CHẦU THÁNH THỂ CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH Cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ Chúa Nhật IV Phục Sinh (ngày 17-4-2005) ---------------------------------------
I. KHAI MẠC
1. Hát thờ lạy Thánh Thể: “Chúa là Mục Tử”.
2. Lời Nguyện trước Thánh Thể
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu quan phòng của Chúa. Để ở lại với chúng con, Chúa đã tự hiến mình, trở nên Thần Lương nuôi dưỡng chúng con, và Chúa hằng mời gọi chúng con đến với Chúa để được yêu thương, chăm sóc: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).
Hôm nay, ngày cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu, chúng con lại càng có lý do để đến bên Chúa như Vị Mục Tử Nhân Lành. Thật vậy, hạnh phúc mà Chúa ban cho chúng con cũng là hạnh phúc mà Chúa muốn chia sẻ cho toàn thể nhân loại. Sự Sống mà Chúa đem đến cho chúng con trong phép rửa, cũng là Sự Sống mà Chúa muốn thông ban cho mọi người trên trái đất này, và Tin Mừng mà Chúa công bố cũng là Tin Mừng cần phải được rao giảng mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt cho những con người phải sống trong đau khổ, bất hạnh.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa muốn chúng con mang lấy niềm khao khát và mong mỏi đó của Chúa, vì thế chúng con muốn dành giờ chầu thánh thiện này để làm theo lời kêu gọi của Chúa khi xưa: “Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến, vì lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2). Hơn nữa, chúng con thật lòng muốn đáp lại lời kêu gọi cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II, vị Đại Diện của Chúa trên trần gian vừa ra đi, trong sứ điệp cuối cùng của Ngài dành cho ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi: “Hãy ra khơi”, đem “tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa” đến cho mọi người.
3. Hát: “Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con…”.
II. SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN
4. Bài đọc I
Trích thư thứ hai của thánh Phêrô Tông Đồ
Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe ; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em (2,20b-25).
5. Suy niệm I
“Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”
Thánh Phêrô, trong đoạn thư mà chúng ta vừa nghe, cho thấy con đường sống và rao giảng Tin Mừng chỉ có thể là con đường đi qua đau khổ như Đức Kitô, và hơn thế nữa, là con đường gắn bó sâu xa với Đức Kitô, đến nỗi trở nên một với Ngài, và sống theo cung cách của Ngài: chỉ biết yêu thương và từ chối mọi hình thức của quyền lực và bạo lực; chỉ biết đến sự công chính và dứt khoát loại trừ mọi bóng tối của tội lỗi và sự dữ.
Lời khuyên của Thánh Phêrô quả thật thấm thía, nhất là vì không ai đã có kinh nghiệm như ngài về lòng nhiệt thành đi theo Chúa, cũng như về sự yếu đuối của chính mình. Không thể rao giảng Tin Mừng nếu không học lấy gương của vị Thầy Chí Thánh, nghĩa là đến với mọi người với dung mạo của Người Tôi Tớ đau khổ, đầy lòng xót thương, đồng thời biết hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa như Đá Tảng vững vàng: “Người không hề phạm tội ; chẳng ai thấy miệng người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe ; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (x. Is 53,4-9.13).
Hơn hai ngàn năm sau, Đức Gioan Phaolô II trong sứ điệp cuối cùng của Ngài về ơn gọi Linh Mục và đời Tận Hiến, cũng đã khởi đầu bằng lời khuyên hãy gắn bó sâu xa với đức Kitô, và coi đó như điều kiện tiên quyết cho tất cả những ai muốn đáp lại lời mời gọi đi theo Chúa, chúng ta hãy cùng nhau nghe lại lời kêu gọi đó:
“Hãy ra khơi !” Mệnh lệnh của Chúa Giêsu mang tính cách thời sự đặc biệt trong thời đại chúng ta, trong đó có một tâm thức khá phổ biến cổ võ cho thái độ muốn rút lui trước những khó khăn. Điều kiện đầu tiên để “ra khơi” chính là vun trồng một tinh thần cầu nguyện sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày bởi việc lắng nghe Lời Chúa. Tính cách đích thực của đời sống kitô được đo lường bởi đặc tính sâu xa của lời cầu nguyện […] mối dây liên kết với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện làm cho chúng ta chú ý đến sự hiện diện của Người, cả trong những giây phút xem ra thất bại, khi sự cực nhọc xem ra như vô ích, như đã xảy ra cho các tông đồ ; các ông mệt nhọc suốt đêm rồi thưa cùng Chúa: “Lạy Thầy, chúng con không bắt được con cá nào cả” (Lc 5,5). Chính trong giây phút ấy mà chúng ta cần phải mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng và để cho Lời của Đấng Cứu Chuộc được tác động với hết sức mạnh của nó: “Hãy ra khơi” (Sứ điệp ngày ơn gọi lần thứ 42, số 2).
6. Ít phút thinh lặng cầu nguyện 7. Hát: “Xin hiệp nhất chúng con” 8. Công bố Tin Mừng
Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ". Ngàøi kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Ngài nói với họ.
Vậy, Ngài lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,1-10).
9. Suy niệm II
Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh Gioan đã nhắc nhớ chúng ta về Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành. Cũng như người chăn chiên đích thực hoàn toàn nghĩ đến đoàn chiên và sống tất cả cho đoàn chiên, như thể sự sống của đoàn chiên cũng chính là lẽ sống của mình, cũng thế Đức Kitô sống tất cả cho chúng ta và vì chúng ta: “Tôi đến cho đoàn chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).
Hình ảnh người mục tử đi đầu hoàn toàn đối nghịch với kẻ chăn thuê. Vì người đi đầu vừa phải mở đường, đồng thời sẵn sàng hứng chịu mọi nguy hiểm để đem lại bình an cho đoàn chiên, còn kẻ đi sau chỉ sống dựa vào đoàn chiên và tìm cách tránh né mọi nguy hiểm.
Hình ảnh thứ hai cũng thật sống động: Người Mục Tử tốt cũng như cánh cửa chuồng chiên. Cửa là lối ra vào, mở ra để đón nhận chiên và đóng lại để ngăn chặn kẻ lạ hoặc sói dữ tấn công đoàn chiên.
Cả hai hình ảnh “người đi đầu” và “cửa chuồng chiên” đều nói lên tinh thần yêu thương, phục vụ đến cùng của Đức Kitô. Vì đoàn chiên là tất cả chúng ta đây, Ngài đã không từ chối bất cứ điều gì, ngay cả hiến thân mình để cứu rỗi chúng ta.
Người Mục tử đích thực nói cho cùng là người có tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu mới làm cho người mục tử hết mình phục vụ cho đoàn chiên, chỉ có tình yêu mới khiến cho người tận hiến nhạy cảm trước những khó khăn, tật bệnh hay khổ đau của từng anh chị em mà mình được kêu gọi phục vụ.
Phải chăng đây là lúc thuận tiện nhất để tất cả chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, gẫm suy về ơn gọi của mình, không những ơn gọi linh mục và tu sĩ, mà còn về chính ơn gọi kitô hữu. Một lần nữa, chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II, người mà tất cả chúng ta còn lưu giữ ký ức hết sức sống động về cuộc đời mục tử mẫu mực của Ngài:
“Ai mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô, thì không những người đó hiểu được mầu nhiệm của chính cuộc đời mình, mà còn hiểu được mầu nhiệm ơn gọi mình, và trổ sinh hoa trái nhờ ân sủng Chúa ban. Hoa trái đầu tiên trong số những hoa trái đó là được lớn lên trong sự thánh thiện trên con đường thiêng liêng được bắt đầu với bí tích Rửa Tội, và được tiếp tục cho đến lúc đạt đến sự toàn thiện của đức bác ái. Sống Phúc Âm cách trọn vẹn, người kitô trở thành kẻ luôn có khả năng yêu thương theo cách thức của Chúa Kitô, Đấng đã khuyến khích: “Các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời” (Mt 5,48) […]
Hỡi những người trẻ và các bạn thiếu niên thân mến, một cách đặc biệt, cha cũng lập lại lời mời gọi của Chúa Kitô cho các con: “Hãy ra khơi !”. Đã đến lúc các con phải có quyết định quan trọng cho tương lai của mình. Cha còn lưu giữ trong tâm hồn biết bao lần gặp gỡ trong những năm qua với các bạn trẻ, mà ngày nay đã trở thành người lớn, trở thành bậc làm cha mẹ […] linh mục hay những nam nữ tu sĩ, trở thành những nhà giáo dục các con trong đức tin […] Cha đã hiểu rõ rằng trong tâm hồn của những người thuộc thế hệ trẻ, có sức hấp dẫn mạnh mẽ của những giá trị tinh thần, và sự thành thực muốn sống thánh thiện. Những người trẻ đang cần đến Chúa Kitô, nhưng họ cũng biết rằng Chúa Kitô cũng cần đến họ” (Sứ điệp ngày ơn gọi lần thứ 42, số 3-4).
10. Hát: “Đẹp Thay”
11. Lời Nguyện chung
Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa là Cha những lời nguyện xin chân thành. Xin Chúa là Đấng hằng yêu thương chăm sóc đoàn dân của Người đổ tràn ơn thánh xuống trên các vị mục tử trong Hội Thánh cũng như trên mọi thành phần Dân Chúa, nhân ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi hôm nay:
- Trong thời gian hết sức đặc biệt này của Giáo Hội toàn cầu, khi mà Đức Gioan Phaolô II vừa ra đi, chúng con nài xin Chúa ban cho chúng con vị Đại Diện Chúa giữa trần gian đúng như lòng Chúa mong muốn, để chúng con có được vị Mục Tử đích thực và an tâm vững bước trên hành trình tiến về nhà Cha. Xin Chúa cũng gìn giữ Đức Cha Phêrô, Giám Mục giáo phận chúng con, trong sự bình an, thánh thiện của Chúa ; cho các linh mục ngày càng hiệp nhất, và trung thành làm chứng cho tình yêu mục tử của Chúa Kitô.
- Xin Chúa rộng ban các ơn gọi và chúc lành cho công cuộc đào tạo linh mục của Hội Thánh Chúa, và xin Chúa cũng khơi dậy nơi các thành phần dân thánh ý thức góp phần nuôi dưỡng và nâng đỡ những người được Chúa kêu gọi.
- Xin Chúa cho các anh chị em đang sống đời tận hiến ngày càng được được triển nở và thăng tiến trong đời sống thân tình với Chúa và phục vụ tha nhân.
- Xin cho các anh chị em còn đang xa cách Chúa được ơn nhận ra lòng nhân từ của Chúa và trở về hiệp nhất trong một đàn Chiên và một Chúa Chiên.
- Chúng con khẩn xin Chúa một cách đặc biệt cho các bạn trẻ là những người đang dò dẫm tìm kiếm tương lai. Xin cho họ được ánh sáng của Chúa soi dẫn và nung đốt, để ngày càng có nhiều người dấn thân làm việc trên cánh đồng truyền giáo, phục vụ Chúa và anh em.
Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, vị Mục Tử nhân lành, và cũng là Cha của tất cả chúng con, xin thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà ban cho Giáo Hội nhiều ơn gọi làm linh mục, nhiều mục tử nhân lành theo gương Đức Kitô Con Chúa, để dân Chúa mỗi ngày được lớn mạnh trong tình yêu thương cứu độ của Chúa. Chúng con cầu xin, nhừ Đức Kitô, Chúa chúng con.
*** LỜI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt 13-4-2005
12. Đọc chung bản kinh của Đức Gioan Phaolô II dưới đây:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa – nơi Ngài có tron vẹn thần tính ẩn ngự – Chúa mời gọi tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội “hãy ra khơi”, vừa tiến bước trên con đường thánh thiện – Xin hãy khơi dậy nơi tâm hồn người trẻ ước muốn – trở nên những chứng nhân cho sức mạnh tình yêu Chúa – giữa lòng thế giới hôm nay – Xin hãy đổ tràn đầy xuống trên các người trẻ Thánh Thần Chúa – Thánh Thần của sức mạnh và sự khôn ngoan – ngõ hầu họ có khả năng khám phá sự thật trọn vẹn – về chính mình và về ơn gọi riêng của mình.
Lạy Đấng Cứu Chuộc chúng con – Chúa được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian – để mạc khải tình thương nhân từ của Thiên Chúa – xin hãy ban cho Giáo Hội Chúa – có được những con người trẻ sẵn sàng ra khơi – để thể hiện giữa anh chị em sự hiện diện của Chúa – một sự hiện diện canh tân và cứu rỗi.
Lạy Đức Nữ Đồng Trinh rất thánh là Mẹ Chúa Cứu Thế – vị hướng dẫn an toàn trên con đường tiến về Thiên Chúa và anh chị em – Mẹ đã lưu giữ những lời Chúa phán trong cõi thâm sâu của tâm hồn Mẹ – với lời khẩn cầu hiền mẫu của Mẹ – xin hãy nâng đỡ các gia đình và các cộng đoàn giáo hội – ngõ hầu các gia đình và cộng đoàn này – biết trợ giúp cho những người trẻ và các thiếu niên – biết đáp lại cách quảng đại lời mời gọi của Chúa. Amen.
III. KẾT THÚC
13. Hát: “Đây nhiệm tích”. 14. Lời nguyện và phép lành Mình Thánh Chúa. 15. Hát kết thúc: “Lạy Chúa xin hãy sai đi”