Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.
Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.
Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly. Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện, nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta, những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20). Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất, vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự. Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người. Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ, theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác. Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22). Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b). Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một. Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21). Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất. Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con. Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con: “để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21). Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất là sự ở trong nhau giữa Cha và Con. Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều giữa Cha, Con và các môn đệ. “Con ở trong họ và Cha ở trong Con… Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23). “Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26). Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta. Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế với thế giới siêu việt của Cha và Con. Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian. Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng “Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21), “Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23). Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới. Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an. Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp con quên mình hoàn toàn để ở lại trong Chúa. lặng lẽ và an bình như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu. Lạy Đấng thường hằng bất biến, mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa; nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa! Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, xin biến hồn con thành chốn trời cao, thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi. Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người, với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ và phó mình cho Chúa sáng tạo. Amen. (Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité) --------------------------------
Hợp nhất là sự sống trong tình yêu. Chúa Ba Ngôi chính là nguồn mạch tình yêu và sự sống trong sự hợp nhất trọn vẹn. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. “Cha và Con là Một”. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Kết hợp sâu xa trong một tình yêu hoàn hảo được biểu lộ trong chuyển động dâng hiến trọn vẹn: “Mọi sự của Cha là của Con. Và mọi sự của Con là của Cha”. Sự dâng hiến làm nên sự sống. “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. “Thầy sống nhờ Cha”. Cuộc trao đổi dâng hiến làm cho tình yêu không bao giờ vơi cạn. Và sự sống ngày càng sung mãn.
Tình yêu và sự sống đó lan tràn đến nhân loại. Nhưng để lãnh nhận con người phải hòa mình vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh rất đẹp mà Chúa Giê-su đã dùng là cây nho: “Thầy là cây nho. Anh em là nhành nho”. Như cành cây phải gắn liền với thân cây. Muốn nhận lãnh sự sống từ Thiên Chúa ta phải gắn liền vào Thiên Chúa. Muốn gắn liền vào Thiên Chúa ta phải có tình yêu. Tình yêu làm cho ta ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Khi ta ở trong Chúa Giêsu thì Chúa Cha ở trong ta: “Con ở trong chúng và Cha ở trong Con”. Tình yêu đó phất sinh sự sống trong ta. Một sự sống dồi dào sung mãn.
Khi hợp nhất với Thiên Chúa, người ta tự nhiên hợp nhát với nhau. Đó chính là hình ảnh của cộng đoàn tín hữu sơ khai. Yêu mến Thiên Chúa nên bỏ của cải làm của chung. Vì thế cộng đoàn có một sức sống mãnh liệt. Và đó là một cộng đoàn chứng nhân. Thế gian thấy họ mà tin vào Chúa: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con”.
Thế gian tin và muốn gia nhập cộng đoàn tín hữu sơ khai. Vì từ thâm tâm ai cũng hướng về tình yêu và sự sống. Trong hợp nhất tình yêu và sự sống được biểu lộ. Trở thành sức hấp dẫn với mọi người.
Phao-lô có sức hấp dẫn vì ông luôn kết hợp với Chúa: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Chúa hài lòng về điều đó nên mời gọi ông: “Con hãy tiếp tục làm chứng cho ta tại Rô-ma nữa”
Trong một buổi hội họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:
- Hỡi Chúa sơn lâm, hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.
Và mũi tên đã cắm phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:
- Chỉ một lời con người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể chống lại bọn họ.
Sói già an ủi cọp:
- Điều suy nghĩ của Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.
Ý kiến ấy thật hay, nhưng thú rừng vẫn bị tiêu diệt, vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ hiệp nhất.
Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công, nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại như Nguyên tổ của họ ngày xưa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho họ được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ngài không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người đến nguy cơ ỷ lại vào mình; Ngài cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người lọt vào hố sâu của tham vọng.
Khi cầu nguyện cho cộng đoàn những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin, Chúa Giêsu đã không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, mà chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu, họ cũng ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.
Người kitô hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu bằng cách sống yêu thương hiệp nhất. Chắc chắn không ai trong chúng ta có thể đứng vững một mình nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết với nhau, chúng ta cần phải ra khỏi con người ích kỷ của mình, phải từ bỏ nhiều tật xấu cố hữu của mình, nhờ đó chúng ta sẽ nên một trong Chúa và được chiêm ngưỡng quyền năng vinh quang Chúa hoạt động nơi chúng ta.
Hiện nay, chúng ta thấy trong xã hội có nhiều thứ biến đổi tiến tới đỉnh hợp nhất như quy tụ thành những thị xã, đô thị, thành phố, những hiệp hội, liên hiệp. Ít lâu nay, chúng ta đã trở nên những thành viên không chỉ của một làng xã, một trường học, nhưng còn của một cộng đoàn, một khu vực bao gồm nhiều quốc gia.
Cơ cấu xã hội đang chuyển đổi thành nhóm như: hiệp hội công dân, cộng đồng căn bản, khối kinh tế, liên minh phòng thủ … Một triết gia đã quả quyết thế giới đang thành một làng xã nhờ những phương tiện giao thông tân tiến thần tốc.
Vũ trụ tiến tới hợp nhất dần dần như đáp lại lời kêu gọi của Đức Kitô: “Xin cho tất cả nên một trong chúng ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.
Nhưng hợp nhất nên một không hẳn là mặc khải và là bằng chứng của Đức Kitô. Chúng ta có thể thành một nhóm duy nhất, một cộng đoàn tôn giáo tập trung vào chính mình mà không vào Thiên Chúa, thành những nhóm bất khả xâm phạm đối với người ngoài, bất khả chia cơm sẻ áo. Chúng ta có thể sống dưới một mái nhà mà không tạo nên một gia đình.
Hiện thời, chúng ta thấy nhiều sức mạnh dẫn lối chỉ đường đưa loài người đến hợp nhất. Mặc khải của Đức Kitô có mặt ở đó, như đang cưu mang nó, nhưng sự hiệp nhất toàn hảo chỉ thực hiện được trong Thiên Chúa: “Xin cho tất cả nên một trong Chúng Ta”.
Những cộng đoàn Kitô hữu ngày nay có thể là dấu chỉ của sự hợp nhất toàn hảo này khi họ sống biết chia sẻ thực sự về đức tin, đức ái và hành động. Đó là một trong những vai trò của Giáo hội trong xã hội để giúp con người đạt tới vô cùng nhờ cố gắng tập trung vào Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội Thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất tình yêu.
Lời cầu nguyện của Chúa trước lúc khổ nạn cho chúng ta thấy tình yêu cao cả và sự tín cẩn mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ của Ngài, vì thế Ngài vẫn trao cho các ông một sứ mạng vô cùng lớn lao là rao giảng tên Ngài khắp nơi trên thế gian và cho đến tận cùng thời gian. Chúa Giêsu chết đi và sống lại để tất cả mọi người trở nên một như Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Chúa Giêsu nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con để họ được là một như chúng ta là một”.
Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói tới sự vinh quang mà Ngài ban cho các môn đệ và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón nhận sự vinh quang đến từ tình yêu của Chúa Cha, để tất cả được trở nên một. Tuy nhiên, đây là sự vinh quang khác biệt với sự vinh quang phát sinh từ lòng kiêu ngạo của con người, vì loại vinh quang này chỉ đem tới sự chia rẽ. Sự vinh quang của Chúa Giêsu là sự vinh quang của Ðấng đã tự hạ mình xuống ngang hàng với nhân loại để yêu thương và phục vụ như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự vinh quang của Ðấng đã không màng tới sự vinh quang của cá nhân, vì thế mà Chúa Cha đã vinh danh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Philipphê đã nói rằng Chúa Giêsu trong lúc còn sống tại trần thế đã lãnh nhận vinh quang của Thiên Chúa. Vì Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang và mặc lấy thân nô lệ và sống nên người phàm nhân. Ngài lại còn tự hạ mình xuống và vâng lời Cha để chết trên thập giá cho sự cứu rỗi của nhân loại. Chính vì thế mà Cha Ngài đã suy tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trổi hơn các danh hiệu khác. Chính Chúa Cha đã dành cho Con Ngài sự vinh quang vượt lên trên các vinh quang của trần thế. Chúa Giêsu đã có được sự vinh quang đó không phải vì Ngài ưa thích tìm kiếm mà vì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta phương cách để trở nên một đó là đón nhận sự vinh quang mà Ngài đã ban cho chúng ta, sự vinh quang giúp chúng ta biết phục vụ cho những người khác và mở rộng trái tim đến tất cả mọi người. Sự vinh quang giúp chúng ta biết hạ mình sống gần gũi với tầng lớp của những người anh em khốn khó của mình.
Lạy Chúa, xin hãy thương xót nhân loại và chữa lành các vết thương chia rẽ của chúng con. Xin cho tất cả các tín hữu Kitô sống trong sự hiệp nhất như Ngài đã cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm tăng thêm trong chúng con tình yêu đối với anh chị em khác trong Chúa Kitô.
Trong thời gian qua, lòng con dân Nước Việt luôn thể hiện lòng yêu mến quê hương đất nước và mong sao cho quê hương được thanh bình, không có chiến tranh. Lòng yêu mến đó được chứng minh qua sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn... sẵn sàng đứng lên để đấu tranh cho sự thật, công lý và hòa bình trên Biển Đông. Qua những gì vừa xảy ra, hẳn ai cũng hiểu được rằng: chỉ có hiệp nhất, chung lòng thì mới có thể chiến thắng được ngoại xâm.
"Xin cho chúng nên một". Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.
Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.
Lời cầu nguyện và mong muốn của Đức Giêsu khi xưa cho các môn đệ được hiệp nhất, cũng chính là lời cầu nguyện và mời gọi của Ngài dành cho chúng ta hôm nay.
Lạy Cha, ơn cứu độ Cha ban cho chúng con không chỉ dành riêng cho người Kitô hữu, nhưng là cho toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con biết loan báo lời của Con Cha cho mọi người không phân biệt, và biết làm chứng cho Cha trong sự hiệp nhất của chúng con. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mọi người được hiệp nhất trong Thiên Chúa. Muốn trở nên thành phần trong gia đình của Chúa, chúng ta cần biểu lộ tinh thần hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha đầy lòng yêu thương, chúng con muốn tiếp nối lời Chúa Giêsu Con Cha, để dâng lên Cha lời cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội, cho gia đình con và cho tất cả chúng con được hiệp nhất.
Cha đã tác tạo chúng con trong tình yêu. Mãi mãi Cha vẫn hằng yêu thương chúng con và mong muốn chúng con sống yêu thương nhau, hiệp nhất trong tình yêu của Cha. Nhưng vì tội lỗi, chúng con đã xa cách Cha và xa cách nhau. Dù vậy, Cha vẫn không bỏ chúng con, vẫn kêu gọi chúng con trở về với tình yêu của Cha. Qua dòng lịch sử, từng bước từng bước một, Cha đã hàn gắn sự đổ vỡ và kêu gọi chúng con sống tinh thần hiệp nhất. Sau cùng, chính Chúa Giêsu Con Cha đã xuống thế gian để trở thành mối dây liên kết chúng con với Cha và với nhau. Và hôm nay, Giáo Hội vẫn đang nỗ lực duy trì và phát triển sự hiệp nhất ấy.
Nhưng lạy Cha, công việc của Giáo Hội còn bề bộn lắm. Trong lòng Giáo Hội còn nhiều khó khăn làm cản trở sự hiệp nhất. Là những người sống trong Giáo Hội, chúng con đã cảm nhận được điều ấy. Chính trong giáo xứ, trong gia đình chúng con, vẫn còn nhiều nỗi bất hòa. Xin cho mỗi người chúng con biết nỗ lực thông cảm với nhau, tha thứ cho nhau, biết gạt bỏ ra bên ngoài những ý riêng để đi tới hiệp nhất. Xin Cha giúp mỗi người chúng con biết quên mình, biết hãm dẹp tự ái và kiêu ngạo, để cùng nhau sống hiệp nhất trong tình yêu Cha. Và qua dấu chỉ đó, chúng con làm chứng cho tình yêu của Cha. Amen.
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con. Nói xong, ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha xem”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó, người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ, người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết yêu thương nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại, nếu các con không đoàn kết yêu thương nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.
Suy niệm
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và những ai đã cùng chia sẻ với Ngài trong bữa tiệc ly trước khi bước vào cuộc thương khó. Tin Mừng Gioan17,20-26 là những tâm tình cuối cùng trong lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha trước khi Ngài bị bắt và kết án trên thập tự. Đó là thời điểm khó khăn khủng hoảng nhất và là thời điểm ly biệt. Chúa Giêsu sống trong thế giới, với kinh nghiệm nhân loại mà Ngài mang lấy, Ngài đã thấy trước được những gì khó khăn liên quan đến đời sống đức tin, Ngài hiểu được sự khó khăn của các tông đồ khi chứng kiến và bước vào cuộc thương khó. Trái tim của Thầy luôn nghĩ đến các môn sinh và những người đã đón tiếp Lời Ngài qua các tông đồ nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Cha: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con” (Ga 17,20).
Lời cầu với một lòng tha thiết với Chúa Cha cho chúng ta, những người tin vào Ngài, đang sống đức tin ấy giữa lòng thế giới, luôn trung thành với Lời Ngài và hiệp nhất trong tình yêu. Mặc dù chính Ngài còn mang trong mình những lo âu của cuộc thương khó nhưng Ngài vẫn dành trọn lời cầu tha thiết của Ngài cho sự hiện diện của thân phận con người.
Ngài đã nhìn thấy trước những khó khăn của việc giữ đức tin và của sự hiệp nhất với những tương quan của thực tế thế giới trong mọi thời đại. Đó là sự chia rẽ: Chia rẽ giữa các quốc gia, giữa các chủng tộc, giữa các tôn giáo…. Chính sự chia rẽ đào sâu trong lòng con người một vực thẳm của sự ngăn cách và với thời gian, nó sinh ra hận thù, chiến tranh… như chúng ta thấy ở châu Phi và Trung Đông. Sự chia rẽ còn xuất hiện giữa những người cùng chung một niềm tin Kitô. Sự chia rẽ trong Giáo hội đã không biểu lộ được tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người trong thế giới mà Đức Kitô mong muốn và đã loan báo cho trần gian. Không chỉ trên bình diện quốc tế, sự chia rẽ còn xảy ra nơi phạm vi nhỏ hơn như trong cộng đoàn, trong công sở và ngay cả trong gia đình. Nó bào mòn hạnh phúc và gây nên sự đổ vỡ trong các mối quan hệ gia đình và xã hội... Trong thế giới hôm nay, sự chia rẽ xảy ra từng ngày, nối tiếp từng năm và kéo dài từ thế kỷ này qua thế thế kỷ kia. Chính vì thế, trái tim của Chúa vẫn tiếp tục rỉ máu và lời cầu nguyện của Ngài vẫn vang vọng và thắm thiết bên Chúa Cha: “Để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã chia sẻ với chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần: “Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).
Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta, những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.
Ý lực sống:
“Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa…”.
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn cho tất cả những người nghe và tin vào lời các môn đệ giảng. Để lời Chúa được mang đến khắp cùng bờ cõi, đến với mọi người, mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.
2. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu (Mỗi ngày một tin vui).
3. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội ngày mai, tức là cho mọi tín hữu trong tương lai, như vậy có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội Ngài thiết lập, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.
“Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin gìn giữ chúng trong tình hiệp nhất.
Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà là sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
4. Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần: “Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).
5. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau: “Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô”.
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.
6. Bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta – những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.
7. Truyện: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: “ Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quí giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gẫy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gẫy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gẫy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gẫy được. Bấy giờ người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gẫy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gẫy một cách dễ dàng, hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.
Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài:
“Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, mà cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con.” “Để cả chúng cũng nên một trong Ta.” “Con muốn rằng, Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.” “Để tình yêu Cha yêu Con ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa.”
Suy gẫm
1. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”: “Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp nhất. Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố nhịn tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
2. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy?” Và phải tập lại từ đầu.
3. “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.” Chúa Giêsu ở đâu? Ở trong tình yêu Chúa Cha; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng.
4. Chính Cha đã sai Con và yêu thương họ như đã yêu thương Con.”
Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giêsu, tôi rất dễ dâng lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu thương cách đặc biệt nên Người có thể làm mọi sự.
Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Như vậy, Chúa Giêsu Nadarét ngày nào cũng như tôi hôm nay, và cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi. Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, tôi cũng tin vào tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha.
Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài.
1. Chúa cầu nguyện để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Ngài: “Con muốn rằng, con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con” (Ga 17,24).
Hoàng đế Fransois Joseph là vua nước Hung gia lợi từ 1848-1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử và cũng là một triều đại tiến bộ nhất. Hoàng đế là con người rất nghiêm khắc, nhưng lại trị vì đất nước rất khoan dung.
Khởi đầu triều đại của ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp Châu Âu. Triều thần đề nghị với vua Fransois Joseph bỏ kinh đô Vienne nước Áo để sang Salzburg nước Hung Gia Lợi, cho tới khi tai họa qua đi. Vua Fransois Joseph liền hỏi:
- Ở Salzburg có đủ phòng nghỉ cho con cái ta không?
Quan đại thần thưa:
- Tâu đức vua, ở Salzburg chắc chắn có đủ phòng nghỉ cho tất cả hoàng gia.
Vua Fransois Joseph hỏi lại hai lần nữa:
- Có thực sự có phòng đủ cho con cái ta chớ?
Rồi giơ tay chỉ vào dân chúng đông đúc đang đứng ngoài sân mà nói với quan đại thần:
- Quan hãy nhìn đám dân chúng đông đúc kia. Họ là con cái của ta cả. Có người cha nào đang tâm bỏ con cái trong nguy hiểm sao? Không! Những người tại thủ đô Vienne này đã chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu. Ta phải quan tâm đến họ, như là lo cho chính ta vậy.
Một ông vua trần thế mà còn biết thương và lo cho dân như thế, huống chi là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta. Làm sao Chúa co thể vui khi con cái của Ngài không được chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Ngài.
Chính vì thế mà trong khi chờ đợi chúng ta phải biết luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa. Có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được cuộc đời có Chúa là cuộc đời hạnh phúc như thế nào.
Hồi còn làm tổng thống Hoa Kỳ, ông Roosevelt đã có lần sang mãi tận Phi châu để nghỉ hè. Ông thích săn những con hươu cao cổ tại đó. Sau những ngày nghỉ hè thú vị, tổng thống lên đường trở về. Trong chuyến tàu đem tổng thống trở về, người ta cũng thấy có một nhà truyền giáo sau hơn bốn mươi năm phục vụ những người dân Phi châu cùng có mặt trên con tàu.
Khi tàu sắp cập bến, nhà truyền giáo thấy cảnh dân chúng đứng trên bờ cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ hân hoan chào đón tổng thống Roosevelt đi săn trở về bình an. Ông cảm thấy tủi thân vì hình như chẳng có ai để ý đến mình. Một thân một phận lủi thủi lên bờ. Tự thâm tâm ông như muốn trách Chúa:
- Đấy, Chúa thấy không, tổng thống đi nghỉ hè về thì được nhiều người ra đón rước như vậy. Còn con, con đã hy sinh chịu cực vì Chúa, phục vụ anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu trong suốt bốn mươi năm qua. Thế mà bây giờ trở về đây, không ai thèm nghĩ đến con, thật là bất công và tủi cho thân phận con quá.
Nhưng ngay lúc đó, dường như có tiếng Chúa trả lời cho nhà truyền giáo:
- Này con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà!
2. Chúa còn cầu nguyện chúng ta nên một với Ngài: “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,21).
Trong một buổi thuyết trình về đạo được tổ chức trên boong một du thuyền lớn, tiến sĩ A. Simpson giải thích với cử tọa về vấn đề này như sau: Ông lấy một cái chai quẳng vào lòng biển. Cái chai rơi vào đại dương và đang ở trong đại dương.
Nước biển chui vào chiếm hữu cái chai, nước biển càng vào, cái chai càng từ từ chìm sâu vào lòng đại dương. Ông kết luận:
- Cái chai ở trong đại đương và đại dương ở trong cái chai. Đó là hình ảnh xác thực nhất để chỉ mối tương giao giữa Chúa Giêsu và chúng ta là những môn đệ của Người.
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, trong bài ca thiêng liêng của ngài, ngài đã diễn tả về vấn đề này thật hay như sau: “Chúa Cha đã thực hiện điều Chúa Con cầu xin khi thông ban cho họ chính tình yêu thương Người hằng thông ban cho Chúa Con. Tuy vậy, Người không thông ban cho họ theo bản tính như khi Người thông ban cho Chúa Con, nhưng đã thông ban cho họ bằng cách lấy tình thương mà kết hợp họ với Người và thần hóa họ. Cũng thế, không nên hiểu rằng Chúa Con xin Chúa Cha cho họ nên một theo yếu tính và bản thể như Chúa Cha với Chúa Con là một, nhưng Người chỉ muốn xin cho họ nên một nhờ kết hợp với nhau trong tình thương, như Chúa Cha và Chúa Con vẫn là một trong Tình Thương duy nhất. Do đó, các linh hồn được thông phần với Thiên Chúa những điều tốt đẹp mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn có theo bản tính. Vì vậy, nhờ được thông phần với Thiên Chúa, các linh hồn thực sự là những vị thần. Họ nên giống Thiên Chúa và được chung phần với Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên một với Chúa. Amen.