Thường Niên Tuần 8-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày

Thứ tư - 31/05/2023 23:31
Thường Niên Tuần 8-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 8-2023 Thứ Sáu - Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Thường Niên Tuần 8-2023 Thứ Sáu
Suy Niệm Lời Chúa hằng Ngày
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:

TinMừng – TN 08 – Thứ 6: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. 1
Suy Niệm 1: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. 2
Suy Niệm 2: Phục vụ Thiên Chúa. 5
Suy Niệm 3: Ðền thờ tâm hồn. 6
Suy Niệm 4: Ít lá, nhiều trái 8
Suy Niệm 5: Trả lại ý nghĩa Đền thờ. 9
Suy Niệm 6: Nhà cầu nguyện. 10
Suy Niệm 7: Dụ ngôn cây vả chết khô. 11
Suy Niệm 8: Cây vả bị chúc dữ. 13
Suy Niệm 9: Sống đạo thực sự trong Chúa. 15

----------------------------------------

 

TinMừng – TN 08 – Thứ 6: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc.


"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".

Lời Chúa: Mc 11, 11-26

 (Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.

Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Ðiều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.

Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi". Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: "Hãy dời đi và gieo mình xuống biển", mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".

-----------------------------

 

Suy Niệm 1: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi thánh sử Máccô viết đoạn Tin Mừng này,
thì có thể Đền thờ ở Giêrusalem đã bị phá hủy bởi quân Rôma.
Ngôi đền thờ nguy nga này được vua Hêrôđê Cả trùng tu và nới rộng,
mất 84 năm mới hoàn thành, để rồi chỉ tồn tại được vỏn vẹn 6 năm.
Đức Giêsu đã lên Đền thờ này nhiều lần, vào các dịp lễ lớn.
Đây là lần cuối Ngài lên đây giữa tiếng tung hô của đám đông.
Khi chiều tà, Ngài và các môn đệ qua đêm ở làng Bêtania gần đó.
Hôm sau, trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ, Ngài thấy đói.
Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn.
Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả.
Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận,
và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”
Buổi sáng hôm sau, Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả.
Mọi người thấy nó chết rồi, “chết khô tận rễ” (c. 20).
Phêrô cho rằng cây vả chết vì bị Thầy rủa (c. 21).
Chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết.
Nó có tội tình gì đâu, chỉ tại chưa đến mùa đó thôi!
Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ
vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả.
Điều đó khiến chúng ta không hiểu chuyện cây vả theo nghĩa đen.
Đúng là cây vả chẳng mắc tội gì khi chưa đến mùa có trái.
Nhưng khi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cố ý từ khước Đức Giêsu,
thì họ mắc tội, như cây vả không trái.
Rốt cuộc cả họ và Đền thờ phải chịu số phận như cây vả héo khô.
Khi vào khu vực Đền thờ, Đức Giêsu giận dữ với chuyện buôn bán,
dù đây là chuyện buôn bán được phép,
ở một khu vực được phép, để phục vụ cho việc thờ tự.
Đức Giêsu đã làm một hành động rất khác thường,
đó là đuổi người buôn bán, lật bàn, xô ghế của họ (c. 15).
Thậm chí Ngài còn cấm người ta mang đồ đi qua Đền thờ (c. 16).
Chắc đã xảy ra một cuộc xô xát nhỏ, trong một thời gian ngắn.
Ngài hành động như người có quyền ở nơi thờ tự này.
Điều đó khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, ngôi Đền thờ tráng lệ ở Giêrusalem
không còn là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc nữa (Is 56,7).
Vì giới lãnh đạo, nó đã không đạt mục tiêu Thiên Chúa muốn.
Như cây vả xanh lá, nhưng không trái, nó sẽ bị héo khô.
Ngày nay, dấu tích còn lại của ngôi Đền thờ xưa chỉ là một bức tường,
nơi người Do Thái đến than khóc.
Bài Tin Mừng hôm nay không gây sự thù ghét đối với người Do Thái.
Đúng hơn đây là một nhắc nhở nghiêm chỉnh của Đức Giêsu
đối với mọi đền thờ, nhà thờ của các Kitô hữu.
Phải làm sao để nơi thờ tự không trở thành nơi buôn bán kinh doanh.
Phải làm sao để nhà thờ thực sự là nơi cầu nguyện cho mọi người,
không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quê mùa hay trí thức.
Phải làm sao để các ngôi thánh đường ngày nay của chúng ta
khỏi rơi vào số phận của Đền thờ Giêrusalem ngày xưa,
xanh lá nhưng không trái, nên bị chết khô.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
 
-----------------------------

 

Suy Niệm 2: Phục vụ Thiên Chúa


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dân Do thái là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Để phục vụ Thiên Chúa. Để làm chứng về Thiên Chúa. Khi Dân Chúa không phục vụ Thiên Chúa. Họ bị biến chất. Và sẽ bị thay đổi.

Cây vả là một minh hoạ. Trong Kinh Thánh, cây vả và cây nho thường được dùng để chỉ Dân Chúa. Cây vả này không phục vụ Thiên Chúa. Không có quả khi Chúa đến tìm. Nên nó bị thay thế. Nó phải chết.

Đền thờ là một minh hoạ càng rõ nét hơn. Đền Thờ để phục vụ Thiên Chúa. Nhưng đã biến thành nơi phục vụ lợi nhuận của con người. Đó là hang trộm cướp. Vì con người cướp quyền Thiên Chúa. Vì thế nó phải được thanh tẩy. Đền thờ cũ bị thay thế. Đền thờ mới sẽ là thân thể Chúa Giê-su. Thân thể con người. Của lễ không còn phải là chiên, bò, bồ câu. Nhưng là chính Chúa Giê-su.

Con người để phục vụ Thiên Chúa. Những ai không phục vụ Thiên Chúa sẽ mau chóng tàn lụi. Những con người đánh mất căn tính. Như cây vả và đền thờ. Sẽ mau chóng tàn lụi. “Có những người không còn ai nhớ nữa. Họ qua đi như chẳng bao giờ có”. Còn những người kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Chuyên chăm giữ vững giao ước, thực thi Lề Luật. Thì dòng dõi tồn tại. Và vinh quang chói sáng: “Các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại. Vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (năm lẻ).

Có biến chất là vì những ích kỷ quy về bản thân luôn là một cơn cám dỗ lớn. Vì thế thư Phê-rô khuyên nhủ ta kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Bằng tuân giữ điều răn Chúa truyền: Hãy yêu thương. Phục vụ. Đừng phí phạm ơn Chúa. “Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa. Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa”. Để được như thế phải kiên trì vượt qua mọi cám dỗ thử thách. Như thế, “khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” (năm chẵn).

-----------------------------

 

Suy Niệm 3: Ðền thờ tâm hồn


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thiên Chúa là tình yêu, nên nơi Ngài ở không thể có đố kỵ, hận thù, oán ghét. Thiên Chúa là sự thánh thiện, nên nơi Ngài ở không thể có những dâm bôn, chè chén, tục tằn. Thiên Chúa là sự thật, nên nơi Ngài ở không thể có gian manh, lọc lừa, tham lam và trộm cướp.

Chính vì không muốn để cho con người biến Ðền Thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp, mà theo thuật trình Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tẩy uế Ðền Thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: "Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp".

Ngày nay, có những ngôi thánh đường vì hậu quả của chiến tranh, hay vì lý do này lý do khác, đã trở nên hoang tàn, không còn được dùng làm nơi thờ phượng nữa. Cũng có những ngôi thánh đường nguy nga, đồ sộ, nhưng chẳng ai đến dự lễ cầu kinh nữa, mà chỉ để cho du khách đến tham quan như một di tích lịch sử, một kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, tại những miền quê hẻo lánh, có những tín hữu nghèo muốn dựng lên một nhà nguyện đơn sơ để làm nơi đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mà không sao làm được. Tuy nhiên, có một điều mà không mấy người tín hữu nghĩ tới, đó là chính tâm hồn của mỗi người là Ðền Thờ của Chúa Ba Ngôi.

Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Ðền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Ðền Thờ ngày xưa: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cắp".

Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, gian tham, lọc lừa, kiêu căng và ích kỷ, để tâm hồn chúng ta mãi mãi là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và nhờ thế, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở với chúng ta từ nay và cho đến muôn đời.

 -----------------------------

 

Suy Niệm 4: Ít lá, nhiều trái


Hôm sau Thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giêsu thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi kẻ đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của của những kẻ bán bồ câu. (Mc. 11, 12-15)

Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta có cái mà người ta gọi là một dụ ngôn thực sự, một kịch câm mang tính tiên tri. Các ngôn sứ kỳ cựu thời xưa vẫn thường hay làm những cử chỉ kịch cỡm, có vẻ chướng tai gai mắt cốt thu hút chú ý, và khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn cả ngàn bài giảng thuyết. Chúa Giêsu họa hoằn lắm mới dùng lối này. Thế mà ở đây Người lại tỏ ra chơi trội. Người nguyền rủa một cây vả không có trái! (Lúc đó có phải là mùa vả không? Tác giả không nói đến điều đó. Dầu sao cử chỉ ấy là phi lý và khác thường. Người ta vẫn dựa vào câu chuyện tẩy uế đền thờ, tiếp theo ngay sau lời nguyền rủa kỳ lạ này để soi sáng và cho cử chỉ kia một ý nghĩa. Như ta biết, nơi Chúa Giêsu, những cơn nổi giận bừng bừng như thế thường ít xảy ra trong cuộc đời của Người, thế mà trong chương mười một này của thánh Maccô, chúng ta lại có đến những hai lần liên tiếp, hẳn không phải là không có lý do.

Phải tôn trọng Đền thờ Chúa và đừng làm hư những kế hoạch của Cha

Xét cho cùng cả hai hành động của Chúa, xua đuổi con buôn khỏi đền thờ cũng như phẫn nộ với cây vả không trái đều có vẻ phi lý phần nào. Bởi lẽ thời ấy người ta công nhận thói quen buôn bán ở trong đền thờ. Những người đổi tiền ở đó một cách nào đó là cần thiết, bởi vì đồng tiền chính thức mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma không được dùng trong phượng tự, và buộc phải đổi sang một đồng tiền không dơ. Còn bọn bán chiên bò, chim bồ câu ở đó để bán những lễ vật cần cho những khách hành hương đến dâng hi lễ.Thái độ giận dữ của Chúa có một tầm mức lớn hơn người ta tưởng, lón hơn nỗi bực tức do cây vả không trái, cũng như do con buôn đền thờ gây nên. Thực ra việc dùng vũ lực và giận dữ của Chúa ở ơây là một hành động tiên tri. Chúa muốn tỏ cho biết hy lễ trong đền thờ của giao ưỡc cũ đã hết thời, phải nhường chỗ cho một đền thờ khác, nơi sẽ lập giao ước mới. Chính ở nơi bản thân Người mà từ nay Thiên Chúa tỏ ra sự hiện diện ở giữa loài người. Chính Đền Thờ mới, Thân Thể của Đức Kitô và nhà của Cha là nơi mà chúng ta cần tránh buôn bán, và tránh làm dơ bẩn.

Ngoài ra cử chỉ giận dữ của Chúa còn có một ý nghĩa đặc biệt khác; ngụ ý rằng trước mặt Thiên Chúa thực là đáng ghê tởm tất cả những gì làm biến chất cứu cánh của người và vật, làm hư hoại kế hoạch của Chúa. Ai lại đã không có lần lợi dụng lòng tốt ngây ngô của một người để khai thác họ? Ai đó lại đã không ham hố thu tích những của cải mà lẽ ra phải được chia sẻ? Những người tham lam như thế cũng đáng phải nhận những làn roi của Chúa!

Như thế chúng ta phải tỏ lòng kính trọng biết bao đối với thân thể hy tế của giao ước mới (Thánh Thể), hy tế thay thế cho lễ vật của đền thờ ngày xưa! Chúng ta phải trân trọng biết bao thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu và ngày nay là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người (Giáo hội)! Đó chính là đền thờ Thiên Chúa đã thiết lập, để nơi đây con người yêu mến nhau, tôn trọng nhau và chia sẻ cho nhau những của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng vậy.

-----------------------------

 

Suy Niệm 5: Trả lại ý nghĩa Đền thờ


Khi nói đến Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến bản chất của Ngài, đó là: Tình Yêu. Toàn bộ lịch sử cứu độ muốn nói lên phẩm tính đó nơi Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, từ lời nói đến hành động cũng đều nhằm diễn tả tính chân thực này.

Tuy nhiên, hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu lấy thừng làm roi, đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ và xô đổ bàn ghế của họ. Liệu cử chỉ này có bị mâu thuẫn với chính Đức Giêsu và lời dạy của Ngài trước đó không? Chúng ta cần trả lời ngay rằng: Không! Tại sao vậy?

Nếu Đức Giêsu làm lơ, thì họ sẽ hiểu sai mục đích của đền thờ và biến nó thành nơi buôn bán, gian tham, không đúng mục đích. Khi có buôn bán là sẽ có nhiều nguy cơ lọc lừa, trộm cướp...

Ngày nay cũng vậy, trong đời sống đức tin, nhiều người chỉ có vỏ mà không có chất lượng. Tức là chỉ có con người mà những phẩm tính tốt đẹp thì không có. Chỉ mang danh là Kitô hữu, còn làm chứng thì không, nên nhiều khi trong tâm hồn đủ thứ xấu xa tội lỗi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Đền thờ ấy phải là đền thờ sống động nhờ trong trắng, không gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thanh tẩy linh hồn chúng con, để tấm lòng chúng con được sạch tội và trở nên trong trắng, ngõ hầu xứng đáng đón Chúa ngự vào trong tâm hồn mỗi ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

-----------------------------

 

Suy Niệm 6: Nhà cầu nguyện


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tâm hồn ta là đền thờ Thiên Chúa ngự, nên phải giữ gìn thật trong sáng, không bị hoen ố bởi dục vọng xấu xa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ Giêrusalem và chứng kiến cảnh hỗn độn bán buôn ồn ào. Chúa đã không để nhà Chúa biến thành sào huyệt trộm cướp. Chúa quả quyết: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện”. Chúa đuổi tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Chúa muốn những gì dành cho Thiên Chúa phải xứng đáng với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, nhà thờ là trung tâm của cộng đồng giáo xứ. Mỗi khi đến nhà Chúa con mong được tận hưởng bầu khí trang nghiêm thánh thiện. Con quyết tâm góp phần mình, cả vật chất và tinh thần, để nhà Chúa luôn trở nên xứng đáng là nơi nguyện cầu, là điểm hẹn cho mọi người đến gặp gỡ Chúa. Ước gì từ nơi nhà thờ Giáo xứ, đời sống tâm linh của con được nuôi dưỡng và thăng tiến từng ngày.

Hôm nay, Chúa đến với tâm hồn con như một ngôi đền thánh đầy vẻ tôn nghiêm và thánh thiện. Đó là điều Chúa mong muốn và chờ đợi. Xin ban cho con lòng mến yêu tôn thờ để con biết dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Chúa biết con hơn chính bản thân con. Xin đừng để con tính toán cầu lợi và mặc cả với Chúa trong những lời cầu xin.

Lạy Chúa, mỗi ngày giờ, từng phút giây, đang có biết bao tâm hồn vươn cao hướng về Chúa. Con xin hợp lời ca tụng Chúa. Nhưng cũng có bao kẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc bôi bác, lợi dụng với lời cầu xin. Xin Chúa thanh luyện để con giữ được đền thánh phúc vinh trong tâm hồn. Con xin dâng tâm hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa thánh hóa con. Amen.

Ghi nhớ: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa”.

-----------------------------

 

Suy Niệm 7: Dụ ngôn cây vả chết khô


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô ghi lại cách tóm tắt nhiều sự kiện và lời dạy của Đức Giêsu: Ngài nguyền rủa cây vả không sinh trái, xua đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ giáo huấn về sức mạnh của niềm tin, giá trị của lời cầu nguyện và lời mời gọi sống tha thứ để được tha thứ. Chúng ta chú trọng tới hai vấn đề là dụ ngôn cây vả và việc thanh tẩy đền thờ.

Bài Tin mừng kể lại hai câu chuyện có liên hệ với nhau và giải thích cho nhau. Đó là câu chuyện cây vả bị chúc dữ chết khô và câu chuyện xua đuổi những người buôn bán ở Đền thờ./Tại sao Đức Giêsu lại chúc dữ cây vả làm nó chết khô như vậy? Một lời chúc dữ thật kỳ lạ. Đối với Đức Giêsu, nếu chỉ nhằm thỏa mãn cơn đói, thì việc làm trên xem ra là cách phản ứng của một kẻ mất trí bất bình thường: nổi giận với một cây vào không thể sinh hoa trái./Đức Giêsu muốn làm một việc bí ẩn, được giải thích bởi câu chuyện xua đuổi những người buôn bán ở đền thờ liền sau đó. Nghĩa là Đức Giêsu không nhắm tới cây vả, nhưng là Đền thờ. Bởi vì Đền thờ đã không đáp lại sự trông chờ của Thiên Chúa, nó biến thành cái chợ, thành hang trộm cướp, nó khơi dậy sự phẫn nộ của Thiên Chúa và nó sẽ bị tàn phá. Như vậy, cây vả bị chúc dữ và chết khô là hình ảnh của đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa sau này (Lm. Phạm Văn Phượng, OP, Chia sẻ TM hằng ngày, tập 1, tr 81).

Để hiểu rõ hơn, cây vả và đền thờ là hai biểu tượng có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng nói lên thực trạng đạo đức lúc bấy giờ của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn.

Dân Do thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn để đón chờ Lời hứa Cứu Thế, nhưng sau bao nhiêu phép lạ Chúa làm, bao nhiêu những hồng ân Chúa trao, tới lúc này lòng dạ của họ vẫn chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng khác gì một cây vả bên ngoài rất xanh tươi, nhưng bên trong nó không còn khả năng sinh hoa kết trái. Cây vả không hoàn thành được nhiệm vụ của nó. Nó đáng nhận hình phạt bị chết khô./Đền thờ cũng vậy. Chức năng của Đền thờ là giúp người ta được gần gũi Chúa qua lời cầu nguyện, qua việc tạ ơn, qua việc tiếp xúc với Chúa. Nhưng Đền thờ đã không còn giữ được chức năng đó nữa. Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ với ước mong để trả lại cho Đền thờ những chức năng phải có. Nhưng rồi công việc của Chúa cũng chẳng thành công. Và cuối cùng Đền thờ đã bị tàn phá vào năm 70. Các nhà chú giải Kinh thánh coi đây là những hình ảnh Chúa muốn dùng để “thức tỉnh” chúng ta. Người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, nếu không cộng tác với ơn Chúa, để làm trổ sinh những hoa trái của đức tin và nếu cứ sống mãi trong cảnh tội lỗi như Đền thờ bị tục hóa, thì rồi cũng sẽ phải chung số phận như vậy.

Chính vì không muốn để con người biến Đền thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp mà Đức Giêsu đã tẩy uế Đền thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi tiền và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: “Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lừa lọc, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Đức Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Đền thờ ngày xưa.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lưu ý chúng ta phải tôn trọng Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, quy tụ các tín hữu, cử hành Phụng vụ Lời chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người có chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ chính là Hội thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín luỹ cao, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, ngôn ngữ, tốt xấu, miễn là có thành tâm đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

Truyện: Tâm sự của ông Mahatma Gandhi

Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể lại rằng: khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích và say mê đọc Kinh thánh, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”.

Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là đạo để giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn độ của ông từ bao thế kỷ. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.

Ngày kia, ông vào Nhà thờ để dự lễ và nghe giảng. Người ta chặn ông lại ở cửa Nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng: nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một Nhà thờ dành riêng cho người da đen.

Ông đã ra đi và không bao giờ trở lại Nhà thờ nữa.

 -----------------------------

 

Suy Niệm 8: Cây vả bị chúc dữ


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Miền Palestin hay trồng cây vả, cây nho, cây Oliva. Xin đừng lầm cây vả của Do Thái với cây sung của chúng ta. Cây vả của Do Thái: thấp, quả cây ăn ngon bổ, dùng làm bánh Gatô.

Hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả bị chúc dữ, để lại cho chúng ta bài học riêng. Chúng ta biết là Chúa Giêsu đang lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, người Biệt phái càng tranh luận gay gắt với Chúa. Trước những chống đối cứng lòng ấy, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh bóng bẩy. Số là hôm ấy lên Giêrusalem, Chúa thấy đói và đảo mắt nhìn lên cây vả không có trái, mà chỉ thấy cành lá xanh um (c.12). Thánh Máccô nói là chưa phải mùa quả vả (c.13). Thật ra, Chúa lên Giêrusalem vào đầu tháng 4 là lễ Vượt qua. Vào tháng tư, có thể nhìn thấy ít ra những quả nho nhỏ rồi, vào tháng hè quả chín. Nhưng Chúa Giêsu đã không tìm được một quả nào.

Cây vả là tượng trưng cho dân Do Thái được bàn tay yêu thương của Thiên Chúa quan phòng vun trồng trong đất hứa. Dân đó có sứ mệnh đón nhận Đấng Cứu Thế. Cây vả đó được săn sóc kỹ lưỡng bởi Maisen, các Quan án, Tiên tri... cây vả được chăm sóc bón tỉa bằng giới luật, bằng ơn huệ. Thân cây sần sùi tươi tốt sống qua bao nhiên biến cố của Ai Cập, nô lệ Babylon. Trở về đất hứa, họ cũng đã xây Đền thánh cử hành đại lễ, cũng có những lề luật về Sabát, ăn chay, cầu nguyện, việc lành. Nhưng tất cả trở thành thứ màn trình diễn mà trong lòng không nhắm hướng về Giavê, và cuối cùng Đấng Cứu Thế đến qua dân tộc Israel thì họ từ chối.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây vả được ươm trồng, đáng lẽ phải sinh hoa trái cho nhà nông, thì đã không được gì lại choán đất. Chúa đã nguyền rủa chúc dữ “Từ nay chẳng còn ai ăn trái cây mi” (c.14). Đấy là cây “trái cấm.” Kinh Thánh mô tả “Sáng sớm hôm sau cây vả đã chết khô đến tận gốc” (c.20). Các môn đệ ngạc nhiên, một phép lạ xảy ra dĩ nhiên làm ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu còn làm các ông ngạc nhiên hơn nữa, vì Ngài ban quyền năng cao hơn phép lạ đó. Đó là quyền năng của đức tin và của lời cầu nguyện. Phép lạ làm những chuyện hữu hình như “Cây cối héo tàn, chuyển núi dời non...” Nhưng lời cầu nguyện với đức tin sẽ làm Thiên Chúa “xúc động” mà làm như ý kẻ xin: “Tất cả những gì các ngươi cầu xin với lòng tin, thì sẽ được” (c.24).

Điều này không có nghĩa là khi chúng ta cầu nguyện có thể thay đổi chương trình của Thiên Chúa. Nhưng từ đời đời, Thiên Chúa đã biết đến lời cầu nguyện của chúng ta như thế và Ngài đã phác họa chi tiết chương trình cứu rỗi của Ngài. Cho nên đức tin và cầu nguyện cần hơn cả phép lạ vậy. Nếu không có đức tin và cầu nguyện thực sự thì giống như một thân cây xanh um và rồi chết khô héo úa ngày Chúa phán xét. Ngược lại, sống trong đức tin và cầu nguyện sẽ sinh thêm nhiều hoa trái, và bên ngoài thân cây có sù sì nhưng nhựa sống thật sự và âm thầm vì “Ai ở trong Ta sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5)

Cây chết khô là một lời cảnh báo nghiêm trọng là đời sống tín hữu phải luôn có hoa trái khi Chúa tới. Điều mà Chúa đòi không phải là hoa lá cành hay chỉ là những tư tưởng tốt, chưa đủ, mà là những việc tốt, những việc lành phúc đức, chứ không phải chỉ lời nói suông. Cho nên một người, một tâm hồn nhận nhiều ơn thánh mà không sinh hoa trái thiêng liêng thì càng bị án nặng nề. Phép lạ này chứng tỏ Chúa uy quyền toàn năng. Nhưng cũng nói lên giá trị của kinh nghiệm bằng lòng tin về phía con người chúng ta.

-----------------------------

 

Suy Niệm 9: Sống đạo thực sự trong Chúa


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Bài Tin Mừng hôm nay hơi dài và đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau:

A. Trước hết, là việc Chúa quở trách cây vả không trái và việc Ngài đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ. Đây là hai hình ảnh có tính biểu tượng rất cao.

Hai biểu tượng này có liên mật thiết với nhau. Chúng nói lên thực trạng đạo đức lúc bấy giờ của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn.

Dân Do Thái là dân được Chúa tuyện chọn để đón chờ Lời hứa Cứu Thế, nhưng sau bao nhiêu phép lạ Chúa làm, bao nhiêu những hồng ân Chúa trao, tới lúc này lòng dạ của họ vẫn chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng khác gì một cây vả bên ngoài rất xanh tươi nhưng bên trong nó không còn khả năng sinh hoa kết trái. Cây vả không hoàn thành được nhiệm vụ của nó. Nó đáng nhận hình phạt bị chết khô.

Đền thờ cũng vậy. Chức năng của Đền thờ là giúp người ta được gần gũi Chúa qua lời cầu nguyện, qua việc tạ ơn, qua việc tiếp xúc với Chúa. Nhưng Đền thờ đã không còn giữ được chức năng đó nữa. Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ với ước mong để trả lại cho Đền thờ những chức năng phải có. Nhưng rồi công việc của Chúa cũng chẳng thành công. Và cuối cùng Đền thờ đã bị tàn phá vào năm 70.

Các nhà chú giải Kinh Thánh coi đây là những hình ảnh Chúa muốn dùng để thức tỉnh chúng ta. Người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, nếu không biết cộng tác với ơn Chúa, để làm trổ sinh những hoa trái của đức tin và nếu cứ sống mãi trong cảnh tội lỗi như Đền thờ bị tục hóa, thì rồi cũng sẽ phải chung số phận như vậy.

Trong một xưởng lắp ráp tàu thuyền ở Belford xứ Irlande, người ta chuẩn bị hạ thủy một con tàu xuyên đại dương với cái tên gọi thật uy nghiêm: TITANIC.

Người ta tin rằng chiếc tàu vĩ đại này sẽ ngạo nghễ vượt sóng và coi thường những bão tố của biển cả.

Rất nhiều thợ đang bận rộn vào việc hoàn tất con tàu to lớn này. Trong số những thợ này có khá nhiều kẻ nghịch đạo. Họ đã viết trên vỏ tàu đủ loại lời lộng ngôn và đùa nghịch bất kính, phạm thượng, nhất là để tỏ vẻ khinh miệt các bạn bè có tín ngưỡng của họ.

Trong số những câu họ đã viết, có câu: “Chính ông Kitô cũng không thể làm cho nó chìm được”. Còn rất nhiều câu khác tương tự như thế nữa, mặc dù bị nước sơn phủ lên, nhưng chẳng bao lâu lại lộ ra. Có một người Công giáo làm việc tại đây. Người này đã tận mắt thấy những câu viết phạm thượng ấy, nên anh đã viết cho cha mẹ của anh ở Dublin những dòng chữ này:

“Con nghĩ rằng chiếc tàu sẽ không thể nào đến Mỹ Châu được vì những câu nói lộng ngôn tràn đầy ở hai bên hông tàu”.

Cha mẹ anh cho đến bây giờ vẫn còn giữ lá thư này như kỷ niệm cuối cùng của con họ. Linh tính đau buồn của anh đã trở thành hiện thực. Chiếc tàu Titanic đã không đến được Mỹ quốc. Trong đêm tối, nó đụng phải đá ngầm và đã chìm xuống đáy biển cùng với hầu hết số hành khách đi trên chiếc tàu ấy.

B. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.” (Mc 11, 22)

Bà mẹ kia có đứa con gái. Nhưng con bà đâm hư hỏng và đi làm chiêu đãi ở những hộp đêm. Lúc đầu bà buồn phiền và ngồi than thân trách phận, cho mình là vô phúc vì có một đứa con như thế. Nhưng rồi bà suy nghĩ lại, bà tự nhủ:

- Nếu thực sự tin Chúa, tin vào tình yêu ngài đối với mỗi con người, tin vào lòng quan phòng của ngài, thì tại sao ta lại không lên tiếng ca tụng Ngài dù trong bất cứ mọi hoàn cảnh nào. Vì nếu Ngài muốn thì cái gì cũng có thể cả.

Thế rồi từ đó trở đi, bà không còn buồn phiền mỗi khi nghĩ đến người con nữa, nhưng luôn lên tiếng ca khen Chúa. Lần kia, gặp người bạn tới chơi, bà nói với ông về đứa con gái của bà…

Ông này dò hỏi và biết cô con gái của bạn mình làm ở đâu. Biết được chỗ làm việc của người con gái, một lần kia ông đích thân đến quán snack bar nơi cô làm việc.

Đúng như dự tính, ông đã gặp người con gái ấy trong quán bar này. Lúc đầu khi gặp cô, xem ra cô hơi ngạc nhiên một chút. Nhưng rồi cố lấy lại bình tĩnh và hành xử như là không có gì xảy ra. Sau khi đã kêu hai ly nước, ông mời cô ngồi xuống bên cạnh mình. Ông nhìn cô bằng một cặp mắt cảm thông. Thay vì cô được nghe những lời xàm xỡ như bao lần, cô đã nghe được từ người đàn ông này những lời khác:

- Đức Kitô yêu cô lắm!

Nói xong, ông nhìn cô với một cặp mắt trìu mến rồi thanh toán những thứ cần thanh toán và lẳng lặng ra về.

Không bao lâu sau, người ta thấy người con gái đó bên cạnh mẹ mình tại nhà thờ với tất cả sự thanh thản của một tâm hồn đã được đổi mới.

Vâng! Một bông hồng có thể mọc lên từ một đống phân!

-----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây