Thường Niên Tuần 4-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ ba - 31/01/2023 12:36
Thường Niên Tuần 4-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 4-2023 Thứ Tư - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 4-2023 Thứ Tư
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 04 – Thứ 4: Chúa Giêsu tại quê hương Nadarét. 1
Suy Niệm 1: Quê quán của Người 2
Suy Niệm 2: Bản tính khó dời 4
Suy Niệm 3: Cuộc sống âm thầm.. 5
Suy Niệm 4: Quen quá hóa lờn. 7
Suy Niệm 5: Số phận tiên tri và quê hương. 9
Suy Niệm 6: Vượt qua thành kiến. 10
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét 11
Suy Niệm 8: Chúa Giêsu bị khước từ. 13
Suy Niệm 9: Thái độ không tin của người đồng hương với Chúa Giêsu. 16
Suy Niệm 10: Chúa Giêsu bị người đồng hương chống đối 19

----------------------------------------

 

TinMừng – TN 04 – Thứ 4: Chúa Giêsu tại quê hương Nadarét.


"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".

--------------------------------

Lời Chúa: Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

 --------------------------------

 

Suy Niệm 1: Quê quán của Người


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
“Bởi đâu ông này được như thế?
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).
Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.
Chính cái biết này đã ngăn cản
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

--------------------------------

 

Suy Niệm 2: Bản tính khó dời


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người khó thay đổi. Khó thay đổi vì quá quen thuộc. Đã thành nếp. Nếp ăn. Nếp nghĩ. Người dân Na-da-rét quá quen với hình ảnh Chúa Giê-su thợ mộc. Cha Người làm thợ mộc. Người cũng làm thợ mộc. Không thể khác được. Khó thay đổi vì ngại ngùng. Tuy nghe tiếng Người ở Ca-phác-na-um đã làm những điều kỳ diệu. Tuy trực tiếp nghe những lời lẽ khôn ngoan Người nói. Họ ngạc nhiên vì sự thay đổi nơi Chúa Giê-su. “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Nhưng chính họ không chịu thay đổi. Đã quen với ý niệm Giê-su thợ mộc, họ không thể đổi thành ý niệm Giê-su tiên tri được. “Và họ vấp ngã vì Người”.

Con người vốn yếu đuối và hay sai lầm. Vì thế cần thay đổi. Cần sám hối. Cần được chỉ dạy.

Thư Do thái khuyên nhủ ta hãy biết khiêm tốn nhận lời chỉ dạy của Chúa. Đó là tình yêu thương của Chúa. Yêu cho roi cho vọt. “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy”. Chỉ khi khiêm tốn đón nhận, ta mới thay đổi để nên tốt hơn. “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (năm lẻ).

Đa-vít trở nên thánh vương vì ngài biết khiêm nhường chấp nhận tội lỗi. “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn”. Sám hối ngay khi được tiên tri Gát cảnh tỉnh. Và sẵn sàng đón nhận sự sửa dạy của Chúa. “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!” Thay đổi như thế cần sự khiêm nhường. Biết mình. Phục thiện. HOàn toàn đón nhận thánh ý (năm chẵn). Đó là điều người dân Na-da-rét thiếu. Họ kiêu ngạo. Không biết mình. Và tệ nhất là không phục thiện để thay đổi.

Xin cho con biết khiêm nhường. Biết mình. Và mạnh dạn thay đổi. Theo lời Chúa dạy.

 --------------------------------

 

Suy Niệm 3: Cuộc sống âm thầm


Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:

- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.

Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.

Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:

- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".

Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"

Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 --------------------------------

 

Suy Niệm 4: Quen quá hóa lờn


Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc. 6, 1-2)

Hẳn một ngày nào đó bạn đã có một kinh nghiệm này về chụp ảnh: để lấy hình một đài kỷ niệm hoặc một tòa nhà, bạn phải lùi lại xa. Đứng gần quá bạn chỉ trông thấy được một khối khổng lồ, nặng nề như muốn đè bẹp ta. Khi lấy ảnh quá gần, ta chỉ thấy được những tiểu tiết, không có được cái nhìn khái quát.

Những tương quan xã hội, gia đình, bằng hữu của ta cũng chịu chung số phận như vậy. Gần nhau quá nhiều dễ làm ta mất ý thức về người khác, nên dễ lờn, dễ coi thường… có khi lại chỉ nhìn thấy một vài khuyết điểm nhỏ nhoi của họ, mà không nhận ra bao điểm tốt khác.

Những người làng Nadarét đã có một cái nhìn quá gần, quá thiển cận về Chúa Giêsu. Đúng là “Gần chùa gọi Bụt bằng anh!”.

Từ mệt mỏi đến chán nản

Làm sao giải thích hiện tượng này?

Chủ yếu là bởi tại ta chỉ là những con người phàm trần, những người lớn. Phải, ta mau chán, mau quen lờn khiến cho cái mới dễ trở nên cũ, không còn hấp dẫn, như ta vẫn thường nói “có mới nới cũ” là vậy đó. Thực ra chỉ có các trẻ em – và những ai giống như chúng – mới có thể giữ cho cái nhìn ngỡ ngàng và cảm phục của mình luôn mới mẻ. Tuổi trẻ thường ngưỡng mộ các anh hùng, hoặc tuổi trẻ tài cao, như ta vẫn nói. Thế rồi, sau một thời gian, ta lại vội vã thu mình vào khung cảnh thường nhật và nếp sống đã quen, hầu che dấu đi những nỗi chán nản thất vọng của ta. Ta không còn ngưỡng mộ ai khác, ngay cả chính bản thân mình nữa.

Từ lòng tin đến nhận biết

Thế nên câu Phúc âm sau đây tuy vắn vỏi nhưng thật có tầm quan trọng: “Người lấy làm lạ vì họ không tin!”…

Đức tin không những là cần thiết để đón nhận lời Chúa Giêsu quả quyết Người là Con Thiên Chúa và là Con Người. Đức tin là cần thiết cốt để hiểu biết rõ Đức Kitô, cũng như để nhận biết mọi con người vậy.

Ta chỉ biết rõ một người, nếu như ta có lòng tin vào họ. Con người dù là nam hay nữ đều là một huyền nhiệm. Phải tin vào huyền nhiệm đó, nghĩa là tin vào cái thực thể phong phú, không bao giờ nắm bắt hết được, tin vào cái chiều sâu khôn lường của một nhân vị. Đó chính là nền tảng của mọi nhận thức vậy.

Nhận biết một người là tin trưóc rằng người ấy là một con người.

Tiếp đó, chúng ta mới sẽ có thể tin bằng tất cả sự thật rằng nơi con người này là Đức Giêsu Kitô còn có một huyền nhiệm khác nữa – huyền nhiệm là Con Thiên Chúa.

-----------------------------------

 

Suy Niệm 5: Số phận tiên tri và quê hương


Trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn hay nói: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; hay: “Bụt chùa nhà không thiêng, thiêng Bụt chùa người”.

Hôm nay, Đức Giêsu bị chính đồng hương của mình khinh miệt. Chuyện kể rằng: sau một khoảng thời gian, Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ, hôm nay, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mặc dù lời dạy của Ngài thật khôn ngoan và uy quyền, thế nhưng với những người đồng hương, họ sẵn có tính kỳ thị, và chính từ đó, lòng họ trở nên chai lỳ. Họ nói với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?".

Lối phản ứng trên đây cho thấy một sự lạnh nhạt, và không chấp nhận những giáo huấn của Đức Giêsu, mặc dù vẫn biết đấy là lời khôn ngoan!

Lối nói: "Con bà Maria" là lối nói kiểu khinh thường. Mẹ Maria cũng là người bình thường như ai, vậy thì một người vô danh tiểu tốt như thế không thể sinh ra một người con phi thường được, nên họ có đủ lý do để khước từ Đức Giêsu!

Trong cuộc sống của chúng ta, chắc cũng không thiếu những lối suy nghĩ như vậy! Một khi đã có sẵn trong lòng sự kỳ thị nào đó, thì nơi người ấy không có chút gì là tốt và chúng ta cũng không ngừng tìm mọi cách để làm cho họ không còn uy tín để làm việc...

Tại sao lại có những lối suy nghĩ xa lạ với Tin Mừng như thế? Thưa! Đơn giản là vì sự ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi và kiêu ngạo luôn luôn ngự trị trong lối nhìn và cách nghĩ của chúng ta, khiến ta không thể vượt ra xa và nhìn rộng để thấy tổng quát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng phấn đấu để vượt thắng những tham sân si đó, sống quảng đại và sẵn sàng đón nhận những giá trị tốt nơi người anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có cái nhìn của Chúa, để chúng con biết yêu thương không giới hạn và sẵn sàng đón nhận anh chị em mình như Chúa đã quảng đại đón nhận chúng con là con Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

-----------------------------------

 

Suy Niệm 6: Vượt qua thành kiến


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để sẵn sàng đón nhận ánh sáng tươi mát của đức tin, cần phải mạnh dạn vượt qua sự vây hãm của thành kiến và những lo toan thế trần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian rao giảng ơn cứu độ cho các tội nhân, khơi dậy hy vọng giữa cõi đời tăm tối. Chính vì thế, những lời rao giảng của Chúa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nhưng một điều lạ lùng là chính những người đồng hương với Chúa lại chỉ nhận ra đó là những lời chói tai của con bác thợ mộc, chứ không nhận ra đó là lời loan báo tin vui của Con Thiên Chúa. Họ đã không giải mã được sứ điệp, vì họ không thể vượt qua được các thành kiến của mình. Họ đã từ chối ngước nhìn lên cao, đã cam chịu bám víu lấy trái đất, sợ phải xa rời những lực hút vốn đã quen, dù biết rằng sẽ có ngày đất nuốt họ đi. Con người đã chọn chính các giới hạn của mình làm nơi trú ẩn.

Lạy Chúa, chính con cũng đã sống như không có đời sau. Đức tin mà con đã lãnh nhận từ ngày được rửa tội vẫn chỉ là một đốm sáng hiu hắt giữa mịt mùng đêm tối. Nhiều khi con đã dừng lại, tự lừa dối mình rằng, bóng đêm là màn che an toàn nhất. Con lấp đầy khoảng trống trong đời con bằng những câu chuyện tiền nong cơm áo, bằng men rượu, bằng các giao du vô bổ. Con sống như người vô thần vì đã không nhận ra Con Thiên Chúa mang hình hài con bác thợ mộc, không nhận ra sứ điệp từ trời qua những tín hiệu trần gian.

Lạy Chúa, xin thương đánh thức con dậy và ban sức mạnh để con vượt qua chính bản thân mà đến với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: ”Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.

-----------------------------------

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đại thi hào R. Tagore, thi sĩ nổi tiếng Ấn Độ, là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu…

Một ngày kia ông làm được một bài thơ và đưa cho bố coi thử. Chẳng biết bố có đọc hết hay không, nhưng liền nhăn mũi mà bảo: “Dở ẹc”.

Ngày hôm sau, cậu lại sáng tác một bài thơ khác và cũng đưa cho bố coi thử. Lần này bố liền “kê tủ đứng vào mũi” cậu nhóc: “Đúng là bài thơ … con cóc”.

Bực quá, cậu nhóc bèn chơi trò láu cá, cậu nghĩ ra một cái mưu nho nhỏ, đó là đem bài thơ vừa mới làm xong, chép lại cẩn thận, rồi ghi thêm xuất xứ từ trong một tập thơ cổ.

Lần này thì bố cứ đọc đi đọc lại, rồi vỗ đùi đánh đét một phát và phán: “Tuyệt vời, tuyệt vời, còn trên cả tuyệt vời nữa”.

Sau đó, ông bố đem bài thơ khoe với anh con trai lớn, đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Cả hai bố con đều tấm tắc khen lấy khen để, rồi lại còn muốn đem trình làng cho bà con thiên hạ cùng thưởng thức. Và để cho ăn chắc, bèn bảo cậu nhóc đem cuốn thơ cổ ra để đối chiếu. Tới lúc đó thì mới vỡ lẽ ra: bài thơ ấy chính là của cậu nhóc. Ông bố giận sôi lên sùng sục, nhưng cũng cảm thấy thán phục cậu nhóc và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình (Theo trang mạng Dũng Lạc).

Suy Niệm

Dân làng Nadarét, quê hương của Đức Kitô không tin vào Ngài, Đấng được Thiên Chúa sai đến, dù rằng họ rất ngạc nhiên, sửng sốt khi nghe những lời giáo huấn từ Ngài, nhưng gốc gác, thân thế về gia đình Đức Giêsu khiến họ hoài nghi về sứ vụ Mêssia của Ngài: “Ông này chẳng phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?” (Mc 6,3).

Theo M.E. Boismard “Có thể là vì thời Đức Giêsu, người Do Thái vốn có một niềm tin khá phổ biến là Đấng Kitô phải có một nguồn gốc siêu phàm huyền nhiệm. Sau này trong buổi đối thoại với một người Do Thái là Tryphon, thánh Giustinô (khoảng năm 150) làm vang vọng lại niềm tin này khi kể lại ý niệm sau đây của những học giả Do Thái: “Nếu có người nói rằng Đấng Mêssia đã đến rồi, người ta đâu biết ai. Chỉ khi Ngài tỏ mình ra trong vinh quang, là người ta sẽ nhận ra ngay ngài là Đấng Mêssia” (Dial. 110,1).

Có lẽ vì thế với dân làng Nadarét nói riêng và dân Do Thái nói chung, khi biết thân phận khiêm tốn của Ngài “Họ đã vấp phạm vì Người” (Mc 6,3b), họ đã cố chấp cứng tin (x. Mc 6,6). Vì nguồn gốc khiêm tốn, vì quá quen biết về gia đình của Đức Giêsu, lòng ghen ghét đố kị đã khiến họ không tin vào Ngài cho nên thánh Gioan Kim Khẩu xác định: “Sự đố kị ghen ghét đi vào trong trái tim và đặt họ vào tình trạng chống đối với Đức Kitô” (Homélie XLIX sur l’évangile selon saint Matthieu).

Khi suy gẫm hành động cố chấp cứng tin của dân nói chung và của dân làng Nadarét nói riêng, chúng ta có cảm nghiệm đó cũng là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, nơi những người cố chấp không tin.

Ngày hôm nay, trong phương diện tập thể, thế giới muốn tục hóa dù rằng mình được nuôi sống trong nền văn hóa Kitô giáo (như ở Âu châu và Bắc Mỹ) chối bỏ nguồn gốc niềm tin của mình. Trên phương diện cá thể, người có đức tin lại cảm thấy như muốn xa rời bằng cách sống niềm tin hời hợt, họ mang tâm trạng như dân gian có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Hay họ vẫn còn niềm tin vào Thầy, vào Đức Kitô, vào Thiên Chúa nhưng cách thực hành niềm tin mang dấu ấn: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”, khi dồn sức tất cả cho giấc mơ tiền tài vật chất mà quên hoặc coi nhẹ cách thực thi đức tin theo lời giáo huấn của Thiên Chúa.

Thật thế, như Gioan thánh sử đã nói:

‘‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

Hôm nay nhìn vào thái độ của dân làng Nadarét đối với Đức Kitô: Vấp phạm vì Ngài, cố chấp không tin, chúng ta cũng suy nghĩ về thái độ đức tin của chúng ta vào Ngài: Tin hay không tin trong đời sống hằng ngày. Rất có thể chúng ta đang có thái độ của dân làng Nadarét bằng cách cư xử, sống hững hờ với niềm tin chính mình, so đo thiệt hơn, ích kỷ với tính toán tiền bạc, cơm áo gạo tiền mà quên đi tin là chấp nhận sống trung thành lúc bình an hạnh phúc, đầy đủ nhưng cũng trung thành vượt khó với đức tin.

-----------------------------------

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu bị khước từ


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi đi rao giảng Tin Mừng một thời gian ngắn, hôm nay Chúa Giêsu trở về Nagiarét quê hương của Người. Người vào giảng dạy trong hội đường. Ai nấy đều cảm phục vì bao phép lạ Người làm, vì giáo lý của Người rất cao siêu và giảng dạy rất khôn ngoan. Nhưng vì họ cứ nghĩ Người là một anh thợ mộc tầm thường trong làng, mà không nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, nên không chịu tin Lời Người. Họ có thành kiến lớn lao đối với Người. Thế nên Người không làm phép lạ nào để cứu giúp họ, mà chỉ chữa vài người bệnh, vì Người không muốn tỏ quyền năng của Người cho những kẻ đóng kín tâm hồn.

2. Theo ông Đào Duy Anh, ”Thành kiến” là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có nữa. Thành  kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính mầu xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính mầu đỏ thì vật gì cũng đỏ.

Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi yêu thì coi mọi sự đều đẹp đều tốt, khi ghét thì mọi cái là xấu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét ca tông chi họ hàng”.

3. Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng Thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ  vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên; do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình” (Ga 4,44).

4. Dân làng Nagiarét không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó  có thể là Vị Cứu Tinh, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân làng Nazareth, Chúa Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế  như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

5. Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng.

Các nhà rao giảng Tin Mừng hãy bắt chước Chúa Giêsu mà đón nhận thái độ ”Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Chúa Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.

6. Truyện: Cậu bé R. Tagore.

R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu.

Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xem. Ông thân sinh lắc đầu chê:

- Thơ mày là thơ thẩn!

Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.

Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:

- Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.

Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia ra để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.

Đến đây câu chuyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.

-----------------------------------

 

Suy Niệm 9: Thái độ không tin của người đồng hương với Chúa Giêsu


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thánh Marcô đã từng cho thấy thái độ không tin nơi những người bà con của Chúa Giêsu (x.Mác Cô 3,20-21: họ nói Ngài mất trí và muốn bắt người về quê; Mác Cô 3,31: Họ ngăn cản Ngài rao giảng). Trong đoạn này, Mác Cô ghi nhận thêm thái độ không tin cỉa những người cùng làng với Ngài.

Lý do không tin là thành kiến “Bụt nhà không thiêng”: “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em ông không phải là Giacôbê, Giosê và Simon sao? Chị em ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta hay sao?” (câu 3)

Hậu quả của thái độ không tin: “Ngài đã không làm được phép lạ nào tại đó; Ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ.” (câu 5)

B. Suy Niệm (...nẩy mầm)

1. Ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan tiền hô nói với dân Do Thái “Có một vị giữa các ông mà các ông không biết” (Gioan 1,26). Trong nếp sống cộng đoàn thái độ này không có thái độ khuyến khích và tôn trọng lẫn nhau.

“Gần chùa gọi bụt bằng anh”. phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi với chúng ta nên ta coi thường Chúa?

2. Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Cá-phác-na-um thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là bác thợ mộc, là anh chị em ta. Bài Tin Mừng hôm nay khuyến khích chúng ta làm điều thứ hai, tức là tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em…

Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sỹ ấn giáo tại chân núi Hymãlạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước đây tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn nhận thêm người tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà tu viện bây giờ chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sỹ thì lèo tèo vài người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sỹ ấn giáo cho biết nguyên nhân hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện đến tình trang trên đây. Tu sỹ ẩn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: “Chúa Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài”.

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và thông báo cho họ biết Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một ngươì trong nhà. Các tu sỹ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Chúa Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ có thể là Chúa Cứu Thế.

Vậy từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Chúa Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm tin đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà Giáng Sinh”)

3. ”Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4)

Ra trường với mảnh bằng sư phạm trong tay, tôi được cử dạy tại một ngôi trường gần nhà. Tôi rất sung sướng vì khỏi phải đi xa. Tôi dã cố gắng vận dụng mọi kiến thức và khả năng để giảng dậy cho các em, và điều đó làm cho tôi rất vui.

Một ngày kia, tình cờ tôi nghe thấy các em nói với nhau: “Ổng ở gần nhà tao đó. Mày có biết không, hồi nhỏ ổng dốt lắm, anh tao nói môn toán “xơi ngỗng” hoài!”.

Từ ngày đó, tôi phải chấp nhận những ánh mắt nghi ngờ, những dấu chấm hỏi làm nhức nhối con tim. Dù sao tôi vẫn không thể thoái nhiệm hay dễ dàng rời xa lý tưởng của mình.

Cầu nguyện: Xin giúp con theo Chúa đến cùng trên con đường yêu thương và phục vụ, dù có bị rẻ rúng giữa những người mà con đã hết lòng yêu thương và phục vụ. (Epphata)

-----------------------------------

 

Suy Niệm 10: Chúa Giêsu bị người đồng hương chống đối


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Thông thường ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan Tiền Hô nói với dân Do Thái ”Có một vị giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26).

“Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi mà người ta đã coi thường Chúa?

Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, là anh chị em với mình.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta, hãy biết tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em… hơn là tin vào một Chúa Giêsu ở ngoài cuộc sống của chúng ta.

2. Chúa Giêsu đã phải đau xót mà nhắc lại một câu ngạn ngữ ”Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4).

Đi đâu Chúa Giêsu cũng được ca tụng tôn vinh, nhưng khi trở về quê hương mình thì lại bị coi thường.

Tại sao thế?

Con người thường có thói để cho những thành kiến chi phối mình.

Những người ở Nazareth đã làm cho Chúa Giêsu không làm được những phép lạ nào. Một sự thiệt thòi không đáng xảy ra nhưng nó đã xảy ra vì sự suy nghĩ hẹp hòi của họ.

Nếu chúng ta cũng như thế thì chúng ta sẽ làm mất đi rất nhiều niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Hãy biết đón nhận cuộc sống đang sống với tất cả lòng yêu thương và quảng đại. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được cuộc sống quả là một hồng ân.

Trong kho tàng những câu chuyện cổ của người Đức, người ta đọc được câu chuyện này:

Có một nhà hiền triết nọ, chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được từ ông những lời khuyên thiết thực…

Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin ông giúp đỡ. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ trẻ. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

- Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng vẫn đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những không giúp được gì mà còn phóng uế nhơ bẩn kêu la be be om xòm suốt ngày. Cái xưởng may của anh ta vốn đã ồn ào nay lại biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…

Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

- Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Khi về đến nhà, người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn những đứa con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn nhiều. Anh nở một nụ cười thật tươi vì chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc bằng ngày hôm đó.

Theo tâm lý thông thường, thì chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường…

Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ để sinh ra làm người. Mỗi người chúng ta đều vào đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ…

Nói như thánh Phaolô “tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác. Có như thế, chúng ta mới có thể thấy niềm vui cho cuộc sống mình, bằng không thì suốt đời sẽ chỉ là những bất mãn, những chán nản, những thất vọng và cuộc đời như thế sẽ chẳng được chúc phúc như những người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay.

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây