Thường Niên Tuần 6-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ tư - 15/02/2023 22:16
Thường Niên Tuần 6-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 6-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 6-2023 Thứ Sáu
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 06 – Thứ 6: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình. 1
Suy Niệm 1: Từ bỏ chính mình. 2
Suy Niệm 2: Đức tin và hành động. 4
Suy Niệm 3: Theo Chúa Giêsu. 5
Suy Niệm 4: Sống đúng là Kitô hữu. 7
Suy Niệm 5: Tin và đi theo. 8
Suy Niệm 6: Con đường Thánh Giá. 9
Suy Niệm 7: Thập giá Đức Kitô. 10
Suy Niệm 8: Điều kiện để theo Chúa. 12
Suy Niệm 9: Ai theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. 15
Suy Niệm 10: Vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo. 17

----------------------------------------
 

TinMừng – TN 06 – Thứ 6: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình.


"Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình".

 Lời Chúa: Mc 8,34-9,1

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.

Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.

Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh". Và Ngài nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng".

--------------------------------
 

Suy Niệm 1: Từ bỏ chính mình


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trên con đường đi ngang giáo phận Xuân Lộc,
có ngôi nhà thờ mặt tiền mang một dòng chữ to: “Sống là chọn.”
Câu này dễ làm ta nghĩ đến câu kế tiếp: “mà chọn là bỏ.”
Bỏ là điều, dù muốn dù không, ai cũng phải làm nhiều lần trong đời.
Thai nhi phải bỏ bụng mẹ ấm êm, cô gái bỏ gia đình để về nhà chồng.
Bỏ khi chọn việc, chọn trường, chọn nhà, chọn ơn gọi…
Bỏ thường làm ta đau đớn, nhưng ta không thể chọn tất cả.
Tuy nhiên, có khi từ bỏ đem lại niềm vui, đến nỗi ta không biết mình đang bỏ.
Một vận động viên, một nhà khoa học hay một tu sĩ đã tự ý bỏ nhiều điều.
Nhưng họ rất vui khi nghĩ đến kết quả của việc từ bỏ đó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ và đám đông
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ngài (c. 34).
Từ bỏ chính mình là không coi mình như trung tâm nữa,
không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải nắm chặt.
Vác thanh ngang của thập giá là việc mà người sắp bị đóng đinh phải làm.
Như thế vác thập giá đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết sắp xảy ra.
Đức Giêsu đã sống những điều này trước khi mời chúng ta sống.
Ngài đã vác thập giá Cha trao cho Ngài.
Ngài đã từ bỏ chính mình hoàn toàn khi bị treo trên thập giá.
Đời sống người Kitô hữu mãi mãi không bao giờ dễ dàng,
vì đó là hành trình vác thập giá của riêng mình theo chân Thầy Giêsu.
Thập giá ghi dấu ấn trên bất cứ ai dám sống thật sự ơn gọi kitô hữu.
Nhưng thập giá lại không phải là kết thúc của Kitô giáo.
Kitô giáo kết thúc bằng sự sống và sự sống lại của Đức Giêsu.
Tất cả nghịch lý nằm ở chỗ ai dám mất thì lại được,
còn ai cố giữ cho được thì lại mất.
Mà cái được và cái mất không như nhau.
Cái mất chỉ là mạng sống tạm bợ ở đời này,
còn cái được là sự sống vĩnh hằng ở đời sau (c. 35).
Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm được và mất.
Ngài mời chúng ta dám sống kinh nghiệm ấy cùng với Ngài.
Được cả thế giới này mà mất sự sống đời đời thì có ích chi?(c.36).
Đức Giêsu hôm nay vẫn muốn nhắc nhở chúng ta như thế.
 
Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore)
 
--------------------------------
 

Suy Niệm 2: Đức tin và hành động


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nền tảng của đức tin là Chúa. Tin Chúa là tất cả. Đó phải là chân lý điều hướng cả con người và cuộc đời chúng ta. Vì thế tin là phó thác toàn thân cho Chúa. Chỉ đi tìm Chúa. Để đạt tới cùng đích là chiếm hữu được Chúa. Được sự sống đời đời. Một niềm tin chân chính phải biến thành hành động.

Trước hết phải từ bỏ thế giới này. Thế giới này là vật chất. Ta phải tìm những gì cao hơn vật chất. Thế giới này là chóng qua. Ta phải tìm điều vĩnh cửu. Thế giới này là thung lũng nước mắt. Ta phải tìm hạnh phúc đích thực. Thế giới này sẽ chết. Ta phải tìm sự sống đời đời. Như Lời Chúa dạy: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình”?

Còn sâu xa hơn nữa, phải từ bỏ chính mình: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Cái tôi luôn chống lại Chúa. Muốn được Chúa phải từ bỏ cái tôi. Để Chúa chiếm hữu tôi. Tôi sẽ chiếm được Chúa: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

 Về đức tin chúng ta phải noi gương tổ phụ Áp-ra-ham. Đó là một đức tin sống động. Dám từ bỏ cả cuộc đời. Dám hi sinh cả đứa con duy nhất. Chỉ cần Chúa. Chỉ đạt tới Chúa là đủ. Đó là đức tin có việc làm. Là đức tin hoàn hảo. “Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo. Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính…. Thật thế, đức tin không có hành động là đức tin chết” (năm chẵn).

Khi có đức tin như thế, con người sẽ hợp nhất với chính mình, với nhau. Và tất cả qui về Thiên Chúa. Khi không có đức tin, con người tự phân hoá. Trong bản thân có nhiều mâu thuẫn. Trong xã hội có nhiều tranh chấp. Và thế giới phân hoá. Đó chính là hậu quả của tháp Ba-ben. Con người kiêu ngạo muốn chống lại Chúa, sẽ chống lại nhau. “Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xác trộn tiếng nói cua rmoij người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất”. Phải chăng Ba-ben là Ba-by-lon, đại diện thế lực trần gian chống lại Thiên Chúa? (năm lẻ).

-------------------------------
 

Suy Niệm 3: Theo Chúa Giêsu


Khi nhìn về hoạt động của Giáo Hội giữa thế giới hôm nay, có người ghi nhận rằng Giáo Hội hiện tại rất đa năng đa dạng, Giáo Hội có thể có mặt một cách khéo léo và hiệu quả trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống con người; nhưng đôi khi Giáo Hội đã bỏ quên một sở trường có thể là quan trọng nhất, đó là làm người phát ngôn bảo vệ các giá trị tuyệt đối của Tin Mừng và bảo vệ cho đến cùng như được nhắc lại trong Tin Mừng hôm nay.

Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: "Thầy là Ðức Kitô", thì Chúa Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan điểm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Ðấng Kitô theo hình ảnh của Người Tôi Tớ Yavê như được nhắc đến trong sách Tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Ðấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Yavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ. Phêrô đã đại diện các Tông đồ để tuyên xưng: "Thầy là Ðức Kitô", nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Chúa Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô.

Chúa Giêsu chẳng những quở trách Phêrô, Ngài còn đưa ra một giáo huấn quan trọng: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta". Từ nay cả Phêrô lẫn những ai muốn làm môn đệ Chúa đều phải sống thân phận tôi tớ như Chúa. Nhưng Ngài còn thêm: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Làm tôi tớ Thiên Chúa, từ bỏ chính mình, vác thập giá, đồng nghĩa với chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng. Nếu có bao giờ con người cảm thấy ngại ngùng với những yêu sách đó, thì cần phải nhớ một lời cảnh giác của Chúa cũng như trong bối cảnh đó: "Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang Cha Ngài với các thánh thiên thần."

Ðành rằng con đường của Chúa là cả một đoạn trường, nhưng đã là môn đệ Chúa và muốn thi hành số mệnh của mình, chúng ta không còn một chọn lựa nào khác. Xin Chúa cho chúng ta can đảm sống đúng tư cách môn đệ của Chúa, mạnh dạn thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng, để ngày nay Danh Chúa được mọi người nhận biết và mai sau chúng ta được Chúa đón nhận vào Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 -------------------------------
 

Suy Niệm 4: Sống đúng là Kitô hữu


Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; Còn ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc. 8, 34-35)

Trong bài Phúc âm hôm qua, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu cho các môn đệ hiểu đúng về bản thân và sứ mạng của Người: sứ mạng của Đấng Mê-si-a phải chịu đau khổ. Phêrô đã bực mình và không phải là không có lý do, bởi lẽ chuyện đó kéo theo hậu quả cho người môn đệ là ông. Điều tuyên bố này của Chúa có liên hệ tới ông. Có được một ông thầy là một đấng Mê-si-a quyền uy chiến thắng và có một người thầy là một Mê-si-a phải chịu đau khổ và bị người ta giết chết, đâu phải là chuyện như nhau. Chúa Giêsu biết rõ như vậy. Nên Người liền giải thích ngay làm môn đệ một Mê-si-a phải chịu đau khổ hệ tại ở sự gì: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo…”

Đảo lộn giá trị

Phải vác thập giá, phải từ bỏ mình, nguy cơ to lớn như vậy không phải là sự thiệt thòi, mất mát đâu. Trái lại, đó chính là một mối lợi. Thật là điều nghịch lý: người môn đệ lấy Đức Kitô làm con bài chủ trong cuộc chơi của mình, người ấy là kẻ thắng cuộc. Mất, chính là được với điều kiện là sự mất mát này là vì Chúa Giêsu và vì Phúc âm. Một cuộc sống chịu thiệt thòi ví Chúa Giêsu và vì Phúc âm như thế được coi như một sự thất bại xét về mặt hoàn toàn trần thế giống như cuộc đời của Chúa Giêsu vậy; nhưng nó lại là một sự hoàn bị, đạt tới mức tròn đầy, bởi lẽ đó là một cuộc đời hoàn toàn quy hướng về Chúa. Trong chiều hướng ngược lại, con người chỉ tìm tán dương, tâng bốc, đề cao cái “tôi” của mình, chỉ muốn giữ mạng sống mình cho riêng mình thôi, người ấy có thể chắc chắn đánh mất cuộc sống ấy, không đạt được đích là sự thăng hoa đích thực. Và cho dù có giầu sang bạc ngàn bạc triệu, người ấy cũng sẽ không có thể dùng tiền mua được cho mình sự sống của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đặt nét chấm phá cho bức họa chân dung người môn đệ bằng một câu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chứng từ: không hổ thẹn vì Chúa Giêsu. Lòng tin của người môn đệ không phải là một chuyện riêng tư; đức tin ấy đòi hỏi được biểu lộ và khẳng định công khai cho dù gặp phải những khó khăn. Lòng tin không phải là chiếc áo, vui thì mặc vào, còn khi gặp phiền hà rắc rối thì rũ bỏ.

Chúng ta có là môn đệ của Chúa Kitô không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tự hỏi mình xem ta cảm nghĩ thế nào, có tâm tình gì khi người ta nói đến đạo Chúa, Giáo hội, Chúa Kitô… khi ta đang làm việc, ở trong gia đình, hay trong mối quan hệ xã hội bạn bè. Chúng ta có dám đứng về phía Chúa Giêsu Kitô, không ba hoa. khoa trương, nhưng kiên quyết và xác tín? Đối với người môn đệ, việc bày tỏ và khẳng định niềm tin của mình không phải là chuyện tùy tiện.

 -------------------------------
 

Suy Niệm 5: Tin và đi theo


Sau khi Phêrô thay lời anh em tuyên xưng niềm tin, Đức Giêsu đã ngay lập tức loan báo về cuộc khổ nạn của mình để các ông hiểu rõ về căn tính “Đấng Kitô” theo ý định của Thiên Chúa. Hình ảnh người tôi tớ Yavê trong Cựu Ước mà Isaia đã nhắc tới, đó chính là hình ảnh tiên trưng về Ngài. Quả thật, Đức Giêsu đến không phải là làm theo ý riêng, nhưng hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha trong tư cách là người Tôi Tớ.

Sau khi tỏ cho các ông về cuộc khổ nạn mà Đấng Kitô – Thiên Sai sẽ phải chịu, thì cũng ngay lập tức Ngài mời gọi các ông: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Thật tiếc thay cho Phêrô! Ông tuyên tín thì mạnh mẽ, nhưng khi nói đến sự vâng phục và con đường khổ giá mà Thầy sẽ đi để cứu chuộc nhân loại, thì ông đã thất vọng và lên tiếng can ngăn Ngài. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô theo thánh ý Thiên Chúa Cha.

Như thế, ông đã lộ rõ tính thực dụng của mình khi đặt niềm tin vào một Đấng Thiên Sai đến giải phóng dân tộc theo nghĩa chính trị. Vì thế, ông đã bị Đức Giêsu quở trách thật nặng nề: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thên Chúa mà là của loại người”.

Trong cuộc sống đạo của chúng ta, nhiều khi không khác gì Phêrô. Có những cơn sốt sắng nổi lên thì thề sống chết với Chúa và trung thành đến cùng với Ngài, nhưng sau đó, khi thử thách hay những khó khăn gặp phải, chúng ta bắt đầu suy xét lại và đem so sánh thiệt hơn với đời. Những lúc như thế, chúng ta đã lập lờ và nhùng nhằng, so đo tính toán...

Nên nhớ quy tắc căn bản của sứ điệp Lời Chúa hôm nay:

Thiên Chúa không bao giờ cất khỏi đau khổ cho con người. Nhưng ngược lại, Ngài sẽ tiếp tục gửi đau khổ đến cho những ai Ngài thương mến. Cũng như chính Ngài, Đức Giêsu luôn luôn mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ và chiếu dọi yêu thương vào đó thì đau khổ sẽ có ý nghĩa và nở hoa cứu độ. Nếu không có yêu thương thì thập giá mãi mãi đè bẹp chúng ta, nhưng chúng ta đón nhận và vác lấy trong tình yêu thì nhờ thập giá sẽ trở thành con đường dẫn đến vinh quang, đau khổ sẽ thành biểu tượng tình yêu.

Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn can đảm để lựa chọn và sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời. Để ngang qua lòng mến, chúng ta được ơn cứu chuộc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 -------------------------------
 

Suy Niệm 6: Con đường Thánh Giá


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tất cả những ai muốn theo Chúa Giêsu đều phải bước lại cùng một con đường của Chúa, đó là đường thập tự, chất chứa sự từ bỏ và khổ đau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì vâng theo ý Chúa Cha mà Chúa đã tự bỏ mình, chấp nhận thân phận tôi tớ, chịu mọi sự khổ đau cùng cực nhất, bị phỉ nhổ, khinh chê, bạc đãi và chết trên thập giá, hầu mang lại sự sống cho con. Và Chúa cũng đã mời gọi con bước theo Chúa. Sống với Chúa, để trở nên môn đệ của Chúa, nghĩa là cùng với Chúa vác thánh giá, cùng với Chúa đi vào con đường đau thương đang trải dài khắp các nẻo đường trần gian.

Lạy Chúa, hành trình theo Chúa nhiều khi đã trở thành gánh nặng đè lên đời con. Lắm lúc con mệt mỏi, chán nản, buồn phiền, so đo tính toán. Một đàng con biết rằng theo Chúa là phải hy sinh, phải dấn thân dứt khoát. Nhưng đàng khác con lại không chịu từ bỏ chính bản thân mình, con ham thú vui, thích thoải mái, hưởng thụ, thích của cải vật chất hơn là sống như Chúa đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim luôn hướng về Chúa, bởi vì con cảm nhận được rằng, con không thể sống với Chúa, nếu con không yêu mến Chúa. Xin dạy con biết hy sinh, biết từ bỏ những quyến rũ lệch lạc của trần gian, vì chúng ngăn cản con đến với Chúa.

Xin cho con biết quảng đại cho đi tất cả, nhất là cho đi chính mình. Lạy Chúa, con đi tìm sự sống chứ không đi tìm cái chết. Nhưng để cứu mạng sống con, xin cho con luôn biết nhìn lên thánh giá Chúa để học biết thế nào là yêu thương, là hy sinh, thế nào là sự sống đích thực. Amen.

Ghi nhớ: “Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

 -------------------------------
 

Suy Niệm 7: Thập giá Đức Kitô


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng: “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tùy thích”.

Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vứt cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được: Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng xù xì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá...

Và rồi đêm nào cũng thế, cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào! (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Người môn đệ Chúa Kitô tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, với tâm tư con người đó là nghịch lý: Ngài đã chỉ đạt được vinh quang thiên sai nhờ đi qua khổ nạn và cái chết, theo chương trình của Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a).

Cho nên, ai tự nhận mang danh môn đệ của Chúa Kitô, là “Kitô hữu”, được mời gọi bước vào sống mầu nhiệm nghịch lý thập giá của Đức Kitô, chấp nhận đau khổ vì Đức Kitô. Như tông đồ Phaolô đã trải nghiệm và gợi mở sống mầu nhiệm vác thập giá của người môn đệ Chúa Kitô: “Hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24-25).

Khi hiểu được ý nghĩa cao quý của thập giá, chúng ta bước theo Thầy với thập giá hằng ngày và hãnh diện như thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14).

Lạy Chúa Giêsu, trên bước đường thập giá Ngài đi, trong tư cách là môn đệ của Chúa:

“Xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”.

Ý lực sống: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).

-------------------------------
 

Suy Niệm 8: Điều kiện để theo Chúa


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

2. Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16), Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các ông biết: “Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giêsu mở ra  một giai đoạn mới, trong  giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng: “Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34).

3. THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Kitô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào  có thể làm cho họ lìa bỏ nhau:

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Trong lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai  điều kiện ấy.

4. Từ bỏ chính mình.

Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật... và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi...

Đức Thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói: “Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ.

Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.

5. Vác thập giá mình.

Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất... trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.

Trong đời sống Kitô hữu, ai cũng phải vác thập giá vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta  và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.

6. Truyện: Thánh giá vừa sức mình.

Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo:

- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.

Ông ta mang thánh giá của mình  ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:

- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.

Thiên thần yên ủi:

- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.

 -------------------------------
 

Suy Niệm 9: Ai theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường thập giá, Chúa Giêsu dạy các môn đệ:

- Làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường thập giá như Ngài "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo".

- Xem ra, từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thực ra đó là con đường dẫn tới sự sống thật "Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng ống ấy".

B.... nẩy mầm.

1. Ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta".

Có lẽ từ trước tới nay, tôi theo Chúa là để "được" (được an ủi, được che chở, được đời này, rồi lại được đời sau). Nhưng Chúa Giêsu dạy muốn "được" thì trước hết hãy "bỏ" (bỏ tất cả những gì cản trở việc đi theo Ngài, bỏ ý riêng, bỏ chính bản thân mình…). Có "bỏ" thì mới "được".

2. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích "Phúc")

3. "Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có lợi ích gì?" Câu này đã khiến Phanxicô Xaviê bỏ mọi sự để đi theo Chúa, thành một nhà truyền giáo nhiệt tình.

Mỗi người chúng ta hãy duyệt lại xem mình đang tìm kiếm những tôi gì ở đời này (quyền lợi, thú vui, danh vọng…). Rồi nghĩ tới ngày mình nhắm mắt ra đi. Lúc đó mình sẽ mang theo được những gì?

4. Người kia có 3 người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ  ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người  bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những  trắng án mà còn được thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta,  chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng. (Trích "Phúc")

5. "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta".

Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế  chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!" (John Newton).

6. "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mc 8,35)

"Chúng tôi muốn lựa chọn một giai cấp thống trị mới, xa lạ với thứ đạo đức thương người, một giai cấp ý thức rằng, dựa trên cơ sở là giống nòi ưu việt nhất, nó có quyền đô hộ; một giai cấp biết thiết lập và duy trì không một chút do dự quyền thống trị của nó đối với quảng đại quần chúng" ("Những bí mật của Chiến tranh thế giới II" – Grigôri Đêbôrin)

Dựa trên thuyết phân biệt chủng tộc, Hítle đã xây dựng một bộ máy chính quyền tôn thờ chiến tranh. Họ coi chiến tranh là "một hoạt động cao quý nhất của những con người thuộc giống nòi ưu việt". Một đất nước của trại lính và nhà giam đã lôi kéo cả thế giới rơi vào lửa đạn.

50 năm đã trôi qua, chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi. Nhưng trên thế giới vẫn còn biết bao ý tưởng điên rồ của con người, khiến nhân loại phải điêu đứng vì chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu". Xin giúp con biết hy sinh vì tình yêu đồng loại. (Epphata)

 -------------------------------
 

Suy Niệm 10: Vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập Giá, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: muốn làm môn đệ, thì cũng phải đi theo con đường Thập Giá của Chúa: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ mình đi vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc 8,34).

Ta hãy nghe lại lời của Chúa nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình”. (Mt 8,34)

Tại một viện bảo tàng được lát bằng những phiến đá cẩm thạch tuyệt đẹp, trưng bày giữa đại sảnh là pho tượng mỹ nữ cũng bằng đá cẩm thạch. Từng dòng người từ khắp nơi trên thế giới đến đây chiêm ngưỡng pho tượng tuyệt mỹ này. Một đêm, phiến đá cẩm thạch nói với pho tượng với một giọng gay gắt:

- Này, cô bạn mỹ nữ, thật chẳng công bằng tí nào! Tại sao mọi người đổ dồn về đây cứ bước trên người tôi để mà chiêm ngưỡng bạn? Thật là bất công quá đáng!

Pho tượng mỹ nữ từ tốn nhắc:

- Bạn còn nhớ chúng ta cùng sinh ra từ một mỏ đá không?

Phiến đá cẩm thạch tiếp tục càu nhàu:

- Chúng ta sinh ra trong cùng một mỏ đá, vậy mà giờ đây mỗi bên lại được nhận một cách đối xử khác nhau đến thế này. Thật chẳng công bằng chút nào!

Pho tượng mỹ nữ vẫn bình thản:

- Nhưng này, chắc bạn còn nhớ cái ngày mà nhà điêu khắc chạm những nhát đục đầu tiên lên người bạn chứ? Và bạn đã chống cự quyết liệt như thế nào!

Phiến đá cẩm thạch phát xẳng:

- Dĩ nhiên là nhớ! Tôi căm ghét hắn. Hắn ghè, hắn đẽo lên người tôi. Ôi, đau đến chết khiếp!

Pho tượng mỹ nữ thủng thẳng tiếp:

- Thế rồi ông ta không thể tiếp tục tạc tượng trên mình bạn nữa, vì bạn chống cự dữ dội quá.

Phiến đá cẩm thạch chống chế:

- Ừ, thế thì sao nào…

Pho tượng mỹ nữ tiếp lời:

- Khi ông ấy quyết định từ bỏ bạn và quay qua đục đẽo trên người tôi, ngay lúc ấy tôi biết rằng mình sẽ biến thành một cái gì khác hơn là những khối đá thô kệch, nơi chúng ta cùng sống chung trước đó. Tôi đã không chống cự lại ông ta, và cố gắng chịu đựng tất cả những đau đớn mà ông ta đang cố đục đẽo trên người tôi.

Phiến đá cẩm thạch ầm ừ.

2. “Vác Thập Giá mình mà theo” (Mc 8,34)

Ngày nọ, trại giam của cha Maximilien Kolbe có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy thiếu mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của Phát-xít Đức: hễ một tù nhân trốn thoát, mười người tù khác phải đền mạng.

Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng và khiếp đảm.

Viên sĩ quan coi tù vừa giận dữ rảo bước, vừa đưa tay chỉ định: tên này... tên này... Ai lâm vào số đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.

Giữa bầu khí thinh lặng rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng nghiêm trang im lặng. Viên sĩ quan Đức quát hỏi:

- Mi là ai?

- Maximilien Kolbe, Linh mục Công Giáo.

- Mi muốn gì?

- Tôi xin tình nguyện chết thay cho anh bạn tù này (ngài đưa tay chỉ người vừa la thất thanh), vì anh còn con thơ vợ dại.

- Muốn ngu thì cho ngu? Vào sắp hàng thế, còn thằng kia được tha!

Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục... Viên sĩ quan Đức hô lớn: “Sắp sẵn! Đi!” Mười người lặng lẽ đi vào phòng giam đói. Theo lời các tù nhân thuật lại, thường những kẻ bị giam đói khóc lóc, chửi rủa cho đến khi tắt hơi. Nhưng lần này thì khác. Cha Kolbe luôn miệng khuyến khích thúc giục mọi người cầu nguyện. Các tù nhân bên ngoài nghe tiếng họ hát và đọc kinh, ban đầu lớn, càng về sau càng yếu dần đi, rồi đến một lúc thì hoàn toàn im lặng. Ngày thứ 12, cửa phòng giam đó được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân hình đã tàn rũ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đổ vào lò đốt.

Mấy chục năm sau, vào năm 1971, Toà Thánh đã tôn phong ngài lên bậc Chân phước, sau khi cứu xét kỹ lưỡng các nhân đức anh hùng của ngài. Giây phút cảm động nhất trong thánh lễ tôn phong do Đức Phaolô VI chủ tế là lúc dâng lễ vật: một đoàn người tiến lên mang bánh, rượu, nến và hoa hồng trắng đỏ: hoa hồng trắng chỉ sự khiết trinh, hoa hồng đỏ chỉ sự hy sinh tử đạo. Đoàn dâng lễ gồm có người Balan, đồng hương của ngài, và vài thiếu nữ mặc quốc phục Nhật Bản, nơi ngài đã đến truyền giáo. Cảm động hơn cả là lúc Đức Thánh Cha ôm hôn ông già bưng chén thánh tiến lên: đó chính là tù nhân đã được cha Kolbe thế mạng. Trong lúc ấy, toàn thể cộng đoàn hát vang khúc tình ca: “Không có tình yêu nào cao quí bằng chết thay cho bạn hữu”. Mọi người tham dự buổi lễ hôm ấy không ai cầm nổi giọt lệ.

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây