MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 249

Thứ tư - 23/02/2022 21:31
MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 249
MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 249
MỘT DÂN TỘC VĨ ĐẠI
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 249)
-------------------------------------

Bạn thân mến,

Trận động đất ngày 11-03-2011 tại Nhật Bản, đã lên tới 8,9 độ richter, là một trận động đất mạnh nhất, kể từ 140 năm qua. Nó kéo theo những đợt sóng thần, cao tới 10 mét, ập vào phía đông bắc của nước này, và đã gây ra một cảnh tàn phá chết chóc thật khủng khiếp.

Liền sau thảm hoạ động đất sóng thần đó, thì nước Nhật lại phải đương đầu với một hiểm hoạ phóng xạ, do nhà máy điện hạt nhân, gặp phải sự cố.

Đã có khoảng trên 10.000 người chết và mất tích.

Thiệt hại ước tính có thể lên tới 100 tỉ dollar.

Một điều, đã làm cho cả thế giới phải ngỡ ngàng khâm phục, đó là tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự bình tĩnh, tinh thần kỷ luật và lòng tự trọng của người Nhật, rất là cao:

Khắp nơi, chỗ nào cũng vậy, người ta không hề thấy có sự chen lấn, không hề thấy có chuyện ấu đả, không hề thấy có chuyện lộn xộn mất trật tự, không hề thấy có chuyện ồn ào linh tinh, tại các trung tâm cứu nạn.

Cũng không ai thấy có chuyện la ó, hay tranh giành, làm rối trật tự, khi họ nhận đồ cứu trợ.

Cũng không ai thấy có cái cảnh cướp bóc, giật dọc, mất an ninh, hay hôi của, như vẫn thường thấy xảy ra ở nơi này nơi nọ, trong những trường hợp tương tự.

Như vậy, trong những hoàn cảnh đau thương bi đát đến thê thảm, mà người Nhật vẫn giữ được phong độ của mình, vẫn được phong cách của mình, cho nên đã làm cho mọi người trên khắp thế giới phải mến yêu, phải nể phục.

Nể phục, không phải chỉ vì sự phát triển khoa học kỹ thuật của họ, đã đạt tới đỉnh cao vào bậc nhất thế giới, nhưng còn nể phục, là vì trong những hoàn cảnh thê lương bi đát đến cùng cực như vậy, mà họ vẫn giữ được cái khí tiết của một người quân tử:

Rất có giáo dục, rất có văn hoá, rất có nhân bản và rất có đạo đức.

Nền giáo dục của họ, từ người lớn đến con nít, đã cho thế giới thấy, là họ đã đạt tới cái đỉnh cao vượt mức, mà mọi người trên khắp thế giới, chỉ biết chiêm ngưỡng và chỉ biết bái phục.

Họ không cần lên báo, cũng chẳng cần lên đài, cũng chẳng cần dàn đựng công phu hoành tráng trên tivi, để khoe những thành tích của mình.

Nhưng cách sống và cách ứng xử của họ trong những hoàn cánh khó khăn đó, đã làm cho mọi người, ai ai cũng đều thấy, ai ai cũng đều cảm nhận được, và mọi người đều kính nể, đều thán phục.

*****

Có một câu chuyện thật cảm động, do một cảnh sát Nhật, gốc người Việt, đã kể lại trên tờ báo Tuổi Trẻ ngày 18-03-2011, trang 11, có thể minh hoạ, giúp chúng ta hiểu phần nào, về sự thành công này, trong cách giáo dục đạo đức của họ. Anh cảnh sát đó kể như sau:

“Tối hôm qua, tôi được phái tới một trường tiểu học, phụ giúp “Hội Tự Trị” ở đó, để phân phát thực phẩm cho những người bị nạn.

Trong số những người rồng rắn xếp hàng, tôi thấy có một em nhỏ độ chừng 9 tuổi. Trên người em, chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời thì rất lạnh, mà em thì lại xếp hàng ở cuối cùng.

Sợ đến phiên em, thì chắc là chẳng còn thức ăn đâu, nên tôi tiến lại gần hỏi thăm em.

Em kể, là em đang học ở trường trong giờ thể dục, thì trận động đất và sóng thần xảy ra.

Cha của em làm việc ở gần đó, nên đã vội chạy đến trường. Từ trên ban công lầu 3 của nhà trường, em nhìn thấy rất rõ chiếc xe và cha em, đã bị nước cuốn trôi.

Chắc chắn là cha em đã chết rồi.

Còn khi được hỏi thêm về người mẹ, thì em nói: nhà của em nằm ngay bờ biển, mẹ và em chắc chắn là cũng không thể chạy thoát kịp.

Em bé quay người, lau vội dòng nước mắt, khi nghe hỏi đến những người thân.

Nhìn thấy em bị lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát của tôi, để trùm lên người em. Vô tình, gói lương khô, khẩu phần ăn tối của tôi, bị rơi ra ngoài. Tôi lượm lên, đưa cho em và nói:

"Đợi tới phiên của con, chắc chắn là hết là thức ăn rồi. Đây, khẩu phần của chú, chú đã ăn rồi, bây giờ con ăn đi cho đỡ đói".

“Em bé nhận gói lương khô, khom người thật sâu để cảm ơn. Tôi tưởng là em sẽ ăn ngấu ăn nghiến ngay lúc đó. Nhưng không. Em ôm gói lương khô tôi cho, đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm, và để gói lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát, rồi lại quay về chỗ, tiếp tục xếp hàng.

Ngạc nhiên vô chừng, tôi hỏi em: Tại sao con không ăn, mà lại đem bỏ vào đó.

Em trả lời:

"Dạ, bởi vì còn có nhiều người, chắc là đói hơn con. Con bỏ vào đó, để các cô, các chú phân phát chung cho công bằng chú ạ".

Nghe vậy, tôi vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, để mọi người không nhìn thấy.

Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi, mới học lớp 3, mà đã có thể dạy tôi một bài học làm người, trong lúc em đang gặp khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

“Một dân tộc, với những đứa trẻ 9 tuổi, đã biết nhẫn nại, đã biết chịu đựng gian khổ, và đã biết chấp nhận hy sinh cho người khác, chắc chắn phải là một dân tộc vĩ đại.

Đất nước này, đang đứng trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng cũng chắc chắn đất nước này, rồi sẽ hồi sinh mạnh hơn, nhanh hơn, nhờ những công dân biết hy sinh bản thân vì người khác, ngay từ tuổi niên thiếu...”.

*****

Nghe câu chuyện em bé người Nhật 9 tuổi, không sống cho riêng mình, mà trong lúc cùng cực thê thảm, lại biết nghĩ đến người khác, tự nhiên tôi liên tưởng đến cha thánh Ma-xi-mi-li-a-nô Kol-bê của chúng ta.

Cha thánh Kol-bê, là một linh mục công giáo người Balan. Cha bị bắt năm 1941, dưới chế độ Đức Quốc xã.

Đang khi chờ đợi ngày bị đưa vào lò để thiêu sống, thì xảy ra trong trại, có một tù nhân vượt ngục.

Viên cai tù tập trung tất cả tù nhân lại và tuyên bố: Một người trốn tù, thì 10 người phải chết thay.

Và anh ta còn đe doạ:

Lần sau, số người chết sẽ tăng lên gấp đôi. Nói rồi, anh ta lần lượt đưa tay, chỉ vào 10 tù nhân.

Bỗng có một tù nhân vừa bị chỉ định, lền vội vàng quỳ gối dưới chân viên cai tù và la to lên:

“Ôi vợ tôi. Ôi các con của tôi”.

Lúc đó, lại cũng có một cảnh khác rất bất ngờ và cũng rất đáng cho mọi người khâm phục: Đó là Cha Kol-bê.

Cha bước ra khỏi hàng ngũ, giơ tay lên, xin tự nguyện chết thay cho người cha đang đau khổ.

Được viên cai tù hỏi tại sao, thì cha Kol-bê trả lời bằng một câu thật đơn giản:

“Vì tôi, là một linh mục công giáo. Đời tôi đây, không còn có thể giúp ích gì cho ai được nữa. Còn ông này, ông còn có gia đình để gánh vác”.

Sau này, người cha gia đình này được thoát chết. Và ông, đã có mặt trong ngày phong chân phước Cha thánh Kol-bê, như là một nhân chứng, tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, này 17-10-1971.

Lạy Chúa Giêsu, trên đời này, hãy còn có rất nhiều người đã biết quên mình, để sống cho người khác.

Cuộc đời của họ rất cao thượng và rất quảng đại, giống như Chúa đã chết trên thánh giá vì chúng con, đang khi chúng con hãy còn là những tội nhân, những con người đang có tội với Chúa, những người đang phản nghịch với Chúa.

Xin cho chúng con, những môn đệ Chúa, cũng biết sống quảng đại và cao thượng, như chính Chúa đã làm gương cho chúng con. Amen.

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=OS-nTdM6_Xq
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây