Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 24-C Bài 201-207 Người Cha nhân hậu
------------------------------- Phúc Âm: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. "Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải". {Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. "Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'. "Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".} - Ðó là lời Chúa. -----------------------------------------
Tập 2 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về 3 dụ ngôn TN 24-C201
Tập 2 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về 3 dụ ngôn “Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người con hoang đàng”, với 14 đoản khúc xuyên suốt 152 trang sách từ trang 117 đến trang 269. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích, nhiều ý tưởng mới lạ, nhiều khám phá độc đáo và những suy tư sâu sắc. Xin được trích dẫn và nối kết vài ý tưởng để suy niệm Tin Mừng hôm nay.
– Mátthêu viết Phúc Âm như hệ thống sư phạm, như thầy dạy.
– Máccô mệnh danh là Phúc Âm trên đường đi. Những biến cố quan trọng đều xảy ra khi Chúa đi trên đường.
– Luca như thầy thuốc, nhạy cảm với nỗi xót đau của bệnh nhân. Người đọc thấy Phúc Âm này trình bày Chúa bằng văn chương của lòng thương xót.
– Gioan viết Phúc Âm với những điều cao siêu về thiên tính Đức Kitô. Thí dụ, ngay câu mở đầu Gioan đã viết “Lúc khởi đầu đã có Lời”.
Mỗi tác giả Phúc Âm có lối viết riêng. Mỗi tác giả nhằm đến một đối tượng riêng và trình bày theo phương pháp của mình.
Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót.
1. Tìm kiếm
Sau sự kiện Pharisiêu xầm xì, kết án Chúa về việc đón tiếp những người tội lỗi (x. Lc 15,1-2), Đức Giêsu kể ba dụ ngôn: Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đàng.
Con chiên đi lạc, tự nó có trách nhiệm, nó đánh mất giá trị của nó, có khi chết, có khi nó mang thương tích. Đồng bạc tự nó không mất. Người coi sóc đánh mất nó, tự nó không mất giá trị. Kẻ khác tìm được, nó vẫn giá trị một quan tiền. Nó không trở thành miếng sắt. Ở đây sự tự do bắt đấu xuất hiện. Nơi con chiên, nó có tự do lựa chọn đi lạc. Sự tự do này sẽ là vấn đề sâu sắc hơn, nó dẫn đến trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”. Vì người con hoang đàng sẽ hoàn toàn sử dụng tự do của mình. Ba dụ ngôn “đánh mất” này liên hệ chặt chẽ với nhau. Luca trình bày rõ bối cảnh ra đời của ba dụ ngôn là nói với những người Pharisiêu.
Đặt ba dụ ngôn này trước các Pharisiêu, Luca cho thấy lòng thương xót Chúa nổi lên một cách siêu bạo. Chúa dám lấy lòng thương xót của Ngài chống lại một thế lực rất lớn bấy giờ. Họ đối nghịch với Chúa vì: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Vì Pharisiêu mà Chúa kể ba dụ ngôn về thân phận tội lỗi, cần lòng thương xót. Vì biểu lộ lòng xót thương cho chúng ta là chiên lạc, là mất mát được đi tìm, là hoang đàng được bao dung mà Chúa dám đưa ra những dụ ngôn này để Chúa bị kết án cay nghiệt hơn.
Chủ đề cả ba dụ ngôn nói về tìm kiếm. Chúa dám dùng dụ ngôn này ám chỉ các lãnh đạo tôn giáo bấy giờ. Các dụ ngôn đề cao: trách nhiệm tìm kiếm, sự trở về của một người ăn năn, cộng đoàn phải đón nhận bằng mừng vui. Đây là những điều người Pharisiêu đã không làm, họ chống đối. Pharisiêu kết án người tội lỗi. Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót, thương người tội lỗi, thương kẻ nghèo, thương người bị bệnh tật, nên lời Chúa trách Biệt Phái cũng nặng nề hơn, nhiều hơn. Luca cho nhiều chi tiết về thái độ Biệt phái tìm cách hãm hại Chúa.
Câu chuyện Chúa kể hai nghìn năm trước trong bối cảnh là trả lời Biệt Phái về giá trị cái phải tìm. Trong đời sống, ai mà không có kinh nghiệm một lần đánh mất. Đánh mất của cải, đánh mất tình bạn, đánh mất gia đình. Có nhiều thứ đánh mất lắm. Cay nghiệt nhất là đánh mất loại nào? Có bốn loại đánh mất:
– Mất vật chất như của cải
– Mất giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn
– Mất chính mình
– Mất ơn cứu độ
Đánh mất nào mà muốn có lại cũng phải đi tìm. Có tìm kiếm vất vả. Có tìm kiếm dễ dàng. Có tìm kiếm mà không thấy. Có tìm trong hy vọng. Có tìm trong nỗi lo.
Trong những thứ mất mát này, mất chính mình là điều sợ hãi. Người con thứ đi tìm một chân trời rất xa. Xa gia đình, xa tháp chuông, xa làng mạc, xa thềm nhà ngày xưa. Chiều sâu Luca cho thấy bước chân đi xa của anh ta ở đây là chiều kích tâm linh bắt đầu xuất hiện. Đi xa là muốn xoá nhoà căn tính, gốc gác. Mọi cuộc đỗ vỡ đều như vậy. Tội lỗi làm mờ căn tính là con Thiên Chúa. Bỏ nhà đi là làm mờ căn tính của mẹ cha. Trẩy đi phương xa thì phải có tính toán. Đi đâu? Có lẽ người con thứ đã dự tính. Không ai bỏ nhà đi mà không biết đi đâu. Vùng xa người con này đến phải là vùng người ngoại giáo. Người Do thái giữ Luật không bao giờ đụng đến heo. Sự kiện đi xa này không phải chỉ là địa lý làng mạc xa, mà xa trong tâm linh. Có thể đây mới là điều Luca nhắm tới. Nói cách khác là người con thứ đã bỏ đạo. Sống bên bầy heo. Ao ước được ăn đồ của heo. Chống lại tôn giáo của cha ông. Không đơn giản là bỏ nhà đi, người con thứ đã chích vào tâm linh mình một thứ ma quái đó là heo theo Luật Cựu ước. Đi xa rồi phóng đãng phung phí. Chia gia tài để nuôi một thần linh tối tăm. Bỏ tôn giáo của mình chưa hết, người con thứ thà ăn đồ ăn của heo chứ nhất định không về. Luca cho thấy rõ thêm, nếu được ăn đồ của heo, người con thứ sẽ không về. Tội kinh hoàng của người con thứ nằm ở đấy chứ không hẳn đơn giản là bỏ nhà đi. Thà ăn đồ ăn của heo là thà ăn đồ ăn ô uế của tà thần chứ không về. Không phải chỉ bỏ cha mà bỏ tôn giáo của cha mình, anh ta phạm đến Trời. Thật sự đã phạm đến trời cao bằng dày đạp lên Lề Luật tổ tiên.
Luca cho người cha tìm lại được con, với bước chân con không về trong hân hoan, nhưng như đống củi mục cháy không thành lửa, toả khói mù âm ỉ ray rứt. Trong văn chương Luca luôn là tương phản giữa tình yêu thật đẹp của người cha và dang dở của người con trên đường về. Nắng lên đó mà tê lòng. Gió có thổi mà hồn không mát. Luca vẽ chân dung người con thứ bỏ nhà đi bằng nhiều bóng màu kỳ diệu. Lúc ẩn, lúc hiện. Trong ánh nắng chiều tà có dáng bình minh. Trong niềm vui có ngại ngùng. Trong tiếng đàn ca bữa tiệc có lo âu bấp bênh của người cha không biết người con cả có vào nhà chung vui hay không. Lối về của người con thứ đem nỗi vui cho cha, nhưng Luca lại pha gam màu nỗi vui bằng dang dở của người anh, bằng thái độ không tha thiết trên đường về của đứa con đi hoang. Luca cho nhân vật trở về bằng cái đói. Một động lực trong mầu sắc đó không có gì cao sang. Một gam màu khá ảm đạm. Tại sao người con thứ không về bằng gam màu rực rỡ như tiếng khóc thảm thiết sám hối của Phêrô? Tại sao Luca không viết rằng người con cả ùa chạy vào nhà ôm em? Những cái kết có hậu như thế thì câu chuyện có đẹp hơn không? Lối về vì đói của người con thứ không lý tưởng trong ánh mắt của những nhà đạo đức. Nhưng trong con mắt các tội nhân, thì cách về của anh ta thật dễ. Nó thành đẹp và hy vọng cho một người tội lỗi yếu đuối. Cái về vì hồi tâm chỉ vì thấy mình đói mà nhà cha thì cơm dư, gạo thừa. Trong anh, ít nhiều vẫn có hình bóng cha. Anh tự đánh mất quyền làm con, nay anh không tự xin lại. Anh chỉ xin làm công, dựa vào ân huệ của cha. Nếu không hy vọng cho cho mình làm công thì anh về làm chi. Anh tìm về vì vẫn còn chút lòng cậy trông. Ai ngờ cha đã chuẩn bị nuôi bê từ lâu rồi. Không cần nói, đừng toan tính, đừng nghĩ công mình làm. Trong một chút cậy trông, áng màu nhẹ thôi mà Luca đưa người đọc vào thế giới bao la tình thương của Chúa “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).
2. Lòng Xót Thương
Ba dụ ngôn đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.
Chúa Giêsu bày tỏ niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi hối cải. Ở dụ ngôn thứ nhất, “trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải“; ở dụ ngôn thứ hai “các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải“; và ở dụ ngôn thứ ba “phải ăn mừng, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy“.
Tội nhân hối cải, không những được tha thứ, nhưng còn được chờ đợi, được đón tiếp. Niềm vui của Thiên Chúa thật lớn lao khi người tội lỗi biết từ bỏ con đường xấu xa, trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa.
“Người cha nhân hậu” là dung mạo Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Khi chia gia tài cho con lòng cha đau đớn. Vì tôn trọng tự do của con chứ không phải cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải, muộn phiền vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con làng xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!
Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái, người ta mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha. Cha đã tha thứ cho con trước khi con tự thú. Cha vui vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.
Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.
Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc, cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.
Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt mà nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức mà lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.
3. Vui Mừng
– Niềm vui trong dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc tìm thấy là niềm vui trọn vẹn. Không ai chống đối.
Niềm vui người con thứ trở về là niềm vui dang dở. Người con cả chống đối.
– Cả hai niềm vui trong “con chiên bị mất và đồng bạc bị đánh mất” dẫn đến một kết luận là nếu “một người tội lỗi ăn năm sám sối thì cả thiên đàng vui mừng”. Chữ “nếu” này nằm trong dụ ngôn thứ ba là “nếu” người con cả vào dự tiệc, “nếu” người con cả ăn năn sám hối thì cả bữa tiệc đều vui. Cả ba dụ ngôn sẽ thành trọn vẹn là những dụ ngôn của niềm vui.
– Dụ ngôn thứ ba là niềm vui ngay dưới đất. Ta thấy rõ trong gia đình, trong giáo xứ, một cộng đoàn, niềm vui hay bất hạnh xảy ra đều có liên hệ chung. Con người có khả năng tạo niềm vui hay bất hạnh. Tuỳ con người sử dụng tự do và ơn thánh. Niềm vui dưới đất này dẫn đến niềm vui thiên đàng mai sau.
– Người con thứ bỏ nhà đi sống với dân ngoại, giống như hình ảnh những người thu thuế đi với ngoại bang Roma, giống như những người tội lỗi mà Tin Mừng kêu gọi sám hối. Dọc theo Phúc Âm, hình ảnh người con cả dấp dáng trong cách đi, cách đứng của các Biêt phái, Kinh dư, Thông luật. Người con cả ở trong nhà mà xa cha. Như Biệt phái trong đền thờ mà xa Thiên Chúa. Họ kết án người khác. Họ xa lánh người có tội. Người con cả ở đây cũng kết án người em. Biệt phái dựa vào nhân đức của mình, như người con cả cậy vào công việc của nó. Giống người con cả là luôn nghĩ đến mình, anh ta không có niềm vui, những Biệt phái cũng vậy. Chủ đề sống thực của dụ ngôn là lời mời gọi trước niềm vui hay đổ vỡ là ta quyết định trong gia đình của ta hôm nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, niềm vui chính là vẻ đẹp của Tin Mừng: “Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận đề xuất cứu rỗi của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng và cô đơn nội tâm. Với Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn trổ sinh như mới”. (x.Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng).
Hạnh phúc là niềm vui, khi người ta vui thì hạnh phúc, khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ và rất dễ hiểu. Niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng. Niềm vui chỉ thực sự có khi yêu thương. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự.
Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.
“Hãy chia vui với tôi”, Thiên Chúa vui mừng khi con người sống thân mật với Ngài trong tình cha con.
“Hãy chia vui với tôi”, đó cũng là lời mời gọi mỗi kitô hữu chia sẻ niềm vui đức tin với anh em mình trong cuộc sống hàng ngày.
Điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã làm kinh ngạc những người đương thời với Ngài. Ngài chọc giận TN 24-C202
Điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã làm kinh ngạc những người đương thời với Ngài. Ngài chọc giận những người Pharisêu vì những việc Ngài làm một cách tự do khác với phong tục của người Do Thái, và Ngài làm dân chúng hoan hỉ khi nói chuyện và ăn uống với họ. Ngài đến không phải vì những người công chính - vì liệu có một phàm nhân nào hoàn toàn công chính không? - Không, Ngài đến vì những tội nhân, và Ngài muốn gần gũi với họ: “Các người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe lời Ngài. Và Biệt phái kêu trách. Họ nói: "Ông ấy tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15:1-2).
Ba dụ ngôn trong chương 15 của sách Tin mừng Luca bày tỏ tấm lòng này của Thiên Chúa, Đấng muốn đi tìm tội nhân và Ngài làm mọi cách để tìm thấy họ. Qua những câu chuyện này, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa sẵn sàng bới tung ngôi nhà của mình để tìm ra thứ mà Ngài coi là quan trọng, giống như: “người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?” (Lc 15:8), một Thiên Chúa sẵn sàng đi hàng dặm để tìm con chiên bị lạc: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15:4)., và nhẹ nhàng vác con chiên ấy lên vai trở về nhà: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.” (Lc 15:5). Chúa Cha là Đấng không chút e ngại chạy lại gặp đứa con thứ hoang đàng của mình: “Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để” (Lc 15:20). và mời người con cả của mình tham dự bữa tiệc mừng người con thứ bị lạc mất đã được tìm thấy: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 32). Và rồi niềm vui vỡ òa vì Thiên Chúa cảm thấy hạnh phúc khi tìm được người con thất lạc và sẵn lòng chăm sóc người con ấy: “Và người ta mở tiệc ăn khao” (Lc 15:24).
Lạc lối trong những toan tính nhỏ nhen.
Con chiên vì dại dột đã lạc lối, người con thứ tin rằng mình sẽ tìm được hạnh phúc khi tiêu xài tiền bạc ở những nơi xa gia đình: “Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả vốn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó, nó sống trác táng đã phá tan sản nghiệp” (Lc 15:13), người con cả không nhận ra tình thương của Cha mình: “Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm cho ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông; thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông này đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nẫy mừng nó” (Lc 15:29-30). Tất cả đều lạc lối trong những toan tính nhỏ nhen của mình, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bày tỏ tình yêu của mình dành cho họ, trái tim của Ngài muốn đi xa hơn thứ công chính của loài người và Ngài đã đi đến cùng: Con của Ngài đã tự hiến hoàn toàn vì tình yêu, Ngài đã cho chúng ta thấy lòng thương xót bằng cách chấp nhận chết trên thập giá: “Chúa Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8) nhằm để “Nhờ thập giá, Ngài đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2:16).
Câu chuyện bỏ ngỏ.
Chúa Giêsu không “đóng” câu chuyện dụ ngôn lại. Chúng ta không được biết:
Người con thứ có thực sự đau buồn, ăn năn và hoán cải cuộc sống sau khi cảm nghiệm được tình yêu thương của cha mình không?
Người con thứ có suy nghĩ về sự phung phí trác táng của mình và sẽ làm gì để chuộc lại lỗi lầm đó không?
Người anh cả có tham gia bữa tiệc dành cho đứa em trai mình trở về và nhảy múa vui mừng với những người còn lại trong gia đình không?
Người anh cả có tìm được cách hiểu ra cõi lòng của cha mình, rút kinh nghiệm và hòa giải với em mình không?
Người anh cả có còn cảm thấy những việc mình làm tại nhà thực sự vượt quá bổn phận và sự tự do của anh ta nữa không?
Thật vậy, đây là một câu chuyện dụ ngôn với những cánh cửa mở ra cho nhiều sự lựa chọn cung cách sống của chúng ta.
Sự trở lại của Phaolô, gương mẫu cho mọi cuộc hoán cải.
Trình thuật về sự trở lại của Phaolô trong Công vụ tương đối ngắn gọn. Tuy nhiên, trong Philípphê 3:1-14, người ta thấy được nội tâm của Phaolô và cách ông bị ảnh hưởng bởi cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu. Phaolô bắt đầu đoạn thư này bằng cách nhắc nhở độc giả về con người mà ông từng là: một người Do thái giáo nhiệt thành, tận tâm với tôn giáo của mình, cam kết làm cho tôn giáo đó thịnh đạt và là một nhà lãnh đạo trong số các đồng đạo của mình: “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gal 1:13). Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi trái tim ông và ông viết:
“Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Chúa Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Chúa Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Philíphê 3:9-11).
Phaolô cân nhắc mọi thứ về cuộc đời mình, tất cả thành tích, mục tiêu và thành công của mình, và thấy rằng sự đau khổ cùng với Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu đáng giá hơn bất cứ thứ gì mà ông có thể có được do sức riêng mình.
Phaolô tiếp tục viết trong đoạn văn, “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Chúa Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Philíphê 3:12).
Thiên Chúa đã có những kế hoạch lớn cho Phaolô và ông đã hoàn toàn đầu phục Ngài. Sự thay đổi tấm lòng này chứng thực quyền năng của Chúa Thánh Thần để mang lại sự thay đổi cho bất cứ ai hoàn toàn phục tùng ý muốn của Thiên Chúa. Phaolô là một người hoàn toàn cam kết xóa sổ Kitô giáo khỏi mặt đất: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa” (Gl 1:14). Tuy nhiên, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đã chiếm lấy trái tim ông và biến ông thành tôi tớ thánh của Ngài.
Mục tiêu của Phaolô đã bị thay đổi bởi cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu; bây giờ ông hoàn toàn chuyên tâm lo việc của Chúa Giêsu: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Ngài” (Philíp 3:7-8), và cho danh của Chúa Giêsu được tôn vinh trên trần thế: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô” (Rm 16:25).
Phaolô biết rằng đời sống đức tin chân chính của ông mới bắt đầu và ông có trách nhiệm luôn bước theo Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ. Điều gì có thể xoay chuyển một người hết lòng vì niềm tin của mình và có ý định bóp chết niềm tin của người khác? Chỉ quyền năng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vẫn có thể làm cho một trái tim cứng cỏi của bất cứ tội nhân nào trở nên êm ái dịu dàng. Tất cả chỉ cần người đó đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu như Phaolô đã làm: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Công vụ 22:10).
Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cách thương xót và dịu dàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thấy tầm quan trọng của lòng thương xót này dành cho các tín hữu ngày nay. Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/3/2022, Đức Thánh Cha nói: “Dụ ngôn người con hoang đàng dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cách thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta; dù chúng ta mệt mỏi khi xin Thiên Chúa tha thứ, nhưng Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một người Cha không chỉ chào đón chúng ta trở về, mà còn vui mừng và mở tiệc vì đứa con đã trở về nhà dù nó đã tiêu xài hoang phí tất cả tài sản của ông. Chúng ta là người con ấy, và thật xúc động khi nghĩ đến việc Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta biết bao và luôn chờ đợi chúng ta.”
Đức Thánh Cha kể một câu chuyện: một người con ăn năn hối hận muốn trở về nhưng sợ bị cha từ chối. Anh ta được khuyên gửi thư cho cha, xin ông hãy treo một chiếc khăn tay trắng trên cửa sổ nếu ông tha thứ cho anh. Thật ngạc nhiên, khi anh về đến gần nhà, anh nhìn thấy mọi cửa sổ đều có những chiếc khăn trắng: người cha hết sức vui mừng chào đón người con.
Đức Thánh Cha còn mời gọi các tín hữu biết sống “như Người Cha trong dụ ngôn - là hình ảnh của Thiên Chúa Cha - bày tỏ sự gần gũi với những người hối lỗi cũng như tìm kiếm những người đang lạc xa. Giống như người Cha, chúng ta cần phải vui mừng hân hoan. Khi một người có trái tim chung nhịp đập với Thiên Chúa thì sẽ nhìn thấy sự ăn năn của một người, cho dù lỗi lầm của người đó có thể nghiêm trọng đến đâu, và vui mừng. Đừng chỉ chú ý vào những sai lỗi, đừng chăm chú vào những gì họ đã làm sai, nhưng hãy vui mừng khi thấy điều tốt bởi vì điều tốt của người khác cũng là của tôi!”
Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Còn chúng ta, chúng ta có biết cách vui mừng vì người khác trở nên tốt lành hơn không?”
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ XXIV thường niên C hôm nay như là một bức tranh ba chiều TN 24-C203
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ XXIV thường niên C hôm nay như là một bức tranh ba chiều, giúp chúng ta đọc, nghe và suy gẫm để khám phá ra: Tôi là ai? Tha nhân là ai? Và Thiên Chúa là Đấng nào?
Bài đọc I trích sách Xh 32, 7-11.13-14 qua cách xử sự của Môsê cho thấy tha nhân cần được kêu cứu như thế nào.
Đứng trước một dân được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn, ấp ủ và đỡ nâng, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Chúa luôn muốn điều tốt cho dân, bảo vệ dân khỏi mọi tai ương, dẫn dân ra khỏi ách nô lệ Ai cập, vậy mà giờ đây dân bỏ Chúa, thay vì thờ Chúa lại yêu cầu Aaron đúc bò vàng thờ: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32, 1).
Để sửa trị dân, Thiên Chúa đã truyền cho Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và bảo: đây là thần của chúng ta” (x. Xh 32, 7-9). Chúa nổi giận, muốn tiêu diệt dân này, chỉ còn lại gia đình ông Môsê. Nhưng Môsê thưa cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân?”. Ông nại đến lời Chúa hứa với Abraham, Isaac và Israel. Nhờ vậy: “Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe”. Môsê, quả là một con người tuyệt vời. Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ nói: “Được đó, Chúa giết sạch hết đi, chừa lại nhà của con thôi, con sẽ làm cho Chúa được vinh quang, rạng rỡ…”. Đằng này: “Ông lại cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại”, ông van xin Chúa tha cho dân, ông coi dân như chính bản thân mình, gắn bó với dân, không màng chi đến những lợi lộc cá nhân, coi tội lỗi của dân chính là tội lỗi của mình. Đúng là thương người như thể thương thân.
Môsê thương dân, vì ông cũng là người được Chúa thương. Về điểm này, thánh Phaolô cũng có lòng thương người như vậy. Ông nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thư gửi cho Timôthêô Phaolô nói rất rõ ràng: “Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”, ông cũng không ngần ngại xác nhận: “Mà kẻ đầu tiên là tôi’’ (1Tm1, 15). Ông không giấu diếm về quá khứ của mình: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược” (1Tm1, 13). Tuy nhiên “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1Tm1, 14). Có ai ngờ một người bắt đạo lại trở thành một người giảng đạo cách nhiệt thành. Đó là mầu nhiệm thánh thiện và tội lỗi nơi cuộc đời Phaolô, vị tông đồ dân ngoại. Người được Chúa xót thương.
Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Cả ba dụ ngôn đều thể hiện Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chẳng được yêu và cũng chẳng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người “đàng hoàng” hơn kia đã đối xử với họ.
Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó.
Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con khiến chúng ta liên tưởng tới Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : “Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất! … Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được ? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Người trước các tội nhân, Người ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt vời! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất…Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! ” (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).
Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình yêu trìu mến.
Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tệ hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.
Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, xin giúp đỡ chúng con. Amen.
Con Hoang Đàng Trở Về Vì Sám Hối, Chúa Nhân Hậu Tha Thứ Bởi Yêu Thương. Thiên Chúa nhân TN 24-C204
Con Hoang Đàng Trở Về Vì Sám Hối Chúa Nhân Hậu Tha Thứ Bởi Yêu Thương.
Thiên Chúa nhân lành, giàu lòng thương xót, tuyệt đối từ bi, đến mức mà “cây lau bị giập mà Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12:20) Lòng Thương Xót của Ngài vô cùng huyền nhiệm, trí óc phàm nhân không thể suy thấu!
Trắc ẩn, chạnh lòng, yêu thương,… có thể “tóm gọn” ý nghĩa trong một chữ YÊU – Việt ngữ chỉ có ba mẫu tự, nhưng tiến trình thi hành thì rất dài và rất khó. Trình thuật Lc 15:1-32 trình bày ba dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót: “Con Chiên Bị Mất,” (≈ Mt 18:12-14) “Đồng Bạc Bị Đánh Mất” và “Người Cha Nhân Hậu.” Ba dụ ngôn có phù hợp với ba mẫu tự?
Một hôm, những người thu thuế và người tội lỗi tới nghe Chúa Giêsu giảng. Thấy vậy, những người Biệt Phái và kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đúng là những kẻ rỗi hơi, lắm chuyện. Như vậy càng lộ rõ bản chất của họ!
Giống như đi guốc trong bụng họ, Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai, về nhà rồi mời thân hữu đến chung vui vì ông đã tìm được con chiên thất lạc. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Rồi Ngài nói với họ dụ ngôn về một phụ nữ có mười đồng quan và đánh mất một đồng. Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Tìm được rồi, bà mời thân hữu cùng chia vui vì bà tìm được đồng quan đã mất. Rồi Ngài xác định rằng, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
Có hai con số đối lập: Một với Chín Chín Mươi và Một với Chín. Cũng có tỷ lệ trái ngược: Nhỏ – Lớn, Ít – Nhiều. Tuy nhiên, số ít lại quan trọng hơn số nhiều. Cuối cùng là dụ ngôn đặc biệt và rất quen thuộc: Người Cha Nhân Hậu và Đứa Con Hoang Đàng.
Thằng em hoang đàng là ai? Chính là mỗi chúng ta. Thằng anh ích kỷ là ai? Cũng chính là mỗi chúng ta. Chúng ta vừa là em vừa là anh. Là đứa em thì dễ hiểu, vì ai trong chúng ta cũng là tội nhân, là kẻ hoang đàng. Nhưng có lẽ chúng ta ít thấy mình là đứa anh. Thật ra đứa anh cũng chẳng tốt lành gì: so đo với cha, ghen tỵ với em, và kiêu căng – tự nhận là con ngoan. Than ôi, phạm cả ba tội một lúc mà vẫn dám mạo nhận là ngoan hiền sao?
Nhưng “có tội” mà lại “có phúc” bởi vì mọi tội lỗi và lỗi lầm được xóa bỏ, (Is 43:25) bị chà đạp và ném xuống đáy biển, (Mk 7:19) đặc biệt là chúng ta được Con Thiên Chúa chuộc về bằng chính giá máu của Ngài. (x. Kh 5:9) Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta mắc “nợ máu” và phải thanh toán món nợ đó. Mẹ Thánh Teresa Calcutta (1910-1997) đặt vấn đề: “Nếu bạn phán xét người khác, bạn chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa.” Đơn giản mà nhiêu khê, nhưng đó là một cách yêu thương hiệu quả.
Mẹ Teresa xác định với những lời giản dị mà sâu sắc: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình. Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là điểm bắt đầu của yêu thương. Nếu bạn phán xét người khác, bạn chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa. Những lời tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng thực sự vĩnh cửu. Điều chúng ta cần là yêu mà không mệt mỏi. Việc tốt là những mắt xích tạo nên sợi xích tình yêu.”
Có lẽ đứa con trưởng đã quen thói xét nét khắt khe với người khác nên khó thể hiện lòng yêu thương với chính đứa em ruột của mình, thậm chí còn khó chịu với cả người cha nhân từ của mình. Thật đáng quan ngại với thói soi mói người khác!
Người Ả Rập có câu tục ngữ: “Tình yêu thương con người là tài sản quý giá nhất.” Tình yêu chân chính không xói mòn theo thời gian và cũng chẳng biến đổi theo hoàn cảnh. Tình yêu luôn huyền diệu, tinh túy và thuần khiết, không biến động theo ý muốn của chúng ta. Có thể ví tình yêu như chiếc đồng hồ cát có hai ngăn, ngăn lý trí và ngăn trái tim, ngăn này đầy thì ngăn kia trống.
Yêu thương bí ẩn và diệu huyền, chúng ta không thể hiểu thấu với trí tuệ phàm nhân. Tuy không hiểu thấu và không thể có một định nghĩa trọn vẹn, nhưng ai cũng khả dĩ cảm nhận và thể hiện. Thật lạ lùng!
Chính Thiên Chúa đã chứng tỏ Lòng Thương Xót với dân Israel, nhưng họ vẫn bướng bỉnh, ngang ngược. Ngài phải nói thẳng với ông Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai Cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập.’ Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” (Xh 32:7-11) Chúng ta cũng đâu khác gì dân xưa!
Thấy ai bị la rầy hoặc trừng phạt, chúng ta cho là “xui tận mạng,” nhưng Kinh Thánh cảnh báo: “Phúc thay người được Thiên Chúa sửa trị! Chớ coi thường giáo huấn của Đấng Toàn Năng.” (G 5:17) Thương mới cho roi vọt, thương mới sửa trị. Đó là thương xót, cứu vớt. Có thương mới nói tới, không ai thèm nói tới thì là “đồ bỏ” rồi, cứ mặc kệ, không cần quan tâm, như vậy mới thực sự đáng sợ.
Vì tin yêu, ông Môsê thân thưa: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” (Xh 32:13) Và rồi Thiên Chúa đã thương, không giáng phạt dân như Ngài đã đe. (Xh 32:14) Điều này chứng tỏ rằng lời cầu của người khác rất cần thiết đối với chúng ta, và việc cầu cho người khác rất hiệu quả – thậm chí còn hiệu quả hơn cầu cho chính mình. Đúng như Chúa Giêsu dạy: “CHO có phúc hơn NHẬN.” (Cv 20:35)
Người ta nói rằng trước khi được Trời cứu thì phải tự cứu mình, trước khi được người khác cầu thay nguyện giúp thì phải biết chân thành cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:3-4)
Không ai công chính trước mặt Thiên Chúa, vì ai cũng là tội nhân, vốn dĩ xấu xa. Vì thế, cầu nguyện liên lỉ, sám hối không ngừng, ăn năn không ngớt luôn là điều cấp bách, cần duy trì và phải kiên trì: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” (Tv 51:12-13)
Cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc, từ khi mở mắt thức dậy tới lúc nhắm mắt nghỉ ngơi: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51:17) Có nhiều cách ca tụng Thiên Chúa, không hẳn chỉ bằng lời nói. Càng tội lỗi càng phải tín thác vào Thiên Chúa, vì tội nhân là “đối tượng” số một của Lòng Thương Xót, bởi vì “ở đâu tội lỗi đã tràn lan thì ở đó ân sủng càng chan chứa gấp bội.” (Rm 5:20) Vấn đề quan trọng là CHỚ NẢN CHÍ hoặc TUYỆT VỌNG. Hãy tin tưởng vào sự thật minh nhiên này: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51:19)
Trong thư gởi cho ông Timôthê, ông Phaolô cho biết cách suy nghĩ của ông về ơn gọi của mình, đồng thời cũng là lời ông tự thú: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót vì Chúa Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời.” (1 Tm 1:12-17) Mỗi người có một ơn gọi riêng, tất cả là để vinh danh Thiên Chúa chứ không là để hãnh diện hoặc kiêu sa.
Thực sự mỗi chúng ta đều phải can đảm thú nhận, chớ tránh né, cấm bao che, không giấu giếm, đừng biện hộ. Càng chân thành thì càng được giải án tuyên công. Đó là huyền nhiệm chữ YÊU, tức là Lòng Chúa Thương Xót. Hãy giữ vững niềm tín thác vào Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất. Không thể đến với Chúa Cha nếu không đi qua Độc Đạo Giêsu Kitô. (Ga 4:16)
Chữ Yêu viết ngắn mà nghĩa dài. Thương người thương mình, hợp ý mình, cùng phe mình, điều đó không khó gì, nhưng thương người đối lập với mình thì khó vô cùng. Thế nhưng phải yêu thương tới mức đó mới đúng là Kitô hữu đích thực. Vì thế, người cha đã ân cần giải thích với người con trưởng: “Chúng ta PHẢI ăn mừng, PHẢI vui vẻ, vì em con đây đã CHẾT mà nay lại SỐNG, đã MẤT mà nay lại TÌM THẤY.” Mệnh lệnh cách “phải” rất mạnh mẽ, quyết liệt, cùng với hai tình trạng đối nghịch Chết – Sống, và Mất – Thấy.
Ước mong mỗi chúng ta được “sáng mắt” khi nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa và sự khốn nạn của mình. Tình yêu của con người (tình mẫu tử, tình phụ tử, tình phu thê, tình bạn, tình láng giềng,…) chỉ là tình yêu phàm tục, thế mà chúng ta còn khó lý giải, huống chi là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Thánh Phaolô xác định: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ.” (2 Tm 3:12) Nghe mà nổi da gà! Nhưng sự thật là như thế. Sự bắt bớ không hẳn là bị bắt giam, bị hành hạ, bị tù đày,… mà đơn giản là bị người ta không ưa và bị xa lánh như tránh coronavirus vậy!
Đau khổ và tình yêu có vẻ đối lập nhưng lại không thể tách rời nhau. Có cái này ắt có cái kia. Thánh Augustinô cho biết: “Cùng một đau khổ, nhưng nó minh chứng, thanh luyện và làm thuần thục những người lành; trong khi lại kết án, phế truất và loại bỏ những kẻ xấu.” Hoàn toàn không phải là hên – xui, mà do cách chọn lựa và quyết định của chính chúng ta.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận diện chính mình để có thể tha thứ vô điều kiện đối với mọi người. Xin giúp chúng con gặp được Ngài khi gặp người khác, và xin cho họ cũng gặp được Ngài khi gặp chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Bài Tin Mừng hôm nay, nếu đọc trọn vẹn, sẽ gồm ba “dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót”, mà TN 24-C205
Bài Tin Mừng hôm nay, nếu đọc trọn vẹn, sẽ gồm ba “dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót”, mà Lu-ca đã gộp lại trong chương 15 của ông: 1) con chiên lạc tìm lại 2) đồng tiền mất tìm lại 3) đứa con đi hoang tìm lại. Xây trên cùng một lược đồ (mở đầu và kết luận của ba dụ ngôn đều giống nhau), cả ba tiến dần trong tư tưởng (một trên một trăm, một trên mười, một trên hai) và đạt tới đỉnh cao ở dụ ngôn thứ ba, vốn có tên truyền thống là “dụ ngôn đứa con hoang đàng” (hay “dụ ngôn đứa con phung phá (của cải)” và tên hiện đại là “dụ ngôn người cha phung phí (tình yêu)”. Tuy nhiên, vì dụ ngôn cuối đã được suy niệm Chúa nhật thứ 4 mùa Chay năm C, nên hôm nay chúng ta chỉ giải thích hai dụ ngôn đầu. Cả hai đều nói lên tình yêu Thiên Chúa và cho thấy tình yêu đó có nhiều đặc điểm.
Một Tình Yêu Nhắm Cá Nhân
Mở đầu bài Tin Mừng là một nhận xét về Đức Giê-su: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đây là một trong những định nghĩa về Người: “Đấng tiếp đón kẻ tội lỗi”. Và cũng là một mạc khải về Thiên Chúa! Tuy nhiên, nhận xét này nhuốm nét mỉa mai vì đến từ phái Pha-ri-sêu và các kinh sư là những người thường xuyên và thật sự công phẫn vì những giao thiệp của Đấng Cứu thế. Nhưng chính ta cũng có thể hoàn toàn bỏ qua “Tin Mừng” của ngày hôm nay, nếu không khám phá ra rằng Tin Mừng này cũng được nói cho ta nữa. Phải chăng chúng ta là những người Pha-ri-sêu vốn chỉ thấy tội lỗi nơi kẻ khác? Phải chăng chúng ta thuộc số những kẻ bảo rằng: “Tôi chẳng làm gì xấu, tôi là người tử tế, tôi không có tội”. Tuy nhiên, trong Thánh thư đọc hôm nay, Thánh Phao-lô lặp lại với chúng ta rằng: “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1Tm 1, 15).
Để trả lời nhận xét, Đức Giê-su kể dụ ngôn con chiên lạc. Người bắt đầu bằng cách nhắc đến kinh nghiệm của thính giả. Anh em nghĩ sao? Nếu là anh em thì sẽ làm gì? Thực tế, không một mục tử nào chịu mất một con chiên cả, nhưng lo lắng tìm lại nó. Thiên Chúa cũng vậy! Trong thực tế, các triết gia từng tạo ra một ý tưởng tĩnh về Người: Hữu Thể bất biến, bất động... Nhưng này đây ta đứng trước một Thiên Chúa đang “động đậy”, đang lên đường “tìm kiếm” cái mình đã mất! Và Đức Giê-su vẽ ra trước mắt ta hình ảnh một cậu mục tử vùng đồi Ga-li-lê đang chạy hết tốc độ, chân trần trên đá, để tìm lại một con vật đã lạc xa khỏi bầy. Cậu thật kiên trì, “tìm cho đến khi gặp”.
Cần chiêm ngưỡng lâu giờ vị Thiên Chúa ấy, Đấng được Đức Giê-su mạc khải. Khi người ta yêu, số học chẳng còn như bình thường. Lúc đó, “một” có thể bằng “chín mươi chín”. Hay như nhà thơ nọ đã nói: “Trong tình yêu, tất cả sẽ bằng không nếu trừ một”. Thiên Chúa yêu chúng ta cách cá nhân chứ đâu phải cách chung, cách tập thể. Người yêu mỗi chúng ta bằng một lối đặc biệt. Đối với Người, mỗi cá nhân đều mang một giá trị độc nhất khôn sánh (thiên thần hộ thủ của từng người chính là ý tưởng và tình cảm [đã biến thành ngôi vị] mà Thiên Chúa dành cho người đó). Con chiên duy nhất thất lạc ám ảnh tâm trí người mục tử. Chỉ còn nó là đáng kể thôi. Chẳng ai bị bỏ rơi cả, nhưng luôn được Thiên Chúa kiếm tìm.
Một Tình Yêu Vô Điều Kiện
Có thể vì đã ham đùa giỡn, tham ăn uống, con chiên nay lạc mất. Người mục tử không quan tâm đến lỗi lầm này. Anh ta chẳng thốt lên: “Cho đáng đời nó!” rồi bỏ mặc. Nhưng trái lại “băng rừng lội suối, đạp tuyết dầm sương, trèo mương qua đèo” để tìm lại con vật hư hỏng dại dột. Đứa con thứ (trong dụ ngôn thứ ba) đã bỏ nhà đi hoang. Đến khi khánh tận tài sản, thân tàn ma dại, nó đã mò về nhà cha với ý định đê hèn (xin làm người giúp việc để có cơm ăn, chứ chẳng hối hận gì ráo). Người cha biết thế nhưng chẳng coi sao. Ông đã lập tức trả lại chức vị “quý tử” cho nó cùng với bao quyền lợi đi kèm. Thiên Chúa không yêu chúng ta với điều kiện chúng ta phải luôn tốt lành, chẳng lạc xa vào đường tội lỗi. Người yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta bỏ đi khỏi Người, khỏi nhà Người, khỏi cộng đoàn của Người. Yêu đến độ lên đường tìm kiếm chúng ta! Không cá nhân nào, dù tội lỗi đến đâu, bị Người cho là “đồ bỏ”. Chẳng một ai vĩnh viễn “lạc mất”, vì “được tìm kiếm” liên tục bởi Đấng yêu mình. Thiên Chúa không bằng lòng chờ đợi kẻ tội lỗi trở lại. Người đi tìm kiếm y. “Khi con ra đi tìm Chúa, thì con thấy Chúa đang kiếm tìm con!” (Yehuda Halevi). Thiên Chúa chúng ta là thế đấy! Một Thiên Chúa tiếp tục nghĩ tới những ai đã bỏ Người, một Thiên Chúa luôn yêu những kẻ chẳng yêu Người, một Thiên Chúa đau khổ vì con người chúng ta tội lỗi lầm lạc! Nghe bài thơ sau đây của một tù nhân gởi một bạn tù (trích trong tạp chí Cor Unum bằng tiếng Pháp của Tu hội đời Thánh Tâm Chúa Giê-su), ta sẽ hiểu rõ:
Nếu trong thế giới dễ lạc đường này, tư tưởng bạn vấp ngã, Hãy để tình yêu, câu đáp duy nhất, hướng dẫn bước chân. Chân lý lớn lao này: có một tình yêu toàn năng, Tôi xin nói: lắng nghe đi, chân lý đó cũng có giá trị cho bạn! Khi theo dòng đời, một vài tâm trí lầm lạc, Nghĩ tình yêu khó có trong một quả tim riêng lẻ tách xa, Bạn chẳng còn là gì, bạn vất vưởng, bạn bị loại ra, Tôi xin nói: lắng nghe đi, điều đó không có cơ sở! Vì Thiên Chúa hiểu bạn, nên sự thật này hãy nghe cho rõ: Người sẽ trung thành với bạn, ở bên cạnh bạn luôn. Nếu bạn mở lòng đón nhận tình yêu và sống thành tâm. Thì nghe đây, tôi xin nói: Thiên Chúa sẽ dẫn dắt bạn!
Một Tình Yêu Vui Mừng Hoan Hỉ
“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai”. Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp, một trong những “thánh tượng” đã được Ki-tô hữu sử dụng để mô tả Đức Giê-su ngay tự các thế kỷ đầu: một mục tử hạnh phúc, tươi cười, vác một con chiên trên vai. Phải dừng lại chiêm ngắm từ trong nội tâm hình ảnh này của Thiên Chúa. Chi tiết đơn sơ “vác chiên trên vai” là một nhận xét rất tinh tế của người kể chuyện. Khi một con vật đã đi lang thang nhiều giờ hay nhiều ngày xa bầy, thì nó kiệt lực và chỉ muốn ngủ. Nên quả thật phải vác nó. Và một con chiên thì đâu có nhẹ! Nhất là khi người mục tử cũng đã chạy nhiều giờ trên các ngọn đồi sỏi đá dưới ánh mặt trời chói chang... Anh ta hẳn cũng phải mệt. Nhưng, Đức Giê-su nói, lòng “mừng rỡ”, anh quên nỗi nhọc của riêng mình, bồng nó trong tay rồi vác lên vai, chẳng hề nghĩ tới chuyện quở trách con vật đã khiến mình vất vả.
Chính Thiên Chúa được trình bày cho ta như vậy. Kể ra, hình ảnh này chẳng phải là mới. Tất cả Kinh Thánh từng mô tả Người dưới các nét của “mục tử” (Is 40,11; 49,10 v.v...). Và mỗi Ki-tô hữu hẳn thỉnh thoảng đọc lại Thánh vịnh tuyệt diệu (23/22): “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”. Niềm vui của mục tử mãnh liệt đến độ anh ta không thể giữ riêng cho mình. Thành thử Thiên Chúa giờ đây là kẻ đang sung sướng và muốn chia sẻ nỗi hân hoan. Chúng ta xa biết bao các Pha-ri-sêu và kinh sư hay càu nhàu! Thiên Chúa vui mừng được tha thứ cho kẻ có tội, vui mừng được cứu rỗi vì Người chẳng biết kết án. Trên trời có niềm vui! Lúc nào vậy? Mỗi khi có tội nhân hoán cải. Một tội nhân duy nhất! Mỗi khi sự ác lùi lại một chút trên trái đất này.
Niềm vui của người phụ nữ tìm ra lại đồng bạc rồi mời bà con lối xóm đến chung vui cũng minh họa thêm cho tình yêu đầy hoan hỉ của Thiên Chúa. Người là thế đấy. Chúng ta chắc còn chưa hiểu đủ bầu khí vui tươi phát xuất tự con tim của Người, bầu khí lan tỏa khắp các Phúc Âm như một “Tin Mừng” và muốn tràn ngập nhân loại “được cứu chuộc”... Dĩ nhiên, như mọi ngôn sứ, Đức Giê-su luôn đòi hỏi hoán cải (Mc 1,15). Và các dụ ngôn chúng ta vừa nghe, dẫu là một lời rao giảng về tình yêu Thiên Chúa, cũng là một lời rao giảng về việc tội nhân cần hoán cải. Nhưng điều được nói với chúng ta cách mạnh mẽ ở đây, đó là Thiên Chúa luôn luôn có sáng kiến “đi tìm” cái đã hư mất. Ta vừa xoay mình lại để lui về với Người thì đã thấy Người chình ình trước mặt. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4, 10). Phải chăng chúng ta sẽ để cho mình được yêu thương? Sẽ tạo cho Thiên Chúa niềm vui ấy? Và đi vào trong niềm vui của Người?
Bài Tin Mừng Luca hôm nay (Lc 15:1-32) nói về những gì “đã mất tìm lại được”. Chúa Giesu đưa TN 24-C206
Bài Tin Mừng Luca hôm nay (Lc 15:1-32) nói về những gì “đã mất tìm lại được”. Chúa Giesu đưa ra ba dụ ngôn. Hai dụ ngôn chiên lạc (c.4-7) và mất đồng bạc (c 8-9) là mở đầu để dẫn đến dụ ngôn “đứa con hoang đàng” (c.11-32) là trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay.
“Hoang đàng” là ăn chơi bừa bãi, trác táng, hoang phí, bất kể quần thần, không cần biết đến gia phong, luật lệ phép tắc ở đời, miễn sao mình được thoải mái xác thịt. Xem vậy thì dễ hiểu tại sao dụ ngôn lại lấy đầu đề là “đứa con hoang đàng”. Chắc chắn cậu này đã chơi bời trác táng, tiêu phí bừa bãi tất cả tiến bạc, của cải mà cha cậu đã cho trong một thời gian kỷ lục, không suy nghĩ, không cần biết đến ngày mai và hậu quả khi mình không còn đồng xu dính túi, lâm cảnh đói nghèo, bệnh tật, ngủ bờ ngủ bụi. Nhưng câu chuyên còn ngụ ý xa hơn nữa, xa hơn sự ngoan cố phung phí ấy….
NHỮNG NHÂN VẬT ĐẶC BIỆT TRONG CHUYỆN
Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, đa số chúng ta có lúc cũng giống như những nhân vật trong dụ ngôn này. Làm cha mẹ thì yêu thương con cái thái quá, dễ dãi khoan dung quá lố đến độ lẩm cẩm không biết phải trái, đúng sai. Là con út trong nhà, vì được cưng chiều nên ỷ thế đã làm bất cứ cái gì mình muốn, lại còn vênh váo, tự đắc ta là con cưng, khiến chẳng ai ưa… Là con cả trong nhà thì tự cảm thấy mình có trách nhiệm, quyền huynh thế phụ, đã nổi giận trước sự quá dễ dãi và quảng đại của cha mình như là yếu hèn và bất công.
Người con út đã “phung phí hết của cải tiền bạc của mình”. Hiển nhiên cậu ta đã vượt biên đến một quốc gia dân ngoại để ăn chơi, vì không một người chủ trại Do Thái nào biết tự trọng và tuân luật lệ lại đi nuôi heo, một loại súc vật dơ bẩn mà theo luật Lêvi 11 cấm ăn thịt heo. Cậu đã đi quá xa, vì nghĩ rằng ở một quốc gia xa lạ cậu sẽ được hưởng mọi lạc thú, tìm được hạnh phúc mà cậu không thấy có ở chính quê hương mình. Nhưng buồn thay, kết quả lại trái ngược. Cậu đã trở thành nô lệ của ngoại bang, phải đi chăn heo, đói khổ đến nỗi đồ ăn heo cũng không có để ăn. Cậu gần như chết đói. Cậu mò trở về nhà…. Vì hối hận?
NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG CÓ HỐI HẬN THỰC SỰ KHÔNG?
Chúng ta thường nghĩ đứa con hoang đàng là gương mẫu cho sự ăn năn thống hối, nhưng thực ra lý do cậu ta trở về nhà chẳng có gì là cao thượng cả. Cậu đói khổ quá không chịu nổi và thấy mình hết đường sống. Cuộc đời cậu đi xuống đến độ không bằng những đứa đầy tớ trong nhà của cha cậu.
Anh chàng này chưa chắc đã hối hận vì tội lỗi mình, nhưng ở bước đường cùng, anh mới nảy ra “ý nghĩ trở về”. Đây chỉ mới là khúc dạo đàn của bản trường ca hối hận. Hối hận thì chưa thấy. Anh chàng mới sửa soạn và đang tập rượt bài “ca con cá” thì chưa có gì chứng tỏ là ăn năn thống hối thực sự. Hắn chỉ hành động vì lợi ích và nhu cầu cấp thiết cho cá nhân hắn mà thôi. Vậy người cha sẽ đối sử với hắn thế nào?
ĐÁP ỨNG CỦA NGƯỜI CHA CÓ TƯƠNG XỨNG KHÔNG?
Theo câu chuyện thì người cha không thất vọng, ông để ý dò la khắp nơi xem con mình ở đâu và mong ngày hắn trở về xum họp với gia đình. Cử chỉ của người cha đối với đứa con trở về là quá sung sướng, yêu thương hết mực và đầy lòng trắc ẩn. Ông chạy ra “ôm chằm lấy con, hôn cổ, hôn trán con” và biểu đầy tớ mang “giày cho cậu đi, áo mới cho cậu mặc và nhẫn cho cậu đeo” là những biểu tượng của tự do và tình êm ấm gia đình, để sửa đổi cậu, coi như chẳng có gì xấu xa đáng trách cả!
Cách đối sử của người cha, theo lẽ thường thì hoàn toàn không xứng hợp với tội của người con. Người con không có quyền gì để đòi hỏi người cha phải làm như vậy, và người cha cũng có quyền không chấp nhận người con và đuổi hắn đi vì hắn đã xúc phạm đến cha mẹ, anh em, láng giếng và làm ô uế gia phong.
CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA
Nhưng người cha vì quá nhân hậu và quảng đại đã đón nhận người con tội lỗi trở về. Ông cũng không bực bội và khước từ người con cả đã một mực trung thành với mình, đã công khai phản đối hành động bất công của mình. Người cha nói: “Con ơi, lúc nào con cũng ở với cha, thì tất cả những gì của cha là của con” (c.31). “Em con nó trở về, coi như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (c.32). Những điều này không làm giảm giá trị sự trung thành của người con cả.
Chúa Giêsu đã làm đảo lộn mọi mong đợi và lý luận của chúng ta, buộc chúng ta phải coi lại mối liên hệ giữa chúng ta với nhau trong một viễn cảnh mới là “Nhìn vấn đề như Thiên Chúa nhìn”. Nên bỏ đi quan niệm mà đa số người Công Giáo thường quan niệm, coi Thiên Chúa như người kế toán, tay cầm quyển sổ đăm đăm tính toán, cân đo, ghi chép mọi tội lỗi, kể cả những tội nhẹ nhất. Nên nhớ thánh Gioan Chrysostom đã nói: “Vấn đề là Thiên Chúa chỉ chờ đợi chúng ta tỏ ra hối hận chút xíu thôi, thì Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta tất cả mọi tội lỗi.” Vậy phản ứng của người anh thì sao?
PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI ANH
Người anh phản ứng phẫn nộ là đúng. Anh là người con biết vâng lời và có trách nhiệm. Ở nhà trông nom trang trại, ruộng vườn, và phụng dưỡng cha già trong khi người em ôm tiền của cha cho bỏ nhà đi hoang, làm những chuyên tầy trời. Lời lẽ của anh ta rất rõ ràng. Anh đàng hoàng như vậy nhưng xem như cha già chẳng để ý và tỏ vẻ yêu thương quảng đại với anh. Anh cảm thấy mình bị áp đặt “làm tôi mọi” cho cha mà không được ghi nhận. Sự cay đắng, lạnh nhạt và vẻ thù hằn của anh đối với cha anh cho thấy ít nhiều đã xúc phạm đến người cha. Thực ra, không phải anh ta muốn kể công những điều anh đã làm, đã cho đi, mà muốn nói lên điều anh ta cảm thấy mình thiếu và không có. Anh đau khổ vì cái bệnh nguy hiểm là người ta tự cho mình “cái quyền được làm và cho” hiện đang hoành hành như bệnh dịch ở thời đại ngày nay.
Anh rất thực tế khi kết án tư cách của người em đã “lấy tiền bố cho đem nuôi đĩ”. Làm sao anh ta biết điều này? Có lẽ anh chỉ tưởng tượng ra những điều tệ hại nhất về người em, và diễn tả một cách ác độc nhất. Khi người ta tức giận ai thì rất dễ tưởng tượng ra những điều độc ác nhất, xấu nhất về người ấy, về những lỗi lầm và thất bại của họ rồi phóng đại ra thành những điều không ai ngờ và tưởng tượng nổi!
NHỮNG VẤN NẠN CHƯA CÓ CÂU TRẢ LỜI
Cuối cùng người anh có làm hòa với người em và đón chào em mình về với gia đình không? Anh ta có thực sự tha thứ cho người em và chia sẻ nỗi vui mừng với người cha không? Hay anh ta vẫn cảm thấy mình bị ghét bỏ hơn là người em đáng bị ghét bỏ? Người con hoang đàng có một lòng ăn năn thống hối, ở lại sống với cha và anh trong gia đình, chăm lo làm ăn đàng hoàng, đạo đức hẳn hoi hay vẫn tính nào tật ấy, và một ngày nào đó lại cuỗm một món tiền của cha và bỏ nhà đi hoang nữa? Chúng ta hoàn toàn không biết, vì Chúa Giêsu không đưa ra kết quả của câu chuyện. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta có thể có một kết luận riêng, và thử nghĩ xem họ có đáp lại tình yêu thương, lòng nhân hậu và nỗi trắc ẩn của người cha tức Đức Giêsu Kitô qua chuyện dụ ngôn này như Chúa đòi hỏi mọi người phải thực hiện không.
Chúng ta đã biết Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta điều gì rồi. Dĩ nhiên, Chúa chờ chúng ta xem chúng ta có chấp nhận sự mong đợi của Chúa và đem áp dụng trong cuộc sống và tình liên đới giữa chúng ta với nhau không. Có lẽ chúng ta sẽ đứng về phía người con hoang đàng vì chúng ta đã biết trước kết quả của câu chuyện. Nhưng trong thâm tâm, có thể chúng ta vẫn thắc mắc về thứ tình yêu mà người cha đối sử với hai đứa con trong cùng một gia đình như vậy.
Sau đây chúng ta thử dựa vào những suy niệm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Thánh John H. Newman để mỗi người chúng ta tự suy tư.
Cách thống hối của Thánh Gioan Phaolô II
Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn 1984 về “Hòa Giải và Thống Hối /Reconciliatio et Paenitentia” đã nhắc lại câu chuyện đặc biệt này như sau:
“Dụ ngôn đứa con hoang đàng, vượt lên trên hết, là một câu chuyện nói về tình yêu của người cha -tức Thiên Chúa- không tài nào có thể diễn tả hết ý của nó được. Người Cha tức Thiên Chúa đã ban cho con mình một tặng phẩm hòa giải hoàn toàn khi nó trở về. (…) Vì vậy nhắc nhở chúng ta cần phải cải đổi sâu rộng trong lòng khi tìm lại được lòng nhân hậu thương yêu của người cha và lướt thắng được mọi hiểu lầm và thù hận giữa các anh chị em mình với nhau.”
Dụ ngôn “Người con hoang đàng” hay “Người cha hoang phí” hoặc “Người anh nổi giận bất mãn” có thể gây nên nhiều phiền muộn cho chúng ta khi chúng ta thấy chính chúng ta và những nguyên nhân thúc đẩy chúng ta đã bị lộ tẩy. Nhưng đừng quên lời Đức Gioan Phaolô II nói trong buổi Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto năm 2002: “Chúng ta không phải là kết hợp những yếu đuối và thất bại, chúng ta là kết hợp của tình yêu Chúa Cha ban cho chúng ta và khả năng thực sự của chúng ta để trở nên hình ảnh của Con Người!”
Hồng Y Newman và sự thống hối của người Kitô giáo
Bài suy niệm của ĐHY John H. Newman về dụ ngôn người con hoang đàng đến nay vẫn còn rất gợi cảm và đặc biệt:
“Thống hối là một việc làm được thực hiện trong nhiều thời khắc khác nhau, nhưng từ từ và có những hoàn thiện trái ngược nhau. Đúng ra, nó là một việc không bao giờ được hoàn thành trọn vẹn; không hoàn thành vì tính bất toàn tự nhiên của nó và vì những hoàn cảnh và cơ hội xẩy ra khi nó đang được thực hiện. Do đó ý nghĩa của từ thống hối luôn luôn bị thay đổi. Chúng ta lúc nào cũng phạm tội; chúng ta lúc nào cũng phải canh tân những sầu muộn của chúng ta, mục đích vâng lời của chúng ta, xưng tội đi xưng tội lại và cầu nguyện liên lỷ để xin được tha thứ. Không cần phải nhìn lại những lần thống hối đầu tiên của chúng ta, chúng ta cũng có thể vạch ra được những việc đó, như là một cái gì riêng lẻ và cá nhân trong hành trình đạo đức của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng là khởi đầu. Người Kitô hữu hoàn hảo nhất -đối với mình- chỉ là người bắt đầu, một người hoang đàng biết ăn năn thống hối, người đã phung phí mọi tặng phẩm Chúa ban, và rồi lại đến với Chúa để xin tha thứ nữa, không phải như người con mà như người đầy tớ được thuê mướn.
“Trong dụ ngôn này, chúng ta không cần tìm hiểu cách diễn tả sự trở về của người con hoang đàng như là không nghe lời và sự trở lại là dấu chỉ quyết định trong cuộc sống của người Kito hữu. Nó diễn tả tình trạng của tất cả mọi Kito hữu ở mọi thời đại, và nó được hoàn thành nhiều hay ít tùy cảnh huống, và những trường hợp khác nhau. Nó được hoàn thành theo cách và mức độ lúc khởi đầu của cuộc hành trinh Kitô hữu của chúng ta và theo một cách khác ở lúc kết thúc.”
Trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, người Cha, dù nhân hậu, lại thật bất hạnh. Ông chỉ có TN 24-C207
Trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, người Cha, dù nhân hậu, lại thật bất hạnh. Ông chỉ có hai đứa con nhưng cả hai đều "có vấn đề". Các con của ông vừa khác nhau nhưng cũng vừa giống nhau.
1. KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.
Người con thứ nổi loạn với cha và gia đình mình. Nó đòi Cha chia gia tài rồi "hốt" tất cả tài sản được chia bỏ ra đi hết sức vô tình, hết sức cứng cỏi, không thèm nhìn lại ngôi nhà của mình, nơi đã từng ôm ấp mình, nơi mình được bảo vệ và bao bọc trong tình thương trời bể, nơi mình đã từng sinh ra, cho mình tuổi thơ và sự trưởng thành...
Nặng hơn, hành động ra đi tàn nhẫn của đứa con không thèm đếm xỉa đến tình cảm của Cha, bỏ mặc nỗi đau quặn thắt khi Cha phải đối diện trước cái chết của linh hồn mà con ông, dù đã lớn nhưng không khôn, đang chọn lựa.
Khi bỏ nhà, bỏ Cha, chối từ luôn cả tình yêu của Cha, đứa con thứ tự coi gia đình là nhà tù đối với bước chân “yêu đời”, là vách núi ngăn cản sức sống đang lên của nó. Nó quyết định cho mình con đường riêng bằng sự phủ nhận tất cả tình yêu và công trạng của người Cha Già chỉ biết yêu thương, suốt đời cặm cụi dành hết mọi tình yêu thương ấy cho con mà thôi.
Trong hành động trác táng, suy đồi, đứa con thứ không chỉ phung phí sạch sức khoẻ bản thân, tài sản, thanh danh gia đình, mồ hôi nước mắt cha mẹ, mà còn phản bội và giẫm đạp tất cả, chỉ để tìm một chút thỏa mãn của bản thân.
Chơi bời vô độ nên chóng suy sụp, trác táng không điểm dừng nên ngày đi huy hoàng bao nhiêu, giờ đây sau bao cuộc vui chí tử, thằng con ra hèn hạ, bần cùng, tàng tạ không còn thể thống, không còn hình người bấy nhiêu.
Sau bao lần ném mình vào chốn không thuộc về loài người, cho nó cái kết bi thảm: Heo là vật người Dothái ghê tởm, vậy mà nó phải đi với heo. Kinh khủng hơn, độ tàn tạ và mất nhân tính của nó lớn đến nỗi, nó muốn nhét thức ăn của heo vào miệng, nhưng cũng chẳng ai cho. Thua cả heo!
Trong sự dơ bẩn tột cùng của bản thân, đứa con thứ nhìn thấy Cha. Tuy nhiên, cho tới lúc đang ở đáy bùn đen, thì động lực trở về vẫn không là tình yêu của Cha, mà chỉ vì bản thân quá tả tơi, quá thê thảm mà thôi.
Thánh Luca cho biết suy nghĩ của đứa con: "Bao nhiêu người làm công cho cha tôi được cơm dư gạo thừa, mà tôi lại chết đói! Thôi, tôi đứng lên, đi về cùng cha". Động lực trở về của đứa con chỉ là cái bao tử, chỉ là miếng ăn!
Chắc chắn, nếu không rơi vào tang thương đầy sỉ nhục, đứa con không bao giờ nhớ Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi. Nó sẽ chẳng mảy may nhìn lại mái ấm mà nó từng dung thân, nơi mà Cha nó đang từng ngày già nua, héo hắt và đau yếu luôn chực chờ tấn công. Nó cũng chẳng bao giờ tiếc xót mớ sản nghiệp mà Cha tần tảo, cặm cụi một đời chỉ để nó phá nát trong phút chốc.
Cho đến ngày nó trở về, cuộc trở về vẫn không trọn vẹn. Nó hoàn toàn không vì Cha yêu hay yêu Cha. Nó trở về không thực sự do lòng thống hối thúc đẩy. Nó trở về chỉ vì hết đường chọn lựa. Nó trở về vì cuộc đời mà nó từng yêu thích và đồng hành đã lột sạch con người nó. Giờ đây nó chỉ là một thứ rác rưởi, bị cuộc đời ghẻ lạnh, bị trôi dạt ra bên lề cuộc đời ấy. Chỉ có đường về nó mới sống. Cứng đầu ở lại, nó sẽ chết. Vì nó đã đói đến tận cùng.
Người con cả thật hoàn hảo. Chẳng những nó không đòi chia gia tài, không đòi của cải, mà hằng ngày còn lo làm lụng để có thể bổ sung vào số tài sản của Cha, hay chí ít là không làm tài sản của Cha hao hụt. Nó nghiêm túc làm việc và có trách nhiệm với công việc, đến nỗi ngày đứa em trở về, nó còn không hay biết. Lúc em trở về, đứa con cả đang ở ngoài đồng.
Cứ nhìn diện mạo thì thấy, nó quá hiếu thảo, quá vâng phục Cha. Nó không bỏ nhà, không bỏ Cha để đi hoang. Nó không ăn chơi, không rượu chè trác táng, ngược lại còn luôn ở bên cạnh Cha, ở trong nhà Cha. Cứ sự thường mà nói, đứa con cả thuộc hàng “công chính”. Trước mắt mọi người, đứa con cả là đứa con mẫu mực, đáng khen, đáng học đòi bắt chước.
Đứa con cả là đại diện cho chúng ta. Hay chúng ta là khuôn đúc của đứa con cả. Chúng ta cũng ở trong nhà Cha của mình, ở cạnh Cha của mình. Bởi hơn ai hết, chúng ta đọc kinh ngày mấy lần, nguyện tắt ngày mấy lượt. Chúng ta suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, dâng thánh lễ mỗi ngày. Chúng ta lần chuỗi đều đặn, viếng Chúa thường xuyên. Chúng ta thấy mình, biết mình, hãnh diện mình thuộc về Chúa… Tắt một lời, chúng ta ở trong “nhà Cha” của mình còn hơn con tim ở trong lồng ngực. Chúng ta có dư lý do để người đời thấy chúng ta là… “thánh”.
Dù vậy, thật mỉa mai: Đứa con cả không vô tội!
2. GIỐNG NHAU GIỮA NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ.
Thực ra cả hai đều Đi hoang, phản bội và bất hiếu.
Không đứa nào chia sẻ một chút tâm tư của Cha. Chưa từng có đứa con nào trong hai đứa cho thấy chúng hiểu được những tình thương, tình cảm của Cha. Chúng chưa từng nhận ra bất cứ ưu tư hay hoài bão nào của Cha.
Không một đứa hiểu được tình Cha yêu chúng lớn là dường nào. Cha là tình thương nhưng mỗi đứa con chỉ là một thế giới của ích kỷ. Cha bao dung nhưng con chỉ hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở, ngược lại, tâm hồn của những đứa con lại khép kín.
Trong khi Cha luôn tìm con, thì các con lại không ngừng buông mình ra khỏi lòng Cha. Cha luôn đi về phía các con để mong chúng thấu hiểu mình, thì chúng càng ngày càng ra khỏi nhà Cha, xa cách lòng Cha. Cha sẵn sàng tha thứ, còn các con chỉ biết kết án. Chúng chỉ lo cho bản thân, chỉ muốn hưởng thụ hay kéo mọi thứ về phía bản thân, bất kể Cha đêm ngày vun quén cho chúng.
Không đứa nào thấy hình ảnh Cha già hắt hiu mà động một chút lòng xót thương, thông cảm hay đỡ nâng. Không đứa nào có ít nhất vài lời nghĩa ân, hay tệ lắm cũng là tiếng cám ơn để Cha còn thấy chút gì thương cảm dành cho ông còn sót lại trong cõi lòng chúng.
3. Đừng là ai, dù con cả hay con thứ.
Qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa có một gia đình. Chính Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con. Trong gia đình của Thiên Chúa, có những đứa con đi cùng tội lỗi, ngỗ nghịch, hoang đàng. Cả những người tưởng chừng công chính, vẫn không hoàn toàn công chính. Bất cứ ai trong chúng ta đều có những đổ vỡ, những thấy bại, những tội lỗi. Chúng ta không thể nhớ nổi, trong đời mình, bao nhiêu sa ngã, hư thân và tội lỗi.
Hãy luôn tâm niệm, dù tôi là hình ảnh của đứa con cả hay đứa con thứ, tôi đều cần trở về, đều cần nối lại tình thương của Cha trong tôi, đều cần một vòng ta ôm ấp ấm áp của Cha. Bởi dù tôi chưa đi hoang trong đời sống, chưa rời bỏ đức tin, chắc chắn đã rất nhiều lần, do suy nghĩ, hành động, lối sống của tôi không phù hợp đường lối của Cha mình, là tôi đã đi hoang trong chính tâm hồn.
Đừng bao giờ mang tư tưởng cho rằng, tôi đang ở trong nhà Cha, tôi không cần trở về. Chỉ có đứa con thứ ngỗ nghịch mới phải trở về mà thôi. Không. Nếu đứa con thứ chỉ có một cuộc trở về thì đứa con cả phải cần gấp đôi: Nó phải trở về với Cha và với em nó!
Từng người hãy nhìn vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà ăn năn tội. Hãy vì tình yêu của Chúa mà làm lại cuộc đời, mà vươn lên thoát khỏi những ảnh hưởng và cám dỗ của tội lỗi. Chúng ta hãy đáp trả tình yêu của Chúa bằng nỗ lực liên tục sống trong Chúa, cậy dựa vào Chúa và luôn nỗ lực làm việc thiện, tránh xa những gì dẫn chúng ta đến chỗ xa rời Chúa.
Chúng ta đừng là đứa con nào trong hai đứa con của dụ ngôn, mà hãy là người con theo mẫu của Người Con Một của Thiên Chúa. Hãy mang lấy hình ảnh của Chúa Giêsu. Hãy học lấy tấm gương trung hiếu của Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu. Hãy thực tập gương thảo hiếu mà Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha.
Tắt một lời, chúng ta đừng là đứa con nào của dụ ngôn, nhưng hãy nên những người con trong Một Người Con để gắn bó với Thiên Chúa, để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn gần chúng ta để trao ban tình yêu như Người Cha đến với con mình.