MẦU NHIỆM CỦA ĐAU KHỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 363

Thứ sáu - 26/08/2022 06:33
MẦU NHIỆM CỦA ĐAU KHỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 363
MẦU NHIỆM CỦA ĐAU KHỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 363
MẦU NHIỆM CỦA ĐAU KHỔ
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 363)
-------------------------------------

Bạn thân mến,

Trong kinh điển Phật giáo có ghi lại một câu truyện như sau:

Có một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau khổ tột cùng, người đàn bà đem đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết, có thứ thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và chỉ cảm thông mà thôi.

Nhưng cuối cùng, có một người mách cho người đàn bà biết: Có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.

Người đàn bà khốn khổ chạy tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một liều thuốc.

Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”.

Nghe thế, người đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca.

Nhưng vừa thấy những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào, mà không có tang chế, đến nhận lấy những hạt cải này, để chế ra thuốc”.

Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời gọi mọi người nhận lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại không có người thân đã ra đi.

Khi người đàn bà trở về nhà, thì đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc, bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ, rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác con vào rừng và chôn cất.

*****

Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người, mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi.

Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn, mà Ngài phải trải qua.

Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận:

Tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn.

Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: Ra đi, mà không vĩnh biệt.

Do đó, Chúa Giêsu đã nói:

“Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”.  (Ga 16, 16-20)

Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài:

Các môn đệ sẽ buồn sầu, vì cái chết của Chúa Giêsu, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội, khi Ngài sống lại.

Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ;

Đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mầu nhiệm khổ đau của con người.

Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau. Nhưng trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

“Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tích cực hiểu và tích cực sống mầu mầu nhiệm đau khổ và phục sinh của Chúa. Amen.

-------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây