“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”
* Sinh năm 1515 tại Phirenxê, thánh nhân đến Rôma và dấn thân lo cho thanh thiếu niên. Người đi vào con đường trọn lành và lập một hội chuyên phục vụ người nghèo. Lãnh chức linh mục năm 1551, người lập Dòng Ô-ra-toa, chuyên lo cầu nguyện và làm việc bác ái trong giới thanh thiếu niên, các bệnh nhân, các tù nhân. Nét nổi bật trong đời của thánh nhân là người yêu thương tha nhân cách thiết thực, đơn sơ và vui vẻ. Người qua đời năm 1595.
Lời Chúa: Ga 21, 15-19
Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ, một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát. Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò. Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: Hãy theo Thầy. Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nazareth. Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này. Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng. Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn, nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình. Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo. Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò. Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế, nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25). Bây giờ, cũng bên đống than hồng, Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình. “Anh có yêu mến Thầy không?”: ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế. “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”: ba lần Phêrô trả lời như thế. Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu. Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ. “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”: ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế. Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng. Phải yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy. Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử. Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu, nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19), chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19). “Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ. “Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy. “Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ. “Hãy theo Thầy”, sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu. “Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến. “Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32). Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu: Con có mến Thầy không? Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng, vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó. Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư. Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy. Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới, nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời. Chúng con phải đối diện với bao thách đố của cuộc sống, của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình, của nghề nghiệp chuyên môn. Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực, nhưng cho chúng con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu, lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không thực dụng; biết xoay xở nhưng không mưu mô; lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ. Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc, giữa những xâu xé trước bao lựa chọn, xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng, để múc lấy ánh sáng và sức mạnh, để mình được thật là mình trước mặt Chúa. Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen. --------------------------------
Hai người tiền phong. Phê-rô và Phao-lô. Đá Tảng và Trụ Đồng nâng đỡ Giáo hội. Hai tông đồ trưởng. Hai tâm hồn ưu tuyển. Với chỉ một điều kiện: Yêu Mến Hơn.
Chúa Giê-su hỏi Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không”? Đây là lời mời gọi thứ hai. Cách lời mời gọi đầu khoảng 3 năm. Lời mời gọi đầu khi Chúa Giê-su khởi sự đời công khai. Khi Phê-rô còn bồng bột hăng say. Chúa mời gọi ông hãy đi chinh phục: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ lưới người như lưới cá”. Và Phê-rô hăng say đáp trả: “Dù mọi người bỏ Thầy, con quyết không bỏ Thầy”.
Hôm nay lời mời gọi đi vào chiều sâu: Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không? Chúa cần tình yêu. Tình yêu là đủ. Và Chúa trao nhiệm vụ mới. Không phải đi chinh phục. Nhưng quan tâm chăm sóc đoàn chiên: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Phê-rô thưa lại. Tuy không bồng bột hăng say. Nhưng đầy quyết tâm và sâu lắng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau tất cả những gì đã trải qua, lời đáp trả thật sự sâu lắng, vững chắc, nhưng cũng đầy khiêm tốn. Chúa cũng không úp mở hứa hẹn. Thẳng thắn báo trước cái chết. Nhưng Phê-rô vẫn cương quyết bước theo. Đó chính là tình yêu đã lớn manh. Đã yêu mến hơn.
Thánh Phao-lô cũng đi trên con đường yêu mến hơn. Từ khi được biết Chúa, ngài yêu mến. Đến nỗi cùng chịu đóng đinh với Chúa. Để từ nay không còn sống cho chính mình nữa. Chỉ sống cho Chúa. Để Chúa sống trong ngài. “Tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách” ngài. Khiến ngài ra đi không ngừng nghỉ. Rao giảng trở thành lẽ sống. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Biết chắc “xiềng xích và Thánh Thần đang chờ đợi”, nhưng ngài luôn hiên ngang tiến bước. Chỉ ước mong được hi sinh cho Chúa và cho anh em: “Tôi hoàn thành nơi thân xác tôi những cực hình còn thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Chúa. Hầu sinh ơn ích cho Giáo hội”.
Hôm nay Chúa đang cần những tâm hồn yêu mến hơn. Chúng ta có quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa không? Hôm nay Chúa cũng muốn hỏi tôi: “Con có yêu mến Thầy hơn những anh em này không”? Tôi đáp lại thế nào?
Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ chọn lựa khác hẳn.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho Phêrô cơ hội thứ hai. Thật thế, trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Tất cả các con sẽ bị vấp ngã vì Ta trong đêm nay”. Nghe thế, Phêrô phản đối và quả quyết: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thày, con sẽ không vấp ngã bao giờ”, nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó ông đã nhát đảm chối Thày đến ba lần. Giờ đây, sau khi Phục sinh. Chúa Giêsu đã gặp riêng Phêrô và cho ông cơ hội thứ hai. Chúa hỏi: “Simon, con của Giona, con có mến Ta hơn những người này không?. Phêrô không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: những giọt lệ thống hối chân thành sau khi chối Thày đã không đủ để minh chứng mình yêu mến Thày sao? Nhưng Phêrô đã học được bài học của quá khứ, nhất là bài học khiêm nhường cần thiết để lãnh nhận ơn cứu rỗi mà nhóm Biệt phái không thể lãnh nhận được vì tự cao tự đại. Phêrô đã thưa: “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến Thày”. Ba lần hỏi dẫn đến ba câu trả lời cùng một nội dung, nhưng không phải là để bù đắp cho ba lần chối Thày trước đây, mà là một đòi hỏi tiên quyết là tuyên xưng lòng yêu mến. Sau đó, Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội, Phêrô đã sống đến tận cùng cơ hội thứ hai và đã sẵn lòng chết vì niềm tin của mình.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.
Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ra lòng nhân từ vô biên của Chúa, để chúng ta luôn khiêm nhường chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã, và xin Chúa ban cho chúng ta trung thành với ơn Chúa cho đến cùng.
Mùa phục sinh sắp hoàn tất. Suốt mùa, chúng ta được Đức Kitô giáo huấn. Lời Người rao giảng cho chúng ta mỗi ngày giúp chúng ta gắn bó hơn với Người trong cuộc đời Kitô hữu đã rửa tội và được sống lại.
Sau phần giáo huấn của Đức Kitô, có lẽ chúng ta sẵn sàng gắn bó sâu hơn với Người. Nhận biết như Chúa là luôn luôn tiến sâu nữa. Hôm nay, chúng ta sẵn sàng trả lời những câu hỏi của Đức Giêsu như thánh Phê-rô đã đáp lời Người: “Si-mon, con ông Gio-na, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Anh đã học biết Thầy, Thầy đã giới thiệu anh với Cha Thầy, bây giờ anh biết kế hoạch cứu độ loài người, Thầy yêu anh, Thầy đã tha thứ cho anh: vậy “Anh có mến Thầy không?”
“Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy”, ba lần Phê-rô đã quyết hứa lòng mộ mến Thầy. Tuy nhiên, Đức Giêsu không dừng lại đây, Người nhấn mạnh Phê-rô phải lãnh trọng trách đối với những người khác: “Để chứng tỏ anh mến Thầy là anh phải yêu mến anh em”. Thánh Gio-an đã quả quyết: “Ai quả quyết mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối?”.
Lãnh trọng trách còn đi xa hơn nữa: mỗi lần gắn bó với ai, luôn luôn hy sinh sức khỏe, tự ái, tự do của mình cho người ấy: “Anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn đến”.
Tình yêu Đức Giêsu luôn luôn kêu gọi ta từ bỏ, hy sinh đến chết. Yêu người khác đến độ trở nên tôi tớ để làm theo ý muốn của họ, đáp lại mọi ước ao của họ. Tình yêu phải chịu lệ thuộc.
Chúng ta đã được Đức Giêsu giáo huấn, được Ngài dẫn vào hiệp thông với Chúa Cha. Chúng ta đã học yêu mến Chúa. Bây giờ chúng ta hãy chọn: chúng ta có biết tự giữ lấy mọi lời đó cho mình không? Tình yêu mến Chúa của chúng ta chỉ là một thứ tình cảm chóng qua hay là một sức mạnh thúc đẩy chúng ta phục vụ.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ như một người bình thường trên Biển Hồ Tiberia. Ngài giúp cho các môn đệ bắt được nhiều cá và sau khi ăn sáng xong với các môn đệ, Chúa Giêsu liền hỏi ông Phêrô: “Này anh Phêrô, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Chúa hỏi ông Phêrô đến ba lần, điều này khiến ông đau lòng vì nhắc ông nhớ tới việc đã công khai chối Thầy đến ba lần. Và trước mặt Chúa, Phêrô đã khẳng định với Ngài rằng ông yêu mến Ngài hơn các môn đệ khác. Chỉ trong lúc đó Phêrô mới hiểu rằng tình yêu của Thầy đổ tràn lên ông hơn là tình yêu của ông đối với Thầy. Trước đây, Phêrô đã từng hùng hồn tuyên xưng trước các môn đệ khác rằng: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Nhưng sau kinh nghiệm cay đắng vì sự phản bội của mình, Phêrô ý thức về sự yếu đuối của mình để hiểu rằng ông phải hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa chứ không ở khả năng của mình, vì thế mà Phêrô đã thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chúa Giêsu, trước khi giao phó Giáo Hội của Ngài cho Phêrô chỉ đòi hỏi ở ông duy nhất một điều kiện, đó là tuyệt đối yêu mến Ngài. Chúa không đòi hỏi người môn đệ khả năng xuất chúng để lèo lái Giáo Hội, cũng như trí thông minh phi thường để đối phó với các thử thách mà Ngài chỉ đơn giản hỏi ông: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Thánh Gioan cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đã chọn ông Phêrô làm người đứng đầu Hội Thánh không phải vì ông yêu mến Chúa hơn các môn đệ khác, nhưng vì Chúa Giêsu đã đặt ông đứng đầu Hội Thánh nên ông phải yêu Chúa và yêu các môn đệ nhiều hơn cũng như cần phải trung thành nhiều hơn nữa.
Phêrô hiểu rằng cội nguồn của tình yêu không tới từ ông mà đến từ Chúa khi Ngài hỏi ông: “Anh có mến Thầy không?” Chúa Giêsu chính là cội nguồn của lòng nhân ái và Ngài muốn trao ban tình yêu đó cho Phêrô. Chúa Giêsu không chỉ hỏi ông Phêrô câu hỏi này, nhưng Ngài còn hỏi tất cả chúng ta và Ngài muốn trao ban cho chúng ta món quà quí giá đó. Chúng ta mang trong trái tim ước mơ yêu thương Thiên Chúa nhưng nhiều lúc tình yêu đó hời hợt vì bản chất chúng ta yếu đuối và bất trung, và đôi khi chúng ta lại còn nghi ngờ Ngài. Nhưng chính Chúa đã cho Phêrô và cả chúng ta cơ hội để trả lời Ngài: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yêu Chúa không phải vì chúng con hoàn hảo, mà vì Chúa đã yêu thương chúng con một cách nhưng không. Chúng con là những kẻ bất trung, còn Chúa thì luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Khi Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy”, Ngài loan báo cái chết tử đạo của ông vì đi theo Chúa tức là vác thập giá để theo Ngài, có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn chính mình và hy sinh cả mạng sống mình vì Nước Trời. Chúa Giêsu là người yêu chúng ta trước nhất, Ngài yêu chúng ta một cách vô điều kiện. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hồng ân là được theo Ngài và chịu chết tử đạo để làm vinh danh Ngài như thánh Gioan đã viết trong bài Phúc Âm hôm nay: “Người nói vậy có ý ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài đã cho Phêrô hiểu thế nào là một tình yêu hoàn hảo, đó là dâng hiến chính mạng sống của mình cho Thiên Chúa và tha nhân, và biết hướng về tình yêu của Thiên Chúa bằng với tất cả lòng tin cậy. Ðiều đó cũng nhắc nhở với chúng ta là các hoạt động tông đồ trước hết phải đặt nền tảng trên tình yêu gắn bó với Chúa, để sau đó loan truyền tình yêu của Ngài cho những người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện qua việc yêu mến tha nhân, và xin giúp cho chúng con yêu họ một cách cụ thể bằng việc quan tâm đến những niềm vui cũng như nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
Khi nói về tình yêu, nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có một bài hát mang tên: “Xin định nghĩa tình yêu”, trong đó có đoạn:
“Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu [...]. Yêu: xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.
Lời bài hát trên mang đậm chữ “yêu”. Thật vậy, con người nếu không có tình yêu, hỏi rằng chúng ta có thể sống có ý nghĩa được chăng? Thưa không! Chỉ có tình yêu, con người mới làm cho cuộc đời này chan chứa niềm vui, dẫu vẫn còn đó khổ đau, bất hạnh, hiểu lầm...
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao phó quyền chủ chăn cho Phêrô. Biết được vai trò, sứ mạng và những khó khăn mà ông sẽ đón nhận từ mình, nên Đức Giêsu đã cật vấn ông tới ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Có lẽ Đức Giêsu hỏi ông như thế là vì muốn ông từ nay phải trở nên người trưởng thành thực sự chứ không phải như những lần trước, vừa mới thề sống chết với Thầy, rồi sau đó lại chối Thầy vì sợ liên lụy. Ý thức được điều đó, nên ông đã tỏ ra buồn rầu và xấu hổ.
Tuy nhiên, sứ vụ mà ông sắp đón nhận là một cuộc hành trình đầy cam go, cần phải có tình yêu đủ lớn thì mới có thể chung chia sứ vụ với Thầy được.
Thật vậy, Phêrô đã ý thức điều đó, và ông đã tuyên xưng mạnh mẽ với đầy tràn tình yêu và Thần Khí Thiên Chúa trong mình: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy".
Ngày nay, Chúa cũng trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho các mục tử trong Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài trở nên những mục tử “như lòng Chúa mong ước”. Trở nên những mục tử không chỉ “biết” mà còn “ngửi thấy mùi chiên”.
Bên cạnh đó, trong chức tư tế phổ quát, mỗi người chúng ta cũng đều là mục tử khi được tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội, vì thế, chúng ta cũng không ngừng vươn tới mẫu gương của Đức Giêsu là mục tử nhân lành để noi theo và sống ơn gọi bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho hết mọi thành phần dân Chúa, dù trong vai trò gì, cũng luôn biết lấy tình yêu làm lẽ sống, để qua đó, mỗi người sẽ được sống trong một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa. Amen.
Sứ điệp: Cũng như Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao cho sứ mệnh mục tử để chăn dắt đoàn chiên Chúa, mỗi người Kitô hữu cũng được Chúa trao sứ mệnh mục tử trong phạm vi và khả năng của mình. Nhưng trước hết, Chúa đòi phải có lòng yêu mến và sự hy sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã trao cho Thánh Phêrô sứ mệnh mục tử, thay mặt Chúa chăn dắt đoàn chiên, dù trước đó Ngài đã ba lần chối Chúa. Chúa đã cho biết rõ Ngài yếu đuối nhưng Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Chúa chỉ đòi hỏi Ngài lòng yêu mến Chúa, một lòng yêu mến đặc biệt, yêu mến Chúa hơn mọi người, yêu mến đến độ dám hy sinh cả mạng sống.
Ngày nay, Chúa vẫn yêu thương và tin tưởng chúng con. Chúa trao cho mỗi người trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa: là cha xứ đối với giáo xứ, là cha mẹ đối với con cái, là anh chị đối với đàn em, là người trên đối với người dưới, là người giàu đối với người nghèo, là người khoẻ mạnh đối với người yếu đau… Mỗi người chúng con đều có sứ mệnh của người mục tử. Chúa tin tưởng và trao phó sứ mệnh mục tử cho chúng con, dù Chúa biết rõ chúng con đã từng phạm tội, chỉ là kẻ tài hèn sức mọn.
Lạy Chúa, chỉ có lòng yêu mến Chúa thật mới giúp con có đủ khả năng để thay mặt Chúa chăm sóc anh chị em. Xin Chúa đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa nồng nàn để trong mọi hoàn cảnh, con luôn hết lòng chu toàn sứ mệnh ấy. Xin ban thêm lòng yêu mến Chúa cho con, để dù trong lúc khó khăn, con luôn biết hy sinh sức lực, khả năng, thời giờ và ngay cả mạng sống, để phục vụ những người mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”
Trong thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sau này, giảng lễ gợi hứng từ Tin Mừng Ga 21,15-19, và tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Đức Hồng y Joseph Ratzinger, suy tư và khai triển tiếng gọi của Chúa Giêsu cho Phêrô “Hãy theo Thầy”, tiếng gọi này nhưng cũng xuyên suốt cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đấng kế vị Phêrô, từ khi lãnh tác vụ linh mục giữa thời chiến tranh, tiếp đến sứ vụ Giám mục trong thời kỳ bức màn sắt, cho đến khi lên ngôi Giáo hoàng như lời Chúa uỷ thác: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Suy niệm
Câu hỏi của Thầy Giêsu hỏi Phêrô ba lần liên tiếp: “Con có yêu mến Thầy….?”, sự đáp trả với lòng xác tín của ông cũng ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy” và trách nhiệm cũng được trao ba lần qua mệnh lệnh: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy” (x. Ga 21,15-17). Như một sự tín nhiệm của Thầy dành cho Phêrô dù ông là môn đệ đã từng chối Thầy. Sự việc và cuộc đàm đạo của Thầy trò làm nổi bật mối tương quan giữa tình yêu và trách nhiệm qua lời tuyên tín của Phêrô “con yêu mến Thầy” và mệnh lệnh Chúa Giêsu trao phó “chăn dắt các chiên con của Thầy”. Trong ánh sáng Phục sinh, tình yêu làm gia tăng sự trách nhiệm và từ trong tinh thần trách nhiệm, tình yêu đổi mới, thăng tiến nhân loại theo hướng tích cực như lời nguyện ước: “Xin tình yêu làm thay đổi thế giới”. Sự giao thoa và liên hệ giữa lời cầu nguyện với hình ảnh đáp trả tình yêu của Phêrô làm tôi hiểu thêm về lời cầu nguyện và càng hiểu sâu xa hơn ý nghĩa tuyên xưng tình yêu của Phêrô với trách nhiệm được giao.
Khi trao cho Phêrô đảm đương trách nhiệm Giáo hội, lòng ước ao của Thầy nơi ông có một tình yêu mãnh liệt với Thầy thể hiện qua sự tận tụy với anh em mà Phêrô có trách nhiệm chăm sóc. Tình yêu với Thầy qua sứ mạng mà ông gánh vác. Ông đã đảm đương nhiệm vụ cách quảng đại và anh hùng, điều này đã được chứng minh bằng chính cuộc đời của vị thủ lãnh mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn và tiên báo: “Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19). Phêrô đã yêu và vinh danh Thầy qua cái chết trên thập giá nơi đồi Vatican vì tình yêu mà ông đã tuyên xưng.
Trách nhiệm của Phêrô được giao không chỉ là kết quả của lời đáp trả ngắn gọn “con yêu mến Thầy”. Lời tuyên tín và trách nhiệm của Phêrô đã được chuẩn bị suốt hành trình rao giảng của Đức Kitô. Với Tin Mừng Gioan 21,15-19, trách nhiệm được đặt dấu ấn của niềm tin Phục sinh làm sống dậy tình yêu, lòng nhiệt thành và trách nhiệm trong mọi khoảnh khắc của thời gian, có giá trị vĩnh cửu vì được sự chết và phục sinh của Đức Kitô thánh hóa. Thầy Giêsu đã chuẩn bị trước cho Phêrô nhiệm vụ “chăm sóc đoàn chiên” ngay vào giây phút đầu tiên ông gặp gỡ và theo Chúa qua sự giới thiệu của người em là Anrê, chính Chúa đã gieo vào tâm hồn ông ý niệm trách nhiệm: “Anh sẽ được gọi là Phêrô” (Ga 1,42) và “trở nên kẻ chài lưới người” (Lc 5,10). Trách nhiệm “chài lưới người” cũng được Chúa đào tạo cho ông cách tiệm tiến xuyên qua nhân cách của ông: quảng đại nhiệt thành tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chân thành ý thức bản thân khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); Ông yếu đuối chối Thầy ba lần khi Đức Giêsu bị bắt (x. Ga 18,17-27).
Phêrô đã tuyên tín tình yêu và lãnh nhận trách nhiệm…
Thế giới hôm nay ở bất cứ chân trời nào cũng đều có nhu cầu của trách nhiệm trong tình yêu: yêu nghề nghiệp vì đó là sứ mệnh được Thầy Giêsu giao; yêu anh em đồng loại làm cho người đảm đương công việc trong trách nhiệm hơn. Tất cả quy tụ về Đức Kitô, Đấng đã truyền cho chúng ta trách nhiệm dấn thân như Người đã nói với Phêrô: “Con hãy theo Thầy” (Ga 21,19), theo Thầy trên mọi nẻo đường của cuộc sống, theo Thầy khi gánh vác trách nhiệm trong công việc mà tôi và bạn đang đảm đương.
1. Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêriat và trong lần này Chúa trao cho Phêrô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.
2. Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội cho Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không”? Câu hỏi được lặp đi lặp lại để Phêrô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phêrô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.
Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.
3. Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng: Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.
Có những tác giả khác cho rằng: Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.
Một số người khác lại cho rằng: Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ”ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,
Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.
Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô: giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm Phạm văn Phượng).
4. Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài. Thiên Chúa đi tìm chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là: “Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
5. “Người nói vậy... Hãy theo Thầy”.
Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giêsu trong câu 18: đó là cuộc tử đạo của Phêrô. Kiểu nói “anh sẽ phải giang tay ra”: có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phêrô sắp phải chịu vào cuối đời
Và Chúa thêm: “Hãy theo Thầy”: Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây: Khi người bảo Phêrô: “Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13,16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.
Truyện: Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
- Không.
- Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).
6. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.
7. Truyện: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó?
Người ấy trả lời: “Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).
Bài giáo lý về cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ bên bờ hồ Tibêria.
Về thân phận Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?…Hãy chăn dắt các chiên của Thầy.”
Suy gẫm
1. “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Alexander đại đế, khi còn nhỏ là một cậy bé thông minh. Một hôm cha cậu mua phải một con ngựa khó tính, không ai dạy nổi. Thế mà Alerxander thuần phục con ngựa ấy một cách dễ dàng. Có người hỏi cậu bí quyết khắc phục con ngựa ấy, cậu trả lời: “Chẳng có gì lạ. Tôi xét kỹ thấy con ngựa này rất sợ cái bóng của nó. Vì thế chỉ cần quay nó hướng về mặt trời để nó không còn thấy cái bóng của nó nữa.”
Ông Phêrô rất sợ cái bóng của mình, nhưng khi ông hướng về Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, sợ hãi như tan biến đi, nhường chỗ cho tín thác xâm chiếm cả tâm hồn ông.
Lạy Chúa, Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa biết con hơn con biết con và Chúa yêu con hơn con yêu con. Con tín thác đời con cho Chúa.
2. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?… Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”
Ngày ấy trong Vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm để bênh vực Chúa Giêsu, nhưng sau đó ông đã tỏ ra hèn nhát và đã phản bội Thầy mình. Lúc ấy, Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô, một cái nhìn trìu mến, cảm thông cho nỗi yếu nhược của ông, làm òa vỡ trong ông niềm xót xa, ân hận. Ông đã hiểu trọn nghĩa hai chữ yêu thương.
Và hôm nay, một lần nữa trong ánh sáng Phục sinh. Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô, hỏi các môn đệ và hỏi chính tôi về một điều, một điều Người đã định nghĩa bằng trọn cuộc sống, đó là Tình Yêu.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu, yêu Chúa và yêu mọi người, yêu như Chúa yêu vì Ngài chính là tình yêu.
3. Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra cái vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
Sau mỗi lần Phêrô tuyên xưng lòng mến, Chúa Giêsu trao cho Phêrô một nhiệm vụ. Chung qui lại là: “Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Ga 21,16).
Có một câu chuyện tưởng tượng như sau: Khi Chúa Giêsu về trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần, tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ rồi chăng?
- Không! Chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng mà bỏ Chúa. Trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa đáp:
- Không,Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ sẽ không bỏ rơi Ta.
Vâng, đúng là Chúa tín nhiệm những môn đệ của Ngài. Ngài tín nhiệm họ bởi vì Ngài biết họ.
Câu chuyện thật cảm động bên bờ biển Galilê hôm nay đã cho chúng ta thấy thật rõ điều đó.
“Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Phêrô nói lên điều này với tất cả kinh nghiệm đau xót nơi chính bản thân mình. Làm sao ông quên được những điều Thầy đã báo trước với ông, về việc chính ông sẽ chối Thầy mình trước khi gà chưa kịp gáy lần thứ ba, chối tới ba lần, làm sao ông có thể quên được.
Chúa biết...Biết tất cả mọi sự (Ga 21,17).
Phêrô hơi buồn vì Chúa hỏi ông đến lần thứ ba.
Tại sao Chúa phải làm thế?
Chẳng phải là Chúa không biết lòng mến của ông đối với Ngài. Và có lẽ cũng chẳng phải là để đền bù lại ba lần ông đã chối Chúa. Chẳng lẽ Chúa mà lại hẹp hòi đến như vậy sao? Ngài chẳng cần phải như vậy. Nhưng sở dĩ Ngài làm thế là vì Ngài muốn ông xác tín một cách dứt khoát về giá trị con đường yêu thương mà Chúa đã đi, để rồi khi lãnh trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa, ông cũng phải dẫn dắt họ đi trên con đường đó. Dứt khoát là không có con đường nào khác ngoài con đường đó. Đừng đi tìm bất cứ một con đường nào khác con đường đó.
2. Chúa nói với Phêrô “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Theo Chúa không phải chỉ là đi trên những con đường cát bụi mà có lần Chúa đã đi qua, nhưng là phải sống chính cuộc sống mà Chúa đã sống.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bách đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập Giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi: “Quo vadis: Người đi đâu đó?”
Người ấy trả lời: “Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.
Phêrô đã hiểu ngay. Lần này thì Chúa không cần phải cắt nghĩa dài dòng nữa. Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và tự nộp mình để rồi chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng, ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức như Thầy, nên ông xin được chết trên Thập Giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Với tư thế đó, ông sẽ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Nhưng Phêrô đã muốn như thế để nói lên tấm lòng của ông đối với Thầy chí thánh.
Rõ ràng ông thực hiện trọn vẹn lời của Chúa: “Khi về già, ngươi sẽ dang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).
Phêrô nằm trên Thánh Giá. Giống như Chúa Giêsu, như con chiên hiền lành, không một tiếng than, không một lời trách. Ông nằm trên đó như một lễ tế dâng lên Thầy chí thánh với tất cả lòng yêu thương: Yêu thương thì sẵn sàng hy sinh. Yêu thương thì sẵn sàng quên mình.
Phêrô đã chết nhưng cái chết của ông không vô ích. Ông đã chết không như một thất bại nhưng như một anh hùng chiến thắng. Sự can đảm của ông chẳng khác gì một ngọn lửa hồng rực sáng, sáng lên thật nhanh, thật mạnh nơi tâm hồn những tín hữu đầu tiên để họ cùng ông viết lên những trang sử hào hùng cho tòa nhà Giáo Hội, mà chính Phêrô là nền móng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta cũng được sống can đảm như thế, để chúng ta xứng đáng với sự cứu chuộc của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Ðã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Amen. ----------------------------------