GIỜ THÁNH - NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2004

Thứ năm - 09/03/2023 11:48
GIỜ THÁNH - NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI  2004
GIỜ THÁNH - NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2004
GIỜ THÁNH
NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

Chúa nhật IV Phục Sinh, 02/5/2004
(Cầu nguyện cho ơn gọi 3: Chúng con hướng về Ngài)
-----------------------------------

KHAI MẠC

1.      Đặt Mình Thánh Chúa. Hát kính Thánh Thể
2.      Lời nguyện mở đầu của chủ sự:

Chúng con hướng về Ngài, với niềm tin tưởng !
lạy Con Một Thiên Chúa,
là Đấng được Chúa Cha sai  đến cho mọi người nam nữ
của mọi thời đại và mọi miền trên trái đất !
Chúng con kêu cầu Chúa, qua Mẹ Maria,
Thân Mẫu Chúa và Mẹ của chúng con:
ước gì Hội Thánh không thiếu những ơn gọi,
nhất là những người hiến thân cách đặc biệt cho Vương Quốc của Chúa.    

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại !
chúng con cầu xin Chúa cho các anh em, chị em chúng con
đã thưa “xin vâng” với lời mời gọi của Chúa
hướng tới chức linh mục, đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo.
Ước gì đời sống của họ ngày qua ngày được canh tân,
để trở nên một Tin Mừng sống động.

Lạy Chúa nhân từ và thánh thiện,
xin tiếp tục gửi các thợ gặt đến cánh đồng là Vương Quốc của Chúa !
Xin nâng đỡ những người mà Chúa mời gọi
bước theo Chúa trong thời đại hôm nay:
khi  chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa,
ước gì họ đáp trả trong niềm vui
với sứ vụ tuyệt diệu mà Chúa giao phó cho họ
vì thiện ích của Dân Chúa và của tất cả mọi người.
Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị
cùng Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời. Amen.

LẮNG NGHE LỜI CHÚA  – SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

3.      Bài đọc I

Trích thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Philípphê (3,8-14)

Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu ; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu.

4. Suy niệm 1: Hiệp thông với Đức Kitô

Để thực sự hiệp thông với Chúa, phụng vụ thánh hẳn là một phương thế chính yếu, đặc biệt là việc cử hành thánh lễ … “Thật vậy, phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó chính là Chúa Kitô: Người là mầu nhiệm Vượt Qua của chúng ta, Người là Bánh hằng sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống” (LM 5).

Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi sống theo những lời khuyên phúc âm, làm sao một người đã được kêu mời chọn Đức Kitô, như là Đấng duy nhất có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, lại không ao ước hiệp thông sâu xa với Người, nhờ tham gia mỗi ngày vào bí tích làm cho Người hiện diện, vào hy lễ làm cho tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Golgotha hiện diện, vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ dân Chúa suốt cuộc hành hương. Do tự bản chất, bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và của mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho những con người. Trong bí tích Thánh Thể, mỗi người tận hiến được mời gọi sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Chuyên cần chiêm ngắm Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta đựơc sống một phần nào kinh nghiệm của thánh Phêrô khi thấy Chúa biến hình: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay !” (Mt 17,4). Và khi cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô, sự hiệp nhất và tình yêu mến của những người đã dâng hiến cho Chúa cả cuộc đời, được củng cố và phát triển” (Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, 95).

5.      Cầu nguyện (một hay hai người đọc lời chúc tụng dựa theo thánh Augustinô ; cuối mỗi đoạn, cộng đoàn đáp: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !).

Lạy Chúa, trên núi thánh,
Chúa đã mạc khải chính mình
như là Con yêu dấu của Chúa Cha,
tràn ngập ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa đã biến hình vinh quang trên núi Tabo
và biến dạng không còn gì là đẹp đẽ trên núi Sọ.
Lạy Chúa, Chúa rực rỡ trong vẻ đẹp thần thánh
và lôi cuốn chúng con bước theo Ngài
trên con đường Phúc Âm.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa là Ngôi Lời nhập thể,
tuyệt đẹp bên cạnh Thiên Chúa khi ở trên trời
và khi ở dưới đất.
Lạy Chúa, Chúa tuyệt đẹp trong lòng Đức Trinh Nữ,
trong vòng tay của Đức Mẹ
và tay trong tay với thánh Giuse.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa tuyệt đẹp trong lời nói và trong phép lạ,
khi đồng hành với các môn đệ,
trong tình bạn tại Bêtania,
trong tình yêu với người nghèo khổ.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa tuyệt đẹp khi chịu khổ hình,
khi ở trên thập giá,
khi được hạ xuống và chôn cất trong mồ.
 
Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa rực rỡ vẻ đẹp khi phục sinh,
khi ban dấu chỉ bình an cho các môn đệ,
trên con đường Emmau, trong vinh quang khi lên trời.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

Lạy Chúa, Chúa rực rỡ vẻ đẹp
ẩn giấu trong bí tích Thánh Thể,
một sự hiện diện bằng hữu,
lương thực cho cuộc hành trình của chúng con,
xin cho chúng con được Ngài luôn lôi cuốn,
hướng về Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần,
cùng với mọi anh em, chị em trên thế giới
đang đói khát vẻ đẹp thần linh.

Đ/ Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Chúa !

6.      Tin Mừng

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (1,35-51)

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế ?". Họ đáp: "Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?". Người bảo họ: "Đến mà xem !”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia" (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô).

Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: "Anh hãy theo tôi”. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô.

Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: "Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. Ông Nathanaen liền bảo: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được ?". Ông Philípphê trả lời: "Cứ đến mà xem !". Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối”. Ông Nathanaen hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi ?". Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. Ông Nathanaen nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen !". Đức Giêsu đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”. Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.

7.  Suy niệm 2: Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi.

Nhân Ngày quốc tế cầu nguyện cho Ơn Gọi năm nay, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã gửi một Sứ điệp (23/11/2003), trong đó ngài viết: “Trong Tông Thư Bước vào Ngàn Năm Thứ Ba, tôi đã viết: “Trong thế giới hôm nay, mặc dầu tục hoá lan rộng, có một nhu cầu phổ biến về đời sống thiêng liêng, một đòi hỏi được diễn tả như một nhu cầu đổi mới về việc cầu nguyện” (s. 33). Lời khẩn nguyện đồng thanh của chúng ta hướng về Chúa được lồng vào trong “nhu cầu về đời sống cầu nguyện” này để Người “sai thợ ra gặt lúa về”.

 … Trong nhiều Giáo Hội địa phương, những tổ ấm cầu nguyện cho ơn gọi đang được hình thành. … Vô số gia đình đã trở thành những “tổ ấm” cầu nguyện nho nhỏ, nhằm giúp giới trẻ can đảm và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thầy Chí Thánh”.

Ngỏ lời với những người trẻ trong Sứ điệp nhân ngày quốc tế giới trẻ lần thứ XIX (22/02/2004), với chủ đề: “chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”, Đức thánh cha viết: “Hãy để phát sinh từ tâm hồn ước muốn nồng cháy muốn gặp Thiên Chúa, một ước muốn đôi khi bị bóp nghẹt bởi những tiếng ồn ào của thế gian và bởi những quyến rũ của các thú vui. Hãy để cho ước muốn đó được phát triển và các con sẽ có được kinh nghiệm kỳ diệu về việc gặp gỡ Đức Giêsu. Kitô giáo không phải chỉ là một giáo thuyết ; đó là một cuộc gặp gỡ trong đức tin với Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử qua việc nhập thể của Đức Giêsu.

Bằng mọi cách, hãy cố làm cho cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra, và hãy nhìn về Đức Giêsu là Đấng say mê tìm kiếm các con. Hãy tìm kiếm Người với đôi mắt thể xác qua những biến cố cuộc đời và nơi gương mặt của tha nhân ; nhưng cũng hãy tìm kiếm Người với đôi mắt linh hồn qua lời cầu nguyện và việc suy niệm Lời Chúa, bởi vì "việc chiêm ngắm dung nhan Đức Kitô không thể nào không được gợi hứng bởi tất cả những gì Kinh Thánh nói với ta về Người" (NMI, 17 - Sứ điệp gửi giới trẻ 2004, s. 3).

8.      Hát “Chúa là Mục Tử” hay bài nào khác thích hợp.

9. Suy niệm 3: Thánh Thể và chức linh mục

Cũng với lời mời gọi cầu nguyện, trong Thư gửi các linh mục ngày 28/3/2004, Đức Thánh Cha viết: “Trên thực tế, các ơn gọi là một ân huệ từ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện cho những ơn gọi. Theo lời mời của Chúa Giêsu, chúng ta phải cầu nguyện với Chủ mùa gặt xin Ngài sai những thợ gặt cho mùa gặt của Ngài (x. Mt 9,37). Sự cầu nguyện, được phong phú hóa bởi việc dâng hiến sự đau khổ thầm lặng, vẫn là phương tiện chính yếu và hiệu nghiệm nhất cho công trình mục vụ ơn gọi. Cầu nguyện có nghĩa là ngước nhìn lên Chúa Kitô, để xác tín rằng từ nơi Người là Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất, và từ sự dâng hiến thần linh của Người, nhờ ơn Chúa Thánh Thần sẽ có những hạt giống cho ơn gọi lớn mạnh dồi dào qua mọi thời đại, cần thiết cho sự sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Chúng ta hãy dừng lại trong Phòng Tiệc Ly và chiêm ngắm Chúa Cứu Thế, Đấng sáng lập Thánh Thể và chức linh mục trong bữa Tiệc Ly. Trong đêm thánh này, Người đã kêu tên từng người và kêu tên tất cả các linh mục qua mọi thời đại. Người nhìn mỗi một người giữa các linh mục với cùng cái nhìn đầy khích lệ yêu thương như Người đã nhìn Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan, nhìn Nathanael dưới cây vả, và nhìn Matthêu ngồi tại bàn thâu thuế. Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta và theo nhiều con đường khác nhau, Người tiếp tục kêu gọi nhiều người khác làm thừa tác viên cho Người.

Từ Phòng Tiệc Ly, Chúa Kitô không ngừng tìm kiếm và kêu gọi. Ở đây chúng ta gặp nguồn gốc và nguồn mạch đời đời cho một sự cổ võ mục vụ đích thực về ơn gọi linh mục. …”.

“Bí tích Thánh Thể là một hồng ân và một mầu nhiệm, và chức linh mục cũng là một hồng ân và một mầu nhiệm, cả hai đã tuôn trào ra từ tấm lòng của Chúa trong bữa Tiệc Ly cuối cùng.

Chỉ một Giáo Hội yêu mến Thánh Thể mới có thể, đến lượt mình, sinh ra các ơn gọi linh mục thánh thiện và phong phú. Và Giáo Hội làm được điều đó qua cầu nguyện và qua những chứng tá thánh thiện, được trao tặng trong một cách thế đặc biệt cho những thế hệ mới” (bài giảng lễ Tiệc Ly 2004).

10.    Lời Kinh cầu cho các ơn gọi (Đức Phaolô VI, 1964)

Lạy Chúa Giêsu là Vị Mục Tử đích thực, – là Đấng chăn dắt các tâm hồn, – Chúa đã chọn các Tông Đồ theo nghề chài lưới người – và không ngừng lôi cuốn các bạn trẻ – có tâm hồn sốt sắng và quảng đại, – để biến họ nên môn đệ Chúa – và thừa tác viên của Hội Thánh ; – xin rèn luyện con người họ – biết chia sẻ nỗi khát khao của Chúa – trong sứ vụ cứu độ phổ quát mà Chúa đã hoàn tất – qua cái chết hồng phúc trên thập giá – và hằng ngày tái diễn nơi Hy Tế Bàn Thờ.

Lạy Chúa là Vị Thượng Tế hằng sống – để chuyển cầu cho nhân loại chúng con, – xin mở ra cho người trẻ chân trời của thế giới hôm nay, – nơi đang vang lên lời cầu nguyện chân thành của biết bao anh chị em, – để họ được ánh sáng chân lý soi dẫn – và có tâm hồn nồng cháy lửa mến yêu – mà quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: – tiếp nối sứ vụ cứu thế và xây dựng Hội Thánh – là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa ; – xin cho họ trở nên “muối đất và ánh sáng trần gian” – làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện ngay ở đời này, – hầu tôn vinh Danh Chúa và hướng tới lợi ích mọi người.

Lạy Chúa, xin cho lời đáp trả ơn gọi – cũng trải rộng đến các phụ nữ – có tâm hồn thanh khiết và đầy sức sống, – để họ biết khao khát đời sống trọn lành theo Phúc Âm – và thực hiện tinh thần phục vụ Hội Thánh – một cách cụ thể nơi các anh em mình – là những con người cần đến sự trợ giúp và đức ái của họ. – Chúng con cầu xin, – vì Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn thuở muôn đời. A-men.

KẾT THÚC

11.    Hát “Này con là Đá”. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.
12.    Hát “Đây Nhiệm Tích”. Lời nguyện và Phép Lành Mình Thánh Chúa.
13.    Hát kết thúc.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây