Thường Niên 09-2023 Thứ Hai 05.06 Th. Bôniphát, nhớ Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/ ---------------------------------- Mục Lục:
"Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho".
* Thánh nhân sinh tại Anh quốc quãng năm 673. Người nhập đan viện I-xơ-te và được Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô II đổi tên Uyn-phơ-rít thành Bô-ni-pha-xi-ô.
Người là tông đồ của nước Đức và là người tổ chức lại Hội Thánh nhiều miền. Sau khi được Đức Giáo Hoàng tấn phong giám mục (năm 722), người rảo khắp nước Đức, thành lập các giáo phận và các đan viện trong đó có đan viện Phun-đa. Người bị sát hại ở Đốc-cum (Hà Lan) cùng với năm mươi hai đồng bạn năm 754.
-----------------------------
Lời Chúa: Mc 12, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.
"Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.
"Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta". Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: "Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta".
Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
Dụ ngôn Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay làm ta khó chịu. Chúng ta không chấp nhận được sự độc ác của những tá điền, những người làm công cho ông chủ, và có bổn phận phải nộp hoa lợi vườn nho cho ông khi đến mùa. Tại sao họ lại đánh đập người đầy tớ đầu tiên do ông chủ sai đến? Tại sao họ lại tiếp tục đánh đập và làm nhục người đầy tớ thứ hai? Tại sao họ dám cả gan giết người thứ ba và tiếp tục làm như thế với nhiều đầy tớ khác? (cc. 2-5). Cuối cùng, ông chủ đã sai đến với các tá điền người con yêu dấu của mình, người cuối cùng trong số những người được ông sai. Ông nghĩ người con của ông sẽ có đủ uy tín để khiến các tá điền phải vị nể. Nhưng đáng thương thay, cậu con thừa tự dấu yêu đã bị bắt, bị giết và bị quăng xác ra ngoài vườn nho. Chúng ta không hiểu được sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền. Nhưng chúng ta lại càng không hiểu được sự cam chịu kiên trì và sự ngây thơ lạ lùng của ông chủ. Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ tội ác đầu tiên? Tại sao ông lại thiếu cương quyết khiến cho nhiều đầy tớ, và chính con yêu dấu của mình phải chết như vậy? Dụ ngôn Đức Giêsu kể nhắm vào các nhà lãnh đạo Do thái giáo, những thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27; 12,12). Các đầy tớ trong dụ ngôn là những ngôn sứ đã được sai đến với dân Ítraen. Các tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Ítraen từ bao đời. Người con yêu dấu chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, người đã được Thiên Chúa gọi là Con yêu dấu khi chịu phép rửa và khi được biến hình (Mc 1, 11; 9, 7). Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu báo trước cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến bởi tay các nhà lãnh đạo đang đứng trước mặt Ngài đây. Thiên Chúa như ông chủ vườn nho đau khổ, có sức chịu đựng vô bờ dù bao lần dân Ítraen quay lưng từ chối. Nhưng cuối cùng ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác. Như thế dụ ngôn này vẫn mang nét tươi, vì mọi sự không chấm dứt với cái chết của người con. Tảng đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc (c. 10). Đức Giêsu phục sinh chính là tảng đá góc cho một tòa nhà mới. Đó là cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài, thuộc cả dân Do thái và dân ngoại. Cả một lịch sử cứu độ nằm trong một dụ ngôn, mới nhìn có vẻ buồn. Nhưng nơi đây ta bắt gặp tình yêu Thiên Chúa làm chủ suốt dòng lịch sử. Một tình yêu kiên nhẫn chịu đựng, có vẻ dại dột và ngây thơ. Một tình yêu bị bẽ bàng và làm nhục qua cái chết của Người Con yêu dấu. Nhưng cuối cùng tình yêu ấy đã chiến thắng vẻ vang nơi sự phục sinh, và nơi công trình kỳ diệu là Giáo Hội (c.11). Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái, đây là niềm tin của con. Con tin Cha là Tình yêu, và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân, con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha. Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất cũng có một đốm lửa của sự thiện, được vùi sâu dưới những lớp tro. Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ. Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích, thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người. Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu. Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ đang chuyển mình tiến về với Cha, qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần. Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn. Lạy Cha, đó là niềm tin của con. Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen. -------------------------------
Mọi sự là của Chúa. Đó là chân lý nền tảng. Chúa tạo dựng con người từ hư vô. Chúa còn chăm sóc ân cần. Đó là hình ảnh cây nho và vườn nho mà Chúa dành hết tâm lực chăm chút. “Có người kia trồng được vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa”. Chúa tạo dựng vũ trụ. Cho con người làm chủ. Để xây dựng phát triển. Nhưng con người không ý thức thân phận của mình. Muốn chiếm đoạt của Chúa. Muốn tự tung tự tác. Muốn giết chết Chúa. Để mình hoàn toàn làm chủ vũ trụ này. “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Thật là sai lầm. Khi loại trừ Thiên Chúa thế giới sẽ thành hỗn độn. Con người sẽ bị tiêu diệt. “Ông sẽ tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác”.
Tô-bít là người ý thức điều đó. Ông biết mọi sự là của Chúa ban. Nên ông luôn muốn chia sẻ với anh em. “Ngày lễ Ngũ Tuần…người ta bày bàn, dọn cho tôi nhiều món. Tôi nói với tô-bi-a, con tôi: “Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ni-ni-vê, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Theine Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha”. Nhận biết Chúa làm chủ vũ trụ và làm chủ đời mình. Ông luôn “ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày đời tôi”. Tôn thờ Chúa hơn vua chúa trần gian. Giữ luật Chúa hơn luật trần gian. Nên ông lo chôn cất người chết, dù bị cấm đoán. Và có thể bị nguy đến tính mạng. Và bị láng giềng chế nhạo: “Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết!” (năm lẻ).
Thánh Phê-rô khuyên nhủ ta hãy ý thức điều đó. Tất cả là của Chúa ban để giúp ta được hạnh phúc. “Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa”. Vì thế thánh nhân khuyên nhủ ta hãy biết phát triển những ơn Chúa ban: “Chính vì thế anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại có thêm bác ái”. Có bác ái ta sẽ ở trong Chúa. Đó là hạnh phúc. Đó là đích điểm đời ta (năm chẵn).
Đừng loại trừ Chúa. Đừng giết chết Chúa. Vì sẽ làm cho đời ta héo úa tàn lụi. Hãy đón nhận Chúa. Hãy sống theo Lời Chúa. Thế giới sẽ an vui phát triển.
Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới. Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm phải làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu là Ðá Tảng góc tường, là nền tảng và là sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.
Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.” (Mc. 12, 1-3)
Nếu chúng ta coi dụ ngôn những tá điền sát nhân là một câu truyện vĩ đại, một câu truyện rất vĩ đại có nhiều điều khó tin, thì đối với những người Do thái được nuôi dường trong văn hóa Kinh thánh, nó là một lời tiên tri trong sáng. Đối với chúng ta, vườn nho là vườn nho cho dù có rộng mênh mông đến thế nào, thì thái độ khờ khạo của ông chủ vườn nho cũng vượt xa giới hạn của vườn. Còn đối với những người đầy tớ cũng như người con trai cứ ngoan ngõan tới cho người ta lần lượt giết chết, thiết tưởng cũng cảm động, nếu như họ không phải là những người quá điên khùng. Đối với thính giả Do thái, dù là người ít thông thạo nhất về thể văn, thì vườn nho đáng thèm khát biết bao kia chính là Israel và họ chẳng cần phải giải thích chút nào mới nhận ra được các ngôn sứ là những người đầy tớ bị hành hạ và Đức Giêsu là người Con yêu dấu.
Những dụ ngôn rất thường là những chứng cứ Kinh thánh vốn không có gì bí ẩn đối với những người đương thời của Chúa Giêsu. Đó là tranh ảnh riêng của họ, không cần đến lời giải thích. Hiển nhiên khi chúng ta buộc phải soạn ra ít lời giải thích giá trị của những hình ảnh hay họa phẩm của ta, thì điều khó nói, khó diễn tả vẫn là nét truyền cảm toát ra từ tranh ảnh hay bức họa đó. Đó chính là trường hợp những dụ ngôn của Chúa Giêsu, những dụ ngôn đó là ngôn ngữ gia đình, là tiếng nói thân thương của họ, đang khi đối với chúng ta nó là những ẩn ngữ hay trò chơi tìm ô chữ vậy.
Chúa Giêsu với lai lịch của Người
Mục sư Bonhoeffer viết: “Ai muốn đi vào và cảm nghiệm quá vội vã và quá trực tiếp cái hồn của Tân ước, thì người đó, theo ý kiến tôi không phải là Kitô hữu…Người ta không thể cũng không nói ra được tiếng cuối cùng trước khi nói ra tiếng áp chót.” Để có thể cảm nhận được Chúa và sứ điệp của Người, ta phải nhận biết không những nguồn gốc thần linh của Người mà cả những gốc rễ nhân loại từ đó Người cũng hoàn toàn được sinh ra như được sinh ra từ Cha Người Đấng ngự trên trời. Cũng vậy, Cựu ước được Chúa mạc khải như Tân ước, và Cựu ước cũng là Lời Chúa như Phúc âm, thiết tưởng không phải là điều để ta không quan tâm.
Chúa Giêsu không phải từ trời rơi xuống, Người sinh ra trong một dân tộc, Người đã có những tổ tiên mà người ta gọi là các tổ phụ và các tiền hô là những ngôn sứ vậy.
Vào thời Đức Giêsu, Dân Do thái đang bị đô hộ bởi đế quốc Lamã. Đất đai được chia thành nhiều vùng khác nhau. Chủ nhân của những vùng đất rộng lớn này chính là những người ngoại quốc.
Họ làm chủ đất đai, nhưng ít khi chính họ canh tác, nên thường cho nông dân là người Do thái thuê lại, hoặc cũng có thể họ trồng trọt, nhưng việc chăm sóc thì họ thuê. Đến mùa, những ông chủ chỉ đến để thu lợi nhuận từ chính những bàn tay lao động cực nhọc của những người làm công. Vì thế, những nông dân này căm thù sâu sắc đối với các chủ nhân ngoại quốc.
Khi sống trong thân phận nô lệ như vậy, cộng thêm sự kích động từ ngoại cảnh, nên những tá điền này sẵn sàng đang tay giết chết những người do ông chủ sai đến, bởi họ vẫn biết rằng pháp luật thừa nhận quyền sở hữu của những người chiếm giữ đất hoang.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chỉ ra sự nông nổi, nhẹ dạ của họ khi chủ mưu giết ngay cả người thừa tự để hy vọng chiếm giữ đất đai của ông chủ, bởi lẽ ông chủ sẽ đến và lấy lại đất đai để trao lại cho người khác, khi đó, họ sẽ trắng tay.
Khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn vạch trần những âm mưu của giới lãnh đạo Dothái đang tìm mọi cách để giết Đức Giêsu; đồng thời Ngài muốn gửi đi một thông điệp căn bản, đó là: yêu thương sẽ xóa đi hận thù. Còn hận thù sẽ dẫn đến chết chóc, bởi sự hận thù chẳng khác gì cái hố chôn kẻ hận thù trước rồi mới chôn đối phương.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương nhau. Khi sống yêu thương, chúng ta đã hành động như chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thù thành bạn; cũng chỉ có tình yêu, chúng ta mới giúp nhau nên thánh ngang qua những yếu đuối, vụng về của thân phận con người. Hãy nhớ lời thánh vịnh 118 mà hôm nay Đức Giêsu đã lặp lại: "Tảng đá thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường".
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta hiểu rằng: Cái chết của Chúa là hệ quả của một sự thù hằn, ghen ghét, nhưng ngang qua cái chết vì tình yêu, Chúa đã biến nó thành quà tặng quý giá dâng lên Thiên Chúa Cha và trao tặng cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khơi lên ngọn lửa yêu mến nơi tâm hồn chúng con, để chúng con cùng nhau xây dựng tình thương, công bình và chân lý trong cuộc sống của mình. Amen.
Sứ điệp: Đến muôn đời, Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu thương mà Người đã thực hiện chương trình cứu độ. Dù ta phá vỡ chương trình của Người, Người vẫn một lòng yêu thương và tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, trong thực tế có lẽ không người cha nào lại làm như Chúa Giêsu kể trong dụ ngôn. Không người cha nào đủ kiên nhẫn và quá dại dột như vậy. Nhưng chính vì vậy mà con cảm nhận Cha yêu thương con vô cùng. Vì yêu thương con mà Cha đã ban cho con các tổ phụ, các tiên tri, và sau cùng là chính Chúa Giêsu, người Con Yêu Dấu của Cha. Con xin cảm tạ tình thương bao la ấy.
Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chứng minh cho con thấy rằng tình yêu thương của Cha thì nhẫn nại, bao la, và có thể nói là điên rồ vì yêu thương con người, cho dù tội ác của con người càng lúc càng gia tăng. Vâng, một bên là tình thương ngút ngàn, một bên là tội lỗi đầy tràn; một bên là lòng thương xót bao la, một bên là sự cố chấp gian tà.
Ôi lạy Cha, xin cho con biết cảm nhận tình yêu thương đầy nhẫn nại của Cha, để con quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Xin cho con đừng bao giờ trở thành những tá điền sát nhân khát máu nữa, bởi mỗi lần con cố tình phạm tội, nhất là tội trọng, là con lại đóng đinh Chúa Giêsu một lần nữa trên thập giá. Xin Cha gìn giữ con khỏi sa chước cám dỗ. Con tin rằng tình yêu thương của Cha vẫn luôn luôn thắng sự cố chấp của con. Xin cho con biết tin vào tình thương ấy và đừng bao giờ để con cứng lòng. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho”.
Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn. Ngày kia, ông đau nặng và chờ chết. Ông nói với anh em: “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng!”.
Anh em nhìn nhau bối rối. Họ không biết ông muốn nói gì. Nhưng ông chỉ lặp lại lời đề nghị: “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng”. Cuối cùng, họ đưa cho ông chiếc kim may. Một nụ cười mãn nguyện làm gương mặt thầy già sáng lên khi liếc nhìn chiếc kim trong tay và nói: “Tôi làm việc mỗi ngày với chiếc kim này vì vinh quang Chúa. Bây giờ nó là chìa khóa mở cửa cho tôi vào thiên đàng”.
Suy niệm
Vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của Cựu ước. Nó thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16). Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4)…
Trong Tân ước, Chúa Giêsu tiếp tục phát triển hình ảnh vườn nho, cây nho như là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, nho là hình ảnh sự liên kết thân mật, sức sống tình yêu với Ngài: “Thầy là cây nho, anh em là nhành, nhành nào liên kết với Thầy sẽ sinh hoa trái” (Ga 15,5) và vườn nho trở nên biểu tượng của nước Thiên Chúa …
Cách riêng trong dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho”, Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá. Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc và từ nay Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi dân nước: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”. Trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt 20,1-16a). Dân nước này sẽ được làm thành bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái của nước Trời, nghĩa là những kẻ khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người để làm nên dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1Pr 2,10).
Dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: nghĩa là diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa. Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri: Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo dân Do Thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Thế giới chúng ta đang sống chính là vườn nho trong dụ ngôn. Thiên Chúa là ông chủ vườn nho. Mỗi người chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.
Tự tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử: Vẫn đang diễn lại từng ngày, khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong vườn Địa đàng: Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo hóa. Nhưng sự “biết” không thấy đâu lại bị tước đoạt vườn Địa đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà lại còn bị chủ vườn lấy quyền làm vườn giao phó cho các tá điền khác.
Hôm nay, tôi và bạn là những tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác. Ước chi chúng ta luôn ý thức trách nhiệm mình là những tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa…
Tá điền cộng tác tạo dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa....
Ý lực sống:
“Chúa đã ủy thác cho tôi vài công việc mà Ngài không ủy thác cho kẻ khác. Tôi có sứ mệnh của tôi. Có thể tôi không bao giờ biết được nó trong cuộc sống này nhưng trong cuộc sống mai hậu ắt tôi sẽ rõ” (Đức Hồng y J. H. Newmann).
1. Qua dụ ngôn tá điền hung ác, ta thấy Thiên Chúa hết sức yêu thương con người, mà dân tộc Israel được dùng làm điển hình. Người đã kêu gọi, tuyển chọn, bảo vệ, hướng dẫn… nghĩa là Người có cả một kế hoạch yêu thương. Khi con người thất tín, ngược đãi và chống lại Thiên Chúa, nghĩa là muốn phá đổ chương trình yêu thương, thì Thiên Chúa đã tìm đủ mọi cách, ngay cả chính Con Một yêu dấu của Người, Người cũng ban cho nhân loại. Phải chăng Thiên Chúa thất bại? Không, Thiên Chúa không thất bại. Đức Giêsu đã toàn thắng. Ngài đã phục sinh trong vinh quang. Dù con người thất tín, Thiên Chúa vẫn một mực thành tín. Đó chính là chiến thắng của Thiên Chúa.
2. Đây là một ẩn dụ mà Đức Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa; vườn nho là dân Israel; các tá điền là các lãnh tụ ấy; tôi tớ được sai đi thu hoa lợi là các tiên tri; người con của ông chủ là Đức Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các tiên tri nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa đã sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa đã truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước trời cho một dân khác là Giáo hội. Phần Đức Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo hội.
3. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng: giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá huỷ chương trình hành động của Thiên Chúa, Đấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến, để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá góc tường, Đức Giêsu mở ra chìa khoá, để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
4. Bài học cho chúng ta: Giáo hội Công giáo, người Công giáo đã được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân Do thái làm vườn nho cho Chúa và đóng hoa lợi cho Ngài. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ giữ gìn Giáo hội khỏi rơi vào vết xe cũ của dân Do thái. Nhưng từng cá nhân có thể trở thành những tá điền thất tín. Tức là trong một khuôn khổ hạn hẹp nào đó, bất cứ tín hữu nào giữ đạo một cách vụ lợi, hoặc không dám dấn thân để mang những hoa trái đức tin và lòng mến vào cuộc sống hằng ngày với hy vọng làm chứng cho Chúa Kitô và làm đẹp bộ mặt Giáo hội, thì sẽ là tín hữu có tiếng mà không có miếng.
Vì thế, cần có một cái nhìn, một quan điểm trung thực về Đức Kitô, về Giáo hội, về vai trò của mỗi Kitô hữu, nhờ đó chúng ta có thể sống đạo và hành đạo làm lợi vốn liếng đức tin và lòng mến Chúa trao cho chúng ta.
5. Ngày nay, người ta thường nói: “Tiền là Tiên, là Phật”. Dưới ảnh hưởng của trào lưu tục hoá, con người hôm nay dường như chỉ tôn thờ vật chất và xem tiền tài là cứu cánh cuộc đời. Hậu quả là, chính việc tôn thờ này đã tạo ra một xã hội bất an. Con người trở nên ích kỷ, hận thù, ghen ghét và loại trừ lẫn nhau.
Áp dụng dụ ngôn này vào bản thân: Vườn nho mà Chúa trao cho tôi là những khả năng và phương tiện Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỷ, không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho kẻ khác.
6. Truyện: Hoàng đế Julianus
Vua Julianus hoàng đế cai trị Rôma từ năm 361 đến 363. Nhà vua là cháu hoàng đế Constantinô. Nhà vua là người Công giáo, nhưng lại không muốn sống đời hy sinh theo Chúa, không muốn cầu nguyện, không muốn tránh xa tội lỗi, nhưng chỉ muốn sống đời dâm đãng, bất công và không có lòng bác ái. Chính vì thế mà nhà vua đã bỏ đạo, rồi lại còn quay sang bắt bớ Giáo hội. Sau khi đã lên án xử tử cho Đức Giáo hoàng, nhà vua còn hỏi nhạo báng rằng: “Ông Giêsu thợ mộc đang làm gì ở xưởng thợ Nazareth?”
Đức Giáo hoàng đã khiêm tốn trả lời: “Tâu đức vua, Chúa Giêsu của tôi Ngài đang ở trên trời. Ngài đang đóng quan tài cho đức vua đó’’.
Chẳng bao lâu sau đó, vua Julianus đem quân đi giao chiến với quân Ba Tư, nhà vua bị một mũi tên của quân thù ghim thẳng vào trái tim. Nhà vua đã tức giận rút mũi tên đó ra, phi nó thẳng lên trời mà kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu người xứ Nazareth, ông đã thắng tôi rồi”. Đoạn nhà vua tắt thở.
Đây là một ẩn dụ mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo Tôn giáo Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Israel, các tá điền là các lãnh tụ ấy, tôi tớ được sai được thu hoạch các hoa lợi là các ngôn sứ, người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ Do Thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe mà còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa truất quyền họ, Ngài ban Nước trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Áp dụng ngụ ngôn này vào bản thân: Vườn nho mà Chúa giao cho tôi là những khả năng mà Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỉ. Không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho người khác.
2. Cặp vợ chồng nọ trúng số độc đắc. Bà con thân thuộc kéo đến nhận họ hàng, xin xỏ, vay mượn. Cuộc sống gia đình luôn bị xáo trộn. Ông chồng bàn với vợ dọn đi chỗ khác, đổi tên đổi họ không cho ai biết. Nhưng người vợ nói: dù đã đổi tên đổi họ nhưng nếu người ta biết mình có tiền thì người ta vẫn tìm đến quấy rầy. Người chồng bảo hãy dấu luôn số tiền và sống đạm bạc y như những người nghèo thực thụ. Hai người nhất trí làm y như vậy. Họ đến một nơi khác cất một túp lều tranh nghèo nàn, chôn dấu số tiền sống đạm bạc. Dần dần họ quên luôn mình có số tiền đó. Khi chết họ quên cả chối lại cho con cháu số tiền ấy. Thành ra trúng số mà cũng như không.
Nhận lãnh là để trao ban, có là để chia sẻ. Không trao ban, không chia sẻ thì ơn Chúa ban cũng giống như nén bạc bị chôn xuống đất. Nó không đem lại niềm vui mà chỉ gây nên lo lắng buồn phiền.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Xin cho con hưởng được niềm vui khi trao ban và tiêu hao bản thân con mỗi ngày.
3. “Có người kia trồng được một vườn nho, ông rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác và trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai đầy tớ đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp” (Mc 12,1-2)
Tôi là ai? Tôi có cái gì?
Tôi là một con người. Tôi có một thể xác, một tâm hồn. Tôi có lý trí, có tình cảm. Tôi có tình yêu, và quan trọng hơn là tôi được sống.
Thiên Chúa đã tạo nên hình hài này, trang bị cho nó những điều ấy, rồi Ngài trao nó cho tôi.
Vậy, tôi phải làm gì đây?
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa. xin hãy dùng con như ý Chúa muốn để sinh hoa lợi cho Ngài.
Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là dụ ngôn tương đối dễ cắt nghĩa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Vườn nho là dân Israel. Các tá điền là các lãnh tụ của dân. Tôi tớ được sai đi thu hoạch các hoa lợi là các ngôn sứ. Người con của ông chủ là Chúa Giêsu.
Thiên Chúa đã trao dân Israel cho các lãnh tụ của họ chăm sóc, nhưng họ đã không chu toàn trách nhiệm của mình. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến để nhắc nhở họ, nhưng không những họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy: Tiên tri Êlia bị truy nã, phải trốn sang Ai Cập thất thểu ăn xin. Tiên tri Isaia đã bị cưa làm hai khúc. Tiên tri Giêrêmia bị cầm tù. Tiên tri Daniel bị tống vào hang sư tử. Tiên tri Giacaria bị sát hại giữa cung thánh và bàn thờ. Gioan Tẩy Giả bị chém đầu….
Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính con một của mình đến, tưởng họ sẽ kính nể …. nhưng họ cũng không nghe mà còn giết chết luôn Người Con ấy. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã truất quyền họ, rồi sau đó Người ban cho một dân khác là Giáo Hội.
Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa đã kiên nhẫn nhưng không nhu nhược. Những kẻ chống lại Thiên Chúa có lúc đã tưởng mình chiến thắng, nhưng cuối cùng họ đã phải rước lấy thảm bại mà không thể trách Thiên Chúa được điều gì.
Trong sách các vua của Cựu Ước, chúng ta đọc được câu chuyện này: Hoàng tử của vua Hieroboam nước Israel bị đau nặng, vua liền nói với hoàng hậu rằng:
- Bà hãy cải trang giả dạng, đừng để người ta nhận ra bà là hoàng hậu, rồi đem theo mười ổ bánh mì, với bánh sữa và bình mật ong, đi gấp lên Silô, gặp tiên tri Abia, để hỏi cho biết số phận hoàng tử con chúng ta thế nào, sống hay chết.
Lúc ấy tiên tri Abia chẳng còn trông thấy gì, hai mắt đã lòa vì quá già. Nhưng Chúa phán dạy tiên tri Abia rằng:
- Này hoàng hậu Hieroboam sẽ tới hỏi han về đứa con trai đang bị đau nặng; lúc đến, nàng sẽ cải trang thành một người khác.
Do đó, khi tiên tri Abia vừa nghe có tiếng người bước qua cửa, liền hỏi ngay:
- Hoàng hậu Hieroboam đó phải không? Xin mời vào, cớ sao phải giả dạng làm người khác làm gì? Tôi có trách nhiệm báo hung tin cho bà hôm nay. Bà cứ về thưa cùng vua Hieroboam, Thiên Chúa là Chúa dân 1srael phán như sau: “Ta đã tôn ngươi lên giữa dân chúng. Ta đã đặt ngươi làm thủ lãnh Israel dân Ta. Ta đã xẻ đôi nước của gia đình Đavid mà trao cho ngươi. Nhưng ngươi đã không bắt chước Đavid tôi tớ, là tuân theo các mệnh lệnh của Ta. Trái lại, ngươi đã gây ra nhiều tội ác, lại còn thờ các thần ngoại bang mà bỏ Ta. Vì thế, nay Ta giáng họa trên gia đình Hieroboam, Ta sẽ trừ diệt nhà Hieroboam. Các người thuộc gia đình Hieroboam, nếu chết trong thành sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, sẽ bị chim trời rúc rỉa. Thôi bà đứng dậy đi về đi, và khi về, bà vừa đặt chân tới cửa thị trấn, thì con trai của bà sẽ chết.
Và quả đúng như thế. Hoàng hậu Hieroboam về đến Thesa, vừa bước qua ngưỡng cửa, thì hoàng tử con bà chết liền, đúng như lời tiên tri Abia đã nói (1Cv 14,1).
2. Đàng khác, nếu suy nghĩ xa hơn một chút nữa chúng ta sẽ thấy ý nghĩa còn thâm sâu hơn. Vườn nho chính là Giáo Hội. Thợ làm vườn nho sát nhân là những người Công giáo tội lỗi cố chấp đã làm khổ Giáo Hội, đã giết hại các tôi tớ đại diện Chúa.
Vua Julianus, hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 361 đến 363. Nhà vua là cháu hoàng đế Constantinô. Nhà vua là người Công giáo, nhưng lại không muốn sống đời hy sinh theo Chúa, không muốn cầu nguyện, không muốn tránh xa tội lỗi, nhưng chỉ muốn sống đời sống dâm đãng, bất công và không có lòng bác ái. Chính vì thế mà nhà vua đã bỏ đạo rồi lại còn quay sang bắt bớ Giáo Hội. Sau khi đã lên án xử tử cho Đức Giáo Hoàng, nhà vua còn hỏi nhạo báng rằng:
- Ông Giêsu thợ mộc đang làm gì ở xưởng thợ Nazareth?
Đức Giáo Hoàng đã khiêm tốn thưa:
- Tâu đức vua, Chúa Giêsu của tôi ở trên trời, Ngài đang đóng quan tài cho đức vua.
Chẳng bao lâu sau đó, vua Julianus đem quân đi giao chiến với quân Ba-Tư, nhà vua bị một mũi tên của quân thù ghim thẳng vào trái tim. Nhà vua đã tức giận kéo mũi tên đó ra, lao lên trời mà kêu rằng: “Hỡi ông Giêsu người xứ Nazareth, ông đã thắng tôi rồi”. Đoạn nhà vua tắt thở.
Hãy nhớ, Thiên Chúa đã kiên nhẫn nhưng không nhu nhược. Xin kết thúc bằng những lời trong Sách Huấn Ca Kính sợ Đức Chúa đem lại vinh quang và tự hào hân hoan và phấn khởi. (Hc 1,11) Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ. (Hc 1,12) Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành. (Hc 1,13).