Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người.
Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường. Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt. Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến, lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không. Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ. Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy, cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng. Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ: một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng. Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá: một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài. “Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32). Đức Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha. Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc… Kitô giáo không đặt nền trên những chuyện dị thường, ma quái. Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ vì Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của con người, vì Ngài muốn đáp lại lòng tin quá lớn của bệnh nhân, và vì Ngài muốn cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến rồi. Phép lạ lớn nhất của Đức Giêsu là Tình Yêu. Các ông Pharisêu không phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ. Sau này các thượng tế cũng nhìn nhận: “Hắn đã cứu được người khác…” (Mc 15, 31). Nhưng họ thấy điều đó vẫn không đủ hoành tráng và gây ấn tượng. Họ đòi một dấu lạ từ trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào Ngài. Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ chối đòi hỏi ấy. Làm sao chúng ta nhìn ra được những điều bình thường, nho nhỏ mà Chúa vẫn làm cho chúng ta mỗi ngày? Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn. Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện. Chúng ta vẫn muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài. Xin cho tôi thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu nơi những điều tưởng như là tự nhiên của cuộc sống. Cầu nguyện:
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ, xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha trong vũ trụ vô cùng lớn, trong những hạt tử vô cùng nhỏ, và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người. Cha từ ái biết bao khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc. Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín, mầu vàng mặt trời xế chiều. Cha từ ái biết bao khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh. Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von, tiếng gió rì rào qua kẽ lá. Cha từ ái biết bao khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm. Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau, hương thơm của nắng xuân dìu dịu. Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc, sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan, sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm, và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người. Dưới lòng đất, trên núi cao, giữa biển sâu, trong rừng vắng, chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha. Xin cho chúng con biết chung sống với thiên nhiên này như một người bạn, một quà tặng Cha ban, biết giữ gìn ngôi nhà trái đất để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt, và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn. Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này và muôn loài Cha đã dựng nên được cùng với cả nhân loại chúng con vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.
Trong Tin Mừng Máccô, ngay sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai, các ông Pharisêu đã đến và tranh luận với Đức Giêsu. Đơn giản họ muốn đòi Ngài làm một dấu lạ từ trời. Có vẻ phép lạ nuôi đám đông vừa qua và những phép lạ trước đó không đủ để thuyết phục họ tin vào con người Ngài. Họ vẫn muốn thử thách Đức Giêsu (c. 1). Chẳng trách Đức Giêsu đã thở dài não nuột và quyết liệt từ chối một cách trịnh trọng: “Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được cho một dấu lạ nào cả.” (c. 12). Toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu đã là một dấu lạ từ trời rồi. Trong nỗi muộn phiền, Ngài đặt câu hỏi với các ông Pharisêu: “Tại sao thế hệ này lại đòi một dấu lạ?” (c. 12). Hóa ra họ lại vấp vào tội của cha ông họ thời xưa trong hoang địa: “Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán.” (Tv 95, 8-11). Bất chấp bao việc lạ Chúa làm (Ds 14, 10-12. 22), dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay vẫn không ngớt đòi thêm. Các vị lãnh đạo Do Thái giáo đòi thêm vì họ không muốn tin Đức Giêsu. Chính vì lòng họ chai đá, không muốn tin, nên các phép lạ lớn lao trước mắt chẳng ảnh hưởng gì trên họ. Họ mong một phép lạ lớn hơn nữa, rõ hơn nữa, ấn tượng hơn nữa. Nhưng dù dấu lạ manna rơi xuống từ trời có xảy ra lại thì chưa chắc họ đã tin Đức Giêsu. Thay vì đòi Ngài làm thêm phép lạ để minh chứng, con người cần ra khỏi sự chai đá của lòng mình Cần có mắt sáng để thấy được ý nghĩa sâu xa của phép lạ. Cũng như cần có tai tốt để hiểu được các dụ ngôn của Đức Giêsu. và đi vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Mc 4, 11). Phép lạ của Đức Giêsu không chỉ hấp dẫn vì yếu tố kỳ diệu, lạ lùng, nhưng vì chúng khai mở Nước Thiên Chúa và vén mở cho ta thấy Đức Giêsu là ai. Chẳng phải chỉ người Do Thái mới đòi hỏi những dấu lạ (1 Cr 1, 22). chúng ta cũng dễ đặt đức tin mình trên nền tảng dấu lạ, phép lạ. Chúng ta không thích cái bình thường, cái đều đặn xảy ra mỗi ngày, vì chúng ta không tin Chúa hiện diện và hoạt động trong thầm kín. Thay vì quá tìm kiếm và đòi hỏi những dấu lạ, chúng ta được mời gọi nhận ra những dấu chỉ của thời đại mình sống. Qua những thao thức và khát vọng của con người hôm nay, chúng ta nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Qua dấu chỉ của một thế giới đang biến chuyển từng ngày, chúng ta thấy Giáo hội cần thích nghi và đáp ứng những nhu cầu mới. Người Pharisêu không đọc được ý nghĩa những dấu lạ Đức Giêsu làm. Chúng ta xin ơn đọc được những dấu chỉ của Thiên Chúa cho thời hôm nay. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới: Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc. Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình. Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin. Con mơ ước những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em. Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ. Lạy Chúa của con, con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.
Chúa Giê-su buồn và than phiền về thế hệ này. Họ chỉ đòi dấu lạ. Nhưng không có đức tin. Có đức tin thì không cần dấu lạ. Không có đức tin thì dấu lạ cũng vô ích. Nên Chúa quyết định: “Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia”. Chúa Giê-su bỏ họ lại đó với sự cứng lòng chết chóc của họ. Chúa sang bờ bên kia của đức tin. Chỉ có đức tin mới nối kết được con người với Thiên Chúa.
Nhưng đức tin luôn gặp thử thách vì những khó khăn trong đời sống. Những thử thách Chúa gửi đến có mục đích thanh luyện đức tin, kiểm nghiệm đức tin và ban thưởng đức tin.
Người có đức tin có Thiên Chúa ở cùng. Nên vui tươi trong mọi hoàn cảnh. Vui tươi khi gặp khốn khó. “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn”. Vui tươi chấp nhận mọi thăng trầm thành bại trong đời. Vì biết rằng mọi sự mau qua. “Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giầu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ”. Vì thế người có đức tin không do dự. Luôn cầu xin ơn khôn ngoan để biết phân định trong đời sống. Nhờ đó sống trung tín trong mọi hoàn cảnh. Luôn trung tín (năm chẵn).
Người không có đức tin sống như không có Chúa. Ca-in giết em, tưởng Chúa không biết. Nên chối “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. Không có đức tin nên không chiến đấu để vượt qua cám dỗ. Dù đã được cảnh báo: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn người; nhưng ngươi phải chế ngự nó”. Không chế ngự được mình. Không có đức tin. Nên Ca-in sống trong buồn rầu, thất vọng. “Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi,... Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa” (năm lẻ).
Đức tin như thế là một cuộc vượt qua. Vượt qua những gì khả giác để thấy thế giới siêu nhiên. Vượt qua những giá trị mau qua để chiếm được vương quốc vĩnh cửu. Vượt qua được những cám dỗ rình rập. Vượt qua chính mình để đạt tới Chúa.
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc. 8, 11-12)
Than vắn thở dài là chuyện thường tình. Có ai đã không nghe tiếng thở than của một người bệnh, một người hấp hối? Ai trong chúng ta đã không bao giờ buông ra tiếng thở dài não nuột? Khi lòng ta gặp chuyện trái ý, đau buồn, thất vọng, hoặc thân xác ta phải đau đớn, thở dài một tiếng, ta cũng cảm thấy được vợi bớt phần nào. Chính nỗi đau thái quá ta phải chịu, khiến ta bộc lộ những phản ứng thái quá. Làm như thế ta coi như tâm hồn được giải thoát phần nào.
Trong Phúc âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu cũng phải buông tiếng thở dài. Người cảm thấy chán quá rồi. Ngay khi Người vừa mới ở dưới thuyền lên, những người Pharisiêu đã xấn lại và bắt đầu chất vấn Người. Họ đòi Người làm cho họ một dấu lạ từ tròi, bởi lẽ theo họ quan niệm, một vị ngôn sứ phải chứng tỏ mình có sứ mệnh Chúa trao bằng một dấu lạ từ trời. Họ đòi một điều như thế đó, khi mà Chúa Giêsu vừa mới làm phép lạ hóa bánh rá nhiều cho bốn ngàn người ăn no. Họ còn muốn được thấy từ trời đổ xuống một trận mưa những miếng bánh mì, như dấu chỉ có giá trị và chứng minh cho sứ mạng chân chính về ngôn sứ của Chúa Giêsu.Trước một yêu sách như thế, chứng tỏ họ cứng lòng và ngoan cố không tin, nên Chúa Giêsu phải thở dài não nuột.
Một thái độ cự tuyệt
Trong những điều kiện như vậy, để phản đối những người Pharisiêu, Chúa Giêsu tỏ một thái độ cự tuyệt, một sự từ chối thẳng thừng: “Thế hệ này sẽ khong được một dấu lạ nào cả”. Biết được lòng dạ xấu xa của họ, Chúa Giêsu không tranh luận, không tự biện bạch, Người từ chối điều họ yêu cầu. Và như để tỏ rõ lập trường hơn nữa, Người nói là làm ngay: Người để họ đứng trơ ra đó, xuống thuyền, đi ngược chiều về phía bờ bên kia. Nguyên sự có mặt của họ cũng đủ làm cho Người bực mình rồi, nên Người muốn thoát đi cho mau lẹ. Chúa Giêsu tỏ ra rất cương nghị, Người tàn nhẫn xua đuổi những kẻ đến trò chuyện với mình. Vì đây là trường hợp hi hữu, trái với thái độ thường xuyên của Người là vốn niềm nở tiếp đón và hiền từ với mọi người: xưa nay Người vẫn hay để cho dân chúng chen lấn xô đẩy, trẻ em “quấn quýt”, bệnh nhân tràn ngập.
Là những tín hữu, chúng ta có thể bắt chước thái độ ngoan cường, cứng rắn đó của Chúa không? Tất nhiên là có, khi danh dự của Chúa – chứ không phải của ta – bị coi thường. Người ta vẫn tố cáo là Kitô giáo đã làm cho con người trở nên nhu nhược, mất tính nam nhi, ta cần phải chứng minh điều ngược lại, khi biết tỏ thái độ cương quyết, lúc cần phải tỏ. Người Kitô hữu là người có khả năng chọn lựa, thì cũng phải có khả năng từ chối. Nhưng người Kitô hữu cũng phải biết cho người ta những dấu lạ ở trần gian khi người ta đòi mình những dấu lạ từ trời.
Chúng ta thấy trong Tin Mừng, gần như đã trở thành quy luật để Đức Giêsu thi hành phép lạ, đó là đức tin và lòng mến. Nếu không có đức tin thì ắt không thể có lòng mến, mà không có lòng mến thì làm sao có thể hoán cải? Như thế sẽ không bao giờ có phép lạ!
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy những người Pharisêu cũng đến để nghe Đức Giêsu giảng và họ đã chứng kiến rất nhiều phép lạ cả thể Đức Giêsu đã làm. Một trong những phép lạ mới nhất, đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người từ bẩy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ. Tuy nhiên, thay vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì họ lại trai cứng và tiếp tục đi vào vết xe đổ như Tổ tiên họ đã thách thức Thiên Chúa trong Samạc; hay đi theo con đường của Satan khi chúng thử thách Đức Giêsu sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày! Trước sự chai lỳ và u mê do thói kiêu ngạo, ghen tỵ và sự giả dối nơi họ, nó đã làm cho lương tâm những người Pharisêu bị phủ lấp và không còn nhạy bén để nhận ra tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Và Ngài đã không làm phép lạ theo như yêu cầu của những người Pharisêu, bởi vì họ không tin và phép lạ không thể diễn ra trong sự thách thức và cưỡng bách được.
Trong đời sống đức tin của chúng ta thường ngày cũng vậy. Nhiều khi cũng thách thức Thiên Chúa khi chúng ta đem Ngài ra để so sánh với ông nọ, thần kia; hoặc có lúc chúng ta cũng ra những điều kiện cho Ngài khi nhủ rằng: nếu Chúa có mặt thực sự, thì Chúa làm cho con được thế này hay thế kia thì con sẽ tin? Những lúc như thế, chúng ta đã bị sự kiêu ngạo thúc bách và khi đó trong ta chỉ còn những yêu cầu phát xuất từ sự tham vọng và thực dụng thuần túy mà không hề nghĩ đến ơn cứu chuộc là hạnh phúc vĩnh cửu!
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ơn khiêm tốn và lòng yêu mến Chúa để chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và luôn sống trong sự an bài của Ngài. Amen.
Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng... Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh... trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước... Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này?”. Nhưng người bạn lắc đầu giải thích “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.
Thảm trạng của con người thời đại: Con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy ánh sáng và mầu nhiệm... con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Suy niệm
Theo văn mạch của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vừa làm nhiều phép lạ trong đó có những phép lạ lớn (x. Mc 4,35-5,43): Dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại. Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (x. Mc 8,1-10). Thế mà những người pharisiêu vẫn chưa tin Ngài, họ lại thách Ngài làm một “dấu lạ từ trời”, nghĩa là một phép lạ xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Họ không chú ý tìm chân lý nhưng chỉ để thử Ðức Giêsu, họ thiếu thiện chí, họ không tin là vì họ ngoan cố. Nơi lòng dạ những người cứng tin này, Ðức Giêsu buồn lòng, Ngài không làm gì được cho họ.
Trong phần tiếp theo của Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm thêm những phép lạ khác. Những phép lạ đó không phải làm cho những người pharisiêu cứng lòng, nhưng cho những người tin. Phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu chỉ dẫn chúng ta tới đức tin. Bởi thế, nếu sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ chưa phải là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Xin cho chúng ta biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, đức tin soi chiếu từng bước chân đi vào đời.
Ý lực sống: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5).
1. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (8,1-10) lần thứ hai ở phía đông biển hồ Bétsaiđa, Chúa Giêsu cùng môn đệ xuống thuyền sang phía tây hồ. Nhưng vừa cập bến được ít lâu, một nhóm biệt phái, có cả nhóm sađucêu nữa, kéo nhau đến rình mò , tranh luận và thử thách Ngài.
Trước đó Người cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35 – 5,43: dẹp yên bão táp, trục xuất quỉ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người biệt phái vẫn chưa tin Người. Hôm nay họ lại thách thức Người làm một “dấu lạ từ trời” nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
2. “Người thở dài não nuột mà nói...”
Thực ra những phép lạ Người làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ minh chứng Người là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa .
Trong phần tiếp theo, Tin Mừng Mc vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người biệt phái ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác chứ không cho những người biệt phái cứng lòng.
3. Vấn đề phép lạ - dấu lạ.
Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì thế, sẽ tầm thường hóa niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu cũng như không có sự yêu mến đích thực.
Thánh Phaolô từng dạy rằng, đã trông thấy rồi mới tin thì không còn là đức tin nữa. Nói cách khác, chỉ là sự bất đắc dĩ phải chấp nhận khi chuyện đã tỏ tường mà thôi. Thiên Chúa ban phép lạ hay dấu lạ là do lòng nhân hậu của Người và có giá trị trong chương trình cứu độ, chứ không chiều theo sở thích của con người đòi hỏi Người phải ban dấu lạ điềm thiêng.
Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.
4. Những phép lạ kể trên đã đủ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng có quyền phép từ trời rồi. Thế nhưng, họ không tin là vì họ ngoan cố, bởi đó Ngài nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Chúng ta phải nói lại, phép lạ Chúa như vậy, Tin Mừng hôm nay cho thấy phép lạ “không sinh ra đức tin” mà chỉ là “dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin”. Bởi thế, Sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, La Vang...) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
5. Niềm tin thì chúng ta dễ có, và có thể tạo ra niềm tin, còn Đức tin thì phải đến từ Thiên Chúa, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tạo ra Đức tin. Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một Đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là Đức tin nữa. Vả lại, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
6. Truyện: Hãy cho tôi thấy Thiên Chúa.
Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng rất ngạo ngược. Ngày kia, ông bèn nảy ra ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thực hiện cho nhà vua được? Vì không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách thức ấy.
Biết được nỗi lo âu ấy, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo cho phép để chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Họ không tin tưởng lắm, nhưng cũng đành lòng chấp nhận.
Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói: “Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn”.
Nhà vua tức giận quát lớn: “Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai có thể nhìn vào mặt trời chói chang như vậy”?
Lúc ấy, người chăn chiên liền quì gối xuống trước mặt vua mà nói: “Muôn tâu bệ hạ, với một vật Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được?
Chuyện này xảy ra sau phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Trước đó Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35—5,43 dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người pharisêu vẫn chưa tin Ngài. Hôm nay họ lại thách Ngài làm một "dấu lạ từ trời" nghĩa là một phép lạ xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Thực ra những phép lạ Ngài làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép "từ trời". Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa cả. Trong phần tiếp theo, Tin Mừng Mc vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm những phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người pharisêu ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác chứ không cho những người pharisêu cứng lòng.
B.... nẩy mầm.
1. Bài Tin Mừng này cho ta thấy rõ phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (Lộ Đức, Fatima, Cha Diệp v.v) chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin.
2. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả những việc Chúa làm, kể cả những việc nhỏ nhoi và tấm thường nhất.
3. Bà nội và cháu trai 5 tuổi buổi sáng đi dạo ở vùng thôn quê, sương giá nhuộm trên cành lá tạo cho chúng màu sáng lấp lánh thật quyến rũ.
Bà ngạc nhiên, nhìn lên sườn đồi trong màu vàng đỏ tươi lấp lánh: "Hãy nghĩ xem, Thiên Chúa đã sơn tất cả cảnh đó".
Cháu đồng ý: "Vâng, và Ngài đã thực hiện với cánh tay trái của Ngài".
- Cháu muốn nói gì?
- Ồ, vào ngày Chủ nhật, chúng con được dậy rằng Chúa Giêsu đang ngồi bên tay hữu Thiên Chúa. (Góp nhặt)
4. "Chúa Giêsu nói: ”Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả" (Mc 8,12)
Sáng nay, lời của ông thấy dạy chính trị làm mình rất khó chịu: "Tôi thấy cũng lạ, đã tin là có Chúa, có Mẹ, làm sao các nóc nhà thờ trồng cột thu lôi làm gì. Chẳng lẽ cha mẹ phá huỷ con cái mình sao?" Và mọi người bàn tán xôn xao.
Khi người ta tôn thờ vật chất và tôn vinh con người cách quá đáng thì dễ đi tới kết luận tôn giáo là mê tín, hoang tưởng. Họ khó mà có được lòng khiêm tốn để nhận biết Thiên Chúa, và dễ trở thành những con người độc tôn. Vô ích nếu chỉ đôi co và biện lý.
Dứt khoát tôi không thể chỉ cho họ thấy một Thiên Chúa nhân hậu khi tôi chưa sống như một người nhân hậu.
Lạy Chúa, xin cho con biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, để với niềm tin này con sẽ giúp người khác nhận ra Chúa. (Epphata)
Sứ điệp: Để được Chúa Giêsu làm phép lạ, cần phải có lòng tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những người Pha-ri-siêu đòi hỏi Chúa một dấu lạ từ trời nhưng Chúa đã thở dài não ruột và Chúa bỏ họ mà đi.
Con nhìn thấy họ có thái độ thử thách Chúa. Họ không khác ma quỷ thử thách Chúa nơi hoang địa. Họ còn giống những người ở Na-da-rét thách thức Chúa làm phép lạ như đã xảy ra ở Ca-phác-na-um. Họ thử thách Chúa như những thượng tế và luật sĩ thách thức Chúa xuống khỏi thập giá để cứu lấy mình.
Những thái độ trịnh thượng dù ở thời đại nào và dù ở đâu đi nữa cũng đều là những thái độ bất tín và tự cao. Con biết Chúa không thích những thái độ đó. Vậy mà, lạy Chúa, con dễ tự cao tự đại. Con cũng dễ thử thách Chúa lắm. Những khi cầu nguyện, con hay đặt điều kiện cho Chúa. Con thường đòi hỏi Chúa phải ban theo ý con. Rất hiếm khi con cầu nguyện như người con thảo khiêm cung phó thác…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đầy lòng từ bi và thương xót, xin Chúa cho con biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện. Để sống trên đời này, cần phải tin nhau, huống nữa là sống đời làm con Chúa. Xin cho con hoàn toàn tin Chúa. Con muốn tin vào Chúa để có thể nói chuyện với Chúa và thực sự gắn bó với Chúa. Khi ấy Chúa chẳng còn tiếc gì với con. Có gì buồn cho bằng con thử thách Chúa để Chúa phải bỏ con mà đi?
Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Xin cho con mỗi ngày càng yêu mến Chúa hơn. Xin cho con biết trọn vẹn tin yêu phó thác nơi Chúa. Amen.
Chuyện này xảy ra sau khi phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ hai. Trước đó, Ngài cũng làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn như dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một người đàn bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại (Mc 4,35.5,43) vậy mà những người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài. Hôm nay, họ lại thách thức Ngài làm một “phép lạ từ trời”.
Thực ra những phép lạ Chúa làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể đã đủ chứng minh Ngài là đấng có quyền phép “từ trời” rồi. Thế nhưng, họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Phép lạ Chúa làm chỉ có ý nghĩa và có giá trị cho những người thành tâm thiện chí chứ không cho những người Pharisêu cứng lòng.
1. Như vậy, theo bài Tin Mừng hôm nay thì chúng ta thấy, phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, cha Diệp) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin.
Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả việc Chúa làm, kể cả những việc nhỏ nhoi và tầm thường nhất.
Bà nội và cháu trai 5 tuổi, buổi sáng đi dạo ở vùng thôn quê, sương giá nhuộm trên cành lá tạo cho chúng màu sáng lấp lánh thật quyến rũ.
Bà ngạc nhiên nhìn lên sườn đồi trong màu vàng đỏ tươi lấp lánh:
- Hãy nhìn xem, Thiên Chúa đã sơn tất cả các cảnh đó.
Cháu đồng ý:
- Vâng, và Ngài đã thực hiện với cánh tay trái của Ngài.
- Cháu muốn nói gì?
- Ồ! Vào ngày Chúa nhật, chúng con được dạy rằng: Chúa Giêsu đang ngồi bên hữu Thiên Chúa.(Góp nhặt)
Một ông vua thông minh tài giỏi, nhưng cũng chẳng kém phần ngạo ngược. Ngày kia, ông bỗng nảy ra một ý kiến hiểm độc. Ông cho triệu các nhà lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần lễ phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị ông chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thỏa mãn được đòi hỏi càn dở của nhà vua đây? Không thiếu những phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại cái ý muốn điên rồ và thách thức ấy.
Biết được nỗi lo âu của vị lãnh đạo, một kẻ chăn chiên đến xin các ngài cho phép để anh ta được chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Các vị lãnh đạo không tin tưởng ở anh ta, nhưng trong hoàn cảnh đang bế tắc, cũng chẳng biết làm sao hơn được.
Buổi sáng ngày ấn định, anh chăn chiên dẫn nhà vua đến cánh đồng cỏ nơi anh thường thả đàn vật. Họ cùng nhau đi bộ. Lúc đến nơi thì mặt trời đã gần lên tới đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và nói:
- Tâu bệ hạ, xin hãy nhìn.
Nhà vua tức giận quát lớn:
- Thằng điên! Ngươi muốn ta mù sao? Ai mà có thể nhìn thẳng vào mặt trời chói chang như vậy?
Lúc ấy, người chăn chiên liền quỳ xuống trước mặt vua mà nói:
- Muôn tâu bệ hạ, với một vật Thiên Chúa làm ra và ánh sáng của nó còn chói chang, đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy chính Thiên Chúa được?
Ngay lúc ấy nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa, không phải bằng đôi mắt, nhưng bằng đức tin.
2. Vũ trụ muôn màu muôn vẻ, vạn vật muôn sắc muôn hương. Tất cả là hình ảnh rạng ngời của Thiên Chúa. Mỗi vật diễn tả một nét đẹp của Đấng tạo thành. Mỗi hữu thể là một chứng từ về Đấng Hiện Hữu tối cao.
Thế nhưng, còn biết bao người chưa nhìn ra được Thiên Chúa.
Thiên Chúa hiện diện giữa muôn loài và trong từng tạo vật Ngài đã dựng nên. Thế mà đa số nhân loại không nhận ra Ngài. Có người lại cố ý làm ngơ, coi như không hề có Thiên Chúa. Người khác lại muốn tìm Thiên Chúa ở mãi đâu xa xôi.
Chúng ta không thể nào quên được Lời Chúa Giêsu quả quyết: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu thương và chúng ta sẽ đến cư ngụ trong người ấy”
Thánh Augustinô không ngừng than thở: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con, và con lại cứ đi tìm Chúa bên ngoài”.
Khi xác tín vào sự hiện diện của Chúa nơi mình và gặp được Chúa trong nội tâm, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra Chúa khắp nơi, trong mọi tạo vật.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống. Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con.Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi. Xin Chúa ngự trong con thật sống động,để không phải là con, mà là chính Ngài đang sống. Amen.