"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".
Lời Chúa: Mc. 12, 13-17
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?"
Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê".
Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người.
Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau. Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6). Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15). Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy. Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi. Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi. “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14). Đã từng có những câu hỏi như thế. “Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10). “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3). Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê. Từ năm thứ sáu sau công nguyên, khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma, mỗi người dân Do thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược. Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này. “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân, và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa. Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma, và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc. Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này. Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác. “Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15). Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma. Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc. Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ: “Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.” Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói: “Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda, những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17). Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được. Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda. Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện quan trọng hơn nhiều. Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa. Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận. Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda. Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa. Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta, nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu. Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình! Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con. Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen. (Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã) -------------------------------
Người ta thường trích dẫn Lời Chúa để phân biệt tôn giáo với chính trị. Thế quyền có toàn quyền ở trần gian. Thiên Chúa có quyền ở trên trời. Nhưng người ta rất thường quên rằng quyền lực trần gian chỉ có ở đời này. Thiên Chúa có quyền ở đời sau. Ở đời sau mọi quyền lực đều qui về một mình Thiên Chúa. Mọi người phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Chịu Thiên Chúa xét xử. Như thế mọi sự đều phải trả về cho Thiên Chúa. Như Chúa Giê-su cảnh báo Phi-la-tô: “Ông chẳng có quyền gì nếu từ trên không ban cho ông”. Càng ngày người ta càng muốn thoát ảnh hưởng của Chúa. Vua La mã thậm chí còn coi mình là thần thánh. Đã in trên đồng tiền nộp thuế là: Au-gút-tô Xê-da. Thần thánh Xê-da. Chúa Giê-su vạch rõ sự giả hình của nhóm Biệt phái. Theo Lề Luật cấm thờ ngẫu tượng. Thậm chí cấm khắc hình ảnh Thiên Chúa. Vậy mà nhóm Biệt phái này dám mang hình ảnh ngẫu tượng Xê-da trong túi. Họ ham tiền. Lại làm ra vẻ giữ luật Chúa. Chúa vạch trần sự giả hình của họ.
Tô-bít là người thực hành Lời Chúa. Ông biết mọi sự là của Chúa. Nên ông trả hết cho Chúa. Ông không sợ quyền lực thế gian. Dám lỗi luật vua chúa cấm chôn cất người chết. Để thực hành Lời Chúa dạy: chôn xác kẻ chết. Ông bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Bất chấp sự phản đối của hàng xóm, của thân nhân. Và của chính vợ ông. Ông tuyệt đối giữ sự công bằng. Bảo bà vợ: “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi”. Với Thiên Chúa còn quyết liệt hơn. Tất cả là của Chúa. Phải trả cho Chúa (năm lẻ).
Thánh Phê-rô hướng đức tin của ta về ngày sau cùng. Tất cả phải trả cho Chúa. Đời này rồi sẽ qua đi mau chóng. “Ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồn”. Rồi sẽ có “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”. Công lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong khi chờ đợi ngày đó, đừng để mình bị đời này cám dỗ. Đừng để ảo ảnh đời này lừa dối. “Anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng”. Hãy kiên vững trong đức tin. Vì cuối cùng mọi sự thuộc về Chúa. “Xin kính dâng Người vinh quang, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen” (năm chẵn).
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharnaum (3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.
Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố gắng làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Ðó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: "Có được phép nộp thuế cho César không?". Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho César, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của César, Ngài nói tiếp: "Của César, trả về César; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Nói khác đi, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của César, thì có bổn phận đền đáp cho César; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: "Của César, trả về César", nhưng Ngài thêm: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc César, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.
Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để gài bẫy cho Người lỡ lời. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da không? chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử Tôi? đem một quan tiền cho Tôi coi!” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. (Mc. 12, 13-15, 17)
Chúa không phán: “Của Xêda trả về Xêda miễn là nó phục tùng luật Chúa” nhưng “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” Chúng ta thường có khuynh hướng giảm thiểu vế đầu của câu và coi như chỉ mình Chúa là có quyền. Nghĩ Chúa xử sự như vậy là điều bất công. Ta phải chú ý, người ta không biểu dương những quyền lợi của Chúa bằng cách chối bỏ quyền lợi của con người. Những kẻ trong sạch của mọi thời đại không để cho mình hoen ố vì bàn tay lấy cớ rằng họ phụng sự Thiên Chúa thì cũng là những kẻ lừa dối như những kẻ nói quá trong chiều hướng kia vậy. Péguy đã có lý để mạ lị “những người nghĩ rằng mình yêu mến Chúa bởi vì họ không thương yêu ai cả.”
Dứt khoát mà nói, những quyền lợi của con người cũng quan trọng như những quyền lợi của Thiên Chúa và khẳng định như vậy không phải là phạm thượng. Trái lại, thừa nhận trong chốc lát rằng Người đòi hỏi ta phải dành cho Người một tình yêu khác biệt, thiết tưởng sẽ là khinh miệt Chúa. Người Kitô hữu không có một trái tim hai tầng. Những tội ác chống với nhân loại cũng ghê tởm như những tội chối đạo vậy. Có những lời Phúc âm bị quên đi tỉ như “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).
Lễ phong vương
Có một thời việc xức dầu cho các vua được coi như một bí tích. Những tranh cãi thần học nảy sinh từ một sự giải thích như vậy chẳng mấy quan trọng, có điều là đó là ý tưởng đẹp và nó bắt nguồn tư lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với con người được tạo dựng để cai trị. Vả lại những quyền lón lao dành cho con người đều là những tiêu đề cao quý: quyền sống, quyền được đối xử công bình, quyền được yêu thương, bình đẳng…
Nếu Thiên Chúa đòi hỏi được yêu mến trên hết mọi sự, thì tuyệt nhiên không phải là con người được hưởng một nửa tình yêu đâu, mà vỏn vẹn chỉ có nghĩa là với tất cả khả năng yêu mến của ta dành cho Người. Những anh em ta, dù có tuyệt vời đến đâu, thì vẫn có giới hạn và tận cùng. Khi những người anh em ấy đã nhận được trọn tình yêu dành cho họ rồi, thì trái tim ta vẫn còn có khả năng vươn lên tới vô hạn.
Một trong những việc làm làm vẻ vang cho thời đại của ta là việc lập ra những hội nhân quyền. Ngày nào công việc của những hiệp hội hay liên minh này sẽ thành công, ngày ấy Nước Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta.
Ở đời người ta thường nói: “Thua keo này ta bày keo khác” để ám chỉ việc kiên trì trong suy tư hay hành động.
Hôm nay, những người Pharisêu đã không chịu thua Đức Giêsu, vì thế, họ đã tìm thêm dịp để hại Ngài. Không những vậy, họ còn kéo theo đồng minh là những người thuộc nhóm Hêrôđê nữa.
Câu chuyện được khởi đi từ một thái độ giả hình, nhằm che đậy sự gian xảo trong tâm hồn của những kẻ chuyên nghề nịnh hót. Họ không ngớt lời khen ngợi Đức Giêsu là người chân thật, công bằng trong cách giảng cũng như hành xử... Vì thế, nhân dịp này, họ đến để xin lời dạy khôn ngoan của Ngài về việc nộp thuế. Họ nói: “Có được phép nộp thuế cho César không?”. Đây lại là một trò chơi nguy hiểm mà họ giăng ra để gài bãy Đức Giêsu, và đây cũng là một thủ đoạn bỉ ổi nhằm trả thù Đức Giêsu vì những lần Ngài đã làm cho nhóm này bị lộ rõ chân tướng đê hèn của họ.
Đức Giêsu biết rõ đây là cái bẫy, nên Ngài rất bình thản hỏi ngược lại khi xin họ cho xem đồng tiền. Khi xem xong, Ngài hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai?”; họ đã nhanh nhảu trả lời: “Của César”.
Họ đưa ra cái bẫy này để xem Đức Giêsu xử trí ra sao? Họ thừa biết Ngài là con cháu thuộc dòng dõi Vua Đavít, thì mối thù dân tộc là không thể chấp nhận ngoại bang, vì thế, nếu Ngài nói không phải nộp thuế thì chắc chắn Đế Quốc sẽ xử Ngài. Còn nếu Ngài nói là phải nộp, thì dân chúng sẽ đứng lên tố cáo Ngài là tay sai cho địch, phản quốc, hại dân, và như một lẽ tất yếu, người dân không còn nghe theo những lời dạy dỗ của kẻ phản bội nữa!
Tuy nhiên, sự khôn ngoan của loài người lại trở nên ngu dại trước Thiên Chúa! Giải pháp đầy khôn ngoan của Đức Giêsu đã làm cho họ chưng hửng khi nói: “Của César, trả về César, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
Trong cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những kẻ “đội trên, đạp dưới” để trục lợi hay che dấu những bỉ ổi, bất nhân ngầm sâu trong con người của họ. Những lời nói thật hay, những khen ngợi thật tuyệt vời, khiến cho đối phương bị thuyết phục và rồi thuận theo những chiêu thức ma ranh quỷ quyệt của họ mà làm nguy hại cho những người lương thiện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chu toàn trách vụ trần thế, nếu những điều đó là đúng với lương tâm Kitô giáo; luôn biết đền ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là Thiên Chúa, Đấng luôn ban phát mọi ơn lành cho mình.
Không được sống hai mặt, giả tạo nhân đức để làm hại người khác, vì đây là đường lối của ma quỷ chứ không phải đến từ Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn những gì thuộc về Chúa và khước từ những gì thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân. Amen.
Sứ điệp: Là công dân một nước, người tín hữu phải chu toàn nghĩa vụ của người công dân. Còn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa thuộc bình diện khác và có tính tuyệt đối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta gài bẫy để tìm cớ tố cáo Chúa tiếp tay với đế quốc phản lại dân tộc, hoặc để tố cáo Chúa chống lại hoàng đế. Nhưng Chúa đã cho thấy lập trường của Chúa: của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa. Con thấy Chúa là người của Thiên Chúa, nhưng đồng thời Chúa cũng thuộc về một quốc gia. Chúa yêu mến quê hương, Chúa tôn trọng luật pháp. Chúa nộp thuế như mọi người. Chúa không hề chống cự quan Phi-la-tô và vua Hê-rô-đê.
Lạy Chúa, suy gẫm những điều ấy, con lại cúi mình thẳm sâu trước mầu nhiệm Chúa làm người. Dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa đã muốn giống con trong mọi sự. Con muốn học hỏi nơi Chúa lòng yêu mến quê hương và tôn trọng quyền bính hợp pháp. Xin Chúa giúp con ý thức nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và đồng thời vẫn không quên nghĩa vụ của người công dân. Những nghĩa vụ chính đáng, những điều không trái với Tin Mừng, không trái với lương tâm Kitô hữu, xin dạy con nhận ra đó là ý Thiên Chúa và hăng say thi hành.
Lạy Chúa, xin giúp con sống đời chứng tá cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Quê hương con còn nhiều điều xấu, nhiều người xấu, nhiều hoàn cảnh xấu. Xin Chúa giúp con là Kitô hữu biết tích cực dấn thân góp phần mình để quê hương con ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhưng trước hết, xin Chúa giúp con luôn chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa. Xin đừng để con quá mải mê với bổn phận ở đời mà quên mất Thiên Chúa, nhất là đừng bao giờ để con vì lợi lộc, địa vị ở đời mà bôi nhọ hoặc chối bỏ danh Kitô hữu. Xin giúp con yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự và trên mọi sự. Amen.
Ghi nhớ: “Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa”.
Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông xin Tòa Thánh Rôma hủy bỏ cuộc hôn nhân đó. Tòa Thánh đã từ chối. Henry liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng More thì từ chối. Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận: Một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa. (M. Link, Giảng lễ Chúa Nhật, năm A, tr. 305).
Suy niệm
Người biệt phái và pharisiêu luôn giữ đạo hình thức nên thường bị Đức Giêsu chỉnh sửa, đôi lúc lên án gay gắt vì sự cố chấp của họ (x. Mt 23,13-15.23.25.27-29; Mc 12,38-40; Lc 11,43-46.20,45-47). Mang trong mình nỗi hiềm khích đó, nên các biệt phái và kinh sư luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu nhằm tìm sơ hở của Ngài để lên án và nếu được thì họ tố cáo bắt và giao nộp Chúa cho giới cầm quyền tôn giáo và chính trị như chúng ta thấy vụ án xét xử Chúa tại dinh Caipha và dinh Philatô sau này (x. Mt 26,57-68; Mc 14,53-64; Lc 22,54-55.63-71; Ga 18,13-14.19-24).
“Có nên nộp thuế cho Cêsarê không”, lời chất vấn Chúa Giêsu của biệt phái và kinh sư có ý đồ gài bẫy Ngài. Nếu Đức Giêsu trả lời là phải nộp thuế, người Do Thái sẽ cho Chúa Giêsu không có lòng yêu nước, ủng hộ và “đi đêm” với ngoại bang, là bán nước. Còn nếu trả lời không nộp thuế, họ sẽ tố cáo Chúa Giêsu chống lại quyền hành của người Rôma và quyền bính đế quốc sẽ “xử” Ngài. Trả lời có hay không đều rơi vào chiếc bẫy mà người biệt phái và kinh sư đã đặt sẵn cho Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu biết được lòng hiểm của họ, Ngài nói: “Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền”. Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. Vì người Do Thái chỉ có quyền đúc tiền đồng, chứ không được đúc tiền bạc. Như vậy các đồng tiền của họ có giá trị nhỏ nên không được phép dùng để đóng thuế. Họ phải dùng đồng quan bạc của Rôma (theo Lm. PX. Vũ Phan Long), như thế đó là hành động tôn trong quyền bính của đế quốc.
“Của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Quyền bính thế tục phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng phải được tôn trọng. Chính quyền bính xây dựng, cai trị nhân gian xuất phát từ Thiên Chúa đã cho “con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất… và thống trị mặt đất” (St 1,28-29). Khi tham dự vào quyền bính chính trị để phục vụ nhân dân với cái tâm, chính là ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, chia sẻ với quyền bính Ngài như Gandhi xác quyết: “Tôi làm chính trị vì tôi không thể tách rời cuộc sống với niềm tin của tôi. Vì tôi tin Thượng Đế nên tôi bước vào chính trị. Làm chính trị là cách tôi phụng sự Thượng Đế”.
Ðức Giêsu đã làm gương chu toàn bổn phận công dân, Ngài bảo Phêrô đóng thuế cho ông và cho Ngài (x. Mt 17,24-27). Chúng ta trong tư cách công dân có trách nhiệm thật lớn lao đóng góp thuế để giúp nền hành chính, để xây dựng đất nước. Nói về trách nhiệm này, thánh Phêrô viết: “Hãy vinh danh Thiên Chúa và tôn trọng vua” (1Pr 2,17). Tương tự thánh Phaolô cũng khuyên người tín hữu: “Mọi người phải tôn trọng nhà cầm quyền... Vậy hãy trả những gì anh chị em còn thiếu họ; hãy nộp thuế cá nhân và thuế bất động sản, và hãy tỏ lòng tôn trọng và vinh danh họ” (Rm 13,1.7). Sự tôn trọng quyền bính hợp pháp, luôn lo cho dân là nghĩa vụ của mọi công dân. Tuy nhiên, trước quyền bính vào tay của các nhà lãnh đạo ích kỷ độc tài, đục khoét của công, lèo lái vận mệnh của dân tộc đi vào vực thẳm. Phải từ chối vâng phục các uy quyền dân sự khi họ đòi hỏi những điều nghịch với lương tâm ngay chính, được biện minh bởi sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị… “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người ta” (Cv 5,29) (x. Giáo lý Công giáo, số 2242).
Nghĩa vụ công dân hoàn thành cho sự phát triển chung đều tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa…
Ý lực sống:
“Xin ban thần trí khôn ngoan xuống trên những kẻ mà nhân danh Ngài, chúng con đã ủy thác quyền cai trị... Trong thời thịnh vượng, xin đổ tràn xuống lòng chúng con niềm tri ân, và trong ngày gian truân, xin đừng để niềm tin của chúng con vào Ngài bị suy giảm…” (Thomas Jefferson).
1. Người Kitô hữu sống trên trần thế có hai nhiệm vụ song song: nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và đối với Tổ quốc. Trên nguyên tắc, hai nhiệm vụ này độc lập với nhau, nhưng trong thực tế, khi thi hành những nhiệm vụ này, đôi lúc chúng ta gặp không ít khó khăn, đôi lúc làm cho chúng ta lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự Tổ quốc mà không xung đột nhau? Làm sao có thể sống tốt đạo một cách hài hòa trong cuộc sống hằng ngày.
2. Các biệt phái và những người cầm đầu dân Do thái liên kết với nhau, đã chất vấn và tìm cách bắt lẽ Chúa trong vấn đề tôn giáo. Họ đã thất bại. Nay họ định lập mưu, để buộc Người vào tội chính trị. Vì thế họ đã phỏng vấn Chúa về việc nộp thuế cho vua Rôma.
Có được phép nộp thuế cho César không?
Câu hỏi này giăng bẫy Chúa Giêsu là ở chỗ này:
- Nếu Người trả lời “có”, thì Người tự đặt mình về phía đối lập với quần chúng. Vì theo quan niệm của Do thái, thì đóng thuế cho đền thờ là một hành động tôn giáo: nhìn nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên Israel. Còn César, vua dân Rôma, không thuộc dòng tộc Đavít, nên không có quyền gì của Thiên Chúa trên dân Người, như vậy hẳn là không phải đóng thuế cho César.
- Nếu trả lời “không” thì bè phái Hêrôđê sẽ tức khắc tố cáo Người làm cách mạng chống lại người Rôma. Và họ sẽ có cớ bắt Người.
3. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dầu biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật, Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của César, Ngài nói tiếp: “Của César trả về cho César, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.
Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ân lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của César, thì có bổn phận đền đáp cho César; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ân huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế: “Của César trả về César”, nhưng Ngài thêm: “Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình (Mỗi ngày một tin vui).
4. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chu toàn trách nhiệm trần thế, nếu những lời đó là đúng với lương tâm Kitô giáo; luôn biết đền ơn những người làm ơn lành cho chúng ta, nhất là Thiên Chúa, Đấng luôn ban phát mọi ơn lành cho mình.
Chúng ta hãy đặt ra câu hỏi cho chính mình: trong cuộc sống của tôi, những gì là “của César” (nghĩa là thuộc về vật chất, thế gian) và những gì là “của Thiên Chúa”. Tôi đã trả cho mỗi bên như thế nào? Có trả đủ không?
5. Truyện: Có trả đủ không?
Ông Sam Jones là một nhà truyền đạo trứ danh bên Mỹ kể:
Ngày kia, có tín đồ than thở với ông rằng: - Thưa ông, tôi đóng góp cho Hội thánh nặng quá! - Bao nhiêu một năm? Ông Jones hỏi. - Năm đồng một năm. - Thế ông tin Chúa đã bao lâu? - Đã bốn năm nay. - Trước khi tin Chúa ông làm gì? - Tôi nghiện rượu. - Mỗi năm ông uống rượu hết bao nhiêu tiền? - Chừng 250 đồng Mỹ kim. - Khi ấy ông có đất ruộng gì không? - Tôi phải mướn đất, cày bừa với một con bò. - Bây giờ ông có gì không? - Tôi có một khu ruộng tốt và một đôi ngựa cày. Bấy giờ, ông Jones mới nghiêm nghị trách rằng:
- Trước đây, ông cho ma quỉ mỗi năm 250 đồng, để được cày ruộng thuê với một con bò, mà nay Đức Chúa Trời đã cứu ông, nay ông chỉ dâng cho Ngài năm đồng mỗi năm, để được cày ruộng riêng của mình với một đôi ngựa. Đúng ông là người bội bạc từ đầu đến bàn chân!
Vâng! Tất cả là hồng ân Chúa ban và phải trả lẽ với Chúa về những hồng ân Người uỷ thác. Chúng ta phải dùng ân huệ Chúa ban cho thật xứng đáng. Lòng tin nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chỉ là môn đệ Chúa, là người có bổn phận chia sẻ hồng ân Chúa ban cho với người khác và sử dụng nó trong thời gian nào đó mà thôi.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do Thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharanaum (3, 6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.
Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Đó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liều chất vấn Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy.
Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng Đavít, chắc hẳn Ngài không thể chấp nhận quyền bính ngoại xâm, và như vậy Ngài sẽ bảo họ không bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda, nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa; con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.
Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc Xêda, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.
1. Những người Do Thái cử một số người Pharisêu đến hỏi để gài bẫy Chúa Giêsu. Câu hỏi của họ rất thâm độc: “Chúng tôi có phải nộp thuế cho Cêsar không?” (Mc 12,14).
Câu trả lời của Chúa vừa khôn, vừa khéo, vừa rõ: “Của Cêsar hãy trả cho Cêsar, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mc 12,17)
Qua câu trả lời trên, Chúa Giêsu nhắc cho mọi người nguyên tắc: con người có hai bổn phận phải chu toàn: đó là bổn phận đối với trần thế, và bên cạnh đó còn một bổn phận khác quan trọng hơn đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa.
2. Vâng! Những người Pharisêu và đảng Hêrôđê đã dùng những lời lẽ rất tốt đẹp như những chiếc lá che trên những cái hố mà ở dưới họ đặt sẵn chiếc bẫy. Việc làm này chứng tỏ họ là những con người giả hình. Chúa Giêsu có lần đã ví họ như những nấm mồ bên ngoài quét vôi trắng xóa coi rất đẹp, nhưng bên trong thì đầy những xú uế thối tha bẩn thỉu.
Chúa rất ghét những con người giả hình như thế. Đối với Chúa thì con người phải biết sống trung thực với mình và với cả những người khác. Người trung thực là người sống thật với những gì mình có, không tô vẽ, không thêm bớt. Có sao nói vậy, có như thế nào sống như thế đó. Chỉ khi nào chúng ta biết sống như thế, thì cuộc sống mới trở nên tốt đẹp và mọi người mới có được cuộc sống an bình.
Một hôm, vua Vũ Đế nhà Hán nói với các quan rằng:
- Ta xem trong sách tướng có nói, người ta nhân trung dài một tấc thì sống lâu một trăm tuổi.
Đông Phương Sóc đứng bên phì cười. Các quan bắt lỗi là vô phép.
Đông Phương Sóc cất mũ, tạ rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần không dám cười bệ hạ, chỉ cười ông Bành Tổ mặt dài mà thôi.
Vua hỏi:
- Sao lại cười ông Bành Tổ?
Đông Phương Sóc nói:
- Tục truyền ông Bành Tổ sống tám trăm tuổi. Nếu quả thực như câu trong sách tướng bệ hạ nói thì nhân trung ông dài tám tấc, mà nhân trung dài tám tẩc thì cái mặt ông ta dễ phải dài đến một trượng.
Vua Vũ Đế nghe nói bật cười tha tội cho.
Hãy coi chừng kẻo chúng ta cũng vấp phải chứng giả dối, đối xử với nhau theo kiểu những lời nói đầu môi chóp lưỡi, những lời khen ngợi không thành thực, những câu nói gài bẫy hại người. Sống với những người như thế thật là nguy hiểm. Nếu tôi thật là như vậy thì tôi cũng thật nguy hiểm cho những người sống chung với tôi.
3. Việc nộp thuế hằng năm cho Đền thờ Jêrusalem là một luật buộc cho tất cả những người Do Thái, phái nam từ hai mươi tuổi trở lên phải nộp thuế, cả khi người đó sinh sống ngoài lãnh thổ Israel và số tiền phải trả tương đương với số lương của hai ngày làm việc.
Thói quen đóng thuế là vào tháng ba trước khi mừng lễ Vượt Qua. Chúa Giêsu, với tư cách là con Thiên Chúa, thì Ngài phải được miễn nộp thuế Đền thờ. Vì theo luật Rôma đang có hiệu lực thời đó thì những thành phần của gia đình nhà vua, không phải nộp thuế. Tuy nhiên, để khỏi gây ra gương mù gương xấu, để khỏi làm gai mắt họ thì Chúa Giêsu đã nộp thuế. Cách hành xử của Chúa có thể là một bài học thiết thực cho mỗi người. Chúa Giêsu hành xử không theo tiêu chuẩn công bằng mà là bác ái, để khỏi gây ra gương mù gương xấu cho anh em. Chúa tuân giữ cả những điều nhỏ mà thật ra Chúa không buộc phải giữ.
4. Trong cuộc sống của tôi, thử hỏi những gì là “của Cêsar” (nghĩa là thuộc về vật chất, thế gian) và những gì là “của Thiên Chúa”.
Ông Sam Jones là một nhà truyền đạo trứ danh bên Mỹ, ngày kia, có tín đồ than thở với ông rằng:
- Thưa ông, tôi đóng góp cho Hội Thánh nặng quá! - Bao nhiêu một năm? Ông Jones hỏi. - Năm đồng một năm. - Thế ông tin Chúa đã bao lâu? - Đã bốn năm nay. - Trước khi tin Chúa ông làm gì? - Tôi nghiện rượu. - Mỗi năm ông uống rượu hết bao nhiêu tiền? - Chừng 250 đồng mỹ kim. - Khi ấy ông có đất ruộng gì không? - Tôi phải mướn đất, cày bừa với một con bò. - Bây giờ ông có gì không? - Tôi có một khu ruộng tốt và một đôi ngựa cày.
Bấy giờ, ông Jones mới nghiêm nghị trách rằng:
- Trước đây, ông cho ma quỉ mỗi năm 250 đồng để được cày ruộng thuê với một con bò, mà nay Đức Chúa Trời đã cứu ông, nay ông chỉ dâng cho Ngài năm đồng mỗi năm để được cày ruộng riêng của mình với một đôi ngựa. Đúng ông là người bội bạc từ đỉnh đầu đến bàn chân! (NTS).
Vâng! Tất cả đều là hồng ân Chúa ban và phải trả lẽ với Chúa về những hồng ân Người ủy thác. Chúng ta phải dùng ân huệ Chúa ban cho thật xứng đáng. Lòng tin nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chỉ là môn đệ Chúa, là người có bổn phận chia sẻ hồng ân Chúa ban cho với người khác và sử dụng nó trong thời gian nào đó mà thôi.