Thường Niên Tuần 7-2023 Thứ Ba - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Chủ nhật - 19/02/2023 22:53
Thường Niên Tuần 7-2023 Thứ Ba - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 7-2023 Thứ Ba - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 7-2023 Thứ Ba
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 07 – Thứ 3: Điều kiện làm người lớn nhất. 1
Suy Niệm 1: Cãi nhau. 2
Suy Niệm 2: Hai nẻo đường. 4
Suy Niệm 3: Làm tôi tớ mọi người 6
Suy Niệm 4: Để làm người lớn. 7
Suy Niệm 5: “Tôi tớ của các tôi tớ”. 8
Suy Niệm 6: Tinh thần phục vụ theo gương Thầy Giêsu. 10
Suy Niệm 7: Tinh Chúa nói về tinh thần phục vụ. 12
Suy Niệm 8: Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Đấng Messia. 14

----------------------------------------
 

TinMừng – TN 07 – Thứ 3: Điều kiện làm người lớn nhất.


"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".

Lời Chúa: Mc. 9, 29-36

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

--------------------------------
 

Suy Niệm 1: Cãi nhau


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại - nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người. Amen. (Michel Quoist)

--------------------------------
 

Suy Niệm 2: Hai nẻo đường


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa và thế gian. Hai nẻo đường. Thế gian chiều theo dục vọng. Ham muốn. Khoái lạc. Tiền tài. Danh vọng. Chức quyền. Tất cả dẫn đến xung đột. Từ ngay trong bản thân. Tranh chấp với tha nhân. Bất hoà bất ổn trong xã hội. “Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau”. Theo thế gian là chống lại Thiên Chúa. Vì thế gian đi đến kiêu ngạo. Thiên Chúa dẫn đến khiêm nhường. “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (năm chẵn).

Người đi theo đường của Thiên Chúa chống lại thế gian chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách. “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách… Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục”. Nhưng nếu ta kiên trì Chúa sẽ đến cứu giúp ta “Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người….Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân” (năm lẻ).

Chính Chúa Giê-su xuống thế làm người nêu cho ta tấm gương luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại”.

Các môn đệ của Chúa còn nặng thói thế gian. Nên “khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy từ bỏ thói thế gian. Đi vào con đường của Chúa. Đường của Chúa ngược hẳn với đường thế gian: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Khiêm nhường sẽ dẫn đến hạ mình. Yêu thích những điều hèn mọn và những người bé nhỏ. Con đường ấy dẫn đến Thiên Chúa. “Rồi Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

Xin cho con biết chọn đi vào con đường của Chúa. Để con đạt tới chính Chúa.

--------------------------------
 

Suy Niệm 3: Làm tôi tớ mọi người


Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".

Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.

Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.


Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

--------------------------------
 

Suy Niệm 4: Để làm người lớn


Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu những lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc. 9, 30-32)

Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh gay gắt, một thế giới mà con người giành giật nhau, tiêu diệt nhau khi người này làm trở ngại cho thành công của người kia. Điều đó được thấy rõ trong quảng cáo. Bạn có thể đọc trong mục rao vặt cúa những tờ nhật trình, những yêu cầu cần người đại loại như sau: “Cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng.” Đây không phải là một thông tin của quân đội mà là của một xã hội bán những cái máy hút bụi. Người ta cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng đối với những khách hàng tình cờ. Người thanh niên càng năng nổ, có tinh thần chiến thắng càng sẽ được tuyển vào làm trong công ty. Hoàn cảnh trong Phúc âm hôm nay cũng gần tương tự. Các tông đồ coi Nước Trời như chuyện buôn bán cạnh tranh vậy… thế là Chúa Giêsu phải lên tiếng can thiệp.

Đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu có ý loan báo cho các ông về cái chết và phục sinh của Người. Giáo huấn này thật vô vị: Các ông chẳng hiểu, tệ hơn nữa, cũng chẳng thèm hỏi han gì. Lời Chúa chẳng vang dội trong tâm khảm các ông. Các ông bàn tán về đề tài các ông ưa thích: ai là người lớn hơn cả?

Về tới nhà

Về tới nhà, Chúa Giêsu ngồi xuống, quy tụ các môn đệ lại chung quanh Người. Lần này, Người muốn cho các ông phải hiểu. Người dùng chính lời lẽ của các ông để diễn tả: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Các ông muốn làm người lớn, là người quan trọng trong Giáo hội, điều này chẳng phải là xấu. Các ông là người thế nào, có tham vọng làm lớn tới đâu, thì Chúa nhận như vậy thôi, nhưng Chúa Giêsu chỉ cho các ông phương thế làm lớn trong Giáo hội. Làm lớn, chính là trở nên người bé nhỏ; làm người quan trọng, chính là coi mình chẳng là gì; là ông chủ, thì phải làm người phục vụ; làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết.

Để cho các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Chúa Giêsu làm một dụ ngôn bằng động tác: Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…” Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho lại được cái gì.

Chúa Giêsu hàm ý rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng tiếp đón bản thân Người và khi người ta tiếp đón vì danh Người, một người yếu đuôí, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần.

Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tước đọat nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

 --------------------------------
 

Suy Niệm 5: “Tôi tớ của các tôi tớ”


Đã từ lâu, chúng ta rất quen với cụm từ: “Tôi tớ các tôi tớ” được ký bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau mỗi văn kiện hay tông huấn...

Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Muốn làm lớn và trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo kiểu trần thế.

Vì thế, khi vừa nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, liền sau đó, các ông đã chăm chú vào chuyện bàn tán xem ai là người lớn nhất?

Lẽ ra, khi nghe thấy thầy của mình loan báo về cái chết sắp xảy đến, các ông phải là người an ủi, động viên, chia sẻ..., Không! đằng này sự vụ lợi, thực dụng và ích kỷ đã làm cho họ mờ mắt và vơi cạn đi sự cảm thông, các ông chỉ còn nghĩ đến mình mà thôi.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ của các môn đệ khi nói: người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm. Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất là khi các ngài lớn tuổi.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 --------------------------------
 

Suy Niệm 6: Tinh thần phục vụ theo gương Thầy Giêsu


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khổng Tử đi ngang qua núi Thái thì gặp một phụ nữ đang khóc lóc thảm thiết bên mộ con. Thầy đến hỏi lý do tại sao bà ta khóc, thì được cho biết là bà khóc cho con, cho chồng và cho cả cha chồng đã bị cọp ở núi Thái bắt ăn thịt.

Khổng Tử bèn hỏi tại sao gia đình không dọn đi nơi khác, thì được bà thổ lộ là: “Ở đây không có hà chính” (hà chính ám chỉ sách lược quốc trị hà khắc, quan lại lộng quyền làm khổ dân chúng). Khổng Tử quay sang học trò và nói: “Hà chính mãnh ư hổ giã” (có nghĩa là sách lược quốc trị hà khắc còn ghê gớm hơn cọp). Bởi vì gia đình của người phụ nữ tránh chính sách làm khổ dân của vua quan đến lánh trong rừng thiêng nước độc chấp nhận ngay cả nguy hiểm với cọp dữ và cái chết.

Xã hội xưa là thế, chính sách hà khắc không làm cho an dân, dân không thể ấm no, nước không thể giàu. Người lãnh đạo có quyền bính trong tay phải lo chính sách an dân. Nếu người làm lớn chỉ lo công danh bổng lộc, thì xã hội vẫn còn những con người cùng đinh khốn khổ. Đất nước, xã hội còn đầy rẫy những bất công vì thiếu những người quản lý mang cái tâm vì nước vì dân. Trần gian là thế và sẽ mãi là thế, lịch sử đã chứng minh cho sự lặp đi lặp lại những bất công.

Chúa Giêsu đến trần gian loan báo nước Trời. Nước Trời bắt đầu được xây dựng bằng sự cải tạo con người và xã hội ngay ở trần gian.

Suy niệm

Các môn đệ tranh luận ai sẽ là người lớn nhất. Đức Giêsu hướng các môn đệ và qua các ông đến tất cả những ai có ý tưởng muốn có sự tham vọng làm lớn thì phải mang lòng khát khao phục vụ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9,35), Ngài hướng các ông trên con đường đi trên quyền lực không để tham vọng quyền thế thu vén cho bản thân, nhưng phải dấn thân vì mưu ích cho đồng bào dân tộc…

Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo tiêu chuẩn của Đức Giêsu đề ra, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ, hết lòng lo cho nước cho dân như hình ảnh của chính Đức Kitô phác họa và sống nêu gương khi rửa chân cho các môn sinh, Ngài kêu mời: “Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa thì đúng lắm. Vậy mà Thầy đã rửa chân cho các con. Các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,13).

Trong nước của Thiên Chúa, người lớn thì phải phục vụ, còn người bé nhỏ thì được đón tiếp nhân danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ và ôm hôn nó (x. Mc 9,36), cử chỉ này đều đi ngược phong tục Do Thái thời đó vì xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Hơn nữa, chúng không hiểu biết Lề Luật nên người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo. Đứa trẻ còn tiêu biểu cho những người đau khổ, cô thế cô thân, gặp thiếu thốn, có nhu cầu ủi an nơi chúng ta nhưng lại bị chính cộng đồng đã loại trừ. Tất cả những con người bé mọn luôn có trong trái tim của Thiên Chúa, dù bị anh em đồng loại bỏ rơi, Thiên Chúa vẫn ở bên và đỡ nâng.

Thật thế, Chúa làm cho thân phận bé mọn được tràn đầy ân sủng như chính Ngài dùng lời Kinh Thánh khẳng định: “Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?” (Mt 21,16). Hơn thế nữa, người khiêm nhu bé mọn còn được Thiên Chúa đồng hóa trong thân phận của chính họ: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37).

 Chúa Giêsu đã nói rõ: Sự tiếp rước anh em nghèo khó, những con người bé nhỏ, tầm thường không có danh tiếng, không của cải quyền thế, những kẻ cô thân cần sự giúp đỡ là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46), như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Đi trên đường trần gian xây dựng nước Chúa, người làm lớn sống tinh thần phục vụ theo gương Thầy Giêsu như thánh Phaolô mời gọi: “Hãy sống trong tình yêu như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và cống hiến chính thân mình Người” (Ep 5,2).

Ý lực sống: “Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.

Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân” (Nguyễn Trãi).

--------------------------------
 

Suy Niệm 7: Tinh Chúa nói về tinh thần phục vụ


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ  Ngài là ai: Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại. Các ông chẳng hiểu gì mạc khải đó vì các ông vẫn quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách. Vì thế trên đường đi các ông tranh cãi với nhau xem ai là người lớn  nhất trong nước của Ngài. Về đến nhà, Ngài hỏi các ông trên đường đã tranh cãi với nhau về cái gì, các ông không dám trả lời. Nhân dịp này Ngài dạy các ông: Ai muốn làm lớn, phải làm đầy tớ mọi người. Rồi Ngài dẫn một trẻ nhỏ đến giữa các ông mà phán: “Ai đón nhận trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy và sống đơn sơ không tham vọng như nó là đón tiếp chính Thầy, và ai tiếp nhận Thầy là tiếp nhận Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

2. Tranh giành quyền lực là chuyện thường tình của thế gian, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có chuyện người thủ lãnh, kẻ thuộc hạ, người làm lớn kẻ làm nhỏ, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, người được danh dự kẻ bị quên lãng. Nhưng trong Giáo hội của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra nguyên tắc lãnh đạo: ai muốn làm người đứng đầu thì phỉ làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Đức Giêsu không chỉ phục vụ và hầu hạ, lại còn hầu hạ và phục vụ đến chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là thể hiện tột cùng của lãnh đạo và phục vụ. Vì thế, người được đặt làm thủ lãnh để phục vụ phải là người sằn sàng chết cho mọi người. Qui luật này có giá trị cho mọi Kitô hữu. Làm môn đệ của Đức Giêsu là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng.

Vì thế, ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Đức Giáo hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: “Servus servorum”: tôi tớ của các tôi tớ. Đây là tinh thần mà Đức Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo hội phải có, như được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

3. Bác sĩ Elizabeth Couplaros là giáo sư về môn tâm lý trị liệu tại đại học Chicago, Hoa kỳ. Một trong những tác phẩm bán chạy nhất của bà có tựa đề “Sự chết và Chết”. Cuốn sách ghi lại sự phỏng vấn của tác giả với hàng trăm người đã từng bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng bỗng dưng sống lại. Có thể nói người chết sống lại này đều cho biết rằng trong khoảnh khắc mà bác sĩ gọi là  chết ấy họ như sống lại cả quãng đời của họ, cứ như thế họ xem lại cuốn phim về cuộc đời của họ. Khoảnh khắc ấy có nghĩa gì không?  Bác sĩ Couplaros đã nhận định như sau: “Khi bạn trải qua khoảnh khắc ấy, bạn chỉ thấy có hai điều quan trọng trong cuộc đời, một là bạn đã phục vụ; hai là bạn sống yêu thương, còn tất cả những điều mà chúng ta xem trọng như danh tiếng, tiền của, uy tín và quyền lực đều vô nghĩa”.

4. Một điều nghịch lý cần chấp nhận.

Chúa phán: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Để các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn: Ngài đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp nhận một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho ai được cái gì. Ngài hàm ý nói rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng đón tiếp bản thân Ngài và khi người ta tiếp đón vì danh Ngài, một người yếu đuối, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tức đoạt nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

5. Truyện: Cần tinh thần phục vụ.

Những thuộc viên cao cấp của Bà-la-môn ở Ấn Độ không bao giờ cúi xuống làm việc của người đầy tớ. Vì thế Shirman Naraayan sốc làm sao khi ông được giao nhiệm vụ mà ông thấy như mình bị hạ thấp khi ông dành thời gian làm tại trung tâm Grandhi (là một trung tâm tĩnh tâm của người Hindu).

Tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Kinh Tế Luân Đôn, chàng thanh niên này đã đến tìm hướng đi cho tương lai. Chàng không biết rằng mọi người tại trung tâm này đều được giao nhiệm vụ cụ thể, và Shirman phải chùi nhà vệ sinh. Thấy bị xúc phạm ghê gớm, anh đi thẳng đến chỗ Grandhi và phàn nàn: “Tôi có bằng tiến sĩ. Tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn, tại sao lại bắt tôi phải phí thời gian và tài năng vào việc lau chùi phòng vệ sinh vậy”? Grandhi trả lời: “Tôi biết anh có thể làm được nhiều việc lớn, nhưng tôi cũng phải xem thử anh có đủ năng lực để làm những việc nhỏ không đã”.

Có thể bạn đủ năng lực để phục vụ Chúa một cách đặc biệt. Qua nền giao dục bạn hấp thụ và ân tứ bạn có được, có thể bạn có khả năng làm những công việc lớn lao và hiệu quả. Nhưng bạn có sẵn lòng khiêm nhường làm những việc của đầy tớ nếu Chúa giao công việc đó cho bạn không? Bạn có sẵn lòng lau chùi nhà vệ sinh hay rửa chân cho người khác không (Ga 13,14-15)?  Đó mới thật sự  là điều một môn đệ vâng lời cần làm.

--------------------------------
 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Đấng Messia


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai: Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.

2. Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Chúa Giêsu. Và cũng vì đã quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời mà Chúa Giêsu thành lập.

3. Chúa Giêsu sửa dạy các ông: trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ: càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ). Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón (để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một con người không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn).

B.... nẩy mầm.

1. Trong "nước trần gian", muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là "người lớn", lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh v.v. Còn trong Nước Trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, tôi phải có một lối sống hơi ngược đời như thế, vì "Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian".

2. "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy tức là đón tiếp chính mình Thầy". Những "trẻ nhỏ như thế này" là những người nghèo hơn tôi, kém thông minh hơn tôi, yếu hơn tôi, cư xử nói năng vụng về hơn tôi… Chính vì họ tệ hơn tôi nên tôi thường xua đuổi họ hoặc không thích ở gần họ. Nhưng như thế tức là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa rồi.

3. Ngày xưa các môn đệ đã làm một chuyện lố bịch là mặc kệ Chúa mời gọi đi theo Ngài trên con đường thập giá, họ cứ tranh dành nhau địa vị và quyền lợi. Nhưng về sau khi hiểu lại, họ đã thay đổi hẳn: "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô". Phần tôi, tôi cứ tiếp tục việc làm lố bịch đó. Khi nào thì tôi mới hiểu lại và thay đổi đây?

4. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo con đường thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.

-----------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây