GIỜ CHẦU NGÀY ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN -------------------------------------
Lễ Dâng Chúa vào Đền Thánh, thứ ba 02.02.2010
Đặt Mình Thánh
Hát : ĐK. Từ muôn thủa Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến, nay con biết lấy chi báo đền, lòng từ ái Chúa bao la.
1. Trong khi tạo dựng đất trời, cho muôn vật được sinh sống, trước khi con xuất hiện trên đời, thì Chúa đã yêu con.
2. Con dâng trọn cả xác hồn trên con đường về núi Thánh, lúc ca vui lúc nặng u buồn, nguyện mến Chúa trung kiên
lời dẫn :
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh của Hội Thánh Việt Nam, cũng là năm Kim Khánh của Giáo phận. Trong Năm Thánh này, Hội Thánh Việt Nam muốn suy tư về bản chất của Giáo Hội dựa trên bộ ba : Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ. Chúng ta, những người sống đời thánh hiến cũng hãy dựa trên bộ ba đó để suy tư về bản chất của mình.
(thinh lặng giây lát)
PHẦN I. MẦU NHIỆM
Đề Cương Năm Thánh khi suy tư về Giáo Hội là Mầu Nhiệm đã lấy lại tư tưởng của CĐ Vatican II trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, rằng Giáo Hội là mầu nhiệm vì phát xuất từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha có sáng kiến thiết lập Giáo Hội, Chúa Con thực thi sáng kiến đó, và Chúa Thánh Thần duy trì, phát triển và canh tân Giáo Hội.
Đề Cương Năm Thánh còn suy tư nhiều về bản chất của mình xét dưới góc độ mầu nhiệm này, như : Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là Thân Mình Chúa Kitô, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.
Liên hệ tới tu sĩ chúng ta, những người sống đời thánh hiến, Đề Cương Năm Thánh trong phần Mầu Nhiệm đã ý thức : Giáo Hội là thánh, nhưng còn phải nên thánh, bởi bao gồm cả những tội nhân.
Chúa Giêsu đã kêu gọi ta vào đời thánh hiến. Ta phải sống thánh để xứng danh tu sĩ và để làm chứng cho Giáo Hội là thánh.
Lắng nghe Lời Chúa (Ga 17, 6-19)
Khi ấy Chúa Giêsu lên tiếng : “Lạy Cha, 6 những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.
7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.
Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
quì hát :
ĐK. Chúa ơi, từ đây trọn đời con ước nguyện dâng hiến Chúa : thân xác, linh hồn, nguyện cầu Chúa dẫn đưa trên đời.
Ôi êm đềm giờ này Chúa nhân từ đã dủ thương phận hèn tôi tớ. Muôn ơn lành Người đổ xuống chan hoà, vì tình yêu không bến không bờ. Muôn cung đàn nhịp nhàng tấu vang trời, hoà lời con tụng ca Danh Thánh. Xin dâng Người niềm trìu mến muôn đời, nguồn ơn thiêng mưa tưới chan hoà.
ngồi, suy niệm :
dẫn : Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện. Giáo hội thánh, nhưng vẫn bao gồm cả tội nhân. Giáo hội thánh vì kêu mời mọi người sống thánh, đặc biệt kêu gọi tu sĩ hãy sống thánh vì họ được gọi sống đời thánh hiến.
trích Hiến chế Tín lý về Giáo Hội :
39. Sự thánh thiện trong Giáo Hội. Chúng tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là "Ðấng thánh duy nhất" 1, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x. Eph 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội - hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt - đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa" (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Ðức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được GiáoHội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội. 51*
44. Bản tính và tầm quan trọng của bậc tu trì. Người Kitô hữu tự buộc mình tuân giữ ba lời khuyên của Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn dòng; nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt. Nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã chết cho tội lỗi và được cung hiến cho Thiên Chúa; nhưng để có thể thâu lượm dồi dào ơn ích của bí tích ấy, người Kitô hữu muốn nhờ việc khấn giữ ba lời khuyên của Phúc Âm trong Giáo Hội, thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo; và họ tận hiến để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn 4. Việc cung hiến đó càng trở nên hoàn hảo hơn khi việc Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội, hiền thê của Người, bằng mối dây bất khả phân ly càng được phản ảnh trong những mối dây ràng buộc chắc chắn và vững bền hơn.
[…] Việc khấn giữ các lời khuyên của Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu. Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau. Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người. […]
Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. 57*
PHẦN II : HIỆP THÔNG
Dẫn : Giáo Hội là mầu nhiệm vì được sinh ra từ sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
(Lời Chúa Ga 17, 20-26)
Khi ấy Chúa Giêsu lên tiếng cầu nguyện : Lạy Cha, 20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
(mời quỳ xuống, hát)
Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, xin Cha cho mọi người nên một trong Chúng Ta, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con
(hát 3 lần)
(ngồi suy niệm)
Dẫn : Giáo Hội là sự hiệp thông, và là hiệp thông để tham gia vào sứ vụ. Giáo hội Hiệp thông dẫn tới Giáo hội Tham gia như thế nào, chúng ta cùng lắng nghe :
(có thể bỏ bớt một số đoạn)
trích Đề Cương Năm Thánh :
17. Giáo Hội là một mầu nhiệm vì xuất phát từ sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Đây chính là nền tảng cho đời sống cũng như sứ mệnh của Giáo Hội. Điều ấy muốn nói:
(1) mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông đặt nền trên sự hiệp thông Ba Ngôi ; (2) Giáo Hội, dân giao ước mới, là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại ; (3) Giáo Hội cốt yếu là sự hiệp thông của tất cả các tín hữu với Chúa Kitô và với nhau ; (4) Giáo Hội là nơi chốn (locus) và biểu tượng của sự hiệp thông giữa các dân tộc.[1] Bốn yếu tố này còn nói lên rằng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đang được thực hiện qua Giáo Hội trong lịch sử nhân loại. Đó chính là câu trả lời của Thiên Chúa cho khát vọng yêu thương và hiệp nhất vốn là khát vọng thâm sâu của con người, nhưng lại thường xuyên bị chia rẽ do hận thù và ích kỷ.
20. Trong việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, điều cần quan tâm là xây dựng sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa. Vì Giáo Hội là của mọi người tín hữu, nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều phải liên kết với nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm. Vẫn biết không dễ gì hiện thực ngay được ý thức đó trong đời sống, thế nhưng, đây lại chính là điều cần làm ngay. Chính các Giám mục Việt Nam đã nói đến nhu cầu cấp bách này trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu như sau: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo Hội như một gia đình sẽ hòa nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam”.[2] Những lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng liên tục nhắc lại lời mời gọi mọi phần tử trong Giáo Hội, chủ chăn cũng như giáo dân, đang hoạt động hoặc còn đang được đào tạo nơi các chủng viện, dòng tu, phải thật sự canh tân, đổi mới tư duy để cùng dựng xây một Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn. Rõ ràng là các tín hữu, tu sĩ hoặc giáo dân, đã và đang đóng góp rất nhiệt tình vào bước tiến của Giáo Hội tại Việt Nam. Tại nhiều nơi, các giáo điểm được thành lập ngay cả trước khi có sự hiện diện của hàng giáo sĩ.
21. Với ý thức chân chính về mối hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Giáo Hội tham gia. Giáo Hội ấy, như thánh Phaolô mô tả, “không còn là Do Thái hay Hy Lạp” (1 Cr 3,28), nhưng chỉ là một trong đức tin, đức cậy, và đức mến, nhiệt tình trong một sứ mệnh duy nhất. Đức Gioan Phaolô II diễn tả Giáo Hội tham gia là Giáo Hội “trong đó tất cả đều sống ơn gọi riêng của mình và hoàn thành vai trò riêng của mình, đặc sủng độc đáo của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cách hiệu quả".[3] Trong các cộng đoàn, giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em. Tất cả cùng được kêu gọi và quy tụ bởi Lời Chúa, bởi Đức Kitô phục sinh đang hiện diện thúc đẩy họ tham gia vào các hội đoàn hay các nhóm nhỏ Kitô hữu để kinh nghiệm thế nào là mầu nhiệm Giáo Hội qua việc cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa, sống phục vụ và yêu thương trong sự đồng tâm nhất trí.[4] Chính nhờ thế mà cảm thức thuộc về một Gia đình của Đức Kitô được triển nở, đến nỗi mọi người có thể nói bằng tất cả trách nhiệm và niềm hãnh diện rằng “Tôi là Giáo Hội”.[5] Đó là cách sống mầu nhiệm Giáo Hội cách mới mẻ mà Giáo Hội tại Việt Nam cần thực hiện.[6] Vì vậy, “cần cổ xúy giáo dân và tu sĩ nam nữ tham dự nhiều hơn vào việc bàn thảo kế hoạch mục vụ, cũng như vào tiến trình đi đến quyết định, qua những cơ cấu có tính tham gia như các hội đồng mục vụ giáo xứ và hội nghị giáo xứ”[7].
Liên Hội Đồng Giám mục Á châu đã cho chúng ta những điều cốt yếu không thể thiếu trong nhận thức về mô hình Giáo Hội tham gia:
(1) mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần khí, và đón nhận nhau như anh chị em ;[8] (2) mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh ;[9] (3) tất cả đều đồng trách nhiệm,[10] vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng ;[11] (4) mọi người, kể cả phụ nữ, đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội.[12]
Hơn bao giờ hết, Giáo Hội tại Việt Nam nhận biết rằng “không có kiểu canh tân một chiều của riêng giáo sĩ hoặc giáo dân. Trong một Giáo Hội hiệp thông, tất cả mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều liên hệ với nhau và có ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Chúng ta cảm nhận cần phải thay đổi cả khối óc cũng như con tim”.[13] Để xây dựng một Giáo Hội tham gia, cần có sự lãnh đạo mang tính tham gia vượt lên khỏi những phân biệt đối xử, đặt nền trên tinh thần đồng trách nhiệm và tập đoàn tính.[14] Điều này tuyệt đối không hề phủ nhận vai trò chủ chăn của các Giám mục cũng như những cộng sự viên của các ngài. Trái lại, Giáo Hội tại Việt Nam luôn xác tín Giám mục có vai trò lãnh đạo với tư cách là thầy dạy và người bảo vệ Đức tin. Vì lợi ích của dân Thiên Chúa, Thánh Thần ban riêng cho các ngài đặc ân đó cùng với ơn biện biệt các thần khí.
22. Hình ảnh Giáo Hội tham gia sẽ làm nổi bật con đường mà Chúa Kitô muốn chúng ta bước theo. Tất cả và từng người tín hữu đều được gia nhập Dân Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, được tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô. Tuy nhiên, sự hiệp thông với Đức Kitô không chỉ mang tính cách cá nhân khi mỗi người dự phần vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài - chết để vươn tới đời sống mới trong Chúa Thánh Thần - nhưng còn mang tính cộng đoàn Giáo Hội, trong việc chống lại mọi hình thức sự dữ, cùng chia sẻ nỗi đau và khổ cực của dân tộc và của cả nhân loại, cùng đưa mọi người đến với Thiên Chúa. Để có thể thực sự “cắm rễ trong Đức Kitô”, chúng ta phải cùng lúc hiệp thông với Ngài và với dân Ngài”.[15] Đó là một sự hoán cải mới cho sứ vụ trong thời đại mới.
Nhận thức về Giáo Hội tham gia đưa đến nhu cầu canh tân trong lãnh vực mục vụ. Giáo xứ không phải là một đơn vị sinh hoạt mang nặng tính cục bộ địa phương và chỉ do một mình linh mục chủ trị,[16] nhưng là một gia đình yêu thương, trong đó giáo dân cũng là những phần tử sinh động, cũng nhận được các đặc sủng, và cũng có trách nhiệm đối với cộng đoàn. Cộng đoàn giáo xứ chan hoà tình gia đình của các môn đệ Chúa Kitô sẽ là chứng từ đầy thuyết phục cho lời rao giảng về Thiên Chúa Tình yêu. Đoàn Dân Chúa khi sống trọn vẹn tình hiệp thông giữa lòng Giáo Hội (ad intra), sẽ thêm nhiệt thành khi gặp gỡ và đối thoại với thế giới chung quanh (ad extra). Thật vậy, “bất cứ ở đâu sự hiệp thông suy yếu thì chứng từ và công việc truyền giáo của Giáo Hội bị suy giảm”.[17] Giáo Hội hiệp thông sẽ là điểm xuất phát đầy năng lực cho sứ vụ tông đồ hướng đến một Vương quốc Thiên Chúa không biên giới.
PHẦN III : SỨ VỤ
Dẫn : Giáo Hội phát sinh từ sứ vụ và vì sứ vụ. Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng vì đó là lý do hiện hữu, là lẽ sống của Giáo Hội.
Lắng nghe Lời Chúa (Lc 24,33-52)
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
49 "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ.
(tiếp tục đứng, hát)
1. Từ rất xa khơi, Người đã gọi tôi đi giữa lòng đời, rao truyền Tin Mới. Từ rất xa khơi Người đã chọn tôi đi vào thế giới rắc gieo tình Người.
ĐK Xin cho đôi chân tôi miệt mài để từ đây bước đi hoài, ngọt lời rao Tin Mới. Tôi xin đôi tay giang vời vợi, để tình thương lan khắp nơi, và vòng tay ôm trùng khơi.
2. Từ rất xa khơi, Người muốn đời tôi như đuốc rạng ngời soi miền tăm tối. Từ rất xa khơi, Người đã đặt tôi như là muối đất ướp thêm mặn đời.
3. Từ rất xa khơi Người đã chọn tôi trong những bạn bè nơi lòng dương thế, và đỡ nâng tôi Người biến luyện tôi nên hạt giống tốt gieo trên mọi miền.
(mời ngồi nghe suy niệm)
trích Đề Cương Năm Thánh
23. Sứ vụ duy nhất. Giáo Hội phát sinh từ sứ vụ và vì sứ vụ.[18] Giáo Hội không thể không loan báo Tin Mừng vì đó là lý do hiện hữu, là lẽ sống của Giáo Hội. Thật vậy, ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi tông đồ. Mỗi người tín hữu đều phải rao giảng Tin Mừng vì nhờ phép Thánh tẩy, họ đã được tháp nhập vào Giáo Hội vốn mang đặc tính truyền giáo tự bản chất. Cũng thế, Giáo Hội tại Việt Nam loan báo Tin Mừng vì đã nhận lệnh từ Chúa Giêsu và đã được Ngài sai đi và cũng bởi tin chắc rằng chính qua việc rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội trở thành ánh sáng, thành muối men làm cho đất nước này được thực sự biến đổi và được cứu độ.[19]
Được Tin Mừng hoá từ chính Thiên Chúa Tình Yêu, Giáo Hội hiểu ra rằng chỉ có một sứ vụ duy nhất khởi phát từ Chúa Cha trao cho Chúa Con và được chuyển giao cho Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần: “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đồng thời, sứ vụ duy nhất này cũng được ủy thác cho Giáo Hội ngay trên dòng lịch sử dân tộc mình. Hơn nữa, nếu Chúa Cha làm việc không ngừng và Đức Giêsu cũng làm việc không ngừng, thì chúng ta xác tín rằng Thánh Thần cũng hoạt động không ngừng trong tâm hồn người dân Việt và hoạt động này không bao giờ “tách khỏi hoạt động của Người bên trong Thân Mình Đức Kitô là Giáo Hội”.[20]
30. Ngày nay loan báo Tin Mừng là cả một công trình phức tạp gồm nhiều tác vụ chủ yếu như làm chứng cho Tin Mừng, hoạt động cho những giá trị của vương quốc, đấu tranh cho sự thăng tiến con người toàn diện, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa, hội nhập văn hoá, đối thoại với các tôn giáo.[21] Chính vì thế, Giáo Hội tại Việt Nam cần tìm ra phương thức mới để loan báo Tin Mừng. Chính mầu nhiệm Đức Kitô Nhập thể và Thánh Thần sáng tạo sẽ là khuôn mẫu cho phương pháp mới trong sứ vụ truyền giáo. Cứ điểm của phương pháp này không gì khác hơn “là phong cách của Đức Giêsu-trong-sứ-vụ, là tư cách của một môn đệ chân chính” trong bối cảnh Việt Nam thời đại mới.[22] Không phải như một người đang ban phát vì tự hào mình có mọi sự, nhưng như một người chung phần, người tín hữu Việt Nam muốn sống trong tình bạn với tất cả những người dân Việt khi họ cầu kinh, làm việc, chịu đựng và đấu tranh cho một đời sống nhân bản tốt đẹp hơn, và khi họ tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và tiến bộ của con người.[23] Giáo Hội tại Việt Nam phải bước đi với quê hương đất nước trong tình huynh đệ nhân loại.
Nếu người tín hữu bình thường đã phải loan báo Tin Mừng, thì người tu sĩ càng phải loan báo, và nhất là với 3 lời khấn, làm chứng cho thực tại Tin Mừng là Nước Trời đang hoàn thành tại trần gian này.
Chính vì vậy, chúng ta không bao giờ tách rời đức tin khỏi cuộc sống, không chỉ chăm chú vào những thực hành tôn giáo để rồi thờ ơ với các hoạt động xã hội. Niềm mong đợi trời mới đất mới không cho phép người Kitô hữu xao nhãng việc thăng tiến xã hội trần thế theo đúng tinh thần Tin Mừng.[24] Đối với Giáo Hội, “sứ vụ là hoạt động có tính chiêm niệm và là chiêm niệm mang tính hoạt động”.[25] Vì thế, hoạt động cho công bằng, bác ái và xót thương có tương quan chặt chẽ với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực.
Hát : Này con là đá
Hát : Tantum Ergo
Phép lành Mình Thánh Chúa
Hát kết thúc (tạ ơn Chúa với Mẹ)
ĐK. Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng, tình yêu Chúa nào biết chi báo đền. Chúa muôn đời là Chúa, khắp vũ trụ trời đất, ngàn vinh quang cao chiếu hiển trị đời đời.
1. Vì tình Chúa đã chất chứa trong trái tim Mẹ hiền luôn trìu mến mãi cứu giúp chở che nguyện cầu. Ngàn phúc ân vẫn nhờ Mẹ, ngàn khổ đau cũng nhờ Mẹ, nhờ Mẹ thương dâng Chúa trót đời tạ ơn.
---------------------------- [1] x. Synod for Asia, Lineamenta, 27.
[2] The Asian Synod: Texts and Commentaries, biên soạn bởi Peter C. Phan, nhà xuất bản Maryknoll: Orbis, 2002, trg. 50.
[3] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.
[4] x. FABC IV, 8.1.1, trong For All, vol. 1, trg. 287 ; vol.2, trg. 138 ; Cv 4:32.
[5] x. FABC IV, 3.3.3 ; BIRA I, 7 trong For All, vol.1, trg. 281. 110.
[6] x. Gioan-Phaolô II, Huấn dụ dành cho các giám mục Việt Nam, nhân dịp Ad limina 21 – 01 – 2002.
[7] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia , 25.
[8] x. International Congress on Mission, 6-10, trong For All, vol.1, trg. 150-51; FABC IV, 8.0, trong For All, trg. 287 ; Asian Integral Pastoral Approach, 4 trong For All, vol.2, trg. 138 ; OTC, The Spirit at Work in Asia Today, 5.7 trong For All, vol.3, trg. 324.
[9] x. FABC IV, 2.3.3-2.3.9 ; 8.11-2 trong For All, vol.1, trg. 278-279 ; 287.
[10] x. FABC III, 17.2 trong For All, vol.1, trg. 60.
[11] x. FABC III, trong For All, vol.1, trg. 52. 60. 99. 112. 150.
[12] x. Asian Colloquium on Ministries in the Church, trong For All, vol.1, trg. 90. 151. 193; x. FABC IV, 3.3 trong For All, vol.1, 183.
[13] FABC IV, 4.7.1 trong For All, vol. 1, 194.
[14] x. FABC IV trong For All, vol.1, 194.
[15] FABC IV, 4.8.4 trong For All, vol.1, 196.
[16] FABC III, 4.6 trong For All, vol.1, 193.
[17] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 26.
[18] Synod for Asia, Lineamenta, 26.
[19] x. FABC IV, 4.8.8-9 trong For All, trg. 197.
[20] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 16.
[21] x. Đức Phaolơ VI, Tơng huấn Evangelii Nuntiandi , 24 ; Synod for Asia, Lineamenta, 30 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio 31-32.
[22] x. FABC V, 9.1, For All, vol.1, trg. 288.
[23] x. FABC V, 6.2, For All, vol.1, trg. 283.
[24] x.Vat. II., GS 43.
[25] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 23.