"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".
Lời Chúa: Mc 10, 28-31
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình. Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần. Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau. Không lợi cho cá nhân mình thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình. Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn. Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu. Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu. Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai. Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu, sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn. Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy, Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28). Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27). Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô. Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này cho cả những người ở thế hệ kế tiếp. Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái, như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29), những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này, sẽ được gấp trăm về những điều đã mất. Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30), điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước. Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ. Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con. Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ. Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ, mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình. Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa. Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở. Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau. Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu. Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài. Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng. Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ. Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên. Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả. Đó là chính Giêsu. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con, con đóng lại bút viết: các quan điểm của con, con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con, để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa. Amen. (Graham Kings) --------------------------------
Chúa Ki-tô là niềm hy vọng. Đó là điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa: ngày Chúa Ki-tô sẽ tỏ hiện. Bằng chịu đau khổ và đạt tới vinh quang. Nhưng thánh Phê-rô cho biết, để niềm hi vọng trở thành hiện thực, cần phải có thái độ tích cực chuẩn bị. Muốn mục đích phải muốn phương tiện. Muốn được thấy Chúa Ki-tô tỏ hiện, phải từ bỏ lối sống xưa cũ theo xác thịt để sống một đời sống mới theo thần khí, tiết độ, từ bỏ bản thân.”Đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, đên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (năm chẵn).
Sách Huấn ca hướng dẫn cách bày tỏ niềm hy vọng bằng việc từ bỏ. Trước hết là từ bỏ tội lỗi. “Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa. Chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội”. Kế đến là từ bỏ đường tà. Đi theo đường ngay chính. Đó là tuân giữ Lề Luật của Chúa. “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an”. Và sau cùng từ bỏ của cải. Dâng của lễ trọng hậu lên Chúa. Nhưng cũng phải dâng với tấm lòng quảng đại. Và nhất là với nét mặt vui tươi. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng. Và sẽ ban lại cho gấp bội. Đó chính là niềm hy vọng. “Hãy tôn vinh Đức Chúa với tấm lòng quảng đại…Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười; dâng hiến của thập phân, hãy hân hoan vui vẻ. với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối cao, tuỳ theo nhưng gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có. Vì Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gắp bảy lần” (năm lẻ).
Thánh Phê-rô cũng chính là người hỏi Chúa Giê-su về niềm hi vọng: Chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì bù lại? Chúa Giê-su không ngần ngại loan báo trước niềm hi vọng: Các con sẽ được lại gấp trăm.
Niềm hi vọng là được thấy Chúa tỏ hiện, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa. Nhưng cần phải trải qua giai đoạn thanh luyện bằng từ bỏ. Địa vị trong Nước Chúa không được sắp xếp, đo lường bằng chức vị trong Giáo hội hay bằng thời gian theo Chúa, nhưng bằng mức độ từ bỏ. Càng từ bỏ nhiều thì càng gần Chúa. Càng gần Chúa thì càng hạnh phúc. Có những người theo Chúa đã lâu, nắm giữ những địa vị cao trọng trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ chưa cao. Trong khi có những người mới theo Chúa, giữ địa vị thấp kém trong Giáo hội, nhưng mức độ từ bỏ lại cao hơn. Vì thế Chúa Giê-su cảnh báo: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.
Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc. 10, 28-30)
Ai mà đã không có lần mơ tưởng đến phần thưởng gấp trăm ấy được hứa cho những ai từ bỏ tất cả: ly kỳ nữa là được cả một lô mẹ, anh em, chị em, nhà cửa… nhưng, ôi thôi!, lại cùng với sự ngược đãi nữa chứ? Giống như việc mua bán ở chợ, còn gì hấp dẫn cho bằng “bán chạy như tôm tươi”. Mơ ước hình như chưa bao giờ thực hiện được, ít ra là đối với những ai đã chơi bài. Sẽ được thực hiện ở thế giới bên kia không? Chẳng ai đã khẳng định điều đó bao giờ. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi họa hoằn mới có những người dám đánh cuộc, một cái nắm trong tay còn hơn một trăm cái chưa có là vậy.
Hãy mở rộng nhãn giới của ta
Lời hứa như thế cho Phêrô và những người giống như ông là một lời hứa có tính tiên tri liên quan tới tương lai của cộng đồng các Kitô hữu sẽ sống những gía trị mà Chúa Giêsu đã loan báo. Không phải là loan báo thưởng gấp trăm lần hơn những gì người ta sẽ từ bỏ, nhưng là sự mô tả trước về những cộng đoàn sẽ sinh ra từ những ai sẽ mở rộng tâm hồn của họ tới chiều kích toàn cầu, những ai mà tình huynh đệ và yêu thương của họ sẽ không đóng khung trong gia đình, quê hương hay cục bộ, nhưng vươn tới hết mọi người bất kỳ họ là ai và ở nơi nào. Ở đây, chúng ta có được bài miêu tả có tính tiên tri về Giáo hội, và đại gia đình nhân loại, nơi đây tình huynh đệ và quyền sở hữu của cải sẽ không bị một quyền độc đoán nào khác giới hạn.
Giáo hội, gia đình của các con cái Thiên Chúa sẽ chỉ đạt được sự hoàn thiện tròn đầy, trọn vẹn ngày mà chúng ta sẽ chỉ là một trong Chúa Kitô, ngày mà người ta gọi là ngày sau hết, ngày thế mạt. Giáo hội ấy, cộng đồng không biên giới ấy, đã được thể hiện hôm nay trong những cơn bách hại, trong đau khổ của thập giá, nhưng cũng đang được hân hoan khi đi theo con đường Chúa đã đi và sống theo đường lối Đức Kitô đã muốn.
Giáo hội ấy, cộng đồng của những người anh em thuộc mọi chủng tộc, với những mái nhà đủ kiểu, với những môi trường văn hóa muôn vẻ thật đúng là phần thưởng gấp trăm đầy phấn khich cho những người biết sông yêu thương.
Giáo hội ấy có bành trướng không phải là để loại trừ những cộng đồng địa phương; mà sự bành trướng có chiều kích toàn cầu ấy còn bị những tâm hồn hẹp hòi ích kỷ tranh giành và bách hại vì nghĩ rằng họ sẽ bị tổn thương.
Sự nguy hiểm của tiền bạc đã làm cho người thanh niên có tiếng là đạo đức lầm lũi ra đi, vì tiền của anh ở đâu thì lòng anh ở đó!
Thật là một sự xót xa cho số phận chàng thanh niên giàu có này! Thấy được sự nguy hiểm như vậy, nên tiếp theo đó, Đức Giêsu đã thốt lên với các môn đệ: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”; “Con lạc đà chiu qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.
Nghe đến đây, các môn đệ hiểu được sự nguy hiểm của tiền của, tuy nhiên, nó đã làm cho các ông hoang mang, bởi vì khó như thế thì có lẽ không ai vào được! Vì vậy, Phêrô đã đứng lên thay lời anh em và thưa với Đức Giêsu rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?”; “Và chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy thì được gì?”. Để giải thoát cho các ông về sự lo lắng này, Đức Giêsu đã mặc khải cho các ông biết: đối với loài người thì không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải đến từ cố gắng hay phấn đấu thuần túy của con người. Nhân đây, Đức Giêsu cũng nói rõ để các môn đệ nhận ra những ân huệ mà Chúa ban cho những ai trung thành với Ngài, đó là sự sống đời sau.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết trung thành đi trên con đường Chúa đã đi, để chúng con gặp được Chúa là nguồn bình an, hạnh phúc ở cuối con đường cuộc đời trần gian. Amen.
Sứ điệp: Chúa sẽ thưởng bội hậu cho những ai từ bỏ mọi sự vì Chúa. Nhưng phần thưởng cao cả nhất là được chung số phận đau khổ và sự sống vinh quang với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên hành trình đi theo Chúa, đã có những lúc con tự hỏi như thánh Phêrô: con từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, vậy con sẽ được phần thưởng gì? Vì Chúa, con đã hy sinh bỏ mình, đã ép mình ép xác giữ các giới răn. Vì Chúa, con chấp nhận bị thua lỗ thiệt thòi, thậm chí bị nhạo cười khổ đau. Nhưng con sẽ được gì để bù lại? Nhất là nhiều lúc con nhìn thấy những người sống bất nhân thất đức lại gặp nhiều may mắn thành công sung sướng, còn con theo Chúa lại gặp khổ đau thất bại nghèo đói. Dường như theo Chúa là dại khờ.
Lạy Chúa, không, con không tin như vậy. Chúa đã hứa ban phần thưởng gấp trăm cho con ngay từ đời này. Dù con không thấy được rõ ràng điều ấy, nhưng con tin cuộc sống con hôm nay là điều quá tốt đẹp mà Chúa đang thưởng cho con. Chúa luôn ban cho con gấp trăm ngàn lần điều con không dám cầu xin hay nghĩ tới. Chúa vẫn luôn quảng đại với con hơn con đáng được.
Lạy Chúa là gia nghiệp con, xin cho con cảm nếm niềm hạnh phúc theo Chúa và đồng số phận với Chúa. Xin ban cho con một đức tin vô vị lợi, được theo Chúa vô điều kiện, không mặc cả, không tính toán.
Cùng với thánh I-nhã, con xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết xả thân mà không mong tìm một phần thưởng nào khác, hơn là biết làm theo Ý Chúa. Con chỉ xin Chúa ban tình yêu và ân sủng, và thế là đủ cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu”.
1. Sau khi người thanh niên giầu có bỏ Chúa mà đi, Phêrô liền hỏi Đức Giêsu: chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được lại gì? Chúa đáp: Thầy bảo thật, ai bỏ cửa nhà, cha mẹ, con cái, ruộng vườn vì Thầy và vì Phúc âm, thì ngay ở đời này sẽ được lại gấp trăm cùng với các cơn bắt bớ, và ngày sau sẽ được sống đời đời, vì ai theo Thầy sẽ lật ngược được mọi giá trị ở đời: Ai bỏ đi thì được lại, ai ở sau thì trở nên trước.
2. Khi nói tới hai chữ “từ bỏ”, tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phêrô đã hỏi Chúa thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì?
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là xấu, thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lời, có lợi.
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa... Đức Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cùng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
3. Trả lời câu hỏi của Phêrô, Đức Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói “gấp trăm ở đời này” cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quí giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin.
Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh em, chị em hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Đức Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Đức Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa.
4. Đừng bắt cá hai tay (tục ngữ).
Có nghĩa là đừng tham lam, hai tay bắt hai con cá, như thế chẳng bắt được gì. Về vấn đề này, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo trong suốt thời gian rao giảng Tin Mừng: “Các ngươi không thể phục vụ Thiên Chúa và tiền tài cùng một lúc (x.Lc16,13). Người giầu có thể đi đến chỗ không cần Thiên Chúa nữa. Họ từ từ đóng cửa con tim và không còn thấy anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16,19-31). Sự giầu sang bóp nghẹt Lời Chúa (x.Mt 13,22).
Truyện: Con lừa trước sự lựa chọn.
Ông viện trưởng đại học Paris ở thế kỷ 14 đã làm một thí nghệm như sau: ông để cho một con lừa nhịn đói, nhịn khát trong mấy ngày. Sau đó, ông đưa nó đến sân ăn, ông đặt nó giữa một thùng nước và một bó cỏ non. Lừa ta tuy đói lắm nhưng hễ nhìn đống cỏ này lại ngó thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối cùng kiệt sức mà chết.
Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn, và chọn lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Hãy nhớ lại Lời Chúa đã phán: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).
5. Kẻ sau hết sẽ nên trước hết...
Đức Giêsu nói: “Kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên hàng đầu”. Trước hết phải hiểu sự ám chỉ về dân Do thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người.
Ngoài ra, câu nói này, Đức Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại, có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.
5. Truyện: Hoàng tử và thanh kiếm.
Vua Charles một lần kêu hoàng tử và cho hoàng tử được chọn. Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một vương miện (triều thiên). Vua hỏi:
“Quả thật, ta bảo các ngươi: không ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em hay cha mẹ, con cái, ruộng nương vì Ta và vì Tin Mừng mà lại không lĩnh gấp mấy trăm lần bây giờ” (c.30)
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy giá trị thực sự của tiền tài và tình yêu mà người Do Thái cho là nhất, là được chúc phúc. Giờ đây, Chúa đưa ra một giá trị thiêng liêng cao cả vượt trên những thứ đó. Chúa bảo: “Ai từ bỏ cha mẹ ruộng nương... lại không nhận được... gấp trăm”: lời gấp trăm đây không phải là về số lượng toán học, nhưng Chúa muốn so sánh cái hạnh phúc Chúa dành cho kẻ từ bỏ mọi sự theo chân Ngài, được một hạnh phúc mà người đó không thể ngờ được ở trên Trời - nơi có đông đảo các thánh và triều đình thiên quốc, nơi đã ghi tên họ, đã dành phần sẵn cho họ.
Chữ gấp trăm lần đây còn hiểu là họ sẽ được thử thách gấp bội - mà trong Bát Phúc đã nói tới (Mt 5,11-12), vì môn đệ không trọng hơn thầy mình được. Nhưng sau khi vượt qua những thử thách ấy, họ sẽ được hạnh phúc gấp trăm lần là Nước Trời.
Điều kiện đạt được hạnh phúc ấy trước tiên là việc từ bỏ. Chúa bảo Phêrô, cũng như các môn đệ phải theo Ngài vô điều kiện. Chúa dùng ví dụ so sánh là bầy cáo có hang để trú ẩn trong giờ nguy hiểm, vào lúc trời lạnh giá, mưa sa. Chim trời có tổ sau những ngày mỏi cánh. Nhưng Chúa nói: “Con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,18). Người môn đệ phải sống một đời hoàn toàn bất định và tạm thời, hiến thân trọn vẹn ngay khi không có gì, và khi bất an nhất. Người môn đệ phải lội ngược dòng suối để đi tìm về nguồn, phải vẫy vùng giữa dòng nước cuốn trôi để đi tìm về đại dương vĩnh cửu...
Nói tóm lại, người môn đệ của Chúa trước hết phải từ bỏ chính mình đi: ”Hạt lúa giống nếu không mục nát ...” (Ga 12,24). Xin hãy nghĩ tới việc đời này: chính cái việc làm âm thầm của một bác nông phu đã chuẩn bị cho một ngày mùa cơm trắng đầy xôi. Chính sự nghiền nát của cối xay bột đã biến hạt lúa gạo thành bột làm bánh thơm lành. Một đứa trẻ chỉ xuất hiện trên đời sau bao nhiêu đau khổ của người mẹ. Chính cái dao mổ của y sĩ đã trừ diệt được căn bệnh. Tất cả minh chứng: từ bỏ để lời lãi mai sau.
Từ bỏ là con đường hẹp của Phúc Âm. Chính Chúa xác định như thế. Con đường của Chúa đã hẹp mà lại còn phải vác thập giá nữa, nên con đường phải vất vả vấp váp, giống như đầy khúc khuỷu, mô ụ, ổ gà. Nhưng cuối con đường ấy là vinh quang Nước Trời. Và còn hơn thế nữa, “ngay bây giờ, ở đời này, còn nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm lần.” (Mt 10,30). Chỉ những người thực sự từ bỏ khi theo Chúa mới cảm nhận được sự kỳ diệu này.
Từ bỏ không phải theo nghĩa là chối bỏ, vứt bỏ đời sống trần gian. Không phải thế. Con người vẫn sống giữa trần gian, nhưng là từ bỏ những tham vọng trần gian để đi về vĩnh cửu.
Có thể chúng ta cũng đang hỏi Chúa như Phêrô: “Lạy Chúa chúng con từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con được gì?” Có chắc là đã từ bỏ hết chưa? Và nếu đúng như thế thì cứ an tâm, chắc chắn nơi quê trời kia, ta đã có một phần tốt nhất. Thánh Phêrô hẳn đã hiểu ý Chúa rồi, nên chắc là rất vui lòng theo Chúa. Và Chúa cũng đang cần chúng ta là những Phêrô của cuộc sống hôm nay. Chúa đang cần những người thợ gặt của giờ thứ 11, cần những thợ gặt cho cánh đồng lúa chín vàng với tinh thần từ bỏ cần thiết...
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những bài Tin Mừng khó hiểu và gây nhiều tranh luận nhất.
1. Nhìn vào cuộc sống thực tế, nếu không có cái nhìn bằng đức tin thì chúng ta khó mà thấy được những gì Chúa Giêsu nói: nào là được gấp trăm về đất đai nhà cửa, nào là ruộng nương, anh chị em, cha mẹ con cái.
Riêng thánh Marcô lại thêm một câu: cùng với sự bắt bớ, làm cho đoạn Tin Mừng này thêm khó hiểu hơn. Vậy phải hiểu như thế nào về đoạn Tin Mừng này của thánh Marcô? Chúng ta phải nhớ, thánh Marcô viết Tin Mừng theo cái nhìn thần học chứ không theo cái nhìn lịch sử như thánh Luca. Khi Chúa bảo với các môn đệ: Ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này lại không nhận được nhà cửa, anh em chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, gấp trăm, thì chúng ta phải hiểu rằng: từ bỏ một gia đình nhỏ để nhận được một gia đình lớn, gia đình của Thiên Chúa, trong đó Thiên Chúa là Cha. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: Ai là anh em, chị em và mẹ Ta? Đó là những người làm theo ý Cha trên trời, người đó là anh, là chị là em và là mẹ Ta. Theo ý của Chúa Giêsu thì gia đình thiêng liêng này còn quan trọng hơn gia đình huyết thống.
Khi Egerton Young giảng đạo lần đầu tiên cho người da đỏ ở Saskatchewan, về Thiên Chúa là Cha mọi người thì ông đã làm cho những người từ trước đến giờ chỉ thấy Thiên Chúa trong sấm sét giông bão ngạc nhiên. Một tù trưởng cao niên hỏi Young:
- Có phải ông thưa với Thiên Chúa rằng "Lạy Cha của chúng tôi không?"
Young đáp:
- Phải.
Vị tù trưởng tiếp tục hỏi:
- Vậy thì Ngài cũng là cha của ông chứ gì?
Young đáp:
- Phải.
Rồi vị tù trưởng nói tiếp:
- Và Ngài cũng là cha của tôi phải không?
Young đáp:
- Chắc chắn như vậy.
Gương mặt vị tù trưởng bỗng sáng rực lên cách khác thường, ông ta vung tay lên và nói như người mới khám phá được một điều gì khác thường, ông bảo:
- Vậy thì tôi với ông là anh em.
Có người phải hi sinh nhiều mối dây ràng buộc với người thân yêu để trở thành Kitô hữu, nhưng khi làm như vậy người ấy đã trở thành một thuộc viên và anh em trong một gia đình rộng lớn bằng cả thế gian này kể cả Thiên Đàng.
2. Hơn nữa khi từ bỏ những gì thuộc về trần gian, các môn đệ của Chúa còn nhận được sự quan phòng che chở đặc biệt của Cha trên trời.
Có lần Chúa Giêsu cũng đã khuyến cáo các Tông Đồ: Bông huệ ngoài đồng có canh cửi thêu dệt gì đâu mà đến như vua Salomon sang trọng tột bậc, cũng không có cái áo cẩm bào đẹp như vậy. Chim chóc trên trời có gieo vãi gì đâu mà Cha trên trời cũng nuôi sống. Và Chúa còn nhấn mạnh: đến tóc trên đầu của các con cũng đã được đếm cả rồi! Cha chúng con biết chúng con thiếu những gì. Nói cách khác, người Tông Đồ bỏ mọi sự mà theo Chúa thì nhận được một gia tài quí báu hơn bội phần, gấp trăm, đó là tình thương của Cha trên trời. Thiên Chúa biểu lộ tình thương của Người qua sự quan phòng trong suốt cuộc đời của mình.
Qua cuộc sống hiến thân phục vụ các người nghèo khổ, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã từng được chứng kiến những cử chỉ từ bi và âu yếm của Chúa quan phòng thật lạ lùng. Ở Calcutta, các nữ tu Dòng Bác Ái của mẹ hằng ngày phải chăm sóc cho 7.000 người, và còn phải cung cấp thực phẩm cho họ nữa. Một ngày thứ sáu trong tuần nọ, chị nữ tu coi nhà bếp đến thưa với mẹ:
- Thưa mẹ, trong nhà không còn gì ăn cho hôm nay và ngày mai. Tốt hơn hết là chúng ta nên báo trước cho mọi người biết điều đó.
Nghe tin đó, mẹ không biết trả lời với chị này thế nào... Thế nhưng, vào khoảng 09 giờ sáng hôm đó, không hiểu vì lý do gì, chính quyền Ấn Độ tuyên bố đóng cửa các trường công. Thế là số bánh mì đã được dành cho các học sinh được chở đến cho mẹ. Và tất cả hơn 7.000 người, từ nhỏ chí lớn có đủ bánh mì ăn trong hai ngày!
Thật vậy, chưa bao giờ những người nghèo lại được ăn những bữa no nê như thế, và không một ai trong cả tỉnh Calcutta biết lý do vì sao chính phủ đã tuyên bố đóng cửa các trường công hôm ấy. Nhưng đối với Mẹ Têrêsa thì đã quá rõ! Đó chính là dấu hiệu tình thương của Chúa, Người Cha giàu lòng yêu thương con cái mình!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa. Amen.