Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người.
Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?”
Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.
Sống là lên đường. Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi, và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44). Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết, là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh. Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta. “Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51). Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc, cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu, bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát. Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu. Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy, chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê. Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy. Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33). Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục, nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51). Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27). Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari. Giữa người Do Thái và người Samari có sự xung khắc. Người Do Thái khinh người Samari, người Samari thù người Do Thái. Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ, người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón. Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17), đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy. Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12), “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54). Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông. Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình. Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29). Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình? Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt, cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người. Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này. Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực. Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay. Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế. Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56). Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa. Xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để đau khổ làm con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi hay cay đắng, làm con nhẫn nại chứ không bực bội, làm con rộng lòng tha thứ, chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ. Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật, lòng cao thượng, tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu. Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, xin cho con có lúc thì thầm với Chúa một lời yêu thương. Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ) ----------------------------------
Chúa Giê-su rao giảng tại Ga-li-lê. Người lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất quãng đời dương thế. Đó là cao điểm. Lu-ca nói Người đi về trời để được vinh quang. Da-ca-ri-a đã loan báo trước vinh quang của Chúa. Mọi dân tộc sẽ nhận biết Chúa. Sẽ trở về với Chúa. Sẽ đi theo con đường của Chúa: “Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến. Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng: “Nào ta cùng đi làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng đi!...Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em”(năm lẻ).
Nhưng con đường vinh quang phải trải qua đau khổ. Đau khổ lớn lao chưa từng có ai chịu nổi. Đau khổ không ai có thể chịu đựng được. Chúa bị phản bội, bị bỏ rơi bởi các môn đệ. Bị xét xử nhiều lần. Bị kết án. Bị nhục mạ. Bị đánh đòn. Bị vác thánh giá. Bị đóng đinh. Chết giữa những tên trộm cướp. Đau đớn nhất là Người cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ. Thánh Gióp là người chịu đau khổ phần nào giống Chúa. Ông trong sạch. Ông trung thành thờ phượng Chúa. Nhưng ông bị thử thách. Mất hết của cải, con cái. Bản than bị lở loét, sâu bọ đục khoét. Vừa đau đớn vừa hôi thối. Nhưng đau đớn hơn nữa ông bị bạn bè kết án. Và nhất là người vợ thân thương cũng khinh khi miệt thị. Và nhất là ông cảm thấy như bị Chúa ruồng bỏ. Nên ông đau buồn than khóc. “Bấy giờ, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời. Ông Gióp lên tiếng nói: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời…Sao lại ban ánh sang và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?”(năm chẵn).
Việc người Sa-ma-ri không đón tiếp Chúa chỉ là bắt đầu. Rồi Chúa sẽ chịu nhiều đau khổ nhục nhã lớn lao hơn nữa. Cho đến chết. Các tông đồ muốn trừng phạt họ. Nhưng Chúa mắng các ông. Vì các ông không hiểu. Chính Chúa tự nguyện đi vào con đường đau khổ để được vinh quang. Chấp nhận chịu bạc đãi để đem lại yêu thương. Chấp nhận thân phận tội lỗi để qui tụ muôn người về với Chúa Cha. Chấp nhận chết đi để được sống lại.
Các môn đệ tuy chưa hiểu. Nhưng vì yêu mến Chúa, các ngài sẵn sang đi vào con đường của Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương các ngài. Gắn bó với Chúa. Đi theo Chúa. Cùng chịu đau khổ để cùng vinh quang với Chúa. Cùng chịu chết để được sống lại với Chúa.
Ðể lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".
Có thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem, nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.
Nếu đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ phải có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất bại, khổ đau.
Cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó, nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi ngày một cách sung mãn hơn.
Tin Mừng hôm nay hẳn mời gọi chúng ta lặp lại niềm tín thác của chúng ta vào sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Thánh Luca, tác giả của đoạn Tin Mừng hôm nay nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu như một cuộc hành trình tiến về Giêrusalem mà cao điểm là cái chết trên thập giá. Tiến về Giêrusalem để chịu tử nạn cho nên có gặp thù nghịch chống đối trong suốt cuộc hành trình cũng là chuyện bình thường đối với Chúa Giêsu, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu chưa thể hiểu tại sao Thầy mình phải gặp phải những chống đối như thế. Phản ứng của hai thánh Gioan và Giacôbê là điển hình, hai vị thánh này không thể chấp nhận được sự kiện người dân tại một làng Samaria nọ không đón tiếp Ngài. Các ngài chỉ mong cho lửa từ trời xuống để tiêu diệt cái dân phản nghịch này. Chúa Giêsu quở trách các ngài, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho các môn đệ biết rằng điều kiện đầu tiên để làm môn đệ Ngài là phải có thái độ kiên nhẫn trước sự chống đối, thù nghịch và thẳng thắn nói chung. Ðây là dịp để các môn đệ hiểu được ý nghĩa của những bài dụ ngôn về nước Trời, đặc biệt là các bài dụ ngôn về hạt giống, về cỏ lùng và lúa tốt. Hạt giống được gieo vãi ngay cả trên đất xấu, hạt giống được gieo vãi ngay cả trên cỏ lùng, hạt giống phải chịu thối đi trong lòng đất; dù có được gieo vãi trong những điều kiện không thuận lợi, hạt giống vẫn mọc lên và sinh nhiều bông hạt.
Hình ảnh của hạt giống gợi lên cho chúng ta lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội được tẩy trần và sinh hoa kết trái ngay giữa những cơn bách hại đẫm máu nhất. Giáo Hội từng được thanh luyện và trưởng thành khi gặp chống đối và thù nghịch. Thái độ thỏa hiệp có thể mang lại cho Giáo Hội một vài đặc ân và dễ dãi, nhưng chắc chắn những thiệt hại và mất mát mà Giáo Hội phải chịu thì không gì có thể bù lại được. Giáo Hội có đáng tin hay không? Giáo Hội có thật sự đi lại cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu hay không? Hay giữa những chống đối, thù nghịch và thử thách, Giáo Hội vẫn tỏ ra trung thành với Ðấng khi bị treo trên thập giá đã lặng thinh và phó thác cho Thiên Chúa. Hạt lúa có gieo vào lòng đất mới thối đi và lớn lên sinh nhiều bông hạt, đó là định luật của cuộc sống Giáo Hội và của người môn đệ Chúa Kitô.
Ước gì giữa những khổ đau, chống đối và thù nghịch, chúng ta vẫn luôn nhận ra được bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa, đó là ơn trọng đại mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa ban cho chúng ta.
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước, họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. (Lc. 9, 51-52)
Với lòng quả cảm, Đức Giêsu nhất quyết lên Giê-ru-sa-lem, vì Người biết rõ sắp tới ngày chịu nạn chịu chết. Người sẵn sàng vâng theo thánh ý Cha Người, nên không bao giờ lùi bước. Người không sống cho chính mình, trái lại sống phụng vụ thánh ý Cha với tấm lòng vui vẻ của người con thảo. Người gởi sứ giả đi trước dọn đường đi qua Sa-ma-ri-a, họ hận thù với dân Do-thái.
Dân Sa-ma-ri-a bị coi là kẻ ly giáo đối với thành thánh Giê-ru-sa-lem kể từ khi họ xây đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Cả hai dân tộc đều khinh ghét nhau, nên những đoàn hành hương khi đi ngang qua ranh giới, đều phải chịu những quẫy nhiễu đủ thứ. Những Tông Đồ bị từ chối không cho qua làng Sa-ma-ri-a để lên Giê-ru-sa-lem.
Gia-cô-bê và Gio-an nổi khùng, muốn dùng biện pháp mạnh thiêu đốt làng đó ngay lập tức. Các ông nói với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không”. Người ta có thể nghĩ xem Đức Kitô, Đấng nhân lành xử thế nào đối với sự chống đối của các môn đệ. Người cần cho các ông một bài học nhân lành về thái độ ngạo ngược này, và chỉ cho các ông phải lấy lửa nào mà đốt tật xấu của mình đi. Đức Kitô đã nhìn Gia-cô-bê và Gio-an với giọng khiển trách ngay thẳng, hẳn tâm can Người khá thất vọng không biết đến chừng nào các ông hiểu được một chút lời dạy của Người: cần kiên trì đến bao giờ đối với các ông và với mọi người khác. Dầu đang sống với chính Người, đang nghe chính Người nói, đang nhìn thấy chính Người hành động, các ông vẫn chưa nuốt được ý nghĩa cần thiết phải có thời giờ chờ đợi cho mọi thứ ăn năn trở về, không nên dùng sức mạnh cưỡng bách Thiên Chúa xâm nhập vào những con tim loài người. Chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, muốn một Giáo Hội bị xé nát do nhiều Kitô hữu tự lên án phạt vạ tuyệt thông nhau, đối xử tệ với những người trễ nải, hay bất mãn với những gánh nặng của Giáo Hội đề ra. Họ còn chống đối cả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Đức Kitô chỉ nói đơn giản rằng: “Chúng ta đi sang làng khác”.
Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng.
Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, cần khiêm tốn và phải có tấm lòng bao dung, vị tha.
Tại sao vậy? Thưa! Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người phản chiếu tình thương của Thầy cho anh chị em mình một cách trung thực, mà sự thật về Đức Giêsu là gì nếu không phải là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót, Đấng đến để phục vụ thay cho được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết cho người mình yêu...!
Vì thế, Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử thách vì lòng yêu mến Chúa. Đồng thời cũng dạy cho các ông bài học về sự kiên trì và trung thành.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tấm lòng bao dung như Chúa. Luôn hiểu và thông cảm cho những bất toàn của anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con biết đón nhận mọi thử thách, nghịch cảnh xảy đến trong đời và nơi sứ vụ vì lòng yêu mến Chúa. Amen.
Sứ điệp: Chúa là Đấng khoan dung nhân từ. Dù những người Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa, nhưng Chúa không muốn tiêu diệt họ. Chúa vẫn tha thứ và chờ đợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nhân từ. Biết bao lần con cũng sống như người Samari, đã không tiếp đón Chúa, đã từ chối Chúa, đã xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ cho con. Chúa chấp nhận bị từ chối vì Chúa tôn trọng tự do của con. Chúa muốn đến cứu con chứ không đến để tiêu diệt con. Nếu con có phải bị phạt thì cũng đáng, vì con đã phạm đến Chúa và Chúa có quyền phạt con. Nhưng lạy Chúa, Chúa không xử với con như con đáng tội. Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, nhưng là Thiên Chúa tình yêu giàu lòng nhân ái. Con được sống đến ngày hôm nay là do Chúa nhân từ xót thương. Con tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương của Chúa để con sống xứng đáng với tình thương bao la ấy. Không phải vì Chúa thương con mà con lạm dụng tình thương ấy. Nhất là xin Chúa giúp con biết sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa. Mỗi lần nghe một lời nói mất lòng, một câu chướng tai, mỗi lần thấy một việc gai mắt, mỗi lần gặp những điều trái ý, mỗi lần bị xúc phạm, xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn nhịn nhục và chấp nhận. Xin cho con biết hãm dẹp tự ái, biết kềm hãm tính nóng nảy để chịu đựng những sự buồn phiền trái ý. Con đã kinh nghiệm rằng mắng chửi, quát tháo, đánh đập đã đem lại những hậu quả không tốt. Chỉ có tình thương mới có sức cảm hoá và đem lại niềm vui cho cuộc sống. Xin Chúa ban cho con một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương. Amen.
Ghi nhớ: “Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.
1. Đức Giêsu cương quyết lên Giêrusalem qua xứ Samaria cho gần, nhưng dân làng không chấp nhận vì họ thù nghịch với dân Do thái mà Đức Giêsu là người Do thái. Thấy vậy, hai ông Giacôbê và Gioan nổi giận xin Chúa cho phép lấy lửa trên trời xuống đốt cháy tụi này. Nhưng Đức Giêsu quở trách tính hung hãn của hai ông và nói cho hai ông biết: “Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các môn đệ và mỗi người chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với anh em.
2. Nên biết, giữa người Do thái và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” (Ga 4,9-20). Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Galilêa về Giêrusalem.
Trước thái độ từ chối của dân làng Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu “Con trai Thiên lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia xưa (2V1,10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu Ước, tinh thần báo thù.
3. Nhưng ở đây, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: ”Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.
Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.
4. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lối suy nghĩ của các môn đệ khi chưa hiểu và thấm nhuần giáo huấn của Chúa. Lối suy nghĩ và lối thích sử dụng quyền lực để răn đe hay trấn áp người khác là cách hành xử hoàn toàn trái với tinh thần Tin Mừng. Nên Chúa Giêsu đã cảnh cáo các ông. Thái độ của các môn đệ ngày xưa cũng chính là thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tôn thờ một Thiên Chúa nào? Phải chăng là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, quảng đại hay tha thứ... hay là một Thiên Chúa mà chúng ta cố giải thích méo mó để phục vụ cho ý muốn của riêng ta (5 phút Lời Chúa)?
5. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu không đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”(Mt 5,11-12).
Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua trong cuộc đời của Ngài.
6. Truyện: Tấm lòng nhân ái tuyệt vời.
Nhiều năm về trước – một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một tập đoàn dầu lửa Rochefeller ở Mỹ - đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đôla. John D. Rochefeller lúc đó là người đứng đầu công ty.
Bedford được Rochefeller mời lên văn phòng. Bedford đến rất đúng giờ và sẵn sàng để nghe những lời chỉ trích có thể nặng nề của Rochefeller.
Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu hỏa đang ngồi cạnh bàn, chăm chú viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rochefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy à, Bedford – Rochefeller nói rất chậm rải – Anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng tôi đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, - Rochefeller nói,- Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rochefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã “ghi vài dòng” là “những ưu điểm cùa Bedford”. Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty, đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần, giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.
Bedford không bao giờ quên bài học ấy. Ông đã ghi khắc những điều đó trong lòng và đem ra áp dụng trong những ngày làm việc còn lại của ông.
Thánh Giacôbê khuyên mọi người: “Phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận”(Gc 1,20-21).
Một lần nữa, Gioan (và Giacôbê) biểu lộ những thói xấu rất tầm thường của con người:
1. Tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.
2. Óc bè phái: phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.
3. Lạm dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.
Thái độ Chúa Giêsu dạy hai bài học:
1. Xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh: Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống.
2. Nhường nhịn: làng này không tiếp mình thì sang làng khác.
B.... nẩy mầm.
1. Không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của mình: không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.
2. Quyền hành không phải để trừng trị kẻ không làm đúng ý mình, mà để phục vụ.
3. Theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.
4. Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau: “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau: “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình. (Trích ”Phúc”)
Một lần nữa, Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu rất thông thường của con người:
* Tính nóng nảy: hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.
* Thích sử dụng quyền hành: ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.
1. Theo Chúa, quyền hành không phải để trừng trị nhưng để phục vụ. Chính vì thế mà ta phải biết kiềm chế cơn nóng giận của mình.
Ở Tây Tạng xưa kia có một người tên là Ái Địa Ba, mỗi khi tức giận tranh chấp với người khác, anh đều chạy về nhà với tốc độ rất nhanh, chạy xung quanh ngôi nhà và mảnh đất của mình ba vòng, sau đó ngồi xuống bờ ruộng thở dốc.
Ái Địa Ba làm việc vô cùng siêng năng. Nhà của anh ta càng ngày càng to, đất đai của anh ta càng ngày càng rộng lớn, nhưng cho dù nhà có to và đất có rộng bao nhiêu đi nữa, thì nhưng khi tức giận với một người nào đó, anh vẫn chạy quanh nhà và mảnh đất của mình ba vòng.
Tại sao Ái Địa Ba mỗi lần tức giận đều chạy quanh nhà và mảnh đất ba vòng? Tất cả những người quen biết anh đều cảm thấy nghi hoặc, nhưng cho dù hỏi gì, anh đều không muốn giải thích.
Cho đến một ngày nọ, Ái Địa Ba đã trở thành một ông cụ rất già, ngôi nhà và mảnh đất của ông bây giờ cũng đã quá rộng lớn, khi tức giận, ông vẫn chống gậy vất vả đi xung quanh ngôi nhà và mảnh đất của mình, sau khi hoàn thành ba vòng một cách khó khăn, mặt trời cũng đã lặn xuống núi, Ái Địa Ba một mình ngồi trên bờ ruộng thở dốc, cháu ông đến bên cạnh nài nỉ:
- Ông ơi, tuổi ông đã cao, những người hàng xóm quanh đây cũng không có ai có đất đai rộng lớn bằng ông, ông không thể giống như lúc trước được, mỗi khi tức giận đều chạy quanh mảnh đất! Ồng có thể nói cho cháu biết bí mật này không, tại sao mỗi khi tức giận ông đều chạy quanh mảnh đất ba vòng?
Trước sự nài nỉ của đứa cháu, Ái Địa Ba cuối cùng cũng phải nói ra bí mật trong lòng mình suốt nhiều năm nay:
- Khi trẻ, mỗi khi ông cãi cọ, tranh luận, tức giận một ai đó ông đều chạy ba vòng quanh mảnh đất của mình, vừa chạy vừa suy nghĩ, ngôi nhà của mình nhỏ như vậy, đất đai của mình nhỏ như vậy, mình làm gì có thời gian và tư cách để tức giận mọi người. Khi nghĩ đến đây, bao nhiều tức giận đều tan biến hết, ông dành tất cả thời gian nỗ lực làm việc.
Đứa cháu hỏi:
- Ông à, vậy bây giờ ông đã lớn tuổi rồi, cũng đã trở thành một người giàu có, tại sao ông vẫn còn chạy như thế?
Ái Địa Ba cười nói:
- Phải. Bây giờ, tuy ta đã già nhưng nhiều khi vẫn có thể tức giận, khi tức giận thì chạy ba vòng, vừa chạy vừa suy nghĩ, nhà của ta thật to, đất đai của ta thật rộng lớn, ta hà tất tính toán với người khác làm gì cho mệt? Nghĩ đến đây, bao nhiêu tức giận đều tan biến cả.
2. Hiền lành quảng đại sẽ mang lại cho cuộc sống nhiều thành công hơn.
Nhiều năm về trước, Bedford - một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một tập đoàn dầu lửa Rockefeller ở Mỹ - đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đô la. John D. Rockefeller lúc đó là người đứng đầu công ty.
Bedford được Rockefeller mời lên văn phòng. Bedford đến rất đúng giờ và đã sẵn sàng nghe những lời chỉ trích nặng nề trong cơn nóng giận của Rockefeller.
Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu lửa đang ngồi cạnh bàn, chăm chú viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rockefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy hả, Bedford. - Rockefeller nói rất chậm rãi. - Anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng ông đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. - Rockefeller nói. - Và trước khi tôi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rockefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã “ghi vài dòng” là “Những ưu điểm của Bedford”. Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty, đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần, giúp công ty kiểm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.
Bedford không bao giờ quên bài học ấy. Ông đã ghi khắc những điều đó trong lòng và đem ra áp dụng trong những ngày làm việc còn lại của ông. (Internet)
Thánh Giacôbê khuyên mọi người: “Phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi được đường lối công chính của Thiên Chúa (Gc 1, 20-21).
Và đây là Lời Sách Châm ngôn: “Ðừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi xung, kẻo con lại học đòi lối sống của chúng” (Cn 22.24-25).