LỜI GỌI YÊU THƯƠNG (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 100) --------------------------------
Dan Lack kể lại một câu chuyện rất ngắn, nhưng cũng rất ấn tượng:
Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé khoảng 6-7 tuổi, đang đứng tần ngần trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân đất, khoác trên người mặc bộ quần áo cũ kỷ, tả tơi, trông giống như miếng giẻ rách.
Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được những nỗi thèm muốn trong đôi mắt màu xanh đó. Bà cầm tay đứa bé, dẫn vào tiệm và mua cho em một đôi giày mới và một bộ quần áo mới.
Sau đó, họ bước ra phố. Thiếu phụ nói với cậu bé: Chúc cháu vui vẻ và được một đêm ngủ ngon.
Đứa bé trố mắt nhìn thiếu phụ, rụt rè hỏi: Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé, vỗ nhẹ vào vai cậu và trả lời: Con ơi, không phải đâu. Bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi.
Cậu bé như khám phá ra được một điều gì mới lạ:
“Cháu biết ngay mà, là bà có họ hàng với Chúa”.
Chúa Giêsu đã xác nhận:
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Matthêu 12,48-49).
Quả thật, thiếu phụ trong câu chuyện trên đã nghe và thi hành lời kêu gọi yêu thương của Chúa:
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc, và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Luca 6,38).
Được làm anh em, được làm họ hàng của Chúa, không phải là một vinh dự vô cùng lớn lao cho con người hay sao ? Cậu bé chỉ vô tình nói lên cảm nghĩ đơn sơ của mình, nhưng đó lại chính là ý định từ đời đời của Thiên Chúa. Không những Ngài nhận những người thực thi những cử chỉ yêu thương cho tha nhân là anh em của Ngài, mà Ngài còn cho đó là làm cho chính Ngài:
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Gioan 13,20).
Theo sự khôn ngoan loài người, thường ai cũng muốn thu tích của cải, chứ không muốn ban phát cho đi.
Người khôn ngoan thật trước mặt Chúa, là người không tích trữ cho mình những đồng tiền sẽ bị mối mọt ten sét làm hư hỏng, nhưng là những người biết tích trữ của cải thiêng liêng, là những việc bác ái yêu thương, là những nghĩa cử trao ban vô vị lợi.
Chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm đã đến hỏi Chúa:
“Tôi phải làm gì để được sống đời đời”
Chúa đã không đề nghị với anh, hãy lo thu tích của cải thêm, để được hạnh phúc, nhưng Chúa bảo:
“Phải về, bán đi tất cả những gì anh có, cho những người nghèo khó, rồi đến mà theo Ngài” (Luca 18,22)
Đối với những người tham lam của cải, hay những người mơ ước hưởng thụ, như người giàu xây kho lẫm trong dụ ngôn, thì họ lời xem khuyên của Chúa Giêsu, thật là một sự liều lĩnh và điên rồ.
Tham lam là đầu mối mọi sự dữ:
- Vì tham lam, người ta chèn ép, người ta chà đạp, người ta hãm hại lẫn nhau.
- Vì tham lam, người ta khóa cửa từ tâm, người ta nắm chặt bàn tay lại, không dám mở ra, để san sẻ, để cho đi.
Theo tiến sĩ Amathia Chel, người được giải Nobel kinh tế năm 1998, thì:
“Muốn loại trừ nạn đói ra khỏi đời sống, không chỉ là tăng vụ, không chỉ là chọn giống tốt cho lương thực, cũng không phải đề phòng thiên tai, mà cần có một hệ thống phân phối lương thực hợp lý, để những người nghèo khổ nhất, ở trong những vùng xa xôi không bị bỏ rơi”.
Nhà văn Jose Saramago, người được giải Nobel Văn học năm 1998, đã viết trong tác phẩm của mình, tựa đề là “Khiếm Thị”, nói về sự mù quáng của tư duy. Ông nói người sau:
“Chúng ta đều là những sinh vật, có tư duy cao, nhưng chúng ta lại không cư xử như người có suy nghĩ. Vì nếu làm được thế, thì nạn đói đã biến mất khỏi hành tinh này”.
Sống trong xã hội loài người, tình liên đới không phải là một thứ xa xí phẩm, được thêm vào cho mối tương quan giữa người với người, hay như một thứ trang trí, tô điểm cho nhân cách của chúng ta. Nhưng nó chính là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm người, và nhất là ơn gọi là người kitô-hữu
Lạy Chúa,
- trong Chúa, chúng con được liên kết với nhau,
- trong Chúa, chúng con là anh chị em của nhau.
Xin Chúa luôn nhắc nhở con tới bổn phận yêu thương, san sẻ. Xin Chúa thúc đẩy con biết sống cho tha nhân.
Xin đừng để con sống ích kỷ, sống tham lam, sống hưởng thụ.
Nhưng xin cho con luôn biết sống quảng đại, luôn biết trao ban cho những anh chị em nghèo khổ hơn, đang sống bên cạnh con. Amen.