Thường Niên Tuần 5-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ ba - 07/02/2023 00:50
Thường Niên Tuần 5-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 5-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 5-2023 Thứ Tư
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 05 – Thứ 4: Tinh sạch tinh thần. 1
Suy Niệm 1: Từ trái tim con người 2
Suy Niệm 2: Trong và ngoài 5
Suy Niệm 3: Vấn đề sạch dơ. 6
Suy Niệm 4: Xấu bẩn tự lòng mình. 8
Suy Niệm 5: Sống đạo thật tâm.. 9
Suy Niệm 6: Canh tân đời sống, cần canh tân tâm hồn. 10
Suy Niệm 7: Thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim.. 11
Suy Niệm 8: Thanh sạch và ô uế. 13
Suy Niệm 9: Tâm hồn sạch và tâm hồn dơ. 16
Suy Niệm 10: Lương tâm trong sáng và ô uế. 18

----------------------------------------
 

TinMừng – TN 05 – Thứ 4: Tinh sạch tinh thần.


"Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế".

Lời Chúa: Mc 7,14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".

--------------------------------
 

Suy Niệm 1: Từ trái tim con người


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.
Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.
Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).
Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.
Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,
nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.
Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).
Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,
không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.
Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,
và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).
Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,
nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.
Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:
Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?
Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).
Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.
Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:
“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),
“Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).
Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,
cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).
Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.
Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,
thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.
Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),
khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.
Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,
mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).
Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra
những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),
và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.
Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.
Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.
Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi
đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.

--------------------------------
 

Suy Niệm 2: Trong và ngoài


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Giáo huấn của Chúa thật sâu xa. Vừa theo luật tâm lý, giúp ta hiểu cặn kẽ con người, giúp đánh giá chính xác hành vi. Vừa đưa ra chuẩn mực về đời sống đạo đức. Chúa không nhìn bên ngoài nhưng nhìn vào đáy sâu tâm hồn. Chúa dạy ta sống không phải bằng hình thức bên ngoài nhưng bằng tâm tình phát xuất từ đáy lòng. Nên hôm nay Chúa đưa ra chỉ dẫn tuyệt đối: Mọi sự tốt xấu đều từ trái tim mà ra.

Thật vậy Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp. Xấu xa là từ lòng người. Mọi trái cây đều tốt. Nhưng vì bà E-và ăn với ý đồ đen tối: muốn trở nên bằng Chúa. Chính ý đồ đen tối đã tẩm nọc độc vào trái cây. Khiến gây nên đau khổ chết chóc cho loài người (năm lẻ).

Người làm sao chiêm bao làm vậy. Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Với kẻ có tâm hồn xấu xa thì mọi sự bên ngoài dù có tốt đẹp cũng trở thành xấu xa. Còn với người có tâm hồn tốt lành thì mọi sự bên ngoài dù có xấu xa cũng trở thành tốt đẹp. Ta hãy nhìn gương các thánh tử đạo. Vua chúa xấu xa bắt đạo. Các ngài bị hành hạ bằng những hình khổ đáng ghê tởm. Nhưng đối với các ngài tất cả là ơn phúc. Bị bắt bớ là dịp được gặp Chúa. Bị hành hình là được chia sẻ với đau khổ của Chúa. Chịu chết là được về với Chúa. Những gì xấu xa đã trở nên tốt lành. Vì tâm hồn các ngài tốt lành.

Trái tim quyết định tất cả. Sa-lo-mon khôn ngoan nhất trần đời vì ông nhìn thấu tâm can con người. Vì thế mà phân biệt được phải trái. Vì thế mà xét xử công minh (năm chẵn).

Trái tim quyết định tất cả. Người khôn ngoan sẽ lo thanh tẩy trái tim hơn rửa bên ngoài chén đĩa.

Trái tim quyết định tất cả. Sự xấu chỉ xâm nhập nếu tôi cho phép. Vì thế tôi kiên quyết không thỏa hiệp với cái xấu. Để mọi cử chỉ lời nói của tôi đều tốt lành.

 --------------------------------
 

Suy Niệm 3: Vấn đề sạch dơ


Khi bàn về chế độ ăn uống của các dân tộc và của cá nhân, những nhà văn hóa xã hội phải thú nhận không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung để qui định đâu là thức ăn ngon, đâu là thức ăn dở, đâu là thức ăn sạch sẽ bổ dưỡng, đâu là cái bẩn thỉu và độc hại. Bởi vì, đối với dân tộc này, món óc khỉ chẳng hạn là một món ăn bổ dưỡng và sang trọng, nhưng đối với dân tộc khác, đó là một thức ăn của người còn mang nặng thú tính, chưa có nhân tính thuần thục. Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức ăn được phép và một số thức ăn không được phép. Còn thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác. Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.

Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.

Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế. Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.

Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.

Xin cho chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, không bao giờ có óc kỳ thị đối với các thực tại cuộc sống cũng như đối với nhau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 --------------------------------
 

Suy Niệm 4: Xấu bẩn tự lòng mình


Sau đó Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu rõ cho: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc. 7, 14-15)

Cái gì là dơ bẩn, là cái xấu ở ngoài bản thân ta, ta dễ có một nhận định khách quan và vô tư. Tuy nhiên, nhận định “từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu”, có lẽ ta không dễ vô tư hơn chuyện đả kích những tạp chí, phim ảnh và quảng cáo xấu đâu.

Đâu là cái xấu ẩn ngay trong lòng ta? Bảng liệt kê những cái xấu được Phúc âm hôm nay kể ra không soi sáng chúng ta bao nhiêu. Nó cũng chỉ kê ra sự việc. Thật quá dễ dàng và nguy hiểm.

Lòng dơ bẩn không chỉ là cái chúng ta hiểu là sự dơ bẩn, sự không thanh sạch mà thôi.Tất cả những gì khiến ta đi ngược, chống lại tình yêu đều là dơ bẩn. Xấu bẩn tự lòng ta, có nghĩa là, tất cả những tâm tình đi ngược lại với tâm tình của Chúa, tiếng nói nào bảo ta đó là tám mối phúc mà chủ trương ngược lại, hạnh phúc nào ta đang theo đuổi mà lại ngược chiều với hạnh phúc Chúa ban, thì tất cả đều là dơ bẩn.

Con người Chúa hiền lành và khiêm tốn. Nơi Người không chất chứa điều nham hiểm, ghen tương hay độc ác. Tâm hồn Chúa là biển cả mênh mang ngập tràn an bình thanh thản. Là tinh yêu vô biên không ngừng trao ban và dâng hiến, có khả năng tái tạo lại con người của ta.

Còn trái tim tội nghiệp của ta, nếu có thể tích lũy những điều ghê tởm, chính bởi tại tim ta hằng miệt mài kiếm tìm hạnh phúc và sự thập toàn. Không người và vật nào có thể lấp đầy khát vọng của lòng ta: hoặc là tâm ta từ chối, hoặc là chính người hay sự vật ấy khước từ ta.Đó là một tâm hồn không bao giờ thỏa mãn, chẳng lấy chi làm đủ nên đam ra dồ dại. Con người thường có bệnh “đau tim” rất nặng, thế mà lại chẳng có ai ở gần. Không có ai ở bên, không có lấy cả một hành động dịu hiền. Mà chỉ có trơ trọi một mình.

Lạy Chúa, xin cho phép chúng con được chiêm ngắm trái tim Chúa, được nhận ra vực thẳm vô biên vốn làm chúng con xa cách Chúa, và nỗi khát vọng cháy bỏng mà chỉ minh Chúa mới làm cho chúng con được thỏa mãn mà thôi.

--------------------------------
 

Suy Niệm 5: Sống đạo thật tâm


Ở đời người ta hay nói: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường. Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15).

Thật vậy, chính tận sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được cội rễ của sự thiện hay ác!

Khi nói về điều xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ tội được coi là khởi đi từ trong tâm con người: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.

Thật vậy, tâm của những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc đối đầu về: lòng đạo đức đích thực và thái độ giả hình; giữa lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.

Đức Giêsu thì coi trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng con người, đặt con người vào trung tâm sứ vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở thành nô lệ cho luật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương chủ đạo, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu, và gặp được con người là trung tâm của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức, để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu thương chân thành. Amen.

Ngọc Biển SSP

--------------------------------
 

Suy Niệm 6: Canh tân đời sống, cần canh tân tâm hồn


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu. Và ý định xấu đưa đến hành động xấu. Muốn canh tân đời sống, phải bắt đầu từ việc canh tân tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã thương xót cứu độ con. Con khâm phục công trình cứu độ của Chúa. Để chữa trị tận căn mọi sự xấu xa trên đời này, Chúa đã cho con hiểu rằng mọi sự xấu xa đều xuất phát từ trong tâm hồn mọi người chúng con. Chính vì vậy, Chúa đã rao giảng Tin Mừng để con ăn năn hối cải, thay đổi tâm hồn mà trở về với Chúa.

Lạy Chúa, Chúa trách người biệt phái giả hình vì họ lo sạch sẽ bề ngoài mà không chăm lo cho tâm hồn được trong sạch. Con cũng thật đáng Chúa trách vì con cũng thường lo cho nhà cửa, áo quần, xe cộ, được sạch sẽ tốt đẹp, mà chẳng chăm lo cho tâm hồn được trong sáng.

Xin Chúa giúp con nhận ra sào huyệt tội lỗi đang nằm trong chính lòng con. Xin Chúa chiếu soi ánh sáng vào nội tâm con để con nhận ra những tâm tình, tư tưởng và ý định xấu xa đang thúc đẩy con đi đến những hành động gian ác bất chính. Vì mầu nhiệm Chúa chịu chết trên thánh giá, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con, xin canh tân lòng trí con và ban cho con một quả tim mới, quả tim thanh sạch, khiêm tốn và biết yêu thương.

Đã nhiều lần con đến với Chúa nơi bí tích Giải Tội, nhưng cuộc đời con vẫn chưa thay đổi bao nhiêu, chỉ vì con chưa thành tâm thống hối sâu xa và chưa quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Xin Chúa cho lòng con từ nay không còn vấn vương quyến luyến với tội lỗi. Xin Chúa giúp con mỗi ngày luôn biết hun đúc nhào nặn tâm hồn con theo tinh thần phúc âm, để con mang lấy những tâm tình, ý nghĩ, ước muốn thánh thiện như Chúa, và nhờ đó con có những hành động thánh thiện và một đời sống công chính. Amen.

Ghi nhớ: “Những gì từ con ngùi ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.

--------------------------------
 

Suy Niệm 7: Thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tại phòng triển lãm, có mặt một nghệ sĩ lớn. Ông được đề nghị làm một cái gì đó để giúp vui cho khán giả. Ông đồng ý và hỏi xem mọi người muốn ông làm gì. Sau vài giây thinh lặng, một giáo sĩ già đề nghị: “Thưa ngài, ngài có thể đọc Thánh Vịnh 23 chứ?”.

Nhà nghệ sĩ thoáng ngỡ ngàng. Rồi ông nói: “Tôi sẵn sàng chiều ý ngài, với một điều kiện là khi tôi đọc xong, ngài cũng phải làm như tôi”. Giáo sĩ đáp: “Tôi à? Tôi đâu phải nhà hùng biện? Nhưng nếu ngài muốn, tôi xin sẵn lòng”.

Nhà nghệ sĩ bắt đầu đọc. Giọng điệu tuyệt vời. Khán giả ngây ngất. Và khi kết thúc, một tràng pháo tay như sấm vang dội khắp phòng.

Rồi đến lượt vị giáo sĩ. Âm giọng bình thường, điệu bộ không có. Khi ngài đọc xong, chẳng ai vỗ tay, nhưng mọi cặp mắt đều ướt lệ. Nhiều người gục đầu. Nhà nghệ sĩ bước tới, đặt tay trên vai vị giáo sĩ nói: “Thưa quý vị, lời tôi chỉ đi tới đôi tai quý vị, còn lời vị này đi vào con tim quý vị”.

Suy niệm

Ðức Giêsu và các môn đệ bị người biệt phái trách móc vì không rửa tay trước khi ăn. Ngài đã so sánh để họ thấy rõ cái dơ, cái sạch đích thực: Giữ gìn cho tâm hồn đơn sơ, trong trắng để không thoát ra những hận thù, ghen ghét làm dơ bẩn cuộc đời, còn việc giữ gìn của ăn, thân xác cho sạch sẽ là thứ yếu.

Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim. Cái cốt lõi của Lề Luật vẫn là tình yêu và từ tình yêu thể hiện ra cách sống bên ngoài. Cho nên, nếu giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi Lề Luật là mến Chúa yêu người là giả tạo hình thức và vụ lợi. Thiên Chúa muốn con người đặt tinh thần là trên hết, đặt tình yêu Chúa vào chỗ thứ nhất khi tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt Lề Luật vào đúng vị trí của nó.

Kinh Thánh nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các Lề Luật, các huấn lệnh. Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ giữ các mệnh lệnh hình thức bên ngoài. Mọi hành động của người theo Ðạo Chúa phải phát xuất từ đáy lòng tình yêu. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).

Chúng ta luôn gồng mình sống với cái tôi, cái tôi được sơn phết lớp mặt nạ, lớp mặt nạ giả hình, dối trá, thiếu thành thật, là những điều chúng ta tự coi là đúng và đi lệch với Lề Luật của Thiên Chúa, theo lối suy nghĩ của con người. Cần trở về với trái tim qua lối sống tình yêu…

Như Lời Chúa kêu mời: “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31), một trái tim được thanh tẩy theo luật tình yêu.

Ý lực sống: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.

Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25).

 --------------------------------
 

Suy Niệm 8: Thanh sạch và ô uế


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)     

1. Sau khi nói về tính cách vụ hình thức, bây giờ Chúa nói về sự thanh sạch và ô uế. Chúa Giêsu dạy cho dân chúng biết không có gì bên ngoài nhập vào mà làm cho người ta nhơ bẩn, nhưng chính cái bên trong con người mới làm cho họ ra nhơ bẩn. Các môn đệ không hiểu lời Chúa nói, nên khi về đến nhà, các ông xin Chúa giải thích điều đó. Người bảo: mọi vật bên ngoài nhập vào con người không thể làm cho họ nhơ bẩn, vì nó không vào trong lòng họ được chỉ vào trong bụng rồi tống ra ngoài. Chính lòng con người mới làm cho họ nhơ bẩn, vì từ đáy lòng họ phát xuất ra những ý tưởng xấu xa, như trộm cướp, gian dâm, độc ác...

2. Các luật sĩ và biệt phái nhấn mạnh đến sự thanh tẩy phần xác hơn là thanh sạch phần hồn; họ đặt nghi thức bên ngoài lên trên nhiệm vụ bác ái và công bằng xã hội.

Họ tỉ mỉ giữ luật rửa tay, lau chén trước khi ăn, vì cho rằng tay bẩn, chén bẩn làm cho người ta ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ chính cõi lòng, nơi chất chứa bao tâm tình ghen tuông, thù ghét đối với tha nhân và đủ thứ toan tính phạm tội.

Chúa Giêsu đặt sự thanh sạch tâm hồn lên trên sự thanh sạch thân xác. Vì chính từ cõi lòng, con người xây dựng cuộc sống luân lý mình. Tâm hồn trong sạch hay không, không phải vì do những hoàn cảnh phụ thuộc bên ngoài, nhưng do những quyết định trong thâm tâm mình.

3. Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ về dụ ngôn những cái thanh sạch và những cái ô uế: không phải từ cái bên ngoài vào trong con người, nhưng cái từ trong con người mà ra, mới làm cho con người ra ô uế. Chúa dựa vào hình ảnh của việc ăn uống và tiêu hóa để diễn tả: mọi sự Chúa tạo dựng cho con người đều tốt đẹp, nhưng do những tư tưởng, ý định và tâm tình bất chính của con người, làm biến đổi thành những cái xấu.

Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho các Tông đồ hiểu rằng khuôn khổ hẹp hòi của tôn giáo cũ không còn thích hợp với những đòi hỏi của một tôn giáo mới mà Người sẽ thiết lập. Bởi vì các ông sẽ được sai đi đến với mọi dân tộc, thuộc mọi nền văn hóa, rất khác biệt với môi trường Do thái. Khi đó các ông phải chú ý đến điều chính yếu, đừng lúng túng vì những cổ lệ là những cái làm cho người ngoại giáo thành tâm thiện chí, là những người không có tục lệ ăn uống giống như người Do thái, không thể nào gia nhập Giáo hội Chúa được.

4. Chúa Giêsu đã nói: không phải cái từ bên ngoài có thể làm cho người ta ra ô uế, mà chính là những cái phát xuất từ bên trong, từ lòng của con người như tham lam, tà dâm, giết người, trộm cắp, độc ác, xảo trá, ganh tị... Chính những cái đó mới làm cho người ta ra xấu xa ô uế.

Ngày xưa Đức Khổng Tử có dạy các môn đệ của mình, một câu rất vắn gọn nhưng rất xúc tích. Câu ấy như thế này: “Tư vô tà”: đừng nghĩ bậy.

Cổ nhân cũng thường hay nói đến chữ “Tâm”. Nếu con người có được cái tâm trong sáng thì cuộc sống ắt sẽ tốt đẹp, còn những kẻ “Tâm tà” thì dù cái mã bên ngoài có tốt đẹp đến đâu đi nữa sớm muộn rồi cũng bị lộ tẩy.

Người Tây phương cũng thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn sẽ như vậy”.

5. Truyện: Lối hành xử của hai vị sư.

Truyện thiền kể: Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tandan và Êkinô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một ngôi đền ở làng quê.

Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang  phục như thế. Nhà sư Tandan liền bảo:

- Đi lối này cô bé!

Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tandan nhanh tay bồng cô bé lên, bế cô gái qua vũng lầy và đặt cô xuống phía bên kia. Cô gái cúi đầu tỏ dấu cảm ơn, còn sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo.

Thế nhưng, kể từ lúc ấy thì Êkino đổi hẳn thái độ. Anh không thèm nói một lời nào với người bạn nữa. Mãi cho đến khi hai người dừng chân trước một ngôi đền, thì lúc ấy Êkinô mới hậm hực nói với Tandan:

- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là phụ nữ trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế?

Tandan mỉm cười và thản nhiên đáp:

- Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?

Đúng là những cái bên ngoài không làm cho người ta ra ô uế, mà chính là cái phát xuất từ bên trong.

 --------------------------------
 

Suy Niệm 9: Tâm hồn sạch và tâm hồn dơ


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Sau khi tranh luận với những người Pharisêu về vấn đề sạch và dơ (Đoạn hôn qua Mác Cô 7,1-13). Chúa Giêsu dạy thêm cho đám đông dân chúng, và sau đó còn giải thích kỹ cho các môn đệ mình:

Cái có thể làm cho người ta ra ô uế không phải là cái từ bên ngoài mà vào cho bằng những cái từ trong lòng mà ra.

Như vậy tự bản chất, mọi thứ đều sạch.

Những thứ từ bên trong ra và làm cho người ta ra ô uế là những tư tưởng xấu như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc các, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng,”.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa bồ dao găm”, ca dao đã mỉa mai những ông “sư hổ mang” như thế. Thực ra, không chỉ những ông sư ấy, không chỉ những người biệt phái, mà tất cả mọi người đều phần nào như thế. Cái lòng mình tỏ ra bề ngoài luôn cách biệt với cái thực sự trong lòng mình. Vả lại, cố gắng tỏ ra tốt cũng là một điều cần cố gắng, vì không lẽ, mình cứ phô bày tất cả những cái xấu của mình để rồi sinh ra gương mù, gương xấu cho người khác sao?

Dù sao chúng ta không nên giả hình như những người Pharisêu:

Quen tỏ ra tốt riết rồi tưởng mình tốt thật và không còn cố gắng tu sửa bản thân.

Phê phán, chỉ trích, lên án những người khác.

2. Nếu cái “là” bên trong của mình được giống như cái “tỏ ra” bên ngoài thì thật lý tưởng. Đó chính là tình trạng “trong suốt” (transparent) rất đáng mơ ước. Để có thể “trong suốt”, ta phải thường xuyên đối chiếu hai cái “là” và “tỏ ra” ấy, để nhận thức sự cách biệt, rồi cố gắng xóa dần khoảng cách ấy.

3. Chúng ta hãy kiểm điểm theo bảng danh sách các thứ tội mà chính Chúa Giêsu đã liệt kê “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc các, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng,”.

4. “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho người ta ra ô uế được, nhưng cái từ trong con người xuất ra làn cho người ta ra ô uế (Mác Cô 7,15)

Có hai vị thiền sư đi trên con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư được. Lập tức một vị sư đến bồng lấy cô và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu, thốt lên: “Là người tu hành, sao anh lại bồng đàn bà trên tay?” Vị sư kia bình thản trả lời: “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh, sao anh cứ mang cô ta mãi đến đây?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi vẻ đẹp trong sự thanh cao của chúng. (Epphata).

 --------------------------------
 

Suy Niệm 10: Lương tâm trong sáng và ô uế


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Nói đến cái bên ngoài và cái bên trong thì quả thực có rất nhiều vấn đề để nói.

1. Đúng như là Chúa nói: không phải cái từ bên ngoài có thể làm cho người ta ra ô uế, mà chính là những cái phát xuất từ bên trong, từ lòng của con người như tham lam, tà dâm, giết người, trộm cắp, độc ác, xảo trá, ganh tị... Chính những cái đó mới làm cho con người ra xấu xa ô uế.

Người Tây Phương thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy”.

Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tandan và Êkinô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một ngôi đền ở làng quê.

Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ áo Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường, dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang phục như thế. Nhà sư Tandan liền bảo:

- Đi lối này cô bé!

Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tandan nhanh tay bồng cô gái lên, bế cô gái qua vũng lầy và đặt cô xuống phía bên kia. Cô gái cúi đầu tỏ dấu cám ơn, còn nhà sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo.

Thế nhưng, kể từ lúc ấy thì Êkinô đổi hẳn thái độ. Anh không thèm nói một lời nào với người bạn nữa. Mãi cho đến khi hai người dừng chân trước một ngôi đền, thì lúc ấy Êkinô mới hậm hực nói với Tandan:

- Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là phụ nữ trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế?

Tandan mỉm cười và thản nhiên đáp:

- Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?

Đúng là những cái bên ngoài không làm cho người ta ra ô uế, mà chính là cái phát xuất từ bên trong.

Khổng Tử ngày xưa có dạy các đệ tử của mình một câu, một câu rất vắn gọn nhưng rất xúc tích. Câu ấy như thế này: “Tư vô tà”. Cổ nhân ngày xưa cũng thường hay nói đến chữ tâm. Nếu con người có được cái tâm trong sáng thì cuộc sống ắt sẽ tốt đẹp. Còn những kẻ tâm tà thì dù cái mã bên ngoài có tốt đẹp đến đâu đi nữa thì sớm muộn gì rồi cũng bị lộ tẩy.

2. Ngược lại, nhiều khi chúng ta thấy những cái bên ngoài xem ra chẳng ra gì nhưng bên trong lại là một kho vàng vô giá.

Trong mẩu chuyện ngắn với tựa đề Đồng vọng ngược chiều được đăng trong tuyển tập bốn mươi chuyện rất ngắn do hội Nhà văn xuất bản, tác giả Lã Thế Khanh đã kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai người mù: một bà lão ăn xin và một bé gái cũng ăn xin.

Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ xin khách qua đường giúp đỡ nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão vẫn tiếp tục van vỉ điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thống thiết, những câu nói rời rạc như rãi chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà.

Trong khi đó, tại một gốc cây sếu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên một cái túi khâu bằng nhiều loại vải cũ, một cái bát sắt hoen dỉ thủng đáy nằm lăn lóc bên cạnh. Từ sáng sớm đến giờ chưa có gì trong bụng, nên cô bé đói rũ người. Nó hy vọng giấc ngủ sẽ xua tan cái đói. Nhưng cô bé bỗng giật thót người: có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, cô bé gầm lên:

- Mù à, người ta nằm đó mà dẫm lên?

Bà lão ăn xin lại van vỉ:

- Bà mù, bà mù thật cháu à. Thôi bà đã trót, cho bà xin.

Lặng đi một lát, cô bé đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó những giọt nước mắt mặn chát chảy ra, nó ngập ngừng:

- Cháu... Cháu xin lỗi bà, cháu không biết bà như thế.

Bà lão ngúc ngoắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm nghĩ điều gì đó, cô bé lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, và nói một cách lễ phép:

- Bà ơi! Cháu biếu bà này!

Một làn gió thổi mạnh. Những chiếc lá từ trên cây rụng xuống rơi vào nón, làm bà lão tưởng là cô gái lừa dối mình, còn cô gái thì chờ mãi mà vẫn không thấy bà lão nhận tiền.

Nếu xét về cái vẻ bên ngoài thì hai nhân vật trong câu chuyện này chẳng có gì đáng nói. Hay nếu có phải nói trắng ra thì bên ngoài... rất bẩn, rất dơ. Thế nhưng, bên trong như thế nào thì tôi tưởng mọi người chúng ta đều thấy. Không thấy được bằng con mắt thịt nhưng thấy được bằng cái tâm của con người.

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây