NỮ THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 104) ------------------------------------
Calcutta, một khu phố nghèo đói nhất Ấn Độ, bỗng xuất hiện một nữ tu nhỏ nhắn, khoác chiếc áo Sari màu trắng, viền xanh, đang quỳ sụp bên một thùng rác ven đường, để moi ra một người đàn bà hấp hối, đang bị kiến và chuột rúc riả.
Nữ tu ấy đã mang về tắm rửa và chăm sóc, cho đến khi người phụ nữ ấy trút hơi thở cuối cùng, trong an bình và thanh thản, xứng với phẩm giá con người.
Người nữ tu ấy chính là mẹ Têrêxa Calcutta.
Một lần kia, mẹ Têrêxa nhìn thấy đám đông tụ tập trước ngôi đền thờ thần Kali, mẹ đến gần xem, đó là một người trông coi đền thờ, đang nằm co quắp trên lề đường, đôi mắt đã lạc đi, chẳng ai dám đụng tới, vì ông đang mắc bệnh dịch tả.
Mẹ Têrêxa xông vào, bế xốc ông ta lên, vác về ngôi nhà tình thương của mẹ và chăm sóc ông, cho đến khi lành bệnh.
Người mẹ của thế giới nghèo khổ ấy vừa ra đi vĩnh viễn, đêm mùng 5 tháng 9 năm 1997, tại Calcutta (Ấn Độ), vì bệnh tim đột ngột, ở tuổi 87.
Vị nữ tu bình dị khiêm tốn ấy suốt một đời lăn lộn bên cạnh những con người nghèo đói, không nhà, không cửa, luôn bên cạnh những người phong cùi, những người mắc bệnh Aids, và những kẻ hấp hối.
Nhưng, khi nằm xuống, có đến 4 vị tổng thống đương nhiệm, 2 nữ hoàng, 3 vị đệ nhất phu nhân, 2 thủ tướng, và rất nhiều người cao sang quyền quý, đến dưới chân mẹ, kính cẩn, nghiêng mình tiễn biệt
Vị nữ tu khó nghèo thanh bần ấy, khi nhắm mắt xuôi tay chỉ để lại gia tài riêng: 2 chiếc áo sari và một đôi dép, nhưng đã có 3 quốc gia để tang mẹ: đó là Albani, Mỹ, và Ấn Độ.
Cũng chính Ấn Độ là nước tổ chức lễ quốc tang cho mẹ, một vinh dự chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia, với linh cửu được quàng trên cổ xe pháo, theo nghi thức quân đội, mà chỉ có thánh Mahatma Gandhi, và thủ tướng Nehru, mới được ưu tiên này.
Một đoàn trực thăng trên trời và 20 xe quân sự dưới đất, với khoảng một triệu người đứng dọc hai bên đường, và trên sân vận động Natadi có mái che, chứa 15.000 người, gồm 6.000 quan khách, 50 khách danh dự, từ 20 nước, và 6.000 người phong cùi, tàn tật, vô gia cư, nghèo đói, đại diện cho những lớp người, mà mẹ đã phục vụ khi còn sống. Hàng ngàn người đi theo sau linh cữu của mẹ. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo.
Lễ quốc tang đã được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới cho hàng triệu người xem, trên 100 quốc gia khác nhau.
Mẹ Têrêxa được yêu mến, ngưỡng mộ, kính phục và tri ân, vì mẹ đã đem lại cho thế giới đầy khổ đau và bất công này, niềm tin và hy vọng.
Dù chỉ là một nữ tu nhỏ bé, nghèo nàn và bình thường, nhưng mẹ đã làm nên những điều kỳ diệu, đó là
- mẹ đã làm cho những kẻ hấp hối được an vui, thanh thản trước khi nhắm mắt lìa đời.
- những trẻ sinh ra, không cha, không mẹ, không cửa, không nhà, được nhìn nhận phẩm giá, như một con người.
- những người nghèo đói, phong cùi, siđa, được có những anh chị em hết lòng yêu thương chăm sóc tận tụy, hy sinh cả cuộc đời, chỉ mong cho họ được mạnh khỏe, lạc quan, vui sống.
Dù chỉ là một nữ tu đơn sơ ban đầu, mẹ Têrêxa đã làm nên phép lạ cho Dòng Thừa Sai Bác Ái của mẹ, có đến 4.000 nữ tu, 450 sư huynh, và hàng ngàn người ngoại giáo ngày đêm xuôi ngược tiếp tục công việc nhân ái của mẹ, với 600 cơ sở, ở 126 quốc gia trên thế giới.
Từ ngày thành lập vào năm 1950 đến nay, mỗi năm nhà dòng của mẹ đã giúp nuôi 50.000 gia đình nghèo, dạy dỗ cho 20.000 trẻ em, và săn sóc 90.000 người mắc bệnh phong cùi, trong các bệnh viện riêng, ở 10 quốc gia.
Các trẻ em mồ côi, mà mẹ đã nuôi dạy, từ hơn nửa thế kỷ nay, nhiều khôn kể xiết.
Dù chỉ là một nữ tu Công Giáo, sống theo tôn chỉ phục vụ người nghèo, nhưng khi lìa trần, chính phủ Ấn Độ đã phải quyết định cả nước để tang mẹ trong 2 ngày.
Tại Ấn Độ này, nếu biết rằng: Số người theo đạo công giáo chỉ chiếm 2,5% dân số. Và tại đất nước này, các tôn giáo không hẳn lúc nào cũng chung sống hòa bình, thì có thể hiểu: quyết định này chứng tỏ lòng nhân ái bao la của mẹ Têrêxa đã được mọi tôn giáo cảm kích.
Ngay cả vị chủ tế đền thờ Hồi Giáo ở thủ đô Delhi cũng phải thốt lên: Mẹ Têrêxa là một vị thánh.
Suốt cuộc đời tận tụy làm việc bác ái, mẹ Têrêxa đã được ban tặng rất nhiều giải thưởng:
- Năm 1979 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao tặng giải thưởng hòa bình cho mẹ.
- Rồi cũng năm đó, Liên Hiệp Quốc cũng trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.
- Rồi năm 1980 tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng mẹ danh hiệu công dân nước Mỹ.
- Rồi quốc hội Mỹ công nhận là công dân ưu tú nước Mỹ.
- Rồi chính phủ Anh tặng mẹ bằng vinh dự quốc gia…
Tất cả những giải thưởng này, kể cả chiếc xe hơi sang trọng hiệu Limousine, do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng mẹ năm 1964, khi Ngài sang thăm Ấn Độ, mẹ đã đem đổi tất cả thành phương tiện, để lo cho người nghèo và các bệnh nhân phong cùi.
Không chỉ ở các nước Thế Giới Thứ 3, ở các nước tư bản, mà hoạt động nhân đạo của mẹ còn lan rộng sang các nước Cộng Sản, như Liên Xô,Trung Quốc, và Cuba.
Năm 1986, mẹ đã thành lập một viện dưỡng lão ở Matxcơva.
Và năm 1988, chính mẹ là người đầu tiên, có mặt sau trận động đất dữ dội ở Cộng Hòa Armenia.
*****
Tối ngày mùng 5 tháng 9 năm 1997 Calcutta nhận được một bức điện của tổng thống Pháp Jacques Chirac, với lời lẽ đau buồn nhưng sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít tình thương hơn, ít lòng trắc ẩn hơn, ít ánh sáng hơn, trên thế giới này”.
Rồi tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam cũng nói: “Nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cao cả của mẹ Têrêxa, suốt một đời hy sinh cho những người bần cùng thế giới”.
Cố thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi cũng nói: “Khi gặp mẹ Têrêxa, người ta hoàn toàn cảm thấy mình bé nhỏ, vì cảm nhận được sức mạnh của lòng nhân ái nơi mẹ”.
Qua những chứng từ trên đây cho chúng ta thấy: Mẹ Têrêxa, chính là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu trong thời đại hôm nay.
Cứ nhìn dòng người liên tục nối đuôi nhau dài 3 cây số, để kính viếng linh cữu của Mẹ, người nghèo khổ đứng xếp hàng cạnh những người trung lưu và những kẻ quyền quý, người Công giáo lặng lẽ nối đuôi sau người Hindu, người Hồi Giáo đứng xếp hàng cạnh người Ấn Giáo, ta mới thấy: Vị thánh của người cùng khổ đã có một sự hấp dẫn lạ thường.
Có câu ngạn ngữ nói rằng:
“Bạn hãy sống làm sao, cho khi bạn cất tiếng khóc chào đời, thì mọi người cùng cười, Và khi bạn xuôi tay nhắm mắt, thì mọi người cũng nhỏ lệ tiếc thương”.
Mẹ Têrêxa đã làm được điều đó trong cuộc đời mình. Và điều quan trọng, mà mỗi người chúng ta phải làm, là tiếp tục và nhân rộng công trình của lòng nhân ái, mà mẹ đã thực hiện trong suốt cuộc đời.
Đó cũng là gợi ý của Đức Hồng Y Angelo Sodano, đại diện Đức Giáo Hoàng, đã đề nghị trong bài giảng lễ tang của mẹ Têrêxa ngày 13 tháng 9 năm 1997.
Lạy Chúa, Chúa đã ban tặng cho thời đại chúng con có mẹ Têrêxa Calcutta, một người phụ nữ vĩ đại của hành tinh, một hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, một thánh nữ giữa đời thường.
Trong trong tâm tình tạ ơn, chúng con xin cùng với mẹ Têrêxa, thành khẩn cầu xin cùng Chúa:
“Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin, để chúng con nhận ra Chúa hôm nay, và hằng ngày nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người đang gặp tai ương, thử thách, những người đáng thương, những kẻ đói, không chỉ vì thiếu ăn, nhưng vì thiếu lời Chúa, những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, thiếu sự thật, thiếu công bằng và thiếu tình thương, những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết yêu thương. Những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà con làm cho người bé nhỏ nhất trong anh em, là con đã làm cho chính Ta” (Matthêu 25,40).Amen.