"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".
* Ngày 05 tháng 02 năm 1597, hai mươi sáu Kitô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Nagasaki (Nhật Bản). Trong số đó có những nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô, nhưng còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phaolô Miki (sinh khoảng năm 1564/1566) và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ, và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô.
--------------------------------
Lời Chúa: Mc 6, 53-56
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó.
Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.
Tiếng Việt có nhiều động từ nói về xúc giác: sờ, mó, đụng, chạm, rờ… Xúc giác là một trong năm ngũ quan. Nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, có khi vẫn chưa đủ. Người ta còn muốn sờ thấy, xem đằng mặt, bắt đằng tay. Sờ là một cách kiểm chứng đôi khi được coi là đáng tin hơn thấy. Đức Giêsu phục sinh đã nói với các môn đệ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24, 39). Thánh Tôma xem ra thích kiểm chứng bằng đụng chạm: “…nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Đức Giêsu phục sinh đã chiều Tôma (Ga 20, 27). Thiên Chúa đã chiều nhân loại, khi cho Con Ngài làm người như ta, nhờ đó chúng ta có thể đụng chạm đến Thiên Chúa theo nghĩa đen. Thánh Gioan đã reo lên khi loan báo Tin Mừng này: “Điều vẫn có ngay từ lúc đầu, điều chúng tôi đã nghe, Điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và bàn tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1, 1). Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu. Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh. “Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56). Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu. Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ, mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56). Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu. Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28). Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người. Nơi đáy lòng con người vẫn có khát khao được đụng chạm đến Thiên Chúa, cả nơi những người không tin có Ngài hay bướng bỉnh như Tôma. Truyền giáo là giúp người ta thực hiện ước mơ chính đáng: chạm đến Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải là người đã có kinh nghiệm chạm đến Thiên Chúa. Mong mỗi Kitô hữu trở nên một nhà truyền giáo nhờ đụng chạm đến Lời Chúa và các Bí Tích mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa. Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người. Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
Thuở tạo thiên lập địa, quyền năng Thiên Chúa trổi vượt và chiến thắng. Chiến thắng bóng tối để sáng tạo ánh sáng. Chiến thắng khối hỗn mang để tạo dựng vũ trụ nên hình dạng tốt xinh. Chiến thắng khoảng không vô định hình để làm nên trật tự lạ lùng. Chiến thắng lớn lao nhất là ban sự sống cho muôn loài. Sự sống là một chiến thắng kỳ diệu. Đó là món quà quí giá nhất. Thiên Chúa ban cho muôn loài được tham dự vào sự sống của Người (năm lẻ).
Thời Cựu ước, quyền năng của Người bày tỏ ra trong sự hiện diện uy nghiêm. Khói tỏa mịt mù trong lều hội ngộ. Sức mạnh phi thường của Hòm Bia khiến cả quân thù cũng phải khiếp sợ. Thực ra trong Hòm Bia không có gì. Chỉ có hai bia đá làm bằng chứng giao ước (năm chẵn).
Đến thời sau hết, loài người được diễm phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa bằng xương bằng thịt trong Chúa Giê-su Ki-tô. Đó là Thiên Chúa vẫn tràn đầy quyền năng phép tắc. Quyền năng phép tắc thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Vì phải đối địch lại với ác thần. Cánh tay hùng mạnh của Ngài vẫn chiến thắng. Chiến thắng tội lỗi để tha thứ cho con người. Chiến thắng bệnh tật cho con người lành mạnh. Nhất là chiến thắng ác thần xua đuổi ma quỉ ra khỏi con người.
Nhưng còn hơn cả quyền năng phép tắc. Vì Thiên Chúa đến ở với con người, gần gũi con người. Con người có thể đụng chạm đến Người. Xưa kia Thiên Chúa uy nghi xa cách, con người chỉ “kính nhi viễn chi”. “Áo ngài mặc toàn oai phong lẫm liệt. Cẩm bào ngài khoác là muôn vàn ánh hào quang”. Nay thì con người có thể đụng đến gấu áo của Người. Và gấu áo tuy gần gũi nhưng vẫn có quyền năng chữa lành. Con người cảm thấy tình yêu thương của Chúa thật ấm áp. Chúa cảm thương. Chúa cầm tay người bệnh. Chúa vuốt ve vết thương của người bệnh phong. Chúa chúc lành trẻ em.
Xin cho con biết nối tiếp công trình của Chúa. Tiếp tục kiến tạo trần gian nên tốt đẹp. Tiếp tục bày tỏ quyền năng Chúa chống lại cái ác, cái xấu. Nhất là tiếp tục tình yêu thương của Chúa. Gần gũi những người đau yếu, bệnh tật, bị thần ô uế ám ảnh. Lạy Chúa, xin chiếu tỏa quyền năng của Chúa cho sự thiện hiển trị.
Tin Mừng hôm nay là một bản khái quát những hoạt động của Chúa Giêsu làm cho con người, những hoạt động này vừa nhiều vừa đa dạng, đến mức làm cho người ta có cảm tưởng Chúa Giêsu là một lương y đa khoa.
Nhìn vào cách thức hành động của Chúa Giêsu, con người thời nay có thể cho rằng Ngài làm việc thiếu khoa học. Dường như Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.
Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban khi lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hằng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.
Chúa đã không phục vụ con người theo kiểu trưởng giả, gián tiếp, nhưng đã dấn thân phục vụ tất cả mọi người bất cứ giờ phút nào. Xin cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta đừng phục vụ người nghèo trên môi miệng, trên giấy tờ hoặc trong tư duy, nhưng là phục vụ trong hành động cụ thể và mau mắn.
Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc. 6, 54-55)
Sách Sáng thế ký kể rằng lần đầu tiên ánh sáng chiếu dọi vào trái đất còn trống trải và mông lung. Ánh sáng là tốt đẹp, là phản ánh của Thiên Chúa. Ánh sáng cho sự sống, tô mầu cho vạn vật và con người, đem nguồn vui đến các tâm hồn.
Giờ đây Chúa Giêsu đang ở miền Ghê-nê-xa-rét, vùng dân ngoại mà người Do thái vẫn coi là chốn tối tăm, ở giũa những con người ốm đau tật nguyền. Người là ánh sáng trần gian và ánh sáng là sự sống.
Bệnh tật cho người ta kinh nghiệm về sự yếu đuối, sự bất lực của con người đối với người đau ốm. Những phù phép và mê tín dị đoan không làm cho người ta khỏi bệnh.Tình yêu thương mới có thể chữa lành khi người ta có khả năng tin tưởng vào tình yêu ấy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu chỉ dùng lời nói và sự hiện diện thể lý của Người mà chữa bệnh cho người ta. Người cầm tay hay chạm đến kẻ chết, kẻ chết sống lại. Chỉ cần biết rằng Người đang ở đó. Ngay cả hôm nay, Đức Kitô phục sinh vẫn đang ở giữa chúng ta, Người vẫn là ánh sáng duy nhất, là sự sống vĩnh hằng.
Người quan tâm đến chúng ta, Người yêu thương chúng ta… Ta hãy đến với Người cùng với những tầm thường, yếu đuối thể xác và tâm hồn của ta, giống như một đứa trẻ nương tựa vào cha mình, quẳng đi mọi lo âu để chỉ biết rằng cha đang ở đó.
Nếu ta tiếc rẻ không được sống vào thời đó để có thể chạm đến tua áo choàng của Người hầu được khỏi bệnh, là bởi ta thiếu lòng tin. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta đọc lời, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Hoặc là chúng ta không biết mình mắc bệnh gì cần được chữa khỏi. Hoặc là chúng ta không tin vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa Giêsu.
Dẫu sao, hôm nay cũng như trong những ngày còn rao giảng Phúc âm, Chúa Giêsu đều nói với chúng ta rằng Cha chúng ta vẫn chăm sóc ta trong mọi giây phút cuộc đời, rằng phép lạ vẫn xảy ra thường ngày để chữa lành những tật bệnh của ta nếu ta biết chú ý đến tình yêu của Người. Đó là tình yêu khiến ta được an bình thanh thản, mang lại cho ta ơn lành mạnh tâm hồn, hơn là sức khỏe phần xác.
Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc... Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.
Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành...”.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.
Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.
Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.
Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.
Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!
Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã chữa lành tất cả các bệnh nhân đến gặp Chúa. Chúa đang đi qua cuộc đời ta, cần phải biết gặp Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật diễm phúc cho con. Con là người phàm hèn đầy những giới hạn và tật nguyền nơi thân xác và trong linh hồn, nhưng con có Chúa là thầy thuốc tuyệt vời. Không ai đến với Chúa mà không được chữa lành. Đặc biệt tội lỗi đã làm cho con ra yếu đuối, tê bại, chết đuối trong bể khổ. Con muốn học ở nơi những người Ghen-nê-xa-rét mà mau mắn và tin tưởng đến cùng Chúa.
Trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội. Chúa hằng ban ơn sự sống đời đời cho con. Nhưng con lại dễ dàng chạy tìm an ủi và khoái lạc trần tục chóng qua. Trong khi ấy, chỉ mình Chúa mới ban cho con hồng ân được mạnh khỏe thiêng liêng và sống đời đời.
Con thành thật thưa cùng Chúa rằng: đức tin con còn quá yếu đuối. Con để cho tiếng nói của thế gian, xác thịt và ma quỷ lấn át mất tiếng Chúa. Vì quá yếu tin, nên con khó nghe được tiếng nói tình thương của Chúa. Con thấy chán ngán khi nghe Lời Chúa. Và con không thấy hấp dẫn đến cùng Chúa mỗi ngày.
Lạy Chúa, mọi người tật nguyền bệnh hoạn đã đến cùng Chúa và đã được chữa lành. Nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời con. Xin Chúa cứu chữa con. Xin làm cho con nên mạnh mẽ nhất là về đàng thiêng liêng. Xin cho con cảm mến được sự thích thú khi dừng chân ngồi bên Chúa để nghe Chúa nói và để được chữa lành. Xin cho con hằng biết về bên Chúa để được Chúa gia tăng lòng mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Amen.
Ghi nhớ: “Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.
Bác sĩ Longet người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm (và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á). Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm…
Mỗi sáng, khi đi dự lễ bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều Chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch.
Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay nói về việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, tại Giênêsarét. Theo thánh sử Luca, sự việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng hơn 5000 người, và Ngài đã khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi…
Chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều của Ngài, dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu để xin được chữa lành những căn bệnh… Họ đặt những bệnh nhân nằm la liệt bên các vệ đường, nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua, được Ngài đặt tay trên mình hoặc được đụng chạm đến tua áo Ngài là họ được chữa lành. Trong văn hóa Sêmít, y phục tượng trưng cho chính bản thân con người. Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Qua đó, tác giả muốn khẳng định từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ (x. Mc 6,56) và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường.
Chúa Giêsu theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là tất cả mọi người, ưu tiên cho người nghèo, người đau khổ và nhu cầu của họ. Ngài đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo: Loan báo Tin Mừng bằng cả lời nói và hành động cụ thể cho thấy sức mạnh Tin Mừng: Ngài chữa lành mọi bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quỷ.
Xin vì tình thương và lòng trắc ẩn của Chúa đã chạnh lòng thương dân Do Thái năm xưa, xin Chúa cũng thương chữa lành những căn bệnh thể lý và tinh thần của chúng ta hôm nay.
Ý lực sống
“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).
1. Khi Chúa Giêsu vừa lên bờ đến miền dân ngoại là Ghenêxaret, người ta đã nô nức kéo nhau đến với Chúa. Khi người đi đến đâu thì người ta cũng khiêng những người bệnh tật đến đấy, xin cho chạm vào áo Người. Tất cả những ai được chạm vào áo Người đều được khỏi bệnh. Chúa Giêsu luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm đến con người, nhất là những người đau khổ và yếu đuối. Không ai đến với Người mà phải thất vọng.
2. Sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Chúng ta vẫn thường hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người...” Phải, nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui, bình an, trông cậy và chữa lành. Cụ thể là như bài Tin Mừng hôm nay nói tới, Chúa Giêsu có mặt ở đâu, thì người ta chen nhau tới với Người để được ân sủng Người chữa lành. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện của tình yêu và lòng bác ái. Ngài gần gũi và quan tâm đến con người, đặc biệt những người đau khổ và yếu đuối.
Thế nên, Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta sống chiều kích hiện diện đầy yêu thương, đem đến bình an và thực thi đức bác ái, hầu xoa dịu sự đau khổ của kiếp người. Chính sự hiện diện đó làm cho mọi người cảm kích mà chạy đến với Chúa, tựa như bông hoa tỏa hương thu hút muôn loài đến với nó.
3. Lúc bệnh và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa.
Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế (Góp nhặt).
4. “Người ta cũng đặt kẻ đau ốm ở ngoài chợ và xin Chúa Giêsu cho họ được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì được khỏi” (Mc 6,56).
Ngày quốc tế bệnh nhân được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập liên kết với ngày lễ kính Đức Mẹ tại Lộ Đức, nơi khách hành hương tuôn đến xin chữa bệnh và chứng kiến những phép lạ chữa lành. Chính Ngài cũng chứng nhận về những ơn lạ Thiên Chúa ban cho trong những đau đớn thương tích của Ngài. Kinh nghiệm được chữa lành như thế cũng là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, bởi mọi sự chữa lành đều phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nói cách khác, lòng thương xót là phương dược Thiên Chúa chữa lành mọi cơn đau đớn bệnh tật của con người. Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Niềm tin vững mạnh đó càng thôi thúc bệnh nhân mọi thời nài xin Mẹ khẩn cầu Chúa thương chữa lành những ai đang đau đớn thể xác, tinh thần và linh hồn, những người đang đối mặt với bệnh tật. Tình yêu của Chúa chữa lành bệnh nhân, tình yêu của Mẹ khẩn nài cho bệnh nhân (5 phút Lời Chúa).
5. Tất cả đều cảm thấy “cần đến Chúa” cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.
Một ngày kia, có một nhà lãnh đạo Trung hoa theo Kitô giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô giáo nữa”?
Ông đáp: “Có ba lý do:
- Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư.
- Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống chứ không cần một người đã chết.
- Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán”.
6. Truyện: Hãy đến với Chúa ngay đi.
June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền nói:
- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?
- Chúa cho cháu đó!
Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:
- Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?
Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:
- Không, bé ạ!
- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!
Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.
Trong bốn câu rất ngắn gọn, thánh Mác-cô đã mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:
- ”Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”
-“Ngài đi tới đâu…người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho ít là được chạm đến tua áo cuả Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi.”
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:
- Dân chúng có những nhu cầu Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.
Diễn viên Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.
2. “Bất cứ ai chạm đến đều được khỏi”. Nếu tôi thực sự chạm đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.
3. Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa nhất.
4. Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)
5. Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó…và bấy cứ ai chạm đến Người thì đều được khoải” (Mác-cô 6,55-56)
Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo người, và mong được chữa khỏi.
Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyên về họa sỹ Holman Hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ của một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở bên trong.
Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ tự kiêu, đam mê….hay có khi mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)
Tin Mừng hôm nay chỉ có bốn câu rất ngắn gọn, vậy mà thánh Marcô đã mô tả cho chúng ta thấy được sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:
- Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó (Mc 6,55).
- Ngài đi tới đâu người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho ít là được chạm đến tua áo cuả Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi (Mc 6,56).
1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:
* Dân chúng có những nhu cầu và Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng lại những nhu cầu đó.
Trong Tin Mừng chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp như thế:
Viên trưởng Hội đường với đứa con gái sắp chết đang nằm trên giường. Họ cần đến Chúa.
Người đàn bà bị mắc bệnh bại huyết 12 năm, chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản mà vẫn không khỏi.
Viên bách quan đội trưởng với tên đầy tớ bị đau không thể nào chữa khỏi.
Tất cả đều cảm thấy cần đến Chúa cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.
Một ngày kia có một nhà lãnh đạo Trung Hoa theo Kitô-giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô-giáo nữa? “
Ông đáp: “Có ba lý do: Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư. Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống chứ không cần một người đã chết. Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán.
2. “Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó và bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi” (Mc 6,55-56).
Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo người, và mong được chữa khỏi.
Nếu đọc kỹ Tin Mừng chúng ta thấy chẳng một người nào tin tưởng tìm đến với Chúa mà lại phải về tay không. Rất nhiều người đã được những ơn ngoài sự mong ước của họ. Xin kể ra một vài thí dụ điển hình:
- Giakêu người thu thuế một con người chỉ mong được nhìn thấy Chúa thôi, thế mà Chúa đã đích thân đến tận nhà và Chúa bảo: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” (Lc 19,9). Thật là ngoài sự mong ước và tưởng tượng của ông.
- Bathôlômêo một người Pharisêu chính hiệu, đã lén lút tìm đến với Chúa ban đêm và chỉ sau một lần gặp gỡ, ông đã thay đổi hẳn. Trong cuộc xử án Chúa, đang lúc mọi người hăng say yêu cầu kết án thì một mình ông đứng ra bênh vực cho Chúa.
- Đẹp nhất là người trộm lành. Chỉ một lời van xin vậy mà anh đã chiếm được cả Nước Thiên Đàng.
Họa sỹ Holman Hunt đã vẽ một bức tranh rất lạ đời. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ của một ngôi nhà. Điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong. Ngụ ý ông muốn nói rằng, cho dù người bên ngoài có muốn vào thì cũng chẳng làm sao mà vào được nếu người ở bên trong không mở cửa cho.
Đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay thì không như thế. Họ đã mở toang cánh cửa lòng họ cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.
June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu, thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi:
- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?
- Chúa cho cháu đó!
Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:
- Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?
Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:
- Không, bé ạ!
- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!
Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.
Lạy Chúa, Xin ở lại với con, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu đang gần đến. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa để được yêu Chúa nhiều hơn. Amen.