*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện, vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng.
Ông là người đã có công vượt núi, trèo non, để đi Tây Trúc thỉnh Kinh, đem về phổ biến cho dân gian.
Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng.
Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Ðường, không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu, mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân.
Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Ba cái tên này chính là ba nết xấu, mà thiền sư họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua, để đạt chính quả.
Ba nết xấu đó là:
- Lòng kiêu căng.
- Lòng ham vật dục và
- Tính lười biếng.
Ra đi là chết trong lòng một ít...
Thiền sư họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn, vì những tham sân si trong lòng thầy.
*****
Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: Đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu.
Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số... Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn.
Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc.
- Ra đi, có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau.
- Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.
*****
Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy của các xứ truyền giáo.
Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ...
Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thực tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực, cho thể xác cũng như tinh thần.
Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra khỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của chúng ta, để mặc lấy một cái nhìn nhạy cảm hơn, trước sự hiện diện của tha nhân.
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués, quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Em-maus, nhằm giúp những người bần cùng, tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Em-maus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát, ở vòng đai của thành phố Paris, vào hồi đệ nhị thế chiến.
Những người khách đầu tiên của tổ ấm này, là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là:
"Bạn không được may mắn,
nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...".
Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình.
Ai cũng muốn mình trở thành hữu ích cho người khác.
Ðó là niềm tin, mà cha Pierre luôn khơi dậy, nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Em-maus cho cộng đồng của Ngài, là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu, trong buổi chiều Phục Sinh.
Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến, mang lại niềm tin cho họ.
Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài, đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu, giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát.
Chính vì thế, mà cộng đồng Em-maus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, để chế biến và bán lại, như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.
Hiện nay, phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới, với khoảng 290 cộng đồng.
Tất cả mọi người trong cộng đồng, đều sống với niềm hy vọng, từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
*****
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Em-maus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: Hết mộng: “công hầu khanh tướng”, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng.
Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề.
Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ.
- Cái chết mang một ý nghĩa mới,
- mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc,
- thất bại trở thành khởi điểm của thành công,
- buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
10 giờ đêm ngày 14 tháng 4 năm 1912, chiếc tàu du lịch mang tên Titanic của Anh Quốc đã đâm phải một tảng băng giữa khơi Ðại Tây Dương.
Bốn giờ đồng hồ sau, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi giữa lòng đại dương...
Cuộc đắm tàu thảm thương ấy đã là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương.
Những người sống sót đã thuật lại sự can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ đoàn.
Họ kể lại rằng nhiều người vợ đã khước từ sự cứu vớt, để ở lại và cùng chết với chồng.
Giữa bao nhiêu gương hy sinh vĩ đại ấy, những người sống sót, còn kể lại một câu chuyện, vì xem ra, người ta chỉ muốn biết vì óc tò mò, hơn là vì thán phục. Ðó là câu chuyện của một người đàn bà sau khi đã được đưa lên boong tàu, để chuẩn bị được cứu vớt, đã xin được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng, để thu nhặt một ít đồ vật quý giá. Người ta chỉ cho bà đúng ba phút để làm công việc đó.
Người đàn bà vội vã chạy về phòng ngủ của mình. Dọc theo hành lang, bà thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang và đồ vật quý giá.
Khi đến phòng ngủ của bà, người đàn bà đưa mắt nhìn các thứ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng bà chỉ nhặt đúng ba quả cam và chạy lên boong tàu.
Trước đó vài tiếng đồng hồ, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà không bao giờ chú ý đến ba quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống, thì giá trị của sự vật bỗng bị đảo lộn:
Ba quả cam,
trở thành quý giá hơn cả tấn vàng và kim cương, hột xoàn.
*****
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để đánh giá sự vật và các biến cố trong tương quan với sự sống vĩnh cửu.
Chúng ta được mời gọi để nhìn vào sự vật bằng chính ánh sáng vĩnh cửu. Ðó là cách thế duy nhất để chúng ta tìm ra được ý nghĩa và giá trị đích thực của sự vật.
Thánh Matthêô và Luca có ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ, cho thấy cái nhìn của chính Thiên Chúa:
Ngày nọ, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ. Người quan sát những người đến trước hòm tiền để bố thí. Ða số là những người giàu có. Chợt có một quả phụ nghèo nàn cũng tiến đến bên hòm tiền. Bà chỉ bỏ vỏn vẹn có vài xu nhỏ...
Vậy mà, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng:
“Bà ta là người dâng cúng nhiều hơn cả, bởi vì đa số đều có của dư thừa, còn người đàn bà này cho chính những gì mình cần để nuôi sống” (Marcô 12,41-44).
Cái nhìn của Thiên Chúa không bỏ sót bất cứ một hành động nhỏ nhặt nào của con người. Và trong cái nhìn ấy, đôi khi chính những hành động nhỏ bé của cuộc sống ngày qua ngày, chính những nghĩa cử vô danh, lại bừng sáng lên và mang một giá trị đặc biệt.
Cái nhìn của Thiên Chúa, phải chăng không phải là một nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta, là những người đang âm thầm sống đức tin, giữa không biết bao nhiêu thử thách và giới hạn?
Ước gì, cái nhìn ấy giúp chúng ta kiên trì trong những công việc vô danh, mà chúng ta phải thi hành mỗi ngày, và củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào những thực tại vĩnh cửu.
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Hoàng tử tí hon', văn hào Pháp Saint Exupery có kể lại chuyện như sau:
Máy bay trục trặc, viên phi công đã phải đáp xuống giữa sa mạc Sahara.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.
Viên phi công đành phải chiều theo ý của cậu bé.
Nhưng con cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua.
Không vừa ý, ông lại tiếp tục vẽ.
Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn.
Không biết cách nào làm vừa lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái hộp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu:
"Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ".
Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bởi vì ông vừa giải thích thì cậu đã reo lên:
"Ðây chính là điều mà cháu đang chờ đợi... Xem kìa, con cừu đang ngủ".
Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng theo ý thích của nó.
Nó còn tin rằng: Cái hộp này quả thực là hữu ích, vì con cừu mà nó chưa bao giờ thấy, vẫn có nơi trú ngụ.
*****
Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảy ra như thế.
Ngay trong Giáo Hội của chúng ta, cũng xảy ra nhiều điều như thế.
Có khi chúng ta cũng xin Chúa Giêsu hãy vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Và Ngài đã chiều theo ý của chúng ta.
Ngài đã vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều yếu tố về Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ấy chẳng khác nào một bức tranh, mà các màu sắc được phân tán rải rác khắp nơi...
- Nơi đây, Ngài bảo rằng Giáo Hội của Ngài là Ánh Sáng muôn dân.
- Nơi khác nữa, Ngài lại loan báo rằng: Giáo Hội đó như một cây vĩ đại, có thể dùng làm chỗ, cho chim trời đến đậu.
Dĩ nhiên ai trong chúng ta ai cũng biết rằng:
- Giáo Hội không phải là Ðức Giáo Hoàng,
- Giáo Hội không phải là tòa thánh Vatican.
- Giáo Hội lại càng không phải là một vị giám mục hay các linh mục...
- Giáo Hội của Ðức Kitô là một thực tại, gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những con người.
Bổn phận của mỗi người Kitô, chính là vẽ lại khuôn mặt của Giáo Hội.
Giáo Hội đó, có thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô hay không ?
Giáo Hội đó, có thực sự là Giáo Hội của người nghèo hay không, là tùy thuộc ở những nét điểm tô, mà chúng ta dành cho Giáo Hội.
"Ðức Tin, không thể nào bị bóp nghẹt, bởi bất cứ quyền lực nào!".
Ðó là lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush, trong buổi tiễn biệt Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II (19/9/1987), nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn từ giã Ðức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng: Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô, sau hơn 60 năm tuyên truyền một chủ thuyết vô thần.
Ông George Bush kể lại cho Ðức Thánh Cha như sau:
"Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có Ðức Tin và Lời Chúa.
Tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt...
Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết...".
Ông Bush cũng kể lại rằng: Ông đã gặp Mao Trạch Ðông, trước khi ông này qua đời.
Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau:
"Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa".
Ðưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận:
“Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào, có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...”
Lời phát biểu trên đây của ông George Bush, có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi.
Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta.
- Chính những nơi, mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn.
- Chính những lúc, mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động.
Bởi vì, Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa, nếu Ngài không yêu thương con người.
Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.
Thiếu ánh sáng mặt trời, thì không thể có sự sống trên trái đất.
Cũng thế, không có Chúa, thì không thể có sự sống...
Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta.
Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ, hoặc thù ghét Ngài.
Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:
Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ, để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi.
Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết.
Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:
"Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế, tại nhà Hấp Hối. Bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ".
Tôi mới hỏi lại: Sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau:
"Con vừa đến nhà Hấp Hối, thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".
Có lẽ chúng ta nên tự vấn:
Chúng ta có tin rằng: Tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân, đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không?
Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt qua cuộc sống hằng ngày không?
Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày, có được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày không?
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể, lả để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.
Là trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa, nếu việc cử hành đó gắn liền với cuộc sống.
Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử hành, chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.
*****
Do đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình. Và múc lấy từ bàn thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ.
Hay nói cách khác, Thánh Thể là một thu gọn của cuộc sống hằng ngày.
Và cuộc sống hằng ngày, là một tiếp nối của Thánh Thể.
Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.
Bàn thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống, phải là một.
Ðức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ.
Từng giây từng phút của chúng ta, phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa.
Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ với Ðức Kitô.
Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".
Sự tích của họa phẩm này như sau:
Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ.
Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê, làm mướn, đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài.
Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình, để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng, vì lam lũ vất vả, khiến anh ta không thể nào cầm cọ để học vẽ được nữa.
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại, trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm:
"Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta, bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó.
Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn, mà ông muốn nói lên với một người bạn.
Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa, đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
*****
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà, mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi...
Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu.
Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán:
“Nơi nào Tin Mừng được loan báo, thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới” (Matthêu 26,6-13).
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: Tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu, và làm cho một người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu.
Thánh Phaolô đã nói:
“Trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời” (1Corintô 13,13).
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta, cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành.
Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác, là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh.
Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu, vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô cứng, vì những quảng đại, quên mình.
Tuy nhiên, những đường nét bác ái, sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...
Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy, đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.
Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi:
"Này các em, các em đang chơi trò gì đó?".
Bọn trẻ nhốn nháo trả lời:
"Các em chơi trò đánh nhau".
Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích:
"Tại sao các em chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh, có gì đẹp đẽ đâu. Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên:
"Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao".
Rồi cả bọn kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. Thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước.
Nhưng không được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe một giọng trẻ em hỏi:
"Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết".
Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi chúng chỉ thấy người lớn "chơi trò chiến tranh".
Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền hình, trên các mặt báo, hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu nhau, ám sát nhau.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình, chúng thấy anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau.
Có khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói.
Trong thức tế, bầu khí người lớn tạo ra, để cho các trẻ em lớn lên, không phải là bầu khí hòa bình.
Ðến bao giờ thế giới của người lớn, mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự mâu thuẫn:
Là hằng ngày, thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim, cho việc nghiên cứu và trang bị về vũ khí.
Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết cho con người. Nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói.
Có 600 triệu người trên thế giới đang bị mù chữ.
Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học trong hơn ba năm.
Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn, thì 2 trẻ bị chết trong năm đầu tiên.
Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình, nếu họ muốn trẻ con cũng noi gương chơi trò chơi ấy.
Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng, được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ.
Ðang diễn thuyết, ông bỗng dừng lại và nói:
"Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".
Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc.
ông John Keller nói tiếp:
"Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!".
Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: "Ðã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích:
"Ánh sáng của một hành động nhân ái, dù bé nhỏ như một que diêm, sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt.
Một giọng nói vang lên ra lệnh:
"Tất cả những ai ở đây, có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!".
Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận:
"Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù, bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".
Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh.
Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng.
Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau, mà không cần súng đạn.
Đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau, mà không cần chiến tranh.
Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo.
Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị.
Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình.
Bởi lẽ, nguồn gốc của hòa bình, xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.
Người biết yêu mến, là người thợ xây dựng hòa bình.
Kẻ biết giúp đỡ, là kẻ xây đắp hòa bình.
Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực, là những người thợ xây dựng hòa bình.
Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm, đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.
Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình, là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại.
Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu, sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm.
Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh, để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.
Một bác nông phu tên là Donningos, sinh sống bên Brazil, bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn:
"Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!".
Người cha vốn rất vui tính và thương con, nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi.
Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con.
Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gềnh đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ.
Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm.
Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra.
Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ghê rợn, chực tiếp tục tấn công.
Ðó là con rắn nổi tiếng, được dân địa phương gọi là "uturu des sétao".
Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.
Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh.
May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên.
Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay.
Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng, phụ chiếc tay còn lại, xiết thật chặt.
Bác dùng sức tàn, chạy nhanh về nhà.
Nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim, làm quà sinh nhật cho con.
*****
Bạn có tin câu chuyện có thực này không?
Nếu bạn không tin, thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn:
Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.
Khi Chúa giáng sinh, các thú vật đều tới mừng Chúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà:
- Chị bò cái dâng sữa.
- Cậu khỉ biếu Chúa mấy trái nho.
- Chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa.
Chúa Hài Ðồng vui vẻ nhận tất cả.
Ðang lúc các thú vật quây quần bên Chúa, thì chàng cáo xuất hiện.
Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh quỷ quyệt...
Chúng chặn không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi: Không biết cáo định âm mưu gì.
Cáo nói: Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa.
Nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật nào.
Chúa ra hiệu cho cáo vào.
Quỳ bên Chúa Hài Ðồng, chàng cáo thì thầm dâng lên Chúa lòng quỷ quyệt của mình.
Các thú vật đều bỡ ngỡ: “Dâng gì mà kì cục vậy ?”
Trái lại, cáo ta vui cười hớn hở.
Còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành.
Xưa nay, cáo sung sướng nhờ sự quỷ quyệt của mình. Bây giờ dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc, với tấm lòng lương thiện.
Chàng cáo đã dâng nhiều hơn hết mọi con vật.
*****
Hẳn chúng ta cong nhớ câu chuyện: "Người phụ nữ ngoại tình" trong Tin Mừng:
Một khi đã phạm tội, bà bị những người xung quanh kết án, có thể gọi là "chung thân".
Hình như bà ta bị xã hội khắc vào má hai chữ "ngoại tình", không thể nào tẩy xóa được.
Giống như chú cáo trong câu chuyện trên:
Ðã gian manh quỷ quyệt, thì mọi thứ đều không thể tưởng tượng cáo có thể thay đổi.
Nhưng với sự xuất hiện và hoạt động của Chúa Giêsu, mọi đổi thay đều có thể xảy ra.
Con cáo có thể bỏ tính mánh mung xảo trá, để làm ăn lương thiện.
Qua bao thế hệ, câu nói của Chúa Giêsu:
"Tôi cũng thế, tôi không kết tội chị. Vậy chị hãy ra về, và từ nay, đừng phạm tội nữa", đã giúp đổi đen thành trắng nhiều cuộc đời.
Chúng ta hãy tập: Đừng vội xét đoán. Và nhất là, đừng bao giờ kết án ai. Trái lại hãy cho nhau những cơ hội mới, để mọi người có thể canh tân cuộc sống.
Tiếp đến, hãy tận tình giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, những kẻ đang vấp ngã:
Hãy giơ cánh tay thân thiện, kéo họ ra khỏi những vũng bùn nhơ, thay vì đi nói xấu, hay xét đoán, và kết án họ.
Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng, để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó.
Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên, lọt được vào địa ngục, đúng vào giờ ăn.
Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị, đang bốc khói hương ngào ngạt, làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều dân địa ngục, tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn, khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không nổi.
Sự kinh ngạc tan biến, khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa.
Vì muỗng nĩa rất dài, buộc dính vào đôi tay, không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất.
Tệ hại hơn, là cảnh họ tranh giành nhau: Vài người dùng muỗng nĩa, để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau.
Thật là một bãi chiến trường.
Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục, để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng.
Ðến nơi, cũng đúng vào giờ cơm.
Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng.
Quan sát nhân dân ở đó, chàng ta thấy ai nấy cũng đều phương phi, khỏe mạnh. Tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài.
Có khác, là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, thì họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau.
Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết:
Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
*****
Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ:
- Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất.
- Hãy làm bá chủ nó.
- Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất.
Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá, sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi.
Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng.
Nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo.
Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục, qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ, mà xét cho cùng, cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo.
Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ, vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác.
Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ.
Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau:
"Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc, là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng, để sáng hôm sau, người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo.
Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
"Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm, nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy.
Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa:
"Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này".
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng: May ra quan thủ kho trong triều đình, là người nổi tiếng trong sạch, có thể hội đủ điều kiện.
Nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng: Ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc.
Không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nhà vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn.
Nhưng ông cũng chợt nhớ ra rằng, lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên:
"Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác.
Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác, để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...".
Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
*****
Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh, là một thứ hạt táo, được gieo vào tâm hồn chúng ta.
Hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái, nếu mỗi người, ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự.
Sám hối, nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác.
Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người.
Và có cư xử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...
Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng, nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo, cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh, nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay (25/04).
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh, đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao.
Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng thánh Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế, không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền của cộng đoàn Antiokia quyên góp được, để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem.
Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu.
Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê:
"Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm".
Bạn bè, người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời, phải là những người đồng sinh đồng tử!
Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc.
Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận, mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi:
Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô.
Marcô đã thực hiện công việc này, đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm.
Còn những người Kitô khác, thì qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình, hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.
Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: Đó là cuốn phim có tựa đề "người sói".
Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp, vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú.
Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được.
Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được, chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp, để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú...
Mọi người dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình...
Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng. Và một lần nữa, người ta đã bắt lại được nó.
Người ta mang nó đến nhà giáo và người này được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện, như một vú nuôi.
Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình, để nói chuyện với đứa bé.
Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
*****
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta.
- Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán khoa học.
- Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác.
- Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất.
- Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta...
Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại, chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu.
- Phần đông dân chúng, chỉ nhìn thấy nơi Ngài, như một người dân quê, xuất thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê.
- Những người trí thức, thì nghiên cứu Kinh Thánh, để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu...
- Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
*****
Chúa Giêsu vẫn mãi mãi là câu hỏi của chúng ta:
"Còn các con, các con bảo Ta là ai?".
Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh...
Một câu hỏi như thế, chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói, đã cảm thông với nhau trong thinh lặng, và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người.
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta.
- Có lúc, chúng ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa.
- Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa.
Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi, mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài...
Tại sao Ngài bỏ con?
Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa.
Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài với ta.
Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi, đã bị đưa vào phòng hơi ngạt, tại nhà tù San Quentin, thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ.
Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình.
Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình.
Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
*****
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay.
Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm, vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình, định đến cướp một nhà băng tại San Diego.
Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn.
Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ. Và tại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man.
Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh, mà hai người thanh niên đang ăn dở...
Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối...
*****
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo, hoặc xin ân xá.
Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải...
Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide.
Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết, mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
*****
Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc:
- Mắt đền mắt răng thế răng, hoặc: - Tôi cho anh để anh cho lại...
Kẻ có tội, luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ, tùy theo tội ác của người đó đã gây ra...
Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: Đó là công lý của Tình Thương.
Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến.
Nói như thánh Phaolô:
“Ở đâu tội lỗi đã lan tràn,
ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Roma 5,20).
Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta, mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa.
Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người.
Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân.
Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng...
Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình, không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.
Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau:
Ở Úc Châu, có một người thổ dân Aborigines kia, sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương.
Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo.
Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:
- Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông.
Ông ta trả lời một cách hững hờ:
- Tôi đã quen sống như vậy rồi.
- Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp.
Sau cùng, ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông.
Trong khi quét dọn, tôi thấy một cái đèn cũ, đẹp, nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng.
Tôi hỏi ông:
- Có bao giờ ông thắp đèn này chưa?
Ông ta trả lời một cách cộc lốc:
- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả.
Tôi hỏi ông:
- Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?
- Dĩ nhiên rồi.
Từ ngày đó, các nữ tu quyết định mỗi chiều, sẽ ghé qua nhà ông.
Từ đó, ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn.
Ông còn sống thêm hai năm nữa.
Trước khi chết, ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:
- Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn, mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi, vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.
Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng, vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu.
Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa:
"Hãy thương yêu nhau,
như Thầy yêu thương các con" (Gioan 13,34).
Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau:
"Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi".
Cha tôi là một công nhân nghèo. Người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con, mà hẳn người đã hãnh diện.
Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp.
Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi.
Tôi rụt rè thưa với cha tôi:
"Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?".
Cha tôi trả lời:
"Con ơi, ở tuổi con, ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn".
Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi:
"Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục".
Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm.
Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết:
"Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh".
Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa, để tôi có thể tiếp tục học.
Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: Đó là chúc lành cuối cùng, mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết, để người con được trở thành linh mục.
Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa:
Sẽ hy sinh, để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.
*****
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn.
Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người, trong một khung cảnh sống cụ thể.
Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc...
Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện.
Có những nơi, hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới.
Có những nơi, hạt giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác.
Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
*****
Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ.
Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là:
Ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô.
Từ gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi, mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan Bosco đã nói:
Phần thưởng quan trọng nhất, mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục.
Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa.
Nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác, biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi...
Tại một bệnh viện trong thành phố Hi-ro-shi-ma bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua, đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết: Bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng.
Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo, để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn tai trái của bác sĩ câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống, thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.
*****
Cuộc sống của chúng ta, dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: Đắng cay, chua xót, ngọt bùi...
Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn.
Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị.
Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.
Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong, khéo léo để chỉ hút mật ngọt.
*****
Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau.
Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt, trong vườn hoa cuộc sống ấy.
Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản.
Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót, thành mật ngọt và hương thơm.
*****
Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đã tuyên bố:
"Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng".
Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc, người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái...
Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.
Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử dân tộc.
Mỗi năm, chúng ta lại có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy.
Mỗi người một tâm tình.
*****
Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa.
Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng, giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn:
"Tất cả đều là ơn Chúa".
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng, có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống, như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn.
Với những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt...
Còn tâm tình nào đúng đắn hơn, trong ngày lịch sử này (30-4-1975) là cảm tạ và phó thác.
Cảm tạ Chúa, vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường ân phúc của Ngài.
Phó thác cho Ngài, bởi vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống, để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống, thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào, mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse...
Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước, giữa hai thập niên 40 – 50, và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm, trong một cái chết vô cùng bí ẩn, sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ, qua mọi thời đại của người Việt Nam.
Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết.
Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lần mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm.
Có rất nhiều thứ thinh lặng:
- Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình.
- Thinh lặng trong cô đơn buồn chán.
- Thinh lặng trong căm thù oán ghét.
- Thinh lặng trong khép kín ích kỷ.
- Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm.
Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu, trong con người của Chúa Giêsu.
Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ, để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên.
Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống, đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế (1/5).
Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua.
Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trỗi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này, gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao.
Do đó, ngày hôm nay đối với chúng ta, phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện.
Suy tư về ý nghĩa và giá trị của những công việc hằng ngày của chúng ta.
Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
Dạo tháng 5/1990, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho một người thổ dân Mehico, tên là Juan Diego, người được Ðức Mẹ hiện ra tại Gua-đa-lu-pê (Guadalupe)...
Juan Diego là một người thổ dân nghèo, sống với người cậu tại làng Telpetlao, thuộc ngoại ô thủ đô Mehico, vào khoảng thế kỷ 16.
Một buổi sáng thứ bảy nọ, trên đường đi đến thánh đường để dự thánh lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn đồi.
Anh tiến lại gần và thấy một thiếu nữ xinh đẹp, tự xưng là Trinh Nữ Maria.
Ðức Mẹ nói với người thổ dân nghèo như sau:
"Ta muốn có một đền thờ được dựng lên tại đây, để Ta dùng tình thương, niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta, mà bày tỏ Thiên Chúa cho loài người. Con hãy đi gặp vị giám mục Mehico và nói với Ngài rằng: Ta sai con đến gặp Ngài, để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin tưởng rằng Ta sẽ biết ơn con, và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con được giàu có và tôn vinh con".
Juan đến gặp vị giám mục, nhưng anh ta buồn bã trở về làng, vì giám mục không tin lời của anh.
Ðức Mẹ lại hiện ra cho anh một lần nữa, và cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị giám mục.
Nhưng lần thứ hai, dù cho anh có van nài khóc lóc, vị giám mục vẫn một mực không tin.
Vị giám mục nói với người thổ dân nghèo rằng:
"Nếu Ðức Mẹ thực sự muốn điều đó, thì xin Ngài hãy bày tỏ một dấu lạ".
Và ngài bí mật cho người theo dõi.
Lần thứ ba, Ðức Mẹ lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Ngài bảo anh:
"Hãy trở lại vào ngày mai. Và Ngài sẽ cho vị giám mục một dấu lạ".
Ngày hôm sau, Juan Diego không thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được, vì anh còn phải đi tìm thầy thuốc cho người cậu đang mắc bệnh.
Nhưng khi đi qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra.
Ngài bảo đảm với anh rằng: Người cậu của anh sẽ được lành bệnh. Và thay vì để Juan tiếp tục lên đường đi Mehico để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến nơi Ngài hiện ra cho anh lần đầu tiên.
Tại đây, Ngài sẽ cho anh những cánh hoa thật đẹp và dấu lạ, để mang đến cho vị giám mục...
Lúc bấy giờ đang là mùa đông và ngọn đồi nơi Juan được Ðức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc, như các loại gai và xương rồng.
Thế nhưng, hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc.
Juan hái lấy dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng để đựng hoa mang đến cho vị giám mục...
Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị giám mục xem, thì lạ lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in trên chiếc áo của anh...
Tin ở lời Ðức Mẹ, vị giám mục đã tức tốc lên đường đến làng Ðức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan.
Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được lành bệnh.
Các cuộc lành bệnh lạ lùng cũng đã được diễn ra từ đó...
Một đền thánh dâng kính Ðức Mẹ đã được xây cất, để rồi cuối cùng trở thành Vương cung thánh đường Gua-đa-lu-pê như chúng ta vẫn quen gọi.
Trong thánh lễ tôn phong chân phước cho Juan Diego tại đền thánh Gua-đa-lu-pê ngay buổi chiều chủ nhật, khi vừa đến Mehico, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi người dân Mehico hâm nóng lại tinh thần truyền giáo.
Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi, để mang sứ điệp đến cho người khác.
Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức Mẹ, chân phước Juan Diego đã được sai đi...
Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự giúp đỡ của Ðức Mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị giám mục...
*****
Người Kitô, từ bản chất là người được sai đi. Và sứ điệp của họ, chính là sứ điệp của yêu thương...
Cùng với những cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm này, chúng ta được mời gọi để mang những cánh hoa yêu thương đến cho mọi người.
Tình thương, sự giúp đỡ của Mẹ dành cho chúng ta, cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao, qua cuộc sống dạt dào Tình Mến đối với mọi người.
Tiền tài danh vọng không làm cho con người hạnh phúc...
Ðó là điều mà người ta thường nói khi bàn về cái chết của cô đào Marilin Monroe cách đây hơn hai chục năm...
Nay, người ta cũng lặp lại điều đó với nữ danh ca Dalida, người Pháp gốc Ai Cập...
Dalida đã tự vận vào hôm 03/5/1987 tại nhà riêng của cô ở Montmartre, Paris, lúc cô được 54 tuổi.
Sinh năm 1933 tai Le Caire với tên thật là Yolande Gigliotti, đã trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được hâm mộ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, nhờ giọng ca đầy truyền cảm của cô.
Những người thuộc thế hệ 50 và 60 không thể quên những bài "Bambino", "Gigi l'amorose"... do cô trình diễn.
Danh vọng đã không đủ để thỏa mãn cô.
Ngày 27/02/1967, cô đã thử một lần tự tử, rồi được cứu sống.
Tự tử cũng là một thể hiện nỗi khao khát khôn cùng trong lòng người: Đó là khao khát hạnh phúc.
Khi cuộc đời này không còn là một đáp trả cho nỗi khao khát ấy, nhiều người đã tự mình tìm đến cái chết, như một giải thoát.
Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay, phải chăng là
khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống.
- Con người sinh ra để làm gì?
- Con người sẽ đi về đâu? - Sau cái chết, những gì đang thực sự chờ đợi con người...
Ðó là những câu hỏi lớn, mà con người ngày nay, khi đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.
- Con người bởi đâu mà ra ?
- Con người sẽ đi về đâu ?
- Ðâu là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống?
Ðó là những câu hỏi, mà chúng ta không ngừng tự đặt ra cho mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Ðức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy.
Trước ngưỡng cửa của năm 2000, nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống.
Người Kitô được trang bị bởi Ðức Tin, đang nắm giữ một vai trò quan trọng giai đoạn này.
Ánh sáng Ðức Tin, cần phải được chiếu sáng trong cuộc sống của người Kitô, để nhờ đó, những người xung quanh cũng tìm ra được ý nghĩa và giá trị, cũng như hướng đi đích thực của cuộc sống.
Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất, với một dáng vẻ lạ thường.
Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.
Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này, là một vị linh mục trẻ.
Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này.
Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.
Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa.
Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run, vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau:
"Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".
Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất:
"Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường, để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".
Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối.
Và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau:
"Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".
*****
Câu chuyện tha thứ trên đây, là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi.
Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ.
Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...
*****
Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung.
Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô, để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông, đã làm cho mọi người như đứng tim.
Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung té.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.
Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này, đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma.
Biến cố đẫm máu trên đây, đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người...
Nhưng thế giới không chỉ được nung nấu bằng lò lửa của hận thù.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...
Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia, để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh.
Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát, đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải...
Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng:
Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính “Tám Mối Phúc Thật” đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín rằng, Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua.
Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo.
Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng:
Ông vừa vào đến cửa nhà thờ, thì những người da trắng chặn ông lại, và nói với ông rằng: Nếu ông muốn tham dự thánh lễ, thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
*****
Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật, ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội.
Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này đúng, không chỉ cho những tương quan giữa người với người, mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin.
Không có một hành động nào của người Kitô hữu, mà không ảnh hưởng đến người khác.
Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng, tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô, đều liên kết khăng khít với nhau, đến độ: Sức mạnh của người này, là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này, có thể làm tổn thương đến người khác...
Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau.
Tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau...
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội.
Mỗi người tín hữu, đều phải là trung gian, nhờ đó, con người có thể tìm đến với giáo Hội.
Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình, mà sống cho tha nhân.
Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta.
Ðó chính là luận lý của Tin Mừng:
Khi mất đi bản thân vì tha nhân,
chúng ta mới tìm gặp lại chính mình (Matthêu 10,39).
Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau:
"Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?"
Một người đệ tử trả lời như sau:
"Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa".
Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào...
Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói:
"Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít".
Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý.
Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau:
"Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào, và nhận ra họ là anh em của ta, thì đó là lúc đêm đã tàn và ngày mới đã bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".
*****
Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại, đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính.
Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.
Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa, và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới, trong đó, người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa.
Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ.
Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa, và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu.
Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người mới nhận dạng được chính mình, cũng như nhìn thấy người anh em của mình.
---Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó, là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình. Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.
Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.
Nhận ra người anh em, nơi một người nào đó, cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (14 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3