Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật MC 3-A Bài 201-207: Chúa Giêsu - Nguồn Nước Hằng Sống

Thứ tư - 22/03/2023 22:49
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật MC 3-A Bài 201-207: Chúa Giêsu - Nguồn Nước Hằng Sống
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật MC 3-A Bài 201-207: Chúa Giêsu - Nguồn Nước Hằng Sống
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật MC 3-A Bài 201-207: Chúa Giêsu - Nguồn Nước Hằng Sống
----------------------------------
Phúc Âm: Ga 4, 5-42 (bài dài): "Mạch nước vọt đến sự sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói "tôi không có chồng" là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".
Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm". Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế". - Ðó là lời Chúa.
------------------------
MC 3-A201: BÀI GIÁO LÝ GIỮA NGỌ.. 2
MC 3-A202: NƯỚC GIẢI KHÁT THỰC.. 6
MC 3-A203: KHÁT VỌNG SỐNG.. 8
MC 3-A204: CHỚ CÓ THAN! 14
MC 3-A205: CUỘC GẶP GỠ ÂN TÌNH.. 16
MC 3-A206: CHÚA GIÊSU GIÚP KHÁM PHÁ VÀ GIẢI TỎA CƠN KHÁT VÔ BIÊN NƠI CÕI LÒNG TA.. 18
MC 3-A207: AI CÓ THỂ LÀM ĐẦY CƠN KHÁT?. 22

--------------------------------------------

 

MC 3-A201: BÀI GIÁO LÝ GIỮA NGỌ

 

Để nắm bắt được ý nghĩa bài đọc 1 sách Xuất Hành hôm nay (Xh 17:3-7), chúng ta cần nhớ lại MC 3-A201


Để nắm bắt được ý nghĩa bài đọc 1 sách Xuất Hành hôm nay (Xh 17:3-7), chúng ta cần nhớ lại những việc xẩy ra ở chương 16, trong đó đoàn chiên nhỏ bé của Thiên Chúa đã than trách ông Môsê vì bị đói khát, thiếu đồ ăn nước uống. Thiên Chúa đã từng nghe tiếng than van của dân vì bị cảnh nô lệ áp bức ở Ai Cập (Xh 3:7), bây giờ Người lại phải nghe tiêng kêu than vì đói khát nên đã ban cho họ bánh manna và chim cút. Ra khỏi Ai Cập, họ thiếu thức ăn, một thử thách mới của họ là thiếu nước uống.

NƯỚC VÀ THỨC ĂN TRONG CỰU ƯỚC

Trong câu 1 chương 17 sách xuất hành (Xh 17:1), người kể truyện chỉ nói là dân chúng vì không có nước uống đã gây lộn với ông Môsê. Có lẽ vì kinh nghiêm chuyện cũ, ông Môsê cho việc dân cãi lộn với ông tức là cãi lộn với Chúa (Xh 17:2). Ông hành sử giống như trong Xuất Hành 16:8. Ông nói “Chúng tôi là gì? Các anh than trách không phải là than trách chúng tôi, mà là than trách Thiên Chúa.” Trong khi ông Môsê để ý đến chuyện bất hòa giữa dân với ông thì Chúa lại nghĩ khác. Chúa động lòng trắc ẩn. Thiên Chúa của Israel đã không kết án những người Do Thái than van, nhưng lại truyền cho Môsê tụ họp các kỳ mục lại rồi đưa họ lên núi Horeb chỗ hòn đá, dùng cây gậy đập vào đó để có nước. Đây là cây gậy mà Môsê đã dùng để làm nhiều phép lạ ở Ai Cập. Chúa lại nói cho Môsê yên tâm vì có Chúa hiện diện: “Còn ta, ta sẽ đứng kia trước mặt ngươi” (c.6). Trước kia thì cho manna và chim cút từ trời, bây giờ thì nước từ hòn đá. Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho dân Người biết Người là Chúa muôn vật. Hai từ Massah và Meribah có nghĩa là cố gắng thử thách, ám chỉ nơi mà dân Israel chống lại Thiên Chúa ở trong hoang địa: “Anh em chớ có thử thách Thiên Chúa như đã thử ở Massah (Dnl 6:16). Khi dân chúng muốn thử Thiên Chúa là họ muốn thấy có Thiên Chúa hiện diện với họ một cách rõ ràng. Hành động muốn thử thách Thiên Chúa được cắt nghĩa ở câu 7b khi họ không tin có Chúa ở với họ.

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI ĐÀN BÀ SAMARI VÀ CHÚA GIÊSU

Chủ đề khát và nước lại tiếp tục trong câu chuyện Tin Mừng rất lý thú và gợi hình hôm nay. Chuyện người đàn bà Samari gặp chúa Giesu vào chính ngọ (Ga 4:5-42). Người đàn bà này phải được coi là một giáo lý viên nhiệt thành và cẩn thận nhất trong Tin Mừng Gioan. Câu chuyện có lúc như khôi hài, lại không đúng với khung cảnh của giếng Jacob nằm sâu trong lòng Samari. Giếng này là giếng công chung cho tất cả mọi người, thì mọi người phải ở đó cùng một lúc để lấy nước. Tại sao người đàn bà này lại đến giếng vào chính ngọ? Có lẽ những người đàn bà khác ở trong làng đã muốn tránh mặt bà vì tư cách của bà không đàng hoàng. Bà có 5 chồng, bây giờ lại đang ở với một người đàn ông khác không phải là chồng (c.16-18)!

Theo phong tục, một người đàn ông nói chuyện với một người đàn bà không chồng ở nơi công cộng thì rất đáng nghi ngờ. Người Do Thái coi người đàn bà Samari không được trong sạch, do đó họ không được uống nước do người đàn bà đó đưa. Vì vậy các môn đệ rất ngỡ ngàng khi thấy Chúa Giêsu nói chuyện với người đàn bà Samari này. Người đàn bà đó đã hỏi Chúa Giêsu: “Ông nghĩ rằng ông lớn hơn tổ phụ Jacob chúng tôi sao, ngài đã cho chúng tôi giếng nước này, và ngài cùng con cháu chúng tôi đã uống, cả đàn gia súc của ngài nữa” (c.12). Câu chuyện kết thúc bất ngờ khi Chúa Giêsu yêu cầu bà ta: “Chị hãy đi gọi chồng chị đi!” Trong lúc đàm thoại với người đàn bà, Chúa Giêsu đã tỏ lộ Chúa thực sự lớn hơn tổ phụ Jacob và, Chúa đã ban một giao ước mới, một nghi lễ mới và một mạc khải mới.

Khi Chúa Giêsu đề nghị cho người đàn bà “Nước Hằng Sống” thì bà ta trả lời là “ông không có gầu để kéo nước vì giếng này sâu lắm” (c.11). Người đàn bà lúc đó nghĩ nước Chúa nói là nước lưu thông không phải nước ao tù. Nhưng khi nghe nói về nước đưa đến sự sống vĩnh cửu thì bà ta hiểu ngay và nói: “Vậy xin ông cho tôi nước đó….” Nước sự sống nghĩa là nước mặc khải mà Chúa Giêsu mang lại. Người đàn bà được Chúa Giêsu mời gọi để nhìn biết toàn thể vấn đề ở một mức độ mới: Có nước, rồi nước hằng sống; bánh và thức ăn là ước nguyện của Thiên Chúa; Jacob và Chúa Giêsu; Đấng Thiên Sai đã hứa và Chúa Giêsu; ý niệm về thờ kính và thờ phượng thực sự; cứ thế mà tiếp tục…Thờ phượng Chúa Giêsu “trong Thần Khí và sự Thật” (c.23) không phải là thờ phượng trong tâm trí mình. Thần Khí này là linh trí được ban cho anh em bởi Thiên Chúa là Sự Thật và có khả năng giúp anh em thờ phượng Thiên Chúa một cách thích đáng (Ga 14:16-17).

Người đàn bà khi khám phá ra Chúa Giêsu đã biết sự thật của bà thì liền bỏ gầu múc nước ở đó đi vào thành kêu gọi mọi người ra gặp Chúa Giêsu: “Hãy đến mà coi! Đây là Người đã nói với tôi tất cả mọi sự mà tôi đã làm. Ông ta chẳng phải là đấng thiên sai hay sao?” Điều đó phải chăng cũng có lý khi chúng ta cảm thấy niềm tin của mình bị sa sút, hay khi chúng ta làm một điều gì đó để khuyên giải người khác đến với Chúa Giêsu là Nguồn Mạch sự Sống?

NGƯỜI SAMARI THỜI NAY

Trong bài Tin Mừng Gioan hôm nay, Chúa Giêsu đã vượt qua rào cản văn hóa để đến với người đàn bà Samari. Những người phụ nữ như bà đang sống bên lề xã hội thời tổ phụ. Những người phụ nữ giống như bà đang phải còng lưng gánh nước về cho gia đình và gia súc. Những hình ảnh này chúng ta thường nghe biết thấy trên báo chí truyền thanh truyền hình và mạng lưới toàn cầu, những hình ảnh từ thế giới thứ ba đang kêu gào van xin chúng ta một tình thương. Họ là những người đàn bà nội chợ, có trách nhiệm việc nhà, bếp núc, giặt dũ, chăm nom con cái….

Một cách nào đó, khi người đàn bà xin Chúa nước hằng sống có thể hiểu là một ao ước, thèm khát, trống rỗng cần phải được bồi đắp cho đủ. Cuộc đàm thoại của Chúa với bà đã hoàn toàn biến đổi bà. Cuối cùng, bà bỏ chiếc gầu “trống rỗng, khô cạn và thèm khát” của bà bên bờ giếng rồi đi tìm những người mà trước đây bà và họ tránh né không muốn gặp nhau. Bà chia sẻ với họ nỗi vui mừng khi bà được giải phóng lúc gặp Chúa Giêsu. Vì bị loại trừ, bị đẩy ra rìa xã hội, bà thèm khát được sát nhập, được chấp nhận là thành viên của cộng đồng. Bây giờ bà được Chúa Giêsu chấp nhận, bà đã có một nhân cách thực sự có ý nghĩa mà bà đã tìm kiếm và chờ mong từ lâu!

Ngày nay, có nhiều “bà Samari” dưới nhiều hình thức khác nhau đang ước mong được giải phóng. Họ khao khát được mọi người hiểu và chấp nhận họ vào lại xã hội mà họ đã là thành viên từng bị loại trừ. Hãy thử nghĩ đến nạn buôn người, những phụ nữ, những cô gái đang cần những người như Chúa Giêsu biết lắng nghe nguyện cầu của họ, nói thay cho họ và mang họ thoát khỏi cảnh oan nghiệt sa đọa đó. Nhiều người nhìn họ như là phạm nhân, cặn bã của xã hội, đẩy họ ra lề đường vì họ là tỵ nạn, di dân ra đi để kiếm việc làm và an ninh tốt hơn để giúp đỡ gia đình. Tình trạng ghê gớm nào ở trong gia đình, trong nước họ đã khiến họ phải phiêu lưu như vậy? Những hy sinh mà họ đang chịu chỉ vì hoàn cảnh xã hội chính trị kinh tế và vì chính những người thân yêu của họ. Họ cần được chúng ta giúp đỡ đòi lại nhân cách mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Câu chuyện người đàn bà Samari là một ẩn dụ về chính cuộc đời chúng ta, cuộc đời sa mạc bị bỏ quên, tội lỗi và tuyệt vọng. Trong mùa Chay này chúng ta đang chờ đợi những giòng nước mát tinh tuyền, thống hối và tha thứ. Thống hối là nhận biết những nhu cầu của chúng ta trong đời sống ở giữa sa mạc, nhu cầu phá bỏ những hàng rào ngăn cách chúng ta và tha nhân, nhu cầu tìm nước hàng sống là nước làm cho ta thực sự hết khát. Mùa Chay mời gọi chúng ta đến với người phụ nữ Samari trong câu truyện Tin Mừng hôm nay và những người phụ nữ Samari khác trên khắp thế giới và tất cả những ai đang tha thiết cần sự sống. Chớ gì Thiên Chúa giúp chúng ta can đảm đến với họ, lắng nghe họ, cho họ ăn, chia sẻ với họ nước sự sống.

Vào mùa Chay 2011, ĐGH Biển Đức XVI đã viết:

“Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samari là: ‘Cho ta xin chút nước uống’ (Ga 4:7) là diễn tả cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vì mọi người, đồng thời ước mong thức tỉnh trong tâm chúng ta lòng mong ước có được tặng phẩm là “một suối nước nội tâm, chảy cuốn đến đời sống vĩnh cửu” (Ga 4:14). Đây là tặng phẩm của Chúa Thánh Thần, biến đổi những Kitô hữu thành “những tín đồ thực sự”, biết cầu xin Thiên Chúa Cha “trong thần khí và sự thật” (Ga 4:23). Chỉ có loại nước này mới làm cho chúng ta hết khát điều thiện hảo, sự thật và vẻ đẹp! Chỉ có nước này, do Thiên Chúa Con ban cho, mới có thể tưới mát những tâm hồn khô cạn như sa mạc luôn thao thức và bất mãn, cho đến khi nó tìm ra được sự yên nghỉ trong Chúa.

LỜI KẾT: SỐNG MÙA CHAY THÁNH

1- Trong mùa Chay, chúng ta khao khát những gì? Và tìm kiếm những gì?

2- Suy niệm lời của Jean Vanier dựa vào bài Tin Mừng hôm nay: “Những đổ vỡ của chúng ta như là vết thương qua đó sức mạnh của Thiên Chúa có thể xâm nhập con người chúng ta và biến đổi chúng ta. Cô đơn không phải là điều chúng ta phải xa lánh, nhưng từ đó chúng ta có thể kêu van lên Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa sẽ tìm thấy chúng ta và chúng ta tìm thấy Thiên Chúa. Vâng, đúng vậy. Qua những vết thương của chúng ta, quyền lực Thiên Chúa có thể xâm nhập chúng ta và trở thành giống như những giòng sông có nước hằng sống để tưới ướt trái đất khô cằn trong chúng ta để rồi chúng ta có thể tưới mát trái đất khô cằn của những người khác cho hy vọng và tình yêu được tái sinh.”

3- Đọc các đoạn #97-98 “Lời Chúa và chứng nhân Kitô hữu” trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng các Giám Mục về LỜI THIÊN CHÚA (Verbum Domini)

4- Tuần này, chúng ta hãy đến với những người sống bên lề xã hội vào giữa trưa, đúng giờ ngọ, không phải ở giếng nước nhưng trong một quán café, lúc giải khát, tại bàn ăn, nơi công viên hay khu thương mại của thành phố. Hãy lắng nghe một câu chuyện tang thương, đau khổ, kinh hãi của một người nào đó. Hãy để cho nước hằng sống của lòng trắc ân Chúa Kitô chảy qua bạn rồi chảy sang tưới ướt cuộc sống sa mạc của một ai đó. mục lục

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

-------------------------------------

 

MC 3-A202: NƯỚC GIẢI KHÁT THỰC

 

Văn hào Maksim Gorky người Nga (1868-1936) có lần được mời sang Mỹ du lịch. Trong thời gian MC 3-A202


Văn hào Maksim Gorky người Nga (1868-1936) có lần được mời sang Mỹ du lịch. Trong thời gian lưu trú, hằng ngày ông được bạn hữu đem đi chỗ này chỗ khác để giới thiệu về sự phồn vinh của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ: hôm thì đi xem trình diễn nhạc kịch, hôm thì viếng thăm khu vui chơi giải trí, hôm lại tiệc tùng tại các nhà hàng sang trọng… Sau hơn một tuần cho nhà văn hưởng nếm những kỳ thú tuyệt vời của nền văn minh vật chất tư bản, người ta xin ông cho một nhận định, Gorky trả lời : “Tôi nghĩ rằng chắc tâm hồn các ông buồn bã và trống rỗng lắm!”

1. Nỗi lòng khao khát.

Câu chuyện đơn giản trên đây minh họa một điểm mà người phụ nữ Sa-ma-ri đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chị ta nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?”. Nhưng Đức Giê-su cắt nghĩa cho chị rằng Người không định nói đến thứ nước vật chất dùng để làm dịu cơn khát thông thường, mà là thứ nước thiêng liêng làm dịu cơn khát tâm linh. Người vừa chỉ vào giếng vừa nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”. Nghĩa là về mặt thân xác, tất cả chúng ta bị khát thế nào thì về mặt tâm linh, tất cả chúng ta cũng bị khát như thế. Vậy khát tâm linh là gì ? Đâu là sự trống rỗng bên trong mà tất cả chúng ta từng cảm nghiệm?

Các tác giả Cựu Ước đều cho rằng đó là một “cơn khát Thiên Chúa”. Chẳng hạn Thánh vịnh 42 viết: “Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong; hồn con cũng trông mong, được gần Ngài lạy Chúa” (Tv 42,2). Tương tự như thế, I-sai-a cũng thuật lại lời Chúa phán bảo : “Đến cả đi, hỡi những người đang khát… Hãy lắng tai và đến với Ta” (Is 55,1.3). Cuối cùng, Giê-rê-mi-a cũng so sánh Thiên Chúa như “mạch nước trường sinh” tuôn trào (Gr 17,13). Cơn khát mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm (mặc dầu có thể không nhận ra) là cơn khát Thiên Chúa. Đây là một cơn khát nội tâm mà hễ là người ai nấy đều có cả. Thánh Augustinô đã cắt nghĩa như sau : “Lạy Chúa, chúng con được tạo nên cho Chúa, nên tâm hồn chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Đức cha Maurice d'Hulst (1841-1896, một nhà giảng thuyết lừng danh) cũng từng viết: “Trái tim con người ngay từ đầu đã bị một mũi tên từ vô biên bay xuống làm tổn thương. Không ai có thể chữa được vết thương này, trừ Đấng đã gây ra nó”. Một văn sĩ khác còn diễn tả cách thi vị hơn : “Nơi tâm hồn chúng ta có một lỗ hổng hình Thiên Chúa mà chỉ một mình Người mới có thể lấp đầy nổi”.

Nhưng khổ thay, đó là tấn bi kịch rất phổ biến của thế giới đương đại. Bi kịch đó là chúng ta đang gắng lấp đầy lỗ hổng hình Thiên Chúa trong trái tim chúng ta bằng những cái khác chứ không phải là Người. Như chị phụ nữ trong Tin Mừng khao khát một tình yêu, nhưng lại tìm cách thỏa mãn qua việc tuần tự lấy ông chồng này đến ông chồng khác, rốt cục sáu ông cả thảy, chúng ta cũng đang gắng tìm cách thỏa mãn cơn khát tâm linh mình bằng những thứ không phải là Thiên Chúa. Văn sĩ Frank Sheed người Anh có nói: Trái tim mọi người đều mang một cơn khát thiêng liêng. Nhưng thay vì thỏa mãn cơn khát đó theo lối tinh thần, chúng ta lại thường dùng vật chất như của cải, lạc thú, sắc đẹp, kiến thức, danh vọng, quyền lực. Nhưng dùng của cải vật chất trần thế để làm dịu cơn khát thiêng liêng chẳng khác nào dùng nước muối để giải tỏa cơn khát của thân thể. Càng uống chúng ta càng cháy cổ họng. Nhận định của văn hào Maksim Gorky trên đây về những kẻ theo đuổi phồn vinh vật chất thật là thâm thúy.

Rõ ràng là nếu chỉ có thành công về vật chất thôi thì chúng ta sẽ vẫn còn thấy trống rỗng trong tâm hồn. Nơi đâu nhiều người tự tử bằng các nước giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển…? “Lắm khát vọng vô biên lại đụng phải những miếng mồi nhạt nhẽo” (Maurice Blondel). Biết bao kẻ “đã ôm siết trong bàn tay thất vọng”, “dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất” (Xuân Diệu)!

2. Thỏa lòng khát khao.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chỉ một mình Chúa Giê-su mới có thể thỏa mãn được cơn khát sâu xa đích thực trong tâm hồn chúng ta. Chỉ một mình Chúa Giê-su mới có thể lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống con người. Là Con Thiên Chúa, Người đã đến để trám lỗ hổng hình Thiên Chúa trong mỗi tâm can. Là Hoàng tử Bình an, Người đã đến để tiêu trừ nỗi xao xuyến khắc khoải trong trái tim nhân thế. Và đó cũng chính là nỗi khát khao của Người : khao khát làm vọt lên những suối nước trong tâm hồn chúng ta. Cách thức độc nhất để xứng với lòng khao khát đó chính là khát khao Người. Ước muốn đáp lại ước muốn, tình yêu đáp lại tình yêu.

Nhưng muốn Người trở thành nước giải khát đích thực cho bản thân mình, chúng ta phải làm như người phụ nữ, xuống dần trong cái giếng sâu là mầu nhiệm bản thân Đức Giê-su : một kẻ xa lạ khốn khổ đang mệt và khát… một người Do-thái “biết Đấng mình tôn thờ…” nhưng lại “lớn hơn tổ phụ Gia-cóp”, thủy tổ dân Ít-ra-en… một ngôn sứ đọc thấy lòng người và đoán được mọi ưu tư thầm kín… Đấng Mê-si-a chờ đợi có khả năng làm vọt lên nước trường sinh… và dạy cho nhân loại biết cơn khát đích thực của họ: tôn thờ Chúa Cha trong thần khí và sự thật… tóm lại là Cứu tinh của thế giới!

Muốn Chúa Giê-su giải khát tâm hồn, phải trở thành những kẻ thờ phượng thật mà Chúa Cha tìm kiếm. Thờ phượng thật là không coi Thiên Chúa như một vị thần ta sẽ tìm đủ mọi cách sai khiến hay mua chuộc để thủ lợi, một thủ kho ta sẽ tìm cách đút lót nịnh bợ để được nhiều vật tư, là không coi Thiên đàng như một nơi thỏa mãn mọi thứ ham muốn, bù lại những tháng ngày trần gian thiếu thốn đói khổ (như một số tôn giáo vẫn trình bày và một số Ki-tô hữu vẫn tưởng nghĩ). Nếu Thiên đàng là nơi muốn gì được nấy (kể cả những khao khát vật chất, xác thịt, phàm tục), thì Thiên đàng ấy cũng chẳng bao giờ làm ta thỏa mãn. Vì sự thỏa mãn đích thực, hạnh phúc sâu xa chính là yêu và được yêu một cách tuyệt đối. Chúng ta đã được “lập trình” như thế rồi. Điều này chỉ có thể thực hiện trong và nhờ Thiên Chúa Tình Yêu thôi. Thờ phượng thật mới đem tình yêu đáp lại tình yêu của Người, mà vẫn không ngừng coi Người như Thiên Chúa.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

--------------------------------

 

MC 3-A203: KHÁT VỌNG SỐNG

 

Chúa Xin Thế Gian Nước Giải Khát, Ngài Tặng Nhân Loại Nguồn Trường Sinh. Văn sĩ triết MC 3-A203


Chúa Xin Thế Gian Nước Giải Khát,
Ngài Tặng Nhân Loại Nguồn Trường Sinh.


Văn sĩ triết gia Denis Diderot (1713-1784, Pháp) xác định: “Il n'y a qu'une seule passion, la passion pour le bonheur.” – Chỉ có một khát khao, khát khao hạnh phúc. Chỉ những người sống mới có khát khao đó. Thiên Chúa tạo dựng con người vì Ngài muốn họ sống hạnh phúc mãi mãi, thậm chí hạnh phúc ngay ở thế gian này. Khát vọng sống – cả thể lý và tinh thần – là khát vọng chính đáng, vừa mạnh mẽ vừa sống động.

Cuộc sống có nhiều khát vọng liên quan tinh thần và thể lý. Về tâm linh, Thánh LM TS Thomas Aquinas (1225-1274) soạn kinh nguyện chuẩn bị Thánh Lễ thế này: “Con bệnh tật tìm đến Bác Sĩ Sự Sống, con không tinh tuyền tìm đến Giếng Nước Lòng Thương Xót, con mù lòa tìm đến Ánh Sáng chói lọi đời đời, con nghèo nàn và thiếu thốn tìm đến Chúa Tể Càn Khôn.” Ước gì chúng ta cũng có “cơn khát” như thánh nhân!

Trình thuật Ga 4:5-42 nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một phụ nữ Samari bên giếng nước. Chị khát khao được sống thật và được Ngài ban cho loại nước trường sinh bất tử, uống vô hết khát liền. Thánh sử Gioan kể: Một hôm, Chúa Giêsu đến thành Xykha thuộc xứ Samari, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse và có giếng của ông Giacóp. Ngài đi đường mỏi mệt nên ngồi ngay xuống bờ giếng, còn các môn đệ vào thành mua thức ăn, vả lại lúc đó khoảng mười hai giờ trưa, nắng như lửa thiêu. Lúc đó có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu xin chị chút nước uống. Chị ngạc nhiên: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”

Chị rất ngạc nhiên vì thời đó người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Nhưng Chúa Giêsu vẫn giao tiếp và nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’ thì hẳn chị ĐÃ xin, và người ấy ĐÃ ban cho chị nước hằng sống.” Chúa Giêsu dùng thì quá khứ trong khi Ngài nói là hiện tại. Điều đó cho thấy rằng những gì Ngài nói đều là sự thật, như Ngài xác định với tổng trấn Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT.” (Ga 18:38)

Phụ nữ Samari vô danh thắc mắc rằng Chúa Giêsu không có gầu, giếng lại sâu, làm gì có được nước hằng sống mà cho. Chị không hiểu ý Ngài. Chị còn chứng minh rằng tổ phụ Giacóp với cả con cháu và đàn gia súc cũng xài nước giếng này. Chúa Giêsu lại cười hiền và nói: “Này chị Hai, ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời đấy.” Có lẽ lúc đó chị gãi đầu thầm nghĩ: “Lạ dữ nghen!” Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng chắc hẳn chị cảm thấy tin tưởng “Anh Chàng” này nói thật, vì thấy có gì đó rất kỳ lạ. Thế là chị nói ngay: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”

Chẳng nói có cho hay không, nhưng Ngài bảo chị gọi chồng ra. Chị bảo rằng chị chỉ có một mình thôi, không chồng con chi cả. Ngài bảo chị nói đúng. Ngài nói thẳng rằng chị đã có năm đời chồng, ngay cả người hiện đang sống với chị cũng không phải là chồng. Chắc đó là dạng “sống thử” hoặc “nửa nhân ngãi, nửa vợ chồng” đây. Chị hết hồn hết vía vì thấy Chúa Giêsu không phải thầy bói mà nói trúng phoóc. Ngại thì ngại nhưng chị cũng phải công nhận ngay trước mặt Ngài: “Ông ơi, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” Ngài còn bảo không được thờ phượng Thiên Chúa trên núi nữa, mà Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa. Kể ra chị Hai ngoại giáo này cũng dễ tiếp thu “cái mới” đấy. Thật tuyệt vời!

Vào thẳng vấn đề, Chúa Giêsu nói: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Chị Hai này hay thiệt, xem chừng giỏi Kinh Thánh nữa, vì chị nghe Chúa Giêsu nói vậy mà không thắc mắc mà còn xác định: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đúng vậy. Giỏi thật. Chúa Giêsu không từ chối: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” Chị thật diễm phúc vì được gặp và nói chuyện với chính Đức Giêsu Kitô, Đấng phải đến thế gian.

Ngay lúc đó, các môn đệ đi mua đồ ăn về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Thầy nói chuyện với một phụ nữ nhưng không ai dám hỏi gì. Sau đó, người phụ nữ phấn khởi đến nỗi bỏ vò nước lại, chạy vào thành và bảo người ta đến xem một “Người Lạ” rất giống Đấng Kitô. Chị này tự nguyện làm nhân chứng sống. Thế là dân thành tuôn ra như trẩy hội. Được tận mắt thấy một “Dị Nhân” độc nhất vô nhị là cơ hội ngàn vàng. Vừa lạ lùng vừa thú vị. Chắc là ai cũng rất phấn khởi vì thỏa mãn niềm khát khao lâu nay.

Chắc là ai cũng đói vì trời đã quá trưa, các môn đệ thưa: “Thưa Thầy, xin mời Thầy dùng bữa.” Nhưng Ngài “bóng gió” với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ lại gãi đầu và ngơ ngác nhìn nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Có thể họ tưởng Thầy ăn rồi. Các ông không biết Thầy nói về siêu lương thực là “thi hành ý Chúa Cha và hoàn tất công trình cứu độ.” Phải vậy thôi, trò Kitô hữu hơn thầy, bằng thầy cũng khá lắm rồi. (x. Mt 10:24-25)

Thánh sử Gioan cho biết rằng, hôm đó có nhiều người Samari trong thành đã tin vào Đức Giêsu, vì lời chứng của chị Hai Samari: “ÔNG ẤY NÓI VỚI TÔI MỌI VIỆC TÔI ĐÃ LÀM.” Và lời chứng đó đã có hiệu quả ngay lập tức: nhiều người tìm đến với Ngài. Quả thật, chỉ Thiên Chúa mới có thể THẤU SUỐT MỌI SỰ (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) nên Ngài biết trước mọi sự.

Hôm đó, dân Samari xin Ngài ở lại với họ, chắc hẳn Ngài rất vui nên đã ở lại đó hai ngày. Số người tin lời Ngài gia tăng nhiều. Họ bảo chị Hai ngoại giáo: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” Không sao, chị Hai không hề buồn, chị chỉ muốn người ta cũng tin như chị vậy. Chúng ta là những người được Chúa tuyển chọn, cách này hay cách khác – giáo sĩ, tu sĩ, hội viên các hội đoàn,… Liệu chúng ta có cảm thấy tự thẹn với chính mình? Thiên Chúa đã chọn chị Hai ngoại giáo làm chứng cho Ngài.

Có nhiều dạng khát – cả thể lý và tinh thần, với mức độ khác nhau. Cơn khát nào cũng cần được giải khát. Khát là trạng thái thiếu nước, phải có nước để giải khát. Đồ uống cần gấp hơn đồ ăn, vì người ta có thể nhịn đói lâu hơn nhịn khát. Chúa Giêsu đã nói: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42) Điều nhỏ mà lợi to.

Rất cấp bách đối với cơn khát thể lý, nhưng còn cấp bách và mãnh liệt hơn nhiều đối với cơn khát tâm linh.

1. THÂN XÁC KHÁT

Trình thuật Xh 17:3-7 cho biết hành trình về Đất Hứa. Suốt 40 năm đi qua hoang địa, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” Nắng đồng bằng đã khó chịu rồi, nắng cao nguyên cũng ghê gớm lắm, nắng sa mạc thì hẳn là như lửa. Chịu không nổi cái nắng nóng nên dân muốn nổi loạn, ông Môsê cũng “ngán” lắm nên kêu xin Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”

Không cần biết phải trái thế nào, dễ bị ném đá chết như chơi, vì đá luôn có sẵn, muốn “chơi” thì cứ lấy đá chọi thẳng tay ngay. Đáng quan ngại lắm. Nghe ông Môsê kêu cầu, Đức Chúa phán: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khôrếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Thế thì còn gì bằng! Ông Môsê nghe vậy và làm ngay trước mắt các kỳ mục Israel. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, nghĩa là THỬ THÁCH và GÂY SỰ, vì con cái Israel đã dám gây sự và thử thách Đức Chúa mà nói: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” Đó là nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta cũng đã có lúc “đặt vấn đề” về đức tin như vậy, mặc dù chúng ta không nói ra.

Có phải dân Israel “uống thuốc liều” quá chỉ định nên dám gây sự và thử thách Chúa, kiểu “bán trời không cần văn tự” chăng? Chúng ta cũng chẳng hơn gì, có khi còn “liều” hơn họ. Thật vậy, khi gặp gian nan thử thách theo kiểu “mắc nối tiếp” như các bóng điện nối nhau, dạng “họa vô đơn chí,” chắc là cũng đã có những lần chúng ta nghi ngờ về Thiên Chúa: “Thực sự có Thiên Chúa hay không?” Có những người còn liều hơn – kể cả người Công giáo, đã từng dám thốt lên: “Trời không có mắt, trời mù!” Đúng là người ta “liều” hơn dân Israel xưa!

Mùa nào cũng là mùa sám hối, ngày nào cũng là Mùa Chay, khi nào cũng là lúc tĩnh tâm, không trong Mùa Chay, Mùa Vọng, hoặc dịp đặc biệt. Đó là sẵn sàng dầu đèn như 10 cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể. (x. Mt 25:1-13) Giáo Hội ấn định Mùa Chay như tiếng chuông cảnh báo để “đánh động” mạnh hơn, nhất là đối với ai còn “ngủ mê,” do đó mà có nghiêm luật: Xưng tội mỗi năm ít là một lần và rước lễ trong Mùa Phục Sinh.

Khi nhìn vào thiên nhiên, người ta khả dĩ nhận biết Thiên Chúa. Đơn giản nhất là không khí. Không có không khí thì không gì có thể sống được. Cái cực tiểu nhưng lại là cực đại. Không có ánh nắng thì ai cũng như mù vậy. Vì thế, hãy nghe lời Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2) Thánh Vịnh gia nói thêm: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.” (Tv 95:6-7a)

Trong Mùa Chay, chúng ta thường xuyên được nhắc nhở câu này: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:7b-9) Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Đây thời kỳ Chúa thi ân, Thời gian cứu độ dành phần cho ta.” (2 Cr 6:2) Khi đề cập Mơriva và Maxa tức là nhắc nhở chúng ta “đừng gây sự và thử thách Thiên Chúa.”

2. TÂM HỒN KHÁT

Có vẻ đơn giản mà phức tạp: Tin là chấp nhận hay từ chối. Đức tin là một trong các “mối phúc ngoại lệ,” [*] và có thể làm người ta nên công chính. Thánh Phaolô cho biết: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:1-2)

Thánh Phaolô giải thích rất dễ hiểu: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Điều gì cũng được diễn tả rất chi tiết và mạch lạc khi đọc các thư của Thánh Phaolô.

Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa quá vĩ đại, quá cao thượng, và đó là Lòng Thương Xót. Cũng đã có lần Chúa Giêsu minh định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Tha thứ đã khó rồi chứ nói chi chết thay ai đó. Đó là dạng khát “không giống ai,” rất khác lạ. Sẵn sàng tha thứ là làm thánh. Thế nhưng đâu mấy ai làm được. Phàm nhân thật yếu đuối!

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta còn nghe văng vẳng tiếng kêu thảm thiết của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá trên Đồi Sọ năm xưa: “Tôi khát!” (Ga 19:28) Cơn khát của Chúa Giêsu liên quan cả thể lý lẫn tinh thần, đặc biệt là “khát tình.” Ngài khát yêu thương, muốn thương xót mọi người, nhưng người ta làm ngơ. Ngài còn có cái khát khác thường là “khát đau khổ,” Ngài bằng lòng uống “chén đắng,” uống vui vẻ và uống say sưa. Thế mà chúng ta lại nhẫn tâm đối xử tệ bạc với Ngài, chẳng khác bọn thủ ác cho Ngài nếm giấm chua, (Ga 19:29) và ứng nghiệm lời Thánh Vịnh: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua.” (Tv 69:22)

Trong Mùa Chay, ước gì mỗi người đều biết thực sự khát khao điều công chính, luôn tin kính Đức Kitô y như chị Hai Samari và dân thành Xykha, đồng thời luôn xác tín: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42:3) Chị Hai Samari và dân thành Xykha đã tin vào “Người Lạ” là điều hợp lý và đúng ý Chúa. Chúng ta đều là tội nhân bất xứng, không đáng tiếp cận Ngài, nhưng Ngài vẫn đại lượng: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3) Tất nhiên chúng ta cũng phải “hỷ xả” với bất kỳ ai.

Một trong những điều liên quan khát vọng sống là ước mơ. Văn thi sĩ Kahlil Gibran (1883-1931, Liban) nói: “Hãy tin tưởng vào những ước mơ, vì bên trong chúng ẩn chứa cánh cổng vào cõi vĩnh hằng.”

Lạy Thiên Chúa, xin Ngài là tất cả của đời chúng con, xin cho chúng con luôn biết khát khao sống – sống tạm đời này và nhất là SỐNG VĨNH HẰNG bên Ngài, sẵn sàng đập bỏ chiếc bình tội lỗi bên giếng đời, dám đốt chiếc áo tội lỗi để mặc chiếc tinh tuyền, xin Thần Khí Ngài tác động để chúng con mau mắn đáp lại lời kêu khát của Chúa Giêsu hiện thân nơi những con người bé nhỏ trên đường lữ hành. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Thomas Aq. Trầm Thiên Thu

------------------------------------
[*] Ngoài Tám Mối Phúc “nòng cốt” (Mt 5:3-11; Lc 6:20-23) còn nhiều các “mối phúc” khác được đề cập trong Kinh Thánh: Lc 7:22-23; Lc 11:28; Lc 14:15; Ga 20:29; Rm 4:7-8; Rm 14:22; Tv 1:1-2; Tv 33:12; Tv 112:5-6; Tv 106:3; Tv 119:1-2; Tv 144:15; Tv 146:5; Cn 3:13; Cn 8:32; Cn 8:34; Hc 28:19; G 5:17; Is 56:2; Gr 17:7; Gc 1:12; Gc 5:11; Kh 1:3; Kh 19:9; Kh 20:6.

-----------------------------------

 

MC 3-A204: CHỚ CÓ THAN!

 

Bạn có biết tại sao cơn thịnh nộ của [Thiên Chúa đã] bừng lên và lửa của ĐỨC CHÚA bốc cháy MC 3-A204


Bạn có biết tại sao cơn thịnh nộ của [Thiên Chúa đã] bừng lên và lửa của ĐỨC CHÚA bốc cháy nơi họ ở và thiêu hủy [con cái Ít-ra-en]… và tại sao rắn độc đến cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết” (Ds 11:1,21:6) không? Là bởi vì cái tội THAN đấy! Bạn mở Kinh Thánh ra thì sẽ thấy!

• Sau khi bước qua Biển Đỏ ráo chân, họ bắt đầu than: "Phải chi chúng tôi chết…

trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê… [còn hơn là] phải chết đói cả lũ ở đây! "(Xh 16:3).

• Rồi sau khi được Đức Chúa ban cho bánh Manna và chim cút ăn no nê, họ lại than: "Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi" (Ds 11:4-6).

• "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ man-na vô vị này” (Ds 21:5).

Bạn thấy có từ THAN nào bao hàm sự vui vẻ hay tốt lành không? Tôi đố bạn tìm ra một từ THAN nào mà bao hàm ý nghĩa của sự vui vẻ và tốt lành đấy! Than luôn đi đôi với bi quan, chán chường, buồn bã, phiền muộn…

• THAN PHIỀN: Hễ THAN là sẽ có PHIỀN đi theo sau liền: Phiền muộn, phiền hà, phiền toái, phiền lụy, phiền lòng, phiền não, phiền phức, phiền nhiễu…

• THAN TRÁCH: Hễ THAN là sẽ có TRÁCH đi theo sau ngay: Trách cứ, trách mắng, trách móc…

• THAN VAN: Khi THAN tức là bắt đầu VAN: Van lơn, van lạy, van xin, van nài...

Bạn thân mến, trong cuộc đời của tôi và của bạn, đã không ít lần, nếu không muốn nói là rất nhiều lần, chúng mình đã thường hay THAN PHIỀN, THAN TRÁCH và THAN VAN khiến cho ông bà, cha mẹ, bề trên, cha xứ, cha phó, con cái, cháu chắt, anh chị em, những người chung quanh…và cả Chúa nữa rất buồn phiền.

• “Trời ơi! Sao tôi khổ thế này? Con ốm, bố đau, mẹ nằm bệnh viện, vợ thất nghiệp, không có bảo hiểm, nghèo túng …Tại sao Chúa trao thánh giá cho con nặng nề quá như vậy?”

• Than thân trách phận vì đã vớ phải một ông chồng lười biếng, say xỉn và nghiện ngập…hay đã xui sẻo lấy phải một bà vợ lắm điều, không biết nấu ăn, không biết tiết kiệm, chỉ hoang phí là giỏi!

• Than trách cha khó tính, mẹ khó chịu, bố mẹ chồng khó nết, bố mẹ vợ khó khăn…

Bạn thấy THAN có lợi gì hay không vậy? Chắc chắn là không lợi tí nào cả, nhưng chỉ toàn lại độc hại mà thôi!

• Khi than được đốt lên thì khí oxygen sẽ bị đốt hết, chỉ có khí độc carbon thôi. Cũng vậy, khi tôi than phiền, than trách và than van là lúc đó bầu không khí vui tươi, lạc quan, bình an trong gia đình của tôi sẽ bị đốt cháy hết! Lúc đó chỉ có buồn phiền, bi quan, và bất an thôi.

• Khi than được tung ra khỏi bao, thì bụi bặm sẽ bao trùm và làm cho căn phòng của chúng mình ra ô uế. Cũng thế, khi tôi và bạn than phiền, than trách và than van thì lúc đó bầu khí trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ…của chúng mình sẽ bị ô uế, bẩn thỉu và dơ dáy lắm! Hít vào là phổi tiêu liền! Nó còn độc hại và nguy hiểm hơn Coronavirus nhiều! Thay vì than phiền, than trách và than van, bạn và tôi hãy học nơi Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se nhân đức thinh lặng.

Thật vậy, khi Thánh Cả Giu-se và nhất là Mẹ Maria gặp những nghịch cảnh và khi đứng trước tất cả những biến cố đau khổ nhất của cuộc đời, các ngài không than phiền, không than trách và cũng không than van, nhưng đã thinh lặng để “ghi nhớ tất cả những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19).

Chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau, xin Chúa giúp sức để tôi và bạn, trong mùa Chay thánh này cố gắng tránh hết sức, đừng để cho bất cứ loại THAN có cơ hội cháy lên trong tâm hồn, trong gia đình, trong Cộng đoàn Dòng tu và trong Giáo xứ của chúng ta. THAN mà cháy lên là sẽ CHẾT đấy! Chớ có dại mà THAN!

Tôi tin chắc rằng, khi chúng mình tống khứ tất cả mọi thứ THAN ra khỏi tâm hồn, biết chấp nhận tất cả mọi thử thách trên cuộc đời này, thì cá nhân, gia đình, Cộng đoàn và Giáo xứ mới có được một bầu không khí trong lành, vui tươi, lạc quan và tràn đầy sức sống. Chúc bạn những ngày chay thánh còn lại tràn đầy ơn của Chúa.

Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD

------------------------------

 

MC 3-A205: CUỘC GẶP GỠ ÂN TÌNH

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay năm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su MC 3-A205


Bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay năm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Samaria tại bờ giếng Gia-cóp. Cuộc gặp gỡ được đặt trong bối cảnh của một buổi trưa. Không ai đi lấy nước giữa trưa trong một ngày nóng bức cả, trừ phi người đó chọn đúng thời điểm để không gặp ai hết.

Sau này dựa vào tình tiết của câu chuyện, chúng ta biết bà đã từng sống chung với năm người đàn ông khác nhau và không có người đàn ông nào là chồng của chị cả. Đó là sự thật bà cần phải đối diện chứ không được phép trốn tránh. Xét cho cùng, không lẽ một người phụ nữ, do hoàn cảnh, đã phải chung sống với năm ông khác nhau mà không một ông nào là chồng của chị, cuối cùng lại bị kết án là do tội của chị gây ra hay sao?

Người ta dùng luật để lên án, buộc tội rồi xa lánh chị. Chị bị coi thường và sống rất cô độc. Chị cố gắng giành lấy tình yêu để lắp đầy nỗi trống vắng và tâm hồn cô đơn của chị. Rồi cũng chính chị lại bóp nghẹt và giết chết tình yêu bằng lối sống ‘mò mẫm, vụng về trong yêu thương’ của chị.

Sau cùng, giống như tất cả chúng ta, trong nỗi đau khổ tột cùng của cuộc sống, chị chán nản và lâm vào tình trạng ‘trầm cảm’, không còn nhận ra giá trị con người trong cuộc sống của chị nữa.

Cho đến hôm nay, lần đầu tiên trong đời, chị gặp một người đàn ông tên là Giê-su, một con người chỉ biết yêu và cho đi. Còn về phần Đức Giê-su, Người muốn dùng cuộc gặp gỡ này để mở cho chị một con đường mới, con đường của sự thật, con đường dẫn chị đến việc nhận ra Chúa là Đấng Cứu Độ. Đàng sau quá khứ của chị, Đức Giê-su đã nhìn thấy hình ảnh xinh đẹp của một con người. Người mong muốn hình ảnh đó được tái tạo và không cần chị đền đáp hay trả ơn. Người trao ban cho chị món quà tặng nhưng không.

Đức Giêsu bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách ngỏ lời xin nước để uống cho đỡ khát. Một lời xin rất thực tế và phù hợp với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Đức Giê-su chuyển vai rất khéo, thay vì ban ơn thì Người lại xin chị. Bằng cách này Đức Giê-su tự đặt bản thân của Người vào một mối quan hệ với người phụ nữ đó. Điều này giúp chị nhận ra rằng sự hiện diện của chị thật có giá trị. Không lẽ đây là lần đầu tiên chị có cảm giác rằng mình thật đáng quí; có người cần đến chị. Đức Giê-su đang ở trước mặt chị. Người không ở xa.

Người đang hiện diện và mời chị bước vào mối tương quan do Người thiết lập. Người biết rõ và chấp nhận quá khứ của chị. Không cần phải lo lắng hay tìm cách để bào chữa nữa. Người thương yêu chị và chính tình yêu này là cánh cửa mở cho chị một cuộc sống mới. Chúa không lên án. Mời chị nhìn nhận sự thật, tạo cho chị thêm can đảm để đối diện với nỗi khao khát chân thật, xuất phát từ cõi lòng của chị. Chỉ có như thế, Chúa mới có dịp để lấp đầy.

Anh chị em thân mến,

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a được công bố trong Mùa Chay nhằm nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Giê-su mong muốn gặp chúng ta. Hy vọng chúng ta mở cửa lòng để đón nhận lời mời của Chúa hôm nay.

Thật vậy, Mùa Chay là cơ hội đặc biệt mà Thiên Chúa dùng để thu hút chúng ta trở về với nguồn suối tình yêu của Người. Chúng ta không ngồi đó, dán mắt nhìn vào cuộc sống của quá khứ, ân hận, than trách rồi để cho mặc cảm tội lỗi đè nén khiến chúng ta không vươn ra khỏi chính mình. Trái lại, khi tập trung cuộc sống vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta thấy rõ hơn tình Chúa thương yêu ta đến dường nào. Người yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa đang nói với mỗi người rằng: hãy nhìn Thầy!

Đừng tập trung và dán mắt nhìn vào cảm giác tội lỗi rồi làm cho chúng ta sợ hãi! Hãy nhảy vào vòng tay yêu thương của Người để cảm nhận tình yêu thương chan chứa của Người dành cho ta! Thiên Chúa chờ đợi và mời chúng ta đi vào mối quan hệ gắn kết và yêu thương của Người. Chúng ta đuợc dựng lên cho Chúa và chỉ có Chúa mới thỏa lấp đuợc nỗi khát khao trong cuộc sống của chúng ta mà thôi!

Thiên Chúa chọn ta trước khi ta đáp trả lời mời gọi của Người. Đức Giê-su chủ động trong việc thiết lập quan hệ với chúng ta. Quá khứ tội lỗi, cuộc sống lộn xộn của chúng ta không làm cho Người thay đổi ý định. Trái lại, cuộc sống của chúng ta càng lộn xộn, chúng ta càng cần tình yêu của Người và Người càng muốn yêu chúng ta hơn.

Đức Giê-su khao khát được ở bên chúng ta, để chúng ta nói chuyện và chia sẻ cuộc sống của mình với Người. Đó là những gì mà người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a đã trải qua và ngày hôm Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta bước vào hành trình tìm kiếm để gặp gỡ và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa đang đợi ta bên các giếng nuớc của cuộc đời. Tại nơi đó, còn bao nhiêu người đang khát khao chờ đợi uống nước hằng sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta san sẻ cho họ.

Như người đàn bà xứ Sa-ma-ri-a, chúng ta cũng đuợc mời gọi đi gặp Chúa, để từ nay sẽ không còn vất vả băn khoăn tìm nước và của ăn hay hư nát, vì Chúa chính là suối nguồn ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, là cùng đích mà cuộc đời chúng ta nhắm đến. Và một khi đã được no thỏa ân tình vô biên của Chúa, chúng ta mau mắn và hân hoan ra đi chia sẻ ân tình này cho người khác. Amen!

Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT

-----------------------------

 

MC 3-A206: CHÚA GIÊSU GIÚP KHÁM PHÁ VÀ GIẢI TỎA CƠN KHÁT VÔ BIÊN NƠI CÕI LÒNG TA

 

Vào thế kỷ thứ I, cách gọi “một tên Samari” là điều kinh khủng nhất người ta có thể gọi một người MC 3-A206


Vào thế kỷ thứ I, cách gọi “một tên Samari” là điều kinh khủng nhất người ta có thể gọi một người Do thái, có thể coi đây là một lời “xỉa xói, khinh bỉ” - điều mà những kẻ gièm pha Chúa Giêsu gọi Ngài trong Tin mừng Gioan: “Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?” (Gn 8: 48). Cách gọi đó là một trong những cách sỉ nhục trầm trọng nhất đối với một người Do Thái; nó đồng nghĩa với gọi người ấy là đồ con hoang, một kẻ bỏ đạo, một kẻ lạc giáo. Vậy nên thật táo bạo biết bao khi Chúa Giêsu kể câu chuyện về người Samari nhân hậu! (Lc 10: 30). Và hôm nay, Ngài tham gia cuộc trao đổi kéo dài với một phụ nữ Samari mà Ngài gặp bên bờ giếng, rồi sau đó chào đón cả cộng đồng Samari của cô khi họ tìm gặp Ngài: “Họ ra khỏi thành và đến gặp Ngài” (Gn 4: 30).

Đây là câu chuyện về một người phụ nữ gặp Chúa Giêsu bên giếng nước. Cô ấy đến giếng vào giữa trưa nắng nóng: “Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa” (Gn 4: 6) để né tránh những người phụ nữ khác trong thị trấn của cô; cô sợ phải chịu những lời đàm tiếu và phán xét của họ đối với cô, vì trong thị trấn của cô hầu như ai cũng biết cô là một phụ nữ tội lỗi công khai. Cô bị các phụ nữ khác xa lánh, bởi thế cô phải ra giếng vào giữa trưa, là giờ dành cho đàn ông, thay vì vào buổi sáng hay ban chiều cùng với các phụ nữ trong sạch khác.

Tại giếng cô gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói chuyện với cô một lúc và cô vô cùng xúc động trước cuộc trò chuyện xem ra bình thường nhưng lại có sức biến đổi này.

Chính Chúa Giêsu ngỏ lời trước với cô: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Gn 4: 3-7), điều này đã làm cô rất sửng sốt. Cô là một phụ nữ Samari và Chúa Giêsu là một người Do Thái. “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samari” (Gn 4: 9). Đàn ông Do Thái lại càng không nói chuyện với phụ nữ Samari: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Gn 4: 9).

Chúng ta ngày nay cần hiểu phụ nữ bị đối xử như thế nào trong văn hóa Trung Đông thời đó. Trong bài chú giải về Tin mừng Gioan, William Barclay viết:

Các Giáo sĩ nghiêm khắc cấm một Giáo sĩ chào hỏi một người phụ nữ ở nơi công cộng. Một Rabbi ngay cả có thể không nói chuyện với vợ, con gái hoặc em gái của mình ở nơi công cộng. Thậm chí có những người Pharisêu bị gọi là “những người Pharisêu chết tiệt và dã tâm” vì họ nhắm mắt khi nhìn thấy một người phụ nữ trên đường phố và họ liền tránh đi, nép vào các bức tường của ngôi nhà gần đó! Đối với một Rabbi mà người ta thấy nói chuyện với một phụ nữ ở nơi công cộng là dấu chấm hết cho tiếng tăm của ông ta- vậy mà Chúa Giêsu lại nói chuyện với người phụ nữ này. Không chỉ là một phụ nữ; cô ấy cũng là một phụ nữ tai tiếng. Không một người đàn ông tử tế nào, chứ đừng nói đến Rabbi, lại để cho mình bị nhìn thấy chung với cô ấy, hoặc thậm chí trao đổi một lời với cô ấy - vậy mà Chúa Giêsu đã nói chuyện với cô ấy. [*]

Chúa Giêsu xin uống nước từ vò nước của cô. Yêu cầu này đã gây sốc cho người phụ nữ này. Cô có thể nhận biết người đàn ông này là người Do Thái, đơn giản bởi vẻ ngoài của Ngài và bởi những chiếc tua trên gấu áo cầu nguyện của Ngài. Cô không chỉ là một người Samari, mà còn là một phụ nữ, nhưng Ngài đã xin uống nước từ vò nước của cô, một điều thường là kinh tởm đối với một người Do Thái. Tuy nhiên, các rào cản tập tục, văn hóa, niềm tin của các dân tộc ở những vùng miền khác nhau không ngăn cản được Chúa Giêsu. Cô là một người phụ nữ cần sự giúp đỡ, và vì vậy, Chúa Giêsu đã tìm đến cô. Chúa Giêsu không nói với cô về vấn đề quan hệ tình cảm riêng tư của cô mà về sự nhận biết ân huệ của Thiên Chúa: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Gn 4:10). Đó không phải là “một trong muôn ngàn điều thường ngày” mà người ta tìm kiếm, ngay cả đó là một hệ thống niềm tin cụ thể hoặc một mầu nhiệm nào đó được mặc khải; thay vào đó, Tin Mừng là về con người của Chúa Kitô và sứ điệp mà Ngài mang đến: Ngài là Nước Hằng Sống cho linh hồn chúng ta.

Không chỉ vậy, lời của Chúa Giêsu đã tác động sâu sắc đến cô tới mức cô quên mất mình đang đến giếng lấy nước: “Người phụ nữ để vò nước lại” (Gn 4: 28) mà chỉ còn quan tâm đến việc: “vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm” (Gn 4:29)

Cô ấy bị ấn tượng rằng Chúa Giêsu biết tất cả về quá khứ của cô ấy như thể Ngài là một thầy pháp thuật đọc được tâm trí của người đối diện. Chúa Giêsu đã nói với cô tất cả về những va vấp đổ vỡ hoặc tội lỗi trong quá khứ và hiện tại của cô: “Ngài bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây ." Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng ." Chúa Giêsu bảo: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng” (Gn 4:16-18).

Điều thực sự khiến cô xúc động sâu xa là cho dù Chúa Giêsu biết tất cả về cô, về những mối quan hệ tình cảm tan vỡ trước đây và về người mà hiện nay cô đang sống chung nhưng không phải là chồng của cô, Ngài vẫn đối xử với cô bằng sự tôn trọng cao nhất và vẫn coi cô là người có phẩm giá cần được tôn trọng. Đây là một cung cách đối xử mà cô không nhận được từ những người khác, thậm chí từ những người Samari đồng hương của cô, nói chi từ người Do thái vốn coi người Samari là người ngoại giáo! Chúa Giêsu có đủ lý do để coi khinh cô, một người Samari, vì dân tộc của cô đã bỏ các truyền thống của tiền nhân, đã để cho đạo giáo của họ lây nhiễm thói tục ngoại giáo và sống trong tình trạng ô uế về tế tự và bất tuân Lề luật Môsê. Thế nhưng ở đây, Chúa Giêsu không hề tỏ ra một chút gì khinh bỉ hoặc sỉ nhục như thế với cô. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ với cô ấy!

Chúng ta căm ghét người khác vì nhiều lý do: chính trị, lịch sử, tôn giáo, huyết thống, cách nghĩ…và chúng ta bắt đầu đối xử với họ như kẻ thù.

Chúng ta ghét người khác vì họ không giống chúng ta, và vì điều đó làm chúng ta khó chịu. Chúng ta không bằng lòng về cách họ sinh hoạt và cư xử khác chúng ta, cứ như họ cố tình xúc phạm các chuẩn mực cuộc sống hoặc đang đánh cắp mất đạo lý của chúng ta... Sự thù ghét bắt đầu từ đâu đó giống như vậy.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng người phụ nữ Samari ấy hàng ngày đã phải chịu đựng  một thứ khinh bỉ từ cộng đồng của cô. Cách cô ấy sống trong quá khứ và cách cô ấy sống ở hiện tại không phải là một lối sống chấp nhận được. Và cô ấy cảm thấy xấu hổ vì mất nhân phẩm, vì không có danh phận, vì khả năng yêu thương chân thành đáng trân trọng của một người phụ nữ bị phủ nhận…Khát khao của cõi lòng sâu thẳm của cô bị phủ nhận, vùi dập, dù nó vẫn còn âm ỉ ở đó, nhưng dường như không ai biết, ngay cả chính cô cũng không biết cách nào để khơi nguồn hoặc đốt lên một đốm lửa cho khát vọng đang lụi tàn đó của cô! Cô đến giếng nước vào giữa trưa, nóng bức, đơn chiếc, cô quạnh. Cô đang trốn tránh những người khác, che dấu nỗi lòng đầy u uẩn của mình. 

Nhưng đây là Chúa Giêsu. Ngài biết tất cả về cô nhưng vẫn muốn ban cho cô Nước Hằng Sống. Ngài muốn thỏa mãn cơn khát mà cô đang cảm thấy trong tâm hồn. Khi Ngài nói chuyện với cô, và khi cô kinh nghiệm được sự dịu dàng và chấp nhận của Ngài, cơn khát đó bắt đầu được giải tỏa.

Điều cô ấy thực sự cần, tất cả chúng ta cần, là tình yêu và sự chấp nhận trọn vẹn con người của mình, kể cả vô vàn tội lỗi và thất bại hoặc thất vọng trong đời. Điều này chỉ mình Chúa Giêsu mới thực hiện được. Ngài thực hiện điều đó cho cô, và Ngài thực hiện điều đó cho mỗi người chúng ta.

Người phụ nữ đã bỏ đi và “để vò nước lại” (Gn 4:28) bên giếng. Cô chưa lấy được nước uống mà cô ấy đến giếng để lấy, nhưng cơn khát nơi sâu thẳm cõi lòng của cô đã được giải tỏa nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Cô không còn khát nữa, về mặt tâm linh. Chúa Giêsu, Nước Hằng Sống, đã giải tỏa sự khát khao sâu kín của lòng cô.

Không chỉ giải tỏa niềm khát mong của một mình cô, lời giảng dạy của Chúa Giêsu còn mang lại niềm tin cho nhiều người Samari đồng hương của cô: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Chúa Giêsu” (Gn 4:39). Hơn thế nữa, lời của Chúa Giêsu như cơn mưa tưới mát tâm hồn lâu nay khô cằn của họ đến mức “khi đến gặp Ngài, dân Samari xin Ngài ở lại với họ.” Chúa Giêsu luôn dành thời gian cho mọi người, bất kể họ đã phạm tội gì, bất kể lối sống của họ ra sao, Ngài sẽ tiếp cận họ, gần gũi bên họ, sống cùng họ: “và Ngài đã ở lại đó hai ngày” (Gn 4:40). Chúa Giêsu đã thu hút những người khao khát tâm linh. Ngài đang thực hiện điều mà khi xưa Thiên Chúa phán với Môsê trong bài đọc thứ nhất: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khôrếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17: 5-6). Ngài luôn sẵn sàng bộc lộ tấm lòng Chúa Cha cho họ: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Gn 4:2-24). 

Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm về sự khao khát không thể phủ nhận trong tâm khảm của chúng ta. Một khi nhận thức được điều đó, chúng ta hãy đưa ra lựa chọn có ý thức để Chúa Giêsu làm chúng ta thỏa thuê bằng Nước Hằng Sống, tức là Tình Yêu của Thiên Chúa trong Thánh Thần của Ngài, như Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5:5).

Lạy Chúa, Ngài là Nước Hằng Sống mà linh hồn con cần đến. Xin cho con biết “để vò nước lại” đàng sau, những thứ vò nước trần gian không bao giờ thỏa mãn sự khao khát vô biên của chúng con. Xin cho con được gặp Ngài trong ngày nắng nóng, trong những thử thách của cuộc đời, trong sự xấu hổ và tội lỗi của con. Xin cho con gặp được tình yêu, sự dịu dàng và sự chấp nhận của Ngài trong những lúc như vậy, và xin cho Tình yêu đó trở thành nguồn sống mới của con. Amen.

Phêrô Phạm Văn Trung.

[*] https://www.studylight.org/commentaries/eng/dsb/john-4.html

------------------------------

 

MC 3-A207: AI CÓ THỂ LÀM ĐẦY CƠN KHÁT?

 

Nội dung Lời Chúa ba Chúa nhật đầu mùa Chay có liên hệ  mật thiết. - Chúa nhật I: bốn cuộc cám MC 3-A207


Nội dung Lời Chúa ba Chúa nhật đầu mùa Chay có liên hệ  mật thiết.

- Chúa nhật I: bốn cuộc cám dỗ cho ba con người. Chỉ với cuộc cám dỗ đầu, tổ tông ngã nhào vì bất tuân lời Thiên Chúa, ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình.

Ba cuộc cám dỗ còn lại xảy ra với Chúa Giêsu. Chúa chiến thắng ngoan cường nhờ không ngừng sống Lời Thiên Chúa, không ngừng hiến thân cho Thiên Chúa, cho trần gian, cho công trình cứu chuộc dành cho trần gian.

Như vậy, có đến hai tấm gương phạm tội của Ađam, Evà, và chỉ có một tấm gương chiến thắng của Chúa Giêsu.

Dù là gương chiến thắng hay chiến bại trong cám dỗ, tất cả trở thành bài học kinh nghiệm dạy ta ra khỏi chính mình, sống cho Thiên Chúa, cho anh em và luôn trung thành tuân giữ Lời Thiên Chúa.

- Chúa nhật II: Đức tin chịu thử thách. Tổ phụ Abraham vâng lệnh Thiên Chúa, bỏ nhà, bỏ quê hương ra đi, bắt đầu chuỗi xin vâng trong nhiều biến cố đau đớn diễn ra suốt đời Tổ phụ.

Còn các Thánh Tông đồ, dù chứng kiến cuộc hiển dung vinh quang của Chúa, nhưng đó chỉ là một giấc mơ thoáng qua. Các ngài phải xuống núi, phải trở về đời thực, và sẽ nếm trải nhiều thử thách lớn và đau đớn khi cùng Chúa Giêsu chấp nhận Thánh giá, không phải một thoáng qua, không là một ngày một buổi, nhưng liên tục xin vâng trong suốt quảng đời còn lại của mình.

Qua mẫu gương sống đức tin của tổ phụ Abraham, của các thánh tông đồ, Hội Thánh muốn ta vững vàng trong thử thách bằng sự cậy trông vào Chúa, dám để Chúa dẫn dắt đời mình.

- Hôm nay, Chúa nhật III: Qua gặp gỡ, đối thoại cùng phụ nữ  Samari ở giếng Giacob, Chúa mạc khải, Chúa là sự sống và sự sống trường sinh.

Sự sống trường sinh Chúa ban cho chị khi thức tỉnh tâm hồn chị, giúp chị nhận ra tình trạng tội lỗi. Chúa cũng ban cho chúng ta chính sự sống ấy.

Như mọi anh chị em của mình, cũng là người, Kitô hữu dù bước theo Chúa Kitô, Đấng là chính sự sống và trao ban sự sống, vẫn không thoát khỏi những cám dỗ làm chao đảo đức tin. Có lúc vì yếu đuối, nông nổi, họ đã sa ngã thật. Sa ngã cách đớn đau như Ađam, Evà xưa.

Người Kitô hữu cũng không được đặt bên ngoài những thử thách của đời sống. Như Tổ phụ Abraham và các tông đồ, dù chân thành theo Chúa, đức tin người Kitô hữu cần được trui rèn, cần được giáo dục qua những thử thách.

Tuy nhiên, họ có lý tưởng cao cả vượt lên trên mọi thứ có thể cảm nhận, nhìn ngắm hay cầm nắm, dù những thứ ấy quý giá đến đâu. Lý tưởng cao cả ấy là sự sống trường sinh do đức tin mách bảo. Sự sống trường sinh chính là mong ước tương lai, là hy vọng vĩnh cửu, là lẽ sống của những ai tin vào Chúa và sống đức tin của mình.

Chỉ có Chúa Kitô, Nguồng Sống thật mà họ trao gởi hết tình yêu, hết niềm tin, trọn bản thân, trọn cuộc đời, mới thỏa mãn niềm thao thức trường sinh.

Vì thế, họ nỗ lực từng ngày vượt qua mọi cám dỗ, đạp trên mọi thử thách để đoạt bằng được chính Chúa, sự sống trường sinh của họ.

Chính Chúa Kitô ban ơn cần thiết để họ mạnh mẽ và can đảm sống niềm khát khao vĩnh cửu bằng tất cả lương tâm lương thiện và thánh thiện của mình.

Câu chuyện về sự gặp gỡ giữa Chúa và phụ nữ xứ Samari trên bờ giếng Giacop có một chi tiết nghịch lý thú vị, rất quan trọng đáng chúng ta lưu ý nhằm đánh thức ý thức hướng thiện của mình.

Chi tiết quan trọng đó là: Người xin nước uống trở thành người trao ban; còn người cho nước trở thành người lãnh nhận.

Chị, người được Chúa xin nước, lại là người lãnh nhận kho tàng không thể có bất cứ điều gì so sánh. Kho tàng ấy là chính Chúa, mạch suối trao ban sự trường sinh, đó là được sống chính sự sống của Chúa, sống vĩnh cửu.

Đường xa, Chúa khát nước, xin người phụ nữ cho chút nước giải khát.

Bằng hành động xin nước, Chúa giúp chị, cũng là giúp chúng ta khám phá cơn khát của mình: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: xin cho tôi uống nước, thì chắc bà sẽ xin Người và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Chúa tiếp tục dẫn chúng ta vào chiếm hữu sự sống trường sinh: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát: nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.

Vẫn chưa đến lúc chấm hết. Càng đi xa hơn với Chúa, con người càng được phát triển đức tin. Chị phụ nữ thật thà bật thốt với tất cả lòng thành: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”.

Chỉ chờ một lời tuyên xưng quả cảm như thế, Chúa Giêsu tỏ lộ trọn vẹn bản thân: “Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với bà đây”.

Phúc lớn cho chị vì đã vui lòng chấp nhận để Chúa dẫn lối. Và cũng sẽ phúc cho chúng ta, nếu biết mở rộng lòng đón nhận Chúa, đón nhận lời mạc khải, nhờ đó Chúa đưa chúng ta vào sự thật muôn đời bất tử là chính Chúa.

Hóa ra cần đến nước nhưng không phải là nước. Trong hoàn cảnh này, nước chỉ là biểu tượng của sự sống trường sinh. Và Chúa Giêsu, người đến xin nước không phải để uống nước, nhưng để trao ban chính mình.

Khai mở bằng một cơn khát nước của Đấng Cứu Chuộc, nhưng kết thúc không phải là một cơn, mà là cả một niềm khao khát mãnh liệt vươn tới tình yêu vĩnh cửu, vươn tới sự sống thường hằng và bình an đích thực của người đã có thể ý thức mình tội lỗi.

Bằng một cơn khát thể lý của Đấng Cứu Chuộc, đã có thể tạo đà cho nhân loại đi tới một cơn đói khát tâm linh, cần thiết để chuẩn bị nhân loại mở lòng đón nhận ơn cứu chuộc là chính Đấng Cứu Chuộc.

Hóa ra từ sự khát nước, Chúa dẫn ta đến chân lý: Tìm cách bù trừ khát vọng tâm linh bằng bất cứ sự thỏa mãn trần gian, thỏa mãn dục tính, thỏa mãn đam mê nào ngoài Thiên Chúa, người ta sẽ chới với, sẽ hụt hẫng, sẽ trống vắng, sẽ càng lúc càng đói khát hơn.

Cơn khát tâm linh, chỉ có Đấng thuộc về tâm linh mới có thể lấp đầy.

Cơn khát nước thể lý không làm người ta chết, nhưng để mình bị đói khát, thiếu thốn Thiên Chúa, người ta sẽ chết đời đời.

Cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề nước, nhưng mục đích cuối cùng không dẫn đến việc uống nước, lại dẫn đến việc nhìn lại cả quá khứ tội lỗi còn đang kéo dài đến hiện tại của một con người, giúp con người ấy ý thức mình để mà vươn lên, để mà lãnh nhận ơn bình an.

Kết thúc cho cả chủ đề liên tục trong ba Chúa nhật đầu mùa Chay: vượt thắng cám dỗ, vượt thắng thử thách để tiến đến chính Chúa Giêsu là nguồn hy vọng trường sinh của chúng ta, Hội Thánh mời gọi hãy sống mùa Chay một cách thiết thực bằng cách gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và để cho Lời ấy thấm vào con tim khối óc của mình.

Chỉ như thế, ta mới đạt được điều mà chị xứ Samari đạt được: hoán cải đời mình để tiến đến cùng Thiên Chúa, Đấng trao ban sự sống trường sinh cho ta.

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

-------------------------------

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây