Satan. Nhưng không hề thấy Chúa mắng một người đàn bà nào bao giờ.
Trái lại, Chúa đã tỏ một thái độ kính trọng nữ giới. Ngược hẳn phong tục thời đó khinh miệt đàn bà. Lần Chúa chữa một bà còng lưng (x. Lc 13,17), ông chủ Hội đường đã mắng bà đó tại sao xin chữa bệnh ngày lễ, thì Chúa liền bênh bà đó và nói: “Người con gái ông Abraham đây đã bị Satan trói buộc 18 năm nay rồi, mà Ta không cứu bà, mặc dầu là ngày lễ sao?”. Với danh từ “con gái ông Abraham” để gọi bà ta, và với lời lẽ bênh vực rõ rệt, Chúa Giêsu đã tỏ ra một thái độ kính nể bao dung. Lần khác, các môn đệ thấy Chúa nói chuyện với một người đàn bà thì lấy làm ngạc nhiên, xem ra các ngài cho là việc bất xứng. Nhưng các ngài sẽ càng ngạc nhiên hơn, khi thấy Chúa đã dạy dỗ bà nhiều chân lý mà mấy ông cũng chưa biết.
Hơn nữa, cả đến những phụ nữ tội lỗi công khai, Chúa cũng chẳng tỏ dấu khinh chút nào. Ngài lại còn đối xử hiền lành nhẹ nhàng, tế nhị. Có lần, ngài dám nói thế này: “Những người đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông đó”. (x. Mt 21,31).
Thái độ kính trọng của Chúa Giêsu đối với phụ nữ là gương để ta bắt chước. Kính trọng bằng cách cư xử đứng đắn, tế nhị và rộng lượng. Không đòi hỏi, nhưng giúp họ thăng tiến. Không tìm chiếm đoạt, nhưng luôn coi họ như những tấm bánh lễ, ta phải kính cẩn truyền phép để trở thành Mình Chúa Giêsu. Không bao giờ khinh khi, dù họ hèn nghèo, dù họ quê mùa, dù họ tội lỗi, nhưng hãy kính trọng họ.
Điểm thứ hai là hiểu họ.
Hiểu người đã là chuyện khó. Hiểu người đàn bà lại càng khó hơn. Tuy nhiên, ta cũng có thể hiểu họ về một số nét chính.
Trước hết, hãy hiểu họ là những người dám liều lĩnh cho tình yêu. Như những bà đứng dưới chân thánh giá Chúa, bất chấp liên luỵ, bất chấp dư luận, bất chấp chính quyền và giáo quyền. Hay như bà mẹ hai ông Gioan và Giacôbê đến xin chỗ cho con, mà không sợ mắc cỡ. Hay như Madalena đến ôm chân Chúa vừa hôn vừa khóc, bất chấp bao nhiêu con mắt lườm khinh soi bói.
Ngoài ra, hãy hiểu họ là những người hay hướng về con người, khác với lý trí đàn ông hay hướng về sự vật. Như Chúa Giêsu khi sống lại, hiện ra, gặp Madalena đang khóc, Ngài hỏi: “Con khóc ai?”, mà không hỏi: “Con khóc gì?”. Câu hỏi của Chúa rất đúng tâm lý. Người nữ hướng về con người, vì thế mà họ hay để ý và hay nói về người khác, đang khi đàn ông hay nghĩ và nói chuyện về sự vật, như chuyện kinh tế, máy móc, chính trị, văn hoá, vv...
Rồi, hãy hiểu họ là những người hay nhận định bằng trực giác và suy luận bằng tình cảm. Madalena từ mồ Chúa chạy về hớt hả bảo các tông đồ rằng: “Bọn họ lấy mất xác Thầy rồi”. Bọn họ là ai? Theo ý Madalena, thì bọn họ là những người ghét Chúa. Madalena suy đoán như thế một cách tự nhiên bằng trực giác và trái tim. Nhưng đã lầm. Chúa sống lại, chứ chẳng ai lấy mất xác. Giả sử Chúa không sớm hiện ra, thì thế nào Madalena cũng đổ riết cho mấy người Do Thái! Nhiều phụ nữ cũng dễ sai lầm do cách nhận định và suy luận như thế.
Rồi, hãy hiểu họ là những người muốn được chú ý. Như khi Martha đang lu bu làm bếp, đã quay lên nhắc nhẹ Chúa Giêsu: “Xin Thầy bảo em con nó tiếp con một chút đi”. Cũng vì thế mà người phụ nữ hay có những sáng kiến để kéo chú ý người khác.
Rồi, hãy hiểu họ là những tâm hồn tận tâm. Như bà mẹ vợ ông Phêrô vừa được khỏi bệnh là vội vào bếp làm cơm đãi Chúa. Hay như hai chị em Martha và Madalena đã săn sóc Chúa những khi Ngài ghé lại nhà. Nhưng cũng chính vì tận tâm quá, mà nhiều khi thành ra muốn độc quyền phục vụ, và do đó sinh ra phân bì ganh ghét.
Hiểu những điều trên đây, ta nên chú ý tới điểm ba là:
Hãy dè dặt.
Trước hết là phải dè dặt với chính họ. Như đã thấy, nhiều khi họ yêu thương mà không tính toán, nên ta là người phải tính toán cho họ.
Nếu bản năng họ hướng về con người, mà lại hay nhận định bằng trực giác và trái tim, thì ta đừng vội cho là phải những điều họ phê bình, nhận định và mưu tính về người khác, nhất là khi những người này được họ thương hay bị họ ghét.
Nếu tính họ muốn được chú ý, thì ta không nên quá tin vào những sự khoe khoang.
Nếu tính họ thường muốn dành độc quyền phục vụ, thì khi như một người đàn bà nói xấu kẻ vắng mặt, ta phải khôn ngoan tìm ra những độc lực bí hiểm, để có thể ước lượng sự họ nói có được bao nhiêu phần trăm sự thực.
Tâm trạng phụ nữ là một thách đố. Và tương quan của họ với tha nhân nhiều khi là một mặt trận tài tình. Về điểm này, những tiểu thuyết gia và những kịch gia có thể dạy ta nhiều kinh nghiệm. Hôm nọ, xem xong vở kịch “Tình yêu không suy tư” chiếu trên tivi, tôi có ý nghĩ là: nếu các linh mục và các chủng sinh lớn biết học ở trường đời những lắt léo của tâm lý con người trong các vai vở kịch này, thì sẽ tránh được những phán đoán ngây thơ vụng về bất xứng với địa vị hướng dẫn và lãnh đạo.
Ngoài ra, ta hãy dè dặt với chính mình ta. Hãy dè dặt, là đừng tự đắc cho mình là luôn khách quan. Thấy một người tốt đẹp đạo hạnh, ta tự nhiên không khỏi cảm mến. Nhưng lòng cảm mến đó dễ gây nhiều ảo ảnh. Nhất là vì chúng ta sống độc thân kiêng cữ. Ăn chay thì đói. Đói thì hay thèm. Thèm thì hay tạo ảo ảnh. Để rồi, nhận xét của ta, phần thực thì ít mà tưởng tượng thì nhiều. Rốt cuộc, tư tưởng của ta trở thành chủ quan sai lạc, và có thể đưa tới những lựa chọn dại dột.
Hãy dè dặt với chính mình ta, là cũng đừng tự tin cho mình là luôn đứng vững. Tương quan của ta với người khác phái là một thực tại khó phân tách. Có khi xem ra chỉ là tương quan tinh thần trong trẻo. Có lúc lại thấy có sự tham dự của tình cảm giác tính. Và tình cảm này nhiều khi khó quyết được là không nhuốm màu dục tính, mặc dầu mới chỉ ngầm trong tiềm thức. Phải làm sao để tương quan đa âm đó trở thành một hoà ca. Bản hoà ca này sẽ hay hay dở là do sự nhịp nhàng trật tự giữ được giữa những yếu tố thiêng liêng, yếu tố tâm lý và yếu tố sinh lý, tuỳ theo bậc sống. Đối với bậc hôn nhân, giữ được sự nhịp nhàng trật đó còn không phải dễ. Phương chi đối với bậc tu trì sống đời độc thân. Do đó, ai dám tự phụ cho mình là đủ sức tự chủ trong phạm vi này thì quả là không khôn.
Cũng vì thế mà ta phải dè dặt với mình thêm nữa, là trong vấn đề này ta đừng cho ý kiến mình là phải hơn các nhà đạo đức. Đừng coi thường lời khuyên của các bậc thánh, nhất là của Giáo Hội, của Chúa Giêsu. Hãy khiêm tốn, tỉnh thức và cầu nguyện. Hãy cầu nguyện và ăn chay hãm mình.
Tình thương vốn đẹp. Tự nó không phải là cạm bẫy. Nhưng vì tính cách đa diện đa năng của nó cũng như của ta, mà ta có thể bị thiệt thòi vì nó. Cũng như lửa, cũng như dao có thể sinh ích mà cũng có thể gây hại. Cũng do tại con người biết hay không biết sử dụng nó.
Điểm sau hết ta nên chú ý trong mối tương quan với phụ nữ là:
Hãy tận dụng thời giờ để tận lực làm việc phận sự.
Tại sao thế? Thưa vì, nếu ta luôn bận tâm làm việc bổn phận không ngừng, thì sẽ chặn được những con đường dẫn tới nguy hiểm. Bận tâm làm việc bổn phận không ngừng thì trí óc không còn dễ mơ mộng vẩn vơ, không còn bị cái gì ám ảnh. Bận tâm làm việc bổn phận không ngừng, thì tâm hồn sẽ tìm được những khoái vui thanh cao, những mê say lành mạnh. Do đó ta sẽ đầu tư tình cảm vào những công cuộc hữu ích, và tâm lý sẽ được quân bình. Bận tâm làm việc bổn phận không ngừng, thì con người của ta sẽ tập quen chí khí, tránh uỷ mị, trở thành con người tự chủ.
Anh em thân mến,
Để kết luận, tôi xin kể một câu chuyện.
Dịp Noel 1960, tôi được một thầy đại chủng sinh mời về nhà nghỉ. Quê thầy ở Schwarzwald, một miền du lịch mùa đông Tây Đức. Cha mẹ thầy chỉ có 2 con: thầy và một em gái. Năm đó, thầy 4 chức. Cô em học Đại học. Bà đứng đầu một tiệm buôn, ông đứng chủ một khách sạn.
Tối hôm đó, tôi vào phòng thầy chơi, vô tình tôi thấy trên bàn giấy của thầy có một cái đầu tưởng nhỏ đẹp, bằng cây. Xem thì đúng là đầu một người con gái. Tôi tò mò hỏi: Mua cái này ở đâu thế? Thầy trả lời: Người ta cho, chứ không phải mua. Tôi nói: Họ làm khéo quá! Thầy nói: Tôi thích kỷ niệm đó lắm, cha ạ. Không phải vì giá trị nghệ thuật cho bằng vì một giá trị khác. Tôi hỏi: Giá trị nào? Với một nét mặt thực sự cảm xúc, thầy trả lời: Vì đó là một kỷ niệm tình cảm và lý tưởng. Tôi xin nói thiệt với cha, tượng này là tượng yêu người cũ của tôi. Tôi bỡ ngỡ, nhưng không nói ra, và cũng không hỏi thêm gì.
Sau đó, thầy đã tâm sự với tôi về đời sống của thầy. Đại khái thầy nói: Thầy đi tu hồi 24 tuổi, đang lúc học năm thứ bốn Đại học. Trong thời gian theo Đại học, thầy có quen một người bạn gái. Rồi hai người thương nhau, và định sẽ sống chết cho nhau. Hè năm đó, thầy đi du lịch Phi châu, thầy gặp nhiều cảnh thương tâm: đâu là người nghèo, đâu là trẻ em không người dạy dỗ. Cảnh đó làm thầy xúc động. Thầy suy nghĩ rất nhiều. Thầy nói với cha mẹ ý muốn đi tu, nhưng cha mẹ hết sức can ngăn. Thầy nói chuyện đó với người tình, thì cô ta đau buồn quá ngã bệnh. Thầy không nản lòng, cố tìm cách thuyết phục cô ta. Sau cùng, cô ta bằng lòng chấp nhận hy sinh. Và cô ta bỏ nước Đức, sang ngoại quốc làm việc cho một cơ sở xã hội. Còn cha mẹ thì vẫn không bằng lòng. Nhưng thầy vẫn cương quyết. Thế rồi, thầy xin vô chủng viện. Ngày chịu 4 chức, cha mẹ không ai tới, chỉ gởi một bức thư bảo thầy trở về lấy vợ. Ngày chịu 6 chức, tôi có dự, tôi thấy thầy cố gắng lắm để khỏi khóc khi bước chân vào phòng khách. Vì bà con bạn bè thì đông, nhưng gia đình chỉ có một người em gái. Còn cha mẹ vẫn không chịu thầy đi tu. Có lần tôi hỏi thầy: Thầy có đau khổ nhiều không? Thầy thưa: Con lớn rồi, con đã ý thức thế nào là tình yêu. Nhưng dù đau khổ nhiều lắm, con tin rằng tình yêu Chúa đã gọi con sẽ giúp con, để không những riêng con gặp được Chúa mà nhiều người khác cũng sẽ gặp được Chúa như con. Và bây giờ thầy đã là một linh mục sốt sắng.
Tôi ước mong rằng: Gương can đảm của thầy biết hy sinh cho Nước Trời sẽ là một khích lệ cho chúng ta.

 

10. ĐỪNG XÉT ĐOÁN BẬY


(...)
Người ta xếp các Đức Giám mục và Linh mục vào hai loại: Loại cấp tiến và loại bảo thủ. Cấp tiến thường bị coi là những người hay đả phá, hay phá phách, nguy hiểm có khuynh hướng tự do. Bảo thủ thì bị coi là những người cù lần, thiển cận, không sáng kiến, bo bo ôm chặt quá khứ chạy ngược chiều lịch sử. Hai loại cùng lọ lem cả, thì mình không biết phải đứng vào loại nào đây?
Những suy nghĩ tương tự như thế đưa tôi tới một nhận xét này là: thời nay, người ta nhận định tha nhân quá dễ dàng, có thể nói là một cách bừa bãi. Nhận định bừa bãi là vì xét đoán bừa bãi. Mà kỳ lắm: Được xét đoán tốt thì ít, mà bị kết án xấu thì nhiều vô kể.
Xét đoán xấu cho kẻ khác, đó là hành vi nghịch đức ái, mà Chúa Giêsu đã có lần nặng lời nghiêm cấm. “Các con đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. Chúng con đừng kết án, để khỏi bị kết án” (Mt 7,1).
Tại sao Chúa cấm ta xét đoán và kết án? Thiết tưởng vì việc ta xét đoán xấu và kết án người khác thường phát xuất bởi nguyên do xấu và dẫn tới kết quả xấu.
Nguyên do xấu là những gì?
Thưa, nguyên do thứ nhất là thiếu lòng mến Chúa.
Ai thực sự đạo đức, ai thực sự giàu lòng mến Chúa thì tâm hồn đơn sơ không chú ý tới việc xét nét người khác. Họ chỉ lo biết Chúa và biết mình mà thôi. Họ không dám nghi xấu cho sai, nếu không có bằng chứng rõ rệt và chắc chắn. Thánh Giuse thấy Đức Mẹ có thai, nhưng Ngài đâu có dám nghi bậy cho vợ mình. Thánh Têrêsa khi thấy chị nào lỗi, thì thường tự bảo mình rằng: Chị đó chẳng may lỗi một điều, nhưng biết đâu lại chẳng đã làm được 100 điều lành mà tôi không thấy. Biết đâu lỗi lầm của chị chỉ là cái màn Chúa dùng để che nhân đức sâu xa của chị... Các thánh không nghĩ xấu cho ai, vì các Ngài giàu tình mến Chúa. Do đó, ngược lại, hay nghĩ xấu cho kẻ khác là dấu thiếu lòng mến Chúa.
Nguyên do thứ hai là lòng xấu.
Ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết. Lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng. Lòng tôi nếu có khuynh hướng mạnh về sắc dục, thì mắt tôi hay tìm, trí tôi hay tưởng, và rồi tôi đoán người khác cũng giống như tôi và hơi chút là tôi đoán về đàng đó liền. Chính vì thế mà Đức Cha F. Scheen đã đưa ra một nhận xét rất tâm lý: Người nào hay đoán nét xấu cho ai tội gì, thì là dấu chính người đó có khuynh hướng ngầm nghiêng ngả rất mạnh về tội đó. Thực là một trắc nghiệm tâm lý rất đúng.
Nguyên do thứ ba là kiêu ngạo.
Khi ta xét đoán và kết án ai, thì ta đặt mình lên làm quan toà xét xử người đó. Mà có ai đặt ta lên chức vụ đó đâu. Chính mình ta tự đặt ta lên. Có phải vì lý do yêu thương gì đâu. Nhưng vì kiêu ngạo, muốn hạ người khác xuống và nâng mình lên.
Ngoài ra, còn nguyên do thứ bốn, đó là thiếu khôn ngoan.
Khôn ngoan thì ưa dè dặt, không hấp tấp vội vàng, Khôn ngoan thì ưa chính xác, không quy nạp bừa bãi, không diễn dịch ngây thơ. Khôn ngoan thì ưa phê bình cân nhắc, không lý luận theo định kiến và tình cảm.
Rất tiếc là nhiều khi người đời lại biết khôn ngoan hơn chúng ta trong việc xét đoán. Họ không lược giản người nọ kẻ kia quá dễ dàng vào một vài nét, căn cứ theo một vài chứng cớ.
Nếu thực sự những xét đoán xấu và kết án bậy đã phát sinh bởi 4 nguyên do xấu như vừa nói, thì không thể nào sinh kết quả tốt được. Trái lại, sinh bởi nguyên do xấu tất nhiên những xét đoán và kết án kia phải gây những kết quả xấu. Nhưng kết quả xấu đó là gì?
Kết quả thứ nhất là sẽ bị Chúa xét xử.
Chúa nói: Ai dùng cân nào mà cân cho người ta, thì Chúa cũng sẽ dùng cân đó mà cân cho kẻ ấy. Ta hay xét đoán kẻ khác, thì Chúa cũng sẽ hay xét đoán ta. Trong một dụ ngôn, Chúa kể: Có một ông chủ trao cho người giúp việc một món tiền, bảo phải sinh lời, rồi ông chủ đi xa. Sau mấy năm, ông chủ về, gọi người giúp việc lên, bảo hoàn lại cho ông cả vốn lẫn lời. Người đó thưa: Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, ông đòi sự ông không cho, ông gặt sự ông không gieo trồng. Nên tôi đã đào lỗ chôn những số bạc ông trao. Và đây xin hoàn lại ông đầy đủ. Ông chủ nghe thế, nổi giận và mắng: Chính anh lên án cho anh. Anh bảo tôi là người hà khắc, không gieo mà lại đòi gặt. Anh biết thế, sao anh lại không làm thế. Và ông chủ truyền bắt người giúp việc đó bỏ tù.
Bài học của dụ ngôn trên đây là phải biết dùng ơn Chúa, nhưng cũng hiểu được về một điều khác Chúa dạy, đó là: Ai xét đoán cho người khác thế nào, thì Chúa cũng sẽ xét đoán họ lại như vậy. Người làm công đã xét đoán ông chủ là hà khắc thì ông chủ lại lấy chính sự xét đoán đó mà kết án lại anh ta. Thiết tưởng, nếu anh ta nói: Thưa ông chủ, cháu vốn tính nhút nhát, lo sợ mà lại dốt nát. Cháu không biết xoay sở thế nào để sinh lời, nên cháu đem tiền chôn đi, để sau nạp cho ông chủ y nguyên. Cháu biết làm thế là không vừa ý ông chủ, nhưng cháu tin rằng lòng thương xót bao dung của ông chủ sẽ tha thứ sự vụng về của cháu... Nếu người giúp đó biết nói như vậy, đã biết xét đoán tốt cho ông chủ, đã coi ông chủ là một người có lòng tốt, thì chắc ông chủ đã tha cho hắn như lòng hắn tin.
Ở đây, ta cũng có thể dẫn chứng thêm rằng dụ ngôn ông vua và người mắc nợ. Khi vua nghe kẻ đã được vua tha nợ tù lại xử tệ với người mắc nợ chút ít với hắn, thì lập tức vua liền áp dụng ngay đối với hắn chính cái cách mà hắn đã xử với con nợ của hắn.
Tóm lại, ta kết án người khác cách nào thì Chúa cũng kết án ta cách đó.
Kết quả thứ hai là dễ sai lầm.
Chúng ta đâu dễ biết được đầy đủ việc người khác. Ngay như tội ta phạm, mà nhiều khi ta phải xét đi xét lại mãi mới rõ phần nào. Phương chi tội kẻ khác.
Hơn nữa, con người ta rất phức tạp. Tốt xấu tuỳ ở bao nhiêu yếu tố. Đâu là ý hướng, đâu là việc làm, đâu là hoàn cảnh. Chúa Giêsu đi ăn tiệc ở nhà ông Simon và Giakêu, thì người ta chê là hay đi ăn nhậu và ưa đi lại với người tội lỗi. Nhưng sự thực có thế đâu. Đêm đó, một người bị cướp giết chết. Người ta thấy một bóng đen chạy vào nhà cha sở. Cảnh sát khám nhà cha sở thì bắt được áo dài đen của cha còn vấy máu. Bằng chứng rành rành. Cha bị kết án khổ sai. Mọi người mỉa mai cha. Hai mươi năm sau, kẻ cướp sát nhân trong vụ đó mới ra mặt nhận tội. Cha được giải oan! Đâu có ngờ sự thực nó phức tạp đến thế. Toà án làm việc với tất cả mọi phương pháp khoa học một cách thận trọng và vô tư, mà vẫn có thể lầm, phương chi chúng ta.
Ngoài ra, có một yếu tố nữa thường làm ta hay sai lầm, trong việc xét đoán người khác, đó là thiên kiến và ảnh hưởng của dư luận. Chắc anh em còn nhớ vụ chim cút năm ngoái. Cả một nước mười mấy triệu dân xôn xao về Cút, đổ xô đi mua Cút. Người ta khen Cút, phong thần cho Cút. Từ Tổng trưởng, Nghị sĩ đến người dân đen đều lo mua Cút, dù với giá mấy chục ngàn một đôi. Người nọ nghe người kia nói: “Cút bổ, cút lời” là tin, không suy tính, không kiểm chứng. Cả nước như lên cơn sốt vì phong trào cút. Thế rồi khi một tờ báo bắt đầu phân tích cái giá trị giả tạo của Cút, thì cả triệu người lại nhao nhao bán vội, bán tháo... Phong trào Cút năm rồi là một hiện tượng tâm lý rất hay về ảnh hưởng của dư luận trong việc phán đoán.
Kết quả thứ ba là làm tổn thương sự bình an cho tâm hồn mình và cho tâm hồn người khác.
Tại sao lại làm tổn thương sự bình an cho tâm hồn mình? Thưa là vì thí dụ: khi tôi xét đoán sự xấu cho ai, thì tất nhiên tôi sẽ cho họ là không tốt. Mà đã cho họ là không tốt thì tự nhiên thế nào cũng nảy sinh một tình cảm bớt kính trọng và bớt tín nhiệm đối với họ. Lòng tôi dễ dè dặt đối với họ, tự nhiên xa họ. Có một sự gì phân chia tôi và họ. Thế rồi, khi tôi gặp họ, một là tôi sẽ tỏ một thứ thái độ bề ngoài giống như thái độ bên trong của tôi, hoặc là tôi sẽ che giấu bằng một cách đối xử xã giao giả tạo. Cả hai cách đều làm cho tôi khổ. Nếu phải giả tạo thì còn gì là vui. Nếu tránh họ ra mặt, thì đâu có sướng gì cho cả họ cả tôi. Còn tại sao sự xét đoán xấu lại làm tổn thương sự bình an cho tâm hồn kẻ khác, thì là vì khi ta xét đoán xấu cho ai, thì ta khó che giấu được. Sự tiết lộ qua lời nói hay thái độ của ta sẽ gây nên cho người gặp ta những nghĩ ngợi, những suy đoán, những bất mãn, những thái độ thế thủ và xa cách.
Kết quả thứ bốn là làm cho mình không biết rõ sự thực về mình.
Biết mình là điều kiện thứ nhất của người muốn nên khôn, muốn nên thông minh, muốn nên thánh. Nhưng muốn biết rõ mình thì cần phải vô tư, thận trọng, khiêm tốn và đạo đức. Thế mà người hay xét đoán xấu cho kẻ khác thì đâu có những đức tính đó. Họ có lòng xấu, thiếu tình mến Chúa, thì làm sao có đạo đức. Họ đặt mình làm người phán xét kẻ khác thì đâu có khiêm tốn. Họ không hay cân nhắc thì đâu có thận trọng. Họ hay theo thiên kiến, thì làm sao có vô tư.
Do đó, người hay đoán xét xấu cho người ta thường lại biết rất lơ mơ về mình. Biết lơ mơ, biết sai. Và sự không biết mình như thế là nguồn mạch vô số điều tai hại.
Anh em thân mến,
Phán đoán là một dấu để xét ơn kêu gọi, và là một điều rất cần cho chức vụ hướng dẫn và lãnh đạo của anh em sau này.
Thế nhưng ít khi ta đã tìm cách giáo dục ta trong phạm vi này. Có bao giờ ta ngồi lại lâu lâu, để một mình đem ra xét lại một cách nghiêm chỉnh những phán đoán của ta về Đức Giám mục, về Cha Bề trên, và cha này thầy nọ, về cộng đồng kia, về tập đoàn nọ không? Nếu xét kỹ, ta sẽ thấy vô số những phán đoán của ta chỉ là những cái bao tiền chế ta đã tự tiện nhét người ta vào. Tiền chế do định kiến, do dư luận cho không do người chung quanh bán rẻ cho ta bằng một sự tò mò, nhẹ dạ. Nếu xét kỹ, ta sẽ thấy vô số người không xấu như ta tưởng, không đáng ghét như ta nghĩ. Chính ta mới xấu, chính ta mới đáng kết án. Ước mong rằng thời giờ tĩnh tâm cũng là thời giờ thuận tiện để ta xét lại những phán đoán đó trước mặt Chúa.

 

11. ĐỪNG NÓI HÀNH


Ở Việt Nam tôi thấy hiện nay có một thói quen rất nguy hiểm đang lan tràn khắp nơi: Đó là thói quen nói hành nói xấu. Anh em chắc nhận thấy điều đó tại gia đình, tại các cuộc hội họp, các cuộc chuyện trò gặp gỡ. (Không phải chỉ nơi người lương, mà người công giáo mình cũng nói hành rất dữ. Không phải chỉ giáo dân, mà đi tu cả nam lẫn nữ cũng không kém thường hay nói hành nói xấu ngon lành mạnh mẽ như ai). Đó là một hiện tượng không lành báo hiệu một sự suy sụp trầm trọng của nhân đức nền tảng của đạo Công giáo: Đức Bái ái. Có lẽ tội đó chẳng may cũng đã và đang có trong ta.
Để giúp chúng ta có một cái nhìn xác thực về tội nói xấu và gây nên phong trào bài trừ thói hư tội lỗi đó, sáng nay, chúng ta sẽ suy nghĩ về hai chủ điểm:
1/ Nói xấu hèn thế nào?
2/ Nói xấu hại thế nào?
Nói hành xấu thế nào?
Hồi xưa, ở Ba Lan có thói quen phạt rất nặng người nói hành bỏ vạ. Bắt được ai phạm tội đó thì người ta bắt nó phải bò bằng  hai tay và đầu gối qua các đường phố rồi dẫn vào quán cơm bắt nhặt cơm rơi và đồ ăn người ta vứt xuống đất chẳng khác một con chó. Vì người ta cho người nói hành là hèn như con vật. Mà thực sự, kẻ nói hành đã làm cho mình nên hèn.
Họ hèn, trước hết vì họ đã làm một việc trộm vụng.
Nói hành bao giờ mà chẳng nói về người vắng mặt. Có mặt người ta thì nếu chẳng khen, ít ra cũng chẳng chê, chẳng nói xấu. Mà nếu có nói lỗi lầm của họ, thì cũng không nói hết. Nhưng lúc vắng họ, thì lại nói xấu họ. Người nói hành là người mài kiếm trong đêm, bắn tên độc trong bóng tối.
Người nói hành là người hèn, vì họ thường không ngay thẳng.
Không ngay thẳng ở chỗ lời nói hành thường được che giấu nguỵ trang dưới những hình thức đạo đức và vô tội. Chẳng hạn: nói là có câu chuyện kín muốn nói với anh, với cớ để trao đổi kinh nghiệm. Trao đổi kinh nghiệm: đó là một thứ nguỵ trang. Hay là: nói để cầu nguyện cho người đó. Cầu nguyện cho người bị nói xấu thường cũng là một thứ nguỵ trang. Hay là: để tìm cách giữ mình, để hỏi ý kiến, vv... Tất cả những lý do đó, nhiều khi chỉ là các thứ nguỵ trang để lừa lương tâm mình và lương tâm người nghe. Lý do thực sự không phải thế đâu.
Người nói hành lại thường không ngay thẳng vì khi nói hành sự xấu người khác cho một người nào, thì có khi lại nói kiểu nọ kiểu kia để người đó nghĩ rằng: chỉ nói riêng chuyện đó cho một mình họ, chứ không nói cho ai hết. Nhưng rồi trước đó và sau đó họ đã và sẽ còn nói cho nhiều người khác.
Đường lối không ngay thẳng như thế bao giờ cũng là một đường lối hèn hạ, thấp kém và tiểu nhân.
Người nói hành lại hèn, vì họ thường dùng cách nói xấu người để gián tiếp khoe mình.
Khi ta nói xấu ai thì trực tiếp ta chê người đó, mà gián tiếp là ta khoe ta. Nếu tôi rỉ tai nói: anh B mới rồi đi ăn trộm. Khi tôi chê anh ta, tức là hiểu ngầm rằng tôi không có xấu như anh ta. Chê người khác vì tội gì thì bao giờ cũng là một cách tuyên bố tôi không có tội đó.
Hơn nữa, khi ta nói xấu với ai về một người vắng mặt, thì thường bao giờ cũng ngầm khoe mình là người biết nhiều chuyện bí mật, là người có nhiều nguồn tin, là người được nhiều người tín nhiệm cho biết các tin kín. Suy thế thì thấy rõ, người nói hành là người hay khoe mình. Giả sự khoe mình vì có đức tính tốt, có khả năng hay thì cũng đã đáng phê bình rồi. Phương chi lại dùng cách nói xấu người khác để khoe mình thì thực là tệ, là hèn. Dùng cách hại người để cho mình được chú ý, thì thực là tiểu tâm, đê tiện và hèn hạ.
Người nói xấu lại là người hèn vì hay dùng cách xấu này như một món quà tặng người khác. Về điểm này tôi thấy rất rõ. Nhiều khi người ta gặp nhau, không có gì cho nhau thì làm quà cho nhau một vài chuyện xấu của người khác. Nói ra để tỏ rằng mình tín nhiệm, dám nói những chuyện không dám nói với người khác. Nói ra để tỏ rằng mình tâm sự, biết gì thì nói hết. Nhưng thực ra, có tâm sự gì đâu. Chuyện về họ thì đều tốt hết, còn chuyện xấu thì là của thiên hạ. Họ cùng cách nói xấu người khác để nuôi dưỡng và phát huy tình bạn. Họ dùng cách nói xấu người vắng mặt để gây tín nhiệm nơi người nghe. Làm quà kiểu đó thì thực là hèn. Và chứng tỏ mình quá nghèo nàn và đểu rá, quá bần tiện và lưu manh.
Người nói xấu lại hèn vì hay dùng cách nói xấu để giải toả lòng ghen ghét, hay kiêu ngạo.
Đã hẳn, những người ghen ghét thường là những người hay nói xấu, nhưng những người hay nói xấu không nhất thiết luôn luôn là những người hay ganh ghét. Điều đó đúng. Nhưng dù trong trường hợp nào, hễ nói xấu người khác, thì thường cũng ngầm ý hạ người đó xuống. Và chủ ý hạ người khác xuống là một đặc điểm của ghen của ghét và của kiêu ngạo. Mình muốn hơn người nhưng không đủ lực để hơn người, nên dùng cách hạ người khác xuống để được hơn. Cũng như mình không đẹp, mà lại muốn đẹp hơn người, không có cách chính đáng thì lấy mực bôi vào mặt người đứng bên để họ xấu đi và nhờ đó mình trở nên đẹp hơn họ. Hay như hai người bơi lội thi, mình thấy anh bên cạnh bơi lội hay quá, mình muốn hơn ảnh, nhưng không có sức, bèn tìm cách ghìm anh ta xuống bùn, để anh ta sặc mà về chậm, nhờ thế mình sẽ về trước. Những cách như thế là hèn hạ, xấu xa và vô liêm sỉ.
Hơn nữa, người nói xấu lại hèn vì không dám chịu trách nhiệm.
Nếu người có thẩm quyền hỏi tới, hay khi phải đối chất về những điều mình đã nói xấu nói hành, thì thường họ chối. Chối hết, như không hề nói gì. Hoặc có nhận thì cũng chỉ nhận phần nào với những lời đã được sửa lại để trở nên vô tội và giảm khinh.
Lại nữa, rất nhiều người nói xấu lại hèn nhát núp dưới danh từ “người ta” mà nói. À, nào là tôi thấy “người ta” nói thế này thế nọ. Nào là: cái chuyện này không phải tôi kể đâu, mà là do “người ta” kể cho tôi nghe. Và nhiều thứ do “người ta, người ta”... lắm. Nhưng toàn là những cách trốn trách nhiệm một cách hèn nhát. Người ta là ai? Thưa, thường chính là họ, hoặc họ là người nói trước tiên, hoặc họ là người đã vui và thoả thuận trong việc nghe và truyền lại những chuyện xấu đó. Chứ không bao giờ họ chỉ là trung lập và vô tư khi kể lại chuyện xấu của người khác cả. Nếu chuyện xấu đó là của người thân yêu của họ, hay là của họ, thì họ đâu có bao giờ đem ra mà kể. Như thế thì đủ biết.
Anh em thân mến,
Nói hành xấu như thế và hèn như thế đó. Bộ mặt xấu xí và hèn hạ của sự nói hành trên đây chắc làm ta phải tởm gớm nó. Nhưng chưa hết đâu, chúng ta sẽ còn phải kinh hãi nó như loài rắn độc, nếu chúng ta xem qua những thiệt hại nó gây ra.
Thiệt hại thứ nhất nó gây ra cho chính người nói xấu là làm cho người ta khinh, và mất tín nhiệm. Không biết người khác thế nào chứ đối với tôi, thì đúng như thế. Hễ ai đến với tôi, mà hay đem chuyện người khác ra mà nói xấu, thì tôi có cảm tưởng không thuận lợi không phải về người bị nói xấu mà về người nói xấu. Mà thực sự, ai biết suy nghĩ một chút, tất cũng có cảm tưởng như thế. Người nói hành là người xấu, là người hèn như đã minh chứng vừa nãy. Đàng khác, ai khôn tức nhiên cũng sẽ tự nghĩ rằng: người này hay nói xấu người khác với mình, thì cũng dễ nói xấu mình với kẻ khác. Một người không biết kính trọng kẻ vắng mặt, thì đâu có trừ ta khi ta không có mặt! Và thường không sai đâu, nên kẻ hay nói xấu là người không được mấy người ưa, và không đáng tin tưởng.
Thiệt hại thứ hai người nói hành gây ra cho chính mình là phạm tội lỗi đức công bình và bác ái. Đâm chém, đánh đập người ta là một tội thê thảm. Nói xấu cũng là một cách hành hung còn thê thảm hơn  nhiều. Người bị nói xấu phải chịu bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu mặc cảm, bao nhiêu tủi nhục. Báo chí thiếu gì những chuyện cô này anh nọ, bà nọ ông kia đã tự tử vì quá đau khổ do những lời người ta nói xấu mình.
Tiền bạc là quý, nhưng danh dự còn quý hơn tiền bạc nhiều. Ta làm cho ai mất danh dự, thì ta phạm tội lỗi đức công bình, đối với họ. Dù lời ta nói xấu họ không tới tai họ, thì cũng không vì thế mà ta bớt tội. Vì kết quả lời nói xấu vẫn còn nguyên vẹn. Nghĩa là thanh danh bị tổn thương. Và ảnh hưởng của sự mất tiếng đó có thể còn đi xa vào sự nghiệp, vào đời sống xã hội, vào các liên hệ với bạn bè.
Thiệt hại thứ ba người nói hành gây ra cho chính mình là khó đền trả những hậu quả bất công mình đã làm cho người khác.
Một người tức giận nhà bên cạnh lấy lửa đốt nhà họ, lửa lan sang nhà hàng xóm, và cứ thế lửa đã thiêu huỷ cả 100 nóc nhà. Ra toà, tất cả những thiệt hại 100 gia đình bị cháy nhà đều đổ trên đầu người đã đốt chiếc nhà đầu tiên. Thiệt hại vật chất thì còn kiểm được, nhưng thiệt hại tinh thần thì làm sao kiểm điểm được. Ngọn lửa lan tới đâu thì còn thấy được chứ lời nói xấu lan tới đâu thì làm sao biết được. Mà mọi thiệt hại gây nên cho người ta, dù vật chất, dù tinh thần, đều phải đền trả. Không phải cứ đi xưng tội là khỏi đền đâu. Mà nếu không đền được ở đời này thì phải đền ở đời sau. Mà cách đền nào cũng rắc rối, cũng phiền hà, cũng khổ nhục lắm. Nói hành nói xấu kẻ khác để rồi chính mình bị khổ nhục thì đó có phải là thiệt hại không?
Anh em thân mến,
Những thiệt hại của sự nói hành nói xấu, chắc đã đủ để giúp chúng ta quyết định: sẽ không bao giờ nói xấu ai.
Nhưng khi gặp trường hợp người ta nói xấu kẻ khác với ta thì sao? Tôi nhớ một ít thái độ của những vị đạo đức đối với những trường hợp đó:
- Có một bà đến thăm cha Matthêô. Đang nói chuyện vui vẻ thì bà bắt đầu đem chuyện xấu của một người vắng mặt ra nói. Cha Matthêô tỏ mặt rầu, rút xâu chuỗi ra và nói: Thôi, xin bà cùng ta đọc 50 chục kinh cho người đó. Đọc xong, bà kia lại tiếp tục kể chuyện xấu về người kia. Cha Matthêô không nói gì, lại thở dài rút xâu chuỗi ra và nói: Thôi, chúng ta đọc 50 kinh cho người đó đi. Đọc xong, bà kia lại nóng lòng sốt sắng kể tiếp chuyện xấu người kia. Một lần nữa, cha Matthêô càng tỏ vẻ buồn rầu, lại cầm lấy xâu chuỗi, và nói với bà khách: chúng ta cầu nguyện cho họ thì có ích hơn là bàn chuyện xấu của họ. Đọc xong kinh thì bà kia hiểu, và không bao giờ dám nói xấu ai nữa.
- Một cha khác, khi đi đường thấy người bên cạnh bắt đầu đem chuyện xấu của người khác. Ngài liền nhìn các nhà và cây cối bên đường và nói: Ông nè, cái nhà kia họ làm ngộ thiệt. Cái cây kia bông đỏ chói, thứ gì mà trổ bông mùa này... Nghĩa là thỉnh thoảng ngài lại ngắt chuyện chêm vào những câu đâu đâu, còn mắt thì nhìn chắm chú những cái gì chung quanh không một chút chú ý đến người đang nói. Người nói xấu sẽ hết hứng và thôi nói.
- Một người khác ngồi trên xe, nghe người bên cạnh nói xấu kẻ vắng mặt thì làm bộ ngủ gục... Và người nói không còn hứng thú gì kể tiếp nữa.
- Một người khác khi nghe ai nói hành thì liền hay nói: Chúa mà không giữ ta thì ta còn xấu hơn họ nhiều. Mà biết đâu đó chỉ là chuyện bày đặt, đoán xét bậy bạ. Thời buổi này nếu mình dễ tin bậy về kẻ khác, thì kẻ khác cũng sẽ dễ tin bậy bạ về mình.
Với những cánh phản ứng đó, ta sẽ dễ tránh được những chuyện không hay cho người vắng mặt, cho người nói hành và cho chính ta.
Anh em thân mến,
Thánh Bonaventua khi nói tới tội nói hành có chỉ điểm 4 cách người ta thường dùng để nói hành bôi lọ hạ giá người khác:
1/ Khi người ta có sự tốt lành còn kín, thì mình tìm cách nói thế nào để giấu nhẹm đi, kẻo người khác biết mà khen.
2/ Khi người ta có sự tốt lành đã trống, thì mình cắt nghĩa sao cho giảm giá trị đi.
3/ Khi người ta có sự xấu còn kín, thì mình tìm cách bới ra cho người khác biết để họ chê.
4/ Khi người ta có sự xấu đã trống, thì mình tìm cách phổ biến rộng ra cho càng rộng thêm, để người ta càng chê.
Dù cách nào trong 4 cách này thì cũng là xấu, cũng mắc tội và cũng gây nên thiệt hại cho người ta. Ta không muốn ai nói xấu hại ta, thì ta cũng đừng nói xấu hại người khác. Trong sách Tobia Chúa dạy ta rằng: “Sự gì con không muốn người khác làm cho con, thì con đừng làm cho kẻ khác” (Tb 4,16). Để được thế, ta hãy trị lưỡi.
Trị lưỡi là điều rất khó.

 

12. HÃY QUÊN ĐI VÀ THA THỨ


Sống trên đời là sống với người khác. Những người khác đó, hoặc ở gần ta hoặc ở xa ta; hoặc biết ta, hoặc không biết ta. Họ có thể là niềm vui cho ta, và cũng có thể gây cho ta nhiều buồn khổ. Vô tình hay hữu ý, có người đã đối xử không tốt với ta trong lời nói, trong thái độ và trong việc làm.
Con người có trí nhớ. Nhờ trí nhớ ta mới có được một cuộc đời liên tục. Trí nhớ là kho tàng chất chứa mọi sự ta đã nghe, đã xem, đã nghĩ, đã cảm, đã đi qua đời ta. Những hoài niệm giúp ta trong việc xây dựng hiện tại và t tương lai. Có những hoài niệm làm ta vui, ta thương, ta nhớ. Và cũng có những hoài niệm làm ta buồn, ta tức, ta giận, ta hận, ta thù. Những hoài niệm này tất nhiên có liên quan tới người khác. Nên khi ta tức, buồn bực, giận ghét và oán thù, thì không phải là tức giận, oán thù, buồn bực những người đã gây nên những hoài niệm đó. Nhưng người đó là những người bây giờ vắng mặt, nhưng cũng có thể là những người đang có mặt bên ta. Có thể họ là thầy ta, là bạn học với ta. Có thể họ là bà con với ta, cùng xóm ngõ, có thể họ chỉ là những người ta quen biết, và có khi chẳng quen biết gì cả, nhưng vì một lý do nào đó đã hại ta, đã làm khổ ta. Đối với tất cả những người này, ta phải ăn ở sao đây?
Theo tính tự nhiên, thì oán phải trả oán. Kẻ đã làm hại ta là những kẻ -phải loại trừ. Kẻ ghét ta là kẻ ta phải ghét. Kẻ chống ta là kẻ ta phải chống lại. Thói thường người ta xử sự như vậy. Và người ta cho là hợp lý và khôn.
Nhưng Chúa là chính sự khôn ngoan đã dạy ta một sự khôn ngoan cao hơn sự khôn ngoan thế gian. Người đã dạy ta một sự hợp lý còn cao hơn sự hợp lý loài người. Sự khôn ngoan và hợp lý Chúa dạy đó là: Hãy tha thứ cho kẻ làm mất lòng ta, và hãy biết quên đi những hoài niệm đau buồn.
Tại sao Chúa dạy ta điều đó?
Thưa, vì điều đó sinh lợi ích to lớn cho ta. Sau đây chúng ta sẽ suy nghĩ về những ích lợi đó.
Ích lợi thứ nhất là thứ tha thì sẽ được tha thứ, được Chúa tha tội cho mình.
Ai trong ta dám cho mình sạch tội. Không nhiều thì ít chúng ta hết thảy đều là những kẻ có tội. Mà có tội là mắc tội với Chúa. Chỉ có Chúa mới tha cho ta được. Việc tha thứ đó, ta đã lãnh nhận không biết bao nhiêu trăm ngàn lần rồi. Nếu ta được Chúa xử rộng rãi như thế, mà chính ta lại xử ngặt với người lỗi phạm với ta, thì hỏi rằng ta có còn đáng Chúa tiếp tục xử rộng mãi với ta không?
Chúa đã tha tội cho người ta một cách hết sức dễ dàng. Có thể nói Chúa tha tội cho người ta trước khi người xin lỗi Chúa. Chúa tha tội cho ta, và chỉ cần ta nhận lãnh sự tha thứ đó bằng cách đến gặp Chúa và quyết sống hoà hợp với Chúa trong đời sống ân tình. Chúa công bằng và cao sang vô cùng mà còn xử đối với kẻ có tội như thế, tại sao ta lại muốn công bình và hợp lý hơn Chúa.
Đàng khác, Chúa đã coi sự tha thứ như là điều kiện để được thứ tha: “Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Ra điều kiện đó là làm lợi cho ta đó thôi, chứ suy nghĩ sơ sơ thì cũng thấy: Ta xúc phạm Chúa thì nặng thế nào, còn người ta xúc phạm tới ta thì nặng thế nào. So sánh hai bên, tất nhiên tội xúc phạm Chúa nặng bội phần hơn tội xúc phạm ta. Một bên nặng, một bên nhẹ. Tha nợ nặng thì tất nhiên khó hơn và quý hơn tha nợ nhẹ. Thế mà Chúa chịu đưa cái nhẹ ra làm điều kiện để tha nợ nặng cho ta. Thì cũng như thế Chúa bảo nếu ta tha món nợ 100 đồng cho người khác, thì Chúa sẽ tha cho ta khỏi món nợ 1 triệu đồng. Như thế thực là một cách Chúa thương ta biết mấy. Mà nếu ta không chịu điều kiện đó, nghĩa là không tha cho kẻ khác, thì ta dại biết bao nhiêu. Chúa sẽ bảo: Ta không tha tội cho con vì con đã không tha cho kẻ khác. Không những Chúa không tha tội cho ta, mà Chúa cũng chẳng nhậm lời cầu, lễ dâng của ta. Chính Chúa bảo rõ điều đó mà. “Khi con đi dâng của lễ, mà nhớ mình còn có chuyện bất hoà với anh em, thì hãy bỏ của lễ đó mà về làm hoà với người anh em đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ sau” (Mt 5,23). Đó, thấy chưa, Chúa coi việc tha thứ cho anh em là một việc quan trọng đến thế nào.
Ích lợi thứ hai của việc tha thứ là làm sự lành cho người gây khổ cho ta và cho những người xung quanh. Sự tha thứ của ta đem lại cho người gây khổ cho ta những gì? Trước hết là sự an ổn không phải lo sợ ta báo thù, chống phá, không phải lo đối phó với ta. Đời họ sẽ nhờ sự tha thứ đó của ta mà bớt được gánh nặng.
Hơn nữa, sự tha thứ của ta sẽ làm cho cuộc sống chung được nhẹ nhàng dễ chịu. Ta cứ tưởng tượng ta giận một người ngồi cùng bàn, cùng lớp hay cùng nhà thì thấy. Cả bàn, cả nhà, cả lớp sẽ bị bao phủ bởi một bầu khí nặng nề. Anh em cùng bàn, cùng lớp, cùng nhà sẽ không còn vui vẻ tự nhiên với nhau. Xem như có cái gì ngượng nghịu, dè dặt, căng thẳng giữa mọi người biết chuyện. Nhưng trái lại, khi có sự tha thứ, thì tất cả những đám mây mù đó sẽ tan đi. Đời sống chung lại tươi vui nhẹ nhàng. Ảnh hưởng đến như thế đâu có phải là nhỏ. Ta không quan tâm đến ảnh hưởng đó, là ta ích kỷ. Và ngược lại, là một việc quảng đại hữu ích.
Ngoài ra, sự tha thứ có thể cảm hoá được người đã làm khổ ta. Câu chuyện tôi sắp kể là câu chuyện chứng mình điều đó. Ở một làng nhỏ miền quê, có một người đàn ông công giáo khoẻ mạnh, một vợ 5 con: 3 trai, 2 gái. Tên ông là Wang. Ông rất giỏi võ, có nhiều người tới họ võ với ông. Trong các môn sinh có một chàng tên T.. T. nghèo, nên ông nuôi và thương như con đẻ. Trưa ông cho ăn, tối ông dẫn về nhà. T. học võ rất giỏi, nhưng càng giỏi càng kiêu. Đùng một bữa, có cuộc biến. Ông Wang bỏ nhà trốn đi. Tên T. nhập bọn phiến loạn. Có một hôm, hắn ta xách dao tới nhà ông thầy cũ của hắn. Mấy đứa con của ông Wang vẫn tưởng T. là bạn, nên không nghi ngờ gì. T. Gọi từng đứa ra hỏi: Mày có đạo Thiên Chúa không? Mấy đứa thưa: Phải. Lập tức T. Chém đứt đầu tất cả 5 đứa. Bà vợ thấy vậy chạy trốn. T. liền đốt lửa thiêu rụi căn nhà ông Wang.
Khi an ninh vãn hồi. Ông Wang trở về làng. Được người lối xóm kể lại đầu cuối sự việc, ông tức giận vô cùng. Bà vợ thì sầu khổ quá nên ngã bệnh chết. T. thì sợ ông Wang trả thù nên cũng trốn đi. Cha sở hết lòng thương ông Wang, an ủi  ông và xin ông tha cho T.. Ông không chịu. Hơn nữa, ông nhất quyết sẽ đi tìm giết T. để trả thù. Cả làng ai cũng lo sẽ xảy ra một cuộc trả thù đẫm máu. Mấy tháng như thế trôi qua. Hôm đó là tuần thánh, cha sở nhờ dịp cấm phòng nên tới an ủi  khuyên lơn ông Wang. Đại khái cha nói: Chúa Giêsu bị kẻ dữ giết đau đớn thế kia. Ngài có dư sức để phạt chúng. Nhưng Ngài không phạt. Ngài đã tha tội cho chúng. Con hãy theo gương Chúa mà tha tội cho T.. Ngần ngữ mãi, sau cùng ông Wang bằng lòng để cha cho người đi kêu thằng T. tới. Tối hôm đó, cả họ đang đọc kinh, thì cha sở dẫn thằng T. ra. Thấy nó, ông Wang đứng lên chỉ vào mặt nó mà nói lớn: Mày đã được tao nuôi dưỡng đối xử như con. Thế mà mày giết hại 5 con tao, đã đốt nhà tao. Tội mày đáng chết... Rồi ông ta bước lại... Ai nấy đều hồi hợp lo sợ. Và thằng T. thì xanh mặt lại... ông Wang bước lại, ông ta ôm lấy nó, và nói lớn: Tao định giết mày, nhưng vì Chúa Giêsu, tao tha cho mày... Cả hội trường đều hoan hỉ thở phào. Ít ngày sau, người ta thấy T. chịu phép Rửa, và ông Wang là bõ đỡ đầu cho hắn. Sau T. trở nên một chiến sĩ truyền giáo rất hăng say, lôi cuốn được từng trăm người trở lại.
Đó, ta xem công hiệu của một sự tha thứ.
Tôi cũng mới nghe một câu chuyện. Một sở cha ở một quận thuộc một tỉnh gần Sàigòn. Ông quận ở đó không biết vì bị ai xúi bẩy hay vì lý do gì thường hay phá cha đủ thứ. Cái cú ông đánh cha đau nhất là ông xúi dân đi thưa cha nơi Đức Cha, và hô hào dân chúng biểu tình đả đảo cha. Cha biết tất cả, nhưng không một phản ứng thù hằn. Mấy thắng sau, ông quận đó được thăng cấp. Ông ta rất bỡ ngỡ vì sự thăng cấp bất ngờ đó. Ông chắc một người bạn cấp trên nào đó đã vận động cho ông. Ông dò hỏi trung ương, thì họ trả lời: Ô! Ông không biết sao? Chính cha sở họ đạo đã xin thăng cấp cho ông đó. Và Ngài còn đang vận động cho ông lên làm tỉnh trưởng tỉnh của Ngài nữa đó. Nghe thế, ông quận bỡ ngỡ quá sức. Ông ta liền đến cha sở hết lời xin lỗi Ngài, và cả gia đình ông đã xin theo đạo Công giáo, vì thương cha không những không hận thù mà còn làm ơn trả oán.
Tôi cũng biết có một Đức Giám mục ở Việt Nam khi Ngài còn sống đã bị một người có tên tuổi chống phá, nói xấu nói hành đủ thứ. Khi Đức Giám mục chết, người ta mở chúc thư ra thì thấy cái người đầu tiên và là người được Đức Cha trối nhiều của nhất chính là ông đã chống phá đả đảo, nói xấu và làm khổ Đức Cha nhiều nhất. Khi được biết cử chỉ bác ái cao thượng đó, ông tên tuổi kia đã khóc lăn khóc lóc thương mến Đức Cha và hối hận vô cùng.
Có lẽ nếu không có những sự tha thứ anh hùng kia, thì chắc chẳng bao giờ ông đó sẽ chịu nghĩ lại và ăn năn sửa mình. Và như vậy, sự tha thứ đã làm những phép lạ kỳ diệu trong các linh hồn.
Ích lợi thứ ba là sự an ủi trong linh hồn của chính người tha thứ.
An ủi vì được Chúa thứ tha tội lỗi. An ủi  vì thấy mình làm được cái gì hay cho kẻ khác. An vui vì không phải bận tâm với những tư tưởng hận thù, những hoài niệm đối nghịch, những mơ ước hại người. Tính cách quảng đại và cao thượng của sự tha thứ làm cho tâm hồn ta mở rộng và thư thái. Tâm hồn sẽ không bị gò bó trói buộc vào những chuyện đen tối chật hẹp, nhưng sẽ được tự do thong thả nhởn nhơ trong một cõi lòng trong sáng.
Nhưng phải làm sao để dễ tha thứ và quên đi những hoài niệm hận thù?
Kinh nghiệm đã cho thấy: có những cái ta muốn nhớ mà lại cứ quên. Trái lại, có những cái ta muốn quên mà lại cứ nhớ. Vui thì dễ quên. Mà đau khổ tức giận thì khó quên lắm.
Đúng như vậy. Tuy nhiên, nếu sự nhớ chẳng lợi ích gì mà lại sinh hại thì ta cũng phải cố gắng để mà quên đi.
Để giúp quên đi, thì có những phương thế này:
1/ Khi chợt nghĩ tới những hoài niệm gây hận thù, thì ta hãy bỏ qua mà nghĩ sang một hình ảnh khác, một vấn đề khác. Và phải chuyển đối tượng như thế một cách dứt khoát và mau lẹ. Phải đổi hướng một cách cương quyết. Thí dụ: Anh B. Đã chơi xấu tôi, nghĩ tới là tôi tức sôi máu lên. Vậy, mỗi khi chợt nghĩ tới chuyện xấu đó, lập tức tôi nghĩ sang bài báo tôi đang viết giở. Và tôi tự bảo mình: chuyện này còn quan trọng hơn nhiều. Cứ làm kiểu đó, là dần dần tôi quên được hoài niệm cũ hoặc nếu có nhớ, thì cũng không cho là quan trọng nữa, vì đã quen coi thường nó và vì thế nó không gây được xúc động gì.
2/ Năng nghĩ tới những điểm tốt của người làm ta tức giận hận thù. Ai cũng có những đức tính tốt. Chỉ tại tâm hồn con người dễ nhận thấy vết đen hơn vết trắng. Giống như máy ảnh vết càng đen thì càng ăn ảnh, vết càng trắng càng sáng thì lại khó thu vào hình. Tại sao thế? Thưa vì máy ảnh thuộc về vật chất. Cũng vậy, tâm hồn ta, nếu không biết vượt lên khỏi vật chất, thì cũng sẽ như máy ảnh vật chất, chỉ nhận rõ vết đen của người, còn nét trắng thì không rõ. Ta phải bình tĩnh nhìn nhận những điểm tốt của người ta, để cái hình ảnh nội tâm của họ trong hồn ta không còn phải là một hình ảnh dễ ghét và xấu xí, nhưng là một hình ảnh cũng có những điểm đáng ta kính phục và mến yêu.
3/ Cầu nguyện cho người đã gây khổ cho ta. Thỉnh thoảng, tìm cách khen kín đáo người đã làm khổ ta khi họ vắng mặt.
Anh em thân mến,
Trong đời sống chủng viện không thiếu những chuyện làm tức bực, buồn giận, khó chịu, không thiếu những người làm ta phải khổ. Sau này, trong đời linh mục, anh em cũng sẽ gặp những trường hợp đó. Và nếu Chúa định anh em sống bậc giáo dân ngoài đời, anh em cũng sẽ gặp nhiều hơn những chuyện đó. Tắt là chúng ta sẽ không tránh được những chuyện gây sự với ta, ta không thể tìm được chỗ nào toàn những người hợp ý, hợp tánh với ta. Ta phải chấp nhận thực tế. Và ta sẽ đối phó với thực tế đó, không phải bằng cách nuôi hờn giữ oán. Nhưng là bằng cách thứ tha, và biết quên đi.
 
 

13. TÌNH THƯƠNG GIỮA ANH EM


Một chủng sinh đã có lần tâm sự với tôi: “Đau khổ lớn nhất của con trong chủng viện là đau khổ do chính anh em lớp gây nên cho con”. Câu tâm sự đó cũng giống lời một linh mục đã nói với tôi. Ngài nói: “Sau những giai đoạn tôi bị thử thách nặng nề về tâm hồn và thể xác, tôi có cảm thưởng như thất vọng hoàn toàn về tình huynh đệ linh mục”. Những lời than phiền trên đây lại làm tôi liên tưởng đến lời Đức Cha Charrière trong bài Ngài nói chuyện ở đại học Fribourg. Ngài nói: “Có lúc tôi đã kêu với Chúa rằng: Lạy Chúa, con không xin Chúa cứu con khỏi kẻ thù của con. Nhưng xin cứu con khỏi bạn hữu con, vì chính họ làm khổ con nhiều hơn kẻ thù”.
Thì ra, linh mục cũng như chủng sinh cũng như giám mục đều đã có những kinh nghiệm chua xót về tương quan đồng liêu, đồng nghiệp. Về điểm này, tôi đã được nghe không biết bao nhiêu lời than phiền xuất xứ từ đủ mọi chức bậc. Có lẽ mỗi người chúng ta cũng đã từng nghe và biết đâu đã ứng nghiệm. Và cho là đúng phần nào.
Tôi nói đúng phần nào, nghĩa là không phải giữa anh em nhà tu chúng ta không có sự thương yêu, trái lại chúng ta đã tìm được nơi anh em cùng chung sống nhiều tình thương chân tình. Nhưng, sống giữa anh em mà biết đâu có lúc ta vẫn cảm thấy đơn độc, có lúc thấy nặng nề, có lúc còn cảm thấy như muốn thoát lìa vì không tìm được tin tưởng.
Tương quan giữa anh em chúng ta có lúc thăng trầm là như thế. Thực tế, đó là một băn khoăn không nhỏ cho chúng ta. Vì, ngoài tình yêu Chúa ra, thì mình còn trông cậy vào ai hơn anh em gia đình thiêng liêng mình. Mình đi tu, đã xa lìa gia đình máu mủ, đã từ chối tình yêu phu phụ, đã chọn những người cùng lý tưởng làm bạn đường. Nếu không tìm được nơi những anh em đó một tình thương xây dựng, thì thực là chua xót, thực là mỉa mai.
Để tránh cho người khác khỏi phải nếm những chua xót thất vọng như thế, ta nên để ý những gì trong tương quan giữa anh em chúng ta?
Ở đây tôi chỉ xin lưu ý vắn tắt đến 3 điểm này:
1/ Nâng đỡ.
2/ Tế nhị.
3/ Chân thành.
Nâng đỡ
Chúa Giêsu trong cơn đau đớn ở vườn cây Dầu đã đi tìm an ủi  nơi các môn đệ. Ngài cũng đã được thiên thần Đức Chúa Cha gởi tới để khích lệ Ngài. Ngài đã cảm thấy sự bị bỏ rơi khổ sở thế nào, nên Ngài đã thốt ra một lời than đầy phiền não trên thánh giá “Chúa tôi ơi, Chúa tôi ơi! Sao nỡ bỏ tôi?”.
Thân phận con người, dù siêu thoát nơi Ngôi Hai, cũng vẫn là một thân phận cần yêu và cần được yêu, cũng vẫn là một thân phận biết buồn biết khổ. Phương chi thân phận con người nơi chúng ta còn mang nặng vấn vương và nhiều yếu đuối.
Chính những yếu đuối đó đòi sự nâng đỡ của người khác. Nâng đỡ nói đây trước hết hiểu là sự nâng đỡ thường xuyên. Bằng những cách cho đi mà ta đã phân tách chung ở ngày đầu. Nhưng nhất là hãy nâng đỡ nhau trong những khi thành công và đặc biệt là những khi thất bại.
Khi thành công thì cần gì nâng đỡ? Ta dễ nghĩ vậy. Nhưng thực tế thì không đơn giản. Con người trong ta cũng có đủ mọi nết xấu như ai. Sự thành công của anh em có thể gợi trong ta sự ganh tỵ, phân bì. Ít người được như thánh Gioan Tiền Hô, thực tâm vui vẻ nói: “Tôi cần phải kém đi, và Người cần được nâng lên”. Nếu không muốn người khác hơn ta, thì ta sẽ dễ pha trộn cay đắng vào thành công của họ. Vì thế, nâng đỡ sự thành công của anh em là tiên vàn hãy tôn trọng sự thành công đó.
Hơn nữa, không những chỉ tôn trọng, mà cũng còn nên khuyến khích, để anh em đã thành công càng thành công hơn. Tôi thiết tưởng mỗi anh em chúng ta là một nguồn khả năng độc đáo. Với nguồn khả năng đó, họ có thể làm được nhiều việc mà chính ta không làm bằng họ. Họ có thể đổi mới được cả một họ đạo, tổ chức được những cơ cấu vững bền to lớn, xông pha ở những địa điểm truyền giáo xa lạ. Nhưng bao nhiêu thiện chí và khả năng đó đã lụi tàn dần, chỉ vì không được khuyến khích, hay tệ hơn nữa, đã bị đập cho tan nát tơi bời!
Càng ngày tôi càng thấy đúng lời cha Faber nói: “Bao nhiêu tâm hồn cao thượng đã ngã quỵ dưới sức nặng của đau phiền do sự thiếu nâng đỡ. Bao nhiêu chương trình tốt đẹp cho vinh danh Chúa đã không hề được thực hiện chỉ vì thiếu một nụ cười, một cái nhìn khuyến khích”.
Sự nâng đỡ càng trở thành cần thiết cho anh em, trong trường hợp anh em gặp thất bại. Thất bại đó có thể rủi ro do thiếu khả năng, do yếu đuối, do ác ý người chung quanh hay đôi khi do quá nhiều thiện chí. Nhưng dù bởi đâu tới, thất bại vẫn gây đau buồn. Đau buồn bao giờ cũng kéo con người trở lại với lòng mình, và vì thế tạo nên một sự cô đơn xa cách. Trong tâm lý cô đơn đó, nếu kẻ đau buồn không được nâng đỡ sẽ dễ rơi vào chán nản và mặc cảm hay đi tìm những an ủi  khác.
Mỗi lần tôi nhớ lại đoạn nhật ký một linh mục bạn tôi là tôi lại cảm thấy buồn. Ngài viết: “Ở ngoài đời, trong hoàn cảnh này, người ta có cha mẹ, vợ con, họ hàng, anh em khuyến khích và giúp đỡ đàng này đàng nọ. Còn như tôi bây giờ thì hoàn toàn cô độc. Buồn một mình. Khổ một mình. Khóc một mình. Người ta bảo nhà tu là gia đình. Nhưng thực tế thì còn xa lý thuyết lắm. Lúc này tôi thấy chỉ có một vật có thiện cảm chân thành với tôi, đó là con chó của tôi. Chỉ có thế mà thôi”.
Chúng ta đừng trách kẻ đau buồn. Dù họ chủ quan, dù họ khách quan, dù họ có lý hay không có lý, thì đau buồn cũng vốn là một thực tại xót xa. Và hậu quả nhiều khi khó có thể tưởng tượng được. Ít người đã tự tử vì không chịu nổi đau đớn phần xác. Nhưng hầu hết các người tự tử đều bởi không chịu nổi đau khổ tâm hồn. Và có những người trong anh em chúng ta trong lúc buồn nản đã không tự tử phần xác, nhưng đã tự tử phần hồn.
Cha Courtois khi đề cập tới vấn đề tình giữa anh em tu sĩ và giáo sĩ, đã viết: “Kẻ từ chối một chút thiện cảm và nâng đỡ với một anh em đang buồn chán, nên biết là mình có thể làm nguyên do cho người anh em đó sa ngã trầm trọng”. Tôi thấy đúng. Một linh mục sau khi bỏ áo dòng ra đi đã có lần nói với tôi: “Người ta đã đẩy tôi vào chân tường. Sự xa cách nghi kỵ và lên án của anh em linh mục đối với tôi đã làm tôi càng ngày càng thất vọng, và đã đẩy tôi vào quyết định phải ra đi”. Một cha bạn của linh mục xuất đó cũng một lần đã xác nhận với tôi là: “Cộng đồng linh mục phải chịu một phần trách nhiệm về sự ra đi của cha đó...”. Tôi mong rằng những điều mà tôi vừa nói không làm cho anh em bi quan theo nghĩa xấu, nhưng sẽ làm cho chúng ta để ý nâng đỡ anh em hơn, cũng như chúng ta muốn được anh em nâng đỡ.
Tế nhị
Tế nhị là khéo biết người khác thích và không thích gì, khéo làm vui lòng người, và khéo tránh những gì làm phiền lòng người ta. Nếu muốn tìm một gương tế nhị, thì ta có thể tìm ở Phúc Âm nơi Đức Mẹ khi Người dự tiệc cưới. Ta thấy Đức Mẹ thực là tế nhị. Cái tế nhị thứ nhất là khéo đoán biết cảnh bối rối của gia đình nhà đám. Cái tế nhị thứ hai là Đức Mẹ đã làm ơn cho họ một cách kín đáo. Cái tế nhị thứ ba là lời Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu: Nhà này hết rượu. Không nài ép, không dài dòng. Cái tế nhị thứ bốn là lời Đức Mẹ bảo các người giúp: Con tôi bảo sao, các bác cứ làm thế nhé. Đức Mẹ đã tỏ ra nhã nhặn và kín đáo.
Gương tế nhị nơi Đức Mẹ phải là một bài học cho chúng ta. Thời này người ta hay kêu thanh niên là thiếu tế nhị. Thanh niên ngoài đời và cả thanh niên trong nhà tu đều hay bị mang tiếng đó. Và người thanh niên lại hay chữa mình rằng: Chúng tôi thiếu tế nhị, có lẽ vì chúng tôi không ưa giả tạo, không thích hình thức bôi bác bề ngoài, chúng tôi muốn cởi mở, muốn trung thực... Phải, những sự người thanh niên chúng ta không thích và thích đó đều đúng. Nhưng cũng cần phải nhận điều này là đúng: tế nhị không phải là một hình thức giả tạo, nhưng là một lịch sự, một đức tính, một khía cạnh của bái ái, một nghệ thuật để cho đi. Mà nếu “cách cho còn quý hơn của cho” là đúng thì đừng coi thường điểm tế nhị trong tương quan giữa anh em.
Chân thành
Chân thành dịch sang Latin là sincerus, a, rum. Lịch sử tiếng đó thế này: Xưa, người Lamã thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, có lỗ sứt mẻ, thì lấy sáp ong nhét vào những lỗi đó, và đánh cho thực trơn láng. Cũng như kiểu đàn bà lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn. Những cột cẩm thạch nào không có sáp, thì là dấu tuyền vẹn, và gọi là Sine Cera. Sine: không cera: sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này dính lại thành một là “sincera”, và có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành thực, chân thành.
Tình thương giữa chúng ta cũng cần phải sine cera: là không bôi sáp, không giả tạo, nhưng chân thành. Còn gì thất vọng cho bằng khi thấy những cử chỉ, thái độ, lời nói có vẻ lịch sự, bác ái đối với mình chỉ là một thứ xã giao miễn cưỡng, một thứ nguỵ tạo giả hình. Trước mặt mình thì niềm nở, nhưng sau lưng thì phá ngầm, nói hành nói xấu, gièm pha.
Kinh nghiệm cho ta thấy là một khi ta đã có nhiều bằng chứng để nghi ai không chân thành với ta, thì ta khó tín nhiệm người đó. Cũng thế, người khác cũng sẽ không tín nhiệm ta nếu ta thiếu chân thành với họ. Và một khi hết tin, thì sự hiện diện của ta đối với họ sẽ mang một ý nghĩa khả nghi, bắt họ phải dè dặt.
Và như thế, tình thương giữa anh em sẽ đi về đâu?
Anh em thân mến,
Đời mỗi người đã là một thánh giá. Nếu ta chẳng làm nhẹ được cho ai, thì đừng làm cho thêm nặng. Hơn nữa, ta nên cố gắng làm cho đời ta có nhiều ý nghĩa xây dựng đối với anh em và hết mọi người.
Thánh Gioan tông đồ giảng cho giáo dân, chỉ nhắc đi nhắc lại hoài: “Anh em hãy thương yêu nhau”. Gần chết, Ngài cũng còn nhắc lại câu đó: “Anh em hãy thương yêu nhau”.
Cần nhắc lại điều đó, vì nó là giới răn căn bản, như Chúa Giêsu phán: “Thầy cho chúng con một điều truyền mới là chúng con hãy thương yêu nhau”.
Cần nhắc lại điều đó, vì nó là đặc điểm của môn đệ Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau”.
Cần nhắc lại điều đó, vì “Đức ái là dây buộc sự trọn lành. Ai yêu người là đã giữ trọn lề luật” như thánh Gioan đã nói.
Và cũng đúng như ý tưởng của thánh Augustin: “Ama et fac quod vis”. “ÔAmat fac quod vis”. Đó cũng là tóm kết những sự tôi đã nói và muốn nói trong suốt tuần tĩnh tâm này.

 

14. SÁM HỐI PHÚC ÂM


“Sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Lời thánh Gioan Tiền Hô vừa nói đó đã gắn sám hối và niềm tin thành một tác động trở về của người hồi quy gia phụ.
Nhưng trong sám hối phải có tình yêu. Cũng như niềm tin bao giờ cũng gọi đến ân tình. Vì thế, có thể nói: Sám hối là nước mắt của tình yêu khóc một niềm tin; là sự hối hận của một niềm tin khóc một tình yêu. Tin và yêu là hai giòng lệ của tâm hồn thống hối.
Tin và yêu này phải luôn luôn có mặt khi ta sám hối. Tin Chúa và yêu Chúa.
Tin Chúa thứ tha và yêu Chúa trên hết mọi sự.
Tin Chúa sẽ ban đủ ơn giúp ta trung tín. Và yêu Chúa với lòng dốc quyết, trung tín trước sau như một.
Tin Chúa thương ta vô cùng, và yêu Chúa với lòng khao khát được làm vui lòng Chúa trong bất cứ sự gì.
Niềm tin và tình yêu trong thống hối là một cái nhìn vào Chúa. Và như thế, sám hối là nhìn vào Chúa hơn nhìn vào mình. Có thể ví tin và yêu như hai con mắt của ý thức tội lỗi nhìn vào Chúa.
Mà cần nhìn lâu như vậy vào Chúa, để ta hối hận mà khỏi ngã lòng, để biết lo buồn mà vẫn phấn khởi.
Phải dùng con mắt tin và con mắt yêu, nhìn lâu vào Chúa để tâm hồn thống hối nhắm được một hướng đi chắc chắn cho hành trình đời mình. Để từ nay, mình sẽ sống cho Chúa, làm việc cho Chúa mà thôi.
Dùng đôi mắt tin và yêu đó để nhìn lâu vào Chúa, ta sẽ khám phá ra rằng đời ta là một mysterium fidei. Vì không yếu đuối như ta, mà lại được chọn như ta, không ai bội bạc như ta, mà lại được yêu như ta.
Mysterium fidei!
Vậy, với niềm tin và niềm yêu như hai giòng lệ, như hai con mắt, ta hãy âm thầm nhìn vào Chúa trong những phút thống hối này.

 

Tác giả: + GB. Bùi-Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây