Triết Học và Học Triết + Giám mục GB. Bùi Tuần

Chủ nhật - 31/05/2020 10:00
Triết Học và Học Triết + Giám mục GB. Bùi Tuần
Triết Học và Học Triết + Giám mục GB. Bùi Tuần
Triết Học và Học Triết
+ Giám mục GB. Bùi Tuần

LỜI NÓI ĐẦU.. 1
CHƯƠNG I: TRIẾT HỌC LÀ GÌ?. 2
CHƯƠNG II: Ý HƯỚNG TRIẾT HỌC.. 18
CHƯƠNG III: SUY TƯ TRIẾT HỌC.. 25
CHƯƠNG IV:  TÀI LIỆU TRIẾT HỌC.. 32
CHƯƠNG V: TỰ THỨC.. 38
CHƯƠNG VI:  TRIẾT ĐẠO.. 43
CHƯƠNG VII: VATICAN II VỚI TRIẾT HỌC.. 56

 

LỜI NÓI ĐẦU

Việc đầu tiên, mà giáo sư hướng dẫn luận án triết học của tôi đã đòi hỏi tôi, đó là: Trước khi viết luận án cần cho ông biết các sách tôi đã tham khảo để chuẩn bị cho luận án.
Tất nhiên nơi tôi thường tham khảo là các thư viện. Tại đó tôi thấy sách triết man vàn, từng ngàn cuốn khác nhau. Riêng những sách có liên quan đến vấn đề tôi muốn viết trong luận án cũng tới mấy trăm.
Sau sáu tháng tìm tòi, tôi liệt kê những sách triết tôi đã đọc về vấn đề dự kiến sẽ bàn trong luận án. Tôi đệ trình giáo sư hướng dẫn. Ông hỏi tôi: Bây giờ anh thấy vấn đề anh chọn cho luận án của anh thế nào? Tôi thưa: Tôi thấy vấn đề quá rộng. Phải giới hạn lại. Chỉ viết về một chi tiết của vấn đề mà thôi.
Bằng cách hướng dẫn đó, giáo sư đã cho tôi thấy triết học như là một cánh rừng bao la, như là một trùng dương sâu thẳm.
Chuyện đó xảy ra khi tôi ở Thuỵ Sĩ. Trong thời gian in luận án tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, tôi đi nghe mấy giờ giảng của triết gia M. Heidegger. Thú thực là điều tôi nhận thấy rõ rệt hơn hết chính là cái giới hạn hiểu biết của mình. Sau nhiều năm chuyên triết, mình tưởng mình đã có một cái vốn kiến thức triết học rộng. Nhưng những điều mới nghe cho thấy cái vốn kia vẫn còn quá nhỏ.
Mấy năm gần đây, trên đường đi qua mấy nước Đông Âu và Tây Âu, tôi thấy xuất hiện nhiều sách mới về triết học. Chỉ liếc qua mấy sách mới đó thôi, tôi cũng đã có cảm tưởng là cái vốn triết của mình đã trở thành quá bé nhỏ.
Nay với xu thế đổi mới của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, một số vấn đề mới về triết học có thể được đặt ra, thí dụ triết học về đối thoại, triết học về hoà bình, triết học về phát triển.
Phạm vi Triết vốn đã bao la, nay lại thêm nhiều vấn đề mới có liên hệ trực tiếp đến hướng đi của dân tộc Việt Nam và của Giáo Hội Việt Nam. Người tha thiết với triết học có quyền âu lo trước tình hình đó. Lo âu để càng suy nghĩ, càng tìm tòi.
Những bài sau đây là những bước nhỏ khởi đầu một hành trình dài của người học Triết trong nước Việt Nam hôm nay.
Long Xuyên, ngày 20/11/1988.

 

CHƯƠNG I: TRIẾT HỌC LÀ GÌ?


Để bàn luận về một người, thì cần biết người đó là ai. Biết ai là biết phân biệt người đó với người khác. Phân biệt họ với người khác là ghi nhận những gì thuộc riêng họ, như tên tuổi, sinh quán, tông tộc, hình dáng tính tình... Những gì thuộc riêng họ làm nên một chân dung hữu hình hay chân dung tinh thần của họ. Chân dung không phải chính họ, nhưng là một thứ thay thế họ. Nhìn hay nghe về những nét của chân dung đó, người ta sẽ nhận ra họ. Nhờ đó mới tránh được sự mơ hồ và lẫn lộn.
Cũng thế, muốn học một môn khoa nào thì trước hết cần biết môn khoa đó là gì. Câu trả lời sẽ là một định nghĩa. Định nghĩa ví được như một chân dung làm bằng ý niệm. Nó gồm những nét riêng biệt. Riêng của đối tượng được định nghĩa, và đồng thời phân biệt đối tượng đó với mọi đối tượng khác. Do đó, định nghĩa là một thứ xác định cần thiết, để ổn định tư tưởng và ngôn ngữ.
Riêng đối với triết học, sự xác định đó đã được thực hiện ra sao?
Thực tế cho thấy ba cách:
- Bỏ hẳn định nghĩa.
- Định nghĩa mơ hồ.
- Định nghĩa rõ rệt.

BỎ HẲN ĐỊNH NGHĨA
Triết gia Jules Lachelier, trong lớp dạy khai mạc của ông ở Toulouse, đã mở đầu bằng câu “Triết học là gì?”. Và ông đã lập tức trả lời: “Tôi không biết” (L. Brunschwicg, Héritage de mots, Presses, 1945, trang VI). Câu nói của ông có thể chỉ là một cách gợi ý tế nhị, để mời người nghe tự mình cố gắng tìm hiểu. Nhưng thực sự không thiếu những người nói và viết về Triết học, mà không hề có một câu hé tỏ họ muốn hiểu triết học là gì.
Sự thiếu sót đó hẳn phải có lý do.
Lý do thứ nhất có thể là vì họ cho rằng không cần định nghĩa.
Nếu bảo không cần, vì nghĩ rằng ai cũng hiểu như mình, thì đó là một phán đoán về triết học rất thiếu triết học. Vì triết học đâu có phải là một sự quen thuộc ai cũng biết. Đàng khác, triết đâu cũng có một nghĩa duy nhất được mọi người công nhận.
Nếu lại chủ trương không cần định nghĩa, vì nghĩ rằng định nghĩa là ấu trĩ, thì chủ trương đó rất cần được xét lại. Đã hẳn, học hay dạy Triết mà chỉ biết đưa ra những thống kê các định nghĩa, thì chưa phải là biết Triết. Tuy nhiên, các định nghĩa vốn cần. Nó phải được ưu tiên biết trước, vì nó khai mào cho mọi thứ khoa học. Định nghĩa là việc xác định nội dung gồm trong một ý niệm. Nên các nhà tư tưởng nổi danh mọi thời đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của định nghĩa.
Marc-Aurèle, một ông vua triết gia thế kỷ thứ II đã viết: “Bất cứ sự vật gì đến với tư tưởng tôi, thì tôi cần phải định nghĩa ngay để biết rõ rệt nó là gì, hầu có thể nói với chính mình tôi tên thực của nó” (Pensées, trad. Commelin, trang 62).
Theo luận lý học của Port-Royal thì “định nghĩa là thuốc chữa những lộn xộn phát sinh trong tư tưởng và ngôn ngữ do những lộn xộn của danh từ”.
Còn Condillac thì nói: “Sự cần thiết định nghĩa chỉ là sự cần thiết nhìn vào sự vật mà người ta muốn bàn luận” (Georges Bonnet, Introduction à tous les cours de Philosophie, Gibert, 1952, trang 16).
Hồi xưa Socrate chú trọng đặc biệt tới việc định nghĩa. Công việc hàng đầu ông tập cho học trò triết của ông là tìm định nghĩa. Vì thế, người ta có lý để gọi Socrate là “thợ săn định nghĩa”.
Thời nay, việc định nghĩa đã trở nên một sự cần thiết hiển nhiên, và càng ngày càng thêm phát triển. Cứ coi các loại tự điển thì đủ thấy. Nếu thế, thì tại sao chỉ có Triết học là không cần phải định nghĩa?
Lý do thứ hai của sự bỏ định nghĩa Triết học có thể là vì không muốn, mặc dầu thấy cần.
Sự không muốn đó hẳn cũng phải có lý do và động lực. Theo nhận xét thì có hai động lực bí ẩn: một là để tránh những vấn nạn phê bình; hai là để làm ra vẻ bí nhiệm.
Những động lực đó chẳng ai dám nói ra, vì thực sự nó thiếu đứng đắn. Không định nghĩa vì muốn tránh vấn nạn phê bình, tức là tự nhận mình không nắm vững vấn đề. Không định nghĩa một điều cần định nghĩa, đó mới chính là một vấn nạn lớn, và là điều đáng bị chỉ trích. Ngoài ra, vì sợ bị vấn nạn nên bỏ cho xong, đó không phải là cách giải quyết hợp lý của người truy tầm chân lý. Vì nếu thế, thì cách giải quyết tốt nhất cho một vấn đề là huỷ bỏ vấn đề đó đi. Giải quyết dễ dàng, nhưng là không giải quyết gì hết.
Chủ trương không muốn định nghĩa với ẩn ý tạo vẻ bí nhiệm cho những mớ tư tưởng mình bàn luận, đó cũng là lối nguỵ trang trí thức được nhiều người áp dụng. Với lối đó, họ có thể thành công ít nhiều nơi người ít học, nhưng nơi những người sành sỏi thì ngược lại. Vì bí nhiệm huyền ảo không thể là tiêu chuẩn của trí thức triết học.
Việc của triết học là tìm hiểu. Không phải chỉ tìm hiểu lơ mơ, nhưng phải tìm hiểu cặn kẽ. Sự tìm hiểu cặn kẽ đó chính là cố gắng đem cái lý ra ánh sáng. Càng phơi bày được cái lý ra ánh sáng, thì càng đạt tới mục tiêu triết học. Và cái gì đã phơi bày ra ánh sáng thì không còn là huyền ảo và bí nhiệm nữa. Do đó huyền nhiệm không phải tính cách của triết học.
Lý do thứ ba của sự bỏ định nghĩa triết học có thể là vì không dám, mặc dầu muốn và thấy cần.
Không dám, hoặc vì không thể liệt kê hết mọi định nghĩa đã có, hoặc vì không biết chọn định nghĩa nào trong những định nghĩa có sẵn, hoặc nếu phải tạo một định nghĩa mới thì không biết làm sao.
Thực vậy, không môn khoa nào lại có nhiều định nghĩa cho bằng khoa Triết. Hầu như bao nhiêu triết phái là bấy nhiêu định nghĩa. Các triết gia trong một trường phái cũng không luôn luôn đồng ý với nhau, thành ra ngay việc tìm biết các định nghĩa về triết học cũng đã khó khăn. Nhất là vì những định nghĩa đó không dễ tìm thấy trong các tác phẩm họ để lại. Nó không ở một chỗ nhất định, cũng không luôn luôn được đặt vào một chỗ kéo chú ý. Nhiều khi phải đọc cả mấy cuốn sách triết của tác giả mới tìm được một câu nói lên tóm tắt ý kiến của tác giả về định nghĩa triết học.
Nếu trong số những định nghĩa đã tìm được lại phải chọn một, thì công việc sẽ càng phiền phức. Vì chọn tức là phải bỏ. Bỏ những gì không hợp để chọn những gì thích hợp. Nhưng thế nào là hợp và thế nào là không thích hợp. Trả lời không dễ. Nhất là khi triết học lại có những định nghĩa quá khác nhau, như sẽ thấy sau này. Thêm vào đó, hai định nghĩa, tuy có những tiếng như nhau, nhưng chưa chắc đã có nghĩa như nhau. Thí dụ: định nghĩa triết học là khoa học các nguyên lý. Nhưng “khoa học” và “nguyên lý” lại là những danh từ có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo tác giả và tùy theo thời đại. Trong hoàn cảnh phức tạp đó, chọn lựa là việc rất khó.
Nếu không chọn cái cũ, lại muốn sáng tạo cái mới thì càng khó hơn. Cho triết học một định nghĩa mới cũng có nghĩa như xây dựng một triết học mới. Xây dựng là một ý hướng, nhưng cũng là một công trình. Không phải chỉ nhằm mục tiêu triết học là đủ. Nhưng còn phải thực sự kiến thiết bằng những khám phá đầy đủ, mới trông chứng minh được cho định nghĩa mình sáng tạo. Ước mong điều đó đã là một tham vọng cần được cân nhắc. Nhưng từ tham vọng đó đến việc thực hiện được còn bao khoảng cách.
Những lý do trên đây có thể cắt nghĩa phần nào tại sao nhiều người không dám định nghĩa triết học. Tuy nhiên vấn đề nên đặt ra không phải là dám hay không dám, nhưng là có cần hay không cần. Nếu cần thực sự, thì dù khó mấy cũng phải gắng làm. Nếu không cần thì bỏ. Nhưng, sự cần thiết của định nghĩa đã được bàn ở trên và trong thực tế rất ít ai phủ nhận.
Tuy nhiên, trong số những người chấp nhận tầm quan trọng của định nghĩa triết học, lại không thiếu những người chỉ đưa ra những định nghĩa mơ hồ.

ĐỊNH NGHĨA MƠ HỒ
Triết gia Renouvier có lần đã phải than về một số tác giả triết: “Họ xây cất mà không học đủ nghề xây cất. Họ theo một cách mơ hồ những chủ thuyết mơ hồ... Tôi không hiểu mấy những gì họ viết. Tôi thấy tất cả những cái đó thật chán và vô ích quá” (Derniers entretiens de Charles Renouvier, 1904, trang 33).
Giáo sư J.M. Bochénski, tác giả nổi danh quốc tế của nhiều tác phẩm triết học, có lần đã kể với chúng tôi: Trong một cuộc hội nghị quốc tế về triết học do ông chủ toạ, có một diễn giả trẻ tuổi đứng lên phát biểu hồi lâu về một đề tài triết, ông này nói thao thao bất tuyệt với những danh từ thực kêu, nhưng tư tưởng thì mông lung mơ hồ.
Khi ông nói xong, giáo sư Bochénski cám ơn ông, và một triết gia tên tuổi nói: “Tôi không hiểu gì hết”. Mọi người vỗ tay cười. Và ông diễn giả trẻ tuổi kia đỏ mặt đi ra, không bao giờ thấy trở lại nữa. Rồi giáo sư Bockénski dí dỏm nói với chúng tôi: “Khi một triết gia nói với các anh: tôi không hiểu anh nói gì, thì có nghĩa là: anh nói bậy”.
Những hạng người mà Renouvier và Bochénski đã chỉ điểm trên đây xem ra có vẻ thừa ở bất cứ nước nào. Khi nói hay viết về triết học, họ ưa dùng kiểu nói rất tối tăm mơ hồ. Văn đầy những tiếng trừu tượng và kỳ dị, tư tưởng thì hàm hồ, suy diễn thì trục trặc với những trích dẫn loạn xạ, những lập luận ngụy biện với những nhận xét hàm hồ. Cả đến định nghĩa triết học cũng thế. Nghe xong, người ta nhức đầu mà không thể hiểu gì.
Tại sao họ làm thế?
Phải chăng vì họ quá nghèo, hoặc về nội dung tư tưởng hoặc về hình thức trình bày?
Đối với họ, mơ hồ là cách tế nhị che giấu bộ óc trống rỗng. Biết đâu chính họ cũng không hiểu điều họ nói. Ông Laporte có lần đã mỉa mai viết: “Đòi hỏi triết gia phải biết sự họ nói, phải chăng đó là một yêu cầu quá đáng?” (L'idée de néces, Presses, 1941, trang V). Nghĩa là, theo ý ông, có những người xưng mình là triết gia, nhưng xem ra họ không hiểu chính điều mình nói.
Hay phải chăng họ muốn làm bộ sâu xa?
Thường khi tối tăm uẩn khúc gây được cho họ cái ảo ảnh về một sự sâu sắc uyên thâm. Và họ ngờ rằng người khác cũng nghĩ như vậy. Đàng khác, lối nói mơ hồ xem ra còn có lợi là muốn cắt nghĩa thế nào cũng được. Như thế vừa ăn nước đôi nước ba, vừa có vẻ phong phú. Ông A. Lalande, khi nói tới hạng người này, đã nhắc tới chuyện một họa sĩ, tên Paul Signac. Anh chụp ảnh một cái đít nồi bôi mỡ, rồi anh nói với bạn bè: Hãy nhìn bức ảnh đó với một chút tưởng tượng, sẽ thấy bao nhiêu cảnh thần tiên hùng vĩ! (Vocabulaire technique et critique de la phil., Préface à la cinquième édition).
Tối tăm mơ hồ mà bảo rằng phong phú sâu xa là một sai lầm đáng thương hại. Sâu xa vẫn có thể sáng sủa rõ rệt. Không phải hễ sâu xa là phải tối. Còn không hiểu được thì có thể là vì quá sâu, mà cũng có thể là vì quá dở.
Hay phải chăng họ mơ hồ vì khuynh hướng  nghệ sĩ?
Có người nghĩ cần phải mập mờ để kích thích suy nghĩa và sáng tạo. Vì cũng như ý kiến của Edouard le Roy: “Việc sáng tác thực hiện được trong mù mờ, tối tăm, khó hiểu và hầu như mâu thuẫn. Chính trong những miền hoàng hôn và mơ mộng này mà sự xác tín đã sinh ra” (La logique de l'inventition, Revue de métaphysique et morale, 1905, trang 195). Le Roy nói đúng. Nhưng chính ông sau đó đã chỉ trích những ai thích mơ hồ trong sách vở. Vì nội dung sách vở là những gì đã tới giai đoạn sáng tác rồi, nghĩa là đã phải vượt qua giai đoạn hỗn độn trước đó.
Còn nếu muốn đổi tư tưởng thành một trò chơi dưới sự điều khiển của tưởng tượng thì lại là một chuyện thiếu căn bản từ đầu. Trong triết học, lý trí chiếm địa vị ưu tiên và nền tảng. Lý trí là quan tòa tối cao phê phán tất cả. Cái gì cũng bị lý trí đặt thành vấn đề. Giá trị triết hệ tại ở sản phẩm của lý trí. Nói thế không có nghĩa là tưởng tượng không có chỗ trong suy tư triết học. Nhưng sự có mặt của nó không được biến đổi thực chất của suy tư triết học, một thứ sư tư xa rời ảo ảnh để vươn tới ánh sáng tinh tuyền của lý trí.
Đàng khác, “Những nghĩa của một tiếng không phải là những giá trị có thể thay đổi vô định để ta có thể dùng thế nào mặc ý. Nghĩa tiếng là một thực tại, mặc dầu không có tính cách vật chất theo nghĩa chặt, nhưng cũng có một sự kiên cố vững chắc như các sự kiện xã hội nào đó. Các tiếng là những sự vật và là những sự vật rất hoạt động. Chúng 'ở trong ta mà không có ta'. Chúng có một hiện hữu và bản tính không tùy thuộc ở ý muốn ta” (A. Lalande, Vocabulaire tech. et crit. de la Phil., Préface à la cinquième édition).
Vì thế, dù với lý do nào, những lối định nghĩa mơ hồ cũng không thể biện minh được. Tính cách rõ rệt là điều ai cũng ưa, kể cả những người quen lối nói tối tăm mơ hồ. Vì rõ rệt là tính cách thiết làm nên sự thực.

ĐỊNH NGHĨA RÕ RỆT
Theo R. Descartes, thì các tư tưởng phải rõ rệt và tách biệt. Nếu điều đó cần cho mọi tư tưởng, thì càng cần hơn cho định nghĩa. Vì định nghĩa chính là cắt nghĩa và xác định bản tính một sự vật hay ý nghĩa một tiếng. Để cắt nghĩa và xác định thì tất nhiên phải rõ rệt. Chính sự rõ rệt này đã cho thấy sự khác biệt giữa các định nghĩa triết học. Tại sao lại có sự khác biệt?
Người mới bước vào triết học thường thắc mắc điều đó. Và thắc mắc là phải. Vì các môn khoa khác thường chỉ có một vài định nghĩa hơn kém giống nhau. Còn triết học thì không. Mỗi tác giả hầu như mỗi khác. Sự kiện đó có thể biện minh được khi nhìn tới phạm vi của triết. Môn khoa nào cũng có phạm vi của mình. Những phạm vi của các môn khoa khác đều hạn hẹp. Hạn hẹp về đối tượng khảo sát, hạn hẹp về quan điểm trình bày. Còn phạm vi của triết học thì bao la. Từ vật chất tới tinh thần, từ con người tới Thượng Đế, từ vũ trụ hữu hình tới vũ trụ vô hình. Phạm vi rộng lớn quá, không mấy người tìm hiểu được hết. Mỗi triết gia thường chỉ nắm được một phần. Khám phá được một vài khía cạnh đã hết đời rồi. Chân lý lại sâu thẳm, làm sao đạt được toàn diện.
Đàng khác, tuy cùng trong một phạm vi, nhưng vấn đề đặt ra có thể khác nhau. Hay cũng một vấn đề, nhưng lại có nhiều giải đáp.
Ngoài ra, các khoa học khác thì phổ biến và độc lập với cá nhân con người khoa học. Nên đối với bất cứ ai, khoa học cũng chỉ là một. Còn triết học thì lệ thuộc vào con người của triết gia. Cái nhìn phản tỉnh của họ làm nên triết thuyết của họ. Nhưng có phải ai cũng nhìn như nhau đâu. Có thể nhìn khác nhau thì có thể có những triết lý khác nhau. Do đó, định nghĩa triết cũng sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, một điều nên để ý là các định nghĩa đó, tuy khác nhau, nhưng không loại trừ nhau, trái lại còn âm thầm gọi tới nhau.   J. Lachelier viết: “Cái ý nghĩa mà người ta đề cao trong một trường học nào đó luôn luôn tiềm ẩn những nghĩa khác mà người ta tạm gác một bên, giống như một tiếng nhạc ngầm mang tất cả cả hòa âm của nó” (Vocab. tech. et crit.  de la phil., Nature, Obs.).
Với ý niệm đó, dưới đây sẽ lược kê một số định nghĩa xếp thành loại, phỏng theo Georges Bonnet, trong “Introduction à tous les cours de Phil.".

1. Triết học là một thái độ sống cao thượng.
“Sống đã là triết lý rồi. Nếp sống nào cũng ngụ một triết lý sâu xa” (Đại học, năm thứ 2 V, tháng 4, 1962, tr. 181). Ý nghĩa đó nói lên một thứ quan niệm nửa bình dân nửa trí thức về triết học.
Quan niệm này đã được Littré nhắc tới trong một định nghĩa của tiếng Philosophie: “Système particulier qu’on se fait pour la conduite de la vie” (Dictionnaire de la langue Francaise Phil., no 9). Quan niệm hướng dẫn cuộc sống có thể muôn hình vạn trạng. Thí dụ, có người chủ trương “Đời chỉ là tiền”, và cho đó là tất cả triết lý. Người khác quan niệm “Sống là tận hưởng” và cũng coi đó như một triết học. Thích cái gì thì sống theo cái đó. Và thái độ sống theo một sở thích như vậy gọi là một triết lý. Theo nghĩa này, triết lý là chính nếp sống. Có bao nhiêu thứ nếp sống là có bấy nhiêu thứ triết học.
Nhưng nếu cuộc sống nào cũng là triết lý, và ai cũng là triết gia, thì triết lý sẽ không là gì, và sẽ không ai là triết gia cả. Vì thế, mặc dầu vẫn coi triết là thái độ sống, người ta đã thu hẹp định nghĩa đó vào một vài thí dụ đáng kể.
Guyou viết: “Bạn trêu chọc một con thú dữ, nó sẽ xé xác bạn. Bạn chọc tức môt người đời, họ sẽ trả lời bạn bằng một cơ trí. Bạn rủa xả một triết gia, họ sẽ không trả lời gì” (Esquisse, Alcan, 1930, tr. 209). Cũng theo nghĩa này, Littré gọi người triết là “Người vun trồng lý trí, hòa hợp đời sống mình với luật luân lý lành mạnh, và làm vững mạnh tâm hồn chống những rủi ro của định mệnh” (Dict. de la langue. fr.).
Như vậy triết học chỉ một thái độ bình thản cao thượng một sự bình thản không phải là vô tâm, nhưng là thắng vượt, tự chủ và thông cảm sâu xa của người hiểu đời và vượt xa đời.
Ai hiểu đời, xa đời và vượt trên đời thì thường ưa suy tư dè dặt, và vì thế, người triết cũng có nghĩa như “người sống cuộc đời lặng lễ và ẩn dật” (Littré, Dict. de la langue fr., no 5).
Những thái độ sống trên đây được A. Lalande đúc kết lại để làm thành định nghĩa thứ bốn của triết học. “Thái độ đạo đức biết từ cao nhìn xuống sự vật, biết vươn mình lên trên tư lợi, và biết chịu đựng bình thản mọi rủi ro của đời sống” (Voc. tech. et crit. de la phil., Philosophie D.).
Sở dĩ người triết có một thái độ sống cao thượng như thế là vì họ sống theo lý trí. Do đó người ta cũng có khi hiểu người triết là người sống theo lý, cứ theo lý mà làm.

2. Triết học là sự hiểu biết khoa học phổ thông.
Đây là nghĩa xưa nhất. Aristoteles dùng danh từ “Triết” để chỉ nhiều môn học khác nhau (Meta., I, 1, PP3b21 XI, 8, 1074b 11 vv...). Cicéron cũng nghĩ như thế, khi ông viết: “Xét theo nguyên ngữ, triết học không phải gì khác ngoài sự ham mộ khôn ngoan. Và theo định nghĩa của các triết gia đời xưa, thì khôn ngoan là hiểu biết những sự về thần linh và nhân loại, cũng như nguyên nhân làm nên các sự vật đó” (Bửu Dưỡng, Triết học quan, Văn Đàn, 1962, tr. 156).
Chateaubriand cũng có lần áp dụng như thế khi ông xác định: “Triết học ở đây chúng tôi hiểu là học hỏi về mọi thứ môn khoa” (Génie du Christianisme, IIIe partie, 1. II, chap. I).
Liettré, trong cuốn Tự điển danh tiếng của ông, đã nhắc tới nghĩa rộng này với danh từ “Philosophie naturelle” để chỉ “toàn thể những khoa về thiên văn, vật lý, hóa học và sinh vật học” (Dict. de la langue. fr., Phil. no 3).
Theo R. Berthelot, thì mãi thế kỷ 18, mới có sự phân biệt rõ rệt giữa triết học và các khoa học khác. (Voc. tech. et crit. de la Phil., Philosophie, Obs.).

3. Triết học là phản tỉnh phê bình.
Đang khi các khoa học khác lo khảo sát những đối tượng hạn hẹp của mình, thì triết học lại khảo sát chính sự khảo sát các môn khoa đó. Việc này gọi tắt là phản tỉnh phê bình.
Phản tỉnh là việc tư tưởng nhìn lại chính mình, là treo các phán đoán lại, để phân tích và tìm hiểu hơn những căn nguyên và lý do của sự kiện. Còn phê bình là tra cứu một nguyên lý hay một sự kiện, để đưa ra một phán đoán. Người có óc phê bình là người không chấp nhận điều quả quyết nào mà không hỏi trước về giá trị sự quả quyết đó, hoặc là về nội dung, hoặc là về nguồn gốc.
Theo quan niệm trên, nhà toán học kiêm triết gia Court đã muốn “Triết học bình luận về nguồn gốc những kiến thức của ta, về các nguyên lý của sự xác thực, và tìm đi sâu vào lý lẽ của các sự kiện xây dựng các khoa thực nghiệm” (Essai  sur les fondements de nos connaissances, chap. XX, tr. 320).
Léon Brunschuwicg xem ra cũng cùng ý tưởng đó. Ông nói: “Triết học hiện đại, theo chúng tôi, là một triết học của suy tư, tìm lấy chất liệu trong lịch sử tư tưởng của con người... Phận sự của suy tư triết học bây giờ là nhận thấy cái tính cách phản tỉnh trong cuộc tiến bộ của khoa học đương thời” (L. Brunschuwicg, Le progrès de la connaissance dans la Philosophie occidentale, P.U.F.,  1953, Introduction).

4. Triết học là phê bình nhận thức.
Chiều hướng phản tỉnh phê bình trên đây chú trọng đặc biệt tới nhận thức. Nhận thức là việc trí khôn đặt một sự vật thành đối tượng. Đặt thành đối tượng tức là phân biệt nó với chính chủ thể tư duy, và cũng phân biệt với chính hành động tư duy. Đối tượng không phải chủ thể, thì làm sao chủ thể nhận biết được đối tượng? Nhận thức của chủ thể có giá trị hay không? Tìm hiểu những vấn đề này gọi là nhận thức luận, một khoa mà Abel Rey đã định nghĩa là “toàn thể những suy luận có mục đích xác định giá trị và giới hạn những nhận thức của ta” (Lecons élémentaires de philosophie, nouvelle Édition, Paris, 1908, tr. 934). Việc phê bình nhận thức này có thể nhắm một hay ba vấn đề sau đây:
a. Khảo sát những điều kiện, mức độ khả năng và giới hạn của nhận thức về những sự ta gọi là hiện tượng.
b. Những cái ta gọi là đối tượng trong phạm vi thường nghiệm có thực hay không?
c. Ta có biết được bản thể của đối tượng không?
Tuỳ theo sự giải quyết các vấn đề trên mà các triết thuyết sẽ mặc những tên niêu rõ chủ trương của mình, như Duy Danh, Duy Hiện Tượng, Duy Tâm, Duy Thực vv... Do đó, người ta dễ coi nhận thức luận nếu không là toàn thể triết học, thì cũng là căn bản của triết học như đã được xác nhận trong cuốn Worterbuch der philosophie, das Fisch er Lexicon, (Erkennis theorie) của H. Plessner.

5. Triết học là phê bình những phán đoán về giá trị.
Phê bình về nhận thức có vẻ trừu tượng xa vời. Nên nhiều người lại nhắm tới một lãnh vực thực tế và gần gũi hơn. Đó là phê bình những phán đoán về giá trị.
Giá trị là tính cách của sự vật khả dĩ gợi được sự yêu thích của con người. Các giá trị thường được chia thành 3 loại: Chân, Thiện, Mỹ. Việc đánh giá trị một cách tự nhiên thường không được chính xác, nhiều khi sai lầm. Nên cần phải biện minh và tìm hiểu. Tìm hiểu đẹp xấu là của thẩm mỹ học. Tìm hiểu thiện ác là việc của luân lý học. Tìm hiểu thực sai là việc của luận lý học. Và theo ý kiến của Louis Lavelle (Traité des Valeurs, Tome 1 er, P.U.F. 1950, Préface, X, XI), thì giá trị cũng cần được đề cập tới rất nhiều trong siêu hình học, nếu giá trị bao gồm cả sự hoản hảo và tất cả những hình thái khác nhau của hiện hữu.
Trong khuynh hướng này, triết học được định nghĩa như  “sự tìm hiểu tinh thần theo phương diện tinh thần có đặc tính phán đoán về giá trị” (A. Lalande, Voc. tech. et crit. de Phil., Philosophie, C2).

6. Triết học là nhận thức tổng quát ở mức cao nhất.
Cũng trong khả năng nhận thức, người ta lại chú ý nhiều tới một đặc điểm của lý trí là trừu tượng tổng quát. Trừu tượng tổng quát này được hiểu là một việc mà lý trí gồm chung lại trong một ý niệm duy nhất tất cả các tính cách riêng biệt của những sự vật mình đã biết và phân loại.
Đã hẳn các khoa học khác cũng có tính cách phổ quát. Mà phải phổ quát thì mới gọi được là khoa học. Nhưng đang khi các khoa học khác chỉ đạt tới một mức độ phổ quát nào đó thôi, thì triết học đã cố vươn tới mức phổ quát cao nhất. Theo nghĩa đó, giáo sư thạc sĩ triết học Abel Rey định nghĩa triết học là môn khoa tìm những phổ quát nhiều phổ quát nhất (La Philosophie moderne, Paris, Flammation, 1908, tr. 15).
Như thế, phải chăng “triết học chỉ còn là một hệ thống tổ chức của các khoa học được hình thành trong một khoa học phổ quát” (Abel Rey, La théorie de la physyque chez les physyciens contemporains, Psris, Alcan, 1907).
Cũng theo nghĩa này, người ta đã thiết lập những triết lý về các môn khoa riêng không phải là triết lý, như triết lý lịch sử, triết lý khoa học, triết lý pháp luật, triết lý giáo dục ... Những triết lý này thường là những hệ thống tư tưởng phổ quát làm nền cho các môn khoa. Nhưng khi hiểu triết học như một phổ quát của toàn thể tri thức, thì triết học lại có những định nghĩa khác tùy theo chiều hướng của sự phổ quát.

7. Triết học là một tổng hợp hệ thống về toàn thể.
Tổng hợp là việc trí tuệ kết nạp những tư tưởng khác nhau để làm nên một khối duy nhất và trật tự. Việc tổng hợp như thế thường tạo nên những hệ thống. Hệ thống là toàn thể những tư tưởng khoa học hay triết học liên đới với nhau một cách hợp lý và được người ta để ý tới trong tính cách chúng ăn hợp với nhau, hơn là trong tính cách xác thực của chúng. Khi nói những hệ thống về vũ trụ, thì vũ trụ được hiểu như toàn thể những gì trong không gian và thời gian.
Để tìm hiểu vũ trụ một cách hữu hiệu, người ta đã chia thành nhiều khu vực chuyên môn. Mỗi khoa nắm giữ một mảnh. Muốn phối hợp những phân tán đó thành một cái nhìn tổng quát dĩ nhiên cần một khoa học có đặc tính tổng hợp. Theo ý kiến một số người thì khoa chuyên việc đó sẽ là triết học.
Victor Cousin coi “Triết học như một thứ kiến trúc sư dùng những khoa khác làm thợ, lo xây cất tòa nhà duy nhất bằng những viên đá mà các thợ đó đã đẽo gọt cho” (H. Taine, Les Philosophes Francais du XIX siècle, 1858, tr. 226).
Ông D. Parodi cũng có tư tưởng tương tự. Ông viết: “Theo tôi thì ý chính và cũng là nghĩa truyền thống của triết học là cố gắng đạt tới một tổng hợp toàn thể” (Voc. Tech. et crit. de la Phil.,  Philosophie, Obs. 2e critique).
R. Descartes cũng quan niệm: “Tất cả triết học là như một cây mà rễ là siêu hình học, thân là vật lý học, và các cành từ thân ấy đâm ra là tất cả các môn học khác có thể qui vào 3 khoa chính là y học, cơ học và luận lý học” (Principes de la Phil., Préface).
Công việc tổng hợp này rất khó. Nhưng kết quả bị chỉ trích nhiều. Lý do thường là:
- Sự bất lực của triết học hệ thống trong việc tìm hiểu thực tại.
- Sự tổng hợp quá sớm bất chấp sự đòi hỏi, tra tầm khảo cứu không ngừng về sự vật bao la.
- Sự đóng khung vào những tư tưởng cố định, và những tư tưởng nhiều khi xem ra đã được chọn lựa chỉ vì hợp với hệ thống.
- Sự lờ mờ của hệ thống về những thực tại gần gũi quan trọng.
Trong những người đả kích lối tổng hợp thành hệ thống này có thể kể Masson Cursel (La Philosophie Comparée Alcan), Claude Bernard (Introduction à l'étude de la médecine expérimentale, 1ère partie), Condillac (Traité des Systèmes), Bergson (La philosophie, La coll. La Sc. fr., Larousse).
Chính vì thế mà từ ngữ  “tinh thần hệ thống” nhiều khi có nghĩa xấu. Như dùng để chỉ những người cứng đầu, khư khư ôm một tư tưởng, chỉ quan tâm tới tư tưởng khác khi thấy nó ăn hợp với hệ thống của mình.
Tuy nhiên “tinh thần hệ thống” cũng còn dành được một ý nghĩa tốt nơi nhiều người, để chỉ tinh thần trật tự, và hợp lý.

8. Triết học là môn khoa học nguyên lý.
Khuynh hướng tổng quát hóa toàn thể nhận thức, ngoài việc đưa triết học tới ý đồ xây dựng hệ thống, còn dẫn triết học tới việc xác định các nguyên lý. Nguyên lý được hiểu nhiều cách. Nhưng đặc điểm chung của mọi thứ nguyên lý là phổ quát. Nó có khuynh hướng thu toàn thể nhận thức hay một kiến thức nào đó về một số nhỏ bé những câu chỉ đạo.
Nguyên lý có nhiều thứ: nguyên lý liên kết, nguyên lý cắt nghĩa, nguyên lý qui phạm, nguyên lý nền tảng vv....
Đã là phổ quát, thì không thể nào không trừu tượng được. Tuy nhiên, không phải nguyên lý nào cũng chỉ có tính cách diễn dịch và do diễn dịch.
Không thiếu những nguyên lý phát xuất và dựa trên kinh nghiệm.
Khoa học nào cũng có một thứ nguyên lý. Nhưng nguyên lý triết học có tham vọng đưa ra những nguyên lý bao hàm hơn. Vì thế, có khuynh hướng định nghĩa triết học là môn khoa những nguyên lý.
R. Descartes viết: “Danh từ Triết học” có nghĩa là ham mộ sự khôn ngoan. Khôn ngoan không phải chỉ là sự khôn khéo trong công việc, nhưng là sự hiểu biết hoàn toàn mọi sự con người có thể hiểu biết được, để dùng trong cách xử thế, cũng như sự bảo toàn sức khỏe và phát minh các nghệ thuật. Muốn cho sự hiểu biết đó được như thế, thì cần nó phải được suy luận từ những nguyên nhân tiên khởi. Vì thế môn học thu tập tri thức đó, và đây chính là triết học, phải bắt đầu bằng việc khảo cứu những nguyên nhân tiên khởi, nghĩa là các nguyên lý” (Principes de la Philosophie, Traduction francaise, 1647, Lettre à l'abbé Picot, Adain et Jannery, tome IX, 2e partie).
F. Ravaisson cũng chủ trương: “Triết học là môn khoa tuyệt hảo về các nguyên nhân” (Revue des deux mondes, 1840, IV, tr. 420).
Từ xưa, Aristoteles cũng đã nêu lên tư tưởng đó, khi ông coi triết học là một khoa học chắc chắn và hiển minh về các sự vật bằng những lý lẽ và căn nguyên cao siêu nhất.
Muốn tìm hiểu nguyên lý toàn thể sự vật là một tham vọng tốt, nhưng đầy khó khăn, và nhiều khi trước sau vẫn chỉ là một lý tưởng đẹp. Càng ngày càng thấy sự vật đông đảo và phức tạp. Hiểu sao cho thấu! Nếu lại chỉ hiểu một cách hết sức tổng quát, thì e sẽ không thể rõ rệt và chắc chắn được. Hơn nữa hiểu biết cách đó khó thỏa mãn được ước vọng chính đáng của con người trước nhu cầu thực tế. Hằng ngày bao nhiêu vấn đề cấp bách được đặt ra. Giải quyết những vấn đề đó xem ra cần thiết và hấp dẫn hơn. Vì thế, có khuynh hướng muốn nhấn mạnh đến một đối tượng gần gũi và quan trọng bậc nhất đối với tinh thần con người, đó là tinh thần con người.

9. Triết học là khoa học về tinh thần con người.
Nếu triết học thời nay chú trọng đặc biệt tới tinh thần con người, không phải là không có lý do. Vì:
- Tinh thần, đối với ta, là nguyên nhân đầu tiên của mọi nhận thức. Nếu không có tinh thần, thì không có khoa học.
- Tinh thần là khả năng sá tạo và chế ngự trong thế giới vật chất cũng như trong thế giới tinh thần.
- Tinh thần có đặc tính vô chất, huyền nhiệm, mở đường cho những suy tư về vĩnh cửu.
- Tinh thần có nghị lực xây dựng thân phận con người, giữa những khó khăn nội tại.
- Tinh thần làm cho con người trở thành chủ thể trách nhiệm, tự do và nhân vị.
Với những đặc tính đó, tinh thần con người rất đáng được tìm hiểu ưu tiên và sâu rộng. Triết học dành việc đó cho mình, và để các khoa học khác lo về các đối tượng không phải tinh thần.
Nói thế, không có nghĩa là các môn khoa khác chỉ nhằm đối tượng vật chất, nhưng có nghĩa là những đối tượng đó không phải là chính tinh thần.
Ông Le Senne coi triết học hệ tại “Ở sự diễn tả tới mức sâu xa nhất nội dung của tinh thần và tất cả những hành vi của nó” (Introduction à la philosophie, Presse 1949, tr. 253).
Định nghĩa này cũng hợp với định nghĩa thứ ba trong tự điển triết học của A. Lalande: “Triết học là tất cả các nghiên cứu về tinh thần, theo tính cách tinh thần khác biệt với các đối tượng và đối lập với thiên nhiên” (Voc. tech. et  crit. de la Phil., Philosophie, C).
Mấy sách giáo khoa viết tại Việt Nam cũng đưa ra những định nghĩa tương tự. Cao Văn Luận hoàn toàn như Fulquié đã định nghĩa “Triết học là học về tinh thần người ta và tất cả những gì ở bên kia đạt hữu hình mà tinh thần ấy có thể biết được” (Cao Văn Luận, Tâm lý học Đệ I, Q. I, in lần thứ 6, 1964, tr. 13). Trần Văn Hiến Minh đề nghị định nnghĩa “Triết học là môn tìm hiểu cuộc sinh hoạt tinh thần con người với tất cả những chiều hướng hiện sinh của nó” (Trần Văn Hiến Minh, Triết học tổng quát, Ra Khơi, 1961, tr. 71).

10. Triết học là suy tư về toàn diện đời người.
Khuynh hướng trở về với sự cụ thể không chỉ dừng lại ở sự tìm hiểu con người, nhưng còn muốn nhìn vào đối tượng đụng chạm nhất, đó là chính cuộc đời. Cuộc đời là sinh hoạt, là kinh nghiệm, là tranh đấu, là yêu thương, là đau khổ, là sinh ra, lớn lên và chết. Cuộc đời không phải chỉ của tinh thần, nhưng cũng của thể xác. Trong cuộc đời còn có mặt tha nhân, xã hội và Thượng Đế. Cuộc đời như thế ai mà không biết. Nhưng ý thức được cuộc đời thì không phải cũng có, mặc dầu đó là việc hết sức quan trọng. Do đó, nhiều người chủ trương triết học phải nhằm cuộc đời như đối tượng.
Roger Garaudy đã mô tả triết học hiện đại như một thứ triết học của cuộc đời: “Cuộc đời đặt ra nhiều vấn đề. Triết học trả lời. Từ 30 năm nay, có 2 loại vấn đề được đặt ra:
- Những vấn đề do các khủng hoảng và các cách mạng thời đại ta.
- Những vấn đề do hiệu năng của khoa học và kỹ thuật. Đó là 2 nguồn sống động của triết học hiện đại... Do đó, đối với các triết thuyết của hiện hữu, vấn đề được đặt ra một cách cụ thể, thực tế cho nhân loại, đó là tìm cho cuộc sống một ý nghĩa và giá trị, định xem nó có đáng tiếp tục hay phải cắt đứt cho xong” (R. Garaudy, Perspectives de l'homme, P.U.F., tr. 30).
Quả thực như thế, sở dĩ những tư tưởng triết học đã trở thành những trào lưu ảnh hưởng lớn của thế kỷ 20 này là vì những tư tưởng đó đã nói lên những vấn đề sống động của thế giới hôm nay.
Karl Marx với ý đồ biến đổi thế giới, đã viết: “Triết lý không đứng ở ngoài thế cuộc” (MEGAI,11, tr. 242). “Các triết gia chỉ giải thích thế giới theo nhiều kiểu khác nhau, nhưng vấn đề la phải làm cho thế giới biến đổi” (MEGAI 5, tr. 535).
Merleau Ponty cũng viết: “Người ta bảo triết học này (Hiện Tượng và Hiện Sinh thuyết) là sự phát hiện một thế giới sai khớp. Đúng, đó là cái làm nên sự thực của nó” (Merleau Ponty, Humanisme et Terreur, tr. 205).
Rất nhiều tác phẩm triết học hiện đại đã mang dấu tích độc đáo của thời đại, như những giao động bi đát của lịch sử, những đe dọa của phát minh khoa học, những khủng hoảng ghê sợ của cuộc đời đầy mâu thuẫn, những thách đố của các thứ tư tưởng tự do lan tràn. Người ta dễ thấy điều đó kiếp đọc những tác giả của Hiện Sinh thuyết như Kierkegaard, Heidegger, Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Jean Paul Sartre, của học thuyết Mácxít như Karl Marx, R. Garaudy, H. Lefèvre, của triết học nhân vị như Emmanuel Mounier, Jean Lacroix, Maurice Nédencelle vv...
Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một khuynh hướng tập trung suy tư triết học vào cuộc đời.
Thiên Phong Bửu Dưỡng đề nghị định nghĩa: “Triết học là một khoa học về người đời và đời người” (T.P. Bửu Dưỡng, Triết học quan, Văn Đàn, 1968, tr. 167).
Giáo sư Trần Văn Toàn cũng quan niệm “Triết lý là hồi tưởng, là suy tư về toàn diện đời người và về tất cả những gì có liên quan đến con người” (Trần Văn Toàn, Hành trình đi vào triết học, Nam Sơn, 1956, tr. 20).
Nguyên Sa Trần Bích Lan cũng không nghĩ khác. Ông viết: “Triết học như ta đã thấy liên hệ mật thiết với cuộc đời. Nó chính là ý thức của ta về cuộc đời mình” (Quan điểm Văn Học và Triết Học, Nam Sơn, 1960, tr. 90).
Giáo sư Nguyễn Văn Trung, khi bàn về thi ca và triết lý, đã nhận định: “Nếu triết lý chỉ là ý thức về theo 2 nhịp căn bản: làm và nghỉ, khoa học kỹ thuật cần lao và mơ mộng, hòa hợp ăn nghỉ là cả một thực tại phong phú bao hàm vô tận những đề tài khai triển... Triết lý và nghệ thuận đều nhằm nói lên, bày tỏ ý nghĩa cuộc đời, hay lành thái độ ở đời, của con người, tuy bày tỏ một cách khác nhau, bày tỏ những ý nghĩa đó như là sự thật” (NTT. Nhận định II, Nam Sơn, 1963, tr. 38).
Trần Thái Đỉnh cũng quả quyết: “Triết học là khoa học về con người, một thực thể cấu tạo trên căn bản tự do và luôn luôn tiến hơn... Triết học phải mang nặng những ưu tư của con người thời đại... Xem như thế, vì triết học là suy tư về con người thời đại, mà thời đại thì luôn luôn biến đổi, cho nên triết học cũng theo đó mà tiến lên” (TTĐ. Triết học Nhập môn, Ra Khơi, 1951, tr. 17-18).
Kim Định đã lên án gắt gao những thứ triết học đứng ngoài đời sống cụ thể, và khao khát “một triết lý không những có suy tư mà còn cảm nghĩ và sống được” (Kim Định, Triết lý giáo dục, Ch. II, Khủng hoảng tinh thần, Ra Khơi, 1965).
Triết học là thế giới quan của một giai cấp.
Cuốn “Triết học Mác Lênin, Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng”, chương trình trung cấp, NXB Sách giáo khoa Mác Lênin, Hà Nội, 1980, viết: “Triết học là hệ thống những quan điểm và quan niệm chung của con người và thế giới (bao gồm giới tự nhiên, xã hội), là thế giới quan của một giai cấp hay của một lực lượng nhất định...
“Có thể nói khái quát là, triết học nhằm giải thích những vấn đề chung nhất của thế giới: bản chất thế giới là gì, vật chất và tinh thần có quan hệ với nhau thế nào, các sự vật và hiện tượng có biến đổi hay đứng im, và nếu biến đổi thì theo qui luật nào, con người có nhận thức được thế giới không, nhận thức đó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của mình vv...” (tr. 5, 7).

NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
Những trang trên đây hẳn đã trình bày được phần nào những ngả đường suy tư của triết học. Tuy định nghĩa khác nhau, nhưng không đối nghịch và loại trừ nhau. Nó thường chỉ là những phương diện khác nhau được nhấn mạnh hơn tùy theo tác giả. Còn ai xứng danh triết gia cho bằng người vừa có thái độ sống cao thượng, vừa có kiến thức khoa học phổ thông đầy đủ, vừa có óc phản tỉnh, phê bình, vừ biết phê bình nhận thực, vừa biết phán đoán về giá trị, vừa có nhận thức tổng quát ở mức cao nhấ, vừa có một hệ thống bao quát về vũ trụ, vừa thông hiểu mọi nguyên lý, vừa sành sỏi về tinh thần con người, và vừa suy tư về toàn diện đời người. Nhưng một người như thế chỉ là một người trong lý tưởng. Thực tế thì mỗi triết gia chỉ nhìn được một đoạn đường của mình. Đoạn đường đó có thể dài ngắn, nhưng không thể là tất cả. Vì thế nếu cần phải chọn một định nghĩa triết học, thì mọi người tự chọn lấy. Không phải chọn cho triết học nhưng là cho chính mình. Bởi lẽ suy tư chỉ có tính cách thực sự triết học, khi nó soi sáng và biện minh cho cuộc sống của chính người suy tư.
Làm triết học là thức tỉnh chính cuộc sống của mình. Marcel Deschoux viết: “Điều cần thiết ở đây, và cũng là căn bản, đó là làm triết lý, nghĩa là cho đời ta một hướng đi” (M. Deschoux, Initiation à la Philosophie, P.U.F. 1961, tr. 3). Chọn hướng đi cho đời sống có khác chi chọn đời sống. Do đó, chọn một triết học cũng là chọn đời sống. Và chọn cuộc sống cũng gọi được là chọn chính mình.

DANH TỪ
Tới đây, triết học đã được giới thiệu bằng nhiều định nghĩa khác nhau. Triết học do con người, của con người và về con người, mà con người không giống nhau, nên nếu triết học được hiểu khác nhau, thiết tưởng không có gì là lạ.
Tuy định nghĩa khác nhau, nhưng danh từ không khác. Danh từ “Triết học” được dịch bởi chữ Hy Lạp “PHILOSOPHIA” do tiếng “Philosophos”. Các tiếng Âu Mỹ đều phiên âm tương tự. Anh: Philosophy, Đức - Pháp: Philosophie, Ý: Filosofia.
Danh từ Philosophos trong tiếng Hy Lạp đã có từ thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên. Tiếng đó ghép bởi 2 phần: Philo là ái mộ, và Sophia là sự khôn ngoan.
Theo truyền sử thì người thứ nhất dùng danh từ Philosophos là Pythagores, hoặc Socrates. Họ dùng tiếng này để thay thế tiếng Sophos nghĩa là nhà hiền triết. Vì theo M. Blondel, “Danh từ hiền triết dùng để chỉ những cố gắng tầm thường và nhiều khi vô ích của mấy người trí thức thời đó thì thực là phô trương tự phụ” (Revue mor. et méta., Juillet, 1967, tr. 194).
Philosophos mang sắc thái khiêm tốn hơn Sophos, nhưng vẫn mang nội dung cũ của Sophos. Nghĩa là cả 2 danh từ cùng được dùng để chỉ một loại người. Những người bây giờ gọi là Philosophos cũng chính là những người trước kia gọi là Sophos. Công việc họ làm cũng là một. Công việc đó là tìm sự khôn ngoan. Chúa. Renouvier cắt nghĩa vắn tắt ý nghĩa đó như sau: “Danh từ xưa nhất của tiếng 'triết học' là 'khôn ngoan'. Hồi đó khôn ngoan xuất hiện như một tri thức tổng hợp. Căn nguyên, bản tính và cứu cánh của thế giới cũng như của con người, thực tại của Thượng Đế trên trời, quan phòng dưới trần gian, tổ chức các thành phố, cách ăn ở, tất cả các vấn đề đều được người khôn ngoan đặt ra” (Manuel de philosophie ancienne I, tr. 263). Biết như thế, người ta sẽ dễ hiểu tại sao triết học đã có những định nghĩa nghiêng về những nhận thức có tính cách phổ quát.
Philosophia dịch sang tiếng ta là TRIẾT, chữ TRIẾT ta mượn ở chữ Nho. Chữ TRIẾT ghép bởi chữ CHIẾT   và chữ KHẨU. Chữ CHIẾT gồm chữ THỦ và chữ CÂN, có thể hiểu tay cầm búa để chặt ra. KHẨU chỉ lời nói ngoài miệng hay lời nói tiềm ẩn. Như vậy chữ TRIẾT có nghĩa là đem ngôn ngữ, tư tưởng ra mà phân tách, để tra tìm thấu đáo sự thật. Tìm hiểu thấu đáo là khôn ngoan. Như vậy, dịch Philosophia là Triết, thiết tưởng rất hay và chí lý.

 

CHƯƠNG II: Ý HƯỚNG TRIẾT HỌC


Như đã thấy ở trên, môn triết có nhiều định nghĩa, nhưng chữ Triết cũng như chữ Philosophie chỉ có một nghĩa. Cái nghĩa không thay đổi này nói lên được ý hướng căn bản của người Triết, dù họ hiểu môn triết theo nghĩa nào.
Coi triết lý như thái độ sống, như ý thức về cuộc đời hay như nhận thức tổng quát và truy tầm căn nguyên vạn vật..., thì trừu tượng cũng đều trong một ý hướng duy nhất là yêu mến sự khôn ngoan.
Yêu mến tự nó đã là một ý hướng. Yêu mến là nghiêng chiều, là hướng về. Ở đây yêu mến hướng về đâu? Về sự khôn ngoan. Ý hướng đó không phải là những chữ nằm chết trên sách vở, nhưng phải sống động trong người triết. Người triết phải thực sự có ý hướng đó trong tâm hồn. Có yêu mến người ta mới hứng thú đi tìm. Có thiết tha, người ta mới dễ vượt qua được những trở ngại khó khăn trên đường dẫn tới khôn ngoan.
Nhưng thế nào là khôn ngoan?

KHÔN NGOAN THỰC TIỄN
Khôn ngoan là không dại. Nhưng không dại đâu chắc đã là khôn. Người ta thường kể ai là dại? Trước hết là những kẻ chưa đủ trí khôn, rồi tới những người giống như chúng. Do đó có thể nói: Người dại là người không suy xét đắn đo, thứ người chỉ biết theo đuổi những gì trước mắt, tâm trí họ như chìm trong định mệnh phũ phàng của vật chất.
Người khôn sống khác hẳn. Họ sống vượt trên đời. Chữ “đời” ở đây chỉ tất cả những gì cảm giác được. Người khôn sống vượt trên định luật vật chất, trên dư luận, trên sức thúc đẩy mù quáng của đam mê. Đã hẳn, họ cũng là thành phần của vũ trụ, nên không khỏi bị luật vật chất chi phối. Họ cũng biết nóng biết lạnh, biết đói khát đau đớn. Nhưng không vì thế mà tâm hồn họ tự khắc mất an vui thanh thản. Là thành phần của xã hội, họ cũng liên đới với người đồng loại. Nhưng không vì thế mà họ để mình trôi theo bất cứ dư luận nào. Là con người có xác, họ cũng cảm thấy sâu xa những gì của thú tính. Nhưng không vì thế mà họ sống như con vật. Làm một biến chuyển, họ cũng sống giữa dòng thời gian. Nhưng không vì thế mà họ chỉ biết ôm gì lấy hiện tại.
Sở dĩ họ sống vượt trên đời như thế, là vì họ biết sống xa đời. Xa gần là danh từ không gian. Ở đây được dùng để chỉ tính cách không dính líu. Dính mắt sát vào giấy, ta sẽ không trông thấy gì. Muốn xem cái gì, thì giữa cái đó và mắt phải có một khoảng trống. Sự vật càng to lớn, càng phải để xa mới trông thấy hết. Cũng thế, trí khôn muốn có một thái độ với đời, thì phải xa đời. Không dính líu, để có thể bình thản xét đoán. Không ràng buộc, để có thể vô tư. Khoảng xa giữa người và đời, nếu không phải là không gian, thì chỉ có thể có trong chính tâm hồn. Đó là một thái độ dè dặt và sáng suốt, thận trọng và bình thản.
Nhưng vượt trên đời và xa đời không có nghia là ở ngoài cuộc đời. Người khôn cũng là người sống với đời. Họ biết thân phận con người phức tạp, nhưng họ chấp nhận thân phận đó, Khi họ sinh vào đời, đâu có ai hỏi ý kiến họ. Cha mẹ, quê hương, đâu họ có chọn. Nhưng không có ý kiến họ không phải là vô lý. Nếu phải hỏi ý kiến họ, đó mới là mâu thuẫn. Vì lúc đó họ chưa có. Chưa có là hư vô. Hỏi hư vô là vô lý. Vì thế, tuy đời có sao đi nữa, họ vẫn chấp nhận sứ mạng làm người. Sứ mạng tự xây dựng mình đến chỗ hoàn hảo bằng cách thực hành mọi nghĩa vụ và quyền lợi đối với đời.

KHÔN NGOAN TRI THỨC
Thái độ vượt đời, xa đời và với đời như thế được gọi là thái độ khôn ngoan. Nhiều khi cũng gọi là thái độ triết gia. Nhưng đó mới là sự khôn ngoan thực tiễn. Người trước còn đi tìm một sự khôn ngoan khác gọi là khôn ngoan tri thức. Sự khôn ngoan này cũng gọi là một sự vượt qua. Vượt qua các hiện tượng để đi vào vào bản tính sự vật. Vượt qua các sự kiện để truy tầm chính các căn nguyên. Vượt qua con người trình diễn để tìm hiểu con người chính tông. Vượt qua thực tại hữu hình để tìm vào thế giới vô hình. Vượt qua chính cả đời sống để khám phá ý nghĩa và cứu cánh cuộc đời. Vượt qua mọi giả dối và phức tạp để tìm cho ra sự thực sau cùng. Đi sâu vào sự hiểu biết như thế, đó là khôn ngoan. Sự khôn ngoan này, mặc dầu ở trong phạm vi lý thuyết, nhưng không kém sự khôn ngoan thực tiễn. Xét về vài phương diện, nó còn hơn là khác. Bởi vì lý thuyết soi sáng thực hành, và sự thực bao giờ cũng nâng cao và hoàn bị lý trí.

BIẾT MÌNH
Để hy vọng thành công, người ta muốn có sư khôn ngoan thực tiễn, cũng như sự khôn ngoan tri thức cần phải khởi sự từ sự biết mình. Biết mình là khởi điểm và là căn bản của sự khôn ngoan. Mình là thực tại gần nhất, không biết cái gần nhất thì sao gọi được là khôn. Mình là thực tại quan trọng nhất đối với mình. Không biết cái quan trọng nhất thì không thể gọi được là khôn. Biết mình mới có thể cho mình một hướng đi chính xác. Biết mình không có nghĩa là chỉ biết mặt mũi, tên tuổi, tình cảm, kiến thức và địa vị của mình, nhưng còn là biết mình là gì, bởi đâu, trở về đâu, sống để làm gì.
Mỗi người thường có nhiều thứ mình:
- Cái mình do dư luận tạo nên.
- Cái mình do mình tưởng là của dư luận, chứ thực sự dư luận không đúng thế.
- Cái mình do mặc cảm tạo thành.
- Cái mình do những ước muốn và ảo ảnh gầy dựng nên.
- Cái mình do sự dốt nát và tính xấu của mình làm nên.
- Cái mình thực sự về tâm lý, về luân lý và về siêu hình, đúng như thực tại của mình trước ánh sáng chân lý.
Rất ít người biết rõ mình thật sự. Hầu hết chỉ biết phần nào. Đám đông thường cũng chẳng để ý đúng sai. Nhiều người còn cố tránh biết mình. Họ tưởng mình đã dở đã khổ, lại còn phải nhìn vào cái mình dở và khổ đó, thì chỉ buồn thêm. Biết mình như thế là dại. Nhưng biết mình không phải chỉ có thế. Không biết mình sẽ là nguồn sinh ra nhiều lầm lỗi. Sự thực không lừa dối. Chỉ có sai lầm mới lừa dối. Nếu để cho sự sai lầm lừa dối mình, thì không thể gọi được là khôn.
Vì thế, Socrates xưa đã lấy khẩu hiệu “Người hãy tự biết mình”. Khi Xénéphon đến hỏi thần Apollo ở đền Delphès ai là người thông thái, khôn ngoan nhất, thì thần thưa là Socrates. Người ta thuật lại điều đó với Socrates, thì ông giải thích: “Thần nói như thế chẳng qua là vì tôi biết tôi không biết; còn nhiều người khác không biết nhưng lại không biết mình không biết” (Platon, Apologie de Socrates, traduction de Croiset, Colloction des Belles Lettres).
Khổng Tử cũng dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”, biết thì gọi là biết, không biết thì gọi là không biết. Thế là biết. Có lẽ cũng vì thế mà Victor Hugo nói: “Chỉ có bậc thông thái mới biết rõ mình là người dốt mà thôi”.
Như thế, sự khôn sáng của một người tự tại trước hết ở sự biết mình. Người ngu dốt tội lỗi hèn kém mà biết mình ngu dốt hèn kém tội lỗi thì khôn ngoan sáng suốt hơn người người tự phụ biết đủ điều ngoại trừ chính mình. Biết mình là khởi điểm đi tới khôn ngoan. Khởi điểm có nghĩa mới bắt đầu. Còn phải tìm biết nhiều sự thực ngoài mình. Đường dài xa và không thiếu khó khăn để tiến tới, đã hẳn đầu tiên là phải muốn, nhưng muốn suông vậy chưa đủ. Cần phải muốn một cách chân thành.

CHÂN THÀNH
Chân thành  thường được hiểu như một đức tính xã hội. Nó nghĩa là không giả dối, nhưng đơn sơ thực thà đối với tha nhân, mà cũng đối với cả chính mình, đúng ra là đối với chính lẽ phải. Người chỉ đơn sơ thực thà nhiều khi lại dễ sai lầm, mà sai lầm thì không kể được là khôn. Sự khôn ngoan mà người triết đi tìm tòi đòi những tìm hiều sâu xa và chính xác. Vì chân thành đối với sự tìm hiểu đó, nên người nuôi ý hướng triết học không trốn tránh công việc đi tìm sự thật dẫn tới khôn ngoan thực tiễn và tri thức.

a. Mê giải trí.
Đừng tưởng chỉ trốn tránh trắng trợn mới là trốn tránh. Có nhiều cách tế nhị đứng xa sự thật, nhưng tựu trung cũng là trốn tránh. Cách quen thuộc nhất là mê giải trí.
Sự giải trí tự nó rất cần cho sức khỏe tinh thần và thể xác. Nhưng phải coi chừng thứ lạm dụng; mà lý do thầm kín chỉ là để che giấu cảnh trống rỗng của tâm hồn. Bao người giải trí chỉ vì muốn quên đi bổn phận và quên đi chính mình. Quên đi tạm thời để về sau sống và làm việc tốt hơn thì không nó làm gì. Nhưng giải trí để tìm một sự quên đi loại đó là điều không thể chấp nhận. Thiếu gì người mê tìm vui khoái giác quan, để không còn thời giờ và đủ thầm lặng bới tìm những sự thực chìm ẩn trong mình và liên đới chung quanh.
Người quá ham giải trí, khi có giờ rảnh rỗi để đối diện với lòng mình, sẽ thấy mình xa lạ và trống rỗng. Cũng như khi phải đứng trước một vấn đề nghiêm chỉnh cần phải suy nghĩ bàn luận, họ sẽ thấy mình lạc lõng bơ vơ. Đối với họ, sự thực là một thứ nhạt nhẽo, suy nghĩa là một đường hầm mù mịt, và thầm lặng chỉ là giấc nngủ ngon. Vì thế, họ ưa lấp đầy những tháng ngày của họ bằng những cuộc truy hoan, nhậu nhẹt, bài bạc, du lịch, lân la chuyện vãn, chơi đùa, hát xướng, ngủ nghỉ vv...
Không biết M. Deschoux có quá lời không khi ông dám nói: “Sự giải trí xuất hiện mỗi khi con người xã hội lấn át con người thân mật, cuộc sống bề ngoài lấn át cuộc sống bề trong, sự trình diễn lấn át thực thể, và vai trò lấn át nhân vật” (M. Deschoux, Initiation à la Philosophie, P.U.F. 1961, tr. 21).

b. Ham bận rộn.
Một cách trốn ttránh khác có vẻ đàng hoàng hơn, đó là ham bận rộn liên miên. Cả ngày hết việc này tới việc khác, luôn luôn vội vã, luôn luôn có vẻ vất vả. Thường lại bận bịu những việc người ta gọi là hoạt động... Xét về một vài phương diện thì đời sống bận rộn đó cũng có nhiều lợi ích. Nhưng khi sự bận rộn liên miên chỉ là một thứ giải trí trá hình, và đã trở thành một thứ bệnh làm nghèo dần đời sống tinh thần, thì bận rộn chẳng qua chỉ là một thứ trốn tránh sự thật.
Có người bận rộn đủ thứ, nhưng ý thức về chính cuộc đời mình thì không để ý mấy khi. Họ rất tỉnh táo trước những chuyện danh lợi thú, những lại rất lơ là với những chuyện quan trọng có tính cách cao siêu. Họ buồn chán và xa lánh với những vấn đề tinh thần. Một phần cũng vì ham bận rộn đã làm họ mất bình thản để suy nghĩ.
Cũng có khi người ta ham bận rộn liên miên một cách có vẻ trí thức. Lúc nào cũng mê man đọc sách báo, coi bộ hiếu học lắm. Nhưng thực ra sách báo họ xem chỉ là những thứ nhảm nhí, nhiều khi còn tệ hại là khác. Đọc để giải khuây. Đọc để khỏi phải suy nghĩ. Nhiều khi đọc để quên đi. Ham học sách báo kiểu đó phải coi là một thứ trốn tránh sự thật.

c. Thích giả tạo.
Ngoài ra, người ta còn có thể thiếu chân thành bằng cách ham giả tạo. Người lớn thường có nhiều đời sống. Sống trong xã hội nhỏ bé của gia đình thì khác, sống trong xã hội bạn bè quen thân lại khác. Sống ở sở làm thì thế này, mà sống ở đường phố thì thế kia. Sống với người trên thì thái độ này, còn sống với người dưới lại thái độ nọ. Ở với người ta thì khác, mà ở với mình thì lại khác. Thành ra bao nhiêu khung cảnh là bấy nhiêu cách sống. Thay đổi lối sống cho hợp với môi trường không phải là xấu. Vì đó là luật xã giao xử thế. Nhưng khi cách xử thế đó chỉ là cái mặt nạ, thì giá trị của nó cũng giả tạo không kém giá trị cái mặt nạ.
Lý do xúi giục người ta sống giả tạo, là vì muốn được người khác cho là quan trọng. Đối với nhiều người, tiêu chuẩn đo lường giá trị là dư luận. Cái tôi họ xây dựng không phải là chính họ, mà là cái tôi của dư luận.

d. Định kiến.
Nhưng chính sự tra cứu và phê bình cũng có thể dẫn tới sai lầm, khi nó dựa theo định kiến. Suy luận nào cũng phải căn cứ vào một số nguyên tắc. Nhưng nếu những nguyên tắc đó chỉ là ức thuyết, thành kiến, hay thâm tín do tục lệ và giáo dục nung đúc, thì tránh sao khỏi những lập luận một chiều. Mắt đeo kính thành kiến nào, thì chỉ biết mình với màu kính đó. Hợp với điều họ thầm ước, thì được kể là đúng. Không hợp thì bị coi là sai lạc. Lối suy luận và phê phán hẹp hòi đó cũng không chân thành với ý hướng triết học.
Nhiều khi định kiến không ở nguyên tắc sai, nhưng ở áp dụng sai. Nguyên tắc đã được nhận xét tinh vi minh chứng rõ rệt, điều tra chín chắn. Nhưng khi đem ra áp dụng thì lại bị lạm dụng. Động lực lạm dụng là tư dục, tính tình và áp lực dư luận. Những sức mạnh đó lôi cuốn phán đoán ngả về một chiều hướng có sẵn. Theo cách đó không phải tốt nên yêu, xấu nên ghét, nhưng là yêu nên tốt, ghét nên xấu. Tình cảm, tư dục và những yếu tố phi lý tạo nên một thứ thành kiến mãnh liệt. Đặt nguyên tắc vào đó, dù đúng mấy đi nữa cũng sẽ bị lạm dụng để đẻ ra những kết luận sai lầm thê thảm.

CAN ĐẢM
Nếu ít người thoát được định kiến, nông vội tin, tính ham giả tạo và ưa trốn tránh, thì là dấu sự thắng vượt những trở ngại đó không phải việc dễ. Phải can đảm mới thắng được. Do đó, can đảm cũng cần phải được quan tâm nhiều trong ý hướng triết học.
Trước hết can đảm bằng cách tự mình đi tìm sự thực dẫn đến khôn ngoan. Người ta có thể tìm được trăm ngàn cách và có trăm ngàn thầy dạy sự khôn ngoan. Nhưng không ai khôn ngoan thay người khác được. Muốn khôn thì chính mình phải học khôn. Hơn nữa, có những điều không một thầy hay sách nào có thể dạy được. Chẳng hạn cuộc đời và chủ thể mỗi người. Nếu mình không can đảm tự nhận lấy công việc đó, thì sẽ không bao giờ tìm thấy một sự khôn ngoan làm sẵn.
Đích thân tự nhận lấy công việc rồi, còn cần quyết tâm đi tới. Sẽ không thiếu những trở ngại làm nản lòng. Sẽ không thiếu những lợi thú hấp dẫn dụ dỗ bỏ rơi ý hướng đã chọn. Sự khôn ngoan triết học là một sự chinh phục của lý trí. Lý trí không hiện hữu độc lập, nhưng bị vùi vào một thân phận con người nặng nề vật chất. Yếu tố vật chất giúp họ nơi người khác. Vì thế, họ cố gắng cho người khác có được một hình ảnh về họ thực đẹp, thực hay. Do đó, càng thấy mình ít giá trị, thì càng giả tạo.
Giả tạo tự nó đã là bi đát. Nhưng ham giả tạo và đồng lõa với dư luận  quen thói đánh giá theo bề ngoài thì giả tạo lài càng bi đát hơn. Tuy nhiên, điều bi đát nhất là chính mình lại tin vào điều mình gỉa tạo. Người đeo mặt nạ lại tin rằng mặt nạ mình đeo là chính mặt mình. Có lẽ vì họ đã quá quen đóng kịch với đời, nên không còn phân biệt đâu là con người thực của mình, và đâu là vai trò mình đóng. Có nhiều thứ giả tạo, giả tạo đạo đức bằng thái độ và lời nói thân ái trong sạch, giả tạo trí thức bằng những lời nới thật kêu, những bài khoa trương hàm hồ, những bằng cấp gian manh. Ở đây không nói tới những thứ giả tạo trong phạm vi vật chất, như giả tạo giàu sang, giả tạo sắc đẹp vv...
Khi sự giả tạo đạo đức và trí thức đã trở thành thường xuyên và giúp người ta thành công trong xã hội, thì con người sẽ dễ bị dụ dỗ bám víu vào những lối giả tạo đó. Thay vì nỗ lực đi tìm sự thật, và sống trong sự thật, người ta sẽ chỉ cố gắng kiện toàn lối sống giả tạo. Dần dà gỉa tạo kiến thành một nghệ thuận. Càng khéo giả càng được khen. Rồi cho đó là khôn ngoan, vì sống giả tạo có phần dễ và bớt phiền toái hơn sống trong sự thực.

e. Ngây thơ nông nổi.
Cũng vì sự thực nhiều khi phức tạp, nên những người nông nổi vội vàng không mấy khi tìm được. Do đó, ngây thơ vội vàng cũng là một tính cách không hợp với chân thành. Sự thực là liên đới. Những liên đới gọi nhau từng từng lớp lớp. Nhiều khi các liên đới làm thành hệ thống chằng chịt, và trắc tréo ẩn khuất dưới nhiều hình dạng. Người dè dặt và thông thạo có khi còn có thể lầm. Phương chi những người ngây thơ và vội tin.
Đời sống chi chít bao nhiêu là vấn đề. Bao người chỉ nhìn được bề mặt sự thực, sự thực bọt bèo, một sự thực bì phu. Nhưng sự thực sâu thẳm nhiều khi khác xa sự thực bề mặt. Nếu chẳng nắm được sự thực toàn diện, thì ít ra cũng đừng ngây thơ vội tin điều mình biết là tất cả sự thực, kẻo sự thực đó trở nên méo mó và biến thành sai lầm. Thái độ người như tế có  khác chi chuyện 4 anh mù xem voi.
Vì thế, người triết rất kỵ cái tính ngây thơ nông nổi vội tin. James viết: “Nếu người thường vừa thấy mình được thừa hưởng những nguồn tin tưởng đã vội vàng đón nhận mà không tìm hiểu tại sao, thì người triết phải được phép của lý trí trước mới chấp nhận những tin tưởng đó” (James, Phil. de l'expérience, Flammarion, 1928, tr. 12). Và lý trí suy tư, nhưng đồng thời cũng đặt cản trở. Joseph Vialateux nói: “Suy tư của con người khắc khoải và đi tìm khôn ngoan phải là một suy tư can đảm, bởi vì nó là một suy tư bi đát” (J. Vialatoux intention philosophique, P.U.F. 1961, tr. 97). Bi đát ở chỗ nó khó khăn và nguy hiểm như chính cuộc đời. Nhưng chính tính cách bi đát đó lại làm cho nó nên vinh quang và cao cả.
Sự vinh quang và cao cả đó tự nó không đem lại cho con người những lợi ích vật chất. Người ta không dùng được nó để kinh doanh và tạo địa vị. Người triết biết như thế nhưng can đảm chấp nhận. Vì họ biết, cuộc sống do giá trị các sự cần thiết và lợi ích của mình, nhưng giá trị chính cuộc sống lại do triết học. Sự vật nào lợi và cần cho cuộc sống thì được gọi là giá trị. Nhưng chính cuộc sống có giá trị hay không, thì triết học thẩm định. Tiền bạc, địa vị, nghề nghiệp, tình đều đều chạy theo hướng đi của cuộc sống. Nhưng chính cuộc sống lại phải được hướng dẫn bởi triết học.
Nhưng đừng tưởng tất cả những vấn đề đó sẽ được triết học giải đáp một lần là xong. Triết học là đường đi. Triết học dài như chính cuộc sống nhân loại. Nên người triết phải có can đảm đi mãi không ngừng. Không bao giờ tự đắc cho mình đã tới đích. Mỗi giải quyết chỉ là sự nghỉ ngơi vắn vỏi để rồi lại lên đường. Người triết ái mộ khôn ngoan, chứ không dám tự phụ sở đắc khôn ngoan. Khôn ngoan không cùng thì công cuộc tìm kiếm khôn ngoan đâu dám định tới mức nào là chấm dứt.
Sau hết, vì chỉ có thể tìm sự khôn ngoan bằng ý thức về cuộc đời và tìm hiểu mọi sự thực liên quan, nên người triết cũng cần can đảm chấp nhận đời sống tinh thần. Hoạt động của tinh thần là suy tư. Suy tư bằng lý trí, chứ không phải bằng miệng. Suy tư âm thầm, suy tư kính cẩn, một suy tư chấp nhận đơn độc trong thinh lặng như quê hương yêu dấu. M. Deschoux có lần đã viết: “Người nguỵ biện thời nay và muôn thuở phô trương khá đúng là biết nói. Còn chúng ta hãy làm rạng danh người triết bằng cách giữ thinh lặng” (Marcel Deschoux, Initiation à la Philosophie, P.U.F. 1961, tr. 34). Cũng như Keyserling đã nói: “Ở cái thời buổi của những người la lối này, chỉ có tiếng của thinh lặng mới tới được xa” (Figures symboliques, tr. XXI).
Thinh lặng của người triết là thành trì bảo vệ suy tư, là bầu trời của thế giới tư tưởng, là sự canh thức chăm chú của tâm hồn khắc khoải, là thái độ khiêm tốn của kẻ tha thiết đi tìm sự thực. Đừng dùng thinh lặng như một lập dị, nhưng cũng đừng khinh miệt thinh lặng như một sự yếu kém. Nó là một thái độ, và thái độ đó chỉ những ai can đảm giàu nghị lực mới có.
Nếu có can đảm và chân thành, người đi tìm sự khôn ngoan sẽ trở thành người triết với tất cả ý nghĩa cao đẹp. Ai nắm vững ý hướng triết học đó sẽ tìm được niềm vui cao thượng trong đời sống triết học. Dù thành công, dù thất bại trên đời, tất cả đều có thể trở thành những viên gạch xây dựng ý thức cuộc đời. Nhờ đó cuộc đời sẽ tìm được hướng đi và ý nghĩa rõ rệt. Ý thức đó không phải là một thứ xa xỉ trí thức, nhưng chính là con đường dẫn tới hạnh phúc chân thực.

 

CHƯƠNG III: SUY TƯ TRIẾT HỌC


Người ta chỉ biết thực sự suy tư triết học là thế nào, khi người ta thực sự suy tư triết học. Cũng như người ta chỉ biết thế nào là ngọt, khi đã thực sự cảm nếm vị ngọt. Tuy nhiên, cắt nghĩa cũng có thể chỉ dẫn phần nào.
Suy tư là một cách nhìn, không phải nhìn bằng mắt, nhưng nhìn bằng tinh thần. Nhìn sự vật nào là xem sự vật đó với sự vật khác. Thấy một đối tượng là thấy đối tượng đó trong hoàn cảnh và với hoàn cảnh của nó. Thí dụ: Nhìn dòng chữ này là nhìn nó đồng thời với sự nhìn trang giấy. Nhìn trang giấy này là đồng thời nhìn nó với sự nhìn cái mặt bàn tay hay cái tay đang nâng đỡ nó. Trang giấy không xuất hiện đơn độc. Nó phải đứng với và đứng trong các sự vật khác. Vì thế, nhìn là xem đối tượng trong những tương quan.
Tương tự cũng vậy, suy tư là việc tinh thần nhìn xem. Việc nhìn xem này cũng được thực hiện nhờ thấy những tương quan. Đối tượng nào, dù nhỏ bé đến đâu, cũng nằm trong những tương quan dọc ngang trập trùng. Khi suy tư được phát xuất do ý hướng triết học và thực hiện theo phương pháp triết học thì gọi là suy tư triết học.

PHẢN TỈNH
Ý hướng triết học đã bàn ở chương trên. Ở đây sẽ nói qua về phương pháp triết học “phương pháp riêng của triết học, con đường tìm kiếm mà triết học vạch ra cho mình, đó là phương pháp phản tỉnh” (J. Vialatoux, l'intention philosophique, P.U.F. 1961, tr. 62).
Phản tỉnh khác sự hiểu biết ngây thơ hồn nhiên. Nó là sự thức tỉnh của trí khôn tìm cái lý tiềm ẩn trong đối tượng muốn tìm hiểu. Nó là việc lý trí đem những tương quan của đối tượng ra ánh sáng. Lý trí chỉ có thể làm được việc đó một cách hữu hiệu bằng cách phản chiếu sự thức tỉnh của mình vào chính mình vì bất cứ đối tượng nào, dù ở trong hay vốn ở ngoài chủ thể, một khi là đối tượng tìm hiểu, thì bó buộc nó phải ở trong lý trí. Đàng khác, tìm hiểu sẽ đem ra những giải nghĩa bằng tư tưởng. Tư tưởng cũng do lý trí và trong lý trí. Lý trí bàn luận với mình về đối tượng. Cuộc bàn luận sẽ phải khăng khít để đi lần từ chỗ biết tới chỗ chưa biết.
Đã hẳn lý lẽ nằm trong đối tượng, nhưng một cách tiềm ẩn. Bề ngoài chỉ thấy hiện tượng. Có thể ví mỗi đối tượng như một kho tàng. Vỏ ngoài không phải là chính kho tàng. Phải qua nhiều ngăn, phải bớt nhiều lớp, phải xuyên qua nhiều ngóc ngách, may ra mới tìm được hết kho tàng. Khả năng bới tìm và đem kho tàng lý lẽ giấu ẩn ra ánh sáng tinh thần là lý trí. Anh sáng lý trí đó phải được tập trung mạnh mẽ và phản chiếu vào công cuộc truy tìm của mình mới hy vọng kết quả. Chiếu soi việc truy tìm, và truy tìm trong ánh sáng chiếu soi, cả hai đều được thực hiện một lượt trong hành động ý thức của lý trí quay lại thảo luận với chính mình.

BIỆN CHỨNG
Sự phản tỉnh này có thể gọi là một thứ biện chứng pháp, nếu hiểu biện chứng theo góc nghĩa là đối thoại. Lý trí đối thoại với chính mình, để từ tư tưởng này lại kéo ra tư tưởng kia bằng những lập luận mạch lạc.
Đường lối biện chứng này được thực hiện cụ thể bằng cách nào? R. Descartes phác họa như sau:
“Qui luật đầu là không nhận một điều gì là thực, nếu tôi không thấy một cách hiển nhiên là thực. Nghĩa là cẩn thận tránh sự hấp tấp và thành kiến, và không chấp nhận trong lúc phán đoán một cái gì ngoài những cái xuất hiện trước trí óc tôi một cách rõ ràng và phân minh, đến nỗi tôi không có lý do để hoài nghi nữa.
Qui luật thứ hai là phàm những vấn đề khó khăn tôi nghiên cứu, cần phải được phân chia ra nhiều phần nhỏ hết sức để giải quyết cho dễ dàng hơn.
Qui luật thứ ba là hướng dẫn tư tưởng tôi cho có thứ tự, bắt đầu bằng những đối tượng đơn giản và dễ nhận biết nhất, để tiến dần lên như là từng bực một, để đi tới sự nhận thức những điều phức tạp nhất. Và ngay giữa những đối tượng tự nhiên không có cái gì trước cái gì sau, thì cũng giả thuyết có thứ tự.
Qui luật cuối cùng là luôn luôn kiểm số một cách đầy đủ, và duyệt lại một cách tổng quát thế nào để cho tôi có thể tin chắc là không bỏ sót một cái gì cả” (R. Descartes, Discours de la méthode, bản dịch của Lm. Cao Văn Luận, Đại học Huế, in lần thứ II, tr. 31-32).
Những qui luật này được Descartes áp dụng liền ngay đó trong những chương sau. Xin trích một phần quan trọng để dễ thấy. Bản dịch là nguyên văn của Linh mục Cao Văn Luận (cũng sách trên trang 44-46): “Vì giác quan chúng ta thường làm cho chúng ta lầm lạc, nên tôi quyết giả thiết rằng không có một sự vật nào là đúng như giác quan cho chúng ta tưởng tượng. Và vì có nhiều người có thể lầm lạc khi suy luận, ngay cả lúc suy luận về những điều đơn giản của hình học, vì ở đấy đã có những lý luận sai lạc, và xét rằng có thể sai lạc như mọi người khác, nên tôi đã vất bỏ những lý luận mà trước kia tôi đã coi như là được chứng minh chắc chắn, và sau hết thấy rằng tất cả những tư tưởng chúng ta có, khi tỉnh, đều có thể đến với chúng ta khi ngủ, mà lúc đó không có một tư tưởng nào là chắc thực cả, nên tôi quyết giả thiết  rằng mọi sự mà trí tuệ tôi đã tiếp nhận đều không chắc thật gì hơn những ảo ảnh trong các giấc mộng của tôi.
“Nhưng ngay sau đó, tôi nhận thấy là khi tôi muốn nghĩ tưởng rằng mọi sự đều sai lạc như thế thì tức nhiên tôi, kẻ nghĩ tưởng điều đó phải là một cái gì, và nhận thấy cái chân lý “tôi tự tưởng, vậy tôi có” là một chân lý vững chắc và đích xác, đến nỗi tất cả những giả thiết kỳ quặc nhất của các triết gia chủ trương hoài nghi cũng không đủ sức lay chuyển...
“Sau nữa, chú ý nhận xét tôi là gì, và thấy tôi là gì, và thấy tôi có thể tưởng tượng tôi không có thân xác, tưởng tượng không có thế giới hay một nơi nào để tôi ở cả, nhưng tuy thế, tôi vẫn không thể giả thuyết tôi là không có, và trái lại, chính vì việc tôi nghi ngờ về sự thật của mọi sự khác mà phải kết luận một cách rất hiển nhiên và rất chắc chắn rằng tôi có, ngược lại, nếu tôi chỉ ngừng suy nghĩ mặc dầu tất cả những gì tôi đã tưởng tượng có thật đi chăng nữa, thì tôi cũng không có lý do gì để tôi tin rằng tôi có: do đó, tôi biết rằng tôi là một thể chất mà tất cả cốt tính hay bản tính chỉ là tư tưởng, và để hiện hữu, thể chất ấy không cần có một nơi chôn nào hay phụ thuộc vào một cái gì vật chất cả. Như thế, cái bản ngã này, nghĩa là cái linh hồn, nhờ đó tôi là tôi, hoàn toàn khác với thể xác, và chính linh hồn dễ nhận biết hơn thể xác và dù thể xác không có, thì Kitô hữu vẫn là linh hồn, không hơn không kém...
“Sau đó, suy nghĩ về việc tôi hoài nghi, là như thế nghĩa là bản thể của tôi không hoàn hảo, vì cố nhiên biết là một sự hoàn hảo hơn hoài nghi nhiều, nên tôi đã nghĩ đến việc tìm xem bởi đâu tôi đã biết nghĩ tưởng đến một cái gì hoàn hảo hơn tôi, và tôi thấy một cách hiển nhiên rằng: đó phải là một bản thể hoàn hảo hơn tôi. Còn về những ý niệm mà tôi có về những vật ngoài tôi, như bầu trời, quả đất, ánh sáng, sức nóng và trăm ngàn vật khác, tôi không hề phải lao tâm tìm xem chúng ở đâu, vì rằng không thấy trong chúng có cái gì làm cho chúng hơn tôi, tôi có thể tin rằng nếu chúng có thật, thì chúng là những cái phụ thuộc vào bản thể của tôi, trong chỗ bản tính của tôi có một phần hoàn hảo nào, và nếu chúng không có thực, thì tôi đã rút chúng từ hư vô, nghĩa là chúng chỉ có ở trong tôi ở chỗ tôi không hoàn hảo. Nhưng đối với ý niệm một bản thể hoàn hảo hơn tôi, thì không thể như thế được, vì rút nó ra từ hư vô là một điều rõ ràng không thể được, và lại vì một cái hoàn hảo mà phát xuất hay phụ thuộc vào một cái kém hoàn hảo hơn, là một chuyện nghịch lý, cũng như bảo một vật gì phát xuất ra từ cái hư vô, cho nên ý niệm hoàn hảo đó không phải do tôi mà có. Như thế chỉ còn cách là ý niệm đó đã được đặt vào nơi tôi do một bản tính nào khác thật là hoàn hảo nơi tôi và có tất cả những thứ hoàn hảo mà tôi có ý niệm được, nghĩa là nói ra một cách vắn tắt: “Đó là Thượng Đế”.
Dùng phân tích, Descartes đã đi từ kết luận nọ sang kết luận kia. Đại khái ông lý luận: ngũ quan thường lầm, phán đoán cũng lầm, nên tôi nghi tất cả mọi sự tôi biết. Như tôi nghi tức là tôi có. Chính việc tôi nghi minh chứng rằng tôi có. Và như thể, tôi là một bản thể tư duy: Đó là bản tính của tôi. Biết mình nghi, tức là biết mình không hoàn toàn. Biết mình không hoàn toàn, là vì tôi có ý tưởng hoàn toàn. Ý tưởng hoàn toàn không thể phát sinh do những vật bất toàn. Nó phải do một Đấng hoàn toàn phú bẩm vào tôi. Đấng hoàn toàn đó chính là Thiên Chúa.
Như thế, biện chứng pháp trong tư duy triết học là một lối lập luận vừa phân tách vừa tìm rút ra một điều mới gặp ở tư tưởng trước với sự hỗ trợ rõ hay ngầm của những nguyên lý căn bản của luận lý. Nhờ đó, luôn luôn có một sự bắt buộc  phải nhận những kết luận đưa ra như một hiển nhiên. Nếu không thể thì sẽ vô lý và mâu thuẫn. Xin đan cử thêm một vài ví dụ về biện chứng pháp trong lập luận triết học.
Trong “Bữa tiệc”, Platon đại khái đã suy nghĩ về tình yêu như sau: “Tình yêu giác quan chú ý đến sắc đẹp của thân xác con người. Nhưng sắc đẹp thân xác phải gọi tới sắc đẹp tâm hồn mới cắt nghĩa được mình. Sự đẹp tâm hồn lại do hành vi đẹp mới có. Hành vi đẹp lại do những hiểu biết đẹp biện minh cho. Nhưng sự đẹp của những hiểu biết đẹp chỉ là phản ảnh đẹp của lý tưởng. Như thế, sự đẹp lý tưởng ở trên linh giới là nguyên uỷ mọi sự đẹp và là lý do cắt nghĩa mọi sự đẹp” (Platon, Banquet).
Maurice Blondel cũng dùng  biện chứng pháp để dẫn tới những nhận định sâu xa về thái độ đôi khi bất thường của con người. Chẳng hạn đại khái ông lập luận về người không chọn gì và cũng không muốn gì. Họ bảo họ không muốn gì hết, nhưng không muốn gì hết đã ngậm một ý muốn: Đó là ý muốn không chọn lựa gì hết. Vì muốn không có gì tức cũng là muốn. Người làm kịch đóng vai khán giả vẫn không là khán giả, mà vẫn chỉ là đóng kịch. Cũng thế, thái độ người bi quan muốn sự hư vô cũng thế. Sở dĩ người ta không muốn sống, là vì người ta ước một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống hiện có... Bởi muốn một cuộc sống mình không được, nên người ta không muốn cuộc sống mình đang được. Vì thế, sự muốn huỷ diệt mình chỉ là phản chứng ý chí muốn xây dựng mình. Ước muốn sự hư vô chỉ là mặt nạ của ước muốn sự hiện hữu (Aug. Valensin, M. Blondel et la dialecque de l'action, Etudes, Novembre, 1949).
Coi mấy đường lối trên đây đã thấy tính cách dè dặt của suy tư triết học. Phải bắt đầu bằng những điều đơn giản nhất và dễ nhận thức nhất. Đó là khởi điểm hành trình. Tiếp đó là phân tích. Phân tích chiều rộng và phân tích chiều sâu. Chiều rộng của vấn đề là những phạm vi nó có thể lan tới. Chiều sâu là những lớp lý lẽ nâng đỡ và lôi kéo nhau từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Khi phân tích chiều rộng, người ta để ý tới những vấn đề khác có thể có liên quan. Khi phân tích chiều sâu, người ta sẽ quan tâm đến các khía cạnh của vấn đề. Thí dụ từ hiện tượng đến bản thể, từ nguyên nhân đến hậu quả, từ thành phần đến toàn thể, từ kinh nghiệm đến lý chứng, từ giả thuyết đến kiểm chứng, từ ý kiến người khác đến nhận định của mình, từ phương diện này đến phương diện kia, từ kết quả này đến kết quả kia vv... Mỗi khía cạnh lại phân tích thành từng chủ điểm, mỗi chủ điểm lại phân tích thành phụ điểm. Giữa những điểm đó, có những đường dây tư tưởng nối kết chặt chẽ theo biện chứng pháp.
Những phân tích này tất nhiên phải diễn tiến một cách tuần tự. Trật tự thì phải đầy đủ. Một hai bỏ ba nhảy liền lên bốn thì không phải là trật tự. Ánh sáng của lý trí như ngọn đèn pha của chiếc xe trên đường tối. Nó không đủ sức chiếu sáng cả con đường dài cùng một lúc. Nhưng tiến tới đâu nó chiếu tới đó. Chiếu từng quãng, nhưng quãng này liên tục với quãng kia. Thành thử phân tích mà vẫn là liên kết. Đó là một thứ phân tích tiến bộ.
Sự tiến bộ này được thực hiện bằng cách rút ra trong giải đáp một câu hỏi mới. Nếu coi giải đáp là xong, thì vấn đề chấm dứt, và hết tiến bộ. Nhưng khi giải đáp vừa được thành hình, giải đáp đó lại đẻ ra một câu hỏi mới đòi phải giải đáp, lúc đó việc phân tích lại bước thêm một bậc. Bậc đó là thứ tự chắc chắn, vì nó ngậm trong giải đáp trước. Chính giải đáp trước sinh ra nó. Nó nối kết với bậc trước bằng dây liên hệ luận lý.
Mỗi câu hỏi được đặt ra là một tiếng mời gọi. Dĩ nhiên là gọi lên chỗ mình chưa biết. Nhưng “cái làm cho nên người triết, chính là tiến lên từ chỗ biết tới chỗ không biết, rồi từ chỗ không biết tới chỗ biết, và một thứ nghỉ ngơi trên đường tiến bộ đó” (Merleau Ponty, Eloge de la Philosophie, Gallimard, 1963, tr. 11). Vì thế, “trong triết học, những câu hỏi lại căn bản hơn những câu trả lời”, như Karl Jasper nói (Einfuhrung in die Phie., R. Pipér Verlag, Munchen, 1958, tr. 14). Dĩ nhiên là để trả lời. Và tìm trả lời là đào sâu tìm hiểu.
Nhưng hỏi là phải hỏi cái gì, nên đặt câu hỏi cũng khó không kém trả lời. Làm thế nào để tìm ra câu hỏi và trả lời. Làm thế nào để nhận thấy tư tưởng này lại khêu gợi tư tưởng kia, giải đáp này lại mắc vào câu hỏi khác. Trước hết nhờ sư tư, và sau cùng cũng nhờ suy tư. Suy tư nhiều suy tư lâu suy tư mạnh. Suy tư với tinh thần cầu tiến, suy tư với óc dè dặt nghi ngờ, suy tư với óc phân bình cân nhắc thận trọng, từng lời nói từng tư tưởng xem đúng hay sai đủ hay thiếu.
Đã hẳn, suy tư cũng phải được cung cấp tài liệu do quan sát, sách vở, học hỏi, để có thể hoạt động dễ dàng, và mau lẹ. Nhưng dù sao lý trí vẫn phải dùng suy tư để làm việc trên tài liệu và chính suy tư mới tìm được những cái mà không tài liệu nào cung cấp được.

TRỰC GIÁC
Khi suy tư càng đẩy sâu phân tích và lý luận thì ý thức càng tiến tới trực giác. Đây là một thứ trực giác của lý trí, một trực giác đầy tính cách phản tỉnh. Lý trí nhìn thấy cái lý lẽ của vấn đề một cách trực tiếp, không cần trung gian lý luận. Nếu có lý luận, thì cũng là để diễn tả chứ không phải để tìm tòi. Trực giác soi sáng cho phân tích và lý luận, đang khi lý luận và phân tích trợ lực cho trực giác. Càng phân tích và lý luận, càng làm sáng trực giác. Trực giác càng sáng, thì phân tích và lý luận càng bén. Và cứ như thế hai cánh bay lên thế giới tư tưởng.
Nhưng dù với trực giác, dù với lý luận, lý trí cũng không thể có một cái nhìn bao quát và sâu thẳm đầy đủ một cách minh bạch cùng một lúc về một đối tượng, nhất là khi đối tượng đó lại phức tạp. Nên muốn cho suy tư tiến bộ, càng phải bám chặt vào từng điểm càng rõ rệt càng tốt. Suy tư mông lung mơ hồ sẽ không đi tới đâu.

DIỄN TẢ
Ngoài ra muốn cho suy tư tiến bộ, cũng cần phải minh bạch hóa tư tưởng. Bằng cách diễn tả thành lời nói hay chữ viết, tư tưởng chưa diễn tả cũng giống như đám mây mù hỗn độn. Trái lại, khi được diễn tả, tư tưởng sẽ xuất hiện với đủ màu sắc. Ngoài ra ngôn ngữ diễn tả còn làm công việc bảo tồn tư tưởng, nhờ đó lý trí sẽ nhẹ bớt gánh nạng phải nhớ cái đã tìm, để dễ tiến về những điểm chưa khám phá.
Hơn nữa, tư tưởng thành văn cũng có tác dụng khêu gợi tư tưởng mới. Như cơ cấu tư tưởng được phản chiếu bởi cơ bấu ngôn ngữ, thì chính cái đà của cơ cấu ngôn ngữ lại đẩy lý trí móc sang một tư tưởng khác. Sự móc nối đó là một đòi hỏi củ cơ cấu ngôn ngữ, hoặc theo luật văn phạm, hoặc theo tính cách văn chương. Làm theo những đòi hỏi đó không phải chỉ là giữ luật ngôn ngữ, mà cũng là hoàn bị tư tưởng. Thành ra cơ cấu ngôn ngữ giúp thể hiện cơ cấu tư tưởng. Một tư tưởng có thể không dễ khêu gợi tư tưởng khác, nhưng khi được diễn tả bằng ngôn ngữ, thì cơ cấu đã quen của ngôn ngữ có thể sẽ dễ dàng mở đường đi sang tư tưởng mới. Vì thế, có thể nói: phương pháp rất hay của suy tư là cố gắng nói ra và nhất là viết ra những gì mình suy tư.

CẦN HOÀN CẢNH
Ý thức được đường lối trên đây của suy tư triết học người ta sẽ không lạ nếu thấy người triết năng cặm cụi suy tư, ghi viết. Tư tưởng triết học không bởi trời rơi xuống. Nó bởi trí óc mà ra. Nhưng trí óc không tự động tiết ra tư tưởng triết học. Nó phải làm việc trong những điều kiện thích hợp mới có.
Trước hết phải tập trung chú ý. Chú ý là một lựa chọn đối tượng. Mà đã lựa chọn đối tượng nào, tức nhiên phải loại trừ những đối tượng khác. Lúc đó ý thức mới dễ qui tụ vào điểm muốn tìm hiểu. Có người hỏi ông Newton bí quyết nào đã giúp ông khám phá ra luật “dẫn lực của vũ trụ”, ông thưa: “có gì đâu, chỉ vì tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại hoài”.
Nhưng tinh thần con người là một tinh thần nhập thể và nhập thể, nên việc chú ý của tinh thần suy tư cần được nâng đỡ bởi những hoàn cảnh thích hợp, chẳng hạn tâm hồn bình tĩnh trầm lặng, ngũ quan tự chế, nơi ở vắng vẻ vv... Được thế cũng đã khá lắm rồi. Nhưng điều kiện quan trọng phải đếm xỉa tới, đó là thời giờ.
Suy tư là công việc không dễ dàng, nhất là loại suy tư triết học. Ai không tin, hãy thử làm một bài luận triết sẽ thấy. Ý thức được sự khó khăn đó, không mấy người muốn chuyên triết lại dám khinh thường yếu tố thời giờ.
R. Descartes đã từ bỏ đời sống quân nhân, xa lánh đô thị, tìm cách sống ẩn dật để có thời giờ và yên tĩnh viết những tác phẩm như Discours de la Méthode 1637, Méditationes de Prima Philosophia 1641, Principia Philosophiae 1644, Les Passions de lâme 1649. Mỗi tác phẩm cách nhau ít nhất 3 năm. Nếu cộng với nhiều năm suy tư trước đó, thì mỗi tác phẩm của ông đã được xây dựng trong từng mấy chục ngàn ngày.
Spinoza tiết kiệm thời giờ bằng cách sống một mình trong một căn phòng mướn, mỗi ngày nuôi mình bằng những bữa ăn bớt thì giờ nhất: Súp bơ và lave, không tiếp ai, không đi đâu khi không có lý do rất cần. Được cử làm giáo sư Đại học Heidelburg, ông cũng từ chối. Vì ông muốn dùng thời giờ để suy tư triết học. Nhờ sự tận dụng thời giờ như thế, mà ông đã viết được những tác phẩm thời danh như Renati Descartes Principiorum Philosophiae pars prima et secunda more geometrico demonstratae, Ethica mora geometrico demonstrata, mặc dầu ông chỉ sống được 45 tuổi (1632-1677).
Thánh Tôma Aquinô (1227-1274) bị các bạn kêu là “con bò câm”, vì Ngài rất ít nói hay tư lự và suy nghĩ. Với biệt tài và sự biết dùng thời giờ, Ngài đã để lại cho hậu thế những tác phẩm tư tưởng bất hủ như Summa contra gentiles và Summa theologica.
Để có thời giờ, cần phải biết từ chối với mình và với người khác. Nhiều khi từ chối đòi một can đảm lớn. Nhưng thà can đảm để sống hữu ích còn hơn nhu nhược để sống tầm thường.
 
 

CHƯƠNG IV:  TÀI LIỆU TRIẾT HỌC


Tài liệu triết học hiểu được hai nghĩa: Một là những đề tài cần tìm hiểu, hai là những chất liệu để giúp tìm hiểu dù hiểu theo nghĩa nào, thì tài liệu triết học cũng rất cần thiết. Nếu không có đề tài, thì suy tư sẽ không tránh được vẩn vơ. Nếu không có chất liệu, thì tìm hiểu sẽ rất mệt nhọc và nghèo nàn. Nhưng vấn đề để đặt ra ở đây không phải là tài liệu cần hay không, làm tìm tài liệu ở đâu.

TÌM ĐỀ TÀI
Trước hết nói về đề tài. Không khoa nào giàu đề tài cho bằng khoa triết học. Biên giới triết rộng như chân lý, man mác như cuộc đời và bao la như hiện hữu. Bao nhiêu đề tài đã được đề cập, bao nhiêu trí óc đã góp phần tìm hiểu, nhưng qua mấy ngàn năm, phạm vi nó vẫn còn như mới. Không ai đã tự hào tìm hiểu được hết. Vì thế, nói ngay tới vấn đề triết học đã có sẵn trong sách báo, người ta không khỏi bàng hoàng trước con số quá nhiều của nó. Thử vào một thư viện tương đối đầy đủ của các đại học lớn, sẽ thấy tư thế của các tác phẩm triết. Mỗi tác phẩm chứa đựng bao nhiêu vấn đề. Mỗi vấn đề lại có thể mổ xẻ thành nhiều đề tài khác nhau. Tóm lại, đã có nhiều vấn đề được đặt ra. Cũng có nhiều vấn đề đã được đặt ra nhưng chưa có ai giải quyết. Cũng có nhiều vấn đề đã được bàn luận, nhưng chưa ai dám cho là người nói sau cùng. Cũng có nhiều vấn đề đã được đặt ra, nhưng cũng có thể đem đặt lại để giải quyết cách khác. Ngoài ra, ai cấm ta tìm những vấn đề hoàn toàn mới. Vấn đề nằm sẵn nơi con người trong cuộc đời, trong thời cuộc, trong vũ trụ, trong sự vật chung quanh.
Trẻ dại chẳng có vấn đề gì. Người chẳng thấy vấn đề gì cũng giống như trẻ thơ. Đặc điểm để đo mức độ ấu trĩ của một người là sự vô tư, ít nhìn thấy vấn đề gì trong cuộc sống, cũng như tính cách tầm thường nhỏ hẹp của những vấn đề họ quan tâm. Trái lại, người khôn thì bất cứ việc gì cũng có thể trở thành đề tài. Tại sao?
Theo Aristoteles, thì tại họ biết bỡ ngỡ, ông viết: “Bây giờ cũng như buổi sơ khai, chính do bỡ ngỡ mà người ta đi vào điểm khởi hành của triết học, để rồi bỡ ngỡ sẽ còn tiếp tục chi phối hoạt động triết học” (Meta, A2, 982b, 129). Trước đó Platon cũng nói: “Bỡ ngỡ là cửa của triết gia, vì không gì khởi điểm cho triết gia ngoài cửa đó” (Théétète, 155, d). E. Kant và R. Descartes không đi lối khác mặc dầu Kant nhấn mạnh tới phê bình, và Descartes xây dựng triết học của ông từ chỗ hoài nghi. Bởi vì có bỡ ngỡ mới phê bình, có bỡ ngỡ mới hồ nghi. Bỡ ngỡ trước thực tại, nên mọi thực tại mới thành đề tài tìm hiểu. Phê bình, nên nhiều điểm trở thành đề tài nghiên cứu. Hồ nghi, nên nhiều vấn đề mới trở thành đề tài xét lại.
Sự bỡ ngỡ có thể do tự nhiên, có thể do cố ý. Dù do đâu nếu muốn nó trở nên chìa khóa đề tài, thì thế nào nó cũng phải gợi lên những câu hỏi tương tự: sự việc này do nguyên nhân nào, có ý nghĩa gì? Diễn biến thế nào, giả thuyết ra sao, kết quả ra sao, đâu là sự thực? vv...
Sự bỡ ngỡ như thế tất nhiên đòi phải có những cái nhìn tinh tế, và một trí óc dè dặt khiêm tốn. Nếu tưởng mình cái gì cũng biết, và chẳng có chi là lạ, thì còn gì để tìm hiểu nữa. Nếu gặp được gì, nghe chuyện gì cũng cho là chỉ có thế thì đời nào tìm được những sự thực ẩn khuất đàng sau. Ngược lại, người biết bỡ ngỡ luôn nhìn đời với cặp mắt mới mẻ và tìm tòi, chắc sẽ gặp vô số đề tài để suy tư.
Nhưng có nên suy tư bất cứ đề tài gì mình gặp không? Nói cách khác, có nên đặt bất cứ sự việc gì mình gặp thành đề tài buộc mình phải tìm hiểu không? Theo lý tưởng mà nói thì càng tìm hiểu được nhiều càng tốt. Nhưng đời sống con người có hạn.  Con người không thể làm việc lâu hơn cuộc sống. Và trong cuộc sống, không ai có thể luôn suy tư suốt đời. Còn bao nhiêu việc khác phải làm. Vì thế, theo khôn ngoan thực tế, thì nên hạn định đề tài. Hạn định là một thứ lựa chọn. Lựa chọn thì phải theo tiêu chuẩn. Vậy tiêu chuẩn nào sẽ giúp hạn định?
Thiết tưởng có thể đưa ra một tiêu chuẩn duy nhất, đó là thiết thực.
Thiết thực là những gì gần gũi cần thiết và lợi ích thực sự, là những gì giúp giải quyết những vấn đề đang được đặt ra cho nhân loại, là những gì có thể soi dẫn cho những ưu tư khắc khoải của con người thời đại đang sống trong hoàn cảnh hiện nay. Triết học không thể đứng ngoài lề cuộc sống. Triết học phải là những tư tưởng chuẩn bị cho hành động. Triết học phải là một lý thuyết dấn thân. Vì thế, nếu không bị bó buộc phải chọn những đề tài nhất định do phận sự và nghề nghiệp, thì người triết nên mạnh dạn chọn những đề tài hết sức thiết thực. Phải mạnh dạn, vì đề tài có thể là mới, mà mới sẽ ít sách vở nghiên cứu, và một khi không dựa vào các tác giả thời danh, thì sẽ dễ bị người ta phê phán tiên thiên là không sáng giá, đang khi trái lại người nào bàn vấn đề trừu tượng đẩu đâu, dù chỉ là nhai lại lần thứ mấy trăm những tư tưởng mượn của người khác, thì lại dễ gây được tiếng là uyên thâm sâu sắc. Thắng vượt được những ngại ngùng này, đó là một cử chỉ can đảm của người quyết tâm theo đuổi sự khôn ngoan của chân thật.
Ngoài ra, chọn đề tài thiết thực còn là chọn những gì hợp với khả năng khuynh hướng và hoàn cảnh của mình. Tuy thiện chí có lúc bổ khuyết được cho khả năng và vượt được hoàn cảnh, nhưng khi có thể, thì chọn một việc hợp với khả năng và hoàn cảnh sẽ có lợi hơn nhiều. Dùng thiện chí để hoàn thành công việc đó sẽ hữu hiệu hơn là ép buộc thiện chí làm một công việc không hợp.

TÌM CHẤT LIỆU
Chọn được đề tài là đã nhìn thấy lờ mờ đường lối giải quyết. Nhưng để giải quyết thực sự thì rất cần có nhiều tài liệu. Tài liệu ở đây được hiểu theo nghĩa thứ hai. Nó là những kiến thức có sẵn được lý trí lãnh nhận để biến chế thành nội dung một tổ chức tư tưởng. Tìm đâu được những tài liệu đó? Tìm ở người và tìm ở mình. Bất cứ ai muốn tìm tài liệu triết học cũng phải tìm những nguồn đó.

a. Ở người.
Tài liệu do người khác là những kiến thức của người khác đã truyền lại qua lời nói và chữ viết. Lời nói như những bài giảng dạy, những cuộc đàm đạo, những thảo luận chuyện vãn. Chữ viết như những sách vở báo chí. Loại tài liệu này là kho tàng rất mực quí giá. Nó tích trữ kiến thức của các bậc trí thức qua bao nhiêu thế hệ. Nó gởi lại những suy tìm hiểu biết mà không một người nào có đủ giờ và có đủ sức một mình làm nổi. Nhưng vì nó quá nhiều, nên phải biết lựa chọn.
Nhưng loại phải chú ý đào sâu hơn là loại chuyên môn. Ở đây chuyên môn hiểu là triết học. Nhưng phạm vi triết quá mênh mông, nên nếu không thể đào sâu tất cả, thì nên chọn một ngành hay một số vấn đề mà thôi. Chọn chuyên môn trong một phạm vi nhỏ của một khoa chuyên môn sẽ dễ gây dựng hơn. Kiến thức nào của người khác có lợi cho phạm vi chuyên môn đó sẽ là những tài liệu được chú ý đặc biệt. Muốn biết những kiến thức đó, tất nhiên phải đọc nhiều. Nhưng để tiết kiệm thời giờ, thì nên ưu tiên đọc những sách báo giá trị. Trước khi đọc, dĩ nhiên mình không đủ thẩm quyền thẩm định giá trị một tác phẩm triết. Nhưng tên tuổi tác giả cũng như dư luận của giới chuyên môn có thể bảo đảm phần nào. Những bảo đảm đó ít ra cũng giúp lực chọn lúc ban đầu.
Cũng vì mục đích tiết kiệm thời giờ, nên hãy tạm tránh những loại sách tối tăm và quá khó hiểu. Đọc hoài mà không hiểu thì lấy gì làm tài liệu. Nhưng không vì thế mà chọn những loại sách báo không cần phải suy nghĩ. Nếu có sách báo nào như thế, thì chắc chắn những sách báo đó không phải là những tác phẩm triết, chưa kể đó là những sách báo kém giá trị. Đọc để tìm tài liệu làm giàu thêm kiến thức, nên người đọc phải lựa những tác phẩm giỏi hơn mình. Và cũng thế, người tìm tài liệu cũng ưa học hỏi, đàm đạo với những người hơn mình, ít là trong một phương diện nào đó.
Đọc sách báo cũng như giao tiếp học hỏi với người khác, không nên chỉ lựa một chiều, nghĩa là chỉ tìm đến những người đồng ý kiến. Nhiều khi những người bất đồng ý kiến với mình lại giúp mình tìm những kiến thức mới. Sự va chạm giữa hai ý kiến đối nghịch làm nẩy ra sáng kiến theo luật biện chứng và biết đâu những ý kiến đối nghịch lại có những điểm rất đúng, đánh bại những định kiến ta vẫn đinh ninh tôn thờ. Chỉ đọc một loại sách của học phái mình, chỉ xem những sách báo của khuynh hướng mình, thì trí óc sẽ chỉ được mở mang trong một chiều hẹp hòi thiên lệch.

b. Ở mình.
Những kiến thức của người khác mà ta thu tập được dĩ nhiên là những tài liệu quí giá. Nhưng để xây dựng sự khôn ngoan của ta, những tài liệu đó phải được trở thành của ta. Nghĩa là nó phải được nhập tịch vào ta. Chính ta cũng là nguồn kiến thức phong phú. Với tri giác, cảm giác, trực giác, phán đoán, suy luận, con người tự tạo cho mình muôn vàn hiểu biết. Nếu biết dùng, thì khả năng đó có thể cung cấp nhiều hiểu biết giá trị.
Một cách gặt hái kết quả vừa dễ vừa thông thường, đó là quan sát.
Có thứ quan sát bằng giác quan, có thứ quan sát bằng tinh thần, tùy theo đối tượng quan sát và tài năng quan sát. Tuy nhiên, trong thực tế, cả hai cùng có mặt bên nhau, chỉ khác ở chỗ chức phận không đồng đều.
Đối tượng quan sát có nhiều, nhưng hay hơn cả là con người và cuộc đời. Mỗi người là một vũ trụ vô tận. Từ diện mạo đếm tính tình, từ thái độ đến ý hướng, từ lời nói đến thâm tâm, từ khuynh hướng đến tình cảm, từ ý chí đến lý trí, từ ý thức đến vô thức, vv... bao nhiêu là bí ẩn, bao nhiêu là thách đố. Đã hẳn chẳng ai có thể thấu hiểu tường tận được người khác, nhưng quan sát những gì có thể quan sát được về người khác sẽ giúp biết người và biết mình. Sự biết người khởi sự từ những quan sát đó. Quan sát một người để biết nhiều người, cũng như quan sát một người để hiểu một người. Sự so sánh đối chiếu những quan sát khác nhau sẽ dần dà đúc kết nên những nhận định tương đối vững chắc về một cá nhân nói riêng, và về một lớp người hay con người nói chung.
Con người không tách rời cuộc sống, nên quan sát con người thường cũng kéo theo quan sát cuộc đời. Cuộc đời ở đây có thể hiểu là những diễn biến của đời sống, những hình thái và chiều hướng của giòng đời, những va chạm giữa những cá nhân, tóm lại, là những thăng trầm biến đổi của thảm kịch nhân loại.
Đã hẳn, hiện tượng không phải là bản thể, và bề ngoài không phải là bề trong. Nhưng hiện tượng không đứng biệt lập. Cũng như bề ngoài không luôn luôn chỉ là mặt na. Nên quan sát hiện tượng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết siêu hiện tượng; và quan sát bên ngoài vẫn có thể đưa tới những hiểu biết bên trong. Và nếu kết luận được vẻ bên ngoài nào đó chỉ là mặt nạ, chứ không phản ảnh bề trong, thì kết quả đó cũng chính lại là một kết quả của quan sát.
Nhưng để việc quan sát được dễ hữu hiệu, người ta cần biết mình muốn quan sát gì. Quan sát tất cả một phạm vi bao la phức tạp như cuộc đời sẽ rất khó thành công. Nhưng nếu nhằm quan sát một số điểm nào rõ rệt thì đi dâu cũng chỉ tìm để ý cách riêng những mục tiêu đó. Việc quan sát sẽ khỏi bị phí phạm cho những phút lơ mơ vô định. Kết quả sẽ chắc chắn hơn. Chẳng hạn tôi đặt rõ mục tiêu quan sát cho tôi ít ra trong thời gian này là tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời của con người Việt Nam thời nay. Tôi quan sát xem đại đa số con người Việt Nam hiện nay gán cho cuộc đời ý nghĩa gì, cuộc đời của họ hướng về đâu? Nhằm mục đích đó, tôi sẽ chú ý quan sát trước tiên những biến cố lớn nhất của mỗi cuộc sống, xem người ta thường chú trọng hơn hết đến sự gì. Những biến cố lớn nhất đó sinh ra, chọn bậc sống, lập nghiệp và chết. Nhìn một trẻ thơ, một người thân yêu, nó mong ước gì cho tương lai nó? Trong hôn nhân, người ta ưa căn cứ những gì để chọn vợ chồng? Khi tổ chức cưới xin, hay tổ chức lễ mừng nào, người ta chú trọng thực sự đến mục đích nào? Khi chọn nghề, người ta ham chọn nghề gì? Tại sao? Cách lập nghiệp lương thiện hay bất lương. Đám tang thường được tổ chức cho người chết hay thực sự là cho người sống...? Thêm vào đó, tôi cũng sẽ để ý xem người ta thường xuyên lo lắng những gì hơn cả. Nhờ biết rõ mình muốn tìm hiểu gì và qua những gì, tôi sẽ dễ hướng dẫn quan sát của tôi.
Quan sát để tìm hiểu, nên vấn đề đúng sai không thể xem thường. Vẫn biết rằng trên đời này, đạt được sự thực tuyệt đối là điều khó, tuy nhiên không vì thế mà đành lòng chấp nhận một cách dễ dãi bất cứ cái gì có vẻ là đúng. Trong việc quan sát cũng vậy,  phải tránh cách làm việc vội vàng, thiếu sót. Quan sát thường nghiệm không đáng khinh, nhưng quan sát khoa học mới có giá trị với kiến thức triết học. Vì thế, người triết phải cố gắng quan sát thật tinh vi đầy đủ. Từ những ghi nhận thu lượm được không thể vội rút ra một kết luận quả quyết. Nhưng phải dè dặt đưa ra một hay nhiều ức-thuyết để cắt nghĩa. Sau đó lại tìm cách chứng nghiệm nhiều lần từng giả thuyết. Chỉ khi một giả thuyết nào không bị một nghi vấn nào phản đối lại, mới được kể là sự thật cắt nghĩa cho những hiện tượng đã quan sát.
Trong việc cắt nghĩa ngài hiện tượng ngoại giới, nhất là người khác, người ta không thể không nhớ tới những hiểu biết tìm được do sự quan sát chính mình. Suy ta ra người. Chính mình cũng là một đối tượng cần quan sát. Khi nói quan sát chính mình, ta thường hiểu là quan sát nội tâm hơn là bề ngoài của mình. Nội tâm không có gì khác hơn là đời sống trí thức, tình cảm và hoạt động. Giòng tâm linh chảy không ngừng. Nhưng, nếu chú ý người ta có thể quan sát được những hiện tượng phức tạp trong nội giới. Nếu sự hiểu biết mình này lại soi và những kinh nghiệm, thì càng trở nên phong phú. Kinh nghiệm là những gì ta đã cảm nghiệm được, không phải như một hiện tượng phù du, nhưng còn mở rộng và làm giàu kiến thức của ta. Sự ta cảm nghiệm được làm cho những kiến thức trừu tượng trở nên sống động. Nó sống trong ta, ta sống trong nó. Nhờ đó, ta hiểu và biết hơn tưởng suông. Tuy không thông đạt được, và khó dừng để minh chứng trong triết học, kinh nghiệm bản thân cũng vẫn là những tài liệu giá trị giúp kiểm chứng và suy đoán.
Tất cả những tài liệu trên đây, từ học hỏi, đọc sách đến quans át và kinh nghiệm đều được đón nhận vào tinh thần ta, để làm thành cái mà ta gọi là tư tưởng từ nghĩa thấp nhất đến nghĩa cao nhất. John Dewey xếp tư tưởng có bốn bậc. Theo nghĩa rộng nhất thì tư tưởng bao gồm tất cả những gì đi qua tinh thần ta. Trong trường hợp này, những tư tưởng đó không cần liên hệ luận lý nối kết lại, mà chỉ kế tiếp nhau như ngẫu  nhiên. Theo nghĩa hẹp hơn thì tư tưởng là những ý tưởng được nối kết với nhau theo một thứ tự, trước sau như nguyên nhân và hậu quả. Theo nghĩa thứ ba thì tư tưởng là ý kiến có căn bản để công nhận hay chối bỏ. Sau cùng, theo một ý nghĩa cao nhất, thì tư tưởng là những ý thức phản tỉnh, tư tưởng với sự chú ý suy xét về bản tính và nền tảng của tin tưởng. Nghĩa là tư tưởng kèm theo sự cứu xét những lý do, những chứng cớ có thể biện minh cho tư tưởng đó và những hậu quả luận lý của nó (John Dewey, comment nous pensons 1910, Flammarion, Ed. 1921, tr. 16-21).
Muốn cho các kiến thức tài liệu của ta được giá trị, ta phải gắng biến chúng thành tư tưởng theo trình độ cao nhất. Tất nhiên đó là kết quả của những cứu xét chặt chẽ, lâu dài và đích xác.
Một khi đã đem các tài liệu từ tình trạng rời rạc đến chỗ thiết lập được một hệ thống, thì đó chính là đã hiểu biết. Thực vậy, “nói chung, thì hiểu là kiết thiết một hình thức, một chiều hướng, một ý nghĩa bằng cách xếp đặt các ý tưởng tự chúng đã có sẵn một chiều hướng. Hiểu một sự vật, một tình thế, một ý tưởng là xếp nhập nó vào một hệ thống. Chính hệ thống này đã khả tri, vì là hệ thống các liên quan. Hiểu, trước hết là hệ thống hoá” (Henri Declacroix, Le language et la pensée, 1922, PUF., Ed. 1930, tr. 453...).
Do đó, đừng tưởng rằng trong việc hiểu biết, lý trí chỉ là khả năng thu hoạch. Vì thực sự, lý trí còn là khả năng khám phá, tổ chức và cấu tạo. Mặc dầu sơ khai, lý trí chỉ là một tấm bảng trơn chưa ghi gì, để rồi không gì sẽ ghi được vào đó mà không qua giác quan như Aristoteles chủ trương hay theo sự điều chỉnh của Leibnitz: “Không có gì ở trong lý trí mà trước đã không ở giác quan, trừ ra chính lý trí”. Nhưng khi khai triển những tài liệu giác quan, lý trí vẫn theo khuynh hướng tự nhiên căn bản của mình vươn tới siêu nghiệm và thiết lập một thế giới tư tưởng, trong đó những tài liệu cũ của giác quan chỉ còn là những bóng mờ thấp thoáng xa xôi trước những sản phẩm mới mẻ của tinh thần.
Những tư tưởng trình bày trên đây, tuy sơ lược, nhưng cũng đủ cho thấy làm triết đòi nhiều tài liệu, và tìm tài liệu là một công việc khó khăn. Khó ở chỗ chính mình phải có khả năng tìm và dùng tài liệu. Khó ở chỗ một phần còn tùy thuộc hoàn cảnh. Chẳng hạn không có thầy, không có sách, không đủ thời giờ. Trong hoàn cảnh đó, phải làm sao? Mỗi người có một lối giải quyết. Với số tài liệu đi mượn ít oi, có người vẫn xây dựng được tác phẩm giá trị. Nhưng đối với nhiều người đó chỉ là tham vọng dễ trở thành ảo vọng. Tất nhiên, theo đuổi ảo vọng không phải là khôn. Người học triết ít ra cũng biết khôn ở ngay điểm đó.
 
 

CHƯƠNG V: TỰ THỨC


Sống là hoạt động. Và hoạt động là vượt qua. Qua không tới có. Qua tiềm ẩn tới thể hiện. Riêng nơi con người, thì sự vượt qua này được thể hiện trong và nhờ một khuynh hướng căn bản tìm về tuyệt đối. Khuynh hướng này thúc đẩy con người làm việc. Nhưng vừa đạt được mục tiêu này, con người lại nghe tìm gọi về mục tiêu khác. Hình như mỗi mục tiêu chỉ là cái mốc trên con đường vô tận. Khát vọng tuyệt đối vẫn đẩy con người vượt qua không ngừng.
Nhưng có người vượt qua mà không tiến. Chỉ qua cái này tới cái kia, chứ không qua cái xấu tới cái tốt, cái ít giá trị tới cái nhiều giá trị.

VƯƠN TỚI TRƯỞNG THÀNH
Thứ vượt qua không tiến nơi trẻ em có thể bỏ qua,  nhưng nơi người lớn thì đó là một khuyết điểm. Có thể gọi khuyết điểm đó là một thứ ấu trĩ. Au trĩ vì thiếu ý thức, nhất là lại không ý thức được rằng mình thiếu ý thức. Sự thiếu ý thức đó làm cho nhiều người lớn sống trong tình trạng ngủ. Hay, đúng hơn, họ sống với tình trạng đứa trẻ. Tư tưởng hẹp hòi, nhận xét thiển cận, phán đoán nông nổi, hoạt động hấp tấp..., cái bi đát là ở chỗ trình độ đứa trẻ lại được sử dụng ở một người lớn, và người lớn lại coi trình độ trẻ con của mình là trưởng thành cùng cỡ như cái xác của mình.
Trước thảm cảnh này, người triết đi tìm chân lý và sự khôn ngoan cần thức tỉnh để khỏi rơi vào. Những suy tư triền miên với những tài liệu chất đống sẽ còn ý nghĩa gì, nếu không được dùng để giúp con người trở nên trưởng thành chín chắn. Vì thế, người triết cần làm việc với tinh thần tự thức.
Trước hết, người tự thức biết nghi ngờ mình, tự vấn mình xem còn những thứ ấu trĩ nào cần phải vượt qua. Biết đâu mình chẳng như đứa trẻ con đời như chẳng có vấn đề gì, chỉ biết những cái trước mắt, không quan tâm đến tiếng gọi của nhân loại, của đất nước, của nhân vị chính mình? Biết đâu mình chẳng như đứa trẻ chỉ mê tìm những thú vui giác quan, xa lạ với những thú vui tinh thần? Biết đâu mình chẳng như đứa trẻ chỉ biết đánh giá con người theo vẻ bề ngoài, mặc đẹp là giàu, giàu là sang, sang là giá trị nhất, hễ nói hay là giỏi, hễ viết nhiều là thông? Biết đâu mình đã chẳng như đứa trẻ dễ tin một cách ngây ngô, không cân nhắc, không dè dặt, không kiểm chứng, không tìm nguyên nhân, không đặt giả thuyết. Biết đâu mình chẳng như đứa trẻ không mấy khi làm chủ được mình, phải thúc đẩy mới chịu làm việc, phải bó buộc mới chịu suy tư?
Nếu thành thực với mình, con người tự thức sẽ thấy mình khó sạch được vết ấu trĩ. Nếu ý thức được điều đó, họ sẽ thấy chỗ nào cần phải vượt qua.
Sự vượt qua ưu tiên phải chọn là tự buộc mình đi tìm sự thực và những sự thực. Sự thực không hiện ra nguyên vẹn với hiện tượng. Cũng không có một sự thực đơn độc. Sự thực ăn rễ sâu dưới những gì giác quan nhận thấy và sự thực đầy đủ bao giờ cũng là một hệ thống gồm nhiều sự thực. Trí óc nhỏ hẹp không thấy, nhưng người triết ít ra cũng thấy cần phải tìm cho thấy. Sự tìm này không thể thuê khoán cho ai, như thể mình chỉ là nơi tiếp nhận sự thực chuyển giao. Người tự thức phải coi mình như chính người phải khai phá, sáng tạo, tìm tòi.
Ngoài ra, người tự thức cũng cần ý thức về những trở ngại trên đường dẫn tới trưởng thành. Có những trở ngại trực tiếp và trở ngại gián tiếp.
Trở ngại trực tiếp như trình độ kém mở mang của lý tri mình, sự ít được học về đường lối dẫn tới sự thực. Dù chủ trương có ba loại ý tưởng như R. Descartes: bẩm sinh, ngẫu lai và tác tạo, dù chủ trương tất cả ý tưởng đều do kinh nghiệm qua hai đường cảm giác và suy tư như John Locke, dù chủ trương có những ý tưởng bẩm sinh tiềm ẩn như  G.W. Leibnitz, dù chủ trương nội ý tưởng đều mang chất thể của kinh nghiệm hợp với yếu tố tiên thiên của lý trí như Kant, hay dù theo một chủ trương nào khác về nguồn gốc ý tưởng, thì cũng chẳng ai phủ nhận sự không đồng đều về trình độ trí tức cũng như về khả năng thông minh giữa các cá nhân. Nếu sự trưởng thành tinh thần tùy thuộc khả năng tinh thần thì sự thua kém tự nhiên về tinh thần là một trở ngại đáng kể nên trưởng thành. Tuy nhiên, trở ngại đó vẫn có thể thắng vượt được với ý chí kiên trì và phương pháp làm việc.
Ngoài ra trở ngại gián tiếp nội cũng đáng kể. Đó là tính tình, khuynh hướng, tình cảm và nếp sống của mình... Thí dụ người thuộc loại đa huyết dễ có lối phán đoán khác người thuộc loại thần kinh. Người giàu tình cảm thường có những nhận định khác người dửng dưng lạnh nhạt. Người quen sống bừa bãi cũng sẽ dễ suy nghĩ khác người quen nếp sống cẩn thận.
Thêm vào đó, còn có những trở ngại gián tiếp ngoại phải để ý tới. Đó là áp lực của đời sống vật chất và ảnh hưởng của xã hội cung quanh. Một đời sống vật chất phát triển không quân bình sẽ làm cho con người coi nhẹ suy tư. Sống vội để tận dụng vật chất thì còn gì cho tinh thần. Giá trị con người được định đoạt tùy theo giá trị sản xuất, thì giá trị tinh thần chẳng mấy chốc sẽ bị khinh miệt.
Còn xã hội, đáng lẽ phải giáo dục con người trưởng thành, thì thường lại giúp con người kéo dài tình trạng ấu trĩ. Chính xã hội cũng thường rất ấu trĩ. Xã hội rất dễ tin từ những tín điều đến những điều tầm bậy. Xã hội đón nhận dễ dàng và loan truyền vô ý thức mọi dư luận bất cứ phải sai. Xã hội hay xét đoán theo bề ngoài, thấy giàu thì ghét  thấy nghèo thì khinh. Cũng như đứa trẻ, xã hội coi căn bản thông thái là khéo nói và giá trị ở tại địa vị. Ngoài ra, xã hội đầy những giả tạo và lường gạt. Nhiều khi những giả tạo và lường gạt đó lại phát xuất do những người hướng dẫn xã hội. Bao lần lịch sử đã chứng kiến những cấp lãnh đạo sợ quần chúng trở nên trưởng thành, nên tìm mọi cách khôn khéo để giữ họ ở bậc ấu trĩ. Hoặc vì chính người lãnh đạo ấu trĩ nên không muốn ai hơn mình, hoặc vì họ nghĩ đám đông ấu trĩ càng dễ bảo, đang khi đám đông cũng tưởng người lãnh đạo càng ấu trĩ càng dễ lạm dụng. Thành ra không thiếu những xã hội ấu trĩ. Điều đáng buồn là đang khi có những đứa trẻ đã trở nên trưởng thành, thì xã hội vẫn ở bậc ấu trĩ, dù dưới hình thức mọi rợ hay dưới hình thức văn minh.

CHẤP NHẬN VƯỢT QUA
Ý thức về những trở ngại trên đây không được đưa con người vào dự tính buông trôi, chán nản. Trái lại, sự lựa chọn khôn ngoan nhất là chấp nhận chính mình. Chấp nhận cái thân phận và hoàn cảnh của mình. Nhưng đồng thời cũng chấp nhận vượt qua.
Sự chấp nhận này không có gì là quá đáng, nếu ta hiểu sự hiện hữu của con người. Hiện hữu của ta là thực hiện chính mình bằng hành động. Vì con người khác các sự vật thiên nhiên. Cây chanh tự nó sinh ra trái chua. Cây chuối tự nó sinh được quả ngọt. Chua hay ngọt, nó được thành hình đầy đủ do thiên nhiên. Giá trị của nó là tự nhiên, và là sự kiện ssẵn có. Còn con người thì khác. Thân xác con người là một giá trị, nhưng rất thiếu thốn. Sánh với loài vật, thì thể xác con người thua nhiều loài vật. Kém về sức mạnh, kém về dẻo dai, kém về giác quan vv... Nhưng chính vì kém, mà con người phải vượt qua thân phận thể xác để gọi tới tinh thần. Cả hai cùng nhau sẽ tác tạo những giá trị siêu việt như văn học, nghệ thuật, nhân đức. Những giá trị linh thiêng này mới chính là giá trị của con người đích danh.
Nhưng giá trị con người không phải là sự kiện có sẵn. Nó được đặt thành vấn đề. Và mỗi người phải giải quyết lấy. Những người đã giải quyết tốt đẹp hơn cả không phải là những người sinh ra đã đầy đủ sung sướng, nhưng là những người đã phải nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, hoặc về thể xác, hoặc về tinh thần. Giá trị tinh thần phải trả rất mắc. Nhưng giá trị đó chỉ được kết tinh dần dần qua những nỗ lực tìm kiếm không ngừng. Bước tiến trên đường trưởng thành tương đối cùng nhịp với sự băn khoăn và cố gắng.

DẤN THÂN
Như thế, tự thức cũng là tự muốn. Và tự muốn có nghĩa là tự dấn thân để tự làm lấy mình. Do đó, kiến thức ở đây không còn nằm ở lãnh vực trừu tượng lý thuyết nữa, nhưng nó là một thứ tự thức thực tiễn và sống động. Thực tiễn là sống động là phải thực có trong cuộc sống và phải qui về việc giải quyết cuộc sống. Không phải cuộc sống trừ tượng, trống không, nhưng là một cuộc sống của tôi, của bạn, của nó, với những hoàn cảnh khác biệt và thực sự của cuộc sống đó. Cuộc sống tự nó đã là một thực tại chằng chịt những vấn đề. Thế những những cái mà cuộc sống phải đụng chạm nhiều khi lại bị người triết bỏ rơi. Những cái con người phải lo âu nhiều nhất, thường khi vẫn là những khắc khoải cô đơn. Không gặp được ai giúp giải quyết. Còn gì quen thuộc với cuộc sống bằng đau khổ, yêu thương , ghen ghét, tham lam và chết chóc. Còn gì sống động hơn những lo âu về chiến tranh hòa bình, hạnh phúc. Nhưng những thực tế đó mấy khi được tìm hiểu. Đang khi đó, người ta lại chỉ biết quanh quẩn với một số vấn đề lý thuyết ngàn xưa xa vời.
Ngoài ra, hoàn cảnh của cuộc sống cũng đặt ra bao nhiêu vấn đề sống động. Con người không thể đứng ngoài ảnh hưởng của kinh tế, giá trị, văn hoá và tôn giáo. Nếu những thực tại đó biến đổi theo thời gian và không ngừng biến  đổi con người, thì người tự thức không nên nhắm mắt trước những biến đổi đó. Nhất là khi những biến đổi đó lại đang gây thành những cơn lốc khủng hoảng đe dọa cả một thế hệ.
Chính trị khủng hoảng, khi những cuộc đời chưa tới hai mươi tuổi cũng đã đủ kinh nghiệm chán chường về thân phận người dân qua những chính trị muôn mặt.
Kinh tế khủng hoảng, khi những cuộc sống đã phải lê lết suốt mấy chục năm dài trên một cái thang giá cả mỗi ngày mỗi bắc lên cao.
Luân lý khủng hoảng, khi giá trị đau đớn ngàn xưa bị đảo lộn một cách thê thảm.
- Trước kia thì:   - Nhưng nay thì:

1. Đạo đức          1. Tiền
2. Học thức         2. Địa vị
3. Gia đình          3. Sức khoẻ
4. Tình yêu         4. Tình yêu
5. Sức khoẻ         5. Gia đình
6. Địa vị     6. Học thức
7. Tiền       7. Đạo đức

Trí thức khủng hoảng, khi những người có bằng cấp đã trở nên quá yếu đuối trước những vấn đề khẩn cấp và rộng lớn của cuộc đời. Họ cũng khó đủ sống như ai. Họ cũng chẳng đạo đức hơn người khác. Họ cũng chẳng có hành động nào đặc biệt giúp giải nguy thời cuộc hơn những người ít học. Ngay trong lãnh vực văn hoá, họ thường cũng chỉ trí thức khập khiễng, hoặc không biết đủ trong phạm vi chuyên môn của mình, hoặc lại quá dở về những gì ngoại phạm vị chuyên môn.
Tôn giáo khủng hoảng, khi tôn giáo đã quá chú trọng tới hình thức, và đã chỉ rút về khai thác những vấn đề cao siêu xuất thế, hay nói nhiều làm ít, tránh né dấn thân vào việc giải quyết những vấn đề sôi bỏng của thời cuộc, để rồi sau cùng trở thành một tôn giáo hình thức, lý thuyết và đứng ngoài thời cuộc.
Tư tưởng khủng hoảng, khi các phương tiện truyền thông của thời văn minh vận chuyển tới cho con người khắp nơi mọi thứ tư tưởng, không còn biết phân biệt đâu là sự thực, đâu là sai lạc.
Triết học khủng hoảng, khi nhiều người triết đã khoác trên mình thái độ khinh đời, chỉ biến chất đống ngổn ngang trong óc những tư tưởng mông lung kỳ quái, nó những danh từ kỳ dị, bàn về những vấn đề không ăn chằm gì tới cuộc nhân sinh làm cho người ta dễ có cảm tưởng họ là một thứ thượng lưu trí thức.
Sống trong những hoàn cảnh như trên, người tự thức phải tỉnh táo nhìn rõ những vấn đề cần phải đặt ra. Cũng như phải đón trước những gì sẽ xảy tới. Và như thế, biết bao điều đang được chấp nhận như một tập quá, một nề nếp, một cơ cấu sẽ cần phải xét lại. Đừng đợi tới khi hiện tại sụp đổ, mới nghĩ tới việc cứu xét, lúc đó sẽ quá muộn, và không còn gì là khôn.
Thế nhưng, nhiều người nằm trong vấn đề mà không nhìn thấy vấn đề. Không phải vì lười biếng nhưng vì đã đánh mất bản thân. Bản thân của họ đã bị lấp vùi dưới những bản thân nguỵ tạo do ảo tưởng xã hội. Bản thân nguỵ tạo tung hoành trong họ, và càng ngày càng lo vun đắp cho cái nguỵ  tạo của mình. Vì thế, đáng lễ họ hoạt động để thành người, thì lại càng làm cho mình không thành người. Ý thức được nguy cơ đó, người triết không khỏi giật mình nhìn lại chính mình. Và họ sẽ đặt chính mình thành vấn đề ưu tiên, để khởi đầu từ đó, đi tới những vấn đề mật thiết với cuộc sống. Với tự thức và trong chiều hướng đó, người triết hy vọng sẽ tìm được những sự thực trong sáng vạch lối cho thực hành hữu ích. Nhưng chân lý này sẽ đem lại cho con người sự tự do quí giá nhất, đó là tự do lãnh nhận trách nhiệm vượt tới những giá trị cao đẹp nhất của bậc trưởng thành cao độ.
Nếu triết học giúp con người đạt được điều đó, thì vấn đề ích lợi của triết học đã được giải đáp từ căn bản vậy.

 

CHƯƠNG VI:  TRIẾT ĐẠO


Tự thức là cố gắng của người triết. Cố gắng đó cũng thấy nơi người hành đạo. Triết học tìm hiểu toàn diện đời sống con người. Đạo cũng đặt cuộc đời thành vấn đề, để tìm cho nó một hướng đi, một ý nghĩa. Triết học là con đường tìm về chân lý. Tôn giáo cũng là con đường dẫn về sự thật. Theo những phương diện này, cả hai cùng là đạo, nếu hiểu đạo là đường.
Nhưng đạo và triết tuy giống nhau mà cũng khác nhau. Đặc biệt ở chỗ đạo dựa vào thế giá giáo quyền và thần linh, nên nặng tính cách giáo điều. Còn triết thì tính chất thuần lý.
Triết cũng có niềm tin. Nhưng niềm tin của triết không giống đức tin tôn giáo. Tin của triết là quyết định tín nhiệm những lời cắt nghĩa nào đó, mà chính mình chưa thể chắc chắn nhờ kinh nghiệm hoặc lý lẽ của riêng mình. Tất nhiên, niềm tin đó phải có bảo đảm. Chính nhờ đó mà niềm tin triết học có giá trị hơn niềm tin thông thường.
Niềm tin của triết học không những chấp nhận có mầu nhiệm mà tự sức mình không hiểu thấu, mà cũng còn chấp nhận dấn thân sống trong niềm tin đó trong thực hành. Cả hai niềm tin đó dựa trên niềm tin ở uy tín cá nhân của nhân vật mà mình nhận là đáng tin. Tin vì có lý để tin. Không ai sống nỗi trong xã hội mà không có vô số niềm tin. Nếu niềm tin trong giao tế thường đầy những yếu tố phi lý trí, mà không vì thế trở thành vô lý, thì phương chi niềm tin của triết học có nhiều tính chất dè dặt, khôn ngoan và nhiều lý trí hơn.
Một niềm tin triết học như thế dễ đưa tới niềm tin tôn giáo. Đôi khi cả hai hòa trộn mật thiết thành một. Nơi nhiều người, thật là khó phân biệt niềm tin của họ có phải là thuần túy triết học hay đã là niềm tin tôn giáo. Họ lập luận cho một số chân lý, nhưng phải chăng những chân lý đó đã được họ tn bằng đức tin tôn giáo, trước khi được minh chứng bằng lập luận triết học. Và như thế, phải chăng những lập luận triết học đã được chỉ hướng sẵn để làm công việc hữu lý hóa những kết luận đã được chấp nhận trước khi triết học minh chứng.

LÝ DO ĐẶT VẤN ĐỀ
Những thắc mắc đó và nhiều thắc mắc khác có thể đặt ra cho mối tương quan giữa triết và đạo. Do đó, nhiều người không ngần ngại phân biệt hai thứ triết: triết đời và triết đạo. Mặc nhiên người ta hiểu triết đời là triết học thuần lý và mở rộng, còn triết đạo là triết học gắn liền với giáo điều và chỉ thu hẹp trong đó.
Ý kiến nhận có một triết đạo, lại được củng cố thêm bởi sự nhận xét thấy những nét riêng biệt của triết học trong tôn giáo. Như chương trình triết dạy ở các trường tôn giáo thường khác với chương trình triết ở các đại học chính phủ. Mấy sách giáo khoa triết dùng tại đó cũng thường không giống các sách dùng trong các trường ngoài. Chứng chỉ triết do các trường tôn giáo cấp không luôn luôn được chính quyền công nhận. Trái lại, các giáo sư triết chỉ có bằng cấp triết học của đại học chính phủ lại không luôn luôn được coi là đủ khả năng để dạy triết trong các phân khoa triết tại các trường tôn giáo.
Ngoài ra, một số tác phẩm triết cũng đã mang mầu sắc tôn giáo ngay trên tựa đề của mình. Như triết lý Phật giáo của Phan Văn Hùm. Thế giới quan Phật giáo của Thích Mật Thể (Vạn Hạnh 1967), Elementa Philosophiae Christianae của BM. Mariank (Taurini Romoe, 1932), La Philosophie Chrétienne au moyen Age của J. Maritain (Paris 1933), Pensée moderne et Philosophie Chrétienne của Raymont Vancourt (Paris 1959), Le Problème de la Philosophie Catholique của M. Blondel (Paris 1932) vv...
Những điều gọi là tôn giáo trong những triết học đó nhiều khi rất khó phân biệt với giáo điều, có khi chỉ là những trích lược các triết gia của tôn giáo đó hoặc chỉ là kinh kệ hay đường lối tu thân của đạo. thành ra tính từ “đạo” thêm vào danh từ “triết” đã gán cho triết nhiều ý nghĩa mông lung. Sự kiện đó không khỏi làm băn khoăn nhiều người.
Vì thế, vấn đề đã được đặt ra. Cuộc tranh biện đã rất sôi nổi, kéo dài nhiều năm và lôi kéo được sự tham gia của nhiều triết gia tên tuổi.
Năm 1928, Emile Bréhier đọc ở Bruxelles ba bài diễn thuyết với đề tài “Có một triết học Kitô giáo không?”. Sau nhiều lý lẽ, ông dứt khoát trả lời: “Người ta không thể nói tới một triết học Kitô giáo cũng như không thể nói có một khoa toán lý hóa Kitô giáo”.
Không lâu sau, E. Gilson phát biểu ý kiến chống. Theo ông thì triết học đã hẳn không phải là thần học, nhưng có thể có một triết học Kitô giáo diễn tả một cái nhìn thần học về triết học. Hơn nữa, ông đã đưa vấn đề ra trước đại hội triết học Pháp ngày 21 tháng 3 năm 1931. Rất nhiều ý kiến đã được trao đổi.
Năm 1933, vấn đề này lại được đem ra bàn cãi tại đại hội triết học thánh Thomas. Điểm đáng chú ý nhất trong cuộc tranh luận này là hầu hết các nhà tân kinh viện của Louvain đã đứng về phía ý kiến chống chủ trương có một triết học Kitô giáo theo nghĩa hẹp. Giáo sư Van Steenberghen quả quyết: “Triết học và thần học đi theo hai hướng khác biệt, một đàng đi lên Thiên Chúa, một đàng từ Thiên Chúa xuống. Không thể có một thứ thứ ba vừa xuống vừa lên, tức một triết học vừa thuần lý vừa Kitô giáo được”.
Chống lại chủ trương trên, có những lý luận rất mạnh của Et. Gilson, M. Blondel, J. Maritain và nhiều triết gia sáng giá.
Tuy nhiên, vấn đề không vì thế mà được giải quyết. Vì thực sự trong triết học có vấn đề nào mà chẳng có những ý kiến khác nhau. Nếu thế, thì khi đặt vấn đề này ở đây, ai dám có tham vọng đưa ra một giải quyết cho vấn đề. Nếu muốn có một giải quyết, thì giải quyết đó chỉ là một sự lựa chọn của riêng mình và cho riêng mình. Ích lợi của sự đặt vấn đề không ở chỗ giải quyết vấn đề cho bằng ở chỗ ý thức được những lý do nên đặt vấn đề và những quan tâm thận trọng của các bậc thức giả đối với vấn đề, cũng như sự cố gắng mà vấn đề kêu gọi nơi ta, để dành cho nó một chỗ đứng.
Vấn đề đụng chạm tới tôn giáo. Và tôn giáo trong nhiều hoàn cảnh xã hội lại là vấn đề rất tế nhị, có thể gây ra những hiểu lầm hay những lạm dụng đáng tiếc. Vì thế, để xác định vấn đề, chúng tôi tự ý giới hạn trong công giáo mà thôi.
Vấn đề sẽ là: “Có một triết học Công giáo không?”. Câu hỏi coi như đã rõ, nhưng thực ra vẫn mơ hồ. Vì thế nào là một triết học Công giáo? Nếu mỗi người hiểu mỗi cách, thì ý tưởng có thể giống nhau, nhưng sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Vì thế, thiết tưởng nên phân biệt từng ý nghĩa để rồi tìm hiểu và giải đáp liền sau đó.
Nghĩa thứ nhất: Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã chuẩn bị cho đạo Công giáo.
Nếu hiểu như thế, thì tất nhiên phải hỏi lịch sử xem lúc đạo Công giáo tới trong thế gian, tình trạng triết học đang như thế nào?
Thới đó, nước Do Thái và các nước rộng lớn chung quanh rất quen thuộc với những trào lưu tư tưởng phát xuất từ Hy Lạp. Có thể giản lược các trào lưu đó và bốn triết thuyết.
Triết thuyết Platon, Aristoteles nghiêng về việc trau dồi lý trí, ham mộ tìm hiểu chân lý và bản thể vạn vật. Mục đích là tìm sự khôn ngoan. Nhưng không chỉ nhằm vào việc tìm hiểu mà còn sống đời đạo đức.
Học phái Stoikoi chú tâm giữ tâm hồn thanh thản, bằng cách diệt đam mê. Họ cổ võ tình đoàn kết nhân loại, tin tưởng ở luật quan phòng và sống đời khổ hạnh.
Học phái Skoptikos chủ trương phải tìm kiếm không ngừng (đúng nghĩa Skopsis là tìm). Họ cho rằng cái gì cũng có phải trái, đúng sai. Nên họ hồ nghi tất cả. Nhưng hồ nghi hoài là điều không thể được trong đời sống thực tế, nên họ bám víu vào lưu truyền, tập tục và kinh nghiệm nội tâm.
Học phái Mustikoi ham mê bàn luận tới những mầu nhiệm và những mạc khải bởi trời. Họ tin Thượng Đế trao các  bí mật cho các tinh tú, nên họ tôn thờ mặt trời, trăng sao và khảo cứu chiêm tinh để bói toán.
Những nét trên đây khảo lược một thế giới tư tưởng nhiều màu sắc. Khi đạo Công giáo tới, thế giới đó không thể thiếu phản ứng.
Những người của triết thuyết Platon, Aristoteles vốn ham mộ suy tư và ưa đạo đức thấy mình rất dễ tìm được ở đạo mới những tư tưởng anh em.
Những người của Stoikoi nhận thấy đạo mới có phần nào giống của mình trong niềm tin ở Đấng quan phòng, ở Đấng Logos nối kết nhân loại với Thượng Đế, ở sức mạnh của luật luân lý.
Những người Skoptikos tuy không dễ tin giáo lý đạo mới, nhưng một khi họ quan tâm đến sự thanh sạch tâm hồn để tìm trong đó những kinh nghiệm nội tâm, thì sự chú trọng đó cũng giúp đưa họ lại gần tôn giáo mới.
Những người Mustikoi tin sẵn vào một Đấng tối cao và ham mê tìm hiểu mạc khải, sẽ không dửng dưng với những mầu nhiệm của đạo mới.
Như thế, xem ra triết thuyết nào không nhiều thì ít cũng đã có thể đưa tới đạo mới. Việc dẫn tới này, nếu được gọi là việc chuẩn bị, có phải là một lý do nghiêm chỉnh để gọi các triết thuyết trên là triết học Công giáo không?
Thiết tưởng việc chuẩn bị như thế không phải là yếu tố đủ để mang tên Công giáo. Trong tiến trình lịch sử, các sự kiện gặp nhau là điều thường. Thời nào và nơi nào cũng có nhiều điều tốt. Những điều tốt có trước dọn đường cho những điều tốt có sau. Nhưng không vì thế mà điều có trước được khoác vào mình màu sắc của điều tới sau.
Thực ra triết học nào và tôn giáo nào cũng có thể gọi được là chuẩn bị cho đạo Công giáo, vì những triết và đạo đó không thiếu những điều lành. Nhưng nếu chỉ vì thế mà gọi những thực thể đó là Công giáo, thì thực là tức cười.
Ngoài ra, nếu những triết thuyết nói trên đã phần nào có thể giúp người ta tới đạo mới, thì đồng thời cũng đã trở thành những nguy cơ không nhỏ cho chính đạo mới đó.
Với những thiên kiến và mặc cảm tự tôn, nhiều người trong họ, thay vì nâng đỡ và hợp tác, đã chỉ tìm cách hạ giá và huỷ diệt đạo mới. Trong nhiều trường hợp do ảnh hưởng của triết thuyết mình, họ đã cắt nghĩa sai giáo lý đạo mới. Như Numério, Albinô phân biệt ba cấp bậc trong Thiên Chúa, Gornutô đồng hóa Đấng Logos với thần Hermes và Hêrakles...
Như thế, gọi những triết thuyết đó là triết học Công giáo được sao?
Nghĩa thứ hai: Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã làm nên đạo Công giáo.
Trong lịch sử, người ta có thể nói về một triết học Cộng Sản theo nghĩa đó. Vì triết học Marx Lénine đã làm nên Cộng Sản, để rồi Cộng Sản lại quay sang xây dựng và phát triển triết học Marx Lénine. Nhưng nơi đạo Công giáo, người ta không làm được một sự kiện tương tự.
Đạo Công giáo không do một triết học nào làm nên. Vì Công giáo là đạo bởi trời, đạo do mạc khải.
Trong Kinh Thánh, danh từ “triết học” đã được nói tới chỉ có một lần, mà nói tới là để khuyên giáo dân đề phòng. Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy coi chừng, kẻo có ai dùng triết lý và mánh khóe giả dối theo truyền thống loài người, theo những yếu tố dương gian chứ không theo Chúa Kitô, mà lường gạt anh em” (Cl 2,8).
Một vài chỗ thánh Phaolô có dùng ít tiếng giống kiểu nói triết học thời đó. Như tại hội đồng thương nghị ở Athène, ngài nói thần bất minh và trích một câu thơ của Cléanthore hay Aratus: “Vì ta sống, ta động, ta có đều do Ngài, như xưa có mấy nhà thi sĩ các ông nói rằng: chúng ta cũng là tông giống Ngài” (Cv 17,28).
 Chỗ khác, ngài đã có một quan niệm rất quen thuộc của thuyết Stoikoi, khi ngài nói: “Vì rằng từ hồi mới có vũ trụ, những tác phẩm của Chúa đã làm cho ta hiểu được những thuộc tính vô hình của Chúa, từ là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài” (Rm 1,20).
Còn thánh Gioan đã mở đầu Phúc Âm Ngài bằng những lời đầy hương sắc của triết Hy. Ngài nói tới Logos, mà Logos là một thực thể được bàn tới rất nhiều trong triết Hy Lạp. Theo Hêrakles, Logos là lửa vật chất chi phối tương lai vạn vật. Theo môn phái Platon, Logos là linh giới, nơi trú ngụ của ý tưởng. Theo học phái Stoikoi, Logos là sức mạnh tổ chức vũ trụ, là lý trí giống như Thượng Đế. Theo Gnostikos, Logos là sứ thần của Đấng Tối Cao, là vị mạc khải. Ông Philon, triết gia thành Alexandrie, gốc Do Thái, sinh 20 năm trước Chúa Cứu thế, có lúc đã quan niệm Logos như một con người lý tưởng, hình ảnh Thượng Đế, được tạo thành trước vũ trụ.
Tuy nhiên, sự có mặt của một số danh từ hay ít nhiều tư tưởng triết phái trong Kinh Thánh không đủ làm chứng rằng giáo lý của thánh Phaolô, của thánh Gioan hay của Tân Ước là triết học Platon hay học phái nào, và triết đó đã làm nên đạo Công giáo. Tư tưởng là phổ quát. Chân lý không thuộc của riêng ai. Trên đường đi tìm chân lý, lớp người đông đảo, dù xa lạ nhau, vẫn có thể gặp nhau trong một quãng đường. Nhưng gặp nhau và gần nhau đôi bước chưa gọi là ảnh hưởng sang nhau, huống hồ là căn cớ tác thành nên nhau.
Nghĩa thứ ba: Gọi là triết học Công giáo, một triết học mở sang thế giới siêu nhiên.
M. Blondel đã quan niệm như thế trong cuốn Le Problème de la Philosophie catholique (Paris 1932). Theo ông, khi người triết suy tư và phân tách nội tâm một cách sâu xa nghiêm chỉnh, họ sẽ cảm thấy tính cách không trọn vẹn và không thể nào trọn vẹn của những công việc tự nhiên của mình. Họ sẽ khám phá thấy một khoảng trống mênh mông như một vực thẳm, nhìn vào phải chới với. Khoảng trống đó kêu gọi một cái gì ngoài khác hơn bậc sống tự nhiên của con người. Suy tư, triết học đó sẽ tự thú về sự bất túc của thân phận con người. Sự tự thú đó cũng đồng nghĩa với niềm khát vọng một tình trạng siêu việt. Một triết học như thế đã hẳn không thể đưa lại siêu nhiên, và cũng không thay thế được siêu nhiên. Nhưng nó khuyến cáo con người không được dừng lại ở một triết học lý gián khỏi tôn giáo.
Vì những tư tưởng trên, người ta đã gọi quan niệm của M. Blondel về triết học Công giáo là: “Une philosophie de l'insuffisance humaine”.
H. Dumery, trong cuốn “Blondel et religion” (Paris 1933) đã giải thích ý của thầy mình một cách tinh vi khôn khéo. Ông viết: “Đối với người triết, siêu nhiên là một giả thuyết cần thiết. Chỉ có thần học mới có thể bàn về thực tại của siêu nhiên, Blondel, với tư cách triết gia không đòi phải có siêu nhiên, nhưng ông đòi siêu nhiên là điều phải có thể có. Chính giả thuyết về siêu nhiên, chứ không phải thực tại về siêu nhiên, là điều kiện làm nên một hữu-thể-luận tự nhiên” (tr. 18).
Những tư tưởng của Blondel không khỏi ảnh hưởng giáo sư Roger Mehl, một tác giả Tin Lành, khi ông viết cuốn: “La condition du philosophe Chrétien” (Neuchâtel, 1947). Trong một giai đoạn, ông đã viết: “Chúng ta đừng gọi là triết học Kitô giáo một triết học dùng những đề tài hoặc những gợi ý của Kitô giáo. Vì một triết học như thế vẫn có thể là một triết học hoàn toàn ngoại đạo. Nhưng chúng ta hãy gọi là triết học Kitô giáo một triết học của những người biết rằng Nước Trời đã gần, và mọi sự rồi sẽ được đổi mới, một triết học của những người chuẩn bị trong suy tư triết học để đến với Nước Trời đó”.
Những ý kiến trên và những ý kiến tương tự, mặc dầu rất sâu sắc, nhưng vẫn bị nhiều triết gia coi là không vững. Vì một triết học mở sasng siêu nhiên không nhất thiết phải là một triết học Công giáo hay Kitô giáo. Nếu một tôn giáo khác nhận có siêu nhiên, thì bất cứ triết học nào mở sang siêu nhiên cũng có thể mang tên tôn giáo đó.
Đàng khác, chỉ vì tính cách mở sang siêu nhiên mà triết học đội tên là Công giáo, thì tính từ đó quả là ngoài quá. Nó không nói lên được một cách đầy đủ vai trò của nó trong triết học nó mang tên.
Nghĩa thứ bốn: Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã chịu ảnh hưởng của đạo Công giáo.
Những ảnh hưởng đó có thể khác nhau về loại và về hình thức, về phẩm và về lượng. Ơn thánh hộ lực lý trí cũng gọi được là một ảnh hưởng. Một vấn đề bắt nguồn từ tôn giáo cũng có thể gọi là do ảnh hưởng tôn giáo. Mỗi triết thuyết có một hệ thống và đường lối giải quyết theo tinh thần đạo cũng gọi là chịu ảnh hưởng của đạo. Đạo cung cấp tài liệu để lý trí suy tư và minh chứng cũng gọi là ảnh hưởng.
Chữ “ảnh hưởng” quá rộng và hiểu được nhiều cách, nên kết luận có thể sẽ rất mơ hồ và có khi trở thành kỳ quặc. Vì nếu theo nghĩa này, thì người ta cũng sẽ có lý để gọi triết Descartes và Kant là triết học Kitô giáo vì nhiều vấn đề các ông bàn tới rõ ràng là do tinh thần Kitô giáo. Người ta cũng sẽ có lý để gọi triết vô thần của Voltaire, Rousseau, Heidegger, và J.P. Sartre là triết học Công giáo, vì tuy toàn thể triết thuyết của họ là vô thần, nhưng không thiếu những chi tiết, những vấn đề, những tư tưởng bắt nguồn từ giáo lý công giáo. Tòa nhà tuy mới mẻ, nhưng vô số viên gạch xây tòa nhà đó là những viên gạch mượn của Công giáo.
Vì tính cách hàm hồ của danh từ “ảnh hưởng” nên thiết tưởng khó có thể chấp nhận được ý nghĩ này trong danh xưng “triết học Công giáo”.
Nghĩa thứ năm: Gọi là triết học Công giáo, một triết học đã do Công giáo làm nên.
Theo chiều hướng này, Etienne Gilson đã viết: “Une philosophie mérite vraiment ce titre (philosophie chrétienne) il faut que le surnaturel descende, à titre d’élément constitutif non dans sa texture, ce qui serait contradictoire, mais dans l'oeuvre de sa constitution. J'appelle donc philosophie chrétienne toute philosophie qui, bienque distinguant formellement les deux ordres, considère la révélation chrétienne comme un auxiliaire indispensable de la raison” (L'Esprit de la philosophie médievale, Paris, 1944, tr. 32-34).
Quan niệm trên đây mô tả khá đúng hình thái của triết học thịnh hành bên Tây trong những thế kỷ đầu tới giữa thời Trung cổ. Trong các tác phẩm triết thời đó, người ta khó tìm được một ranh giới rõ rệt giữa lý trí và đức tin.
Thánh Justin, một trong những triết gia đầu của Công giáo, đã chủ trương nếu triết học là hành trình đi tìm chân lý, thì đối với ngài, chân lý thực ra là một sự được trao lại bằng chứng nhân, chứ không do một sự cắt nghĩa, bởi sư sáng kiến của người tìm. Theo ngài, triết học thực là lời chính các tiên tri. Các ngài đã không dùng lý luận minh chứng về chân lý nhưng chính các ngài đã làm chứng cho chân lý. Những biến cố quá khứ và hiện tại sẽ thúc đẩy con người chấp nhận lời con người nói (đối thoại với Tryphon).
Quan niệm của thánh Justin nói lên kinh nghiệm bản thân của ngài, vì ngài đã tốn bao năm suy tầm chân lý, nhưng vô ích. Sau cùng, ngài đã gặp một nhà hiền triết lão thành nói cho ngài nghe về chân lý. Nhà hiền triết đó là một người Công giáo.
Mặc dầu đề cao Công giáo, thánh Justin không bao giờ chủ trương ngoài Công giáo không có chân lý. Theo ngài, thì triết học ngoài công giáo cũng có nhiều chân lý, nhưng công giáo thì có đầy đủ. Lý do là vì Logos vốn soi sáng tâm trí con người của mọi thời, và phân phát chân lý cho mọi dân trong mọi thế hệ. Sự khôn ngoan của Hêrakles, của Socrates hay của các nhà hiền triết khác đều do Logos mà có. Nhưng nơi Chúa Giêsu, thì Logos được hoàn toàn sung mãn. Logos chính là cái lý trí mà loài người được tham gia. Ai sống theo lý trí, đó sẽ là người khôn ngoan.
Sự suy diễn trên đây đã dẫn đưa triết học của các giáo phụ vào hệ thống Platon.
Cùng một dòng tư tưởng như trên, thánh Augustin có lần đã viết cho Julien: “Xin ông cho phép tôi được nghĩ là triết học ngoại đạo không đáng kính bằng triết học Kitô giáo. Duy chỉ có triết học này là triết học thực, nếu thực sự chữ Philosophie có nghĩa là khôn ngoan” (Contra Julianum, lib, 4, n-7). Theo tinh thần đó, người ta có thể hiểu được tại sao thời Trung cổ có những khẩu hiệu như: Vera philosophia est vera religio, credo ut intelligam.
Một điều nên ghi nhận ở đây là thánh Augustin chính là người đầu tiên trong lịch sử đã dùng danh xưng “philosophia christiana” để gọi triết học của ngài.
Cũng như thánh Justin, ngài không phủ nhận giá trị triết học ngoài công giáo. Ngài chỉ coi những triết học đó là không hoàn bị. Trong bộ Confessiones quyển 7, có đoạn ngài viết: “Triết gia giống như những sứ giả đứng trên đỉnh núi cao, họ nhìn thấy quê hương ở đàng xa, nhưng không thể nhận ra được con đường đi tới đó. Nhiệm vụ của họ không phải là đi tới đích. Mặc dầu họ có tài, họ vẫn ở sát đích điểm. Về phương diện này, họ khác địa vị người Kitô giáo. Họ cố gắng hết sức để tới gặp mạc khải. Nhưng họ tiến lên bằng sức riêng mình, nên họ không thế nào tìm được và thay thế được mạc khải”.
Những tư tưởng trên đây đã nói lên được sự khác biệt giữa triết học gọi là đời và triết học gọi là đạo, theo đó, triết đạo là một triết có liên hệ tới đức tin, và là một triết học dẫn đưa tới chân lý hoàn bị.
Nhưng ở đây một vấn đề mới tất nhiên phải được đặt ra, đó là mối liên hệ giữa triết học và đức tin. Mỗi bên ở một địa vị khác hẳn nhau. Triết học dùng lý trí tự nhiên, đức tin dựa vào siêu nhiên. Như thế, một triết học hòa hợp với đức tin phải chăng là một mâu thuẫn.
Các nhà tư tưởng Công giáo trong những thế kỷ đầu vốn nhận thức điều đó. Nhưng các ngài không đặt thành vấn đề. Và vì nhấn mạnh đến ý nghĩa nguồn gốc của phisosophie là ái mộ khôn ngoan, nên các ngài cho triết học hoàn bị phải là triết học công giáo, trong đó đức tin giữ một vai trò tác thành rõ rệt. Đọc tư tưởng của thánh Justin và thánh Augustin, người ta sẽ thấy rõ điều đó.
Sang thời phục hưng, Giám Mục Pierre Damien, địa phận Ravenne, đã ví triết học như một người đầy tớ của tôn giáo. Ngài là người sáng tạo ra khẩu hiệu Philosophia ancilla Theologiae. Nhưng danh từ philosophia dùng ở đây được ngài hiểu về biện chứng pháp của luận lý hơn là các môn khác. Tuy gọi là ancilla Theologiae, nhưng triết học vẫn bị ngài miệt thị, và cho là một môn khoa nguy hiểm hay dùng lý luận và danh từ để làm xáo động đức tin.
Trái lại, tu sĩ Lanffranc lại coi triết học một khoa thích hợp để trình bày tín lý.
Tư tưởng đó được thánh Anselme Canterbury khai triển trong tác phẩm Proslogion cũng mang tiểu tựa đề là Fides quaerens intellectus. Nhưng đặc biệt đáng để ý hơn nơi thánh Anselme là chính ngài là người thứ nhất chủ trương triết học phải đứng độc lập khỏi thần học. Trong Monologion, ngài quan niệm rằng: một người có trí khôn bình thường, dù ít được giáo dục, nếu để tự sức mình, vẫn có thể tìm được Thiên Chúa. Nếu họ không tìm được  tất cả chân lý, thì ít ra cũng tới được một phần khá quan trọng. Ý kiến đó của ngài được trình bày rõ hơn trong Proslogion. Theo ngài, thần học là sức mạnh ở trong dòng tư tưởng, còn triết học là sức mạnh ở ngoài. Hai bên tuy hỗ trợ nhau nhưng khác nhau hoàn toàn.
Đến lượt thánh Thomas d’Aquin, thì sự phân biệt đó trở nên dứt khoát. Theo ngài thì triết học là việc của thuần lý, và sức mạnh của nó căn cứ vào lập luận đưa tới sự minh bạch, hiển nhiên của lý tự nhiên. Bản chất của nó khác hẳn đức tin. Cuốn Summa contra Gentiles mặc dầu ngài viết để bênh đạo, nhưng lập luận là thuần lý theo một đường lối hoàn toàn triết học, mà người ngoài công giáo cũng chấp nhận.
Qua các tư tưởng thuộc các khuynh hướng như trên từ thánh Anselme đến thánh Thomas d’Aquin, người ta dễ thấy đức tin không còn được coi là một yếu tố tác thành cho triết học. Khuynh hướng đó được nhiều thiện cảm qua các thời đại đó đến nay.
Như vậy muốn tìm một triết học đã do đức tin Công giáo làm nên theo tính cách cấu tạo, thì tốt hơn, nên tìm trong mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội trước thánh Anselme.
Nghĩa thứ sáu: Gọi là triết học Công giáo, một triết học hợp với giáo lý Công giáo với sự hợp tác tiêu cực của đức tin.
Ngay từ những thế kỷ đầu, các nhà tư tưởng Công giáo đã coi hai học phái Platon và Aristoteles là những triết học có thể thích hợp cho việc trình bày và minh chứng giáo lý. Quả thật, từ xưa tới nay, Platon và Aristoteles vẫn là những khuôn mặt sáng chói, những bậc thầy uy tín trong lịch sử triết học. Thế giá của triết học họ bao trùm đặc biệt những thế kỷ đầu cho đến hết thời Trung cổ.
Nhưng nếu chỉ vì thích hợp với giáo lý Công giáo mà gọi những triết học đó là triết học Công giáo, thì quả là quá đáng. Tuy nhiên, khi những triết học đó được phong phú hóa bởi những kiến thức mới do nguồn mạch Công giáo cung cấp và vốn giữ nguyên vẹn được đặc tính triết học, thì thiết tưởng triết học đó có thể gọi được là hợp với Công giáo.
Đức tin lúc đó chỉ đứng như một tiêu chuẩn tiêu cực, nghĩa là không xen vào nội bộ của triết học, nhưng chỉ giúp người triết đừng đi sai tín lý. Được đức tin khuyến cáo khi người triết lỡ có những kết luận sai lầm để có thể tự mình xét lại. Họ sẽ khám phá thấy những sơ hở của đường dây lập luận, hay của hệ thống quan sát. Và họ cũng sẽ nhận ra cần một phán đón không phải chỉ có thể sai đối với mạc khải, mà đồng thời cũng lỗi luôn với chân lý. Một triết học được sự hợp tác như vậy của đức tin vẫn không thay đổi gì về bản chất, nó vẫn là một môn khoa hoàn toàn của lý trí tự nhiên.
Độc lập không có nghĩa là chối từ hợp tác. Nếu triết học nhận được sự hợp tác của các môn khoa khác như xã hội hội, vật lý học, sinh vật học, y học vv... mà không vì thế mất đi tính cách độc lập của mình, thì không lẽ khi hợp tác với mạc khải, triết học lại có mặc cảm bị nuốt hết bản thể. Nhất là khi sự hợp tác nói đây chỉ có tính cách hoàn toàn tiêu cực.
Độc lập cũng không có nghĩa là phải xấc xược với Thượng Đế để bằng cách đưa ra những nhận định loại trừ Ngài, hay xúc phạm tới đạo lý Ngài. Như thể muốn độc lập thì phải đối lập.
Độc lập cũng không có nghĩa là coi Thượng Đế như không. Nếu chủ trương triết học là phải xa hẳn bất cứ cái gì nói tới và đưa tới Thượng Đế, thì đã tự hạ giá triết học của mình. Vì nếu triết học đã tự nhận là truy tầm sự thật, và tìm hiểu toàn diện đời người, mà không đem lại được một nhân sinh quan và vũ trụ quan đầy đủ, thì còn gì là mục đích triết học. Nhưng nếu triết học đó có thể dẫn con người tới nguyên lý sau cùng là Thượng Đế, thì tại sao lại không dám tự nhận chững chạc trọng trách đó?
Quan niệm về một triết học Công giáo hiểu theo nghĩa thứ sáu này có thể vừa tôn trọng bản chất triết học, vừa dành cho tĩnh từ “Công giáo” một ý nghĩa đúng đắn. Với ý nghĩa này người ta có thể gọi triết học của thánh Bonaventura, của Suarez, của Don Scot, và của thánh Thomas d’Aquin là triết học Công giáo. Thiết tưởng đó cũng là ý nghĩa phải hiểu về tiếng “triết học Công giáo” trong thông điệp Aeterni Patris của Đức Lêô XIII. Tuy rằng có thể, nhưng có nên dùng danh xưng đó hay không lại là vấn đề khác.
Nghĩa thứ bảy: Gọi là triết học Công giáo, một triết học được Giáo Hội Công giáo đề cao và cổ vũ.
Đạo Công giáo không phải là một triết học. Giáo quyền Công giáo không là một triết học riêng, cũng không hề bắt buộc  tín đồ phải theo một môn phái nào nhất định. Nhưng vì có nhiệm vụ hướng dẫn, giáo quyền đã nhiều lần tỏ ý kiến của mình về một triết học xét là thuận lợi.

A. Trước hết, người ta thấy Giáo Hội nhiều lần khuyến khích học triết học kinh viện. Dưới đây là mấy văn kiện chính thức:
- Thông điệp Triumphalis của Đức Giáo Hoàng Sixtô V.
- Thông điệp Auctorem fidei của Đức Giáo Hoàng Piô VI.
- Thông điệp Aeterni Patris của Đức Giáo Hoàng
Lêo XIII.
- Thông điệp Pascendi của Đức Giáo Hoàng Piô X.
- Thông điệp Studiorum ducem của Đức Giáo Hoàng Piô XI.
- Thông điệp Humani generis của Đức Giáo Hoàng
Piô XII.
Thế nào là Philosophia scholastica?
Theo nguyên tự, thì thời xưa Scholasticus là thầy dạy bảy nghề tự do, triết và thần. Thời nay danh từ này chỉ về người chuyên về triết và thần thời Trung cổ. Triết kinh viện có những đặc tính sau đây:
- Kitô giáo, nghĩa là có sự hợp tác của đức tin.
- Nền tảng Aristoteles đã được tẩy rữa và phong phú hóa bởi các giáo phụ và nhất là nhờ thánh Thomas d’Aquin.
- Lưu truyền bởi các vị thế giá đi trước mặc dầu vốn hoan nghênh những ý kiến mới mẻ, nhưng kinh viện chú trọng đặc biệt tới những nền tảng và phương pháp lưu truyền.
- Phương pháp biện chứng riêng, đặc biệt là tam đoạn luận.

B. Triết học kinh viện có nhiều triết gia lỗi lạc. Nhưng người ta thường nhắc tới thánh Thomas d’Aquin như một triết gia xuất sắc nhất. Vì thế, không thiếu những văn kiện Toà Thánh đề cao và cổ võ việc học thánh Thomas d’Aquin.
Giáo luật (cũ) khoản 136 §2 viết: “Philosophiae rationalis et theologiae Studia alummorum in his disciplines institutionem professores omno pertractent ad Angelici Doctoris rationem, doctrinam et principia, eaque sancte teneant”.
Đức Giáo Hoàng Lêo XIII cũng đã ca tụng học thuyết thánh Thomas d’Aquin bằng những lời cao quý nhất: “Inter scholasticos doctores, omnium princeps et magister, long eminet Thomas Aquinas, qui veteres doctores sacros qui sum veneratus est, ideo intellectum omnium quodam modo sortitus est. Illorum doctrinas, velut dispersa cujusdam corporis membra, in unum Thomas collegit et coaugmentavit, miro ordine digessit et magnis incrementis ita audauxit ut Catholicae Ecclesiae singulare praesidium et decus jure mori que babeatur...” (Aetorni Patris).
Đức Giáo Hoàng Piô XI cũng dành cho học thuyết thánh Thomas một lòng ngưỡng mộ hiếm có: “Nos vero hec tanta divinissimo ingenio tributa paeconia sic probanus, ut non modo Angelicum sed etiam Communem et Universalem Ecclesiae Doctorem appellandum putemus Thomam, cujus doctrinam, ut quam plurimis in ommi genere litterarum monumentis téstata est, suam Ecclesia fecit” (Studiorum ducem).
Đức Piô XII cũng đã tận tình khuyên nhủ học thánh Thomas: “Ea est Auvinatis sapientia... quae ad dogmata fidei declaranda et defendenda maxime aptetur ea est quae grassates primarios errores cujusvit temporis efficentur valeat arcere et invicte debellare. Quapropter animum afferte plenum amoris et Studii S. Thomam: totis viribus incumbite ad lucentiam ejus doctrinam intellectu perspiciatis, quidquid ad eam manifesto pertinet et tuta ratione ut praecipium in ea habeatur, libenter amplectemini  (Sermo Solemnis Conventus, AS, 1939, 246).
Tất cả những lời khen trên đây đều nói trống về học thuyết thánh Thomas. Người ta có hiểu về cả triết học lẫn thần học của ngài.

C. Mới đây, khi đề cập tới việc dạy triết tại các Đại Chủng Viện, Công Đồng Vatican II đã không nói một tiếng nào về học thuyết thánh Thomas d’Aquin hay của kinh viện. Khi nhắc tới thần học Công Đồng nêu đích danh thánh Thomas như một tôn sư cần phải học hỏi, còn khi nói tới triết học Công Đồng chỉ khuyên nên đưa theo gia sản “philosophia perennis”.
Có thể coi đây là một thái độ dè dặt khôn ngoan của Công Đồng. Trong một thời mà thế giá của triết học kinh viện và thánh Thomas không còn được tôn kính như xưa.

PHILOSOPHIA PERENNIS LÀ GÌ?
Người đầu tiên dùng danh xưng này là tu sĩ Augustin Stetuco (1496-1540), do tựa đề một cuốn sách của ông: “De perenni Philosophia libri X” (1950). Trong đó, ông cố gắng minh chứng mọi triết học thời xưa đều chứa đựng chân lý không những tự nhiên và còn siêu nhiên nữa.
Trong “Présence totale”, ông Lavelle hiểu Philosophia perennis là những nguyên tắc cản bản triết học bất di bất dịch trong mọi đời, và được coi như là việc chung của nhân loại (tr. 20).
Trong Philosophiae scholasticae Summa (Bibliotheca de Auctores Christianos, Hispania, B.A.C, 1957), các tác giả đã định nghĩa Philosophia perennis là “một tổng hợp những chân lý nền tảng, những qui luật về tư tưởng và hành động, thường đã được khởi sự, tăng cười và củng cố bởi những đại triết gia của Hy Lạp La Mã ngày xưa, bởi các giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh, bởi triết học kinh viện tới triết học tân kinh viện và triết Kitô giáo. Những chân lý đó nhờ chính sự minh bạch tự nhiên vốn có sẽ dễ tới đến những người thiện chí, và được mạc khải siêu nhiên củng cố thêm vững mạnh” (tr. 26-27).
Như thế, có ba triết thuyết đã được Giáo Hội đặc biệt đề cao và cổ võ: triết học kinh viện, triết học thánh Thomas d’Aquin, và triết học ngàn đời. Nhưng việc đề cao và cổ võ trên đây có đú lý do để gọi những triết học đó là triết học Công giáo không? Thiết tưởng không đủ. Vì những sự cổ võ đề cao đó chỉ là những yếu tố ngoại, không dự phần nào trong việc làm nên những triết thuyết đó. Được khen hay bị chê thì những triết thuyết đó vẫn có mặt trên đời với tất cả hệ thống đầy đủ. Nếu chỉ vì lời khen mà thành của mình, thì việc chiếm đoạt trở thành quá dễ.
Tới đây, chúng ta thấy việc xác định ý nghĩa cho triết học Công giáo không phải là không khó khăn. Một điều rõ rệt phải nhận là trong lịch sử đã có một triết học mang tên đó với những đặc tính riêng biệt. Đó là triết Tây thời Trung cổ. Một điều khác cũng rõ rệt là từ xưa cho tới bây giờ danh từ “triết học Công giáo” đã không luôn luôn được hiểu theo cùng một ý nghĩa.
Như thế, chúng ta có thể chấp nhận sự kiện có một triết học Công giáo trong quá khứ. Và đó là chuyện triết sử. Còn bây giờ có nên dùng danh xưng “Công giáo” để gọi một triết học nào đó hay không, thì thiết tưởng nếu không có lý do mạnh hơn những lý do đã nêu trên, thì không nên.

 

CHƯƠNG VII: VATICAN II VỚI TRIẾT HỌC


Trong tuần báo “L'Osservatore Romano” có đăng một bài dài với một tựa đề hấp dẫn: “La philosophie après le Concile”. Ai quen chấm luận triết học chắc khó có thể hài lòng khi đọc xong bài đó. Thắc mắc lớn nhất là không hiểu tác giả đã dùng cái tựa đề “triết học sau Công Đồng” theo nghĩa nào?
Nếu hiểu là ảnh hưởng của Công Đồng trên triết học, thì thực là lạc đề. Vì nội dung bài đó không nói một lần nào tới Công Đồng trong lãnh vực triết.
Nếu hiểu Công Đồng như một cái mốc lịch sử, để rồi qui định những vấn đề bàn tới trong bài như là những trào lưu xuất hiện sau Công Đồng, thì cũng không đúng. Vì vấn đề tác giả bàn tới đã được đặt ra từ lâu trước Công Đồng. Vấn đề đó là: tương quan giữa chủ thể và khách thể theo duy tâm , duy vật và hiện sinh. Nhưng vấn đề đó cũng đã cũ như Hégel, Karl Marx và Heidegger.
Nếu “Triết học sau Công Đồng” phải hiểu là một đường hướng mới của triết học sau Công Đồng, thì cũng không chỉnh. Vì nếu có một đường hướng mới sau Công Đồng cho triết học, thì đó là việc của một thứ triết học nói riêng, chứ không phải của cả triết học nói chung.

Giới hạn vấn đề.
Vấn đề “triết học sau Công Đồng” quả là một đề tài quá rộng. Đề tài rộng thường hàm súc. Hàm súc là gồm nhiều. Gồm nhiều thì phải bàn nhiều. Không thể bàn nhiều thì phải hạn định. Không hạn định là thiếu khôn ngoan. Mà thiếu khôn ngoan đâu có phải là hợp với tinh thần triết học. Chính vì thế mà vấn đề “triết học sau Công Đồng” nếu muốn bàn tới, thì cần phải được xác định trong những đường ranh rõ rệt.
Để tìm một đường ranh giới, chúng ta thấy câu hỏi hợp lý phải đặt ra trước tiên là: “Giữa triết học và Công Đồng có liên quan gì với nhau không?”. Muốn trả lời thì chỉ có hai cách: một là đọc tài liệu triết, hai là đọc tài liệu Công Đồng. Đọc sách báo triết, thì chẳng thấy nói gì tới Công Đồng Vatican II cả. Sự vắng mặt của Công Đồng trong các tài liệu triết là hợp lý, vì triết học tự nó đứng ngoài tôn giáo. Đọc các tài liệu Công Đồng, thì thấy Công Đồng có nói tới triết học. Nói tới, chứ không bàn luận. Nói với tư cách nhà giáo dục, chứ không với tư cách triết gia. Đoạn văn quan trọng nhất về triết nằm trong sắc lệnh: “Optatam totius” có thể gọi đoạn văn đó là một chỉ thị của Công Đồng về triết học trong chương trình huấn luyện linh mục. Mặc dầu chỉ thị đó chằm trực tiếp các đại chủng viện, nhưng tinh thần của nó có liên quan rộng lớn tới mọi linh mục. Tìm hiểu nó không phải việc thừa. Vì thế, vấn đề bàn tới ở đây sẽ giới hạn trong việc “tìm hiểu chỉ thị Công Đồng Vatican II về triết học trong chương trình huấn luyện linh mục”.

Liên đới triết học với thần học.
Trong phần nói chung về các môn học Giáo Hội, Công Đồng ước mong môn triết học phải liên kết chặt chẽ và cộng tác nhịp nhàng hơn với thần học. Khi nói lên ước vọng đó chắc chắn Công Đồng đã thấy: một đàng dây liên lạc đó rất cần, nhưng một đàng nó vẫn còn lỏng lẻo. Bỏ quên liên lạc đó là một thiệt thòi lớn. Tại sao? Thưa vì để hiểu mạc khải, thần học cũng dùng đến tư duy và lý luận chính là đặc điểm của tinh thần triết. Tín lý cũng như luân lý vẫn không đứng ngoài cái lý. Phải có lý  mới đáng tin đáng giữ. Việc nhận xét có lý hay vô lý là điều triết học có thể giúp đỡ rất nhiều. Ngoài ra triết học cũng có thể dùng quan sát và lập luận đi từ hữu hình đến vô hình, để đưa một số kết luận giống mạc khải của thần học. Ngược lại, thần học cũng đặt ra cho triết học nhiều vấn đề phải suy tư, tìm tòi.
Như vậy, hai khoa thần học và triết học tuy độc lập, nhưng vẫn kêu gọi hỗ tương. Nếu có sự lạnh nhạt hay cảnh: “trống đánh xuôi, kèm thổi ngược”, thì không do bản tính các khoa đó, mà do người dạy các khoa đó. Hoặc họ không có kiến thức sâu rộng về triết và về thần, hoặc họ không quan tâm đặt môn dạy vào một chương trình tổng hợp rõ rệt.

Chỉ thị chính thức.
Cũng trong chương trình tổng hợp, Công Đồng đã đưa ra một chỉ thị chính thức về môn triết trong chương trình huấn luyện linh mục như sau:
“Nên dạy triết thế nào để in sâu vào chủng sinh trước hết một tri thức vững chắc và liên kết về con người, vũ trụ và Thiên Chúa. Muốn được thế, nên dựa trên gia tài của 'triết học muôn đời', đàng khác cũng nên để ý tới những khảo cứu nói về triết, nhất là những trào lưu ảnh hưởng lớn trong nước cũng như những tiến bộ khoa học thời mới. Nếu chủng sinh biết rõ tinh thần thời đại, họ sẽ được chuẩn bị thuận lợi hơn để đối thoại với người đồng thời.
“Triết sử phải được dạy thế nào, để các chủng sinh sau khi nhận định được những nguyên tắc cuối cùng của từng hệ thống có thể giữ lại những gì xét ra là đúng, và khám phá ra những gốc rễ những sai lầm để rồi phi bác.
“Ngay chính cách dạy triết cũng phải gây nơi chủng sinh lòng ham mộ chân lý. Và chân lý phải được tra tìm, quan sát và minh chứng một cách gắt gao. Đồng thời phải dạy sao để họ ý thức được một cách lương thiện giới hạn tri thức của con người. Nên chú ý nhiều tới dây liên hệ nối kết triết học với các vấn đề thực sự của đời sống và với những mối bận tâm của học trò” (O.T. 15).
Chỉ thị chỉ có thế. Rất vắn nhưng phong phú.

Đối tượng của triết học.
Trong câu đầu, Công Đồng đã đề cập tới đối tượng của triết học. Đối tượng đó là con người. Không phải con người trừu tượng, nhưng là con người cụ thể. Tìm hiểu con người, đó là việc làm của triết học. Nhưng tìm hiểu là một cách nhìn xem. Nhìn xem một vật là nhìn xem vật đó với các vật khác tiếp cận với nó. Nó ở với, ở giữa, ở trong, ở liền với những cái khác. Ta chỉ nhìn thấy nó khi đồng thời cũng nhìn thấy các sự chung quan nó. Tìm hiểu một đối tượng cũng thế. Phải nhận ra những yếu tố chằng chịt trong nó, quanh nó. Cho nên tìm hiểu con người là tìm hiểu những gì liên quan tới con người.
Vậy nếu sống là phải sống với đời, thì đời cũng phải được tìm hiểu cùng với con người. Vì thế, Công Đồng nói tới vũ trụ như một đối tượng sau con người. Tuy nhiên, tri thức triết học phải tuy tầm tới nguyên lý sau cùng, nên tri thức về “người ở đời” không thể dừng lại ở “đời ở người”. Tìm xa mãi, người ta sẽ tới cõi siêu việt, và khám phá ra tạo hóa như một thực thể uyên nguyên, và cứu cánh của con người cũng như vũ trụ. Do đó, Thiên Chúa cũng là một đối tượng mà Công Đồng muốn triết học phải vươn tới.
Lãnh vực từ con người tới Thiên Chúa thực là rộng lớn. Nhiều triết gia không chấp nhận, họ gạt bỏ Thiên Chúa và đôi khi cả vũ trụ ra ngoài. Nhưng đó là những lối nhìn một mặt. Ngược lại, Công Đồng đã chọn một lối nhìn tổng hợp, để thiết lập một nhân sinh quan đủ mọi chiều hướng.
Tính cách khoa học của tri thức triết học.
Nhân sinh quan đó là một cái nhìn tổng hợp, nên không thể là một mớ nhận định rời rạc. Nó phải xây dựng thành một hệ thống, các phần phải gắn bó với nhau, mạch lạc, khăng khít. Vì thế, Công Đồng muốn tri thức triết học về con người, vũ trụ và Thiên Chúa phải là một thứ hiểu biết liên kết.
Thêm vào đó Công Đồng muốn tri thức đó phải thực vững chắc trong triết học? Tất nhiên không phải tính cách vững chắc chủ quan. Vì lực hiểu biết của mỗi người mỗi khác. Tri thức của một người dễ tin xem ra vững chắc. Nhưng cái vững đó thường dựa trên tầm thức non yếu của họ. Thế đâu phải là vững thực. Nó sẽ trở thành không vững khi tinh thần người đó tiến triển. Cái vững mà Công Đồng nói ở đây chính là vững chắc khách quan. Vững vì có chứng. Chắc vì có lý. Những chứng lý do quan sát lập luận đưa ra dựa trên những sự kiện và nguyên tắc minh bạch.
Vì vững chắc và liên kết, nên tri thức triết học mà Công Đồng nói đây đáng gọi là tri thức khoa học. Tất nhiên, chỗ này khoa học phải hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là tất cả những tư tưởng đã được nghiên cứu kỹ càng và xếp thành hệ thống.

Nguồn tài liệu.
Nhưng làm thế nào để có một tri thức triết học như vậy? Học ở người, hay tìm ở mình? Suy kỹ, ta thấy nguồn gốc triết học là ở mình. Muốn có tri thức triết thì chính mình phải suy tư, chính mình phải tìm hiểu. Tuy nhiên, điều đó không cấm ta nhờ tài liệu người khác. Tư tưởng của người là một trợ giúp quý giá và thường cần thiết. Miễn là những tư tưởng đó sẽ chỉ được trở thành của ta, sau khi đã qua được sự phê phán thấu đáo tinh vi.

a. Trên tinh thần đó “Công Đồng giới thiệu với ta một nguồn tài liệu triết học phong phú, đó là triết học mệnh danh là "philosophia perennis”. Tại sao triết học đó được hân hạnh này? Chính bởi vì nó có thể bảo đảm cho ta một tri thức vững chắc và liên kết về con người, vũ trụ và Thiên Chúa. Thực như thế không? Người khôn có quyền đặt nghi vấn. Nhưng đã muốn khôn, thì chính mình nên thí nghiệm xem sao. Mà thí nghiệm loại này là phải học đến nơi đến chốn. Không biết thấu đáo một triết thuyết, mà dám phê bình triết thuyết đó, thì không phải là một phê bình nghiêm chỉnh đáng quan tâm. Nếu chính mình không thể học đến nơi đến chốn triết thuyết đó, nhưng thấy nó đã gây được nhiều thành tích xây dựng và được nhiều nhà tư tưởng bênh đỡ, thì thiết tưởng cũng có đủ lý do để không coi thường nó được.

b. Công Đồng coi Philosophia như nền tảng, nhưng không tự phụ cho là hoàn bị, nên đã khuyên ta lưu tâm đến các khảo cứu mới về triết học. “Mới” ở đây có một ý nghĩa rất tương đối, một trào lưu có thể rất mới đối với người này, nhưng lại rất cũ với người khác. Thí dụ: tại Pháp đang khi triết mốt mới bây giờ là thuyết cơ cấu của Levy Strauss, thì tại Việt Nam, vẫn coi là mới những triết thuyết như hiện tượng luận của Ed. Husserl, hình tâm học của Werthmeir, phân tâm học của Freud, hiện sinh thuyết của Heidegger, Jasper, Marcel và J.P. Sartre. Và đối với nhiều người, có khi phải kể cả thuyết duy tâm của Kant, duy lý của Descartes và biện chứng pháp của Hégel và Karl Marx. Trào lưu nào cũng có điều đúng. Biết được hết thì càng hay, nhưng nếu không thể biết hết, thì nên để ý đến ít là những trào lưu đang có ảnh hưởng lớn hơn trong nước.

c. Ngoài ra, Công Đồng cũng lưu ý ta tới những tiến bộ khoa học thời mới. Khoa học ở đây hiểu là khoa học thực nghiệm. Tại sao Công Đồng khuyên điều đó? Triết có phải là khoa học đâu. Thưa đã hẳn triết và khoa học là hai môn biệt lập. Khác nhau về đối tượng và về phương pháp. Nhưng biệt lập mà không đối lập. Nếu triết nhân bản hóa khoa học, thì khoa học cũng giúp triết hiểu rõ con người hơn. Muốn hiểu tinh thần con người cụ thể, cần phải để ý tới yếu tố sinh lý và vật lý, tức là phải nhờ tới khoa học. Thí dụ: tiến bộ y học giúp khoa tâm lý nhìn nhận rõ khu tiềm thức và vô thức nơi con người. Đàng khác, tiến bộ khoa học cũng đặt cho triết học nhiều vấn đề phải giải quyết. Thí dụ: những khám phá của khoa địa chất học và cổ vật học có thể minh chứng sự vật bắt nguồn từ vật vô sinh không? Thuyết biến hóa và biến chủng có thể nhờ đó mà đứng vững được không?
Đúng hay sai, tất cả những tiến bộ khoa học và trào lưu triết học mới đều có ảnh hưởng xa gần đến tinh thần con người thời đại. Biết được những cái đó mới hiểu được con người thời đại. Mà hiểu được con người thời đại thì mới dễ nói chuyện với họ.

Môn triết sử.
Nhưng đời sống tinh thần không phải chịu ảnh hưởng của tư tưởng thời đại, mà nó cũng thường mắc nợ những tư tưởng đã đi vào lịch sử. Vì thế, sau khi ám chỉ khoa tâm lý học, vũ trụ luận và thần luận, Công Đồng đã đề cập tới môn triết sử. Trong một đoạn văn vắn vỏi về triết, triết sử được nhắc tới một cách minh nhiên như htế, kể cũng có địa vị lắm. Đúng như địa vị đã được nói tới trong tông hiến Deus Ccientiarum và các sắc lệnh áp dụng (ngày 24/5 và 12/6/1931). Tông hiến này chia các môn triết ra làm ba thứ: môn chính, môn phụ và môn đặc biệt. Triết sử xếp vào các môn chính. Vì thực sự, xét về công dụng tinh thần học sinh, thì môn triết sử vừa quan trọng lại vừa cần thiết. Không nói chi tới cái ích “Ôn cố nhi tri tân” mà ngay một sự triết sử cho thấy tư tưởng triết học đã có sức mạnh thế nào trên nhân loại cũng đủ thấy chỗ đứng của triết sử không phải là thấp.
Nhưng học cho thấu đáo từng triết thuyết cũng như quan điểm của từng triết gia trong cùng một trường thuyết là việc rất khó. Mà xét ra cũng chẳng cần. Điều cần là nhận định được trong một triết thuyết cái gì là nền, cái gì đúng, cái gì sai. Đồng ý với người ta để công nhận một điều là đúng thì thường không khó lắm. Nhưng bảo cái gì là sai mới thực rất cần phải dẫn chứng. Vì thế, việc phủ nhận một nguyên tắc, một tư tưởng còn phải chăm chú tra tầm từ nguồn. Thí dụ: Phái Duy Nghiệm chủ trương rằng: chỉ nên nhận cái gì thực rõ rệt. Chỉ nên coi là thực rõ rệt những cái gì có thể thí nghiệm được. Cái gì thí nghiệm được phải là cái có thể đo lường được, cái đo lường được là vật chất và chỉ có thể là vật chất. Vậy Thiên Chúa không phải là vật chất. Mà nếu không phải là vật chất thì không thể đo lường được. Mà không đo lường được thì không thí nghiệm được. Mà không thí nghiệm được thì không rõ rệt. Mà không rõ rệt thì không nên chấp nhận. Có lẽ chỉ nhiều người giật mình nhận thấy điều sai khi nghe phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng sai đâu ở chỗ đó. Câu phủ nhận chỉ là câu kết ăn khớp với lập luận trên. Nên nếu phủ nhận câu phủ nhận đó, cần phải khảo sát từ những nguyên tắc đầu tiên của chủ thuyết.

Những điều kiện căn bản của tinh thần triết.
Những nguyên tắc và lập luận rất là quan trọng nên Công Đồng sau đó đã viết ở đoạn kết như sau: “Ngay chính cách dạy triết cũng phải gây nơi chủng sinh lòng ham mộ chân lý. Và chân lý phải được tra tầm, quan sát và minh chứng một cách gắt gao. Đồng thời cũng dạy sao để họ ý thức được một cách lương thiện giới hạn tri thức của con người”.
Nếu không lầm, thì ở đây Công Đồng đã ám chỉ luân lý và những điều đại cương của một tinh thần triết. Triết học là ái mộ khôn ngoan. Khôn ngoan đòi phải hiểu biết. Nếu ái mộ khôn ngoan thì phải hiếu tri. Hiếu tri không phải là hiếu kỳ. Đối tượng của hiếu tri là chân lý. Nên đã hiếu tri tất phải trân trọng chân lý.
Nhưng Công Đồng không muốn ta đón nhận một thứ chân lý dọn sẵn. Cũng không muốn ta trở thành một cái máy ghi âm chỉ biết tồn trữ tư tưởng người khác. Phải hiếu tri một cách tích cực mới được: trước hết là tra cứu ở sách vở, tư tưởng người khác “Bác học chi, thẩm vấn chi”: học cho rộng, hỏi cho kỹ. Nhưng “học nhi bất tri tắc võng”: học mà không suy thì như không. Và “tận tín thư bất như vô thư”: tin sách quá chẳng bằng không có sách. Nến lúc tra cứu cần đến suy tư rất nhiều.
Thêm vào đó, hiếu tri cũng phải dùng quan sát để nhận chân sự thực. Quan sát bằng nội quan cũng như bằng ngoại quan. Bằng đường lối thường cũng như bằng phương pháp khoa học. Với quan sát, và tra cứu, người ta đã có nhiều tài liệu để kê khai mô tả. Nhưng cách đó không đủ để thuyết phục chân lý. Cần phải dùng minh chứng nữa, mà minh chứng nòng cốt trong triết học là lập luận, mọi thứ lập luận có mạch lạc, chặt chẽ không bằng dẫn chứng các câu danh nhân nhưng bằng lý luận.
Tuy những phương pháp triết học trên đây có hoàn hảo tới đâu, cũng không tự mãn cho mình có đủ sức cắt nghĩa được hết mọi sự. Cũng không dám có tham vọng thuyết phục được hết mọi người. Nếu điều đó giúp người ta khiêm tốn nhận ra cái giới hạn tri thức của mình thì cũng là một điều khôn ngoan đáng kể lắm.

Triết học với đời sống cụ thể.
Tuy nhiên cái khôn ngoan của người học trj không phải chỉ là cái khôn ngoan nằm trong lý thuyết. Họ để tri và tri để hành. Nên Công Đồng khuyên:
“Nên chú ý nhiều tới dây liên hệ nối kết triết học với các vấn đề thực sự của đời sống và những mối bận tâm của học trò”.
Đoạn văn trên đây của Công Đồng có một màu sắc thời đại rõ rệt. Đã hẳn, triết học thời nào cũng nhằm đối tượng là con người với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó. Nhưng nếu triết học thời Platon - Aristote nhấn mạnh đến việc tìm hiểu vũ trụ, và triết thời Descartes và Kant quan tâm hơn đến việc tìm hiểu tri thức, thì đặc điểm của triết thời nay là nghiệm xét con người cụ thể, con người sống trong hoàn cảnh, con người ý thức tự do nhưng lại không sao trốn tránh được những vấn đề của đời sống. Nghĩa là con người nằm trong vấn đề. Trốn không được thì chỉ còn có cách là nhìn vào nó để tìm giải quyết nó. Trong việc giải quyết này, triết học có thể đóng một vai trò quan trọng.
Đã hẳn, triết chỉ có tư tưởng, không có tiền, có súng, nhưng sức mạnh của tư tưởng triết học nhiều khi tực là kinh khủng. Vì tư tưởng chỉ huy hành động. Hành động  bao gồm mọ khía cạnh của đời sống. Ý niệm triết học về con người và về đời người sẽ nhuộm màu tất cả các tư tưởng về phong hoá, văn học, chính trị, kinh tế. Những tư tưởng đó có thể trở thành nên ý thức hệ vững chắc dàn thành trận chiến tinh thần, đôi khi biến thành chiến tranh đẫm máu. Đoạn văn sau đây của Karl Marx là một thí dụ: “Khí giới vật chất của trj học là giai cấp vô sản, khí giới tinh thần của cấp vô sản là triết lý. Cái đầu của phong trào giải phóng là triết lý, quả tim của nó là giai cấp vô sản. Không thanh toán vô sản thì không thực hiện được triết lý. Không thực hiện được triết lý thì không thanh toán được vô sản”. Vì thế trong trận chiến của Việt Nam hiện nay, chiến tuyến vô hình của Cộng Sản chính là ý thức hệ đem triết học Marx Lénine biến thành hành động.
Nếu một triết lý duy vật có sức trói buộc đời người vào những vấn đề phải sinh tử như thế, thì lẽ nào triết học mệnh danh là “triết học muôn đời” lại không giúp gì được cho những vấn đề thuộc phần rỗi. Vì thế Công Đồng đưa ra lời khuyên sau này là:
“Hãy nhận ra những dây liên lạc giữa những vấn đề triết học với những mầu nhiệm cứu rỗi, mà thần học sẽ bàn tới dưới ánh sáng đức tin”.
Những dây liên lạc đó không phải hiếm. Nhưng để nhận ra tất nhiên, giáo sư triết cũng phải là người không xa lạ với thần học. Lời khuyên trên đây của Công Đồng cho ta thấy rõ tính cách tổng hợp trong chương trình giáo dục của Công Đồng. Nó hướng môn triết về mục đích rõ rệt là giúp con người đạt được hạnh phúc đời đời.
 

Tác giả: + GB. Bùi-Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây