Suy Tư của Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần Bài 2201-2250

Thứ ba - 22/06/2021 22:55
Suy Tư của Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần Bài 2201-2250
Suy Tư của Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần Bài 2201-2250
Suy Tư của Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần Bài 2201-2250

----------------------------------------
Bùi-Tuần 2201: NÂNG LÊN. 2
Bùi-Tuần 2202: SUY NGHĨ. 5
Bùi-Tuần 2203: NHỮNG BẢNG CHỈ ĐƯỜNG. 9
Bùi-Tuần 2204: TỪ CỦA MẪU GIÁO.. 12
Bùi-Tuần 2205: LÀM CHỨNG.. 15
Bùi-Tuần 2206: TINH THẦN HIỆP NHẤT.. 19
Bùi-Tuần 2207: CHÚT TÂM SỰ VỀ VẤN ĐỀ NƯƠNG TỰA.. 22
Bùi-Tuần 2208: TỪ THU CHUNG 1980 GIÁO HỘI VIỆT NAM TIẾN TỚI THỜI KỲ MỚI CỦA NĂM 2000. 25
Bùi-Tuần 2209: TÌM NHỮNG CHỖ ĐỨNG TRƯỚC MẶT CHÚA.. 29
Bùi-Tuần 2210: SƠ ĐỒ NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI 33
Bùi-Tuần 2211: KHI VIẾNG NHÀ THỜ.. 36
Bùi-Tuần 2212: MỞ ĐẦU (ngày Tĩnh Tâm năm) 40
Bùi-Tuần 2213: “CHÚA GIÊSU SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI” (Mt 10,5) 40
Bùi-Tuần 2214: CHÚNG CON ĐỪNG LÊN ĐƯỜNG ĐẾN CÁC NGOẠI BANG, 44
Bùi-Tuần 2215: “HÃY ĐI RAO GIẢNG RẰNG NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN”. 47
Bùi-Tuần 2216: “ĐÃ LÃNH NHẬN NHƯNG KHÔNG, THÌ HÃY CHO ĐI NHƯNG KHÔNG”. 52
Bùi-Tuần 2217: “ĐỪNG LO CHIẾM HỮU VÀNG BẠC...” (Mt 10,9) 55
Bùi-Tuần 2218: “AI BỀN ĐỖ TỚI CÙNG SẼ ĐƯỢC CỨU RỖI” (Mt 10,22) 59
Bùi-Tuần 2219: KHAI MẠC (Cấm Phòng năm) 64
Bùi-Tuần 2220: SERVUS. 68
Bùi-Tuần 2221: FIDELIS. 72
Bùi-Tuần 2222: PRUDENS. 75
Bùi-Tuần 2223: QUEM CONSTITUIT DOMINUS SUPER FAMILIAM SUAM... 80
Bùi-Tuần 2224: UT DET ILLIS CIBUM IN TEMPORE.. 83
Bùi-Tuần 2225: XIN THƯƠNG ĐỠ NÂNG CON.. 86
Bùi-Tuần 2226: MÔN ĐỆ KHÔNG TRỌNG HƠN THẦY” (Mt 10,24) 89
Bùi-Tuần 2227: MỘT THOÁNG GẶP GỠ  ĐỨC THÁNH CHA.. 92
Bùi-Tuần 2228: BIẾN CỐ VƯỢT QUA.. 94
Bùi-Tuần 2229: THỜI ĐIỂM ĐỀ CAO TIN MỪNG TÌNH YÊU THIÊN CHÚA.. 103
Bùi-Tuần 2230: SỰ KIỆN FATIMA.. 113
Bùi-Tuần 2231: Cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. 121
Bùi-Tuần 2232: Sống bổn phận liên đới với Hội Thánh. 128
Bùi-Tuần 2233: Về Với Cha. 138
Bùi-Tuần 2234: MỘT THOÁNG NHÌN VỀ NHỮNG CỐ GẮNG CỦA GIÁO PHẬN CHÚNG TÔI 144
Bùi-Tuần 2235: Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay (Bài 2) 148
Bùi-Tuần 2236: Con đường bé nhỏ thiêng liêng. 154
Bùi-Tuần 2237: Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam (Bài 1) 159
Bùi-Tuần 2238: Chân dung cảm động của người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay. 167
Bùi-Tuần 2239: Đầy tớ trung thành và khôn ngoan. 173
Bùi-Tuần 2240: NHỮNG NHÂN TỐ XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐẦU THẾ KỶ XXI 177
Bùi-Tuần 2241: BỘ MẶT HỘI THÁNH ĐẦU THẾ KỶ XXI 185
Bùi-Tuần 2242: LƯƠNG TÂM TRÁCH NHIỆM CỦA NHÓM THIỂU SỐ.. 193
Bùi-Tuần 2243: LINH ĐỘNG TRONG ƠN KHÔN NGOAN CỦA CHÚA THÁNH THẦN.. 195
Bùi-Tuần 2244: Thư của Bộ Truyền giáo gởi ĐC. GB. Bùi Tuần. 198
Bùi-Tuần 2245: SỐNG MÙA VỌNG.. 199
Bùi-Tuần 2246: FATIMA và CẢNH BÁO. 202
Bùi-Tuần 2247: SỐT SẮNG ĐÓN ĐỨC KITÔ BẰNG SÁM HỐI 205
Bùi-Tuần 2248: TIẾNG GỌI CỦA SỰ TỈNH THỨC.. 208
Bùi-Tuần 2249: Vài Suy Nghĩ Về Trường Hợp Ðức Cha J.B. Bùi Tuần. 210
Bùi-Tuần 2250: Có Ơn Chúa Thánh Thần. 214

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2201: NÂNG LÊN.


(NÓI VỚI NỮ TU ) Bài 7

 

Trong lễ sáng Chúa Nhật ngày 03/08/1986 tại nhà thờ Long Xuyên, khi giảng về lời Phúc Âm “Đừng Bùi-Tuần 2201


Trong lễ sáng Chúa Nhật ngày 03/08/1986 tại nhà thờ Long Xuyên, khi giảng về lời Phúc Âm “Đừng tưởng có nhiều của cải mà đời sống được bảo đảm”, tôi đã nêu lên ý kiến đăng trên một tờ báo, theo đó thì 5 yếu tố làm nên hạnh phúc con người:

1. Phải có nhiều của cải.
2. Phải có nhiều sức khoẻ.
3. Phải có nhiều kiến thức.
4. Phải có nhiều đạo đức.
5. Phải có nhiều liên hệ tốt.

Theo tôi nghĩ, nếu hiểu một cách rộng rãi, thì bảng liệt kê 5 điều đó có thể nhận được. Khi Chúa Giêsu dùng cách nên giống con người nghèo khổ như chiếc chìa khóa để đi vào kiếp người, Ngài đã có những việc làm, những lời nói, những thái độ sống giúp con người nâng cao 5 điều kiện trên. Ngài đã làm phép lạ để con người có thêm của cải, như bánh, rượu, cá, tiền. Ngài đã làm phép lạ để hồi phục sức khoẻ cho bao nhiêu người. Mọi lời Ngài dạy điều nhắm vào mục đích nâng cao nhân đức và kiến thức, giúp người ta xây dựng những liên hệ tốt với Chúa và với con người.

Phần ta, dù trong cảnh sống âm thầm khiêm tốn đến đâu, và dù với khả năng yếu hèn đến đâu, ta đừng quên theo gương Chúa Giêsu, phấn đấu nâng cao đời sống những người xung quanh ta lên. Xung quanh ta, hầu như ai cũng thiếu thốn: Thiếu của cải, thiếu sức khoẻ, thiếu kiến thức, thiếu nhân đức, thiếu các liên hệ tốt. Chính bản thân ta cũng trong cảnh thiếu thốn đó.

Có một lần sau khi tôi giảng về bổn phận góp phần nâng cao đời sống đồng bào, một người trí thức đạo đức đã nói với tôi: Mình muốn góp phần, nhưng đâu có được phép góp...! Tôi rất ngạc nhiên, và chỉ trả lời vắn gọn: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người đều có thể tìm được nhiều cách góp phần nâng cao đời sống người khác.

Thực vậy, các chị em đã có nhiều kinh nghiệm về điều đó. Ở đây, tôi chỉ nêu lên vài cách rất thông thường, nhưng rất cần thiết, và cũng rất hữu hiệu.

Trước hết, ta có thể nâng cao đời sống một người lên bằng cách, tế nhị quan tâm đến họ với tình mến thương kính trọng.

Ta quá biết, con người vốn có bản tính xã hội, nên bất cứ ai cũng cần nương tựa để sống và để phát huy. Có những tiềm năng bé mọn, nhưng đã triển nở huy hoàng, nhờ gặp được những nâng đỡ tốt. Trái lại, có những thiện chí lớn lụi tàn vì thiếu một vài nâng đỡ nhỏ.

Tôi nói nâng đỡ ở đây là nói tới những nâng đỡ tinh thần. Nghĩa là giúp cho người ta thêm phấn khởi, thêm hứng thú, thêm tin tưởng, thêm can đảm để tiến tới. Bằng những cách rất thường thôi. Thí dụ, tế nhị tỏ ra biết đến những vất vả khổ nhọc, những khó khăn của người khác, nhất là đó lại là người lo cho ích chung. Thí dụ, tế nhị giúp cho người khác bớt lo lắng buồn nản, giúp cho họ biết bám vào hy vọng chính đáng. Thí dụ, tế nhị cởi gỡ cho người khác khỏi những mặc cảm và thành kiến có hại, giúp cho họ đừng tự làm khổ mình. Trong gia đình, nhiều khi chỉ một vài lời nói khéo, một nụ cười thông cảm, một cử chỉ chăm sóc nhỏ, cũng đủ làm tươi lại các tinh thần đang khô héo mệt mỏi. Khi tôi đọc lời chủ tịch Phidel Castro phát biểu: “Các nữ tu có những phương pháp và lề lối làm việc hay, chúng ta cần học hỏi” thì tôi đánh giá ngay lời phát biểu ấy chính là một động lực tâm lý rất mạnh đối với các nữ tu và cả đối với các cán bộ nhà nước Cuba.

Khi tôi nghĩ đến sự Đức Mẹ đã âm thầm và tế nhị nâng đỡ các tông đồ sau khi Chúa Giêsu về trời, cũng như khi tôi nghĩ đến ba chị em Lazarô, Martha và Mađalêna đã nâng đỡ hữu hiệu Chúa Giêsu bằng những việc thông thường nhỏ mọn, thì tôi dám quả quyết rằng: Không một nữ tu nào lại thiếu khả năng nâng đỡ tinh thần người khác.

Ngoài ra, còn một việc khác ta có thể làm được để nâng cao đời sống người khác, đó là học: Chính mình học và khuyến khích người khác học.

Càng ngày chúng ta càng thấy rõ: Muốn cho bản thân, gia đình, đồng bào có nhiều của cải, có nhiều sức khoẻ, có nhiều kiến thức, có nhiều nhân đức, có nhiều liên hệ tốt, thì phải học. Muốn biết phải sống đạo thế nào cho đúng Phúc Âm và thức thời trong hoàn cảnh mới thì cũng phải học. Muốn sắp xếp cuộc sống cho có khoa học, thì cũng phải học. Học là một điều kiện để tiến. Cái gì cũng đòi phải học. Học nhiều, học rộng, học cao, học thêm mãi không ngừng. Dần dần, những cuộc sống ít học sẽ bị lịch sử đẩy ta vào thế cô đơn bất lợi. Dứt khoát là như vậy.

Khi tôi vào một nhà, tôi hay để ý đến kho lương thực tinh thần, đó là kệ sách. Khi tôi giao tiếp với một người, tôi cũng hay để ý đến tầm nhìn tinh thần và những thao thức nội tâm của họ. Nhìn những điểm đó, tôi có thể phỏng đoán được khả năng phục vụ và màu sắc hạnh phúc của họ, cũng như những hứa hẹn cho tương lai cuộc sống của họ. Nhưng chính những điểm đó, đã làm cho tôi rất lo ngại cho tương lai nhiều người, nhiều cộng đoàn và nhiều địa phương. Phải nói thiệt tình là tình trạng ít học còn quá phổ thông, và tình trạng coi nhẹ việc học là một thứ bệnh nặng lan tràn sâu rộng. Hệ quả sẽ tệ hại khôn lường và kéo dài sang nhiều thế hệ. Nhận thức như vậy, nên tôi coi việc học và khuyến khích việc học là bổn phận đạo đức không nên coi thường.

Nói đến việc học, tất nhiên phải cố gắng tìm cho có nhiều nguồn. Tòa Giám Mục Long Xuyên chúng tôi, ngoài các tủ sách đạo, còn có nhiều sách báo đời. Mỗi tháng đều có mua vào nhiều sách mới phát hành. Thường xuyên chúng tôi nhận 2 tờ nhật báo, 8 tờ tuần báo, và một số báo hàng tháng tiếng Việt và ngoại văn. Thêm vào đó, là các tin tức trên đài, và nhất là những gì thấy được, nghe được và cảm được trong chính cuộc sống hằng ngày. Tôi thấy tất cả đều chất chứa những tiềm năng nhiều loại, có thể lợi dụng được để nâng cao con người về mặt đời lẫn về mặt đạo.

Đối với những người lớn chúng ta, thì học không phải là để nhớ, mà là để sống. Đừng để kiến thức trở thành như những hạt lúa trong bồ, mà phải là những hạt giống gieo trồng trong ruộng. Đừng để óc ta thành một cái giếng chứa học vấn, mà nó phải là một dòng sông chảy ra cuộc sống.

Còn một việc khác nữa ta có thể làm để nâng cao đời sống người khác, đó là cầu nguyện: Chính mình cầu nguyện, và khuyến khích người khác cầu nguyện.

Cầu nguyện là nâng lòng lên với Chúa. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa. Khi cầu nguyện, tôi nhìn Chúa ở trước mặt tôi. Người gọi tôi, nghe tôi và chú ý đến tôi. Chúa là Cha giàu lòng thương xót, là Đấng Cứu Độ, là đường, là sự thật và là sự sống. Chính Người đã hứa: Ai gồng gánh nặng, hãy đến với Cha, Cha sẽ bổ sức cho. Gặp Chúa là Đấng tuyệt đối tốt lành, để cảm tạ, thờ phượng, với tâm tư tin cậy mến, ta được sự sống người chiếm đoạt ta, tẩy rửa ta, giải thoát ta khỏi những giới hạn ích kỷ nhỏ nhen ti tiện, và đưa ta vào sự thanh thản của Nước Trời đầy tình thương, chân lý và bình an. Cầu nguyện là một cách nhiệm mầu giúp tâm hồn ta cộng tác với thánh ý Chúa quan phòng, Đấng luôn luôn nâng mọi người lên địa vị làm con Chúa, hầu cho họ được hạnh phúc đời đời. Ai siêng năng cầu nguyện, hẳn đã có những cảm nghiệm như thế. Cảm nghiệm này làm cho tôi tin vững vàng vào những kết quả kỳ diệu lớn lao của việc cầu nguyện.

Nhiều lần tôi nhìn sang nhà dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng này. Tôi nghĩ tới từng trăm nấm mồ nữ tu đã qua đời, nhưng linh hồn họ vẫn đang sống và đang cầu nguyện cho Hội Thánh. Tôi nghĩ tới các ngoại ở nhà hưu Gioan suốt ngày cầu nguyện. Nghĩ như thế, nên tôi được an ủi nhiều lắm. Tôi tin rằng: Nơi đây, chính là nguồn sức mạnh linh thiêng âm thầm đang nâng bao nhiêu tâm hồn lên.

Lạy Chúa,

Con nâng tâm hồn lên với Chúa. Chính Chúa đang dẫn đưa con vào niềm tin mến Chúa. Con xin Chúa nâng tất cả mọi tâm hồn lên. Xin đỡ nâng cách riêng những kẻ đau khổ, túng thiếu, nghèo nàn hy vọng. Lạy Chúa, xin giúp con trở thành khí cụ và dấu chỉ của sự nâng lên.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

------------------------

 

Bùi-Tuần 2202: SUY NGHĨ.


(NÓI VỚI NỮ TU ) Bài 8

 

Công đồng Vatican II, khi nói tới sứ mạng trong Hội Thánh trong thời đại mới, đã gợi ý đến Bùi-Tuần 2202


Công đồng Vatican II, khi nói tới sứ mạng trong Hội Thánh trong thời đại mới, đã gợi ý đến việc phải quan tâm đến những chuyển biến của thời đại mới, trong đó có chuyển biến về cách suy nghĩ. Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô II cũng đã nhiều lần kêu gọi những kẻ có trách nhiệm trong đạo, phải tìm hiểu cách suy nghĩ mới của con người thời nay. Nhiều Đại Hội Đảng Cộng Sản mới rồi, như tại Liên Xô, Cuba, Mông Cổ, cũng đã chủ trương đổi mới cách suy nghĩ. Thì ra cả đạo cả đời cùng coi cách suy nghĩ là một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn.

Thực vậy, các việc chúng ta làm đều do ảnh hưởng cách ta suy nghĩ. Thí dụ, một người nghĩ rằng: Cách tốt nhất để chăm sóc sức khoẻ là dùng nhiều thuốc bổ, thì họ sẽ lo mua thuốc, dùng thuốc, lưu trữ thuốc. Còn người khác lại nghĩ rằng: Cách tốt nhất để chăm sóc sức khoẻ là tận dụng ánh sáng thiên nhiên, không khí trong lành, nhà cửa, nước nôi sạch sẽ, cũng như bầu khí tâm lý vui tươi, thì họ sẽ lo sắp xếp cuộc sống theo cách suy nghĩ đó. Đúng là cách suy nghĩ chỉ đạo cách sống.

Một thí dụ nữa. Khi nhìn các trào lưu tư tưởng và chính trị có vẻ nghịch lại Công Giáo, người nào nghĩ rằng: Đó là những việc đen tối do ma quỉ thách thức và kẻ có đức tin phải chống lại, thì họ sẽ bận rộn lo chống lại những cái đó. Còn kẻ nào nghĩ rằng: Đó là những việc Chúa cho xảy ra, để thanh luyện Hội Thánh, thì chủ yếu hoạt động tôn giáo của họ sẽ nhắm vào việc sửa đổi nếp sống đạo, từ tinh thần đến các hình thức, sao cho đúng với ý Chúa hơn. Như thế là cách suy nghĩ đã đẻ ra cách phản ứng. Suy nghĩ thế nào thì phản ứng thế ấy.

Vậy, suy nghĩ là gì?

Ở đây, tôi không nói tới triết học, mà là nói kiểu bình dân. Trước hết, suy nghĩ là việc trí khôn nhìn. Đó là nghĩa mà tôi hiểu về lời Chúa Giêsu đã nói: “Đừng nghĩ tưởng rằng, hễ có nhiều của cải là đời sống được bảo đảm đâu”. Chúa Giêsu cho cái nhìn đó là cái nhìn phiếm diện. Nhìn cái gì thì phải nhìn cái đó với những cái khác liên quan tới nó. Có cái nhìn rộng và có cái nhìn hẹp.

Rồi, suy nghĩ là việc của trí khôn phán đoán. Đó là nghĩa mà tôi hiểu về lời Chúa Giêsu đã hỏi môn đệ: “Dư luận cũng như chúng con nghĩ sao về Thầy?” Có phán đoán đúng sự thực. Có phán đoán sai sự thực.

Rồi, suy nghĩ là việc trí khôn cân nhắc. Đó là nghĩa mà tôi hiểu về lời Chúa trong dụ ngôn con chiên lạc: “Các con nghĩ sao nếu chủ bỏ 99 con ở nhà để đi tìm một con chiên lạc?” Cân nhắc là so sánh, để đánh giá. Có những đánh giá khách quan. Có những đánh giá chủ quan.

Rồi, suy nghĩ là việc trí khôn cưu mang sinh nở. Đó là nghĩa mà tôi hiểu về lời Chúa Giêsu đã nói: “Từ bên trong, từ tâm tư, người ta đã phát xuất ra những tư tưởng xấu”. Cưu mang sinh nở là hành vi mang trách nhiệm. Biết bao người đã không ý thức đủ về trách nhiệm suy nghĩ của mình.

Rồi, suy nghĩ là việc trí khôn giao tiếp. Đó là nghĩa mà tôi hiểu về dụ ngôn hạt giống: “Ai nghe lời Chúa mà biết suy nghĩ, thì lời Chúa sẽ sinh ra kết quả tốt”. Giao tiếp đòi có thái độ cởi mở, khiêm tốn. Vì thiếu thái độ đó, nên biết bao nhiêu chân lý đã không được trí khôn ta tiếp nhận.

Tôi nói sơ qua vậy thôi. Các chị em suy nghĩ thêm, sẽ thấy tầm quan trọng của suy nghĩ.

Muốn đổi mới một cộng đoàn, một nhà dòng, một họ đạo, một Giáo Hội, một xã hội, thì không nên quên việc quan trọng này, là đổi mới cách suy nghĩ.

Ở đây tôi xin nói qua về những cách suy nghĩ đang lan tràn thế giới, mà người ta gọi là cách suy nghĩ mới.

Trước hết tôi xin đưa ra sự kiện. Tôi nói với một người rằng: Đạo Công Giáo là đạo tốt. Lập tức, người nghe hỏi lại: Xin cha làm chứng: Tốt ở điểm nào? Tôi diễn chứng theo lịch sử và giáo lý. Nhưng người đó thưa lại: Chứng mà tôi muốn có là chính cuộc sống hôm nay. Xung quanh đây, người Công Giáo có tốt hơn người lương và người không có đạo không?

Sự kiện trên đây cho thấy phần nào cách suy nghĩ mới.

Cách suy nghĩ mới nhìn vào cuộc sống con người như địa bàn chủ yếu. Tổ chức nào, cá nhân nào giúp cho cuộc sống con người được tốt, thì tổ chức đó được coi là tốt, cá nhân đó được coi là tốt.

Cách suy nghĩ mới phán đoán theo minh chứng cụ thể, chứ ít theo lý thuyết. Hữu hiệu đó là minh chứng tốt nhất.

Cách suy nghĩ mới ưa cân nhắc hay, dở, theo óc phê phán và óc thực nghiệm. Không như xưa, cứ trên nói thế nào thì dưới cũng nói như vậy.

Cách suy nghĩ mới ưa cưu mang sinh nở những tư tưởng có tính cách phấn đấu. Phấn đấu với những khó khăn, cản trở để vươn lên.

Cách suy nghĩ mới sẵn sàng giao tiếp với bất cứ cái gì hay, đẹp, tốt, dưới những dạng khác nhau, và qua những ngã đường khác nhau như khoa học, nghệ thuật, mỹ thuật, thể thao, thể dục, du lịch, tôn giáo, kinh tế vv... Chứ không muốn có hạn chế nào đối với cái hay cái tốt, cái đẹp, cái lẽ phải.

Trên đây, tôi chỉ đưa ra mấy nét chung chung. Chỉ với mấy nét đó thôi, cách suy nghĩ mới cũng dễ đụng chạm với suy nghĩ cũ.

Tuy nhiên, nếu muốn thông hiệp với con người hôm nay và muốn thực sự chia sẽ Tin Mừng với con người hôm nay, thì ta không thể coi thường cách suy nghĩ mới của con người hôm nay. Đó là những yếu tố tâm lý xã hội mà mầu nhiệm nhập thể sẽ ôm vào lòng, để Phúc Âm được thời sự hóa. Chẳng hạn, nếu hôm nay tôi muốn vô tu viện Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng này, mà tôi cứ đòi đi theo cổng cũ, thì chắc chắn tôi sẽ không gặp được chị em. Muốn vô, dứt khoát tôi phải đi theo cổng mới. Cũng vậy, cách suy nghĩ mới là một chiếc cổng để con người hôm nay lui tới với nhau. Ai không muốn qua cổng đó, sẽ bị lạc lỏng. Nhưng kẻ được Chúa gọi làm khí cụ và dấu chỉ của sự hiệp thông với Chúa và với con người, lại tự mình làm cho mình nên lạc lõng, thì có quyền an tâm trước mặt Chúa không?

Có người hỏi tôi rằng: Làm thế nào để suy nghĩ tốt? Tôi chỉ xin thưa rằng: Nếu muốn suy nghĩ là của riêng mình, chứ không phải là của vay mượn ai, thì sẽ là việc không dễ dàng và không thể mau lẹ. Phải có nhiều vốn liếng nội tâm, phải có nhiều rèn luyện tinh thần và phải biết dành thời giờ cho việc suy nghĩ. Tôi thấy chị em cũng có những điều kiện đó, tuy mức độ có khác nhau. Tôi mong các cộng đoàn hãy coi việc nâng cao suy nghĩ của mình lên như một công tác tông đồ. Nâng cao đề tài suy nghĩ. Nâng cao nội dung suy nghĩ. Chẳng cần gì phải cao sâu, nhưng rất cần thực tế và trong sáng, soi về phía trước. Với những suy nghĩ tốt, nhiều người đã trở thành những thiên thần thầm lặng, mang lương thực tinh thần đến cho vô số linh hồn đang tìm về Nước Chúa.

Thánh Luca, khi kết thúc cảnh Chúa Cứu Thế giáng sinh tại Bêlem, đã viết: “Bà Maria giữ mọi điều đó và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tôi cầu mong các chị em cũng hãy noi gương Đức Mẹ, biết giữ những điều Chúa cho thấy, cho nghe, cho hiểu trong tuần tĩnh tâm và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Lạy Mẹ Maria,

Con không thấy Mẹ làm các lễ nghi, con cũng không thấy Mẹ giảng giải, nhưng con thấy Mẹ suy nghĩ thực nhiều. Khi suy nghĩ, Mẹ kết hợp với thánh ý Chúa trong công trình cứu chuộc. Khi suy nghĩ, Mẹ thông hiệp với tất cả nhân loại, nhất là với những người túng nghèo đau khổ. Xin Mẹ giúp con biết suy nghĩ. Xin Mẹ giúp con biết giữ các ơn Chúa, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

------------------------------

 

Bùi-Tuần 2203: NHỮNG BẢNG CHỈ ĐƯỜNG.


(NÓI VỚI NỮ TU) Bài 9

 

Tờ tuần báo Công Giáo và Dân tộc số 571 CN 03/08/1986 có đăng bài phát biểu của Đức Tổng Bùi-Tuần 2203


Tờ tuần báo Công Giáo và Dân tộc số 571 CN 03/08/1986 có đăng bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 1986 của UBĐKCGYNVN TP.HCM ngày 29/07/1986. Trong bài phát biểu này, Đức Tổng nói: “Trong Hội Nghị Giám Mục năm 1985, các Giám Mục phàn nàn rằng: Văn kiện Công đồng Vatican II đã có 20 năm nay, nhưng người Công Giáo không đọc bao nhiêu... Thư chung HĐGMVN 1980 đã có 5 năm rồi, nhưng người Công Giáo ít biết quá. Nhiều nhà dòng đem ra đọc trong nhà cơm một lần rồi thôi. Tiếc quá”.

Tôi rất hoan nghênh nhận xét của Đức Tổng. Tôi mong lời phát biểu của Đức Tổng được nhiều người Công Giáo VN suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm đối với Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mới này.

Cũng trong tinh thần trách nhiệm đó, tôi đã tìm đọc lại một ít tài liệu về Đức Thánh Cha Gioan 23 là vị Giáo Hoàng của Công Đồng Vatican II. Tôi thấy có nhiều điều của Ngài có thể soi sáng cho những gì còn là băn khoăn của một số người Công Giáo Việt Nam lúc này.

Băn khoăn thứ nhất là băn khoăn không biết phải sống đạo và giảng đạo thế nào trong hoàn cảnh hiện nay. Câu trả lời có sẵn trong tư tưởng của Đức Gioan 23. Cha Gardey, khi khảo cứu thông điệp Pacem in terris, đã viết: “Sứ mạng giảng đạo, do động lực Tin Mừng, muốn ta đẩy mạnh việc phát huy những tiềm năng tích cực của mỗi nền văn minh, để trong một tương lai nào đó, những phong hoá xã hội, hợp với niềm tin của những con người, sẽ góp phần làm chứng cho Chúa và làm vinh danh Chúa. Người loan báo Tin Mừng phải là người của thời đại mình, phải biết những con người mà mình được sai đến, với những lệ thuộc của họ và những ảnh hưởng của họ trong xã hội. Người loan báo Tin Mừng hoạt động nhờ xã hội và trong xã hội... Thời đại chúng ta là thời đại khoa học kỹ thuật... Vì thế, Đức Thánh Cha Gioan 23 kêu gọi người Công Giáo, ngoài những đòi hỏi của đức tin, hãy phấn đấu để có nhiều khả năng trong mọi lãnh vực mà mình muốn góp phần vào, đặc biệt là trong phạm vi khoa học và kỹ thuật” (Báo Signes du Temps, tháng 5/1963).

Những tư tưởng trên đây cho phép ta nghĩ rằng: Trong hiện tại và tương lai, sự tham gia tốt các sinh hoạt xã hội, sự góp phần vào việc phát huy những gì là tốt của nền văn hóa đang có trên đất nước ta, sẽ là những việc có bản chất loan báo Tin Mừng.

Đọc Pacem in terris và các văn kiện khác của Đức Gioan 23, ta thấy Đức Giáo Hoàng của Công Đồng Vatican II muốn kẻ loan báo Tin Mừng hôm nay phải 100% là người của thời đại mình, phải 100% là người của đất nước mình. Cứ sống thực tốt 100% đó với đức tin của mình, thì đó là sống đạo và loan báo Tin Mừng. Đó là một cái bảng chỉ đường cho người Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Băn khoăn thứ hai là băn khoăn không biết phải coi việc bênh vực quyền lợi Hội Thánh thế nào trong hoàn cảnh hiện nay.

Câu trả lời đã có sẵn trong tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan 23. Khi Đức Gioan 23 vừa qua đời, nhật báo Gazette de lausanne số ra 04/06/1963 đã viết: “Đã từ lâu, có thể là đã nhiều thế kỷ, chưa có vị Giáo Hoàng nào đã được nhiều cảm tình của nhân loại cho bằng Đức Gioan 23. Sự vĩ đại của Ngàilà ở chỗ, Ngài chủ trương hãy tìm những gì liên kết hơn là những gì phân cách... Một phương diện đã làm ngạc nhiên thế giới nhiều nhất, đó là sự Đức Gioan 23 đã trình bày một Giáo Hội biết quan tâm đến việc phục vụ mọi người, hơn là chỉ lo quyền lợi riêng của Hội Thánh”.

Tờ Guardian 04/06/1963 cũng nhận định như thế khi viết: “Đức Gioan 23 có điểm đặc sắc này là, suốt thời gian làm Giáo Hoàng, Ngài đã làm việc như một người lo lắng cho lợi ích chung của toàn thể nhân loại, hơn là lợi ích riêng của Giáo Hội Rôma”.

Trong tờ Signes du Temps 07/1963, mục sư Roger cũng đã viết: “Những tháng cuối đời Đức Thánh Cha Gioan 23, Giáo Hội Công Giáo đã tự vấn chính mình, và nói đúng hơn đã để cho Chúa tra vấn Giáo Hội: “Con là ai? Trong thế giới hiện nay, con phải làm gì cho con người và cho Chúa? Hội thánh được thiết lập để sống nghèo, để phổ biến sự bình an, để phục vụ con người”. Những câu hỏi như thế chưa bao giờ được đặt ra trước thời Đức Gioan 23. Tôi có cảm tưởng là: Với Đức Gioan 23 Hội Thánh Công Giáo đang quay nhìn về thế giới, không phải nhìn như một đối tượng mình phải cai trị, nhưng là nơi mình phải phục vụ trung thành với Phúc Âm. Chúng ta không thể là người Kitô giáo tốt, nếu ta không quan tâm đến mọi trách nhiệm của ta đối với mọi người, không phải là trách nhiệm như những người cai quản, mà là trách nhiệm như những người đầy tớ”.

Qua những nhận xét trên đây, ta thấy Đức Gioan 23 đã coi quyền lợi của nhân loại là quyền lợi của đạo, đã coi việc lo lắng cho lợi ích chung xã hội là trách nhiệm của lương tâm người có đạo. Lợi ích của Hội Thánh được nhìn trong lợi ích của mọi người. Đó cũng là một cái bảng chỉ đường cho người Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Băn khoăn thứ ba là băn khoăn không biết phải có thái độ nào với những người khác tín ngưỡng và không tín ngưỡng.

Câu trả lời cũng đã có sẵn trong tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan 23. Tờ Revue de l'action populaire tháng 07/08/1963 viết: “Chính Đức Gioan 23 đã ra chỉ thị cho Đức Hồng Y Bea và văn phòng phụ trách hiệp nhất những người Kitô giáo là hãy hết sức tránh tranh luận, mà hãy cố gắng tìm hiểu nhau và mến trọng nhau, trong cùng một niềm tin vào Đức Kitô”.

Trong tờ Signes du Temps 07/1963 nhà báo Cộng Sản Gilbert Mury viết: “Cái chết của Đức Gioan 23 được cảm thấy như một cái tang chung cho cả những người có tín ngưỡng, lẫn những người vô tín ngưỡng, đang cùng đi tìm một cách đối thoại huynh đệ. Khi các người Công Giáo đang đau đớn về tin Đức Gioan 23 qua đời, thì nhiều tỉnh thị Cộng Sản đã kéo cờ rũ. Đó là một cử chỉ chuyển biến, nhờ dấu chỉ của một người nông dân, dù khi đã đội mão Giáo Hoàng, vẫn giữ được đơn sơ chân thành và dễ tính”.

Tờ La Croix số ra ngày 05/06/1963, khi bình luận về Đức Thánh Cha Gioan 23 đã viết: “Một hình ảnh mới về Hội Thánh đã được thay thế hình ảnh cũ. Hội Thánh không còn được trình bày như một lâu đài, xây trên đỉnh núi đá, được bảo vệ bằng những luật lệ cấm cản, nhưng nay Hội Thánh được coi như một con tàu mà quê hương là biển khơi sóng gió, và bầu trời khi sáng khi tối, để nối lại các bến bờ anh em”.

Tờ Le Monde số ra ngày 05/06/1963 cũng đã viết: “Chỉ trong mấy năm thôi, ông già mà người ta tưởng chỉ là Giáo Hoàng chuyển tiếp, đã chinh phục được sự kính trọng và lòng mến yêu của toàn thể nhân loại. Nhờ Ngài mà nhân loại làm hòa với Phúc Âm hơn là do tất cả các cuộc thánh chiến và các lời nói... Ngài là tông đồ của đối thoại và của bàn tay giơ ra”.

Qua những nhận định trên, ta thấy thái độ của Đức Thánh Cha Gioan 23 đối với những người không tin và những người khác đạo, là một thái độ khiêm tốn, cởi mở. Đó cũng là một cái bảng chỉ đường cho người Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Theo tôi thấy thì ba cái bảng chỉ đường này đến nay vẫn chưa được mọi người Công Giáo Việt Nam biết đến và xác tín. Sự kiện đó cũng dễ hiểu thôi. Một đàng bởi vì thói thường con người là muốn an phận với những gì đã thành nề nếp, không muốn đổi thay những gì mà trước đây mình đã ca tụng là tốt nhất, và một đàng bởi vì đi vào con đường mới sẽ phải vất vả hơn nhiều. Nói thật, việc dấn thân vào các sinh hoạt xã hội thời nay đâu có phải là việc nhàn hạ dễ dàng! Việc phải là người của thời đại và của đất nước 100% đâu có là việc đơn giản! Việc liên kết tốt với các người không tin và khác đạo đâu có phải là việc tầm thường. Ai có kinh nghiệm, đã thấy những việc đó đòi nhiều tế nhị, nhiều can đảm, nhiều khiêm tốn, nhiều từ bỏ và rất nhiều cố gắng phấn đấu. Động lực đã làm cho tôi đi theo những bảng chỉ đường đó, không phải là mong đợi những lợi lộc nào trước mắt, nhưng chính là vì tôi tin đó là thánh ý Chúa muốn, đó là Hội Thánh muốn, đó là con đường mà Chúa Cứu Thế đang đi xuyên qua lịch sử cụ thể để đưa con người về nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa, thánh ý Chúa, đối với tôi đó là những gì có thực, đó là hiện thực, đó là những gì hiện có thực. Do đó, theo tôi, đi theo hướng đi của Công Đồng Vatican II chính là một mệnh lệnh của hiện thực đức tin.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Ngài đã hướng dẫn Công Đồng Vatican II, đã hướng dẫn Đức Thánh Cha Gioan 23, xin thương hướng dẫn chúng con trên con đường sống đạo và truyền đạo, trong những hoàn cảnh cụ thể của từng người chúng con. Chúa là Đấng sáng tạo ra các trí khôn sáng tạo, xin thương giúp chúng con biết luôn gắn bó với Chúa, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con được là khí cụ và dấu chỉ của sự kết hợp với Chúa, và của sự hợp nhất với Hội Thánh, và với đồng bào thân mến của chúng con.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

----------------------------

 

Bùi-Tuần 2204: TỪ CỦA MẪU GIÁO


(NÓI VỚI NỮ TU ) Bài 10

 

Từ bé đến giờ, tôi đã gặp rất nhiều người nhưng tôi chỉ còn nhớ được rất ít. Những người tôi nhớ Bùi-Tuần 2204


Từ bé đến giờ, tôi đã gặp rất nhiều người nhưng tôi chỉ còn nhớ được rất ít. Những người tôi nhớ nhiều nhất đều là những người đã nói với tôi bằng một thứ từ đơn sơ nhất. Từ đó là lòng nhân ái. Có những người tôi không hiểu tiếng, nhưng tôi vẫn hiểu được họ và vẫn nhớ họ. Bởi vì họ đã nói với tôi bằng một thứ từ mà tôi gọi là từ của mẫu giáo, từ đó là tình thương chân thành.

Những sự kiện trên đây gợi ý cho tôi nghĩ rằng: Từ của mẫu giáo là từ của tình thương, từ của Công Giáo cũng là tình thương, bởi vì bản chất của đạo tôi là tình thương: Mến Chúa và yêu người.
Khởi đi từ tư tưởng đó, tôi đã suy nghĩ và dưới đây tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ ấy.
Suy nghĩ thứ nhất của tôi là: Như trẻ mẫu giáo, chúng ta đừng quên nói với Chúa và với con người bằng thứ từ sơ đẳng nhất. Đó là lịch sự.

Tôi vừa nói “đừng quên”, bởi vì trên thực tế, nhiều người chúng ta, khi liên hệ với Chúa và với con người, hay có thói quen để ý đến những điều phức tạp, mà quên đi những gì giản đơn sơ đẳng như lễ phép lịch sự. Lịch sự là những dấu chỉ bề ngoài. Cha mẹ và cô giáo dạy trẻ mẫu giáo khi chào hỏi thì phải khoanh tay cúi đầu. Những cử chỉ đó là dấu chỉ bề ngoài tỏ ra lòng mình kính trọng kẻ khác, nhưng đồng thời, chính những cử chỉ lễ phép ấy cũng uốn nắn tâm tình bên trong của chính đứa trẻ.

Cũng thế, những cử chỉ lịch sự của ta đối với Chúa và đối với con người là những dấu chỉ bề ngoài diễn tả thái độ bên trong tâm hồn ta, đồng thời chúng cũng rèn luyện nhân cách của ta.

Khi Thiên thần Gabriel đến báo tin vui cho cô gái xứ Giuđêa, Thiên thần đã rất lễ phép. Mặc dầu là sứ giả của Thiên Chúa, Thiên thần đã nói với Trinh Nữ Maria những lời khiêm nhu đầy kính trọng.

Đức Mẹ cũng thế. Theo lời thuật lại của Bernadette, mỗi lần Đức Mẹ hiện đến với cô ở Lộ Đức, Đức Mẹ đều khởi sự bằng cử chỉ cúi đầu chào. Và khi Đức Mẹ ngỏ ý muốn gặp cô bé lần sau, Đức Mẹ đã dùng những lời yêu cầu rất nhã nhặn: Lần tới, con vui lòng đến đây gặp Bà.

Những thái độ nhã nhặn như thế là một thứ hương thơm nhiệm mầu của những tâm hồn bác ái vĩ đại, có sức chinh phục các trái tim hơn mọi lý lẽ cao siêu.

Vì thế, nhiều nơi trong tuần tĩnh tâm đã có mục nhắc bảo về lịch sự: Lịch sự trong cách đi đứng, nói năng, lui tới. Lịch sự ở nhà thờ, ở nơi chung, ở nhà riêng. Lịch sự khi giao tiếp với người quen bạn bè, với Chính Quyền...

Lịch sự là một từ của mẫu giáo, nhưng vẫn mãi mãi là từ của những con người có giáo dục, dù ở tuổi nào, ở địa vị nào. Và đó cũng là từ của đạo đức.

Suy nghĩ thứ hai của tôi là: Như trẻ mẫu giáo, chúng ta đừng ngại làm những việc nhỏ.

Ở trường mẫu giáo, đứa trẻ được khuyến khích làm những việc tốt rất nhỏ. Như giữ đồ vật của mình được sạch sẽ, không cãi lộn, không lấn chỗ của bạn vv... Những việc tốt nhỏ như thế là những bước nhỏ đưa đứa trẻ bước đi vào đời. Lớn lên, con người bước vào lịch sử bằng nhiều bước lớn, nhưng vẫn không được miễn những bước nhỏ.

Đọc Phúc Âm, ta thấy Chúa Giêsu đã khen người đàn bà nghèo dâng những xu vào đền thờ. Ngài đã ca ngợi thái độ tỉnh thức của mười trinh nữ khôn ngoan. Ngài đã nhận lời xin khiêm tốn của kẻ trộm lành. Toàn là những việc lành nhỏ, nhưng đã được Chúa Giêsu đánh giá cao.

Trong một cuốn sách giảng, tác giả đã kể chuyện này: Một ông giám đốc muốn chọn một người vào làm việc cho ông. Ông nhận được khá nhiều đơn xin với những hồ sơ đủ chuẩn. Để có thể chọn ai, bỏ ai, ông đã đề nghị gặp các ứng sinh. Sau cùng, ông chọn được một người. Được hỏi tại sao ông chọn người đó, thì ông nói, ông chọn người đó, bởi vì qua những chi tiết nhỏ mà ông quan sát được ở cử chỉ, lời nói, thái độ của ứng sinh đó trong khi giao tiếp, ông thấy ứng sinh đó là người cẩn thận. Ông muốn có một người cẩn thận giúp việc, nên ông chọn ứng sinh đó. Chuyện trên đây cho thấy, những chi tiết nhỏ nhiều khi đưa tới kết luận lớn.
Nữ tu Têrêxa đệ Giêsu, suốt đời làm những việc tốt nhỏ. Sau cùng, nữ tu đã nên thánh. Có thể nói, thánh nữ đã nên thánh bằng những từ của mẫu giáo.

Suy nghĩ thứ ba của tôi là: Như trẻ mẫu giáo, chúng ta hãy nói với Chúa và với con người, bằng một thứ từ dễ hiểu nhất, đó là tình thương chân thành.

Tình thương là điều đứa trẻ biết sớm nhất. Lâu dần, nó mới hiểu được những gì người lớn nói. Nhưng ngay từ rất nhỏ, nó chỉ chịu những ai mà nó cảm thấy là thương nó. Trái lại, nó muốn tránh những ai nó cho là không thương nó. Có nghĩa là từ nhỏ, nó đã phân biệt được phần nào thế nào là yêu thương, thế nào là không yêu thương. Rồi từ đó, nó thương ai thì tin người ấy. Tin người rồi mới tin lời. Vì tin người nên mới tin lời. Có điều nó vâng nghe vì nó hiểu. Có điều nó không hiểu. Nhưng nó vẫn vâng nghe, vì nó tin vào người nó thương. Nó luôn luôn qui chiếu vào tình thương. Đối với nó, tình thương là từ có sức cắt nghĩa nhiều nhất. Tình thương cũng là một từ mà đứa trẻ khôn sẽ dùng trong các liên hệ với người lớn, khi nó chưa có những từ khác. Có vẻ như nó nghèo vì không có nhiều từ như người lớn, nhưng thực sự với từ tình thương, đứa bé đã có thể lãnh nhận được nhiều, và cho đi được nhiều.

Rất tiếc là cái từ đẹp đẽ ấy của tuổi thơ nhiều khi lại ít được dùng trong các liên hệ người lớn chúng ta. Thực vậy, nhiều người chúng ta đã không gặp Chúa và gặp con người bằng tình yêu thương, mà chỉ bằng những cách quá nặng nề về hình thức bề ngoài, hoặc quá nặng về lý lẽ khô khan.

Chúa là Tình Yêu. Người đã nói với nhân loại bằng tình thương. Hãy lắng nghe Thánh Giá, hãy lắng nghe nhà chầu, ta sẽ thấy rõ những từ mà Chúa nói với ta, và cũng là từ mà Chúa muốn được nghe ta nói với Chúa và với mọi người chung quanh. Tiện đây, tôi cũng xin nhắc để chị em nhớ năng đọc đi đọc lại thông điệp “Đấng giàu lòng thương xót” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tôi nói “năng đọc đi đọc lại”, có nghĩa là đọc để suy gẫm và để cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã dạy chúng con hãy trở nên như con trẻ để được vào Nước Trời, xin cho chúng con biết dùng những từ tươi mát của tuổi thơ trong mọi hiệp thông với Chúa và với con người, để sự hiệp thông này dẫn đưa chúng con vào nước Thiên Chúa là nơi dành cho các trẻ nhỏ và những người giống như trẻ nhỏ.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2205: LÀM CHỨNG


(NÓI VỚI NỮ TU ) Bài 11

 

Dịp lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam vừa qua, có người hỏi tôi về tin đồn mới có đợt phong thánh Bùi-Tuần 2205


Dịp lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam vừa qua, có người hỏi tôi về tin đồn mới có đợt phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam những thế kỷ trước tôi đã trả lời là tôi không hề hay biết gì về tin đồn đó. Tôi rất kính mến các thánh tử đạo. Nhưng hiện nay tôi ưa nghĩ đến việc làm chứng cho Chúa bằng cách sống đạo hơn là bằng cách tử đạo. Trên thực tế, đối với người Công Giáo Việt Nam hôm nay vấn đề tử đạo không còn sức hấp dẫn bằng vấn đề sống đạo. Bởi vì, hiện nay sống đạo là việc thiết thực hơn tử đạo rất nhiều.

Thực vậy, trong đời sống đạo đức, chúng ta không nên mơ tưởng xa vời, để quên đi những đòi hỏi trước mắt. Cũng không nên bám vào những sự quan trọng giả tạo. Càng không nên tự mình tạo ra các khó khăn để làm khổ mình và khổ người khác. Ta nên thực tế hơn. Cuộc sống hôm nay có những hoàn cảnh đặc biệt kêu mời chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cách sống của ta.

Kẻ làm chứng là kẻ thuật lại những gì mà họ biết. Họ biết không do lý thuyết, mà do chính mình đã nhìn thấy, đã nghe thấy, đã cảm nghiệm, đã gặp được. Làm chứng là phải như vậy. Họ thuật lại đúng, và thuật lại với mục đích trả lời cho những ai kêu mời, tra vấn và thắc mắc.

Hiện nay, vô số người đang kêu mời chúng ta làm chứng nhiều điều về Chúa. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra vài điều mà thôi.

Trước hết, chúng ta được kêu mời làm chứng rằng: Những cuộc đời lao động, âm thầm lao động chống cảnh nghèo túng là một môi trường có nhiều tiềm năng đi lên Nước Chúa.

Để trả lời, tất nhiên ta sẽ trưng ra cuộc sống ẩn dật của Thánh Gia tại Nagiarét. Nhưng đó là trả lời lý thuyết, chứ chưa hẳn là làm chứng. Muốn thực sự làm chứng, chính ta phải có những kinh nghiệm bản thân.

Hiện nay, hầu như tất cả các cộng đoàn nữ tu tại Việt Nam, đều có nhiều nét đơn sơ của mầu nhiệm Nagiazét, âm thầm, khiêm tốn, lao động, hòa mình. Đã hẳn, ta có thể sống như vậy vì những lý do bắt buộc, bởi vì không còn cách nào khác. Nhưng thực sự, chúng ta đã sống như vậy còn vì động lực đức tin. Có nghĩa là chúng ta nội tâm hóa những lý do đạo đức của cuộc sống Nagiarét. Nội tâm hóa bằng ý hướng ngay lành thánh thiện, và nhất là bằng cách năng nhìn Chúa Giêsu đang cùng sống với ta trong Nagiarét của ta và cũng là Nagiarét của Người. Ta nhìn Người, để có tâm tình như Người. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy có một tâm tình như Đức Giêsu Kitô, Đấng có hình thể Thiên Chúa, nhưng không dám tự chiếm đoạt cho mình bình đẳng với Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã tự tiêu diệt mình, tự nhận thân phận tôi tớ, trở nên giống như người ta, có dung mạo như nhân loại. Người đã tự hạ vâng lời cho đến chết, và chết trên Thánh Giá”.

Như vậy, ta nhìn Chúa Giêsu có mặt trong cuộc sống của ta hôm nay là ta gặp Người đang cùng ta chia sẻ một cuộc sống khiêm tốn: Khiêm tốn trong lao động, khiêm tốn trong giao tiếp, khiêm tốn mà vui tươi, khiêm trong tinh thần trách nhiệm. Nhìn Chúa Giêsu đang cùng với ta sống trong mầu nhiệm Nagiarét, tôi sẽ thấy Người chu toàn bổn phận hàng ngày của mình là việc khiêm tốn nhất. Theo gương Chúa Giêsu ở Nagiarét, mỗi người chúng ta phải lo làm tốt bổn phận hằng ngày của mình. Không lãng phí thời gian, không lãng phí của cải. Làm việc gì thì làm với tất cả nhiệt tình, và với tinh thần cầu tiến, làm cho tốt, làm cho xứng đáng với lương tâm người con Chúa.

Trong một cộng đoàn, ai cũng có phần việc của mình. Nhưng cũng có phần việc không thuộc về riêng ai, thế mà luôn luôn vẫn có những người tự nguyện nhận làm. Điều đó nói lên rằng: Bổn phận hằng ngày của mỗi người trong một cộng đoàn rộng hơn ranh giới các việc đã trao cho mình. Chỉ có lòng khiêm tốn mới dễ nhận ra ranh giới ấy. Và cũng chỉ có lòng khiêm tốn chân tình mới loại ra được khỏi cộng đoàn những ý nghĩ nhỏ nhen ti tiện, để tạo ra bầu khí an bình tình nghĩa.

Cách đây hơn 20 năm, tôi có quen một linh mục già người Pháp, tên là Pierre Cimetière. Bạn bè gọi Cha là “ông anh già”. Cha đã qua đời. Năm rồi dịp đi công tác bên Tây, tôi thấy có một cuốn sách viết về Cha, tựa đề là “Rien ne vaut que làmitié” (Không gì quí hơn tình nghĩa). Đó là một câu Cha hay nói, phản ánh tinh thần Nagiarét của Cha. Càng ngày tôi càng hiểu lời Cha. Trong một cuộc sống có quá nhiều cô đơn và có quá nhiều giành giật, thì tình nghĩa đúng là món quà khan hiếm. Nếu một người tu, một cộng đoàn biết sống khiêm nhu chân thành, có tình có nghĩa, thì họ sẽ là những bóng mát để nhiều người mệt mỏi có thể tìm được chút nghỉ ngơi dễ chịu. Và đó chính là hương vị xa xăm của Nước Trời trên trái đất, để làm chứng cho Chúa.

Ngoài ra, chúng ta cũng được kêu mời làm chứng rằng: “Chúa Giêsu Thánh Thể đúng là Đấng Cứu Thế mến yêu của ta và của mọi tín hữu!”.

Để trả lời, tất nhiên ta cũng sẽ trưng ra những lời Kinh Thánh. Nhưng trả lời như thế là trả lời theo lý thuyết, chứ chưa hẳn là làm chứng. Người ta muốn chứng sống động của bản thân ta.

Thực sự, hiện nay phần đông các nữ tu có rất nhiều gần gũi với nhà chầu. Thánh lễ mỗi ngày. Kinh chung kinh riêng ở nhà thờ. Nhiều nữ tu chăm lo bàn thờ. Có nữ tu được phép trao Mình Thánh Chúa vv...Nhưng nếu chỉ có thế thôi, thì chưa gọi được là làm chứng về Chúa Giêsu Thánh Thể.

Muốn làm chứng, thì phải thực sự gặp Chúa. Gặp Chúa không phải là suy gẫm về Người, học hỏi về Người, cũng không phải dâng lên Người những bài ca lời nguyện. Gặp Chúa chủ yếu là đối diện với Người, là nhìn Người, là nghe Người, là nói với Người, là trao đổi với Người.

Tôi xin được tả vắn tắt sự tôi có thể làm để gặp Người. Gặp Chúa, là tôi nhìn Người đang nhìn tôi, tôi tin Người gọi tên tôi, đang thương yêu tôi. Tôi tin Người hiểu tôi hơn chính tôi hiểu tôi. Tôi tin Người ở trước mặt tôi, ở gần tôi, ở bên tôi. Chính Người xưa đã kêu gọi các tông đồ, và nay đã gọi tôi. Chính Người là Đấng xưa đã dâng mình chịu chết trên Thánh Giá, và nay vẫn còn dâng mình tế lễ trên bàn thờ.

Tôi không một mình đến với Chúa, nhưng tôi mang trong lòng tôi những người thân yêu, Hội Thánh của tôi, Tổ Quốc của tôi. Thân phận của họ gắn vào thân phận của tôi. Niềm vui, nỗi buồn, hy vọng, thao thức của họ pha trộn vào tâm tư tôi.

Tôi nhìn Chúa với tâm tình cảm tạ, ngợi khen thờ phượng. Những giây phút gặp Người là những cuộc trao đổi thiêng liêng sống động. Tôi nói với Người rất ít, nhưng lắng nghe Người nhiều hơn. Tôi xin xỏ Người rất ít, nhưng khao khát được biết đón nhận tất cả những gì Người muốn về tôi. Rồi đặt vào lòng Người những yếu đuối của tôi, những cố gắng và hy vọng của tôi, và tôi đón nhận ơn phó thác nơi Người. Tôi rót vào trái tim Người mọi sự tốt lành của nhân loại, để nhờ Người, với Người và trong Người mà tất cả vũ trụ sẽ trở thành chén thánh do tay Người dâng lên Đức Chúa Cha.

Khi lui tới Phép Mình Thánh đã là gặp gỡ và trao đổi, thì sẽ là một chuyện tình giữa hai người yêu nhau, có sức biến cải nội tâm, đem lại ý nghĩa thiêng liêng cho cuộc sống, và họ sẽ trở thành dòng sông của Nước Trời dưới đất. Một người như vậy, dù không có ý làm chứng về Chúa, cũng sẽ là những chứng nhân của Chúa do chính cuộc sống có Chúa của mình.

Sau cùng, chúng ta được kêu mời làm chứng rằng: Hội Thánh là một thân thể mầu nhiệm, và là một khí cụ của Chúa.

Để trả lời, chúng ta cũng dễ trưng ra những lời Kinh Thánh, những lời công đồng, và nhất là Thư Chung HĐGMVN 1980. Nhưng trả lời như thế chưa phải là làm chứng. Người ta muốn thấy được những chứng sống động nơi chính bản thân chúng ta.

Hiện nay, các nữ tu tại Việt Nam rất ít còn cơ hội có những cống hiến lớn vào sinh hoạt địa phận. Nhưng không phải vì thế mà các nữ tu thiếu tinh thần Giáo Hội. Tinh thần này sẽ mạnh hay yếu nơi mỗi người chúng ta, tùy sự mỗi người ý thức mình là một tế bào của Hội Thánh, một tế bào biết suy nghĩ và biết mến thương. Nếu ta nhận thức rằng: Chính trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh mà ta được sống lành, được sống ơn gọi và được chết lành, thì ta sẽ thấy việc ta mến yêu, trung thành và gắn bó với Hội Thánh là những bổn phận bắt buộc, chứ không phải chỉ là những lời khuyên.

Tiêu biểu đầu tiên cho những bổn phận đó là việc cầu nguyện nhân danh Hội Thánh. Các nữ tu có bổn phận chu toàn phụng vụ giờ kinh hằng ngày, để cầu nguyện nhân danh Hội Thánh. Đừng để thói quen và các bổn phận bận rộn làm cho việc đó trở thành máy móc và hình thức. Chính nhờ phụng vụ giờ kinh, mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ cô đơn. Bởi vì việc đó kết hợp ta với Chúa và với Hội Thánh. Lòng sốt sắng của ta trong những giờ kinh ấy sẽ kéo biết bao nhiêu ơn lành của Chúa xuống cho Hội Thánh, cho Tổ Quốc, cho nhà dòng và cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Một tiêu biểu nữa cho bổn phận mến yêu, trung thành và gắn bó đối với Hội Thánh, là việc ta tích cực cộng tác với Hội Thánh địa phương trong việc phát huy lòng mến Chúa và yêu người. Chối bỏ căn bản Phúc Âm là phản bội Hội Thánh, nhưng quá lo bảo vệ và phát huy những cái phụ, còn căn bản Phúc Âm thì lơ là, đó cũng là một hình thức phản bội Hội Thánh. Chối bỏ Hội Thánh là phản bội Hội Thánh nhưng bênh vực một bộ mặt không phải là bộ mặt thực của Hội Thánh cũng chính là một hình thức phản bội Hội Thánh.

Một tiêu biểu nữa tôi muốn nhắc lại ở đây với tất cả tấm lòng khẩn khoản chân thành, đó là thái độ khiêm tốn đối với mọi chi thể của thân thể mầu nhiệm Chúa tại những nơi mình phục vụ. Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại bằng việc Người khiêm tốn tự hạ. Hội Thánh và tất cả những ai muốn cộng tác vào việc cứu độ cũng phải đi theo con đường tất yếu đó. Hãy hết sức tránh mọi hình thức kiêu căng, tự ái. Kinh Thánh đã nói: “Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết” (Đức Huấn Ca 13). Khiêm nhường trong các hoạt động, đừng làm gì với hậu ý gây uy tín. Khiêm nhường trong các lời nói, đừng nói hạ người khác xuống và nâng mình lên. Nói dài, nói dẻo, nói dai, nói gian, nói dối đều không tốt. Một người có đạo hiền lành, khiêm nhường sẽ làm cho Hội Thánh nên dễ thương hơn một ca đoàn sặc sỡ phô trương.

Lạy Chúa,

Chúa đã hứa: Ai làm chứng Cha trước mặt thiên hạ thì Cha sẽ làm chứng cho kẻ ấy trước mặt Thiên Quốc. Xin thương giúp con biết làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hiện nay. Xin Thần Linh Chúa hướng dẫn con, để mọi việc con làm mọi lời con nói, mọi điều con suy nghĩ ước mong đều hợp ý Chúa, làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2206: TINH THẦN HIỆP NHẤT


(NÓI VỚI NỮ TU ) Bài 12

 

Tôi coi tư tưởng của tôi là một sợi chỉ mong manh. Nhưng để rút ra từ lòng mình một sợi chỉ Bùi-Tuần 2206


Tôi coi tư tưởng của tôi là một sợi chỉ mong manh. Nhưng để rút ra từ lòng mình một sợi chỉ như thế, tôi phải vất vả nhiều lắm. Một sợi chỉ mà thôi sẽ chẳng làm nên chuyện gì, nên phải kéo ra nhiều sợi, mà phải là những sợi khác nhau, nối kết vào nhau, để sau cùng làm nên một bài, có bố cục hẳn hoi, có đầu, có đuôi. Một bài là một quá trình lâu dài và khó khăn. Nhưng rồi chính nó cũng là một kết quả mong manh. Từ nhận xét trên đây, tôi suy nghĩ về cuộc sống. Tôi thấy mong manh là một hiện tượng thông thường. Có những sức khoẻ được chăm sóc tối đa và được coi như rất bảo đảm, nhưng đã chấm dứt chỉ trong một giây, một phút bất ngờ. Đã có những tài sản kết sù, được xây dựng từng mấy chục năm bằng bao nhiêu công sức, nhưng đã tiêu tan trong một giờ. Chính đời người cũng rất mong manh. Tôi không chối những hiện tượng đó, và cũng không buồn vì sự kiện mong manh. Bởi vì chính sự mong manh thúc đẩy con người đi tìm sự bền vững. Đối với người có đức tin, thì sự bền vững nhất chính là Chúa. Người tín hữu sẽ vượt qua thân phận mong manh đời này với niềm tin bất khuất, để đi vào kiếp sau, cùng với Chúa sẽ hưởng hạnh phúc vững bền muôn thưở.

Như vậy, một vấn đề quan trọng có thể đặt ra cho ta ở đây là đi về với Chúa bằng tinh thần nào?

Ở đây, tôi xin nhấn mạnh đến tinh thần này, đó là tinh thần cộng đoàn, tinh thần hợp nhất của Phúc Âm.

Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh tinh thần hợp nhất, tinh thần cộng đoàn, là vì hiện nay không thiếu người vẫn chưa nhìn thấy tầm quan trọng của tinh thần ấy trong đời sống xã hội và tôn giáo. Trong những năm qua và hiện nay có biết bao nhiêu bài học dạy ta về thái độ sống, theo đó, chủ nghĩa cá nhân sẽ không thể tồn tại cả trong lãnh vực đời lẫn lãnh vực đạo. Không những kẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân sẽ mất đi sự hỗ trợ của xã hội và của bạn bè mà cũng sẽ mất đi sự hổ trợ của Chúa.

Chúa đòi kẻ muốn gắn bó với Chúa cũng phải thực sự thông hiệp với thân thể thiêng liêng của Chúa là Hội Thánh.

Chúa Giê Su rất nhấn mạnh đến tính chất hiệp thông trong Hội Thánh. Chúa phán: “Khi hai người hợp nhau cầu nguyện, thì Cha ở giữa họ”. Hợp nhất trong cộng đoàn là điều kiện bác ái, và bác ái là sự sống của Thiên Chúa.

Ý thức điều đó, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã nói: “Chúng con hãy tin rằng: Nếu chúng con làm việc lành cách riêng rẽ, chúng con sẽ chẳng đem lại kết quả nào tốt đâu. Chỉ khi chúng con làm chung với nhau, chúng con mới thực sự là làm tốt...Cùng một lời nguyện, cùng một lời khẩn nài, cùng một tinh thần, cùng một hy vọng, có đức ái và trong niềm vui hợp nhất; đó chính là có Chúa Kitô. Đứng ra ngoài cách đó sẽ chẳng tốt lành gì đâu!”.

Thánh Cyprianô cũng nói: “Khi Chúa Giê Su gọi tấm bánh làm bằng nhiều hạt bột là mình Người, thì Chúa muốn dạy rằng: Dân của Chúa phải hợp nhất với nhau. Và khi Chúa gọi chén rượu nho làm bằng nhiều trái nho là máu của Người, thì Chúa muốn cho ta hiểu rằng: Tất cả đoàn chiên, dù đông đảo, cũng phải là một trong tinh thần hiệp nhất”.

Trước đó, thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại tinh thần hiệp nhất. Ngài nói: “Tất cả anh chị em đều là một trong Đức Kitô”. Và Ngài đã cảnh giác những ai có đầu óc nhỏ hẹp, thích kéo bè, kéo phái: “Anh chị em không là của Apôlô, cũng không là của Kêpha, cũng không phải là của Phaolô, nhưng tất cả anh chị em đều là của Đức Kitô. Anh chị em là chi thể lẫn cho nhau”.

Những lời khuyên nhủ lành thánh trên đây càng cho ta thấy rõ điều này là: Tinh thần hiệp nhất, tinh thần cộng đoàn là đường lối có lợi, và là đường lối bắt buộc phải lựa chọn, vì chính nhờ con đường ấy, ta mới bám được vào Chúa. Trái lại, tinh thần vị kỷ, chia rẻ, tự ái, chủ nghĩa cá nhân và cục bộ, sẽ rất tai hại. Đối với tôi, tai hại lớn nhất là làm sai thánh ý Chúa.

Tất nhiên, trong một cộng đoàn như một nhà dòng, một họ đạo, một địa phận, một giáo hội địa phương, thường có nhiều ý kiến, khuynh hướng khác nhau, và có khi trái ngược nhau. Sự kiện như thế có thể là những tài nguyên phong phú. Nếu mọi khuynh hướng khác nhau cùng thực sự khiêm tốn và nhiệt tình trong tinh thần xây dựng ích chung, thì những khác biệt sẽ là những động lực thúc đẩy đi lên chứ không quay sang phá nhau. Chúng ta thấy hai chân của ta, dù một chân là tả, một chân là hữu, hay gọi cách khác, một chân trái, một chân phải, nhưng chân trái đỡ cho chân phải, chân phải đỡ cho chân trái, cả hai cùng đi về một đích, cả hai cùng bổ túc cho nhau. Cũng thế, những khuynh hướng quen gọi là khuynh hữu, khuynh tả trong một nhà dòng, trong một địa phương, khi biết bổ túc cho nhau, sẽ rất có lợi cho ích chung. Nhận bổ túc cho nhau là nhận mình có giới hạn, và nhận người khác có những khả năng mà mình không có. Trong các tiến triển, luật biện chứng là điều không nên tránh, mà chỉ là điều phải vận dụng cho đúng.

Khi có một vấn đề chung được đặt ra, mỗi người chúng ta nên suy nghĩ tích cực và thành thực đóng góp ý kiến của mình. Mọi suy nghĩ và trao đổi điều nên tiến hành trong tinh thần trách nhiệm bác ái và khiêm nhu, tế nhị. Kinh nghiệm cho thấy, vì thiếu tinh thần trách nhiệm bác ái, khiêm nhu, tế nhị, nhiều suy nghĩ và trao đổi đã trở nên tồi tệ. Gọi là để chữa một vết thương của người khác, nhiều khi người ta thực sự làm cho vết thương ấy thêm sâu hơn, đau đớn hơn, cộng thêm một số vết thương mới nữa.

Điều sau cùng tôi thấy cần nói ở đây, đó là tinh thần kỷ luật. Không thể có tinh thần cộng đoàn tốt, không thể có tinh thần hiệp nhất tốt, nếu thiếu tinh thần kỷ luật. Nếu trong một nhà dòng, một địa phận, ai cũng tự cho ý kiến riêng của mình là đúng hơn ý kiến của người khác, kể cả ý các Bề Trên của mình, để tự ai cũng cho mình cái quyền được làm khác đi, được nói khác đi, được hoạt động khác đi, thì sẽ ra sao. Và trách nhiệm một người như thế đối với Chúa sẽ thế nào?

Chúa Giêsu đã vâng lời, chịu chết trên Thánh Giá và vẫn rất mực khiêm tốn trong phép Thánh Thể là những gương sáng dạy ta về con đường cứu độ. Xưa trong bữa tiệc ly, khi nhìn về tương lai Hội Thánh, trong đó có Hội Thánh Việt Nam 1986 và có chúng ta đây, Chúa đã cầu nguyện thiết tha cho sự hiệp nhất. Lời cầu nguyện thiết tha ấy vốn được đọc đi đọc lại hằng ngày trong thánh lễ. Chúng ta hãy năng đọc lời kinh ấy với Chúa Giêsu và với Hội Thánh của Người. Chúng ta cầu nguyện lời kinh ấy với tinh thần khiêm tốn ăn năn sám hối về những lỗi lầm riêng của ta và chung của Hội Thánh. Chúng ta cầu nguyện lời kinh ấy với tinh thần thông hiệp với Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh. Chúng ta cầu nguyện lời kinh ấy với tất cả tấm lòng biết ơn mến yêu Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện lời kinh ấy với tất cả tình thương mến đối với nhà dòng của chúng ta và với tất cả các chị em còn sống và đã qua đời.

Lạy Chúa,

Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, mà ban cho chúng con ơn hiệp nhất, ơn bình an. Amen.

Tĩnh Tâm Cho Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng Cù Lao Giêng, tháng 6/1992

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2207: CHÚT TÂM SỰ VỀ VẤN ĐỀ NƯƠNG TỰA


Nhân ngày người cao tuổi,

+ GB. Bùi Tuần

 

Nếu tôi không lầm, thì ngày 06 tháng 6 là ngày nhớ cách riêng về người cao tuổi. Tôi là người Bùi-Tuần 2207


1.
Nếu tôi không lầm, thì ngày 06 tháng 6 là ngày nhớ cách riêng về người cao tuổi.

Tôi là người đã 94. Nên có kinh nghiệm phần nào về người cao tuổi.

2.
Tôi sợ kinh nghiệm của tôi sẽ chủ quan. Nên tôi cầu xin Đức Mẹ giúp tôi nhận ra thánh ý Chúa trong vấn đề người cao tuổi nơi tôi lúc này.

3.
Đức Mẹ dẫn tôi tới cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan, và đã trao thánh Gioan cho Đức Mẹ.

4.
Từ đó, Đức Mẹ nương tựa vào thánh Gioan. Thánh Gioan nương tựa vào Đức Mẹ.

5.
Nếu Chúa Giêsu đã không sắp xếp rõ ràng như vậy, thì khó tránh được cảnh bơ vơ cho Đức Mẹ sau khi Chúa về trời. Bởi vì, cho dù tông đồ nào cũng sẵn sàng lo cho Đức Mẹ, nhưng dễ gì giữa các ngài sẽ luôn đồng nhất được trong việc chăm sóc cho Đức Mẹ.

Mà Đức Mẹ thì rất nhạy cảm và tế nhị.

6.
Do vậy, Chúa Giêsu sắp xếp rất rõ ràng, cụ thể, đó là trối Đức Mẹ cho thánh Gioan và trao thánh Gioan cho Đức Mẹ.

Nhờ vậy, Đức Mẹ nương tựa vào thánh Gioan, và thánh Gioan nương tựa vào Đức Mẹ, một cách có trách nhiệm, dựa trên Lời Chúa.

7.
Từ kinh nghiệm trên đây, tôi nghĩ về những người cao tuổi là tôi và nhiều người già như tôi.

Vấn đề mà tự nhiên tôi nghĩ nhiều, nhất là lúc này, đó là vấn đề nương tựa.

Bởi vì, tuổi già sức yếu, bệnh tật, thì tự nhiên tìm nương tựa, đợi chờ nương tựa, rất mừng được có người để mà nương tựa.

8.
Nương tựa trở thành vấn đề đạo đức cho tôi và cho nhiều người.

9.
Tới đây, tôi sực nhớ tới Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Được gần gũi với Đức Thánh Giáo Hoàng, dần dần tôi hiểu Ngài là người già khôn ngoan, dùng cách đối xử tế nhị của mình để giáo dục tôi. Cụ thể thế này.

10.
Rất nhiều lần, Ngài dẫn tôi vào nhà nguyện riêng của Ngài, hai cha con cùng quỳ cầu nguyện. Như thể hai cha con cùng nương tựa vào nhau để cầu nguyện trước Chúa.

11.
Rất nhiều lần, Ngài tâm sự với tôi về những khổ đau của Ngài, như thể Ngài tìm nương tựa nơi tôi, mặc dầu Ngài biết tôi chỉ là đứa con hèn mọn.

12.
Rất nhiều lần, Ngài đưa tay Ngài, để tôi nâng Ngài đứng dậy. Như thể Ngài tìm nương tựa nơi tôi, mặc dầu Ngài biết tôi yếu sức.

13.
Nhưng chính những thái độ khiêm tốn như thế của Ngài đã trở thành chốn tôi nương tựa.

14.
Người già yếu rất cần tìm được người, để mà nương tựa, nhưng họ sẽ rất tủi, nếu nương tựa dành cho họ, lại nặng về trình diễn.

Mà trình diễn hiện nay xem ra đang bùng phát, khiến nhiều người già càng thêm nghĩ ngợi.

15.
Tuy sao, tôi vẫn hy vọng người già tại Việt Nam hôm nay sẽ gặp được nhiều nương tựa, tuy lặng thầm, mà rất có chất lượng.

16.
Tình hình hiện nay là rất nghiêm trọng. Phải biết nương tựa vào nhau mà sống. Già nương tựa vào trẻ. Trẻ nương tựa vào già.

17.
Nương tựa phải có kính trọng nhau, có tin vào nhau, có hy sinh cho nhau.

18.
Riêng với tôi, nương tựa giữa chúng ta luôn được thực hiện dưới cái nhìn của Chúa. Chúa nhìn thấu suốt mọi chi tiết về nương tựa của từng người.

19.
Tới đây, tôi sực nhớ về Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Suốt đời, Ngài nương tựa vào Chúa Giêsu, để rồi, Ngài trở thành một người cao tuổi rất đáng mến thương.

20.
Nhiều vị cao tuổi, thì cao đức. Còn tôi thì cao tuổi, mà kém đức. Xin Chúa xót thương tôi. Xin anh chị em đừng nỡ bỏ rơi tôi.

Long Xuyên, ngày 06.6.2021

--------------------------------

 

Bùi-Tuần 2208: TỪ THU CHUNG 1980 GIÁO HỘI VIỆT NAM TIẾN TỚI THỜI KỲ MỚI CỦA NĂM 2000

 

Trong lịch sử, Giáo Hội Việt Nam đã được khen. Người ta khen và tự mình khen. Những lời khen Bùi-Tuần 2208


Trong lịch sử, Giáo Hội Việt Nam đã được khen. Người ta khen và tự mình khen. Những lời khen đó thường được ta coi là có lý hơn những lời chê. Cũng đã có những lời chỉ có tính cách ghi nhận, không khen không chê, nhưng lại rất đáng suy nghĩ.

Vài ghi nhận đáng suy nghĩ.

Trong cuốn “Le Việt Nam au XXe siècle”, nghiên cứu về con đường dài Việt Nam đã đi, từ thời kỳ trường thống đến thời kỳ bị đô hộ, cho tới thời đại Cách mạng, tác giả Pierre-Richard Féray đã có một số ghi nhận về Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Theo ông: “Đạo Công giáo Việt Nam làm nên một thế giới ngoài lề, như đứng cách xa cơn biến động đã từng thổi hồn vào đời sống trí thức, tôn giáo và chính trị của xứ sở từ Bắn đến Nam... Tệ hơn nữa, đạo công giáo tại Việt Nam vẫn tiếp tục là một tôn giáo ngoại lai... Điều gây ấn tượng người nghiên cứu sử, đó là sự ổn định của trật tự Thiên Chúa giáo, ít là bề ngoài... Khi số đông cho phép, Giáo Hội đã tổ chức thành những “ốc đảo”... Các cộng đoàn sống tách rời khỏ nhân dân còn lại. Tất nhiên, tình hình sẽ biến đổi, nhưng chậm chạp... Để kết, chúng ta nhìn nhận rằng: Thế giới Công giáo Việt Nam bé nhỏ là một thế giới ít biến hóa nhất trong xã hội sôi động này, tức là Việt Nam của giữa hai cuộc chiến” (Pierre-Richard Féray, Le Việt Nam au XXe siècle, P.U.P, 1979, trang 123-126).

Những ghi nhận trên đây làm tôi suy nghĩ nhiều. Bởi vì, nếu Giáo Hội Việt Nam thật sự xa rời đời sống trí thức, cách biệt các tôn giáo bạn, dửng dưng với các sinh hoạt chính trị, chỉ lo bảo vệ nề nếp bội bộ, thì còn đâu là truyền giáo?

Tôi càng suy nghĩ nhiều hơn, khi đọc thấy trong cuốn “Việt Nam Communistes et dragons” mới xuất bản, hai nhà chuyên viên về Việt Nam, đồng tác giả cuốn sách, đã cho rằng Công giáo Việt Nam có một thủ đô thứ hai là Vatican. Thủ đô này đang đàm phá với thủ đô Hà Nội, về vấn đề chọn người thế vị Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (Jean-Claude Pomonti, Hugues Tertras, Việt Nam Communistes et dragons, Le Monde-Editions, 1994, trang 167-168).

Những ý kiến trên đây tuy không phản ánh toàn bộ sự thật, nhưng có thể giúp người ta hiểu được phần nào lý do tại sao Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 đã nêu lên đường hướng mục vụ: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Nhờ đường hướng này, nhiều cộng đoàn đức tin đã an tâm đồng hành với dân tộc, và đã chủ động khôn khéo xây dựng cho mình một chỗ đứng xứng đáng giữa đồng bào trên quê hương Việt Nam. Kết quả truyền giáo là rất đáng ghi nhận.

Giờ đây, Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn phát triển.

Phát triển làm nên cơn lốc tung lên nhiều cái tốt cái hay, nhưng cũng gây ra những bụi khói, cái dở cái xấu. Càng tiến về tương lai, nhịp phát triển xem ra càng mạnh và nhanh, hướng phát triển có vẻ đột phá. Trong một tình hình mới chứa nhiều khả năng tốt và xấu, nước Việt Nam chắc sẽ có được những bước tiến vững vàng, nếu biết giữ được tinh thần quốc gia, nền văn hoá dân tộc và sự quân bình nội bộ.

Đồng hành với dân tộc trên đường phát triển hướng về năm 2000, Giáo Hội Việt Nam “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” cũng sẽ phát triển, và phải phát triển về mặt Tin Mừng. Do đó, con đường mục vụ hướng về năm 2000 thiết tưởng sẽ phải là “sống phát triển Tin Mừng”. Phải nói ngay rằng, đường hướng phát triển Tin Mừng sẽ gặp nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng đụng phải nhiều hoàn cảnh không thuận lợi. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, khi trong tình hình mới, người dân coi việc phát triển đời sống là ưu tiên số một.

Tình hình mới với những vấn đề mới.

Trong tim óc con người Việt Nam hôm nay, cái đang gây nhiều thao thức mạnh và thường xuyên, đó là đời sống. Làm sao cho đời sống được khá hơn. Đời sống là cái ăn, cái mặc, cái ở, cái lợi, cái vui, cái đẹp. Đời sống là công ăn việc làm, tài sản, lợi tức, tình bạn, tình yêu. Đời sống là những dây liên đới làm nên chỗ đứng trong xã hội.

Phát triển đời sống vốn là tự phát. Nhưng sau một thời gian dài bị hạn chế bởi những điều kiện xã hội phức tạp, khi được mở ra, sự phát triển đời sống bùng nổ dưới nhiều hình thức, nhất là từ khi “vùng chiến tranh biến thành vùng kinh tế thị trường”. Chỉ sau một thời gian mấy năm thôi, công cuộc phát triển đời sống đã đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng. Nhưng cũng đã xuất hiện một số tình huống gây băn khoăn cho việc phát triển Tin Mừng.

Trước hết là những hiện tượng mất cân đối. Dưới đây xin nêu lên một ít ví dụ.

1. Mức độ phát triển ở nông thôn so với mức độ phát triển ở thành thị vốn đã xa nhau, nay càng xa nhau hơn. Cũng vì thế, đang có những cuộc di dân âm thầm. Từng hộ. Có nơi từng mấy chục hộ bỏ nông thôn nghèo, tìm đến những tụ điểm kinh tế cao ở thị thành hoặc ở những vùng làm ăn có lợi tức lớn, và ở những nơi có trường lớp cho con em học lên. Do đó, một số nhà thờ vùng quê trước đây sầm uất, nay trở nên thưa thớt.

2. Một lớp người giàu đang vươn lên, tạo ra một giai cấp mới, bỏ xa cảnh nghèo của đông đảo đồng bào, gây nên một tâm lý xa cách. Trong số những người giàu mới, cũng có không ít nhân sự đứng đầu các cộng đồng tôn giáo.

3. Nơi một số người cầm quyền, cả trong xã hội lẫn trong Giáo Hội, khi trình độ học thức và óc phán đoán bị coi là không cân đối với nhiệm vụ và địa vị của mình, theo đòi hỏi của phát triển đời sống, sẽ tạo ra nơi họ những mặc cảm, và nơi người xung quanh sự bớt đi kính trọng và tín nhiệm.

4. Cũng đã có nhiều cá nhân, nhiều gia đình, tiến mạnh về văn minh vật chất, nhưng lại lùi ghê gờm trong lãnh vực lương tâm, gây nên những tổn thất nặng nề về tinh thần.

5. Tinh thần cạnh tranh dễ tạo nên chủ nghĩa cá nhân. Do đó đã xảy ra không ít những mâu thuẫn đáng kinh ngạc giữa các cá nhân, ngay trong chính nội bộ gia đình, và trong cả một vài cộng đoàn tôn giáo. Không thiếu chuyện ghen tương nhau, hạ nhau xuống, loại trừ nhau, có vẻ được khuyết khích dưới những lý do đội lốt ích chung, đang khi một số những việc từ thiện bác ái, thăng tiến con người lại bị kết án, cũng căn cứ trên tinh thần gọi là bảo vệ lợi ích chung.

6. Giữa thế hệ người lớn và thế hệ trẻ đang xuất hiện một khoảng cách về cách suy nghĩ, cách đánh giá đạo đức. Đúng là đang mất đi một thế quân bình nào đó trong xã hội. Có những cộng đoàn đức tin, trước kia khép kín, nay được mở ra, bừng thức tỉnh, thấy mình thua kém, đã không ngại phiền trách các bề trên của mình, qui lỗi cho các ngài là đã không thức thời. Sự mất quân bình trong nội bộ đôi khi trở thành căng thẳng và khủng hoảng.

Tới đây, tôi nhớ tới cuốn “Những khía cạnh xã hội của phát triển kinh tế”. Trong cuốn này, tác giả đã đưa ra một số trường hợp điển hình đề cập đến vai trò của tôn giáo trong lãnh vực phát triển kinh tế. Có nơi, kinh tế đã khó phát triển, hoặc do những quan điểm khắt khe của tôn giáo, hoặc do thái độ bảo thủ hẹp hòi của mấy vị lãnh đạo cộng đoàn, và của một lớp người thế lực tôn giáo. Trái lại, có nơi, kinh tế đã phát triển tốt, nhờ sự khuyến khích của tôn giáo và những phát triển cộng đồng do các nhà lãnh đạo tôn giáo chủ xướng (Chester L. Hunt, dịch giả Lê Xuân Khoa, Tủ sách Xã hội, 1972).

Ngoài những hiện tượng mất cân đối, còn có sự du nhập vào Việt Nam nhiều lối sống mới, nhiều cách suy nghĩ mới, do những tiếp cận mới.  Hiện tượng này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển Tin Mừng. Có những ảnh hưởng tốt, và cũng có những ảnh hưởng xấu. Sự kiện bùng nổ thông tin càng ngày càng tăng. Không thể bưng bít được những tin tức đó đây. Càng khó kiểm chứng được các nguồn tin. Chân lý và sai lầm xen lẫn nhau. Khó phân định được tốt xấu trong các quan điểm. Những tài liệu từ các nước ngoài gởi về mang nội dung chống Công giáo Việt Nam có vẻ không được nhiều ác cảm đối với Công giáo Việt Nam, nhưng cũng gieo rắc hoang mang. Anh hưởng hơn hết là các trào lưu tục hoá và phong trào hưởng thụ.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, điều đáng ngại nhất cho việc phát triển Tin Mừng, phải tìm ngay trong chính nội bộ Hội Thánh  đó là sự trì trệ, thiếu nhiệt huyết tông đồ, thiếu năng lực và sáng kiến, nhất là những hiện tượng phản chứng trong việc phát triển đời sống, kể cả trong việc phát triển Hội Thánh.

Dám làm chứng cho Tin Mừng.

Việc phát động truyền giáo trong tình hình mới nên được khởi đi từ việc kiểm điểm lại chính mình về nhiệm vụ truyền giáo hiện nay và trong những năm qua. “Những nén bạc” Chúa trao cho để sinh lời, nay có thực sự sinh lời không? “Cây vả” Chúa đếm tìm trái, nay có trái không?

Nếu mình thực sự đã có lỗi lầm, thì nên nhìn nhận. Các công cuộc phát triển, bất cứ trong lãnh vực nào, xem ra đều không tránh được lỗi lầm, cách này cách nọ. Kiểm điểm lại, để rút kinh nghiệm, đó là khôn ngoan đạo đức, và trí thức.

Những lỗi lầm trong phát triển Tin Mừng có thể bắt nguồn từ những sai lầm của những chặng đường nào đó trong lịch sử xảy ra cho đất nước. Sai lầm của nước Pháp tại Việt Nam đã được trình bày trong cuốn “Indochine, 1940-1955, La fin d’un rêve” của Jacques de Folin, Périn, 1993 và trong cuốn “Leclerc et l'Indochine” của viện nghiên cứu Bộ Quốc phòng Pháp, bin Michel, 1992. Sai lầm của Hoa Kỳ tại Việt Nam mới được phổ biến trong nhật ký của cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert S. Mc.Namara, mà báo chí đang trích đăng và bình luận (nhật báo Nhân Dân, ngày 14/4/1994; Sài Gòn Giải Phóng, ngày 17/4/1994).

Khi đề cập đến những lỗi lầm trong việc phát triển Tin Mừng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Còn một trang sử đau xót nữa, mà khi đọc lại, con cái Giáo Hội không thể không mặc lấy tinh thần sám hối, đó là đã chấp nhận dùng đến những phương pháp bất khoan dung và thậm chí bạo lực trong khi phụng sự chân lý... Dẫu cho có xét đến những trường hợp giảm khinh, Giáo Hội cũng không tránh khỏi phải hối tiếc sâu sắc những yếu đuối của biết bao con cái đã làm hỏng gương mặt mình và đã ngăn trở mình thể hiện tràn đầy hình ảnh Chúa chịu đóng đinh, chứng nhân vô song về tình yêu kiên nhẫn và lòng khiêm nhường hiền lành” (Tông thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “Tiến tới Thiên niên kỷ thứ ba” số 35, 1994). Tiếp đó, Đức Thánh Cha cũng đã nêu ra lỗi lầm của người công giáo trong thái độ lãnh đạm tôn giáo, và những thái độ sống phản Phúc Âm. Ngài nói: “Một thách đố đang đặt ra cho con cái Giáo Hội, đó là: Còn nơi nào mà bầu khí duy-thế-tục và trào lưu tương-đối-hóa đạo đức chưa xâm lấn tới? Còn chỗ nào không thuộc trách nhiệm của họ trong hiện tượng vô tín ngưỡng ngày càng tăng, bởi lẽ họ đã không trình bày khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, do khiếm khuyết trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội” (số 36)... “Làm sao có thể không tỏ bày hối tiếc và nhận phần cùng trách nhiệm với biết bao Kitô hữu trong những hình thức bất công nghiêm trọng cũng như những hình thức thờ ơ xã hội” (số 36).

Ngoài việc nhìn nhận và sám hối lỗi lầm, chúng ta nên khởi sự bằng một cái nhìn đầy hy vọng vào sức mạnh siêu nhiên. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II nói: “Chúng ta phải chắc chắn rằng Thiên Chúa, bằng những cách mà Người biết, sẽ ban tặng cho mọi người khả năng được thông hiệp vào mầu nhiệm phục sinh” (số 22,5). “Bằng việc nhập thể, Con Thiên Chúa bằng một cách nào đó đã kết hợp với mọi người” (số 22,2). Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có những cách mà Người biết để phát triển Tin Mừng. Nhiệm vụ của ta la phải nhận ra những cách mà Thiên Chúa biết, và cộng tác vào những cách đó. Nhiệm vụ như thế đòi nhiều nghiên cứu, học hỏi, cầu nguyện và nhất là chiêm niệm để gặp Chúa, chiêm ngắm Người, hiểu ý Người, đón nhận đường lối của Người, và có được nhiệt huyết và sự khôn ngoan tông đồ. Ta có dám phát triển Tin Mừng, khởi đi từ những việc trên đây không? Tôi nghĩ là chúng ta dám. Bởi vì chỉ với những việc đó, chúng ta mới thực hiện được đường hướng mới cho giai đoạn mới: “Sống Phúc Âm là phải phát triển Tin Mừng”

Bài nói chuyện với các Linh mục tu sĩ, tháng 5/1995

------------------------------------

 

Bùi-Tuần 2209: TÌM NHỮNG CHỖ ĐỨNG TRƯỚC MẶT CHÚA

 

Có những chỗ đứng tốt trước mặt Chúa, đó là ước muốn lành mạnh của người tín hữu. Có chỗ Bùi-Tuần 2209


Có những chỗ đứng tốt trước mặt Chúa, đó là ước muốn lành mạnh của người tín hữu. Có chỗ mình thích, nhưng không hợp với mình. có chỗ hợp với mình, nhưng mình không thích. Có chỗ vừa thích vừa hợp theo suy nghĩ của mình, nhưng ý Chúa lại khác.

Ơ đây tôi muốn nói về những chỗ đứng theo thánh ý Chúa, và do đó sẽ là chỗ đứng tốt.

Chỗ đứng giữa người người tội lỗi.

Xưng nhận mình là kẻ tội lỗi, đó là một việc chúng ta quen làm trong phụng vụ và trong các kinh nguyện. Đứng vào hàng ngũ các kẻ có tội có lợi cho chúng ta. Bởi vì Chúa cứu thế đến không để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những kẻ tội lỗi (Lc 5,32).

“Đứng giữa những người tội lỗi”, nói thế chưa chắc hẳn là đúng. Bởi chưng thực sự   chúng ta đứng giữa tội lỗi, đứng trong tội lỗi. Thánh Phaolô tông đồ đã cảm nghiệm sâu sắc sự thực ấy. Ngài viết: “Tôi bị bán cho tội lỗi... Điều tôi muốn thì tôi không làm. Điều tôi không muốn thì tôi lại làm... Sự tội cư ngụ trong tôi... Vô phúc thay con người của tôi. Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?” (Rm 7,14-24).

Thánh Phaolô nói lên sự thực gay gắt đó, không phải để bi quan, nhưng để làm chứng rằng: Mặc dầu tội lỗi tràn ngập, con người vẫn được Chúa thương cứu độ, miễn là họ biết đón nhận ơn cứu độ. Đây là một mạc khải về tội không hề đưa tới bế tắc, nhưng mở đường cho sự tái sinh đầy hạnh phúc.

Điều quan trọng là phải thấy mình cần được cứu độ, rất cần được ơn cứu độ, và phải biết đón nhận ơn cứu độ.

Khi tôi nhận thức mình tội lỗi, đứng trong hàng ngũ những người tội lỗi, mà con người, tôi cảm thấy rất bình an. “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con tội lỗi, thực sự rất tội lỗi, thực sự bất xứng hơn tất cả những ai bất xứng nhất”. Tôi cầu nguyện như thế, và không lâu ơn Chúa đến với tôi. Nhất là chính Chúa đến với tôi. Chúa Cha đến, như người cha giàu lòng thương xót đối với kẻ tội lỗi. Chúa Giêsu đến, như Đấng cứu độ đến với một người không thể tự mình cứu được mình. Chúa Thánh Thần đến, như Đấng an ủi , dạy dỗ tái sinh tôi vào sự sống mới.

Qua những kinh nghiệm nhiều lần và khác nhau về sự đứng trong hàng ngũ những tội nhân mà cầu nguyện và khao khát ơn cứu độ, tôi cảm thấy chỗ đứng đó rất hợp với tôi. Tôi thích chỗ đứng đó. Tôi xác tín đó là chỗ đứng tốt. Chính Chúa muốn tôi luôn giữ lấy cho mình.

Người đứng ở chỗ đó tất nhiên cảm thấy mình cần phải được đào tạo lại, đào tạo thêm, đào tạo mãi mãi.

Chỗ đứng giữa những người còn phải được đào tạo.

Đào tạo đi liền với phát triển. Mỗi người chúng ta đều phải phát triển các tài năng tự nhiên của mình về nhiều lãnh vực. Đó là một bổn phận quan trọng. Mỗi người chúng ta đều phải phát triển hạt giống ơn Chúa Thánh Thần trên cánh đồng ngày càng mở rộng trong ta, do các tài năng tự nhiên tiến triển. Đó là một bổn phận hết sức gắn liền với các bước đào tạo mỗi ngày mỗi phải cao hơn, sâu hơn.

Kinh nghiệm cho thấy: Ngay sự phát triển nhân bản cũng sẽ chẳng bao giờ coi được  là thoả đáng, nếu con người không được đào tạo thường xuyên, mặc dù đã cao tuổi, cao chức. Phương chi việc phát triển trí thức, ý chí, tình cảm và bản lãnh. Càng được đào tạo, bầu trời nội tâm càng rộng thêm, càng sáng thêm, càng tạo nên những cảm hứng mới. Mỗi năm, bầu trời đó lại có những giá trị mới.

Từng bước phát triển các giá trị tự nhiên do đào tạo thường xuyên, chúng ta lại từng bước đem những giá trị mới đó đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để chúng được thánh hoá. Và đây cũng là những việc đạo đức không phải là không cần được đào tạo. Cho dù đạo đức của một đoạn văn Kinh Thánh cũng đòi rất nhiều đào tạo. Thí dụ: “Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em. Đừng theo thói thế gian này. Trái lại hãy đổi mới lòng trí, làm sao anh em có thể phân định được đâu là ý của Thiên Chúa, điều gì là tốt lành, là thú vị, là trọn hảo” (Rm 12,1-2).

Đoạn thư này có nhiều câu. Mỗi câu gợi ý cho một bài lý thuyết và thực hành về đào tạo. Học mãi, tập hoài vẫn thấy chưa đủ. Nhất là về sự đổi mới cái nhìn, đổi mới cách suy nghĩ, như Chúa muốn. Một thí dụ nhỏ trên đây cho thấy mọi người chúng ta đều phải coi mình là người cần phải được đào tạo thường xuyên. Địa vị càng cao, trọng trách càng lớn, thì đào tạo thường xuyên càng cần. Nhiều khi chúng ta ngại. Nhưng xin nhớ: việc chúng ta chọn chỗ đứng trong hàng ngũ những người cần phải được đào tạo, đó chính là việc xứng hợp, việc khôn ngoan, việc Chúa muốn.

Lựa chọn đó giúp chúng ta sống bé mọn theo tinh thần Phúc Âm.

Chỗ đứng giữa những người bé mọn.

Khi được đào tạo đúng đắn với những phát triển tự nhiên và siêu nhiên, chúng ta dễ khám phá thấy sự thực này: Chúng ta biết một mà chưa biết ngàn triệu, chúng ta muốn ngàn triệu mà chỉ làm được một. Nghĩa là chúng ta thực sự quá bé nhỏ trước vũ trụ bao la bát ngát về chân thiện mỹ, đặc biệt là quá hèn mọn trước thánh nhan Chúa.

Thánh Phaolô tông đồ ý thức mình hèn mọn, nên đã viết: “Còn đối với tôi, tôi sẽ chỉ khoe mình về những yếu đuối của tôi” (2Cr 12,5). Còn chúng ta, chúng ta hèn mọn, nhưng nhiêù khi lại thích khoe mình về chức quyền, địa vị, thành công, uy tín.

Thánh Phaolô nhận thức mình hèn mọn, nến rất khiêm tốn tế nhị trong việc xét đoán người khác. Ngài viết: “Tại sao ngươi xét đoán anh em ngươi? Tại sao ngươi khinh dể anh em ngươi? Hết thảy chúng ta sẽ ra trước toà Thiên Chúa... Mỗi người sẽ phải trả lẽ về chính mình trước mặt Chúa... Đừng xét đoán nhau nữa” (Rm 14,10-13). Còn chúng ta, dù biết mình hèn mọn, nhưng nhiều khi vẫn kiêu căng trong những suy nghĩ về người khác.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc về sự hếu hèn của mình, nên rất thương cảm những kẻ hèn mọn yếu đuối. Ngài phấn đấu bỏ cắt bì và nhiều gánh nặng tôn giáo khác cho dân. Còn chúng ta, dù vẫn trong thân phận yếu đuối hàn mọn, nhưng nhiều khi lại tỏ ra cứng cỏi, không cảm thương những người hèn yếu, đôi kiếp còn đặt thêm gánh nặng trên đời họ một cách vô lý.

Làn giò tươi mát Hội Thánh, có sức đổi mới các tâm hồn không pải là các luật lệ mới, các giàu sang mới, các lễ lạy linh đình mới, các quyền lực mới, nhưng là một dung mạo mới về Hội Thánh, qua những bộ mặt mới của những người Hội Thánh: Dung mạo mới đó là dung mạo Tám mối phúc nơi những người sống bé mọn. Họ là những Phanxicô khó khăn, Charles de Foucauld, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Têrêsa Calcutta, Marthe de Robin, Padre Piô.

Họ là những dụng cụ ngoan ngoãn mà Chúa Thánh Thần đang dùng để giới thiệu một cách sống động dung mạo Thiên Chúa tình yêu được mạc khải trong Phúc Âm. Họ là những người bé mọn thực hiện một sự tái sinh mà Chúa muốn, để làm chứng cho Nước Trời: “Nếu chúng con không trở nên như trẻ nhỏ, chúng con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Họ là những người không thông thái kiểu thế gian, nhưng đã được Chúa chọn, để hiểu biết nhiều bí mật kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, như lời Đức Kitô đã nói xưa: “Cha đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái t những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21). Họ là những người khiêm tốn bé mọn, sống sự thực về mình, được Đức Kitô khen, vì họ biết mình dù đã làm xong bổn phận, họ vẫn chỉ là những đầy tớ vô dụng. Họ chỉ làm bổn phận của mình, chứ không có gì để mà được phô trương (Lc 17,10). Họ là những tâm hồn bé mọn, đi trên con đường bé nhỏ, gieo những hạt giống Tin Mừng bé nhỏ, rắc những bông hoa tình thương bé nhỏ, đi lại với những người hèn mọn, thực hiện những kế hoạch phục vụ bé nhỏ. Hy vọng vì thế họ có thể sẽ là những tấm men nhỏ, những hạt muối nhỏ, những ngọn đèn nhỏ.

*****

Nếu chúng ta vô tình để tái tạo ra trong Hội Thánh giai cấp Biệt phái (Mt 23), một giai cấp gồm những người tự nhận là đạo đức hơn người, một giai m những người không được đào tạo đủ, nhưng lại chuyên môn đào tạo kẻ khác, một giai cấp gồm những kẻ cả, xa rời thân phận người dân lầm than khốn khổ, thì sẽ là thảm hoạ cho Hội Thánh. Vì thế, nếu chúng ta chọn cho mình những chỗ đứng giữa những người tội lỗi, giữa những người cần phải được đào tạo, giữa những người bé mọn, thì thiết tưởng lựa chọn đó là can đảm, đúng ý Chúa.

Bài nói chuyện với linh mục tu sĩ tháng 6/1999

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2210: SƠ ĐỒ NGƯỜI ĐƯỢC SAI ĐI

 

Cuối thế kỷ 20 này, tại Việt Nam, nhiều cộng đoàn đức tin đã có một khuôn mặt mới. Cơ sở Bùi-Tuần 2210


Cuối thế kỷ 20 này, tại Việt Nam, nhiều cộng đoàn đức tin đã có một khuôn mặt mới. Cơ sở nhiều hơn trước, đẹp hơn trước, giàu sang hơn trước. Sinh hoạt tôn giáo đa dạng hơn trước và sầm uất hơn trước. Bên cạnh những phát triển trên đây đang xuất hiện hai thứ phát triển khác về đức tin luân lý và phục vụ; phát triển những bước đi lên, và phát triển những bước thụt lùi.

Trước tình hình như thế, nhiều tông đồ đã rất trăn trở. Trăn trở cho Hội Thánh và trăn trở cho chính mình.

Để biết mình và cộng đoàn mình đang đứng ở đâu trên đường sống đạo và truyền đạo, cũng như để giúp nhận định phương hướng cho sứ vụ thế kỷ 21, tôi tìm ánh sáng nơi Lời Chúa.

Tất cả Phúc Âm chứa đầy những bài học có tính cách đào tạo đủ mọi hạng người trong gia đình Chúa. Nhưng nếu muốn tìm một trang Phúc Âm tóm lược sơ đồ căn bản cần thiết cho những người được sai đi, thì chúng ta có thể dừng lại ở Luca, đoạn 4.

1/ Nguồn mạch của sứ vụ được sai đi là Thần Linh Chúa.

“Thần Linh Chúa ngự trên tôi” (Lc 4,18). Khởi đầu là từ đó. Động lực là ở đó. Tất nhiên chúng ta phải được Bề trên hay cộng đoàn sai đi, và tất nhiên chúng ta phải chuẩn bị cho mình hành trang các kiến thức đủ thứ, nhưng trước và đang khi thi hành chức vụ, chúng ta luôn luôn phải mở lòng ra về phía Thánh Linh. “Hãy nghe điều Thần Linh nói với các Hội Thánh” (Kitô hữu 2,7). Tác giả sách Khải Huyền nhắc đi nhắc lại lời khuyên trên đây đến bảy lần chỉ trong hai đoạn hai và ba.

Nghe Thần Linh là đón nhận từ Thần Linh và nhờ Thần Linh mà nhìn nhận những thực tại căn bản làm nên đời sống người Kitô hữu.

Nghe Thần Linh là Thần Linh mà biết phân định một sự việc cụ thể, nhận ra những gì là do Chúa, những gì là không do Chúa.

Nghe Thần Linh là nhờ Thần Linh mà biết chọn một phong cách tốt nhất và thích hợp nhất để diễn tả Tin Mừng trong một biến cố, là nhờ Thần Linh mà biết chọn những giá trị nào là ưu tiên để thực hiện trong một tình hình cụ thể, là nhờ Thần Linh mà biết chọn một thái độ nhân bản nào khôn ngoan nhất để sống với đồng bào, để đi cùng dân tộc trên những chặng đường phức tạp của lịch sử.

Nghe Thần Linh là nhờ Thần Linh mà tin cậy phó thác tuyệt đối vào sức mạnh của Chúa. Bởi vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

2/ Mục tiêu của sứ vụ được sai đi là loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.
“Người đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Trong bài giảng khai mạc lần này, Chúa Giêsu kể ra bốn loại người khổ: Kẻ túng nghèo, kẻ bị giam cầm, kẻ mù loà, kẻ bị áp bức. Trong bài giảng về tám mối phúc, Chúa Giêsu cũng nêu lên bốn loại người khổ: Kẻ túng nghèo, kẻ lo buồn sầu não, kẻ đói khát, kẻ bị bách hại (Mt 5,3-10).

Các loại người trên đây tượng trưng cho tất cả những ai bị thua thiệt trong xã hội, những ai bị tước đoạt quyền sống, những ai không có điều kiện để sống xứng phẩm giá con người, những ai suốt đời bị nhận chìm vào kiếp sống lầm than.

Loan báo Tin Mừng cho họ theo hướng dẫn của Thánh Linh sẽ được thực hiện dưới dạng phục vụ trong nhiều lãnh vực. Đọc lại đời sống Maisen, Chúa Giêsu và các thánh tông đồ, tôi thấy các ngài đã phục vụ một cách rõ rệt trong những lãnh vực này: Lãnh vực sức khoẻ, lãnh vực môi trường, lãnh vực văn hoá xã hội, lãnh vực tâm linh, nhất là lãnh vực Lời Chúa và cầu nguyện.

Phục vụ ở đây không cốt yếu là ban phát, nhưng là đồng hành, là chia sẻ, là thương cảm, là gánh thay họ những khổ đau. Đức Kitô vốn sang giàu, nhưng vì được sai đi phục vụ kẻ nghèo. Người đã tự ý trở nên nghèo hèn. Rất khác với nhiều người. Họ vốn nghèo hèn, nhưng nhờ được sai đi phục vụ kẻ nghèo, họ đã lợi dụng để trở nên sang giàu.

3/ Phạm vi của sứ vụ được sai đi mở rộng tới dân ngoại.

Chúa Giêsu nhắc đến việc tiên tri Elia được sai đến cứu đói bà goá thành Xarépta, và việc tiên tri Elisa được  sai đến chữa bệnh phong cho ông Naaman người sứ Syria (Lc 4,25-27). Qua những nhắc nhở này, Chúa Giêsu cho mọi người thấy người cũng được sai đến với các dân ngoại.

Người đến cũng để phục vụ họ. Một điều rất đáng ngạc nhiên là khi phục vụ những người ngoài dân Chúa, Đức Kitô đã cho thấy nhiều người trong họ đáng được nêu gương để người có đạo noi theo. Về gương đức tin mạnh, Đức Kitô chỉ vào ông đại đội trưởng ngoại đạo, khi Chúa gặp ông ở Caphanaum (Mt 8,10). Về gương đức bác ái, Đức Kitô chỉ vào người Samaria ngoại đạo đã ân cần chăm sóc kẻ bị cướp đánh nằm ở vệ đường (Lc 10,29-37). Về gương biết ơn, Đức Kitô chỉ vào người Samaria được chữa khỏi bệnh phong cùi, đã trở lại cám ơn Chúa (Lc 17,11-19).

4/ Kế hoạch của sứ vụ được sai đi trong Lời Chúa.

Phúc Âm thánh Luca tả tỉ mỉ việc Đức Kitô chia sẻ Lời Chúa. Người đứng lên, cầm sách Isaia, mở ra, đọc, gấp sách lại, ngồi xuống, rồi nói (Lc 4,16-21). Những  động tác trên đây diễn tả lòng kính trọng Sách Thánh. Đức Kitô đã không cắt nghĩa kế hoạch sứ vụ của Người từ những mơ ước, từ những tính toán, mà từ Lời Kinh Thánh. Đem lời Kinh Thánh xưa áp dụng cho sứ vụ của Ngài lúc đó. Điều đáng chú ý ở đây là Đức Kitô đọc Lời Chúa trước cộng đoàn, chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn, phục vụ Lời Chúa trong cộng đoàn, giới thiệu Tin Mừng với cộng đoàn qua cảm hứng Lời Chúa.

Người đặt ưu tiên cho Kinh Thánh. Lời Chúa là lương thực hằng ngày, là ánh sáng cho mọi hoàn cảnh, là sự sống, là hy vọng và an ủi  cho mọi người mọi nơi.

Lời Kinh Thánh mà Đức Kitô đọc lên và chia sẻ là Lời Chúa mà Người đã suy gẫm trong cầu nguyện và thinh lặng. Chính vì thế, Lời Chúa xưa đã trở thành lửa, sự sống và Tin Mừng cho hôm nay.

5/ Bình tĩnh trước những phán ứng của dân chúng.

Cũng Phúc Âm Luca, đoạn 4, ghi lại: Dân chúng, khi nghe Chúa Giêsu giảng, đã phản ứng bằng một loạt thái độ khác nhau: Họ chăm chú nhìn Người, họ thán phục Người, họ thắc mắc về Người, họ tức giận Người, họ lôi Người ra khỏi thành, họ kéo Người lên đỉnh núi với ý định xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Đức Kitô cứ bình tĩnh, băng qua giữa họ mà đi (Lc 4,20-30).

Những mô tả trên đây cho thấy: Một đàng là dư luận quần chúng rất phức tạp, rất thay đổi, rất dễ bị khích động, rất thiếu suy nghĩ sâu xa. Một đàng là thái độ Đức Kitô, Đấng được sai đi, rất bình tĩnh, rất tự chủ. Người không sợ dư luận, không mị dân, không tìm tiếng khen. Người chỉ chu toàn sứ vụ được sai đi, bất chấp được khen hay bị chê.

*****

Trên đây là một sơ đồ. Vắn tắt thôi. Những tâm hồn đơn sơ khó nghèo có thể dùng nó để tìm gợi ý cho việc đào tạo mình trong sứ vụ được sai đi. Được sai đi để phục vụ dân Chúa đang đi. Đang đi về phía trước, chứ không ngồi, không đứng một chỗ. Khi phấn đấu tự đào tạo mình hằng ngày theo đúng mô hình Phúc Âm, người được sai đi, dù có nhiều vấp váp và yếu đuối, vẫn thấy đời mình có ý nghĩa. Tự đào tạo mình đòi suy nghĩ lại, bắt đầu lại, trong việc học hỏi, trong việc rèn luyện, trong việc sáng tạo. Đó là một ước mơ đẹp của người được sai đi vào thế kỷ mới.
Bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ tháng 12/1999

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2211: KHI VIẾNG NHÀ THỜ

 

Một trong những việc chúng ta quan tâm trong Năm Thánh này là viếng nhà thờ. Mục đích viếng Bùi-Tuần 2211


Một trong những việc chúng ta quan tâm trong Năm Thánh này là viếng nhà thờ. Mục đích viếng nhà thờ là đón nhận ơn toàn xá. Để đạt được mục đích đó, chúng ta mang sẵn ý hướng tốt lành, đến viếng nhà thờ đã được chỉ định, đọc một số kinh đã được quy định và có một tình trạng sạch tội đã được ươc đnh.

Khi thực hiện những việc trên đây, tôi nhớ lại những tội phạm trong đền thờ, mà Kinh Thánh đã nói tới. Những gợi nhớ này giúp tôi có một vài cảm nghĩ về những đổi mới.

Có khá nhiều thứ tội phạm trong đền thờ. Ở đây chỉ xin nêu lên năm thứ.

1- Rình hưởng lộc hy lễ.

Sách Samuel quyển thứ nhất kể lại sự sa sút lòng đạo của dân Israel bắt đầu từ sự lạm dụng hy lễ của con cái thầy cả Êli. “Các con trai thầy cả Êli là những tên vô lại, chúng không biết gì đến Chúa… mỗi khi có ai đến nhà thờ dâng hy lễ thì đầy tớ của tư tế cũng đến theo. Tay chúng cầm xiên ba răng chực sẵn, trong lúc người ta đang nấu thịt… Hể xiên đưa lên được miếng nào, thì tư tế lấy cho mình… Tội của những thanh niên này rất lớn trước nhan Chúa” (1Sm 2, 12-17). “Một người của Thiên Chúa đến gặp ông Êli và nói với ông rằng: Đức Chúa phán thế này: Tại sao ngươi lại coi thường hy lễ và lễ phẩm dành cho Ta… Tại sao ngươi lại coi trọng các con của ngươi hơn Ta? Cả cha cả con đều béo mập ra, vì ăn những thứ ngon nhất trong mọi lễ phẩm của Israel, dân Ta” (1Sm 2, 27-29).

Chuyện trên đây thực đáng buồn. Sống nhờ phục vụ đền thờ là điều không xấu. Nhưng lợi dụng chế độ đền thờ để hưởng thụ, bất chấp Chúa của đền thờ, là điều hết sức xấu xa. Đây là một cách tục hoá đền thờ, làm mất đi tính linh thiêng của đền thờ và hy lễ.

2- Lạm dụng đền thờ để làm kinh tế.

Tất cả bốn Phúc Âm đều thuật lại việc Chúa Giêsu vào đền thờ, đuổi các người buôn bán tại đó ra, và mắng họ nặng lời. Riêng thánh sử Marcô viết: “Thầy trò đến Giêrusalem, Đức Giêsu vào đền thờ. Người bắt đầu đuổi những người đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những kẻ đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì qua đền thờ. Người giảng dạy và nói với họ: Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu” (Mc 11, 15-18).

Sự kiện trên đây chứng tỏ tình trạng suy thoái đạo đức lúc đó đã đến cực độ. Thói quen lạm dụng tiền và quyền trong đền thờ đã đươc hợp thức hoá. Bất cứ ai muốn sửa lại thói xấu đó đều bị trả giá. Và những người ra tay chống đối một cách quyết liệt và ác độc lại chính là các thượng tế và kinh sĩ. Họ bênh vực chế độ đền thờ, chứ không phải bênh vực Chúa của đền thờ.

3- Vịn vào luật đạo để bắt nạt.

Những người bảo vệ chế độ đền thờ cũng là những người nắm quyền cắt nghĩa luật đạo. Đó lại là một dịp để họ bắt bẻ và bắt lỗi Chúa Giêsu. Phúc Âm thánh Luca viết: “Một ngày Sabat khác, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Những kinh sư và Pharisiêu rình xem Chúa Giêsu có chữa người ấy ngày Sabat không, để tìm cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay rằng: Anh hãy chỗi dậy, ra đứng giữa đây. Người ấy liền chỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: Tôi xin hỏi các ông: Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt nó? Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: Anh giơ tay lên! Anh này làm như vậy. Tay anh được lành mạnh bình thường. Những người Pharisiêu và kinh sĩ nổi giận như điên lên. Họ bàn nhau xem có thể làm gì được Đưc Giêsu” (Lc 6, 6-11).

Qua chuyện trên đây, chúng ta thấy sự hiểu biết hẹp hòi về luật đạo đi đôi với lòng dạ ác độc dễ đưa người có quyền cắt nghĩa luật đạo đến chỗ vô nhân đạo. Nhất là khi họ là một tập thể. Càng là tập thể như thế, càng dễ hung hăng, càng thêm ghen ghét. Thực là một suy thoái trầm trọng về đạo đức.

4- Kiêu căng, khinh người trong cầu nguyện.

Thánh Luca lại kể thêm một hiện tượng suy thoái khác. “Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác. Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisiêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisiêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 17, 9-12).

Dụ ngôn trên đây ám chỉ một thói quen thịnh hành lúc đó. Chính việc cầu nguyện cũng được một số người dùng để phạm những tội tày trời: Lời nói và việc làm kiêu căng, khinh người trong đền thờ là hai thứ phản chứng, quay lại tố cáo tình trạng suy thoái đạo đức nơi chính tác giả của chúng.

5- Trục xuất Đức Giêsu ra khỏi hội đường.

Đức Giêsu trở về Nagiaret là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường, như Người vẫn quen làm trong ngày Sabat và đứng lên đọc sách ngôn sứ Isaia. Đọc xong, Người cắt nghĩa. Thái độ cử toạ bắt đầu là thán phục, nhưng tiếp đó là thắc mặc xì xầm, rồi sau đó là phẫn nộ, cuối cùng là “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành. Thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, định xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 16-30).

Thế đấy, chính những người đồng hương đã đối xử với Đức Giêsu một cách đắng cay, ngay trong hội đường. Người chỉ muốn họ thay đổi cách sống đạo, chứ có áp đặt hoặc đòi hỏi gì đâu. Thế mà họ đã phản ứng dữ dằn như thế. Điều này chứng tỏ một nếp sống, một cách suy nghĩ, khi đã khô cứng lâu năm trong một khuôn khổ, sẽ rất khó thay đổi. Không chịu thay đổi trong lúc phải thay đổi, đó sẽ là bước đi xuống, rơi vào suy thoái, làm cho chế độ đền thờ mất dần giá trị.

Chúa Giêsu rất quý trọng đền thờ. Nhưng Người không khỏi buồn vì những tội phạm ở đền thờ, tha hoá chế độ đền thờ. Có thể chính vì thế mà Người tiên báo tương lai bi quan về đền thờ. Thánh sử Matthiêu kể lại: “Khi Chúa Giêsu từ đền thờ ra đi, thì các môn đệ lại gần Người, chỉ cho Người xem công trình kiến trúc đền thờ. Nhưng Người nói với họ: Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó phải không? Thầy bảo thật anh em, tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Tất cả đều bị phá huỷ” (Mt 24, 1-2).

***

Khi nhớ lại những tội phạm trong đền thờ và hội đường xưa, tôi tự nhiên nghĩ tới những nhà thờ hiện nay. Tôi thực sự lo ngại.

Có được những nhà thờ đẹp là điều tôi ước mơ và rất vui mừng. Có được những nhà thờ không bị lạm dụng bởi bất cứ ai, đó là điều tôi ước mơ nhiều hơn và vui mừng nhiều hơn. Nhưng thực tế không luôn đáp ứng mong muốn. Tôi nghĩ rằng: chúng ta cũng không đạo đức và dễ dàng đổi mới hơn những người xưa, chúng ta càng không khôn ngoan hơn Chúa Giêsu xưa trên đường đổi mới tôn giáo. Vì thế cần phải rất khiêm nhường trước những suy thoái hiện nay.

Điều tôi rất lo ngại không phải là trút bỏ được tội, mà là bỏ được cách suy nghĩ cũ, cách đánh giá cũ, cách nhìn cũ, để suy nghĩ, đánh giá và nhìn các thực tại của đền thờ hôm nay một cách mới mẻ dưới ánh sáng Lời Chúa.

Điều tôi cầu nguyện rất nhiều không phải là việc thánh hoá nhà thờ bằng các nghi thức, mà bằng đời sống thánh thiện của các người phục vụ nhà thờ, sử dụng nhà thờ, lui tới nhà thờ.

Điều tôi hết sức phấn đấu không phải là bảo vệ một chế độ đền thờ khép kín, lỗi thời, và tha hoá, mà là đón nhận chế độ Chúa Thánh Thần, một chế độ mở. Chúa Thánh Thần linh động hướng dẫn chúng ta về Thiên Chúa Cha, trên con đường Đức Kitô yêu thương và phục vụ con người.

Điều tôi luôn luôn tâm niệm về sức sống nhà thờ là thái độ nội tâm đón nhận. Đón nhận Chúa đến viếng thăm, đón nhận Lời Chúa và thánh ý Chúa, đón nhận tình thương của Chúa, đón nhận ơn gọi mỗi ngày của Chúa, đón nhận ơn đổi mới của Chúa. Để đón nhận, chúng ta cần phải có nhiều tỉnh thức, nhiều thinh lặng, nhiều hồi tâm, nhiều chiêm niệm, nhiều cầu nguyện, nhiều học hành, nghiên cứu. Biết đón nhận Chúa, để biết yêu thương và phục vụ Hội Thánh và đồng bào một cách khiêm nhường, tận tâm, thông minh và sáng tạo.

Trên đây là một chút chia sẻ về việc viếng nhà thờ trong Năm Thánh.

Bài nói chuyện với linh mục tu sĩ tháng 3/2000

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2212: MỞ ĐẦU (ngày Tĩnh Tâm năm)

 

Người tĩnh tâm nói ít nghe nhiều: Nghe sách, Nghe giảng, Nghe lương tâm, Nghe Chúa, Nghe không Bùi-Tuần 2212


Người tĩnh tâm nói ít nghe nhiều:
Nghe sách,
Nghe giảng,
Nghe lương tâm,
Nghe Chúa,

Nghe không để làm giàu kiến thức,
Nhưng để cải tạo bản thân.

Chủ yếu không phải là tiếp thu trung thực, nhưng là dùng lời nghe đặt thành vấn đề cho chính mình.

Nghe như thế đòi nhiều suy nghĩ.

Ai suy nghĩ với tinh thần khiêm tốn, cầu nguyện và khát khao gặp Chúa sẽ thấy mình nên mới hơn.

Vì hy vọng đó nên đã ghi lại những bài giảng này. Tất cả chủ đề đều trong Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn 10.

Chẳng có gì mới, nhưng là một sự chia sẻ chân thành trong tình anh em Linh mục.

---------------------

 

Bùi-Tuần 2213: “CHÚA GIÊSU SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI” (Mt 10,5)


(Tĩnh Tâm Năm - Bài 1)

 

Thế nào là người  tông đồ? Rất nhiều người hiểu tông đồ là kẻ lam việc đạo. Nơi phần đông, hình Bùi-Tuần 2213


Thế nào là người  tông đồ?

Rất nhiều người hiểu tông đồ là kẻ lam việc đạo. Nơi phần đông, hình ảnh người tông đồ thường được tô đậm ở nét hoạt động. Là tông đồ có nghĩa là làm tông đồ, mà làm tông đồ là phải làm, làm nhiều.

Hiểu tông đồ như thế không đúng với ý nghĩa nguyên thuỷ của Tin Mừng. Theo ý nghĩa Tin Mừng thì tông đồ (apostolus) có nghĩa là kẻ được sai đi.

Tông đồ là kẻ được sai đi.

Ý nghĩa đó nói lên ngay một điều hiển nhiên, đó là sự kẻ được sai đi phải lệ thuộc vào kẻ sai mình. Bản chất của tông đồ là được sai đi, nên mọi lựa chọn, mọi ý hướng, mọi sức mạnh vận dụng của tông đồ phải lệ thuộc vào kẻ sai mình.

Một khi hiểu tông đồ là kẻ được sai đi và kẻ được sai đi phải lệ thuộc vào kẻ sai mình, thì ta thấy người tông đồ phải có hai đặc điểm sau đây:

Đặc điểm thứ nhất của tông đồ là phải nhất trí với Đấng sai mình.

Điều đó quá dễ hiểu, kẻ được sai đi thì phải nhất trí với kẻ sai mình, nhất trí về nhiệm vụ, nhất trí về hành động, nhất trí về mục đích, nhất trí về đường lối.

Mọi công phúc của tông đồ hệ tại ở sự nhất trí đó, chứ không hệ tại ở hoạt động nhiều hay ít, thành công hay thất bại.

Gương mẫu của kẻ được sai đi là chính Chúa Kitô. Chúa Kitô đã được Thiên Chúa Cha sai đến với loài người. Để làm gì?

Ngài trả lời câu hỏi đó cho Thiên Chúa Cha trong thơ thánh Phaolô gởi tín hữu Hipri: “Này Con đến để thi hành ý muốn Cha” (Hipri 10,9).

Và Ngài trả lời câu hỏi đó cho loài người trong Tin Mừng thánh Gioan: “Ta đã từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38).

Chúa Kitô nhất trí hoàn toàn với Đức Chúa Cha đến nỗi Người coi việc nhất trí đó là chính lương thực của Ngài. Trên bờ giếng Giacóp, Ngài đã quả quyết với các tông đồ: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,32).

Sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha là một sự nhất trí thường xuyên. Ngài nói: “Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Chúa làm” (Ga 5,19). Ngài nhìn mọi sự trong Chúa Cha và hành động đúng thánh ý Chúa Cha. Ngài khẳng định: “Ta không tìm kiếm ý của Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 5,30).

Sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha được nổi bật nhất t những lựa chọn căng thẳng của Ngài.

Ngài đã lựa chọn ý Chúa Cha hơn mọi liên hệ gia đình thân thuộc. Ngài nói điều đó với chính Đức Mẹ và thánh Giuse: “Ba mẹ tìm con làm gì? Ba mẹ không biết con phải lo các việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Và lần khác Ngài nói: “Bất cứ ai thi hà ý của Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,35).

Ngài đã chọn lựa thân phận người tôi tớ khổ đau mà tiên tri Isaia đã loan báo hơn là đứng trong những loại người mà xã hội và tôn giáo lúc đó đang trông chờ.

Ngài đã lựa chọn cái chết bi đát tủi nhục hơn là trốn tránh. Vì: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Chúa được thành sự” (Lc 22,42).

Ngài sống và hành động đúng một kẻ được sai đi, nên thái độ của Ngài rất mực khiêm tốn. Ngài bảo các tông đồ: “Khi đã làm xong mọi sự truyền dạy các con, các con hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, không làm gì hơn là phận sự phải làm” (lc 17,10). Ngài bảo tông đồ, thì chắc Ngài đã làm trước.

Cũng vì ý thức mình là kẻ được sai đi, nên Ngài rất mực phó thác. Ngài lấy kinh nghiệm bản thân mà khuyên môn đệ: “Đừng băn khoăn về ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Khổ ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mt 6,34). Ngài dạy tông đồ tin tưởng ở Cha trên trời là Đấng biết rõ những gì họ tìm kiếm.

Thánh Phaolô  đã coi sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha là chính lý do làm Chúa Kitô được vinh quang. “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Phil 2,8-9).

Nhìn Chúa Kitô, ta thấy gương nhất trí của kẻ được sai đi phải là như thế với Đấng sai mình. Còn ta thì sao? Ta có thực sự nhất trí với Giáo Hội ta và với Chúa của ta không? Ta đòi cấp dưới nhất trí với ta. Nhưng chính ta có nhất trí với Bề trên ta không?

Đặc điểm thứ hai của tông đồ là phải nhiệt tình với Đấng sai mình.

Nếu để ý nhận diện các tông đồ, ta thấy họ đã được chọn không phải vì có học, cũng không hẳn vì có nhiều nhân đức, mà trước hết vì họ là những kẻ nhiệt tình. Hai môn đe được Chúa trao trách nhiệm lớn nhất, thánh Phêrô và thánh Phaolô, chính là hai người nổi nang nhất vì lòng nhiệt thành.

Nhiệt tình với một lòng yêu mến không tính toán. Chúa gọi là đi theo, chẳng biết để làm gì, chẳng biết sau này ra sao. Rồi khi biết tương lai đầy đe doạ, họ vẫn trung thành theo Chúa, không so đo, không mặc cả.

Nhiệt tình với một lòng tin tưởng tuyệt đối. Giáo lý Chúa dạy, có điều họ hiểu, có điều họ không hiểu. Nhưng dù hiểu dù không, họ đều tin hết. Đời họ đầy lao lung thử thách, họ vẫn tin vào Chúa.

Nhiệt tình với một sự hăng say hiến thân quên mình tột độ. Họ là thiểu số. Bị chống đối tư bề. Của cải không có. An thì ăn nhờ. Ở cũng ở nhờ. Nay đây mai đó. Bị đàn áp đủ cách. Thế nhưng họ vẫn thản nhiên loan báo Tin Mừng bằng lời giảng, bằng bác ái và bằng chính mạng sống hy sinh.

Trên bình diện tâm lý, sự nhiệt  tình tông đồ được sống và cảm nghiệm như một sự bận tâm ưu tiên cho Nước Trời. Cũng gọi là một sự băn khoăn đam mê vận dụng tất cả tài năng trong mình và chiếm đoạt tất cả thời khắc.

Sự bận tâm ưu tiên này như dòng thác không ngừng tìm lối tràn lan. Nó khởi đi từ nguồn mến Chúa thiết tha và thương người như Chúa thương ta. Nghĩa là người tông đồ chỉ băn khoăn do tình thương và cho tình thương. Nhiệt tình của họ không có tính cách tranh giành quyền lợi với ai. Bận tâm của họ không nhằm mục đích tìm vinh quang trần thế. Họ băn khoăn góp phần vào việc đưa hạnh phúc thực sự đến cho mọi người, một thứ hạnh phúc bao trùm cả xác lẫn hồn, cả đời này lẫn đời sau. Chúa Kitô không đến để kết án nhưng để cứu độ, thì kẻ được Chúa sai đi cũng chỉ nỗ lực cởi gỡ con người khỏi mọi hình thức sự dữ và đem họ về sự thiện. Nhiệt tình như thế là một thứ lửa luôn linh động và bầng bầng bốc cháy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào nó vẫn hiên ngang, tin tưởng và lạc quan. Ta có lửa nhiệt tình đó trong lòng không?

Khi đối chiếu bản thân ta với hình ảnh tông đồ lý tưởng vừa phác họa trên đây, có hai trường hợp sẽ xảy ra:

Một là ta thấy mình có nhất trí và có nhiệt tình với Đấng sai ta.

Hai là ta thấy mình thiếu nhất trí và thiếu nhiệt tình với Đấng sai ta.

Dù trường hợp thứ nhất, dù trường hợp thứ hai, ta cũng đều phải lo. Nếu là trường hợp thứ nhất ta nên lo nhiều lắm. Bởi vì biết đâu sự nhất trí và nhiệt tình ta tưởng có, thực ra chỉ là một sự nhất trí và nhiệt tình giả tạo. Anna Caipha lên án giết Chúa Giêsu mà tưởng mình làm một điều nhất trí với Kinh Thánh! Thánh Phêrô chém đứt tai người đầy tớ thầy cả mà tưởng mình nhiệt tình với Thầy chí thánh. Bảo thủ cực đoan như cựu Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre hiện nay đang chống đối Toà Thánh và Công Đồng Vatican II cũng vẫn cho rằng mình trung thành với Phúc Âm và nhiệt tình với Giáo Hội. Những ảo tưởng như thế không phải là hiếm. Ta nên e sợ cho chính mình.

Nếu là trường hợp thứ hai, ta càng phải lo nhiều hơn. Bởi vì có được nhất trí và nhiệt tình thực sự với Đấng sai ta là một điều khó. Khó ở chỗ nhất trí và nhiệt tình không phải chỉ trên những nguyên tắc, mà còn phải ở sự áp dụng những nguyên tắc đó vào thực tế hằng ngày trong hoàn cảnh hôm nay. Rồi khó ở chỗ nhất trí và nhiệt tình không phải chỉ trong ý thức, mà còn phải thấm nhập vào tất cả con người của ta, cho đến tận vô thức và các phản xạ.

Để giải đáp chung cho cả hai cái lo trong hai trường hợp, ta thấy có một cách rất tốt, đó là quyết tâm trở lại cuộc sống lệ thuộc vào Chúa. Chúa đã nói rõ: “Hãy ở lại trong Ta và Ta trong các con. Cũng như nhánh nho không thể sinh trái tự mình mà không ở lại thân nho, thì các con cũng vậy, nếu không ở lại trong ta. Cây nho, chính là Ta, các con là nhánh. Ai ở lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy, thì sẽ sinh được nhiều trái. Vì ngoài Ta, các con không thể làm gì” (Ga 15,4-5). Sự lệ thuộc nói đây là một sự tăng thêm hiệu lực và giá trị cho ta. Vì đây là sự ta được hiệp thông vào tinh thần và sức sống của chính Thiên Chúa. Nhờ đó, ta cảm nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động hoàn toàn nhất trí với Chúa trong một cuộc sống đầy nhiệt tình với Đấng sai ta.

Thực hiện sự lệ thuộc đó, chính là thực hiện điều ta hằng ngày đọc trong thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen”.

-------------------------

 

Bùi-Tuần 2214: CHÚNG CON ĐỪNG LÊN ĐƯỜNG ĐẾN CÁC NGOẠI BANG,


CŨNG ĐỪNG VÀO THÀNH NÀO CỦA SAMARI, PHẢI HƠN, CHÚNG CON HÃY ĐI ĐẾN VỚI CÁC CHIÊN BỊ SA CHÌM CỦA ISRAEL (Mt 10,5-6).

(Tĩnh Tâm  Năm - Bài 2)

 

Đó là lời nhắn nhủ đầu tiên Chúa đã nói với các tông đồ, khi sai họ đi. Với lời nhắn nhủ đó, Chúa Bùi-Tuần 2214


Đó là lời nhắn nhủ đầu tiên Chúa đã nói với các tông đồ, khi sai họ đi. Với lời nhắn nhủ đó, Chúa dạy ta những điều gì?

Điều thứ nhất Chúa dạy ta là đừng làm ngoài nhiệm sở của mình.
Chúa sai ai đi là sai đến nhiệm sở nhất định, chứ không phải muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.

Trước hết nhiệm sở được hiểu theo phạm vi địa lý có ranh giới, địa chỉ. Địa điểm ta được sai đến là khu vực trách nhiệm của ta. Đó là vườn nho Chúa trao cho để vun tưới. Đàn chiên trong đó được uỷ thác cho ta. Có những cam kết rằng buộc ta lại với nơi đó. Chúa hẹn gặp ta cách riêng ở đó. Ơn thánh Chúa dành cho ta ở đó. Ta phải để tâm vào đó như một quê hương, như một tổ ấm, như một gia đình thân thiết. Đừng đi vắng khỏi khu vực trách nhiệm vì những lý do quá dễ.

Rồi cũng đừng làm ngoài nhiệm sở hiểu theo chức vụ. “Chức vụ Linh mục, vì liên kết với chức Giám Mục, cũng được tham dự vào quyền của Chúa Kitô, mà Thiên Chúa đã ban để xây dựng, thánh hóa và cai quản nhiệm thể (Presbyterorum Ordinis). Công việc thường xuyên là rao giảng Tin Mừng và làm các Bí tích. Linh mục là thừa tác vo của Chúa Kitô. Nói kiểu thông thường, thì Linh mục là người chuyên làm việc đạo. Ai cũng hiểu như vậy. Do đó, điều hợp lý hợp tình là ta đừng hoạt động ngoài chức vụ tôn giáo của ta. Cũng vì ta giữ chức vụ tôn giáo, nên ta càng phải lo làm tốt mọi nhiệm vụ công dân và nêu cao tinh thần yêu nước. Còn những hoạt động chính trị có tính cách chuyên nghiệp, chính trị đảng phái, cih1những trị có mục đích tranh giành quyền bính gây nên chia rẽ, chắc chắn không thuộc chức năng Linh mục.

Việc lao động cũng có lúc trở thành một vấn đề khiến ta băn khoăn. Tất nhiên lao động là tốt, cần để sinh sống và để chia sẻ với đại đa số đồng bào. Nhưng Linh mục cũng đừng quên điều này: nhân tố cải tạo xã hội và con người vẫn là sức mạnh tinh thần. Vì thế cần sắp xếp công việc, để lao động của ta không trở thành cái dốc đẩy tinh thần đi xuống. Đi xuống khi ta không còn thời giờ đọc sách học hỏi, nên vốn liếng kiến thức dần dần  khô cạn; đi xuống khi ta ít cầu nguyện suy gẫm, nên đời sống nội tâm bị giảm sút; đi xuống khi ta biếng trễ mục vụ, nên con người tu hành của ta bị con là chỉ lo thu quén.

Điều thứ hai Chúa dạy ta là hãy ưu tiên lo lắng cho các con chiên bị sa chìm thuộc nhiệm sở của ta.

Mỗi tông đồ được sai đến một nhiệm sở nhất định. Mỗi nhiệm sở có nhiều con chiên. Những  chiên nào bị sa chìm phải được ta ưu tiên lo lắng. Đó là ý Chúa trong lời dạy: “Phải hơn, chúng con hãy đi đến với các chiên bị sa chìm của Israel” (Mt 10,6).

Những chiên bị sa chìm là ai?

Trước hết là những người tội lỗi. Chúa đã xác định điều đó trong dụ ngôn người chủ bỏ 99 con chiên lành ở lại, để đi tìm một con chiên lạc (Lc 15,3-7). Trong lần đến nhà ông Giakêu, Chúa cũng đã tuyên bố: “Con Ngày na tìm kiếm những gì bị hư hỏng” (Lc 19,10). Chúa quả quyết một cách mạnh mẽ hơn: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13), “Không phải hạng người khỏe mạnh cần đến lang y, mà là hạng người đau ốm” (Mt 9,12).

Con chiên bị sa chìm còn được hiểu là những người nghèo túng, đau ốm, khổ cực. Trong nhà hội thành Nagiarét, Chúa đã mở sách Isaia và đọc đoạn sau đây: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi. Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ bị tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân của Chúa”. Rồi Chúa Giêsu tuyên bố những lời tiên tri đó đã ứng nghiệm nơi Ngài (Lc 4,16-21). Ngài được Chúa Cha sai đến với những người đó. Và Ngài cũng muốn sai các tông đồ đến với họ như thế: “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, thì Con cũng sai chúng đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Trong lời nhắn nhủ tông đồ, ngay sau khi chỉ định nhiệm sở là nhà Israel và bảo phải ưu tiên lo cho các con chiên bị sa chìm, Chúa đã căn dặn tỉ mỉ: “Kẻ liệt lào, hãy chữa lành; kẻ chết, hãy làm cho sống lại; người phong hủi, hãy tẩy sạch; kẻ bị quỉ ám, hãy xua trừ cho họ” (Mt 10,8). Rõ ràng những thứ người này là một số những con chiên được Chúa gởi gắm cách riêng cho tông đồ.

Đặc biệt lo lắng cho những người bị sa chìm vào tội lỗi, túng nghèo, bệnh tật, áp bức, khổ đau, đó là đặc điểm hấp dẫn nhất của Chúa Giêsu, đó là vẻ đẹp nhất của người tông đồ Đấng Cứu Thế. Đặc điểm đó đẹp vì nó phát xuất từ công bình bác ái, được xây dựng bằng tinh thần phục vụ vị tha và hướng về lý tưởng vươn tới hạnh phúc đời đời.

Điều thứ ba Chúa dạy ta là hãy chủ động đến với con chiên.

Đọc Phúc Âm, ta không thấy có một phép lạ nào Chúa đã làm tại nhà riêng của Ngài, cũng không thấy có một buổi giảng thuyết nào diễn ra tại tư thất của Ngài. Ngài luôn đến với người ta. Nay chỗ này mai chỗ khác. Trong lời nhắn nhủ, Ngài tỏ ý muốn tông đồ cũng phải đến với con chiên. “Ite ad oves” (Mt 10,6). Đến với con chiên, chứ không phải đợi cho chiên đến với mình. Đi tìm con chiên, chứ không phải đợi con chiên đi tìm mình. Kẻ được sai đi phải chủ động mà đi, chứ không phải thụ động ngồi đấy. Linh mục đi tới con chiên với ý thức về những lời của Thầy chí thánh: “Tôi đến để làm chứng cho chân lý” (Ga 18,37). “Tôi đến để họ được sự sống và được sự sống đó một cách dồi dào” (Ga 10,10). “Tôi đến để mang lửa bác ái xuống thế gian, và tôi chẳng muốn gì hơn là làm cho lửa đó được cháy lên” (Lc 12,49).

Tất nhiên nhiều khi ta phải ở nhà, không đi đến với người ta được vì những lý do chính đáng. Nhưng nên cố gắng liệu sao cho cuộc sống của ta ở nhiệm sở không trở thành một hộ khẩu chỉ có tính cách làm ăn như nhiều hộ khẩu khác, mà phải là một cuộc sống hướng về mọi người và từng người. Nhà linh mục ít ra phải được coi như một ánh sáng đợi chờ cho những ai đi tìm kiếm, một ngọn đèn canh thức trong đêm tối cuộc đời, một ủi an cho những ai mà hy vọng đã trở thành kham hiếm. Tông đồ ở nhiệm sở phải là người luôn biết đi tới, chứ đừng là người chỉ thích đi vô. Phải là người cha, người bạn dễ dàng có mặt bên các người mình đã nhận là con, là bạn nghĩa thiết.

***

Tóm lại, tông đồ không được sai đi như một công chức. Nhiệm sở tông đồ không phải là căn nhà, lô đất, mà chính là đàn chiên. Người tông đồ phải biết đàn chiên ấy và đàn chiên ấy cũng cần biết kẻ chăm sóc mình. Mỗi tông đồ phải nói được như Chúa Kitô: “Tôi biết các con chiên tôi, và các con chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,34). Đôi khi cũng nên dò xem đàn chiên biết thế nào về chủ chiên. Một hôm, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Thiên hạ nghĩ Con Người là ai?”. Môn đệ thưa: “Có người nghĩ Thầy là Gioan Baotixita, kẻ khác cho Thầy là Elia, cũng có người bảo Thầy là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. “Còn chúng con nghĩ Thầy là ai?”. Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16). Thế là dư luận tốt.

Mỗi con chiên đều mang trong lòng mình một hình ảnh về Linh mục của họ. Hình ảnh đó có một số nét lựa chọn tùy người. Ta không mong hình ảnh tinh thần nơi họ về ta có những nét xấu. Mong muốn đó tuy chính đáng, nhưng không phải là mục đích chức vụ tông đồ. Ta không chủ ý xây dựng hình ảnh của ta, nhưng ta có thể nhờ biết hình ảnh ta nơi lòng kẻ khác để thêm khiêm tốn xây dựng nhiệm sở của mình theo ý Đấng đã sai ta. Xây dựng bằng rất nhiều tình yêu, rất nhiều nhiệt thành, rất nhiều sức sống nội tâm, bởi vì: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh được nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

------------------------

 

Bùi-Tuần 2215: “HÃY ĐI RAO GIẢNG RẰNG NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN”


(Mt 10,7)

(Tĩnh Tâm  Năm - Bài 3)

 

Sau khi đã chỉ định nhiệm sở cho các tông đồ, Chúa Giêsu bảo cho họ biết  họ được sai đi để Bùi-Tuần 2215


Sau khi đã chỉ định nhiệm sở cho các tông đồ, Chúa Giêsu bảo cho họ biết  họ được sai đi để làm gì. Ngài nói: “Hãy đi rao giảng rằng Nước Trời đã gần đến”. Khi dừng lại suy gẫm Lời Chúa trên đây, ta gặp thấy có mấy điều nên đào sâu, để thêm nhất trí và nhiệt tình với Đấng sai ta.

Điều thứ nhất nên đào sâu là vấn đề rao giảng.

Phúc Âm cho thấy rao giảng là bổn phận thứ nhất Chúa trao cho tông đồ. “Hãy đi rao giảng” (Mt 10,7). Nếu ôn lại lễ nghi thụ phong phó tế và Linh mục, ta cũng thấy ta đã được trao phó việc rao giảng như một nhiệm vụ quan trọng và căn bản. Thực vậy, một trong những phương tiện gây nhiều hậu quả tốt cho đạo, cho các linh hồn và cho chính Linh mục là biết giảng. Trái lại, không biết giảng là một trong những căn cớ gây bất lợi và thiệt thòi nhiều thứ. Vì thế, ưu tư của mọi người chúng ta về việc giảng thường là: Phải làm thế nào để lời ta giảng sinh được hiệu quả lành thánh. Tiên vàn thiết tưởng cũng nên xác định được điều này: Một bài giảng sinh được hậu quả nhiều ít không chỉ tuỳ thuộc nơi người giảng, mà còn tuỳ thuộc nơi người nghe. Dụ ngôn lúa gieo trên đá sỏi, bụi gai và đất tốt minh chứng điều đó. Vì thế, hậu quả ta mong ở đây chỉ là một thứ hậu quả tương đối, khi giả thiết người nghe là đất tốt.

Để một bài giảng sinh được hậu quả tốt, ta phải làm gì? Ở đây chỉ xin nhắc tới vài điều cần thiết.

Trước hết phải làm cho bài giảng đạt được ba mục đích này là soi sáng trí khôn, lay động ý chí và gây được cảm tình.

Socrate xưa đã dám quả quyết mạnh: Không ai biết mà lại làm sai. Người ta lỗi chỉ vì không biết. Lời quả quyết của Socrate đúng trong một phương diện nào đó. Rất nhiều người lỗi lầm chỉ vì biết sai hay biết không đủ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã xin tha cho những người mà khách quan phải cho là nặng tội. “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Trong những hoàn cảnh mà chân lý và những sự thực ngụy tạo pha trộn với ngài hau, ta càng cần phải dạy dỗ giáo dân những sự thực cần thiết về phần rỗi, về Thiên Chúa và  về con người. Trong những hoàn cảnh mà đầu óc con người bị mệt mỏi vì phải vật lộn quá nhiều với những vấn đề sinh sống, ta càng cần phải khôn khéo gợi cho họ nghĩ tới những gì thanh thoát cao thiêng.

Nhưng đạo không phải là một hệ thống tư tưởng khô cứng, mà chính là một cuộc sống có những lựa chọn. Bài giảng nào cũng đưa tới một sự nào phải lựa chọn. Lựa chọn là việc của ý chí dưới ánh sáng của lý trí. Nên phải khéo lắm để động viên ý chí biết chấp nhận lựa chọn điều ta đề nghị. Do đó, lời giảng đôi khi phải là những tiếng kêu của trái tim ta gọi đến những trái tim khác.

Ngoài ra, gây cảm tình cũng là điều không nên khinh thường. Rất nhiều người đến nghe ta giảng, không phải vì mục đích học hỏi, cũng không vì muốn cải thiện đời sống. Họ đến nghe chỉ vì tò mò, vì thấy hay hay, thấy lạ, thấy thích thú. Chính nhờ bước đầu đó mà nhiều giáo dân hờ hững khô khan đã tìm được đường về nhà Cha, cũng chính nhờ bước đầu đó mà nhiều người ngoại giáo đã đi vào đường mến đạo, tìm hiểu đạo và theo đạo.

Ý thức rõ ba mục đích nói trên, ta sẽ thấy việc chọn lựa đề tài, tư tưởng và diễn tả là điều cần thiết. Do đó, phải chuẩn bị cho thực kỹ, bằng sự nghiên cứu, suy gẫm, cầu nguyện, soạn bài chu đáo. Một bài giảng ngắn nhưng gọn gàng rõ rệt, sốt sắng vốn lợi hơn một bài dài nhưng luộn thuộm. Nếu bài giảng lại được hỗ trợ bằng đời sống đạo đức của bản thân ta và hòa nhịp với những lễ nghi phụng vụ trang nghiêm sốt sắng, thì hậu quả sẽ rất tốt. Một câu của Cha J.D. Rambaud, OP., tác giả cuốn Traité moderne de prédication, có kể tóm tắt bí quyết thành công của một bài giảng. Ngài viết: “Hãy chờ kết quả chỉ nơi một mình Chúa. Nhưng hãy làm hết sức như kết quả chỉ tùy thuộc ở một mình ta”.

Điều thứ hai nên đào sâu là nội dung Chúa muốn ta rao giảng.

“Hãy đi rao giảng rằng Nước Trời đã gần bên”. Ở đây chúng ta không có ý ôn lại những đoạn khoa Kinh Thánh cắt nghĩa về Nước Trời. Nhưng chúng ta cũng có thể quan niệm đúng đắn về Nước Trời, nhờ một câu cô đọng của Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua. Nước Chúa là “Nước chân lý và sự sống, nước thánh thiện  và ân sủng, nước công chính, yêu thương  và an bình”. Toàn là những đặc điểm mà con người khát vọng. Họ khát vọng bởi vì họ thiếu thốn. Đáp ứng lại những khát vọng đó là việc của tông đồ. Đáp ứng bằng cách loan Tin Mừng về Nước Trời. Rằng tất cả những sự tốt đẹp con người khát khao đều sẽ tìm được ở Nước Trời. “Nước Trời đó, chính là Đức Kitô phục sinh”, như Origèr nói.

Nhưng cái làm cho người ta mừng không hẳn là sự hiểu được nội dung Nước Trời, mà là được biết Nước Trời đó đã gần bên. Người đó thì chỉ mong có gì thực sự để ăn, chứ đâu có mong được ngồi nghe cắt nghĩa cơm là gì, thịt cá là gì. Con người khổ đau nhiều khi không mong được hiểu hơn về các thứ tốt đẹp, kể cả Nước Trời, mà chỉ mong tìm được thực sự ít nhiều những thứ đó. Nhận định điều này là để chúng ta biết cái mấu chốt tâm lý chúng ta phải nhấn mạnh, khi rao giảng Tin Mừng, đó là sự gần gũi của Nước Trời. Phải nhấn mạnh rằng Nước Trời đã gần bên.

Nước Trời thực sự đã gần bên, ở chỗ Chúa Giêsu là người bạn đường. Chúa không phả là một Đấng xa xôi, một thầy dạy khôn ngoan xa cách. Ngài là người bạn đường, Ngài là Emmanuel, hôm nay cũng như ngày xưa. Chúa ở bên ta như xưa ở bên tông đồ, bên những người nghèo khó. Chúa ở bên ta dù ta không thấy. Người khách lạ đi cùng đường trên chuyến Emmau, hai môn đe không biết là ai, nhưng đúng là Ngài. Người đứng cạnh Madalena bên nấm mồ hoang vắng, Madalena tưởng đó là ông giữ vườn, nhưng chính là Ngài. Chúa ở bên ta.

Nước Trời thực sự đã gần bên, ở chỗ Chúa là người Cha nhân lành. Chim trên trời, hoa đồng nội còn được Cha trên trời lo cho, huống chi con cái của Người. Hãy đặt mình vào đúng địa vị người con. Chờ đợi lãnh nhận trong khiêm nhu phó thác hơn là chờ đợi lập công trong thái độ tự lập. Con làm sao thì Cha chấp nhận như vậy, miễn là nó đừng từ chối lãnh nhận ơn ban, miễn là nó biết giơ tay ra cầm lấy tay cha mình.

Nước Trời thực sự đã gần bên, ở chỗ Chúa là tình yêu, không phải một tình yêu chung chung, nhưng là một tình yêu cho ta và của ta. Người ta chỉ hiểu được tình yêu khi người ta yêu. Hãy yêu mến Chúa, rồi sẽ hiểu Ngài gần gũi thân mật đến mức nào.

Nước Trời thực sự đã gần bên, ở chỗ đạo không phải là một thứ gánh nặng, nhưng là một cuộc sống ân tình với Chúa và yêu thương  tha nhân. Đạo không phải là một xiềng xích luật lệ buộc trói người ta hết vòng này đến vòng khác, nhưng đạo là dây liên đới sống động chân tình giữa con người với Chúa, đạo chính là sự gặp gỡ bản thân của con người với một tình yêu sống động.

Nước Trời thực sự đã gần bên, ở chỗ đạo không phải là một hệ thống hình thức, nhưng căn bản là sự thờ phượng Chúa trong tinh thần và trong chân lý. Nếu Chúa chỉ ở nhà thờ, thì vẫn có khoảng cách, vẫn còn xa xôi. Nhưng nếu trong tinh thần và trong chân lý, ta gặp được Chúa ở chính bản thân, ở biến cố, ở tha nhân, ở khắp nơi, thì không gì gần bằng.

Nước Trời thực sự đã gần bên, trong tầm tay mọi người thiện chí.

Điều thứ ba nên đào sâu là việc chuẩn bị cho Nước Trời.

Trong sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Công Đồng Vatican II đã  nói: “Công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô cốt chằm sự cứu rỗi nhân loại, nhưng đồng thời cũng chằm cả việc cải tạo trần thế. Vì thế sứ mạng của Hội Thánh không phải chỉ là sứ mạng đem Tin Mừng của Chúa Kitô và ân sủng của Người đến cho nhân loại, mà còn là đem tinh thần Tin Mừng thấm nhập và làm cho hoàn hảo trật trự trần thế”.

Lời dạy trên đây của Công Đồng soi sáng cho ta thấy rằng: Nội dung điều Chúa truyền tông đồ rao giảng không những chỉ là việc loan báo Nước Trời đã tới, mà còn là việc dạy cho con người biết  đi vào đường dẫn tới Nước Trời, hoặc trực tiếp bằng các hành vi tôn giáo, hoặc gián tiếp bằng sự cải tạo các thực tại trần thế để được hoàn hảo hơn. Có nhiều thực tại trần thế như sự sống, gia đình, kinh tế, văn hoá, lao động sản xuất, các tương quan xã hội. Cải tạo xã hội phải coi là một nhiệm vụ của tông đồ. Có thể gọi nó là việc chuẩn bị cho Nước Trời. Vì thế ta cũng phải dành cho nhiệm vụ đó một sự quan tâm xứng đáng.

Phải nói ngay rằng trong thực tế, ta không có tham vọng cải tạo những điểm rộng lớn. Ta chỉ nói tới phạm vi xã hội nhỏ bé là nhiệm sở của ta. Nếu để ý một hoặcu1t, ta sẽ thấy tại mỗi nhiệm sở của ta có ít là ba điểm cần phải được cải tạo.

Trước hết là kinh tế cần được cải tạo. Hãy nỗ lực giúp cách cho giáo dân ta được no ấm hơn, được bớt bệnh tật hơn, được thanh thản hơn. Nhiều người khổ người không ra kiếp người.

Rồi tục lệ cần được cải tạo. Nhiều nơi còn quá nặng những tục lệ xấu, như nhậu nhẹt cỗ bàn trong các đám tang, cưới hỏi với quá nhiều tính chất tiền bạc, bầu bán tranh chấp, rước phách lùm xùm, vv...

Ngoài ra, chính con người càng cần cải tạo hơn. Nhiều người thiếu hẳn những đức tính nhân bản, cả đến những điều tối thiểu. Quê mùa, cộc cằn, bất lịch sự, nói năng thô lỗ, ăn mặc nhem nhúa, nhà cửa do bẩn, tò mò, đê tiện, dối trá, giả hình, vv...

Mọi công việc cải tạo của ta phải có tính cách một dấu chỉ, mời gọi người ta tìm về Nước Trời. Sự cải tạo, dù nhỏ tới đâu, cũng phải chằm gây nên một cuộc gặp gỡ, không phải một cuộc gặp gỡ hời hợt giữa một người cho và một người nhận, mà là một cuộc gặp gỡ giữa một tâm hồn với một tình yêu.

***

“Hãy đi rao giảng rằng Nước Trời đã gần bên”. Giảng là một nghệ thuật. Nhưng giảng Tin Mừng còn là một sự sống. Sống Tin Mừng để giảng Tin Mừng. Giảng Tin Mừng bởi đã sống Tin Mừng. Giảng Tin Mừng chỉ là một sự chia sẻ đời sống Tin Mừng, với những knhg bản thân, với những khắc khoải của nhiệt tình tông đồ, với chính sự kết hợp thân mật với Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng vì thế mà đôi khi thinh lặng đúng lúc cũng là một bài giảng hùng hồn, thinh lặng lúc đó chứng tỏ nghị lực khiêm tốn, tự chế và hy sinh. Giảng thường bằng lời, nhưng đúng ra là giảng bằng tất cả con người. Và như thế phải cố gắng để chính con người tông đồ được coi là một Tin Mừng sống động loan báo “Nước Trời đã gần bên”.

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2216: “ĐÃ LÃNH NHẬN NHƯNG KHÔNG, THÌ HÃY CHO ĐI NHƯNG KHÔNG”


 (Mt 10,8)

(Tĩnh Tâm  Năm - Bài 4)

 

Khi một người gặp một người, thì tự nhiên có mối tương quan. Tương quan luôn được đặt ra Bùi-Tuần 2216


Khi một người gặp một người, thì tự nhiên có mối tương quan. Tương quan luôn được đặt ra giữa những con người cùng làm, cùng chung sống, cùng có việc với nhau. Tôi ra chợ mua đồ, thì tương quan giữa người bán với tôi là kẻ bán người mua. Khi một anh cảnh sát hỏi tôi giấy phép đi đường, thì giữa anh và tôi có tương quan quyền và bổn phận. Khi tông đồ đến với đoàn chiên thì có tương quan nào?

Chúa Giêsu niêu rõ ngay từ đầu, liền sau khi chỉ định cho tông đồ nhiệm sở và công việc phải làm.  Ngài nói: “Đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi những không”. Câu vắn tắt đó xác định tương quan của tông đồ đối với đoàn chiên không phả là tương quan mua bán, cũng không phải là tương quan đổi chác, nhưng là tương quan cho không. Tông đồ phải là người cho đi những không. Tương quan này, nếu phân tích kỹ, sẽ giúp ta đổi mới cái nhìn về mình, về cộng đoàn và về thái độ của ta. Sự đổi mới này rất cần thiết để thích nghi với hiện tình xã hội.

Cho đi những không: Tương quan đó ta phải thực hiện thế nào với cộng đồng dân Chúa?

Việc thực hiện thức nhất lã hãy cho đi nhưng không sự kính trọng và chăm sóc đối với kẻ khác, nhất là kẻ bé mọn, túng nghèo, khổ đau.

Đọc kỹ Phúc Âm, chúng ta thấy hình thái cộng đồng dân Chúa rất khác hình thái xã hội hành chánh. Xã hội hành chánh như một xã một tỉnh một nước thường được hình dung như một tháp nhọn, dưới là khối lớn những người phải vâng phục, trên là số ít người được quyền cai trị. Còn cộng đồng dân Chúa được hình dung như vòng tròn của những bàn tay nắm lấy bàn tay. Vòng nọ trong vòng kia, và vòng sau chót được cưng nhất chính là những kẻ bé mọn, yếu đuối, nghèo nàn, đau khổ. Vòng tròn là hình ảnh sự bình đẳng huynh đệ: “Phần các con, đừng bắt người ta gọi các con là Rabbi, vì Thầy của các con chỉ có một, còn các con hết thảy đều là anh em. Và các con cũng đừng xưa hô ai dưới đất là cha của các con, vì Cha của các con chỉ có một là Cha trên trời. Các con cũng chớ cho gọi mình là vị chỉ đạo, vì vị chỉ đạo của các con chỉ có một là Đức Kitô” Mt 23,8-10).

Trong cộng đồng huynh đệ này, kẻ lớn là kẻ phải phục vụ nhiều hơn. Tuỳ mức phục vụ mà đo tầm lớn (Lc 22,26). Lúc rửa chân cho tông đồ, Chúa Giêsu đã tuyên bố mình là Chúa và là Thầy (Ga 13,14). Cùng trong ý đó, Ngài đã quả quyết: “Ai bé mọn nhất trong chúng con chính là người lớn nhất” (Lc 9,48), tức là họ phải được chăm sóc phục vụ nhiều hơn.

Nếu trong cộng đồng này, Chúa đã đồng hóa mình với những người nghèo (Mt 25,34-40) và với trẻ nhỏ (Lc 9,48) thì ta sao có thể không kính trọng và quan tâm tới họ. Nếu trong cộng đồng này, Chúa đã có lần nói với các thượng tế và hàng niên trưởng: “Quả thật, tôi bảo các ông, những người thu thuế và những đĩ điếm qua trước các ông mà vào Nước Trời” (Mt 21,31), thì ta sao có quyền khinh dể những người tội lỗi. Nếu trong cộng đoàn này, Chúa đã bảo “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7,1) thì tại sao dám kết án những người không cùng tin tưởng và hành động như ta.

Đức tin ta có, chức Linh mục ta mang, nền đạo ta giữ, toàn là những thứ ta đã lãnh nhận nhưng không. Vốn liếng nhiều như vậy, mà ta vẫn  còn yếu đuối, vẫn còn lỗi lầm. Nếu mấy người bổn đạo, mấy người nghịch đạo cũng được ơn Chúa như ta, biết đâu họ đã khá hơn ta bội phần. Thế thì đừng khinh ai, đừng bỏ rơi ai. Hãy biết kính trọng, hãy biết chăm sóc lo lắng cho các anh em, nhất là những kẻ bị khổ đau, bé mọn, thiệt thòi. Đã lãnh nhận những không, thì hãy cho đi nhưng không.

Việc thực hiện thứ hai là hãy cho đi nhưng không tình yêu thương quảng đại.

Khi nhìn kỹ tương quan trong cộng đồng dân Chúa, ta thấy nó có một nguồn gốc khá đặc biệt. Vợ chồng thì do lựa chọn. Cha mẹ con cái thì do tình huyết nhục. Đồng bào một nước thì do cùng một dòng giống, cùng một quê hương. Còn cộng đồng dân Chúa thì chỉ do chung một niềm tin vào Cha trên trời. Vì xác tín Chúa là Cha, nên mọi người coi nhau như anh em. Mối tương quan giữa anh em với nhau là tình thương. Vì thế chỉ có tình thương mới là dấu chỉ đích thực của người con Chúa. Đặc điểm giới biệt phái là giữ luật cặn kẽ, đặc điểm môn đệ Gioan Baotixita là sống khổ hạnh. Còn đặc điểm môn đệ Chúa Giêsu là yêu thương  nhau. Cih1những Chúa cứu thế đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Tình yêu quảng đại không những là đặc điểm đích thực của người con Chúa, mà nó cũng còn là dấu chỉ của sự toàn hảo Phúc Âm. Nhiều nhà đạo đức có thói quen cắt nghĩa sự toàn hảo Phúc Âm là giữ trọn mọi lề luật. Nhưng nếu đọc kỹ Phúc Âm thánh Matthêu đoạn 5, phần cuối, ta sẽ thấy rõ sự trọn lành Phúc Âm phải hiểu trước hết về giới luật yêu thương. Chúa nói: “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,18). Cha trên trời trọn lành, vì “Ngài yêu thương  mọi người, làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ lành lẫn kẻ dữ, làm mưa cho người công chính cũng như cho người bất chính” (Mt 5,45).

Nếu yêu thương  là dấu chỉ của sự trọn lành Phúc Âm, và là đặc điểm của môn đệ Chúa, thì người tông đồ phải rất nổi bật về điểm đó.

Xưa khi giảng về đức yêu thương , Chúa đã kết án thầy cả đạo cũ và đưa một người ngoại Samari lên làm gương bác ái. Nếu hôm nay Chúa giảng lại bài đó, có chắc Ngài sẽ không lại kết án thầy cả đạo mới? Tình thương của Chúa, ta đã lãnh nhận nhưng không, thì ta cũng hãy cho đi nhưng không.

Việc thực hiện thứ ba là hãy cho đi nhưng không sự tha thứ.

Yêu cầu quan trọng, thường xuyên và bức thiết nhất của một cộng đồng là biết tha thứ. Dù cộng đồng chỉ gồm hai người, thì điều thực tế cần thiết nhất cũng vẫn là tha thứ. Vì tha thứ là điều kiện tối thiểu để cho cộng đoàn được hợp nhất và tồn tại. Điều đó cũng là điều mà người tông đồ phải thực hiện trong tương quan cho đi của mình.

Ở đây thiết tưởng ta nên nhớ lại dụ ngôn người đầy tớ mắc nơ vua 10.000 lạng vàng. Vua tha nợ cho hắn. Hắn có một người mắc nợ hắn chỉ 10 đồng bạc. Nhưng hắn cố tình không tha. Hắn nạt nộ, hành hạ, bỏ tù, bắt trả đủ mới tha. Kết thúc ra sao, chúng ta đã rõ (Mt 18,23).

Nếu khiêm nhường, chúng ta có lý để lo. Không chừng người tôi tớ mắc nợ vua lại chính là ta. Ta đã được Chúa tha thứ nhiều lắm. Sự tha thứ của Chúa là một ân huệ vô điều kiện. Ta đã lãnh nhận nhưng không. Đến lượt ta đối với người khác, ta có tha thứ dễ dàng không? Tha thứ, chứ không phải chỉ là bỏ qua. Trong tha thứ có tình thương, đang khi bỏ qua vốn phảng phất thái độ kiêu kỳ, như thể còn để tội đó.

Trong nhà ta ở, trong họ đạo ta phục vụ, nếu ta chỉ muốn chấp nhận những người vừa ý ta, theo sự lựa chọn của ta, để chỉ có thể yêu thương  mà không cần tha thứ, hay có tha thứ thì cũng chỉ áp dụng cho người thân yêu, thì quả thực ta đã chối từ bác ái. Chúa phán: “Nếu các con mến yêu những kẻ yêu mến các con, thì các con có công gì? Những người thu thuế không làm như thế sao? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con, thì các con đâu có làm gì lạ! Người ngoại không làm thế sao?” (Mt 5,46-47).

Trên trái đất này, muốn chọn một chỗ không cần phải tha thứ, thì là muốn một điều quá lý tưởng, đồng thời cũng là muốn bỏ quên bác ái. Không chấp nhận tha thứ cũng là như nhận mình không cần được tha thứ và cũng như nói mình đã không được Chúa thứ tha, nên chẳng cần tha thứ cho ai.

Ta khó khăn trong việc tha thứ cho kẻ khác, đang khi chính ta có lẽ đã là gánh nặng gây phiền hà khổ đau cho bao nhiêu người nhưng nhờ sự họ tha thứ mà ta vốn được chấp nhận.

Những kinh Cáo Mình và Lạy Cha đọc lên hằng ngày sẽ chẳng có nghĩa gì, nếu ta không tha thứ thực tình và dễ dàng cho các anh em ta. “Đã lãnh nhận nhưng không, thì cũng hãy cho đi nhưng không”.

***

Tương quan cho đi nhưng không là một thứ tương quan thuộc về tâm hồn lớn mạnh. Tâm hồn nhỏ vốn hẹp hòi. Tâm hồn yếu vốn so đo. Tương quan cho đi nhưng không chỉ thực hiện được một cách bình thản chân thành bởi những con người đạo đức trưởng thành. Họ quen có nghị lực từ khước chính mình, nên họ có nghị lực dễ dàng yêu mến vị tha. Họ quen có nghị lực bắt mình khổ chế, nên họ có nghị lực dễ dàng tha thứ. Họ quen nhìn ngắm và giao tiếp với Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, nên họ dễ dàng kính trọng tha nhân. Cho đi nhưng không là biểu hiệu sự dồi dào của một nghị lực và của một tình yêu. Như thế, chúng ta hiểu được tương quan cho đi nhưng không kêu gọi mỗi người chúng ta đưa ra những quyết tâm nào.

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2217: “ĐỪNG LO CHIẾM HỮU VÀNG BẠC...” (Mt 10,9)


(Tĩnh Tâm  Năm - Bài 5)

 

Sau khi đã nói cho tông đồ biết họ được sai đến đâu, được sai đi để làm gì và tương quan với người Bùi-Tuần 2217


Sau khi đã nói cho tông đồ biết họ được sai đến đâu, được sai đi để làm gì và tương quan với người mình sẽ đến phải thế nào, Chúa đã lưu ý họ về hành trang lên đường. Ngài nói: “Chúng con đừng lo chiếm hữu vàng bạc, hay tiền lẻ giắt lưng, cũng đừng mang bị, hai áo, giày dép, gậy gộc” (Mt 10,9). Cứ theo lời nhắn nhủ trên đây, thì kẻ được sai đi phải là con người trút bỏ tối đa, hành trang của họ phải rất nhẹ nhàng.

Bước đi con người thường nặng về hành trang vật chất, mà cũng nặng về hành trang tâm hồn. Khi suy Lời Chúa nói “Nolitepòssidere”, tôi thấy Chúa nhắm vào việc chiếm hữu (possidere) hơn là việc có. Chúa nhắm vào thái độ và tinh thần chiếm hữu đồ vật hơn là sự kiện mang theo đồ vật. Thái độ và tinh thần chiếm hữu đó phải được coi là một thứ hành trang cần phải trút bỏ, vì nó cồng kềnh, vì nó tai hại.

Được hiểu như thế, ta nên tìm chi tiết những thứ chiếm hữu mà con người tông đồ hôm nay cần phải xa tránh.

Thứ chiếm hữu thứ nhất ta cần xa tránh là chiếm hữu tôn giáo.

Chiếm hữu tôn giáo được hiểu đại khái như một sự lạm dụng về tôn giáo. Sự chiếm hữu này được phát hiện dưới nhiều hình thức. Sau đây là một số điển hình.

Thí dụ thói quen thẩm định sự lan rộng của Nước Trời căn cứ vào những thành công vẻ vang bề ngoài của mình và của Giáo Hội mình. Thẩm định như thế là một sự chiếm đoạt một sự không phải của mình. Thành công vẻ vang bề ngoài của tông đồ và của Giáo Hội không bao giờ là dấu chỉ chắc chắn của sự lan rộng Nước Trời. Có những thành công vẻ vang của tông đồ và của Giáo Hội đã gây nên thất  bại cho Nước Trời, nên thành công như thế đã trở thành thành công đau đớn. Trái lại có những thất bại đau đớn của tông đồ và của Giáo Hội đã gây nên thành công cho Nước Trời, nên thất bại đó đáng gọi là thất bại vẻ vang. Chỗ đứng vẻ vang của một Giáo Hội trong xã hội vào một thời nào đó chắc đâu đã là một dấu chỉ của một sự phồn vinh lành mạnh của Nước Trời. Trái lại, sự cúi mình của đạo Chúa trong một hoàn cảnh nào đó đâu có phải là một sự suy thoái của Nước Trời. Nếu thế, thì người tông đồ nên trút bỏ cái thói quen đồng hóa sự thành công bề ngoài với sự thành công bên trong. Thực sự nhiều khi phải nói: Cái bất hạnh cho Giáo Hội chính là vì Giáo Hội “thành công”, những thứ thành công gây ra ảo tưởng và tách dần xa con đường thánh giá dẫn về sự cứu rỗi.

Rồi thí dụ thói quen đóng khung tôn giáo vào khuôn khổ chặt chẽ của những luật lệ và tục lệ. Không thiếu người vẫn còn mang nặng tính cách Pharisêu, coi đạo chỉ là lề luật, giữ đạo chỉ là giữ trọn lề luật một cách tỉ mỉ khắt khe về hình thức hơn về tinh thần. Quan niệm đó không đúng, sự giữ lề luật chỉ là một cách chứng tỏ lòng mến chứ không tất nhiên là lòng mến, đang khi đạo là cuộc trao đổi tình yêu với Chúa. Đàng khác có những luật lệ bó buộc người ta, nếu xét kỹ thì chẳng phải của Phúc Âm, cũng chẳng phải của Giáo Hội, cũng chẳng vì ích chung. Dồn đạo vào những khung luật như thế là chiếm hữu sai trái, vì thứ khung đó là của mình chứ không phải của Chúa.

Rồi thí dụ cái thói khăng khăng quả quyết chỉ có đường lối đạo đức của mình mới là đạo đức thiệt, chỉ có mình và những người như mình mới là nhân tố Chúa dùng để cải tạo xã hội, chỉ có thứ hình ảnh Chúa do mình vẽ ra mới thực sự đúng với Phúc Âm. Quả quyết như thế là một sự chiếm đoạt. Vì sự phân chia ranh giới như vậy không phải quyền của mình. Hầu hết các thầy cả đạo cũ thời Chúa Giêsu đều vào hạng này. Họ quan niệm Chúa cứu thế phải y hệt hình ảnh họ nghĩ về Ngài. Nên khi Chúa đé6ngài không trong hình ảnh đó, họ đã không nhận, lại còn lên án. Họ quan niệm sự cứu rỗi phải qua con đường cũ quen thuộc của họ, nên khi Chúa Thánh Thần đến làm bung ra các hình thức cơ cấu cũ, mở đường cho một lối hành đạo mới, thì họ hoảng hốt ngỡ ngàng. Ta nên khiêm tốn nhận rằng: Chúa vẫn luôn luôn làm việc trong lịch sử nhân loại, và số người được cứu rỗi không giống danh sách ghi trên sổ rửa tội để ở các nhà thờ.

Rồi thí dụ cái tính tự phụ coi mình là người công chính, và sự công chính đó là điều kiện để vào Nước Trời. Tự phụ như thế là chiếm đoạt, vì không phải quyền mình được xét đoán mình là công chính, đàng khác Nước Trời chính là một ơn huệ Chúa ban, người Phriêu trong Phúc Âm khi con người đã tự nhận mình là người công chính. Tự coi mình là công chính thì đâu có gì cần được tha thứ, có gì phải xấu hổ với lương tâm, trái lại còn cho như mình đáng được Nước Trời. Thái độ tự cho mình đáng được Nước Trời, đang khi Nước Trời là một ân huệ, quả là một hành vi chiếm hữu, mặc dầu vô hiệu.

Rồi thí dụ việc tự ý thay đổi giáo lý, luật đạo, phụng vụ, hoặc mưu đồ tách rời Giáo Hội địa phương ra khỏi Đấng kế vị thánh Phêrô, hoặc cố tình hoạt động như thể mình không có bổn phận phục tùng Giáo quyền nào hết, hoặc lợi dụng chức vụ Linh mục hay đạo giáo để làm những việc chỉ vì lợi ích tư riêng. Đó cũng là những thứ chiếm hữu tôn giáo cần phải tránh. Linh mục là người cộng tác của hàng Giám Mục, chức thánh là một sự tham dự vào chức Linh mục thượng phẩm duy nhất của Chúa Kitô, quyền Linh mục đã được qui định bởi đấng bản quyền. Mọi sự vượt quá đều là chiếm đoạt sai trái.

Rồi thí dụ sự lạm dụng thần quyền để gây khó khăn cho tín hữu, ưa xiết lại chứ không thích cởi gỡ, không dễ dàng ban các Bí tích cho những người có đủ điều kiện, dùng tòa giảng để cay cú với cá nhân này tập thể nọ, dùng Lời Chúa để nguyền rủa những kẻ đụng chạm tới mình. Làm thế cũng là chiếm hữu tôn giáo. Thực sự cũng phải nhận rằng Phúc Âm thì nhẹ, nhưng đạo cụ thể ở một vài nơi thì quá nặng. Nặng có phải tại ta không?

Thứ chiếm hữu thứ hai ta cần xa tránh là chiếm hữu con chiên.

Người ta chỉ chiếm hữu sự vật, chứ con người thì không ai được chiếm hữu. Tuy nhiên trong thực tế Linh mục vẫn có thể chiếm hữu con chiên bằng nhiều cách.

Có sự chiếm hữu con chiên khi ta để tình cảm không mấy chính đáng của ta chinh phục họ về mục đích ích kỷ. Thay vì coi họ như những tấm bánh trắng ta phải truyền phép để họ trở nên Chúa Kitô và dâng lên Thiên Chúa, thì ta lại giữ lại cho riêng ta. Ta như kẻ ăn trộm, chiếm hữu sự vật mà chủ đã trao cho ta coi sóc. Ta như kẻ bất trung, lạm dụng sự tín nhiệm của Chúa và của các linh hồn mà tìm hưởng thụ.

Cũng có sự chiếm hữu con chiên, khi ta đối xử với họ như đối xử với sự vật vô nhân vị. Coi người ta như tôi tớ, coi mình như ông chủ toàn quyền: thái độ hống hách độc tài đó là một thứ chiếm hữu quá lỗi thời và rất nguy hại.

Ngoài ra thái độ chiếm hữu con chiên còn có thể xảy ra, khi ta không muốn nhường quyền chăm sóc đoàn chiên cho những tông đồ khác được sai đến chia sẻ trách nhiệm với ta. Ta buồn khi họ thành công. Ta vui khi họ thất bại. Ta thầm mong họ đừng nổi nang hơn ta.

Hơn nữa, tinh thần chiếm hữu con chiên cũng được phát hiện trong trường hợp ta vận động để chiếm một đoàn chiên ta tự ý lựa chọn vì những lý do hoàn toàn cá nhân.

Và cả khi sống với đoàn chiên, nếu ta không sống cho họ, nhưng bắt họ sống cho ta, thì cũng là một cách chiếm hữu con chiên.

Tất cả các thứ chiếm hữu vừa kể đều dễ xảy ra trong đời tông đồ. Đó là những thứ vàng bạc, tiền của, áo giày, gậy bao mà Chúa Giêsu bảo ta phải từ khước.

Thứ chiếm hữu thứ ba ta cần xa tránh là tính ham mê chiếm hữu của cải.

Hiện nay chúng ta đã trút bỏ được nhiều vướng mắc về của cải vật chất. Nhưng không phải vì thế mà bảo đảm được rằng ta cũng đã trút bỏ được chính lòng ham mê của cải. Đôi khi cũng chính vì nghèo mà người ta lại rơi vào cái băn khoăn quá dộ tìm kiếm của cải.

Biết đâu đôi khi ta chẳng làm như một số người trong dụ ngôn tiệc cưới, lúc thì vịn lẽ tậu trâu bò, lúc thì vịn lẽ đi xem đất, vv... để từ chối tiếng mời gọi của bổn phận.

Biết đâu nhiều lần ta cũng bị những bận tâm về vật chất kéo ghì lại như một khối hành trang nặng trĩu.

Biết đâu trong thực tế, thay vì tìm kiếm Nước Trời trước rồi mọi sự khác sẽ tới sau, thì ta lại tìm kiếm mọi sự khác trước, còn Nước Trời lại lo sau.

Ngoài ra không thiếu dịp đã làm cho ta dễ biến của chung thành của riêng, xài phí của chung cho lợi ích cá nhân một cách vô trách nhiệm.

Cũng có những lợi lộc ta đã được chỉ vì chức linh mục, và có lẽ ta đã tự giữ lại cho riêng mình, không nghĩ đến nghĩa vụ công bình bác ái ta phải có đối với Giáo phận và đối với các anh em linh mục khác phải vất vả hơn ta nhưng không được may mắn như ta. Cũng là linh mục như nhau, nhiều anh em vì được trao phó những địa điểm khó khăn túng nghèo, nên phải khổ cực thiếu thốn. Còn ta được phục vụ ở những chỗ tốt, không hẳn vì tài đức của ta. Nếu ta không nghĩ đến việc san sẻ bổng lộc cho các anh em ta, thì đó cũng là một thứ chiếm hữu cần đặt thành vấn đề nghiêm chỉnh trước lương tâm.

***

Trút bỏ đôi giày, trút bỏ chiếc áo là việc quan sát được. Nhưng trút bỏ ba thứ chiếm hữu kể trên là việc không quan sát được. Vì không quan sát được, nhiều khi ta bị cám dỗ không vội trút bỏ hay không cần trút bỏ.

Nhưng nếu ta biết hôm nay là ngày sau cùng đời ta, chắc ta sẽ không ngần ngại trút bỏ dứt khoát tất cả. Vì “được cả vũ trụ mà mất linh hồn mình, thì có ích lợi gì!” (Lc 9,25). Trái lại, “Hạnh phúc cho những tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Sự ta muốn làm trong giờ chết, thì hãy làm ngay bây giờ, để lúc nào ta cũng sẵn sàng ra đi. Bởi vì ta không biết được ngày nào giờ nào Chúa sẽ đến gọi ta (Mt 25,13).

--------------------------

 

Bùi-Tuần 2218: “AI BỀN ĐỖ TỚI CÙNG SẼ ĐƯỢC CỨU RỖI” (Mt 10,22)


(Tĩnh Tâm  Năm - Bài 7)

 

Tông đồ không được sai đi để trao thánh giá cho người khác, nhưng trước hết là để chính mình vác Bùi-Tuần 2218


Tông đồ không được sai đi để trao thánh giá cho người khác, nhưng trước hết là để chính mình vác lấy thánh giá trên vai. Thánh giá là cây sinh sức sống. Vì thương ta, Chúa muốn trồng nhiều cây đó trong cánh đồng Giáo Hội, để tăng lương thực bồi dưỡng lòng đạo cho con cái Chúa. Thế thì phải nhìn thánh giá với con mắt đức tin.

Tuy nhiên mất mát nào cũng gây nên cay đắng. Thiếu thốn nào cũng sinh ra khó chịu. Mà khổ đau chẳng phải là hoa hồng, thực tế tâm lý tự nhiên là như vậy. Nhất là khi con đường thánh giá lại dài triền miên, càng đi càng thấy khó. Khó ở ngoại cảnh, mà cũng khó ở lòng mình. Chính ta biết đâu lại là cái khó khăn nhất, với những ảo mộng du đưa ta vào giấc ngủ xa rời việc xây dựng thực tại, với những bất nhẫn xúi ta muốn ngồi ỳ xuống thụ động để mình buông trôi, với những dẫy dụa vô ích làm ta càng thêm sứt sát và căng thẳng.

Chúa Kitô thấy trước tất cả, nên Ngài đã khuyên tông đồ hãy kiên trì bền vững. Ngài nói: “Ai bền vững tới cùng, sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22). Phần thưởng đợi ở cuối đường, chứ không trao ở đầu đường hay ở dọc đường.

Vì ý thức điều đó, nên người tông đồ lo lắng cho sự bền vững của mình. Nhưng trong một hoàn cảnh phức tạp, thiết tưởng cũng nên chọn vài điểm ta cần quyết tâm bền vững, để có thể tiến tới sự cứu rỗi sau cùng.

Điểm thứ nhất ta quyết tâm bền vững là giữ trọn luật nền tảng của Tin Mừng, tức giới luật yêu thương .

Giới luật nền tảng của Tin Mừng là đức Ai, gồm mến Chúa thương người. Tuy nhiên, xét về mặt thực hành, thiết tưởng ta nên chú ý rất nhiều đến phương diện thương người. Vì nhiều lý do chính đáng sau đây:

Bởi vì thương người là điều răn mới Chúa truyền như một điều trối quan trọng. “Thầy cho chúng con một điều răn mới là chúng con yêu thương  nhau. Như Thầy thương yêu chúng con thế nào, các con cũng hãy thương yêu nhau như vậy” (Ga 14,34).

Bởi vì thương người là đặc điểm sống động của môn đệ Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Bởi vì thương người là điều kiện để mến Chúa: “Nếu khi nào con dâng của lễ trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em còn bất bình với con, thì con hãy bỏ của lễ đó trước bàn thờ, và về làm hòa với người anh em con trước đa, đoạn mới trở lại dâng lễ sau” (Mt 5,23.24).

Bởi vì thương người cũng quan trọng như mến Chúa: “Điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất là: hãy yêu thương  tha nhân như chính mình” (Mt 22,38).

Bởi vì thương người là tiêu chuẩn Chúa dùng để phân biệt kẻ lành người dữ. Ta nên đọc kỹ Phúc Âm thánh Mátthêu, đoạn 25,34-46, sẽ thấy rõ Chúa đã xếp loại người ta thế nào trong ngày phán xét. Hoàn toàn căn cứ vào giới luật yêu thương .

Bởi vì thương người được Chúa kể như thương chính Chúa: “Ta nói thật với các con, sự gì các con làm cho một trong những người bé mọn nhất của anh em Ta, thì Ta kể như làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

Bởi vì thương người là cách giữ đạo tốt: “Ai yêu người là đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).

Bởi vì thương người là ngôn ngữ dễ hiểu nhất để nói chuyện với con người thời đại. Trong một hoàn cảnh chồng chất những mặc cảm, thiên kiến và hiểu lầm, thiết tưởng chỉ còn yêu thương  mới là nơi dễ gặp được nhau, dễ làm quen với nhau, dễ hiểu nhau và dễ chấp nhận nhau.

Tất nhiên thương người không tách rời khỏi tình mến Chúa. Cả hai nâng đỡ nhau, cả hai cắt nghĩa cho nhau. Kiên trì nắm vững đức ái về cả hai mặt mến Chúa và yêu người, người tông đồ quyết đi tới cuộc toàn thắng sau cùng, một cuộc toàn thắng mang ý nghĩa Phúc Âm, một cuộc toàn thắng nối tiếp sự toàn thắng của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã toàn thắng, khi giữa những cơn tăm tối đau đớn nhất như một cuộc tấn công ác nghiệt muốn đánh bật Ngài ra khỏi niềm tin, Ngài vẫn giữ lòng tin mến Chúa Cha: “Lạy Cha, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Ngài cũng đã toàn thắng, khi giữa những cơn thù hận ác nghiệt nhất của những người chống đối, như  một cuộc tấn công tàn bạo muốn bắt Ngài quay lưng phản bội lại giới răn yêu thương  mà Ngài rao giảng, Ngài vẫn giữ lòng yêu thương  họ tới cùng: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Giữ vững lòng tin mến Chúa và không nguôi tình yêu thương  tha nhân: giữ được bấy nhiêu tới phút chót, đó là thắng cuộc. Tông đồ phải đứng vững ở hai chốt đó. Hai chốt đó là hai chốt quyết định. Người ta ghét ta, khinh ta, làm khó ta, nếu ta phản ứng bằng cách ghét lại và mong muốn sự độc ác cho họ, thì ta thua cuộc rồi! Ma quỉ chỉ mong có thế thì ta đừng để mình mắc bẫy!

Điều thứ hai ta quyết tâm bền vững là giữ trọn sự hiệp nhất với Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô.

Còn một điều khác địa ngục cũng nỗ lực làm là phân hóa hàng ngũ tông đồ, và làm giảm sút tinh thần hiệp nhất của tông đồ đối với Giáo Hội. Vì thế, trong bữa tiệc ly, khi cầu nguyện cho môn đệ, Chúa Kitô đã bốn lần nhắc đến sự hiệp nhất:

“Ut sint unum sicut et nos” (Ga 17,11)
“Ut omnes unum sint” (id, 11)
“Ut sint unum sicut et nos unum sumus” (id, 22)
“Ut sint consummati in unum” (id, 23).

Cầu nguyện đến bốn lần trong giờ ly biệt cho sự hiệp nhất chứng tỏ Chúa Kitô thiết tha sự hiệp nhất Giáo Hội, đồng thời cũng ý thức những hiểm nguy đe dọa sự hiệp nhất đó thế nào.

Để thực hiện sự hiệp nhất quan trọng này, không những chúng ta cố gắng xây dựng sự đoàn kết trong đoàn chiên của ta, mà chính ta cũng phải lo hiệp nhất khăng khít với Giáo Hội. Bởi vì hiệp nhất với Giáo Hội chính là điều kiện để hiệp nhất với Chúa Kitô. “Giáo Hội như phép Bí tích, vừa là dấu hiệu, vừa là phương tiện để mật thiết kết hợp với Chúa và hợp nhất nhân loại với nhau” (Lumen Gentium). Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu. Kết hợp với đầu cũng là đồng thời kết hợp với thân thể. Giáo Hội của Chúa Kitô nói đây là Hội Thánh mà kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. “Mặc dầu có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý ở ngoài lãnh vực của Hội Thánh này” (Lumen Gentium), Hội Thánh công giáo vốn bao hàm đủ những yếu tố thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô.

Hội Thánh đó vừa hữu hình vừa vô hình. Hội Thánh xét về mặt xã hội được lãnh đạo bởi các vị kế nghiệp thánh Phêrô và các vị Giám Mục thông hảo với Ngài. Do đó, trên thực tế, sự hiệp nhất ta cần có cụ thể trước hết là hiệp nhất với Đức Giám Mục Giáp phận của ta.

“Vị Giám Mục, đối với một nơi nhất định, chính là hình ảnh hữu hình về sự hiệp nhất vô hình của các tín hữu” (Mochler, de l'unité de l'Eglise, trang 171). “Hội Thánh là một gia đình, sự hiệp nhất của Hội Thánh phải được thực hiện chung quanh một người mà người ta có thể biết được, một người mà người ta có thể nói với, một người có thể can thiệp lập tức không cần đợi yêu cầu, để đưa ra sáng kiến, chỉ vạch những sai lầm, hướng dẫn các linh hồn về những quan tâm công ích, người đó là Đức Giám Mục” (A.G. Martimort, de l'Evêque, trang 48). Cũng vì thế, “Các tác giả đạo đức đều nhất trí kết án những thái độ chống đối Đấng Bản quyền - dù chỉ là thụ động - là thái độ cực kỳ nguy hiểm về mặt thiêng liêng” (Gasquet, de got l' béissance).

Có những hoàn cảnh làm cho Giám Mục cảm thấy chức vụ Giám Mục của mình trở thành gánh nặng nề chồng chất khó khăn. Chính sự yếu đuối và khả năng giới hạn của Ngài cũng là một gánh nặng cho Ngài. Chúng ta nên thương Ngài, và đừng làm cho trách nhiệm Ngài thêm nặng vì ta.

Mỗi ngày ta nguyện trong thánh lễ: “Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý  Chúa”, thì ước chi lời ta nguyện cũng là điều ta thực hiện trong ý muốn, lời nói và việc làm đối với giáo dân, tu sĩ, anh em linh mục, Giám Mục và Đức Giáo Hoàng của ta.

Điều thứ ba ta quyết tâm bền vững là không ngừng đẩy mạnh tinh thần cải tiến theo Công Đồng Vatican II.

Hợp nhất với Giáo Hội thì cũng phải đi cùng nhịp với Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay là Giáo Hội của Thiên Chúa muôn đời và đồng thời cũng là của một nhân loại đang trong một kỷ nguyên mới. Thời đại ta đang sống có rất nhiều chuyển biến khác xưa. Từ não trạng đến cơ cấu, văn hoá và lối sống. Mức chuyển biến đi rất nhanh theo từng tháng từng năm. Người tông đồ không biết thích nghi sẽ bị lỗi thời lúc nào không biết. Vì thế Công đồng Vatican II kêu gọi chúng ta phải quan tâm đến việc cập-nhật-hoá.

Việc cập-nhật-hóa này cốt làm cho tông đồ lúc nào cũng mới, cũng tiến bộ, cũng thức thời một cách đứng đắn. Không phải chỉ trong vài thích nghi bề ngoài, nhưng là từ trong hiểu biết, nhận định, lập trường và chọn lựa đường lối.

Để được thế, tiên vàn ta cần học hỏi thường xuyên thực nhiều, để trí khôn có những cái nhìn sâu rộng, mới mẻ và chính xác.

Học hỏi về đạo bằng các tài liệu cổ điển nhất là Kinh Thánh đã vậy, mà cũng phải bằng các tài liệu sau công đồng. Thần học, triết học và những khoa đạo khác đã có những suy tư mới. Các Hiến chế, Sắc lệnh của Công Đồng Vatican II và các Thông điệp của các Đức Giáo Hoàng thuộc Công Đồng Vatican II phải được ta đào sâu.

Học hỏi nền văn hoá mới của đất nước bằng các sách báo mỗi ngày mỗi có thêm.

Theo dõi thời cuộc trong nước và thế giới bằng việc đọc báo và nghe đài.

Tiếp xúc trực tiếp với các giới để hiểu người hiểu việc.

Là người sống giữa xã hội và làm việc cho con người, Linh mục không nên để mình bị coi là đứng ngoài lề xã hội, sống lạc lõng giữa một thế giới quá đổi thay, không trao đổi được với những con người mình muốn phục vụ. Nếu không quan tâm cập-nhật-hoá, tông đồ sẽ tới lúc bị đời đào thải.

Khi ta có thiện chí cải tiến theo Công Đồng Vatican II, ta sẽ thấy không thiếu những lãnh vực ta phải chú tâm.

Thí dụ: Việc tẩy rửa óc mê tín trong đời sống tôn giáo của các tín hữu (Gaudium et Spes 7). Việc ý thức về lỗi lầm ta phải nhận trước sự người vô thần hiểu lầm về đạo công giáo (id. 19), việc phải hợp tác giữa người có tín ngưỡng vàvô tín ngưỡng trong việc xây dựng quê hương (id. 21), việc biết nhận ra các dấu chỉ của thời đại để đưa Tin Mừng đến với người đời một cách thích hợp (id. 4), việc phải gây nên nơi tín hữu ý chí tham gia vào tổ chức công cộng (id. 31), việc phải cổ võ cho nền công ích của đất nước (Pacem in terris 80), việc phải phát huy tinh thần yêu nước, giữ nước và dựng nước trên lập trường độc lập dân tộc (id. 26).

Cải tiến và cầu tiến là đòi hỏi chính đáng của mục vụ. Tinh thần đó khi được thực hiện với lòng khiêm tốn bác ái và kỷ luật sẽ tránh được thái độ bảo thủ cực đoan và cấp tiến quá khích là những thái độ gây hại nhiều hơn là sinh lợi cho Nước Trời. Chúng ta nên dùng đức tin nhận ra sứ điệp của Chúa trong các biến cố và nhờ biến cố mà làm cuộc cách mạng cho nội tâm mình.

***

Có thiện chí quyết tâm bền vững là điều tốt, vạch rõ những quyết tâm là điều cần. Nhưng thế vẫn chưa xong. Ai trong ta lại đã không cảm thấy như thánh Phaolô: “Điều lành tôi muốn thì tôi lại không làm, điều xấu không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19), “Bởi vì xác thịt có những đam mê chống lại tinh thần” (Gal 5,16), “Tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).

Vì thế tông đồ muốn bền vững tới cùng hãy khiêm tốn thường xuyên đặt mình trong sức mạnh nâng đỡ của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh chính là Đấng bảo vệ mà Chúa Kitô đã hứa sẽ mãi mãi ở với tông đồ cho tới tận thế (Ga 14,16).

Ngoài ra, tinh thần thơ ấu phó thác mình cho Đức Mẹ cũng cần được rất sống động trong ta. Chuỗi Mân côi và thánh Giuse vẫn có sức vạn năng phù trợ Giáo Hội, xưa, hiện nay và sau này mãi mãi.

Người tông đồ như thế tuy yếu mà mạnh, tuy hèn mà sang, tuy nghèo mà giàu. Họ nhìn hiện tại và tương lai với tâm hồn tin tưởng, hiên ngang và lạc quan.

Mặc dầu có lúc kẻ được sai đi sẽ cảm thấy như “Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên nương đồng” (Tv 125). Nhưng rồi sẽ tới lúc họ được hân hoan thấy thực hiện lời Chúa hứa: “Phúc cho những người chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, họ được lãnh triều thiên sự sống muôn đời” (Giacôbê 1,42). Amen. Alleluia.

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2219: KHAI MẠC (Cấm Phòng năm)


Giảng phải giống như thở. Không thở một vấn đề, nhưng thở một sự sống. Sự sống đang có và sự sống muốn có.

Nghe giảng cũng phải như thở. Không phải tiếp thu lời giảng như những tư tưởng như bài nghiên cứu, nhưng như một sự sống. Sự sống kêu gọi sự sống.

“Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”

Xin Chúa sống và ở lại trong tôi để tôi biết nói.
Xin Chúa sống và ở lại trong tôi để tôi biết nghe.

*****

1. KHAI MẠC (Cấm Phòng năm)
(Cấm Phòng năm – Bài 1)

 

Trong bài suy gẫm về sự chết, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết về chính mình: “Giờ tôi ra Bùi-Tuần 2219


Trong bài suy gẫm về sự chết, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết về chính mình: “Giờ tôi ra đi đã gần kề. Từ  ít lâu nay tôi cảm thấy như vậy. Không kể sự mỏi mệt phần xác của tôi lúc nào cũng sẵn sàng nhượng bộ, mà là thảm  kịch các trách nhiệm của tôi xem ra khuyết dụ sự ra đi của tôi như một giải pháp thiên hựu, để sự quan phòng được tỏ hiện và ban cho Giáo Hội nhiều may mắn hơn. Đã hẳn, Chúa quan phòng có rất nhiều cách can thiệp vào hoàn cảnh bao bọc con người bé nhỏ của tôi, nhưng việc kêu gọi tôi về đời sau xem ra cách rõ ràng hơn cả, để nhường chỗ cho một vị khác khỏe mạnh hơn và không vướng mắc những khó khăn hiện tại. “Tôi là người đầy tớ vô ích” ...”(L'Observatore Romano, no 34, 21/8/1979). Đức Thánh Cha đã rất chân thành. Ngài nói đến thảm kịch trách nhiệm. Người thực sự lo sợ. Ngài nghĩ đến sự Ngài ra đi như một giải pháp tốt để Giáo Hội được may mắn hơn.

Nhiều người chúng ta cũng cảm thấy thảm kịch trách nhiệm trong phạm vi của mình. Chúa đã thương gọi ta, chọn ta. Suốt bao năm Chúa đã bao bọc ta trong vô vàn ân huệ. Ta đang là Linh mục. Qua Đấng Bản Quyền, Chúa đã trao cho ta nhiều trọng trách. Trọng trách đó đôi khi là thảm kịch. Khó khăn ngoại cảnh, yếu đuối bản thân như tảng đá nặng một bên vai, và bên vai kia là những đòi hỏi mục vụ cũng nặng nề không kém. Ta thực sự phải lo sợ. Trong lo sợ, ta thấy rõ bao người Chúa muốn ta cứu độ, nhưng người đáng cứu hơn cả lại chính là ta.

Phải cứu độ chính con người đang cộng tác làm việc cứu độ.

Xác tín như thế, giờ đây chúng ta đi vào tuần tĩnh tâm như tiếp nhận một đặc ân quí giá. “Nếu con biết được ơn Chúa ban cho con!”. Xưa Chúa nói lời đó với người đàn bà trên bờ giếng Giacóp. Nay Chúa cũng nói lời đó với từng người chúng ta. Nếu ta hiểu được những khó khăn đã phải vượt qua để có được những ngày này! Nếu ta hiểu được những cống hiến tinh thần và vật chất của bao người dành cho chúng ta những ngày này! Nếu ta hiểu được nguồn ơn thánh hóa và khôn ngoan Chúa muốn ban cho Linh mục Chúa những ngày này!

Trước hồng ân bao la là tuần tĩnh tâm này, ta “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta!”. Việc chúng ta cảm tạ Chúa là một hồng ân Chúa ban. Bởi chưng những lời chúng ta cảm tạ Chúa không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Kinh Tiền Tụng thánh le đã nói lên một điểm quan trọng của tạ ơn. Tạ ơn không phải là một kết thúc, mà là một khai mạc. Tạ ơn là điều kiện dẫn vào ơn cứu độ. Ta tạ ơn Chúa vì được tĩnh tâm, và để tĩnh tâm trở thành con đường cứu độ cho ta.

Với tĩnh tâm tạ ơn, ta muốn định hướng cho mình trong những ngày hồng ân này. Định hướng đó là Lời Chúa đã khuyên và đã hứa: “Ai tìm sẽ thấy. Ai gõ sẽ mở. Ai xin sẽ được”.

Ta tìm gì? Thưa ta tìm về Chúa.

Chúa phán: “Cha là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào  kết hợp cùng cây, sẽ trổ sinh hoa trái, ngành nào lìa cây sẽ phải héo tàn”. Nhìn bản thân, ta mong ta là ngành liền cây, nhưng cũng lo là cành lìa cây hay sắp lìa cây. Trong vườn địa đàng, Chúa hiện ra hỏi Ađam: “Con ở đâu?”. Hôm nay Chúa cũng hỏi từng người chúng ta: Con đang ở đâu trên đường ơn gọi? Con đang ở đâu trên đường nhân đức? Con đang ở đâu trên đường phần rỗi? Dù trong tình trạng nào, ta vẫn thấy tìm về Chúa là vấn đề cốt thiết.

Tìm về Chúa không như tìm về một nguyên tắc, mà là tìm về một người, Đấng đã nói: “Không phải các con đã chọn Cha, nhưng chính Cha đã chọn các con và đã sai các con đi”. Tìm về như thế là tìm về một tình yêu sống động, tình yêu đã thương ta, trước khi ta mến yêu trả đáp. Tìm về Chúa không phải chỉ là để gặp Ngài, mà là để ở lại với Ngài, ở lại trong Ngài. “Hãy ở lại trong tình yêu Cha”, “Ai ở trong Cha và Cha ở trong họ, người đó mang lại nhiều hoa trái... Vì ngoài Cha, chúng con không làm được gì”, “Cha là đường đi, là sự thực và là sự sống”.

Khi hai môn đệ Gioan Tẩy Giả đến với Chúa Giêsu, Chúa hỏi: “Các con tìm gì?”. Họ thưa: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu?”. Chúa trả lời: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến. Họ đã xem. Họ đã ở lại với Chúa. Cách riêng, trong tuần tĩnh tâm này, ta hãy làm như hai môn đệ Gioan. Định hướng đó rất đẹp lòng Chúa. “Ai tìm sẽ thấy”.

Chúa lại nói thêm: “Ai gõ sẽ mở”.

Ta gõ cửa nào? Thưa ta gõ cửa trái tim Chúa.

Ta gõ cửa trái tim Chúa, bởi vì không những ta muốn ở lại với Chúa, mà còn muốn đổi mới chính mình. Trái tim Chúa là đường, là khuôn. Trong đường đó, với khuôn đó, tinh thần Chúa thấm nhuần vào ta, tâm tình Chúa chia sẻ sang ta. Ta sẽ nên mới hơn, để biết phán đoán đúng, biết phản ứng đúng, xứng người môn đệ Chúa.

Một điều rất cần cho chức vụ Linh mục giữa thời buổi này là biết nhận ra và biết tiếp đón những gì là của Chúa. Xưa, khi thấy Chúa Kitô chữa người mù ở Siloe bằng phép lạ, bao người đã không nhận ra dấu chỉ, mặc dầu phép lạ đó là một dấu chỉ quá rõ ràng. Thậm chí có người còn dám quả quyết: Người làm phép là đó là tên tội lỗi, là người bị quỉ ám, là người khùng dại. Trước phép lạ làm cho Lagiarô sống lại, bao người đâu có tin. Nhiều người còn đâm ghét Chúa Kitô hơn. Hồi đó, Chúa hiện thân giữa muôn người, với những phép lạ, với những lời giảng, với những gương sáng, mà nhiều người vẫn không nhận ra, vẫn không tiếp đón. Họ phán đoán sai. Họ phản ứng theo những động lực mang vỏ đạo đức, mà thực chất là nghịch tinh thần của Chúa. Trong bữa tiệc ly Chúa than thở: “Thế gian không nhận biết Cha và cũng không nhận biết con”. Thánh sử Gioan cũng phàn nàn ngay trang đầu Phúc Âm: “Chúa đến giữa những người của Ngài, nhưng những người của Ngài không đón nhận Ngài”. Hồi đó đám đông là như thế, hồi đó các thầy cả là như thế, thời nay đám đông cũng thế. Thời nay các thầy cả có lại đúng như thế không? Tôi hỏi mình câu đó, và tôi lo sợ.

Còn thánh Gioan, người tựa đầu vào ngực Chúa, đã có một cảm quan tôn giáo tuyệt vời. Ngài có một cái nhìn sắc bén, mau lẹ, đúng đắn, sáng suốt về Chúa. Trên núi Tabor, Gioan nhìn thấy nơi Thầy mình hình ảnh con chiên sau này chịu hy tế. Chạy đến mồ, thấy khác, Gioan nhận ra ngay và tin chắc Thầy mình đã sống lại. Trên hồ đánh cá, thấy Chúa đàng xa, Gioan là người thứ nhất đã reo lên: THẦY ĐÓ. Gioan đã nhìn xa, nhìn thấy trước, nhìn rất đúng. Người môn đệ gục đầu vào trái tim Chúa đã nhìn sâu sắc về tương lai Giáo Hội với những ánh sáng, với những bóng đen. Sách Khải Huyền là bức tranh tương lai do phượng hoàng Gioan mô tả.

Làm mục vụ giữa thế giới phức tạp hôm nay, ta muốn được như Gioan. Nhưng muốn được như Gioan, ta cũng hãy như Gioan, biết gục đầu vào ngực Chúa. Trái Chúa là cửa phục sinh, là kho tàng khôn ngoan, là nguồn ánh sáng. “Ai gõ sẽ mở”.

Ngoài ra, Chúa cũng đã phán: “Ain xin sẽ được”.

Ta xin sự gì? Thưa ta xin nên “Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.

Tôi không dám xin nên Alter-Christurs nghe sang quá. Thú thực, khi nghe danh xưng “Chúa-Kitô-khác”, tôi hay tự hỏi: Chúa-Kitô-khác hay Khác-Chúa-Kitô? Và tôi xấu hổ, và tôi lo sợ. Nếu là Alter-Christus thì càng là đầy tớ thôi. Chính Chúa phán: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”. Ta là môn đệ Chúa. “Đầy tớ không trọng hơn Thầy”. Ta thực là đầy tớ Chúa. Ta xin cho ta nên người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, như ý Chúa muốn. Để hỗ trợ cho định hướng cầu nguyện đó, tôi sẽ giảng suốt tuần theo nội dung lời Chúa sau đây: “Servus fidelis est prudens, quem constituit dominus super familiam suam, ut dẹt illis cibum in tempore” (Mt 24,45). Ta rất cần cầu nguyện. Cầu nguyện các ý chỉ để thực hiện nhiều cho ý chỉ đó.

Ta cần cầu nguyện với tinh thần sám hối. Khởi đầu giảng huấn, Chúa Kitô nói ngay: “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Chúng ta còn hơn là người khác phải sám hối, ăn năn tội ta phạm và ăn năn tội kẻ khác phạm vì ta. Không đổ tội cho người khác. Thiếu sám hối chân thành là thiếu hiệu năng cho cầu nguyện.

Cầu nguyện như thế là nhận mình tội lỗi và nhìn Chúa là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót. Cầu như vua David: “Con đắc tội với Chúa” và cầu theo phụng vụ thánh lễ: “Xin Chúa thương xót chúng con”.

Cầu nguyện như thế là tạ ơn Chúa bằng những việc đền tội. Nếu ta muốn, thì nhiều việc trong tuần phòng có thể trở thành việc đền tội, thí dụ sự giữ thinh lặng, sự mau mắn giữ giờ giấc, sự chịu đựng một cuộc sống chung thiếu tiện nghi, sự giúp đỡ nhau, sự tế nhị đem lại cho người khác niềm vui tươi và phấn khởi.

Cầu nguyện như thế là sẵn sàng từ bỏ mọi sự kể cả chính mình, để chương trình Chúa muốn nơi ta được thực hiện mà không gặp một cản trở nào do ta gây nên.

“Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”. Chúng ta cầu nguyện, không những với lòng sám hối, mà cũng với lòng tin. Ta tin Chúa mà ta cầu nguyện, chính là Đấng Cứu độ của ta. Ta tin Người đã sống lại. Ta tin Người sẽ dùng quyền phép và tình thương làm cho ta cũng được sống lại, ngay ở đời này. Với tin tưởng lạc quan đó, chúng ta xin Chúa làm phép lành cho cuộc tĩnh tâm này của chúng ta. Amen.

-----------------------

 

Bùi-Tuần 2220: SERVUS


(Cấm Phòng năm – Bài 2)

 

Trong bài huấn dụ lễ Truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục đã nói với chúng ta: “Chúng con hãy Bùi-Tuần 2220


Trong bài huấn dụ lễ Truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục đã nói với chúng ta: “Chúng con hãy luôn luôn ngắm nhìn gương sáng của mục tử tốt lành. Ngài đến không để được phục vụ, nhưng để phục vụ”. Giáo Hội cũng chính thức gọi Linh mục là kẻ phục vụ. Trong các bài lễ cầu cho Linh mục còn sống hay đã qua đời, Giáo Hội thường nói: “Xin Chúa thương đến tôi tớ Chúa là...”.

Khi được gọi là tôi tớ Chúa, chúng ta tự biết mình cần có những tư cách như mọi đầy tớ. Chính Chúa Kitô đã gợi lên một số tư cách người đầy tớ. Tình hình hôm nay không chúng ta xem xét lại kỹ càng những tư cách đó.

Tư cách thứ nhất là thanh nhã.

Trong Phúc Âm, khi đưa ra dụ ngôn tiệc cưới, Chúa đã chỉ rõ loại người Chúa không chấp nhận, đó là loại người y phục bất xứng. Nếu Ngài đòi kẻ được mời phải có tư cách trang nhã, thì phải hiểu là Ngài càng đòi những kẻ phục vụ thường xuyên trong nhà Ngài phải giữ tư cách đó. Đòi hỏi đó hợp lý. Chủ càng sang, thì đầy tớ càng phải đàng hoàng. Thành công hay thất bại của một cửa hàng, của một buổi chiêu đãi, một phần do tư cách những người phục vụ. Trang nhã, thanh lịch là một đức tính nhân bản. Trang nhã thanh lịch trong cách ăn, cách mặc, cách đi đứng, cách sắp xếp nhà ở. Trang nhã thanh lịch trong nội dung tư tưởng và cách nói. Trang nhã thanh lịch trong cách giải trí và những bận tâm thường ngày.

“Hãy nâng tâm hồn lên!”. Ta hô hào câu đó trong thánh lễ. Ta cần hô hào câu đó hơn bằng chính con người ta. Nhiều nơi nhân bản đang xuống dốc. Bao người mất dần phong độ. Cuộc sống trở thành bần tiện, bệ rạc, nhỏ nhen, quê kệch. Là dụng cụ cứu độ, ta có bổn phận cứu con người khỏi rơi xuống thảm trạng chôn vùi nhân bản.

Thanh nhã là một phản ảnh vẻ đẹp Thiên Chúa. Nó giúp nâng tâm hồn kẻ khác lên. Sức mạnh của nó trong mục vụ nhiều khi quan trọng hơn bài giảng.

Để bồi dưỡng đức tính nhân bản đó, chúng ta đã có một chỉ hướng rõ rệt. Sursum corda! “Chúng tôi đang hướng về Chúa”. Phải, hướng về Chúa, hướng về những gì cao đẹp tự nhiên và siêu nhiên phản ánh sự cao đẹp Thiên Chúa, đó là cách nâng tâm hồn lên. Đó là cách chính đáng nhất và hữu hiệu nhất giúp người đầy tớ Chúa nâng cao tư cách trang nhã thanh lịch.

Tư cách thứ hai là phục vụ.

Bản chất chức năng đầy tớ là phục vụ. Phục vụ không phải chỉ đơn thuần là làm việc. Người giúp việc của tôi, nếu thay vì giặt quần áo dơ của tôi, lại cứ đem quần áo sạch của tôi ra giặt, thì có làm việc, nhưng không phục vụ. Người giúp việc của tôi, nếu có mặt lúc tôi không cần, còn lúc tôi cần lại không có mặt, thì không phải là phục vụ. Phục vụ là gì? Thưa phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng nơi.

Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn 25 ghi lại lời Chúa: “Khi Ta đói, chúng con đã cho Ta ăn, khi Ta khát, chúng con đã cho Ta uống. Khi Ta trần trụi, chúng con đã cho Ta mặc. Khi Ta đau bệnh, chúng con đã viếng thăm. Khi Ta bị tù, chúng con đã đến với Ta”. Với những lời trên, Chúa tả rõ thế nào là phục vụ. Thấy nhu cầu nào liền đáp ứng đúng nhu cầu đó, đúng lúc, đúng nơi. Chúa thưởng công vì những phục vụ đó. Có những kiểu đánh lạc hướng nhu cầu. Cũng như có những kiểu đáp ứng giả tạo. Do đó, vất vả mà không phục vụ.

Một điều khác cũng đáng ta suy nghĩ, đó là sự Chúa đòi phục vụ sinh lời. Phúc Âm thánh Matthêu cũng đoạn 25, thuật lại dụ ngôn nén bạc. Chủ trao cho mỗi đầy tớ một số nén bạc, dạy họ phả sinh lời. Sau một thời gian, chủ đòi tính sổ. Kẻ sinh lời được thưởng, người không sinh lời bị phạt. Chúa đã trao cho ta nhiều vốn liếng. Thực khó mà biết đúng được phục vụ của ta có sinh lời hay không. Đừng tính kiểu thống kê, kẻo lầm. Dù có lời, ta vẫn nhận mình là servus inubilis. Đầy tớ vô ích thật đáng lo. Chứ đầy tớ nguy hại thì biết nói sao đây? “Xin Chúa thương xót chúng con! Xin Chúa Kitô thương xót chúng con! Xin Chúa thương xót chúng con!”. Xin Chúa thương giúp chúng con trở về đúng vị trí phục vụ. Vinh quang người đầy tớ không thể ngoài tư cách đó.

Tư cách thứ ba là tập nên tốt giống chủ của mình.

Chúa dạy: “Chúng con hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời của chúng con là Đấng hoàn thiện”. Hoàn thiện như Thiên Chúa chính là lý tưởng. Nhưng trên thực tế, mỗi đầy tớ Chúa xem ra chỉ có sức giới thiệu cách yếu ớt bằng đời sống mình một vẻ đẹp nào đó của Chúa mà thôi. Nhờ đó, Hội Thánh trở thành vườn hoa muôn màu, một nhà hát lớn trăm triệu lời ca. Mỗi vị thánh là một bông hoa, phản ánh một sắc đẹp nào đó của Chúa. Mỗi vị thánh là một bản nhạc ca tụng một sự tuyệt vời nào đó của Thiên Chúa. Đừng đòi mọi bông hoa phải giống nhau. Đừng đòi mọi bản nhạc phải giống nhau. Nhưng hoa nào cũng phải có sắc mới là hoa. Nhạc nào cũng phải có âm điệu mới là nhạc. Cũng thế, màu sắc mọi hoa nhân đức là đức ái, âm điệu mọi bản nhạc nhân đức là đức ái.

Trong đức ái, điều mà Chúa Kitô năng nhắc cho môn đệ, đó là sự quảng đại tha thứ, Phúc Âm thánh Matthêu đoạn 18 kể lại dụ ngôn người đầy tớ không biết thương người. Vua tha cho hắn món nợ 10.000 nén bạc. Hắn lại khắt khe với người mắc nợ hắn 100 nén bạc. Nghe biết thế, vua đã đổi lại cách đối xử với hắn. Vì hắn không tha người khác, vua cũng sẽ không tha hắn. Dụ ngôn trên dạy ta nhiều lắm đó. Linh mục được Chúa tha thứ, không phải 70 lần 7, mà là vô vàn lần. Chúa thương ta, để ta biết thương người khác.

Bài lễ Chúa nhật 26 thường niên, trong lời nguyện nhập lễ, Giáo Hội tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa, Chúa biểu lộ quyền năng Chúa một cách tỏ tường hơn cả khi Chúa thương xót và tha thứ”. Thương xót và tha thứ, đó là cách hay nhất  để biểu lộ quyền năng Chúa. Đầy tớ Chúa đi theo cách đó sẽ không sợ sai. Đừng tìm biểu lộ quyền năng Chúa bằng cách nào ngược lại.

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới 1983 sẽ bàn về đề tài: “Sự hòa giải như Bí tích và như nếp sống người tín hữu”. Thoáng nghe đề tài đó, ta thấy ngay đó là một đáp ứng mục vụ cho một tình hình thế giới có quá nhiều những kết án lẫn nhau, những hận thù lẫn nhau, những hình phạt dành sẵn cho nhau. Chớ chi chính nếp sống ta, là dụng cụ hòa giải, sẽ nên như một thứ bí tích hoàn giải. Chớ gì nếp sống chúng ta, tôi nói: nếp sống của ta, chứ không phải bài giảng của ta, có sức làm chứng chúng ta là “con Cha trên trời, Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ xấu cũng như cho kẻ tốt, và làm mưang trên những kẻ công chính cũng như trên những kẻ không công chính”. Cố gắng nên giống Chúa trên trời ở điểm quảng đại, bác ái như thế chính là tư cách người đầy tớ Chúa hôm nay rất cần phải có.

Tư cách thứ bốn là tỉnh thức.

Đầy tớ cũng cần ngủ. Điều đó tất nhiên rồi. Nhưng tỉnh thức của người đầy tớ là biết canh giữ, bảo vệ của cải nhà chủ. Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn 24 nói về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức. Họ lo canh giữ, không để trộm đào ngạch khoét vách. Còn người đầy tớ xấu, chỉ lo nhậu nhẹt say sưa, nhiều khi lộng quyền bắt nạt kẻ khác. Chủ xử thế nào với hai loại đầy tớ đó, thì ta đã rõ.

Thái độ cảnh giác của đầy tớ nói lên tinh thần trách nhiệm, biết bênh quyền lợi của chủ mình. Quyền lợi của Chúa chúng ta là quyền được mọi loài mọi nơi ngợi khen tôn thờ, kính mến. Quyền lợi của Chúa chúng ta là quyền cai trị hết mọi tâm hồn bằng chân lý và tình yêu. Mỗi đầy tớ được trao trách nhiệm bảo vệ một phạm vi quyền lợi Chúa.

Người lính canh có tỉnh táo mới phát giác được những nguy cơ đe dọa phạm vi canh giữ của mình. Người buôn bán có tỉnh táo mới bắt kịp được những đổi thay của thời giá. Người làm chính trị có tỉnh táo mới lợi dụng được những thời cơ chớp nhoáng để lái lịch sử theo hướng của mình. Cũng thế, người làm mục vụ có tỉnh táo mới gieo được hạt giống Tin Mừng trên nhiều diện tích, và mới làm cho mùa màng thiêng liêng của địa điểm mình được tươi tốt.

***

Trong bữa tiệc ly, Chúa Kitô nói với các tông đồ: “Thầy không còn gọi chúng con là đầy tớ..., Thầy gọi chúng con là bạn hữu”. Hơn nữa, Chúa Kitô cũng đã mạc khải cho ta biết ta là con Chúa: “Khi cầu nguyện, chúng con hãy nói thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Rõ ràng chúng ta đã được nâng lên làm bạn hữu Chúa, làm con Chúa. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta quên mình cũng là đầy tớ Chúa. Càng là bạn hữu Chúa, càng là con cái Chúa, chúng ta càng phải thanh nhã xứng đáng người thân Chúa, càng phải phục vụ Chúa, càng phải tốt giống Chúa, càng tỉnh thức bênh vực quyền lợi Chúa.

“Này con là tôi tớ Chúa”. Đức Mẹ đã nói lời đó với biết bao tâm tình. Xin Đức Mẹ chia sẻ sang con những tâm tình ấy. Con muốn luôn luôn cùng Mẹ nói lại lời đó. Con muốn luôn luôn cùng Mẹ sống những tâm tình lời đó “Này con là tôi tớ Chúa”.

----------------------------

 

Bùi-Tuần 2221: FIDELIS


(Cấm Phòng năm – Bài 3)

 

Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan...”. Câu đó là Lời Chúa. Người đầy tớ tốt có nhiều đức tính Bùi-Tuần 2221


“Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan...”. Câu đó là Lời Chúa. Người đầy tớ tốt có nhiều đức tính. Nhưng Chúa đã chọn hai đức tính để tuyên dương, đó là trung tín và khôn ngoan. Lời Chúa không phải chỉ là một phát biểu có uy tín, mà còn là mạc khải. Chúa mạc khải cho thời đó và cho thời nay. Sống trong thời nay, ta đã thấy rõ trung tín và khôn ngoan cần thế nào. Đó là hai tiêu chuẩn ta thường để ý khi con người cộng tác. Đó cũng là hai điều kiện Giáo Hội Việt Nam đang đòi Linh mục Việt Nam phải biểu hiện. Giờ này chúng ta dừng lại ở điểm Trung tín.

Lúc này không nên luận bàn về đức trung tín theo kiểu lý thuyết sư phạm. Giữa chúng ta và do hoàn cảnh mục vụ lúc này đặt ra, vấn đề trung tín được nhấn mạnh đến ba điều sau đây:

l. Linh mục Việt Nam hôm nay cần biểu dương sự trung tín với một luật sống tu trì.

Nói tới một luật sống tu trì là nói tới tinh thần tu được biểu hiện trong một kỷ luật, là nói tới một sự sắp xếp đời sống bảo đảm cho phẩm chất người tu. Luật sống tu trì không phải cái gì ta bịa đặt ra, nhưng là những đòi hỏi chính đáng của chức vụ, bảo vệ uy tín và thêm sức mạnh thiêng liêng cho Linh mục. Mỗi người chúng ta nên tự đặt ra cho mình một luật sống, dựa theo những nguyên tắc căn bản và thích nghi với hoàn cảnh thực tế.

Luật sống tu trì của ta ở họ đạo không nên quá chi tiết và máy móc, kẻo trở thành lố bịch. Nhưng dù lỏng lẻo, những việc quan trọng cho phẩm chất đời tu cần phải được thực hiện một cách trung tín. Thí dụ việc nguyện gẫm và viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngay từ lâu trước khi làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thường vun tưới tinh thần tu và khả năng mục tử của mình bằng hai việc đó. Hằng ngày, Ngài nguyện gẫm rất lâu trước nhà chầu có Mình Thánh Chúa. Ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng của mình. Những thời gian ta trung tín với việc nguyện gẫm và viếng Mình Thánh Chúa là những thời gian bản lãnh Linh mục của ta thấy vững thấy đẹp hơn bất cứ thời gian nào khác.

Ngoài ra, một chi tiết khác của luật sống tu trì cần được thực hiện một cách trung tín, đó là sự năng đọc sách: sách đạo và những sách đời nên biết. Hiệu năng mục vụ một phần tùy thuộc vào trình độ trí thức của Linh mục. Nếu không bồi dưỡng thường xuyên, trí óc sẽ cùn đi, chân trời văn học của mình sẽ co lại, chỗ đứng của mình trong xã hội sẽ tụt xuống.

Sau cùng, luật sống tu trì của ta ở họ đạo rất cần được biểu hiện trong sự giữ mực thước về ngủ nghỉ ăn uống, đi lại tiếp xúc. Mực thước là một đấu chỉ của tinh thần khắc kỷ. Ta sẽ hiểu ngay tầm quan trọng của điểm này, khi ta nhớ lại những Lời Chúa dạy sau đây: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta”. “Đường hẹp đưa tới cứu rỗi, đường rộng dẫn tới diệt vong”.

2. Linh mục Việt Nam hôm nay cần biểu dương lòng trung tín với Giáo Hội qua các Giám Mục của mình.

Khi nói tới điểm này, tôi ý thức thân phận bất xứng của tôi. Tôi nhớ lời thánh Phaolô gởi Timôtêô. Ngài viết: “Một điều chắc chắn, đáng tin, không chút nghi ngờ, là Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế gian để cứu vớt các kẻ có tội, mà người tội lỗi nhất chính là tôi. Và ơn thương xót tôi được đây trước là để Chúa Giêsu Kitô tỏ lòng khoan dung đối với tôi sau là để làm gương thương xót cho những kẻ sẽ tin Ngài, để họ được sống đời đời” (1Tm 1,15-16). Tôi cũng muốn nói về mình như thế và hơn thế. Trong ý thức chân thành đó, tôi tin rằng chúng ta đang nhìn nhau bằng con mắt đức tin nhiều hơn bằng con mắt xác thịt cũng như đang đặt lợi ích mục vụ lên trên mọi khía cạnh tư riêng. Với sự khiêm tốn của đức tin, ta nhớ lại lời ta cảm kết trung tín, khi đặt tay mình trong tay vị Giám Mục chủ phong ngày ta chịu chức Linh mục.

Sự trung tín của Linh mục đối với Đức Giám Mục của mình là một yếu tố mục vụ rất quan trọng. Sự Linh mục kính trọng và vâng phục Đức Giám Mục của mình được kinh nghiệm chứng minh là động lực rất mạnh để các Linh mục biến cộng đoàn giáo dân của mình thành một khối hiệp nhất hậu thuẫn cho chính Linh mục. Ở điểm này tôi khỏi nói về mặt giáo luật và tín lý. Chỉ nói tới ảnh hưởng về mặt đạo đức và tâm lý. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy: sự đáng mừng nhất cho mỗi Linh mục là được giáo dân của mình yêu kính, vâng phục. Ơn đó Chúa thường ban cho Linh mục, qua sự chính Linh mục yêu kính vâng phục Giám Mục của mình.

Một người vô tín ngưỡng nói với tôi, đại khái: Chúng tôi có trao đổi với nhau về trường hợp một vài cá nhân Linh mục xem ra không sẵn sàng vâng phục Giám Mục. Chúng tôi cho rằng trong đạo làm đến Linh mục là đã được huấn luyện nhiều lắm, đã chịu ơn Giáo Hội nhiều lắm, là phải gắn bó với Giáo Hội nhiều lắm. Như thế mà Linh mục đó còn dám bất tuân Giám Mục lãnh đạo Giáo Hội, trong một chuyện bình thường, thì tin sao được sự trung tín của họ đối với chúng tôi. Vị đó dễ thay đổi thái độ với lãnh đạo Giáo Hội của mình, thì càng có khả năng thay đổi thái độ với lãnh đạo xã hội. Trên đây là một lý luận đúng. Do đó, sự Linh mục trung tín với Giám Mục không phải chỉ là một điểm tựa để Linh mục xây dựng sự hiệp nhất của họ đạo, mà cũng là một điểm tựa có lợi trước xã hội.

Trong những hoàn cảnh khó khăn, sự trung tín của Linh mục đối với Giáo Hội qua các Đức Giám Mục không nên chỉ là tránh tiêu cực, mà cũng cần biểu dương tích cực. Hãy vun gốc, để cho cành mạnh.

3. Linh mục Việt Nam hôm nay cần biểu dương sự trung tín với sứ mạng tông đồ đối với người nghèo.

Thực thế, bao lần ta đã nghe và đã nói đến khẩu hiệu “Giáo Hội của người nghèo”. Khẩu hiệu rất đẹp, rất hợp thời, bây giờ càng hợp thời hơn. Không những hợp thời, mà cũng rất hợp Phúc Âm. “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Đó là bài sai Phúc Âm. Làm thế nào để trung tín với bài sai đó?

Chúng ta không ảo tưởng, cũng không chờ phép lạ biến nghèo thành giàu. Chúng ta thực tế, cố gắng làm cho người nghèo của ta những gì ta làm được và được làm cho họ, từ vật chất đến cách đối xử, đến những bí tích. Thí dụ khi ta tu sửa nhà thờ cho đẹp đẽ mát mẻ trang trọng, thì không phải ta chỉ nghĩ rằng làm thế là một cách tuyên xưng lòng tin mến của tập thể đối với Thiên Chúa cao cả, nhưng ta cũng nghĩ rằng: làm thế cũng là phục vụ giáo dân nghèo, tạo cho họ có một nơi để họ hưởng được một chút văn minh, một nơi để họ tìm được một sự nghỉ ngơi thư thái khả dĩ nâng tâm hồn họ lên. Rồi thí dụ khi ta trang trí cung thánh cho nghệ thuật, tổ chức phụng vụ cho nghiêm trang, thì không phải ta chỉ biểu dương một sự cung kính đối với Thiên Chúa, mà thực sự ta cũng muốn dùng những bề ngoài cao quí, đầy ý nghĩa đó đem niềm vui thanh cao đến cho dân nghèo. Rồi thí dụ khi ta dạy cho các em giáo lý những chi tiết về nhân bản, khi ta thăm viếng ủi an những người nghèo túng, khi ta dễ dãi một cách hợp lý trong việc ban bí tích cho những người lao động vất vả, ta thực sự đang là những việc có tính cách “đem Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Nghèo là một thứ gông cùm. Tôn giáo là cứu độ, là giải thoát. Trong Phúc Âm, ta thấy Chúa Kitô giải cứu nhiều người khỏi đó và khỏi bệnh tật tai biến. Việc đó, ta vẫn cố gắng làm trong khả năng và với tất cả thiện chí của ta. Nhưng Chúa cứu thế quan tâm nhiều hơn đến công cuộc giải cứu người nghèo khỏi tội và khỏi mặc cảm. Các thứ đó cũng là gông cùm. Có ba thứ mặc cảm đè nặng người nghèo hôm nay, đó là mặc cảm hận thù, mặc cảm tự ti, mặc cảm sợ hãi. “Hôm nay, anh sẽ được về nơi vui vẻ với tôi”. Chúa nói lời đó với anh ăn trộm bên hữu. Lời đó vừa tha tội, vừa giải thoát anh khỏi mặc ảm sợ hãi, tự ti, hận thù. “Không ai kết án con sao? Ta cũng không kết án con. Con hãy về bình an”. Chúa nói lời đó với Madalena. Lời đó tha tội, vừa cứu cô khỏi mặc cảm hận thù, tự ti, sợ hãi. “Bà đó đã cho nhiều hơn bất cứ ai”. Chúa nói lời đó về người đàn bà nghèo, chỉ dâng hai đồng tiền nhỏ cho nhà thờ. Lời đó giải thoát bà khỏi mặc cảm tự ti, mặc cảm thua thiệt. Hơn nữa, lời đó còn đem lại cho bà một hãnh diện chính đáng. Là dụng cụ cứu độ, ta cố gắng theo gương Chúa cứu khỏi tội, cứu khỏi mặc cảm, để trung tín với sứ mệnh “được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”.

***

Hứa trung tín là việc dễ. Giữ trung tín là việc khó. Người hứa trung tín có thói quen đeo nhẫn. Nhẫn nhắc cho họ lời hứa trung thành. Linh mục hứa trung tín, nhưng không đeo nhẫn. Thực sự việc đó không cần. Mỗi ngày, Linh mục cầm trong tay và đón vào lòng chính sự trung tín “Chúa trung tín trong mọi lời Chúa nói, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm” (Tv 144). Nếu giờ phút đó, ta biết cầu xin ơn trung tín với Đấng Trung Tín, chắc Ngài không từ chối.

----------------------

 

Bùi-Tuần 2222: PRUDENS


(Cấm Phòng năm – Bài 4)

 

Khi mô tả người đầy tớ tốt, Chúa Giêsu Kitô nêu lên hai nét: “Trung tín và khôn ngoan”. Khi mô Bùi-Tuần 2222


Khi mô tả người đầy tớ tốt, Chúa Giêsu Kitô nêu lên hai nét: “Trung tín và khôn ngoan”. Khi mô tả sự lớn lên của Chúa cứu thế tại Nagiarét, thánh sử nói một câu vắn gọn: “Hài nhì lớn lên, đầy mạnh mẽ và khôn ngoan”. Khôn ngoan là chìa khóa nhiệm mầu nên vua Salomon, khi được Chúa hỏi muốn xin gì, đã chỉ xin ơn khôn ngoan. Platon gọi khôn ngoan là người dẫn xe các nhân đức.

Linh mục chúng ta rất cần khôn ngoan. Không phải chỉ để sống nhân đức, mà còn để biết làm tròn nhiệm vụ đầy tớ. Trong thư 24 của tuyển tập Epistolaire, thánh Bernadô, tu viện trưởng Clervaux đã viết một câu chuyện dạy đời. Tôi tóm tắt nội dung. Trong một cuộc mật nghị Giáo Hoàng, các Đức Hồng Y đưa ra ba vị xuất sắc. Một vị nổi tiếng đạo đức, một vị nổi tiếng thông thái, một vị nổi tiếng khôn ngoan. Các Đức Hồng Y bàn tính, cân nhắc trao đổi nhiều ngày không có kết quả. Sau cùng một vị Hồng Y đứng lên phát biểu: Đấng đạo đức, xin cầu nguyện cho chúng tôi. Đấng thông thái, xin dạy dỗ chúng tôi. Đấng khôn ngoan, xin lãnh đạo chúng tôi. Phát biểu của ngài đã khai tông hội nghị. Các Đức Hồng Y đã nhất trí bầu đấng nổi tiếng khôn ngoan lên ngôi Giáo Hoàng. Người lãnh đạo rất cần khôn ngoan, nhất là lãnh đạo trong những hoàn cảnh khó khăn phức tạp. Giờ đây, chúng ta sẽ suy nghĩ về sự khôn ngoan.

Xin xác định ngay. Ở đây phạm vị đề cập tới là khôn ngoan mục vụ.

Khôn ngoan là khả năng phán đoán thực tế. Người khôn ngoan cần biết lý thuyết và cần biết thực tế. Cần biết áp dụng lý thuyết vào thực tế và cần biết vận dụng thực tế cho lý thuyết, cần biết rút sự thực ra từ thực tế để điều chỉnh lý thuyết và cần biết rút sức mạnh từ lý thuyết để biến đổi thực tế. Họ cần biết học ở lý thuyết  và cần biết học ở thực tế.

Như vậy khôn ngoan không tất nhiên là sự thông thái và đạo đức. Nhưng thông thái và đạo đức giúp rất nhiều cho sự khôn ngoan.

Thế giới hôm nay đã khác thế giới Công Đồng Vatican II. Nhận thấy nhân loại biến chuyển quá khác qúa mau, Đức Hồng Y Etchegary, Tổng Giám Mục Marseille đã than: “Những văn kiện Công Đồng Vatican II không còn đủ trả đáp. Gaudium et Spes hơi cũ rồi. Chúng ta luôn được kêu gọi phải nghĩ sâu hơn, phải tìm xa hơn” (Doc. Cath., no 1972, 1980).

Thực tại Công giáo Việt Nam hôm nay đâu còn giống những năm xưa trước. Khác xa rồi. Và rồi tương lai? Khôn ngoan là bắt kịp, là thấy trước. Trong phạm vi mục vụ hôm nay, tôi nêu lên ba suy nghĩ:

- Trọng tâm mục vụ,
- Phương pháp thích hợp,
- Ap dụng phương pháp.

1. Trọng tâm mục vụ.

Nhìn bao quát tình hình thế giới, ta thấy trọng tâm của các khuynh hướng triết học, văn hoá, xã hội, chính trị hiện nay là con người. Con người cũng đã trở thành trọng tâm cho tôn giáo. Những suy tư thần học và triết học Công giáo càng ngày càng đề cao nhân tính nơi Chúa Cứu thế. Các hội nghị tôn giáo càng ngày càng xoáy các mục tiêu tranh luận vào sự giải phóng con người. Những tuyên ngôn các Hội Đồng Giám Mục tại các nước khác nhau những năm gần đây không phải là ít quan tâm đến các đối với Thiên Chúa, nhưng xem ra chú trọng hơn đến vấn đề con người cụ thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì dứt khoát đề cao và bảo vệ con người. Trong thông điệp Redemptor hominis, Đức Thánh Cha quả quyết: “Tất cả các con đường Giáo Hội đều đưa tới con người”. Trong thông điệp Dives in misericordia, Đức Thánh Cha khẳng định: “Sứ mệnh Hội Thánh tập trung vào con người”. Trong thông điệp Laborem exercens, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Lao động cho con người, chứ không phải con người cho lao động”.

Đề cao con người, bảo vệ con người, đó là khuynh hướng lịch sử đang thấm vào mọi văn hoá, mọi não trạng. Những khuynh hướng coi trọng giá trị nghệ thuật, khoa học, thể dục, văn nghệ, lao động, kể cả những khuynh hướng bệnh ly dị, ngừa thai, hạn chế sinh đẻ cũng chịu ảnh hưởng từ quan niệm đề cao con người.

Rồi cũng do ảnh hưởng của chiều hướng lịch sử đề cao con người, mà nhiều tín hữu hôm nay giảm bớt tâm tình cung kính những gì là thánh. Họ ít còn kính trọng đồ thánh, tượng thánh, nơi thánh. Họ nhìn Linh mục như con người nhiều hơn là qua chức thánh Linh mục.

Rồi cũng do ý thức khác nhau về chiều hướng lịch sử đề cao con người, mà ở đâu con người bị áp bức, ở đó con người lại càng khát khao công lý, hy vọng và tình thương.

Nếu trọng tâm lịch sử hôm nay là con người thì mục vụ dĩ nhiên phải nhắm vào trọng tâm đó. Nếu xác định đó là một xác định đúng, thì đó mới chỉ là giai đoạn đầu của khôn ngoan mục vụ. Giai đoạn tiếp nối là tìm phương thế thích hợp cho trọng tâm đó.

2. Phương thế thích hợp.

Thế nào là phương thế thích hợp thì còn tùy nơi, tùy lúc, tùy hoàn cảnh. Nhưng dù sao, ta có thể nhìn thấy trước những chỉ hướng cho các phương thế đó.

a. Trong một tình hình đời đạo đề cao con người, thì chương trình mục vụ cần nhắm vào việc thăng tiến con người, giải cứu con người khỏi những gánh nặng tội lỗi và những sự xấu do tội gây nên, hoặc những sự xấu đưa tới tội lỗi. Chúa muốn cho mọi con cái Ngài được sung sướng. Con người nhiều nơi đang phải vác trên vai những khối bất công quá nặng nề. Ta không nên vô tình biến tôn giáo ta thành một thứ gánh nặng mới đặt trên vai con cái Chúa. Thăng tiến con người cũng là giúp cho giáo dân đảm trách việc tông đồ trong khu xóm, họ đạo và xã hội mình.

b. Trong một tình thế mà sự thánh ít được kính trọng và Thiên Chúa là Đấng rất thánh cũng dễ bị coi thường, thì chương trình mục vụ của ta phải tìm đưa ra những dấu chỉ có sức nâng tâm hồn con người lên thế giới siêu nhiên, có sức giúp con người cảm nghiệm được phần nào sự thánh thiện tuyệt vời của Thiên Chúa, có sức giúp con người thăng tiến cao hơn theo đúng mô hình người của Tạo Hoá. Vai trò của dấu chỉ rất quan trọng. Một thánh lễ được tổ chức chức sốt sắng đẹp đẽ là một dấu chỉ. Một cung thánh được sắp xếp uy nghi trang trọng là một dấu chỉ. Một đời sống hiền hòa khiêm tốn bác ái là một dấu chỉ.

c. Trong một tình thế mà Linh mục không còn được kính trọng bởi chức thánh, thì uy tín mục vụ cần được xây dựng bằng sự hiệp nhất với Đức Giám Mục và trên thực chất của con người Linh mục, từ giá trị nhân bản, trí thức, nhân đức đến khả năng lãnh đạo. Tôi cần thăng tiến chính con người của tôi, để tôi thăng tiến những người khác của tôi.

d. Trong một tình hình xem ra tăm tối, thì mục vụ phải cho thấy Tin Mừng là một thực tại. Hôm nay có Tin Mừng. Mỗi ngày đều có Tin Mừng. Tin Mừng không phải chỉ có trong sách, nhưng có trong chính cuộc sống. Tin Mừng của hiện tại. Hiện tại chứa đựng Tin Mừng. Tin Mừng hiện tại có sức thăng tiến con người. Tỉnh táo một chút sẽ khám phá ra vô số ơn Chúa trong giây phút hiện tại. Thiện chí một chút sẽ gặp được Thiên Chúa trong hiện tại. Ngài là điểm tựa, là động lực, là hy vọng và là cùng đích của con đường thăng tiến.

Trên đây là một số chỉ hướng. Đưa những chỉ hướng này vào hành động cụ thể lại là một giai đoạn khác của khôn ngoan mục vụ. Đức Hồng Y Albino Luciani, Thượng phụ Venise, sau là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, đã viết một bài báo về sự khôn ngoan, theo ý Ngài, giai đoạn áp dụng này đòi rất nhiều khôn ngoan. Ngài đưa ra mấy lời khuyên sau đây:

- Phải bám sát thực tế. Ngài cho rằng: Nguyên tắc Phúc Âm là đời đời. Nhưng não trạng con người thay đổi, xã hội thay đổi, văn minh thay đổi theo nơi theo thời. Ap dụng Phúc Âm mà coi thường thực tế phức tạp là không khôn. Đức Luciani kể: Ong Clémenceau có lần phân bình hai phụ tá của ông thế  này: Poincaré biết mọi sự, nhưng không hiểu gì hết. Còn Briand không biết gì, nhưng hiểu tất cả. Ý Clémenceau muốn nói là phải biết nguyên tắc lý thuyết, và cũng phải hiểu thực tế mới được.

Nếu thực tế hôm nay khó khăn, thì nên xây dựng những chương trình nào? Với chất liệu nhẹ, trong phạm vi nhỏ. Nhẹ mà bền. Ít mà kỹ. Nhỏ mà đẹp. Như thế khôn hơn.

- Phải linh động uyển chuyển. Đức Luciani không tán thành loại người dễ thay đổi, nhưng ngài chỉ trích người quá nguyên tắc. Ngài đưa ra lời Lord Palmerston nói: Rọc giấy thì dùng con dao bằng xương lại khá hơn là con dao bằng thép quá sắc bén. Nghĩa là đừng có nguyên tắc quá. Đừng chủ trương đã là dao thì buộc phải sắc bén. Chúa Giêsu có lúc đã trốn đám đông, khi thấy họ có ý đồ tôn Ngài làm vua. Nhưng đã có lúc chính Ngài lại nhằm dịp quần chúng tụ họp đông đảo để vào thành Giêrusalem cách trọng thể.

Càng ngày Toà Thánh càng dùng con đường ngoại giao với các tôn giáo khác và với các tổ chức không tôn giáo hoặc chống tôn giáo. Mục đích để phục vụ Tin Mừng. Sự kiện đó chứng tỏ sự uyển chuyển linh động đã trở thành một nguyên tắc trong mục vụ.

- Phải biết phân chia. Phân chia ở đây trước hết là phân chia trách nhiệm. Đừng một mình ôm đồm. Phân chia còn là sắp xếp vào những thời gian thích hợp. Đừng nóng nảy muốn làm dồn tất cả trong một thời gian. Phân chia thành đơn vị nhỏ. Phân chia thành từng lớp. Phân chia thành từng giới. Phân chia thành từng mùa.

Đời sống và tổ chức cũng phải như một thứ phụng vụ, gọi tạm là phụng vụ đời. Lúc làm việc này lúc làm việc kia. Lúc này chỗ này thì người này làm. Lúc đó chỗ đó thì người đó làm. Chia ra nhưng trong trật tự.

***

Tất cả những gì trên đây tôi nói về khôn ngoan mục vụ chưa hẳn đã là khôn. Thành thực là thế. Tôi lại nhớ lời thánh Phaolô viết gởi giáo đoàn Côtrintô: “Điều thế gian cho là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để làm hổ thẹn loài người khôn ngoan” (ICor 1,27). Đúng thế, nếu ta học hỏi về khôn ngoan mục vụ theo kiểu tính toán thế gian, chắc ta sẽ phải hổ thẹn. Khôn ngoan ta mong muốn là ơn Chúa Thánh Thần. Dù bài học khôn ngoan tìm ở đâu, ta vẫn tìm hiểu các bài học đó dưới chân Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh. “Chúa Kitô là sức mạnh Thiên Chúa và là sự khôn ngoan Thiên Chúa” (ICor 1,24). Đó là thực tế cao cả ta phải bám sát trên suốt hành trình mục vụ.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con cầu xin ơn khôn ngoan. Nhưng thú thực, nhiều lần con sợ phải bắt chước sự khôn ngoan của Chúa. Chúa tử nạn trên thánh giá đã bị coi là gương xấu, đã bị chê là điên rồ. Xin cho con can đảm.

------------------------

 

Bùi-Tuần 2223: QUEM CONSTITUIT DOMINUS SUPER FAMILIAM SUAM


(Cấm Phòng năm – Bài 6)

 

Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa”. Lời Kinh Thánh trên Bùi-Tuần 2223


“Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa”. Lời Kinh Thánh trên đây được Giáo Hội dùng làm ca nhập lễ kính thánh Giuse 19/3. Chúng ta muốn trung tín và khôn ngoan theo gương thánh Giuse. Đang khi đó Chúa đã đặt ta lên coi sóc gia đình Chúa, Chúa đã gọi ta, Chúa đã chọn ta. Sự ta được Chúa đặt lên coi sóc gia đình Chúa là một sự kiện Giáo Hội và cũng là một sự kiện xã hội. Nhiều người đã được trao cho ta chăm sóc. Ta được ban quyền cai quản đoàn chiên. Nhìn vào quyền chức đó, ta không khỏi có nhiều tâm tư. Một số tâm tư đáng nói ra.

Tâm tư đầu tiên đáng nói là Tạ ơn và sám hối.

Ở đây xin trích những dòng Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết: “Con tự hỏi tại sao Chúa đã gọi con. Tại sao Chúa đã chọn con? Con là đứa quá vụng về, quá ương ngạnh, quá nghèo nàn về trí khôn và tâm tình. Con hiểu rồi. Chúa đã chọn những người yếu đuối trong thế gian để không một người nào có thể khoe mình trước mặt Chúa được” (1Cor 1,17-18). Việc Chúa chọn  con biểu lộ hai sự này: sự hèn mọn của con và sự tự do nhân từ toàn năng của Chúa. Sự chọn lựa đó không ngừng lại trước những bất trung của con, trước sự khốn nạn của con, trước khả năng của con có thể phản bội Chúa. Lạy Chúa, lạy Chúa, con dám nói ... trong nỗi vui mừng cực độ, con dám nói về Chúa rằng: nếu Chúa không phải là Thiên Chúa thì thực Chúa đã bất công, vì chúng con đã phạm tội nặng nề, mà Chúa thì hòa dịu, chúng con đã chọc tức Chúa mà Chúa thì thương xót chúng con (PL. 40,1150).

Bây giờ xuất hiện trong trí nhớ con lịch sử khốn nạn đời con, một đàng thêu dệt bằng những ân huệ phi thường, phát xuất từ lòng nhân từ khôn tả của Chúa, mà con hy vọng một ngày kia sẽ được xem thấy và sẽ ca tụng muôn đời, một đàng bị tiêm nhiễm bởi những hành động vô phúc, không nên nhắc tới làm gì, vì chúng quá khiếm khuyết, bất toàn, dốt nát, dại dột. Lạy Chúa, con có điên rồ, hẳn Chúa biết đó (CV 68, 69, 6). Đời sống bần tiện, lao đao, bủn xỉn, hẹp hòi, rất cần phải nhẫn nại phải tu bổ, phải được vô cùng thương xót. Con luôn luôn coi cuộc đời của thánh Augutinh như một tổng hợp tuyệt vời: sự khốn nạn và lòng từ bi: sự khốn nạn của con và lòng từ bi của Chúa. Chớ gì, ít ra bây giờ, con có thể tôn vinh Chúa là Thiên Chúa tốt lành vô cùng bằng cách kêu cầu chấp nhận và tán tụng lòng từ bi dịu hiền của Chúa...” (Gẫm về sự chết, Osservatore Romano 34, 21/8/1979).

Ngoài ra trong chúc thư, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có đoạn cảm ơn Hội Thánh, gia đình, các Giám Mục, ân nhân, bạn bè và  mọi người có liên hệ. Ngài cũng xin lỗi tất cả những ai Ngài đã làm phiền lòng, những ai Ngài đã không phục vụ đủ, những ai Ngài đã không thương yêu đủ. Đức Thánh Cha đã nói lên thành thực tâm tư của Ngài. Những lời của Đức Thánh Cha đánh thức tâm tư của ta. Ta cũng muốn nói như Ngài. Tạ ơn và sám hối. Để có hiệu lực hơn, ta nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Đức Kitô để tạ ơn. Nếu không, tạ ơn của ta sẽ quá bất xứng. Nhờ Đức Kitô để sám hối. Nếu không, sám hối của ta sẽ quá yếu kém. Nhân dịp Mùa Chay, tưởng cũng nên để ý một điều Giáo Hội dạy về tạ ơn và sám hối. Kinh Tiền Tụng III Mùa Chay đã nói: “Chúa muốn chúng con dùng việc hãm mình để tạ ơn Chúa, để việc hãm mình giúp chúng con là những người tội lỗi sống tiết độ hơn”. Hãm mình để tạ ơn. Hãm mình để cải hoá. Ở địa vị kẻ coi sóc gia đình Chúa lúc này, chúng ta không cần tạo ra dịp để hãm mình. Dịp luôn luôn có sẵn đó. Biết lợi dụng, tất cả sẽ trở thành việc hãm mình để sám hối và để tạ ơn.

Tâm tư thứ hai đáng nói là Lo sợ.

Có nhiều lý do làm ta lo sợ. Mới rồi, tôi đọc lại cuốn sách dịch, in tại nhà in Tân Định cuối thế kỷ trước. Sách mang tựa đề: “Đấng làm thầy có quyền tế lễ”. Nội dung khuyên răn các Linh mục. Có những dòng như sau: “Những kẻ Đức Chúa Trời chọn lên thiên đàng thì ít lắm... Con phải kinh hãi. Vì chưng trong các con chiên, những kẻ đặng rỗi còn ít dường ấy, huống chi trong đấng làm thầy, những kẻ đặng rỗi thì càng ít hơn nữa là dường nào”. Suốt 7 trang dài, tác giả giải nghĩa lời quả quyết đó. Tất cả các lý lẽ ngài đưa ra biện minh cho ý kiến đó đều dựa trên tam đoạn luận đại khái thế này: Chỉ những ai theo đường hẹp Phúc Âm mới được vào thiên đàng, thế mà vô số Linh mục không sống theo đường hẹp Phúc Âm. Cho nên vô số Linh mục phải mất linh hồn. Rồi tác giả kể ra thế nào là không sống theo đường hẹp Phúc Am. Thí dụ ăn ở kiêu căng, ham quyền cố vị, thích tiền của, mê xác thịt, nguội lạnh, biếng trễ việc bổn phận, bất phục tùng bề trên. Đọc xong đoạn đó, tôi có cảm tưởng là tác giả quá tiêu cực, chịu ảnh hưởng quá nhiều Jansénisme. Tuy nhiên, thú thực, tin tác giả thì quả không tin, nhưng lo thì không phải là không lo.

Nhiều khi tôi cũng suy nghĩ về sách Khải Huyền, đoạn II và III. Trong đó đã có những lời cảnh cáo gởi cho các vị cai quản giáo đoàn. Với những kể tội, với những hình phạt sẽ tới. Lời lẽ bóng bẩy, kín đáo, nhưng rất nghiêm khắc. Thực sự, nếu tác giả Khải Huyền chủ ý gây cho các vị lãnh đạo tôn giáo một sự kinh sợ hữu ích, thì chúng ta cũng nên sợ lắm. Chẳng hạn những lời răn đe sau đây của Ngài về chứng nguội lạnh: “Vì ngươi không nóng không lạnh, hâm hâm dở dở, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. Thực rất đáng sợ.

Một lý do khác khiến ta lo sợ, đó là nhận thấy sự tha hóa của chức tư tế xảy ra nhiều nơi, nhiều thời trong lịch sử. Tha hóa nghĩa là trở nên khác, là biến thể, là không còn bản chất thực sự của nó. Thời Chúa Cứu thế, nhiều thầy cả đạo cũ đã sống một chức tư tế biến thể. Đã có một sự tha hóa lớn lao. Sau cùng Chúa Giêsu bãi bỏ quyền chức thầy cả như thế. Thời Trung cổ đã có những nơi quyền đạo trở thành quyền đời, chức thánh được coi như một bậc thang xã hội, cái nhìn về con người giáo sĩ bị ô nhiễm, bởi vì thực tế chức thánh đã bị biến thể. Chúa không vì thế mà bãi bỏ chức thánh, nhưng đã có những biến cố lịch sử đến dẹp bỏ tha hoá, tẩy rửa não trạng, uốn nắn lại vị trí chức thánh. Nếu lịch sử là những tái diễn, thì cũng nên lo với câu hỏi về hiện tại: Liệu chức thánh thời nay có bị tha hóa không? Ở những nước khác, ở nước ta, ở chính mình ta? Không thấy chưa chắc nghĩa là không có.

Trên thế giới hiện nay, những nước dễ được phong chúc Linh mục thì ít người muốn chịu chức, những nước có nhiều người muốn chịu chức Linh mục thì không dễ được phong chức. Nơi đông thì xuất. Nơi hiếm thì không thêm. Thế nghĩa là gì? Nếu nhận rằng thế giới càng ngày càng cần được cứu độ, và một trong số dụng cụ cứu độ Chúa dùng vẫn còn là Linh mục, thì vấn đề rõ ràng sẽ là: cần phải cứu độ chính Linh mục là những dụng cụ cứu độ, về lượng và nhất là về phẩm. Khi suy nghĩ vấn đề đó, những ai đang có trách nhiệm coi sóc gia đình Chúa không khỏi lo sợ.

Tâm tự thứ ba đáng nói là Hy vọng.

Biết lo sợ cũng là con đường dẫn tới khôn ngoan. Initium sapientioe tim Domini. Thứ lo sợ dẫn tới khôn ngoan là thứ lo sợ đào sâu hy vọng.

Hy vọng của ta được đào sâu bằng việc dọn mình chết mỗi ngày, với những cố gắng sửa sai, với những quyết tâm mới cải thiện đời sống, với những thiện chí mới dứt lìa tất cả những gì không đẹp ý Chúa, với sự thanh toán cặn kẽ trước mặt Chúa tất cả những gì vướng mắc lương tâm. Mỗi ngày đều trong tư thế sẵn sàng ra trước tòa Chúa. Mỗi ngày dâng lễ như dâng lễ lần cuối. Để ra đi với niềm hy vọng.

Hy vọng của ta được đào sâu bằng việc ta tăng thêm lòng mến. Ai mến nhiều thì sẽ được tha nhiều. Tăng lòng mến đối với Chúa. Tăng lòng mến đối với mọi người. Tăng lòng mến đối với Hội Thánh. Nếu có câu hỏi đặt ra mỗi ngày: Chúa cần gì? Tôi sẽ thưa Chúa cần được yêu mến nhiều hơn. Tôi muốn yêu mến Người luôn mãi. Nếu có câu hỏi nào đặt ra hôm nay: Con người Việt Nam hôm nay muốn gì? Tôi sẽ thưa: Con người Việt Nam hôm nay cần được yêu thương  nhiều hơn. Tôi muốn yêu thương  con người Việt Nam hơn mãi. Nếu có câu hỏi nào đặt ra lúc này: Hội Thánh cần gì? Tôi sẽ thưa: Hội Thánh cần được yêu kính nhiều hơn. Tôi muốn kính yêu Hội Thánh hơn mãi. Tình yêu nuôi hy vọng. Hy vọng chữa trị lo âu.

Hy vọng của ta được đào sâu bằng sự vững tin vào Chúa. Dù ta là thế nào, ta vẫn là kẻ được Chúa cứu chuộc. Chúa là Cha nhân từ. Lòng thương xót Người vô tận. Công nghiệp Chúa Kitô lớn lao vô cùng “Vivre l'inespéré” đó là tựa đề cuốn sách Frère Roger, đó cũng là điều ta muốn sống. Hy vọng cả những điều xem ra thất vọng. Chúa Kitô đã hứa: “Chúa không để chúng con mồ côi. Cha sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa Cứu thế cũng đã cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “Con muốn rằng, Con ở đâu, chúng sẽ ở đó với Con”. Như thế là mỗi ngày Chúa ở với ta, đời này Chúa ở với ta, đời đời ta ở với Chúa. Niềm tin đó là nguồn mọi hy vọng. Nếu nên nhìn Giáo Hội không phải chỉ là một xã hội, mà còn như là một Mầu nhiệm, thì cũng nên nhìn Linh mục không phải chỉ là một con người, mà còn như là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm của tình thương. Thì đó chính là lý do hy vọng. In te speravi, Domione, non confundar in aternum.

***

Những tâm tư trên đây, ta nói với nhau và cũng nói với Chúa. Những tâm tình như thế được diễn tả nhiều cách trong các kinh thánh lễ, các kinh nguyện phụng vụ, các kinh Mân Côi. Khi đọc các kinh đó một cách ý thức, ta thực sự sẽ sống những tâm tình tạ ơn, sám hối, lo sợ và hy vọng. Người coi sóc gia đình Chúa quen sống những tâm tình đó sẽ càng ngày càng trở nên rất là người, dễ được cộng đoàn thương mến.

Lạy thánh Giuse, là Đấng Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa, xin thương cầu cho chúng con.

-----------------------

 

Bùi-Tuần 2224: UT DET ILLIS CIBUM IN TEMPORE


(Cấm Phòng năm – Bài 7)

 

Ut dẹt illis cibum in tempore”. Câu đó gợi lên vấn đề lương thực nuôi dưỡng cộng đoàn tín hữu Bùi-Tuần 2224


“Ut dẹt illis cibum in tempore”. Câu đó gợi lên vấn đề lương thực nuôi dưỡng cộng đoàn tín hữu. Làm mục vụ là giải quyết vấn đề lương thực thiêng liêng. Trong hoàn cảnh hiện nay giải quyết vấn đề lương thực vật chất là chuyện không dễ. Làm mục vụ càng khó hơn bội phần.

Trong một hoàn cảnh khó khăn, không nên bày ra nhiều thứ lương thực. Phải tập trung vào những gì là cần thiết nhất. Đây là bốn lương thực thiêng liêng ta đang nhắm tới trong hiện tình địa phận: Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể, Tôn sùng Đức Mẹ, Bầu khí tôn giáo cộng đoàn.

- Dùng Lời Chúa làm lương thực, vì “Người ta không chỉ sống bởi bánh, nhưng cũng sống do những lời Chúa phán ra”. “Lời Chúa là lời ban sự sống”.

- Dùng Bí tích Thánh Thể làm lương thực, vì “Mình Ta thực là của ăn, Máu Ta thực là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống đời đời”.

- Dùng tôn sùng Đức Mẹ làm lương thực, vì Đức Mẹ là “Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy”.

- Dùng bầu khí tôn giáo cộng đoàn làm lương thực vì Chúa muốn cứu độ cá nhân qua Giáo Hội. Trên thực tế, bầu khí tôn giáo cộng đoàn là thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến lòng đạo tín hữu.

Nhưng, người ta chỉ sẽ tìm được chất bổ trong bốn lương thực trên đây, khi có tinh thần cầu nguyện và bác ái.

Ở đây ta còn phải nhìn xa hơn. Ta nghĩ tới những hoàn cảnh mà người tín hữu không dễ gặp được Linh mục, không dễ lui tới bí tích Thánh Thể, không dễ sắm được một bộ Kinh Thánh, không dễ sống thành một cộng đoàn họ đạo.

Hiện nay, những phong trào đạo đức được coi là có khả năng đổi mới Giáo Hội đều đặc biệt chú ý đến ba lương thực này: một là Phúc Âm, hai là cầu nguyện, ba là bác ái. Phong trào Taizé của Tin Lành, phong trào Focolare, các phong trào đặc sủng canh tân, các phong trào tu đức do Charles de Foucault..., tất cả đều chú trọng sống Phúc Âm, cầu nguyện và chia sẻ. Sống ba thứ đó là một cách rất chân thành và đơn giản. Đọc, nghe và suy Lời Chúa Giêsu Kitô, cầu nguyện, chia sẻ để gặp Chúa và để gặp con người, để thông hiệp với Chúa và để thông với cầu nguyện. Sức mạnh bồi dưỡng đến với người ta qua ba ngả đó. Nếu sứ mệnh hiện nay của Giáo Hội tập trung vào con người, thì dù thực hiện với phương cách nào, sứ mạng đó càng phải tập trung vào Phúc Âm, cầu nguyện và chia sẻ.

Người ta sẽ là người hơn, khi cha được vết thương lìa xa Chúa và chia rẽ với đồng loại. Người ta sẽ là con Chúa hơn, khi mang sự sống của Chúa Kitô và mang thân phận của anh em mình. Người ta sẽ là dụng cụ cứu độ hơn, khi dù trong những trường hợp bạc bẽo nhất, vẫn theo gương Chúa trên thánh giá, gắn bó với Chúa Cha: “Lạy Chúa, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”, và vẫn một mực chia sẻ cả với những kẻ ghét hại mình: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm”.

Phúc Âm là trường dạy cầu nguyện và chia sẻ. Cầu nguyện Chúa là 1 cách chia sẻ sự sống Chúa. Chia sẻ với người ta là một cách cầu nguyện con người. Ai cũng chủ trương phải cầu nguyện Chúa. Ít ai dám đặt vấn đề cầu nguyện con người. Thiết tưởng cầu nguyện con người chẳng có gì xấu. Trái lại là đàng khác, nếu hiểu cầu nguyện là thái độ gặp gỡ, kính trọng, thương yêu, để nói, để nghe, để thông hiệp, và nếu xác tín bất cứ người nào cũng là người được Chúa tạo dựng và cứu chuộc.

“Xin cô cho tôi ít nước uống”. Với lời đó một cách nào Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện một phụ nữ ngoại đạo còn mang tiếng xấu.

“Xin vui lòng cho tôi dùng bữa tại nhà ông”. Với lời đó, một cách nào Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện ông Giakêu là nhân viên thuế vụ chẳng có tiếng tốt gì.
“Các con hãy tỉnh thức với Thầy”. Với lời đó, một cách nào, Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện nhóm môn đệ Ngài, dù Ngài biết lát nữa họ sẽ bất trung.

“Tôi khát”. Với lời đó một cách nào, Chúa Giêsu Kitô đã cầu nguyện những kẻ đang ghét Ngài.

Ai ngờ chính những lời cầu nguyện đó đã là những bước đi vào chia sẻ, để rồi họ sẵn sàng đón nhận sự sống thông cảm, kính trọng, tha thứ, để rồi họ nhận được niềm gion đem lại ơn cứu độ.

Mọi quyết tâm sau xưng tội và tuần tĩnh tâm chỉ trở thành tốt, khi kèm với ý chí sẽ mộ mến đọc Phúc Âm nhiều hơn, sẽ cầu nguyện nhiều hơn và sẽ bác ái chia sẻ với tha nhân nhiều hơn.

Phúc Âm, cầu nguyện và bác ái chia sẻ thiết tưởng đó là những lương thực căn bản nhất và cũng thích hợp nhất. Dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, ba lương thực đó vẫn có sức nuôi dưỡng linh hồn. Nếu hoàn cảnh dễ tới được Linh mục, dễ nhận các Bí tích, thì càng tốt. Nếu không thể được hay khó khăn quá, thì hãy an tâm với ba lương thực nói trên. Chúa không đòi con cái Chúa những việc quá sức mình. Ta sẽ không ngần ngại nhắc đi nhắc lại cho con chiên ta: Hãy giữ lấy ít trang Phúc Âm để đọc đi đọc lại, hoặc thuộc lòng một ít lời Phúc Âm để suy đi gẫm lại. Hãy cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ hằng ngày, đặc biệt là những kinh Tin, Cậy, Mến, Tin Kính, An năn tội và kinh Mân Côi, hãy chú ý sống bác ái chia sẻ trong gia đình, xóm ngõ, làng mạc, quê hương đất nước.

***

Đức Thánh Cha đã nói tới thế giới năm 2000. Theo tôi, Giáo Hội năm 2000 sẽ là một cộng đoàn tín hữu chú trọng rất nhiều tới Phúc Âm, cầu nguyện và bác ái chia sẻ, với những hình thức rất chân thực, rất sinh động mạnh mẽ và đơn giản. Một Giáo Hội sống động như thế sẽ phản ánh một cách trung thực hình ảnh Chúa Giêsu Kitô là con người mẫu. Một Giáo Hội sống động như thế sẽ trở thành một bí tích cứu độ có tính cách phổ quát đích thực hơn.

Phúc Âm, cầu nguyện và bác ái, đó là ba dòng thác canh tân Giáo Hội, đó là ba nguồn lực cải thiện thế giới. Phúc Âm trở thành sự sống đơn giản thường ngày, không cần suy diễn xa xôi lắt léo. Cầu nguyện trở thành sự sống nhẹ nhàng thường ngày, không cần gò bó vào những khuôn khổ tục lệ cứng nhắc. Bác ái trở thành sự sống hồn nhiên tự phát thường ngày, không cần uốn thành những tổ chức nặng nề hình thức. Sự sống đạo đó phổ quát vừa tầm đại chúng, ăn sâu vào đại chúng và thăng tiến đại chúng.

Linh mục của Giáo Hội năm 2000 cũng sẽ là những người chú trọng thực nhiều tới  Phúc Âm, cầu nguyện và bác ái chia sẻ. Linh mục chúng ta hôm nay, cũng dùng chính những cách đó, để trung thành với quá khứ trên con đường chinh phục tương lai.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời kinh phụng vụ thánh lễ Linh mục cầu cho chính mình, để nói với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa đã muốn con đứng đầu gia đình Chúa, không phải do công phúc của riêng con, nhưng chỉ do ơn lạ lùng Chúa đã rộng ban, xin cho con chu toàn xứng đáng chức vụ Linh mục, và nhờ Chúa cai trị mọi loài, xin cho con biết hướng dẫn dân Chúa đã trao phó. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen”.

----------------------------

 

Bùi-Tuần 2225: XIN THƯƠNG ĐỠ NÂNG CON


+ GB. Bùi Tuần

 

Tôi được thụ phong Linh mục lúc 28 tuổi. Tôi được thụ phong Giám mục lúc 48 tuổi. 2. Cả hai Bùi-Tuần 2225


1.
Tôi được thụ phong Linh mục lúc 28 tuổi.
Tôi được thụ phong Giám mục lúc 48 tuổi.

2.
Cả hai thánh lễ đều rất vắn gọn, với số người tham dự rất ít.

Trong cả hai thánh lễ thụ phong đó, tôi cầu nguyện đơn sơ chỉ với lời này: “Lạy Chúa, xin thương đỡ nâng con.”

3.
Lời nguyện đơn sơ đó vẫn được tôi nói với Chúa hằng ngày cho tới bây giờ.

Bây giờ đang là thánh lễ cho tôi một cách vắn gọn. Tôi lúc này càng cảm nhận mình yếu đuối cả hồn lẫn xác. Nên tôi càng bám víu vào Đức Mẹ. Tôi xin Đức Mẹ thương đỡ nâng tôi còn hơn bất cứ lúc nào trước đây.

4.
Điều, mà Đức Mẹ dạy tôi lúc này một cách khẩn thiết, đó là hãy vâng phục thánh ý Chúa.

5.
Đức Mẹ nhắn nhủ tôi hãy đọc kỹ đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại Lời Chúa Giêsu đã phán xưa:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

“Trong những ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’

“Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các người; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.” (Mt 7,21-23)

6.
Những lời Chúa Giêsu phán trên đây thực là rõ ràng. Cho dù làm được nhiều việc lẫy lừng nhân danh Chúa, mà nếu làm không đúng ý Chúa, thì cũng sẽ bị Chúa coi như kẻ làm điều gian ác.

7.
Nhận thức như vậy, nên tôi tha thiết xin Chúa thương đỡ nâng tôi trên con đường vâng phục ý Chúa.

8.
Để vâng phục thánh ý Chúa thì phải biết nhận ra thánh ý Chúa, rồi phải hết lòng hết sức vâng phục thánh ý Chúa.

Những việc đó không dễ chút nào. Vì thế, tôi cùng với Đức Mẹ tha thiết xin Chúa nâng đỡ tôi.

9.
Mà để Chúa nâng đỡ tôi trên con đường vâng phục thánh ý Chúa, tôi phải rất khiêm nhường, hết sức khiêm nhường.

10.
Nhưng, khiêm nhường lại là điều không dễ chút nào. Xin Chúa thương đỡ nâng chúng ta.

11.
Hiện giờ, quỷ Satan đang ráo riết tàn phá khiêm nhường, nhất là nơi những ai tưởng mình là đạo đức không ngại khoe mình là có xác hồn trong trắng, là kẻ được Chúa chọn cách riêng trong muôn triệu người.

12.
Hiện giờ, quỷ Satan cũng đang rảo quanh trái đất, như sư tử đói, tìm mồi cắn xé. Mồi của chúng là những kẻ kiêu căng. Thánh Phêrô cảnh báo như vậy (1Pr 5,8).

13.
Tình hình lúc này là như thế. Chúng ta xin Chúa thương đỡ nâng chúng ta trên con đường phấn đấu để vâng phục thánh ý Chúa.

14.
Tôi hay cầu nguyện theo bài hát: “Thánh ý Ngài là gia nghiệp đời con” hoặc bài: “Xin thương đỡ nâng con suốt cuộc đời”. Và tôi cảm thấy được nhẹ nhàng.

15.
Đến lúc này, tôi thực sự thấy rằng: “Chúa là nơi tôi nương tựa”, cả ở đời này, cả ở đời sau. Vì Chúa là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót. Tôi đang ở trong tay Chúa.

16.
Chúa đỡ nâng tôi từng giờ, từng phút, từng giây. Tôi cảm nghiệm điều đó một cách rõ ràng.

17.
Tôi không đặt chương trình nào cho Chúa. Chính Chúa chủ động sắp xếp hành trình vâng phục thánh ý Chúa cho tôi. Xin hết lòng cảm tạ Chúa. Alleluia.

Long Xuyên, ngày 11.6.2021

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2226: MÔN ĐỆ KHÔNG TRỌNG HƠN THẦY” (Mt 10,24)

 

Khi sai tông đồ đi, Chúa Giêsu đã không hứa hẹn nhiều lắm. Trái lại Ngài đã báo trước nhiều khó Bùi-Tuần 2226


Khi sai tông đồ đi, Chúa Giêsu đã không hứa hẹn nhiều lắm. Trái lại Ngài đã báo trước nhiều khó khăn sẽ phải gặp. Sau khi kể dài nhiều thứ khó khăn, nhất là sự có thể bị bắt bớ, Chúa đã tóm tắt vào một câu: “Môn đệ không trọng hơn Thầy” (Mt 10,24). Với lời đó Chúa muốn nói: Thầy đã gặp đủ mọi khó khăn, nếu môn đệ cũng gặp khó khăn, thì đó là số phận bình thường. Nhiều lúc suy gẫm câu đó, người tông đồ tự nhiên cũng cảm thấy xót xa cho thân phận mình, cũng cảm thấy lo âu cho chức vụ mình. Tuy nhiên, ta nên nhìn thẳng vào những khó khăn lớn mà Thầy chí thánh đã gặp, để sự chịu đựng của ta trở thành một sự chia sẻ với sự chịu đựng của Thầy chí thánh.
Cái khó khăn to lớn thứ nhất Thầy ta đã gặp là sự cô đơn.
Cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu đã gặp nhiều trường hợp cô đơn kinh khủng. Những tháng đầu rao giảng và làm phép lạ, Ngài được nổi danh lẫy lừng, dân chúng nô nức đón rước và tìm kiếm Ngài. Thanh danh Ngài mỗi ngày mỗi tăng. Nhưng chẳng bao lâu bắt đầu có sự suy giảm. Có lúc xem ra đổ vỡ tư bề.
Chánh quyền nghi ngờ Ngài. Các thầy cả khinh khi đạo lý của Ngài. Hầu hết các luật sĩ, thượng tế và các giới chức sắc đều chống đối Ngài. Mấy ông có thế giá còn quả quyết Ngài bị quỉ ám (Mc 3,32). Người đồng hương coi thường Ngài. Họ mỉa mai Ngài xuất thân từ gia đình quê mùa tầm thường (Mc 3,22). Thân nhân của Ngài đã có lần muốn bắt giữ Ngài, vì cho rằng Ngài là người mất trí (Mc 3,21). Các tông đồ là những người thân tín cũng chẳmg sớm hiểu được sứ mạng của Ngài. Họ trông chờ nơi Ngài thế đứng vinh quang  của một ông vua. Họ không thông cảm được chương trình tử nạn của Ngài. Sau cùng kẻ thì rút lui, kẻ thì bán Ngài, kẻ thì chạy trốn, kẻ thì chối bỏ. Còn quần chúng thì cũng bạc bẽo. Nghe lời xúi giục, họ đã hò hét xin xử tử Ngài. Vị sau cùng Ngài hy vọng nhất là Đức Chúa Cha, cũng có lúc như bỏ rơi Ngài “Cha của Con ơi! Cha của Con ơi, sao Cha bỏ Con” (Mc 15,34).
Chúa Giêsu quả đã có những ngày cô đơn bi thảm.
Thầy là thế. Còn tông đồ thì sao?
Ngài báo cho tông đồ biết, họ cũng sẽ bị cô đơn. “Chúng con được sai đi như những con chiên đến giữa đàn sói” (Mt 10,16). Con chiên giữa đàn sói, đó là hình ảnh của một tình trạng cô đơn khủng khiếp, một sự cô đơn bơ vơ lạc loài do sự tước đoạt hết mọi thứ bảo vệ và nâng đỡ mình.
Trong đời Linh mục, chưa mấy người chúng ta đã trải qua tình trạng cô đơn bi đát như hình ảnh con chiên giữa đàn sói. Tuy nhiên, phần đông chúng ta cũng đã có kinh nghiệm nhiều ít về sự cô đơn. Rồi đây, khi cuộc sống được thu hẹp lại, ta càng sẽ có thể năng gặp cô đơn như một nơi trú ngụ đợi chờ. Cô đơn là một thử thách cho những ai không muốn chấp nhận cô đơn, và dù chấp nhận, cô đơn vốn là một khó khăn chớ có khinh thường. Bởi vì nó là một trống rỗng nặng nề. Nó là một đe dọa gây nên căng thẳng. Tự mình, ta không nên gây ra cô đơn cho mình. Nhưng khi không tránh được, thì ta hãy sống cô đơn như một sự tiếp nối vào sự cô đơn của Thầy ta xưa. Môn đệ không trọng hơn Thầy.
Cái khó khăn to lớn thứ hai Thầy ta đã gặp là những thất bại.
Chúa Giêsu đã gặp nhiều thứ coi như thất bại, thất bại đối với giáo quyền, vì không một vị thầy cả nào đã tin theo Ngài, họ lại còn kết án Ngài là kẻ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Thất bại đối với thế quyền, vì thế quyền không những đã không ủng hộ Ngài, mà còn đồng hóa Ngài với hạng tội nhân nặng nhất thất bại đối với quần chúng, vì quần chúng sau cùng không những đã thôi hoan nghênh Ngài, mà còn đồng lõa với bọn âm mưu hại Ngài. Thất bại đối với môn đệ, vì họ không những đã đón hô, mà còn có người dám chối và bán nạp Ngài. Trong một giai đoạn, Chúa Giêsu đã là người thất bại, theo cái nhìn của nhân loại.
Thầy là thế. Còn tông đồ thì sao?
Chúa báo cho họ biết họ cũng sẽ gặp thất bại. “Người ta sẽ nộp các con nơi chốn công đường, đánh đòn các con nơi nhà hội. Chúng con sẽ bị điệu đến vua quan vì Thầy, để đối chứng trước mặt họ và dân ngoại” (Mt 10,18). “Chúng con cũng bị người đời ghen ghét vì danh Thầy” (Mt 10,22).
Biết như thế, chúng ta sẽ nhìn những thất bại trong đời tông đồ một cách bình thản. Một cuộc đời tông đồ toàn những thành công chưa chắc đã là cuộc đời tông đồ tốt. Phải nói, đối với tông đồ, bình thường là có thất bại, cách này hay cách khác. Thất bại trong nhiệm vụ và vì nhiệm vụ nhiều khi chính là điều kiện để thành công. Tông đồ được trưởng thành hơn nhờ thêm khiêm tốn và khôn ngoan. Sự đau đớn mình chịu sẽ là một cách đồng công cứu chuộc góp vào việc cứu rỗi đàn chiên của mình.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà tự ý gây nên thất bại. Chúa hứa: “Phúc cho những ai bị bắt bớ vì lẽ công chính” (Mt 5,10), chứ không hứa cho những người bị bắt bớ vì những lý do khác. Nhưng dù trong trường hợp nào, khi đã gặp thất bại, người tông đồ cũng hãy can đảm nuốt lấy sự cay đắng, để biến mọi sự thành ân huệ Chúa ban.
Cái khó khăn to lớn thứ ba Thầy ta đã gặp là chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Suốt đời, Chúa Giêsu đã đặt mình lệ thuộc hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Sự lệ thuộc đó làm cho Ngài nhiều khi phải khổ tâm đau đớn.
Vì vâng ý Chúa Cha, Ngài đã phả khổ tâm từ chối ý nguyện đoán được của ba mẹ mình, khi Ngài hồi 12 tuổi đã ở lại ba ngày trong đền thánh.
Vì vâng ý Chúa Cha, Ngài đã phải khổ tâm từ chối ý nguyện của quần chúng định tôn Ngài lên ngôi vua, sau phép lạlàm cho bánh nên nhiều.
Vì vâng ý Chúa Cha, Ngài đã phải khổ tâm ý nguyện của Phêrô, khi ông vì nhiệt tình đã can ngăn Thầy đừng đi chịu chết, và khi ông chém đứt tai người đầy tớ thầy cả vì mục đích bênh Thầy.
Vì vâng ý Chúa Cha, Ngài đã phải khổ tâm từ chối lời yêu cầu của Hêrôđê muốn xem phép lạ, và lời thách thức của các thầy cả bảo Ngài thừ xuống khỏi cây thánh giá.
Vì vâng ý Chúa Cha, Ngài đã phải khổ tâm từ chối ý nguyện tính loài người của mình muốn trốn tránh chén cay đắng kết thúc đời trần thế của mình.
Từ chối nào cũng khổ tâm. Khổ tâm cho người từ chối và cho người bị từ chối. Chúa Giêsu chấp nhận những khổ tâm đó, vì phải chọn lựa thánh ý Chúa Cha.
Thầy là thế. Còn tông đồ thì sao?
Chúa cũng đã báo cho họ biết họ cũng sẽ là con người bị chối từ và nhiều khi chính họ cũng phải là con người từ chối. Từ chối những dụ dỗ làm cho mình bất trung với Chúa, để xứng đáng được như lời Chúa hứa: “Ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng kẻ ấy trước mặt Cha Ta” (Mt 10,32). Từ chối những rằng buộc thái quá vào gia đình thân thuộc, vì “Nếu ai coi cha mẹ vợ con hơn Ta, kẻ đó không đáng là môn đệ Ta” (Mt 10,37). Từ chối chính bản thân mình, vì “Ai không vác thập giá mà theo Ta thì không đáng thuộc về Ta” (Mt 10,38).
Chọn lựa và chấp nhận ý Chúa nhiều khi là một chọn lựa và chấp nhận bi đát, xét theo tính toán tự nhiên, đã một thời mình tưởng dốc hết tài năng sức lực của cải thời giờ vào việc phát triển các cơ sở vật chất vì mục đích Tin Mừng, nhưng không ngờ tất cả đều sập. Mình bị ném vào một con đường truyền giáo nhỏ hẹp, âm thầm, gai góc. Có lúc bao ngài cũng đã tin chắc là Chúa sẽ bảo vệ một cơ cấu xã hội ưu đãi đạo Chúa. Nhưng đâu ngờ, tất cả đều sập. Họ được dẫn vào một hoàn cảnh không cần đến điểm tựa nào hết, để đức tin tìm lại khí thế hiên ngang độc lập bất khuất giữa những nắng mưa dông gió.
Ý Chúa nhiều khi khác hẳn ý ta. Có lúc ta muốn trốn như con đà điểu, để khỏi nhìn thấy. Khi bó buộc phải thấy, ta đôi lúc cố tình không muốn chấp nhận. Xin đừng làm thế! Hãy nhớ “Môn đệ không trọng hơn Thầy”.
***
Ba thứ khó khăn lớn vừa kể trên có thể rất dễ làm ta sợ, nhưng chưa chắc đã làm ta té ngã. Cái dễ làm ta trượt chân thường là những thứ khó khăn coi như không khó khăn gì. Và cái khó khăn nhất, chính là khi chân đã mắc vào cạm bẫy mà vẫn coi mình là đứng ngoài vòng khó khăn. Hãy coi chừng và thận trọng. Thí dụ giả sử sẽ có những thiên thần nguỵ lui tới thúc giục ta tìm sáng kiến đưa đời vào đạo và đưa đạo và đời một cách coi như hợp thời, nhưng với ý đồ biến tôn giáo dần dần thành một công cụ trần thế phục vụ cho một lợi ích bất chính. Và thí dụ giả sử sẽ có những tiên tri giả dùng áp lực tâm lý đề nghị với ta sửa đổi nội dung giáo lý, phụng vụ và luật đạo theo một chiều hướng coi như tiến bộ hơn, nhưng với ác ý đưa dần ta xa rời Giáo Hội các thánh tông đồ.

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26,41), để biết nhận ra những nguy hiểm dưới hình thức khó khăn và những nguy hiểm dưới hình thức không khó khăn.
Không nên quá sợ khó khăn, nhưng cũng không nên coi thường khó khăn.
Bản tính ta yếu lắm, “Nhưng Chúa ở với tôi, tôi không sợ gì” (Tv 117), “Chúa hướng dẫn tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 22). Thực ra, “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).
Như thế, điều cần thiết để đối phó với mọi khó khăn là phải gắn bó mật thiết với Chúa. Đó mới là vấn đề và đó cũng là giải quyết.

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2227: MỘT THOÁNG GẶP GỠ  ĐỨC THÁNH CHA


Bài nói chuyện của Đức Cha G.B. Bùi Tuần với các linh mục, tu sĩ giáo phận Long Xuyên, dịp tĩnh tâm tháng 09/1999

 

Ngày 01 tháng 08 vừa qua tôi được hân hạnh bái yết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Đây là lần Bùi-Tuần 2227


Ngày 01 tháng 08 vừa qua tôi được hân hạnh bái yết Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Đây là lần thứ hai trong năm 1999 này. Lần thứ nhất vào đầu năm, dịp phong chức giám mục cho Đức Cha Phú Cường.

Cả hai lần gặp gỡ đều ngắn ngủi. Chỉ ít phút thôi. Chào thăm, trao đổi, cầu chúc, phép lành. Tuy không lâu, nhưng cả hai lần đều đã gây trong tôi một ấn tượng mạnh. Ấn tượng đó là Đức Thánh Cha bước về phía trước lịch sử với một phong độ mang chiều kích thiêng liêng rực sáng.

Đọc nhiều chứng từ uy tín về Đức Thánh Cha, tôi nghĩ, ấn tượng của tôi về Ngài sẽ chỉ là một phản ánh yếu ớt. Nhưng đối với tôi, đây là một ân huệ lớn Chúa ban cho tôi. Chia sẻ ân huệ này cũng là một cách cảm tạ lòng thương xót Chúa.

Phong độ mang chiều kích thiêng liêng tôi gặp nơi Đức Thánh Cha là gì?

Trước hết là những thao thức thiêng liêng về sứ mạng căn bản Chúa trao cho Ngài. Như làm chứng cho Đức Kitô đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng cho các người nghèo khó, hiệp nhất mọi người nên một, trình bày các chân lý có giá trị tuyệt đối cho mọi người mọi nơi.

Việc thực hiện sứ mạng thiêng liêng đó đang đụng chạm đến nhiều loại biên giới: Biên giới về địa lý, về văn hoá, về dân tộc, về não trạng, về tâm lý, về quyền lợi, về khả năng…

Trong một thời đại mà làn sóng toàn cầu hoá đang ồ ạt chuyên chở qua các biên giới những giá trị mới, như khoa học chính xác, kinh tế tự do, văn hoá hưởng thụ, tâm lý thực dụng, chủ nghĩa tương đối, thì chắc chắn nhiều khó khăn mới đang đợi chờ Đức Thánh Cha ở mọi biên giới.

Tuy ý thức sâu sắc sự thực đó, Đức Thánh Cha vẫn bước đi, tiến lên phía trước lịch sử, với quyết tâm thiêng liêng mới.

Theo tôi thấy thì quyết tâm quan trọng nhất của Ngài là phải đổi mới Hội Thánh. Hội Thánh từ cơ chế đến cá nhân hãy thực tâm trở về với Chúa. Hãy gỡ bỏ mọi an toàn đạo đức không dựa trên Lời Chúa. Các giám mục, linh mục được kêu gọi biến đổi mình nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Nhiều người, nhiều cộng đoàn trong Hội Thánh cần được tái phúc âm hoá. Các Giáo Hội địa phương phải năng nổ hơn nữa với việc tân phúc âm hoá. Hãy đích thực là Hội Thánh của Thiên Chúa tình yêu.

Từ  sự đổi mới chính mình sẽ thiết lập những liên hệ mới với các xã hội: Liên hệ đối thoại huynh đệ, liên hệ phục vụ khiêm tốn, liên hệ hiện diện của tám mối phúc, liên hệ chia sẻ Tin Mừng, và nhiều hình thức liên hệ mới mẻ, đáp ứng với thời đại đầy chuyển biến.

Nói một cách tổng quát, thì quyết tâm trên đây là một chuyển hoá triệt để, khởi đi từ tâm thức thâm sâu.

Tất cả những thao thức và các kế hoạch giải quyết thao thức trên đây đều rất thiêng liêng, dưới ánh sáng từ Thiên Chúa và trong lửa yêu mến cũng từ Thiên Chúa.

Gặp gỡ một Đức Giáo Hoàng sáng ngời phong độ mang chiều kích thiêng liêng, tôi cảm nghiệm được phần nào mầu nhiệm Giáo Hội. Giáo Hội không thể được đánh giá bằng các con số, mà bằng những phát triển lặng lẽ các giá trị thiêng liêng.

Đức Thánh Cha rất tin tưởng, vì Ngài làm hết sức mình và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Sự phó thác đó không miễn cho Ngài nhiều đau khổ. Ngài ngồi trên ngai, nhưng thực sự Ngài ngồi trên đống gai. Ngài đeo thánh giá, nhưng thực sự Ngài vác trên vai thánh giá rất nặng. Đau khổ cùng với tình yêu giúp thanh luyện, thánh hoá, cứu độ và đào tạo. Nó là một dấu chỉ của người chủ chăn luôn canh thức, luôn lo lắng cho đoàn chiên và luôn chia sẻ với đoàn chiên  đang phải phấn đấu với bao khổ luỵ.
Ngài nhìn tôi, tôi nhìn Ngài. Ngài cầm tay tôi, tôi nắm tay Ngài. Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần hai tiếng: Việt Nam. Tôi chia sẻ nỗi lòng của Ngài.

Tấm lòng của Ngài thực bao la. Ngài muốn chia sẻ thực nhiều, nhưng bị chi phối bởi thời giờ có hạn và sức khoẻ có hạn, Ngài phải từ giã tôi. Tôi từ biệt Ngài với bao cảm phục trìu mến. Ngài có những giới hạn của Ngài. Tôi có những giới hạn của tôi. Nhưng sự hiệp thông tâm tình cầu nguyện hy sinh và tình mến cũng như những việc phân định, kiếm tìm nắm bắt lợi ích chung sẽ vượt qua mọi biên giới.

Cho đến hôm nay, hình ảnh giây phút ấy vẫn sâu đậm trong tôi. Đức Thánh Cha một tay chống gậy, một tay ban phép lành cho tôi, rồi gập đầu xuống đi về phòng với những bước nhỏ chậm và thấp. Tôi nhìn Ngài như nhìn Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là hình ảnh một mục tử tốt lành bước theo Đức Kitô dâng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Hình ảnh này sẽ hướng dẫn tôi trong cuộc đời còn lại.

Một thoáng gặp gỡ Đức Thánh Cha đã là một dịp chính Chúa đến với tôi. Một thoáng ấy cho phép tôi nghĩ rằng: Điều cực kỳ quan trọng nơi những người đứng đầu các cộng đoàn tôn giáo bất cứ ở cấp bậc nào chính là đường lối đúng đắn. Một đường lối đích thực Phúc Âm, đáp ứng nhu cầu con người, xã hội và thời điểm là điều Chúa muốn. Với đường lối như thế, họ vẫn là những người bình thường, nhưng không tầm thường. Cái khác thường của họ là uy tín tinh thần, quyền lực thiêng liêng do Thiên Chúa thông ban. Họ làm nên những biến cố tình thương, bởi vì chính bản thân họ xuất hiện như một biến cố lịch sử do Thiên Chúa tình yêu gởi đến. Đời họ là một thoáng lịch sử. Nhiều việc làm của họ cũng chính là một chuỗi những chốc lát. Một thoáng viếng thăm, một thoáng chia sẻ, một thoáng cảm thông. Nhưng có những sự việc chỉ một thoáng thôi đã quyết định cả một cuộc đời.

Bài giảng của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần
dịp lễ Ngân Khánh linh mục Đức Cha Phó Giuse Trần Xuân Tiếu
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 22/08/1999

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2228: BIẾN CỐ VƯỢT QUA


Bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ, dịp Tĩnh Tâm tháng 4/2000

 

Sở dĩ đặt ra vấn đề này vì có ba lý do. Lý do thứ nhất: Tháng Tư này có Tuần Thánh mà Tuần Bùi-Tuần 2228


Sở dĩ đặt ra vấn đề này vì có ba lý do.

Lý do thứ nhất: Tháng Tư này có Tuần Thánh mà Tuần Thánh có hai biến cố vượt qua.

. Biến cố Môsê vượt qua Biển Đỏ để dẫn đưa dân Israel thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.

. Biến cố Chúa Giêsu vượt qua cuộc tử nạn trên Núi Sọ để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Hai biến cố này được công bố trong kinh “Hãy Vui Lên” trong đêm chuẩn bị lễ Phục sinh. Hiểu biết rõ hai biến cố vượt qua này sẽ giúp chúng ta sống ơn gọi của mình.

Lý do thứ hai: Kỷ niệm 30/4 biến cố lịch sử của đất nước và của xã hội địa phương. Nhân dịp này chúng ta cũng nên suy nghĩ về những vượt qua của chúng ta trong ¼ thế kỷ để đi về Nước Trời.

Lý do thứ ba: Những tu đức và mục vụ của chúng ta hôm nay là phải đáp ứng tiếng gọi khẩn cấp của Đức Thánh Cha. Hãy vượt qua những trở ngại để xây dựng thời đại Tân Phúc Âm hoá.

Nội dung chia sẻ gồm hai phần chính:

Phần 1:
Nhân dịp Tuần Thánh suy nghĩ về biến cố vượt qua của ông Môsê và của Chúa Giêsu. So sánh những điểm giống nhau và những điểm khác để giúp chúng ta sống ơn gọi của mình.

Phần 2:
Nhân dịp 30/4 suy nghĩ về những vượt qua của chúng ta trong hành trình đi về Nước Thiên Chúa.

A. Suy nghĩ về hai biến cố vượt qua của Môsê và của Chúa Giêsu:

Những điểm giống nhau: Chúa Giêsu và Môsê, cả hai cùng đã vượt qua đêm hãi hùng.

1. Đêm hãi hùng của Môsê: Sách Xuất Hành thuật lại đêm hãi hùng của Môsê khi vượt qua Biển Đỏ. Đêm đó Môsê đang cùng với hơn một triệu dân Israel cắm lều bên bờ Biển Đỏ để tìm lối trở về Canaan. Bỗng dưng đại quân hùng hậu của Ai Cập đuổi theo: 600 xe ngựa chở súng đạn, gươm giáo và vô số binh lính thật đáng sợ. Dân Israel hoảng loạn quay ra oán trách Môsê. Kinh Thánh ghi lại lời than trách: “Chúng tôi đã bảo ông rồi, cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập. Thà làm nô lệ Ai Cập còn hơn là chết trong sa mạc (Xh 14,..) Rõ ràng là một cái đáng sợ đối với Môsê. Môsê đứng trước hai bên: Một bên là ý muốn của Aharôn bắt ông phải trở về Ai Cập và đó cũng là ý muốn của dân Israel, nghĩa là trở về làm nô lệ nhưng được an thân. Một bên là ý muốn của Chúa nghĩa là phải đi về phía tr1 giải thoát dân khỏi ách nô lệ. Nhưng nếu đi về phiá trước thì đầy mạo hiểm và bất ổn. Một bên thì lực lượng Pharaô hùng hậu. Một bên chỉ có Môsê cô đơn. Đứng trước hai bên phải chọn, Môsê rất xao xuyến hãi hùng.

2. Đêm hãi hùng của Chúa Giêsu: Bốn Phúc Âm cùng đồng loạt thuật lại đêm kinh hoàng của Chúa Giêsu trước khi vượt qua cuộc tử nạn. Các thượng tế, binh sĩ đều quyết tâm trử khử Chúa Giêsu và trừ khử một cách bạo tàn. Họ rầm rộ kéo quân đến bắt Người. Các môn đệ đều bỏ trốn Người. Đó là điều làm cho Chúa Giêsu hoảng sợ. Chúa Giêsu cũng đứng trước hai bên phải chọn một. Một bên nếu muốn an thân phải trở về quy phục ý kiến các lãnh đạo tôn giáo và cũng là chủ trương của các môn đệ. Còn một bên là phải đi về phía trước vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha. Nhưng đi về phiá trước thì đầy mạo hiểm và bất ổn. Đứng trước tình thế đó Chúa Giêsu rất hãi hùng, xao xuyến. Kinh Thánh đã kể lại Người hoảng sợ lo buồn đến nỗi mồ hôi và máu đã đổ ra.

So sánh điểm giống nhau:

Điểm thứ nhất: Chúa Giêsu và Môsê cả hai trong đêm kinh hoàng đã cầu nguyện tha thiết với tất cả tâm hồn.

Điểm thứ hai: Sau khi cầu nguyện cả hai đều có quyết định dứt khoát cực kỳ cô đơn. Môsê nhất định vâng phục theo ý Chúa bất chấp ý kiến Aharôn và toàn dân Israel. Còn Chúa Giêsu nhất định cương quyết vâng theo thánh ý Chúa Cha, bất chấp ý của thượng tế và các môn đệ.

Điểm thứ ba: Dù trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nào, Môsê và Chúa Giêsu vẫn hành động. Hành động của Môsê là can đảm bước xuống biển. Cầm gậy rẽ nước ra. Hành động của Môsê là khuyên dân hướng lòng tin theo và từng bước Môsê làm theo lời Chúa chỉ bảo.

Đức Kitô cũng vậy, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn Ngài vẫn hành động. Hành động của Đức Kitô bằng đôi mắt. Người đã nhìn Phêrô và Phêrô đã ăn năn sám hối. Hành động của Đức Kitô là Người dùng lời an ủi. Người đã an ủi các phụ nữ khóc Người trên đường vác thập giá. Hành động của Đức Kitô là cầu cho kẻ thù: “Xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết”. Hành động của Đức Kitô là lời hứa thiên đàng cho kẻ trộm bên hữu. Hành động của Đức Kitô là trối Đức Mẹ cho ông thánh Gioan. Hành động của Đức Kitô là phó thác niềm tin, trông cậy nơi Chúa Cha: “Con xin phó linh hồn con trong tay Cha”. Như vậy trong hoàn cảnh hầu như  không thể làm được mà Đức Kitô vẫn làm được. Từ con mắt, từ miệng lưỡi, từ thái độ.

Chúng ta thấy rằng trong bất cứ hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nào chúng ta phải theo gương Đức Kitô, vẫn làm được nhờ vào sức thiêng, nhờ vào nội tâm đầy quyền năng của Chúa.

Những điểm khác nhau:

Khác nhau về mục đích: Mục đích vượt qua Biển Đỏ của Môsê là giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập để đi vào đất hứa Canaan. Mục đích này có hướng chính trị rõ rệt. Còn mục đích của Đức Kitô là giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi để đi vào Nước Thiên Chúa. Đó là hướng chung về Nước Trời.

Khác nhau giữa số người đi theo: Đi theo Môsê lúc vượt qua là cả dân Israel. Điều đó thấy được, đếm được. Còn đi theo Đức Kitô lúc vượt qua cuộc tử nạn không có mấy người. Nhưng thật sự có cả đám đông các tâm hồn trong các thế hệ cho đến hôm nay, cho đến tận thế họ vẫn nối tiếp nhau vượt qua với Đức Kitô. Nghĩa là cuộc vượt qua của Đức Kitô vẫn còn tiếp diễn.

Khác nhau về sự sống: Sau biến cố vượt qua Biển Đỏ ít năm sau Môsê đã chết và được an táng trên núi. Còn Đức Kitô sau vượt qua đã sống lại và vẫn ở giữa chúng ta. Người đang giúp chúng ta thực hiện việc vượt qua riêng của mỗi chúng ta. Như vậy Đức Kitô đã sống lại để cùng chúng ta vượt qua.

Vài hình ảnh Đức Giêsu sống lại giúp các môn đệ vượt qua.

. Đức Kitô đã giúp Maria Mađalêna vượt qua cơn tuyệt vọng đau đớn khi bà khóc bên mộ trống.

. Đức Kitô đã cứu Phêrô và Gioan vượt qua cảnh sợ hãi nguy cập.

. Đức Kitô đã cứu hai môn đệ trên đường Emmau vượt qua tâm trạng tối tăm, chán nản.

Trong các trường hợp đó chúng ta thấy Đức Kitô Phục sinh giúp họ vượt qua những đêm tăm tối của từng người theo thời giờ và theo cách của Người chứ không theo thời giờ hay theo các họ muốn. Chẳng hạn khi hiện ra với Mađalêna, Đức Kitô không xưng danh mình mà Người hỏi: “Con tìm ai?”. Khi gặp hai môn đệ Người không nói ngay Người là ai mà Người lên tiếng hỏi han họ, lắng nghe rồi sau đó Người mới lên tiếng.

Đức Kitô cứu họ theo kiểu cách của Người. Không vội vã, không phô trương, nhưng có chút tình và đòi hỏi sự cộng tác của người được cứu. Khi cứu các môn đệ khỏi sợ hãi, Đức Kitô nói: “Về nói với họ, Thầy trở về Galilê và ở đó sẽ gặp Ta”. Nghĩa là đòi hỏi phải có sự cộng tác và phải có sự chuẩn bị. Bắt họ phải chuẩn bị, bắt họ phải đi vào con đường đón nhận, tìm kiếm.

Từ một thoáng nhìn hai biến cố vượt qua trên, có thể giúp chúng ta sống ơn gọi của mình. Bởi vì ơn gọi của chúng ta đòi hỏi rất nhiều vượt qua.

B. Nhân kỷ niệm 30/4 biến cố lịch sử của đất nước, chúng ta suy nghĩ về vượt qua của chúng ta.

Chúng ta không nói về vượt qua trong lĩnh vực chính trị, chỉ xin nói về lĩnh vực Nước Thiên Chúa. Vậy Nước Thiên Chúa được hiểu như thế nào?

Nước Thiên Chúa được hiểu là sự quyền năng Thiên Chúa đến trong các tâm hồn và được các tâm hồn đón nhận. Nhờ đó họ sống theo cái hướng trở về cùng Chúa Cha trên trời.

Khi nào gọi là Nước Thiên Chúa đến? Khi quyền năng Thiên Chúa đến trong các tâm hồn và được các tâm hồn đón nhận.

Tìm hiểu về Nước Thiên Chúa trên tôi thấy từ 30/4/75 đến nay quyền năng Thiên Chúa đã đến trong lòng nhiều tâm hồn và nhiều tâm hồn đã đón nhận quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã giúp họ thực hiện được nhiều cuộc vượt qua quan trọng để đi về với Cha trên trời. Chúng ta cần nắm vững ý nghĩa của Nước Thiên Chúa và quyền năng của Thiên Chúa.

Với cái nhìn như vậy tôi thấy trải qua ¼ thế kỷ trong đất nước, trong địa phận, trong giáo xứ. Chúng ta thấy đúng là quyền năng của Thiên Chúa đã đến trong nhiều tâm hồn. Nhiều tâm hồn đã đón nhận quyền năng. Quyền năng đó đã giúp họ thực hiện nhiều cuộc vượt qua. Cuộc vượt qua đó đã có hướng đi về Nước Cha trên trời.
Những cuộc vượt qua quan trọng đáng nói ở đây: Vượt qua hận thù, vượt qua nghi kỵ, vượt qua thành kiến, vượt qua những cơ chế khép kín đố kỵ để nhìn mọi người là anh em của Cha trên trời, có quyền được kính trọng, yêu thương và phục vụ như Đức Kitô đã làm gương trong Phúc Âm, nhất là trong biến cố vượt qua của Người.

Biến cố vượt qua rõ rệt trong 25 năm qua nghĩa là quyền năng của Thiên Chúa đã đến với các tâm hồn. Đó là quyền năng yêu thương xoá hận thù, xoá nghikỵ, xoá thành kiến, xoá cái nhìn khép kín và giúp họ nhìn mọi người như Đức Kitô, nhìn mọi người là anh em, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt họ là ai.

Khi nhìn mọi người là anh em cùng Cha trên trời thì người đó được quyền kính trọng, được yêu thương và được phục vụ nư Chúa Giêsu đã làm gương trong biến cố vượt qua của Người. Thực tế cho ta thấy hận thù, nghi kỵ, thành kiến, ích kỷ rất lớn, rất sâu. Nó là một trở ngại rất khó vượt qua, nhất là khi nó làm trở ngại tập thể. Nói như thế để ta thấy cái vượt qua nhờ ơn Chúa này rất lớn. Quyền năng Thiên Chúa đã ở trong lòng nhiều người vượt qua được trở ngại đó và họ có cảm nghiệm là mình đã vượt qua một đêm hãi hùng.

Hơn 20 năm qua chúng ta thấy vượt qua được hận thù, nghi kỵ, thành kiến, ích kỷ để có một cái nhìn về Đức Kitô bao dung, yêu thương thì không dễ dàng đâu. Nhưng đó là sự vượt qua nhiều đêm kinh hoàng. Nay người vượt qua đó đã trở thành những chứng nhân của Tin Mừng, của Phục sinh, của những người gieo rắc hoà bình.

Đấy là kết quả ta thấy được. Thêm một kết quả nữa là nhờ sống gần những nhân chứng đó, nhiều người trước đây không hiểu đạo, không hiểu Chúa, không hiểu Hội Thánh đã hiểu được. Họ đã có một cái nhìn thiện cảm hơn với đạo, với Chúa, cũng nhờ họ tiếp cận hơn với những chứng nhân tình thương. Chúng ta thấy một xã hội mới đang hình thành, cũng là nhơ những chứng nhân tình thương sống làm men tình thương giữa xã hội hôm nay. Đấy là một cuộc vượt qua hận thù, nghi kỵ, thành kiến để vào Nước Thiên Chúa, một Nước Trời coi mọi người như anh em.

Cái vượt qua thứ hai đó là vượt qua những tính trì trệ, tính tự mãn, tính an nhàn ỷ lại để phấn đấu xây dựng một thời điểm mới. Một thời đại mang tên là thời đại phát triển. Trong đó chủ yế là phát triển cầu nguyện nên tạo vật  mới. Đây là cái vượt qua hầu như trong chính chúng ta. Nếu thực sự chúng ta không làm thì chúng ta sẽ bị sụp đổ. Ai cũng gọi bây giờ là thời đại phát triển cả đạo cả đời. Quyền năng của Chúa đến với từng người chúng ta, cùng cộng đoàn giúp chúng ta vượt qua được. Thực tế cho ta thấy cái tính trì trệ, tự mãn, an nhàn, ỷ lại là những trở ngại rất lớn, rất nặng nhất là khi nó là trở ngại tập thể. Cả một tập thể như thế thì không muốn phấn đấu. Chúng ta những người làm mục vụ rất hiểu điều này. Chính trong đời sống tu đức của chúng ta cũng vậy, nó rất lớn. Nhưng nhờ có quyền năng Thiên Chúa trong các tâm hồn mà nhiều người đã vượt qua được những trở ngại đó.

Họ đã vượt qua với cảm nghiệm như vượt qua những đêm kinh hoàng, những đêm cô đơn, muốn vượt qua nhưng tập thể của chúng ta không muốn. Nó muốn kéo mình trì lại. Một mình phải ra đi, một mình phải chọn lựa. Đó là những đêm kinh hoàng, những đêm cô đơn. Hôm nay chúng ta thấy kết quả nhiều người đã trở thành những chứng nhân của phát triển, một phát triển đúng đắn. Đặt biệt là phát triển con người để nên tạo vật mới với chiều kích nhân bản, chiều kích tri thức, chiều kích đạo đức, chiều kích thiêng liêng. Chúng ta nhận thấy hiện nay trong giáo phận ta, trong Hội Thánh ta đang thành hình vợi một nội dung, một Hội Thánh phát triển với những con người mới đang phát triển. Xã hội chúng ta cũng hiện ra như một xã hội đang phát triển với những con người nên tạo vật mới, nội dung mới và trong phát triển đó có sự đóng góp của chúng ta, những nhân chứng của phát triển nhờ quyền năng của Thiên Chúa đến trong chúng ta và được chúng ta đón nhận. Với cái đà phát triển đúng đắn của Chúa Phục sinh thì chúng ta cũng đi trên con đường trở về với Cha trên trời.

Bây giờ đến một cuộc vượt qua nữa cũng làm chứng là quyền năng Thiên Chúa đến trong chúng ta. Đó là vượt qua cái lối sống đạo hình thức hoá, nghi thức hoá, luật lệ hoá để đi vào lối sống đạo đức thực sự là Phúc Âm hoá, Kitô hoá. Có một thời cái lối sống đạo của chúng ta có thể gọi là hình thức hoá, là nghi thức hoá, luật lệ hoá. Từ ¼ thế kỷ vừa qua ta thấy nhiều nơi có hướng thanh luyện lại để đi vào một lối sống đạo thực sự là Phúc Âm hoá, Kitô hoá, nghĩa là đi vào cốt lõi của đạo, căn bản của đạo.

Nếu thực tế lối sống đạo chỉ còn là hình thức, chỉ còn là nghi thức, chỉ còn là luật lệ thì đó là một gánh nặng, một thoái hoá và là một trở ngại rất lớn trong việc canh tân đạo nhất là trong một tập thể thì càng là trở ngại rất lớn, chúng ta đã có kinh nghiệm đó khi làm mục vụ. Đổi được lối sống đạo cũ rất khó. Thế nhưng quyền năng Thiên Chúa trong tâm hồn đến với chúng ta thì nhiều người vượt qua được cái trở ngại đó để đi vào lối sống Phúc Âm hoá đích thực. Vậy thế nào là lối sống Phúc Âm hoá? Thưa là trở về căn tính của người công giáo. Căn tính của người công giáo là Kitô hữu, là có Đức Kitô trong lòng mình. Đơn giản vậy thôi. Mặc dù chúng ta có lòng sùng kính Đức Mẹ, thánh Giuse, các Thánh, nhưng chí hướng căn bản để chúng ta tập trung vào Đức Kitô là căn tính của chúng ta “Tôi sống nhưng không phải tôi sống nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”.

Sự trở về Phúc Âm hoá là trở về những đặc tính của người môn đệ Đức Kitô. Đặc điểm của người môn đệ Đức Kitô là đi theo Đức Kitô, có vậy thôi. Đồng thời phải có những tâm tình với Đức Kitô, có một phán đoán như Đức Kitô, có một thao thức như Đức Kitô và cứ đi theo Đức Kitô. Thế mới là cảm nghiệm đúng. Nếu chúng ta đi theo ông thánh này, bà thánh kia thì thực sự cũng đúng. Nhưng chúng ta phải đi theo con đường đúng hơn, đúng nhất, đặc biệt của người môn đệ Đức Kitô là đi theo Đức Kitô. Vậy thế nào là Phúc Âm hoá? Thưa là sống ơn gọi người công giáo, sống ơn làm con Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô. Đó là những ơn gọi căn bản nhất trước khi có những ơn gọi phiá sau.

25 năm nay chúng ta thấy nhờ những biến cố vượt qua về chính trị làm cho chúng ta đau đớn, ta muốn trở về với những căn cốt của Phúc Âm. Trở về như vậy là phải bỏ qua nhiều chuyện lắm. Chúng ta đã vượt qua và nay nhiều người trong chúng ta đã trở thành nhân chứng của đổi mới, nhân chứng của phát triển, nhân chứng của tình thương giúp cho Hội Thánh của điạ phương có một bộ mặt,  một bộ mặt được trân trọng. Qua cái vượt qua này sẽ làm cho chúng ta suy gẫm làm sao chúng ta trở nên những nhân chứng của những cuộc vượt qua khó khăn đó?

Bây giờ đến vượt qua sau cùng rất quan trọng, rất khó khăn, thường ngày nhất, tinh vi nhất. Đó là vượt qua các cám dỗ Satan, bỏ qua ý riêng để luôn tìm thực thi ý Chúa. Theo tôi thì hiện nay vượt qua này là một thách đố lớn. Thực sự Satan là có thật hoàn toàn không phải bịa đặt. Hành động của Satan rất mạnh, quân quốc của Satan rất đông. Satan hăng say phá Nước Thiên Chúa hơn ta hăng say phát triển Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta không tỉnh thức, chúng ta sẽ thấy điều đó. Kinh Thánh nói chúng không ngừng phá phách Hội Thánh, phá Nước Thiên Chúa khi môn đệ Đức Kitô ngủ say. Xưa kia ma quỉ hay ám vào xác ng1. Nhưng nay thì ma quỷ hay ám vào một số cơ năng của con người một cách rất tinh vi, ám vào trí khôn, trí nhớ, ý muốn, tình cảm của cầu nguyện và cai trị ở đó, ngự trị ở đó.

Mục đích chính của Satan là gì? Thường thì không xuí giục ta phạm tội mà chúng xuí giục ta làm sai kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đi theo ý riêng chúng ta là làm sai kế hoạch của Chúa. Chúng ta thấy như trường hợp của thánh Phêrô đã ngăn cảm Đức Kitô đừng dấn thân vào con đường tử nạn. Đó là một việc xem như không có tội gì, nhưng Đức Kitô đã quay lại mắng: “Satan hãy lui ra”. Đề cao ý riêng mình, làm sai kế hoạch cứu độ của Cha trên trời đó chính là đi theo Satan.

Công việc của Satan dùng chính là những lý do mang vẻ đạo đức. Phương tiện Satan dùng chính là những người dạy dỗ tôn giáo. Như trong trường hợp Chúa Kitô, các thượng tế đã viện lý do bênh vực đạo để kết án Đức Kitô chứ không phải là lý do tội lỗi và dùng ngay chính các thượng tế chứ không phải là dùng quyền người đời. Trong Phúc Âm chúng ta thấy Đức Kitô thường nói về việc ăn chay, bố thí. An chay là một việc đạo đức nhưng làm vì phô trương, ma quỉ dùng chính việc đạo đức để phá huỷ đạo đức. Phương tiện Satan dùng rất tinh vi, nội dung Satan gieo rắc rất đa dạng: gieo rắc sự kiêu căng, tự mãn, hưởng thụ, ích kỷ, hẹp hòi, chia rẽ, ngại sửa mình, ngại hồi tâm, ngại học hành, ngại từ bỏ... rất đa dạng. Nó gieo rắc vào các cơ quan nội tâm của ta.

Trên đây là những trở ngại rất lớn, rất tinh vi thường diễn ra trong Hội Thánh, trong các nhà dòng, các bậc tu trì, trong chính chúng ta. Thế nhưng với quyền năng Thiên Chúa vào trong các tâm hồn nhiều người vượt qua những cơn cám dỗ đó và họ đã trở thành nhân chứng của sự tự do, tự do của con cái Chúa không bị ràng buộc bởi ách nô lệ tội lỗi Satan. Như vậy ta thấy rằng cuộc vượt qua này những người đón nhận quyền năng Thiên Chúa vào tâm hồn họ trở nên nhân chứng của tự do, của phát triển, của sự cứu độ Đức Kitô.

Sau khi trình bày 4 cuộc vượt qua, tôi thấy có mấy xác tín sau đây:

1. Bốn cuộc vượt qua vừa được kể lại rất đúng ý Chúa, hợp ý Chúa.

2. Ai có bốn cuộc vượt qua này là có bốn dấu chỉ chắc chắn làm chứng quyền năng Thiên Chúa đã đến trong họ, ngự trị và hoạt động trong họ. Đại khái là ai cứ nhìn bốn dấu chỉ đó thì biết rằng Nước Thiên Chúa có ở trong họ không. Chúng ta cũng nhìn qua bốn dấu chỉ đó thì thấy quyền năng Thiên Chúa có ngự bên trong chúng ta không, có hoạt động, có chiếm đoạt chúng ta không và do đó biết được chúng ta có Nước Trời trong lòng chúng ta hay không.

3. Những cuộc vượt qua đó đầy khó khăn. Những khó khăn đó như: đêm tối hãi hùng, cô đơn, sợ hãi vì giao tranh rất lớn. Bằng chứng là những người đi vào Nước Thiên Chúa với quyền năng của Thiên Chúa là luôn luôn phải phấn đấu, mà phấn đấu vì niềm tin thì rất khó khăn.

4. Những cuộc vượt qua trên đây có thể thực hiện được một là nhờ sức thiêng từ Chúa ban, hai là nhờ sức thiêng trong tâm hồn đón nhận ơn Chúa chứ không phải nhờ sức riêng mình, hay nhờ công việc bề ngoài, ba là nhờ sức tiêng từ Hội Thánh Chúa nâng  đỡ chúng ta. Nhờ sức thiêng nội tâm đã được biến đổi. Nhờ sức thiêng Thiên Chúa biến đổi.

Để kết tôi xin chia sẻ một ý nghĩ đã trở thành một hướng đi 25 năm cuộc đời tôi. Suy nghĩ vắn tắt thế này: Ơn gọi của con người nói chung, ơn gọi của các môn đệ nói riêng là “Hãy vượt qua”. Hãy vượt qua hôm nay để tiến vào ngày mai. Hãy vượt qua con người cũ để mặc lấy con người mới. Hãy vượt qua quãng đường cũ để đi về phiá trước. Hãy vượt qua thời điểm naỳ để đi vào thời điểm mới. Phải khẳng định ơn gọi của mỗi người nói chung đều là vượt qua. Nếu trì trệ, nếu đứng lại là hư không. Ngành nào cũng thế, chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, nếu mình không vượt qua cái đã có, cố gắng có những cái mới thì chúng ta bị thoái hoá. Vì thế mọi người được sống trong ơn gọi phải vượt qua. Riêng một môn đệ Đức Kitô thì vượt qua có tính cách sâu hơn là “Hãy đi về Nước Thiên Chúa”.

Vượt qua như vậy đòi hỏi từ bỏ và sáng tạo nhiều lắm. Chúng ta hãy nhìn vào đất nước có những thanh niên đã từ bỏ nếp sống cũ để đi vào phiá trước có nhiều sáng tạo mới. Vậy chúng ta phải từ bỏ gì và sáng tạo gì?  Riêng tôi trong chương trìh người môn đệ Đức Kitô thì tôi  phải lắng nghe Chúa hơn. Chúa dạy tôi bằng Lời Chúa, bằng gương đời sống của Chúa, bằng các dấu chỉ của thời đại. Nghĩa là phải học hỏi Lời Chúa trong Phúc Am, phải chiêm ngắm đời sống gương mẫu của Đức Kitô Ngài đã làm gi. Phải nghe tiếng Chúa giục trong các dấu chỉ của thời đại.

Địa phương mình hôm nay có những rắc rối đầy mờ ám. Theo tôi thì phải tìm ra sáng tạo và sức mạnh. Môsê và Đức Kitô cả hai đã phải trải qua những thử thách, những đêm hãi hùng, những đêm phấn đấu cô đơn. Trong lúc phấn đấu phải cầu nguyện hết sức mình. Phải cậy trông vào Chúa tuyệt đối rồi phải cố gắng hành động mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn. Thế là những bàihọc vượt qua cũ trở nên bài học cho những vượt qua mới.

Qua hai bài học vượt qua trong Hội Thánh tôi thấy việc chúng ta gặp khó khăn, dân chúng gây khó khăn cho chúng ta là chuyện bình thường. Dân Do Thái gây khó khăn cho Môsê, dân Israel gây khó khăn cho Đức Kitô cũng là chuyện bình thường. Môsê gặp kki nơi những người theo mình, Đức Kitô gặp khó khăn nơi các môn đệ. Cơ chế đời đạo gây khó khăn cho ta như cơ chế đạo lúc bấy giờ gây khó khăn cho Môsê và Đức Kitô. Satan, xác thịt gây khó khăn cho ta, không bao giờ ma quỉ vui lòng giúp chúng ta vào Nước Trời, luôn luôn chúng gây khó khăn cho ta. Phải nói được là chuyện gặp khó khăn là rất bình thường. Vì thế ta phải cố gắng vượt qua để đi về Nước Cha trên trời.

Qua những bài học của Môsê và Đức Kitô thì chúng ta thấy phải vượt qua bằng sức mạnh Thiên Chúa, sức mạnh từ trong tâm hồn đón nhận ý Chúa. Nghĩa là khi chúng ta đã chấp nhận tuân theo ý Chúa thì tâm hồn chúng ta có sức mạnh, mặc dù có thể chúng ta đang rất cô đơn nhưng lạ lùng lắm khi chúng ta thuận theo ý Chúa thì chúng ta có sức mạnh. Phải vượt qua bằng sức mạnh nhờ việc hiệp thông với Hội Thánh Chúa. Trong Hội Thánh cũng có những phần tử xấu sai lầm nhưng có Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy vượt qua. Đó là chúng ta đã thực thi ơn gọi của chúng ta, nhất là trong giai đoạn này còn kết quả thế nào là chuyện của Chúa. Chúng ta cứ cố gắng vượt qua trong phó thác và trong tạ ơn. Tôi hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp cho mỗi người chúng ta và các cộng đoàn chuẩn bị mừng kỷ niệm 30/4 và Phục sinh có ý nghĩa.

------------------------------

 

Bùi-Tuần 2229: THỜI ĐIỂM ĐỀ CAO TIN MỪNG TÌNH YÊU THIÊN CHÚA


Bài nói chuyện của Đc. GB. Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ, dịp Tĩnh Tâm tháng 6/2000

 

Gọi tháng 6 là thời điểm mục tiêu đề cao Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa là vì những lý do Bùi-Tuần 2229


Gọi tháng 6 là thời điểm mục tiêu đề cao Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa là vì những lý do sau:

Lý do thứ nhất: Suốt tháng 6 được dành trọn cho việc kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Lý do thứ hai: Tháng 6 có những lễ lớn nhắc lại sự Thiên Chúa mạc khải về chính Ngài là tình yêu; lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống; lễ này chúng ta thường gọi là Thánh Thần tình yêu; lễ Chúa Ba Ngôi mạc khải Thiên Chúa là tình yêu; lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu mạc khải tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô hiến tế mình đền tội cho nhân loại. Tháng 6 còn có những lễ kính nhớ những chứng nhân cột trụ của tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Gioan Baotixita chứng nhân tình yêu Thiên Chúa: Suốt đời giảng sự thống hối để dọn đường cho tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô Đấng đến để gánh tội trần gian.

Lễ thánh Phêrô chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Một tình yêu người con hiếu thảo luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha đến nỗi chịu chết trên cây thánh giá. Ngài đã sống sứ mạng chứng nhân bằng cách xây dựng những cộng đoàn tình yêu.

Lễ thánh Phaolô tông đồ nhân chứng tình yêu Thiên Chúa. Biến đổi một con người tội lỗi, bắt đạo trở nên người mến Chúa, loan truyền đạo mới. Ngài đã sống sứ mạng người chứng nhân bằng cách luôn luôn giảng về Đức Kitô dấn thân đi giảng đạo cho những người lương dân.

Lý do thứ ba: Tháng 6 này có nhiều lễ kỷ niệm truyền chức. Truyền chức linh mục, lễ mở tay linh mục mới, nhiều lễ kỷ niệm khấn dòng. Đây là những dịp đặt ra cho những đương sự câu hỏi: Mình đã hứa với Chúa, mình có cố gắng sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa không? Có cố gắng đào tạo mình nên tạo vật mới giống mô hình Đức Kitô là tình yêu Thiên Chúa không? Nhất là có làm cho mình trở nên của lễ sống động dâng hiến tình yêu Thiên Chúa không? Trong những dịp kỷ niệm này đặt ra cho mình những câu hỏi ấy nhắc lại sự giao ước của mình với Thiên Chúa.

Nội dung bài chia sẻ hôm nay gồm 3 phần:

Phần 1: Một số nhận thức căn bản về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta.
Phần 2: Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng những lãnh vực khác.
Phần 3: Tạo dựng bầu khí tình yêu Thiên Chúa.

A. Phần 1:
Nhận thức về tình yêu Thiên Chúa: Khi chúng ta suy tôn tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, chúng ta nên đánh thức 3 nhận thức sau đây.

1. Chúa yêu thương ta trước: Điểm này có nhiều đoạn trong Kinh Thánh. Chẳng hạn của thánh Gioan đoạn 4 câu 8: “Không phải chúng ta đã yêu Chúa. Nhưng chính Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con mình đến với chúng ta”.

Cũng trong chiều hướng đó thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ephês6o đoạn 1 câu 4 ngài viết: “Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi tạo dựng vũ trụ trong tình yêu và đã tiền định chúng ta nên con cái, được nhận trong Chúa Kitô”.

Chúa yêu thương chúng ta trước. Mà trước đó là cái gì? Thưa là trước khi tạo dựng thế gian Chúa đã chọn chúng ta nên con cái Chúa. Trong bài hát lúc nãy có nhắc tới ý này “Chúa yêu con từ thuở đời đời”.

Trong thư gởi giáo đoàn Rôma đoạn 5 câu 4 thánh Phaolô viết: “Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta ở chỗ Đức Kitô đã chết cho chúng ta, đang khi chúng ta còn trong tội lỗi”.

Những chi tiết này khai triển cái nhìn về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu ta trước khi tạo thành vũ trụ. Người yêu ta khi ta còn trong tội lỗi. Cái nhận thức rất cần để chúng ta xác định một lần: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng không”. Nghĩa là không phải vì chúng ta đạo đức hay là vì chúng ta là người công chính, hay là chúng ta làm được việc lành này, việc thánh kia. Cái nhận thức này giúp chúng ta nuôi niềm trông cậy.

Khi chúng ta lỗi lầm, yếu đuối, chúng ta vững tin Chúa vẫn thương ta. Ngài thương ta khi ta còn trong tội lỗi. Về điểm này, trong thư thứ 2 gởi Timôtê đoạn 2 câu 8 đã nhắc lại: “Nếu chúng ta bất trung thì Chúa vẫn trung thành. Bởi vì Người không thể tự từ chối chính mình. Bởi vì Ngài là tình yêu”.

Tất cả những quan niệm  này sẽ giúp chúng ta sống tu đức với chính bản thân mình và áp dụng mục vụ đối với những người khác, mặc dầu chúng ta thấy họ yếu đuối, tội lỗi, bất trung.

2. Chúa yêu thương  chúng ta trước: Chúa yêu thương  chúng ta trước. Nhưng tình yêu đó mong đợi chúng ta đáp lại. Tư tưởng này được nhận ra trong Kinh Thánh rất nhiều lần và đã được hình thành hóa trong sách Khải Huyền đoạn 3 câu 20: “Ta đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở thì Ta sẽ vào và ở lại trong người đó”. Nhận thức này cho chúng ta hiểu rằng tình yêu Thiên Chúa không phải là tình yêu một chiều mà là tình yêu hai chiều. Ngài yêu ta và Ngài đòi hỏi ta phải đáp lại. Ngài đến, chúng ta hãy đón Ngài. Ngài gõ, chúng ta hãy mở cửa lòng. Ngài ở lại, chúng ta đừng xua đuổi Ngài ra. Ngài trình bày thánh ý của Ngài về chúng ta, về Hội Thánh, chúng ta phải chấp nhận thánh ý của Ngài. Nghĩa là tình yêu đòi hỏi chúng ta phải đáp trả. Tình yêu Thiên Chúa không áp đặt mà trông đợi mình đáp lại.

Về điểm này, chúng ta có thể nhận ra bằng những cảm nghiệm khi chúng ta đón nhận Chúa, khi chúng ta nghe Chúa, khi chúng ta mở cửa lòng và vâng phục thánh ý Chúa trong tình yêu. Có 3 cảm nghiệm sau để chúng ta biết chúng ta có đáp lại tình yêu Thiên Chúa hay không.

a. Cảm nghiệm 1:
Người đáp lại tình yêu Thiên Chúa và lắng nghe tình yêu Chúa sẽ cảm thấy đời mình có ý nghĩa, cảm thấy đời mình có hướng đi. Có ý nghĩa vì tôi được nâng lên làm con Thiên Chúa. Cho nên, dù tôi là Gương mẫu, linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Dù tôi đau buồn, dù tôi vui sướng, dù tôi bệnh hoạn, dù tôi khỏe mạnh nhưng quan trọng nhất là đời tôi lúc nào cũng có ý nghĩa. Ý nghĩa đó là tôi sống thân phận là con Thiên Chúa. Đây là một hạnh phúc lớn. Niềm hạnh phúc này chỉ có những người đáp trả tình yêu mới cả nhận được.

Đời tôi có hướng đi, hướng đi rất rõ, hướng đi này chúng ta có cảm nhận được như là một hạnh phúc, hướng đi đó là đi về với Chúa Cha, và hướng đi đó làm cho mình hạnh phúc. Dù trên giường bệnh, trong cảnh nghèo, lúc cô đơn, mình vẫn cảm thấy đời mình có ý nghĩa vì mình có một hướng đi đúng đắn và mình cảm thấy sung sướng.

b. Cảm nghiệm 2:
Mô hình đi về với Chúa Cha là Đức Kitô rất rõ ràng trong bản thân những người đón nhận tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa đã mạc khải với Đức Kitô. “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”. Cho nên ta cứ bám vào Đức Kitô làm gương mẫu. Đã biết là đi về nhà Chúa nhưng đi về bằng cách nào? bước sau cùng sẽ đi về đâu? Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Con đường hạnh phúc, mình phải đi tìm.

c. Cảm nghiệm 3:
Đời mình có ý nghĩa, có hướng đi, có mô hình, có người dẫn đi. Nhưng có ánh sáng nào soi dẫn cụ thể. Thưa ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Những người đã sống trong tình yêu Thiên Chúa thì cảm thấy rất rõ. Chẳng hạn như lúc này đây, chúng ta đang chia sẻ với nhau, người có tình yêu Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh sẽ nắm bắt được tín hiệu Chúa gởi đến cho mình qua những chia sẻ. Mỗi người nhận được tín hiệu khác nhau tùy theo tình trạng tâm hồn của mình qua Chúa Thánh Linh.

Như vậy chúng ta mới thấy rằng: Sự đáp trả tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi bản thân phải rất sống động, phải đáp lại, phải lắng nghe.

3. Nhận thức 3:
Trên thực tế có sự khác biệt về sự đón nhận tình yêu Thiên Chúa. Khác biệt từ cá nhân này đến cá nhân kia. Có khi khác biệt ngay trong mỗi một người. (Thời điểm này mình xa Chúa, thời điểm kia lại đón nhận Chúa). Về điểm này chúng ta không thiếu những kinh nghiệm. Bởi vì ngay trong Phúc Âm chúng ta thấy có những gương từ chối tình yêu Thiên Chúa. Chẳng hạn như những thầy thượng tế, những vị quan lại, những nhà luật sĩ. Họ không đón nhận được tình yêu Thiên Chúa đến với họ. Trong khi đó, những người thu thuế, những gái lầu xanh, những kẻ vô đạo lại đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Những hình ảnh ấy cũng đang tái diễn lại trong Hội Thánh hôm nay. Đây là một điều đáng sợ. Cá nhân này đón nhận, cá nhân kia không. Ngay trong một cá nhân cũng có lúc đón nhận, cũng có lúc không. Chẳng hạn như Giuđa hay một số người, trước thì đón nhận Chúa, sau lại hư hỏng. Còn Saolê trước không biết Chúa, sau lại đón Chúa. Có sự khác nhau. Vì thế ta thấy rằng không có gì thất bại đau đớn và gây ảnh hưởng đời đời cho chúng ta, cho những người thất bại về tình yêu Thiên Chúa, khi chúng ta không đón nhận tình yêu Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta tránh được thất bại? Hoặc dẫu chúng ta đón nhận nhưng chúng ta không đáp lại. Câu trả lời này nằm ở câu Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha vì đã giấu điều này cho những người thông thái và khôn ngoan mà chỉ mạc khải cho những người bé mọn”.

Chià khóa để đón nhận tình yêu Thiên Chúa là sự bé mọn, khiêm nhường. Chúa muốn mình có một thái độ khiêm nhường, bé mọn để đón nhận mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa.

Có 2 cách sau đây mà việc tu đức cần cho chúng ta.

a. Cách 1: Chúng ta phải cầu nguyện, phải hồi tâm, phải đi vào thinh lặng. Nhưng mà cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu không nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ không biết cầu nguyện. Cho nên, để được trở nên bé mọn khiêm nhường mình phải nhờ Chúa Thánh Thần mà cầu nguyện. Cầu nguyện trong sự hồi tâm, trong thinh lặng.

Tôi có cảm nghiệm này cũng là một việc. Chẳng hạn khi tôi dâng thánh lễ, áo mão Gương mẫu ngồi trên tòa cao, tôi cảm thấy tôi cầu nguyện cách chân thật. Nhưng khi tôi trở về phòng, trước khi ngủ, sau khi thức dậy, tôi quì xuống dan tay cầu nguyện đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kính Sáng Danh rất thanh thản. Bất chợt mình cảm thấy bình an. Chúa đến với mình theo từng lời nguyện, mình cảm nghiệm thực sự có tình yêu Chúa đến với mình. Bấy giờ mình khiêm tốn quì xuống đất, cùng với Chúa Kitô ngày xưa vào vườn Giệtsêmani, sấp mình xuống đất cầu nguyện. Cảm nghiệm đó được sống lại. Cho nên cũng là một lời cầu nguyện mà chúng ta khiêm nhường. Phải có tư cách cầu nguyện trong một thân phận khiêm tốn, nghèo hèn, bé mọn thì mới cảm nghiệm được, mới bỏ được cái tôi. Nếu chúng ta cầu nguyện, đọc kinh theo kiểu chung chung thì không bao giờ mình gặp được Thiên Chúa tình yêu.

b. Cách 2: Để giúp chúng ta khiêm nhường đón nhận tình yêu. Đó là phải tập bước xuống. Phải tập bước xuống làm con người hèn kém. Điểm này bất cứ một người tu đức nào cũng phải tập. Nếu chỉ học lý thuyết mà không tập sẽ không bao giờ gặp được tình yêu Thiên Chúa, sẽ không bao giờ bỏ được chính mình. Bỏ được chính mình cũng giống như giặt một cái áo dơ, phải vò đi, vò lại nhiều lần, nnghĩa là phải thanh tẩy, phải chịu khổ đau.

Nếu không bước xuống cõi đời hèn yếu, những thân phận bị ruồng bỏ, những cảnh đời cơ hàn yếu đuối thì không dễ gì khiêm tốn bé mọn. Hai điểm này không thể thiếu trong đời tu của chúng ta. Bằng cách này hay bằng cách khác chúng ta phải làm nếu chúng ta có thiện chí muốn trở nên khiêm nhường đón nhận tình yêu Thiên Chúa.

B. Phần 2: Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa:

Nếu chúng ta có tình yêu Thiên Chúa trong lòng. Thiên Chúa chiếm ngự trong lòng ta thì trái tim của ta trở nên mới. Trở nên mới như một cái đàn có nhiều dây, sẽ dễ rung cảm trước những gì xảy ra ảnh hưởng đến tình yêu. Cái đàn có nhiều dây, một cơn gió thoảng qua cũng có sẽ gây ra tiếng động, tiếng vang. Con người có một trái tim có Chúa ở cùng, cũng dễ rung động với những gì có thể làm sánh danh, có thể cứu rỗi linh hồn.

Thời này người ta muốn trình bày những chứng từ về tình yêu Thiên Chúa trong những người tu. Có 3 lãnh vực người ta trông chờ để tìm ra chứng từ về tình yêu Thiên Chúa.

1. Lãnh vực thứ nhất: Yêu thương  bác ái đối với tha nhân.

Về điểm này chúng ta thấy thánh Gioan tông đồ nhắc đi nhắc lại. Chẳng hạn trong thư thứ nhất đoạn 4 câu 12 Ngài viết: “Thiên Chúa là Đấng chẳng ai trông thấy được. Nhưng nếu chúng ta yêu thương  nhau Chúa sẽ ở trong chúng ta, và tình yêu của Người trong chúng ta được thực hiện trọn vẹn”. Người ta không trông thấy Ngài được, nhưng nếu người ta trông thấy chúng ta yếu thương nhau thì sẽ thấy Chúa ở trong chúng ta và có sự sống.

Thánh Gioan khai triển việc này: Hỡi các con! Các con đừng yêu thương bằng lời nói nhưng hãy yêu thương  bằng việc  làm trong chân lý. Nghĩa là phải thực sự chân thành khi chúng ta yêu thương  người khác, đừng yêu thương bằng hình thức, nhưng phải chân thành bằng tấm lòng của mình. Thánh Gioan đẩy mạnh bước nữa trong vấn đề lấy tình yêu đối với tha nhân, làm chứng cho tình yêu. Ngài nói: “Nếu ai nói tôi mến Chúa nhưng họ không yêu thương  anh em mình thì kẻ đó là kẻ nói dối”. Ngài viết rõ như vậy. Chúng ta nói tôi mến Chúa hết lòng, nhưng không yêu thương  anh em thì chúng ta là kẻ nói dối.

Trong thư thứ nhất đoạn 3 câu 15 thánh Gioan còn nói “Ai không yêu thương  là ở trong sự chết. Ai không yêu thương  người khác đó là kẻ sát nhân”. Cho nên nếu chúng ta nói tôi yêu mến Chúa hết lòng mà không yêu thương  người khác chúng ta sẽ là kẻ nói dối, kẻ giết người.

Dựa vào những ý trên chúng ta kết luận rằng: Nếu làm chứng chúng ta yêu Chúa thì hãy dùng việc làm, thái độ sống để làm chứng. Nếu không chúng ta chỉ là kẻ nói dối, kẻ sát nhân.

Trong đoạn 1 của thánh Phaolô hiện nay, người ta gọi là Bài Ca Đức Ai (đoạn 13 gởi Côrintô). Đức mến thì hiền hậu, nhẫn nhục. Không khoe khoang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác. Nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến đều cần. Nhưng quan trọng hơn cả là đức mến.

2. Lãnh vực thứ 2: Trong lãn vực này trước hết phải biến đổi bản thân nên một người mới. Người mới là con người bỏ được cái tôi để trở nên một con người sống vị tha và sống liên đới. Nếu chúng ta từ bỏ được thì chúng ta có thể làm chứng được. Chúng ta phải đổi mới.

Việc kế đến sau khi đổi mới là chúng ta phải sống sâu sắc chiều sâu nội tâm. Không chỉ nói suông mà phải cảm thấy trong lòng có một cái gì sâu lắng. Chúa ở trong lòng chứ không phải là trên lý thuyết của lề luật. Nhưng con người mới phải sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh ban sự sống cho ta. Trong lời bảo Chúa nhật 11/6 biểu hiện điểm này rất rõ.

Căn cứ toàn chứng thuyết lề luật thì đó là đạo đức cũ. Đạo đức có thể giết chết đạo đức.Chúng ta căn cứ vào lề luật nhưng phải theo tinh thần của Thánh Linh ban sự sống. Đấng đầy lòng thương xót. Đức Giáo Hoàng đưa ra 2 nét của người biết đi theo Thánh Linh. Một là biết lắng nghe Chúa Thánh Thần, hai là biết ngoan ngãng để Chúa Thánh Thần hoạt động trong mình. Đức Giáo Hoàng nói: Con người mới trong chế độ của Chúa Thánh Linh khi đã có hai điểm ấy rồi người làm mục vụ truyền giáo sẽ không dùng phương pháp nhàm chán cũ rích, không hợp thời nữa mà phải tìm cách sáng tạo ra cách phối hợp giữa đạo và đời, truyền giáo tươi trẻ và để có Chúa Thánh Linh đổi mới.

Đây là những cách giúp cho chúng ta thấy rằng: mình làm chứng là mình phải có tình yêu Thiên Chúa trong lòng. Tình yêu Thiên Chúa là sự sống. Như vậy mới có sự đổi mới chính bản thân chúng ta. Đức Giáo Hoàng nói rất rõ chi tiết này. Chẳng hạn như chúng ta hát một bài hát cũ xưa cách đây khoảng vài chục năm. Phải có sự cô đọng thì tâm hồn mới hướng lên với Chúa. Nếu không thì chúng ta sẽ cảm thấy nhàm chán với bài hát xa xưa cũ rích, không hợp thời ấy. Đấy là một ví dụ để chúng ta thấy rằng luôn luôn phải đổi mới để kiện toàn cảm nhận được những phương thức truyền đạt và tu đức.

Tôi có dịp nghe tâm sự của một số tu sĩ. Có người kể Bề trên muốn hại một người trong dòng bằng cách không cho đi thi cử nhân. Chỉ còn 8 ngày mà lại thu hết các sách tiếng Anh, bắt cởi áo dòng, không cho tham dự những lễ nghi của nhà dòng, chỉ được nuôi 3 con chó. Những việc như thế rõ ràng là đã trở về với những luật lệ cổ xưa, luật do mình làm ra chứ không phải là luật của Chúa Thánh Linh. Nếu những gương đó đến tai những người khác đạo, người ta sẽ chê ghét đạo, sẽ ghê tởm nhà dòng. Bởi vì nó không làm cho người ta thấy được một sự đổi mới về sự tự do, về sự phát triển con người, về lòng thương xót. Đấy là một ví dụ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng bác ái.

Ngoài sự bác ái, ngoài sự đổi mới bản thân chúng ta còn một cách nữa để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Đó là phượng thờ mới. Việc này chúng ta đặt hết đức tin hóa trong Hội Thánh. Chúa không muốn hy lễ, cũng không muốn nhan thoại. Điều Chúa muốn là lòng thương xót. Tôi đi dự một số thánh le của các xứ đạo nhỏ. Tôi cảm thấy có một bầu khí tràn đầy yêu thương, tuy lễ nghi diễn ra đôi khi không được hoàn chỉnh nhưng mà cảm thấy anh em trong xứ yêu thương  nhau ghê lắm. Trái lại có khi đi dự lễ mà trên bàn thờ đưa tội người này ra để chỉ trích, đưa người kia ra để phản kháng. Tất cả những việc làm đó là không có tình yêu.

Điều quan trọng là mình nghiên cứu làm sao cho ngay một thời cuộc thôi mà việc làm đó không quá xa tình thương xót, lòng nhân ái. Luật có giữ nhưng mà luôn luôn không có tình cha, tình mẹ, tình Chúa trong sự thật và nhất là trong sự yêu thương  tha thứ. Đức Giêsu có nói với dân thành Samaria rằng: “Đến một thời mình phải thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý”. Cho nên ngay ở đây lát nữa đi về nhà chúng ta phải có sự đổi mới ở trong mỗi người chúng ta.

c. Phần 3: Tạo dựng bầu khí yêu thương : Trước hết chúng ta phải cố gắng nhờ Chúa Thánh Linh để năng cảm tạ Chúa. Đời sống của ta, đời sống cộng đoàn haỹ là đời sống cảm tạ Chúa. Đừng quá than phiền, trách móc hay phê phán. Nhưng phải tập làm sao cho tâm hồn mình luôn cảm tạ Thiên Chúa. Cảm tạ Chúa mọi nơi, mọi lúc chứ không phải chỉ những lúc, những nơi thuận tiện.

Cảm tạ Chúa như vậy chúng ta sẽ khám phá ra thánh ý của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống. Chẳng hạn từ sáng đến giờ nếu chúng ta có lòng mến Chúa chúng ta sẽ khám phá thấy biết bao nhiêu dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho tim ta. Ta được ngồi đây, được suy gẫm, điều này biết bao nhiêu người khác không có được. Nó trở nên như hương hoa, những cảm nhận trong tình yêu. Yêu nhau thì sẽ dễ nhận thấy những tín hiệu của người mình yêu.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa với một tâm tình riêng và với sự cảm nhận riêng. Việc này Thiên Chúa hay dạy chúng ta về những điều lạ Chúa làm cho nhân loại. Có nhiều khi gặp những người ngoài công giáo nhưng họ lại là những người kính sợ Thiên Chúa. Họ đón nhận Thiên Chúa với sự lạ lùng Chúa làm. Còn chúng ta chỉ cảm tạ Chúa khi được những gì chúng ta gọi là may mắn. Không cảm tạ Chúa khi phải gặp những gì ta cho là rủi ro.

Chúng ta phải nói với Chúa: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa không phải vì những gì Chúa sai đến với con. Nhưng vì thiện chí mà đã sai đến với con. Có những người độc ác không hiểu con nhưng con cảm tạ Chúa. Bởi vì nhờ những người đó mà con khiêm tốn hơn, con trở nên bao dung hơn.

Đây là những kinh nghiệm để mình cảm tạ Chúa. Vì thế tôi thấy có nhiều người bệnh tật lại không muốn xin cho mình khỏi bệnh tật, khỏi sự nghèo túng mà lại cảm tạ vì do bệnh tật nghèo túng họ đã gặp được Chúa. Họ nghĩ Chúa đến cứu độ nhưng không phải cứu cho khỏi bệnh tật nghèo túng mà cứu độ khỏi cô đơn phiền toái. Con nghèo, con bệnh tật nhưng Cha vẫn ở với con. Đấy là hạnh phúc không gì sánh kịp. Đấy là những điều chúng ta cần phải chia sẻ với những người đau khổ. Đến đời đời khi còn ở thế gian sẽ không bao giờ có hạnh phúc trên đời này được. Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng đời này không phải là không có ý nghĩa, đời này không phải là không có đức tin. Đời này không phải chỉ là cô đơn. Vì thế chúng ta phải sống cho những người chung quanh.

Về điểm này chúng ta có nhiều kinh nghiệm lắm. Ta phải biết cách xử thế, tế nhị, thông cảm. Vì tôi thấy thực ra ai cũng có cái gánh nặng tự nhiên, không nói ra được. Gánh nặng về sức khoẻ, tinh thần, gánh nặng về tuổi tác, gánh nặng về lo âu, buồn phiền, mặc cảm, gánh nặng về túng cực, nghiệt ngã. Tất cả là những gánh nặng của mỗi người. Chúng ta chẳng làm gì được cho họ thì hãy tìm cách làm bớt đi những gánh nặng ấy cho họ bằng sự tế nhị của ta, bằng sự thông cảm của ta.

Đôi khi tôi nghĩ về tôi. Đến một lúc nào đó tôi trở nên gánh nặng cho người khác. Tôi sẽ phải có một cách nào đó để tôi sống, sống cho mình, sống cho Chúa, sống cho người khác. Nghĩa là phải làm sao bớt được gánh nặng cho người chung quanh. Phải tập cố gắng.

Một cách khác để tạo bầu khí yêu thương  đó là đời sống khiêm nhường đối với nhau. Điểm này trong thư thứ I đoạn 5 thánh Phaolô viết: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau. Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường”.

Đời sống chung luôn luôn có những đụng chạm, cái đụng chạm cay đắng gây nên vết thương thường là cái đụng chạm do sự kiêu căng. Cũng có những đụng chạm, nhưng sau đó chúng ta khiêm nhường tha thứ bỏ qua được. Đối với một bản tính kiêu căng rất khổ cho cộng đoàn, cho những người chung quanh.

Một điểm khác nữa giúp chúng ta tạo dựng bầu khí yêu thương  là chúng ta tập sống tình liên đới. Hiện nay người ta xem dấu chỉ của một người đạo đức là ở chỗ biết sống tình liên đới. Liên đới với bề trên, với bề dưới, với những người chung quanh. Liên đới Hội Thánh với địa phận, địa phương. Liên đới với cảnh nghèo hèn. Liên đới với môi trường xã hội. Nghĩa là con người liên đới con người mở ra, con người cảm thông, con người chia sẻ.

Bây giờ tất cả các tôn giáo, tất cả những nền văn minh đều xem sống liên đới là đạo đức. Cho nên, nếu họ nhìn thấy một đạo nào, một tu sĩ nào đó sống khép kín, chỉ biết có đạo mình, chỉ biết có dòng mình, chỉ biết có thánh của mình, người ta sẽ cho đó là lối sống đạo đức vô tâm. Đạo đức bây giờ là phải sống liên đới.

Sau cùng, trong thánh kính Trái Tim Chúa. Tôi nghĩ: Điều chúng ta cần làm để tạo dựng tình yêu là đền tạ Thánh Tâm và dâng mình cho Thánh Tâm theo ơn gọi của chúng ta. Đa số chúng ta đã làm những việc đền tạ Thánh Tâm, dâng mình cho Thánh Tâm từ khi còn nhỏ. Hai việc đó cũng đã giúp chúng ta sống đạo một cách hợp thức trong Hội Thánh. Bởi vì dù thế nào đi nữa, kih chúng ta đọc lời nguyện trước Thánh Tâm chúng ta tìm lại được những lỗi lầm của mình để mình sửa đổi. Chúng ta tin thế nào Chúa cũng đón nhận. Khi Chúa đón nhận là Chúa đã lau chùi trái tim chúng ta. Chúa lại đền thay tội lỗi của chúng ta.

Khi ta dâng mình, dâng gia đình, dâng đời sống, dâng họ đạo cho Thánh Tâm Chúa, Chúa sẽ nhận ra. Không phải Chúa nhận vì ta đạo đức, nhưng vì ta thành thật, khiêm tốn. Khi dâng mình tôi sẽ nói: Không phải con dâng mình con vì con đạo đức. Nhưng con dâng mình con vì con tội lỗi. Tất cả hôm nay đời con chỉ có thế thôi. Con nghèo đói, bệnh tật, yếu đuối. Tấm lòng của con đấy. Con xin đền tạ hết cho Thánh Tâm Chúa. Nhờ lửa tình yêu Chúa  đến với mình, tôi nghĩ đấy là những cái mà chúng ta làm được, hoặc chung hoặc riêng.

Vắn tắt. Tôi nhận thấy đạo đức hiện nay có phần sa sút. Trong xã hội nảy sinh tham nhũng, ích kỷ, hưởng thụ. Trong gia đình nếp sống cũ đã bị thoái hoá. Cha mẹ không dạy được con cái. Con cái bất hiếu với cha mẹ. Chồng phản vợ. Cha mẹ phản con và ngược lại. Đó là điều chúng ta thấy ở khắp mọi nơi. Trong giao lưu người ta chỉ tính toán tiền bạc và hiệu quả kinh tế. Chẳng bao giờ người ta nói đến đạo đức. Nếu có nói đến đạo đức cũng chỉ là chỉ trích người khác, phản kháng người khác. Chẳng mấy khi họ....

Trong tình hình như vậy tôi thấy anh em chúng ta, những người được Chúa gọi, hãy hoạt động chấn chỉnh lại để cứu Hội Thánh hôm nay, cứu đất nước  Việt Nam hôm nay bằng việc chúng ta hãy trở lại với Trái Tim Chúa. Tôi xác tín như thế này: Không phải... mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Đấy là điều tôi rất xác tín. Nếu chúng ta sống vững những xác tín đó thì chỉ có một cách để chúng ta thực hiện, đó là đón nhận tình yêu Thiên Chúa đến viếng và ở trong chúng ta. Chúa sẽ có cách để cứu chúng ta, cứu Hội Thánh chúng ta, cứu đất nước chúng ta, cứu địa phận chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa rất giàu lòng thương xót nếu chúng ta biết cộng tác với tình yêu Chúa. Amen.

--------------------------

 

Bùi-Tuần 2230: SỰ KIỆN FATIMA


Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần với các linh mục, tu sĩ  dịp Tĩnh Tâm tháng 7/2000

 

Sở dĩ hôm nay chia sẻ vấn đề này vì 3 lý do sau đây: Lý do thứ nhất: Tại Việt Nam sự kiện Fatima Bùi-Tuần 2230


Sở dĩ hôm nay chia sẻ vấn đề này vì 3 lý do sau đây:

Lý do thứ nhất:
Tại Việt Nam sự kiện Fatima đã được phổ biến khá rộng và trở thành một phong trào sùng kính bình dân. Trước đây trong chiến tranh, lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima rất nổi, nhất là ở điểm cầu xin Đức Mẹ Fatima cứu Việt Nam cho khỏi Cộng sản. Sau chiến tranh chúng ta sống trong chế độ Cộng sản lòng sùng kính vẫn còn. Tuy không còn tính cách chính trị nhưng vẫn phảng phất tính cách đợi chờ những sự lạ. Vì thế, nhiều nơi vẫn còn tổ chức thánh le ngày 13 tháng 5 hay 13 tháng 10. Có nơi còn làm lễ đúng 12 giờ trưa. Nghĩa là có tính cách chờ đợi những sự lạ.

Lý do thứ hai:
Ngày 26/6 vừa qua Toà Thánh chính thức công bố bí mật thứ ba của Fatima, kèm với những hướng dẫn thần học của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger Bộ Trưởng Bộ Đức Tin. Nhưng hướng dẫn này giúp cho chúng ta có những hiểu biết đúng về sự kiện Fatima. Những hiểu biết đúng này sẽ thanh luyện lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima khỏi những gì là ấu trĩ để đưa chúng ta đến một sự sống đạo trưởng thành.

Lý do thứ ba:
Trong vài ngày nay vấn đề Fatima được bàn tới rất nhiều trên các đài phát thanh, kể cả đài BBC, nhất là trên Internet. Hầu như ngày nào cũng có một bản tin về Fatima. Như vậy, hiện nay đây là một vấn đề quan trọng.

Nội dung chia sẻ hôm nay gồm 3 phần:

Phần 1: Nhắc lại vắn tắt 3 bí mật Fatima, theo đúng bản văn chính chị Lucia viết ra gởi cho Toà Thánh.
Phần 2: Phân định rõ ràng trong sự lạ Fatima. Có cái gì là căn bản then chốt.
Phần 3: Bổn phận gợi ý từ sự kiện Fatima. Đó là bổn phận chúng ta phải cảnh báo.

A. Phần 1:
 Nói về bí mật Fatima theo đúng bản văn của chị Lucia.

1. Bí mật thứ nhất về hỏa ngục. Lucia viết:

Đức Mẹ cho chúng ta thấy một biển cả lửa hồng. Dường như ở dưới mặt đất chìm ngập trong lửa này là các quỉ dữ và các linh hồn dưới hình thể con người, giống như những cục than hồng trong suốt, đen đủi hoặc xám xịt. Họ nổi lên trong các đám cháy bị các ngọn lửa nâng lên cao, tung lên cao. Những ngọn lửa này toát ra từ chính thân mình họ cùng với một đám khói lớn rồi họ lại rớt xuống giống như những tia lửa trong một đám cháy lớn vô trọng lượng, mất thăng bằng. Giữa những tiếng la hét rên rỉ vì đau đớn tuyệt vọng làm kinh khiếp choặc, làm chúng con run lên vì sợ hãi. Các quỉ dữ có thể được phân biệt do các hình thù gây kinh hãi và ghê tởm giống như những con vật khủng khiếp chưa từng thấy bao giờ. Tất cả đều đen đủi hoặc trong suốt. Thị kiến này kéo dài một lúc.

Làm sao chúng con có thể bày tỏ lòng biết ơn cha xứ với Mẹ yêu dấu trên trời Đấng đã báo trước cho chúng con trong lần hiện ra thứ nhất Ngài hứa rằng: Mẹ sẽ đem chúng con về trời, bằng không con nghĩ rằng chúng con sẽ chết vì sợ hãi, kinh khiếp vì nhìn thấy hoả ngục.

Đây là bí mật thứ nhất về hỏa ngục. Để tránh tai ương hỏa ngục Đức Mẹ đưa ra phương pháp là hãy ăn năn sám hối, bỏ tội, tránh tội, đền tội.

2. Bí mật thứ hai về chiến tranh. Đây cũng là nguyên văn của chị Lucia.

Các con vừa thấy hỏa ngục nơi tội nhân khốn nạn rơi xuống. Để cứu họ Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới.

Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ hòa bình, chiến tranh sắp chấm dứt (tức là thế chiến thứ nhất). Nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa thì một cuộc chiến khốc liệt hơn nữa sẽ bùng nổ. Đó là thế chiến thứ II. Bí mật thứ hai Fatima là bí mật về chiến tranh. Để tránh hai chiến tranh và những chiến tranh có thể tiếp nối Đức Mẹ đưa ra việc tồn sùng Trái Tim Đức Mẹ như là một giải pháp cứu rỗi.

3. Bí mật thứ ba của Fatima: Bí mật này mới được công bố ngày 26/6 vừa qua. Nghĩa là nói về một biến cố ghê gờm sẽ xảy ra trong Hội Thánh. Hội Thánh sẽ rơi vào một hoàn cảnh bị bắt bớ, chết chóc. Đây là nguyên văn của Lucia:

... Hai thành mà con đã giải thích. Phía bên trái của Đức Mẹ cao hơn một chút chúng con thấy một thiên thần cầm một thanh gương bằng lửa nơi tay trái, nó lấp lánh và phát ra những tia lửa tưởng như muốn đốt cháy thế gian. Nhưng chúng tắt khi chạm đến ánh hào quang từ tay phải của Đức Mẹ hướng về trần gian. Chỉ về trái đất bằng tay phải, thiên thần lới tiếng thốt lên “Hãy đền tội, hãy đền tội, hãy đền tội”. Và chúng con thấy trong luồng ánh sáng lớn là Thiên Chúa, một cái gì tương tự như lúc người ta xuất hiện trong tấm gương khi người ta đi ngang qua. Chúng con thấy một Giám Mục cầm chổi trắng. Chúng con có cảm nghĩ đó chính là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ khác đang leo lên một ngọn núi rất thẳng. Trên đỉnh núi có một cây thánh giá lớn làm bằng thân cây như hình của một cây bần. Trước khi đi đến đó Đức Thánh Cha đi qua một thành phố lớn, một nửa bị tàn phá, còn một nửa thì rung chuyển. Ngài đi với bước chân nghiêng ngả, buồn khổ vì đau đớn và ưu phiền. Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thân xác Ngài đạp trên đường. Khi lên đến đỉnh Ngài quì dưới chân thánh giá. Ngài bị một nhóm lính giết hại bằng đạn và mũi tên. Cùng với cách thức đó các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ khác và các giáo dân thuộc hàng cao cấp và những người có địa vị xã hội khác nhau lần lượt bị giết hại.

Bên dưới hai cánh tay của thánh giá có hai thiên thần mỗi vị cầm trong tay một chiếc bình bằng pha lê. Trong đó các Ngài hứng máu của các thánh tử đạo. Với máu đó, các Ngài rảy lên các linh hồn đang tiến về Thiên Chúa.

Lucia nhìn thấy thị kiến này ngày 17/7/1917. Như vậy thị kiến thứ ba, cũng gọi là bí mật Fatima thứ ba. Bí mật này nói lên cảnh khủng khiếp một Giáo Hội bị bách hại sau này. Cách sống để đối phó với những cách đó các người trong Hội Thánh phải biết leo lên đỉnh núi bằng sự từ bỏ. Phải leo lên đỉnh núi vác thánh giá Chúa. Cộng với những sự đau khổ của thánh giá sẽ có những dòng máu cứu các linh hồn.

Có thể tóm tắt lại ba bí mật Fatima thế này.

Bí mật 1 về hỏa ngục: để tránh tai ương hỏa ngục cần phải ăn năn sám hối đền tội, tránh tội.

Bí mật 2 về chiến tranh: để tránh chiến tranh, rút bớt chiến tranh phải có lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ.

Bí mật 3: các người trong Hội Thánh sẽ phải gặp một trạng thái rất khốn khổ, chết chóc, mất mát. Điều Đức Mẹ muốn cho chúng ta sống ngay từ bây giờ là phải sống mầu nhiệm thánh giá. Phải leo lên đỉnh núi và vác thánh giá. Như vậy sẽ cứu được nhân loại.

B. Phần 2:
Phân định rõ sự lạ Fatima.

Những điều tôi trình bày sau đây là dựa theo bản hướng dẫn của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger.

1. Sự lạ Fatima là một mạc khải riêng: là một mạc khải riêng đều không buộc phải tin. Tuy nhiên mạc khải đó quan trọng, hỗ trợ cho đức tin, nhất là mạc khải riêng đã được Toà Thánh công nhận.

2. Sự lạ Fatima được mạc khải theo tính cách khải huyền: nghĩa là theo tính cách cảnh báo, cảnh báo dưới hình dạng bằng những hình ảnh. Chẳng hạn trong sách Khải Huyền nói Thiên Chúa trao sách và gậy cho Con Chiên và đó là sách gậy thánh đã từng đánh bại... có cả tiếng kèn, có cả chén tai ương, có cả người phụ nữ và con rồng con rắn. Tất cả những cái đó là những hình ảnh. Người ta cắt nghĩ những cảnh báo đó qua những hình ảnh thật là khủng khiếp để chúng ta phải suy nghĩ. Cảnh báo trong sứ điệp Fatima là thế này: Nếu các con tiếp tục đi vào con đường tội lỗi thì các con phải gánh những tai ương. Nếu các con ăn năn hối cải thì các con sẽ tránh được những tai ương. Những tai ương  ấy là chết chóc, chiến tranh.

Để tránh những tai ương đó chỉ còn cách quan trọng nhất là ăn năn sám hối. Như vậy sứ điệp Fatima nói về sự tự do của con người. Mình có thể chọn con đường đi xuống hỏa  ngục, đi vào chiến tranh, đi vào sự bắt bớ của Hội Thánh và của mình. Nghĩa là mình tự do chọn con đường thánh giá, con đường từ bỏ ma quỉ thì mình sẽ được thanh thản.

Khi biết rõ sự việc đó chúng ta cùng phân tích lời cảnh báo của Đức Mẹ theo cách Đức Hồng Y Joseph Ratzinger phân tích. Cảnh báo này nhắm vào một giai đoạn lịch sử đang đi vào chỗ rất nguy hiểm. Nghĩa là có tính cách để sống chứ không phải là nguyên tắc.

Đi vào tình hình thực tế xã hội nhân loại lúc này đang rất nguy hiểm. Nguy hiểm vì hiện nay có hai con đường đang đi. Con đường thứ nhất gọi là mê lộ. Nghĩa là con đường đam mê, người ta đi theo những đam mê xấu, những con đường dẫn dắt đến những đam mê, đòi hỏi đam mê. Trên con đường này có những bến tạm gọi là những bến mê. Bên mê thỏa thích những đam mê. Người hướng dẫn đi trên con đường mê lộ ấy chính là Satan. Satan không ngừng đem cho con người những khát vóng, đam mê, làm mọi cách để được thỏa mãn. Càng đi sâu vào con đường đam mê ghé bến này, đậu bến kia con người sẽ bị tha hoá, dần dần sẽ trở nên giống hình ảnh Satan, xa hẳn hình ảnh của Thiên Chúa. Khi đã giống hình ảnh ma quỉ thì sẽ rơi xuống hỏa ngục, sẽ thành những linh hồn giống hệt như ma quỉ.

Con đường thứ hai gọi là con đường sinh lộ. Nghĩa là con đường có sức sống của Thiên Chúa. Chúa Kitô sẽ dẫn dắt chúng ta đi trên con đường này. Ngài luôn luôn ban cho ta những ơn lành để người ta có thể thoát khỏi những đam mê, những xiềng xích của ma quỉ. Cũng có những bến này bến kia. Ví dụ như bến ơn gọi dẫn chúng ta đến bến sinh lộ. Càng sống như vậy thì ta càng trở nên giống Chúa Kitô. Sau cùng là điểm hẹn thiên đàng đầy hạnh phúc. Nơi đón nhận những người nên giống Chúa Kitô.

Trong sứ điệp Fatima, phần đông nhân loại bây giờ đang đi sâu vào con đường mê lộ. Nghĩa là con đường tha hóa con người, làm cho con người dần dần theo ma quỉ và sẽ rơi vào hỏa ngục kinh khủng.

3. Giải pháp giúp giải thoát đam mê: Nếu đã trót đi vào con đường mê lộ thì phải bước qua con đường sinh lộ. Phải ăn năn sám hối, cố gắng tránh tội, bỏ tội, đền tội. Là những người tu đức thì chúng ta đã biết rõ những cách để thoát được con đường để tránh được những đam mê.

4. Phải đi vào con đường thánh giá: Sứ điệp Fatima dạy phải đi vào con đường thánh giá.  Cùng với Đức Giáo Hoàng, cùng với các vị thánh leo lên như trong hình ảnh ta thấy. Phải leo lên một sườn núi cao, phải đi ngược lại con đường thế gian này. Sống mầu nhiệm này là phải sống mầu nhiệm như thánh Phaolô nói: “Tôi phải làm tròn những gì còn thiếu nơi mầu nhiệm Đức Kitô”. Nnghĩa là phải cộng tác vào mầu nhiệm thánh giá, chịu khổ vì Chúa, bỏi mọi sự đi vì Chúa.

5. Phải sùng kính Trái Tim Đức Mẹ: Về việc tôn sùng này không phải chỉ là việc dâng mình cho Trái Tim Đức Mẹ. Gương quan trọng nhất trong Trái Tim Đức Mẹ là sống vâng phục thánh ý Chúa, vâng phục ý Chúa, phải thưa “Xin vâng”.

Đấy là đặc điểm chính của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Trái tim xin vâng. Tin hơn nữa vào vấn đề tôn sùng trái tim Đức Mẹ, Đức Mẹ là gương mẫu của đời con. Tôn sùng trái tim Đức Mẹ chúng ta phải có một trái tim có Chúa ở cùng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà”.

Đặc điểm thứ hai là phải có một trái tim hoàn toàn thực thi thánh ý Chúa. Nghĩa là chúng ta phải thưa xin vâng như lời thiên sứ truyền. Từ điểm này tôi xin đưa ra những hướng chúng ta bắt chước Đức Mẹ.

a. Thực thi thánh ý Chúa là hãy tạ ơn. Đức Mẹ có một trái tim tạ ơn mọi nơi, mọi lúc, cầu nguyện và tạ ơn.

b. Trái tim thực thi thánh ý Chúa nơi Đức Mẹ là một trái tim tự do. Ngài cố gắng sống một cách tự do, không bị nô lệ bởi tội lỗi, bởi đam mê. Không những Ngài có tự do nội tâm mà còn có cả những cơ chế trong xã hội, trong đạo. Chúng ta cần phải cố gắng làm sao để cho có sự tự do của con cái Thiên Chúa. Làm Giám Mục, linh mục, Bề trên, đừng lấy những áp đặt, những bó buộc là chính. Nên giúp con người sống có sự tự do, sự lựa chọn tự do.

c. Trái tim Đức Mẹ là một trái tim tự giải thoát: Ngay khi mình làm việc gì mình vẫn làm bằng cách tự do chọn lựa của mình.

d. Trái tim thực thi thánh ý Chúa của Đức Mẹ là một trái tim mở rộng để biết khám phá và mong đợi sự lạ lùng Chúa làm trong nhân loại, trong lịch sử. Trái tim Đức Mẹ đã biết mở rộng để đón nhận Ba Vua đạo sĩ, một trái tim Đức Mẹ đã biết mở rộng đón nhận những mục đồng.

Đ. Trái tim thực thi thánh ý Chúa của Đức Mẹ có một trái tim giàu ơn đổi mới của Chúa Thánh Linh. Tôn sùng trái tim Đức Mẹ là phải xin ơn cho chúng ta biết phải đổi mới thế nào trong cộng đoàn, trong đời sống. Đổi mới ở đây là loại trừ những gì đã lỗi thời, những gì nặng nề, những gì là tình cảm, những gì không hợp với Phúc Âm. Trái tim Đức Mẹ sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Linh đổi mới hoàn toàn.

e. Trái tim thực thi thánh ý Chúa của Đức Mẹ là một trái tim phát triển các tiềm năng: để sống xứng đáng là người con Chúa phải phát triển tiềm năng về nhân bản, về trí thức, về đạo đức trong xã hội đầy phát triển hôm nay.

f. Một việc khác nữa là trái tim Đức Mẹ là một trái tim phục vụ. Phục vụ như một nữ tỳ, như một đầy tớ, một trái tim phục vụ rất nhạy bén với những nhu cầu của xung quanh trong tiệc cưới Cana. Một trái tim nhạy bén, tế nhị.

g. Việc sau cùng của một trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ mà chúng ta cần phải tôn sùng đó là một trái tim biết suy niệm. Đức Mẹ đã suy niệm những biến cố trong lòng. Chúng ta tôn sùng trái tim Đức Mẹ chúng ta phải nhìn thấy tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống, trong cộng đoàn, suy đi nghĩ lại trong lòng để Tin Mừng của Chúa thấm vào.

Tóm lại: thế hệ trẻ trong thế kỷ 21 này là thế hệ của Chúa Thánh Linh, một trái tim đầy Chúa Thánh Linh thì thích đổi mới, thích phát triển, thích tự do, thích suy niệm tìm tòi, thích rung động trước những sự lạ lùng. Đấy là một trái tim mới, trái tim của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo, sáng tạo ở mọi lúc, mọi nơi, không dừng lại. Trái tim Đức Mẹ biết rung động, nhạy bén trước những sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại khi chúng ta sống giữa vùng dân Hoà Hảo ở An Giang này. Chúng ta phải có những sự lạ ngoài Hội Thánh chúng ta mới nhận thấy được Tin Mừng. Muốn nhìn được chúng ta phải có một tâm hồn như Đức Mẹ là phải khiêm tốn, vì Chúa nói: Chúa chỉ mạc khải những sự lạ lùng cho những người bé mọn. Chúng ta không khiêm tốn như Đức Mẹ thì sẽ không nhìn ra được những sự lạ lùng.

C. Phần 3: Sự kiện Fatima có tính cách cảnh báo.

Một số suy nghĩ của tôi rút ra từ sự kiện Fatima. Sự kiện này có tính cách cảnh báo. Cảnh báo này nhắm vào tình hình một giai đoạn lịch sử. Giai đoạn lịch sử mà nhân loại đang đi vào có thể dẫn đến tai họa ở đời này là chết chóc, chiến tranh và tai họa đời sau là hỏa ngục. Đức Mẹ đưa ra điều đó. Đức Mẹ đưa ra giải pháp cứu hoàn cảnh đó. Việc cảnh báo ở Fatima là việc của tình thương người mẹ khi thấy con cái đang đi vào nguy cơ tự tiêu diệt.

Từ sự kiện Fatima tôi thấy nhiệm vụ cảnh báo cũng là nhiệm vụ của Giám Mục, linh mục, tu sĩ chúng ta. Phải biết cảnh báo, nhưng trong cảnh báo chúng ta phải có những nhận định.

1. Cũng như Đức Mẹ ở Fatima cảnh báo phải đi vào một giai đoạn lịch sử. Vì thế, khi ta cảnh báo các con chiên, các cộng đoàn chúng ta phải bám sát lịch sử con người Việt Nam hôm nay đang đi vào những nguy cơ lạ. Nngoài sự bám sát đó còn phải có sự thấu hiểu lời Chúa, phải thấm nhuần lời Chúa. Khi làm nhiệm vụ cảnh báo chúng ta cần phải có một cái nhìn về lời Chúa trong hoàn cảnh lịch sử địa phương.

2. Trong vấn đề cảnh báo chúng ta phải giống như Đức Mẹ ở Fatima, nghĩa là cũng phải làm cho người ta khiếp sợ. Phải dùng những hình ảnh kinh khủng để cho loài người khiếp sợ như vậy chúng ta mới thành công. Trong Kinh Thánh cũng có nói: “Nếu chúng ta không chừa tội chúng ta sẽ mất linh hồn”. Đức Mẹ cũng nói: “Nếu không ăn năn trở lại thì sẽ phải xuống hỏa ngục”. Hoả ngục chúng ta biết đó rất ghê sợ. Trong cảnh báo cần phải gây thêm sự khiếp sợ. Chúng ta học về 7 ơn Chúa Thánh Thần thấy rõ, một trong 7 ơn đó là ơn kính sợ Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống với Chúa nhiều, chúng ta thấy khi đối diện với Thiên Chúa thật là đáng sợ. Thiên Chúa bao la, Thiên Chúa thánh thiện . Nếu Chúa không ban ơn thì không thể sống được khi nhìn thấy Thiên Chúa. Nên sự kính sợ Thiên Chúa rất cần. Kinh Thánh cũng dạy chúng ta khởi đầu của sự khôn ngoan ... Phải có sự kính sợ Thiên Chúa thì mới khôn ngoan được.

Trong những cảnh giác của chúng ta khi đưa ra cho chính mình, cho cộng đoàn cũng phải có lời cảnh báo làm cho người ta khiếp sợ. Sự khiếp sợ đó có nền tảng chứ không phải là có tính cách rêu rao.

Tóm lại:

Chúng ta có bổn phận cảnh báo con chiên.
Chúng ta phải có một cái nhìn vừa lời Chúa vừa lịch sử cụ thể.
Chúng ta phải chọn lựa những hình ảnh, những lời làm cho người ta suy nghĩ khiếp sợ.

Riêng tại Việt Nam sự cảnh báo của chúng ta phải như thế nào? Phải cảnh báo theo nội dung ở Fatima. Nghĩa là ăn năn, chiến tranh, chết chóc, sự tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Hội Thánh có thể rơi vào những hoàn cảnh rất đau đớn. Như vậy chúng ta phải tập sống mầu nhiệm thánh giá. Chúng ta có quyền đưa ra cảnh giác cho giáo dân. Riêng đối với Việt Nam phải cảnh báo với những nội dung riêng. Đưa ra những việc cụ thể theo tình hình của Giáo Hội Việt Nam hiện nay.

a. Cảnh báo thứ 1. Hiện nay chúng ta sống trong tình hình có xung đột tôn giáo ở Á Châu, ở Đông Nam Á. Báo chí loan tin ở Inđônêsia có gần 200 nhà thờ bị đổ nát, nhiều người công giáo bỏ nhà trốn đi. Thêm một tai ương mới nữa là con tàu chở những người công giáo trốn đi bị đắm chìm. Có sự xung đột tôn giáo ở An Độ. Có những cuộc bách hại..... đối với người công giáo. Đấy là những nội dung riêng sát với hoàn cảnh lịch sử vẫn còn có những căm thù luôn luôn vây quanh.

Bầu khí tôn giáo ở Á châu nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng là bầu khí Phật giáo. Chung quanh ta Lào, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan... đều là bầu khí Phật giáo.

Trong việc phát triển các nước Á châu, nhất là Đông Á phát triển về nhiều mặt.

Ở Á châu có một sự cảnh giác về chính tri đối với đời sống tôn giáo như ở Việt Nam, ở Trung Quốc. Như vậy, sự cảnh báo mà chúng ta phải đưa ra cho cộng đoàn và cho chính chúng ta trước một lịch sử, trước bầu khí là Phật giáo. Chúng ta phải cảnh báo như thế nào theo ý Chúa, phải có sự sống thực sự của ơn thánh, phải đi vào được đúng ơn thánh,  phải hợp tác chặt chẽ với ơn thánh. Bởi vì hoàn cảnh rất khó khăn, phức tạp. Cùng nhiều sóng gió thì mình càng phải gám vào gốc rễ để được... chính vì thế, chúng ta phải trở về với mục đích chính là Đức tin. Nhờ Đức Kitô, đi theo Đức Kitô, hiệp nhất với Đức Kitô.

b. Cảnh báo thứ 2: Vì hoàn cảnh rất phức tạp nên chúng ta phải cố gắng tìm ra cách sống hiền hòa với những người xung quanh. Cũng như thánh Giuse và Đức Maria ngày xưa sống hiền hòa ở Ai Cập, ở Nagiarét. Phải sống khiêm tốn, không phô trương, không dùng quyền lực. Cố gắng tìm ra cách sống an toàn.

c. Cảnh báo thứ 3: Cảnh báo về đối với đào tạo. Xây dựng nhà thờ, cơ sở cũng là điều tốt. Đào tạo chính mình, đào tạo nhân sự mới là quan trọng. Bởi vì cơ sở có thể mất, người ta mất. Đào tạo nhân sự thì Hội Thánh được phát triển. Trong hoàn cảnh hiện thời một trong những điều tôi thao thức là hy vọng.... và Việt Nam nói riêng sẽ có mặt trong các lãnh vực, có mặt ở quốc hội, ở Toà Thánh, ở bệnh viện, các câu lạc bộ. Nghĩa là mình kiếm người có tài có đức để có mặt ở những nơi ấy. Như vậy, chúng ta phải đào tạo nhân sự. Chúng ta phải để ý đến những chiều kích sau đây:

- Chiều kích thiêng liêng phải thật sâu.
- Chiều kích xã hội phải có sự dấn thân.
- Chiều kích văn hoá thật cao.
- Chiều kích nhân bản thực trong sáng.
- Chiều kích tiên tri nhạy bén.

Qua tình trạng thực tại phải hiểu Chúa muốn gì. Khi cảnh báo cho cộng đoàn chúng ta phải bắt chước Đức Mẹ. Nếu chúng ta không chuẩn bị, không đi vào chính nguồn ơn thánh, không phát triển, không biết sống hài hòa thì tai họa lớn lao sẽ xảy ra, nghĩa là hậu quả mình sẽ bị loại trừ, bị ghen ghét. Nhiệm vụ cảnh báo rất quan trọng đối với chúng ta trong lúc này.

Hôm nay chúng ta chia sẻ một số vấn đề có tính cách thời sự dựa theo sứ điệp Fatim mà Đức Giáo Hoàng đưa ra. Chúng ta tiếp thu chia sẻ này như là một sứ điệp triển khai sứ điệp Fatima. Chúng ta tiếp thu những điều vừa nghe không phải như tiếp thu một tin tức, nhưng là tiếp thụ với thái độ đón nhân Tin Mừng. Chúng ta khiêm tốn cầu nguyện, khiêm tốn nghĩ suy. Vì tất cả điều chúng ta vừa nghe, vừa chia sẻ có liên quan đến chính mình, liên quan đến những người thuộc về mình. Amen.

-------------------------

 

Bùi-Tuần 2231: Cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa


Bài nói chuyện của Đức cha GB.  Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ, dịp tĩnh tâm tháng 12/2000

 

Đề tài chia sẻ hôm nay là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Có ba lý do sau Bùi-Tuần 2231


Đề tài chia sẻ hôm nay là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Có ba lý do sau đây khiến chúng ta suy nghĩ về vấn đề cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ.

Lý do thứ nhất là lý do phụng vụ. Mùa Vọng nói chung và lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nói riêng, đều hướng về biến cố Thiên Chúa đến cứu độ. Vậy khi phụng vụ hướng về biến cố Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta, thì không phải chỉ là muốn nhắc cho chúng ta nhớ lại kỷ niệm cứu độ, mà còn là để kêu gọi chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ. Chính vì thế mà chúng ta cần phải ý thức thêm về trách nhiệm cộng tác vào chương trình cứu độ.

Lý do thứ hai là lý do ơn gọi. Mọi người tín hữu nói chung và từng tu sĩ  giáo sĩ nói riêng,  đều được gọi cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Chúng ta được gọi không phải vì chúng ta. Chúng ta được gọi chính vì người khác, vì cộng đoàn chúng ta, vì giáo phận chúng ta, vì Hội Thánh Việt Nam chúng ta, đất nước Việt Nam chúng ta, và nói rộng hơn là vì tất cả nhân loại. Lý do này sẽ giúp cho chúng ta cố gắng hơn nữa, để tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ. Không phải cứu mình ta mà là cứu người khác chung quanh chúng ta.

Lý do thứ ba là lý do thời cuộc. Thời cuộc hiện nay có thể nói theo con mắt đức tin, là một cuộc giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thiện và sự ác, giữa Đức Kitô và Satan. Đây là tình hình giao tranh nghiêm trọng.  Nếu chúng ta suy  nghĩ với con mắt đức tin, với  những thông tin hằng ngày thì chúng ta có thể thấy được Satan đang tìm mọi cách để phá Nước Thiên Chúa  hoặc cản ngăn chương trình cứu độ của Đức Kitô. Chính vì thời cuộc nghiêm trọng như vậy, cho nên ta phải dứt khoát đứng về phía Đức Kitô, là cùng với Người tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.

Bây giờ bước sang nội dung. Nội dung chia sẻ hôm nay gồm ba phần:

Phần thứ nhất nói về sự cần thiết phải cộng tác với Chúa trong việc cứu độ.

Phần thứ hai là trình bày một số phương cách cộng tác rút ra từ Phúc Am và cũng thích hợp cho thời nay.

Phần thứ ba là một thoáng nhìn những cộng tác viên của  chương trình cứu độ tại hang đá Belem. Những người đó đã cộng tác với Chúa thế nào?

I. Phần thứ nhất nói về  sự cần thiết phải cộng tác với Chúa trong việc cứu độ.

 Chúng ta có biết là việc cứu độ là việc của Chúa, xây dựng Hội Thánh cũng là việc của Chúa. Thế nhưng, Chúa không thực hiện những công việc đó một mình, mà Chúa đòi phải có chúng ta cộng tác vào. Sự cộng tác này có ba tính cách:

Tính cách thứ nhất đây là một sự cộng tác cần thiết. Chúng ta thử xem lại biến cố giáng sinh. Trong biến cố giáng sinh, trên nguyên tắc Chúa Giêsu có thể  cứu nhân loại một mình. Nhưng trên thực tế, Chúa kêu gọi sự cộng tác của Đức Mẹ.  Chúa chờ đợi lời Fiat của Đức Me.  khi Đức Mẹ nói lời xin vâng cộng tác vào, thì Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ.

Tính cách thứ hai cũng chứng minh sự cần thiết phải cộng tác đó, là lời Đức Kitô sai các tông đồ đi:  “Như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con như vậy”. Nghĩa là Chúa có thể cứu mà không cần sai chúng ta đi. Nhưng trên thực tế Chúa đã sai các tông đồ đi và sai chúng ta đi. Sai đi tức là Chúa trao phó trách nhiệm phải cộng tác với Chúa. Lý do khác để chúng ta suy nghĩ về sự cần thiết phải cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, là chúng ta xem xét tình hình cụ thể của một cộng đoàn giáo phận, của một cộng đoàn giáo xứ, của một cộng đoàn nhà dòng. Trên thực tế chúng ta thấy những cộng đoàn đó phát triển hay là tụt hậu, trở nên tốt hay là trở nên xấu, một phần lớn là do khả năng tinh thần cộng tác của bề trên và của các thành phần trong cộng đoàn với bề trên. Nếu trong một họ đạo mà linh mục quản sở, phụ trách không cộng tác với Chúa, cho rằng việc này là việc của Chúa, nên không giảng dạy, không đi thăm viếng, không phục vụ.  Hay là trong một họ đạo mà cha sở đã hết sức, nhưng mà  trong giáo dân không có sự cộng tác vào thì không thể đạt được một tình hình phát triển. Ngay trong cuộc tĩnh tâm hôm nay thôi, tất nhiên là Chúa đòi hỏi phải cộng tác vào. Ơn Chúa là có, lời Chúa là có, nhưng nếu chúng ta không cộng tác vào,  người trình bày không soạn bày có chất lượng, người nghe không khao khát đón nhận ơn Chúa, những người trông coi mỗi người một việc không tích cực tham gia cộng tác vì luật buộc cấm phòng tháng mà thôi, cũng không đạt được kết quả. Tất cả chứng minh rằng sự cộng tác là cần thiết.

Tính cách thứ hai của sự cộng tác là phải có tính cách tự do và thông minh. Tự do nghĩa là không ép buộc và thông minh nó có thể gồm mấy việc sau đây:

Một là mình biết công việc.
Hai là mình biết ứng xử thích ứng.

Chúng ta thử đưa ra mấy dụ ngôn Đức Kitô đã nói, để hiểu sự thông minh là tính cách cần trong việc cộng tác, đó là dụ ngôn  người chủ phân phát các nén bạc cho các đầy tớ. Kẻ thì năm nén, kẻ thì hai nén, kẻ thì một nén. Những người cộng tác với tinh thần thông minh thì với năm nén đã làm lời, với hai nén đã làm lời. Còn người thứ ba lãnh một nén thì không thông minh, cộng tác không thông minh, và kết quả là người đó bị Chúa phạt.  Cho nên phải biết tiên liệu,  phải biết thích ứng, để mình có những sáng tạo, để mình có những dự trữ, để mình có những tổ chức. Ai làm bề trên có trách nhiệm thường biết dùng những người cộng tác viên có sự thông minh, biết tổ chức thời giờ, có những dự báo trước, biết tận dụng  những tiềm năng hiện tại. Tất cả đều do thông minh. Chứ còn một người cộng tác viên cứ bảo sao làm vậy thì không phải là cộng tác viên thông minh. Trong thời gian khó khăn rất cần nhân sự là người cộng tác viên thông minh.

Tính cách thứ ba của sự cộng tác trong chương trình cứu độ là phải kết hợp với Chúa một cách mật thiết. Bởi vì chúng ta biết trong chương trình cứu độ Chúa làm chủ cánh đồng,  Chúa làm chủ loài chim, Chúa là Đấng sai đi, cho nên tất cả những gì chúng ta làm với tinh thần cộng tác thì phải hết lòng với Chúa là Đấng sai ta đi, là chủ chiên, là chủ cánh đồng. Phải nói  cái gì, phải nói lúc nào, phải nói cách nào, phải làm gì, tất nhiên là phải có sự đảm bảo với Thiên Chúa “Không có Thầy các con không làm gì được”. Ai đã làm mục vụ lâu năm rồi thì thấy câu này rất đúng. Nếu không có Đức Kitô trong ta, có Chúa Thánh Thần giúp đỡ, mà chúng ta cứ tự ý làm, rồi có lúc chúng ta thấy nếu không có Chúa thì chúng ta không thể làm được gì. Cho nên phải kết hợp mật thiết với Chúa.

II. Phần thứ hai trình bày một số phương cách cộng tác với Chúa trong việc cứu độ.

Tất cả những phong cách này rút ra từ Phúc Am. Hiện nay những phong cách này  rất là thích hợp và cũng có hiệu quả. Nói chung thì tính cách để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa là sự hiện diện, là sự có mặt.

- Một là sự hiện diện nối tiếp công trình nhập thể của Đức Kitô, với mục đích là thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa giữa nhân loại. Chúng ta đọc lại thư của thánh Phaolô gởi cho dân Do Thái: “Chúng ta có một vị Thượng tế biết thông cảm những yếu đuối của con người, biết chia sẻ mọi sự với dân. Ngài đã trải qua mọi thử thách trừ tội lỗi”. Ngài đã phải trải qua rất nhiều đau đớn để chứng tỏ Ngài nhập thể vào thân phận con người, nhất là những con người yếu đuối tội lỗi, những người bị loại trừ. Bây giờ hiện nay có nhiều dòng, nhiều tu sĩ, giáo dân, tu hội đã chọn cách cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ bằng phương cách này, là họ dấn thân vào sống giữa những người bị bỏ rơi với thân phận y hệt như người đó, ngoại trừ tội lỗi.

Tôi còn nhớ những nữ tu tại Thuỵ Sĩ  đã tình nguyện đi vào nhà tù, sống như một nữ phạm nhân. Bởi bên đó có một điều luật, chính phủ cho phép các nữ tu đó được sống như người phạm nhân, tất cả như một người tù. Với mục đích là chỉ hiện diện thôi. Hiện diện bằng tình thương. Trong cơn thử thách không ca thán, không trách móc, không nổi loạn. Luôn luôn  mang hy vọng trong mình, đem lại tình thương, đem lại hy vọng cho những nữ phạm nhân trong tù. Họ chỉ có một sự hiện diện thôi. sự hiện diện nối tiếp mầu nhiệm nhập thể Đức Kitô với kiếp đoạ đày đau đớn.

- Hai, cũng là sự hiện diện, nhưng là để tiếp nối công trình phục vụ chân lý của Chúa Kitô. Phục vụ chân lý, đó là điều Chúa Giêsu nói: “Tôi đến trong thế gian để làm chứng cho chân lý”. Làm chứng cho chân lý là một sứ mạng của Chúa Kitô. Làm chứng cho chân lý nhất là trong những điểm này, dựa theo Phúc Am, mà chân lý căn bản nhất là sống tình yêu đối với Chúa, với con người.  Chân lý căn bản thứ hai là mỗi người hãy cố gắng chu toàn trách nhiệm riêng của mình như một kẻ được sai đi, với một lương tâm đầy trách nhiệm. Đấy là chân lý mà ai cũng hiểu được.  Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm riêng, khi chúng ta làm trách nhiệm đó cách chu đáo, với ý thức mình được sai đi chứ không phải mình làm cho chính mình, thì đó là chân lý chúng ta phải làm chứng. Một trách nhiệm khác nữa đối với chúng ta đó là khi làm chứng cho chân lý, chúng ta phải là muối, là men , là ánh sáng giữa đời, là hương thơm giữa những phù du. Tại nhiều nơi hiện nay cho rằng làm chứng cho chân lý là phải lên tiếng bênh vực những giá trị  mình bảo vệ, như vậy là rất khó.  Tôi thấy các điểm truyền giáo hiện nay đều là làm chứng. Mình cứ sống để làm chứng. Lấy ánh sáng mà đẩy lui bóng tối, lấy nhân đức đẩy lùi cái xấu, lấy tình thương đẩy lui hận thu, lấy lương thiện mà đẩy lùi bất lương. Hiện diện như vậy thôi mà không cần phải lên tiếng.

- Ba, cũng là một sự diện, nhưng là một sự hiện diện như là một hiện diện thờ phượng Thiên Chúa, thờ phượng bằng chính bản thân mình. Thư Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Hỡi anh em, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng chính bản thân mình là của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa”. Nghĩa là chính bản thân mình là của lễ.

Tuần  trước đây, trên tivi có chiếu hội nghị  những người tốt tiêu biểu, trong đó người ta nhấn mạnh đến gương một chị làm giám đốc trại cùi ở Di Linh. Chúng ta biết chị đó là một nữ tu sĩ.  Khoảng 30 năm sống giữa người cùi, thương yêu người cùi, chăm sóc người cùi. Theo cái nhìn của chúng ta,  đó là một cách thờ phượng Chúa, dâng chính mình là của lễ. Khi nói về vấn đề này, thì Ông Lê Khả Phiêu đã nói rằng chị đó đáng tuyên dương ba bốn lần là anh hùng. Bởi vì chị có một tình thương rất can đảm, hiếm thấy trong một xã hội như chúng ta. Bây giờ có lẽ sự hiện diện như vậy đã  là một tuyên xưng, đó là một cách làm chứng cộng tác vào chương trình cứu độ.

- Bốn, cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa cũng là một sự hiện diện, nhưng đây là một sự hiện diện sống không  rập theo thói đời mà sống theo thánh ý Chúa. Cũng trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô viết: “Anh chị em đừng rập theo thói đời, nhưng hãy cải biến con người anh chị em  bằng cách đổi mới tâm hồn hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì tốt, cái gì đẹp, cái gì hoàn hảo”. Thì đấy cũng là sự hiện diện chúng ta thấy trong nhiều tu sĩ, trong giáo xứ, giáo dân đang làm, nghĩa là mình chỉ làm chứng giữa đời, mình ở đời trong đời, nhưng không giống người đời. Tức là có một nét tu thân, có một nét gì là chừng mực, có một nếp sống gì là tiết độ. Người ta chạy theo cuộc sống tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ, nhưng mà những người đó vẫn lặng lẽ sống theo những giá trị thiêng liêng cao cả, trong một chừng mực thiêng liêng, không theo thói đời. Đó là sự hiện diện cộng tác vào chương trình cứu độ. Bởi vì hiện nay ta biết rằng, người ta  rất chán ngấy những lời khuyên răn. Khuyên  răn mà không có gương sáng. Đang khi người ta chán như vậy mà gặp được những người sống như một sự hiện diện  không giống thói thế gian, chỉ làm gương sáng thôi như thánh tông đồ nói, ấy là cách cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

- Năm, cũng là một sự hiện diện nhưng là một sự hiện diện khiêm tốn,  bác ái, liên đới. Cũng trong thư gởi giáo đoàn Rôma thánh Phaolô viết: “Tôi xin anh chị em và từng người anh chị em đừng đi quá mức khi đánh giá chính mình nhưng hãy coi người khác trọng hơn mình và hãy cố gắng sống thương yêu nhau” thì đó là một lời khuyên dạy chúng ta sống khiêm tốn bây giờ người ta thi nhau bới móc nhau chê trách nhau cái xà trong con mắt mình thì không thấy còn cái rác nơi người khác thì cố tìm ra để bôi xấu nhau trong cách hiện diện bây giờ để cứu nhân loại khỏi cái xấu đó thì thánh Phaolô khuyên chúng ta sống khiêm tốn hãy biết kính trọng kẻ khác hãy coi người khác trọng hơn mình và hãy biết sống liên đới với những người chung quanh biết thương họ tôi thấy chính bản thân tôi khi xét mình Chúa thương mình thế nào tha thứ cho mình thế nào che giấu dẫu tội lỗi mình thế nào miễn sao mình cũng làm như vậy liên đới với những người khác đó là những cái chúng ta cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại hiện nay.

Thứ sáu là sự hiện diện bao dung nhất là đối với kẻ thù những kẻ làm hại chúng ta “hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ anh em hãy làm tất cả những gì có thể xây dựng cuộc sống hài hoà với nhau” về điểm này chúng ta thấy đang nở rộ những tông đồ làm gương về sự hoà giải sáng nay đài BBC đưa tin một nhóm người Mỹ đã lập nên một quỹ  gần 10 triệu đôla để giúp gỡ những trái mìn còn lại ở Việt Nam để sửa lại những lầm lỗi những thiệt hại trong chiến tranh vừa qua khi nghe tin đó tôi thấy thực sự bây giờ người ta vừa nói vừa có những việc làm có tính cách hoà giải rồi Tổng thống Clinton sang đây nói những lời hoà giải kính trọng một đất nước một dân tộc trước đây đã từng là kẻ thù. Đấy cũng là một cách hoà giải là sự hiện diện thôi nhưng đã gây được nhiều âm hưởng tốt.

Sau cùng, cách thứ bảy là sự hiện diện như ngọn đèn canh thức biết đọc ý Chúa trong các biến cố để đánh thức dân và để đem lại cho dân niềm hy vọng tôi thấy  Đức Thánh Cha ngài hay dựa vào Đức Mẹ Fatima để đánh thức dân để cảnh báo dân để  khuyên bảo dân sống lương thiện và nhìn vào Đức Kitô như hy vọng cứu độ  chúng ta thấy trong họ đạo các cha các tu sĩ thường làm cách này là cảnh báo dân thấy có những tệ đoạn xã hội tràn vào đạo chúng ta cũng cần phải tỉnh thức báo động cho dân biết thế nào là những nguy cơ thế nào là những hy vọng trên đây là những cách mà tôi thấy cũng dễ thôi không cần phải ồn ào chỉ là một sự hiện diện  nhưng mà sự hiện diện có trách nhiệm nghĩa là trách nhiệm của một kẻ được Chúa sai đi để phá để cản những cái xấu và cản bằng khí cụ của Chúa thôi chứ không phải bằng một cái gì khác tức là bằng nhận định bằng niềm tin.

Phần thứ ba một thoáng nhìn về những cộng tác viên của Chúa tại hang đá Bêlem. Tại hàng đá Bêlem chúng ta thấy rõ ràng có ba nhóm cộng tác viên nhóm thứ nhất là nhóm thuộc gia đình thánh của Chúa gồm Đức Mẹ và thánh Giuse nhóm thứ hai tôi gọi là nhóm dân ngoại ít học đó là các mục đồng nhóm thứ ba tôi gọi là nhóm dân ngoại họ là người trí thức cả ba nhóm này đều có mặt trong hang đá Bêlem họ đi những con đường khác nhau đến hang đá Bêlem họ được gọi cách khác nhau và sau khi họ gặp nhau tại hang đá Bêlem họ ra về với những con đường khác nhau họ hiệp nhất  trong những khác biệt đó là một thoáng nhìn về những người cộng tác trong chương trình cứu độ của Chúa từ ban đầu có những nhóm khác nhau nhưng  tất cả ba nhóm trên đều có những nét chung sau đây đây là những việc chúng ta nên suy nghĩ trước hết họ là những người biết tỉnh thức lắng nghe lời Chúa Đức Mẹ lắng nghe lời Chúa qua thiên thần trong biến cố truyền tin. Thánh Giuse đã lắng nghe lời Chúa qua thiên thần trong biến cố ngài vâng lời Chúa nhận Maria làm bạn của mình  và vâng lời thiên thần trở về quê cũ các mục đồng cũng đã lắng nghe lời Chúa qua các thiên thần hướng dẫn đến chỗ nào thấy  một hài nhi nằm trong hang đá bọc cái khăn thì đó là Đấng cứu thế có một hướng dẫn  mục đồng đã nghe lời Chúa hướng dẫn ba vua cũng đã lắng nghe lời Chúa từ dấu chỉ ngôi sao trên trời  vừa đi vừa mở sách tra cứu rồi thăm hỏi thăm các nhà luật sĩ  rồi sau cùng khi trở về đã lắng nghe thiên thần bảo khi về đừng qua ngã Giêrusalem nhưng hãy tìm đường khác mà về tất cả ba nhóm này đều là những người lắng nghe ý Chúa và đón nhận ý Chúa

Điều thứ hai của ba nhóm này là họ thực thi lời Chúa cách thông minh là những người được kêu gọi cộng tác với Chúa mà khi Chúa nói cộng tác thì Chúa chỉ nói trống thôi nhưng mà họ đã cộng tác với Chúa cách thông minh trước hết là biết tiên liệu  tôi nghĩ là Đức Mẹ thánh Giuse khi đến Bêlem cũng có những tiên liệu các ngài thu xếp tất cả mọi thứ cần thiết như áo quần và cả tiền bạc nữa nhưng mà chẳng may đêm đó không còn chỗ trọ nghĩa là sẵn sàng mướn nhà trọ nhưng mà không còn nhà trọ chúng ta thấy gia đình thánh cũng mang con lừa đi để khỏi vất vả mang đồ đi theo  tất cả là sự tiên liệu  chúng ta thấy là khi trở về quê cũ cũng đã tiên liệu Con trẻ này sẽ bị bắt bớ cho nên đã chạy sang nước Ai Cập cũng là một cách tiên liệu với con mình với nước ngoại đạo để khi yên ổn rồi mới đem con trở về  nghĩa là trong việc cộng tác phải có sự thông minh tiên liệu thấy trước đoán trước  tức là các ngài tra cứu các ngài tìm tòi các ngài chia sẻ chứ không phải là đi bạ đâu ngủ đấy bạ đâu đi đấy trên con đường đến Bêlem  rồi thông minh bằng cách là các ngài thích hợp chúng ta thử xem ba nhóm đó đi con đường đi đến Bêlem rồi khi trở về quê cũ nhóm đó đã không đi theo con đường cũ theo ngã khác mà  về  nhóm mục đồng cũng vậy khi nghe được tiếng gọi đến Bêlem thì không trở về bằng con đường cũ theo như Kinh Thánh nói là đi vào các làng mạc chung quanh theo tiếng Chúa gọi ba vua cũng thế đi qua con đường Giêrusalem  khi về sợ bị lộ nên đi theo con đường khác tức là có một sự linh động có một sự thích ứng để biết rằng khi chúng ta cộng tác với Chúa chúng ta quyết định  đừng theo cơ chế cứng ngắc  nhưng mà phải tuỳ thời tuỳ lúc chúng ta thấy  ba nhóm đó có nét chung này là họ đã trở thành những người đối thoại thích hợp với con người lúc ấy qua kinh nghiệm ở Bêlem họ đối thoại về Thiên Chúa một cách khác Thiên Chúa họ cảm là một Thiên Chúa gần gũi Thiên Chúa mà họ tôn thờ không phải vì những ơn Chúa ban mà vì chính Ngài là Thiên Chúa của tôi họ gắn bó với Thiên Chúa không phải vì những ơn Chúa ban họ tìm đến Chúa là để ca tụng  chứ không phải chỉ là đến Bêlem để xin ơn này ơn nọ chúng ta thấy cả ba nhóm  không xin ơn gì cả đó là một đức tin tinh tuyền là một tình yêu trưởng thành chỉ ca tụng và tuyên xưng Người là Đấng cứu độ thôi họ có một kinh nghiệm về đối thoại với nhân loại  về Thiên Chúa của họ họ có kinh nghiệm đối thoại bổn phận của họ cuộc đời của họ bất cứ là nghèo hay là giàu họ sống theo ý Chúa họ đón nhận Thiên Chúa vào con người của họ một khi có Chúa trong mình làm việc gì cũng có ý nghĩa thiêng liêng  ý nghĩa cuộc đời là  biết đón nhận Chúa biết đối thoại những giá trị của cuộc đời của mình ý nghĩa của mình và sự biến đổi của mình sự biến đổi vào thời đó theo quan niệm giàu sang chức quyền tiền bạc nhưng mà sự cứu độ những người này đã kinh nghiệm tại Bêlem làm một sự cứu độ từ trời xuống chứ không phải tự mình hay là từ thế gian đưa lên  đó là những kinh nghiệm giúp cho họ đối thoại được và nếu cần dấn thân thì dấn thân của họ là sự dấn thân làm chứng cho chân lý với những điều tôi vừa chia sẻ trên đây có thể giúp chúng ta dọn mình mừng lễ Thiên Chúa giáng sinh nhất là lễ Noel của Năm Thánh 2000 tôi nhắc lại là tình hình bây giờ nó là một sự giao tranh rất nghiêm trọng giữa sự ác và sự thiện giữa Đức Kitô và Satan  cho nên chúng ta cần phải cố gắng trở thành người cộng tác viên vào chương trình cứu độ bằng sự thông minh của mình bằng sự dấn thân và bằng sự đổi mới của chúng ta. 
 
-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2232: Sống bổn phận liên đới với Hội Thánh


Bài nói chuyện của Đức cha GB. Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ, dịp Tĩnh Tâm tháng 11/2000

 

Đề tài chia sẻ hôm nay là sống bổn phận liên đới với Hội Thánh, liên đới với Hội Thánh địa phương Bùi-Tuần 2232


Đề tài chia sẻ hôm nay là sống bổn phận liên đới với Hội Thánh, liên đới với Hội Thánh địa phương tức là liên đới với địa phận, liên đới với Hội Thánh Việt Nam chúng ta. Có hai lý do đặt ra vấn đề này.

Lý do thứ nhất là lý do về lý tưởng. Lý tưởng của chúng ta là muốn cho giáo phận Long Xuyên trở nên chứng nhân của Tin Mừng giữa địa phương chúng ta. Lý tưởng của chúng ta là muốn Hội Thánh Việt Nam chúng ta trở nên một chứng nhân Tin Mừng giữa Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng ta. Mà để cho chúng ta trở nên chứng nhân của Tin Mừng trong một hoàn cảnh phức tạp hiện như bây giờ, thì theo tôi,  it ra có ba đặc điểm này:

- Một là chúng ta có cố gắng góp phần phát triển địa phận chúng ta và Hội Thánh chúng ta. Thế nào là phát triển, và phát triển gì?. Thì trước hết là phải phát triển về Lời Chúa. Làm sao để Lời Chúa được phổ biến rộng rãi, làm sao để Lời Chúa thấm nhuần sâu hơn. Bởi vì Lời Chúa là Lời ban sự sống, là Lời chân lý. Cho nên phát triển như chúng ta nói là phát triển Lời Chúa.

- Phát triển nữa là phát triển bác ái, như lời Đức Kitô đã dạy: Bác ái là luật căn bản của những người tin Chúa. Mà bác ái trong nhiều phương diện khác nhau rất đa dạng, như hiện nay chúng ta có sáng kiến trong các giáo xứ, trong các giáo đoàn.

- Một dấu chỉ phát triển khác trong nội bộ Hội Thánh là phát triển đào tạo nhân sự. Làm sao chính mình được tự đào tạo, làm sao mình góp phần vào việc đào tạo những người trong cộng đoàn mình để cùng nhau thêm những giá trị. Những giá trị đạo đức, những giá trị nhân bản, những giá trị trí thức, những giá trị về dân tộc. Đó là những đào tạo mà hiện nay đang được đề cao, nếu chúng ta nổi về cái đó, cố gắng về cái đó thì đó là một dấu chỉ chúng ta đang phát triển làm chứng cho Tin Mừng.

- Một điều khác nữa cũng cần đánh giá sự phát triển của một địa phận, của một dòng, của một Hội Thánh địa phương, đó là sự mình quyết  trồng Hội Thánh vào những địa điểm mới. Trước đây những địa điểm đó chưa có đón Hội Thánh, bây giờ mình cố gắng trồng Hội Thánh vào đó như là chúng ta thấy ở Long Xuyên. Chúng ta có những địa điểm mới đã được trồng Hội Thánh vào, thì mỗi năm mình nhìn xem mình đã trồng Hội Thánh vào được nơi nào là mới. Đây là những cái tôi gọi là tạm đưa ra để chúng ta thấy dấu chỉ những sự phát triển nội bộ chúng ta là Lời Chúa, bác ái, đào tạo và trồng Hội Thánh.

- Một tiêu chuẩn nữa để làm chứng Hội Thánh chúng ta là nhân chứng của Tin Mừng, đó là chúng ta cố gắng góp phần vào sự phát triển đất nước chúng ta. Trong thời kỳ này là thời kỳ đâu đâu cũng nói về phát triển, mà nếu chúng ta là một tổ chức tôn giáo mà không có góp phần vào vấn đề phát triển địa phương, phát triển dân tộc, thì người ta cho đó không phải là một cộng đoàn làm chứng cho Tin Mừng. Tất nhiên khi phát triển đất nước thì trước hết, tôi nghĩ phải nói về phát triển kinh tế, làm sao cho dân mình có ăn có mặc. Thứ hai là phát triển về văn hoá, làm sao cho dân mình được học hành. Nhất là phát triển về đạo đức, làm sao tránh được những tệ đoạn xã hội, làm sao giữ được nề nếp gia giáo của gia đình, của xóm ngo. Khi mà chúng ta góp phần vào việc phát triển xã hội qua những điểm đó thì đương nhiên, người ta sẽ gọi chúng ta là những người phát triển Tin Mừng.

Tiêu chuẩn  thứ ba mà lý tưởng chúng ta ngắm để chúng ta trở nên nhân chứng của Tin Mừng là vấn đề phát triển nội bo, phát triển đất nước, đó là chúng ta cố gắng đón nhận và tạo nên những luồng gió mới trong địa phương chúng ta. Bây giờ ai cũng nói về đổi mới và khắp nơi đều có những luồng gió, luồng gió mới từ Thánh Linh. Nếu chúng ta biết đón nhận những luồng gió mới đó vào cộng đoàn chúng ta để chúng ta phấn khởi như Lời Chúa dạy bảo khi xây dựng an hòa nội bộ, địa phương thì luồng gió mới đó là bằng chứng chúng ta là nhân chứng của Tin Mừng. Chúng ta thấy Giáo Hội sơ khai được gọi là Tin Mừng bởi vì chính Chúa Thánh Thần đem lại sự đổi mới. Thì trên đây là lý tưởng chúng ta muốn địa phương chúng ta trở nên nhân chứng của Tin Mừng.

Lý do thứ hai khiến chúng ta đề cập đến vấn đề này là vì trên thực tế, nó không đáp ứng đúng được như là lý tưởng Hội Thánh. Chúng ta muốn trở nên lý tưởng của Tin Mừng nhưng mà không được như vậy, bởi vì như chúng ta thấy thực tại xã hội nó đang có một sự rạn nứt nào đó, tan vỡ nào đó. Nếu chúng ta để ý quan sát thì chúng ta thấy có những rạn nứt và tan vỡ trong gia đình, trong cộng đoàn. Nhiều tệ nạn gia đình đang xảy ra, nếp gia giáo truyền thống đang bị đe dọa, đó là sự tan vỡ mà chúng ta đã thấy báo hiệu ở nhiều nơi. Rồi sự tan vỡ và bùng nổ rạn nứt trong đạo đức của giới trẻ. Giới trẻ có rất nhiều khả năng vươn lên, nhưng có nhận định rằng giới trẻ đang đứng trước nguy cơ bị bùng nổ, tan vỡ rạn nứt về đạo đức, nhất là giới trẻ nhiều nơi mất tiêu chuẩn đạo đức. Họ sống trôi nổi, sống cơ hội, sống hời hợt, sống mà không biết bám vào nơi nào, một mẫu gương nào, một tiêu chuẩn nào để đánh giá.

Mấy ngày hôm nay những đài ngoại quốc như là BBC, báo chí hay nói về giới trẻ Á Châu. Họ nói rằng giới trẻ bên này kể cả Việt Nam hay chạy theo thời trang, thấy ai mặc áo mới thì mình cũng chạy theo kiểu áo mới đó, thì như vậy là chết dân tộc mình, gia đình mình. Nếu mình lấy đó là mẫu cho cuộc sống thì không biết đi về đâu. Cho nên nguy cơ tiềm tàng bây giờ là nhiều người không còn bám được và nhận định được tiêu chuẩn cuộc sống. Những người đã có tuổi nhất là có tuổi trong dòng tu thì thấy là xưa nay mình phải sống thế nào theo tiêu chuẩn Phúc Âm rất rõ, dù gặp khó khăn  cứ bám vào đó mà đi, dù bị chống đối cứ bám vào đó mà vững tin thì mới có thể cứu được tình hình. Cho nên thời đại bây giờ nhiều người mất bản lãnh, nhiều người mất đạo đức, nhiều người không còn trí thức, nhiều người kém về nhân bản kể cả trong nhà tu của chúng ta, đó là điều đe dọa đến vấn đề nhân chứng của Tin Mừng, chúng ta không còn là Tin Mừng nữa. Bởi vì chúng ta chỉ giấu đi vẻ bề ngoài thôi, nhân bản, trí thức, đạo đức, bản lãnh, nó không còn gì là Tin Mừng cả. Chính vì hai lý do trên đây mà hôm nay chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm những người gắn bó với Hội Thánh, với địa phận nhất là Hội Thánh Việt Nam chúng ta. Trong hoàn cảnh cụ thể bây giờ, làm sao chúng ta chu toàn bổn phận để chúng ta góp phần làm cho địa phận ta, Hội Thánh Việt Nam ta trở nên nhân chứng của Tin Mừng. Nội dung chia sẻ chính gồm những gợi ý sau đây:

Thứ nhất hãy thao thức với Hội Thánh.
Thứ hai là hãy hành động với Hội Thánh.
Thứ ba là hãy tỉnh thức với Hội Thánh
Thứ bốn là hãy cầu nguyện với Hội Thánh.

Tôi xin chỉ tóm tắt để chúng ta đi sâu vào suy gẫm trong hai tháng của Năm Thánh còn lại.

Thứ nhất là hãy thao thức với Hội Thánh. Thao thức ở đây là tâm tình có nhiều mặt khác nhau nói chung và một cái nhìn về ánh sáng và cộng với cái nhìn về bóng tối. Ai đã yêu mến Hội Thánh và sống ơn gọi trong Hội Thánh đều cảm thấy mình có cái nhìn đầy ánh sáng và đôi khi có cái nhìn đầy bóng tối khiến mình thao thức. Tôi lấy cơ sở là Đức Kitô Đấng sáng lập Hội Thánh, Ngài cũng có thao thức lúc thì đầy ánh sáng, lúc thì đầy bóng tối. Cái nhìn của Ngài về Đức Chúa Cha, Ngài rất khâm phục Chúa Cha. Ngài nói cái gì cũng được Chúa Cha sắp đặt: Không có sợi tóc nào rụng xuống mà không có phép của Chúa Cha. Thế mà có lúc Ngài đâm ra hồ nghi: Lạy Cha, sao Cha bỏ Con? Ngài vừa nói về ánh sáng nơi Chúa Cha, thế mà có lúc Ngài nhìn Chúa Cha đầy bóng tối  như là Chúa Cha không còn chăm sóc gì đến Ngài nữa. Đó là thao thức của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.

Bây giờ Chúa Giêsu nhìn các tông đồ của Ngài, Ngài cũng có cái nhìn ánh sáng và đầy bóng tối. Ngài nói: Ai nghe chúng con là nghe Thầy, tức là Ngài tin tưởng vào các tông đồ, nhưng mà có lúc Ngài nói với Phêrô: Những gì con vừa nói không phải do Chúa mà do xác thịt của con. Ngài không tin vào lời của Phêrô, thì rõ ràng là thao thức của Ngài có lúc Ngài tin vào tông đồ và có lúc không tin vào tông đồ.

Rồi thao thức của Ngài đối với quần chúng cũng vậy, có lúc Ngài nói: Ta yêu dân này như là gà mẹ ấp ủ gà con, và có lúc rất thẳng thắn. Ngài nói: Dân này rất cứng đầu, chỉ kính Ta bằng môi bằng miệng. Một cái nhìn đầy bóng tối khi nhìn vào dân chúng, chứng tỏ rằng khi chúng ta sống đức tin gắn bó với Đức Kitô, gắn bó với Hội Thánh,  chúng ta luôn có cái nhìn đầy ánh sáng và đôi khi cũng có cái nhìn đầy bóng tối. Nếu chúng ta đọc lại Phúc Âm thì rõ ràng nhất là Phêrô, Phêrô cũng có những thao thức như vậy, những xao xuyến như vậy: Lạy Thầy bỏ Thầy chúng con đi đâu, vì Thầy có lời ban sự sống. Thì đó là tin tưởng đầy ánh sáng, nhưng có lúc chúng ta nghe Phêrô nói: Thầy nói những điều khó nghe quá. Các tông đồ cảm thấy lời Thầy khó hiểu quá bỏ nên bỏ Thầy mà đi. Ngay nhìn vào chính Đức Kitô mà thổn thức xao xuyến bồi hồi vừa tin, vừa nghi đối với Đức Kitô. Rồi Phêrô khi nhìn vào chính mình và các bạn của mình thì cũng thế, luôn luôn là tin tưởng: Dù chết chúng con cũng trung thành với Thầy. Nhưng mà ít lâu sau, kẻ thì bo, kẻ thì trốn. Đó là lúc đầy bóng tối. Nhất là sau này chúng ta đọc Phaolô, thì thấy nói về bóng tối. Phaolô nói thảm thiết lắm: Tôi muốn điều lành nhưng tôi làm sự dữ. Trong tôi có một lề luật của sự dữ, nó đàn áp tôi. Ai cứu được tôi bây giơ. Đó là cái nhìn đầy bóng tối, đầy tuyệt vọng.

Nói như vậy là chúng ta hiểu rằng khi chúng ta sống gắn bó với Hội Thánh,  chúng ta có những lúc rất lạc quan và có những lúc rất bi quan, mà đó là phải như thế. Đừng có lạc quan quá, đừng có bi quan một cách vô vọng, mà phải thông cảm với Hội Thánh. Riêng tôi, tôi thấy cuộc hành hương Rôma, tôi lạc quan khi thấy Đức Giáo Hoàng vẫn còn hấp dẫn lôi cuốn giới trẻ. Chẳng hạn như tối hôm qua tôi có điện đàm với Toà Thánh mới biết Đức Giáo Hoàng cử hành một cuộc lễ dành riêng cho 3000 người làm chính trị. Nhiều người rất phấn khởi vì thấy Đức Giáo Hoàng rất bình dân và lôi cuốn. Khi nhìn như thế là nhìn thấy đầy ánh sáng, nhưng cũng có một số vấn đề đầy bóng tối. Một bài báo mới xuất bản ở Au châu, tác giả viết về những bê bối trong Toà Thánh. Cái đau nhất của tôi là nói về sự can thiệp đạo nhiệm trong Toà Thánh, nghĩa là nó không còn thánh nữa mà có những tranh chấp, bè phái, tiền bạc nhất là nhờ đạo nhiệm để mà lên chức. Một bài báo khác của một tác giả Việt Nam ở Mỹ, công giáo, đầu đề là: Thực chất của Giáo Hội Lamã, viết cũng có cái đúng và có cái không đúng. Mục đích là lên án Giáo Hội toàn cầu cũng với tất cả những sự kiện đang xảy ra. Đọc xong tôi thấy đau đớn.

Rồi khi tôi ở Rôma thì có những cuộc biểu tình của người công giáo nơi chính địa phận Rôma của Đức Giáo Hoàng. Biểu tình để chống lại Đức Giáo Hoàng vì Ngài  phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Pio IX. Bởi vì theo các nhận định của một số người thì Đức Giáo Hoàng Pio IX là người chống lại nhân quyền, đã chống lại nền văn minh, đã chống lại dân chủ mà sao bây giờ lại nêu ngài lên làm gương trong vấn đề phong thánh. Rồi những bài báo của khắp nơi, hoặc những lời phản đối của chính phủ Trung Quốc với Toà Thánh khi Đức Giáo Hoàng phong thánh cho một số vị tử đạo ở Trung Quốc kỳ vừa rồi. Đau đớn nhất và đáng lưu ý nhất là báo chí phản ánh tư tưởng của các nhà thần học. Một số các nhà thần học phản đối Đức Giáo Hoàng về vấn đề tuyên bố Dominus Jesus. Tôi có nói chuyện với một số dòng thì họ nói nhất là ở Pháp, họ cho biết là một số người công giáo Pháp đã bỏ đạo ra khỏi Hội Thánh vì bất đồng với tuyên ngôn mới của Đức Giáo Hoàng. Họ cho rằng kiêu căng, họ cho rằng bất công đối với những tôn giáo khác. Khi nhìn cái đó tôi cảm thấy bóng tối ở trong Hội Thánh ngay từ bây giờ, mặc dầu có ánh sáng nhưng có những bóng tối. Nhất là trong cuối Năm Thánh hướng về Giêrusalem, vì Giêrusalem là đất thánh, là nơi đang tranh chấp, là nơi chiến tranh, là nơi không thấy có sự trở lại của Đức Kitô. Chỉ có hận thù, không có bình an. Thì thấy là những bóng tối nó làm cho mình, làm cho người gắn bó với Hội Thánh cảm thấy có cái gì cần phải kiểm tra lại, cần phải xét lại để mình có thể là chứng nhân của Tin Mừng.

Trước hết là phải xét tất cả và xem tất cả những sự kiện đang xảy ra trong mấy tháng nay, thì người ta cũng thấy Hội Thánh không phải là chứng nhân của Tin Mừng mà chỉ là chứng nhân của sự kiêu căng, của sự chia rẽ. Thì đấy là những cái mà tôi nghĩ chúng ta cần phải biết mà liệu làm sao chúng ta vừa trung thành với Đức Kitô, Đấng sáng lập Hội Thánh, vừa gắn bó với Hội Thánh nhưng mà trong sự thật - trong sự thật chứ không phải là trong sự giả dối. Mặc dầu có những cái sai, nhưng mà những cái sai đó là do lỗi lầm của mình thì mình sửa lại, chứ không phải mình luôn luôn khẳng định mình đúng tất cả. Thì trước hết là tôi nghĩ rằng phải thao thức với Hội Thánh, nhất  là với Hội Thánh địa phương chúng ta. Chúng ta cũng phải có cái nhìn đúng trong những bóng tối và những cái nhìn đúng ở trong những cái lạc quan, thì chúng ta vừa tin tưởng vừa biết dè dặt và khôn ngoan. Tôi nghĩ chưa nói đến Việt Nam vì có những cái rất là lạc quan và có những cái rất là dè dặt, nhất là trong cái chuyến đi của tôi vừa qua.

Thứ hai  phải hành động với Hội Thánh. Tôi lấy gương của thánh Phaolô tông đồ. Phaolô tông đồ được sai đến trong một thế giới mà có thể nói là có những cái không này: Một thế giới không Thiên Chúa, một thế giới không luân lý, một thế giới không khoan nhường, một thế giới không hy vọng. Nếu chúng ta được đọc lại lịch sử thời Phaolô, thì có những cái triết lý đề cao sự dâm đãng, sự hưởng thụ, đề cao sự nghi ngờ nghĩa là không có hy vọng, không có chân lý chi cả, đề cao sự giữ người người nô lệ như là hợp pháp vv... Thế mà trong cái hoàn cảnh như vậy: đầy bóng tối, đầy thất vọng, thế mà Phaolô đã làm cái gì? Thưa, ngài cương quyết hành động, chứ ngài không có rên xiết. Hành động của ngài là cái gì?

Thứ nhất là rao giảng về Đức Kitô. Ngài rao giảng về Đức Kitô. Đọc Phaolô chúng ta thấy ngài luôn luôn nói là ngài vui mừng. Vui mừng không phải vì đã kéo được nhiều người trở lại, mà vui mừng vì được rao giảng Đức Kitô. Trong tù cũng vậy, chỉ rao giảng thôi.

Thứ hai, hành động của ngài là sống bác ái. Sống bác ái như Đức Kitô tha thứ, khoan dung.

Thứ ba, ngài đào tạo các môn đệ, đào tạo những người phải làm.

Vì thế ba việc làm đó thì trong cái liên đới của chúng ta đối với Hội Thánh, đối với địa phận, đối với Giáo Hội địa phương chúng ta, chúng ta cố gắng làm ba việc đó, dù khó thế nào trong tương lai cũng làm. Và theo thánh Phaolô thì sở dĩ chúng ta làm ba việc đó vì ba lý do căn bản này khiến ngài phải làm.

Thứ nhất ngài tin rằng Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, mọi người đều được Chúa muốn cứu độ. Không trừ ông Cộng Sản, không trừ ông Phật giáo, không trừ một ai cả. Ngài nói câu đó “Chúa muốn mọi người được cứu độ”, thành ra câu nói mở ra hướng của ngài. Ngài ra đi.

Thứ hai và cũng là nền tảng để ngài hành động đó là về tội lỗi. Ngài nói rằng: Chỗ nào có nhiều tội lỗi thì chỗ đó lại càng là cái gì tỏ ra lòng nhân hậu thương xót của Chúa. Thành ra nó an ủi mình lắm. Mình cứ tưởng rằng chỗ kia, người kia nó tội lỗi quá, mình bỏ. Nhưng mà không, thánh Phaolô nói rằng không. Chỗ nào càng có nhiều tội lỗi thì càng làm dịp Chúa tỏ lòng thương xót, thì đó là cái nền tảng để ra đi, để hành động với Đức Kitô.

Thứ ba ngài đưa ra nền tảng là Thần Khí Đức Kitô hành động nơi mọi người, nơi mọi dân tộc, nơi mọi nền văn hoá. Trước khi ngài đến nơi nào thì ngài tin là Thánh Thần  đã hoạt động ở nới đó trước. Và như vậy là cái nhìn của ngài nó mở ra, tức là Thánh Thần Thiên Chúa ở với mọi người, ở với mọi nền văn hoá. Tôi nghĩ là chẳng hạn như bây giờ nhìn thấy mọi người chung quanh: Phật giáo, Cộng Sản vv... theo cái nhìn của Phaolô như vậy, thì chúng ta thấy rằng mình phải tin tưởng mà ra đi. Chúa muốn cứu độ mọi người. Chỗ nào càng có thể càng gặp những dấu hiệu Chúa tỏ lòng thương xót và trước khi mình đến Chúa đã hoạt động nơi tâm hồn họ rồi. Như vậy là lạc quan. Chúng ta thấy khi thánh Phaolô giảng thì ngài giảng về Đức Kitô thôi. Tin Mừng của tôi là Đức Kitô. Sự sống của tôi là chính Đức Kitô. Ngài tập trung vào Đức Kitô. Đức Kitô là Đấng cứu độ, Đức Kitô là Đấng ban sự sống lại, có thế thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng trong thực tế nếu hoàn cảnh bây giờ và sau này có khó khăn về mặt này mặt kia, tôi nghĩ chúng ta cứ nhớ ba điều đó. Cứ rao giảng về Đức Kitô là Đấng sống lại theo ba nguyên tắc đó. Cứ bác ái như Đức Kitô vậy và chung quanh chúng ta chúng ta cố đào tạo thêm những người theo chân Đức Kitô. Cứ đào tạo bao nhiêu cũng được, đơn sơ lắm. Tôi nói thật với anh chị em, anh chị em cũng biết là đời của tôi nhất là đời Giám Mục tôi cũng chỉ làm có thế thôi. Về Lời Chúa tôi cũng vẫn rao giảng trên báo chí, trên sách vở, trên những trao đổi, trên những hội nghị, tôi vẫn luôn luôn nói về Đức Kitô và chỉ nói về Đức Kitô thôi. Còn Đức Mẹ và các thánh, thì cũng chỉ là những phương tiện để đưa đến Đức Kitô. Tất cả nói về Đức Kitô, nói về đức bác ái của Đức Kitô. Hai là tôi luôn luôn để ý đến việc đào tạo và luôn luôn mở ra về phía xã hội nhất là mở ra về những cái chỗ người ta nói rằng không thể nào có Tin Mừng được. Tôi tin rằng Chúa  ở với người ta, người ta vẫn nhận diện được những sự lành của Chúa. Đây là công việc thứ ba để ta sống liên đới với Hội Thánh. Đó là chúng ta tỉnh thức. Hãy tỉnh thức với Hội Thánh. Tỉnh thức, tôi để ý đến những việc sau đây:

Hãy tỉnh thức trước những chuyển biến của nội bộ chúng ta. Bởi vì nội bộ của chúng ta cũng chuyển biến nhiều lắm. Có những người bất mãn, có những người thất vọng, có những người bị thương tích, có những người dửng dưng, có những người chống đối, có những người trong tình trạng bế tắc, có những người âm thầm chịu đựng, có những người khô khan, có những người yếu kém. Nghĩa là nội bộ chúng ta càng ngày càng phức tạp, cho nên chúng ta hãy tỉnh thức mà nhìn vào chính nội bộ của mình, chúng ta thấy có sự chuyển biến mau lắm, nó chuyển biến mau lắm. Tôi thấy như là trong mấy tháng nay thì Toà Giám Mục cũng nhận được thư này thư kia, qua những đó, tôi thấy nó chuyển biến nhiều. Họ bắt đầu có những ý kiến về vấn đề này vấn đề kia. Trước kia họ không có thế, nên bây giờ mình phải tỉnh thức trước những chuyển biến của nội bộ, để mình trở nên một người theo chân Đức Kitô biết đoàn chiên của mình, mặc dầu trăm con chiên tốt nhưng chỉ có một vài con chiên hơi lạc, thì mình cũng phải nhận diện nó và đi tìm nó.

Tỉnh thức về những chuyển biến xã hội. Xã hội Việt Nam bây giờ đang chuyển biến nhiều lắm. Chuyển biến  nơi giới trẻ, chuyển biến nơi chính quyền,  chuyển biến nơi người nghèo, chuyển biến nơi những người làm kinh tế vv... Trong những chuyển biến đó nó có liên hệ đến vấn đề tôn giáo chúng ta. Cho nên kỳ vừa qua trước khi đi Rôma, tôi có đi Hà Nội và tôi có gặp Ban Tôn giáo Trung Ương, rồi sau đó tôi gặp Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Rồi trong chuyến về, tôi cũng trở lại Hà Nội, cũng gặp Ban Tôn Giáo Trung Ướng và cũng lại gặp Phó Thủ Tướng. Lần này chỉ có hai người nói chuyện riêng với nhau rất thân tình, chúng tôi mới thấy là nó có nhiều chuyển biến. Tôi đã  hỏi chẳng hạn như là chính sách tôn giáo của chúng ta có gần gũi với chính tôn giáo của Trung Quốc không? Tôi đặt vấn đề rất là ngay thẳng. Hay là vấn đề Bắc - Nam, vấn đề giàu nghèo, vấn đề đổi mới, vấn đề cựu với tân. Chúng tôi trao đổi với nhau một cách rất thân tình nhất là đối với Phó Thủ Tướng, tôi thấy là có những điều thay đổi.

Có những lần tôi ăm cơm với những nhà báo và những giáo sư Đại học, thì qua những dịp đó tôi nắm bắt được những khủng hoảng, những trở ngại của họ, những thao thức của họ, mình biết rằng nó đang chuyển biến mạnh. Rồi khi sang Tây gặp một số những kiều bào Việt Nam, họ cũng có những thao thức của họ. Rồi mấy ngày hôm nay, ngay vừa rồi thôi, tôi cũng có điện đàm với người từ Hoa Kỳ, bên ấy cũng có những thao thức của họ về Việt Nam. Rồi tối hôm kia tôi được một cú điện thoại từ Mátcơva, họ cũng chia sẻ những thao thức của họ. Rồi một cô giáo ở Hà Nội cũng vừa gọi điện thoại cho tôi, cô ấy làm trong Sở Văn hoá, cũng nói về chuyển biến. Và khi tôi hội nghị với các đoàn của quốc tế như là Caritas Đức, Caritas Pháp, Caritas An Độ, với Hội Đồng Giám Mục về văn phòng Hội Đồng Giám Mục Pháp, Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Ý, thì tôi thấy là khi họ gặp mình họ chỉ cần sao biết được những sự chuyển biến trong xã hội Việt Nam. Mà như thế mình mới thấy rằng họ rất thao thức và muốn biết những gì đang chuyển biến để họ biết mà làm việc. Đang khi đó mình ở Việt Nam này, mình lại không quan tâm gì đến các chuyển biến, để khi họ hỏi thì mình mới biết. Thế là mình mới biết người ta rất để ý đến những chuyển biến về xã hội trong nhiều mặt. Vì thế sống liên đới với Hội Thánh là hiểu biết, tỉnh thức trước những chuyển biến của xã hội.

Tỉnh thức thứ ba là phải biết tỉnh thức về các liên đới giữa xã hội và Hội Thánh địa phương, tức là biết đối thoại với chính quyền.

Đối thoại với trí thức địa phương, đối thoại với giới trẻ trong nước, đối thoại với người nghèo chung quanh. Hiện nay một trong những cách để làm chứng cho Tin Mừng, truyền bá Phúc Âm đó là đối thoại. Mà muốn đối thoại thì mình phải có trí thức để nắm bắt, để biết phân tách, để biết nhìn trước những cái gì họ đang đợi chờ. Nếu mình không có trí thức và không có ơn Chúa thì không đối thoại được. Cho nên những liên hệ đó rất quan trọng. Mà nói thực ra, nếu chúng ta phát triển được Hội Thánh chúng ta, một phần cũng là do biết liên hệ với những người chung quanh. Một tỉnh thức nữa là chúng ta phải tỉnh thức trước những chuyển biến của các tôn giáo bạn chung quanh. Phật giáo đang làm gì, đang phát triển cái gì? Tin Lành đang làm gì, đang tổ chức thế nào? Tam Điểm ở Việt Nam bây giờ đang tổ chức cái gì? Các giáo phái đang hiện diện và đang đi sâu vào vùng quê thế nào? Nếu chúng ta tỉnh thức thì chúng ta mới thấy là những thách đố đó không phải là do Cộng Sản, mà có thể là do các tôn giáo khác chung quanh, người ta đang cố vươn lên đang khi đó mình thì thụt lùi. Rồi có một tỉnh thức mà ít lâu nay đặt ra cho tôi và cho tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo, đó là tỉnh thức trước các nhóm dấn thân, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, các nhóm hoạt động về từ thiện bác ái. Bởi vì ít lâu này nó phát hiện, nó phát sinh ra các nhóm nhỏ mà nếu mình không tỉnh thức trước các nhóm này để giúp họ đi đúng đường, thì có thể là tội nghiệp cho họ và cũng khổ cho mình. Bởi vì họ đáng lẽ sẽ trở nên một yếu tố làm lợi cho Hội Thánh, mà lại trở nên cô đơn hoặc là trở nên phản kháng. Rồi sau cùng là tỉnh thức trước những yếu tố có sức đổi mới Hội Thánh.

Đi khắp nơi và quan sát trong Hội Thánh Việt Nam chúng ta, tôi thấy có những yếu tố có khả năng đổi mới. Họ như là những luồng gió mới, những ước vọng mới, những sáng tạo mới về kỹ thuật, về âm nhạc, về Lời Chúa. Họ có nhiều có nhiều cái mới lắm mà nếu mình tỉnh thức sẽ nhận ra liền. Nếu không tỉnh thức, ù lì hay là chai đá, thì không thể thấy. Mà chính khi mình khám phá thấy những luồng gió đổi mới đang đến, thì mình phải biết rằng Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn đưa lịch sử Hội Thánh và dân tộc vẫn làm việc. Nhưng mà câu hỏi đặt ra là chúng ta có cộng tác với Chúa Thánh Thần không. Vậy khi chúng ta tỉnh thức về những điểm này thì chúng ta có thể nắm bắt được tình hình. Tôi thấy một trong những vấn đề mà khi ngồi bàn với Bộ Truyền Giáo và Bộ Ngoại Giao của Toà Thánh Rôma, thường thường chúng tôi đặt ra vấn đề này, tức là sự tỉnh thức. Mà nếu họ hỏi mình mà mình không tỉnh thức. Họ hỏi mình về Phật giáo, họ hỏi mình về Tam Điểm, họ hỏi mình về chính quyền tức là những cái trí thức. Mình phải tỉnh thức trước  và có một nhận định nắm bắt rõ. Rồi họ hỏi trước vấn đề này thì cái dự báo sẽ ra làm sao, năm năm tới này sẽ ra làm sao. Và có dự án nào trong tương lai không. Cho nên sống liên đới với Hội Thánh là góp phần vào trong việc tỉnh thức nắm bắt, phân tách, nhận định rồi dự kiến, dự báo, dự án trong tương lai. Và một trong những điều chúng tôi bàn đến nhiều là vấn đề nhân sự. Tình hình Việt Nam đang đứng trong thế này, thì Giám Mục trong tương lai chỗ này phải thế này, phải có những điều kiện này. Rồi các dòng phải thế này.

Và như vậy thì mình mới đối phó được. Chứ nếu không tới đâu hay tới đó thì làm sao được. Nên vấn đề tỉnh thức trước  những điều tôi vừa nói để nắm bắt, để dự báo, để dự án, thì theo tôi đang làm bây giờ về vấn đề nhân sự. Quan trọng nhất là nhân sự tốt. Nếu nhân dự tốt, nhân sự biết nhìn xa thấy rộng, nhân sự có tầm cỡ, có chiều sâu thì sẽ giúp cho được Hội Thánh Việt Nam tiến lên. Hoặc nếu không thì tôi sợ Hội Thánh Việt Nam nói chung, địa phận mình nói riêng hay là những cộng đoàn chỉ là những cộng đoàn của nhang khói, nghĩa là chỉ của lễ lạy thôi. Nhang khói không còn một giá trị cao để người ta gọi mình là Giáo Hội của Tin Mừng, loan báo giá trị cao đẹp của đất nước, của Phúc Âm.

Bây giờ phần cuối là ta hãy cùng cầu nguyện cho Hội Thánh và với Hội Thánh. Chúng ta cần phải đặt nặng vấn đề cầu nguyện. Bởi vì chúng ta tin rằng sự cứu độ chỉ đến từ Đức Kitô. Chỉ đến từ Chúa thôi. Chúng ta có giỏi đến mấy, chúng ta có nhiều dự án hay đến mấy,  nhưng nếu không từ Chúa và không nhờ Chúa giúp đỡ thì không được. Cho nên xác tín rằng ơn cứu độ từ Chúa mà ra. Và muốn như vậy chúng ta phải đến với ơn Chúa, và đến với ơn Chúa bằng cái gì? Thưa, bằng sự cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Bà chỉ ở trong mấy bức tường nhỏ bé, nhưng bà đã cầu nguyện rất nhiều và khi cầu nguyện, cũng đã nhìn thấy những bóng tối như  chúng ta  ở trong truyện của Têrêsa. Bà đã cầu nguyện hy sinh rất nhiều để sau cùng, ơn cứu rỗi của chúng ta là Chúa Kitô sẽ đến với chúng ta trong thời điểm Ngài muốn và trong cách Ngài muốn. Nhưng mà chúng ta không ân hận vì đã cộng tác với Đức Kitô trong bổn phận của chúng ta.

Trong suốt kỳ hành hương vừa rồi một trong những cái gây ấn tượng lớn trong tôi đó là ngày lễ Đức Giáo Hoàng đồng tế, và chúng tôi có mặt gần 2000 Giám Mục toàn cầu. Sau lễ thì có cuộc rước tượng Đức Mẹ Fatima. Khi rước Đức Mẹ Fatima, chúng tôi ngồi tại chỗ, Đức Giáo Hoàng đi theo sau tượng. Đến một quảng trường trống thì đặt tượng xuống, xong Ngài quỳ xuống và đọc kinh dâng mình cầu xin với Đức Mẹ Fatima. Lúc đó là lúc gây ấn tượng nhất. Ngài cầu xin nhất là điều này: Xin cho Hội Thánh chúng con trở về với Đức Kitô, Năm Thánh trở về với Đức Kitô, nhận biết Đức Kitô và Tin Mừng. Thì đấy là một ấn tượng, một người già cả trở như trẻ nhỏ trước người Mẹ Hội Thánh để cầu xin ơn trở lại với Đức Kitô. Thì tôi thấy vấn đề cầu nguyện rất quan trọng, chúng ta dù tuổi nào, ở bậc nào, chúng ta cũng có thể cầu nguyện được. Bây giờ với bốn bổn phận: Thao thức, Hành động, Tỉnh thức và Cầu nguyện xin ơn trở về, chúng ta sẽ sống bổn phận liên đới với địa phận chúng ta, liên đới với Hội Thánh Việt Nam chúng ta và Dân tộc chúng ta. Hội Thánh Việt Nam chúng ta cũng đang trải qua thời kỳ không phải là dễ dàng đâu, coi là như vậy chứ không dễ dàng gì đâu, cho nên phải làm bốn việc đó cách rất nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta làm công việc đó cách nghiêm túc theo khả năng của mình, thì chúng ta sẽ giúp cho Hội Thánh chúng ta, địa phận chúng ta trở nên nhân chứng của Tin Mừng.

----------------------------

 

Bùi-Tuần 2233: Về Với Cha


Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần với các linh mục, tu sĩ dịp Tĩnh Tâm, tháng 8-2000

 

Lý do chọn đề tài này cho tháng 8 là vì đỉnh cao phụng vụ tháng Tám là lễ Đức Mẹ lên trời. Lên Bùi-Tuần 2233


Lý do chọn đề tài này cho tháng 8 là vì đỉnh cao phụng vụ tháng Tám là lễ Đức Mẹ lên trời. Lên trời là về với Cha, về với Cha là đích điểm cuối cùng mà hành trình đời ta nhắm tới. Về với Cha là hạnh phúc sau cùng mà lòng chúng ta luôn mong ước. Vậy nếu về với Cha được nhận định là đích điểm đời ta, và là hạnh phúc đời sống của ta, thì câu hỏi tất nhiên sẽ phải đặt ra là làm thế nào để chúng ta được về với Cha? Câu trả lời Chúa ban cho chúng ta hôm nay là hãy đi theo Đức Mẹ Maria.

Muốn đi theo Đức Mẹ Maria để về với Cha, chúng ta phải nghiên cứu phải học hỏi, phải tập luyện nhất là phải có ơn Chúa giúp, chỉ bấy nhiêu việc đó mà thôi cũng đòi nhiều công sức, nhiều thời giờ, nhiều chuyên môn, nhiều thiện chí mà thực tế là chúng ta đang ở trong nhiều giới hạn, nên hôm nay ở đây tôi chỉ xin phép trình bày một gợi ý mà thôi, để đi theo Đức Mẹ về với Cha trên trời là cùng với Đức Mẹ bắt chước Chúa Giêsu, cố gắng sống ơn gọi người con ngoan của Thiên Chúa là Cha. Nội dung gợi ý chia thành hai:

Phần thứ I: nói về một số việc quan trọng của người con ngoan hiếu thảo mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã thực hiện trên đường trở về với Cha.

 Chúng ta biết là suốt đời trên trần thế Chúa Giêsu đã nêu gương và giảng dạy về  phải sống thế nào để xứng là người con ngoan của Thiên Chúa là Cha. Ơ đây tôi chỉ xin nhắc lại bảy việc mà Chúa Giêsu đã làm, đã dạy và chính Đức Mẹ Maria cũng đã thực hiện theo gương và lời dạy của Chúa Giêsu.

1/ Năng tạ ơn Cha: là người con thảo, Chúa Giêsu luôn giữ tâm hồn tạ ơn Chúa Cha. Phúc Âm hay nói tới cử chỉ Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa Cha: “Lạy Cha, Con tạ ơn Cha”.

Về phía Đức Mẹ là người con hiếu thảo, Đức Mẹ cũng theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ có một tâm hồn tạ ơn Chúa Cha. Lời kinh tạ ơn Mangificat không phải chỉ là lời Mẹ đọc một lần, mà là lời đọc hàng ngày, đọc âm thầm, đọc mọi nơi, mọi lúc. Tạ ơn của Đức Mẹ là do những cảm nghiệm, phát xuất từ đáy lòng. Đức Mẹ cảm thấy sự đổ tràn tình Chúa chính là Nước Thiên Chúa đến với Đức Mẹ. Đức Mẹ cảm thấy tình Chúa đổ tràn đầy vào lòng mình “Linh hồn tôi tạ ơn Chúa”, như một dấu hiệu của Nước Trời.

          Khi Đức Mẹ tạ ơn là cảm nghiệm thấy Chúa đoái nhìn đến phận hèn của mình mình, dù bất xứng, chẳng có công trạng gì nhưng Chúa đã đoái nhìn đến mình thì lời tạ ơn đó là khiêm tốn. 

Đức Kitô đã nhiều lần nói : Chúa ban ơn đặc biệt cho những kẻ bé mọn “Con  tạ ơn Cha, vì cha mạc khải cho những linh hồn  bé mọn”.

Đức Mẹ tạ ơn Thiên Chúa, từ đáy lòng Đức Mẹ cảm nghiệm được Chúa Thánh Linh cho thấy ơn đặc biệt Chúa dành cho Đức Mẹ và thấy rằng Chúa đến chỉ vì Chúa thương mình bé nhỏ. Việc này chúng ta cần phải ý thức khi bắt chước Đức Mẹ để mà tạ ơn Chúa.

2/ Cầu nguyện: Chúa Giêsu luôn giữ tâm hồn cầu nguyện và tỉnh thức. khi đọc Phúc Âm chúng ta thấy Đức Kitô cũng dạy ta hãy cầu nguyện và tỉnh thức để lắng nghe Cha, để đợi chờ Cha.

Đức Mẹ là người con thảo cũng theo gương Chúa Giêsu Mẹ năng cầu nguyện và tỉnh thức. Đức Mẹ xác tín rằng sự cầu nguyện là một cách làm chứng tốt nhất cho Thiên Chúa toàn năng, khi chúng ta cầu nguyện trong tâm thức cầu nguyện của Đức Mẹ, tin vào lòng thương xót của Chúa, đức tin không phải là một kết quả của nghiên cứu, của công việc từ thiện bác ái của ta. Đức tin là một ân huệ Chúa ban cho nên phải cầu nguyện, chỉ có Chúa mới ban được ơn đổi mới. Đức Mẹ xác tín rằng chỉ Chúa mới ban được ơn cứu độ, mà ơn cứu độ được ban cho không phải do quyền lực mà là lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ cầu cho Nước Cha trị đến chớ không phải như phần đông chúng ta cầu nguyện xin ơn này ơn kia. Đức Mẹ cầu nguyện, tỉnh thức để đón nhận những dấu chỉ của Nước Trời gởi đến, Đức Mẹ có kinh nghiệm về biến cố truyền tin, cũng như biến cố Chúa phục sinh cũng là biến cố bất ngờ

3/ Sống Lời Chúa: Lời Chúa là tiêu chuẩn để phân định phải, trái hay mô tả sách thánh như  là luật để sống. Chúng ta thấy Chúa Giêsu hay đưa Kinh Thánh ra để hiểu ơn gọi của mình. Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói về tôi: “Thần Trí Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” Đức Kitô sống Lời Chúa, lời tiên tri để biết rằng Chúa gọi mình như đã gọi Isaia, Giêrêmia, rồi qua Lời Chúa, Đức Kitô hiểu thân phận của mình như con chiên bị mang đi cắt lông, bị mang đi hiến tế. Điều này chính Giêrêmia đã nói từ xưa.

 Đức Mẹ cũng bắt chước Chúa Giêsu sống Lời Chúa. Chúng ta thấy một lần Đức Mẹ và anh chị em Chúa Giêsu đến tìm Chúa Giêsu, lúc đó Chúa Giêsu đang ở giữa đám đông, người ta báo cho Chúa Giêsu biết là mẹ và anh chị em Thầy đang đi tìm Thầy Chúa Giêsu đã trả lời một câu cứng cỏi: “Mẹ Thầy là ai? Anh chị em Thầy là ai? Đây tất cả anh chị em là Mẹ Thầy bởi vì những ai nghe Lời Chúa và thực hiện Lời Chúa họ là chính là Mẹ của Thầy”. Tức là Chúa Giêsu đề cao sống Lời Chúa, câu đó lọt vào tai Đức Mẹ. Đức Mẹ đứng ngoài kia mà cũng không dám vào tìm Chúa Giêsu để Chúa Giêsu thi hành bổn phận. Ngài Sống Lời Chúa là phải chấp nhận tử vong, là tử bỏ mình Lời Chúa cũng là một con đường đòi hỏi phải sống cô đơn, nếu chỉ sống theo ý riêng mình, theo dư luận, theo thế gian thì không phải là sống theo Chúa. Chúng ta cần phải hiểu, sống Lời Chúa, thực thi Lời Chúa, đòi hỏi từ bỏ chính mình như Đức Mẹ từ bỏ ý mình

4/ Chọn lựa ý Chúa Cha trên mọi ý khác: Đức Kitô luôn đặt ý Chúa Cha trên ý riêng của mình “Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha”, cho dù theo ý Chúa Cha sẽ phải khổ đau.

Đức Mẹ cũng vậy theo gương Chúa Giêsu: đón nhận ý Chúa Cha trên ý riêng của mình mặc dù ý Chúa Cha khác ý của mình, hơn nữa còn gây cho mình những khổ đau. trước mặt Đức Mẹ ý Chúa Cha là muốn chúng ta phục vụ, phục vụ một cách khiêm nhường, phục vụ khiêm nhường cho đến chết, chấp nhận chết đi như là hạt lúa chôn vào lòng đất, phục vụ như gương Đức Kitô Kinh Thánh nói “Mặc dù ngang hàng với Thiên Chúa nhưng mà từ bỏ chính mình, bỏ trời xuống the, mang thân phận con người mà không phải con người sang trọng, mà là con người nô lệ, chịu tất cả mọi sự như con người, chỉ trừ tội lỗi”. Đức Mẹ theo gương Đức Kitô trên đường về với Cha. Ý thức ý Chúa Cha là phục vụ một cách khiêm nhường trong tinh thần từ bỏ chính mình, mặc dầu sự vâng phục đó sẽ phải đau đớn như tiên tri Simêon đã báo trước “Một lưỡi gương sẽ đâm thâu lòng Bà” nhưng vâng phục ý Chúa.

5/ Phục vụ con người bằng cách đáp ứng đúng nhu cầu tình hình: Đức Kitô luôn dấn thân phục vụ con người. Ngài coi phục vụ trong yêu thương  là giới răn riêng của Người. Phục vụ con người là giúp cho con người tìm được sự sống thực, và đường ngay nẻo chính. Phục vụ theo những nhu cầu chính đáng của tình hình từng người, từng lúc “Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống”, đáp ứng đúng tình hình riêng.

Đức Mẹ theo gương Đức Kitô, Đức Mẹ cũng để ý đến việc phục vụ con người trong yêu thương, chúng ta nhớ lại sự Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave cũng là đáp ứng đúng nhu cần, mà bấy giờ bà Isave đang cần một người chia sẻ, cần một người giúp đỡ khi mang thai Gioan Baotixita, chúng ta cũng nhớ đến tiệc cưới Cana Đức Mẹ đã xin Chúa Giêsu can thiệp làm phép lạ, cũng là vì đòi hỏi cụ thể của tình hình lúc đó. Cho nên phục vụ là đáp ứng đúng yêu  cầu, bằng đúng việc, bằng đúng cách, đúng lúc. Tình hình trước mắt chúng ta lúc này là đang lụt lội, kinh tế đang xuống, thì tất cả những cuộc lễ, giảng giải của chúng ta, nó phải đáp ứng đúng nhu cầu, tình hình cụ thể. Không lẽ người ta đang chết đói, mà mình cứ mở lễ tưng bừng, ăn uống tràn trề, không phải là chúng ta lấy của người ta, nhưng mà chúng ta không đáp ứng đúng nhu cầu. Phải theo gương Đức Kitô và Đức Mẹ đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, trong đúng lúc với đúng cách, về việc này Chúa đòi chúng ta quan trọng nhất  là trung thành với bổn phận được trao phó, nói cụ thể, Chúa qua Bề Trên trao cho chúng ta bổn phận nào để phục vụ, và mình phải đáp ứng được những đòi hỏi do nhiệm vụ được trao.

6/ Tình nguyện đi vào con đường  thánh giá để cứu độ nhân loại: Đức Kitô đã tình nguyện bước vào cuộc tử nạn để cứu độ nhân loại.

Đức Mẹ đã theo gương Chúa Giêsu tiếp tục tham gia vào những đớn đau, nhục nhã, cô đơn của Chúa Giêsu tử nạn. kinh nghiệm cho chúng ta thấy, khi chúng ta theo gương Đức Mẹ tham gia tình nguyện vào con đường thánh giá, thì chúng ta cũng giống như Đức Mẹ là được hạnh phúc chia sẻ sống khổ đau, sống thiếu thốn, sống cô đơn. Chúng ta là những người dâng mình cho Chúa, muốn được chia sẻ thân phận đại đa số nhân loại như Chúa Giêsu và Đức Mẹ thì đó là hạnh phúc đời tu của chúng ta, vì tham gia vào mầu nhiệm cứu độ, Đức Mẹ đã được ơn biết an ủi những người khổ đau. Kinh nghiệm cho thấy, những ai đã từng khổ đau thì có ơn riêng để biết an ủi người khổ đau. Đức Mẹ có một ơn riêng làm cho những người khổ đau bế tắc, nhìn thấy hy vọng họ. Mầu nhiệm thánh giá đem lại rất nhiều lợi ích, mà chỉ có những người thực sự đi theo Đức Mẹ, đi theo Đức Kitô mới cảm nhận được

7/ Việc sau cùng là dấn thân vào công việc sản sinh mới: Đức Kitô đã vào việc sản sinh mới do sức đổi mới của Chúa Thánh Linh, hầu con người được đổi mới, có sự sống mới. Chúng ta thấy lúc cuối đời Chúa Giêsu năng nói đến sự sinh lại trong Chúa Thánh Linh.

Đức Mẹ cũng theo gương Chúa Kitô, nhất là khi được Đức Kitô trao Gioan làm con của mình, thì Đức Mẹ bắt đầu những sản sinh mới, giống như là chiều hướng của Phúc Âm vẫn nói, sản sinh là cho con người một trái tim mới “Cha con chúng con một trái tim mới, Cha cho chúng con một sự sống mới, Cha cho chúng con một cái nhìn mới, và cái nhìn này là do Thánh Linh. Cha viết luật trong trái tim con .Cha đổ Thần Khí của Cha trên chúng con”. Tất cả những sản sinh mới này trong Tân Ước là do Thánh Linh. Thánh Linh đổi mới con người, đổi mới Hội Thánh, làm cho con người có trái tim mới, một cái nhìn mới, một sự sống mới, trở thành tạo vật mới, có thể nói là nên giống Chúa Kitô.

Những việc tôi vừa trình bày có tính cách làm chứng cho chúng ta nên người con ngoan hiếu thảo của Đức Kitô Con Thiên Chúa. Bảy việc mà tôi vừa diễn tả, dựa trên Kinh Thánh, nó căn bản nhất, mà nếu chúng ta thực hiện đúng được bảy việc trên đây trên đường về với Chúa Cha, thì đó là chắc chắn chúng ta đi vào thánh ý Chúa và tới được đích điểm.

Phần thứ II  là nguy cơ tiềm ẩn trong tình hình hiện nay: chúng ta có thể đặt ra câu hỏi sau đây: hiện nay Hội Thánh nói chung, chính chúng ta nói riêng, có theo gương Chúa Giêsu và đi theo Đức Mẹ Maria mà tuân giữ mà thực hiện bảy việc nói trên không? có tuân giữ và thực hiện bảy việc đó trên đường về với Chúa Cha không? câu trả lời là có nguy cơ không chắc và có cơ sở là chắc chắn do những lý do sau đây:

lý do thứ nhất: là chính Đức Mẹ khi hiện ra ở Lasalette, ở Fatima, đã đánh giá tình hình đạo đức thế giới và trong Hội Thánh đang ở trong nguy cơ là khủng khiếp, tức là không đi về với Cha, mà đi vào lối tử vong, cho nên hiểm họa nguy cơ trong tình hình bây giờ là có thật. Chính Đức Mẹ đã nói lên điều đó, mạc khải đó cho chúng ta thấy là chúng ta đang lỗi phạm nhiều trong bổn phận người con ngoan hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha, và chúng ta không đi đúng trên đường dẫn về với Thiên Chúa là Cha, bởi vì con đường đó đã được vẽ ra rất rõ trong gương sống của Đức Kitô, trong gương sống của Đức Me, ít mà bảy  việc mà tôi trình bày vừa rồi.

Lý do thứ 2: là chính thực tế sa sút đạo đức hiện nay, đó là một thực tế trước mắt, hiện nay chúng ta thấy những ai chủ trương giữ bảy việc trên đây của người con hiếu thảo đối với Chúa Cha, họ đang bị đẩy vào thiểu, thiểu số này đang bị đẩy vào tình trạng cô đơn, dư luận cũng không thiết tha,không trân trọng đời sống trung thành với giao ước  của Cha, trở nên một cái gì hiếm hoi, họ trở nên rất cô đơn giữa trào lưu hiện nay đang rất mạnh về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tự do, những điều Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói tới.  ba chủ nghĩa này là đi tìm và tôn thờ tiền bạc, đi tìm và tôn thờ quyền lực, đi tìm và tôn thờ khoái lạc. Những người cố gắng trung thành với bảy việc trên, theo bổn phận người con hiếu thảo với Cha trở thành lạc lõng.

lý do thứ ba: là sự xuất hiện những dấu chỉ trong tình hình, về sự xung đột gay gắt giữa sự thiện và sự ác, trong các xung đột đó xem ra sự ác đang thắng thế. Trong tất cả những hội nghị, những đấu tranh, những tiểu thuyết, chúng ta luôn thấy có những xung đột giữa cái thiện và cái ác, nhưng xem ra cái ác vẫn mạnh hơn, thắng hơn và dấu chỉ thắng thế của sự ác đó là phong trào dửng dưng tôn giáo đang lan rộng. Người ta bắt đầu dửng dưng với giá trị tôn giáo, dửng dưng với giá trị luân lý, mà sự dửng dưng này cũng đang xảy đến ngay trong Hội Thánh, ngay trong nhà tu chúng ta. Chúng ta rất quan tâm đến giá trị hiện tại, nhưng mà chúng ta dửng dưng với giá trị đạo hạnh, những giá trị linh thiêng, mặc dầu trong Hội Thánh, trong nhà tu, có phong trào cải cách này nọ, nhiều khi chỉ nặng vào những cái không là căn bản.

Bảy sự mà tôi đã nói ở trên là rất căn bản, còn khi chúng ta cải cách trong dòng, trong nhà tu, trong phụng vụ, trong đời sống họ đạo, nhiều khi không tiếp cận những căn bản đó, cứ bàn đi bàn lại, mất rất nhiều thời giờ về những cái chỉ là bề ngoài. Một dấu chỉ khác trong tình hình đáng chúng ta phải quan tâm nhất như một nguy cơ, đó là sự xuất hiện những hoạt động tinh vi của Satan để phá Nước Trời.

Những dấu chỉ của Satan trong Hội Thánh được nhận biết qua mấy hoạt động sau đây:

1/ tính kiêu ngạo: thích đưa mình lên, thích hạ kẻ khác xuống, thích phô trương những thành tích bề ngoài, thích những sự tư lợi riêng, phát triển uy tín riêng tư. Trong Hội Thánh chúng ta thấy một đặc điểm của Satan là kiêu ngạo, rất dễ nhận thấy nếu chúng ta có một lòng kính mến Chúa trong đức tin, nhìn qua một người, nhìn qua những trăn trở của một dòng tu, nếu có một dấu chỉ của sự kiêu căng phô trương thì đó là  dấu chỉ của Satan với những bề ngoài đạo đức, nhưng đó là hoạt động của ma quỉ.

2/ Tính chia rẽ: chia rẽ bằng cách nói xấu nói hành, hạ uy tín của nhau, chia rẽ bằng cách suy diễn, đưa điều bịa chuyện để chia rẽ nhau, chia rẽ bằng cách kết bè kết phái cục bộ vv... đây là những dấu chỉ của Satan đang hoành hành trong chính Hội Thánh, trong chính nhà tu.

3/ Đẩy đưa cá nhân và cộng đoàn đi trệch con đường thánh ý Chúa, kế hoạch thì vẫn là kế hoạch đạo đức, nhưng không phải bất cứ kế hoạch đạo đức nào đều hợp với thánh ý Chúa, mà chỉ là của riêng ta. Chúng ta thấy trong Phúc Âm khi thánh Phêrô ngăn Chúa Giêsu đừng đi chịu chết, thì sự cản ngăn đó cũng là đạo đức, nhưng Chúa Giêsu nói “Hỡi Satan hãy lui ra” và Chúa Giêsu coi ý của Phêrô lúc đó là của Satan cám dỗ Chúa Kitô đi trệch con đường kế hoạch của Chúa Cha. Nhiều khi chúng ta bàn tính chuyện nọ chuyện kia, chúng ta tưởng rằng đấy là đạo đức nhưng nếu không tỉnh thì đó là kế hoạch đi trệch ý Chúa Cha là do Satan chủ xướng.

4/ Nguy cơ những người có trách nhiệm phải phân định phải trái thì xem ít có khả năng, không mấy người phân định được trong tình hình toàn cầu hóa bây giờ, trong phong trào Năm Thánh bây giờ, trong phong trào tổ chức này tổ chức kia, trong đạo cái nào thực sự là ý Chúa, cái nào thực sự là bề ngoài, không có những người biết phân định, và trong cái phân định đó nhiều khi phải có can đảm để mà chống  lại những gì là nghịch ý Chúa, mà đa số chỉ làm theo dư luận, mị dân, làm cho dân vui, không có can đảm và khôn ngoan sau khi nhận ra ý Chúa, kể cả chống lại quyền lực trong Hội Thánh và đi sai thánh ý Chúa. Một trong những nhà đạo đức hay lên tiếng là Hội Thánh thiếu những tiên tri có khả năng phân định tình hình bây giờ, đi con đường nào đúng, đi con đường nào sai, đa số chỉ là mị dân, làm theo ý thích của quần chúng. Thí dụ, khi nói về vấn đề chọn kế hoạch theo thánh ý Chúa, chẳng hạn bây giờ tôi bỏ việc bổn phận chính của tôi là chăm sóc đoàn chiên, bằng Lời Chúa, bằng bí tích, bằng đào tạo, bằng suy nghĩ, để tôi lo các việc khác bổn phận của tôi, kể cả việc truyền giáo, thì đó không phải là kế hoạch của Chúa, bởi vì không phải là bổn phận Chúa trao cho tôi, mà dầu những việc tôi đang tính làm cũng là đạo đức, phải biết xét đi nghĩa ,là phải biết phân định việc nào mới là ý Chúa thật, và khi đã nhận thấy chúng ta hoặc là cộng đoàn chúng ta Hội Thánh chúng ta, hãy quyết tâm làm lại cuộc đời, hãy sám hối, hãy ăn năn cải thiện đời sống, noi gương Đưc Mẹ sống tinh thần người con ngoan thảo của Cha và nhờ Mẹ dẫn dắt chúng ta trên đường về với Cha. Hy vọng chúng ta sẽ gặp được Chúa Giêsu Và Mẹ Maria trong nhà Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương. Amen. 

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2234: MỘT THOÁNG NHÌN VỀ NHỮNG CỐ GẮNG CỦA GIÁO PHẬN CHÚNG TÔI


(Bài nói chuyện của Gm. GB. Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ, dịp Tĩnh Tâm tháng 3/2001)

 

Sống ở giữa một địa phương có nhiều tôn giáo như điạ phương thân mến này, thiểu số người công Bùi-Tuần 2234


Sống ở giữa một địa phương có nhiều tôn giáo như điạ phương thân mến này, thiểu số người công giáo chúng tôi phải biết sống.

Biết sống là khiêm tốn nhận thức Hội Thánh địa phương chỉ có thể phát triển một cách thuận lợi, nếu được  các tôn giáo bạn và xã hội chấp nhận.

Biết sống là khôn khéo vận dụng mọi hoàn cảnh thực tế để  xây dựng cho Hội Thánh địa phương một chỗ đứng được trân trọng.

Biết sống là nhạy bén với mọi dấu chỉ của thời đại, để trong mọi tình huống cụ thể, Hội Thánh địa phương sẽ làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu.

Trong đời sống xã hội, chúng tôi không ngại tỏ mình ra chúng tôi thuộc về Chúa. Thuộc về Chúa là một lựa chọn tự do của chúng tôi. Chúng tôi xác tín sự lựa chọn đó là đúng đắn. Sự đúng đắn của lựa chọn này được chúng tôi minh chứng qua những cố gắng sống tự do trưởng thành của người con Chúa trong Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cuộc sống tự do trưởng thành này được diễn tả qua những đặc điểm sau đây:

1. Phẩm chất bác ái.

Phẩm chất bác ái được thánh Phaolô diễn tả một cách tỉ mỉ như sau: “Bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư  lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng mừng vui thấy điều chân thật. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13,4-7).

Ở một chỗ khác, khi nói về sự tự do của con cái Chúa, thánh Phaolô đã đưa ra hậu quả đích thực của sự tự do, đó là biết mở lòng ra đón nhận các ơn của Chúa Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Tất cả 9 ơn này gói ghém trong bác ái.

Tại địa phương này, làm việc từ thiện bác ái là đặc điểm của rất nhiều người ngoài công giáo. Đó là một gương sáng chúng tôi cần phải học hỏi và bắt chước.

2. Phẩm chất phục vụ.

Phẩm chất phục vụ được nhận ra trước hết ở tinh thần trách nhiệm trưởng thành, từ những việc rất nhỏ. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Tinh thần trách nhiệm còn được nhận ra ở sự cầu tiến. Mỗi ngày mỗi cố gắng học hỏi thêm, tập luyện thêm, để phục vụ của mình có thêm vẻ đẹp về trí tuệ, vẻ đẹp về trái tim, vẻ đẹp về nghệ thuật chuyên môn và vẻ đẹp về phong cách.

Trong phục vụ, việc lo lắng đặc biệt cho những người nghèo khổ bao giờ cũng được kể là một phẩm chất cao của tinh thần dấn thân.

Trong phục vụ, sự chính mình sống quyết liệt tám mối phúc, trước khi tố cáo những bất công của xã hội, bao giờ cũng là một phẩm chất có tính cách thuyết phục của tinh thần khiêm tốn vị tha.

Trong phục vụ, việc hy sinh chính mình như Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá để đền tội cho nhân loại bao giờ cũng là một phẩm chất quí giá linh thiêng của tinh thần cứu độ.

Trong phục vụ, việc biết lựa chọn điều tốt hơn, vừa theo sự thực, vừa theo bác ái, vừa theo đúng thời, cũng là một phẩm chất khôn ngoan của tinh thần sáng suốt.

3. Phẩm chất tu thân.

Phẩm chất tu thân được nhận ra ở “sự từ bỏ và đi vào”. Từ bỏ cuộc sống hưởng thụ, để đi vào cuộc sống khó nghèo, đơn giản. Từ bỏ chính mình, để đi vào nếp sống tuân phục trọn vẹn thánh ý Chúa. Từ bỏ cuộc sống ồn ào hời hợt, để đi vào trạng thái tĩnh lặng chín chắn của tâm hồn. Từ bỏ cái tâm xô bồ vô định, để đi vào cái tâm vững vàng hướng thiện. Từ bỏ những thứ tự do giả tạo, để đi vào sự tự do đích thực của con cái Chúa. Từ bỏ thói quen chạy theo những tư tưởng kiêu căng, ích kỷ, ác độc, để đi vào cõi tư  tưởng khiêm nhường, vị tha, hiền hoà.

Chỉ sơ sơ chừng ấy điều “từ bỏ” và “đi vào” cũng đòi hỏi người lo tu thân phải phấn đấu cam go với chính mình. Dầu vậy, nhiều người thuộc các tôn giáo bạn địa phương này vẫn thiết tha với việc tu thân. Chứng tỏ rằng tu thân là một giá trị linh thiêng vốn được quí chuộng tại địa phương này. Sự thực đó là một thách đố tốt đẹp khiến Hội Thánh địa phương phải biết dùng tu thân để làm chứng cho Chúa.

4. Phẩm chất cầu nguyện.

Phẩm chất cầu nguyện được nhận ra ở sự cầu nguyện dưới ánh sáng và tình yêu hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó mà biết cầu nguyện một cách khiêm tốn thiết tha, biết cầu nguyện theo nội dung kinh Lạy Cha, biết khát khao Chúa, biết lắng nghe Chúa, biết đón nhận Chúa, biết đổi mới toàn diện con người của mình, biết nhận ra thánh ý Chúa và biết tuân phục thánh ý Chúa, biết đưa ra những chọn lựa khôn ngoan có khả năng làm sáng danh Chúa thực sự.

Cầu nguyện có phẩm chất ít ra như vừa kể chính là hơi thở của người con Chúa. Gương sáng và đời sống của người cầu nguyện như thế sẽ nói rất nhiều về cuộc gặp gỡ giữa ơn thánh Chúa và sự tự do của con người. Cuộc gặp gỡ đó sẽ là sự hợp tác giữa Chúa và con người. Hợp tác nhẹ nhàng mà sâu thẳm. Hợp tác có sức biến đổi những gì coi như là không sao biến đổi được.

Tại địa phương này, những  người ngoài công giáo cầu nguyện rất nhiều. Nếu người công giáo cũng làm như vậy, và làm một cách tốt hơn, thì họ sẽ làm chứng một cách hữu hiệu: Họ thuộc về Thiên Chúa.

5. Phẩm chất đối thoại.

Đối thoại nói đây là đối thoại với xã hội và các tôn giáo bạn. Đối thoại được thực hiện bằng bốn cách: Bằng đời sống, bằng hành động chung, bằng trao đổi kiến thức, bằng chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng.

Phẩm chất đối thoại được nhận ra ở những hoa trái của Thánh Thần trong nội dung và cung cách đối thoại. Đặc biệt là khiêm nhường nhận thức mình yếu đuối, bất toàn.

Cọ sát với xã hội, trao đổi với các tôn giáo bạn, làm việc chung với những người ngoài công giáo, tôi khám phá thấy mình còn rất yếu kém. Sự khám phá này là rất quí giá và là một giá trị căn bản. Nó đưa chính mình tôi và những người khác đến với Đức Kitô. Chỉ Ngài mới là đường đi, là sự thực và là sự sống. Chỉ có Thần Linh của Ngài mới dẫn đưa được mọi người đến chân lý vẹn toàn (Ga 16,13).

Khám phá thấy mình yếu đuối để rồi cố gắng học tập thêm và cố gắng tìm về Chúa, đó chính là hành trình phục sinh: Phải qua sự chết để được sống lại.

Và như vậy, tôi thấy ứng nghiệm lời thánh Phaolô nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cor 12,9-10).

***

Tôi vừa kể ra trên đây năm đặc điểm mà tôi cho là năm dấu chỉ của sự tự do trưởng thành của con cái Chúa.

Bác ái, phục vụ, tu thân, cầu nguyện, đối thoại là những việc đời thường. Ở đâu cũng làm được. Trong hoàn cảnh nào cũng làm được. Điều quan trọng là làm với phẩm chất cao. Muốn được thế, chúng tôi phải luôn cố gắng và luôn nhận thức rằng: Nước Trời là những gì đã đến và những gì còn chưa đến. Vì thế còn phải đợi chờ, còn phải đi tìm, còn phải đón nhận. “Hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết được ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)

Khi thực hiện các việc đó với phẩm chất cao, chúng ta minh chứng mình tham gia vào sự tự do của Chúa Giêsu. Để rồi cùng với Chúa Giêsu là đường đi, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần là sức mạnh, chúng ta đi về với Chúa Cha là tình yêu giàu lòng thương xót.

Và cứ hằng ngày như thế, chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa của chúng ta.

Thiết tưởng đó chính là một cách loan báo Tin Mừng. Kinh nghiệm cho phép tôi nghĩ rằng cách loan báo đó là ngọn gió mới của Chúa Thánh Linh, thích hợp cho thời điểm này.

Ai cũng nhận thấy: Thời điểm này đòi Hội Thánh địa phương phải rất tỉnh thức, tế nhị và khôn ngoan xử thế. Hơn bao giờ hết, cần tránh ồn ào, phô trương, tự phụ tự đắc.

Hơn bao giờ hết, hãy tăng cường cầu nguyện. Nhất là cầu nguyện lâu giờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Để được ơn khiêm nhường, bác ái và vâng phục ý Chúa Cha. Kẻo nông nổi nhân danh tự do mà lôi kéo nhau sa vào bẫy của Satan, là cha sự gian trá, kiêu ngạo chia rẽ và truỵ lạc.

Hơn bao giờ hết, hãy biết tự trọng bằng cách tôn trọng sự thực, kính  trọng người khác,  thận trọng với thời điểm và cảnh giác với chính mình.

Hơn bao giờ hết, hãy chứng minh mình sống tự do trưởng thành. Một sự tự do mà con cái Chúa hiểu biết từ Lời Chúa. Một sự tự do được chia sẻ ra từ sự tự do của Chúa Giêsu. Một sự tự do mà các vị có thẩm quyền trong Hội Thánh dạy chúng ta phải thực hiện và rao giảng trong mục vụ và truyền giáo. Một sự tự do đích thực của người kết hợp với Chúa Giêsu, luôn nhận thức mình chỉ là một cành nho nhỏ kết hợp mật thiết với thân cây nho.

“Thầy là cây nho, chúng con là những cành nho. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người họ, người đó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

--------------------------

 

Bùi-Tuần 2235: Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay (Bài 2)


Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần dịp tĩnh tâm năm, năm 2001 (Bài 2)

 

Hôm nay tiếp tục chia sẻ về đề tài chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Bùi-Tuần 2235


Hôm nay tiếp tục chia sẻ về đề tài chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay hôm qua chúng ta đã nhận định tình hình Việt Nam hôm nay đang đặt ra nhiều thách đố cho Hội Thánh Việt Nam vì thế để cho Hội Thánh Việt Nam đứng vững khỏi bị chao đảo thì người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô phải chọn đúng con đường sống đạo và chọn đúng phương hướng làm sáng danh Chúa những ai nắm được những chọn lựa đó thì sẽ được gọi là người môn đệ khôn ngoan ấy là về mặt lý tưởng giờ đây chúng ta tìm cách để những lựa chọn lý tưởng đó trở thành sống động. Để thấy thế nào là sống động cách cụ thể thì chúng ta cùng nhau đọc lại đoạn Phúc Âm thánh Luca 7,11-17: “Chúa Giêsu đến một thành gọi là Nain các môn đệ Người và đám đông cùng đi với Người khi tới cửa thành thì gặp người ta đem xác một người đi chôn đó là xác người con một của một bà goá đi theo bà mẹ goá đó có một số khá đông người của thành khi thấy bà này Chúa Giêsu động lòng xót thương Chúa Giêsu nói với bà: “Thôi bà đừng khóc nữa”. Rồi Chúa Giêsu tiến lại gần quan tài động vào quan tài bắt đô tuỳ đứng lại Chúa Giêsu nói với xác chết: “Hỡi người thanh niên, Thầy bảo con hãy đứng dậy”. Xác chết tự nhiên liền đứng dậy và bắt đầu nói Chúa Giêsu cầm tay nó đem trả nó cho bà mẹ”. Đọc truyện trên đây chúng ta có thể thấy Đức Kitô đã cụ thể tình thương bác ái của Người qua mấy cơ năng sau đây: Thứ nhất là mắt của Người cái nhìn của Người đôi mắt Đức Kitô chợt thấy người khổ đau là lập tức thấy được một vấn đề khẩn cấp đang đặt ra cho Ngài một vấn đề khẩn cấp đang đợi chờ Ngài cơ năng thứ hai là tấm lòng của Đức Kitô Phúc Âm nói Ngài nhìn thấy thì động lòng thương tình yêu của Ngài được diễn tả trong tâm hồn rất sâu sắc và tràn lên cớ năng thứ ba là miệng của Ngài “Bà đừng khóc nữa” lời nói của Đức Kitô an ủi bà goá lời Đức Kitô là lời làm cho  xác chết sống lại “Con hãy đứng dậy” cơ năng thứ bốn để diễn tả tình thương là bàn tay của Người Chúa đụng vào quan tài rồi cầm tay người thanh niên đem trả nó cho bà mẹ như vậy chúng ta thấy Đức Kitô đã diễn tả cụ thể một cách sống động tình yêu của Ngài trước hết qua đôi mắt, cái nhìn của Đức Kitô mang một hồn yêu thương hai là tấm lòng của Đức Kitô dào dạt tình thương ba là miệng của Đức Kitô nói ra những lời an ủi và chữa lành sau cùng là đôi tay của Người đi tới đâu thì đem tình thương tới đó qua những gì cụ thể mà bốn cơ năng Đức Kitô đã thực hiện người ta kết luận rằng Đức Kitô là một tình thương sống động và tình thương sống động này sinh ra hoa trái tình thương sống động với một cách sống động vậy để cho tất cả những ai có thể thực hiện được phần nào một cách cụ thể những gì Đức Kitô đã thực hiện trong công việc Phúc Âm hôm nay thì chúng ta phải làm gì bây giờ chúng ta biết rằng Môsê đã được đào tạo 80 năm để trở thành người lãnh đạo có tình thương có sự khôn ngoan còn chúng ta thì được quá ít quá yếu cho nên phải tự đào tạo thường xuyên dưới đây là trình bày một số việc chúng ta phải tự làm lấy cách thường xuyên để có thể được đón nhận ánh sáng sức mạnh và lửa của Đấng đã sai ta ba việc đó là ba việc sau đây thứ nhất là thường xuyên thực hiện linh đạo người môn đệ Đức Kitô bây giờ tôi thấy HĐGM Á châu nói rất nhiều về vấn đề này là các linh mục thiếu linh đạo lắm hoạt động thì quá nhiều mà không đi vào linh đạo để mà tiếp cận với Đức Kitô thứ hai là thường xuyên tìm cách tăng cường chất lượng phục vụ của người môn đệ Đức Kitô và thứ ba là thường xuyên nghiên cứu và nối mạng với những luồng lửa của các môn đệ Đức Kitô xa gần. Nối mạng với những lửa, luồng ánh sáng luồng sức mạnh luôn có chung quanh chúng ta Giờ thì tôi triển khai từng điểm một thứ nhất là thường xuyên thực hiện  linh đạo người môn đệ Đức Kitô linh đạo là con đường thiêng liêng để ta đến với Đấng gọi ta để ta tiếp cận Đấng ban sức mạnh cho ta linh đạo là trường huấn luyện tình yêu đó là những phút  tập luyện lời Chúa hãy từ bỏ mình vác thánh giá mình mà theo Thầy. Tất cả những linh đạo này về cuộc sống chớ không phải về lý thuyết ở đây tôi chỉ xin đưa ra một số điều mà linh mục triều chúng ta phải làm  1. Thực hiện sự từ bỏ thế gian  mỗi ngày chúng ta dành một thời gian hoặc nửa tiếng đồng hồ để rút vào thanh vắng khi bước vào thanh vắng như vậy thì chúng ta bỏ lại hết mọi sự và nơi đó là một nơi có bầu khí thiêng liêng thần thánh  đó là nơi mà ta gặp được Chúa ta thờ lạy Chúa ta cảm tạ Chúa mỗi ngày cố gắng đi vào chỗ thinh lặng tự đào tạo mình từ bỏ thế gian 2. linh đạo là từ bỏ cái tôi mỗi ngày từ bỏ cái tôi là làm sao thì tôi dựa vào lời thánh Phêrô Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường anh em tự khiêm tự hạ  dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa mọi lo âu hãy trút cả cho Người và Người  chăm sóc những lo âu đó hãy tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ là thù địch luôn rình rập anh em như sư tử gào thét rảo quanh tìm mồi cắn xé anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống lại” vì tất cả  mọi người trên trần gian thường phải trải qua cùng một loại thống khổ như vậy đó là thư thứ nhất Phêrô đoạn từ câu 5-9 đó là một chỉ dẫn giúp chúng ta khi vào thinh lặng thì trút bỏ cái tôi đó trong bàn tay Chúa  và đoạn văn này cho thấy cái tôi ở đây là cái tôi tội lỗi  hai cái tôi đầy lo âu thứ ba cái tôi phải phấn đấu cam go nhất là phải chiến đấu với Satan và đây cũng là cái tôi liên đới bởi vì thánh Phêrô nói anh em  tất cả mọi người trên trái đất đều đang trải qua những đoạn thống khổ như anh em  nghĩ là mình liên đới với mọi người đang thốn khổ như mình khi vào thinh lặng thì đặt cái tôi vào bàn tay Chúa  một cách khiêm nhường từ bỏ hết thánh Phêrô nhấn mạnh Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo cho nên phải hết sức khiêm nhường thứ ba khi vào thinh lặng trao trọn cái tôi cho Chúa một cách khiêm nhường dọn mình để đón nhận Chúa Giêsu là Đấng khiêm nhường  vì mục đích linh đạo là đến với Chúa là đón nhận Đức Kitô để dọn mình cách cụ thể thì thánh Bênađô thường làm thế này ngài nhìn nhận mình chẳng có công trạng gì cả cho nên Ngài khi đến trước mặt Chúa thì ôm một bó hoa thiêng để dâng lên Chúa mà bó hoa thiêng này gồm có những khổ đau của Chúa Giêsu thí dụ hoa khó nghèo ở hang đá Bêlem hoa lao động âm thầm vất vả ở Nadarét hoa mệt nhọc trên những tháng năm đi giảng hoa thức khuya dậy sớm để cầu nguyện cho đoàn chiên hoa phấn đấu cam go trước những cơn cám dỗ trong sa mạc hoa nhục nhã khi bị khinh chê bị vu vạ hoa bị người ta nhổ vào mặt hoa bị người ta tát vào mặt hoa bị người ta đóng mão gai trên đầu hoa bị đánh đòn hoa bị đóng đinh tất cả những thứ đó ngài gom lại thành một bó hoa thiêng cần thắt vào ngực mình để dâng lên Chúa và thánh Bênađô nói rằng khi làm như vậy mỗi ngày thì ngài cảm nghiệm cách sâu sắc sự khiêm nhường sự từ bỏ mình sự vâng phục của Chúa Giêsu và dần dà Bênađô được Chúa chia sẻ cho tinh thần khiêm tốn của Ngài tinh thần vâng phục của Ngài tinh thần sẵn sàng chấp nhận cho đến rốt hết như Đức Kitô chúng ta thấy có những điều chúng ta làm được hết miễn là chúng ta bền vững mỗi ngày xa thế gian trút bỏ mình dâng hoa thiêng liêng lên Thiên Chúa việc thứ tư là trong giờ đó chúng ta gặp được Chúa và suy niệm lời Chúa chúng ta thường nghe lời Chúa có sức mạnh có sức chữa trị có sức bồi bổ có sức biến đổi con người vì thế ngày nào cũng vậy trong giờ thanh vắng trong cơn thinh lặng chúng ta đọc lời Chúa cần phải đọc bằng trái tim ta nói như vậy để tránh việc đọc Lời Chúa như kiểu tra cứu mổ xẻ tuy rằng việc này là cần nhưng khi đọc Lời Chúa như một linh đạo thì đọc bằng trái tim chúng ta  không cần tìm những tài liệu giải thích Thánh Kinh mà hãy đọc Lời Chúa bằng trái tim khao khát Lời Chúa khao khát nghe Chúa và tin tưởng Chúa hiện diện đàng sau Lời Chúa mỗi một Lời Chúa ta thực sự tin rằng sau câu đó có Chúa hiện diện khi đọc Lời Chúa như vậy bằng trái tim là chúng ta đọc với niềm cậy trông và dần dần chúng ta sẽ cảm thấy Lời Chúa là một biến cố đến với chúng ta tôi nghĩ rằng ai đã thực hiện được tức là khi đọc Lời Chúa mình phải suy nghĩ suy gẫm cầu nguyện theo Lời Chúa dừng lại đợi chờ có thể là một lát sau Chúa đến với mình qua Lời đó như một biến Chúa Chúa đến với mình Lời Chúa đó biến đổi và đem lại sự gì rất mới lạ mà trước đây ta tìm không ra khám phá không ngừng kinh nghiệm là ngay sự tôi dọn bài giảng thôi nó xảy ra bất ngờ lắm mình tìm cả buổi sáng một sự hứng khởi một tư tưởng mà không ra nhưng mà đến một lúc nào đó Lời Chúa đến như một biến cố chúng ta nhớ lời Phaolô nói Lời Chúa là sống động hữu hiệu và sắc bén hơn cả tâm linh rớt xuống cả đến tuỷ xương Lời Chúa phê phán tâm tình cũng như là phê phán từng tư tưởng của lòng người  cũng như là con dao luôn sắc thấu vào lòng ta đến cả những nội tâm sâu kín của ta Vấn đề thứ ba gặp được Chúa trong Lời Chúa chúng ta gặp Chúa trong những phút soi sáng qua Lời Chúa từ đó chúng ta thấy Chúa cho chúng ta cái nhìn mới tâm tình mới. Việc thứ năm trong khi chúng ta vào nơi thinh lặng xa thế gian từ bỏ mình thì chúng ta cũng phải làm một công việc gọi là khổ chế hy sinh khổ chế hy sinh vác thánh giá mình mà theo Chúa gồm những việc để làm sau đây trước hết là sám hối  sau khi suy gẫm cầu nguyện xin ơn Chúa chúng ta sám hối  thứ hai là chúng ta vâng phục Chúa cố gắng làm tốt bổn phận của mình trong ngày đó chúng ta hứa với Chúa giữ thinh lặng trong tâm hồn bình an trong những ngày đó chúng ta quyết tâm chia sẻ với những người xung quanh tôi nhắc lại chúng ta biết thức tỉnh như vậy là những việc trên đây toàn là linh đạo nó là căn bản và có thể thực hiện được nếu chúng ta thường xuyên đi vào linh đạo này thì dù chúng ta trong hoàn cảnh nào chỗ nào chức vị nào chúng ta hãy luôn luôn có cách để tiếp cận ơn gọi của chúng ta  Người sẽ cho ta thêm ánh sáng thêm tình yêu thêm sức mạnh ai thực hiện được năm việc trên đây sẽ thấy chân dung đích thực người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô trở thành sự sống trong ta lúc đó chúng ta thấy Chúa ở trong ta Người yêu mến qua ta Người nói qua miệng ta Người nhìn qua mắt ta Người làm qua tay của ta đúng như là phép lạ Chúa Giêsu thực hiện ở Nain. Phần thứ hai ngoài sự chúng ta đi vào linh đạo thiêng liêng thì người môn đệ khôn ngoan bây giờ tại Việt Nam hôm nay phải thường xuyên tìm nâng cao chất lượng phục vụ nhất là trong lĩnh vực bổn phận của mình theo Cựu Ước thì mỗi một giám mục linh mục sẽ là người qui tụ sẽ là người phục vụ với tư cách một là  tư cách người tư tế như là Aaron thứ hai với tư cách người giữ luật như Môsê thứ ba là với tư cách người hiền triết như Salomon trong Cựu Ước chúng ta thấy dân chúng đều xoay quanh ba vị lãnh tụ đó ông thì nổi về tư tế ông thì nổi về luật pháp ông thì nổi về hiền triết Ngài qui tụ Ngài phục vụ dân qua ba model đó nếu theo ba model của Chúa thì  bây giờ chúng ta cần làm sao để trong ba model đó luôn  có chất lượng là tư tế thì tư tế phải có chất lượng cao là phục vụ thì phục vụ phải có chất lượng cao là hiền triết như Salomon cũng cần phải có chất lượng cao Còn trong Tân Ước thì có 5 chân dung này trích ra từ Phaolô Ephêsô 4, 11 tức là theo Tân Ước mỗi linh mục mỗi Giám Mục sẽ phục vụ và qui tụ dân với năm tư cách sau đây tư cách người tông đồ là người  xây dựng cộng đoàn trên nền tảng Đức Kitô hai là tư cách nhà tiên tri là người dùng Lời Chúa để báo cho dân cái nào đúng cái nào sai để mà phân định trong hiện tại cũng như là đối với tương lai thứ ba là người truyền giáo là người dấn thân đi rao giảng Tin Mừng những vùng sâu vùng xa thứ bốn là người chăn chiên người lo nuôi dưỡng đoàn chiên bằng bí tích bằng lời giảng dạy bằng sự thăm viếng sau cùng là người dạy dỗ tức là cắt nghĩa Kinh Thánh đưa ra giáo huấn  chúng ta phục vụ đoàn chiên qui tụ đoàn chiên bất cứ là tư cách nào thì chúng ta cũng phải qui tụ và phục vụ với chất lượng cao nhất hiện nay thì từ mà người ta thường gọi chúng ta đó là chủ chăn chủ chăn tức là mình phải có bổn phận cung cấp đồ ăn cho đoàn chiên nuôi cho nó khoẻ nuôi cho nó tốt chính vậy chúng ta thấy rằng ngay chức chủ chiên thôi đã buộc chúng ta phải cung cấp đồ ăn có chất lượng cao bây giờ chúng ta thấy ngay chủ chăn thôi cũng đòi mục vụ về lời nói phải rất cao  bây giờ là thời gian bùng nổ lời nói lời nói trong ngoại giao  lời nói trong tiếp xúc mà hiện nay người ta đòi hỏi rất nhiều về chất lượng cao cho nên nói gì trong nhà thờ cần phải dọn kỹ nội dung phải có chất lượng hình thức phải có chất lượng như vậy trong bất cứ danh hiệu nào chức vụ nào nếu chúng ta để tâm đến chất lượng đó sẽ thấy cái nhìn của ta  tâm hồn của ta lời nói của ta việc làm của bản thân ta tư tưởng của trí khôn ta sẽ có chất lượng cao hôm nay tôi có nói với các cha là thiên phóng sự chiếu trên truyền hình Trung Ương ngày thứ hai lúc trưa 8/1 thì nói về cô phụ nữ ở Tp. HCM thì sau đó có cha bổ túc cho tôi là hình như cô đó có đạo bởi vì khi xem phóng sự lúc  cô dạy chữ cho trẻ con thì thấy có quyển lịch công giáo và theo tôi khi thấy thế thì có trực giác này có lẽ là dòng Tiểu Muội  tôi gọi điện thoại cho Nhà Mẹ dòng Tiểu Muội gặp chị phú trách tôi hỏi dòng chị có ai tên là Tư không? Chị thưa có. Chị phụ trách tiếp dòng con có chị tên Tư nhưng vì chị có ơn gọi đặc biệt là sống cho những em đường phố nên hiện nay chị được phép sống bên ngoài nhà dòng để sống với các em đường phố và hoạt động của chị bây giờ rất có ảnh hưởng như tôi trình bày hôm qua là bàn tay đầy bác ái yêu thương lời nói đầy bác ái yêu thương bàn chân đầy bác ái yêu thương cái nhìn của chị toả ra đầy bác ái yêu thương nó ảnh hưởng rất lớn đến các em nhỏ và bây giờ trên cả đất nước đều biết chị như vậy chúng ta thấy là chất lượng phục vụ  của một chị dòng là rất lớn cái quan trọng nhất là chất lượng phục vụ này nó nhắm đào tạo các trẻ em chứ không phải chỉ nuôi nấng mà đào tạo khơi dậy cho các trẻ em tàn tật mồ côi những tiềm năng có sẵn trong các em giúp cho các em tự tin giúp cho các em tự mình đứng lên nên cái hay của chị đó là khi thương yêu  giúp đào tạo con người giúp cho người ta biết tin mình mà đi lên đây cũng là một gợi ý cho chúng ta khi yêu thương đoàn chiên tức là giúp cho đoàn chiên tự mình đào tạo lấy mình chúng ta thương yêu đoàn chiên hãy để ý nhều đến việc đào tạo đoàn chiên chứ không  chỉ là ban phát vật chất mà là khơi dậy những tiềm năng của họ rồi giúp cho họ tự sống lấy tự sống đạo một cách trưởng thành nhất là bây giờ tự mình sống trưởng thành lỡ ra một ngày nào đó tình hình khác đi, linh mục ít đi  thì bấy giờ giáo dân tự điều khiển lấy mình  tôi nhìn gương của chị đó là yêu thương bác ái toả ra tất cả con người nhưng cái quan trọng của thương yêu là tiên liệu  làm sao để mỗi em ra đời có cái nghề để sống  chúng ta qui tụ và phục vụ đoàn chiên cũng biết tiên liệu sao khi chúng ta chết đi hay bất cứ vì lý do nào khác thì đoàn chiên chúng ta có nguồn sẵn về nhân sự về cơ sở về đường lối tôi thấy Đức Kitô khi đào tạo các tông đồ thì Ngài cố làm sao cho các tông đồ biết chọn đúng đường lối Ngài vạch ra rồi  nhắm cắc con đường đó đào tạo một nhóm người rồi Ngài ra đi  tôi nhìn lại các địa phận trống toà  ở xứ không có linh mục tôi rất xót thương và nghĩ rằng nếu hôm nay  địa phận Long Xuyên có cái may mắn còn có nhiều linh mục nhân sự chúng ta cũng đừng chủ quan mà hãy tiên liệu cho Hội Thánh Việt Nam và Hội Thánh toàn cầu. thứ ba trong vấn đề làm cho mình nên sống động đó là thường xuyên nghiên cứu và thường xuyên tìm nối mạng trước hết là thường xuyên nghiên cứu không phải bất cứ cái gì cũng nghiên cứu vì nó quá rộng  nhưng mà nghiên cứu những cái gì mà xã hội không có nghiên cứu và không thể nghiên cứu được những lãnh vực đó tôi thí dụ bây giờ là tìm nghiên cứu những dấu chỉ của thời đại tức là tìm xem tại Việt Nam hôm nay những dấu chỉ nào là dấu chỉ Thánh Linh đang hiện diện đang hoạt động để rồi mình bám vào đó mà đi theo khi nghiên cứu như vậy tôi dựa vào những chỉ dẫn có bốn dấu chỉ của thời đại dấu chỉ của Thánh Linh  đang khơi dậy trongthời đại bây giờ nhất là tại Việt Nam hôm nay  thứ nhất là khởi dậy tình liên đới hiệp thông mình liên đới với  giới trẻ với người nghèo với trí thức với các tôn giáo bạn với Vatican  với chính quyền nữa qua đối thoại qua đồng hành qua chia sẻ dấu chỉ thứ hai của thời đại để biết rằng Chúa Thánh Linh đang hiện diện đó là sáng tạo. Thánh Linh đang sáng tạo nên những hoạt động mới những con người mới tìm những giá trị mới chúng ta  đọc báo theo dõi thời sự thì thấy rất  rõ bây giờ Thánh Linh làm việc nơi những người xung quanh chúng ta dấu chỉ thứ ba của thời đại là làm chứng Thánh Linh đang hoạt động đó là bề sâu của đời sống nếu bây giờ những lời phát biểu những bài giảng mà chúng ta thấy nó có bề sâu thì đó là dấu chỉ người ấy có Thánh Linh nếu chỉ là sao chép, chỉ là hời hợt, chỉ là bề ngoài, chỉ là máy móc thì đó không phải là việc làm của Thánh Linh giá trị sau cùng về Thánh Linh đó là bao dung nhẹ nhàng thời nay là thời người ta chọn dân chủ, người ta chọn nhân quyền không thể khác được cho nên cách đây mấy năm đã dành trọn một năm để nói về bao dung nên ở đâu mà hình ảnh chủ chăn có tinh thần bao dung nhẹ nhàng thì đó là  người có Thánh Linh khi nghiên cứu như vậy chúng ta mới thấy có những mốc để chúng ta coi đó là Thánh Linh đang tác động vào để chúng ta hoạt động theo hướng dấu chỉ của thời đại sau cùng là chúng ta thường xuyên tìm nối mạng với luồng ánh sáng của Phúc Âm nối mạng với những luồng lửa Phúc Âm nối mạng với nguồn sức mạnh Phúc Âm những luồng đó đang có xung quanh ta xa có gần có trong ngoài Hội Thánh đều có nếu chúng ta theo dõi thời sự đọc nhiều nghe nhiều tỉnh thức nhiều một mình ta không làm được những chuyện mà ta muốn nhưng mà nếu mình nối mạng với luồng ánh sáng xung quanh, luồng lửa xung quanh, luồng sức mạnh xung quanh  chúng ta làm được. Những việc này không thiếu trên sách vở, trên báo chí, trên thời sự nghĩa là chúng ta có một tâm hồn biết nối mạng trên đây là ba việc tôi nói giúp cho chúng ta tự đào tạo thường xuyên để chúng ta  trở nên môn đệ của Chúa Kitô khôn ngoan khôn ngoan ở chỗ là những gì lý thuyết thì chúng ta làm cho nó sống động lên để kết thì tôi chỉ nhắc lại của lời vị linh mục khôn ngoan ngài nói: Linh mục khôn ngoan là người mỗi ngày nói với mình và nói với người xung quanh hôm nay tôi bắt đầu lại nghĩa là ngày nào mình cũng thấy mình có dang dở chưa kết thúc ngày nào mình cũng thấy mình được Chúa gọi mà vươn lên cho nên hôm nay tôi trở lại rất khiêm nhường rất tỉnh thức câu đó cũng câu  để chúng ta khi muốn trở nên người khôn ngoan sống động chúng ta mỗi ngày phải nói với mình và với người chung quanh hôm nay tôi bắt đầu lại.

------------------------

 

Bùi-Tuần 2236: Con đường bé nhỏ thiêng liêng


(Bài nói chuyện của Gm. GB. Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ, dịp Tĩnh Tâm tháng 12-2001)

 

Bài chia sẻ hôm nay là con đường bé nhỏ thiêng liêng sở dĩ tôi chọn đề tài này để chia sẻ là Bùi-Tuần 2236


Bài chia sẻ hôm nay là con đường bé nhỏ thiêng liêng sở dĩ tôi chọn đề tài này để chia sẻ là vì 3 lý do sau đây lý do thứ nhất là lý do phụng vụ Mùa Vọng và Sinh Nhật phụng vụ Mùa Vọng và Sinh nhật thì tập trung vào Hài Nhi Giêsu Hài Nhi Giêsu là Giêsu bé nhỏ tượng ảnh được trưng bày trong những ngày này là một Chúa Giêsu bé nhỏ bé nhỏ không những về thân xác mà nhất là bé nhỏ về thân phận vì thân phận Hài Nhi Giêsu là thân phận kẻ nghèo hèn bé nhỏ ngài xuất hiện như một người bé mọn sống giữa dân  nghèo nàn nhỏ bé sống như dân nghèo hèn bé mọn và Chúa Giêsu đã chọn con đường bé nhỏ để đến với nhân loại để cứu độ nhân loại thì chắc chắn  con đường bé nhỏ này phải là thánh ý Chúa và đã là thánh ý Chúa thì chúng ta có bổn phận phải đi theo con đường mà Đức Kitô đã đi trước lý do thứ hai là lý do thời sự thời sự hiện nay là thời sự có vẻ không vui cho kỷ niệm Chúa giáng sinh năm nay  hiện nay nếu chúng ta nhìn vào Á châu nói chung  và các nước xung quanh ta nói riêng như Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia thì ta thấy đạo Công giáo là một thực tại rất bé nhỏ riêng tại Việt Nam ta đạo Chúa cũng là một thực tại bé nhỏ Hội Thánh ta là một thiểu số bé nhỏ rồi nhìn sang Trung đông nhìn vào thời sự hiện nay trên đất thánh Israel Palestin   Giêrusalem thành thánh Bêlem thì chúng ta thấy tất cả những nơi đó hiện nay đang chìm trong khói lửa trong hận thù trong chia rẽ và như vậy giữa một tình hình đồi bại như vậy tiếng nói  đạo Công giáo yêu thương hoà giải bình an tại Bêlem là một tiếng nói rất yếu chẳng mấy người nghe  cho nên những thực tại về thời sự hôm nay phải chăng cũng đang tự hỏi chúng ta phải chọn một con đường bé nhỏ âm thầm nào đó để góp phần vào sự cứu độ của Chúa con đường bé nhỏ nhưng mà chắc chắn có hiệu quả lớn lý do thứ ba là lý do tâm lý xã hội   hiện nay hiện nay xã hội Việt Nam đang nảy sinh hiện tượng phân hoá phân hoá ra hai lớp người lớp người giàu sang có của có quyền và lớp người nghèo ít của ít quyền và theo tâm lý chúng ta nhận thấy hiện nay thì lớp nghèo hèn dần dần xa lớp người giàu rồi dần dần mất thiện cảm với lớp người giàu rồi dần dần đâm ra ác cảm và có thể phẫn nộ ghen ghét những người giàu tôi có cảm tưởng là hoàn cảnh phân hoá hiện nay nếu không được sửa chữa sẽ nảy sinh ra những lớp sóng ngầm những lớp sóng ngầm này có thể tạo ra một sự bất ổn rất lớn trong tâm lý xã hội hiện nay cũng đang khuyên chúng ta hãy đứng về phía người nghèo hãy là những người nghèo không phải vì chúng ta sợ dư luận  cho bằng chúng ta sợ nếu đứng về phía người giàu  nếu trở nên lớp người giàu có quyền có của hưởng thụ thì Chúa sẽ bỏ chúng ta và có một ngày dân chúng người nghèo sẽ nổi lên chống đối chúng ta nội dung chia sẻ hôm nay gồm 2 phần chính phần thứ nhất là con đường bé nhỏ thiêng liêng được vạch ra từ đâu do ai phần thứ hai là con đường bé nhỏ thiêng liêng có những đặc điểm nào

Phần thứ nhất con đường bé nhỏ thiêng liêng do ai đặt ra thưa dứt khoát là do chính Đức Kitô đặt ra trước hết là Đức Kitô vạch ra con đường bé nhỏ thiêng liêng này bằng chính đời sống của Người đời sống của Người về phương diện này bằng chính đời sống của Người đời sống của Người về phương diện này có thể nhìn  về ba khía cạnh thứ nhất đời sống Ngài là một đời sống hoà nhập và chia sẻ  với thân phận kẻ nghèo  ngay khi sinh ra Đức Kitô đã mặc lấy thân phận bé nhỏ thân phận kẻ nghèo và cho đến chết trên thập giá Đức Kitô chia sẻ thân phận những kẻ  bị loại trừ suốt đời Ngài làm đời chia sẻ hội nhập vào lớp người khổ đau khía cạnh thứ hai về đời sống Đức Kitô là đời sống quan tâm ưu tiên đến người nghèo khi thánh Gioan Baotixita sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu Thầy có phải là Đấng phải đến không thì Chúa Giêsu chỉ trả lời bằng cách trích dẫn lời tiên tri Hãy về nói với Gioan kẻ mù được thấy kẻ què được đi kẻ phong cùi được chữa lành kẻ điếc được nghe kẻ chết sống lại kẻ nghèo được rao giảng Tin Mừng tất cả những loại đó là loại những kẻ nghèo khổ Đức Kitô trọn đời quan tâm ưu tiên đến những người nghèo khổ đó và đó là đặc điểm của Ngài đời Ngài hội nhập và thu nhận kẻ nghèo đời Ngài quan tâm  ưu tiên đến những người nghèo khổ một khía cạnh khác của đời Đức Kitô là Ngài đồng hoá mình với kẻ nghèo với kẻ bé mọn khi đọc đoạn Phúc Âm nói về ngày phán xét thì Đức Kitô nói rõ những gì chúng con làm cho những kẻ bé mọn nhất thì Thầy kể là làm cho chính Thầy nghĩa là Đức Kitô đồng hoá mình với những kẻ bé mọn như vậy đời sống Đức Kitô một là đời sống chia sẻ hội nhập với thân phận kẻ nghèo khổ hai là đời sống quan tâm ưu tiên đến những người bé mọn nghèo khổ ba là đời sống hoà mình đồng hoá với những kẻ bé mọn nghèo khổ qua những khiá cạnh đó chúng ta thấy Đức Kitô đã vạch ra con đường bé mọn thiêng liêng ngoài đời sống của Đức Kitô thì Đức Kitô còn dùng những lời giảng dạy để làm sao để đặt ra con đường  bé mọn thiêng liêng trước hết là lời truyền dạy nếu chúng con không trở lại mà trở nên như trẻ nhỏ chúng con sẽ không được vào Nước Trời câu này không phải  chỉ là mời gọi mà là truyền nếu chúng con không trở nên như trẻ nhỏ bé mọn chúng con sẽ không được vào Nước Trời thì đây là lời truyền  ngoài lời truyền này ra còn có lời khác Chúa Giêsu một lần đã tạ ơn Chúa Cha  bằng những  lời sau đây mà chúng ta thường nghe lạy Cha con cảm tạ Cha vì đã giấu không cho những người hiền triết  khôn ngoan biết nhưng đã mạc khạc cho những người bé mọn Chúa khen những  người bé mọn rồi có một lần Đức Kitô đã khen những môn đệ đi theo Ngài Chúa gọi họ là đoàn chiên bé nhỏ như vậy Đức Kitô không để ý nhiều đến số đông mà Ngài hoàn toàn  một lần khác chúng ta còn thấy Đức Kitô quả quyết trong Nước Trời kẻ bé mọn sẽ là kẻ lớn nhất qua những lời Đức Kitô nói trên đây chúng ta thấy Đức Kitô đã vạch ra con đường bé mọn thiêng liêng con đường bé mọn nhưng mà sinh ra những hiệu quả rất lớn nó thánh hoá ta nó  cứu độ nhân loại và làm sáng danh Thiên Chúa nó mở rộng Nước Trời qua con đường bé mọn thôi mà hiệu quả rất lớn như vậy chúng ta có thể nói là chúng ta xác tín con đường bé mọn thiêng liêng là con đường thánh ý Chúa muốn

Phần hai là con đường bé mọn thiêng liêng gồm có những đặc điểm căn bản nào  ở đây tôi chỉ nói vắt tắt vì thường thường chúng ta  đã nhiều lần suy nghĩ điểm thứ nhất là tình yêu yêu mến Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu mà bởi vì mến Chúa cho nên hồn ta thao thức về Nước Chúa bởi vì mến Chúa cho nên hồn ta luôn nhiệt thành cho Nước Chúa trong tình mến của những người sống bé mọn không phải mến trong tình trạng tĩnh mà là trong tình trạng động nghĩa là thao thức nghĩa là nhiệt thành nghĩa là luôn muốn làm sao lòng mến của mình nó lớn lên làm cho mình càng ngày càng nên giống Thiên Chúa mà bản tính là tình yêu cho nên người mến Chúa thật tình dù là bé nhỏ vẫn luôn luôn cố gắng làm sao  trong thực tế qua cầu nguyện để càng ngày càng trở nên giống Chúa chớ không phải mến Chúa mà không làm gì cả nó là thao thức  nó là nhiệt thành là cầu tiến đặc điểm thứ hai con đường bé mọn  là khiêm tốn hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng điểm này thì các tác giả sác đạo đức bao giờ cũng coi đây là bước đầu quan trọng nhất của con đường bé mọn khiêm nhường là nhận biết mình yếu đuối kém cỏi bất xứng mà chính vì khiêm nhường nhận biết như vậy cho nên  có một lòng kính sợ Thiên Chúa cũng như Phêrô khi nhận ra Đức Kitô quyền năng thì phản ứng của ngài là lạy Thầy xin Thầy xa con vì con tội lỗi  nghĩa là ngài kính sợ chúng ta cũng thường nghe lời  tiên tri Isaia nói Thần Linh Chúa ngự trên tôi và cho tôi tinh thần kính sợ Thiên Chúa không ai có lòng kính sợ Thiên Chúa  ban ơn của Thần Linh Thiên Chúa và ai có lòng kính sợ Thiên Chúa  với lòng khiêm tốn sẽ được Chúa xót thương những lời này đã được nói tới trong kinh Magnificat Người hằng thương xót những kẻ kính sợ Người tôi muốn nhấn mạnh chỗ này bởi vì hiện nay nhiều người không còn kính sợ Thiên Chúa mà từ sự mất đi lòng kính sợ Thiên Chúa thì người ta không còn kính sợ Hội Thánh kính sợ cha mẹ kính sợ các đấng đạo đời kính sợ cung thánh  kính sợ Mình Thánh kính sợ Lời Chúa  không sợ gì hết làm bất cứ chuyện gì mình muốn  trong Kinh Thánh có một lời nói đầu mối sự khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa khiêm tốn và kính sợ thì mới có khôn ngoan được ngay trong giáo dục trẻ em nếu mà không tập kính sợ thầy cô kính sợ cha mẹ thì sẽ hư nó không còn biết gì nữa nghĩa là khiêm tốn đòi phải có sự kính sợ Thiên Chúa trong khiêm nhường cũng có một sự biết mình yếu đuối kém cỏi nên cố gắng mà vươn lên cố gắng mà nên người tốt nghĩa là có sự phấn đấu  để nên tốt hơn theo thánh ý Chúa rồi khiêm nhường còn là biết quý trọng mọi ơn Chúa ban dù ơn bé nhỏ nhất rồi còn là cố gắng làm sao để trở nên một cái gì có lợi cho Nước Chúa chứ đừng để mình trở nên gánh nặng gây tai hại cho Hội Thánh cho cộng đoàn khiêm nhường nhận ra điều đó nhất là không đặt mình lên trên người khác bất cứ về phương diện nào và khiêm nhường là  biết nhận các sự trợ giúp của những người xung quanh dù họ là ai trong khiêm nhường giữ một vai trò rất quan trọng trên con đường bé nhỏ thiêng liêng đặc điểm thứ ba của con đường bé nhỏ là chấp nhận đau khổ hy sinh từ bỏ mình về điểm này chúng ta đọc thấy trong truyện thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu bé nhỏ nhưng đầy đau khổ  Đức Kitô mặc lấy thân phận bé nhỏ  nhưng cũng đầy đau khổ các tông đồ cũng vậy nhưng trong điểm này tôi nhấn mạnh đến một điều là khi chúng ta  chấp nhận đau khổ hy sinh từ bỏ thì chúng ta mới trở thành một lễ tế sống động  mà Chúa đòi hỏi nới những người cộng tác với Chúa trong việc cứu độ khi đọc lịch sử cứu độ ta thấy Thiên Chúa bao giờ cũng đòi hỏi những lễ tế đền tội  những lễ tế tạ ơn những lễ tế cầu xin  trong con đường bé nhỏ Đức Kitô đã đi thì ngay giờ phút đầu Đức Kitô đã hiến tế chính mình qua sự Ngài từ bỏ sự cao sang mặc lấy sự hèn mọn chấp nhận đói chấp nhận rét  chấp nhận bị nhục nhã bỏ rơi để trở thành lễ tế sống động lễ tế này là điều Chúa rất mong muốn Chúa rất đòi hỏi chúng ta rất cần đáp ứng chúng ta nhớ lại một lời trong thư gửi dân Do Thái  lúc đó khi vào trần gian Đức Kitô nói Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã ban cho con một thân thể Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội bấy giờ con mới thưa lạy Thiên Chúa này con xin đến để thực thi ý Chúa nghĩa là câu này nói rằng bấy giờ những lễ tế giết bò giết trâu nhang khói thờ lạy nhưng Chúa không thèm thế đâu Đức Kitô sinh đến mặc lấy xác con người chịu khổ chịu nhục để chính bản thân mình trở nên lễ tế đền tội  cho thiên hạ bây giờ cũng vậy ai đi vào con đường bé nhỏ thì cũng phải chấp nhận mình trở nên lễ tế đền tội chớ bây giờ  để cứu nhân loại Chúa chỉ cần  lễ bàn thờ  thì tôi nghĩ dễ quá đi Chúa soạn ra một công điện  hôm đó sẽ làm lễ đồng tế trọng thể để cứu toàn thể nhân loại  thì dễ quá đi theo tinh thần Đức Kitô thì Chúa không thèm những lễ kiểu đó mặc dầu những lễ đó vẫn có những bổ ích nhưng mà để cứu độ nhân loại hôm nay thì Chúa đòi phải có những lễ lế là chính bản thân chúng ta hợp cùng lễ tế bản thân Đức Kitô chịu đau khổ chịu hy sinh chúng ta thấy Đức Kitô khi   nói về những điều kiện ai muốn theo Ngài thì lời đầu tiên của Ngài là từ bỏ mình ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thánh giá mình mà theo Ta từ bỏ đó là điều kiện để mình trở thành lễ tế đền tội như Đức Kitô và điểm này có lẽ  chúng ta cũng nên suy nghĩ chia sẻ với những người  thuộc về chúng ta bởi vì hình ảnh trong thế giới hưởng thụ người ta ngại nói đến vấn đề từ bỏ mình và trở nên lễ tế trong Hội đồng giám mục Á châu cũng như trước mặt Đức Giáo Hoàng tôi cũng trình bày   một trong những  điều mà Hội Thánh ít quan tâm là mầu nhiệm thánh giá sau đó rất nhiều người đã đến để chia sẻ rằng Đức Cha nói đúng và đúng như  đường hướng của Đức Giáo Hoàng  nếu chỉ là những lễ nghi chỉ là những việc từ thiện  chỉ là những giáo lý chỉ là những đức tin  nhưng đó không đủ để cứu độ nhân loại mặc dầu những cái đó cũng cần thiết  chấp nhận hy sinh đau khổ và biến mình trở thành lễ tế đặc điểm sau cùng là sự phó thác con người bé nhỏ hèn mọn bao giờ cũng có tâm tình  phó thác mà phó thác không phải là mình không có khiêm nhường  mình có khiêm nhường nhưng mà với tinh thần phó thác thành công con cũng xin tạ ơn Chúa mà thất bại con cũng xin  chấp nhận với lòng tạ ơn Thiên Chúa nghĩa là phó thác chúng ta hết sức tin tưởng chương trình của chúng ta nhưng mà hãy phó thác nơi Chúa nếu mà chúng ta không nhìn thấy kết quả hôm nay thì cũng tạ ơn Chúa chớ đừng vì thế mà nản lòng  trên thực tế chúng ta nhận ra sống con đường bé nhỏ đó thực tế nghĩa là giờ phút hiện tại  thí dụ lúc này tại đây chúng ta sống đúng với  niềm tin đó chúng ta bây giờ đang ngồi đây cấm phòng thì chúng ta hãy làm việc cấm phòng này với tất cả tình yêu mến Chúa bỏ đi mọi sự bên ngoài đặt  tình mến Chúa là bầu khí quan trọng nhất thao thức về Chúa nhiệt thành về Chúa  lo lắng cho Chúa trong giây phút này thứ hai chúng ta khiêm nhường  nhưng mà chúng ta trân trọng đón nhận cảm tạ Chúa vì ơn Chúa ban cho chúng ta qua từng những gặp gỡ qua từng những chia sẻ qua từng những ơn Chúa ban trong giờ phút này  thứ ba là chúng ta chịu khó hy sinh hãm mình chúng ta biết rằng chúng ta hãm mình  chúng ta biết rằng bao nhiêu lo lắng bệnh tật túng thiếu bị người ta hiểu lầm vv tất cả chúng ta xin chấp nhận hết để biến thành lễ tế đền tội cho dân Chúa và sau cùng  chúng ta phó thác cho Chúa trong tay Mẹ Mình trong thực tế như thế thôi con đường sống bé nhỏ thiêng liêng nó sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều và nó sẽ đem lại bình an rất nhiều cho chúng ta
Để kết thì tôi có cảm tưởng muốn chia sẻ là tôi nghĩ rằng cảm tưởng chung của chúng ta hôm nay là con đường bé mọn thiêng liêng chính là con đường Chúa đã muốn cho chúng ta đi mà nếu đó là chính con đường Chúa muốn thì chúng ta chỉ có một cách lựa chọn là đi vào con đường đó nhất là trong hoành cảnh  hiện nay bây giờ nó có những cái phức tạp có nhiều cái khó khăn tôi xin chia sẻ hai tin tin thứ nhất là  về tình hình Apganistan một nước Hồi giáo với chế độ Taliban cấm đạo công giáo một khắc khe nhưng khi mà  thì người ta mới thấy có một cộng đoàn nữ tu  vẫn hoạt động được trong chế độ đó đó là cộng đoàn 3 chị Tiểu muội các dòng bỏ đi hết chỉ còn 3 chị Tiểu muội sống trong chế độ Taliban mà vẫn giữ được bình an nhờ đâu là nhờ các chị đó sống con đường bé mọn  không ồn ào không cần gì tỏ ra cho người ta biết mình là ai chỉ là yêu thương chỉ là khiêm tốn chỉ là chấp nhận hy sinh chỉ là phó thác sau cùng ba chị đó đã sống được trong chế độ đó cho nên tin đó làm cho tôi nghĩ rằng trong một chế độ hà khắc cấm đạo tất nhiên  người ta có thể phục vụ Nước Trời qua những con đường sống bé mọn  thứ hai là tối hôm kia có tin từ Saigon xuống là cách đây mấy ngày một vị thượng toạ  đã chết và trước khi chết đã trở lại đạo công giáo  đây là một điều lạ hồi trước vị này là người công giáo nhưng vì bất mãn với công giáo nhất là với quyền bính công giáo nên bỏ đạo  đi tu rồi lên đến chức thượng toạ chủ trì một ngôi chùa khá lớn khi về già đau yếu nhờ gặp được một bà nữ tu công giáo sống rất bé nhỏ qua những cử chỉ rất êm đềm dịu dàng tế nhị không ồn ào nên không ai biết cả và  qua những cử chỉ đó thượng toạ nghĩ lại  và xin trở về với Chúa thì nhờ đâu làm được những hoàn cảnh như vậy vừa trong hoàn cảnh xã hội chủ nghĩa vừa trong bầu khí Phật giáo vừa trong hoàn cảnh riêng của vị thượng toạ đang đứng đầu một cộng đoàn Phật giáo thưa đó là nhờ con đường bé nhỏ của một số nữ tu rất êm đềm rất nhẹ nhàng cũng chỉ là yêu thương cũng chỉ là khiêm tốn cũng chỉ là chấp nhận khổ đau cũng chỉ là phó thác hai tin trên đây cho tôi có cảm nghĩ là trong một tình hình không may hay trong tương lai nếu khó đi thì Chúa vẫn có thể cứu rỗi được dân tộc ta bằng con đường bé nhỏ và chúng ta thấy có thể là Chúa sẽ chọn những người dám bắt chước Đức Kitô trong hang đá Bêlem  Đức Kitô là Ngôi Lời Ngài là Ngôi Lời thế mà không nói và khi nói chỉ nói bằng đời sống chứ không nói bằng lời nghĩa là chấp nhận một đời sống dịu dàng bé nhỏ một cuộc đời chia sẻ một cuộc đời hiến tế qua con đường đó ơn thánh truyền xuống  cho người ta chứ không phải là mình thuyết phục mà là do ơn Chúa ơn trên trời xuống  qua con đường bé nhỏ qua lễ tế bé nhỏ đó  thành ra tôi nghĩ rằng nếu chúng ta làm được như vậy thì tôi tin rằng con đường bé nhỏ nghèo khó  là con đường mà có thể Chúa sẽ dùng để cứu nhân loại cho dù  đó là con đường dành cho sứ gỉa bình an đi xây dựng bình an và đi phục vụ cho sự bình an một sự bình an mà các thiên thần đã chúc trong đêm giáng sinh cho những tâm hồn bé nhỏ.

-------------------------

 

Bùi-Tuần 2237: Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam (Bài 1)


Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần dịp tĩnh tâm năm, năm 2001 (Bài 1)

 

Đề tài bài chia sẻ mục vụ hôm nay, trong tuần tĩnh tâm này là: Chân dung người môn đệ khôn Bùi-Tuần 2237


Đề tài bài chia sẻ mục vụ hôm nay, trong tuần tĩnh tâm này là: Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay. Có ba lý do khiến tôi chọn đề tài này để chia sẻ. Lý do thứ nhất: Hãy sống khôn ngoan. Đó là lời khuyên quan trọng thường đọc thấy trong Kinh Thánh. Cựu Ước có cả một cuốn riêng nói về khôn ngoan. Cuốn đó gọi là sách Khôn Ngoan, nằm sau sách Diễm Ca và trước sách Huấn Ca.

Trong sách Khôn Ngoan có nhiều đoạn ca tụng đức khôn ngoan, bây giờ những đoạn ca tụng đó trở thành nổi tiếng, thí dụ như là đoạn 7, tôi chỉ trích một phần: “Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với đức khôn ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với đức khôn ngoan, vì  vàng trên cả thế giới, so với đức khôn ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc so với đức khôn ngoan, cũng kể như bùn đất ... Đức khôn ngoan là kho báu vô tận cho con người” (Kn 7,8-9.14).

Chỉ mấy đoạn trên đây cũng chứng tỏ sự khôn ngoan quí trọng thế nào. Hơn cả ngai vàng, hơn cả trân châu, hơn cả vàng bạc. Bây giờ trong Tân Ước, chúng ta thấy Đức Giêsu hay nhắc tới sự khôn ngoan. Thí dụ như người đầy tớ khôn ngoan, người trinh nữ khôn ngoan, người quản lý khôn ngoan, người xây cất khôn ngoan. Người đầy tớ khôn ngoan là biết sinh lời những vốn chủ đã trao cho. Người trinh nữ khôn ngoan là người biết tỉnh thức. Người quản lý khôn ngoan là người biết bồi dưỡng và chu cấp của ăn đúng giờ, đúng lúc cho những người trong nhà. Người xây cất khôn ngoan là người xây nhà trên nền đá, chớ không trên cát nước. Trong ngày tận thế, Chúa thưởng cho những người đầy tớ khôn ngoan: “Hỡi người đầy tớ khôn ngoan và trung tín”. Đó là lý do thứ nhất khôn ngoan được nói rất nhiều trong Kinh Thánh.

Lý do thứ hai: Khôn ngoan, là lời khuyên rất quan trọng vốn thường nhắc đi nhắc lại trong nếp sống Việt Nam. Cha mẹ chúng ta thường khuyên con cái “khôn thì sống dại thì chết”. Đó là lời khuyên truyền thống từ trước đến bây giờ.

Lý do thứ ba: Khôn ngoan, là lời khuyên cũng rất quan trọng đối với người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay. Bởi vì, Việt Nam hôm nay là một Việt Nam đang chuyển biến rất mạnh. Nhất là đang có nhiều cạnh tranh về các giá trị. Trong đó cạnh tranh về khôn ngoan, kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị. Người ta để ý rất nhiều đến khôn ngoan. Mấy ngày nay, tôi có theo dõi trên truyền hình trung ương về các đại hội Đảng bộ các tỉnh, để xem mỗi một tỉnh họ đưa ra nét nào quan trọng nhất cho tỉnh mình. Tối hôm qua, tôi theo dõi truyền hình trung ương chiếu về đại hội đại biểu An Giang. Tôi chờ xem An Giang chọn nét nào, thì thấy thế này: Trường đại học An Giang được đưa lên màn ảnh rất lâu, không thấy một ông làm chính trị nào ra mắt, mà chỉ thấy ông Võ Tòng Xuân là người trí thức nhất là hiệu trưởng đại học. Như vậy An Giang có một lựa chọn cho tỉnh mình để giới thiệu cho sự vươn lên, là trí thức hoá tỉnh mình. Tôi coi đây là một lựa chọn khôn ngoan. Mình trình bày một cái gì thì mình phải biết lựa chọn. Đang khi tỉnh Kiên Giang hay là Tp. Hồ Chí Minh đưa ra những mặt du lịch, thuỷ sản, đầu tư nước ngoài.  An Giang chưa thể là trí thức hoá đâu, nhưng mà ông đã chọn trường đại học, chọn Võ Tòng Xuân,  đó là lựa chọn khôn ngoan.

Tôi đã có nói rằng thời buổi này, tại Việt Nam có nhiều chuyển biến lắm, nên người môn đệ Đức Kitô làm mục vụ tại địa phương này, trên đất nước này thì cần phải rất khôn ngoan. Bởi vì nếu khôn ngoan thì sẽ vượt qua được nhiều thử thách. Cho dù thông thái, dù lanh lợi, dù  đạo đức mà thiếu khôn ngoan, sẽ trở thành thảm hoa, nhất là thiếu sự khôn ngoan Phúc Am.

Nội dung chia sẻ của tôi gồm 3 phần:

1. Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô về mặt lý thuyết, lý tưởng.
2. Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô về mặt sống động
3. Chân dung người môn đệ khôn ngoan của Đức Kitô về mặt cảm động.

Bây giờ chúng ta biết, muốn đưa một cộng đoàn đi lên thì không những mình phải biết lợi dụng trí khôn, mà còn biết phải lợi dụng trái tim, biết trình bày làm sao để đánh vào những khâu gây nên cảm động, thì mới có thể rao giảng được Tin Mừng một cách hữu hiệu đúng tâm lý. Tất nhiên những điều tôi trình bày đây chỉ là gợi ý mà thôi. Hôm nay tôi bắt đầu nói về: Chân dung người môn đệ khôn ngoan chỉ về mặt lý thuyết.

Người ta kể rằng trong một thánh lễ, vị chủ tế giảng về sự khôn ngoan một cách hùng hồn. Sau lễ, một người đến hỏi vị linh mục đó rằng:

- Thưa Cha, thế nào là linh mục khôn ngoan?

- Cha thưa rằng: Linh mục khôn ngoan là người ngày nào cũng tự hỏi mình câu hỏi mà bạn vừa hỏi tôi. Ngày nào cũng vậy, tôi tự hỏi tôi rằng thế nào là linh mục khôn ngoan. Biết hỏi mình như vậy mỗi ngày, đó là khôn ngoan.

Câu trả lời trên đây rất sâu sắc. Trước hết, vì khôn ngoan là một vấn đề mênh mông về lý thuyết. Các triết học, các tôn giáo đều có những phần nói về sự khôn ngoan. Làm sao học cho thấu, nói sao cho đủ được. Nếu hỏi rằng: Thế nào là một linh mục khôn ngoan? thì nó mênh mông lắm. Không thể trả lời được.  Vậy nên ngày nào mình cũng phải tự hỏi mình để học thêm. Lý do thứ hai ngoài sâu sắc, là linh mục khôn ngoan, thì khôn ngoan của linh mục không những về lý thuyết, mình hiểu biết nhưng mà mình cũng cần phải có kinh nghiệm nữa. Cũng như sáng này, chúng ta nghe bài suy gẫm về Môsê, 40 năm học hỏi cũng chưa là khôn ngoan, 40 năm trốn đi, kinh nghiệm dày vò cũng chưa phải là khôn ngoan, 40 năm hành sự việc chỉ huy cũng chưa chắc là khôn ngoan. Cho nên mỗi ngày mình phải thấy kinh nghiệm giúp mình khôn ngoan hơn. Hôm nay anh em cũng như tôi chưa nói được rằng mình khôn ngoan, bởi vì kinh nghiệm còn yếu lắm, lý thuyết cũng còn yếu lắm. Lý do thứ ba khiến câu trả lời của linh mục đó là sâu sắc, bởi vì kinh nghiệm cho chúng ta nhận thức được khôn ngoan phải rất linh động.  Điều mà năm trước chúng ta cho là khôn, nếu áp dụng năm này sẽ là dại. Điều mà thời trước, nơi đó, cho là khôn; thời nay, ở đây, có thể là dại.

Tôi đưa ra một thí dụ có liên quan đến Môsê. Chúng ta biết khi Môsê còn nhỏ, vì thương em, cho nên chị ông đã để em trong cái nôi trôi sông, rồi tìm cớ làm sao cho bà công chúa Ai Cập nhận làm con nuôi. Cách của chị Môsê làm  được gọi là khôn ngoan. Nhưng sau này, khi Môsê đã trở thành lãnh tụ nổi tiếng đầy uy tín, thì có một lúc chị Marian đã chỉ trích Môsê trước công chúng. Marian chỉ trích Môsê, phê phán Môsê trước công chúng, vì lúc đó Môsê lấy vợ thứ hai, người xứ Cút. Bà tưởng rằng bà làm một việc khôn vì thương Môsê, nhưng trước mặt Chúa thì đó là giảm uy tín cho lãnh tụ, cho nên Chúa phạt Mariaan phải phong bảy ngày. Điều tưởng rằng mình khôn, nhưng mà trong một hoàn cảnh nào đó, lại không là khôn trước mặt Chúa. Bởi vì Môsê lúc bấy giờ cần phải có rất nhiều uy tín thì mới có thể hướng dẫn dân cứng đầu Israel, thế mà bà chị này lại chỉ trích.  Theo luật bấy giờ, việc Môsê lấy người vợ thứ hai không phải là sai. Cho nên chúng ta thấy sự khôn ngoan phải rất linh động, phải rất cân nhắc, dè dặt, vì nhận thức rằng khôn ngoan là điều rất mênh mông, lý thuyết phải rộng, kinh nghiệm phải sâu. Tôi xin giới hạn một số việc quan trọng cho người mục tử hôm nay cái gì là căn bản nhất.

Trước hết khôn ngoan của người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay là phải chọn đúng con đường sống đạo. Chúng ta thấy từ ít lâu nay, sống đạo tại Việt Nam có bùng nổ lên những tuyên bố khác nhau về các con đường sống đạo. Nơi này nơi nọ thì đề cao con đường Đức Mẹ, mà Đức Mẹ thì mang nhiều tước hiệu. Nếu không khéo, thì người ta tưởng lầm có nhiều Đức Mẹ khác nhau. Nói về con đường các thánh, thì cũng đang bùng nổ những thánh khác nhau. Con đường thánh Đaminh, con đường thánh Phanxicô, con đường thánh Têrêsa. Rất nhiều nhóm dựng nên các con đường khác nhau. Tất cả đó là rất phong phú nhưng rất xô bồ, không những xô bồ mà còn mơ hồ. Hoặc là khi nói về các con đường có liên quan đến giáo quyền thì cũng rất  phong phú nhưng cũng rất xô bồ. Thí dụ như là con đường Vatican, con đường Hội đồng Giám Mục Á châu, con đường thư chung HĐGM VIỆT NAM, con đường truyền thống  về nếp sống đạo xưa, con đường Đức Cha này Đức Cha kia, cha này cha no. Tất cả những bùng nổ đó nó làm nên cái gì đó phong phú, nhưng nhìn chung, nhìn sâu, nó rất xô bồ và rất phức tạp. Viễn cảnh xô bồ này là một nguy cơ cho tương lai Việt Nam. Bởi vì tôi thấy là tương lai Việt Nam đang đứng trước nhiều thách đố.

Thách đố thứ nhất là các giáo phái. Các giáo phái đang lợi dụng phong trào  toàn cầu hoá để vào Việt Nam, và khi vào Việt Nam, các giáo phái thường đánh vào công giáo, nhắm nhiều nhất vào cách sống đạo của công giáo, nó có nền tảng hay không, rồi từ đó nó phê phán. Thực tế thì nhiều nơi đã bị tan vỡ khi giáo phái đến. Bởi vì sống đạo không có rễ, không có nền, không có chỗ đứng.

Thách đố thứ hai là thách đố về phong trào tục hoá. Tục hoá cũng đang tràn vào Việt Nam. Con đường tục hoá này đang lan rất mau, lan cả vào nhà tu, nhà dòng, phụng vụ, nếp sống. Nếu chúng ta không chọn một con đường sống đạo đúng đắn, căn bản, trên nền tảng Phúc Am, thì cũng dễ sụp đổ.

Thách đố thứ ba là Phật giáo. Nếu chúng ta vào các tiệm sách ở Saigon  thì chúng ta thấy, bây giờ sách rất nhiều. Chúng ta đi qua các đại học ở Saigon chúng ta thấy, phật tử đi học, ni cô đi học, sư sãi đi học, rất đông. Đó là những thách đố. Rồi nếu đọc những sách Phật giáo bên Hoa Kỳ do nhóm Giao điểm, chúng ta thấy họ đang đánh công giáo rất dữ, rất mạnh.

Thách đố thứ tư là thách đố chủ nghĩa cộng sản. Nếu anh em để ý một chút thì thấy, bây giờ trong các đại hội  hay trong các phát biểu, người ta không còn nói hay là nói rất ít đến Mác-Lênin. Hoặc  trong cách trang trí các điện, các phòng, thì không bao giờ thấy hình ông Lê Duẫn hay một ông nào khác, mà chỉ tập trung vào Bác Hồ mà thôi. Đang có sự chuyển biến như vậy để tất cả đảng viên đều tập trung vào lãnh đạo, nó không phân tán nữa. Đấy là một thách đố làm cho phẩm chất của người đảng viên mạnh lên. Đang khi đó thì chúng ta chia ra nhiều quá, không biết cái chính cái phu.

Thách đố sau cùng là thách đố của mặt trận Satan. Sáng nay Đức Cha Phó nói ở đầu lễ về những mưu đồ của mặt trận Satan. Riêng tôi nhận thức điều này rất rõ. Nhất là từ ít lâu nay, Satan dùng mọi cách từ việc như hạ cấp đến thượng cấp nhất để mà phá Nước Thiên Chúa.  Nên nếu chúng ta không chọn con đường sống đạo đúng đắn, thì một ngày nào đó, mặt trận Satan sẽ tàn phá giáo phận chúng ta, giáo xứ chúng ta. Mà tàn phá đầu tiên là các linh mục tu sĩ chúng ta trước.

Trước những thách đố như vậy, thì đòi hỏi sự chọn lựa cho con đường sống đạo của chúng ta tại Việt Nam hôm nay là phải chọn một con đường rất đúng đắn trên  mạc khải. Con đường đó là gì? Thưa con đường đó chính là Đức Kitô. Điều này chúng ta đã biết rồi, nhưng chúng ta cần phải xác định lại, như là một chọn lựa quyết liệt, tuyệt đối và duy nhất. “Thầy là đường, là sự thực và sự sống”. Chính Đức Kitô đã mạc khải điều đó. Vậy khi chọn con đường Đức Kitô thì lựa chọn chúng ta phải tuyệt đối, phải thực rõ ràng, nghĩa là phải tập trung vào Đức Kitô, phải đề cao Đức Kitô, phải nhấn mạnh Đức Kitô là Đấng cứu độ, là Tin Mừng. Chúng ta thấy cuối năm thánh, Đức Thánh Cha đã ra tuyên ngôn “Dominus Jesus”, tức là nhấn mạnh đến địa vị của Đức Kitô. Và khi chúng ta chọn Đức Kitô là con đường, thì phải gắn bó cách tuyệt đối, thường xuyên với Lời Đức Kitô. Lời Đức Kitô nói đây là lời được hiểu. được học. được suy gẫm bởi Thánh Linh. Lời Đức Kitô phải trở nên lương thực và sách gối đầu của chúng ta. Để rồi khi gắn bó với con đường Đức Kitô, chúng ta phải coi đời sống Đức Kitô là gương mẫu, chúng ta luôn qui chiếu vào đo. Đừng qui chiếu vào những mẫu mực khác, đừng nói rằng dư luận người ta nói thế này nghe rất là thơm, dư luận không phải là mẫu mực. Cũng đừng nghĩ rằng mình phải lấy sĩ diện là chính, để mà qui chiếu, cũng không được. Cũng không nên bảo rằng truyền thống nó thế này thế kia, cũng không được. Cứ luôn phải theo gương Đức Kitô mà tiến.

Từ hôm qua đến nay nghe các cha tâm sự, tôi thấy rằng các cha đang bị rất nhiều ngăn trở của dư luận khắp nơi. Mình muốn cải cách theo cách Đức Kitô, nhưng mà bị chống đối. Dân nói rằng cha về chỗ này, cha làm không giống như là cha trước.  Họ đi tìm, nhưng  không là tìm Đức Kitô, mà là tìm sĩ diện của họ. Lễ thì họ tổ chức cho lớn, không phải để làm sáng danh Chúa, mà là cho sĩ diện của họ. Không  lấy Đức Kitô làm chính. Cho nên chọn Đức Kitô là con đường của mình thì phải tập trung vào Ngài, gắn bó với Lời Ngài, gắn bó với đời sống của Ngài, nhất là phải nhập tâm hoá con đường Đức Kitô chính là gặp gỡ Ngài, sống mật thiết với Ngài, “Tôi sống, mà không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Hiện nay, chúng ta đang thấy xuất hiện tại Việt Nam, kể cả tại địa phương chúng ta một số những phong trào lớn gọi là phong trào đạo đức. Tất nhiên là các cha phải tỉnh thức để xem xét phong trào này có tốt hay không. Tôi xin đề nghị là chúng ta dùng tiêu chuẩn Đức Kitô để đo những phong này. Phong trào đạo đức nào mà lấy Đức Kitô làm con đường, Lời Đức Kitô, đời sống Đức Kitô, sự sống Đức Kitô làm mục vụ của mình, thì chúng ta tin tưởng. Còn nếu không, chúng ta phải cảnh giác phải theo dõi. Nếu cần, thì dẹp đi. Ma quỉ dùng những phong trào này, nhất là những lệch lạc để chúng ta đi sai con đường Đức Kitô. Chúng ta thấy thánh Phaolô rất quyết liệt trong quan điểm về con đường Đức Kitô. Đi đâu Ngài cũng giảng về Đức Kitô đã chịu chết và sống lại. Ngài viết thư cho các môn đệ rằng: Ai nói khác đi thì đừng có theo. Tôi nghĩ bây giờ sang thế kỷ XXI này, đầy những chông gai thử thách, hãy trở về con đường chính là con đường Đức Kitô.

 Điểm thứ hai rất căn bản, mà sự khôn ngoan của người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay  cần phải chọn, đó là chọn phương hướng làm sáng danh Chúa. Bởi vì chúng ta thấy từ ít lâu nay, câu: Sáng danh Chúa, đã trở thành một khẩu hiệu. Đâu đâu cũng nói mình làm cái này để sáng danh Chúa. Xây cất sắm sửa cũng nói là làm sáng danh Chúa. Mở tiệc cũng là để làm sáng danh Chúa. Tổ chức này nọ cũng để làm sáng danh Chúa. Đôi khi các việc ấy ít  nhiều khi bôi bác. Trong một tình xô bồ và mơ hồ như vậy về phương hướng làm sáng danh Chúa, thì chúng ta phải chọn một phương hướng làm sáng danh Chúa thực đúng. thực rõ. Đức Kitô mạc khải rất rõ điều này, xin xem Ga đoạn 15,8: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em  sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

Đức Kitô mạc khải hai điều có khả năng làm sáng danh Chúa Cha:

- Một là chúng ta sinh được nhiều hoa trái. Tất nhiên hoa trái này là tốt như sẽ thấy sau này làcái gì.

- Hai là trở nên môn đệ của Đức Kitô.

Câu hỏi cần phải đặt ra ngay là: Hoa trái  mà Đức Kitô muốn chúng ta sinh ra nhiều để làm  sáng danh Chúa thì đó là gì? Phúc Âm cũng đã trả lời rất rõ. Xin đọc lại Galata đoạn 5,22-24 thánh Phaolô nói: Hoa trái mà Chúa muốn là hoa trái của Thánh Thần. Mà hoa trái của Thánh Thần là những gì? Phaolô kể ra: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, ân cần,  từ tâm, trung tín, dịu dàng, tự chế. Nhưng chính thánh Phaolô sau khi kể ra những đức tính đó, thì đã quả quyết rằng: Tất cả đều gồm tóm lại một nhân đức mà thôi, đó là đức bác ái yêu thương.

Như vậy chúng ta thấy rất rõ, làm sáng danh Chúa là phải sinh nhiều hoa trái và hoa trái đó là yêu thương bác ái. Mà yêu thương bác ái nó rất rộng, nên chúng ta phải xác định thực rõ trong tình hình này, Chúa muốn  yêu thương bác ái thế nào? Thì chính Đức Kitô cũng nói: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Như –Thầy, Chúa nói rõ như  vậy đấy. Chúng ta thấy Chúa yêu thương chúng ta thế nào?  Phúc Âm nói: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu Chúa”. Chúa đã yêu thương ta, khi ta còn trong tội lỗi. Chúa đã yêu thương ta, đến nỗi Ngài gánh tội cho ta, Ngài tha tội cho ta, Ngài xoá tội cho ta, Ngài chết để đền tội cho ta. Mô hình Đức Kitô yêu chúng ta là như vậy đó, bây giờ yêu nhau cũng phải như vậy. Có thể nói thế này: Yêu thương theo Phúc Âm là biến đổi con người. Con người tội lỗi trở nên nhân đức, con người xấu trở nên tốt.

Về điểm này, có lần tôi tìm thấy ở sách đạo đức, Cha Philip dòng Đaminh có triển khai vấn đề yêu thương khi Ngài đọc thánh Gioan. Ngài đưa ra một nhận xét rất hay. Ngài nói là Gioan có cái nhìn về yêu thương nhiều lắm, nhưng mà thường đề cao sự yêu thương trong các bữa ăn. Không có Phúc Âm nào kể nhiều bữa ăn cho bằng Gioan.

Bữa ăn đầu tiên là bữa ăn Cana. Trong bữa ăn đó, Đức Kitô biến đổi nước thành rượu, đồng thời biến đổi trái tim con người để họ biết tin vào Đức Kitô.

Bữa ăn thứ hai có vẻ là bữa ăn cấm trại, bữa ăn trên núi. Khi đám đông theo Đức Kitô nghe giảng mà trên đó không có bánh, không có gì để ăn, Chúa Giêsu làm phép lạ trong bữa ăn đó. Đức Kitô biến đổi ít lương thực thành nhiều lương thực, nhưng đồng thời biến đổi con người, để dần dần họ nhớ lương thực vật chất nuôi con người, mà Lời Chúa cũng nuôi con người.

Bữa ăn thứ ba là bữa tại ăn gia đình ở Bêtania. Gioan kể lại: Ngài ăn cơm tại gia đình Bêtania, thì một phụ nữ mang tiếng là đĩ điếm đến quỳ xuống  hôn chân Đức Kitô.  Đức Kitô đã không theo dư luận bấy giờ, nhưng đã bênh cô. Đức Kitô đã biến đổi dư luận xấu về cô Mađalen thành một dư luận tốt về Mađalen, nâng Mađalen lên, để cô ta có một chỗ đứng ngẩng đầu lên mà đi trong xã hội đó.

Sau cùng là bữa tiệc ly. Chúa biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu, và biến đổi luôn tâm hồn các môn đệ. Cho nên cha Philip nói rằng tình yêu thương căn bản là biến đổi con người, chớ không phải là mình tìm vui sướng nào cả. Mục đích là để biến đổi con người.  Biến đổi có thể là biến đổi vật chất, biến đổi cái này cái khác, nhưng  sau cùng là biến đổi con người.

Như vậy chúng ta thấy mục đích của yêu thương là sinh nhiều hoa trái để làm sáng danh Chúa. Chúng ta giúp cho đoàn chiên chúng ta, xã hội chúng ta, đồng bào chúng ta,  được biến đổi. Biến đổi về tâm hồn, về lương tri, về trí thức. Ngoài ra làm sáng danh Chúa là hãy trở nên môn đệ Đức Kitô. Để trở nên môn đệ Đức Kitô, chúng ta biết Lời Chúa phán: “Ai muốn trở nên môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy”.

Trên đây là những lựa chọn căn bản nhất để chúng ta nắm cho vững, thế nào là con đường ta đi sống đạo, thế nào là sáng danh Chúa, thế nào là sinh hoa kết quả, thế nào là môn đệ Đức Kitô. Chúng ta nắm vững thì đó là mạc khải.

Trưa hôm qua lúc 1giờ rưỡi, tôi có theo dõi truyền hình trung ương, thì  chiếu phim tài liệu dài 3 phút nói về một cô phụ nữ  ở Tp. HCM làm việc từ thiện bác ái. Xem xong phóng sự đó tôi nghĩ rằng, chắc là từng triệu người Việt Nam cũng sẽ xúc động. Phố phường chỗ nơi  cô ở thấy cô  nghèo túng. Buổi sáng, buổi chiều xách một bao thực lớn đi nhặt những bao nylon và những ống lon bia đưa về. Mục đích thứ nhất là để kiếm tiền nuôi những kẻ mồ côi, bởi vì nhà cô  chứa hơn 10 đứa trẻ mồ côi tàn tật.  Cô đã đưa về để  nuôi như con mình. Hai là để làm gương cho chúng nó phải tần tảo làm ăn. Ba là cô làm như vậy để chia sẻ đời sống những đứa mồ côi nghèo túng. Tôi thấy ban ngày, cô để ý đút cơm, đút cháo cho từng đứa tàn tật. Rất cảm động. Như  là một người mẹ hiền. Ban đêm họ chiếu cảnh những đứa trẻ mồ côi tàn tật đó ngủ,  còn cô một mình thức đêm soạn bài để hôm sau trong những giờ rỗi, dạy các em tập đọc tập viết, tập nghề, tập nhân bản. Nhìn cô,  tôi thấy dáng cô là con người đẹp,  con người trí thức, nhất là con người có bản lĩnh. Nhìn gương cô, tôi thấy đó đúng là sinh hoa trái như Chúa muốn, nghĩa là biến đổi những đứa trẻ mồ côi tàn tật đó nên những người được yêu mến, được kính trọng, kể như là có ích cho xã hội. Nhìn cô, tôi thấy rằng cô chính là môn đệ Đức Kitô, không biết cô theo đạo nào, nhưng đúng là mẫu người môn đệ Đức Kitô, mà có lẽ còn hơn chúng ta.  Cô không mặc áo dòng, không làm lễ gì cả,  nhưng với đời sống của cô, đã là một bài giảng rất sống động.

Để kết, tôi xin chia sẻ một ý tưởng sau cùng mà tôi thường  áp dụng, rút ra từ cuốn sách của cha dòng khổ tu. Ngài nói rằng chính ngài khi muốn trở thành người môn đệ Đức Kitô khôn ngoan đích thực, để sinh nhiều hoa trái về bác ái, là cần làm sao mỗi ngày khi dự thánh lễ hoặc làm lễ,  thì vừa dâng thánh lễ Đức Kitô  vừa dâng thánh lễ bản thân chính mình. Chẳng hạn khi đọc: “Đây là Mình Ta chịu nộp vì các con”, thì tôi nhớ lại Lời Đức Kitô, gương Đức Kitô đã nạp mình để cứu tôi, để thánh hoá tôi. Nhưng đồng thời cũng chính là lời tôi dâng mình cho Chúa thân xác này, cũng tình nguyện trao nộp  cho những khốn khó, cho những hy sinh, cho những vất vả ngày hôm nay. Khi đọc: “Này là Máu Thầy sẽ đổ ra”, khi đọc lời đó, tôi nhắc lại Lời Đức Kitô đã dâng máu mình đổ ra để cứu con chiên trong đó có tôi, thì  tôi cũng hợp với lời đó mà nói về chính mình. Con cũng xin dâng máu con đây để chảy ra, để cứu con, cứu người khác. Ngài nói rằng chúng ta áp dụng như vậy lâu ngày, chúng ta mới  thấy rằng người môn đệ Đức Kitô phải thực sự là từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình mà theo Đức Kitô. Khi đã đi qua con đường thanh luyện đó, chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái bác ái  yêu thương, mà hoa trái bác ái yêu thương của Đức Kitô là có sức biến đổi con người, thánh hoá con người, làm cho con người trở nên tốt hơn, có sự sống hơn. 

--------------------------

 

Bùi-Tuần 2238: Chân dung cảm động của người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay 


Cấm phòng năm 2000 (bài 3)

 

Chiều hôm qua và sáng nay tôi tiếp một phái đoàn Caritas Đức phái đoàn tới đây để làm việc với Bùi-Tuần 2238


Chiều hôm qua và sáng nay tôi tiếp một phái đoàn Caritas Đức phái đoàn tới đây để làm việc với Toà Giám Mục và chính quyền An Giang khi gặp và làm việc với phái đoàn tôi nhận thấy điều này họ là những người giàu tình cảm và tình cảm của họ được diễn tả qua sự họ cảm động  trước những cảnh nghèo của đồng bào địa phương chúng ta tình cảm xúc động của phái đoàn làm cho chúng tôi dễ gần lại với nhau và điều đó chứng tỏ rằng khi chọn người vào những đoàn công tác bác ái mà nếu những người đó có những tâm tình như vậy thì đó là sự lựa chọn khôn ngoan. Điều tôi vừa nói trên dẫn nhập vào đề tài hôm nay nói về chân dung cảm động của người môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay  nội dung chia làm 2 phần chính thứ nhất là sự độc hại của sự quá cảm động hay không có cảm động  phần thứ hai gợi ý về một số điều chúng ta sẽ dùng để đào tạo mình nên  một  chân dung cảm động của người môn đệ Đức Kitô

Phần thứ nhất là những lợi hại của sự  có cảm động hay không cảm động nơi người môn đệ Đức Kitô nhất là tại Việt Nam hôm nay thứ nhất là  sự cảm động sự xúc động tình cảm bao giờ cũng là một sứ điệp khi Chúa Giêsu nhìn thành Giêrusalem Ngài xúc động sự xúc động đó là một sứ điệp  Ngài khóc Ngài không nói nhiều nhưng mà chi tiết để lại trong Phúc Âm là cả một sứ điệp nếu Ngài dửng dưng cười giỡn thì tất nhiên không còn là sứ điệp nữa  khi Đức Mẹ hiện ra ở Laxarét Mẹ khóc nước mắt của Đức Mẹ là một sứ điệp cho con cái loài người gẫm suy nó có một sự đó Đức Mẹ mới khóc như vậy quan trọng lắm  và sự lợi hại này là một sứ điệp nó còn gợi ý đến một nhân tố khác đó là tình cảm xúc động cảm động bao giờ cũng là một quy chiếu quy chiếu về một nguyên nhân khác về một nguồn gốc khác chẳng hạn như câu chuyện tôi nói về một phóng sự truyền hình về chị nữ tu thì khi xem người ta cảm động và tự hỏi cô đó là ai nó quy chiếu tuỳ mức và khi nghe nói cô ấy là người công giáo thì người ta hỏi rằng cô là người thường hay người tu rồi khi biết là tu sĩ thì lại muốn biết là tu dòng nào  tức là một sự cảm động bao giờ cũng gợi lên một sự quy chiếu nó đi tìm về một cái gì mà không phải người đó  tại sao người đó có một cử chỉ gây xúc động như vậy họ tìm bố mẹ tôn giáo của họ dòng của họ đạo của họ là người môn đệ Đức Kitô những sự cảm động xức động gợi lên một quy chiếu người ta nói về Cha *** là một giáo sư thần học  ở *** khi về già có một lần ngài đến lớp xem học lần đó nói về Thiên Chúa khi ngài vừa bắt đầu nói về Thiên Chúa thì ngài im lặng xúc động không nói một lời thì tất cả hội trường mấy trăm sinh viên đều xúc động hết và tự hỏi rằng trong nội tâm của cha cha gặp gỡ rất thân mật với Thiên Chúa cho nên có một xúc động như vậy rồi từ đó những sinh viên của hội trường thinh lặng tự kiểm lại điều đó và Thiên Chúa mạc khải cái gì nó là cái gì đây mà sao ngài gặp gỡ Thiên Chúa rồi lại xúc động như vậy cho nên sự xúc động của một người già của một người nói chuyện của một người nó luôn gợi đến một sự quy chiếu quy chiếu đó là một vị khác một nguồn gốc khác vì thế trên thực tế trong mục vụ trường giáo một người môn đệ Đức Kitô lạnh lùng đưa ra những lý thuyết lạnh lùng một thái độ hành xử lạnh lùng thì nó rất khác với một người không phải là thông thái nhưng mà cảm thương xúc động  tôi cũng đã nói với phái đoàn Caritas Đức: Sự hiện diện của các anh không phải làm chứng các anh có tiền nhiều mà nó phải làm chứng là các anh thương yêu người ta  kính trọng chúng tôi chớ không phải là tiền các anh đưa ra  cho nên sự xúc động quan trọng lắm  cái mà chúng tôi trông đợi là các anh có liên đới với mọi người chúng tôi không đấy là điều mà tôi nghĩ rằng  trong đời mục vụ của chúng ta chúng ta có thừa kinh nghiệm về điều này có những cha không có một cái gì để cho ngoài sự xúc động thương cảm với đoàn chiên đó là sự lợi hại của cảm động  thứ hai sự chúng ta cảm động hay không cảm động thì phản ánh  tình trạng mến Chúa trong lòng ta thánh Phaolô đã nói  chính tình yêu Đức Kitô đã thúc đẩy tôi khi mà ta có một cử chỉ thương yêu thông cảm với người khác người ta biết ngay là trong nội tâm của chúng ta có tình yêu Chúa và chúng ta cũng thấy khi Đức Kitô trao quyền cho Phêrô thì Ngài chỉ hỏi có một điều con có mến Thầy không? Có vậy thôi bởi vì nếu có lòng mến thì có sự dấn thân còn không có lòng mến thì bao nhiêu là thông thái bao nhiêu là giáo lý bao nhiêu lề luật sẽ không thu hút được dân  mà  phải là tình yêu mến Chúa cứ yêu mến đi nhiều khi chúng ta tưởng rằng do tính người này tính người kia dễ xúc động nhưng thật ra chúng ta thấy lòng mến Chúa do  Phaolô trước khi trở lại thì rất ác cảm với người Thiên Chúa giáo một khi trở về gặp gỡ Đức Kitô rồi thì nói rằng: “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi”   thánh Augustinô cũng vậy khi trở lại rồi thì cảm thấy rằng mình thương Giáo Hội thương đoàn chiên  sự cảm động tự nó diễn tả được tấm lòng của chúng ta  cho nên đứng trước một linh mục một tu sĩ  qua sự phản ứng thì có thể biết được lòng mình có mến Chúa hay không

 thứ ba sự cảm động giúp cho người ta nhìn về tương lai một là tương lai hy vọng hoặc là tương lai đầy ác mộng vì trong Kinh Thánh luôn nói về tương lai của đoàn chiên gắn liền với tương lai của người lãnh đạo Kinh Thánh có câu người lãnh đạo khô khan thì  biến đổi một xứ sở xanh tươi mầu mỡ thành chốn hoang tàn bởi vì họ không có trái tim tất cả đều lành lặn hết nhưng trái tim thì không  thành ra không gom được đoàn chiên của mình đến chỗ xanh tươi mà đang xanh tươi thì trở nên hoang tàn chính bản thân mình bởi vì Kinh Thánh nói một câu mà nhiều khi làm cho tôi sợ  Thiên Chúa đã làm cho họ ra đui mù và lòng họ ra chai đá đó là dấu chỉ Chúa ruồng bỏ họ  một số Pharisêu và một số tư tế ra chai đá không còn cách nào  cảm thương được đoàn chiên đó là dấu Chúa ruồng bỏ họ làm cho lòng họ ra chai đá đui mù   Như vậy ta mới thấy rằng sự lợi của sự cảm động sự xúc động có tình người hay không được diễn tả  nơi những người mục tử nhất là ở Việt Nam hôm nay sau khi chúng ta biết rằng sự cảm động sự xúc động tình cảm có vai trò lợi hại ít là trên đây thì .. chúng ta muốn là chúng ta có chân dung của một người môn đệ Đức Kitô có cảm động bây giờ làm thế nào đây  tôi xin gợi ý mấy điều: thứ nhất là chúng ta năng đọc suy gẫm những trang lời Chúa nói lên sự cảm động xúc động của Đức Kitô của  Đức Mẹ và các thánh và khi đọc những đoạn đó chúng ta phải suy gẫm và nhất là  hiệp thông với nhân vật trong câu chuyện đoạn Kinh Thánh đầu tiên tôi muốn gợi ý ở đây là Tv 77 Thánh vịnh này có một linh cảm về  hồi tưởng lại đầy cảm động của thánh vương Đavít khi Đavít hồi tưởng lại quãng đường của mình của dân mình   thì thánh vương Đavít đã rất cảm động nói lên những tâm tình trong thánh vịnh

Tôi cất lời tâu lên cùng Chúa
Lời tôi kêu Chúa xin Người lắng nghe
Ngày khốn quẫn tôi tìm kiếm Chúa
Tay giơ lên không mỏi suốt đêm trường
Hồn tôi nào có thiết  lời an ủi
tưởng nhớ Chúa tôi thở vắn thở dài
suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao
lạy Chúa Ngài không để con khép mi chợp mắt
lòng con xao xuyến chẳng nói nên lời
hồi tưởng lại con ngày xa cũ
tâm hồn con ấp ủ những nắm xương
suốt canh khuya trong dạ nhủ rằng
và suy gẫm chính lòng con tự hỏi
phải chăng Chúa ruồng bỏ con  đến muôn đời
chẳng bao giờ còn dủ lòng thương đoái
tình yêu Chúa phải chăng nay đã cạn
và thánh ngôn chấm dứt đời đời

Trên đây là cả một đoạn văn đầy xao xuyến đầy cảm động  và khi ngài diễn tả ra tôi thấy có ba điểm này mà chúng ta có thể đọc suy gẫm hiệp thông với thánh vịnh  để rồi khắc hoạ vào đời sống chúng ta đời sống giáo xứ  địa phận  nhất là trong dịp cuối năm hồi tưởng lại.

Thứ nhất lòng thánh vương Đavít cảm động vì hồi tưởng lại con đường xưa đầy những giông tố  đầy những thất vọng thấy mà ngại dân chúng chỉ đi tìm Chúa mà thôi  đã đặt hy vọng vào Chúa nhìn lại đời tôi đời của giáo phận  trong những năm qua đầy những thử thách tối tăm coi như thất vọng người ta đi tìm Chúa  thành ra người ta khám phá thấy kho tàng  một kỳ công Chúa làm trong một hoàn cảnh đầy khó khăn  mà ta dân ta là người công giáo chỉ đi tìm kiếm Chúa mà thôi  chớ không tìm tiền bạc hay sự tự do thế gian  đấy là sự khôn ngoan đã nó lên trong bài hồi tưởng lại trong hoàn cảnh khó khăn mình tìm Chúa là điểm tựa chắc chắn nhất thứ hai trong hồi tưởng Đavít thấy trong mỗi hoàn cảnh đầy khó khăn hầu như không vượt được  mà Chúa đã cứu mình Chúa đã cứu dân mình nay hồi tưởng lại đời tôi dân tôi địa phận tôi thì có lúc  có những phút tưởng rằng sẽ mất sẽ chết nhưng mà sau cùng mình đã được Chúa cứu trong hồi tưởng lại như vậy chúng ta khám phá thấy sự Chúa làm là rất lạ lùng  khiến chúng ta phải cảm ơn khi chúng ta nhắc lại cho giáo dân những việc cụ thể sự này sự kia giáo xứ xưa thế này bây giờ thế này thì họ nhớ lại và họ sẽ cảm động tạ ơn Chúa  trong thánh vịnh này có một chi tiết nữa làm cho ta rất cảm động  trong hoàn cảnh khó khăn mà dân Chúa đã được những người lãnh đạo khôn ngoan dẫn dắt Chúa không để cho đoàn chiên của Người phải mồ côi cuối thánh vịnh Đavít nhắc đến Môsê, Aaron thì khi mà chúng ta áp dụng vào dân mình  địa phận mình, xứ sở mình  chúng ta cũng thấy trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn chúng ta tưởng rằng chúng ta sẽ mồi côi  địa phận chúng ta sẽ  không có người lãnh đạo xứ của ta sẽ không còn tín đồ  nhưng mà sau cùng bây giờ chúng ta thấy việc Chúa làm  chúng ta đã có những người lãnh đạo cho nên hồi tưởng lại thấy là trong những hoàn cảnh khó khăn Thiên Chúa đã làm những kỳ công lạ lùng khiến chúng ta phải cảm động nên khi chúng ta đọc Kinh Thánh rồi hiệp thông cùng Đavít rồi tự nhiên lòng chúng ta sẽ giống như Đavít khi hồi tưởng lại  đoạn Kinh Thánh thứ hai tôi xin gợi ý là đoạn Kinh Thánh nhắc lại sự Đức Mẹ cảm động và từ cảm động đó đã thốt lên lời tạ ơn  đó là kinh Man Đức Mẹ cảm thấy là thân phận hèn mọn của nữ tì có là gì đâu thế mà Chúa đã chọn lại nhìn đến giờ áp dụng vào chính bản thân chúng ta nhìn lại bản thân chúng ta  chúng ta thấy rằng mình cũng là hèn mọn thôi cũng là một nữ tỳ là một đầy tớ thôi ấy thế mà Chúa lại thương nhìn đến Chúa không nhìn đến để mà thương mà nhìn đến để chọn khi đọc lại đoạn văn trên ta sẽ  hiệp thông với trái tim Đức Mẹ thì tự nhiên lòng ta  thốt lên lời cảm tạ  mà lời cảm tạ đó là khiêm tốn Chúa luôn thương tôi  mặc dù tôi hèn mọn yếu đuối Chúa đã chọn tôi  đoạn thứ ba tôi gợi ý ở đây là đoạn Kinh Thánh nói về Đức Kitô khi Ngài cảm động: Bấy giờ được Thánh Thần tác động  Đức Giêsu cảm động và lên tiếng nói: Lạy Cha là Chúa tể trời đất Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn vâng lạy Cha đó là đẹp ý Cha Lc 10,21  khi đọc đoạn nói lên sự cảm động của Đức Kitô hiệp thông với trái tim Ngài  thì chúng ta áp dụng vào bản thân ta váp dụng vào dân ta và chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ như vậy riêng tôi tôi thấy thế này nhiều khi những người bé mọn nhất âm thầm nhất đã đến nói với tôi nhiều điều làm cho tôi phải suy nghĩ nó không phải là những điều thốt ra  mà họ đến nói với tôi những cảm nhận Chúa soi cho họ  họ thấy Chúa đã thương họ và vực họ nơi những người bé mọn đó là ơn  giúp chúng ta biết cảm động mà tạ ơn Chúa khi hồi tưởng lại những năm qua mình không phải là người có thế lực lớn có tiền của  cho nên Chúa đã mạc khải cho những điều lạ lùng đoạn văn nữa trong Kinh Thánh khiến tôi phải suy nghĩ đó là đoạn văn của Tông đồ Công vụ 20,19-24 Phaolô nói với dân: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều an phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do Thái. Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giêsu, chúng ta. Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá là gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa”.  đây là đoạn văn đầy cảm động mà Phaolô đã nói đại khái là trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn Phaolô đã dấn thân cho nhiệm vụ chủ chăn của mình dù biết rằng trước mắt đầy những khó khăn đầy những xiềng xích nhưng vẫn ra đi tôi áp dụng điều này vào tôi và các cha tôi thấy trong anh em chúng ta có biết bao người can đảm dấn thân vào bổn phận  biết rằng bổn phận đầy thử thách thiếu thốn mệt nhọc  nhưng vẫn một lòng chu toàn bổn phận nơi đến là vùng sâu vùng xa nơi đến là cộng đoàn khó tánh  nơi đến là những nơi đòi hỏi có nhiều nước mắt  trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như chúng ta sống trong Việt Nam hôm nay chúng ta thấy không thiếu những hoàn cảnh đó và như vậy chúng ta thấy xúc động thấy quyền năng Thiên Chúa rất lạ lùng cứ tưởng rằng sụp đổ sẽ không còn tông đồ sẽ không còn những chiến sĩ và sau cùng bây giờ chúng ta đâu có thiếu người họ là những người can đảm họ là những người như các tông đồ xưa can đảm của ta không phải là dám lên tiếng để phản đối bên này bên kia mà là  dám từ bỏ mình đó là can đảm mà bây giờ chúng ta không thiếu những người đó đó là những công trình lạ lùng Chúa đã làm đối với linh mục chúng ta hôm nay  chúng ta biết nghe tiếng Chúa gọi để dấn thân vào và trong dấn thân đó can đảm nhất là từ bỏ mình

Phương hướng thứ hai giúp chúng ta tự đào tạo mình nên người cảm động  trước nhất là chúng ta suy gẫm Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào đời ta  thứ hai là chúng ta gắn bó với đoàn chiên Chúa trao cho gắn bó  cách tha thiết muốn nhìn kỹ đời ta ta thấy trường đào tạo linh mục chính là giáo dân ngoài Lời Chúa ra giáo dân tuổi đời của họ cuộc sống nghèo của họ cần cù của họ từ bỏ của họ nhất là sự tình cảm họ dành cho chúng ta đó chính là trường đào tạo  khi chúng ta thấy dân ta đoàn chiên ta nó cần chúng ta  tìm chúng ta hy vọng ở chúng ta thì chúng ta không nỡ bỏ họ chúng ta rất cảm động về những tình cảm chúng ta đón nhận những tình cảm đó chúng ta xúc động trước những tình cảm đó cho nên khi tôi giảng những đám tang của các linh mục  tôi thấy rất rõ những linh mục khi sống ở xứ đó không làm được nhiều nhưng mà dân chúng ở đó rất thương người đó bởi vì ngài đã gắn bó với đoàn chiên ngài không chịu đi đâu mặc dầu là cần thiết và ngài đi khi cần thiết nhất ngài gắn bó với đoàn chiên như một người cha người mẹ như một người thân thiết  không nỡ bỏ đoàn chiên sự gắn bó như vậy làm cho họ cảm động họ giữ lấy tình cảm chân dung người môn đệ và hình ảnh đó được bền vững đời nọ đến đời kia tôi thấy rằng bây giờ cha Diệp ở Cồn Phước tôi thấy ngài đâu có làm sự lạ lùng đâu cũng không có của cải gì đâu nhưng mà  sự gắn bó của ngài trong khi sống và đến giờ chết nhất định sống giữa đoàn chiên chết thay cho đoàn chiên thì nêu lên một sức bật lên cho đoàn chiên để mọi người  tin rằng khi mình gắn bó hy sinh yêu thương đoàn chiên Chúa ban cho đoàn chiên đó những sức mạnh thiêng liêng lạ lùng  nếu chúng ta tự đào tạo cho mình thành người có những khả năng cảm động ngoài đoàn chiên ra thì chúng ta cũng nên tiếp cận nhiều hơn với những người tông đồ hiện nay đang làm những việc bác ái đang tham gia cùng làm với những nhóm người tình thương  Việt Nam bây giờ có rất nhiều lương có giáo có và khi tiếp cận tham gia với họ tự nhiên mình được chia sẻ giúp cho mình có được sự cảm động tôi thấy trong đạo ngoài đời bây giờ có nhiều nhóm lắm và khi tiếp xúc với họ làm việc chung với họ cầu nguyện chung với họ tôi thấy tinh thần yêu thương bác ái tràn trề chân dung của những người trong nhóm đó nó chỉ được giấu ẩn chân dung của biết bao trước những khổ đau của đồng bào nó nhẹ nhàng lắm tôi cũng đã nói với phái đoàn khi anh biết cảm động biết thương cảm thì đó cái người ta dễ hiểu nhất chứ không cần nói cho họ biết là công giáo gì cả còn nếu bây giờ tôi sang nhà thương gặp đoàn thiện chí của Hoà Hảo gặp họ thấy việc họ làm họ có một ngôn từ phản ảnh tinh thần Tin Mừng một cách dễ hiểu dễ chấp nhận nhất  cho nên nếu chúng ta nghèo về tình cảm yêu thương  chúng ta có thể tìm trong Kinh Thánh chúng ta có thể tìm trong đoàn chiên chúng ta có thể tìm nơi những người tham gia bác ái

Để kết

Tôi đưa ra một nhắn nhủ  mặt trận Satan hiện nay rất tinh vi, mặt trận Satan hiện nay rất tràn khắp  ngoài đời trong đạo kể cả nhà tu và sự nó phá nhiều nhất làm cho mình mất tinh thần từ bỏ mình  nghĩa là như máy móc bề ngoài chứ không còn là môn đệ Đức Kitô cũng làm từ thiện bác ái  nhưng mà không có đời sống bên trong không phải là người môn đệ Đức Kitô  từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Đức Kitô không phải là người dám nói tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi  để đối phó lại với mặt trận đó chỉ có một cách khôn ngoan nhất là chúng ta vừa là môn đệ Đức Kitô  chúng ta có thể giữ cho mình nhất là giữ cho đoàn chiên của ta tránh được những mưu mô của Satan đang phá huỷ xã hội  khi nhận định được như vậy chúng ta thấy xã hội Việt Nam giáo dân Việt Nam dễ tin lắm  nếu chúng ta biết trở nên người môn đệ Đức Kitô lớn về mặt lý tưởng lớn về mặt cảm động phong phú về mặt cảm động  thì dân sẽ theo đạo và cả những người lương cũng tin vào Tin Mừng trưa nay cũng có một đoàn của Hà Nội là đoàn của công giáo phối hợp với tất cả tổ chức công giáo quốc tế họ đến làm việc tại đây tôi cũng sẽ trao đổi cách chân tình với họ là tiền bạc không là quan trọng mà  quan trọng nhất là chúng ta viện trợ cho nhau tình người môn đệ Đức Kitô  dám can đảm từ bỏ mình mà đi theo Đức Kitô

------------------------

 

Bùi-Tuần 2239: Đầy tớ trung thành và khôn ngoan


Bài nói chuyện của ĐC GB. với các linh mục tu sĩ, dịp TĩnhTâm tháng 5/2002

 

Đầy tớ trung thành và khôn ngoan đây là đề tài rút ra từ Phúc Âm thánh Matthêu đoạn 24,45-51 lý Bùi-Tuần 2239


Đầy tớ trung thành và khôn ngoan đây là đề tài rút ra từ Phúc Âm thánh Matthêu đoạn 24,45-51 lý do khiến tôi chọn đề tài này chia sẻ hôm nay là cái nhìn của tôi về 27 năm qua trong chế độ xã hội chủ nghĩa nhìn lại Hội Thánh Việt Nam trong thời gian qua tôi thấy rất nhiều người đã góp phần mình để cho Hội Thánh được tồn tại và được phát triển mỗi người một cách nếu nhìn riêng hàng giám mục hàng linh mục và tu sĩ là những người có thể gọi được là đứng đầu các cộng đoàn thì tôi thấy có nhiều... khác nhau muốn tìm dung mạo có thể gọi được là thích hợp nhất ... nếu muốn tìm một dung mạo hợp nhất với thánh ý Chúa thì tôi thấy dung mạo người đầy tớ khôn ngoan và trung thành là dung mạo thích hợp nhất để phục vụ Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay và là dung mạo thích hợp nhất để đáp ứng lời Chúa kêu gọi trong Phúc Âm vì thế chúng ta sẽ suy nghĩ về người đầy tớ trung thành và khôn ngoan nội dung chia làm hai phần phần thứ nhất dung mạo người đầy tớ trung thành và khôn ngoan ... thế nàophần thứ hai là tương lai ... chuyển biến mới ... cần chúng ta có dung mạo rõ rệt hơn về người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và cách áp dụng để đào tạo mình nên người đầy tớ trung thành và khôn ngoan lúc này ...

Phần thứ nhất dung mạo người đầy tớ trung thành và khôn ngoan được hiểu thế nào một cách vắn gọn được hiểu là chính Đức Kitô Đức Kitô là người đầy tớ trung thành và khôn ngoan điều này được mô tả nhiều nơi nhiều cách trong Kinh Thánh ở đây chỉ nhắc lại ba mô tả thứ nhất do tiên tri Isaia đoạn 52 mô tả này chúng ta được nghe rất nhiều vào tuần thánh nhất là thứ năm tuần thánh bài ca về Người Đầy Tớ Đức Giavê ở đây chỉ nhắc lại một vài câu: Mặc dầu Người ... và mặc dầu miệng Người không nói lời gian dối nhưng Chúa đã muốn hành hạ Người ... Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta Người đã bị tan nát vì sự gian ác của chúng ta Người đã lãnh lấy phần phạt để cho chúng ta được bình an Người đã chịu thương tích để cho chúng ta được chữa lành” đó là mô tả của Isaia về Đức Kitô về Người Đầy Tới Đức Giavê ... Đức Kitô là người đầy tớ đau khổ thế nào ... sứ mạng được trao phó thế nào mô tả thứ hai là do chính Đức Kitô nói về mình “Con Người phải đau khổ rất nhiều Con Người sẽ bị hắt hủi bị kết án bởi các bô lão các thượng tế và các luật sĩ sau cùng Con Người sẽ bị giết nhưng ngày thứ ba sống lại Lc 9... Đức Kitô nói về mình trên đây phản ánh đúng tinh thần người đầy tớ Đức Giavê ... chỗ khác Đức Kitô nói về mình nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi  thì nó trơ trọi một mình còn nếu nó chết đi nó sinh nhiều hạt khác ... Ta là mục tử nhân lành sẽ hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên Ga 10,11 Đức Kitô nói về mình cũng toát ra hình ảnh của người đầy tớ với sứ mạng được trao ... chọn con đường đau khổ vì Chúa Cha muốn như vậy. Mô tả thứ ba là do thánh Phaolô viết Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng Ngài không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa trái lại Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ trở nên giống phàm nhân cũng như người trần thế ... còn hạ mình xuống vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá Phil 2,6 qua điều này chúng ta cũng thấy y hệt như mô tả của Isaia và mô tả của chính Đức Kitô người đầy tớ là khiêm tốn là vâng phục là trung thành với sứ mạng được trao ... con đường thập giá đau khổ ba mô tả trên đây chúng ta có thể tóm tắt ... người đầy tớ ...

Người đầy tớ Đức Kitô là đày tớ được hiểu thế nào thưa vắn tắt là người đầy tớ là người vâng phục là người hầu hạ là người vâng lời khiêm tốn chủ của mình trong đoạn này hình ảnh người đầy tớ chúng ta thấy tác giả thư gởi cho Do Thái nói rất rõ Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã tạo cho con một thân thể ... bấy giờ con mới thưa lạy Chúa này con đây con đến để thực thi ý Chúa thực thi ý Chúa vâng lời ý Chúa đó là người đầy tớ đó là vinh dự của người đầy tớ luôn khiêm nhường tuân phục và Chúa Giêsu đã là người đầy tớ theo hướng đó là luôn vâng phục ý Chúa Cha thứ hai là trung thành Chúa Giêsu đã trung thành thế nào thưa có thể nói trung thành và tận tuỵ là chu đáo vớ bổn phận Đấng đã sai đến đã trao cho mình ta có thể thấy 4 điểm này trong bổn phận người đầy tớ trung thành với bổn phận thứ nhất giống như cành cây gắn với thân cây Đức Kitô luôn kết hợp với Chúa Cha như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha có sự gắn bó chặt chẽ tận tuỵ để lắng nghe ... điểm thứ hai trung thành với bổn phận là trung thành với bổn phận hạt lúa mì gieo xuống đất chính mình phải là hạt lúa mì gieo xuống đất để trở nên lương thực nuôi đoàn chiên để nên giá cứu đoàn chiên chớ không phải là cái gì là hưởng thụ sung sướng ... thứ ba bổn phận của kẻ được sai đi như người quản gia làm lời những nén bạc đã trao cho mình thì Đức Kitô cũng đã làm theo bổn phận đó đào tạo các tông đồ làm sao cho chức vụ của mình được tiếp tục ... tăng số những nén bạc rồi trung thành với sứ mạng được giao là ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trai đất thì Đức Kitô ... đã ra khơi đi chốn này chốn kia để rao giảng Tin Mừng cứu độ thì Ngài đã trung thành với những điểm tôi vừa nhắc để rồi ta sẽ áp dụng cho chính chúng ta ... chúng ta thấy quỷ Satan nó cám dỗ Đức Kitô trong sa mạc thì cũng đưa ra ... của cải là quyền chức nhưng Đức Kitô đã từ chối và khôn ngoan của Đức Kitô là thế nào thưa là Ngài biết chọn con đường mà Chúa Cha đã chọn cho Ngài xin đừng theo ý Con một xin theo ý Cha mà thôi con đường đó là con đường thập giá con đường khôn ngoan mà thánh Phaolô gọi là con đường khôn ngoan của thập giá thập giá của Đức Kitô là biết chấp nhận thân phận khó nghèo ngay từ Bêlem khôn ngoan của Đức Kitô là biết chấp nhận sự yếu kém khi phải trốn sang Ai Cập sự khôn ngoan của Ngài là biết chấp nhận thập giá ... lao động ở Nagiarét khôn ngoan của Ngài là chấp nhận những chống đối trong ba năm giảng đạo ... cơ chế đạo đời ... sau cùng sự khôn ngoan của Ngài là chấp nhận không làm phép lạ nữa chấp nhận trở nên người tội nhân giữa các tội nhân chết oan uổng ... cứu nhân loại khôn ngoan của Đức Kitô khôn ngoan của thập giá sau khi chúng ta điểm qua chân dung người đầy tớ trung thành và khôn ngoan cách vắn tắt như vậy chúng ta thấy rằng trong Hội Thánh suốt các thời kỳ nhất là các thời kỳ khó khăn thì ... nhưng mà nhắc nhở bằng gương sống động của các vị tông đồ trong thời đại chúng ta gần gũi nhất chúng ta thấy ... trong tháng sáu này được phong thánh hiện nay có thể nói là nơi chôn cha Piô đã và đang thu hút hành hương đông hơn ở Lộ Đức đông hơn ở Fatima ... gấp bội mà thu hút của ... không có gì cả vì Ngài đã sống trọn vẹn nội dung của người đầy tớ trung thành và khôn ngoan suốt đời sống vâng phục có những năm Ngài bị bề trê dòng bị Đức Cha địa phận bị Toà Thánh kết án là người ... cấm không cho giảng lễ ... không kêu trách gì cả rồi Ngài trung thành với bổn phận của mình là luôn luôn làm chứng rằng Ngài được sai đi ... gieo vào lòng đất để nuôi các linh hồn vì thế người ta đến với Ngài rất đông để xem lễ của Ngài để được xưng tội với Ngài ... sự cầu nguyện ... tâm hồn và thái độ Ngài như cành non nối với thân cây ... chịu đau khổ để biến thành lương thực nuôi dưỡng đoàn chiên ... nén bạc trao cho mình được tăng lên ... đúng như là hình ảnh người đầy tớ Đức Giavê ... đau khổ là sống khó nghèo đau khổ là chấp nhận những trái ý mình có một thầy dòng không biết đau khổ của mình thế nào thì xin Chúa cho con thử một chút của ... thì Chúa cho thầy dòng đó được thử một phút sau một phút đó thì thầy dòng đó không thể chịu nổi một phút mà nó dà như một thế kỷ thân xác đau đớn và tinh thần tăm tối nó như là một cơn hấp hối ở vườn Giệtsêmani rồi ngài cũng bị ma quỷ hành hạ nhất là về ban đêm ... nhưng là một hiến tế xúc động suốt đêm ngày tôi thấy trong thời gian qua nếu xem tình hình chung ... đúng là người đầy tớ trung thành và khôn ngoan ... gương người đầy tớ trung thành và khôn ngoan sức lôi kéo của Ngài người công giáo cũng như ngoài công giáo ở sự Ngài đã sống hết mình để trở thành người đầy tớ trung thành và khôn ngoan trong 27 năm qua tôi nhìn vào địa phận Long Xuyên mình ... các cha hầu hết cách này cách nó để trở nên người đầy tớ trung thành và khôn ngoan những vị đã qua đời tôi thấy cũng có nhiều gương sáng ... hầu hết các ngài đều là những người trung thành với bổn phận đã được trao phó mặc dầu ở nơi các ngài có những yếu đuối ... gần đây là cha Trọng, cha Khả ... cũng để cho tôi những suy nghĩ chính vì thế mà họ đạo cộng đoàn được nhân lên chớ không phải là sự khôn ngoan khéo kiếm tiền khéo ngoại giao ... Hôm qua cấm phòng ở Mỹ Luông ... ngài đi thăm từng gia đình ... tôi nghĩ là các linh mục các tu sĩ chúng ta cũng cần có sự khôn ngoan đúng lúc ...

Phần thứ hai ... những diễn biến mới đang kêu gọi chúng ta sống rõ ràng hơn hình ảnh người đầy tớ trung thành và khôn ngoan tương lai có thể có những nhân tố mới thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam ... có thể là có nhân sự mới trong chính quyền địa phương thêm vào cái mới nhân sự ... yếu tố mới là sự cạnh tranh của các tôn giáo khác ... sẽ có nhiều Kinh Thánh phát ra sẽ có nhiều viện trợ giúp người nghèo hơn Phật giáo cũng sẽ có ... đó là những nhân tố trong tương lai sẽ xuất hiện  tôi chắc là bao giờ cũng vậy bao giờ cũng có lực lượng về sự thiện và cũng có lực lượng về sự ác trong tương lai hai lực lượng đó sẽ xuất hiện, đọc báo xem đài ta thấy hai lực lượng đó đang đấu tranh với nhau ... để có thể trở thành người được Chúa giúp đỡ thì chúng ta phải đứng về phía Chúa chúng ta phải trở thành người đầy tớ trung thành ... rồi Chúa sẽ phù hộ chúng ta chúng ta không thể biết ngày mai thế nào để rồi đối phó thế nào. Trong nội bộ Hội Thánh tại Việt Nam bây giờ có một sự suy giảm lòng đạo đức suy giảm lòng nhiệt thành không phải là người ta bỏ Chúa bỏ Hội Thánh bỏ các cha mà vì tình hình sống phức tạp ... trước kia thì người ta thay phiên nhau làm việc chung ... suy giảm số người công giáo những người nông thôn vì cuộc sống bỏ quê mà ra đi thứ sáu vừa rồi tôi cấm phòng ở Tân Hiệp ... xứ của ngài đã mất 185 hộ bỏ ra đi ... nhưng mà đồng thời với những suy giảm đó tôi thấy có những phong trào phát triển phát triển lòng nhiệt thành phát triển lòng đạo đức ... cách đây vài tuần tôi có đi Hà Nội ... mấy hôm rồi có đến đây với tôi tôi rờ thấy túi của nó ... đi đâu cũng có Phúc Âm đi theo ... khi có giờ thì chầu Mình Thánh Chúa ... khi gặp họ tôi thấy là nhiều khi mình không bằng họ ... bởi vì dưới chế độ chúng ta phô trương nhiều là chết nhưng mà mấy đứa bé đó ... thứ ba là toàn thể thế giới bây giờ cũng có hai phong trào là phong trào sự ác và phong trào sự dữ để nói một cách cụ thể tôi đưa ra ba điều thứ nhất là ... sự tự do con người bây giờ kéo con người đi xa Chúa thế lực Luciphe thế lực thứ hai là sự tự do con người ... luôn kéo người ta đi xa Chúa ... trái tim Đức Mẹ là trường dạy sự hy sinh ... không những là trường mà là một nơi cầu bầu cho chúng ta ... trước tình thế giới nguy hiểm như bây giờ thì Đức Mẹ đã cho ta một cách để cầu nguyện ... để kết tôi nghĩ thế này là trước hết là chúng ta thấy bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay là một điều quí giá mà sức riêng chúng ta không làm nổi đâu ... các cha các thầy các sơ đã có kinh nghiệm đó và tôi cũng có kinh nghiệm đó ... trở nên đầy tớ trung thành và khôn ngoan là khó lắm ... hãy nhờ ơn chúng ta biết nhiều lắm mà không thực hành được nếu không có ơn Chúa thực sự bây giờ chúng ta phải bơi ngược dòng ... bởi vì không thể có cầu nguyện mà không tập tành ... tự đào tạo mình ... chúng ta phải lắng nghe từng chút Chúa nói với chúng ta Chúa dạy chúng ta ... trong tháng năm này có lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ... chúng ta đừng quên dạy cho những người dạy giáo lý biết trở nên những đầy tớ trung thành và khôn ngoan ... chúng ta không phải chỉ dạy giáo lý mà còn dạy tu đức nữa ... chớ không phải biết nhiều giáo lý mà cứu Hội Thánh.

-----------------------------

 

Bùi-Tuần 2240: NHỮNG NHÂN TỐ XÂY DỰNG HỘI THÁNH ĐẦU THẾ KỶ XXI


+ GB. Bùi Tuần

 

Những vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là những nhân tố nào có liên hệ đến việc xây dựng bộ Bùi-Tuần 2240


Những vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là những nhân tố nào có liên hệ đến việc xây dựng bộ mặt Hội Thánh đầu thế kỷ 21 mà chúng ta vừa phác hoạ ở đây. Chúng ta nhớ lại những gì Chúa nói qua tiên tri Giêrêmia. Chúa như người thợ gốm sẽ tác tạo nên Hội Thánh theo hình dung mà Chúa muốn. Tuy nhiên, Chúa không làm việc đó một mình. Người muốn sự cộng tác của chúng ta, mà chúng ta có tự do cộng tác với Chúa hay không. Cộng tác với Chúa đây là một thách đố đầy phức tạp.

I. NHỮNG NHÂN TỐ LIÊN HỆ ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG NÊN BỘ MẶT HỘI THÁNH VÀO  THẾ KỶ XXI.

1/ Nhân tố thứ nhất là hàng giám mục, linh mục.

Đây là nhân tố rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo đầu thế kỷ 21 giữa một thế giới đầy chuyển biến phức tạp. Chúng ta ước mong số giám mục, linh mục được gia tăng và phẩm chất các vị cũng được nâng lên. Đó là ước vọng chính đáng. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy ước vọng đó khó mà thành đạt. Ở đây, tôi xin nêu ra một số tình hình để từ đó chúng ta có thể suy nghĩ thêm.

* Trước hết là tình hình linh mục tại Pháp.

Pháp là một nước hết sức tự do và có rất nhiều điều kiện để phát triển số ơn gọi đi tu làm linh mục. Nhưng thực tế thì bây giờ số ơn gọi đi tu làm linh mục đã giảm xuống tới mức thê thảm. Theo cuốn sách được xuất bản năm vừa qua nói về ơn gọi của Giáo Hội Pháp, thì năm 1900 số linh mục được chịu chức là trên 1.600 vị, đến năm 1935 xuống còn 1200, và đến năm 1999 thì chỉ còn 99, tức là từ 1.600 xuống còn 99 trong một thế kỷ. Số chủng sinh vào chủng viện năm thứ nhất  cũng xuống. Năm 1970 số chủng sinh vào chủng viện suýt soát 3.500 năm 2000 xuống còn 99 mà thôi. Dịp đi Ad Limina vừa qua, tôi hỏi thăm số chủng sinh Rôma ở chủng viện Rôma thì Đức Tổng Giám Mục phụ trách nói rằng không có ai cả. Tuy có một số, nhưng số đó là từ nơi khác đến, chứ không phải từ dân Roma nữa. Trong tình trạng như vậy, ở Pháp hiện giờ, ít có linh mục trẻ lo cho giới trẻ. Giới trẻ chỉ được chăm lo bởi một số linh mục già; và trong giới trẻ, ít còn ai muốn làm linh mục. Nhất là, khi đi tu làm linh mục, nhiều người cảm thấy mình sẽ bị khai trừ khỏi xã hội, mình trở nên vô ích, mình trở nên gánh nặng. Vì thế không ai muốn làm linh mục.

* Tình hình thứ hai là Hội Thánh tại Bắc Hàn.

Trong một cuộc trao đổi với ?          Đức Ông Celli   ?, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, mới đi Bắc Hàn  thì ngài cho biết , tất cả Bắc Hàn hiện nay chỉ còn có một linh mục mà thôi và vị linh mục duy nhất đó vừa già lại vừa man man khùng khùng không biết là thực hay do giả vờ để khỏi bị đi tù.

* Tình hình thứ ba là tại Trung Quốc.

Tôi cũng hỏi Đức Ông Celli và Đức Tổng Giám Mục *** vừa đi Trung Quốc thì được biết, hiện nay tại Trung Quốc có hai Giáo Hội : một là Giáo Hội thuộc Toà Thánh và một Giáo Hội thuộc nhà nước. Điều đáng buồn là hai Giáo Hội này chống đối nhau và một điều buồn hơn nữa là số linh mục Giáo Hội thuộc về Hội Thánh ngày càng rời bỏ chức linh mục. Tôi hỏi số xuất thường là bao nhiêu thì được trả lời là khỏang 10%.

* Rồi tình hình Giáo Hội tại Ả Rập Xê Út.

Đây là một nước Hồi giáo, một đồng minh của Mỹ. Ở nước này, đạo Công giáo bị cấm đoán tuyệt đối. Đi tu là bị tử hình. Chịu chức là bị tử hình. Rửa tội là bị tử hình.

Nhìn qua những tình hình trên đây, tự nhiên tôi thấy nguyện vọng của mình là khác và thực tế là khác Không kể ở những nước gặp khó khăn hay cấm đoán, kể cả  ở những nước rất tự do con số linh mục, tu sĩ cũng không tăng lên được. Điều này làm tôi suy nghĩ là có thể xảy ra một cái gì rất khác đối với Hội Thánh. Thánh ý Chúa hình như là đang muốn xây dựng một mô hình Hội Thánh khác trước. Mô hình Hội Thánh trước đây là mô hình Hội Thánh cơ chế, nặng về giáo sĩ; còn mô hình tôi có cảm tưởng là Chúa sắp thành lập là mô hình một Hội Thánh hiệp thông. Một Hội Thánh là Dân Thiên Chúa. Một Hội Thánh mà tất cả đều là gia đình của Chúa, không mấy ai trên, không mấy ai dưới, như bài Phúc Âm thánh Mát-Thêu đã nói : “Đừng gọi ai là cha, đừng gọi ai là thầy, đừng gọi ai là lãnh đạo vì tất cả đều là con cái Chúa” (Mt 23,1-12). Trong mô hình mà tôi có cảm tưởng là Chúa sắp dựng nên là một mô hình chia sẻ. Một mô hình mà trong đó, có sự chia sẻ rất nhiều giữa giáo sĩ và giáo dân và mô hình đó sẽ được sắp xếp lại theo tình hình xã hội và tâm lý.

2/ Nhân tố thứ hai có liên hệ đến việc xây dựng bộ mặt Hội Thánh cụ thể sẽ là Hội đồng giáo xứ và những người phụ giúp họ đạo tại Việt Nam.

Cho đến bây giờ, chúng ta thấy Hội đồng giáo xứ và những người phụ giúp chúng ta là một thực tại rất cần và có nhiệt tâm. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy họ có những yếu kém, có thể là yếu kém về tu đức, có thể yếu kém về trí thức. Cho nên, Hội đồng giáo xứ khi liên hệ cộng tác vào việc xây dựng bộ mặt Hội Thánh trong tương lai, phải chọn những người mà tông đồ công vụ đã nói là những người kính sợ Thiên Chúa. Trên nền tảng đó dù là họ quê mùa, họ thiếu trí thức, nhưng mà nền tảng của họ là biết kính sợ Thiên Chúa trước, thì mới có thể vì ích chung mà hy sinh. Nếu không thì  họ có thể là những người đi vào guồng máy, và guồng máy đó  sẽ làm cho họ trở nên lạm dụng, hay bị lạm dụng. Nhưng khi họ trở thành những người kính sợ Chúa từ trong thâm tâm, thì họ sẽ giúp cho hàng giám mục chúng ta vừa giữ được trung tín với  truyền thống đức tin, vừa có một tinh thần sáng tạo, đổi mới. Hai việc này rất cần để đổi mới Hội Thánh hiện nay là một đàng, mình trung thành với truyền thống đức tin và đàngkhác, mình phải có tinh thần sáng tạo để đứng vững thì những người Hội đồng giáo xứ mình chọn cũng phải đi vào hướng của mình. Nghĩa là họ thực sự là những người biết sợ Chúa. Biết lắng nghe thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa bây giờ là muốn chúng ta trung thành với truyền thống đức tin, nhưng đồng thời cũng phải có tinh thần sáng tạo để hợp với thời đại hôm nay, nhất là với Việt Nam hôm nay.

3/ Nhân tố thứ ba có liên hệ tới việc xây dựng bộ mặt Hội Thánh đó là khối giáo dân. Khối giáo dân đây tất nhiên chúng ta thấy bây giờ là còn rất tốt, còn khá tốt nhưng theo Công Đồng và theo huấn từ của Đức Giáo Hoàng thì họ cần được khuyến khích đào tạo về những giá trị nhân bản, đạo đức, trí thức, xã hội để họ có thể đi vào các lãnh vực của trần thế. Khi so sánh giáo đoàn tín hữu của Việt Nam với giáo đoàn tín hữu của Nam Hàn, thì tôi thấy thế này: Giáo Hội Hàn Quốc rất phát triển  về truyền giáo. Một phần là vì cộng đoàn giáo dân họ có 3 đặc tính này: thứ  nhất là họ tự hào về dân tộc đất nước họ, họ tích cực tham gia vào các việc xây dựng đất nước; nâng cao trình độ văn hoá kinh tế của đất nước họ lên.

Thứ hai là họ có lòng thương cảm đối với Bắc Hàn, họ không chống đồng bào họ ở Bắc Hàn, họ rất giúp đỡ chính phủ Bắc Hàn và đồng bào Bắc Hàn của họ với lòng thương yêu gần gũi, chứ không chống đối, không khinh miệt. Thứ ba là họ tích cực chống nạn ngoại xâm, những gì đụng tới chủ quyền đất nước, là người công giáo, họ đầu tiên đứng lên để chống đối. Ba điều đó thì giáo đoàn Việt Nam chưa được vững mạnh, chưa được rõ. Giáo đoàn tín hữu Hàn Quốc tự hào về lịch sử của họ, và tự hào đó làm cho chính quyền bất cứ thuộc phe nào cũng phải kính trọng họ, cũng phải nhờ đến họ. Chính vì thế mà chúng ta thấy rằng việc đào tạo giáo dân một cách khôn ngoan, hợp tình thế, là điều rất cần giúp cho họ đi vào giá trị trần thế như: chính trị, kinh tế, nghệ thuật, xã hội, thể dục, thể thao...  Nghĩa là phải giúp cho họ phát triển vì họ là sự nghiệp của Chúa giữa lòng dân tộc Việt Nam chúng ta.

4/ Nhân tố thứ bốn là những nhóm nhỏ trong Hội Thánh.

Những nhóm nhỏ này là những nhóm nhiệt tình, tự nguyện. Họ cần được khuyến khích, họ cần được tháp tùng, họ cần được đào tạo. Đây là điều cái mà Đức Hồng Y Ratzinger ám chỉ là những Hội Thánh bé nhỏ. Kỳ vừa rồi khi gặp Đức Tổng Giám Mục *** là người rất hâm mộ về những phong trào đạo đức của giáo dân đang nổi lên. Ngài cũng kể cho tôi là ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng nhiều lần. Đức Giáo Hoàng rất ủng hộ những nhóm nhỏ này; và thực tế là bây giờ khi ơn kêu gọi bên Âu châu giảm bớt đi, thì chính những nhóm nhỏ này đào tạo nên những ơn kêu gọi mới, và khi Đức Giáo Hoàng có một công việc gì khó khăn thì những nhóm nhỏ này đứng ra đảm nhận. Đêm vừa rồi khó ngủ, tôi có xem chương trình thể thao, đúng lúc hai đội AS Roma và Barcelona đang tranh tài với nhau. Nhìn trong đo, tôi nhìn đến những nhóm nhỏ trong các giáo xứ. Họ mạnh là vì họ đã được đào tạo, đào tạo kiên trì chứ không phải như những nhóm tự dưng mà thành. Họ tự đào tạo mình về nhiều mặt, nhất là họ có lòng khiêm nhường lắng nghe tiếng Chúa. Sau này, lịch sử luôn luôn như vậy, làm cho những nhóm nhỏ đo, những đội banh đó. Bởi vì đời sống tôn giáo là gì, nếu không phải là cuộc chiến với chính ma quỷ, chính thế gian, chính mình, và nếu mình không mạnh, thì không thể thắng được. Cho nên phải nhờ những nhóm nhỏ này, nhưng nó cần được đào tạo rất kỹ. Chúng ta thấy huấn luyện viên bóng đá đào tạo cầu thủ rất kỹ thì mới có thể thắng được, chứ  khơi khơi như thể là người đi du lịch thì không thể hy vọng thắng được ai. 

5/ Nhân tố thứ năm là nhân tố chính quyền và xã hội không công giáo. Phải nói đây cũng là một nhân tố quan trọng. Hôm nay chẳng hạn,  chúng ta cùng nhau ngồi đây và tuần cấm phòng được tổ chức thành công tốt đẹp, thì cũng phải nhờ đến chính quyền. Còn nếu bây giờ chúng ta đẩy chính quyền vào thế như chính quyền Bắc Hàn, Trung Quốc thì chắc chắn là bộ mặt Hội Thánh Việt Nam lại khác. Cho nên trong huấn từ gởi cho các Giám Mục Việt Nam, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến vấn đề cộng tác và đối thoại với chính quyền, với xã hội không công giáo tại Việt Nam. Đối thoại cũng như là cộng tác không phải chúng ta cãi lý nhau. Hôm trình bày thay HĐGMVN trước Bộ Liên Tôn Đối Thoại Với Các Tôn Giáo, tôi nói rằng ở Việt Nam đối thoại có nghĩa thứ nhất là sống chung, sống chung với nhau đã, thứ hai là làm việc chung với nhau, thứ ba là chia sẻ với nhau trách nhiệm với nhau. Không phải là ăn thua ở tư tưởng của nhau, mà ăn thua là ở cách sống của nhau. Hôm nay là ngày 27, ngày thầy thuốc. Nếu công giáo của chúng ta có những thầy thuốc giỏi, thầy thuốc tài, thì Tin Mừng công giáo sẽ được người ngoài và chính quyền biết đến qua những thầy thuốc đó, hơn là qua chính tôi, hoặc qua các cha. Cho nên cộng tác và đối thoại là như vậy. nghĩa là mình làm việc chung, mình có mặt, mình sống chung, nhưng mình phải là người có tài, có đức, có Tin Mừng, có tay nghề, có lương tâm. Lúc ấy, thì tự nhiên Tin Mừng của Chúa sẽ tỏa ra, được chuyên chở qua cách sống và con người của chúng ta. Như vậy đối thoại không phải là mình cãi lý. Ở đây xin chia sẻ  với các cha về tinh thần đối thoại đó. Trước khi đi Ad Limina, tôi có gặp ông Tư Dũng, và trong cuộc họp có Ông Vịnh, Trưởng Ban Tôn Giáo Trung Ương. Tôi đề cập tới ba vấn đề: thứ nhất là vấn đề nâng cao một bước nữa liên hệ giữa Việt Nam với Toà Thánh; thứ hai là làm sao mình giải quyết sớm, và tốt đẹp nhất việc bổ nhiệm các giám mục Việt Nam nhất là những địa phận còn trống toà; thứ ba là đổi mới lại chính Đảng Cộng sản hiện nay. Chúng tôi trao đổi cách rất chân thành trong tình nghĩa. Sau đó sang Rôma, tôi có dịp trao đổi rất lâu với  bộ ngoại giao Toà Thánh. Đức Hồng Y ***  đã nhận tôi vào bàn giấy ông, và cũng có một lần đến  hỏi tôi để trao đổi lại những vấn đề mà tôi đã trình bày sau khi tôi gặp chính phủ. Tôi thấy mình cần cộng tác vừa với Toà Thánh vừa với nhà nước, vừa với xã hội, nhưng cộng tác một cách rất chân thành. Tôi nghĩ đối thoại  đòi hỏi chúng ta nhiều đức tính: mềm dẻo, êm đềm, khiêm tốn, nhưng trong tinh thần phục vụ và với mục đích là phụng sự Đức Kitô chớ không phải vì  cái lợi cho bên nào cả.

6/ Một nhân tố nữa là những biến cố xảy ra.

Những biến cố lịch sử và biến cố mình dự đoán trước được, hoặc là những biến cố bất ngờ xảy ra. Tôi thí dụ biến cố đang xảy ra là sự chuyển biến lối sống của đồng bào Việt Nam cả ở thôn quê lẫn thành thị. Lối sống bây giờ không như trước, lối sống bây giờ là lối sống thực dụng. Đồng bạc đi trước, đạo đức đi sau. Lối sống  hưởng thụ, lối sống đua đòi, lối sống không dựa vào chuẩn mực rút ra từ quá khứ. Trong chuyển biến lối sống như vậy sẽ làm lay chuyển cả nền móng Giáo Hội Việt Nam xây dựng từ trước đến giờ. Nhiều khi tôi nghĩ lại, giới trẻ Việt Nam có lẽ sau này  không có quá khứ để tự hào. Bởi họ không biết quá khứ thế nào, hay chỉ bám vào một quá khứ tưởng tượng, ảo vọng. Như bên Tây bây giờ, giới trẻ không có quá khứ. Khi chúng ta làm mục vụ truyền giáo cho lớp người không có quá khứ, chỉ biết sống với hiện tại và tương lai, thì  chúng ta thấy hạnh phúc họ đi tìm rất mau, rất mỏng, rất phù du. Như vậy, chúng ta thấy rằng biến cố đang xảy ra, và sẽ xảy ra, sẽ là những nhân tố rất quan trọng làm nên bộ mặt Hội Thánh. Trong trường hợp đó, tất nhiên chúng ta cần bám vững vào lời Chúa, vào chuẩn mực. Nếu không thì xã hội sau này sẽ bị chao đảo, không có gì là chuẩn mực cả. Có thể người ta tin vào Thiên Chúa nhưng không còn tin vào Hội Thánh, không tin vào linh mục nữa. Điều nầy đã xảy ra ở nhiều nơi.

Trên đây tôi nói qua về những nhân tố có liên hệ đến việc xây dựng Hội Thánh, nhưng sẽ thiếu sót nếu quên một nhân tố rất quan trọng đó là Satan, là ma quỷ. Đây là một nhân tố có thực. Hắn rất quan tâm đến việc xây dựng bộ mặt Hội Thánh. Có lẽ là hắn quan tâm hơn là tôi. Lúc nào hắn cũng quan tâm đến việc bôi lọ bộ mặt Hội Thánh, làm nhem nhuốc bộ mặt Hội Thánh. Chắc chắn hắn đang len lỏi vào từng người một để tìm cách chia lòng chia trí, để chúng ta không quan tâm đến lời Chúa, để chúng ta coi nhẹ tương lai Hội Thánh, để chúng ta bám vào ý riêng. Trong Hội Thánh, ma quỷ nổi nhất là vấn đề chia rẽ, vấn đề kiêu căng, về vấn đắc thắng, tự mãn, tự hào, và vấn đề ghen tương. Trong việc xây dựng Hội Thánh cho tương lai Việt Nam nầy, chắc chắn ma quỷ không bao giờ để chúng ta yên đâu. Muốn thắng hắn không thể dùng đối thoại hay cộng tác mà phải xa tránh, phải chống cự, mà cách chống ma quỷ chúng ta cũng quá biết rồi.

 II/ MỘT SỐ BƯỚC ĐẦU ĐỂ CHÚNG TA XÂY DỰNG GƯƠNG MẶT HỘI THÁNH CỦA CHÚNG TA.

Những bước này chúng ta đã làm rồi, nhưng tôi nhắc lại để chúng ta làm tốt hơn, vì nó có sức mạnh thanh luyện chúng ta, đào tạo giáo dân chúng ta, và đối thoại với xã hội hôm nay.

1/ Con đường thứ nhất là đi theo cuộc sống con người.

Cũng như Đức Kitô, chúng ta không thể xây dựng bộ mặt Hội Thánh chỉ trong nhà thờ, mà còn phải đi theo những con đường mà con người hôm nay đang đi để mà sống. Đó là: Con đường phục vụ giúp đỡ người nghèo. Chúa Giêsu phán: “Ta đói các con đã cho ăn, Ta khát các con đã cho uống...” và Chúa Giêsu nói rất rõ trong việc chúng ta giúp đỡ họ “sự gì các con cho kẻ bé nhỏ nhất thì kể là làm cho chính Ta”. Con đường nầy là con đường chúng ta đã làm, và đang làm. Nhưng giờ đây chúng ta cần làm với một tinh thần tốt hơn, nhiệt tình hơn. Ngày xưa Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta nghe tiếng rên của dân Ta trong lời than khốn cực”, thì bây giờ Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy. Chúng ta nghe thấy tiếng rên siết của người nghèo, những người khổ, Chúa sai ta đến với họ để giúp đỡ họ.

2/ Con đường thứ hai là con đường phát triển.

Con đường phát triển là con đường đồng bào Việt Nam đang đi. Phát triển là con đường của cuộc sống, mà con đường này là con đường Đức Kitô đã vạch ra,  và Thượng Hội Đồng Á Châu đã nhắc lại, đó là con đường đã được nói đến trong câu: “Ta đến để đoàn chiên Ta có sự sống, và sự sống đó dồi dào.” (Ga 10,10) Dồi dào ở chỗ nó phát triển về mọi mặt. Không chỉ là cơm áo, nhà cửa, mà là về văn hoá, xã hội, đạo đức, nghệ thuật vv... , nghĩa là làm sao để cuộc sống của người Việt Nam hôm nay  được phát triển dồi dào hơn từ vật chất cho đến tinh thần.

3/ Con đường thứ ba là con đường hoà bình.

Con đường này chúng ta cũng đã làm, đang làm. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đi truyền giáo và khi tới đâu và gặp ai thì hãy chúc bình an cho họ. Chúc bình an, xây dựng bình an, đó là con đường cuộc sống hôm nay. Ta thấy khát vọng của những người Việt Nam bây giờ là muốn được bình an. Nhiều người đến với ta xin lễ bình an. Nhiều người đầu năm chỉ xin làm sao cho năm nay được bình an. Bình an là con đường của cuộc sống con người hôm nay, nhất là tại Việt Nam. Và xây dựng hoà bình, xây dựng hoà giải cũng là điều đem lại hoà bình. Nhưng xây dựng hoà bình cũng cần phải tha thứ. Trong dịp vừa rồi, tôi có nói chuyện với Đức Hồng Y  Thuận. Ngài là người đứng đầu Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình. Ngài có nói Ngài đã giúp cho Đức Giáo Hoàng soạn thảo một tức là sứ điệp tại Assisi, kỳ vừa rồi. Ngài nói muốn có hoà bình thì phải có công lý, nhưng không thể nào không có tha thứ, phải tha thứ. Cho nên ở Trung Đông cứ bên này đánh, bên kia trả thù thì không bao giờ có hoà bình được. Con đường hoà bình đòi chúng ta phải đấu tranh làm sao cho có công lý, nhưng cũng phải giúp cho người ta biết tha thứ. 

4/ Một con đường khác giúp cho người ta đến được cuộc sống là con đường hạnh phúc.

Trong cuốn ***       hạnh phúc qua 36 đức tính. Đọc qua 36 đức tính này, tôi thấy nó không có gì gọi là siêu nhiên lắm, mà nó chỉ là cái gì nhân bản. Qua một chương của sách này, tôi thấy  hạnh phúc cũng đơn giản lắm. Chúa sinh ra con người để tìm hạnh phúc ngay ở trần gian nầy, họ cũng cần có hạnh phúc nào đó. Hạnh phúc cũng đơn giản thôi, tôi thí dụ như là hạt sương ban mai. Nếu biết đón nhận từng hạt sương thì cũng đã là hạnh phúc cho một ngày. Rồi cũng như tia nắng của ban ngày, nếu mình nhận một tia nắng và cho đi một tia nắng thì cũng là hạnh phúc. Và hạnh phúc cũng như làn gió, mình nhận một chút, mình cho đi một chút làn gió nhẹ cũng làm nên hạnh phúc cho mình và làm nên hạnh phúc cho người khác. Sách này còn nói về vấn đề tế nhị, vấn đề lễ phép, vấn đề tha thứ, vấn đề giúp đỡ nhau. Chỉ nói về nhân bản thôi, nhưng nó như hạt sương, như là tia nắng, như  làn gió. Mỗi ngày mình giữ một chút để cho đời mình được hạnh phúc, cho đi một chút để người khác được hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng có thể làm được và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như vậy chúng ta có thể làm mục vụ mà không cần phải  nêu những đức tin, đức cậy, đức mến ra. Nếu có càng tốt, nếu không thì chúng ta thấy rằng ngay đến với người ngoại, chúng ta cũng đưa câu nầy ra được. 

5/ Một con đường khác bây giờ dân Việt Nam nói đến nhiều  là con thanh thản đối với tiền bạc.

Không  gian lận tiền bạc, không ham mê tiền bạc. Bây giờ người ta nói quá nhiều về vấn đề tiền bạc, nhất là đối với cán bộ, và cả đối với chúng ta. Linh mục chúng ta phải hoàn toàn túng nghèo, đừng nô lệ tiền bạc. Chúng ta phải có thái độ thanh thản, dè dặt với tiền bạc. Bởi khi bộ mặt Hội Thánh bị lem luốc về vấn đề tiền bạc,  tham lam tiền bạc, nô lệ tiền bạc, thì người ta không còn tín nhiệm nữa, không còn kính trọng nữa. Cho nên đây là con đường mà tôi nghĩ là chúng ta có thể làm được để giúp làm cho bộ mặt Hội Thánh được người khác kính trọng. 

6/ Con đường khác là con đường đi tìm.

Chúa nói “Ta đến không phải cho những người khoẻ mạnh công chính nhưng cho những người đau yếu.” Chúng ta không tìm những người mạnh mẽ. Con đường đi tìm nầy đòi chúng ta có sự bao dung. Chúng ta không đến để kết án, mà đến để tháo gỡ. Sáng nay, khi nghe bài Phúc Âm Chúa Giêsu nói rằng: Thầy sẽ bị nộp cho hàng tư tế, luật sĩ, sẽ bị kết án, và giết chết. Tôi nghe đau xót quá đi! Tôi nghĩ rằng đến lượt tôi, vào thời này mà còn có hàng tư tế như vậy, mà tôi và các cha bị trao nộp cho hàng tư tế luật sĩ thì chúng mình chắc tiêu. Mà nếu bây giờ tôi trao cộng đoàn cho một cha nào đó là loại tư tế như vậy, thì sẽ chết. Bởi vì tư tế đó là tư tế kết án, tư tế giết người, và tư tế đặt gánh nặng trên vai người khác. Chính Chúa Giêsu đã bị các tư tế và luật sĩ giết huống chi là chúng ta. Cho nên, đó là những cái làm cho chúng ta suy nghĩ lại điều Chúa đã cảnh báo. Chúa là con người đi  tìm những người lầm lỡ, giúp họ đứng dậy, giúp họ tìm lại bản thân.

7/ Một con đường nữa mà bây giờ  giáo phận chúng ta phải để ý là con đường đi vào nghệ thuật, đi vào văn hoá.

Trước đây tôi đã có trình bày với các cha là cố gắng làm sao trong xứ có tủ sách, giúp đỡ làm sao cho các em đi học, nhà cửa cơ sở làm sao xây cất có nghệ thuật, Lễ cũng vậy, cần phải có nghệ thuật. Bởi bây giờ người ta không chấp nhận  những cái xuống cấp về  nghệ thuật, về văn hoá. Cho nên, con đường nghệ thuật, văn hoá, khoa học cũng có thể giúp cho bộ mặt Hội Thánh Việt Nam đẹp lên. Tôi nói đến cuốn sách ***       của Đức Hồng Y Ratzinger, Ngài nói nhiều lắm đến vấn đề này: về nghệ thuật, về những thánh ca, về những bài giảng, về cách sắp xếp trong nhà thờ, phải làm sao cho có nghệ thuật, có khoa học, có văn hoá. Bởi vì bây giờ, Tin Mừng cần phải được chuyển qua những giá trị trần thế đó.

8/ Con đường khác là con đường môi trường.

Hiện nay nhà nước, dân tộc ta, và cả quốc tế đặt nặng vấn đề môi trường. Làm sao cho môi trường nhà xứ, nhà thờ họ đạo được đẹp, được sạch sẽ vì đây là vấn đề mới thuộc mục vụ truyền giáo. Khi bước vào một cộng đoàn, nếu môi trường đó là nơi sạch sẽ, đẹp đẽ, có tổ chức, có một bầu khí nào đó thì tự nhiên nó sẽ giúp người ta nâng tâm hồn lên; và đối với những người dân trí nâng cao, những cái đó giúp cho họ thoát được những tầm thường của cuộc sống.

8/ Con đường nữa là con đường tổ chức phụng vụ ngày Chúa nhật.  Phải làm sao cho lễ Chúa nhật trở thành lễ giúp chúng ta gặp được Chúa, gặp được nhau. Là một Lễ,  chúng ta  đón nhận lương thực Chúa ban qua lời Chúa,  qua tình nghĩa, qua những lời khích lệ. Chúng ta phải biết tổ chức qua kinh nghiệm. Trong quyển sách tôi vừa trích dẫn lúc nãy, Đức Hồng Y Ratzinger nói về bầu khí  ngày Chúa nhật cần nghiên cứu làm sao cho có tình nghĩa nhưng vẫn giữ được sự linh thiêng, sự thinh lặng chớ không ồn ào nhộn nhịp, làm cho người ta không còn có thể cầu nguyện được; thánh lễ nên có vẻ gì đó nhẹ nhàng, êm đềm. Đó là do cách chúng ta tổ chức, chứ không phải là phải nghĩ rằng tổ chức là lúc nào cũng phải đánh nhạc cho kêu, phải ồn ào,  phải ra lệnh. Đó không phải là bầu khí cho những người sống trong Chúa, kính trọng lời Chúa, và mời gọi người ta đi vào sự lắng nghe của Thánh Thần.

Để kết, tôi nghĩ là chúng ta nên đọc lại Giêrêmia đoạn 8: Chúa là người thợ gốm. Chúa muốn nặn những cái bình theo thánh ý Chúa. Những bình nào đúng ý Chúa thì để lại, cái nào không đúng ý Chúa thì đập đi. Chúng ta tùy thuộc vào Chúa, chúng ta có tự do, chúng ta phải biết lắng nghe ý Chúa. Nếu muốn biết Chúa muốn chúng ta phải cộng tác thế nào với Ngài thì phải lắng nghe xem Chúa muốn gì, rồi tìm cách gắng sức mà cộng tác. Đừng để cho Chúa phải nói như trong Giêrêmia: “Hãy nói cho dân Ta là Ta sửa soạn một hình phạt giáng xuống dân ta bởi vì  nó cứng đầu, nghe lời Ta dạy mà nó không sửa.” (Gr 8,3). Chúng ta đọc lại để thấy rằng một khi chúng ta đã nắm bắt phần nào thánh ý Chúa rồi, thì chúng ta dùng tự do của chúng ta để thứ nhất là tỉnh thức, thứ hai là thao thức, thứ ba là gắng sức mà cộng tác với Chúa, làm nên bộ mặt Hội Thánh Việt Nam, bộ mặt cộng đoàn giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn nhà dòng của chúng ta ngày càng tốt đẹp theo thánh ý Chúa.  

-----------------------

 

Bùi-Tuần 2241: BỘ MẶT HỘI THÁNH ĐẦU THẾ KỶ XXI


+ GB. Bùi-Tuần

 

Thứ nhất khi nói về bộ mặt Hội Thánh đầu thế kỷ XXI, tôi nhắm mục đích gì? Thưa mục đích của Bùi-Tuần 2241


Thứ nhất khi nói về bộ mặt Hội Thánh đầu thế kỷ XXI, tôi nhắm mục đích gì? Thưa mục đích của tôi là muốn giúp chúng ta thức tỉnh về trách nhiệm đổi mới, hoán cải; trách nhiệm nhận lấy ơn đổi mới và cộng tác vào ơn đổi mới để bộ mặt Hội Thánh được đẹp hơn, có sức hấp dẫn hơn, bởi vì bộ mặt Hội Thánh cũng là một ngôn từ để chúng ta giới thiệu Tin Mừng, để chúng ta ra khơi loan báo Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.

Thứ hai khi nói về bộ mặt Hội Thánh đầu thế kỷ XXI, tôi muốn nói một cách cụ thể về  đâu? Thưa tôi muốn nói cụ thể về Hội Thánh toàn cầu, về Hội Thánh Việt Nam, về giáo phận Long Xuyên, về giáo xứ chúng ta, về cộng đoàn chúng ta, và tôi muốn nói về chính bản thân mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta cũng mang bộ mặt Hội Thánh của chúng ta.

Thứ ba  khi nói về bộ mặt Hội Thánh đầu thế kỷ XXI, tôi dựa trên những tài liệu nào? Thưa tôi dựa trên những tài liệu tổng hợp gồm những sách báo, nghiên cứu những ý kiến của các vị có thẩm quyền tại Hội Thánh, và tất nhiên cũng có những suy nghĩ của riêng tôi. Nội dung gồm 3 phần:

Phần thứ nhất là một thoáng nhìn về tình hình đạo công giáo trên thế giới hôm nay; phần thứ hai là đặt tình hình Hội Thánh hiện nay dưới ánh sáng lời Chúa trong sách Giêrêmia; phần thứ ba là lắng nghe Chúa trong nhiều lãnh vực. 

I/ MỘT THOÁNG NHÌN VỀ TÌNH HÌNH ĐẠO CÔNG GIÁO TRÊN THẾ GIỚI HÔM NAY, NHẤT LÀ TRONG TƯƠNG LAI.

 Ở đây tôi xin mượn cái nhìn của Đức Hồng Y Ratzinger, bộ trưởng Bộ Đức Tin. Cái nhìn của ngài đã được công bố cách đây mấy năm, và đã gây nên rất nhiều phản ứng. Nhưng cuối năm vừa qua ngài lại cho phổ biến cái nhìn của ngài, và cái nhìn của ngài lần này cũng y hệt như cũ; tức là cuốn sách mới in mấy tháng nay. Ngài nói về Hội Thánh hiện nay và nhất là trong tương lai. Ngài nói thế này: Hội Thánh đang nhỏ dần lại và còn sẽ trở nên thiểu số hơn nữa. Trước đây khi tôi đưa nhận xét đó thì không nơi nào chấp nhận, và tôi thấy khắp nơi đều nói là tôi bi quan. Nhưng bây giờ thì ai cũng đã thấy  đó không phải là một nhận xét bi quan, mà là một sự thực. Trong mấy năm nay số người tại Âu châu được rửa tội giảm đi rất nhiều, có thành phố trước đây toàn công giáo như ?   *** nay chỉ còn 8% là  người công giáo. Rồi Đức Hồng Y  Ratzinger nói tiếp: chúng ta phải chấp nhận những mất mát đó. Hội Thánh bình dân là một thực tại rất đẹp, nhưng phải nói thực là nó không cần thiết lắm. Bởi vì nó nông cạn, bởi vì nó khép kín, bởi vì nó  tình cảm. Hội Thánh  bình dân đây tức là đạo bình dân, đạo đại trà. Hội Thánh bình dân sẽ từ từ suy tàn và thay thế vào sự mất mát sẽ mọc lên một thứ Hội Thánh bé nhỏ. Hội Thánh này có 3 đặc điểm: một là có chiều sâu nội tâm, hai là nhẹ nhàng về tổ chức, ba là cởi mở về các vấn đề xã hội. Thứ Hội Thánh này tuy nhỏ bé nhưng gồm những người sống những giá trị thiêng liêng, có sức đào tạo lương tâm, có sức giúp xã hội sống trên những giá trị rất tốt về nhân bản. Đặc biệt là Giáo Hội bé nhỏ này sẽ là Giáo Hội của những người ra đi truyền giáo. Về vấn đề Giáo Hội bình dân suy tàn cách đây mấy tháng Đức Hồng Y Giáo chủ nước Anh  nói còn thê thảm hơn. Ngài nói rằng nếu cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa đạo công giáo tại nước Anh sẽ biến mất. Nhận xét trên đây của Đức Hồng Y Ratzinger làm cho chúng ta rất  băn khoăn, ray rứt. Bởi vì Hội Thánh Việt Nam cũng có thể được xếp vào loại Hội Thánh bình dân, tức là nông cạn. Hai là tổ chức kềnh càng, nặng nề. Ba là khép kín, thiếu tinh thần ra đi truyền giáo; nhất là không mở ra về phía các lãnh vực xã hội. Nhưng lời tiên tri của Đức Hồng Y Ratzinger cũng là hy vọng cho chúng ta. Bởi chúng ta biết trước điều đó, thì có thể bây giờ chúng ta cố gắng làm cho Giáo Hội bình dân của chúng ta sâu hơn, nhẹ hơn, cởi mở hơn; và đồng thời cũng giúp cho những Giáo Hội nhỏ mà ngài nói là Giáo Hội có phẩm chất được mau phát triển. Đó là tình hình chung hiện nay của Giáo Hội,  và nhất là lời tiên tri cho Hội Thánh tương lai.

II/ CHÚNG TA ĐẶT TÌNH HÌNH VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA TRONG SÁCH TIÊN TRI GIÊRÊMIA.

Việc đầu tiên tôi thực hiện khi nhìn tình hình hiện nay của Hội Thánh là cố gắng tìm hiểu ý Chúa; mà muốn tìm hiểu ý Chúa thì hãy đọc tình hình hiện nay dưới ánh sáng lời Chúa. Tình hình hiện nay có nhiều nét như tình hình đạo thời tiên tri Giêrêmia. Tôi mở Giêrêmia đọc và suy gẫm, nhất là đoạn 18. Tôi xin đọc một đoạn: “Hỡi nhà Israel đối với các ngươi  Ta không thể làm được như người thợ gốm hay sao? Đất sét ở tay trong người thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy. Có khi Ta bày tỏ ý định sẽ nhổ, sẽ lật, sẽ tiêu diệt một dân tộc hay một vương quốc. Nhưng nếu dân tộc ấy, vương quốc ấy trở lại, bỏ sự dữ mà đã khiến Ta quyết định trừng phạt. Thì Ta sẽ hối tiếc về tai hoạ mà Ta định gây cho nó. Rồi có khi Ta bày tỏ ý định sẽ xây dựng, sẽ trồng một dân tộc, hay một vương quốc. Nhưng nếu dân tộc đó,vương quốc đó không chịu nghe theo tiếng Ta,  làm điều trái mắt Ta, thì Ta sẽ hối tiếc về phúc lành đã định ban cho nó. Và bây giờ ngươi hãy nói với người Giuđa và Giêrusalem  thế này; Đức Chúa phán như sau: “Chính Ta đang tạo ra tai hoạ nhằm trừng phạt các ngươi. Ta đang tính kế chống lại các ngươi, vậy hãy mau trở lại, hãy bỏ con đường gian ác, hãy làm cho cách sống của mình nên tốt hơn. Nhưng chúng sẽ nói: vô ích. Chúng tôi sẽ theo ý định của chúng tôi, và mỗi người sẽ cố sống theo lòng dạ xấu xa của nó. (Gr18, 6b-12).

Những lời của Chúa trên cho chúng ta thấy 4 điều sau đây:

Một là cộng đồng chúng ta, cá nhân chúng ta, Hội Thánh chúng ta, tất cả đều tuỳ thuộc vào Chúa. Chúng ta còn hay mất, chúng ta thịnh hay suy, điều đó trong tay Chúa; nhưng cũng do sự tự do của chúng ta.

Hai là nếu chúng ta biết vâng ý Chúa, thì Chúa sẽ chúc lành, đó là điều thứ hai. Nếu chúng ta dùng tự do của mình để thực thi thánh ý Chúa, thì Chúa sẽ làm cho chúng ta  có phẩm lượng tốt, đẹp lòng Chúa.

 Và ba là nếu chúng ta dùng tự do của mình để thực hiện ý riêng mình, coi thường thánh ý Chúa, Chúa sẽ ruồng bỏ chúng ta, và sự ruồng bỏ này sẽ xảy ra. Cho dù bây giờ  chúng ta đang có bề ngoài phồn thịnh.

 Điều sau cùng rất đáng sợ  nơi tiên tri Giêrêmia, là Chúa cho biết Chúa đang chuẩn bị  hình phạt cho những cộng đoàn, cho những cá nhân, đi sai thánh ý Chúa. Điều đáng sợ là Chúa cho biết, mặc dầu Chúa cảnh báo nhưng nhiều người sẽ vẫn mãi cứng lòng, không chịu trở lại đi theo đường thánh ý Chúa. Vì thế chắc chắn hình phạt sẽ xảy ra, sẽ phải suy tàn, sẽ phải biến đi.

  Những chân lý của lời Chúa trên đây cho phép chúng ta hiểu rằng: sẽ có những thứ  Hội Thánh bị huỷ diệt. Lý do là vì họ đã dùng tự do của mình mà sống theo ý mình, chớ không sống theo thánh ý Chúa. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử Hội Thánh. Chúa Giêsu xưa hứa Hội Thánh sẽ tồn tại, nhưng đó là lời hứa chung cho Hội Thánh phổ quát, chứ không cho các Hội Thánh địa phương. Lịch sử cho thấy đã có không ít Hội Thánh địa phương một thời rất huy hoàng nhưng rồi đã sụp đổ, đã biến mất chỉ còn mấy mảnh vụn. Cụ thể như Hội Thánh Êphêsô Hội Thánh Antiokia, Hội Thánh Laodicea, Hội Thánh sau thánh Augustinô, Hội Thánh sau thánh Cyprianô. Và ngay tại Việt Nam, lịch sử cũng cho chúng ta thấy có những cộng đoàn, họ đạo, có những xóm đạo, có những gia đình đạo, có những cá nhân đạo, trước đây khá sốt sắng nhưng nay đã suy tàn và có khi đã biến mất. Chính Chúa như người thợ gốm đã phá huỷ họ, hay nói đúng hơn là Chúa để cho họ tự huỷ mình. Lý do là vì Chúa muốn làm nên những cái mới hợp ý Chúa hơn, bởi vì những cái đó không hoàn toàn đúng ý Chúa nữa. Vì thế mà trong mục vụ và truyền giáo, chúng ta cần lắng nghe thánh ý Chúa, để thực thi ý Chúa. Điều này rất cần cho sự tồn tại và phát triển cộng đoàn. Bởi vì đây là yếu tố rất cần  để sống tinh thần trách nhiệm trước mặt Chúa. Chính vì ý thức như vậy, cho nên bây giờ chúng ta bước sang phần thứ ba: lắng nghe ý Chúa trong nhiều lãnh vực cần thiết.

III/ LẮNG NGHE CHÚA TRONG NHIỀU LÃNH VỰC.

1/ Lãnh vực thứ nhất chúng ta lắng nghe là lãnh vực lời Chúa.

Trong lãnh vực này, riêng tôi đang thấy có những khủng hoảng. Khủng hoảng là vì nhiều nơi còn rất lơ là với lời Chúa, nhiều nơi đã chính trị hoá lời Chúa, nhiều nơi đã thương mại hoá lời Chúa, nhiều nơi đã cắt nghĩa sai lời Chúa, nhiều nơi đã không còn đọc lời Chúa, suy gẫm lời Chúa. Cũng như cha giảng phòng nói lúc nãy về sự cần thiết: Lời Chúa phải được chúng ta cảm nghiệm, suy niệm. Trong cuốn sách mới xuất bản của Đức Hồng Y Ratzinger tựa đề là  ?  **** tinh thần phụng vụ thì ngài đã phàn nàn: ngay chỉ trong phụng vụ thôi, thì phần lời Chúa trong thánh lễ cũng đã không được người ta đón nhận một cách nghiêm túc; và ngài đưa ra 3 khuyết điểm trong phụng vụ thánh lễ mà ngài thấy nhiều nơi: thứ nhất là đọc lời Chúa (Lectio). Nhiều khi đọc cách bề ngoài, đọc cho qua, không đọc với tâm hồn kính trọng, thờ phượng, để tìm ý Chúa. Sai lầm thứ hai là cầu nguyện (Oratio). Nhiều khi không cầu nguyện theo lời Chúa, mà phát minh ra các thứ cầu nguyện linh. Thứ ba là sự thinh lặng thánh trong thánh lễ (Silentium) . Ngài nói bây giờ trong phụng vụ thánh lễ, ngài thấy nhiều nơi không còn một khoảnh khắc nào gọi là thinh lặng. Muốn suy niệm, muốn cầu nguyện, thì cần phải có sự thinh lặng. Chẳng hạn như sau khi giảng, sau khi rước lễ, phải có một sự thinh lặng để cầu nguyện riêng; để cho lời Chúa thấm vào, để nghe vang vọng lời Chúa nói với riêng mình. Hiện nay, trong thánh lễ mà thôi, lời Chúa không còn có địa vị xứng đáng nữa. Bởi vậy có hỗn loạn về lời Chúa. Nên một khi chúng ta lắng nghe được thánh ý Chúa  cảnh cáo chúng ta trong lãnh vực lời Chúa, thì chúng ta những người có trách nhiệm đối với Hội Thánh bình dân, cũng như là Hội Thánh bé nhỏ đang mọc lên. Chúng ta cần phải có thiện chí và có khả năng giảm bớt ồn ào đó. Ở đây tôi chỉ nêu lên vấn đề thôi.

2/ Lãnh vực thứ hai chúng ta lắng nghe Chúa nói đó là lãnh vực đời sống Hội Thánh.

Khi chúng ta chăm chú lắng nghe đời sống của Hội Thánh, thì chúng ta cần phải thấy hai khủng hoảng này:

a- Thứ nhất là khủng hoảng về những giá trị thiêng liêng.

Nghĩa là nhiều nơi bây giờ, Hội Thánh có thể  là hàng giáo sĩ chúng ta, chỉ còn là những người canh giữ đền thờ, bảo vệ nghi lễ, giữ gìn trật tự, giảng dạy giáo lý và tranh đấu quyền lợi cho mình, cho cộng đoàn mình. Nhưng không có giá trị thiêng liêng. Giá trị thiêng liêng như sự khó nghèo tự nguyện như Đức Kitô xưa. “ Hãy đến mà xem”. Khi các tông đồ đến thì thấy Người sống rất khó nghèo, rất khiêm tốn. Giá trị thiêng liêng như một sự phấn đấu vươn lên, giúp cho những người khác vươn lên. Trong cuốn sách mới xuất bản, ( ? Ratzinger) ngài   đã trích ra một câu trong tu nghị của dòng Tên  ***  sự thiêng liêng của con người thời nay không chết, nhưng nó phát triển ngoài Hội Thánh thôi. Còn trong Hội Thánh thì nó không phát triển. Đó là một nhận xét khá chí lý. Mình chỉ là người giữ luật; có thể nói là nhang khói, là những người bám vào đền thờ chớ không có giá trị thiêng liêng. Trong dịp tết vừa qua, nhất là ngày đại hội thế giới, trên truyền hình có chiếu gặp gỡ những người đương thời. Chúng ta thấy những người đó về phương diện con người, họ  rất phấn đấu. Chẳng hạn cô giáo Hiền, họ nói: cháu rất khắt khe với chính mình, cho nên mới được như hôm nay. Tay cụt tại sao họ viết được, làm được, mà cháu không làm được. Cho nên cố mà  phấn đấu làm cô giáo. Hay cô Thuý Hiền là vận động viên nổi tiếng Việt Nam hiện nay cũng nói như vậy: rất khắt khe với chính mình, có một sự luyện tập thường xuyên. Đó là những giá trị thiêng liêng mà nhiều khi chúng ta an phận không phấn đầu để đạt được, trái lại chỉ là những người coi giữ, bảo vệ đền thờ thôi. Chúng ta cần phải khắc phục cơn khủng hoảng những giá trị thiêng liêng.  Ngoài ra chúng ta thấy có nhiều cộng đoàn còn thiếu lòng nhân, thiếu yêu thương nhau, thiếu khiêm tốn,  làm việc thì phô trương, ghen tương v.v...

b- Khủng hoảng thứ hai trong lãnh vực đời sống Hội Thánh tức là khủng hoảng về sự chuyển giao những kinh nghiệm về đức tin.

Trong Giáo Hội hiện nay dường như có sự đứt đoạn giữa các thế hệ. Tôi thấy bây giờ bên Tây hoặc ở Việt Nam, các bậc cha mẹ hình như  không còn chuyển giao được những kinh nghiệm của mình về đức tin, về Chúa. Bởi vì thế hệ trẻ bây giờ không sẵn sàng và không thể hiểu được. Điều này có thể xảy ra ngay trong hàng ngũ giáo xứ chúng ta. Những người trong tuổi tôi, những vị cũng đã qua những thời gian tập luyện ở chủng viện, ở đại chủng viện, và qua thời gian chờ đợi để chịu chức, thì đã có một số kinh nghiệm về Chúa, về ơn gọi, về đức tin. Những cái đó nhiều khi chúng ta muốn chuyển nhượng lại cho thế hệ giáo sĩ chủng sinh tương lai, nhưng mà hình như không chuyển nhượng được. Đó là một mất mát lớn và có thể sản sinh ra khủng hoảng thê thảm cho tương lai sau này. Khi chúng ta nhận ra được khủng hoảng này cũng như khủng hoảng trước đây về giá trị thiêng liêng, chúng ta cần tìm cách nào đó để khắc phục.

c-  Lãnh vực thứ ba chúng ta lắng nghe Chúa nói trong lãnh vực đời sống nhân loại.

 Trong lãnh vực đời sống nhân loại hiện nay, có một số  khủng hoảng. Khủng hoảng đáng để ý nhất là khủng khoảng về sự chuyển biến nền văn minh. Các nền văn minh bây giờ đang bị chao đảo, văn minh nào cũng bị chao đảo. khủng hoảng thứ hai là hiện tượng lạm phát lời nói. Người ta nói bậy bạ, người ta nói quá nhiều, người ta nói không còn chỗ nào, không phân biệt sai trái, lạm phát lời nói. Bây giờ, trên các tờ báo thôi chúng ta thấy có bao nhiêu thứ tiếng nói: tiếng nói của phụ nữ, tiếng nói của thanh niên, và trong Hiệp Thông lại có tiếng nói của hàng GMVN. Có quá nhiều tiếng nói trong các báo, đó là chưa kể trong tivi, trong dư luận với những làn sóng ngầm. Nghĩa là có lạm phát về tiếng nói, về lời nói. Nếu cứ đà này tôi nghĩ sẽ làm rối lên cái trật tự, cái lương tâm, cái suy nghĩ. Bởi vì lời nói tác động nhiều nhất. Thế mà trong đời sống nhân loại hiện nay người ta lạm phát lời nói. Cho nên trong Hội Thánh, nhất là chúng ta, nếu hướng, không có chuẩn mực để giải quyết vấn đề lạm phát lời nói thì thế nào chúng ta cũng lãnh nhận hậu quả xảy ra cho chính mình, cho cộng đoàn mình. Lời Chúa không ai nghe và chính Ngôi Lời  không ai để ý nữa, rồi chúng ta  không sáp nhập mình vào Ngôi Lời, Lời sống động là Đức Kitô, thì chúng ta không thể nào giải quyết được nạn lạm phát lời nói.

4/ Một lãnh vực mới nữa là lãnh vực đời sống đồng bào Việt Nam.

a- Trong lãnh vực đời sống đồng bào Việt Nam hiện nay,  có khủng hoảng về các mô hình hạnh phúc. Người ta đang đưa ra quá nhiều mô hình hạnh phúc, đưa ra quá nhiều những quan điểm hạnh phúc. Trong ngôn từ của chúng ta chúc nhau dịp tết thì thường chúc nhau hạnh phúc thôi. Nhưng thường rất mơ hồ. Là những người lãnh đạo về tôn giáo, nếu chúng ta không vạch ra được những tiêu chuẩn về hạnh phúc, hay là quá khắt khe, hoặc quá cởi mơ, hoặc quá dửng dưng, thì con chiên của chúng ta sẽ đi sai.

b - Khủng hoảng thứ hai trong đời sống đồng bào Việt Nam hôm nay là khủng hoảng về niềm tin. Ngay cả bản thân tôi, tôi cũng đã nhiều lần khủng hoảng về niềm tin. Tôi tin vào Chúa, tin vào con người, nhưng có lúc khủng hoảng không biết có nên tin nữa không. Đó là những nguy cơ có thể làm cho Hội Thánh suy tàn đi, nếu chúng ta không tìm ra giải pháp. Không những người ta không tin vào cơ chế, mà biết đâu người ta cũng không tin vào Hội Thánh,  không tin vào Chúa, và đi đến thất vọng.

5/ Lãnh vực thứ năm là lãnh vực đời sống vô thần.

Hiện nay, nếu chúng ta lắng nghe Chúa nói trong lãnh vực này, chúng ta thấy có những  khủng hoảng.

a-  Thứ nhất là khủng hoảng về lương tâm. Ngày nay người ta thường nói tới cơ hội, chủ nghĩa vụ lợi, quá vật chất. Người ta không còn có lương tâm trong một thế giới quá vô thần, để mà làm lành lánh dữ. 

b- Khủng hoảng thứ hai là  khủng hoảng trong cái nhìn về những giá trị tốt đẹp của Hội Thánh. Trong cuốn sách mới rồi khi nói về vấn đề này, có nói rằng  Hội Thánh cũng nên khiêm tốn nhìn vào lãnh vực vô thần hiện nay, để thanh luyện lại bộ mặt của Hội Thánh. Bởi vì nhiều người trở nên vô thần, là do họ phản ứng chống lại Hội Thánh. Một Hội Thánh nào đó, hay những người trong Hội Thánh. Hội Thánh đó là Hội Thánh bẩn thỉu, Hội Thánh đối lập, Hội Thánh đàn áp. Cho nên, khi đi vào lãnh vực vô thần hiện nay, mình tìm xem, nếu thực sự là họ vô thần, thì hẳn đúng là có những thiếu sót của mình, mình phải cố gắng  thanh luyện lại bộ mặt của mình, bộ mặt của Hội Thánh.

6/ Lãnh vực sau cùng chúng ta lắng nghe Chúa nói là lãnh vực của chính bản thân.

Khi chúng ta đi sâu vào bản thân chúng ta, tôi nghĩ là tất cả chúng ta kể cả tôi cũng phải nhận thấy mình đang sống trong một số khủng hoảng. Chẳng hạn như là khủng hoảng về sự trung tín đối với những lời thề hứa với Chúa, rồi  khủng hoảng về sự chu toàn bổn phận đối với con chiên, nhưng mà nhất là ba điều này:

a- Thứ nhất là khủng hoảng về chiều sâu; đời sống chúng ta chưa sâu, chưa nhìn sâu sắc, bám vào Đức Kitô, để có thể nói: “không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Mình sống với trật tự, với nghi lễ, với công việc,  nhưng thực sự thiếu vắng hẳn bề sâu.

b- Khủng hoảng thứ hai có thể là tổ chức cộng đoàn của chúng ta còn quá nặng nề. Tổ chức nặng nề làm cho cộng đoàn của chúng ta quá cơ chế, quá kềnh càng, khệng khạng, thụt lùi, không còn sức hấp dẫn

c- Khủng hoảng thứ ba là tổ chức cộng đoàn không cởi mở, chỉ hoạt động trong nội bộ của mình; ít mở ra về bên ngoài, về hướng xã hội và nhất  không mở ra, không ra đi, không ra khơi để truyền giáo, để trở nên men, để trở nên muối cho đồng bào hiện nay. Những khủng hoảng đó tôi nghĩ là nhiều hay ít chúng ta đang rơi vào. Khi nhận thức được điều đó, chúng ta thì hãy suy nghĩ và tìm đường đổi mới.

Để kết, tôi nghĩ là để tránh cho Hội Thánh đại trà, Hội Thánh bình dân của chúng ta, khỏi rơi vào cảnh suy tàn như lời tiên tri Giêrêmia đã nói, vì không hợp thánh ý Chúa, không hợp thời, và nhất là để chúng ta giúp cho những cộng đoàn nhỏ bé của chúng ta mọc lên theo thánh ý Chúa, thì bổn phận của chúng ta là phải tỉnh thức lắng nghe Chúa, lắng nghe những dấu chỉ của thời đại. Và nét thứ hai là Hội Thánh của chúng ta phải biết thao thức tìm kế hoạch và đáp ứng. Khi tìm kế hoạch, chúng ta thấy  chẳng có một kế hoạch nào có sẵn, mình phải tìm và có thể tìm từng giai đoạn. Có những lúc chúng ta thấy sáng lên nhưng tình hình xã hội thay đổi nên chúng ta lại phải làm sao cho nó tiến triển hơn. Cho nên thứ nhất là phải tỉnh thức, hai là thao thức tìm kiếm kế hoạch và đáp ứng, thứ ba là ra sức thực hiện kế hoạch mà chúng ta tìm ra dưới ánh sáng của Chúa.

Trong lần đi Ad Limina vừa qua,  có lúc một nhóm chúng tôi gặp Bộ Truyền giáo. Có Đức Hồng Y Sepe, có Đức Tổng Giám Mục là Tổng Thư Ký, và có Đức Cha, Phó Tổng Thư Ký. Khi bàn về vấn đề tìm những ứng viên làm giám mục, một vị giám mục chúng tôi phàn nàn rằng: trong địa phận con tìm mãi không ra một linh mục giỏi về ngữ. Lập tức Đức Tổng Giám mục trả lời: để làm giám mục nếu biết ngoại ngữ thì càng tốt, mà không biết ngoại ngữ thì cũng không sao . Cái cần của một người đứng đầu cộng đoàn là hiểu được tiếng nói của Chúa, và biết lắng nghe tiếng nói của Chúa trong các lãnh vực như tôi vừa nói. Một khi biết được tiếng Chúa nói với mình  qua lãnh vực này, qua lãnh vực khác, rồi biết thao thức tìm kiếm cách giải đáp và biết ra sức thực hành những kế hoạch, thì đấy là con người xứng đáng là ứng cử viên làm giám mục trong thời này. Nghĩa là mình phải lắng nghe Chúa trong các lãnh vực hằng ngày, rồi tìm cách đáp ứng tiếng gọi của Chúa. Nhờ đó, việc phục vụ cộng đoàn không những tồn tại mà còn phồn vinh,  giúp cho cộng đoàn phát triển theo thánh ý Chúa./. 

-----------------------

 

Bùi-Tuần 2242: LƯƠNG TÂM TRÁCH NHIỆM CỦA NHÓM THIỂU SỐ


CHÚNG TA RA KHƠI TRONG LÚC NÀY

 

Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy đám đông dân chúng Ngài bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu Bùi-Tuần 2242


Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy đám đông dân chúng Ngài bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “ Lạy Thầy, chúng con đã thả lưới suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào.”(Lc5,4-5). Tình hình rất bi quan. Số người được sai đi ra khơi lại là một  thiểu số. Nhưng nhóm nhỏ đó đã vâng lời Chúa mà ra khơi. Phêrô nói: “ Vâng lời Thầy chúng con ra khơi thả lưới (Lc5, 5b).”, và kết quả là rất bất ngờ. Vậy hôm nay, chúng ta hãy bắt chước nhóm nhỏ Phêrô mà thưa với Chúa: “ Vâng lời Thầy chúng con ra khơi thả lưới”. Chúng ta ra khơi với lương tâm trách nhiệm. Tôi xin tạm gọi là lương tâm một nhóm nhỏ ra khơi, và riêng với chúng ta là ra khơi trong thời điểm đầy phức tạp này. Tôi gợi lên ba trách nhiệm:

I/ TRÁCH NHIỆM THỨ NHẤT CỦA NHÓM NHỎ RA KHƠI TẠI VIỆT NAM HÔM NAY LÀ NHIỆT TÌNH VÀ THỰC SỰ XÂY DỰNG LIÊN HỆ VỚI ĐỨC KITÔ.

 Chúng ta hiểu cái thiếu bây giờ là thiếu lửa, lửa truyền giáo, lửa nhiệt thành. Nên giải pháp đầu tiên là phải tìm lửa, mà phải tìm ở tận nguồn. Nguồn đó là Thiên Chúa tình yêu. Con đường dẫn tới Thiên Chúa tình yêu được mạc khải chính là Đức Kitô. Vì thế, hãy đi sâu vào trách nhiệm đó, là tập trung vào Đức Kitô. Trở về với Đức Kitô. Lắng nghe lời Kitô. Ngắm nhìn gương Đức Kitô, nhất là gương Đức Kitô chịu chết trên thập giá để chứng minh tình yêu. Trong tuần phòng này, Chúa đã đánh thức chúng ta về trách nhiệm đó, trách nhiệm đón nhận ơn biến đổi, trách nhiệm cộng tác vào ơn biến đổi, để nên giống Chúa Giêsu, để có tâm tình như Chúa Giêsu, và để đi về nguồn Thiên Chúa là tình yêu qua con đường Giêsu. Chúng ta phải thực sự khao khát. Lười biếng, dửng dưng không thể nào đón nhận được ơn biến đổi. Cho nên, phải dọn lòng mình luôn khao khát ơn biến đổi, và vâng lời Thiên Chúa dạy khi tìm về nguồn qua con đường được mạc khải là Chúa Giêsu.

II/ TRÁCH NHIỆM THỨ HAI CỦA CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI RA KHƠI TRONG THỜI ĐIỂM NÀY LÀ HĂNG HÁI VÀ THỰC TÌNH  MỞ LÒNG RA VỀ PHÍA MỌI NGƯỜI, VỀ PHÍA ĐỒNG BÀO VIỆT NAM NHẤT LÀ CÁC ĐỒNG BÀO NGOÀI CÔNG GIÁO XUNG QUANH CHÚNG TA.

Trách nhiệm thứ nhất nhấn mạnh đến chiều sâu, và đi về nguồn  qua con đường Giêsu. Nhờ đó chúng ta nhận lãnh ơn biến đổi, biến đổi thành dụng cụ của tình yêu, biến đổi thành lửa, thành những tia lửa của Chúa. Trách nhiệm thứ hai này là trách nhiệm đánh thức dậy những tia lửa tình yêu chôn vùi trong lòng đồng bào ta. Chúng ta ý thức là nơi lòng đồng bào ta, vẫn có những hạt giống tốt Chúa đã gieo sẵn, có những tia lửa hướng về siêu nhiên, hướng về tuyệt đối. Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngà,i để đánh thức những ước vọng thầm kín trong lòng họ. Làm sao cho hạt giống Chúa trồng nơi lòng họ được mọc lên, được phát triển. Chúng ta làm việc đó bằng cách khơi dậy nơi đồng bào ta những ước muốn cao thượng, bằng những  tiếp xúc đầy tình thương, đầy lửa kính mến. Chiều hôm qua, chúng ta cử hành thánh lễ, sau đó tôi nhận được nhiều cú điện thoại: lương có, giáo có, Hoà Hảo có, cán bộ có. Cảm tưởng chung là tôi thấy sau khi dự thánh lễ như vậy, rất nhiều người đã nhận được  cái gì  thiêng liêng. Có người nhận qua thánh ca. Có người nhận qua bài giảng. Có người nhận qua khung cảnh các linh mục làm lễ nghiêm trang. Có người nhận qua ơn biến đổi, qua bầu khí  của toàn thể nhà thờ thinh lặng, nghiêm trang, trật tự. Những cuộc lễ như vậy đánh thức được những ước nguyện  thầm kín vốn có trong lòng người ta. Trách nhiệm của những người ra khơi bây giờ là đánh thức dậy, rồi Chúa sẽ làm tiếp theo. Câu truyện về một linh mục, khi Đức quốc xã cầm tù, và hôm đó chúng chỉ định một số người phải chết, bởi vì đã có một người vượt ngục. Nhiều người đã than rằng: Chúa của chúng ta ở đâu đây? Sao Ngài lại để cho sự bất công xảy ra như thế này. Chúng tôi có tội gì? Nhưng khi có một linh mục lẳng lặng tình nguyện xin chết thay, lập tức tất cả những người đứng đó cảm thấy Chúa hiện diện. Chúa không làm phép lạ cứu họ, nhưng Chúa tỏ bày Chúa ở bên họ. Chúa cùng khổ với họ. Họ được ơn can đảm, tha thứ. Họ nhận thấy Chúa đến với họ qua sự dấn thân của vị linh mục đó. Đúng là gương sáng của vị linh mục dấn thân vì yêu thương đã đánh thức được  ước muốn đi tìm Thiên Chúa trong một hoàn cảnh đầy bi đát. Cho nên, trách nhiệm thứ hai của chúng ta là khơi dậy một cách nào đó cái ước muốn tìm về tuyệt đối. Rồi qua đó sẽ tìm về Tin Mừng của Thiên Chúa chúng ta. 

III/ TRÁCH NHIỆM THỨ BA CỦA NGƯỜI RA KHƠI TRONG THỜI ĐIỂM NÀY LÀ PHẢI ĐẤU TRANH.

Đây là một cách đấu tranh với chính mình hơn là với người khác. Tức là xây dựng những liên hệ với chính mình. Thứ nhất là liên hệ với Chúa. Thứ hai là liên hệ với người ta. Bây giờ là liên hệ với chính mình. Đối với chính mình chỉ đơn sơ là đấu tranh nội tâm giữa hai khuynh hướng: một là yêu Chúa đến quên mình, hai là yêu mình đến quên Chúa. Hai khuynh hướng đó thường có trong ta. Chúng ta phải tỉnh thức để đấu tranh làm sao cho khuynh hướng yêu Chúa đến quên mình thắng. Một khi khuynh hướng này thắng trong ta rồi, chúng ta thấy mình sẽ tỉnh thức với những gì Chúa phán trong Kinh Thánh, và trong mọi lãnh vực cuộc sống. Chúng ta sẽ thao thức tìm ra những giải đáp, và gắng sức thực thi những điều chúng ta  chọn lựa là đúng là tốt. Tôi mong rằng nhóm thiểu số chúng ta được sai đi ra khơi trong thời điểm này, cố gắng làm đúng, làm tốt, làm hết sức mình thì chúng ta sẽ có lửa. Lửa truyền giáo, lửa tình yêu đó sẽ giúp chúng ta ra khơi đầy nhiệt tình, thanh thản bởi vì thực sự tôi thấy điều then chốt là thiếu lửa. Còn những ai thực sự có lửa sẽ tỉnh thức, sẽ thao thức, mình sẽ gắng sức. Tất cả là do lửa tình yêu trong lòng ta.

Khi có lửa rồi, mình ra khơi vì vâng lời Chúa “ Lạy Thầy, vâng lời Thầy chúng con ra khơi”. Chúng ta cầu nguyện cho nhau để khi ra khơi, ai nấy đều cố gắng làm tròn trách nhiệm mà chúng ta vừa gợi lên.

Long Xuyên, ngày 01/03/2002
Giám Mục Chánh Giáo Phận
Gioan Baotixita Bùi Tuần  

------------------------------

 

Bùi-Tuần 2243: LINH ĐỘNG TRONG ƠN KHÔN NGOAN CỦA CHÚA THÁNH THẦN


+ GB. Bùi Tuần

 

Tình hình lúc này là rất phức tạp. Tình hình càng phức tạp, thì sống đạo càng cần phải biết linh Bùi-Tuần 2243


1.
Tình hình lúc này là rất phức tạp. Tình hình càng phức tạp, thì sống đạo càng cần phải biết linh động, trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Đức Mẹ đang dạy tôi điều đó.

Cụ thể là thế này.

2.
Vì không thể đến nhà thờ để tham dự thánh lễ được, vì nguy cơ bệnh dịch lây lan, thì:

Chính cuộc sống của mỗi tín hữu hãy là thánh lễ. Cuộc đời trở thành thánh lễ thế nào, thì Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn khôn ngoan để thực hiện.

3.
Ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho từng tín hữu biết linh động, tùy nơi, tùy lúc, tùy cách, để cuộc sống của mình vừa trở thành thánh lễ, vừa có sức làm chứng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót.

4.
Linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, đó là khát vọng, mà tôi đang thấy lan tỏa tại Việt Nam hôm nay, trong mọi tầng lớp cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là nơi các người có trách nhiệm đứng đầu.

5.
Một trong những hình thức sống linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần là tinh thần cầu nguyện.

6.
Tôi thực sự rất cảm động, khi thấy cầu nguyện tại Việt Nam lúc này đang trở thành một hiện tượng lan tỏa vừa bề rộng, vừa bề sâu, hầu như khắp mọi tấm lòng tốt trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Mọi tôn giáo đều cầu nguyện.
Mọi tín ngưỡng đều cầu nguyện.

7.
Cầu nguyện đang được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cầu nguyện có tổ chức.
Cầu nguyện một cách tự phát, hồn nhiên.

8.
Có thể nói, mọi người Việt Nam trên đất nước Việt Nam hôm nay đều là những con người cầu nguyện.

9.
Nhờ vậy, mà hầu hết mọi người Việt Nam lúc này đang khám phá thấy con đường cứu độ thực chất và bền vững là niềm tin vào một Đấng thiêng liêng.

10.
Niềm tin đó rất linh động một cách khôn ngoan.

11.
Nhờ vậy, lương tâm mỗi người sẽ nhận ra điều gì là thiện, điều gì là ác, một cách đơn sơ, mà tôi gọi là trực cảm, trực giác lành mạnh.

12.
Đúng là như vậy. Lúc này, ngay chính tôi cũng quá mệt mỏi, nên không ưa những gì là lý luận, mà chỉ thích những gì là trực cảm.

13.
Một bài thánh ca có nhạc hay, có Lời Chúa, cho dù vắn, vẫn làm cho tôi dễ nâng hồn lên với Chúa.

Trái với một bài giảng mà vừa nặng về lý luận, vừa dài dòng, áp đặt.

14.
Rất nhiều trường hợp, chỉ một cử chỉ đơn sơ mà lại có sức đánh động lương tâm, hơn cả một ngày thuyết trình, nhồi nhét hết lý luận này đến lý luận khác.

15.
Nếu không khôn ngoan, nhiều hoạt động tôn giáo sẽ phản tác động. Thay vì lôi kéo được người ta, thì lại làm cho người ta chán ngán.

16.
Linh động, trong ơn khôn khoan của Chúa Thánh Thần, đó là điều chúng ta cầu chúc cho nhau.

17.
Riêng tôi, lúc này nhìn lại đời mình, tôi thấy rất rõ: Chúa đã cứu tôi một cách linh động, trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Ngày nào, giờ nào, Chúa cũng cứu tôi khỏi bỏ Chúa, mà theo ác quỷ.

Cách Chúa cứu thì linh động, lúc cách này, lúc cách khác.

Có lúc, nhờ một thành công, mà tôi trở về với Chúa. Có lúc tôi lại trở về nhờ một đau khổ, một thất bại.

18.
Điều, mà tôi được Đức Mẹ luôn nhắc bảo, đó là hãy cầu nguyện và tỉnh thức.

Nhất là lúc này đầy giông bão, cầu nguyện và tỉnh thức phải là bầu khí thiêng liêng bao trùm lấy toàn thể hồn xác những môn đệ Chúa.

19.
Nhưng, phải biết cầu nguyện và tỉnh thức. Mà đó là những việc không dễ chút nào. Đức Mẹ sẵn sàng giúp chúng ta. Hãy cậy tin ở Mẹ. Hãy sống bé nhỏ với Mẹ.
 
Long Xuyên, ngày 15.6.2021

--------------------------

 

Bùi-Tuần 2244: Thư của Bộ Truyền giáo gởi ĐC. GB. Bùi Tuần


BỘ TRUYỀN GIÁO
Số 3550/05

Kính gởi:
Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần
Nguyên Giám mục Gp. Long Xuyên, Việt Nam.

Rôma, ngày 12/8/2005

Kính thưa Đức Cha,

 

Tôi vui mừng bày tỏ những lời chúc mừng nồng nhiệt của Bộ Truyền Giáo nhân dịp kỷ niệm 50 Bùi-Tuần 2244


Tôi vui mừng bày tỏ những lời chúc mừng nồng nhiệt của Bộ Truyền Giáo nhân dịp kỷ niệm 50 năm chịu chức Linh Mục của Đức Cha vào ngày 2/9/2005 sắp tới.

Lễ kỷ niệm này là cơ hội may mắn cho nhiều người, nhất là các tín hữu trong giáo phận Long Xuyên, bày tỏ tình cảm thân thương và lòng biết ơn đối với Đức Cha, và nhất là để dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa cho vị Mục Tử của họ. Tôi xin được chia sẻ với Đức Cha những giờ phút ân sủng mà Chúa Quan Phòng ban cho Đức Cha được sống trong Năm Thánh Thể, năm mà Giáo Hội tưởng niệm tình yêu bao la của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi hiến dâng mạng sống mình vì chúng ta.

Chính vì yêu thương mà Chúa đã kêu gọi Đức Cha chia sẻ chức tư tế muôn đời của Người và lặp lại lễ hy sinh trên đồi Canvê tưởng nhớ đến Người mỗi ngày. Cũng chính vì yêu thương mà Chúa đã kêu gọi Đức Cha trở thành người kế vị các Tông Đồ vào một thời kỳ đầy khó khăn trong lịch sử Giáo Hội ở quê hương Đức Cha.

Trong nửa thế kỷ qua, với lòng quảng đại và trung tín, Đức Cha đã không tiếc sức mình để hoàn thành sứ vụ linh mục của Đức Cha. Đức Cha đã làm chứng một Đức Kitô khiêm tốn, đơn sơ, nghèo khó và thương xót qua đời sống của Đức Cha.

Bài giảng và bài viết của Đức Cha rất nhiều chứng tỏ rõ Đức Cha coi việc truyền bá Tin Mừng chính là nhiệm vụ nền tảng trong đời mục tử của Đức Cha.

Như vị Tông Đồ Dân Ngoại, Đức Cha đã đào tạo không những người kế vị Đức Cha trong nhiệm vụ mục tử cai quản Giáo Hội địa phương của Đức Cha, mà còn đào tạo những Giám mục dũng cảm khác để dâng hiến cho Giáo Hội Việt Nam.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng quý mến chân thành của Bộ Truyền Giáo đối với Đức Cha và sự đánh giá cao sứ vụ mục tử mà Đức Cha đã hết mực tận tuỵ và quảng đại thi hành.

Tôi cám ơn Đức Cha về công việc tông đồ bao la Đức Cha đã hoàn thành cho Nước Chúa trị đến và cho sự phát triển của Giáo Hội, trước hết như một linh mục, rồi như một Giám mục, và những gì Đức Cha đã gieo trồng trong niềm vui và hy vọng cho Người, với Người và trong Người, xin Chúa làm phát sinh hoa trái dồi dào.

Xin Đức Cha nhận lấy những tình cảm quý trọng và chân thành của tôi trong Chúa chúng ta. Ad multos annos!

Tổng Giám Mục Robert Sarah
Thư ký Bộ Truyền Giáo

---------------------------

 

Bùi-Tuần 2245: SỐNG MÙA VỌNG


Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần với các linh mục tu sĩ giáo phận Long Xuyên, dịp tĩnh tâm tháng 12 năm 2006

 

Lễ Chúa giáng sinh là một lễ rất vui. Lý do lớn nhất để vui là dịp này mừng kỷ niệm sự kiện Bùi-Tuần 2245


Lễ Chúa giáng sinh là một lễ rất vui. Lý do lớn nhất để vui là dịp này mừng kỷ niệm sự kiện Chúa đến cứu chuộc nhân loại.

Chỗ nào, năm nào cũng tổ chức lễ này, sao cho thực vui.
Niềm vui này đã từ lâu biến chuyển sang nhiều màu sắc.

Hiện nay nhiều nơi Noel vẫn giới thiệu được màu sắc tâm linh, gây được nhiều gợi ý nội tâm sâu sắc, đem lại cho con người một hy vọng thiêng liêng cao cả. Nhưng có nơi Noel đã trở thành một dịp chính thức nhắm vào niềm vui lễ hội, phơi bày kinh tế, cổ võ giải trí từ lành mạnh đến suy đồi.

Với nhận thức như trên, mọi tín hữu công giáo nói chung và mọi linh mục tu sĩ của Chúa nói riêng sẽ rất muốn và phải muốn mừng kỷ niệm Chúa giáng sinh với một niềm vui thực sự lành mạnh, thực sự trưởng thành. Mục đích là để ca tụng Chúa một cách xứng đáng. Đồng thời cũng toả sáng Tin Mừng truyền giáo cho những người xung quanh.

Để được như thế, chúng ta quyết tâm sống một mùa Vọng có định hướng rõ ràng, như những chuẩn bị cần thiết.

Dưới đây là vài gợi ý:

1/ Sống với Chúa Giêsu một cách hết sức thân mật

Để diễn tả cuộc sống thân mật với Chúa Giêsu, nhiều vị thánh đã nói lên cảm nghiệm của mình một cách rất sống động gần gũi.

Ở đây, tôi chọn cách diễn tả của thánh Gioan tông đồ. Ngài mở đầu lá thư thứ nhất thế này:

"Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,
điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến,
đó là Lời hằng sống.
Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,
Chúng tôi đã thấy và làm chứng,
Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời:
Sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha,
Và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi" (1 Ga 1,1-2).

Qua tâm sự trên đây, thánh Gioan cho ta thấy: Cuộc sống của Ngài với Chúa Giêsu là tình yêu hết sức gắn bó, gần gũi, thân thiết và tự nhiên.

Ngài đã nghe Chúa Giêsu nói,
Ngài đã tận mắt thấy Chúa Giêsu nhãn tiền,
Ngài đã chiêm ngưỡng Chúa Giêsu,
Ngài đã chạm đến Chúa Giêsu.

Qua những tiếp cận đó, thánh Gioan gọi Chúa Giêsu là Lời hằng sống và là chính sự sống. Đối với Ngài, một nét rất đặc biệt của hình ảnh Chúa Giêsu là luôn hướng về Chúa Cha.

Thánh Gioan đã sống với Chúa Giêsu như vậy. Chúng ta có sống được phần nào như vậy không?

Thiết tưởng nhiều người đã có đời sống đức tin rất mạnh. Thêm vào đó là những cảm nghiệm rất sống động. Như nghe được, như thấy được, như chiêm ngưỡng được, như chạm đến được chính Đức Giêsu.

Nhờ vậy, mà họ tin và thấy Chúa Giêsu là sự sống của họ, một cuộc sống luôn thực hiện ý Chúa Cha, luôn đi về với Chúa Cha.

Mỗi người chúng ta nên xét mình về liên hệ của ta với Chúa Giêsu. Chắc chắn liên hệ đó không sai đức tin. Nhưng liên hệ đó có mặn mà, tràn sâu vào mọi tầng lớp nội tâm ta, để ta cảm nghiệm được phần nào sự ngọt ngào và sự thánh thiện sống động thường xuyên về Chúa Giêsu không?

Người thời nay không quan tâm đến lý thuyết khô cứng. Nếu đức tin của ta chỉ là lý thuyết, thì đức tin đó khó có sức lôi kéo con người.

Vì thế, trong mùa Vọng này, chúng ta nên tăng cường đời sống đức tin, cách riêng trong liên hệ thường xuyên với Chúa Giêsu. Để khi chúng ta nói về đạo của ta, nhất là dịp Noel, chúng ta không giới thiệu một hệ thống lý thuyết, giáo điều, nhưng là kể về một Đấng thiêng liêng sống động, mà ta luôn gần gũi và đã có kinh nghiệm bản thân rất sâu sắc từ lâu.

Ngoài định hướng kể trên, chúng ta còn một việc khác, nên đem ra thực hành, để dọn mình mừng Chúa giáng sinh. Việc đó là sự từ bỏ mình, theo gương Chúa Giêsu.

2/ Từ bỏ mình, để hoàn toàn vâng phục ý Chúa Cha

Tu đức luôn nhắc đến một điều kiện rất cần để nên môn đệ Chúa Giêsu. Điều kiện đó là cố gắng sống theo gương Chúa Giêsu.

Gương Chúa Giêsu đã được thánh Phaolô tóm tắt lại bằng mấy dòng trong thư gởi giáo đoàn Philiphê:

"Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là  Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngàng hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự" (Pl 2,6-8).

Đọc đoạn thư trên đây, chúng ta thấy gương sáng nổi bật nơi Đấng Cứu thế là sự từ bỏ mình, khiêm nhường, và tự nguyện hy sinh, để cứu chuộc loài người.

Những đức tính trên đây đang được nhiều môn đệ Chúa tại Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, sự thực hiện đó xem ra vẫn chưa đúng mức, nên bầu khí tôn giáo hình như vẫn không toả sáng được thực chất của tu đức người môn đệ Chúa trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Nhiều người có tâm huyết với đạo Chúa, đã than phiền rằng: Trước đây, khi hoàn cảnh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thì các môn đệ Chúa tại đây đã là những chứng nhân sáng lạn về đức tin, đức ái, đức khiêm nhường, đức khó nghèo, đức vâng lời và sự từ bỏ mình. Chính đời sống họ nhắc nhở về Noel xưa của Chúa Cứu thế. Còn bây giờ hoàn cảnh được thông thoáng, thì lại xảy ra nhiều dấu chỉ về tình trạng đạo đức xuống dốc. Chính đời sống nhiều Kitô hữu đã và đang làm lu mờ hình ảnh Đấng Cứu chuộc.

Nghe mà thấy buồn và lo âu.

Tuy sao, khi chúng ta cùng Đức Mẹ sống thân mật với Chúa Giêsu, trong tinh thần xin vâng, thì ta có quyền hy vọng: Chúa Giêsu sẽ đến với ta như một Đấng Cứu chuộc đem lại niềm vui đầy tình yêu thương xót. Không những chỉ trong mùa Vọng, mà là suốt cả cuộc sống ta, đời này và đời sau vô cùng, vô tận.

------------------------

 

Bùi-Tuần 2246: FATIMA và CẢNH BÁO.


+ Đức Cha  GB. Bùi Tuần

 

Năm nay, là kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (1917-2007). Nhân kỷ niệm này, tôi xin Bùi-Tuần 2246


Năm nay, là kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (1917-2007).

Nhân kỷ niệm này, tôi xin nhắc tới sự kiện Toà Thánh công bố bí mật thứ ba của Đức Mẹ tại Fatima.

Thực vậy, ngày 26-6-2000, theo lệnh của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Toà Thánh đã chính thức công bố bí mật này.

Liền sau đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Đức đương kim Giáo Hoàng Beneđitô XVI, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Đức Tin, đã đưa ra bản hướng dẫn thần học về sự kiện Fatima.

Tiếp đó, cha Georges Cottier, nay đã lên chức Đức Hồng Y, đã trả lời một số thắc mắc về sự kiện Fatima.

Những sự việc trên đây đã kéo chú ý của dư luận, nhất là trên các phương tiện thông tin.

Tất cả chứng tỏ rằng sự kiện Fatima vẫn còn là vấn đề thời sự của hôm nay.

Những tai hoạ

Thời sự là ở điểm này: Năm 1917, từ Fatima, Đức Mẹ cảnh báo con cái Mẹ thế nào, thì năm 2000, từ Vatican, Đức Mẹ cũng cảnh báo con cái Mẹ như thế. Đây là cảnh báo then chốt: “Nếu các con tiếp tục sa phạm tội, thì các con phải gánh những tai ương. Nhưng nếu các con thành tâm hối cải, các con sẽ tránh được các tai ương đó”.

Những tai ương nói đây là những thiệt hại ở đời này, nhất là thiệt hại ở đời sau. Thiệt hại ở đời này là sự tha hoá con người và những tàn khốc trong xã hội. Thiệt hại ở đời sau là bị sa xuống hỏa ngục.

Ở Fatima, những tai ương đã được diễn tả qua những thị kiến có tính cách biểu tượng. Bí mật thứ nhất là cảnh khủng khiếp của hỏa ngục. Bí mật thứ hai là cảnh hoang tàn ghê gớm của chiến tránh. Bí mật thứ ba là cảnh chết chóc kinh hoàng xảy ra cho Hội Thánh.

Những cảnh báo này là mạc khải tư, nên không buộc phải tin. Tuy nhiên chúng hỗ trợ cho đức tin.
Những giải pháp

Để tránh những tai ương đó, con người phải sám hối, tức là bỏ tội, tránh tội, ăn năn tội, đền tội.

Hỗ trợ cho việc sám hối để đi vào lối sống Tin Mừng đích thực, Đức Mẹ ở Fatima kêu gọi con cái Mẹ hãy tham gia vào mầu nhiệm thánh giá, và tôn sùng Trái tim Vô nhiễm Mẹ.

Tôn sùng Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ chủ yếu là chọn Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ làm mẫu gương sống đạo.

Một trái tim có Chúa ở cùng “Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).
Một trái tim luôn tìm thực thi thánh ý Chúa “Xin vâng” (Lc 1,38).
Một trái tim luôn tạ ơn ca ngợi Chúa “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1,46).
Một trái tim khiêm nhường “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).
Một trái tim đồng lao đồng khổ với Chúa Giêsu “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,35).
Một trái tim cộng tác vào việc phát triển con người theo mô hình Chúa Giêsu “Đức Giêsu càng ngày càng khôn lớn” (Lc 2,52).
Một trái tim suy niệm “Đức Mẹ ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).
trái tim phục vụ con người một cách tế nhị “Trong tiệc cưới Cana, có thân mẫu Đức Giêsu ...” (Ga 2,1-12).
Một trái tim mong  muốn đổi mới mọi sự dưới hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,1-12).

Mấy sứ điệp trên đây ở Fatima đều có căn bản trong Phúc Âm. Ai tuân giữ là đi vào con đường sự sống. Ai không đi vào đó và chọn con đường mê hoặc sẽ kể như đi vào con đường sự chết. Chọn “sinh lộ” hay “tử lộ” là tùy tự do mỗi người. Xem ra trên thực tế rất nhiều người đang đi vào “tử lộ”. Thấy nguy cơ đó, Đức Mẹ đã cảnh báo. Cảnh báo ấy vẫn còn giá trị và nay càng trở nên khẩn thiết.

Cảnh báo Hội Thánh địa phương

Khi suy nghĩ  cảnh báo của Mẹ Maria ở Fatima đã nhắm vào một giai đoạn lịch sử cụ thể, tôi thấy thời điểm này của mỗi Hội Thánh địa phương cũng có những vấn đề riêng cần được cảnh báo.

Riêng tại địa phương này, tôi thấy cần cảnh báo về một số tình hình sống đạo chưa tốt nơi này nơi nọ.

Cách sống đạo thiếu căn bản Phúc Âm đang đi vào nguy cơ đức tin bị tha hóa và sa sút. Thiếu căn bản Phúc Âm là không bám vào gốc rễ đó là lời Chúa, gương Chúa, ý Chúa và ơn Chúa, mà chỉ dựa trên một vài tiêu chuẩn truyền thống lỗi thời nặng về hình thức,  luật lệ và dư luận tùy tiện.

Cách sống đạo thiếu dấn thân  đang đi vào nguy cơ đức ái bị què quặt đui mù. Giống như người phú hộ Chúa nói trong Phúc Âm đã không thực hiện bổn phận liên đới với người hành khất Lagiarô ngồi ở cổng nhà mình.

Cách sống đạo thiếu tiên liệu đang đi vào nguy cơ đưa Hội Thánh đến chỗ cằn cỗi, tự huỷ. Giống như năm người trinh nữ khờ dại nói trong Phúc Âm. Cứ nhởn nhơ tự mãn với vẻ đẹp trinh trong bề ngoài của mình. Còn sự khôn ngoan bên trong thì lại không có. Ở đây, sự khôn ngoan là biết tiên liệu cho tương lai Hội Thánh địa phương của mình. Tiên liệu ít ra là ở chỗ đào tạo những nhân sự giàu khả năng phục vụ và phát triển bất cứ trong tình huống nào, nhất là đưa ra một con đường đổi mới có thực chất dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.

Cách sống đạo thiếu tỉnh thức đang đi vào nguy cơ dẫn Hội Thánh ra ngoài lề xã hội. Lịch sử chuyển biến từng ngày. Chuyển biến về xã hội, về văn hoá, về kinh tế, về tâm lý và về cảm tình tôn giáo. Nếu không bám sát, không theo dõi, không nắm bắt, không phân định, không kịp thời, thì Hội Thánh địa phương sẽ đi vào một cái chết được báo trước.

***

Tôi mong rằng những gì Toà Thánh mới nhắc lại về Fatima sẽ được chúng ta tiếp thu. Đừng tiếp thu kiểu tiếp thu một tin tức, nhưng hãy tiếp thu kiểu tiếp thu một Tin Mừng. Nghĩa là tiếp thu với tâm hồn khiêm tốn, gẫm suy và tìm hiểu ý Chúa, để mà thực thi. Nên nhớ rằng: không làm những việc phải làm cũng là tội. Tội sẽ dẫn tới tai hoạ. Đó là điều Đức Mẹ cảnh báo.

----------------------------

 

Bùi-Tuần 2247: SỐT SẮNG ĐÓN ĐỨC KITÔ BẰNG SÁM HỐI


+ GB. Bùi Tuần

Nhân ngày lễ thánh Gioan Baotixita (24-6-2021)

 

Xưa, thánh Gioan Baotixita đã dọn đường cho Chúa Cứu Thế bằng việc rao giảng sám hối. 2. Nay Bùi-Tuần 2247


1.
Xưa, thánh Gioan Baotixita đã dọn đường cho Chúa Cứu Thế bằng việc rao giảng sám hối.

2.
Nay, thánh Gioan Baotixita cũng đang tha thiết mong muốn những người Chúa gọi dọn đường cho Chúa Cứu Thế tại Việt Nam hôm nay, cũng hãy nhấn mạnh đến sám hối.

3.
Mong muốn trên đây của thánh Gioan Baotixita đang được thực hiện tại nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam này.

4.
Thực vậy, tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam lúc này đang coi sám hối là một việc đạo đức cần thiết.

5.
Hội Thánh Việt Nam vốn có sẵn một kho báu chứa đựng những lời kinh, những bài hát rất thiết tha về sám hối.

6.
Từ kho báu đó, rất nhiều tín hữu đang rút ra những lời kinh, những bài hát đẫm lệ, để trở về với Chúa trong tình hình phức tạp lúc này.

7.
Họ sám hối, để trở về với Chúa. Họ sám hối, để dọn đường cho Chúa. Dù nói cách nào, thì sám hối vẫn đang là một nguồn đem lại sự sống mới cho mọi tín hữu tại Việt Nam hôm nay.

8.
Sám hối là nguồn đem lại sự sống cho tôi. Sám hối là nguồn an ủi cho tôi.

9.
Sám hối nơi tôi dựa trên một lời của thánh Gioan Baotixita:

“Đây Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1,29)

Nhìn Chúa Giêsu là Đấng xóa tội, tôi hết sức vui mừng.

Thú thực là thường tôi ít cảm tạ Chúa vì đã ban cho tôi ơn nọ ơn kia, mà chỉ để ý cảm tạ Chúa, vì Chúa đã xóa tội cho tôi.

10.
Nhiều tội, mà được Chúa xóa đi, do lòng nhân lành của Chúa, đó là điều không những tôi tin, mà còn cảm nghiệm rõ ràng.

11.
Tới đây, tôi sực nhớ tới Lời Chúa Giêsu đã phán xưa.

“Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết.” (Lc 13)

Chúa nói đi nói lại đến ba lần.

Đọc kỹ đoạn 13, Phúc Âm thánh Luca, tôi thấy quá sợ, vì Chúa cảnh báo rất rõ.

12.
“Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết.” Tôi nghe Chúa đang nói lại lời cảnh báo nghiêm khắc đó tại Việt Nam hôm nay.

Sám hối, sám hối, sám hối, tôi coi đây là con đường sống còn Chúa vạch ra cho chúng ta.

13.
Thú thực là sám hối, tuy rất cần thiết, nhưng lại rất khó.

14.
Riêng tôi, tôi luôn coi sám hối là một ơn Chúa, mà tôi đón nhận, nhờ Đức Mẹ và Hội Thánh.

15.
Để biết đón nhận ơn sám hối, mọi người bất cứ ai, phải rất khiêm nhường.

16.
Nếu tôi miệng nói: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. “Nhưng trong lòng thì lại đổ lỗi cho người này, kết án người khác, thì chắc chắn tôi phạm tội thêm, chứ không đón nhận được ơn sám hối.

Thế mà chuyện như thế vẫn có thể xảy ra.

17.
Vì thế, tôi luôn phó thác cho Đức Mẹ việc sám hối hằng ngày của tôi. Đức Mẹ đã đang giúp tôi. Đức Mẹ khuyên tôi cũng hãy góp phần vào ơn sám hối.

18.
Thí dụ, những đau đớn tôi chịu hằng ngày, những gì xảy ra trái ý tôi hằng ngày, cũng có thể trở thành tài liệu tốt cho sám hối của tôi. Nghĩa là tôi chịu để đền tội.

19.
Tôi dùng sám hối để cảm tạ Chúa.
Tôi cảm tạ Chúa bằng sám hối.

20.
Điều quan trọng là nhờ sám hối tôi luôn được Chúa ở với tôi. Thánh Gioan Baotixita ở trong Chúa. Đức Mẹ cũng vậy. Tôi sống trong tình yêu bao la của Chúa. Tôi đi về với Chúa.

21.
Đó là niềm vui thắm thiết của tôi, một niềm vui đang làm cho tôi gần lại với đồng bào của tôi, nhất là với những đồng bào khổ đau.

22.
Sám hối là món quà quý giá Chúa ban cho các con yêu dấu của Chúa.

Long Xuyên, ngày 18.6.2021

-------------------------------

 

Bùi-Tuần 2248: TIẾNG GỌI CỦA SỰ TỈNH THỨC

 

Là người nghiên cứu tôn giáo chắc hẳn tôi luôn phải theo dõi những bài viết của Giám mục Bùi Bùi-Tuần 2248


1.  Là người nghiên cứu tôn giáo chắc hẳn tôi luôn phải theo dõi những bài viết của Giám mục Bùi Tuần, một trong những cây bút chủ chốt nhiều thập kỉ nay của Công giáo và Dân tộc. Một hai năm nay, vị Giám mục khả kính này đã có sự “tái xuất giang hồ” ngoạn mục, sau khi đã tuyên bố gác bút ở độ tuổi “cứng” của “xưa nay hiếm”.

Về văn phong bút lực của ngòi bút Bùi Tuần, nhà nghiên cứu Khổng Thành Ngọc cách đây nhiều năm đã có hẳn một bài viết rất hay, khẳng định một phong cách độc đáo không chỉ trong việc diễn giải về thần học, giáo lý mà còn sâu đậm tính cách văn chương rất đời qua những loạt bài của Đức Giám mục trên các tờ… báo Đạo, những cuốn sách đã trở nên nổi tiếng trong đông đảo bạn đọc cả nước.

Bữa nay, được đọc bài mới nhất của Giám mục, Tỉnh thức trong tình hình mới (trên Tuần san số…), tôi bỗng thấy có một cảm giác thật đặc biệt và không thể không “cất lời trao đổi”, chia sẻ. Cảm giác này với tôi có lẽ cũng không phải lần đầu. Nhiều năm trước đây khi đọc bài viết của Giám mục mà lâu tôi quên mất tên nhưng chắc chắn cái “lý thuyết bốn cửa” của Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi và hơn thế nữa, tôi coi đó như một trong những thí dụ của những suy tư Công giáo Việt Nam tiêu biểu, khi cần viết lách, giảng dạy…

2. Tên bài viết thực là gợi. Và ngay từ câu đầu tiên “Đất nước Việt Nam đang đi vào một tình hình mới”, từ những cái mới trong đời sống chính trị, xã hội, con người đã có những ý tưởng khiến ta không thể dứt khỏi nó. Chẳng hạn, tác giả viết tiếp: “Nhiều cái mới rất khó kiểm soát. Lòng người thay đổi càng không dễ khắc phục…”. Rồi ngay sau đó là những mệnh đề “cảnh giác trước những nguy cơ…với những chữ “nếu””…

Tôi nín thở để chờ đợi.

3.  Vậy tác giả cảnh giác chúng ta cái gì? Đánh thức chúng ta cái gì? Bốn lĩnh vực mà tác giả lựa chọn: tâm lý, tâm linh, đạo đức và đức tin. Đương nhiên là tôi hiểu ngay, chủ yếu tác giả muốn chia sẻ với những người đồng đạo, hay nói trong ngôn ngữ Công giáo, có gì đó “rao Giảng” với đàn chiên của mình.

Ở lĩnh vực tâm lý, sự tỉnh thức của tác giả cảnh báo tình hình mới có thể có trạng thái “bất bình, bất mãn”, đối nghịch với sự bình an, không chỉ là khao khát của người Công giáo mà của hầu hết người Việt Nam.

Ở lĩnh vực tâm linh, sự tỉnh thức của tác giả cảnh báo khi “hồn thiêng của văn hóa Việt Nam bị lãng quên dần” thì ngay trong lĩnh vực này, “tai hại sẽ khôn lường”.

Trong lĩnh vực đạo đức, sự tỉnh thức của tác giả cảnh báo (như nhiều người đã từng cảnh báo): “tình hình mới sẽ khó tránh được một cuộc khủng hoảng nặng nề về đạo đức, trong đó có khủng hoảng về niềm tin. Ngay trong gia đình, người ta cũng không còn tin nhau như trước. Phương chi trong xã hội. Giáo hội Việt Nam xem ra cũng không tránh được khủng hoảng về niềm tin. Không còn tin nhau, đó là một thảm kịch”.

Điều hấp dẫn tôi trong nhận định này là ở chỗ, tôi vẫn quen nghĩ rằng gia đình Công giáo (dĩ nhiên là ở Việt Nam) là một thành trì bền vững của “Hội thánh tại gia”. Không biết đây có phải là một trong những nhận định đầu tiên về khủng hoảng đạo đức ngay trong nội bộ Giáo hội?

Trong lĩnh vực đức tin (xin lỗi, sự lựa chọn lĩnh vực này chỉ là … đặc thù của ngòi bút tôn giáo), tác giả trở lại với vấn đề đức tin Ki-tô giáo, “Lời Chúa Giêsu và đời sống Chúa Giêsu”, cũng đồng thời quay trở lại với điểm xuất phát là gia đình. Niềm tin ấy, với tôi như có gì đó phát hiện, điều mà tưởng mình đã biết từ lâu, khi đọc tiếp câu này: “Khi làm tông đồ cho người khác, chúng ta không được quên làm tông đồ cho chính gia đình mình”.

4. Một bài báo ngắn mà tôi tóm tắt lại… hơi dài. Nhưng thực ra nỗi ám ảnh của sự tỉnh thức mà bài viết gợi cho tôi lại ở phía sau trang viết, phía sau ngôn từ. Có chăng chỉ là việc tác giả dùng chữ “nếu” rất thần tình. Người đọc không chỉ nhận thấy những cảnh báo đòi hỏi chúng ta phải tình thức (trong thực chất là cả trên phương diện ý thức công dân, dù với người Công giáo trước hết là trên phương diện Đức tin). Một bài báo hay, sâu sắc chắc hẳn phải có những “ma lực” như vậy.

Tôi đã đọc đi đọc lại bài này. Hóa ra, một bài viết ngắn khi có “ma lực” vẫn đủ gợi trong ta một thứ tình cảm trí tuệ, dẫn đến những nhận thức quan trọng về đất nước và thời đại, về những thời điểm lịch sử đặc biệt mà ở đó hơn lúc nào hết đòi hỏi sự tỉnh thức, dù bên Đạo hay bên Đời.

5.  Tôi muốn khép lại bài viết nhỏ này bằng sự so sánh. Khi còn nhỏ, ta nương nhờ sự tỉnh thức của cha mẹ. Khi chúng ta đã là người lớn, cộng đồng của những người lớn được gọi là xã hội, thì sự tỉnh thức nói chung phải của những đấng tiên tri, hiểu theo nghĩa đầy đủ của từ này. Chừng mực nào đó, tôi thấy ở bài viết này cũng có gì đó hơi hướng của…tiên tri.

Hà Nội ngày 2/08/2011
GS TS Đỗ Quang Hưng
Đại học Quốc gia Hà Nội
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo)


----------------------------

 

Bùi-Tuần 2249: Vài Suy Nghĩ Về Trường Hợp Ðức Cha J.B. Bùi Tuần


 - Lm Dao Kim

 

Ðức Cha J.B. Bùi Tuần là cha linh hướng của chúng tôi từ khi chúng tôi còn nhỏ, lúc mới bắt Bùi-Tuần 2249


Ðức Cha J.B. Bùi Tuần là cha linh hướng của chúng tôi từ khi chúng tôi còn nhỏ, lúc mới bắt đầu học lớp đệ thất (lớp 6) ở tiểu chủng viện Thánh Phụng, Châu Ðốc. Ngài vừa làm linh hướng, vừa dạy tu đức. Sau này lên tiểu chủng viện Thánh Têrêxa Long Xuyên, ngài làm giám đốc và dạy triết học. Khi giáo phận Long Xuyên được phép thành lập Ðại Chủng Viện Thánh Tôma, ngài vẫn tiếp tục dạy triết học cho các thầy và làm linh hướng.

Thượng tuần tháng 4, 1975, ngài được toà thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phó giáo phận Long Xuyên. Giữa những ngày rối loạn của đất nước tháng 4 năm ấy, ngài nhận được sắc phong chính thức của Toà Thánh Rôma. Mọi sự đã chuẩn bị cho lễ tấn phong là ngày 1 tháng 5 theo chương trình dự định. Nhưng giữa những dao động bất ngờ, đầy lo âu và hoang mang của hoàn cảnh đất nước, Ðức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã quyết định tấn phong Giám Mục cho ngài vào buổi chiều ngày 30 tháng 4, 1975. Buổi lễ phong chức đơn sơ trong im lặng tại nhà nguyện Ðại Chủng Viện Thánh Tôma, chỉ có vài người thân tín tham dự. Cuộc đời giám mục với thánh giá rất nặng nề trên vai theo ngài từ đó.

Là một người trí thức minh mẫn, đạo đức sâu xa, được uy tín trong giáo phận từ lâu, nên giữa lúc phong ba đầy kinh hoàng từ phút khởi đầu của chức vụ mới, ngài đã được toàn thể mọi tầng lớp trong giáo phận tin tưởng, yêu mến và cùng ngài gánh vác trọng trách nặng nề Chúa trao ban cho ngài trong thời điểm cam go này.

Nhờ sự thánh thiện cao vời, lòng yêu thương đoàn chiên, ngài đã được Chúa Thánh Linh soi sáng dẫn dắt, để tìm ra một chiều hướng mục vụ rõ rệt: tất cả vì tâm linh con người. Vì thế, dẫu có bị thiệt thòi, có bị hiểu lầm cách nào đi nữa, sự trung thành với đường lối phúc âm và lối đi mãi mãi là "Giới Răn Mới", ngài đ thu hoạch được những kết quả mục vụ rất đáng kể, mà không ai có thể nghĩ là do sức của con người trong lúc khó khăn nhất. Giáo hội ở mọi nơi đang bị thử thách lớn lao, ngài đã phong chức cho hơn một trăm tân linh mục, mở rất nhiều thí điểm truyền giáo, và đi khắp nơi trong giáo phận để thăm nom đoàn chiên, nhìn rõ tình hình, ban bí tích và dạy dỗ. Những cuộc tĩnh tâm hàng tháng cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh tại các gio hạt không bao giờ bị đình trệ, mặc dù với phương tiện di chuyển nghèo nàn, bằng xe lôi, xe kéo, thuyền đò, tắc ráng, trên những con lạch đìu hiu với tràm, với lau sậy, hay trên những con đường gồ ghề sỏi đá hoang tàn, bước chân của ngài không hề mệt mỏi. Ngài hoà đồng với dân chúng, không đòi hỏi cung phụng, săn đón, biểu ngữ dàn chào. Ngài ăn uống đơn sơ, bóc lá của chiếc bánh téc, bánh ít, bánh chưng, bánh gai và ăn trong khi di chuyển vội vã cho kịp thời giờ. Ðó cũng là một chuyện lạ, vì ngài đã từng đau dạ dầy rất nặng, phải cắt bớt dạ dầy để khỏi bị cơn đau hành hạ.

Sự hăng hái trong việc chăm sóc đoàn chiên, những ưu tiên cho công việc mục vụ, những giao tiếp bắt buộc phải có trong vấn đề xã hội và đời thường đã làm cho thời giờ của ngài trở nên quý giá, hiếm hoi, nhưng ngài vẫn giữ mãi những gì đã dạy học trò: dành giờ riêng tư thân mật để tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đã suy tư, vấn kế, cầu nguyện, tâm tình với Người Bạn và Người Thầy Chí Thánh của ngài, nên sức khoẻ tinh thần của ngài không sa sút, bài giảng của ngài không bị ảnh hưởng bởi thời giờ, vẫn là những lời vàng ngọc quý báu để hướng dẫn đoàn chiên, cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ðó là chưa kể đến những cuộc tĩnh tâm hàng năm kéo dài cả tuần lễ cho Hội Ðồng Giám Mục, các linh mục của nhiều giáo phận và các Dòng Tu khác nhau. Xen vào đó là những chuyến đi Rôma để tiếp xúc, hội họp và học hỏi.

Một đời sống như thế, một con người như thế, đã từ lâu và mãi mãi vẫn là tấm gương sáng, là mẫu đời sống lý tưởng của "Người Môn Ðệ Cha Kitô" cho chúng tôi. Do đó, một số anh em đã hợp tác với nhau để in tập sách "Làm Chứng Cho Ðức Kitô Ðến Tận Cùng Trái Ðất" như một kỷ niệm thân thương đánh dấu 25 năm cuộc đời Giám Mục của một bậc Thầy, của một người Cha, của một người đồng hành, mà chúng tôi luôn luôn kính yêu và khâm phục.

Ngay từ năm 1975, chúng tôi đã tự gom góp những bài giảng của ngài để in thành hai tập: "Giới Luật Yêu Thương" và "Nói Với Chính Mình". Trong tình thế khó khăn, hai cuốn sách chỉ được in ronéo và chuyền tay trong giáo phận Long Xuyên. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, hai cuốn sách đó được in lại tại rất nhiều nơi ngay trong nước, được phổ biến rộng rãi từ nam chí bắc. Sau đó, lại được in đi in lại do nhiều nhóm, nhiều nhà in ở hải ngoại. Ðó là điều chính ngài đã không tin ngay từ phút đầu, vì chính ngài đã rất ngần ngại cho chúng tôi phổ biến. Rồi sau đó, những bài viết, bài giảng của ngài vẫn tiếp tục không ngừng trong công việc giáo huấn. Sách của ngài đã được in ấn từ trong nước ra đến hải ngoại. Những cuốn sách của ngài luôn luôn là những chia sẻ, là những hướng dẫn cần thiết cho đời sống tâm linh trong hoàn cảnh hiện tại. Tư tưởng của ngài luôn là gắn bó với Ðức Kitô, sống theo đường lối Phúc Âm, trung thành với Giáo Hội, cải thiện nội tâm, ý thức truyền giáo cho chính mình và tha nhân... Những tư tưởng đó được nói với một tiếng nói khẩn thiết, van nài đầy yêu thương chia sẻ, bằng một tấm lòng rực rỡ thiết tha và khao khát "để Chúa được yêu mến" như Têrêxa Hài Ðồng, và bằng chính tri tim tràn đầy kinh nghiệm và thân thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong số những cuốn đã được in lại tại hải ngoại, có nhiều cuốn rất phổ biến như "Nói Với Chính Mình", "Giới Luật Yêu Thương", "Abba, Lạy Cha", "Ơn Trở Về", "Nói Với Giáo Dân" (nhiều tập), "Suy Nghĩ Về Chức Vụ Linh Mục", "Tâm Tình Dấu Chỉ", "Người Môn Ðệ Chúa Kitô"...

Tuy nhiên, cũng đã có những xuyên tạc tư tưởng và đường lối của ngài trong thời kỳ phong thánh Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Do những biạ đặt, lợi dụng sự thông tin liên lạc khó khăn, thích những bất ngờ vô căn cứ, một số tờ báo đã đăng những tin không đúng, những bình luận dựa trên tin tức không chính xác ấy, và báo này đăng lại bài của báo kia với hình thức vô tội vạ với hàng chữ "theo nguồn tin đáng tin cậy từ Rôma". Thế là một cách vô hình chung, đã gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, đụng chạm vào những cảm xúc, đường lối, lập trường chính trị của một số người. Sau này chúng tôi được biết là do một cựu linh mục vì lý do riêng tư đã bịa những tin nhằm ám hại ngài.

Ðể cải chính lại những hiểu lầm đó, thay vì những bài viết bênh vực hay tranh cãi, tờ báo Người Tín Hữu có mặt trong năm năm qua, số nào cũng đăng bài của Ðức Cha Bùi Tuần, với hy vọng là nếu độc giả đọc những bài viết của ngài, thì sẽ hiểu ra vai trò lãnh đạo và đường lối mục vụ của ngài trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp. Thế nhưng cũng vẫn có người viết thư chửi bới, trách móc, tẩy chay, vì "báo Người Tín Hữu đăng bài của cái tên gọi là giám mục Bùi Tuần", "Giám mục Bùi Tuần không được Toà Thánh lựa chọn chính thức, mà chỉ là giám mục được chọn sau 30 tháng 4 một cách vội vàng, không xứng đáng"... Và một tờ thông tin nhỏ khác từ Oregon số thng 9, 1999 cho ngài là "vị giám mục ỡm ờ" vì tờ thông tin đó đã dựa vào một nguồn tin thiếu kiểm chứng của một tờ báo khác bên Pháp (không trích dẫn và cũng không cho biết tên tờ báo nào) để kết án rằng ngài đã ngăn cản không cho các linh mục giáo phận của ngài đi tham dự Ðại Hội Ðức Mẹ La Vang!

Con người của ngài đặc biệt là khiêm nhường. Im lặng là giải pháp cho nhiều hoàn cảnh của ngài. Chúng tôi biết ngài không tranh cãi, không biện minh, vì ngài làm đúng theo lương tâm được hướng dẫn bởi Thánh Thần. Ngài cũng không muốn cho các học trò của ngài lên tiếng giùm Ngài. Nhưng sau 25 năm, chúng tôi tự nghĩ rằng, danh dự của ngài phải được tôn trọng. Lối đi của ngài trong đường hướng mục vụ phải được nhiều người thông rõ. Cách biết về một con người và đường lối của họ là nên nghe, nên đọc những tác phẩm của họ, và nhất là nhìn thấy thành quả của họ. Ðời sống của ngài đã chứng minh. Thành quả của ngài đã hiển nhiên. Tác phẩm của ngài đã công khai. Ðể tránh khỏi mọi hiểu lầm đáng tiếc, hoặc không bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến thiếu công bình, chúng ta nên đọc ngài, nên theo dõi công việc của ngài, và nhất là nên kiểm chứng những gì đang xảy ra nơi giáo phận của ngài. Ðiều tốt đẹp và hãnh diện nhất của ngài gần đây, là đã đóng góp rất nhiều công lao trong việc hiến dâng hai linh mục con cái của ngài trở thành hai vị giám mục cho Giáo Hội Việt Nam.

Bản chụp hai lá thư của chính ngài mà chúng tôi đính kèm sau đây không chắc đã là điều tốt cho những người liên hệ. Chúng tôi thành thật xin lỗi. Nhưng chúng tôi nghĩ là cần thiết để công bố trong giai đoạn này, hầu làm giảm bớt những nghi kỵ, những hiểu lầm, những xuyên tạc công kích không cần thiết trong hơn một thập niên qua. Nếu chúng ta là những người con của công bình bác ái, và tự nhận là người đã lãnh nhận đầy đủ những hoa trái của Thánh Thần, chúng ta phải xem lại sự việc một cách khách quan hơn, ngay thẳng hơn, lành mạnh hơn, công bình hơn.

Lm. Dao-Kim
Viết thay cho anh em LOGOS
và Người Tín Hữu

------------------------

 

Bùi-Tuần 2250: Có Ơn Chúa Thánh Thần

 

Để biết một gia đình, một địa phương có sung túc hay không, tôi thường quan sát ba điểm này Bùi-Tuần 2250


Để biết một gia đình, một địa phương có sung túc hay không, tôi thường quan sát ba điểm này: Một là nét mặt của họ, hai là mâm cơm của họ, ba là y phục của họ.
Để biết một gia đình, một địa phương có văn minh hay không, tôi không mấy quan tâm đến nhà cửa đồ vật của họ, nhưng tôi thường để ý đến con người của họ, với trình độ hiểu biết, với cách thức đối xử của họ. Bởi vì văn minh là ở con người.

Đó là những tiêu chuẩn để tôi nhận định.

Cũng thế, để biết một đời sống, một sáng kiến, một phong trào tôn giáo nào có thực sự do ơn Chúa Thánh Thần hay không, tôi cũng dựa vào một số tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn dùng đây không phải của tôi, mà của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Nói cho đúng thì cũng không phải của Đức Giáo Hoàng, mà là của Thánh Phaolô tông đồ. Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại những tiêu chuẩn này cho những người sùng kính Chúa Thánh Linh, khắc khoải muốn canh tân Giáo Hội. Những tiêu chuẩn này phải được coi là rất cần thiết để phân biệt cho đúng đâu là ơn Chúa Thánh Linh, đâu không phải là ơn của Ngài. Nhất là vì hiện nay, có nhiều hình thức nói là sống đạo, cũng như có nhiều ý kiến và việc làm đó đây, nói là để làm đẹp đạo Công Giáo chúng ta.

Hôm nay, tôi xin trình bày vắn tắt mấy tiêu chuẩn đó:

Tiêu chuẩn thứ nhất là trung thành với đạo lý chân chính của đức tin

Có nghĩa là, điều nào đi ngược với giáo lý chân chính của đức tin, thì không phải phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Bởi vì giáo lý là do Ngài, đạo đức cũng do Ngài, canh tân Giáo Hội cũng do ơn Ngài, thì tất nhiên, tất cả phải ăn hợp với nhau. Nói rõ hơn, mọi tư tưởng và việc làm, muốn được gọi là đạo đức xây dựng Giáo Hội, thì không thể trái ngược với giáo lý, là mẫu mực và là nền tảng, một giáo lý chỉ có thể do giáo quyền minh định.

Nếu đem tiêu chuẩn trên đây ra để xét các ý kiến được phát biểu đó đây, có liên quan đến việc cải tiến đạo Công Giáo chúng ta, chúng ta sẽ không thiếu những ý kiến phải bị loại trừ. Bởi vì nó trái ngược với giáo lý chân chính của đức tin, trái ngược với Chúa Thánh Thần.

Tiêu chuẩn thứ hai là tình yêu bác ái

Có nghĩa là điều nào trái ngược với tình yêu bác ái, thì không thể phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Bởi vì xem quả biết cây. “Hoa quả Chúa Thánh Thần là tình yêu bác ái” (Gl 5,21). Tình yêu bác ái như Đức Thánh Cha Phaolô 6 nói, không phải chỉ là một ân huệ của Chúa Thánh Thần, nhưng còn là chính sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn tín hữu. Tình yêu bác ái này là đỉnh chót mà mọi ân huệ của Chúa Thánh Thần đều qui hướng về, bởi vì “Chỉ tình yêu mới xây dựng” (Cr 8,1). Tình yêu bác ái này phải được cụ thể hơn trong đời sống thực tế, chứ không phải chỉ trong lý thuyết. Nó làm nên sự hiệp thông sâu đậm giữa các tâm hồn, thúc đẩy người ta chia sẻ tình yêu Thiên Chúa với những người chung quanh trong ý chí phục vụ. Đây là tiêu chuẩn bảo đảm nhất và có tính cách quyết định.

Nếu đem tiêu chuẩn này ra để kiểm tra các lối sống đạo, ta sẽ thấy nhiều lối sống đạo khó có thể được nhận là có ơn Chúa Thánh Thần. Bởi vì các lối sống đó, mặc dầu gần gũi nhà thờ kinh lễ, nhưng lại thiếu tình thương bác ái.

Tiêu chuẩn thứ ba là lòng biết ơn

Có nghĩa là điều nào cản trở tâm hồn ta tạ ơn Thiên Chúa, thì không phải phát xuất từ Chúa Thánh Thần . Lòng biết ơn là tâm hồn khiêm tốn, biết nhìn đúng thân phận bé nhỏ của mình đồng thời với sự cao cả của Thiên Chúa. Tâm hồn ấy sống trong tương quan sống động của niềm xác tín: “Không có Cha, con không thể làm gì”. Nhưng “Con có thể làm được tất cả trong Đấng làm cho con nên mạnh”. Vì thế, họ gắn bó với Ngài, cởi mở với Ngài bằng tinh thần tạ ơn và cầu nguyện. Tâm hồn đó biết mình được Chúa yêu thương, nên phấn khởi tìm kiếm đón tiếp Đấng yêu thương mình, và trung thành quảng đại với những đòi hỏi dấn thân cho tình yêu tuyệt đối đó, bằng cách xây dựng ích chung.

Nếu đem tiêu chuẩn này ra để nhận xét tâm hồn các tín hữu, ta có lý để lo ngại cho một số tâm hồn. Vì lòng biết ơn nơi họ đối với Chúa quá phôi phai lợt lạt.

Anh chị em thân mến,

Tôi vừa trình bày ba tiêu chuẩn để phân biệt đâu là ơn Chúa Thánh Linh, và đâu không phải là ơn của Ngài. Với ba tiêu chuẩn này tôi thấy, mặc dầu Giáo Hội ta có nhiều yếu đuối, nhưng vẫn chứa đầy hy vọng. Bởi vì Giáo Hội này là của ta, nhưng trước tiên Giáo Hội này là của Chúa Thánh Thần. Mà Chúa Thánh Thần là sức mạnh vượt trên mọi ranh giới, mọi tính toán, mọi khả năng trần thế và địa ngục. Ngài thinh lặng, nhưng để nói sâu vào lòng từng người. Ngài nhẹ nhàng, nhưng đề biến cải mạnh mẽ từng thế hệ. Ngài vô hình, nhưng để có mặt khắp nơi, trong mọi lịch sử, trong tâm hồn những ai thiện chí.

Ta hãy tin tưởng vào Ngài, hãy phó thác nơi Ngài, hãy cầu nguyện với Ngài. Ngài là sức mạnh, là tình yêu, là nguồn an ủi. Xin hãy đến và ở lại mãi mãi trong Giáo Hội ta, và trong lòng ta. Amen.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Long Xuyên ngày 3/6/1979

-----------------------

 

Tác giả: + GB. Bùi-Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây