NHỮNG CHUYỆN LÊN ĐƯỜNG THẬT TUYỆT DIỆU (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 370) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Vào vào một buổi chiều tháng Năm 1873, tại một nhà thờ ở Honolulu, trên hòn đảo Molokai, thuộc quần đảo Hawai, những người cùi hủi đầy nghẹt nhà thờ, Đức cha Maigret, giám mục Giáo phận, đứng bên cạnh bàn thờ, quay xuống hỏi họ:
Các con thân mến,
Các con hằng mong ước có một vị linh mục đến ở cùng và phục vụ các con. Thì đây tôi xin giới thiệu: cha Đamien (Joseph de Veuster 1840-1889 người Bỉ, 33 tuổi), Ngài đến và sẽ ở lại để chăm sóc, phục vụ và chia sẻ với các con từ nay cho đến chết. Các con có vui mừng không?
Cả nhà thờ, không có ai vỗ tay. Nhưng những tiếng xôn xao, những tiếng thầm họ to nhỏ với nhau, rồi không ai bảo ai, họ đã lần lượt, từ từ, tiến lên cung thánh, đến bên cha Đamien, sờ vào mặt, vào tay và vào áo của cha…
Cha Đamien hỏi Đức giám mục: Họ làm gì vậy?
Đức cha giải thích: Họ không thể tưởng tượng được có một người từ nơi phương xa, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, mà còn quá trẻ và lại đẹp trai nữa, không bệnh tật gì, mà lạ tự nguyện đến phục vụ họ, trên mảnh đất khốn cùng này.
Họ không tin vào tai nghe, mắt thấy của mình, nên họ mới xúm lại, sờ mó vào người cha, xem thử: Cha có thực sự bị mắc bệnh phong cùi như họ không?
Vừa trở về chỗ, họ lại vừa xầm xì to nhỏ nói với nhau rằng:
“Không, cha không bệnh tật gì và cha đẹp trai quá!”.
*****
Vào năm 1873, cha Đamien đã tự tình nguyện ra đảo Molokai, nơi mà chính quyền Hawaii thời đó “thu gom” những người bất hạnh bị bệnh cùi hủi ra sống ở đảo nhằm cách ly, tránh sự lây lan cho xã hội. Vì thế họ bị bỏ mặc, sống lạc loài và cô đơn trên đảo, không nhận được bất cứ một sự chăm sóc nào về thể xác, cũng như tâm linh!
Cha Đamien đã đến và biến đổi một trại cùi hiu quạnh, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, thành một trung tâm sinh hoạt yên vui như một gia đình lớn.
Và rồi sau mười sáu năm tận tình phục vụ những anh chị em cùi, cha đã bị lây bệnh và qua đời vào năm 1889. Vì thế cha được mệnh danh là “Tông Đồ người cùi”. Cha được phong chân phước ngày 04/06/1995 và được phong hiển thánh ngày 11/10/2009).
*****
Theo tường thuật của Phúc Âm ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng gia đình bà Elisabet 31/05, thì ngay sau khi nói lời “xin vâng”, Đức Mẹ đã “vội vã” lên đường đên thăm gia đình người chị họ.
Đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, mà là chuyến đi mang niềm vui của ơn cứu độ đến cho tha nhân.
Niềm vui này thật quan trọng và lớn lao, đến nỗi bà chủ nhà Elisabet, vừa khi thấy Đức Maria đến, đã phải thốt lên rằng:
“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng tôi”.
Và Gioan, tuy chỉ là một thai nhi, những cũng đã vui mừng, mà nhảy lên trong dạ mẹ.
Như vậy chúng ta thấy, khi nhận được niềm vui của Tin Mừng cứu độ, Mẹ đã không giữ lại cho riêng mình, mà đã vội vã lên đường, đi chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.
Với tư cách là Mẹ Đấng Cứu Thế, thì lẽ ra, người cần phải đến chăm sóc, phục vụ và ngợi khen Đức Mẹ, đó phải chính là bà Elisabet.
Nhưng ở đây, vì lòng khiêm nhường, Đức Mẹ đã không quản ngại đường xá xa xôi, vất vả, lên đường từ Nadarét, để đến nhà ông bà Dacaria, hành trình dài khoảng 160 cây số, và phải đối mặt với không biết bao nguy hiểm trên đường! Nhưng, Mẹ vẫn kiên quyết lên đường, để đến thăm viếng và phục người chị em này.
*****
Noi gương Đức Mẹ, chúng ta là những người được mệnh danh là “người có Chúa”, tức những Ki-tô hữu, thì cũng phải có bổn phận đem Chúa đến giới thiệu cho tha nhân.
Nhưng trước hết, chúng ta hãy học nơi Mẹ nhân đức khiêm nhường và yêu thương. Bởi, chỉ có thực sự khiêm tốn và yêu thương chân thành, chúng ta mới có thể đem Tin Mừng cứu độ của Chúa cho tha nhân được.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết thể hiện những hành động yêu thương quí mến mọi người mà chúng ta gặp gỡ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Chúng ta có thể trao cho họ những nụ cười tươi thắm, những lời nói nhỏ nhẹ chân thành, những ánh mắt thiện cảm, nhân từ, biết cảm thông, chia sẻ…
Như thế là chúng ta đã mang niềm vui, an bình đến cho mọi người, và nhất là chúng ta đã thể hiện được là người có Chúa Ky-tô đang ngự trị nơi tâm hồn của chúng ta.
Lạy Chúa, hành trình đi thăm viếng của Mẹ, vừa xa xôi, vừa vất, và cả cuộc đời hy sinh của cha thánh Đamien, phải đối mặt thường xuyên với cái chết rình rập hằng ngày, chính là một bài học và cũng là những lời nhắc nhở thường xuyên cho chúng con, về tinh thần khiêm tố, hạ mình, hy sinh, phục vụ, để chúng con cố gắng làm theo, để mỗi ngày chúng con nên xứng đáng là con Chúa, và được Chúa và Mẹ yêu thương nhiều hơn nữa. Amen.