NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CON HỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 243

Thứ bảy - 12/02/2022 22:26
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CON HỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 243
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CON HỔ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 243
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CON HỔ
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 243)
-------------------------------------

Bạn thân mến,

Năm nay 2010 là năm Canh Dần.

Dần là chi thứ ba, trong mười hai chi, đó là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Năm Dần là năm con hổ. Người miền Bắc gọi là hổ, người miền Nam gọi là cọp.

Người ta còn dùng nhiều từ khác nữa, để gọi con thú này, như là ông hùm, ông hầm, ông cọp, ông khái, ông kễnh, ông ba mươi, ông sơn vương, ông sơn quân, ông chúa sơn lâm, vv…

Những từ kể trên có chữ "ông" được ghép vào, là để bày tỏ lòng tôn vinh, kính trọng và khiếp sợ, dành cho con thú họ nhà mèo này.

Hổ là một loài hung dữ, nên những gì có tính cách hung dữ, thì đều được người ta gọi là hổ: như rắn hổ, rắn hổ mang, nhện hắc hổ, nhện hùm.

Nọc của những loại này có thể nói là độc hại vào hạng nhất thế giới.

Cọp thường ở trong rừng, nhưng ở thành thị, chỗ có đông người, người ta cũng thấy có cọp:

Đó là những người thích lảng vảng, la cà ở các nhà sách, ở các sạp bán báo, họ “đọc cọp” các sách báo, chứ không chịu mua, để khỏi phải trả tiền.

Còn ở trường học, người ta cũng thấy có cọp, đây là thứ cọp lai giống, gọi là “Cọp-Dê), đó là do đọc trại từ Copier trong tiếng pháp, có nghĩa là chép bài.

Bọn Cọp-dê này là những học sinh không chịu học bài, chỉ rình chờ để cóp bài của người khác, hoặc của sách giáo khoa, hoặc của các “phao rơi”, bay trôi nổi, do các bạn bè bắn tới.

Bọn cọp-dê này chẳng may, gặp phải những thầy cô tinh mắt bắt được, thì sẽ bị phê cho hai chữ là "đi cọp", hay cọp dê, hay là cóp pi bài người khác. Thế là những con cọp đó đành phải ôm trứng vịt ung mang về nhà mà luộc ăn. Ăn thì nuốt không vô. Mà mặt thì méo xẹo, buồn thỉu, buồn thiu.

Chưa hết, cuối tháng , cộng các điểm lại, bọn cọp bị trứng vịt ung đó, phải lần lượt bị kéo xuống văn phòng, để ôm phiếu liên lạc về gia đình, trình cho cha mẹ.

Khi cha mẹ ký tên vào, thì chắc cũng phải kèm thêm những cái vết roi mây trên mông, trên đít. Những lằn roi mây trên mông, trên đít của những con cọp-dê này, thường không giống những cái vằn, trên lưng cọp vằn thật.

Nói thì nói vậy thôi, chứ bọn cọp-dê ngày nay tinh quái lắm: Chúng thường không đưa sổ liên lạc cho cha mẹ đâu. Chúng thay cha mẹ, tự ký lấy vào sổ liên lạc, để khỏi bị phát hiện là họ nhà cọp, và cũng để tránh những làn roi đau đớn có thể xảy ra.

Nhà trường và phụ huynh, ai cũng biết cái mánh này, nhưng chẳng ai bận tâm chỉnh sửa. Hoặc có muốn chỉnh sửa cũng đành bó tay, không cách nào khác. Rồi cứ thế mà cho qua.

Trong các kỳ thi, người ta cũng thấy bọn cọp-dê thường lảng vảng ở các “hổ bảng” (là những bảng ghi tên những thí sinh trúng tuyển).

Những con cọp-dê này đành phải chấp nhận số phận đứng ở ngoài thôi, bởi làm gì có cái vinh dự được thấy tên mình trên bảng.

Cọp được gọi là ông ba mươi, có lẽ là vì  xưa kia, đất rộng, người thưa, rừng rú rậm rạp, thú vật hoang dã nhiều, nên cọp sống rất thoải mái, và thường hay lân la đến các làng mạc, để quấy nhiễu con người. Do đó, để diệt cọp, trừ tai họa cho dân chúng, triều đình nhà vua mới ban hành luật: Hễ ai bắt được cọp, nhà nước sẽ thưởng cho ba mươi quan tiền.

Nhưng cũng có người giải thích: Là đêm ba mươi, trời thường rất tối, nên cọp hay đến quấy nhiễu làng mạc, nên người ta gọi cọp là ông ba mươi.

Ngày nay, nếu ba mươi, mà lại được cộng thêm ba, thì làm chúng ta liên tưởng đến một thức uống 33 tuyệt hảo.

Gọi là thức uống tuyệt hảo, là bởi vì ở các đám cưới và ở các quán nhậu, người ta thấy trưng bày la liệt trên các bàn ăn. Và sau bữa tiệc, người ta cũng thất rất nhiều chai-lon nằm ngổn ngang ở dưới đất.

Bọn cọp thành phố xưa kia trước năm 75, cũng có một thức thức uống riêng, gọi là bia chai 33, hay cũng gọi là bia con cọp. Bẵng đi một thời gian khá lâu vắng bóng, nay người ta lại thấy tái xuất hiện trở lại cùng với bia 33 ở Việt Nam.

Lâu ngày lại  được uống bia con cọp, thì cũng thấy hay hay, nhưng bởi từ nhiều năm nay, người ta đã quá quen với bia lon, và với loại bia màu xanh, màu dầu gió Heineken, nên bia con cọp đành phải chịu lép vế.

Hùng và hổ tuy dữ như thế, nhưng không bao giờ ăn thịt con. Riêng hổ bố thì rất là tệ: Xong chuyện trăng hoa với hổ mẹ thì bỏ đi, để mặc hổ mẹ lo chăm sóc, nuôi dạy con cái. Chỉ khi nào co nhu cầu cần nhau, thì hổ bố mới xáp lại.

Hổ bố chỉ có một bổn phận duy nhứt đó thôi, cho nên những ông chồng nào bắt chước hổ mà sống kiểu này, tức là không hề quan tâm gì đến vợ, đến con, sống một cách vô tư, vô trách nhiệm, thì sẽ bị người đời nói là sống theo kiểu hổ, và sẽ bị kết án là “loại chồng hổ mang”.

Cọp không thích khỉ, không thích rắn và rất ghét loài heo, loài lợn. Bốn con này gặp nhau là chỉ có nước đánh nhau, cắn nhau cho đến chết mới thôi. Trong tử vi có nói: Dần, Thân, Tị, Hợi tứ hành xung. Nghĩa là những con thú này không nên cưới lấy nhau làm chồng làm vợ.

Trong các cuộc hôn nhân, người ta thường sánh ví cô dâu chú rễ cũng giống như những con thú này, để người ta kén chọn.

Tuy không hợp lý, nhưng bao cuộc hôn nhân đã tan rã, vì những con thú này.

Trong thực tế, nhiều cuộc hôn nhân nằm trong tứ hành xung, mà vẫn sống với nhau rất hạnh phúc và làm ăn rất phát đạt.

Hổ cũng được người ta dùng để đặt tên cho người. Nhưng không thấy ai đặt tên hổ cho phụ nữ.

Tuy nhiên, người phụ nữ nào có cái tính hung dữ, cũng sẽ bị người ta gán cho cái tên là hổ cái, là cọp cái.

Người ta thường nói, là Nam thực như hổ, nữ thực như miêu (Nghĩa là nam giới, thì ăn mạnh như cọp, còn nữ giới thì ăn yếu như mèo).

Không biết câu nói này đúng đến mức nào, chứ thực sự, khi người phụ nữ ôm tiền đi chợ, rồi ngồi ăn ở các hàng quán, trong tiệm ăn hay ngồi ở lề đường, thì làm sao kiểm chứng được là phe nào ăn nhiều ăn ít, ăn mạnh ăn yếu.

Hổ có mạnh thật, nhưng có khi lại thua con chồn, vì chồn có mưu lược hơn.

Chuyện kể rằng:

Một hôm hổ bắt được một con chồn. Hổ dọa sẽ xé xác con chồn ra để ăn thịt, nhưng chồn chỉ thẳng mặt hổ và nghiêm nghị nói:

Này, đừng có xúc phạm đến ta, bởi xúc phạm đến ta là xúc phạm tới Trời. Bởi ta được Trời sai phái xuống dương gian này, là để làm Chúa Tể cả muôn loài.

Thấy hổ có vẻ không tin, chồn liền nói thêm:

Nếu không tin, mi cứ đi theo ta thì sẽ thấy.

Quả nhiên, khi chồn đi trước, hổ đi theo sau, thì các loài thú vật trong rừng, khi vừa trông thấy, liền bỏ chạy tán loạn, mà hổ nào có hay có biết rằng: Các giống thú chỉ vì sợ hổ mà chạy, chứ nào có phải sợ chồn bao giờ đâu. Thế là chồn được thoát nạn.

Khi nói về chuyện con hổ con cọp,  mà không nhắc đến chuyện sau đây, thì phải kể là còn rất thiếu.

Chúng ta biết ngày xửa ngày xưa, loài người và muông thú trong rừng, đều sống rất gần gũi, rất hài hòa và rất than thiện với nhau.

Một hôm, có một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân đang cùng với con trâu cày ở dưới ruộng.

Trâu thì cặm cụi, đi từng bước, lâu lâu lại bị anh nông dân quất cho một roi vào mông.

Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Đợi đến trưa, lúc trâu được tháo khỏi cái cày, cọp liền tiến lại gần trâu và hỏi:

- Này anh bạn, trông anh khỏe như vậy, mà tại sao anh lại để cho con người đánh đập khổ sở như thế?

Trâu khẽ trả lời, nói nhỏ vào tai Cọp:

- Bọn con người tuy nhỏ, nhưng họ có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, nên tò mò hỏi thêm:

- Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết phải giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt cho xong:

- Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi con người đó xem.

Con cọp nhẫn nha bước lại gần chỗ anh nông dân và hỏi:

- Này anh, trí khôn của anh đâu, cho tôi xem thử một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Được, trí khôn của tôi, tôi để ở nhà. Để tôi về nhà lấy cho anh xem.

Nghe nói thế, cọp mừng lắm.

Anh nông dân đi vài ba bước. Bỗng quay lại, làm như sực nhớ ra một điều gì nên nói:

- Nhưng mà không được, lỡ ra tôi đi khỏi, anh ăn thịt con trâu của tôi thì sao? Hay là anh chịu khó, để tôi tạm buộc anh vào gốc cây này, để cho tôi được yên tâm.

Con cọp đồng ý ngay.

Anh nông dân bèn lấy dây thừng, trói cột con cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong, anh ta lấy rơm chất chung quanh cọp, rồi châm lửa đốt.

Khi vừa chăm lửa, anh nông dân cười nắc nẻ thật to tiếng:

- Đây này, đây này, trí khôn của ta đây! Anh bạn có thấy chưa!

Com trâu đứng bên cạnh thấy vậy thì quá thích, cười bò lăn một cách đắc chí. 

Và vì  trâu cười ngất nghẻo, nên hàm răng của trâu cứ ma sát và đụng chạm liên hồi vào đá, nên những cái răng ở hàm trên của trâu đều gãy hết, chẳng còn một cái nào.

Còn con cọp, mãi sau, khi dây thừng bị cháy đứt, nó mới có thể vùng dậy được.

Thế là cọp ta, ba giò bốn cẳng, chạy thẳng một mạch vào rừng sâu, không dám quay mặt lại.

Từ đó, các cọp sau này khi sinh ra, cũng đều mang trên mình những cái vằn đen trên lưng, đó là dấu tích của những vết cháy.

Còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên.

******

Bạn thân mến,

Chúng ta biết, trong muôn loài vật Chúa tạo dựng nên, thì chỉ có con người, là thụ tạo cao cả nhất, vượt xa muôn loài, trỗi vượt muôn thú. 

Bởi, con người được Thiên Chúa ưu ái tạo dựng nên, giống hình ảnh Thiên Chúa. Nghĩa là chỉ có con người là thông minh, có lý trí, có ý chí, có tự do.

Con người còn được Thiên Chúa ban quyền thống trị muôn loài, và làm chủ vũ trụ và vạn vật.

Cho dù là những sinh vật bé nhỏ, hay những loài vật to lớn mạnh bạo, hung dữ như hổ, báo, sư tử, voi, khủng long, vv… cũng đều phải quy phục con người.

Cho dù những loài tinh khôn như khỉ, thì cũng chỉ là bắt chước con người mà thôi, chứ không thể sánh ví với con người được.

Vì thế nhân ngày đầu năm Canh Dần, là dịp thuận lợi, để chúng ta tạ ơn Chúa, đã tạo dựng nên chúng ta, có trí thông minh, có tài năng vượt xa muôn loài muôn vật, và còn cho chúng ta được nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Chúng ta tạ ơn Chúa, đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, cho dù con người chúng ta rất là yếu đuối, rất là bất toàn, rất là giới hạn, rất là tầm thường. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vẫn mãi luôn rộng lớn, có thể “phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng ta”.

Chúng ta tạ ơn Chúa, về một năm đã qua được bình an trong tay Chúa.  Cho dù cuộc sống của chúng ta hãy còn có những khó khăn, nhưng chính Thiên Chúa đã dìu dắt chúng ta, nhờ đó, chúng ta đã vượt qua được những thăng trầm của dòng đời.

Cho dù dòng đời đâu mấy khi được bình yên, nhưng Chúa vẫn luôn luôn nâng đỡ chúng ta, bằng những ơn lành hồn xác của Người.

Chúng ta tạ ơn Chúa, còn là dịp để chúng ta biết sống sao cho xứng đáng hơn nữa với những hồng ân Chúa đã ban tặng cho ta.

Thiên Chúa cho chúng ta nên giống hình ảnh Ngài, thì chúng ta hãy cố gắng luôn tự chủ bản thân, đừng buông mình theo những đam mê tội lỗi xác thịt tội lỗi, đừng phá hủy những nét đẹp của tâm hồn, do chìu theo những thói hư tật xấu.

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta còn nhiều bất xứng, nên chúng ta cũng hãy cố gắng bắt chước Chúa, mà sống tình yêu đó với tha nhân.

Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ.

Hãy sống quảng đại vì Thiên Chúa luôn quảng đại với chúng ta.

Hãy trao tặng cho nhau niềm vui và hạnh phúc, vì chính Thiên Chúa đã luôn trao ban cho chúng ta biết bao nhiêu ơn lành hồn xác, trao ban một cách nhưng không.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con luôn được trong sạch và thánh thiện, để chúng con luôn xứng đáng mang hình ảnh của Thiên Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho những ngày Xuân Mới của chúng con.

Xin cho những ngày Xuân này và trong suốt năm mới, năm Canh Dần này có được niềm vui  trọn vẹn và được hạnh phúc tràn trề.

Nguyện xin Chúa Xuân, ban cho mọi nhà và cho mọi người, một năm mới này, được an bình, được may mắn, và được thành đạt trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Nhất là xin giúp chúng con biết luôn sống xứng đáng là con Chúa hơn, để chúng con cũng được Chúa yêu thương hơn nữa.  Amen!

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=veQMenyDowM&t=1s

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây