NHỮNG THÁNH GIÁ TRONG ĐỜI LINH MỤC (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 225) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Năm nay 2009, Giáo Hội mở năm thánh linh mục, để kêu gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện một cách đặc biệt:
“Xin Chúa Thánh hóa các linh mục của Chúa”.
Chắc chắc không ai ngây thơ cho rằng, việc cầu nguyện cho các linh mục là chỉ cần cầu nguyện trong năm thánh này thôi, còn trước và sau năm thánh, không cần phải cầu nguyện cho các ngài nữa.
Chắc chắn cũng không ai nghĩ rằng: Cầu nguyện cho các linh mục là chỉ cần đọc những lời kinh suông, đọc trơn tuột qua môi miệng là đủ, để rồi không cần phải làm một việc gì khác nữa.
Bởi thánh Giacôbê tông đồ đã dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Cũng vậy, nếu việc cầu nguyện, mà không có những việc làm kèm theo, thì việc cầu nguyện ấy chưa đúng, chưa đủ, chưa hoàn hảo, sẽ không có kết quả, và tất nhiên, là chưa làm đẹp lòng Thiên Chúa đâu.
Mà để có những việc làm đúng, làm tốt, thì ta cần phải khởi đi từ những suy nghĩ đúng.
Và để có những suy nghĩ đúng, ta phải bắt đầu bằng những hiểu biết đúng về linh mục.
Vậy, có bao giờ bạn nghĩ, đời linh mục cũng có những thánh giá phải vác, những thánh giá rất nặng, và có khi còn nặng hơn những thánh giá trong đời sống gia đình nữa.
Từ lâu nay, bạn đã không nghĩ tới phải không? Chắc chắn là như vậy. Bởi trong những khi đi dự lễ phong chức, hay khi đi dự lễ mở tay các tân linh mục, bạn thường được nghe các ca đoàn hát những bài hát, ca ngợi thiên chức linh mục rất là hay:
Chẳng hạn:
“ Từ bụi tro, Chúa đã nâng con lên hàng khanh tướng. Và gọi con là bạn hữu thân tình ...
Những lời ca tuyệt vời ấy, đúng không sai, khi nói về tình yêu cao cả tuyệt diệu, mà Thiên Chúa dành cho con người chúng ta, những tạo vật rất yếu đuối, những tạo vật rất thấp hèn.
Nhưng, cũng chính những lời ca tuyệt vời thơ mộng đó đã làm cho nhiều người cứ nghĩ, đời linh mục chỉ toàn là những hoa hồng, những loại hoa hồng không có gai, những loại hoa hồng được trồng trên những đoạn đường không hề có sỏi đá, không hề có chông gai, những loại hoa hồng chỉ được trồng trên những con đường không có thánh giá.
Ngay chính các linh mục nữa, đôi khi cũng do những lời lẽ êm tai ru ngủ đó, mà rồi không còn nhận ra mình là ai nữa, và rồi có thể sẽ là một tai hoạ thật sự cho Giáo Hội, cho giáo dân, và cho ngay chính linh mục nữa.
Nếu chúng ta chịu khó bình tâm suy nghĩ và mở rộng tầm nhìn để quan sát đôi chút, thì chúng ta sẽ thấy một sự thật khác hẳn:
Đời linh mục tuy có nhiều hoa hồng,
nhưng gai góc cũng không thiếu đâu.
Cho nên các linh mục rất cần lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của nhiều người, để có thể vượt qua được những gian nan thử thách, để có thể vượt thắng được những thách đố muôn mặt phải đối phó, để có thể giữ được bình an trong những nỗi cô đơn rất trống vắng.
Thật sự, đời linh mục có rất nhiều khổ tâm, mà không biết thổ lộ cùng ai, và thật sự cũng không được phép chia sẻ với bất cứ một người nào.
Trong mọi tình huống, linh mục chỉ biết âm thầm chịu đựng, và chỉ biết nhìn lên thánh giá Chúa, mà cầu nguyện, mà tâm sự, mà than thở với Chúa thôi.
Nhưng Chúa thì luôn luôn trong tư thế im lặng.
*****
Một trong những nỗi khổ triền miên của linh mục, là phải làm dâu trăm họ.
Nếu linh mục làm vừa lòng người này, thì chắc chắn sẽ mất lòng người kia, nên linh mục sẽ không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người được.
Nếu hôm nay, linh mục có đẹp lòng một số người, nhưng ngày mai thì chưa chắc. Bởi nhiệm vụ và bổn phận, mà linh mục phải chu toàn, phải là ưu tiên số một, phải là trên hết.
Cuối cùng, cũng chính vì nhiệm vụ và bổn phận phải thi hành đó, mà linh mục sẽ rơi vào trong những nỗi cô đơn, có khi gây nên chán chường, đôi khi linh mục cũng mất bình tĩnh, mất phương hướng, và có khi, cũng không còn thấy Chúa đâu nữa.
Có một câu dân gian thường nói, cũng thường làm cho các linh mục có nhiều miên man suy nghĩ thật mông lung.
Chẳng hạn:
“Bạc như dân, bất nhân như lính”.
Có nghĩa là khi linh mục còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn phục vụ tốt cho giáo xứ, cho giáo dân, còn năng nổ, còn bôn ba chạy hết nơi này nơi nọ được, để kiếm tiền xây nhà thờ, để cất trường học, để xây nhà xứ, để lập cơ sở này nọ, hay để làm những công trình này khác cho giáo xứ, thì giáo dân còn quí mến, còn trân trọng.
Đến khi linh mục đau yếu, già cả, sức lực đã cạn kiệt, thì nhiều người bắt đầu chê bai, gièm pha, phê bình, chỉ trích, hết chuyện này đến chuyện khác.
Có khi còn nặng lời không thương tiếc, và lúc đó, người ta coi linh mục như là một gánh nặng cho giáo xứ, nên cần phải đẩy linh mục đi, như một cái gai cần phải nhổ.
Khi nói như vậy, thì có quá đáng lắm không?
Thưa trên đời này, chuyện gì mà không có thể.
Và thực tế đó đây, ít nhiều cũng đã từng xảy ra.
Khi chứng kiến những vụ việc như vậy, thì linh mục làm sao không khỏi đau lòng, làm sao linh mục không có những miên man suy nghĩ.
Mà nghĩ cho cùng, già yếu, bệnh tật, đâu phải là lỗi của linh mục.
Và tài năng Chúa ban cho mỗi linh mục, đâu có ai giống ai, để rồi người giáo dân thoải mái đem linh mục lên bàn mổ, để mổ xẻ, hay đem linh mục lên bàn cân, để so sánh.
Linh mục cũng không phải là một vị thánh.
Linh mục cũng không phải là một con người thập toàn hoàn chỉnh.
Nên rất cần sự thông cảm của giáo dân, nên rất cần sự giáo dân chấp nhận, tha thứ, nâng đỡ một cách rộng lượng, một cách quản đại, để linh mục không mất phương hướng trong cuộc đời phục vụ, theo lý tưởng ơn gọi của mình
Nói chung, giáo dân thường hay quên chững công ơn và những việc tích cực mà các linh mục đã làm.
Họ chỉ nhìn thấy những yếu kém, chỉ thấy những khuyết điểm thôi.
Nhưng dù sao, chuyện làm dâu trăm họ, cũng chính là một nỗi đau triền miên nơi các linh mục.
Thông thường, Người ta dễ nhớ đến một điều sai, nhưng lại hay quên cả trăm điều đúng của người linh mục đã làm.
Chẳng hạn, đã có một thời:
Báo chí, dư luận bên trời Tây, ồn ào về chuyện một số linh mục lạm dụng tình dục, thế là đức tin của nhiều người bị lung lay, đạo đức của nhiều người bị chao đảo, nhiều người trẻ sinh ra nản lòng, thất vọng. Và ơn gọi đi tu đã giảm sút hẳn.
Về vấn đề này, tôi đã có lần đọc được trong một bài viết rất hay, rất sâu sắc của Đức Cha Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo Phận Qui Nhơn, đã làm cho tôi an lòng đôi chút.
Ngài viết:
Trong một cánh rừng, có cả trăm ngàn cây đang phát triển, đang vươn lên, với một sức sống rất mãnh liệt, nhưng sức sống và sự phát triển của nó lại rất âm thầm.
Nhưng, nếu có một cây nào đó bị ngã, hay bị gãy đổ, thì tiếng ồn ào của nó, vang dậy cả một cánh rừng mênh mông bao la.
Khi đưa ra hình ảnh này, Đức Cha không có ý bênh vực, hay biện hộ những lỗi lầm của các linh mục, nhưng Ngài chỉ đưa ra một điểm tâm lý, rất thông thường, rất phổ thông, để chúng ta cảnh giác, để chúng ta cầu nguyện, hơn là để nản lòng, rủn chí, và nhất là để chúng ta đừng làm nghiêm trọng hoá vấn đề.
Nhưng dù sao, điểm tâm lý rất thông thường này cũng thường xuyên làm cho các linh mục đau khổ.
Rồi, người giáo dân đòi hỏi người linh mục phải là một con người khác, khác giữa trăm ngàn người khác, nhưng thực tế, linh mục luôn luôn vẫn là một con người, bình thường như mọi người.
Cái khó, cái khổ của linh mục chính là ở chỗ đó.
Chẳng hạn:
Thánh Lễ ban chiều vừa xong, mọi người đều ra về với gia đình của mình: Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, vui vầy sum họp bên nhau, bên mâm cơm, bên cái TV, bên cái đầu đĩa.
Nhưng linh mục thì phải ở lại nhà thờ, một mình với một không gian thật tĩnh mịch, không một bóng người, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng những con chim cú mèo, kêu những tiếng bâng quơ ai oán trên không trung.
Đến khi đêm xuống, thì người linh mục phải thui thủi một mình ở lại nhà xứ, thật vắng lặng, im lìm, với những công việc riêng tư một mình, với những cuốn sách, với những cây viết, và với cây thánh giá thật im lặng.
Trong một không gian vắng lặng thường xuyên đó, nỗi cô đơn nhiều lúc ập tới. Tuy rất bình thường thôi, tuy cũng rất là “người” thôi. Nhưng đó cũng là một thứ thánh giá khó vác trong cuộc đời linh mục.
Những cô đơn ấy, sẽ càng đậm đặc hơn, khi những bệnh tật, những đau yếu càng lúc càng bám sát vào con người linh mục, nhất là khi về hưu.
Miếng cơm, viên thuốc, ngụm nước và những chăm sóc theo dõi của bất cứ ai bên cạnh người linh mục, thì làm sao có thể có được một sự ân cần như ý, như những người gần gũi máu thịt, gắn bó của một gia đình ngoài “thế gian” thường tình.
Lại là một thứ cô đơn khác, cũng rất là “người” thôi. Nhưng chỉ có các linh mục mới nếm cảm được một cách sâu sắc những nỗi cô đơn đó.
Khi về hưu, mắt thì mù lòa, chân thì run run, tay thì rảy rảy, nếu muốn về quê ở với con cháu, để chúng trông nom, chăm sóc, thì người linh mục vẫn mang trong mình một nỗi lo âu:
Khi còn trẻ, mình đã không giúp gì được cho chúng nó, mà nay lại gây phiền hà cho con cháu, nên các linh mục vẫn ngài ngại làm sao ấy, khi được con cháu chăm sóc.
Rồi có những linh mục, để được con cháu nuôi dưỡng và chăm sóc, thì linh mục cũng cần phải có một số vốn liếng nào đó.
Nhưng nhiều khi, tiền còn thì tình còn, mà tiền hết thì tình cũng lặng lẽ ra đi.
Và từ đó, những âu lo, và những nỗi đau đớn do bệnh tật, kèm theo những nỗi cô đơn, đã gây nên bao đau khổ, buồn phiền cho linh mục.
Nhất là những đêm khó ngủ do tuổi già, thì những nỗi cô đơn đó lại cứ gậm nhắm triền miên.
Đây cũng là một nỗi cô đơn khác nữa, cũng rất là “người” thôi. Nhưng các linh mục luôn ray rứt, khổ đau không nguôi. Bởi vấn đề luôn là nan giải.
Tuy những nỗi cô đơn đó cũng rất là “người” thôi. Nhưng nào có mấy ai hay, có mấy ai biết, để thường xuyên đến thăm viếng các linh mục tại các nhà hưu dưỡng, để an ủi, để chia sẻ, để khích lệ tinh thần, để nâng đỡ phần vật chất.
Rồi, cái khoảng cách quá xa, giữa khi làm việc và lúc về hưu, đã làm cho người linh mục miên man suy nghĩ không thôi:
Bởi khi còn tại chức, khi còn làm việc được, thì “còn duyên”, thì còn có kẻ tới người lui, thì còn có nhiều kẻ đón người đưa.
Nhưng khi đã về hưu, đúng là lúc đã “hết duyên rồi”, thì lại thui thủi “đi sớm về trưa một mình”.
Lạy Chúa, những điều chúng con vừa cùng nhau suy nghĩ trên đây, cũng chỉ là một phần của những thánh giá, mà các linh mục phải vác.
Tuy nó rất bình thường, rất tự nhiên thôi, cũng rất là “người” thôi. Nhưng xin Chúa nâng đỡ các linh mục của Chúa, hôm nay và mãi mãi, trong suốt cuộc hành trình ơn gọi của các Ngài, để cuộc đời của các Ngài sẽ là một cuộc hiến tế trọn vẹn, hoàn hảo, dâng lên Thiên Chúa. Amen.