Bí mật đầy kinh ngạc về CÁC LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC ---------------------------------
*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
----------------------------
Người dịch: Lucia Thanh Tâm.
Nguyên tác: THE AMAZING SECRET OF THE SOULS IN PURGATORY
An interview with Maria Simma
Tác giả: Nữ tu Emmanuel Mễ Du (Medjugorie)
In tại Hoa Kỳ năm 1997
Nhà xuất bản: Queenship Publishing Company
P.O. Box 42028 Santa Barbara, CA 93140-2028, USA
*****
Xin chân thành cảm tạ Quý vị đã cầu nguyện cho linh hồn Lucia Phạm Thị Thanh Tâm (+ 29/08/2021) Kính xin tiếp tục giúp lời cầu nguyện.
Có lần tôi được đọc một tác phẩm về các linh hồn trong Luyện Ngục làm tôi rất quan tâm. Nó gây cho tôi ấn tượng hết sức mạnh mẽ, vì liên quan đến những chứng từ rất gần đây và cũng giải thích rất tốt học thuyết của Giáo Hội về vấn đề này. Đó là quyển sách của bà Maria Simma, với tựa đề “Các Linh Hồn Trong Luyện Ngục Đã Bảo Tôi…”
Ngay lập tức, tôi viết thư cho nhà biên tập và được biết: bà Maria Simma hiện còn sống.
Vội vàng liên lạc với bà, tôi được bà cho gặp để trả lời vô số câu hỏi của tôi. Tôi rất mừng, vì mỗi khi có dịp nói chuyện hay thuyết giảng về các linh hồn đáng thương trong Luyện Ngục, tôi thấy thính giả của mình quan tâm rất nhiều và quan tâm một cách rất khác thường. Họ xin tôi kể thêm và cứ nài nỉ: “Xin nói thêm đi! Hãy cho chúng tôi biết thêm về các linh hồn ấy đi!” Tôi thấy rõ ràng đề tài này thỏa mãn một cơn khát khủng khiếp, đó là khát khao được biết cái gì chờ đợi mỗi người chúng ta, sau khi chúng ta chết.
Cũng cần phải nói: ngày nay (ở Âu Mỹ - LND), người ta hiếm khi nhắc nhở, dạy dỗ về điều này trong các giáo xứ, các lớp gíao lý, các gia đình. Vì vậy mới có một khỏang trống, một thiếu sót hết sức lớn, nếu không nói là một sự thiếu hiểu biết trầm trọng, thậm chí còn có cả một nỗi chua xót nào đó… về những thực tại liên quan đến sự chết.
Vì thế, tập sách nhỏ này, không chỉ giúp chúng ta loại bỏ vĩnh viễn nỗi chua xót về Luyện Ngục, mà mong sao nó còn soi sáng, để chúng ta hiểu rằng: kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta, cho định mệnh chúng ta, thì cực kỳ vĩ đại và huy hoàng, xứng đáng cho chúng ta vui mừng phấn khởi.
Ngoài ra, nó còn vạch cho chúng ta thấy: mình đang có trong tay một quyền lực lớn lao khi còn ở thế gian này, để có thể:
- một mặt, mang lại hạnh phúc cho linh hồn người thân đã qua đời, và
- mặt khác, tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.
Bà Maria Simma năm nay 82 tuổi. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ ở Sonntag, một ngôi làng xinh đẹp, thuộc miền núi Voralberg nước Áo. Chính tại đó mà tôi được gặp bà.
Maria Simma là người như thế nào?
Bà là một phụ nữ thôn quê, từ nhỏ đã biết cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục. Năm 25 tuổi, bà được Chúa ban một đặc sủng rất cá biệt trong Giáo hội, và cũng rất hiếm thấy, đó là đặc sủng được các linh hồn trong Luyện Ngục đến viếng thăm.
Bà là một giáo dân Công giáo nhiệt thành và có lòng khiêm nhường thẳm sâu – điều này gây ấn tượng rất mạnh nơi tôi. Bà cũng hết sức đơn sơ. Bà được Cha sở và Đức giám mục sở tại khuyến khích rất nhiều trong công tác này.
Mặc dù đặc sủng của bà cực kỳ khác thường, nhưng bà sống rất khó nghèo. Trong căn phòng nhỏ của bà, chúng tôi khó mà di chuyển được quanh mấy cái ghế. Bà mời chúng tôi ngồi.
Một đặc sủng khác thường ư?
Đúng thế, nhưng hiển nhiên, nó có nguồn gốc thâm sâu trong lịch sử Giáo hội, vì nhiều vị thánh – có phong thánh hay không – đã thi hành đặc sủng này…
Tôi có thể kể ra những vị như Thánh nữ Gertrude, Thánh nữ Catherine thành Genoa, vốn đã viết rất niều về đề tài này, Bà Maryam Chúa Giêsu, Thánh nữ Margaret Mary thành Paray-le-Monial người được thị kiến Thánh Tâm Chúa, Cha Thánh Vianney cha sở họ đạo Ars, Chân Phước Faustina (được phong thánh năm 2000 – lnd), Thánh Gioan Bosco, Chân Phước Maryam thành Bêlem, v.v…
Người ta có thể viết cả một quyển sách về đề tài này, mà thật ra tôi thấy đã có mấy quyển rồi! Khi xét kỹ những điều các vị thánh ấy giảng dạy, chúng ta thấy tất cả các ngài đều nói như nhau; còn bà Maria Simma thì chỉ sống trong đời thật các chứng từ tuyệt vời của các ngài thôi.
Vì lẽ đó, tôi đã không ngần ngại phỏng vấn bà, ngay trong lúc có nhiều thuận lợi, chẳng hạn như bà đang sống cùng thời với chúng ta và bà sẵn sàng để cho phỏng vấn.
Các bạn có thể dễ dàng hình dung ra cảnh tôi dồn dập đặt câu hỏi với bà…Tôi tận dụng cơ hội mà! Nhưng cũng có một chút trở ngại, đó là bà không nói một câu tiếng Pháp nào (Nữ tu Emmanuel Maillard là người Pháp, sống và làm việc tại Medjugorje (Mễ Du) - thuộc Bosina – LND), nên tôi phải nhờ tới một người thông dịch.
Để ngắn gọn và rõ ràng, tôi sẽ tóm lược một số câu trả lời của bà Maria, và đôi lúc tôi chuyển đến các bạn lời dịch những điều bà nói trực tiếp. Ở một đôi chỗ, tôi cũng sẽ thêm vào những lời bình luận của mình.
Thưa bà Maria, xin cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà được một linh hồn ở Luyện Ngục viếng thăm như thế nào?
- Vâng. Đó là vào năm 1940. Đêm ấy, vào khoảng ba, bốn giờ sáng, tôi nghe có tiếng người bước vào căn phòng tôi đang ngủ. Thế là tôi thức dậy. Tôi nhìn quanh, xem ai lại có thể vào tận đây.
Bà có sợ không?
- Không. Tôi không hề sợ. Mẹ tôi bảo tôi là đứa trẻ đặc biệt, vì từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã không bao giờ sợ hãi.
Vậy cái đêm đó…Bà kể đi!
- À, tôi thấy một người hoàn toàn xa lạ. Ông ấy đi qua đi lại trong phòng. Tôi nghiêm giọng: “Sao ông vào đây được? Ông đi đi!”
Nhưng ông ta tiếp tục bước, vẻ bồn chồn, làm như không nghe thấy gì. Tôi lại phải hỏi: “Ông làm gì vậy?” Vẫn không thấy trả lời, tôi liền nhảy ra khỏi giường để tóm lấy ông, nhưng chỉ tóm được không khí. Ở đó, không có gì hết. Thế là tôi quay về giường, nhưng lại tiếp tục nghe tiếng ông bước tới bước lui. Tôi thắc mắc: Tại sao mình trông thấy ông này mà không chộp được ông ? Tôi lại ngồi dậy để chạy tới chộp lấy ông ấy và chặn lại, không cho đi loanh quanh. Nhưng, thêm một lần, tôi chỉ chộp được không khí.
Bối rối, tôi quay về giường. Tôi không thấy ông trở lại, còn tôi thức luôn tới sáng.
Ngày hôm sau, sau khi dự Thánh Lễ, tôi đến kể hết mọi sự cho linh mục vẫn hay hướng dẫn tôi về các vấn đề thiêng liêng.
Cha bảo tôi: nếu việc này tái diễn, tôi không được hỏi “Ông là ai?”, mà phải hỏi “Ông muốn gì nơi tôi?”
Đêm hôm sau, người đàn ông đó trở lại, đúng là người đã đến đêm qua. Tôi hỏi: “Ông muốn gì nơi tôi?” Ông ấy trả lời: “Hãy xin cử hành ba Thánh Lễ cho tôi để tôi được giải thoát” . Tôi hiểu ngay, đó là một linh hồn trong Luyện Ngục.
Cha linh hướng của tôi cũng xác nhận với tôi như vậy. Cha còn khuyên tôi: đừng bao giờ từ chối các linh hồn đáng thương ấy, mà hãy hào phóng chấp nhận bất cứ điều gì họ xin.
Rồi sau đó, những cuộc viếng thăm có tiếp tục không?
- Có. Trong nhiều năm. Mấy năm đầu, chỉ có ba hay bốn linh hồn, thường đến nhất là vào tháng mười một. Về sau có nhiều hơn.
- Phần lớn, họ nhờ tôi xin các linh mục cử hành Thánh Lễ, cầu cho họ và tôi phải tham dự những Thánh Lễ đó. Họ cũng xin tôi lần hạt Mân Côi và đi Đàng Thánh Giá.
Đến đây một câu hỏi quan trọng được nêu lên: Chính xác thì Luyện Ngục là gì?
Tôi có thể nói: đó là một phát minh tuyệt vời của Thiên Chúa.
Xin mời các bạn xem một hình ảnh do tôi minh họa: Giả sử một ngày nọ, một cánh cửa bỗng mở ra, và một nhân vật lộng lẫy chói ngời xuất hiện. Ngài cực kỳ đẹp, một vẻ đẹp chưa từng thấy trên trần gian. Bạn bị mê mẩn và choáng ngợp vì nhân vật huy hoàng rực rỡ ấy. Bạn càng ngẩn ngơ hơn, khi nhân vật ấy tỏ cho bạn thấy Ngài đang yêu bạn một cách điên cuồng, trong khi bạn chưa bao giờ dám mơ tưởng mình lại được yêu nhiều đến thế.
Bạn cũng cảm thấy: Ngài đang hết sức ước muốn kéo bạn lại với Ngài, để kết hợp với bạn. Và ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong tim bạn đang thúc đẩy bạn quăng mình vào vòng tay Ngài.
Nhưng khoan! Ngay lúc ấy bạn nhận ra mình đã không hề tắm rửa từ nhiều tháng trời. Bạn quá hôi hám, mũi dãi lòng thòng, tóc tai bê bết mồ hôi và chất nhờn bẩn thỉu, quần áo nhếch nhác bám đầy bụi đất, v.v…
Thế là bạn tự bảo: “Không, tôi không thể đến với Ngài trong tình trạng này. Trước hết, tôi phải đi tắm rửa thật sạch sẽ, rồi sẽ trở lại ngay.”
Thế nhưng tình yêu nảy sinh trong bạn đã quá sâu đậm, nó bùng lên mạnh mẽ đến nỗi bạn không chịu đựng được thời gian trì hoãn dành cho việc tắm rửa. Và nỗi đau vì thiếu vắng Ngài, dù chỉ trong chốc lát, đã trở thành một vết thương như đâm xoạc tim bạn – một vết thương lòng.
Càng nhìn thấy Ngài đắm đuối vì bạn bao nhiêu, bạn càng thấy đớn đau khủng khiếp trong lòng vì thiếu vắng Ngài bấy nhiêu.
Luyện Ngục chính xác là như thế. Nó là sự trì hoãn gây ra, bởi chính tình trạng ô uế của chúng ta. Không được Thiên Chúa ôm ấp ngay, cho nên sự trì hoãn và chờ đợi ấy dẫn đến nỗi bồn chồn, như ngồi trên lửa và nỗi nhớ nhung da diết như cắt da cắt thịt. Đau đớn trăm bề…tất cả chỉ vì yêu. Chính sự nóng nảy và thèm khát này, tẩy sạch chúng ta khỏi mọi ô uế.
Luyện Ngục là nơi ta thèm muốn, khao khát Thiên Chúa đến điên cuồng, khao khát một vị Thiên Chúa, mà ta đã được biết và đã được thấy, nhưng chưa được kết hợp với Ngài.
Bây giờ tôi sẽ xin bà Maria nói rõ một điều căn bản: Thưa bà, mặc dù vậy, nhưng các linh hồn trong Luyện Ngục có vui mừng và hy vọng trong khi chịu đau khổ không?
- Có. Không một linh hồn nào muốn rời bỏ Luyện Ngục để quay về trần gian. Họ hiểu biết hơn chúng ta gấp trăm lần. Họ không hề muốn quyết định quay về với thế gian tăm tối.
Ở đây, chúng ta thấy đau khổ của Luyện Ngục, khác với đau khổ mà chúng ta biết trên trần gian.
Trong Luyện Ngục, mặc dù các linh hồn đau đớn khủng khiếp, nhưng họ lại chắc chắn sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa. Chắc chắn một cách không thể lay chuyển. Niềm vui của họ, lớn hơn nỗi đau. Chẳng có điều gì trên thế gian có thể khiến họ muốn sống ở đó lần nữa. Còn ở thế gian, chẳng ai chắc chắn về điều gì.
Thưa bà Maria, xin cho chúng tôi biết: chính Thiên Chúa đưa linh hồn vào Luyện Ngục hay chính linh hồn quyết định đi vào đó?
- Chính linh hồn muốn vào Luyện Ngục, để được tẩy sạch trước khi lên Thiên Đàng. Các linh hồn trong Luyện Ngục hoàn toàn bám chặt vào thánh ý Thiên Chúa. Họ vui mừng trong sự thiện, họ ước muốn điều tốt đẹp cho chúng ta và họ cũng rất yêu chúng ta. Họ kết hợp hoàn toàn với Thánh Linh của Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa.
Thưa bà Maria, vào lúc chết, người ta nhìn thấy Thiên Chúa trong toàn bộ ánh sáng hay chỉ thấy mờ mờ?
- Ánh sáng chỉ mờ mờ, nhưng lại đủ để gây ra cho linh hồn nỗi khát khao vô tận. Thật ra, nếu so với bóng tối của thế gian, thì ánh sáng đó là một ánh sáng chói lòa. Và cũng chẳng là gì, nếu so với sự sáng trọn vẹn, mà linh hồn sẽ biết khi lên Thiên Đàng. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến những “kinh nghiệm gần cái chết”. Linh hồn được ánh sáng ấy thu hút đến nỗi, nếu sau kinh nghiệm đó, mà phải trở lại trần gian trong cái xác của nó, thì linh hồn sẽ sống trong nỗi đau khổ quằn quại gấp bội.
Thưa bà, xin cho chúng tôi biết về vai trò của Đức Maria đối với các linh hồn trong Luyện Ngục.
- Ngài thường xuyên đến, để an ủi họ và cho họ biết họ đã làm nhiều điều tốt. Ngài khích lệ họ.
Có những ngày đặc biệt nào mà Đức Mẹ đến giải thoát họ không?
- Trên hết là ngày lễ Giáng Sinh, rồi đến lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Mẹ Lên Trời, và lễ Chúa Thăng Thiên.
Thưa bà, tại sao người ta vào Luyện Ngục? Những tội nào thường đưa người ta vào Luyện Ngục?
- Những tội chống lại đức ái, chống lại tình thương đối với người lân cận, sự cứng lòng, căm ghét, vu cáo, phỉ báng, thóa mạ…. tất cả những thứ đó.
Nói những điều tội lỗi, độc ác và vu khống, là một trong những tội báng bổ nặng nhất đòi hỏi sự thanh luyện lâu dài.
- Đúng vậy.
Ở điểm này, bà Maria cho chúng ta một thí dụ đã từng đánh động tâm hồn bà rất nhiều, mà tôi muốn chia sẻ lại với các bạn.
Bà được yêu cầu tìm một người đàn ông và một phụ nữ, xem họ có ở trong Luyện Ngục không. Kết quả tìm kiếm, khiến những người đã nhờ bà phải sửng sốt, vì người phụ nữ đã lên Thiên Đàng, còn người đàn ông vẫn ở Luyện Ngục.
Thật ra, bà này chết trong khi để cho phá thai, còn ông kia khi còn sống, vẫn hay đi nhà thờ, và hiển nhiên đã sống rất đạo đức, xứng đáng.
Thế là bà Maria tìm kiếm thêm thông tin, vì nghĩ mình có thể nhầm lẫn. Nhưng không, sự thật đúng như vậy. Cả hai người ấy qua đời hầu như cùng lúc, nhưng bà kia đã ăn năn thống hối và rất khiêm nhường, trong khi ông nọ chỉ trích tất cả mọi người. Ông ấy luôn than phiền và nói xấu người khác. Do đó ông phải thanh luyện trong thời gian dài.
Bà Maria kết luận: “Chúng ta không nên xét đoán theo bề ngoài”.
Những tội khác phạm đến đức ái là chối bỏ những người ta không ưa, từ chối làm hòa, từ chối tha thứ, và tất cả những chua cay trong đó.
Bà Maria cũng minh họa điểm này, bằng một thí dụ khác, khiến chúng ta phải suy nghĩ:
Một bà kia qua đời và phải vào Luyện Ngục, chịu đau khổ ở mức độ kinh khủng nhất. Và khi đến gặp bà Maria, bà ấy giải thích tại sao: Bà có một người bạn nữ giới, giữa họ xảy ra một mối thù ghét sâu đậm, do chính bà gây ra. Bà duy trì tình trạng thù ghét hết năm này sang năm khác, mặc dù bà bạn nhiều lần xin làm hòa, nhưng lần nào bà cũng từ chối. Đến khi lâm bệnh nặng, bà tiếp tục khép kín, từ chối hòa giải như bà bạn đề nghị, thậm chí ngay tại giường chết.
Tôi tin rằng thí dụ này có ý nghĩa rât lớn đối với những mối thâm thù kéo dài, cũng như đối với lời ăn tiếng nói của chúng ta. Chúng ta không bao giờ ước lượng được sức hủy diệt của một lời chỉ trích chua cay, hoặc khả năng chữa lành của một lời tử tế.
Thưa bà Maria, xin vui lòng cho chúng tôi biết: những ai có nhiều cơ may nhất để đi thẳng lên Thiên Đàng?
- Đó là những người có trái tim nhân hậu với tất cả mọi người. Tình thương che lấp vô số tội lỗi.
Phải, chính Thánh Phaolô đã bảo chúng ta như vậy!
Từ khi còn sống trên thế gian, ta có thể làm cách nào để tránh được Luyện Ngục và lên thẳng Thiên Đàng?
- Chúng ta phải làm rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Ngục, vì họ sẽ giúp lại chúng ta. Chúng ta phải thật khiêm nhường, vì đó là vũ khí lợi hại nhất chống lại ma quỷ, chống lại Thần Dữ. Khiêm nhường khiến ma quỷ bỏ chạy.
Đến đây, tôi không thể không kể cho các bạn một chứng từ dễ thương của Cha Berlioux (ngài đã viết một cuốn sách tuyệt vời về các linh hồn trong Luyện Ngục), liên quan đến việc các linh hồn giúp đỡ những người đã cầu nguyện và chịu đau khổ để giải thoát họ.
Ngài kể câu chuyện về một phụ nữ đã đặc biệt hiến dâng cả cuộc đời chăm lo cho các linh hồn đáng thương, để họ được cứu thoát. “Đến giờ chết, bà bị qủy tấn công điên cuồng vì chúng thấy bà sắp vuột khỏi tầm tay. Dường như cả hỏa ngục cùng xúm vào chống lại bà, chúng bao vây bà vòng trong vòng ngoài.
Sau một hồi chống cự trong đau đớn, người đàn bà hấp hối bỗng thấy một đám đông những người lạ, đẹp rạng ngời, bước vào phòng. Họ đánh đuổi bọn quỷ rồi tiến đến bên giường an ủi và khích lệ bà, bằng những lời của Thiên Đàng. Hơi thở thoi thóp nhưng lòng đầy vui sướng, bà cố kêu lên: “Các vị là ai? Là ai? Xin cho tôi biết các vị là ai, mà giúp đỡ tôi nhiều thế?”
Các vị khách nhân từ trả lời: “Chúng tôi là cư dân của Thiên Đàng, mà bà đã giúp đưa đến cùng Phúc Thật. Bây giờ đến lượt chúng tôi giúp lại bà, với tất cả lòng biết ơn, để bà có thể bước qua ngưỡng cửa Vĩnh Cửu, cứu bà thoát khỏi nơi thống khổ này, và đưa bà vào niềm vui của Thành Thánh.”
Nghe vậy, một nụ cười rạng rỡ nở ra trên gương mặt của người hấp hối. Rồi bà nhắm mắt, đi vào giấc ngủ bình an của Thiên Chúa. Linh hồn bà, trong trắng như chim câu, được trình diện trước vị Chúa của các chúa, được nhìn thấy vô số những người đã bảo vệ và bênh vực cho bà là các linh hồn bà đã giúp đỡ.
Và cuối cùng, linh hồn bà được nhìn nhận xứng đáng hưởng vinh quang. Bà bước vào Thiên Đàng, với chiến thắng và giữa những tiếng hoan hô và chúc lành của tất cả những người bà đã cứu khỏi Luyện Ngục.
Ước gì chúng ta, ngày nào đó cũng sẽ được hưởng hạnh phúc như vậy.”
Các linh hồn được giải thoát, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, luôn luôn biết ơn chúng ta. Họ giúp chúng ta trong cuộc sống, điều này dễ thấy nhất.
Tôi hết sức khuyên bạn hãy tự cảm nghiệm điều này!
Quả thật họ giúp đỡ chúng ta, họ biết chúng ta cần gì và họ xin được nhiều ơn cho chúng ta.
Thưa bà Maria, tôi đang nghĩ đến Người Trộm Lành ở bên cạnh Đức Giêsu trên Thập Giá. Tôi rất muốn biết ông đã làm gì cho Đức Giêsu, mà Ngài hứa rằng: ngay hôm ấy, ông sẽ ở trên Thiên Quốc với Ngài?
- Ông đã khiêm tốn chấp nhận đau khổ của mình, khi nói rằng: như thế mới công bình. Và ông đã khuyến khích ông ăn trộm kia, cũng nên chấp nhận đau khổ. Ông biết kính sợ Thiên Chúa, như vậy có nghĩa là khiêm nhường.
Còn một thí dụ rất hay do bà Maria Simma kể, cho thấy: một hành động tốt, bù đắp được cả một đời tội lỗi.
Ta hãy nghe câu chuyện từ chính miệng bà Maria:
- “Tôi biết một thanh niên khoảng 20 tuổi ở làng bên. Làng anh này phải hứng chịu một loạt những trận tuyết lở khủng khiếp, làm rất nhiều người chết. Một đêm kia, khi đang ở trong nhà với cha mẹ, anh nghe tiếng tuyết lở ào ào gần nhà, cùng những tiếng kêu cứu thất thanh: “Cứu chúng tôi! Cứu chúng tôi với! Chúng tôi bị kẹt dưới tuyết!”
Anh nhảy ra khỏi giường, phóng xuống cầu thang, để chạy đi cứu những người đó. Mẹ anh lúc ấy cũng nghe tiếng kêu cứu, nhưng bà chặn cửa lại, không cho anh đi: “Không! Để người khác cứu! Lúc nào cũng chúng ta sao? Bên ngoài quá nguy hiểm, mẹ không muốn có thêm một người nữa chết!”
Nhưng tiếng kêu cứu thất thanh đã khiến anh quá xúc động. Anh nhất định chạy đi cứu người. Anh đẩy mẹ sang một bên: “Không, con phải đi! Con không thể để họ chết như vậy!” Rồi anh lao ra bên ngoài, nhưng chính anh, ngay trên lối đi, đã bị tuyết đổ xuống đè anh chết. Ba ngày sau khi chết, anh đến tìm tôi vào ban đêm và bảo tôi: “Hãy xin cử hành ba Thánh Lễ cho tôi, để tôi được ra khỏi Luyện Ngục”.
Tôi đi báo tin cho gia đình và bạn bè anh, ai cũng kinh ngạc: khi biết chỉ cần sau ba Thánh Lễ, anh được thoát khỏi Luyện Ngục.
Bạn bè anh nói với tôi: “Nếu thấy hết những điều bậy bạ xấu xa anh ta đã làm khi còn sống, chẳng ai muốn chết như anh ta!”
Nhưng anh thanh niên lại bảo tôi: “Bà thấy đó, tôi đã hành động hoàn toàn vì yêu thương khi liều mạng đi cứu người. Nhờ vậy Thiên Chúa đã nhanh chóng đón tôi vào Thiên Đàng của Người. Phải, lòng bác ái che lấp vô số tội lỗi…”
Câu chuyên này cho ta thấy rằng: lòng bác ái, chỉ một hành động yêu thương vô vị lợi như thế, cũng đủ để thanh luyện anh thanh niên ấy khỏi một đời trụy lạc, và Chúa đã tận dụng khoảnh khắc đầy yêu thương ấy.
Thật ra, bà Maria Simma còn nói thêm rằng: chàng thanh niên ấy rất có thể sẽ chẳng có được cơ hội dâng hiến một hành động yêu thương vĩ đại như thế một lần nữa, và anh ta rất có thể trở nên tệ hại. Lòng thương xót của Chúa đã đem anh đi đúng vào lúc anh xuất hiện trước mặt Người một cách tốt đẹp nhất, tinh tuyền nhất, nhờ hành động đầy bác ái đó. Và vào giờ chết, mà biết phó mình theo ý Chúa thì quan trọng biết bao.
Bà Maria kể cho tôi về trường hợp một người mẹ sắp chết, và bà có tới bốn đứa con. Thay vì nổi loạn hoặc lo lắng, bà chỉ biết thưa với Chúa: “Con bằng lòng chết, nếu Chúa muốn, và con xin phó thác mạng sống con trong tay Chúa. Con xin trao hết con cái con cho Chúa, vì Chúa sẽ chăm sóc chúng nó thật tốt.”
Bà Maria nói rằng: người phụ nữ ấy nhờ hết lòng tín thác vào Chúa, nên đã được vào thẳng Thiên Đàng và tránh được Luyện Ngục.
Vì thế, quả thật chúng ta có thể nói rằng: thương yêu, khiêm nhường và từ bỏ chính mình để tuân theo ý Chúa là ba chìa khóa vàng mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta.
Thưa bà Maria, vậy đâu là phương thế hiệu quả nhất để giúp giải thoát các linh hồn khỏi Luyện Ngục?
- Phương thế hiệu quả nhất là Thánh Lễ.
Tại sao lại Thánh Lễ?
- Bởi vì Thánh Lễ, chính là Đức Kitô tự hiến mình, chỉ vì yêu chúng ta. Sự hiến dâng của Đức Kitô cho Thiên Chúa là sự hiến dâng tốt đẹp nhất. Khi dâng Lễ, linh mục là đại diện của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa tự hiến dâng chính mình và hy sinh chính mình cho chúng ta. Hiệu quả của Thánh Lễ càng lớn lao hơn nữa cho người đã qua đời, mà khi còn sống, đã biết tôn quý giá trị của Thánh Lễ.
Nếu khi còn sống, họ dự Thánh Lễ và cầu nguyện bằng con tim, nếu họ biết thu xếp giờ giấc để dự Lễ hằng ngày, thì họ sẽ hưởng lợi rất lớn từ những Thánh Lễ cầu cho linh hồn họ.
Gieo gì gặt nấy mà.
Các linh hồn trong Luyện Ngục thấy rất rõ vào ngày an táng của mình, người ta thật sự cầu nguyện cho mình hay chỉ hiện diện cho có mặt.
Các linh hồn đáng thương bảo rằng: nước mắt chẳng ích gì cho họ, chỉ có lời cầu nguyện mới có ích. Họ thường xuyên than phiền rằng người ta đến dự lễ tang, mà chẳng dâng một lời cầu nguyện nào lên Thiên Chúa, chỉ toàn khóc lóc, thật vô ích!
Liên quan đến Thánh Lễ, tôi xin trích dẫn một thí dụ rất hay do Cha Thánh Vianney là Cha Sở Họ Ars viết cho giáo dân của ngài. Ngài viết:
“Các con của cha, có một linh mục tốt lành kia mới mất một người bạn yêu quý, nên rất buồn và cầu nguyện sốt sắng cho linh hồn bạn được yên nghỉ. Một hôm, ngài được Chúa hé lộ cho biết: bạn ngài đang ở Luyện Ngục và đang đau khổ kinh khủng lắm. Vị linh mục tốt lành tin rằng: mình chẳng biết làm gì hơn cho người bạn đã qua đời, ngoài việc dâng lên Thiên Chúa Của Lễ Hy Sinh Thánh Thiện của Thánh Lễ. Vào lúc thánh hiến, ngài cầm Bánh Thánh bằng hai ngón tay và nói: “Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha hãy cùng con làm một cuộc trao đổi. Cha đang cầm giữ linh hồn bạn con trong Luyện Ngục, còn con đang cầm Mình của Con Cha trong tay. Vậy, lạy Cha nhân từ hay thương xót, xin Cha thả bạn con ra, rồi con sẽ dâng lên Cha Người Con Chí Ái của Cha, với mọi công nghiệp, từ cái chết và Sự Thương Khó của Người.”
Lời cầu xin đã được đáp lại.
Thật ra, vào lúc vị linh mục nâng Mình Thánh Chúa lên cho giáo hữu thờ lạy, thì ngài trông thấy linh hồn của bạn mình, chói lòa trong vinh quang, bay lên Thiên Đàng. Thiên Chúa đã chấp thuận cuộc trao đổi.
Các con của Cha hãy làm như thế, khi các con muốn giải thoát linh hồn người thân thương của mình khỏi Luyện Ngục. Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa Con Yêu Dấu của Người, qua Của Lễ Hy Sinh, kèm theo mọi công nghiệp từ cái chết và Sự Thương Khó của Người Con ấy. Chúa Cha sẽ không thể nào từ chối chúng ta một điều gì.”
Còn một phương thế khác cũng rất hiệu nghiệm để giúp đỡ các linh hồn đáng thương, đó là dâng lên Chúa những đau khổ, hoặc các việc đền tội của bạn, như ăn chay, từ bỏ, v.v…, và đương nhiên, cả những đau khổ ngoài ý muốn, như bệnh hoạn, hoặc tang chế.
Thưa bà Maria, rất nhiều lần bà được mời gọi chịu đau khổ cho các linh hồn đáng thương để cứu thoát họ. Bà có thể kể cho chúng tôi những cảm nghiệm đã trải qua trong những lần ấy không?
- Lần đầu tiên, linh hồn một phụ nữ đã hỏi tôi có phiền không, nếu tôi chịu đau đớn nơi thân xác trong ba giờ đồng hồ vì bà ấy, rồi sau đó tôi vẫn có thể làm việc như trước.
Tôi tự nhủ: “Nếu chỉ kéo dài trong ba giờ, rồi chấm dứt thì tôi chịu được.”
Trong ba giờ đó, mà tôi có cảm tưởng như ba ngày, tôi đau đớn quá sức. Nhưng nhìn đồng hồ thì quả thật chỉ có ba giờ. Linh hồn ấy cho biết: vì bác ái mà chấp nhận một sự đau đớn như thế trong ba giờ, tôi đã cứu bà ấy khỏi hai mươi năm trong Luyện Ngục!
Vâng, nhưng tại sao bà chịu đau đớn có ba giờ, mà lại tránh được những hai mươi năm trong Luyện Ngục? Những đau đớn của bà có gì mà giá trị đến thế?
- Vì những đau khổ trên trần gian không có cùng một giá trị. Khi chúng ta còn sống và phải chịu đau khổ, chúng ta có thể tăng trưởng trong yêu thương, có thể lập công phúc hay không là tùy theo thái độ của chúng ta.
Còn ở Luyện Ngục thì không. Ở Luyện Ngục, đau khổ dùng để thanh luyện chúng ta khỏi tội lỗi.
Trên trần gian, chúng ta có mọi ơn. Chúng ta có tự do để lựa chọn, để chấp nhận hay từ chối… Tất cả những điều ấy nghe rất phấn khởi, vì đem lại một ý nghĩa phi thường cho sự đau khổ của chúng ta. Những đau khổ, vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan, những hy sinh nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể làm, những đau đớn vì bệnh tật, tang chế, thất vọng… nếu chúng ta kiên nhẫn sống chung với những điều đó, nếu chúng ta đón nhận trong khiêm nhường, nếu chúng ta biết dâng lên Thiên Chúa …, thì đau khổ mang một sức mạnh chưa từng thấy trong việc giúp đỡ các linh hồn.
Theo bà Maria Simma, tốt nhất chúng ta nên kết hợp đau khổ của mình với đau khổ của Đức Giêsu, và đặt vào tay Mẹ Maria để Mẹ chuyển cầu. Ngài biết sử dụng cách tốt nhất, vì chúng ta thường không biết đâu là nhu cầu cấp bách nhất ở chung quanh chúng ta.
Dĩ nhiên, Mẹ Maria sẽ bù đắp lại cho chúng ta vào giờ chúng ta chết.
Bạn thấy đó, những đau khổ được dâng lên Thiên Chúa, sẽ là những kho tàng quý giá nhất cho chúng ta trong đời sau. Chúng ta phải nhắc nhở nhau về điều này và khích lệ nhau trong khi chịu đau khổ.
Một phương thế khác cũng rất hiệu nghiệm, theo lời bà Maria, đó là đi Đàng Thánh Giá, bởi vì, bằng cách chiêm ngắm những đau khổ của Chúa, chúng ta dần dần ghét tội và mong muốn nhân loại được cứu độ.
Khi chúng ta bắt đầu có xu hướng này, thì rất nhiều đau khổ của các linh hồn trong Luyện Ngục bắt đầu giảm bớt.
Các Chặng Đàng Thánh Giá còn thúc đẩy chúng ta đền tội. Chúng ta bắt đầu biết ăn năn khi đối diện với tội lỗi.
Còn một cách hữu hiệu nữa, đó là lần chuỗi Mân Côi. Lần hạt với tất cả bốn mầu nhiệm giúp ích rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Ngục. Nhờ chuỗi Mân Côi mà nhiều linh hồn được cứu thoát khỏi Luyện Ngục mỗi năm.
Ở đây cũng phải thêm rằng: chính Mẹ Thiên Chúa thường đến Luyện Ngục để giải thoát các linh hồn. Thật tuyệt diệu, vì các linh hồn trong Luyện Ngục gọi Ngài là “Mẹ Thương Xót”.
Các linh hồn cũng nói với bà Maria Simma rằng: những ân xá có giá trị vô song trong việc giải thoát các linh hồn. Đôi khi, có thể nói người ta thật tàn nhẫn, nếu không chịu sử dụng kho tàng mà Giáo hội đề nghị để cứu các linh hồn.
Đề tài về ân xá, có thể rất dài nếu giải thích ở đây, nhưng tôi xin giới thiệu với bạn văn bản tuyệt vời, do Đức Phaolô VI viết năm 1968 về vấn đề này. Bạn có thể hỏi Cha xứ của mình, hoặc hỏi nhà sách đạo bạn biết.
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng: phương thế tuyệt hảo để giúp các linh hồn trong Luyện Ngục là cầu nguyện nói chung, mọi loại cầu nguyện.
Đến đây tôi xin kể lại chứng từ của Hermann Cohen, vốn là một tín đồ Do Thái và là một họa sĩ trước khi theo Công giáo vào năm 1864, sau đó từ bỏ thế tục và gia nhập một dòng tu rất khắc khổ và trở thành linh mục. Cha có lòng sùng kính Thánh Thể sâu sắc và thường xuyên chầu Mình Thánh Chúa. Giờ chầu nào cha cũng nài xin Chúa giúp cho mẹ cha cải đạo, vì cha rất yêu mẹ.
Thế nhưng bà mẹ lại qua đời trước khi theo đạo Công giáo. Cha buồn đến phát bệnh. Cha phủ phục trước Mình Thánh Chúa, vô cùng rầu rĩ mà cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, đúng là Chúa ban cho con đủ thứ. Nhưng con, con có từ chối Chúa điều gì đâu? Tuổi trẻ của con, niềm hy vọng của con cho thế giới, cuộc sống của con, niềm vui có được một gia đình, nghỉ ngơi, vui chơi... Con hy sinh tất cả ngay khi Chúa vừa gọi con. Còn Chúa, lạy Chúa là Đấng Từ Bi Muôn Đời, Chúa đã hứa bù lại cho con gấp bội. Vậy mà Chúa từ chối con, chẳng quan tâm đến linh hồn mẹ con. Lạy Thiên Chúa của con, đến khi nào con chết vì cuộc tử đạo này thì con mới hết phàn nàn”. Cha khóc hết nước mắt.
Bỗng nhiên, một tiếng nói bí nhiệm cất lên: “Hỡi kẻ kém tin, mẹ con đã được cứu! Con nên biết rằng: sự cầu xin rất mạnh thế đối với Ta. Ta đã thu nhận mọi lời con dâng lên Ta vì mẹ con, và sự Quan Phòng của Ta đã chăm lo chu đáo cho bà trong giờ sau hết. Khi bà tắt hơi, Ta đã đến với bà. Bà nhìn thấy Ta và kêu lên: “Lạy Chúa là Chúa Trời tôi!” Con hãy can đảm lên, mẹ con đã thoát án phạt. Hãy cầu khẩn van xin sốt sắng, để mau chóng giải thoát linh hồn mẹ con khỏi vòng Luyện Ngục.”
Và chúng ta biết, qua một cuộc hiện ra khác không lâu sau đó, cha được cho biết mẹ cha đã lên Thiên Đàng.
Tôi cũng nồng nhiệt giới thiệu với bạn bản kinh của Thánh nữ Brigitta vốn được khuyên đọc nhiều nhất cho các linh hồn đáng thương trong Luyện Ngục. Tôi cũng muốn nói thêm một điều quan trọng khác. Các linh hồn trong Luyện Ngục không thể làm gì được nữa cho chính mình, họ hoàn toàn bất lực. Nếu người sống không cầu nguyện cho họ, thì họ bị bỏ rơi hoàn toàn.
Do đó, sẽ vô cùng ích lợi nếu người ta nhận ra rằng mỗi người đang có trong tay một quyền lực vô biên đến mức không thể tin được để giải thoát các linh hồn khỏi đau khổ.
Đứng trước một đứa trẻ bị ngã từ trên cây xuống rồi gãy xương, có lẽ chúng ta sẽ lập tức ra tay cứu nó không cần suy đi nghĩ lại. Chúng ta lao vào làm đủ cách để giúp nó.
Cũng thế, chúng ta nên chăm sóc thật chu đáo cho các linh hồn trong Luyện Ngục. Họ đang ngóng trông mọi sự từ chúng ta. Họ hết sức nhạy bén với từng dâng hiến nhỏ bé nhất, họ mong đợi tùng kinh nguyện dù ít ỏi sơ sài nhất của chúng ta, để được giải thoát khỏi đau đớn.
Mà việc giúp đỡ các linh hồn trong Luyện Ngục, có lẽ là cách thực thi bác ái tốt nhất, hay nhất cho chúng ta.
Để thí dụ, tôi nghĩ đến lòng tốt của người Samari nhân hậu trong Phúc âm dành cho người bị thương nặng gần chết, bị bỏ rơi bên đường. Mạng sống anh ta hoàn toàn tùy thuộc vào trái tim từ bi của người qua đường.
Thưa bà Maria, tại sao ở Luyện Ngục, người ta không lập công phúc được, mà ở trần gian thì được?
- Vì vào lúc chết, thời gian để lập công phúc đã chấm dứt. Bao lâu chúng ta còn sống ở trần gian, chúng ta còn có thể sửa chữa những điều xấu xa đã làm. Các linh hồn trong Luyện Ngục ghen tỵ với chúng ta về cơ hội này. Ngay cả các thiên thần cũng ghen với chúng ta, vì chúng ta có khả năng tăng trưởng, bao lâu chúng ta còn ở trần gian.
Nhưng những đau khổ trong cuộc sống, thường dẫn chúng ta đến chỗ nổi loạn và chúng ta rất khó chấp nhận sống chung với đau khổ.
Làm thế nào có thể sống chung với đau khổ để đau khổ mang lại hoa trái?
- Đau khổ là bằng chứng hùng hồn rằng: Thiên Chúa yêu ta rất nhiều, và nếu chúng ta biết dâng lên tất cả, thì đau khổ có thể cứu được nhiều linh hồn.
Nhưng bằng cách nào, chúng ta có thể chào đón đau khổ như một quà tặng, chứ không như một hình phạt (vì chúng ta vẫn coi nó là hình phạt)?
- Chúng ta phải trao hết cho Đức Mẹ. Ngài biết xử lý mọi sự và biết rõ nhất linh hồn nào đang cần sự hiến dâng nào để được cứu.
Về vấn đề đau khổ, tôi muốn kể cho các bạn nghe một chứng từ phi thường của bà Maria Simma.
Đó là vào năm 1954, một loạt những trận tuyết lở chết người đổ xuống gần ngôi làng kế cận làng bà Maria. Sau đó nó bỗng dưng ngừng lại một cách nhiệm mầu, khi đến sát bên làng, và vì thế, không gây thương vong nào.
Các linh hồn giải thích rằng: trong làng ấy có một phụ nữ qua đời. Trước đó bà bị bệnh, nhưng không được chăm sóc tử tế và đã chịu đau suốt ba mươi ba năm. Và bà đã dâng lên Chúa tất cả mọi đau đớn của mình, để cầu nguyện cho làng.
Theo lời các linh hồn, chính nhờ những dâng hiến của bà, mà ngôi làng thoát khỏi những trận tuyết lở. Bà đã kiên nhẫn chịu đựng đau khổ. Bà Maria cho rằng, nếu bà kia được hưởng một sức khỏe tốt, thì có thể cả làng đã không được cứu.
Bà còn nói thêm rằng: chịu đau khổ trong kiên nhẫn, có thể cứu được nhiều linh hồn hơn cả cầu nguyện (nhưng cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng được đau khổ).
Chúng ta không nên lúc nào cũng coi đau khổ là một hình phạt. Ta có thể chấp nhận đau khổ như một sự chuộc lỗi, đền bù, không những cho chính mình, mà trên hết, còn cho người khác.
Đức Kitô tuy vô tội, nhưng Ngài đã đau khổ để đền bù tội lỗi chúng ta.
Đến khi vào Thiên Đàng, chúng ta mới biết mình đạt được những gì, nhờ đã kiên nhẫn chịu đau khổ, kết hợp với đau khổ của Đức Kitô.
Thưa bà Maria, các linh hồn trong Luyện Ngục có nổi loạn khi đối diện với đau khổ không?
- Không hề! Họ muốn thanh tẩy chính mình; họ hiểu đau khổ là cần thiết.
Lòng thống hối ăn năn có vai trò gì trong giờ chết?
- Ăn năn thống hối rất quan trọng. Trong mọi trường hợp thì tội được tha, nhưng những hệ quả của tội vẫn còn đó. Nếu một người muốn được toàn xá (tha bổng) vào lúc chết, nghĩa là được đi thẳng vào Thiên Đàng, thì linh hồn phải thoát khỏi mọi ràng buộc.
Ở đây tôi muốn chia sẻ một chứng từ rất có ý nghĩa do bà Maria kể.
Bà được yêu cầu tìm ra linh hồn một phụ nữ, mà họ hàng tin là đã hư vong, vì lối sống kinh khủng của bà trước khi qua đời. Bà ấy bị tai nạn, rơi từ xe lửa xuống và chết.
Một linh hồn kể với bà Maria rằng: người phụ nữ ấy đã được cứu, được cứu khỏi Hỏa Ngục, bởi vì vào lúc chết, bà đã thưa với Chúa: “Chúa lấy mạng sống con thì rất đúng, vì con sẽ không thể nào xúc phạm Chúa được nữa”. Chính nhờ vậy, mà tội lỗi của bà đã được xóa.
Thí dụ này đầy ý nghĩa, vì nó cho chúng ta thấy rằng: chỉ một khoảnh khắc khiêm nhường và ăn năn vào lúc chết, cũng có thể cứu chúng ta.
Nói vậy không có nghĩa là bà ấy không phải vào Luyện Ngục, nhưng bà ấy tránh được Hỏa Ngục, mà có lẽ bà đáng phải chịu, vì sự bất kính, báng bổ của mình.
Thưa bà Maria Simma, tôi muốn hỏi bà: Vào lúc chết, trước khi bước vào vĩnh cửu, linh hồn có được ban cho một thời gian để quay về với Chúa hay không? Chẳng hạn như một thời gian giữa cái chết có vẻ thật và cái chết thật?
- Có chứ, có chứ, Chúa ban cho mỗi người nhiều phút để hối tiếc về tội lỗi đã phạm và để quyết định: Tôi chấp nhận, hay tôi không chấp nhận đi gặp Thiên Chúa. Lúc ấy, chúng ta được xem cuốn phim về cuộc đời minh.
Tôi biết có người đàn ông kia, tuy ông tin những gì Hội Thánh dạy, nhưng lại không tin có sự sống đời đời. Một hôm, ông lâm bệnh nặng và bị hôn mê. Ông thấy mình ở trong một căn phòng có treo tấm bảng ghi lại tất cả những gì ông đã làm, điều tốt cũng như điều xấu. Bỗng tấm bảng cũng như các bức tường của căn phòng biến đi hết, để lộ ra một quang cảnh đẹp không thể tả, khiến ông ngây ngất. Sau đó ông tỉnh dậy, ra khỏi cơn hôn mê và quyết định thay đổi lối sống.
Sự việc kể trên rất giống với chứng từ về “các kinh nghiệm và tình trạng cận tử - gần cái chết”, là một kinh nghiệm về ánh sáng siêu nhiên, khiến cho người ta không thể tiếp tục sống như trước.
Thưa bà Maria, mọi linh hồn có được nhìn thấy Thiên Chúa như nhau vào lúc chết không?
- Mỗi linh hồn được ban cho sự hiểu biết về cuộc sống của mình và cả những đau khổ sắp đến nữa, nhưng không phải ai cũng được như ai. Mức độ mà Thiên Chúa tỏ mình ra, tùy thuộc vào cuộc sống của từng người.
Thưa bà, ma quỷ có được phép tấn công chúng ta vào lúc chết không?
- Có, nhưng con người có ơn Chúa, để chống cự và xua đuổi nó. Vì vậy khi con người không muốn dính dáng gì đến ma quỷ, thì nó không làm gì được.
Đúng là một tin vui! Khi một người biết mình sắp chết, người ấy nên chuẩn bị thế nào cho tốt nhất?
- Trao phó mình hoàn toàn cho Chúa. Hãy dâng lên tất cả mọi đau đớn khổ sở của mình. Hãy hoàn toàn vui mừng trong Chúa.
Và người ta phải có thái độ nào trước một người sắp chết? Điều tốt nhất có thể làm cho họ là gì?
- Cầu nguyện thật nhiều! Hãy chuẩn bị cho họ chết. Người ta cần phải nói sự thật.
Thưa bà, bà có lời khuyên nào cho những người muốn nên thánh ngay từ đời này?
- Hãy khiêm nhường thật nhiều. Chúng ta không được tự mãn. Kiêu ngạo, là cái bẫy của ma quỷ.
Thưa bà, xin cho chúng tôi biết: Người ta có thể xin Chúa cho mình được trải qua Luyện Ngục ngay ở trần gian này, để sau khi chết, không phải vào Luyện Ngục không?
- Được chứ. Tôi biết một linh mục và một phụ nữ trẻ, cả hai đều bị bệnh lao và phải nằm bệnh viện. Người phụ nữ nói với linh mục: “Chúng ta hãy xin Chúa ban cho đủ sức chịu đau khổ từ trần gian này, để mai sau được vào thẳng Thiên Đàng.”
Linh mục trả lời rằng : ông không dám xin điều đó.
Gần bên có một nữ tu. Tất cả những gì hai người nói với nhau đã lọt vào tai bà. Người phụ nữ trẻ chết trước, linh mục chết sau, và ông hiện về với nữ tu, bảo rằng: “Giá mà tôi cũng biết trông cậy như chị kia, thì tôi cũng đã được vào thẳng Thiên Đàng như chị ta rồi!”
Xin cảm ơn bà về chứng từ tuyệt vời này!
Đến đây, bà Maria xin tạm ngưng năm phút để đi cho gà ăn. Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi ngay khi bà quay lại.
- Có, có một khác biệt rất lớn giữa các mức độ đau khổ tinh thần. Mỗi linh hồn có nỗi khổ riêng của mình. Có nhiều mức độ.
Các linh hồn có biết những gì sắp xảy ra trên thế gian không?
- Có, tuy không biết tất cả, nhưng họ biết nhiều điều.
Thỉnh thoảng các linh hồn ấy có nói với bà điều gì sắp xảy ra không?
- Họ chỉ nói đơn giản: “Sắp có chuyện” mà không nói rõ đó là gì. Họ chỉ nói những gì cần thiết cho người ta hối cải.
Thưa bà, có phải đau khổ ở Luyện Ngục thì ghê gớm hơn những đau khổ lớn nhất ở trần gian không?
- Phải, nhưng theo một cách tượng trưng. Đau khổ ở đây là đau khổ trong tâm hồn.
Vâng, tôi nghĩ khó mà mô tả được. À, Chúa Giêsu có đến Luyện Ngục không?
- Chưa có linh hồn nào nói với tôi như vậy. Nhưng Mẹ Thiên Chúa thường đến. Có lần tôi hỏi: một linh hồn tội nghiệp rằng: Có phải chính bà đã tìm được linh hồn mà người ta nhờ tôi kiếm giùm hay không?
Bà ấy trả lời: Không, nhưng do chính Mẹ Thương Xót cho tôi biết.”
Và các linh hồn trên Thiên Đàng cũng không đến Luyện Ngục, nhưng ngược lại, các thiên thần có mặt ở đó: Đức Thánh Micae, v.v…, và mỗi linh hồn có thiên thần bổn mạng ở cùng.
Tuyệt quá! Các thiên thần ở với chúng ta! Nhưng các ngài làm gì ở Luyện Ngục?
- Các ngài làm nhẹ bớt đau khổ và đem lại an ủi. Các linh hồn còn nhìn thấy các ngài nữa. Thật thích thú và kinh ngạc! Nếu bà cứ tiếp tục kể như vậy về các thiên thần, bà làm tôi muốn vào Luyện Ngục luôn!
Một câu hỏi khác: Như bà biết, ngày nay, nhiều người tin vào sự đầu thai. Vậy các linh hồn nói gì với bà về vấn đề này?
- Các linh hồn nói rằng : Thiên Chúa chỉ ban cho một cuộc sống mà thôi.
Nhưng một số người lại nói: nếu chỉ được sống có một kiếp thôi, thì không đủ thời gian để biết Thiên Chúa, và không đủ để hối cải, như vậy là không công bình. Bà trả lời họ thế nào?
- Tất cả mọi người đều có một đức tin nội tâm (lương tâm); ngay cả khi không giữ đạo, họ cũng ngầm nhận biết Thiên Chúa.
Một số người nói rằng họ không tin. Không hề có chuyện đó! Linh hồn nào cũng có lương tâm để nhận ra điều tốt xấu, một lương tâm do Thiên Chúa ban, một sự hiểu biết từ thâm tâm – trong nhiều mức độ, dĩ nhiên, nhưng ai cũng biết phân biệt tốt xấu. Với lương tâm này mỗi linh hồn đều có thể trở nên có phúc.
Điều gì xảy ra cho những người tự sát? Linh hồn họ có bao giờ đến thăm bà không?
- Cho đến nay, tôi chưa gặp một trường hợp tự tử nào mà bị hư vong luôn. Nói thế không có nghĩa là không có trường hợp bị hư vong, nhưng luôn luôn, các linh hồn nói với tôi rằng: kẻ đáng tội nhất, là những người chung quanh họ, khi họ xao lãng và hành động bừa bãi trong việc phổ biến sự báng bổ ấy.
Đến đây, tôi hỏi bà Maria: Các linh hồn có hối tiếc vì đã tự sát không?
- Có. Phần lớn họ tự sát vì bệnh tật. Các linh hồn này thật sự hối tiếc về hành vi của mình, vì khi được nhìn thấy sự việc trong ánh sáng của Thiên Chúa, họ hiểu ngay: tất cả những ơn Chúa đang để dành cho họ trong quãng thời gian còn lại, để họ có thể sống. Họ thật sự nhìn thấy thời gian này, mà lẽ ra họ còn tiếp tục sống, thời gian ấy có khi là nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Họ cũng nhìn thấy tất cả những linh hồn họ có thể giúp đỡ, bằng cách dâng lên Thiên Chúa phần đời còn lại của mình. Cuối cùng, điều khiến họ đau khổ nhất, là được xem thấy những việc tốt lành mà họ đã có thể làm nhưng không làm, vì đã trót tự mình thu ngắn đời mình mất rồi.
Tuy vậy, nếu nguyên nhân là bệnh tật, thì đương nhiên cũng được Chúa xem xét.
Thưa bà Maria, bà có được những linh hồn khi sống đã “tự hủy diệt”, bằng ma túy chẳng hạn, đến thăm không?
- Có, nhưng họ không bị hư vong. Tất cả tùy thuộc vào lý do tại sao họ dùng ma túy. Nhưng họ phải chịu đau khổ trong Luyện Ngục.
Nếu tôi nói với bà, chẳng hạn như tôi quá đau đớn trong tâm hồn, hoặc trong thân xác, tôi chịu không nổi, tôi muốn chết…Vậy tôi phải làm sao?
- À, trường hợp này rất thường xảy ra. Nếu là tôi, tôi sẽ nói: “Lạy Chúa của con, con xin dâng lên Chúa sự đau khổ này để cứu các linh hồn”. Điều này làm mới lại lòng tin và can đảm.
Nhưng ngày nay, đâu còn mấy ai nói như vậy… Chúng ta còn có thể cho rằng, khi dâng Chúa những đau khổ của mình, chúng ta đạt được một mức độ thánh thiện rất lớn, một hạnh phúc rất lớn, để được hưởng Thiên Đàng sau này. Trên Thiên Đàng có hàng ngàn loại hạnh phúc khác nhau, nhưng mỗi loại là một hạnh phúc hoàn hảo; mọi ước muốn đều được thỏa mãn. Mỗi người đều biết mình được hưởng công phúc trọn vẹn, không mong đợi gì nữa.
Thưa bà, có những người thuộc các tôn giáo khác, chẳng hạn như Do Thái giáo, đến thăm bà không?
- Có, họ được hạnh phúc. Bất cứ ai sống niềm tin của mình thật tốt, đều hạnh phúc. Nhưng bằng cách sống niềm tin Công giáo, chúng ta dễ lên Thiên Đàng nhất.
Có những tôn giáo làm hại linh hồn không?
- Không, nhưng trên thế gian, có quá nhiều tôn giáo! Gần gũi nhất là Chính Thống giáo và Tin Lành. Có rất nhiều người Tin Lành lần hạt Mân Côi. Nhưng các giáo phái thì rất xấu xa; phải làm mọi cách để đưa người ta ra khỏi các giáo phái.
Có các linh mục trong Luyện Ngục không?
(Tôi thấy bà Maria ngước mắt nhìn trời như muốn nói: Than ôi!)
- Có, nhiều lắm. Họ đã không khuyến khích, truyền bá lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể. Thế là khắp nơi đức tin phải chịu khổ. Họ ở Luyện Ngục thường vì lý do bê trễ cầu nguyện, mà bê trễ cầu nguyện làm cho họ giảm lòng tin. Tuy nhiên cũng có rất nhiều linh mục được vào thẳng Thiên Đàng!
Vậy bà có thể nói gì với một linh mục thật sự muốn sống theo Tình Yêu của Thiên Chúa?
- Tôi muốn khuyên ông hãy cầu nguyện thật nhiều cùng Chúa Thánh Thần, và lần hạt Mân Côi mỗi ngày.
Thưa bà Maria, có trẻ em nào trong Luyện Ngục không?
- Có, nhưng Luyện Ngục dành cho chúng không quá lâu hoặc quá đau khổ, vì chúng chưa biết phân biệt phải trái nhiều.
Tôi biết linh hồn một số trẻ nào đó đã đến thăm bà. Bà có kể câu chuyện của cháu bé bốn tuổi, đứa nhỏ nhất mà bà gặp… Nhưng xin bà cho biết: tại sao cháu lại ở trong Luyện Ngục?
- Trước đó, cháu được bố mẹ tặng món quà Giáng Sinh là một con búp-bê. Cháu này có một em gái sinh đôi và nó, cũng được tặng một con búp-bê. Cháu bé bốn tuổi đó làm hỏng búp-bê của mình. Thế là khi không ai để ý, nó lấy con búp-bê của em nó và tráo vào đó con búp-bê bị hỏng của mình. Nó biết rất rõ việc mình làm là gian dối và không công bằng, và cũng biết là nó làm cho em rất buồn. Chính vì vậy mà đứa trẻ đáng thương này khi chết, phải vào Luyện Ngục.
Thật ra, lương tâm của trẻ em thường mỏng manh hơn của người lớn. Người lớn cần nhất là giúp chúng chống lại tật nói dối. Chúng rất nhạy bén với những điều không thật.
Thưa bà Maria, cha mẹ làm thế nào để giúp hình thành lương tâm con cái mình?
- Trước tiên là bằng gương sáng, việc này quan trọng nhất. Rồi bằng cầu nguyện. Các bậc cha mẹ phải chúc lành cho con cái và dạy dỗ chúng thật tốt trong những điều thuộc về Thiên Chúa. Vâng, quan trọng thật!
Có lần nào bà được các linh hồn trước kia đã sống trụy lạc đến thăm không? Chẳng hạn như trong lĩnh vực tình dục?
- Có, họ không bị hư vong, nhưng phải chịu đau khổ rất nhiều, để được thanh luyện. Một thí dụ là sự đồng tính luyến ái, vì nó phát xuất từ Thần Dữ.
Vậy bà có lời khuyên nào cho tất cả những người mắc phải đồng tính luyến ái, cho những người có cái khuynh hướng đó không?
- Hãy cầu nguyện thật nhiều để được sức mạnh quay lưng lại với nó. Họ nên cầu nguyện trước hết cùng Đức Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Ngài là Thần Chiến Đấu Hoàn Hảo để chống lại Thần Dữ.
Thái độ nào của con tim có thể dẫn chúng ta vào đường hư vong linh hồn vĩnh viễn, tôi muốn nói là xuống Hỏa Ngục?
- Đó là khi linh hồn không muốn đi về hướng Thiên Chúa, khi linh hồn nói rõ: “Tôi không muốn”.
Cám ơn bà đã làm rõ điều này.
Đến đây tôi muốn nhắc lại câu hỏi trước kia tôi đã hỏi Vicka, một thị nhân ở Mễ-Du. Cô cũng nói với tôi rằng: người ta bị uống Hỏa Ngục –chính cô đã được thấy Hỏa Ngục – chỉ vì họ tự quyết định đi đến đó. Không phải Thiên Chúa cho người ta vào Hỏa Ngục! Trái lại, Ngài là Đấng Cứu Chuộc, Ngài nài van linh hồn ấy hãy đón lấy lòng thương xót của Ngài.
Tội chống lại Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu nói đến, vốn không được tha thứ, chính là sự dứt khoát từ chối Lòng Thương Xót, mà từ chối một cách đầy ý thức.
Đức Gioan Phaolô II giải thích điều này rất rõ trong thông điệp của ngài về Lòng Thương Xót. Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy mình có thể làm được rất nhiều bằng cách cầu nguyện cho các linh hồn đang có nguy cơ bị hư vong.
Thưa bà Maria, bà có một câu chuyện nào để minh họa điều này không?
- Một hôm tôi đang ngồi trên xe lửa. Gần đó có một người đàn ông không ngừng nói xấu về Giáo hội, về các linh mục, thậm chí về Thiên Chúa. Tôi bảo ông ta: “Nghe này, ông không có quyền nói như vậy, không tốt đâu!”
Ông ta nổi giận với tôi. Sau đó khi đến nhà ga của mình, tôi bước xuống xe và thầm thĩ với Chúa: “Lạy Chúa, xin đừng để linh hồn này bị hư mất.”
Nhiều năm sau, linh hồn của người đàn ông đó đến thăm tôi. Ông ta cho tôi biết ông đã đến sát bên Hỏa Ngục rồi, nhưng ông được cứu, chỉ nhờ lời cầu nguyện mà tôi dâng lên Chúa vào lúc ấy!
Vâng, thật là phi thường, khi thấy rằng: chỉ một ý nghĩ, một sự thúc đẩy của con tim, một lời cầu nguyện đơn sơ ta dành cho một người, lại có thể tránh cho người đó khỏi vào Hỏa Ngục. Chính sự kiêu ngạo, kiêu hãnh dẫn đến Hỏa Ngục. Hỏa Ngục chính là nói “không” một cách ngoan cố, cứng đầu với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta có thể gây nên một hành vi khiêm nhường nơi người sắp chết, chỉ một khoảnh khắc khiêm nhường thôi, dù nhỏ bé đến đâu, vẫn có thể giúp họ tránh được Hỏa Ngục.
Nhưng thưa bà Maria, dù sao cũng khó tin quá, vì làm sao người ta lại có thể nói “không” với Thiên Chúa, ngay lúc chết là lúc họ xem thấy Người?
- Tôi thí dụ nhé: Có lần một người đàn ông bảo tôi rằng: ông ta không muốn vào Thiên Đàng.
Tại sao? Vì Thiên Chúa chấp nhận sự bất công. Tôi bảo ông ta rằng: con người chấp nhận bất công, chứ không phải Thiên Chúa...
Ông ta vẫn tiếp tục nói: “Tôi hy vọng sẽ không gặp Thiên Chúa sau khi chết, nếu không tôi sẽ giết ông ấy bằng một cái rìu”.
Người đàn ông ấy cực kỳ căm ghét Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa ban cho con người ý chí tự do, Ngài muốn mỗi người đều có tự do lựa chọn. Thiên Chúa ban cho mỗi người, khi sống ở đời này và vào giờ chết, đủ ơn để hối cải, mặc dù đã sống suốt một đời trong bóng tối. Nếu người ta thành tâm cầu xin tha thứ, thì đương nhiên người ta có thể được cứu.
Đức Giêsu đã nói rằng: người giàu khó vào Nước Thiên Đàng. Bà có gặp trường hợp nào như vậy không?
- Có chứ! Nhưng nếu họ làm nhiều việc tốt, việc bác ái, nếu họ thực hành thương yêu thì họ cũng được lên Thiên Đàng như người nghèo.
Thưa bà Maria, dạo này các linh hồn trong Luyện Ngục còn viếng thăm bà không?
- Vẫn còn. Hai hay ba lần một tuần.
Thế à! Bà nghĩ sao khi những trò bói tóan, cầu cơ, gọi hồn người chết, đồng cốt, v.v…tràn lan khắp nơi?
- Không tốt đâu. Luôn luôn là do ma quỷ. Chính ma quỷ làm cho cái bàn cầu cơ chuyển động. Rất cần phải nói đi nói lại như thế! Người ta rất cần nghe điều này, vì ngày nay, hơn bao giờ hết, những trò vớ vẩn này đang lan rộng một cách nguy hiểm!
Thế việc bà đang sống với các linh hồn người chết có gì khác với việc gọi hồn?
- Chúng ta không được phép triệu tập các linh hồn về. Tôi không làm cho họ đến. Còn nơi những “ông đồng bàcốt”, người ta cố gây ra hiện tượng. Sự khác biệt này rất rõ ràng, và chúng ta phải coi là rất nghiêm trọng. Trong những điều tôi nói ra, nếu người ta chỉ muốn tin một điều mà thôi, thì tôi muốn họ tin điều này: Những người dính dáng vào những thứ như xoay bàn cầu cơ, gọi hồn và các việc tương tự, nghĩ rằng họ đang triệu tập linh hồn người chết. Nhưng trên thực tế, nếu có sự đáp ứng, thì đó luôn luôn – và luôn luôn – là Satan và các thần dữ của nó đang trả lời. Những người thầy cúng, thầy phù thủy, thầy pháp, đồng cốt,v.v... đang làm một việc vô cùng nguy hiểm cho chính mình và cho người đang đến xin mình lời khuyên. Những người đó chìm ngập trong những lời dối trá. Gọi hồn người chết về là điều cấm, tuyệt đối cấm. Phần tôi, tôi chưa bao giờ làm như vậy, tôi không làm như vậy và tôi sẽ không bao giờ làm như vậy. Khi có điều gì hiện đến với tôi thì đó là do một mình Thiên Chúa cho phép.
Đương nhiên, Satan có thể bắt chước những gì đến từ Thiên Chúa, và nó vẫn làm như thế. Nó có thể bắt chước giọng nói và vẻ bề ngoài của người chết. Đừng quên là nó còn có thể chữa lành, nhưng sự lành bệnh đó không bao giờ kéo dài.
Có lần nào ma quỷ đánh lừa bà bằng một cuộc hiện hình giả mạo không? Chẳng hạn như giả dạng một linh hồn trong Luyện Ngục đến nói chuyện với bà?
- Có. Một lần kia một linh hồn đến gặp tôi và nói: “Bà đừng nghe theo linh hồn sắp đến đây sau tôi nhé, vì họ sẽ xin bà chịu quá nhiều đau khổ để giúp họ. Bà chịu không xuể đâu. Bà không thể nào làm được điều họ xin!” Thế là tôi đâm ra bối rối, vì tôi nhớ Cha sở bảo tôi, phải chấp nhận yêu cầu của mọi linh hồn một cách rộng rãi. Bấy giờ tôi rất lúng túng, không biết có nên vâng lời ngài hay không. Chợt tôi hiểu ra: “Có lẽ ma quỷ đang đứng trước mặt mình, chứ không phải một linh hồn trong Luyện Ngục. Một con quỷ giả dạng chăng?” Thế là tôi quát: “Nếu là quỷ thì xéo ngay!” Lập tức, nó hét lên một tiếng rồi bỏ chạy. Thật ra, linh hồn đến gặp tôi tiếp sau, đó chính là một linh hồn đang rất cần tôi giúp đỡ, còn tôi lại rất cần lắng nghe linh hồn đó!
Khi quỷ hiện ra, thì nước thánh (nước phép) có luôn làm nó bỏ chạy không?
- Nước phép làm khổ nó rất nhiều, nó bỏ chạy ngay lập tức.
Thưa bà Maria, hiện nay bà rất nổi tiếng, nhất là ở nước Đức và nước Áo, và cũng ở khắp châu Âu, nhờ những cuộc trò chuyện và sách vở của bà. Thế nhưng vào buổi đầu, bà rất kín ẩn. Vậy làm thế nào, chỉ trong thời gian ngắn, người ta đã nhìn nhận những kinh nghiệm siêu nhiên của bà là xác thực?
- Đó là khi các linh hồn nhờ tôi nói với gia đình họ, đem trả lại những của cải mà họ đã chiếm hữu một cách không lương thiện. Người ta đã thấy điều tôi nói là thật.
Tới đây, bà Maria thuật lại vài chứng từ, nếu kể lại hết sẽ rất dài, vậy chúng tôi xin tóm lược: Nhiều lần các linh hồn đến tìm bà, nói rằng: “Bà hãy đến gặp gia đình tôi trong làng đó, thành phố đó… - những nơi bà Maria không hề biết – và bảo cha tôi, con trai tôi, em trai tôi… trả lại một bất động sản, hoặc một món tiền… mà tôi đã thu góp một cách bất lương. Tôi sẽ được giải thoát khỏi Luyện Ngục, khi những tài sản đó được trả lại cho chủ nó”.
Bà Maria được các linh hồn chỉ dẫn cặn kẽ, chính xác về mọi chi tiết liên quan đến cánh đồng, hoặc món tiền, hoặc nhà cửa…, và gia đình người chết thường rất sửng sốt, khi thấy bà này biết hết mọi chi tiết, vì ngay cả họ, cũng không biết và không ngờ người thân quá cố của mình đã chiếm đoạt các thứ ấy một cách bất chính.
Thưa bà Maria, giáo quyền có chính thức công nhận đặc sủng cá biệt liên quan đến các linh hồn trong Luyện Ngục mà bà đang thi hành, và cũng liên quan đến những người đã rất xúc động, vì việc tông đồ của bà không?
- Đức Giám mục của tôi bảo tôi rằng: bao lâu không có những sai lầm về thần học, thì tôi phải tiếp tục: ngài đã đồng ý về công việc này. Còn Cha sở của tôi, là người hướng dẫn tôi về mặt thiêng liêng, cũng chuẩn y những việc ấy.
Tôi muốn hỏi bà một câu hơi tò mò: Bà đã làm quá nhiều cho các linh hồn đáng thương, thế nên, khi đến lượt bà qua đời, chắc chắn hàng ngàn linh hồn sẽ hộ tống bà về Thiên Đàng. Tôi cho rằng bà sẽ không phải qua Luyện Ngục, chắc chắn như vậy, phải không ạ?
- Tôi không tin mình sẽ đi thẳng vào Thiên Đàng, mà không phải qua thời gian thanh luyện ở Luyện Ngục, bởi vì tôi đã được soi sáng nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn, và vì thế, lỗi lầm của tôi nghiêm trọng hơn. Nhưng dù thế nào, tôi luôn hy vọng: các linh hồn sẽ giúp tôi lên được Thiên Đàng!
Chắc chắn rồi! Thưa bà, bà có thích thú với đặc sủng này không? Hay nó là gánh nặng và là khó khăn cho bà, với tất cả những yêu cầu đó từ các linh hồn?
- Không, tôi không màng đến khó khăn, vì tôi biết mình có thể giúp họ rất nhiều việc. Tôi giúp được nhiều linh hồn và tôi rất hạnh phúc làm việc này.
Thưa bà, nhân danh các độc giả, xin cảm ơn bà về chứng từ rất độc đáo này. Nhưng còn một câu cuối cùng: Để chúng tôi biết rõ hơn về bà, xin nói thêm đôi điều về cuộc đời bà.
- À… từ khi còn bé tôi đã muốn đi tu, nhưng mẹ tôi bảo: hãy đợi đến hai mươi tuổi. Tôi không muốn lập gia đình. Mẹ tôi kể cho nghe rất nhiều về các linh hồn trong Luyện Ngục, và ngay từ thời còn đi học, các linh hồn đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Thế là tôi tự bảo mình phải làm tất cả cho họ.
Học xong tôi liền tính chuyện đi tu. Tôi vào dòng Nữ Tu Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng họ bảo: sức khỏe tôi qúa kém, không thể ở lại được. Lúc còn nhỏ tôi bị viêm phổi và viêm màng phổi. Mẹ Bề trên đã chuẩn nhận ơn thiên triệu của tôi, nhưng khuyên tôi nên vào một dòng nào dễ dàng hơn để chờ đợi.
Còn tôi chỉ muốn tu dòng kín và muốn đi ngay!
Nhưng sau khi thử thêm hai lần nữa, kết quả vẫn là: sức khỏe quá kém. Tôi rất buồn và tự nhủ rằng: đi tu không phải là ý Chúa dành cho tôi. Nhưng Người cũng không tỏ cho tôi biết Người muốn tôi làm gì.
Cho đến lúc tôi hiến mình phục vụ các linh hồn trong Luyện Ngục vào năm hai mươi lăm tuổi, thì Người đã để tôi chờ đợi tám năm.
Ở nhà chúng tôi có tám anh chị em. Tôi làm việc trong nông trại của gia đình từ khi mười lăm tuổi. Rồi tôi sang Đức giúp việc nhà cho một gia đình nông dân. Sau đó tôi đến làm việc trong nông trại ở Sonntag này. Từ năm hai mươi lăm tuổi, khi các linh hồn bắt đầu đến, tôi đã chịu nhiều đau khổ để giúp họ. Đến nay, như các bạn thấy: thì sức khỏe tôi đã khá hơn…
*****
Quả thật tôi rất vui sướng được gặp bà Maria Simma, người hiến trọn đời mình để phục vụ. Mỗi giây, mỗi giờ trong đời, bà đều có sức nặng của vĩnh cửu, không chỉ cho riêng bà, mà còn cho biết bao linh hồn, nổi tiếng hoặc vô danh, để rồi bằng nhiều cách và với biết bao yêu thương, các linh hồn đã được bà giúp thóat khỏi Luyện Ngục và vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Đàng.
Giờ đây, tôi xin đề nghị với tất cả các bạn: Chúng ta hãy quyết tâm: đừng để một ai trong chúng ta phải vào Luyện Ngục! Điều này hoàn toàn có thể thực hiện. Chúng ta có mọi thứ trong tay, để biến quyết định của mình thành sự thật. Tôi nhớ thánh Gioan Thánh Giá nói rằng: Chúa Quan Phòng luôn luôn ban cho mỗi người sự thanh luyện cần thiết trong cuộc sống, để khi chết, ai cũng có thể lên thẳng Thiên Đàng.
Chúa Quan Phòng đặt vừa đủ những khó khăn vào cuộc sống chúng ta, những thử thách, đau khổ, bệnh tật, lao nhọc v.v... hầu cho sự thanh luyện này, nếu được chúng ta chấp nhận, có thể đủ, để đưa chúng ta vào thẳng Thiên Đàng.
Thế nhưng, tại sao điều ấy vẫn khó xảy ra?
Bởi vì, chúng ta không đón nhận với lòng biết ơn, với lòng yêu mến, những quà tặng là thử thách ấy trong cuộc sống chúng ta, mà chúng ta lại nổi loạn. Hay nói cách khác, là không phục tùng, bằng cách phạm tội.
Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta ơn biết nắm lấy mọi cơ hội, để vào ngày chúng ta chết, Người sẽ nhìn thấy chúng ta sáng ngời, vì tinh tuyền và đẹp đẽ.
Đương nhiên, khi quyết định không để mình sau này phải vào Luyện Ngục, thì chúng ta phải ý thức rằng: con đường chúng ta chọn, sẽ không dễ dàng. Chúa không bao giờ hứa hẹn một con đường dễ dàng, nhưng vì có Chúa ở với chúng ta, nên con đường ấy bình an, hạnh phúc.
Quan trọng nhất, là chúng ta hãy tận dụng thời gian còn lại của mình trên trần gian. Thời gian ấy vô cùng quý báu, vì chúng ta vẫn còn cơ hội tăng trưởng trong yêu thương. Điều này có nghĩa là tăng trưởng theo hướng Vinh Quang sắp đến và theo hướng của cái đẹp vốn đã được định sẵn cho chúng ta. Mỗi giây mỗi phút, chúng ta đều có thể tăng trưởng trong yêu thương, nhưng các linh hồn trong Luyện Ngục thì không còn cơ hội nào nữa.
Ngay cả các thiên thần, cũng ghen với chúng ta về quyền lực này, đó là chúng ta được tăng trưởng từng phút trong yêu thương, bao lâu chúng ta còn sống ở đời này.
Mỗi cử chỉ yêu thương nhỏ bé chúng ta dâng lên Chúa, mỗi việc hãm mình hay ăn chay nhỏ bé, mỗi sự từ bỏ nhỏ bé hoặc nỗ lực nhỏ bé khi chiến đấu chống lại những khuynh hướng, những khuyết điểm của mình, mỗi lần tha thứ kẻ thù…, tất cả những việc chúng ta có thể dâng lên theo cách này, về sau, sẽ trở thành những trang sức lộng lẫy cho linh hồn chúng ta, sẽ là kho tàng đích thật cho hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.
Vì thế, chúng ta hãy nắm lấy mọi cơ hội, để được xinh đẹp như lòng Chúa ước mong.
Nếu được xem thấy vẻ huy hoàng của một linh hồn tinh tuyền, của một linh hồn đã được thanh luyện, trong ánh sáng trọn vẹn của linh hồn, thì chúng ta sẽ khóc vì vui sướng và kinh ngạc trước vẻ đẹp ấy.
Linh hồn của con người cực kỳ lộng lẫy trước mặt Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa muốn chúng ta trong sạch một cách hoàn hảo.
Chúng ta sẽ trở nên tinh tuyền không phải vì không thiếu sót theo cách của chúng ta, nhưng vì chúng ta ăn năn hối lỗi và vì chúng ta khiêm nhường. Bạn thấy đó, hai điều ấy khác hẳn nhau.
Các thánh không phải là những linh hồn không khuyết điểm, nhưng vì các ngài biết chỗi dậy và biết cầu xin tha thứ, sau mỗi lần vấp ngã.
Vì vậy, chúng ta hãy tận dụng những phương thế tuyệt diệu Chúa đặt vào tay chúng ta, để giúp các linh hồn đang đau buồn, khổ sở, vì ngóng đợi được chiếm hữu Thiên Chúa, Đấng vô cùng sáng láng huy hoàng, mà họ đã cảm nghiệm và khao khát với tất cả con tim.
Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng: lờì cầu nguyện của trẻ nhỏ có một sức mạnh đáng kể đối với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy dạy trẻ em cầu nguyện.
Tôi nhớ: có lần nói chuyện với một bé gái về các linh hồn tội nghiệp trong Luyện Ngục, rồi bảo cháu: “Nào, bây giờ cháu sẽ cầu nguyện cho linh hồn họ hàng và bạn bè đã qua đời nhé. Cháu có muốn đến trước Chúa Giêsu mà xin không?”
Cô bé đến cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu, rồi năm phút sau trở lại.
Tôi hỏi: “Cháu xin Chúa điều gì?”
- “Cháu xin Chúa giải thoát tất cả mọi linh hồn trong Luyện Ngục!”
Câu trả lời này gây ấn tượng sâu xa nơi tôi, và làm tôi nhận ra mình rất keo kiệt trong lời cầu xin, còn cô bé thì hiểu ngay, mình phải xin cái gì. Trẻ em hiểu rất nhiều, các cháu cũng có thể xin được rất nhiều ơn, từ tình thương của Thiên Chúa.
Có một điều liên quan đến những người đã về hưu hoặc những ai rảnh rỗi: Nếu họ đi dự Thánh Lễ thường xuyên, mỗi ngày, thì họ đang tích trữ một kho tàng ơn phúc, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho người thân đã qua đời và cho hàng ngàn linh hồn trong Luyện Ngục nữa!
Chỉ một Thánh Lễ thôi, cũng đã có một giá trị vô hạn.
Ước gì chúng ta nhận thức được tầm quan trọng vô song của Thánh Lễ! Chúng ta bỏ phí biết bao của cải thiêng liêng, chỉ vì ta thiếu hiểu biết, thờ ơ, hoặc chỉ vì ta lười biếng… trong khi với quyền lực trong tay, là hợp tác với Đức Giêsu Đấng Cứu độ chúng ta, chúng ta có thể cứu biết bao anh chị em mình khỏi Luyện Ngục!
Mẹ Giáo hội có nhiều kho báu dành riêng cho chúng ta, bây giờ chúng ta nhìn kỹ hơn vào một số kho báu ấy.
- “Nhờ các ân xá, người tín hữu có thể nhận được cho mình và cho các linh hồn trong Luyện Ngục sự tha thứ tạm thời cho hình phạt do tội lỗi gây ra.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, §1498)
Thế nào là một ân xá?
Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích như sau:
“Ân xá là sự tha thứ trước mặt Thiên Chúa, về hình phạt tạm thời gây nên bởi tội lỗi, mà tội đã được tha. Đức Giêsu ban cho các môn đệ, và như vậy ban cho Giáo hội, quyền năng ràng buộc và tháo cởi, và qua nhiều thế kỷ, bằng nhiều cách, Giáo hội đã xin Chúa Thương xót người sống và người chết.
Mọi vấn đề liên quan đến các ân xá, đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI xét lại. Có thể xem kết quả xét duyệt tại Sách về ân xá, Quy định và ơn ban, xb 29-1-1967 (Nxb Vatican).
“Mục đích mà Giáo quyền đeo đuổi trong việc ban các ân xá, không chỉ nhằm giúp đỡ các tín hữu đền bù hình phạt do tội, mà còn nhằm khích lệ họ thực hành các việc đạo đức, đền tạ và bác ái – đặc biệt các việc dẫn tới sự tăng trưởng trong đức tin và ủng hộ ích lợi chung.”
“Và nếu các tín hữu dâng hiến các ân xá, để cầu nguyện cho người chết, thì họ trau giồi đức ái một cách tối ưu, và trong khi hướng tâm trí lên trời, họ mang lại một trật tự khôn ngoan hơn cho các sự việc trần thế.”
“Mặc dù ân xá là những quà tặng nhưng không, nhưng ân xá được ban cho người còn sống hoặc đã qua đời, chỉ với những điều kiện đã được xác định, chẳng hạn ngươì tín hữu phải yêu mến Thiên Chúa, ghét bỏ tội lỗi, đặt lòng tín thác vào công nghiệp của Đức Kitô và tin mạnh mẽ vào sự trợ giúp to lớn họ nhận được, từ sự hiệp thông của các thánh.”
Sau khi cải tổ, mọi sự khác biệt về ngày, tháng, và năm đã được bãi bỏ; chỉ còn khác biệt giữa toàn xá và tiểu xá.
*****
Chúng ta cũng cần chú ý:
- Không được tặng lại ân xá cho một người còn sống.
- Toàn xá và tiểu xá đều có thể tặng lại cho người chết.
“ Tín hữu nào dùng thánh giá, tràng hạt, áo Đức Bà, ảnh đeo đã được linh mục làm phép, để tôn kính hay lần hạt, thì được một tiểu xá. Nhưng nếu sử dụng vật dụng tương tự, đã do Đức Thánh Cha hay Đức giám mục làm phép và sử dụng trong ngày lễ kính Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, được một ơn toàn xá, với điều kiện họ đọc lời tuyên xưng đức tin (kinh Tin kính).
Tại Mễ Du, ngày 18-7-1995, Đức Mẹ nói: “Các con thân yêu, hôm nay Mẹ mời gọi các con hãy đặt nhiều hơn nữa, các vật dụng đã được làm phép trong nhà mình, và kêu gọi từng người hãy mang trên mình một vật đã được làm phép. Hãy xin làm phép mọi vật dụng, và như thế Satan sẽ giảm sức tấn công các con, vì các con có vũ khí chống lại nó.”…
(Trích: Lm Mark, CMC: Luyện Ngục, cuộc thanh tẩy cuối cùng)
Điều thuộc Đức tin là: Giáo hội có quyền ban Ân xá (Điều 989, 998). Ân xá là ơn Giáo Hội ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh, để tha hình phạt tạm người ta phải chịu bởi những tội đã được Chúa tha.
Ân xá có hai loại: Đại xá hay Toàn xá (tha hết) và Tiểu xá (tha một phần). Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo luật 994).
Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:
1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm (Tông huấn Ân xá số 26).
2. Phải xưng tội vài ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, hay một kinh nào tùy lòng đạo đức mỗi người. Khi viếng nhà thờ để lãnh đại xá, sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin kính.
*****
Thánh nữ Brigitta nói: “Ai lãnh được một đại xá trước khi chết, thì sẽ được tha thứ và được rước vào Thiên đàng ngay, như khi vừa lãnh Bí tích Rửa tội mà chết vậy.”
Ngày 1.1.1967, Đức Giáo hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mỗi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24). Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24, 3).
Sau đây xin kể những kinh, những việc có đại xá, tiểu xá:
1. CÁC KINH CÓ ĐẠI XÁ (theo số trong Tông huấn):
22. Đọc kinh “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, rất cam thay…” (tức là kinh “Lạy Đức Chúa Giêsu nhơn từ và lòng lành vô cùng, này tôi sấp mình…”) sau khi Rước Lễ, các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương Khó. - Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
26. Đọc kinh “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội…” vào ngày lễ kính Trái Tim Chúa để đền tạ Chúa. - Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
27. Đọc kinh “Lạy Đức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng, là Đấng đã chuộc tội loài người ta…” vào ngày lễ Chúa Giêsu Vua. - Các ngày khác chỉ được tiểu xá.
48. Đọc chung và suy ngắm 50 kinh Mân Côi trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện công, hoặc với gia đình, cộng đoàn tu trì, hay hội đạo đức. - Ngoài ra chỉ được tiểu xá.
59. Hát kinh “Đây nhiệm tích vô cùng cao quý” (Tantum ergo) tối Thứ Năm Tuần Thánh và lễ Mình Thánh Chúa. - Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá.
60. Hát kinh Tạ Ơn Chúa (Te Deum) chiều ngày cuối năm. - Hát lúc khác chỉ được tiểu xá.
61. Hát kinh Đức Chúa Thánh Thần (Veni Creator) ngày đầu năm mới và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. - Các lúc hác chỉ được tiểu xá.
2. CÁC VIỆC CÓ ĐẠI XÁ
3. Viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. - Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
11. Viếng một trong bốn đại Thánh đường Rôma, vào lễ Bổn mạng đại thánh đường ấy, hoặc tùy chọn một lần trong năm.
12. Lãnh phép lành Đức Giáo Hoàng ban cho Rôma và thế giới (dù qua radio, TV).
13. Viếng nghĩa địa và cầu hồn, trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. - Viếng các ngày khác chỉ được tiểu xá.
17. Thờ lạy và hôn kính Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh theo nghi lễ Giáo Hội.
23. Dự nghi lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể.
25. Cấm phòng ba ngày trọn.
28. Giờ nguy tử, dù không thể có linh mục tới ban các bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo Hội cũng ban đại xá cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinhcầu nguyện (trường hợp này, thói quen đó thay cho ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Đức Giáo Hoàng).
Người nguy tử hôn kính tượng Thánh Giá, giục lòng ăn năn tội để lãnh đại xá.
35. Dùng Thánh Giá, tràng hạt, ảnh đeo do Đức Giáo Hoàng hay Đức Giám Mục làm phép (để tôn kính, lần hạt…) vào ngày lễ kính hai thánhTông đồ Phêrô, Phaolô, và đọc bản tuyên xưng Đức Tin (kinh Tin Kính).
Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo do Linh mục làm phép chỉ được tiểu xá.
41. Nghe vài bài giảng trong kỳ có Linh mục tới giảng đại phúc, cấm phòng và dự nghi lễ trọng thể bế mạc. - Nghe các bài giảng lúc khác chỉ được tiểu xá.
42. Người rước Lễ lần đầu và những người dự Thánh Lễ ấy.
43. Linh mục dâng lễ đầu tay trọng thể và những người dự Thánh Lễ ấy.
49. Linh mục tuyên hứa lại trung thành với Ơn gọi tu trì và những ai dự lễ trọng kỷ niệm 25, 50, 60 năm thụ phong Linh mục.
50. Cung kính đọc Kinh thánh đủ nửa giờ. - Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.
63. Viếng và suy gẫm đủ 14 chặng Đàng Thánh Giá. Đi từng nơi, nếu ít người.
65. Viếng nhà thờ giáo xứ ngày lễ Bổn mạng nhà thờ ấy, hoặc ngày 02 tháng 8 (ngày đặc ân Portiuncula của nhà thờ Thánh Phanxicô tại nước Ý).
66. Viếng nhà thờ, hoặc bàn thờ, ngày được làm phép hiến thánh.
67. Viếng nhà thờ, hoặc nhà nguyện công hay bán công, vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ các Thánh, để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.
68. Viếng nhà thờ, nhà nguyện dòng, ngày kính vị Thánh Sáng lập.
69. Dự một nghi lễ tại nhà thờ, trong thời gian Đức Giám mục hay Đại diện thăm mục vụ Giáo xứ. - Nếu chỉ viếng nhà thờ trong thời gian đó chỉ được tiểu xá.
70. Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tích Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội, theo cách Giáo hội quen dùng (từ bỏ ma quỷ, tin kính Thiên Chúa). - Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá.
3. CÁC KINH CÓ TIỂU XÁ
2. Kinh Tin, Cậy, Mến và kinh Ăn năn tội.
6. Kinh “Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người…”
9. Kinh “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin…” hoặc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng…”
10. Kinh “Lạy Linh hồn Chúa Kitô…”
16. Kinh Tin kính các Thánh Tông đồ (“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất…”
19. Kinh Vực sâu
29. Kinh Cầu Tên Đức Chúa Giêsu, kinh Cầu Trái Tim Chúa, kinh Cầu Máu Thánh Châu Báu Chúa, kinh Cầu Đức Bà, kinh Cầu Ông Thánh Giuse, kinh Cầu Các Thánh.
30. Kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa …” (Magnificat)
32. Kinh Hãy nhớ (“Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ…”)
33. Thánh vịnh 50 (Thống hối)
37. Kinh cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ (được giáo quyền chuẩn nhận)
38. Dùng ít phút cầu nguyện thầm trong trí.
39. Lời nguyện cho Đức Giáo Hoàng (“Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng…”)
44. Cầu nguyện cho Giáo hội hợp nhất (theo bản kinh được chấp nhận)
46. Lời cầu nghỉ yên (Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy).
51. Kinh Lạy Nữ Vương (Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống…)
54. Tôn kính các Thánh theo ngày chỉ trong lịch Công giáo (đọc lời nguyện theo sách lễ, hoặc đọc kinh kính vị Thánh ấy).
57. Kinh Trông cậy (Chúng con trông cậy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời…)
4. CÁC VIỆC CÓ TIỂU XÁ
Tiểu xá ban chung cho tín hữu nào, trong khi làm việc bổn phận và chịu gian nan ở đời, hướng tâm trí lên cùng Chúa, khiêm nhường trông cậy, thầm đọc một lời cầu xin (để giữ và gia tăng sự kết hợp với Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:
- “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở.” (Matthêu 7,7-8)
- “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.” (Matthêu 26,40)
- “Dù ăn uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì vinh danh Chúa” (1Côrinhtô 10, 31).
- Công đồng Vaticanô 2, Hiến chế Giáo hội số 41, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 4 cũng khuyên những lời tương tự.
Tiểu xá ban chung cho tín hữu sống trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:
- “Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn… Khi Ta đau yếu, ngươi đã thăm viếng…” (Mt 25, 35-36).
- “Ai có của, khi thấy anh chị em mình túng cực, mà khóa lòng lại, hỏi kẻ ấy có thật lòng yêu mến Chúa chăng?” (1Gioan 3, 17-18).
- Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 8, số 31, Hiến chế Giáo hội Trong Thế giới Ngày nay số 93 cũng khuyên những lời tương tự.
Tiểu xá ban chung cho tín hữu sống trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ như Chúa Kitô), vì Chúa đã phán:
- “ Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23).
- “Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, anh em sẽ được sống.” (Rôma 8, 13).
- Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Huấn luyện Linh mục số 9, Hiến chế Giáo hội số 10, số 41 cũng có những lời khuyên tương tự.
15. Rước Lễ thiêng liêng (Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con…)
20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công giáo.
34. Tham dự làm Tuần Chín Ngày tại nhà thờ trước lễ Giáng Sinh, lễ Hiện Xuống và lễ Mẹ Vô Nhiễm.
45. Dự cấm phòng tháng
55. Cung kính làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
*****
LẠY CHÚA, XIN CHO CÁC LINH HỒN ĐƯỢC NGHỈ YÊN MUÔN ĐỜI, VÀ CHO ÁNH SÁNG NGÀN THU CHIẾU SOI TRÊN CÁC LINH HỒN ẤY. --------------------------------------------------
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (14 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3